Ý Nghĩa Tam Quy và Ngũ Giới
Để trở thành thành viên của một tổ chức, hội đoàn hay một đảng phái chính trị, chúng ta phải thực hiện nghi thức kết nạp và lời tuyên thệ. Đối với tôn giáo, để trở thành tín đồ, chúng ta phải trải qua nghi lễ theo tôn giáo mình theo quy định. Với Ấn Độ giáo, muốn trở thành tín đồ có đầy đủ tư cách học kinh Vệ đà, chúng ta phải trải qua lễ Upanayana (lễ đánh dấu thời điểm người con trai chính thức được giáo dục trong dòng tư tưởng Vệ đà). Với Cơ Đốc giáo, muốn trở thành con chiên chính thức, chúng ta phải trai qua lễ Baptism (lễ rửa tội). Cũng vậy, muốn trở thành người phật tử chính thức của Phật giáo, chúng ta phải tiếp thọ lễ Quy Y Tam Bảo.
Quy là trở về, Y là nương tựa. Tam Bảo là ba ngôi quý giá: Phật, Pháp và Tăng. Quy y tam bảo là trở về nương tựa Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Phật là bậc toàn giác, là vị đã viên mãn hai phần tự lợi và lợi tha. Phật không dành chỉ riêng cho Đức Phật Thích Ca, vị đã sống cách đây hơn 25 thế kỷ tại đất nước Ấn Độ, mà chỉ chung cho những vị đã hoàn toàn đoạn tận mọi tham ái, sân hận và si mê; đã thành tựu mọi công hạnh, hoàn thiện về từ bi và trí tuệ. Tâm hồn các ngài thuần tịnh, trong sáng, không bị ô nhiễm bởi bất kỳ niệm tâm xấu ác nào.
Pháp có nhiều nghĩa, đôi khi chỉ quy luật nhân quả nghiệp báo, các điều kiện nhân duyên tạo sinh các sự vật và hiện tượng giới, bao gồm các hiện tượng tâm lý và vật lý. Nhưng nghĩa căn bản và truyền thống nhất là chỉ giáo pháp, những lời dạy của đức Phật. Ý nghĩa của Pháp đôi khi được khái quát hóa như con đường, con đường an lạc, giải thoát hoặc miêu tả tính chất của lời Phật dạy là vô tham, vô chấp, buông bỏ, xả ly, an lạc, giải thoát…
Tăng cũng có nhiều nghĩa, đôi khi chỉ toàn bộ cộng đồng Phật giáo, gồm Tăng Ni và phật tử; chỉ cho những ai đã trực ngộ tánh không của vạn pháp, bất luận tu sĩ hay cư sĩ phật tử. Nhưng nghĩa căn bản và truyền thống nhất là chỉ cộng đồng những người xuất gia tu học theo giáo pháp của đức Phật. Cộng đồng này là hiện thân của sự hòa hợp và thanh tịnh.
Ở đời tiền bạc là quý, nhưng chưa phải là cái quý nhất, quý nhất là Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta sống là đi tìm hạnh phúc, nhưng không biết đâu là hạnh phúc thật sự lâu dài, đâu chỉ là cảm giác thõa mãn nhất thời. Nhiều người tin sự nổi tiếng, giàu có, hôn nhân, đi du lịch, một chiếc xe hơi mới, làm đẹp, quần áo hàng hiệu…sẽ làm họ hạnh phúc. Nhưng những điều này chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời, chứ không phải là điều chủ yếu cho hạnh phúc lâu dài. Trong thực tế, tiền bạc và vật chất chỉ tạo thêm sự thèm khát và không bao giờ thõa mãn. Qua mười tám năm nghiên cứu khoa học về hạnh phúc, Giáo sư tiến sĩ tâm lý Sonja Lyubomirsky đã kết luận hạnh phúc không phải có nhiều tiền hơn, có vật chất, sắc đẹp hay sự nổi tiếng. Bà nhấn mạnh rằng hạnh phúc không thể tìm ở bất cứ nơi nào khác ngoài chính trong bản thân chúng ta. Điều này đã được Đức Phật chứng ngộ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ rồi. Ngài nói rằng không có hạnh phúc nào bằng sự an bình của nội tâm. Toàn bộ giáo thuyết của ngài chỉ nhằm dẫn dắt chúng ta đạt đến một nội tâm như vậy. Đó là lý do tại sao Phật, Pháp và Tăng được xem là quý giá nhất.
Quy y là nương tựa. Khái niệm nương tựa đôi khi khiến nhiều người hiểu ý nghĩa lệch lạc, tiêu cực. Nương tựa không có nghĩa là mình nương náu, dựa dẫm vào ai đó một cách thụ động. Như khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta trốn sau lưng mẹ để tránh kẻ bắt nạt nào đó. Đó không phải là ý nghĩa của nương tựa. Ý nghĩa nương tựa có thể minh họa bằng hình ảnh như thế này: “Trời đổ cơn mưa, nếu chúng ta không tìm một chỗ trú mưa mà vẫn ngâm mình trong mưa thì sẽ bị cảm lạnh”. Tìm một chỗ trú mưa để khỏi cảm lạnh đó là ý nghĩa của nương tựa.
Sự thật sống trong cuộc đời chúng ta đang bị những cơn mưa tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ và ghanh ghét làm ướt sũng thân tâm mình. Chúng ta cần tìm một nơi trú ẩn để thoát khỏi những cơn mưa đó. Nới đó chính là Phật, Pháp và Tăng.
Theo Hòa thượng Bhikkhu Bodhi, quy y hay nương tựa là một thuật ngữ được chuyển dịch từ ngôn ngữ Pali sarana. Sarana trong các bản chú giải Pali được giải thích với nghĩa “tiêu diệt”. Theo đó, quy y hay nương tựa chính là tiêu diệt, đoạn tận, loại bỏ và chấp dứt nỗi sợ hãi, khổ đau, nguy cơ tái sinh trong thống khổ và các phiền não.
Khổ đau hay hạnh phúc là kết quả của những hành động, lời nói và ý nghĩ của chúng ta. Một khi chúng ta đã hành động ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì tất yếu gặt quả khổ đau. Chúng ta không thể ẩn núp sau lưng chư Phật và chư Tăng để trốn tránh quả khổ đau đó hoặc nhờ các ngài giải quyết hộ cái hậu quả chúng ta tạo ra đó. Do đó, ý nghĩa quy y đích thực chính là chúng ta trở về nhận lấy trách nhiệm về những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình; nỗ lực rèn luyện chuyển hóa tâm thức của mình.
Với ý nghĩa quy y như vậy, khi quy y Phật, chúng ta không nên xem ngài là vị cứu rỗi đời mình hoặc có cảm giác được ngài che chở, bảo hộ và ban phước lành cho mình. Chúng ta chỉ xem ngài như tấm gương để noi theo, như nguồn cảm hứng để chúng ta đi đến đỉnh cao của an lạc và giải thoát.
Đức Phật, trong suốt 45 năm truyền giảng giáo pháp, không hề tự nhận mình là mặc khải của Thượng đế hoặc được tiếp nhận thiên khải từ một vị thần linh nào đó có quyền năng ban phước giáng họa. Trái lại, thừa nhận mình là con người, với bao hệ lụy rối ren và khổ đau vây bủa và bằng sự nỗ lực rèn luyện tâm thức không biết mệt mỏi, ngài đã hóa giải mọi lo lắng, sợ hãi, khổ đau đeo mang trong kiếp người và đã trở thành con người hoàn toàn tự do và giải thoát.
Là người đi trước có kinh nghiệm, trong 45 năm thuyết pháp, đức Phật chỉ truyền dạy lại kinh nghiệm tu tập như thế nào để chúng ta đạt chứng ngộ và giải thoát như ngài mà thôi. Bởi lẽ ngài thừa nhận: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” và “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được” hoặc “Các ông hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, và tự nương tựa chính mình. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, làm nơi nương tựa, đừng lấy nơi nào khác làm nơi nương tựa, làm hòn đảo, đừng nương tựa nơi nào khác”. Những lời dạy đó đã khắc họa nên hình ảnh đức Đạo Sư và cũng là nét tư tưởng chủ đạo trong đạo Phật. Do vậy, quy y Phật là chúng ta chọn hướng đi theo Phật, học hạnh theo hạnh Phật.
Thế nhưng, khi đến với đạo Phật, đa phần chúng ta thiếu cái chánh kiến đó. Chúng ta nghĩ quy y là để có pháp danh, để mỗi khi đến chùa cầu nguyện Phật Thánh mới chứng giám, ban phước lành cho mình. Lắm khi gần đất xa trời, chúng ta mới nghĩ đến quy y với hi vọng khi nhắm mắt xuôi tay được Thánh thần theo hộ vệ, không bị ma quỷ dẫn lối đưa đường vào cõi dữ vì đã có cái điệp quy y trong tay. Với nhận thức thiếu chánh tín như vậy, cái điệp quy y vốn chỉ là mảnh giấy xác nhận tư cách phật tử chính thức trở thành như tấm bùa hộ mệnh.
Với cái nhìn chân chánh về quy y Phật như vậy, thì quy y Pháp, chúng ta cũng phải có cái nhìn chân chánh tương tự. Quy y Pháp là chúng ta cam kết sống với tinh thần lời Phật dạy. Tinh thần ấy là từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, vô tham, vô chấp. Tất cả kinh điển chỉ có giá trị chuyển hóa tâm thức của chúng ta. Chúng không phải là đối tượng chúng ta nương vào để cầu tiền tài và danh vọng. Chúng ta không thể đem kinh điển của Phật ra tụng đọc để mong đạt được lợi lộc này, chức quyền nọ.
Theo Chogyam Trungpa Rinpoche, quy y Pháp là chúng ta ứng dụng mọi thứ trong cuộc sống vào việc tu tập của mình. Chúng ta không nên cho rằng đây là phàm tục, đây là thần thánh, đây là xấu xa, đây là tốt đẹp. Mọi thứ đều là chân lý. Đó là một định nghĩa của Pháp. Chúng ta quy y Pháp là chọn một hướng đi an nhiên, nghĩa là mọi thứ trong cuộc đời đều được xem có ích cho việc học hỏi và tu tập. Bất luận điều gì xảy ra, đau khổ hay hạnh phúc, tốt đẹp hay xấu xa, công bằng hay bất công, tất cả đều là một phần của tiến trình tu tập. Do vậy, chẳng có gì phải phàn nàn, vì tất cả đều là Pháp.
Nếu quy y Phật như tấm gương để noi theo, quy y Pháp như con đường an nhiên để đi trong cuộc đời, thì quy y Tăng như tình bạn để kết giao đồng hành. Điều này có nghĩa chúng ta có nhiều người bạn, những người bạn quy y đang tu tập dưới sự chỉ dẫn cùng một giáo pháp như chúng ta. Đồng thời mọi người nỗ lực tuân giữ giới luật của riêng mình. Khi các thành viên trong cộng đồng Phật giáo thể nghiệm được chân giá trị của đời sống và rút ra được ý nghĩa quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, họ hành động như một lời nhắc nhở và cung cấp những phản hồi cho nhau. Những người bạn trong Phật pháp của chúng ta liên tục đưa ra những điểm tham cứu giáo lý để tạo ra tiến trình học hỏi liên tục. Họ hành động như một tấm gương phản chiếu để nhắc nhở hoặc cảnh báo chúng ta trong các tình huống đời sống. Đây là một loại tình bạn mang ý nghĩa của đoàn thể Phật giáo. Tất cả chúng ta đồng hội, đồng thuyền, cùng chia sẻ một niềm tin và cảm nhận một tình bạn vĩ tuyệt trong đoàn thể tăng ni và phật tử.
Quy y Tăng nghĩa là chúng ta sẳn sàng làm việc hài hòa với những người bạn, người anh, người chị, người em trong đoàn thể Phật giáo, đồng thời vẫn giữ được sự độc lập của riêng mình. Không ai áp đặt quan điểm nặng nề của mình lên phần còn lại của đoàn thể. Mỗi thành viên trong đoàn thể là một cá nhân đi trên con đường theo một cách khác với tất cả những người khác. Chính vì vậy mà chúng ta liên tục nhận được phản hồi đủ các loại: tích cực và tiêu cực, khích lệ và chán nản. Những nguồn phong phú này có giá trị với chúng ta khi quy y Tăng. Tăng là cộng đồng những người có đạo đức hoàn thiện đồng hành cùng chúng ta, nuôi dưỡng ta bằng trí tuệ của họ. Tình bạn trong tăng già là một loại tình bạn trong sáng, không có sự kỳ vọng và đòi hỏi lẫn nhau; không có mệnh lệnh, nhưng lại rất thỏa mãn và toại nguyện.
Với ý nghĩa quy y như vậy, thì nhất thiết chúng ta phải tiếp thọ lễ quy y theo truyền thống Phật giáo hay chỉ cần hiểu và tu tập tập theo như vậy là được? Vấn đề này đã được nhiều nhà Phật học khi viết về ý nghĩa quy y đã đặt ra và giải quyết thấu đáo. Tất cả đều thống nhất là nhất thiết chúng ta phải quy y nếu muốn trở thành phật tử chính thức của tín đồ Phật giáo. Theo Hòa Thượng Bhikkhu Bodhi, Phật pháp có thể được xem như một tòa nhà với nền, móng, cầu thang và mái che của nó. Giống như bao tòa nhà khác, Phật pháp cũng có cánh cửa và nuốn đi vào nó, chúng ta phải bước vào cánh cửa đó. Cánh cửa đi vào ngôi nhà Phật pháp chính là quy y Tam bảo. Theo Đại đức Giải Hiền, tiến trình học Phật cũng có cấp bậc thứ lớp như hệ thống giáo dục bên ngoài, có cấp tiểu học, trung học, đại học…Do vậy, muốn học tu Phật pháp chúng ta phải bắt đầu cấp tiểu học, tức phải quy y Tam bảo. Nếu không có bước đầu quy y Tam bảo thì chúng ta không thể bước lên những bậc cao hơn trên con đường học Phật được. Theo Hạnh Chơn, nếu chúng ta không hành trì pháp căn bản quy y thì không có cở sở để chứng minh “ta hiểu và tu tập tốt là được” như khi ta tự biện minh cho mình không nhất thiết phải quy y. Cũng theo tác giả này, người quy y bao giờ cũng tích cực và nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn là người không quy y, vì trong bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, cái chính quy bao giờ cũng hơn hẳn cái không chính quy, huống hồ đời sống tâm linh vốn rất cần gần gũi những thầy lành, bạn tốt.
Cũng vấn đề trên, theo H.E. Khentin Tai Situpa, nguồn mạch tâm linh trong dòng truyền thừa Phật giáo rất quan trọng, nó quyết định năng lực nội tâm của người phật tử. Nguồn mạch đó khởi nguyên từ đức Phật cho đến thế hệ tăng đồ ngày nay. Sau khi chứng ngộ, đức Phật đã truyền thọ pháp quy y cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh lúc trước là năm anh em ông Kiều Trần Như. Năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật này bắt đầu tạo nên dòng truyền thừa; họ truyền pháp quy y cho các vị đệ tử của họ, đến lượt đệ tử của họ truyền thừa cho đệ tử của họ nữa, cứ như vậy tiếp diễn cho đến ngày nay, trải qua hàng thế kỷ từ thầy truyền sang trò không dán đoạn và khi ta quy y ta cũng dự phần vào cùng buổi đầu thiêng liêng, cùng cảm nhận niềm an lạc và những lời thệ nguyện mà đức Phật đã truyền trao cho năm vị đệ tử đầu tiên của ngài. Do vậy, nếu không quy y, chúng ta không tiếp nhận được nguồn mạch tâm linh huyền nhiệm tuôn chảy trong dòng truyền thừa không dán đoạn trong hơn hai mươi lăm thế kỷ qua.
Còn theo Akong Tulku Rinpoche, quy y giúp ta có thêm sức mạnh để hành thiện, vì trong buổi lễ quy y trang trọng, trước chư Phật, các vị Bồ tát và các bậc thầy tâm linh đức độ, chúng ta phát những lời thệ nguyện yêu thương giúp đỡ người khác và giữ năm nguyên tắc đạo đức. Nếu không quy y phát những lời thệ nguyện, trong hoàn cảnh thuận lợi hoặc tâm lý vui vẻ, chúng ta có thể yêu thương giúp đỡ người khác và tuân giữ năm nguyên tắc đạo đức, nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn, tâm lý bực bội, chúng ta chỉ lo nghĩ bản thân và buông thả việc giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức, vì cho rằng ta chưa quy y nên không nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, tâm lý đó để giữ gìn chúng. Do vậy, quy y là để dù ở trong hoàn cảnh, tâm lý nào chúng ta cũng vẫn tu tập phát triển tâm yêu thương và tuân giữ năm nguyên tắc đạo đức.
Có sự khác biệt giữa phát nguyện quy y giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức và việc không làm hại đơn giản. Giả sử chúng ta phát nguyện không bao giờ giết con rồng, nhưng trong thực tế con rồng không tồn tại, vậy thì tại sao chúng ta phải phát nguyện không giết con rồng. Nếu chúng ta không giết con rồng, chúng ta không tạo ra nghiệp sát, nhưng đồng thời chúng ta cũng không tạo ra công đức. Từ khi phát nguyện không giết con rồng và duy trì tâm nguyện đó, chúng ta đang tích lũy công đức. Trong pháp quy y, chúng ta tích lũy công đức từng phút qua việc nắm giữ những lời nguyện của mình.
Tóm lại, quy y là một quyết định tích cực, mở ra hướng đi hiền thiện, an lạc trong cuộc đời. Quy y không có nghĩa là chúng ta ném mình ra khỏi xã hội, trái lại nó giúp ta học cách sống cuộc sống hữu ích hơn và tạo ra một xã hội tích cực hơn. Chúng ta quy y là để phát triển con đường tâm linh của mình để có khả năng giúp đỡ tốt hơn cho tha nhân. Chúng ta bước vào con đường Phật giáo để vừa phát triển tự thân, vừa học cách giúp ích cho mọi người. Quy y đúng hơn là một quyết định học hỏi, tìm hiểu mọi thứ tồn tại như thế nào thông qua những nguyên lý của Phật giáo.
Quy y thực chất là phát những lời thệ nguyện, trong đó có thệ nguyện giữ năm giới là những giới căn bản tối thiểu nhất cho người phật tử tại gia gồm không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng những chất làm say và gây nghiện.
Giới từ Pali là Sila, có ba cấp độ ý nghĩa. Thứ nhất là chỉ đạo đức bên trong, tức trong mỗi chúng ta luôn hiện hữu những phẩm tính đạo đức vốn có như sự tử tế, tính bình dị, lòng chân thật, tính kiên nhẫn, tình yêu thương vân vân. Thứ hai là những hành động đạo đức của thân và khẩu thể hiện những phẩm tính đạo đức đó ra bên ngoài. Thứ ba là những điều luật đạo đức được thiết lập để quản lý những hành vi của thân và khẩu phù hợp với các lý tưởng đạo đức. Thực ra ba cấp độ ý nghĩa này luôn quyện chặt vào nhau, không phải lúc nào cũng phân biệt từng cấp độ riêng biệt. Nhưng nếu chúng ta tách chúng ra, giới như đạo đức bên trong có thể được xem như mục đích rèn luyện đạo đức; giới như những hành động đạo đức của thân và khẩu được xem là biểu hiện của mục đích đó; còn giới như các điều luật đạo đức được xem như hệ thống phương thức thực hiện mục đích đó. Như vậy, giới như đạo đức bên trong được củng cố nhờ đưa các hành động của thân và khẩu hợp với lý tưởng đạo đức và điều này được thực hiện ngang qua hệ thống những điều luật đạo đức.
Giới, theo kinh điển giải thích, có đặc tính làm hài hòa hành động của thân và khẩu, nghĩa là hành động của thân và khẩu phù hợp với lợi ích chân chính của mình và hạnh phúc của tha nhân. Do vậy công năng của giới là tạo ra sự hài hòa giữa chúng ta và người khác. Hạnh động theo giới sẽ đưa đến sự hài hòa giữa mọi người với nhau, tạo ra hòa bình, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, trong khi hạnh động bất chấp các nguyên tắc đạo đức sẽ dẫn đến cạnh tranh, bóc lột, lợi dụng và bạo động. Sự hài hòa đạt được nhờ duy trì giới hay kỷ luật đạo đức không chỉ dừng lại ở mức xã hội mà còn đưa hành động của chúng ta hài hài hòa với luật tắc cao hơn, luật tắc của vũ trụ - luật nhân quả nghiệp báo thống trị vô hình toàn bộ thế giới tồn tại của chúng hữu tình.
Năm giới trong Phật giáo được thiết lập dựa trên nguyên lý lấy mình làm tiêu chuẩn để quyết định hành động như thế nào trong mối quan hệ với tha nhân. Nguyên lý này được diễn tả bằng cụm từ: “xem mình như người khác và người khác như mình”. Phương pháp ứng dụng nguyên lý này là trao đổi bằng tưởng tượng giữa mình và người khác. Để quyết định nên hay không nên thực hiện một hành động nào đó, chúng ta lấy mình làm tiêu chuẩn đánh giá, xem những gì là hành phúc và những gì là khổ đau đối với mình. Thế rồi quán chiếu người khác trên căn bản đều giống mình, những gì hành phúc và khổ đau với mình thì cũng hạnh phúc và khổ đau với người khác. Chúng ta không muốn người khác gây khổ đau cho mình thì chúng ta không nên gây khổ đau cho người khác. Như trong kinh Tương Ưng, đức Phật giải thích:
“Này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, khét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán than, từ bỏ sát sanh. Như vậy về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh”
“Này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: ‘Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái , không khả ý cho ta, thời pháo ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?’ Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh”
“Này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘ Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của ngườ khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ý, không khả ái cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?’ Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh”
“Này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo,như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy, Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?’ Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy về khẩu hành vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh”
Phương pháp suy diễn mà đức Phật sử dụng này rút ra từ bốn giới đầu trong mối liên hệ với tha nhân. Giới thứ năm, “không được dùng các chất làm say và gây nghiện” dường như chỉ giải quyết mối liên hệ với tự thân, với những gì đưa vào trong cơ thể của mình. Tuy nhiên nếu phạm vào giới thứ năm này có thể dẫn đến phạm vào tất cả các giới khác và mức độ gây hại cho người khác tàn bạo hơn. Câu chuyện anh thanh niên khi rượu vào không làm chủ được tâm trí đã trộm gà giết thịt, hãm hiếm cô hàng xóm là một minh chứng. Những tác động xấu to lớn về mặt xã hội của nó là điều rất rõ ràng nên giới này cũng được đưa vào cùng loại phương pháp suy diễn trên.
Phần lớn các giới điều trong Phật giáo đều bắt đầu bằng chữ “không”, trong đó có năm giới, tạo cảm giác tiêu cực, ép buộc hay cấm đoán mất tự do. Do vậy, thay vì nói “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm không nói láo, không dùng các chất làm say gây nghiện”, theo lời đức Phật giải thích, ta có thể mượn văn phong của thiền sư Nhất Hạnh diễn dịch năm giới thế này:
Giới thứ nhất: không sát sanh.
“Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con”.
Giới thứ hai: không trộm cắp.
“Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật cua con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và muôn loài”.
Giới thứ ba: không tà dâm.
“Ý thức những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa”.
Giới thứ tư: không nói dối.
“Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể”.
Giới thứ năm: không dùng những chất làm say và gây nghiệm.
“Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù và sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội”.
Xuất phát từ nhận thức bằng kinh nghiệm tự thân ấy, chúng ta tự động nguyện không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dói, không dùng các chất làm say gây nghiện. Từ đây năm giới không còn được ngộ nhận như những điều ràng buộc, cấm đoán mất tự do nữa mà chính là giềng mối của đạo đức, của nếp sống an lạc giải thoát.