Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Chương 1- Xuất phát điểm của đạo Phật

19 Tháng Sáu 20169:57 CH(Xem: 2384)
Chương 1- Xuất phát điểm của đạo Phật

Phật Học Tinh Yếu 3
HT Thích Thiền Tâm


Thiên Thứ Ba
Chương 1

Xuất Phát Điểm Của Đạo Phật

Tiết Mục:

I. Vấn đề khổ trong đạo Phật
II. Căn bản giải thoát của đạo Phật
III. Ý nghĩa xuất gia của đạo Phật
IV. Bản hoài ra đời của đức Phật

Kinh sách tham khảo : - Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Hiền Ngu, Trúc Song Tùy Bút Lục, Tri Môn Cảnh Huấn.

Đề yếu : Điểm xuất phát của các tôn giáo không ngoài vấn đề thoát khổ, vì thật ra trong đời nổi khổ vẫn nhiều, dù có vui cũng chỉ là tương đối. Nhưng muốn đi đến chỗ an vui tuyệt đối, vĩnh viễn và bất hoại, hành giả phải tiêu trừ cái ta, bởi ngã chấp là nguyên nhân của sự sống chết luân hồi.

Đạo Phật cao siêu và cứu cánh hơn các tôn giáo khác là ở điểm đó. Phương tiện để mau trừ trần phược, đạt đạo, nguyên của phần đông giáo phái, là đường lối xuất gia. Và ý nghĩa đặc sắc về xuất gia của đạo Phật là thoát ly những nhà: thế tục, phiền não, tam giới. Song dù đã ra khỏi tam giới, sự độ mình và độ người cũng chưa gọi là viên mãn, hành giả còn phải tiến tu phước huệ, để vượt lên địa vị tột cùng là quả Phật. Chư Như Lai ra đời cũng không ngoài bản nguyện này.

Tuy nhiên, vì chúng sanh căn cơ sai biệt, nếu chỉ nói một pháp tất không thể độ khắp hết được, nên khi xuất thế chư Phật phải phương tiện mở ra nhiều môn. Như các sông ngòi đều chảy ra biển, bao nhiêu pháp lưu tuy có cạn sâu cũng đều trôi về Viên giác hải. Giáo pháp của đạo Phật tuy nhiều, nhưng đại ước chia làm năm thừa hay ba thừa. Nhơn thiên thừa trong bản thiên, chỉ thuộc về phạm vi của hạ thừa mà thôi.

Tiết I. - Vấn đề khổ trong đạo Phật

Thử nhìn khi cuộc sống ban mai bừng dậy ở đô thành, ta thấy trên các nẻo đường, khuôn chợ, hè phố, quả là hiện cảnh của một suối người ồn ào rộn rịp. trong ấy, có già trẻ nam nữ, có sang hén, nghèo giàu, có kẻ xinh đẹp, người xấu tho, kẻ khoẻ mạnh vẹn toàn, người yếu gầy tàn tật. Số người đông đảo gồm nhiều hạng sai biệt ấy đang làm gì ? Tất cả đều đi về vấn đề mưu sinh, lo ăn, mặc và ở. Trong cuộc sống hỗn độn, cũng vì việc đó mà loài người tranh đua, giành giựt, lường gạt, cướp bóc, cho đến giết hại lẫn nhau. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, hết đời trị đến đời loạn, giữa cái vui bào ảnh sự khổ triền miên, qua bao nhiêu lớp tang thương, loài người vẫn sống trong cảnh ấy. "Cổ nhơn bất kiến kim thời nguyệt ". Người xưa không thấy cảnh trăng ngày nay, người nay cũng không thưởng thức được cảnh trăng thời xưa, song vầng trăng đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của lớp người kim cổ! Và nếu gương trăng có được mối suy tư, chắc cũng sẽ tự hỏi : " Dòng đời cứ liên tục như thế, con người từ đâu sanh ra? Khi chết sẽ đi về đâu? Và cái gì là cứu cánh của kiếp người?

Nhưng vì gương nga không có mối suy tư, nên cuộc đời xưa nay vẫn như thế. Nếu có chăng thì cũng chỉ một ít sự cảnh giác nho nhỏ về thân thế của loài người những cây sậy biết suy tư. Chẳng hạn như :

Khi tỉnh mộng, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa !

Hay :

Còn ai, ai tỉnh, ai mê ?
Hởi ai thiên cổ đi về những đâu ?
... Đời đáng chán hay không đáng chán ?
Cất chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm ?

Hoặc là :

Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê !

Hoặc nữa :

Trong trời đất cổ kim, kim cổ,
Mãnh hình hài, không có, có không !

Nhưng con người chỉ thoạt bừng tỉnh đôi phút rồi mơ màng trở lại, nên cuộc đời đâu cũng vào đó, và thế nhơn vẫn nối dõi mãi kiếp sống mộng trong cõi ngàn năm mây bay.

Trong giấc mơ vô tận ấy, ai là người đã thức tỉnh? Thuở xưa đức Thích Ca khi còn là Thái tử, nhân lúc đi du ngoạn ngoài bốn cửa thành, ngài đã nhận thức sâu xa cái khổ của kiếp người qua các tướng già, bịnh, chết. Và ngài cũng đã phát giác con đường thoát khổ qua hình dáng tự tại của vị Sa môn xả hết sự dục nhi­ễm ở đời, xuất gia đi tìm chân lý. Cho nên sau khi đắc đạo, đức Mâu Ni Thế Tôn hằng đem thuyết bát khổ , tam khổ để cảnh giác hàng môn đệ khuyên họ thắp sáng ngọn đuốc tự tỉnh, cố gắng vượt suối băng đồi, dìu dắt nhau hướng về chân trời giải thoát.

Bát khổ là gì ? Đó là tám nỗi khổ của kiếp người gồm có: sanh, già, bệnh, chết, thương xa lìa, oán gặp gở, sự mong cầu không toại ý, và năm ấm lẫy lừng.

Về mối khổ thứ nhất, theo huệ nhãn của đức Phật thấy, thì con người khi còn ở trong thai, tâm thức mơ màng, sống giữa cảnh giới nhơ nhớp tối tăm như cảnh tù ngục. Khi bà mẹ dùng thức ăn quá nóng, thai nhi như bị nằm gần lò lửa, và khi dùng thức ăn quá lạnh, thai nhi như ở trong chổ giá băng. Đến ngày sanh nở, đứa trẻ thoát ra khỏi thai cung lẫn lộn với máu huyết, ở trong trạng thái nguy hiểm thừa sống thiếu chết. Khi mới sanh ra con người chỉ là một khối thịt non, cơn đói khát, lúc lạnh nóng, khi bị kiến muỗi cắn đốt, duy biết khóc la. Tình trạng ấy thật đáng thương xót, mà loài người trong vô lượng kiếp vẫn mãi chịu sự sanh khổ đó. Vì thế nên tiên đức đã than : "Vừa khỏi bào thai lại nhập thai. Thánh nhơn trông thấy động bi ai! Huyễ­n thân xét lại toàn nhơ khổ. Dứt vọng mau về tánh bản lai ".

Cây cỏ đã có lúc tươi tắn sởn sơ, rồi sẽ phải đi đến chỗ điêu tàn cằn cỗi. Con người cũng như thế, có sanh tất có già, sanh đã khổ mà già cũng khổ. "Nhớ thuở còn thơ dong ngựa trúc. Thoắt trong nay tóc điểm màu sương !". Con người dù là thư sinh mặt trắng hay thiếu nữ má hồng, ngày kia cũng phải trải qua cảnh ấy. Khi đã đến tuổi xế tàn, thì con người chịu đủ các thứ suy khổ: Da nhăn tóc bạc, lưng mõi gối dùn, tai lãng mắt lờ, răng long má cóp, ăn chẳng biết ngon, ngủ không yên giấc. Như thân cây đã trải qua bao sương nắng rồi đến lúc ủ rũ xác xơ, con người chịu nhiều nỗi lao lực lao tâm rồi lại tới cảnh suy già tàn tạ, tình trạng ấy nào có vui chi? Vì thế đức Phật mới bảo: già là khổ !

Lão tử đã than : "Ta có họa lớn, vì ta có thân". Thật vậy, đã có thân thì khi đói khát, lúc thời tiết nóng lạnh, khi muỗi mòng cắn đốt, lúc cực nhọc vất vả, con người đều cảm thấy khổ. Nói riêng về sự đau bệnh, không ai có thể tránh khỏi, khác chăng chỉ ít nhiều nặng nhẹ mà thôi. Các chứng ngoại cảm nội thương, nếu nhẹ thì chỉ một đôi bữa hay năm mười ngày, như nặng có khi triền miên trải qua năm tháng, làm cho con người chịu nhiều nỗi nhọc mệt khổ đau. Nếu vương nhằm những ác bệnh như: lao trái, phong cùi, ung thư, cổ trướng... mà lại gặp cảnh nghèo nàn, không tiền thang thuốc, đời kẻ ấy kể như đã mất hết sinh thú. Có thân là có bệnh, có bệnh tức có khổ, cái thuyết " Bịnh là khổ " quả thật có mối đáng quan tâm, mà người đời hầu hết đều mơ màng, ít ai suy gẫm sâu để tìm lối thoát.

Như đóa hoa, trải bao phen tươi tốt lại đến lúc tàn tạ héo khô, kiếp nhơn sinh mãn thuở trắng răng sang hồi đầu bạc, rồi kết cuộc đi về nẽo chết. Đó là nói theo thông thường, thật ra cái chết không hẹn kẻ ấu thơ hay người tuổi tác. Trước khi chết con người thường trải qua cơn đau khổ về thể chất lẫn tinh thần. Về thể chất thì khi thần thức sắp rời bỏ báo thân, đương nhơn bị sức nghiệp ác làm cho chân tay co rút, mình mẩy nhức đau. Về tinh thần thì còn nỗi hãi hùng kinh sợ, hoặc tham luyến tiếc thương đối với thân nhơn, tài sản. Chúng sanh vì chấp ngã, phần nhiều hay tham sống sợ chết, nên sự chết là mối lo ngại của con người. Hơn nữa, biển nghiệp mênh mang, khi chết không biết thần thức sẽ trôi giạt về đâu, thật là một điều đáng bi thảm! Vì thế đức Phật đã bảo: chết là khổ !.

Sống trong đời ai cũng có thân bằng quyến thuộc. Đó là những người ân, những kẻ đồng lao cộng khổ, hay những người cùng gần gũi nhau, hiểu biết nhau, nên nếu chưa phải là bậc giải thoát, tất không tránh khỏi sự tương quan về tình cảm. Vì thế, trong hoàn cảnh xa lìa người thân mến, ai cũng cảm thấy một nỗi buồn! Cảnh tử biệt tuy sầu, nhưng còn dễ­ nguôi hơn cảnh sanh ly làm cho người mãi trông mong thương nhớ ! "Thà rằng tử biệt, ai nỡ sanh ly", đó là câu tục ngữ biểu dương sự buồn khổ của đương nhơn trong tình chia cách. Có người đã vì cảnh biệt ly mà sầu thương vàng vỏ, đôi khi đi đến cái chết. Cho nên thương mà xa cách, xác thật là sự khổ của kiếp người.

Thương xa lìa đã khổ, mà oán gặp gỡ cũng khổ. - gần những kẻ không đồng tâm chí, không hiểu biết nhau, thường có sự trái nghịch ý kiến, có mối buồn giận bất hòa, làm sao sanh được niềm tươi vui an lạc? Nếu những người ấy là kẻ đối đầu, rắp tâm mưu hại nhau, thì thật đương nhơn phải sống trong phút giây âu lo hồi hộp. Trong trường hợp oan gia gặp gỡ, mà lại lâm vào hoàn cảnh khó nổi thoát ly, thì kiếp nhơn sinh đã hầu như vô vị, sự khổ còn chi hơn? Đức Phật nói oán ghét gặp gỡ rất khổ, là như thế đó.

Con người sống với nhiều hy vọng. Có kẻ nghèo muốn cầu cho giàu hoặc sự sinh nhai vừa đủ, xấu muốn được đẹp, không danh phận muốn được thi đỗ hay có địa vị cao sang, đau bịnh tàn tật muốn được vẹn toàn khỏe mạnh, gia đình tan tác muốn cho tụ hội đoàn viên, nam nữ thương nhau muốn cho được phụng loan hòa hợp, không con muốn cho có người thừa tự, con cháu ngỗ nghịch muốn cho nó trở nên thảo thuận hiền lương; tóm lại từ việc nhỏ đến to, con người có muôn ngàn ước vọng. Nếu sự mong ước đó không thành, tất kẻ ấy phải ôm lấy sự buồn rầu đau khổ. Cho đến có người vì thất vọng mà mang bịnh hoặc quyên sinh. Nên sự mong cầu không toại ý cũng là một mối khổ của kiếp người.

Chân tánh của ta bị năm uẩn che lấp, năm uẩn này cũng gọi là năm ấm, tức là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm ấm đây đại khái chỉ cho phiền não. Như một khoảng không gian trong tạnh mà bị khói lửa un xông, thì không khí ở nơi đó trở nên ngột ngạt nóng bức. Tâm tánh trong sạch của ta cũng như thế, nếu bị khói lửa phiền não ngũ ấm un xông, thì con người ấy đâu còn sự sáng suốt, mát mẻ, an vui ? Những vị tu hành đi sâu vào thiền định, không những thấy một niệm phi pháp là khổ nhọc, mà một niệm hợp pháp cũng là mối trần lao. Cho nên các bậc thánh giả đã quan niệm năm ấm chẳng khác nào kiếp lửa thiêu đốt thế gian. Chúng sanh ba cõi đều còn trong phạm vi mù mịt nóng bức của năm ấm, nhưng riêng về loài hữu tình ở Dục giới, nghiệp phiền não có phần thô trọng hơn. Vì thế đức Phật đã bảo: năm ấm lẫy lừng là khổ !

Trong Bát khổ trên đây, bốn món trước thuộc về khổ vật chất, bốn món sau thuộc về khổ tinh thần. Sự khổ về vật chất, tinh thần của kiếp người, có thể khái quát trong tám điều ấy. Ngoài thuyết Bát khổ còn có thuyết Tam khổ là :Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ.

Khổ khổ là sự khổ tăng thượng, đại ý chỉ cho trên mối khổ này còn thêm mối khổ khác; chẳng hạn như trên sự nghèo nàn còn thêm tật bệnh, trên khổ vật chất còn thêm khổ tinh thần.

Hoại khổ là nổi khổ sau khi cuộc vui đã hoại, đại khái chỉ cho sự buồn khổ trên cảnh tướng vô thường. Thí dụ như khi bạn bè thân quyến tụ hợp là vui, lúc chia tay lại buồn; khi đắc thời được quyền chức thì vui, lúc thất thế mất công danh lại khổ. Hành khổ là sự khổ do nghiệp hoặc lưu hành trong tâm thức, nhẹ thì nó làm cho chúng sanh mờ mịt tán loạn không được an điềm sáng suốt, nặng thì khiến cho nổi lên nghiệp tham, sân, si vui buồn bất định.

Trong Tam khổ đây, chúng sanh ở cõi dục có đủ ba, nơi cõi sắc chỉ có Hoại khổ và Hành khổ; còn cõi Vô Sắc duy có Hành Khổ.

Tóm lại, dù Tam khổ hay Bát khổ, đều y cứ trên pháp hữu vi. Nếu chúng sanh còn chấp trước pháp hữu vi dù thô hay tế, tất còn có khổ. Chính sự vui của thế gian, đức Phật cũng cho là mối vui điên đảo, là khổ chớ không thật vui. Nên ngài đã bảo "Ba cõi đều vô thường. Các pháp không có chi là vui ". (Tam giới đại vô thường. Chư Hữu vô hữu lạc). Sự vui chân thật theo đấng Điều Ngự, là cảnh vắng lặng, trong sạch, sáng suốt, giải thoát của niết bàn thuộc đức trí, và lòng thương xót cứu độ chúng sanh thuộc đức Bi.

Tiết II.- Căn Bản Giải Thoát Của Đạo Phật

Sự vui giữa đời, dù cho người từ bé đến già sống trong cảnh giàu sang hưởng mọi thú vật chất, cũng chỉ là sự vui tương đối. Nhưng ở thế gian hỏi có bao nhiêu người được hưởng cảnh no ấm giàu sang? Và dù gia tư phong phú, mấy ai được vẹn toàn các phương tiện: giàu có, sang trọng, xinh đẹp, khỏe mạnh, sống lâu, thông minh; trong gia đình thì vợ đẹp con ngoan, dâu hiền, cháu thảo, ngoài xã hội lại được mọi người mến yêu kính nể, danh thơm bay khắp, uy thế lẫy lừng? Nhìn kỹ lại trong đời người nghèo đã chiếm hết bảy tám phần mười, dù cho bậc đế vương cũng ở trong vòng Bát khổ.

Trên đây là đại khái nói sự vui về vật chất. Có người không cho vật chất đầy đủ là vui, mà sống trong cảnh thanh bần, không làm điều gì trái với lương tâm, nơi lòng tự nhiên có sự vui, mà sống trong cảnh thanh bần, không làm điều gì trái với lương tâm, nơi lòng tự nhiên có sự vui. Theo bậc hiền triết trong nho giáo thì: "Một đai cơm, một bầu nước, co cánh tay gối đầu, trong ấy có sự vui. Còn giàu cùng sang, đối với ta như mây nổi". ( Nhứt đơn tự, nhứt biều ẩm, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc tại kỳ trung hỷ. Phú thả quý ư ngã như phù vân). Và quan niệm " Gành đá Khương công đôi khóm trúc. Áo xuân Nghiêm tử một vai cày", đều thể hiện cái vui thanh đạm ấy. Nhưng đây có lẽ là một đối tượng so sánh giữa cái giàu ô trược nhiều lo lắng, không bằng cái nghèo trong sạch tâm thanh thản mà thôi. Thật ra, nếu phần vật chất quá thiếu thốn, van nợ tràn nước mắt, chạy ăn toát mồ hôi, thì dù người lương thiện trong sạch đến đâu cũng vẫn thấy khổ, bởi con người chưa thoát khỏi những quan hệ về vật chất. Vậy thì thuyết an bần lạc đạo theo nhà hiền triết thế gian, chưa đi đến chỗ an vui giải thoát cứu cánh.

Có người thấy tình đời như nước chảy, việc đời như mây bay, cảnh bụi hồng đều ngắn ngủi phù hư, nên vào rừng thẳm lên non cao, học phép trường sanh bất lão. Nhưng dù có kéo dài mạng sống đến ngàn muôn năm, kết cuộc cũng có ngày chung tận, vì tất cả pháp hữu vi đều biến hoại. Sự thoát hóa này bên đạo Tiên gọi là thi giải. Hoặc có kẻ đắc tứ thiền, hay phá hoại sắc ấm chứng được tứ không, khi sức định đã mãn, cũng phải bị đọa và nẻo luân hồi. Tại sao thế? Bởi theo lời đức Phật, tất cả lối tu của ngoại đạo đều không thoát ngoài vòng chấp ngã, có khác nhau chỉ thô hoặc tế mà thôi. Thế thì các pháp tu của ngoại giáo cũng chưa phải là đường lối giải thoát cứu cánh.

Để tìm sự an vui chân thật, đi đến tận chân trời giải thoát, Phật giáo quan niệm rằng khi còn cái ta tất còn mối khổ, như khi một tấm bia đã dựng lên thì bao nhiêu mũi tên đều tập trung vào. Cho nên, khác với các ngoại phái còn bám víu bản ngã, Phật giáo chủ trương phá cái ta, phá mối chấp vật sở hữu của ta; và không những phá Nhơn ngã, còn phá luôn cả Pháp ngã. Có người kinh nghi cho rằng : Nếu buông hết bản ngã, ta sẽ đi về đâu? Ta sẽ như một khoảng không gian không còn tri giác nữa chăng? Xin đáp: nếu buông bỏ huy­ễn ngã, ta sẽ được cái chân ngã. Chân ngã đây cũng gọi là chân tánh hay Phật tánh. Chân tánh này trùm tất cả mười phương hư không thế giới, mình tức là vật, vật tức là mình. Chừng ấy ta sẽ có một tri giác rất mầu nhiệm, biết suốt ba đời, thấu rõ vạn hữu, gọi là linh tri. Cho nên khi ta bỏ được cái chấp nhỏ hẹp của tiểu ngã, tất sẽ trở về chân thể bao la của đại ngã, đừng nghĩ rằng buông cái vọng ngã, ta sẽ lạc vào cảnh mờ mịt không không. Để mô tả sự quy chân này, cổ đức đã có câu: "Non cùng nước tận ngờ không lối. Liễu biết hoa tươi lại một thôn! ". Vậy yếu điểm giải thoát của đạo Phật, có thể nói ước lược theo nhà thiền là: bỏ tất cả để được tất cả.

Tóm lại, nếu quả đời là tuyệt đối an vui, thì đạo không thành vấn đề. Tất cả sự tranh đua của đời và xu hướng của đạo đều đi về một tiêu chuẩn: tránh khổ tìm vui. Nhưng trên đường lối này có những điểm cạn sâu, thô tế, và cứu cánh không cứu cánh khác nhau. Liên Trì đại sư một cao tăng đời Minh bên Trung Hoa, đã giản biệt sự hơn kém ấy qua những điểm như sau : "Sự vui đam mê sắc dục, danh vọng, tiền của, bạc bài, rượu thịt, không bằng cái vui thanh nhã của cầm, kỳ, thi, họa, ngoạn thủy du sơn. Sự vui ngao vui sơn thủy cùng thi, họa, cầm, kỳ, lại không bằng mối vui đọc kinh sách thánh hiền. Sự vui đọc kinh sách thánh hiền còn kém thua niềm vui tịnh tâm" . Qua bốn lớp lạc thú ấy, ta thấy duy tịnh được tâm mới tìm ra nguồn an vui mầu nhiệm. Để phân tích rõ hơn, tịnh tâm tức là định tâm; nhưng định tâm của chúng sanh trong ba cõi còn có đối đãi, chưa thoát vòng ngã chấp, không bằng định tâm của bậc đã siêu thoát tam giới. Ý chỉ cứu cánh về tịnh tâm của Liên Trì đại sư nói, thuộc về nghĩa sau này. Khi đã dứt hết sự chấp trước, hành giả sẽ được thần thông, trí tuệ, hùng lực, biện tài, rồi mặc cỡi thuyền bi nguyện độ khắp quần sanh.

Đó là nguồn an vui và giải thoát chân thật cứu cánh của đạo Phật.

Tiết III- Ý Nghĩa Xuất Gia Của Đạo Phật

Bởi những lạc thú của đời chưa phải là tuyệt đối an vui, nên mới có nhiều xu hướng giải thoát khác nhau. Và để thực hiện những xu hướng đó, phần đông các giáo phái đã lựa hình thức xuất gia, vì tục duyên là cảnh tham nhi­ễm và bao mối dây ràng buộc đối với người muốn đi trên đường giải thoát. Riêng về sự xuất gia của đạo Phật, thì có ba ý nghĩa hay ba giai đoạn :

- Giai đoạn thứ nhất là xuất thế tục gia. Đây là phương tiện thoát ly gia đình, dứt hết tục duyên để yên tâm học đạo. Kinh Hiền Ngu có đoạn nói: "Nhà thế tục là ổ hang ân ái, nơi đủ các sự ràng buộc, là cảnh giả tạm vô thường. Những kẻ được hưởng phước lạc ở cõi người cho đến cõi trời, đã phóng túng say mê theo dục vọng. Họ không có con mắt trí huệ để nhận xét: đó là cảnh giả dối không thật, là hố lửa sâu thiêu đốt kẻ ngu si tham vọng, là hầm cạm bẫy đưa dắt chúng sanh vào nơi ác thú luân hồi. Giả sử có vị nào xây tháp bằng bảy báu, công đức ấy cũng chưa bằng cho người đi xuất gia, vì tháp thất bảo kia có ngày sẽ bị kẻ tham ác ngu si phá hủy. Những ai cản trở người phát tâm xuất gia, kẻ đó sẽ bị tội đọa vào địa ngục hắc ám, hoặc bị đui mù. Ví như nước tất cả các sông lớn, sông nhỏ, ngòi, lạch, khe, suối, đều chảy về biển, sự thọ tội báo của kẻ ấy cũng sẽ như thế. Cho người đi xuất gia hay chính mình xuất gia, công đức sâu rộng như trời xanh biển thẳm". ( Trích lược ). Đại khái, muốn được xuất trần, trước tiên phải lìa nhà thế tục, và sự lợi hại đã di­ễn tả như trên.

- Giai đoạn thứ hai là xuất phiền não gia. Sau khi lìa nhà thế tục, người tu phải y theo lời Phật dạy, cố gắng lần lượt dứt trừ những nghiệp tham lam, giận hờn, si mê, để ra khỏi nhà phiền não, vào cảnh thanh lương. Về ý nghĩ này, Đạo An pháp sư có mấy lời cảnh sách theo lối văn liên vận tuy chất phát bình dị, nhưng đầy ý nghĩa :

" Ông đã xuất gia, xa lìa mẹ cha. Cạo tóc hủy hình, khoác mảnh áo dà. Ngày từ thân thuộc, lớn nhỏ lệ sa. Diệt tình vui đạo, chí cao thiên hà. Nên giữ tâm ấy học nghiệp cho minh. Nếu còn đem tâm theo đường sắc thinh. Lững lơ năm tháng, đạo nghiệp không thành. Đức hạnh ngày tổn, tiếng xấu càng sanh. Thầy bạn hổ thẹn, người tục cười khinh. Xuất gia như thế, chỉ thêm nhục mình. Nay lời khuyên nhắc, phải gắng chuyên tinh!.

Ông đã xuất gia nhẹ tình quân thân. Phải nên cố gắng, chí nhìn thanh vân. Xa miền danh sắc, phong thái siêu trần. Vàng ngọc chẳng qúy, duy đạo là hơn. Giữ tiết thanh cao, nghèo khổ không sờn. Tu đức độ mình, độ khắp thế nhơn. Nếu như cải tiết, theo lối phong trần. Ngồi chẳng ấm chiếu, chạy khắp tây đông. Thân như sai dịch, danh lợi mê lòng. Giới đức kém thiếu. Đạo lý chẳng thông. Đàn tín bình luận, bạn hữu xa lần. Xuất gia như thế, năm tháng uổng không. Nay lời khuyên nhắc, tự thương tự phòng !

Ông đã xuất gia, tối hoặc thông minh. Học dù nhiều ít, hạnh phải chuyên tinh. Bậc thượng thiền quán, bậc trung tụng kinh. Bậc hạ gieo phước, chùa tháp kinh dinh. Đâu nên hôm sớm, một việc không thành. Xuất gia như thế, luống uổng kiếp sinh. Nay lời khuyên nhắc, chớ nên phụ mình !

- Giai đoạn thứ ba là xuất tam giới gia. Sau khi đã hàng phục phiền não, người tu phải cố gắng đi sâu vào thiền định, phá tan hết hoặc nghiệp để vượt ra ba cõi, thoát nẻo luân hồi. Đây mới là bước cứu cánh của xuất gia. Và theo cổ đức , đây mới gọi là làm xong việc lớn của người tăng sĩ. Một vị thiền khách đã diễn tả sự đắc ý ấy như sau: " Tay với vòm nam đẩu. Mình nghiên dựa bắc thần. Ngước nhìn ngoài vũ trụ. Ai ấy bạn siêu nhân ?" .

Tóm lại, người xuất gia dù chưa ra khỏi nhà tam gới, ít nhất cũng phải thoát ly nhà thế tục và nhà phiền não. Nếu kẻ đã cạo tóc mặc pháp phục, mà chỉ lo củng cố chùa chiền xem như cảnh tư hữu của mình, quanh năm mưu cầu danh lợi hoặc tranh dành đệ tử bổn đạo, xem như hàng quyến thuộc của mình, thì tuy lìa khỏi sự ràng buộc về gia đình của đời, nhưng chưa thoát ly sự ràng buộc về gia đình của đạo. Như thế cũng chưa đúng với ý nghĩa xuất gia thứ nhứt. Cho nên một vị tăng hay ni, dù có chùa chiền đệ tử, bổn đạo, phải xem là nhân duyên giả huy­ễn, đừng sanh lòng tham đắm. Nên giữ đúng theo lời Phật dạy :"Bồ tát tuy thị hiện có vô biên quyến thuộc. nhưng nơi tâm vẫn không quyến thuộc" ( Bồ tát tuy thị hiện vô biên quyến thuộc, nhưng tâm hằng vô quyến thuộc). Và, nếu như một vị tăng vân thủy không lưu trụ nơi đâu, xem có vẻ siêu thoát, nhưng nơi ngôn hạnh còn lộ vẻ tham sân si, cũng chưa đúng với phong thái xuất gia, bởi kẻ ấy còn trong nhà phiền não.

Bậc thiền đức khi xưa đã gọi xuất gia là việc trọng hệ khó khăn không phải khả năng của quan văn hay võ có thể làm được, là như thế đó.

Tiết IV - Bản Hoài Ra Đời Của Đức Phật

Kinh Pháp Hoa nói:"Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một nhân duyên lớn mà hiện ra đời. Xá Lợi Phất ! Sao gọi là chư Phật Thế Tôn chỉ vì một nhân duyên lớn mà hiện ra đời? - Đó là các đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh mở mang tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra đời. Vì muốn chỉ bày tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra đời. Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra đời. Vì muốn cho chúng sanh chứng vào tri kiến Phật mà hiện ra đời".

Đại ý đoạn kinh trên, chư Phật ra đời với bản hoài muốn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật. Có thành Phật mới đi đến chỗ độ mình độ người một cách viên mãn. Nhưng xét lại trong hàng Phật tử xuất gia, tại gia phần đông sự phát tâm hướng đạo đã sai với mục đích căn bản ấy. Có kẻ đi đến chùa để cầu cho gia quyến bình yên, làm ăn phát đạt. Có người cúng dường tu phước để cầu sự vui ngũ dục đời sau. Có kẻ gặp cảnh duyên trắc trở, mượn câu kinh tiếng kệ để an vui tâm hồn. Có người vì tránh nạn duyên, hoặc mến cảnh chùa tịch mịch, hay muốn an hưởng thanh nhàn, nên mới nương cửa Phật. Tóm lại, nhân duyên vào đạo tuy nhiều, nhưng ít ai thiết thật xa lìa danh lợi cầu qủa giải thoát để độ mình độ người. Tuy rằng đối với phàm phu, đôi khi nghịch cảnh cũng là bước đầu dẫn đến niết bàn, hay chấp tay trước thánh tượng, niệm một tiếng nam mô, cũng là gieo nhân giải thoát, nhưng người đã nương về Tam Bảo, cũng nên chuyển hướng tâm nguyện và hành vi cho đúng với bản hoài của Phật. Lộ trình giải thoát với tiêu điểm lợi mình lợi người, rất trắc trở khó khăn, nếu chẳng phải là người có chí kiên nhẫn, đức dũng tiến, tất không thể đi đến nơi đến chốn. Cho nên quan niệm tu hành theo lối cầu an như: "Đã đem mình đến am mây. Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa ", thật đã sai lầm, không những trái với bản tâm của Phật, còn lạc với thật nghĩa hướng đạo của mình.

Bản hoài ra đời của chư Phật đại để là thế. Tuy nhiên, vì căn cơ chúng sanh có muôn vàn sai khác, nên các đức Thế Tôn khi xuất hiện cũng dùng vô số phương tiện đẫn dắt kẻ hữu duyên đi từ bậc thấp đến cao. Giáo pháp của Phật tuy nhiều, nhưng có thể chia làm ba bậc, hay ba thừa, tức là tiểu thừa, trung thừa và đại thừa. Hay gọi cách khác là hạ, trung, thượng thừa. Nếu nói rộng ra thì có đến năm thừa là: Nhơn, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát thừa. Đây là kể năm thừa theo lối thông truyền. Theo kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Công Đức, cách phu di­ễn năm thừa có hơi khác qua thứ lớp như sau : Bồ Tát thừa, Duyên Giác thừa, Thanh Văn thừa, Chủng chủng tánh thừa và Nhơn Thiên thừa.

Để diễn tiến theo tuần tự thấp đến cao, từ cạn đến sâu, những chương và thiên sau, bút giả sẽ lần lượt trình bày khái quát về những giáo pháp ấy.

Phật Học Tinh Yếu. Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Đánh máy: Từ Hỷ