Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

NHỮNG TRẠNG THÁI CỦA THIỀN

13 Tháng Bảy 20162:56 CH(Xem: 4200)
NHỮNG TRẠNG THÁI CỦA THIỀN

NHỮNG TRẠNG THÁI CỦA THIỀN

 

 

Người truyền đạt: Đức Dalai Lama

Nguyên bản: Đại sư Kamalashila

Phần Anh ngữ: Thượng Tọa Tiến sĩ Phật học Lobsang Jordhen, Losang Choephel Ganchenpa và Jeremy Russel.

Phần Việt Ngữ lần 2: Tống ngọc Đức

 

Mục lục

 

Lời tựa

Mở đầu

Giới thiệu

1- Tư duy là gì ?

2- Huấn luyện tư duy

3- Tâm từ bi

4- Phát triển trạng thái bình thản, nguồn gốc lòng nhân ái

5- Xác minh bản chất khổ đau

6- Trí tuệ

7- Những điều kiện tiên quyết chung của Thiền Tĩnh Lặng Vĩnh Cửu (Calm Abiding: Định Thiền)) và Thiền Trí tuệ đặc biệt (Special Insight: Tuệ Thiền)

8- Thực hành Định Thiền.

9- Thức ngộ Trí Tuệ Đặc Biệt (Tuệ).

10- Hợp nhất Phương pháp và Trí tuệ

11- Chú giải thuật ngữ

12- Danh mục các công trình viện dẫn

 

 

 

LỜI TỰA

 

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu ở đây văn bản diễn giải tác phẩm “Những Trạng Thái của Thiền” (Stages of Meditation) phần trung cao, của đại sư Kamalashila cùng với lời bình giảng của Đức Dalai Lama. Khi Đức Dalai Lama bình giảng chủ đề này tại Manali năm 1989, chúng tôi có một ước muốn mãnh liệt là viết lại toàn bộ thành một cuốn sách. Từ đó trở đi sau một thời gian miệt mài làm việc, cuối cùng chúng tôi vui mừng thấy rằng ước muốn của mình đã được thực hiện.

          Đại sư Kamalashila, đệ tử của trưởng lão Shantarakshita, là một vị thánh-học giả vĩ đại hồi thế kỷ thứ 9. Bằng vào những hoạt động từ bi của nhiều bậc thầy vĩ đại, một hình thức giáo lý trọn vẹn, không lầm lỗi của Đức Phật đã phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Đại sư Kamalashila giữ vai trò độc đáo trong thể loại giáo lý này bởi vì ngài là vị thánh-học giả Ấn độ đầu tiên soạn thảo một văn bản hết sức ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu cho người dân Tây Tạng, đồng thời với dụng ý xua tan những hiểu biết lệch lạc đang thịnh hành nơi đây. Đáng tiếc do tình hình rối ren của chúng tôi hiện nay, đặc biệt là thảm hoạ sảy ra đối với đất nước Tây Tạng, nên trong một thời gian dài, nhiều sinh viên, nhiều nhà thực hành nghiêm túc đã bị tước đi mọi cơ hội được nghe, được đọc và suy nghĩ hoặc nghiên cứu các kinh bản quan trọng như vậy. Mặc dù quá bận bịu với nhiều áp lực, song nhận thức được vấn đề, Đức Dalai Lama đã nỗ lực gìn giữ truyền thừa này và khích lệ việc nghiên cứu, đưa vào thực tiễn mọi ý nghĩa quan trọng, hiếm hoi của những văn bản như vậy. Vì thế ngài đã nhiều lần giảng dạy tác phẩm "Những Trạng Thái của Thiền”.

          Chúng tôi hân hạnh công bố tác phẩm bình giảng ngài trình bày tại Manali, một thị trấn nhỏ trên đỉnh thung lũng Kullu trong vùng Himachal Pradesh, nơi có mối quan hệ lâu đời với người Tây Tạng và các cư dân miền biên giới Tây- Ấn. Chúng tôi thành thực mong mỏi sự cố gắng khiêm tốn này sẽ đóng góp cho công cuộc bảo quản giáo lý không tỳ vết của đại sư Kamalashila. Chúng tôi cũng  chân thành hy vọng rằng bất kỳ một dấu ấn tích cực nào mà độc giả rút tỉa từ đây, dấu ấn này có thể đóng góp cho mọi sinh linh đạt tới niềm hạnh phúc tối hậu của cõi Phật.

          Với tất cả công đức có thể có do công trình này tạo ra, xin cống hiến cho sự phồn thịnh của Phật-Pháp, cho sự bình an của toàn thể chúng sinh, sự trường tồn của Đức Dalai Lama và các bậc đại sư, các nhà thực hành. Chúng tôi chân thành bày tỏ lòng biết ơn bà Susan Kyser, người biên tập nhà xuất bản Snow Lion, những gợi ý vô giá của bà đã nâng cao chất lượng trong bản in lần cuối, xin tạ ơn những vị đã trực tiếp, gián tiếp đóng góp vào việc thực hiện công trình này.

Cuốn sách được dịch thuật và biên soạn do đội ngũ các vị: tiến sĩ Lobsang Jordhen tốt nghiệp viện Phật học biện chứng Dharamsala, trợ lý tôn giáo, phiên dịch viên của Đức Dalai Lama từ năm 1989; ngài Losang Choephel Ganchenpa, vị này cũng được đào tạo từ viện Phật học biện chứng, người dịch thuật Phật học trên một thập kỷ nay, trước tiên làm việc tại Thư viện lưu trữ các công trình của Tây Tạng ở Dharamsala, rồi ở Úc, và ông Jeremy Russell, tổng biên tập tạp chí Cho-Yang, Tiếng Nói Tôn Giáo Văn Hóa Tây Tạng do viện Norbulingka ở Dharamsala ấn hành.

 

                                            

                                                         ***

 

 

 

 

 

 

 

 

MỞ ĐẦU

 

 

Ấn ngữ đọc là Bhavanakrana, và Tạng ngữ đọc là Gompai Rimpa

 

Tôn kính Đức Văn Thù Sư Lợi (Manjushri) trẻ trung, tôi sẽ vắn tắt giải thích những trạng thái của thiền cho người nào theo hệ thống kinh bản Mahayana (Đại thừa). Những người thông minh muốn có được trí tuệ toàn giác (omniscient: trí tuệ thấu suốt mọi sự) thật mau chóng, họ cần thận trọng nỗ lực để hoàn thành tất cả nguyên nhân và điều kiện thuộc dạng trí tuệ này.

 

 

Đại sư Kamalashila soạn thảo văn bản "Những Trạng Thái của Thiền" thành ba phần: phần mở đầu “Những Trạng Thái của Thiền”, phần trung cao “Những Trạng Thái của Thiền” và phần cuối cùng “Những Trạng Thái của Thiền”. Ở đây tôi sẽ giải thích phần trung cao "Những Trạng Thái của Thiền". Chủ đề căn bản luận thuyết này là tư duy thức tỉnh bồ đề tâm* và nhãn quan hoàn chỉnh (the perfect view). (Chú thích của tác giả: tư duy thức tỉnh bồ đề tâm-the awakening mind of bodhichitta- là ước vọng vị tha đạt tới cõi Phật vì lợi ích hết thảy chúng sinh). Có hai con đường tâm linh dẫn tới mục tiêu cuối cùng của cõi Phật, đó là Phương Tiện và Trí Tuệ. Phẩm chất hai con đường này theo thứ tự tạo thành “thân vật chất, Sắc thân: rupakaya” và “thân trí tuệ, Pháp thân: dharmakaya”. “Sắc thân” tiêu biểu cho thành tựu viên mãn trong mọi hoạt động vì lợi ích của các sinh linh khác, và “Pháp thân” tiêu biểu cho thành tựu viên mãn thuộc mục đích của con người. Phương tiện dùng để phát sinh bồ đề tâm, và trí tuệ dùng để thức ngộ được sự trống rỗng, cả hai đồng thời hình thành nền tảng giáo lý của Phật. Văn bản này trình bày cụ thể về hai con đường nói trên của Phật giáo dẫn tới sự khai sáng.

Khi nghiên cứu giáo lý sâu hơn, chúng ta sẽ hiểu rằng ý nghĩ từ bi là cội nguồn của bồ đề tâm, cội nguồn của tư duy đang được thức tỉnh. Ý nghĩ thuộc trạng thái khai sáng này cần được đưa vào thực hành cùng với dạng trí tuệ thức ngộ được “trống rỗng” (emptiness), bản chất tối hậu của mọi hiện tượng. Trí tuệ này phải là sự kết hợp của một thứ trí tuệ sáng suốt đặc biệt (special insight) với một tư duy tập trung tĩnh lặng vĩnh cửu (calmly abiding mind: Định Thức), tập trung cao độ vào đối tượng của tĩnh lặng vĩnh cửu là sự trống rỗng. (Chú thích của tác giả: tĩnh lặng vĩnh cửu: Định, thuật ngữ về lý thuyết bao gồm tất cả các dạng thiền ổn định, bền vững, có liên quan tới quá trình tập trung tư tưởng cao độ).

Đại bộ phận mọi người đang lắng nghe đều xuất thân từ Lahaul, Kinnaur, Spiti, những miền thuộc Ấn Độ, hầu hết các bạn được thừa hưởng một nền giáo dục nhất định. Tuy nhiên, phần giáo lý kỹ thuật tôi sử dụng ở đây chủ yếu hướng tới những bạn không có niền tin tôn giáo. Trong quá trình giảng giải, tôi muốn chỉ cho các bạn thấy làm thế nào để một người có thể tạo ra mối quan tâm tới tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Có rất nhiều cách suy luận giúp chúng ta tạo ra hứng thú tôn giáo. Bằng phương pháp sau đây, ta có thể thấy tôn giáo không chỉ đơn giản dựa trên niềm tin, mà niềm tin này phải được phát sinh qua những bước suy luận hợp lý. Về cơ bản có hai loại niềm tin: một loại không dựa vào bất kỳ một lý do đặc biệt nào, và một loại có cơ sở lập luận. Với trường hợp thứ hai, con người thẩm tra đối tượng của niềm tin, nghiên cứu tỷ mỷ mối liên quan giữa đối tượng đó với nhu cầu của mình. Niềm tin chỉ phát sinh sau khi người ta thấy được lý do vì sao mà niềm tin đó lại có ích lợi. Trong Phật giáo nói chung và trong Đại thừa Mahayana nói riêng, chúng ta kiểm tra nội dung giáo lý, công nhận mọi biện luận đúng đắn, phù hợp, bác bỏ những gì bất hợp lý. Do vậy, với một số trường hợp, dù chính là lời của Đức Phật, nhưng chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen, mà cần một trình tự giải thích. Những giáo lý kinh điển nào không thích hợp với phương pháp phân tích lý luận thì không được hiểu theo nghĩa đen mà cần một công trình chú giải. Nói một cách khác, giáo lý kinh điển đứng vững trước mọi biện pháp phân tích lập luận có thể hiểu theo nghĩa đen. Tuy vậy, nếu ta tìm kiếm một số tài liệu kinh bản khác làm tiêu chuẩn để phân biệt kinh bản nào cần hiểu theo nghĩa đen, kinh bản nào cần chú giải, chúng ta lại rơi vào tình trạng ngụy biện thoái hậu (nguyên văn: fall into the fallacy of infinite regress). Hai thể loại giáo lý kinh bản này bắt buộc phải được kiểm tra bằng hệ thống lập luận. Có nghĩa là ta phải thấy được trong việc nghiên cứu kinh Phật, phương pháp lập luận phân tích giữ một vai trò cực kỳ quan trọng.

          Trước khi khảo sát, các bạn nên nghiên cứu một số kỹ thuật dùng để kiểm tra đối tượng khi phân tích. Về phần những người muốn noi theo giáo lý của Phật một cách thực tiễn, chỉ với niềm tin đơn thuần không thôi cũng chưa đủ. Niềm tin phải có lập luận làm hậu thuẫn. Khi nghiên cứu, bạn cần bám sát phương pháp suy luận. Trong lúc giảng dạy, tôi muốn các bạn hãy hết sức chú ý ghi chép, hoặc sử dụng nhiều biện pháp khác để nhớ được những gì tôi giảng.

          Hãy để tôi bắt đầu bằng việc giải thích ý nghĩa của ân phúc khi chúng ta nói về sự ban phúc của một vị Lama hay ân phúc của Pháp trong bối cảnh Phật giáo. Ân phúc bắt buộc phải phát sinh từ bên trong tư duy bạn. Đây không phải là một thứ gì ở bên ngoài mang lại, dù chúng ta có nói về sự ban phúc của một vị Lama hoặc ân phúc của Tam Bảo (ba đối tượng để Quy, để nương tựa). Khi những phẩm chất tích cực thuộc tư duy của bạn tăng lên, tính tiêu cực giảm đi, thì đó chính là ý nghĩa của ân phúc. Tạng ngữ chỉ ân phúc: Byin Rlab, đọc là Chin-lap, có thể tách làm hai phần, Byin nghĩa là "tiềm năng cao thượng" và Rlab nghĩa là "chuyển hoá." Byin Rlab có nghĩa là "chuyển hoá thành tiềm năng cao thượng”. Do đó, ân phúc hay ban phúc, danh từ này ám chỉ tới việc tạo ra phẩm chất đức hạnh trước đây bạn chưa từng có, cùng với việc nâng cao phẩm chất tốt đẹp đã đạt được. Ân phúc cũng có nghĩa là quá trình giảm thiểu sự uế tạp của tư duy, thứ ngăn trở việc tạo ra những phẩm chất lành mạnh. Vậy khi mọi thuộc tính đoan chính của tư duy đạt tới độ bền vững và các khiếm khuyết đặc trưng của tư duy bị suy yếu, sút giảm đi, bạn đã được nhận ân phúc.

          Văn bản nói: "Những con người thông minh muốn mau chóng thức ngộ được trí tuệ toàn giác (omniscience: trí tuệ toàn giác, khả năng thấu suốt mọi sự), cần thận trọng nỗ lực để hoàn thành tất cả nguyên nhân và điều kiện thuộc dạng trí tuệ này." Điều đó muốn nói rằng cuốn sách này chủ yếu giải quyết về trình tự và phương thức thực hành thiền, hơn là một văn bản phân tích tỷ mỷ đối với các vấn đề hoặc bị bác bỏ, hoặc được công nhận trong phạm trù triết học. Cũng không phải có hai mảng luận thuyết riêng rẽ về Phật học, một mảng chỉ thuyết trình các vấn đề, còn mảng kia hướng dẫn thực hành. Toàn bộ kinh bản Phật giáo đều hàm chứa giáo lý nhằm hỗ trợ con người trong việc thuần hoá, kiểm soát tư duy. Tuy nhiên, các kinh bản chắc chắn có mức độ nhấn mạnh khác nhau. Một số chú trọng thực hành, một số văn bản chủ yếu thích hợp với việc nghiên cứu, suy ngẫm, số khác lại đặt trọng tâm đặc biệt về trình tự của thiền. Tài liệu này là một trong những văn bản thuộc loại sau. Có nghĩa là, bằng vào nội dung, nó được gọi là "Những Trạng Thái của Thiền." Như tựa đề gợi ý, văn bản này mô tả cách thiết lập con đường tâm linh trong dòng tư duy của người tập thiền với một quy luật thích đáng chứ không phải là thứ trình tự lác đác, vụn vặt.

          Trong 3 phần "Những Trạng Thái của Thiền," văn bản này là phần giữa. Đại sư Kamalashila giảng dạy phần này trước tiên bằng ngôn ngữ Ấn Độ. Văn bản bắt đầu với tựa đề chữ Phạn, ngụ ý hỗ trợ người đọc bằng cách tạo ra khả năng cảm nhận được thứ ngôn ngữ thiêng liêng trong tư duy. Trích dẫn tựa đề bằng Ấn ngữ còn mang khía cạnh lịch sử. Khi nền văn minh miền Đất Tuyết phát triển cùng với quá trình hình thành nước Tây Tạng, thì đồng thời cũng xuất hiện mối quan hệ tự nhiên của quốc gia này với các quốc gia láng giềng. Nhìn lại, ta thấy Tây Tạng tiếp nhận rất nhiều tố chất văn hoá xã hội của những quốc gia đó. Ví dụ như Ấn Độ, một nước ở phía nam, quốc gia này là cội nguồn các hệ thống văn hoá, tôn giáo và tư tưởng phong phú. Do đó, những nền văn hoá, khoa học cổ kính như y học, triết học Phật giáo, Phạn ngữ... cũng từ Ấn Độ, quốc gia của các học giả mang vào. Cho nên, người dân Tây Tạng chúng tôi có truyền thống tôn kính Ấn Độ như một thánh địa. Trung Quốc được biết tới nhờ các món ăn ngon và rất nhiều loại rau. Trong ngôn ngữ Tây Tạng cho tới nay, chúng tôi vẫn sử dụng tên gọi về rau giống như tiếng Trung Quốc, đó là những thứ nhập khẩu. Tương tự như vậy, vải vóc của Mông Cổ rất thích hợp với khí hậu lạnh, người Tây Tạng phải sao chép lại một số mẫu mã của nước này. Vậy thì cộng đồng Tây Tạng đã từng có quan hệ với các cộng đồng láng giềng qua hàng bao thế kỷ nay, chúng tôi đón nhận mọi truyền thống tốt đẹp để rồi tạo ra những nét đặc trưng văn hoá xã hội độc đáo của riêng mình. Khi văn bản bắt đầu bằng câu: "Ấn ngữ đọc là," điều đó chứng tỏ tính xác thực của văn bản: văn bản bắt nguồn từ luận thuyết của các đại sư Ấn Độ.

          Văn bản viết: "Tạng ngữ đọc là", và địa danh Tây Tạng được đề cập tới, điều này nói lên văn bản đã được truyền tải sang một thứ ngôn ngữ của một quốc gia khác: quốc gia Tây Tạng. Tạng ngữ đủ phong phú để thể hiện một cách chính xác những luận thuyết đó, gồm cả các kinh bản cùng văn bản chú giải. Qua hàng bao nhiêu thế kỷ, Tạng ngữ là phương tiện chủ yếu về mặt thuyết trình và thực hành của Phật giáo. Cho tới nay, dường như Tạng ngữ vẫn là thứ ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có thể truyền tải toàn bộ giáo lý của Phật hàm chứa trong Tiểu Thừa, Đại Thừa và các tiêu chuẩn Mật Thừa. Vì thế ngôn ngữ Tây Tạng là một thứ ngôn ngữ rất quan trọng, đặc biệt giá trị đối với Phật giáo.

          "Tôn kính Đức Văn Thù trẻ trung." Đây là thể loại ngôn từ hàm ý tuân phục và thỉnh cầu của người dịch. Các dịch giả bắt đầu bằng cách thể hiện lòng tôn kính, nhờ vậy họ sẽ có khả năng hoàn tất công trình mà không gặp trở ngại. Điều này cũng nói lên khát vọng hoàn thành mục đích tạm thời và mục đích tối hậu của người dịch. Lời thỉnh cầu được dâng lên Đức Văn Thù do một sắc lệnh của các vị vua tôn giáo ngày xưa ban bố. Trong sắc lệnh ghi rõ kinh bản, chú giải nào thuộc về phần nào trong ba Tạng (pitakas: Kinh Tạng, Luận Tạng, Luật Tạng). Lời thỉnh cầu phải được dâng lên chư Phật và Bồ tát, nếu như văn bản thuộc về Bộ Thuyết Trình (The Collection of Discourses), còn những văn bản thuộc về Bộ Kiến Thức ( The Collection of Knowledge), lời thỉnh cầu sẽ dâng lên Đức Văn Thù. Để chứng tỏ các văn bản thuộc về Bộ Giới Luật (The collection of Discipline), thỉnh cầu phải được dâng lên Đấng Toàn Giác (Omniscient Ones). Do vậy, thỉnh cầu của người dịch thuật nhất quán với thực tiễn truyền thống. Luận điểm chính của văn bản này liên quan tới việc xác định "vô ngã" (selflessness) bằng cách dựa vào phương pháp tập trung tư tưởng cao độ, hợp nhất "trí tuệ sáng suốt đặc biệt" với "tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu". Văn bản này thuộc về Bộ Kiến Thức, do vậy lời thỉnh cầu được dâng lên Đức Văn Thù.

          Câu "Cho người nào theo hệ thống kinh bản Đại thừa," tác giả trình bày vắn tắt quá trình suy luận của những người nghiên cứu học thuyết này. Bây giờ một câu hỏi nảy ra: Mục đích cuối cùng của người thực hành giáo lý Đại thừa là gì? Câu trả lời là để đạt được Phật tính. Phật tính là gì? Một con người sở hữu được trí tuệ thấu suốt siêu việt, đó là một vị Phật, và trạng thái đó được coi là Phật tính. Do mục đích cuối cùng của giáo lý Đại Thừa nhằm đạt được trí tuệ thấu suốt siêu việt, nhà thực hành cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng mọi phương pháp, ý nghĩa để dẫn tới trạng thái giác ngộ này. Qua tìm hiểu, nhà thực hành bắt buộc phải nỗ lực theo đuổi một quy trình huấn luyện chính xác, hoàn chỉnh, để thức ngộ được trạng thái thấu suốt mọi sự, trạng thái Toàn Giác. Đó là tựa đề cuốn sách.

                                                 

 

 

GIỚI THIỆU

 

 

Lời của Long Thọ Bồ Tát (Nagarjuna)

 

Nếu bạn muốn đạt tới trạng thái khai sáng tột bực

                   Cho bạn và cho cả thế giới,

                   Nguồn gốc của nó là quá trình tạo nên ý nghĩ vị tha.

                   Chắc chắn, vững vàng như ngọn núi,

                   Là tâm từ bi đại lượng vô biên,

                   Là trí tuệ siêu việt không mang tính nhị nguyên.

 

Những người nào trong chúng ta mong muốn hạnh phúc cho nguời khác và cả cho bản thân nữa, dù tạm thời hay lâu dài, họ cần nỗ lực để đạt được trạng thái thấu suốt mọi sự. Lòng từ bi, ý nghĩ vị tha và quan điểm hoàn chỉnh là nền tảng, là nhân tố quyết định của con đường dẫn tới trạng thái khai sáng với mức độ cao nhất. Lúc này, chúng ta có được niềm tin vào học thuyết của Đức Phật, có cơ hội tiếp cận giáo lý của Ngài. Chúng ta không bị ràng buộc bởi những trở ngại lớn lao, có nhiều điều kiện thuận lợi để nghiên cứu mọi khía cạnh uyên thâm của giáo lý, suy ngẫm nội dung, và thiền về ý nghĩa giáo lý này, do vậy ta nên tận dụng tất cả những cơ hội đó để khỏi nuối tiếc trong tương lai và để không tỏ ra thiếu tôn trọng bản thân mình. Điều Tiến sĩ Phật học Sanpuwa thuộc trường phái Kadamp (Trường phái Lam Rim-Tạng Mật tân truyền phái, Ca Nhĩ phái) phát biểu gây ấn tượng ngay trong trọng tâm chủ đề. Trích đoạn này làm tôi cực kỳ xúc động tới tận đáy lòng:

 

Giảng dạy và lắng nghe chỉ phù hợp khi những hành vi này có ích cho tư duy. Mọi ứng xử có kỷ luật và được kiểm soát, đó là dấu hiệu của việc lắng nghe giáo lý. Nỗi đau khổ được nhẹ bớt, đó là dấu hiệu của thiền định. Hành giả là người hiểu được thực tại.

 

Một điều cần được xác định rõ, là giáo lý Dharma: Pháp, chỉ nhằm một mục đích duy nhất: rèn luyện tư duy. Các bậc thầy phải chú ý và thấy được những bài giảng mang lại lợi ích cho tư duy sinh viên. Mọi hướng dẫn cần dựa trên cơ sở thực nghiệm của bản thân người thầy đối với kiến thức về Pháp. Sinh viên nhất thiết chú tâm vào giáo lý với khát vọng giúp ích tư duy của mình. Họ phải tạo ra một nghị lực phi thường để kiểm soát thứ tư duy vô kỷ luật, vì thế tôi nhấn mạnh rằng chúng ta nên chuyên cần noi theo hướng dẫn của những Tiến sĩ Phật học dòng Kadamp (Ca Đương phái, Tạng Mật Tân truyền phái). Các vị khuyên sinh viên phải hợp nhất tư duy và Pháp. Nói một cách khác, nếu kiến thức và thực hành bị coi là những mảng riêng biệt, không có quan hệ, thì quá trình tu tập sẽ không hiệu quả. Trong giai đoạn luyện tập, chúng ta hãy rà soát kỹ lưỡng bản thân mình, sử dụng Pháp làm tấm gương để soi thấy được khuyết điểm của Thân, Khẩu, Ý. Qua thực hành giáo lý, giảng viên và sinh viên cần được thúc đẩy để trợ giúp lẫn nhau và trợ giúp cho cả người khác nữa. Chúng ta thấy ngay trong lời cầu nguyện Lam Rim:

 

Được thúc đẩy do lòng từ bi đầy oai lực,

Xin cho tôi có khả năng trình bày chi tiết kho tàng Phật Pháp.

Cho tôi truyền tải Phật Pháp tới những nơi mới mẻ.

Và những nơi Phật Pháp suy đồi.

 

Học thuyết của Phật không phải là một thứ gì mang tính vật chất. Do đó, việc phục hồi và phát triển Phật giáo tùy thuộc vào vấn đề nội tâm, tùy thuộc vào chuỗi tiệm tiến của tư duy chúng ta.(Giải thích theo tự điển Anh Việt do Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia xuất bản năm 1993: continuum- tiệm tiến-chuỗi các vật cùng một loại được chia cấp độ sao cho những vật kế cận nhau trông gần như tương đồng, song những vật ở hai đầu lại hoàn toàn khác nhau). Khi con người có khả năng giảm thiểu các khuyết điểm thuộc tư duy, phẩm chất tốt đẹp của nó sẽ được tăng cường. Vậy thì, những chuyển hoá tích cực là điều mà việc gìn giữ, phát triển học thuyết của Phật muốn nói tới. Hiển nhiên học thuyết không phải là một dạng vật chất, không thể đem ra mua bán ở chợ hoặc được xây dựng theo luật tự nhiên. Chúng ta cần lưu ý tới những điểm chủ chốt như thực hành ba mục tiêu rèn luyện: rèn luyện tinh thần hy sinh từ bỏ, rèn luyện tư duy thức tỉnh bồ đề tâm, và rèn luyện trí tuệ thức ngộ trống rỗng.

Trách nhiệm gìn giữ bảo quản, thúc đẩy học thuyết của Phật thuộc về những người có niềm tin vào học thuyết đó, điều này lại phụ thuộc vào niềm đam mê, thái độ tôn kính của con người đối với Phật. Nếu ta không hành động có tính chất xây dựng, không tin rằng những người khác cũng làm như chúng ta, hiển nhiên sẽ không có gì sảy ra. Bước đầu tiên là tích luỹ trong tư duy những phẩm chất tích cực mà Phật đã dạy. Sau khi rèn luyện tư duy của mình đúng cách thức, chúng ta có thể hy vọng giúp được nhiều người khác rèn luyện tư duy. Đại sư Tsongkhapa phát biểu rất rõ ràng rằng những ai không rèn luyện tư duy của mình thì không thể rèn luyện tư duy cho người khác. Đại sư Dharmakirti giảng dạy nguyên lý này bằng một phong cách hết sức sinh động:

 

Với bạn, một khi kỹ năng bị che khuất.

          Việc giải thích đương nhiên sẽ trở nên khó khăn hơn.

 

Bằng ý chí đó, các Bồ tát nỗ lực đạt tới trạng thái khai sáng. Vì mục đích này, các vị tu tập để loại bỏ mọi xúc cảm rối loạn gây khổ đau cho tư duy, đồng thời cố gắng tích luỹ những hiểu biết sáng suốt về tâm linh. Do tuân theo tiến trình loại bỏ phẩm chất tiêu cực, tích luỹ phẩm chất tích cực, các Bồ tát có được oai lực hỗ trợ mọi sinh linh. Tác phẩm Bình Luận về  “Trích Yếu những Nhận Thức Giá Trị " của đại sư Dignaga-Trần Na (The Commentary on “Compendium of Valid Cognition”) cũng viết:

 

Lòng từ bi của con người sở hữu rất nhiều phương tiện

          Để làm dịu đi nỗi đau khổ của sinh linh.

 

Có nghĩa là những ai trong chúng ta tin vào giáo lý của Phật cần cố gắng hết mình để tạo ra mọi đức tính tốt đẹp. Điều này cực kỳ quan trọng, đặc biệt thích ứng trong thời đại Phật giáo đang suy đồi. Người Tây Tạng chúng tôi phản đối chính quyền Trung Quốc về chính sách huỷ diệt họ đã gây ra cho đất nước Tây Tạng. Nhưng điều quan trọng là những phật tử, chúng tôi phải kiên trì tuân thủ tất cả các nguyên tắc của Phật giáo. Giáo lý chỉ đạt được mục đích khi nào chúng ta thấy được ưu thế của công trình tu tập do người đệ tử đảm nhiệm, thấy được những hiệu quả chuyển biến tích cực trong tâm khảm mình. Việc nghe thuyết trình về các vấn đề lại mang một ý nghĩa khác, trường hợp này chúng ta chỉ nhằm mục đích đạt được những ý tưởng và thông tin.

Ta có thể thắc mắc: biểu hiện của một nhà thực hành Pháp đúng đắn là gì? Thực hành Pháp phải bắt đầu bằng kỷ luật đạo đức, kiềm chế mười hành vi không đoan chính. Tất cả mọi động thái tiêu cực của Thân, Khẩu, Ý, cần được xác định rõ ràng, cách hoá giải chúng cần được hiểu kỹ lưỡng. Với kiến thức căn bản này, một cá nhân sẽ loại bỏ được những hành vi tiêu cực như trộm cắp, dối trá..., rèn luyện tính thật thà, nhân ái, tích lũy nhiều chiến công đức hạnh khác. Các vị sư nam nữ đã thụ phong phải tuân theo giới luật tu viện. Giới luật quy định cụ thể các vấn đề như sử dụng y phục tu viện, giao tiếp với mọi người vv....Ngay cả những lối nhìn, cách xưng hô đúng mức đối với người khác cũng được hướng dẫn kỹ càng.

Với người thực hành Pháp, một trong nhiều thách thức chủ yếu là việc chống lại tất cả các cảm xúc rối loạn, rồi thoát ra khỏi những cảm xúc đó. Điểm khó khăn của vấn đề này do một chân lý rất đơn giản, đó là những xúc cảm rối loạn xuất hiện từ thời điểm "không có bắt đầu" đã khiến chúng ta phải chịu các loại đau khổ. Nếu như có ai đó hăm doạ, hoặc kẻ thù khủng bố, chúng ta hò hét, la lối. Song dù rằng kẻ thù bên ngoài tàn ác như thế nào đi chăng nữa, dạng kẻ thù này chỉ tác động tới chúng ta trong một kiếp người, chúng không thể gây tổn hại cho chúng ta sau cuộc đời này. Nói một cách khác, những cảm xúc rối loạn mới chính là kẻ thù nội tâm của chúng ta, dạng cảm xúc này có thể còn mãi mãi gây ra nhiều thảm họa trong các kiếp sống tương lai. Đó là kẻ thù tồi tệ nhất.

Cách thẩm tra đúng đắn đối với một nhà thực hành Pháp xuất phát từ góc độ sau: nếu những xúc cảm rối loạn giảm đi, việc rèn luyện của chúng ta đã có hiệu quả. Đây là tiêu chuẩn chính để xác định một hành giả đích thực, không cần biết tới dáng vẻ bên ngoài tôn nghiêm như thế nào. Toàn bộ mục đích của thiền là giảm bớt đi những nỗi phiền muộn ảo tưởng của tư duy, cuối cùng loại bỏ chúng tận gốc rễ. Do học hỏi và tu tập mọi khía cạnh uyên bác của giáo lý, một nhà thực hành với mức độ thuần thục, với quá trình thiền về vô ngã, cuối cùng người đó sẽ đạt được hiểu biết về thực tại.

Chúng ta học tập, lắng nghe, nhưng điểm mấu chốt là ta phải biết học tập, lắng nghe giáo lý theo đúng phương thức. Điều này sẽ loại bỏ ba khuyết điểm của người nghe, đồng thời tích luỹ được sáu ý định tích cực. Hãy lấy hình ảnh người nghe và con thuyền. Khuyết điểm thứ nhất là cách nghe giống như một con thuyền bị lộn ngược. Có nghĩa là về phương diện vật chất, chúng ta ngồi nghe giáo lý, nhưng tư duy ta lại bận bịu ở đâu đâu. Cho nên dù lúc đó đang có người giảng dạy, song thực ra chúng ta chẳng nghe được gì. Hiển nhiên đó là một trở ngại lớn trong học tập, ta cần loại bỏ trở ngại này, cần để tâm vào bài giảng với tâm trạng nhiệt tình, hứng thú.

Khuyết điểm thứ hai là việc nghe giảng giống như một con thuyền bị thủng, người nghe không giữ được nội dung. Mặc dầu đang nghe, song chúng ta không nắm vững nội dung của giáo lý. Trường hợp này, người nghe thiếu sự chú tâm và ghi nhớ. Thực hành về Pháp có nghĩa là rút ra được nhiều lợi ích từ những gì ta đã nghe. Đây không phải là lối tiêu khiển thời gian như nghe một câu truyện. Giáo lý hướng dẫn chúng ta cách sống một cuộc sống có ý nghĩa, có được thái độ ứng xử đúng đắn. Vậy thì, để có được lợi ích từ giáo lý, ta cần phải ghi nhớ, chú tâm. Trong mọi tiến trình học hỏi, lắng nghe, đọc sách...chúng ta phải hết sức lưu ý, nỗ lực ghi nhớ nội dung. Một khi hứng thú giảm đi, lúc đó con người chỉ nhớ được một nửa điểm chính, chỉ duy trì những điều nhớ được trong một thời gian ngắn. Chúng ta cần nghiền ngẫm, suy nghĩ đi suy nghĩ lại những gì đã được nghe. Bằng cách này, kiến thức sẽ tồn tại lâu dài trong tư duy. Một kỹ thuật khác để ghi nhớ những hướng dẫn, đó là phương pháp tranh luận, phương pháp này thường được áp dụng trong các trường phái tranh luận truyền thống.

Khuyết điểm thứ ba của người nghe có liên quan tới động cơ thúc đẩy, giống như một con thuyền chở chất độc. Khi nghe giảng giáo lý, chúng ta cần tránh xa những động cơ lừa dối. Tất cả mọi động thái đặc biệt để thực hành Pháp như nghe giảng, đọc kinh...phải được tiến hành với thái độ nghiêm túc. Sinh viên cần hướng tới mục đích kiểm soát thứ tư duy vô kỷ luật, rồi dần dần đạt được Phật tính để giúp đỡ mọi sinh linh. Tôi xin nhấn mạnh rằng các bạn không nên coi kiến thức về Pháp như những môn khoa học khác, không nên sử dụng kiến thức đó chỉ để làm phương tiện sinh nhai.

Bây giờ ta quay trở lại chủ đề chính. Nguyên tác của đại sư  Kamalashila được biết dưới tựa đề "Những Trạng Thái của Thiền". Tác giả vô cùng ưu ái Tây Tạng. Đại sư Tsongkhapa đề cập tới ngài như một học giả tôn kính, tựa đề của nguyên tác rất phù hợp. Trong các luận thuyết ngài viết, tác phẩm "Ánh Sáng Trung Đạo" (Illumination of the Middle Way) và tác phẩm này là những tài liệu được đánh giá cao nhất.

Dòng truyền tải 3 bộ kinh bản "Những Trạng Thái của Thiền" tương đối hiếm. Tại trung tâm và miền Đông Nam Tây Tạng, truyền thừa này không phổ biến. Có thể nó tồn tại trong những khu vực hẻo lánh xa xôi. Đại sư Khunnu Lama Tenzin Gyaltsen tiếp nhận truyền thừa này ở tỉnh Kham và Serkong Rinpoche lại học lại của ngài. Thời gian đó, tôi chưa có điều kiện nhận được sự truyền tải của dòng mặc dầu trong thâm tâm rất muốn. Tôi cho rằng do văn bản không dài lắm, nên sau này học cũng không mấy khó khăn. Bởi thế, tôi tập trung nỗ lực nghiên cứu một số luận thuyết chính như "Thuyết Trình Vĩ Đại về Kalachakra" của Buton Rinchendrup (Great Commentary on Kalachakra, Kalachakra; Bánh Xe Thời Gian, được coi là nền tảng của lịch Tây Tạng), "Mật Tông Giản Lược Kalachakra" (the Summary Tantra on Kalachakra) và sáu cuốn chú giải về Những Thuyết Trình Vĩ Đại Được Gọi Là Ánh Sáng Không Hoen Ố" (Annotations of the Great Commentary Called Stainless Light).

Khi đang ở Thuỵ sĩ, đột nhiên tôi nhận được điện báo tin Serkong Rinpoche đã viên tịch, còn tình trạng sức khoẻ của Yongzin Ling Rinpoche rất kém (Yongzin Ling Rinpoche là một trong các vị hướng dẫn tâm linh của Đức Dalai Lama). Tôi choáng váng, nghĩ rằng mình đã phải trả giá cho sự lười biếng, không chịu học giáo lý trong văn bản "Những Trạng Thái của Thiền." Tâm trí tôi tràn đầy nỗi buồn cùng cảm giác mất mát, sau đó, mỗi khi gặp được bất kỳ một vị Lama hay Geshe nào, tôi cũng hỏi họ xem ai là người được thừa kế giáo lý đó. Đúng một lần, khi đang ở Bodgaya, tôi gặp một vị trưởng lão trường phái Sakya, đại sư Sangye Tenzin. Trưởng lão cho biết ngài tiếp nhận giáo lý "Những Trạng Thái của Thiền" từ một vị Lama già ở tỉnh Kham hành hương tới Lhasa. Sau này, tôi cho rằng vì Khunnu Lama Rinpoche học tập giáo lý đó ở tỉnh Kham, chắc chắn phải cùng một truyền thừa, vậy tiếp nhận giáo lý đó từ vị trưởng lão sẽ không có vấn đề gì.

Trước đây, khi nghiên cứu những văn bản mới, tôi thường tham khảo ý kiến của Yongzin Ling Rinpoche, nhưng lúc này ngài đã viên tịch. Cùng thời gian đó, ngài Ven Gen Nyima cũng đang ở Bodgaya. Tôi kể cho ông nghe trường hợp của mình và xin ý kiến. Ông nói đó là một suy nghĩ đúng đắn. Vậy là tôi tiếp nhận giáo lý “Những Trạng Thái của Thiền” từ trưởng lão Sangye Tenzin thuộc trường phái Sakya truyền tải bằng cách đó. Tôi cảm thấy vô cùng sung sướng và may mắn, điều này tự động giải thoát tôi khỏi nỗi muộn phiền. Trưởng lão phái Sakya là một bậc thầy nổi tiếng, một đại sư được truyền thừa Sakya vô cùng tôn kính, hiện nay ngài đã 80 tuổi. Văn bản này hình như không có chú giải, ít nhất tôi không được thấy một bản nào. Đại sư Tsongkhapa chỉ trích dẫn văn bản này ở phần cuối tác phẩm "Những Giai Đoạn Vĩ Đại của Đạo" (Great Stages of the Path) của ngài, và tôi thấy rằng nếu mình bổ sung phần chú giải ở đây, việc này có lẽ khá hợp lý.

Đại sư Kamalashila đã thực hiện một công việc tuyệt vời cho học thuyết của Phật. Với động lực kiên định, nhân hậu, ngài thiết lập nền tảng cơ bản cho giáo lý Phật giáo trong thời gian ở lại Tây Tạng. Trisong Detsen, vị vua sùng đạo của Tây Tạng hồi đó đã mời được đại sư  Shantarakshita và đại sư Padmasambhava. Ba vị này cực kỳ ưu ái miền đất tuyết. Qua quá trình hợp tác của các vị mà một hình thức Phật giáo hoàn hảo gồm cả mật chú (tantra) được chính thức thành lập. Đại sư Shantarakshita lường trước khả năng hiểu sai, dịch thuật không chính xác những vấn đề triết học trong Phật giáo, nên ngài đã để lại hướng dẫn mời đại sư Kamalashila khi có điều kiện thích hợp. Lịch sử cho thấy có những lý do khiến đại sư Kamalashila được mời tới Tây Tạng và soạn ra tác phẩm "Những Trạng Thái của Thiền". Ở đoạn cuối phần thứ nhất, tác giả phát biểu rằng ngài soạn ra văn bản này do yêu cầu của đức vua Trisong Detsen.

Vì lợi ích của dân tộc Tây Tạng và để thiết lập học thuyết của Đức Phật trong dân chúng, đại sư Kamalashila đã tới Tây Tạng. Ba phần tác phẩm "Những Trạng Thái của Thiền" được viết tại Tây Tạng và một vị Hvashang (Hoa tăng) người Trung Quốc trở thành tác nhân cho tác phẩm. Nội dung đại cương triết học của vị sư người Trung Hoa là một vấn đề khác, nhưng cách truyền tải quan điểm Phật giáo của vị này rõ ràng là sai lầm. Đại sư Kamalashila viết tác phẩm này nhằm ngăn ngừa mọi vấn đề phát sinh từ quan niệm sai lầm đó. Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là những vĩ nhân thời ấy bộc lộ phẩm chất rất uyên bác, đạo đức. Các ngài dùng ngôn ngữ trau chuốt, đồng thời bác bỏ mọi quan niệm sai lầm mà không hề công kích đối phương với tư cách cá nhân. Công việc các ngài làm là đưa ra một phương pháp trình bày minh bạch, rõ ràng về quan điểm triết học căn bản, về thiền, về hạnh kiểm đạo đức mà Phật đã dạy. Theo xu hướng thời bấy giờ, lối trình bày học thuyết của Phật toát lên những quan điểm thấp kém, sai lầm, mất đi giá trị của Phật học, cho nên văn bản quý giá này có một mối nghiệp quả đặc biệt với miền đất tuyết Tây Tạng.

Hiển nhiên tác giả Kamalashila vô cùng ưu ái con người Tây Tạng. Nhưng lịch sử cũng cho thấy lúc đó, thay vì bày tỏ lòng biết ơn, người Tây Tạng đã mắc phải sai lầm. Một vài sự việc không đúng mực sảy ra. Nhìn vào bối cảnh đó dưới một góc độ khác, người ta thấy giống như câu nói ở Tây Tạng: "Nơi nào Pháp nảy nở, nơi đó ma quỷ cũng hoạt động". Nhằm mục đích thiết lập nền tảng lâu dài cho cuộc sống đời thường và cuộc sống tâm linh ở Tây Tạng, Đức Padmasambhava đã tạo điều kiện ưu đãi, ban phúc cho cả môi trường. Nhưng cũng trong thời gian đó, một số người phát biểu nhiều điều không hay ho. Dường như ngay cả nhà vua cũng không đáp ứng được mọi kỳ vọng của Đức Padmasambhava.

Thật đáng buồn khi phải nêu ra điều này. Tất nhiên còn có một quan điểm khác để xem xét. Chư Phật, chư Bồ tát làm việc vì lợi ích của toàn thể chúng sinh. Phật Quán Thế Âm có một mối liên quan đặc biệt với Tây Tạng, ngài đã thực hiện vô vàn điều tốt lành qua nhiều hình thức hiển thị. Tuy hiện tại người Tây Tạng chúng tôi đang phải đối diện với những khó khăn vô tận cho tới bây giờ, nhưng chúng tôi không được phép mất đi niềm tin. Hoàn cảnh toàn thế giới biến động, thay đổi không ngừng. Có những nguồn cổ vũ cho chân lý, và chân lý quý giá vô cùng. Giờ đây chúng ta đã thiết lập được nền tảng đúng đắn cho tương lai, toàn thể mọi người cần nỗ lực làm việc để hoàn thành lợi ích cá nhân trong cuộc đời này và trong các kiếp sống tương lai, quan tâm công bằng tới sự nghiệp chung. Mọi người thật may mắn đều có khả năng nghiên cứu văn bản tuyệt vời này. Phần chúng ta, điều thông minh nhất là học tập những nguyên lý hướng dẫn của văn bản và gắng sức chuyển hoá cuộc sống của mình.

Trong bối cảnh giáo lý của Phật, quá trình tạo ra một thái độ tích cực là vô cùng quan trọng. Tôi tha thiết yêu cầu các bạn hãy lắng nghe với một động cơ thúc đẩy lành mạnh, hãy nghĩ rằng: "Ta sẽ lắng nghe phần trung cao văn bản Những Trạng Thái của Thiền của đại sư Kamalashila nhằm mục đích đạt được Phật tính tối thượng vì lợi ích vô lượng chúng sinh." Phẩm chất mọi hoạt động Thân, Khẩu, Ý  được quyết định chủ yếu do động cơ thúc đẩy. Vì thế mọi hành vi thực hiện với động cơ tích cực sẽ mang lại đức hạnh, niềm vui, cuối cùng chúng trở thành nguyên nhân để đạt được Phật tính. Nói một cách khác, nếu thiếu đi động lực tốt đẹp, lành mạnh, những công trình thực hành tâm linh hình thức chỉ có thể mang lại hậu quả tiêu cực thay vì đoan chính. Khi mà ranh giới giữa hai loại động cơ đôi khi vô cùng mảnh mai, mọi người phải hết sức lưu ý tới khía cạnh này.

Trong văn bản, tác giả trình bày tinh hoa của hai con đường truyền tải: trường phái Hinayana (Tiểu thừa) và trường phái Mahayana (Đại thừa). Tác giả trình bày chi tiết phương thức thực hành thông thường về Bồ Đề Tâm và sáu Kiện Toàn Ba La Mật (Sáu Paramita). Chú thích của tác giả: sáu Bà La Mật là 1-Đại lượng, 2-Đạo đức, 3-Kiên trì, 4-Nhiệt tình nhẫn nại, 5-Thiền, 6-Vận dụng trí tuệ, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh quá trình thiền tĩnh lặng vĩnh cửu (Định Thiền), thiền về trí tuệ sáng suốt đặc biệt (Tuệ Thiền). Những ai trong số các bạn còn bỡ ngỡ với Phật giáo, chưa quen với phong cách, phương thức tập luyện, các bạn cần cố gắng hình thành một hiểu biết rành mạch, rõ ràng về văn bản này, vì trên cơ sở những hiểu biết đó, các bạn có thể hiểu được những luận thuyết khác không mấy khó khăn. Văn bản này được coi là chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa dẫn tới các pho kinh Phật chủ chốt khác.

 

 

 

CHƯƠNG 1

 

 

                                                    TƯ DUY LÀ GÌ ?

 

 

Trí tuệ Toàn giác, khả năng thấu suốt mọi sự (omniscience), được tạo ra mà không cần tới nguyên nhân là điều không thể có, vì nếu không, mọi sự đã được thấu suốt. Nếu vạn vật được tạo ra mà không dựa vào một cái gì đó, chúng đã có thể hiện hữu mà không cần tới tác động ép buộc, và không có lý do gì để cho rằng mọi sự không thể không thấu suốt được. Có nghĩa là, một khi những sự kiện căn bản phát sinh chỉ trong một số trường hợp, đó là vì chúng phụ thuộc chính xác vào nguyên nhân của chúng. Vậy khả năng thấu suốt cũng rất hiếm hoi, vì khả năng này không thể phát sinh bất kỳ lúc nào, chỗ nào, và không có một thứ gì có thể trở thành khả năng biết trước được cả. Rõ ràng khả năng biết trước này phát sinh phải phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện của nó.

 

Theo trích đoạn này, có hai loại hiện tượng hiện hữu. Một loại hiện hữu xuất hiện liên tục, ổn định và một loại đôi khi chỉ xuất hiện trong một thời điểm nào đó. Điều gì ngụ ý trong loại thứ hai, loại chỉ xuất hiện trong lúc này mà không phải lúc khác? Những câu hỏi như vậy lẽ tự nhiên phát sinh. Vấn đề ở đây là những sự vật, sự kiện nhất thời phát sinh đều phụ thuộc vào các nguyên nhân. Một số sự kiện nhất định nào đó chỉ phát sinh trong một thời điểm nhất định, hiện tượng này chứng minh cho sự tồn tại của các nguyên nhân. Nói rằng một số sự kiện được tạo ra chỉ trong một thời điểm nào đó chứ không phải những thời điểm khác, điều này khiến ta thấy chúng không phát sinh một cách độc lập, quá trình phát sinh của chúng còn phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa. Do vậy, toàn bộ những hiện tượng được tạo ra chỉ trong một thời điểm nào đó chứ không phải ở những thời điểm khác, chúng đều phụ thuộc vào nguyên nhân, điều kiện, và những nguyên nhân, điều kiện này rất đa dạng. Nguyên nhân có nhiều loại khác nhau như nguyên nhân chính yếu, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân cùng một trạng thái (cause of equal state) và nguyên nhân đồng thời...(Chú thích của tác giả: nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân tạo ra kết quả một cách trực tiếp, không cần phải qua trạng thái trung gian, ví dụ như lửa tạo thành khói. Nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân tạo ra kết quả cần tới một trạng thái trung gian, hoặc qua những nhân tố, đối tượng khác. Nguyên nhân thuộc cùng một trạng thái là nguyên nhân tạo ra và phát triển thành kết quả giống như bản thân nó, ví dụ:  lúa mạch được tạo ra từ lúa mạch, hành vi đoan chính được tạo ra từ hành vi đoan chính, nguyên nhân đồng thời là một loại nguyên nhân đóng góp thêm vào quá trình tạo ra kết quả qua sự xuất hiện kèm theo của nguyên nhân đó, ví dụ: tư duy và những nhân tố tinh thần đồng thời phát sinh do quá trình tương hỗ lẫn nhau (một trong sáu nguyên nhân). Tương tự như vậy, điều kiện cũng có rất nhiều loại điều kiện, như điều kiện khách quan, điều kiện có nguyên nhân, điều kiện tức thì...Vậy thì những hiện tượng nào phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện, do bản chất, những hiện tượng này sẽ thay đổi, chúng không tồn tại ở một vị trí, chúng không ổn định.

Chú thích của tác giả về nguyên nhân và điều kiện: nguyên nhân tạo thành bản chất và thực thể, còn điều kiện tạo ra đặc điểm.

Hiện tượng có điều kiện theo thứ tự lại chia làm 3 phạm trù: phạm trù hình dạng, phạm trù ý thức, và một loại phạm trù không nằm trong hai dạng nói trên. Phạm trù hình dạng gồm những khía cạnh như hình dáng, màu sắc, ta có thể quan sát bằng mắt thường hay sờ thấy bằng tay. Phạm trù ý thức không có hình dạng, không màu sắc, không thể đo đạc được bằng các phương tiện vật chất, nhưng nó vẫn tồn tại theo bản chất tự nhiên mà ta cảm nhận được. Mặt khác, thời gian lại không có hình thể, ý thức, nó thuộc về phạm trù thứ ba.

Trí tuệ thấu suốt tiên nghiệm (omniscient transcendental wisdom) có liên quan tới dạng ý thức biết hết mọi sự. Trí tuệ thấu suốt tiên nghiệm không phải là một đặc tính tìm thấy trong đất, đá, hay núi non. Nó được tạo ra bởi những dạng có chức năng nhận biết đối tượng, do vậy ý thức không thể được tạo ra bởi những gì không sở hữu ý thức. Tất nhiên trạng thái trí tuệ thấu suốt tiên nghiệm là mục tiêu tối hậu bao gồm tất cả những gì hoàn hảo, và trong ba phạm trù của hiện tượng có điều kiện, trạng thái trí tuệ thấu suốt tiên nghiệm nằm trong phạm trù ý thức. "Biết" hay "hiểu" là chức năng của ý thức. Ví dụ, khi chúng ta nói: "Tôi hiểu" hoặc “Tôi biết", và có một thực nghiệm hoặc cảm xúc về một cái gì đó, thực nghiệm này hoạt động bởi ý thức. Khi ý thức của mắt thấy một hình thể vật chất, chúng ta nói: "Tôi nhìn thấy một dạng vật chất." Khi ý thức của tư duy thực nghiệm được niềm vui hay nỗi đau, chúng ta nói: "Tôi vui" hoặc "Tôi đau". Do vậy, khi ta nói: "Tôi thực nghiệm", "Tôi biết" hoặc"Tôi nghe"..., đó là ý thức hoạt động như một tác nhân. Thứ mà sở hữu được chức năng hiểu biết, đó là ý thức.

Ý thức thay đổi trong phạm vi hiểu biết, cường độ hoặc sự nhạy cảm của nó. Ý thức con người khi so sánh với ý thức động vật là một ví dụ hiển nhiên. Nhận thức của con người rộng lớn hơn, hiểu được rất nhiều vấn đề khác nhau. Ý thức của con người biến thiên tương ứng với nền giáo dục và kinh nghiệm: bạn càng được giáo dục cẩn thận, càng giàu kinh nghiệm, ý thức của bạn càng phong phú. Kiến thức và hiểu biết phát triển dựa trên nền tảng của một ý thức có khả năng nhận biết được đối tượng của nó. Khi gặp đủ điều kiện cần thiết, khả năng nhận thức của ý thức tăng lên, cơ hội hiểu biết về đối tượng của nó phát triển, mức hiểu biết của nó sâu hơn. Theo hướng này, tư duy có thể phát huy trọn vẹn toàn bộ tiềm năng của nó.

“Khả năng thấu suốt mọi sự” (omniscience) là một khả năng hoàn hảo của tư duy khi quan sát vật thể, sự kiện. Khả năng này được hiểu là nó có thể biết được từng sự vật, mọi sự kiện mà không hề bị ngăn trở bởi những khác biệt của thời gian, không gian. “Trí tuệ biết hết mọi sự” (all-knowing wisdom) từ ý thức phát sinh, mà theo định nghĩa, ý thức được tạo ra do nguyên nhân và điều kiện. Điều này ngụ ý ngay cả “trí tuệ thấu suốt mọi sự” (omniscience wisdom) cũng không thể phát sinh mà không có nguyên nhân. Nếu điều này không đúng, nếu một “tư duy thấu suốt mọi sự” (omniscience mind) có thể phát sinh mà không cần tới nguyên nhân, vậy thì mọi ý thức đều là khả năng thấu suốt mọi sự. Bởi vì nếu vạn vật phát sinh không cần tới nguyên nhân và điều kiện, vậy, hoặc là chúng luôn luôn tồn tại, hoặc là chúng hoàn toàn không tồn tại. "Nếu mọi thứ được tạo ra mà không phụ thuộc vào những thứ khác, chúng sẽ không bị tắc nghẽn ở bất kỳ một vị trí nào." Có nghĩa là nếu mọi thứ được tạo ra mà không phụ thuộc vào những nguyên nhân, điều kiện khác, thì không có lý nào chúng lại bị tắc nghẽn tại bất kỳ một điểm nào đó. Vì không đúng như vậy, ta có thể suy luận rằng tất cả mọi thứ không thể chuyển đổi thành khả năng thấu suốt mọi sự được. Với những lý do đó, dạng hiện tượng mang tính chức năng (functional phenomena) chỉ có thể được tạo ra tại một thời điểm nhất định nào đó, chứ không phải ở những thời điểm bất kỳ. Tại thời điểm nhất định, khi những điều kiện thích hợp sảy ra và những điều kiện chống đối bị khiếm khuyết, một ý thức có thể chuyển đổi thành khả năng thấu suốt mọi sự, hiểu hết toàn bộ mọi hiện tượng.

Một khi vạn vật không được tùy tiện tạo ra bất kỳ lúc nào, nơi nào, điều này ngụ ý chúng phải phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện. Trong cấu trúc của quy luật phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện, những ai mong muốn đạt được khả năng thấu suốt mọi sự cần tạo ra nguyên nhân và điều kiện, những nguyên nhân, điều kiện thật hoàn chỉnh, thật chính xác. Bên cạnh đó, khát vọng để đạt được kết quả đó phải là một động lực thúc đẩy cực lớn trong công cuộc theo đuổi mục đích của họ. Do vậy, văn bản dạy rằng khả năng thấu suốt mọi sự phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện.

Như đã giải thích trong tác phẩm của đại sư Asanga (Vô Trước): "Trích Yếu về Tri Thức" (Compendium of Knowledge) đề cập tới hậu quả được tạo thành do nguyên nhân và điều kiện của nó, những điều kiện này là điều kiện lâu dài, điều kiện nhất thời và điều kiện tiềm năng. Cái chúng ta nói trước đây có liên quan tới điều kiện nhất thời. Khi đặt vấn đề: làm thế nào để khả năng thấu suốt mọi sự có thể được tạo ra từ ý thức, chúng ta đang nói tới điều kiện tiềm năng. Khả năng nhận biết được đối tượng là một đặc tính bẩm sinh của ý thức. Bản chất của ý thức là trong sáng và hiểu biết, bản chất này xuất hiện từ trong khía cạnh của đối tượng mà nó hiểu rõ. Thuộc tính hiểu biết của ý thức không phải là một sản phẩm mới mẻ do những nhân tố khác tạo ra.

Bây giờ, vấn đề là hiểu biết đó nảy sinh và tăng trưởng tới mức độ vô hạn như thế nào? Khả năng hiểu biết được đối tượng là một đặc tính bẩm sinh của ý thức, nhưng có những thứ đã ngăn chặn tư duy, không để nó mở rộng tới trạng thái hiểu biết hoàn toàn. Câu hỏi tiếp theo là, do đâu những chướng ngại đó phát sinh? Chúng ta cần tách bỏ những chướng ngại đó như thế nào? Thứ ngăn trở ý thức, không cho nó hiểu được đối tượng, chính là sự vô minh, là nhận thức sai lầm về “hiện hữu đích thực” (misconception of true existence), đồng thời cũng được coi là thứ vô minh khư khư nắm giữ một thái cực: thái cực quên lãng (the extreme of reification).

Khi chúng ta nói về “vô minh”, điều đề cập tới là dạng ý thức hoặc thiếu một số điều kiện thích hợp, hoặc có một số điều kiện đối lập đang ngăn trở, không cho nó nhận thức được đối tượng. Trong các thể loại vô minh, phải nói rằng vô minh ở thể loại "nhận thức sai lầm" là cội nguồn, là thứ nắm quyền lực, đó là trở ngại chính. Qua phân tích, ta sẽ đi tới kết luận: dạng vô minh này có thể tách ra và gỡ bỏ được. Sự thất bại của tư duy phát sinh chủ yếu do vô minh và tiềm năng ngấm ngầm của vô minh. Chúng ta cần nghiên cứu, quyết định khi nào có thể tách vô minh ra khỏi tư duy, khi nào có thể kết thúc nó. Trong bối cảnh này, vô minh không chỉ đơn thuần là ngu muội, vô minh còn bao gồm cả nhận thức sai lầm về hiện hữu đích thực. Đó chính là cái tư duy cố chấp, thứ tư duy nhận thức sai lầm về đối tượng của nó. Do vậy, bằng vào việc tích luỹ những kiến thức đúng đắn như một liều thuốc giải độc, chúng ta có thể tách bỏ trạng thái vô minh.

Vô minh, quan niệm sai lầm về sự hiện hữu đích thực, và thuốc giải độc của vô minh, hai thứ này cũng phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện. Dường như chúng chỉ nảy nở khi gặp những điều kiện thích hợp, và chấm dứt tồn tại khi đụng phải những nhân tố chống đối. Chúng ta có thể tự hỏi, vậy điểm khác biệt giữa hai thứ này là gì? Khi vô minh là nhận thức sai lầm về sự hiện hữu đích thực, là tư duy lầm lẫn đối tượng, tư duy này không thể phát triển vô hạn được, bởi vì nó không có được những hỗ trợ giá trị. Thứ tư duy đó lầm lẫm, ngoan cố, do cách nó nhận biết đối tượng  trái ngược với thực chất tồn tại của đối tượng. Còn tư duy nhận thức được “vô ngã” (selflessness) là một loại thuốc giải độc, hoặc là thứ đối lập với dạng tư duy trên, nó không hiểu lầm đối tượng. Nói một cách khác, tư duy nhận thức được “vô ngã” là tư duy hiệu chỉnh đúng với đối tượng của nó, phương pháp nhận thức đối tượng của dạng tư duy này phù hợp với trạng thái tồn tại đích thực của đối tượng. Vì dạng tư duy này không phải là một nhận thức sai lầm, cho nên nó có một nền tảng hỗ trợ căn bản.

Trước đây, chúng ta phát biểu rằng vô minh là nhận thức sai lầm về hiện hữu đích thực, dạng vô minh này có thể kết thúc được. Đó là do tư duy vô minh không có sự hỗ trợ của nhận thức giá trị. Nói một cách khác, tư duy nhận thức được bản chất “vô ngã” của đối tượng được hỗ trợ bởi nhận thức giá trị. Phương thức mà hai dạng tư duy quan sát đối tượng đều đối lập nhau. Tư duy nhận thức được bản chất “vô ngã” của đối tượng là một thứ thuốc giải độc mãnh liệt chống lại thứ tư duy vô minh, do đó tư duy vô minh phải bị khuất phục. Điều này cũng tương tự như việc mọi mặt khổ đau của con người có thể giảm thiểu, một khi những biện pháp thích hợp được áp dụng để chống lại nỗi khổ đau đó. Đó là quy luật bản chất vạn vật: tiềm năng của vạn vật bị giảm đi khi gặp phải những nhân tố đối lập.

Tư duy nào nhận thức được thực tại được coi là dạng nhận thức siêu việt, là tư duy có phẩm chất tích cực, được hỗ trợ bởi một tri thức hiểu biết có giá trị. Xét về bản chất tư duy, một khi bạn tập luyện cho tư duy quen thuộc với những phẩm chất tích cực, nó có thể phát triển vô hạn. Khác hẳn với tư duy, phẩm chất tích cực của cơ thể không có khả năng dãn nở cực đại. Chỉ là vấn đề do thân thể được cấu thành bởi những nhân tố thô thiển, thuộc tính của những dạng thô thiển không có tiềm năng phát triển vô hạn.

Khi chúng ta nói rằng tư duy vô minh là tư duy cố chấp, nhầm lẫn, đó là chúng ta nói tới cách tư duy nhận thức sai lầm về thực tại. Bây giờ câu hỏi thích đáng như sau: Thực tại là gì? Tư duy lầm lẫn về thực tại như thế nào? Tư duy nắm bắt thực tại một cách sai lầm theo kiểu gì? “Thực tại" hay "trạng thái trống rỗng của dạng hiện hữu đích thực", đó là một thứ có thể xác minh bằng lập luận. Có nhiều phương pháp lập luận hoàn chỉnh, chứng minh chính xác được sự trống rỗng của dạng hiện hữu vốn có, và chúng ta có thể đạt được niềm tin qua những lập luận này. Mặt khác, lại không có một lập luận nào chứng minh được dạng hiện hữu đích thực. Dạng hiện hữu đích thực là những gì dường như rất thật, xuất hiện trước một tư duy thông thường, một tư duy không được huấn luyện. Nhưng khi xem xét dưới góc độ lập luận tỷ mỷ, chúng ta không thể tìm ra dạng hiện hữu đích thực đó. Ngay trong cuộc sống hàng ngày, ta thường thấy sự trái ngược giữa một số sự việc phát sinh và thực chất sự việc, có nghĩa là phương thức để sự việc xuất hiện thực ra khác hẳn bản chất tồn tại đích thực của sự việc. Ý niệm này có thể làm sáng tỏ bằng một cách khá đơn giản: trong cuộc đời, chúng ta đã từng thấy một số người thất vọng hoặc vỡ mộng. Thất vọng đó phát sinh do sự trái ngược giữa phương thức một hoàn cảnh xuất hiện và thực chất hoàn cảnh.

Ta hãy kiểm tra lại hoàn cảnh của mình là một con người. So với động vật, tư duy con người vô cùng oai lực. Ta có khả năng phân tích đâu là thực tại vượt ra ngoài hình thức thể hiện của nó, trong khi động vật chỉ xử lý những gì cụ thể đối với chúng. Điều này quá rõ ràng, cũng như mỗi người có một khả năng tiếp thu khác nhau. Khi chúng ta kiểm tra tư duy kỹ càng, rất nhiều dạng tư duy đã từng được coi như những nhận biết giá trị, nhưng chúng lại trở nên sai lầm dưới một cách hiểu sâu hơn. Đối với loại tư duy như thế, phong cách mà hiện tượng thực sự tồn tại không giống với những gì được thể hiện bên ngoài. Chúng ta thường quan sát thực tại hoặc trống rỗng khác xa với cách chúng thực sự tồn tại. Nhận thức của chúng ta về những thứ không ổn định như một dãy núi, hoặc nhà cửa...không phù hợp với quá trình tồn tại đích thực của chúng. Một số những thứ này đã tồn tại qua hàng thế kỷ, thậm chí tới hàng ngàn năm. Tư duy chúng ta quan sát chúng là như vậy: lâu dài, ổn định, dửng dưng với những thay đổi thoảng qua. Song nếu kiểm tra những đối tượng đó trong bối cảnh các phân tử, nguyên tử, ta sẽ thấy chúng phân huỷ từng lúc một, thay đổi từng phút một. Khoa học cũng mô tả những dạng thay đổi như vậy. Những đối tượng này xuất hiện đặc, chắc, bền vững, song với bản chất thực sự của chúng, chúng liên tục thay đổi không ngừng, dù chỉ một khoảnh khắc.

 

 

 

CHƯƠNG 2

 

 

HUẤN LUYỆN TƯ DUY

 

 

Học tập để đạt được một trình độ giáo dục là điều cần thiết. Huấn luyện tư duy là một quá trình rèn luyện để thuần thục. Trong Phật giáo, quá trình luyện tập thành thục (familiarization), hoặc thiền, là quá trình chuyển hoá tích cực của tư duy, quá trình loại bỏ khuyết điểm, phát huy ưu điểm tư duy. Qua thiền, chúng ta có thể huấn luyện tư duy bằng cách loại bỏ tính tiêu cực, tạo ra và tăng trưởng phẩm chất tích cực. Nói chung, có hai loại thiền: thiền phân tích và thiền tập trung. Trước tiên, đối tượng của thiền được đặt vào một quá trình phân tích, qua đó con người lặp đi lặp lại mọi cố gắng để hiểu biết thấu đáo nội dung đối tượng. Khi nhà thực hành thu hoạch được một khối lượng rất lớn độ tin cậy đối với đối tượng của thiền, thì tư duy hoàn toàn tập trung vào đó mà không còn một quá trình phân tích nào khác. Sự kết hợp giữa thiền phân tích và thiền tập trung là một kỹ thuật hiệu quả để tư duy thấu hiểu được đối tượng của thiền, kỹ thuật này hỗ trợ việc rèn luyện tư duy một cách thích đáng.

Chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện tư duy. Rèn luyện tư duy phát sinh trên cơ sở mỗi người chúng ta bẩm sinh đều khát khao hạnh phúc, không muốn khổ đau. Đó là những nét đặc trưng tự nhiên, con người không cần phải tạo ra nó. Tham vọng này không sai lầm. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để đạt tới mục tiêu nhận thức được hạnh phúc và từ bỏ khổ đau ? Ví dụ, mục đích căn bản của giáo dục là giúp con người đạt tới hạnh phúc, tránh xa nỗi khổ đau. Mọi cá thể đều phải nỗ lực trong quá trình giáo dục để tận hưởng cuộc sống thành đạt và có ý nghĩa. Nhờ giáo dục, chúng ta có thể gia tăng niềm hạnh phúc, giảm thiểu nỗi đau khổ. Tuy nhiên, giáo dục có rất nhiều hình thức, về cơ bản, mọi hình thức giáo dục đều nhằm mục đích hỗ trợ việc huấn luyện và định hình tư duy. Tư duy có sức mạnh bao quát thân thể và lời nói, do vậy mọi việc huấn luyện thân thể, lời nói phải xuất phát từ tư duy. Mặt khác, để bắt đầu quá trình rèn luyện hành động, lời nói, điều đầu tiên cần có là động cơ thúc đẩy. Tư duy thấy được lợi ích của việc huấn luyện sẽ phát sinh hứng thú. Mục đích huấn luyện tư duy là làm cho cuộc sống của chúng ta thêm giá trị. Qua tiến trình huấn luyện tư duy, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ, sẽ khám phá, xác định được vô số những khuyết điểm, những thứ cần loại bỏ, cần chấn chỉnh. Lúc đó nhiệm vụ mà chúng ta phải đối mặt, là tìm ra phương tiện, tìm ra biện pháp loại bỏ những gì lầm lỡ, tập hợp mọi điều kiện tối ưu để chuyển hoá tư duy. Nhiệm vụ này rất quan trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, nền giáo dục giúp chúng ta tìm thấy những nhân tố cần thiết và cho phép, để tạo ra hạnh phúc. Trong tiến trình, chúng ta cũng có khả năng loại bỏ những nhân tố gây ra khổ đau. Do vậy, bằng vào giáo dục, chúng ta hướng tới mục đích tạo cho cuộc sống hạnh phúc và giá trị.

Xem xét cuộc đời con người qua bối cảnh xã hội, nền giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Lối sống con người trong mọi hoàn cảnh phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cơ thể (Thân), ngôn từ (Khẩu) và tư duy (Ý). Một khi tư duy đóng vai trò chỉ đạo, có một tư duy kỷ luật là điều cần thiết. Trong cuộc đời, niềm vui, nỗi buồn phụ thuộc vào sức mạnh hoặc mức độ thông minh của tư duy. Và những thực nghiệm buồn vui đó tác động tới cuộc sống chúng ta như thế nào cũng phụ thuộc vào tư duy. Phong cách hành động, nói năng và suy nghĩ hiện tại cũng quyết định tình trạng hiện hữu trong tương lai của con người. Điều này lại còn phụ thuộc vào khuôn mẫu tư duy chúng ta nữa. Nếu sử dụng tiềm năng suy nghĩ của mình một cách sai lệch, chúng ta tạo ra lầm lỗi và phải gánh chịu mọi hậu quả không dễ chịu. Nói một cách khác, khi khai thác tiềm năng tư duy một cách kỹ thuật, con người nhận được những hậu quả tích cực, khoan khoái. Trạng thái của tư duy, phương pháp tư duy nhận thức các sự việc khác nhau, những thứ này ảnh hưởng rất lớn tới chúng ta. Do kiểm soát tư duy, một số người ít bị quấy nhiễu bởi hoàn cảnh thất bại hoặc không mấy thuận lợi. Đây là một ví dụ rõ ràng về tầm quan trọng trong việc rèn luyện, thuần hoá tư duy.

Khảo sát tầm quan trọng của việc huấn luyện tư duy, chúng ta có thể đặt vấn đề: tư duy là cái gì? Nếu bạn hỏi mọi người, phần lớn họ trả lời bằng cách xoa lên đầu và chỉ vào bộ não. Điều này phần nào đúng, vì cụ thể là chúng ta nói về tư duy con người. Tư duy của con người không có một dạng hiện hữu độc lập với cơ thể. Ý thức có mối tương quan đặc biệt với cơ thể con người thì được cho là ý thức của con người, còn ý thức có mối tương quan đặc biệt với cơ thể súc vật là ý thức của súc vật. Tư duy con người, hoặc ý thức mà chúng ta đề cập tới, nó thực sự bao gồm một số lượng cực lớn các hình thức tư duy, một số tinh tế và một số thô thiển. Nhiều hình thức tư duy thô thiển được nối với các cơ quan thụ cảm như mắt, mũi.., và phần lớn chúng chắc chắn được nối với bộ não. Hiển nhiên những nền tảng bên ngoài này, hoặc nhân tố, chúng là yếu tố cơ bản để ý thức phát sinh. Nhưng nguyên nhân chính của tư duy là thời điểm có trước của ý thức, mà bản chất ý thức tại thời điểm này là trong sáng và tinh tế. Nguyên nhân này được coi là điều kiện tức thì*.

*Chú thích của tác giả: điều kiện tức thì muốn nói tới sự tạo thành lập tức của tư duy và nhân tố tinh thần do dạng tư duy và các nhân tố kèm theo gây ra, ngay khi dạng tư duy trước đó vừa chấm dứt (một trong bốn nhân tố/điều kiện) .

Tác phẩm "Bốn Trăm Bài Thơ" của đại sư Aryadeva (Tôn Giả Đề Bà) đề cập tới một yêu cầu có tính chất lập luận, rằng nguyên nhân cội rễ của ý thức bắt buộc phải có tiềm năng chuyển hoá được, phải có bản chất trong sáng và khả năng nhận biết. Ngược lại, ý thức hoặc sẽ không bao giờ được tạo ra, hoặc luôn luôn được tạo ra, điều này hiển nhiên không thể chấp nhận được. Ảnh hưởng của một hành động sẽ đọng lại trong tâm trí chúng ta, và kết quả là chúng ta có thể nhớ lại được thực nghiệm đó sau một tháng hoặc một năm, có khi hàng chục năm hoặc lâu hơn hữa. Điều này được biết như sự bừng tỉnh của một mãnh lực tiềm tàng. Tiềm năng đó còn được di truyền qua chuỗi tiệm tiến của ý thức, và khi những điều kiện cần thiết tới thời điểm, mọi dấu vết tiềm tàng trong quá khứ nổi lên. Vì thế, chúng ta nói tới sự thức tỉnh của những dấu vết tiềm ẩn từ các tiền kiếp. Tuy nhiên, mối quan hệ của tư duy với bộ não con người không thể thực sự mô tả đầy đủ những khía cạnh tinh tế của dạng mãnh lực tiềm năng này. Quán triệt được ý niệm về sức mạnh tiềm tàng đó có thể giúp chúng ta am hiểu đôi chút về cuộc đời và sự hình thành vũ trụ. Nó cũng giải đáp một số nghi vấn có liên quan tới ý nghĩ con người, liên quan tới sự mê tín và các phóng tưởng khác của tư duy.

Triết học Phật giáo mô tả rất rõ ràng về những nguyên tắc chỉ đạo và phương pháp để có thể đạt được một tư duy thấu suốt mọi sự, phẩm chất cao nhất của tư duy, tiêu biểu cho đỉnh cao tiềm năng và sức mạnh trí tuệ. Để thức ngộ được kết quả cuối cùng của tư duy thấu suốt mọi sự, chúng ta cần luyện tập trong những điều kiện hoàn chỉnh, chính xác thuộc mọi nguyên nhân tạo ra tư duy đó. Chúng ta cũng phải đảm bảo duy trì quá trình huấn luyện cực kỳ nghiêm túc. Đó là lý do văn bản nói rằng:

 

Đồng thời trong các nguyên nhân và điều kiện, bạn phải tích lũy những nguyên nhân chính xác, đầy đủ. Nếu đưa nguyên nhân sai lầm vào thực hành, kể cả nỗ lực kiên trì, bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu mong muốn, giống như muốn vắt sữa từ sừng bò. Tương tự như vậy, kết quả sẽ không được tạo thành một khi không sử dụng toàn bộ nguyên nhân. Ví dụ, không có hạt giống thì không thể có chồi, thiếu đi các nguyên nhân khác, kết quả sẽ không được tạo ra. Do vậy, những ai mong muốn một kết quả đặc trưng phải trau dồi toàn bộ nguyên nhân, toàn bộ điều kiện cần và đủ để tạo ra kết quả đặc trưng đó.

     

          Bên cạnh việc tập hợp đầy đủ, chính xác những nguyên nhân cần thiết, điều quan trọng là bạn phải rèn luyện theo một trình tự đúng đắn các nguyên nhân đó khiến tư duy được mở rộng và trở nên thấu suốt. Ví dụ, muốn làm một món ăn ngon, việc chuẩn bị mọi thứ cần thiết cũng chưa đủ. Ta cần biết cách tổng hợp đủ các thành phần như dầu ăn, gia vị...để đạt được hương vị mong muốn.

 

Nếu bạn hỏi: "Nguyên nhân và điều kiện để đạt được kết quả cuối cùng của tư duy thấu suốt mọi sự là gì? Như một người mù, có thể tôi không ở trong hoàn cảnh tự mình giải thích được, nhưng tôi sẽ dùng lời của Đức Phật nói về vấn đề này với các đệ tử sau khi ngài đạt được khai sáng: "Vajrapani (Kim Cương Thủ Bồ Tát), vị chúa của mọi bí mật, trí tuệ siêu phàm thấu suốt mọi sự (the transcendental wisdom of omniscience) có nguồn gốc ở trong tâm từ bi, trí tuệ này nảy sinh do một nguyên nhân. Nguyên nhân đó là: ý tưởng vị tha, tư duy thức tỉnh bồ đề tâm (the awakening mind of bodhichitta) và chất lượng cao nhất của mọi phương tiện kỹ xảo." Do vậy, nếu bạn muốn đạt tới khả năng thấu suốt mọi sự, bạn cần rèn luyện ba thứ sau đây: tâm từ bi, tư duy thức tỉnh bồ đề tâm, và phương tiện kỹ xảo.

         

Ở đây, đại sư Kamalashila nhắc tới lời Đức Phật, ngài xác định một cách chính xác những nguyên nhân, biện pháp để đạt được khả năng thấu suốt mọi sự. Ngài nói rằng những ai muốn có khả năng này cần luyện tập tư duy thức tỉnh bồ đề tâm dựa trên cơ sở từ bi. Quá trình thực hành cần được hỗ trợ bằng "sáu kiện toàn” (Six Paramita, sáu Ba la mật), trọng tâm là việc hợp nhất “Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu” với “Trí tuệ sáng suốt đặc biệt”. Có nghĩa là những khía cạnh để thực hành được biết như phương pháp và trí tuệ, hai thứ này cần được xem như một thể hỗ trợ mật thiết lẫn nhau, không thể tách rời. Điều này cũng muốn nói rằng từ bi là nguồn gốc học thuyết của Phật, toàn bộ khối lượng giáo lý hàm chứa trong vô vàn phương tiện truyền bá lớn nhỏ, tất cả đều dựa trên cơ sở tâm từ bi.

 

 

 

CHƯƠNG 3

 

 

TỪ BI

 

 

XÚC ĐỘNG DO TÂM TỪ BI, CÁC BỒ TÁT PHÁT NGUYỆN GIẢI PHÓNG HẾT THẢY MỌI SINH LINH

 

          Tâm từ bi là phần chủ yếu trong giai đoạn bắt đầu, giai đoạn trung cao và giai đoạn cuối của tiến trình phát triển tâm linh. Theo giáo lý này, các Bồ tát, những thực thể vĩ đại, xúc động mạnh mẽ bởi tâm từ bi, các vị phát nguyện sẽ đạt tới trạng thái thấu suốt mọi sự vì hạnh phúc của mọi sinh linh. Quyết định này là tư duy thức tỉnh bồ đề tâm, là ý tưởng vị tha được rút chiết từ nguyên lý từ bi.

 

Rồi do vượt qua quan điểm duy ngã độc tôn (self-centered outlook), các vị hăng hái, liên tục tham gia vào những thực hành tích luỹ công đức, trí tuệ cực kỳ khó khăn.

 

          Nhờ oai lực của quá trình tạo ra tư duy thức tỉnh bồ đề tâm, các vị trải qua quá trình rèn luyện của Bồ tát, gồm việc phát triển sáu Bà La Mật (six Paramita) mà không quan tâm tới việc phải mất bao nhiêu thời gian. Kết quả là các vị dần dần tích luỹ vô lượng công đức, tích lũy trí tuệ không mấy khó khăn.

 

Để đi sâu vào thực hành này, chắc chắn các vị cần hoàn thành một tổ hợp công đức và trí tuệ. Hoàn thành việc tích luỹ công đức và trí tuệ tựa như có được khả năng thấu suốt mọi sự (omniscience) trong lòng bàn tay mình. Cho nên, do tâm từ bi là gốc rễ duy nhất của khả năng thấu suốt mọi sự, bạn cần phải rèn luyện thuần thục thực hành này ngay từ lúc mới bắt đầu.

 

          Ở đây, tác giả đề cập tới khái niệm từ bi là cội nguồn duy nhất, là nền tảng khả năng thấu suốt mọi sự. Danh từ "duy nhất" nhấn mạnh rằng tâm từ bi là nguyên nhân căn bản của khả năng thấu suốt mọi sự, song tác giả không phủ nhận những nguyên nhân, điều kiện hỗ trợ khác. Điều này nhấn mạnh một điểm: từ bi là một nguyên nhân cần thiết vì khả năng thấu suốt mọi sự không thể đạt được nếu không có tâm từ bi. Nhưng nếu chỉ từ bi không thôi, thì lời phát biểu đầu tiên về sự cần thiết rèn luyện tâm từ bi, rèn luyện tư duy thức tỉnh bồ đề tâm và những phương tiện kỹ xảo sẽ bị mâu thuẫn.

 

Tác phẩm "Trích Yếu Pháp Hoàn Hảo (The Compendium of Perfect Dharma)" có viết: "Thưa Đức Phật, một vị Bồ tát không nên rèn luyện quá nhiều thực hành khác, ngoại trừ Pháp. Nếu Bồ tát chỉ duy nhất thực hành Pháp, học hỏi Pháp một cách hoàn chỉnh, vị đó sẽ có tất cả phẩm chất của Phật trong lòng bàn tay. Và, nếu bạn hỏi Pháp đó là gì ? Đó là Đại Từ Đại Bi."

 

          Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm từ bi, trên cơ sở  từ bi mà tư duy thức tỉnh bồ đề tâm được tạo ra, rồi do con người thực hiện những chiến công của Bồ tát, họ sẽ đạt tới khai sáng. Hệ quả của luận cứ này là: nếu không có tâm từ bi, bạn không thể tạo ra tư duy thức tỉnh tối thượng của bồ đề tâm, tư duy thương yêu người khác hơn chính bản thân mình. Không có quan điểm vị tha này thì không thể thực hiện được những chiến công Đại Thừa của Bồ tát, ví dụ như thực hành “sáu kiện toàn Paramita”. Đó là lý do giải thích tại sao tâm từ bi lại vô cùng quan trọng.

 

Chư Phật đã hoàn thành mọi mục đích của các vị, nhưng vẫn tồn tại trong vòng hiện hữu, chừng nào ở đó hãy còn chúng sinh. Đó là do các vị sở hữu tâm đại từ đại bi. Các vị cũng không đi vào nơi hạnh phúc tuyệt đỉnh của cõi Niết bàn như các Thanh Văn (Hearer). Quan tâm tới lợi ích của chúng sinh trước tiên, các vị từ bỏ cõi Niết bàn như từ bỏ một ngôi nhà bằng sắt bị nung nóng. Do vậy, chỉ có tâm đại từ bi là nguyên nhân tất yếu của chư Phật thuộc cõi Niết Bàn Không Vĩnh Cửu (Non-abiding Nirvana).

 

          Tâm từ bi được tán dương trong nhiều học thuyết, tầm quan trọng của nó không thể nói hết được. Đại sư Chandrakirti (Nguyệt Xứng) vô cùng ngưỡng mộ tâm từ bi, ngài nói rằng đó là nền tảng chính yếu của con đường khai sáng trong giai đoạn đầu, giai đoạn trung cao và giai đoạn cuối.

          Trước hết, từ bi là gốc rễ, nền tảng tạo ra tư duy thức tỉnh bồ đề tâm. Nếu một vị Bồ tát muốn đạt tới mục tiêu cuối cùng, việc thực hành "sáu kiện toàn Paramita" và các thực hành tương tự chính là điểm thiết yếu căn bản. Trong giai đoạn trung cao, từ bi cũng có tầm quan trọng tương đương. Ngay cả sau khi khai sáng, cũng chính tâm từ bi khiến các vị không ở lại trong trạng thái phúc lạc thuộc cõi Niết bàn. Đó là động lực để chư Phật đi vào cõi Niết Bàn Không Vĩnh Cửu (non-abiding Nirvana), đạt được "Pháp thân" (Truth Body), tiêu biểu cho thời điểm hoàn thành mục đích của riêng bạn, và "Sắc thân” (Form Body), thời điểm hoàn thành nhu cầu của những người khác. Do vậy, bằng vào oai lực của từ bi, chư Phật không ngừng cứu độ chúng sinh, chừng nào không gian còn tồn tại. Điều này cho ta thấy tư duy thức tỉnh bồ đề tâm vẫn rất quan trọng kể cả sau khi đạt được điểm đến cuối cùng. Tham khảo của đại sư Kamalashila (Ca Ma La Thập La) về các học thuyết khác của đại sư Chandrakirti đã hỗ trợ thêm giá trị của luận điểm này và có ưu thế tăng sức thuyết phục người nghe.

          Nói chung, trong Phật giáo truyền thống, mọi quan điểm triết học không bắt buộc phải được khẳng định duy nhất bằng cách dựa vào các kinh bản có uy tín. Thực ra, mỗi cá thể chủ yếu cần dựa vào trình tự lập luận hợp lý để giành được niềm tin và tính thuyết phục trong hệ thống triết học. Đối tượng hiểu biết có thể phân loại một cách rộng rãi như: hiện tượng hiển nhiên không bị che khuất, hiện tượng một phần bị che khuất, và hiện tượng hoàn toàn bị che khuất. Đối với hiện tượng hiển nhiên, chúng ta không cần phải sử dụng lập luận để chứng minh trạng thái hiện hữu của nó, mà có thể thực nghiệm và hiểu một cách trực tiếp, qua đó xác định được sự tồn tại của dạng hiện tượng này. Còn hiện tượng một phần bị che khuất không thể xác định chắc chắn bằng thực nghiệm trực tiếp, hiện tượng này phải được chứng minh bằng lý luận, nhờ đó đối tượng để phân tích (hiện tượng một phần bị che khuất) sẽ được hiểu bằng phương pháp nhận thức qua suy luận dựa trên cơ sở thực nghiệm (inferential cognition based on experience). Để đạt được mục đích này, có rất nhiều phương pháp lập luận cần dùng tới. Về hiện tượng hoàn toàn bị che khuất, những người có trình độ hiểu biết ở mức độ sơ khai không thể thẩm định trọn vẹn được dạng hiện tượng này bằng khoa học lập luận. Chúng ta cũng không thiết lập được mối liên quan giữa dạng hiện tượng này với mọi thực nghiệm của chúng ta. Đây là lúc ta bắt buộc phải căn cứ vào kinh bản có uy tín.

          Trước tiên, những giáo lý kinh bản có uy tín, xác thực cần được thiết lập. Rồi giá trị, uy tín của vị thầy giảng dạy giáo lý đó cần được khẳng định. Giáo lý kinh bản có uy tín bắt buộc phải trải qua một trình tự phân tích tam đoạn: 1- giáo lý liên quan tới hiện tượng hiển nhiên không đối lập với những gì nhận biết trực tiếp; 2- giáo lý liên quan tới hiện tượng hơi bị che khuất không đối lập với phương pháp nhận thức bằng suy luận (inferential cognition); và 3- giáo lý liên quan tới hiện tượng hoàn toàn bị che khuất không đi ngược lại với cách nhận thức bằng suy luận dựa trên cơ sở đức tin (inferential cognition based on faith). Sau đó, giá trị của kinh bản có uy tín, xác thực cần được kiểm nghiệm bằng phương pháp lập luận.

          Vì được giảng dạy rằng những giáo lý đó là đúng, có giá trị đối với ý nghĩa, mục đích chính, cho nên giá trị của giáo lý đối với những mục đích khác có thể hiểu bằng phương pháp suy luận. Mục tiêu chủ yếu của chúng ta là trạng thái phúc lạc rõ ràng (cõi Niết bàn và khả năng thấu suốt mọi sự), trong khi đó, ước vọng tái sinh làm con người hoặc thượng đế chỉ là ước muốn bình thường. Do vậy, với giáo lý đề cập tới tiến trình nhận thức phẩm chất tốt đẹp cụ thể, mà giáo lý này, khi thẩm tra bằng lập luận thấy hoàn toàn đúng, chắc chắn giáo lý đó cũng đúng với mục đích bình thường. Thường khi mà một cái gì đó đúng với khía cạnh khó khăn của một vấn đề, chắc chắn nó cũng đúng đối với các mặt đơn giản hơn.

          Hơn nữa, vị thầy giảng dạy giáo lý là một con người mẫu mực đáng tin cậy. Vị đó giác ngộ do sức mạnh bắt nguồn từ quá trình thực hành từ bi của vị đó. Sở hữu tâm đại từ bi, vị thầy này thực sự được thúc đẩy để trợ giúp mọi sinh linh. Với oai lực đại từ đại bi, vị thầy giảng dạy giáo lý nhằm mục đích thể hiện tiến trình của đạo (đường lối), tiến trình này đã giúp vị đó loại bỏ những trở ngại và vươn lên giai đoạn hoàn thành cao nhất. Đức Phật giảng dạy trong ánh sáng thực nghiệm rực rỡ bản thân ngài, và do trực tiếp thức ngộ thực tại tối hậu, ngài đã tìm ra sự thật chân lý. Mọi hoạt động của ngài là vô điều kiện, không mệt mỏi, sẵn sàng làm việc hàng kỷ nguyên vì lợi ích chúng sinh, bất chấp bản chất nhiệm vụ đó. Hiểu và suy ngẫm về điểm này sẽ giúp chúng ta đạt được niềm tin vững chắc vào giá trị giáo lý của Đức Phật.

          Vì lý do đó, người ta cho rằng phương pháp thông minh nhất là nên trích dẫn những giáo lý nguyên bản đích xác để chứng minh cho một luận điểm hoặc một thực tiễn. Quy trình như vậy mang một ý nghĩa rất lớn, nó xua tan phần lớn mọi hồ nghi không căn cứ và làm thấm nhuần một dạng trí tuệ mới.

 

 

 

CHƯƠNG 4

 

         

           PHÁT TRIỂN TÂM BÌNH ĐẲNG, CỘI NGUỒN CỦA NHÂN ÁI

 

          Từ bi là một trong các nguyên nhân chính để thức ngộ được khả năng thấu suốt mọi sự. Điều này rất quan trọng ngay từ lúc bắt đầu, trong thực hành, và kể cả sau khi nhận thức được kết quả từ những nỗ lực tâm linh của chúng ta. Bây giờ câu hỏi là: chúng ta suy ngẫm về vấn đề này như thế nào ?

 

Phương pháp thiền về từ bi sẽ được giảng dạy trước tiên. Bắt đầu thực hành bằng thiền về tâm bình đẳng. Hãy cố gắng thể hiện sự công bằng đối với mọi sinh linh bằng cách loại bỏ cảm xúc quyến luyến hoặc ghét bỏ.

         

Tâm từ bi là tư duy tập trung vào mọi sinh linh đang đau khổ với ước vọng mong muốn chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Từ bi có 3 loại, tùy thuộc vào khía cạnh trí tuệ đi kèm với lòng từ bi đó. Ba loại đó là: từ bi tập trung vào sinh linh, từ bi tập trung vào hiện tượng, và từ bi tập trung vào những gì không thể hiểu rõ. Trong tư duy con người, cả ba loại từ bi đều giống nhau, đó là ước mong tha thiết để sinh linh thoát khỏi khổ đau. Ba loại từ bi đó được phân biệt không phải do cách thể hiện bên ngoài, mà do đối tượng để tâm từ bi tập trung vào đó, vì cả ba có chung một điểm là đều mong muốn sinh linh thoát khỏi đau khổ. Gọi là tâm từ bi tập trung vào sinh linh vì nó chỉ đơn thuần tập trung vào sinh linh, không phân biệt đặc điểm vô thường hay trống rỗng sự hiện diện cố hữu của sinh linh. Tâm từ bi tập trung vào hiện tượng có liên quan tới dạng từ bi không những chỉ tập trung vào sinh linh mà còn tập trung vào cả những sinh linh có đặc tính vô thường, biến đổi. Tương tự như vậy, tâm từ bi tập trung vào những gì không hiểu rõ được có liên quan tới dạng từ bi tập trung vào những sinh linh có đặc điểm là không thể hiểu rõ, những sinh linh thiếu đi sự hiện diện cố hữu của chúng.

Khi nghiên cứu vấn đề này dưới một góc độ khác, công đức của việc tạo ra ý nghĩ tốt lành là điều hiển nhiên. Điểm này hoàn toàn đúng, dù cho bạn có tin vào bất kỳ một tôn giáo nào hay không. Lòng tốt của một cá nhân liên quan trực tiếp tới sức mạnh hoặc phẩm chất ý nghĩ tốt đẹp do cá nhân đó tạo ra. Người nhân hậu thường được quần chúng ngưỡng mộ, họ cảm thấy gần gũi người đó. Chúng ta có thể quan sát hiện tượng này ngay trong loài vật. Súc vật bày tỏ niềm vui mừng, sung sướng khi thấy người ta đối xử tốt với chúng, chúng quấn quýt người đó. Ngược lại, những ai hay gây gổ, có dụng ý đen tối thường bị nhìn với vẻ nghi ngờ, ngay cả loài muông thú. Chúng chạy trốn khi nghe thấy tiếng nói hoặc bước chân người đó. Do vậy, động cơ nhân hậu, tấm lòng vàng là thứ phẩm chất cực kỳ giá trị.

Người sở hữu tâm từ bi thường hoà nhã với cộng đồng, bản chất thoải mái của họ thu hút bạn bè khắp nơi. Rất dễ dàng quan sát thấy hấp lực của từ bi, khi mà chúng ta nhận ra kể cả những người không quen thuộc cũng đều vui vẻ trong nhóm con người từ bi đó. Ta hãy lấy một vài ví dụ đơn giản nhưng rõ ràng về ý nghĩa nhân hậu. Khi một ai đó mỉm cười, nụ cười đó tạo ra niềm vui trong trái tim người khác mà không hề mất mát gì. Trừ phi chúng ta bình thản, vui vẻ tự đáy lòng, còn không, dù rằng giàu có, ta sẽ không chắc chắn rằng mình có sức thuyết phục đối với bạn bè. Những lúc con người ganh tỵ, hận thù, họ không thể đạt được lợi ích to lớn dù có phung phí tài sản cho những người khác. Nói một cách khác, người trung thực say mê trong việc giúp đỡ người khác sẽ có được sự bình an và niềm vui xuất phát từ tâm hồn. Họ tạo ra xung quanh mình một bầu không khí hài hoà. Cho nên, rõ ràng bằng vào một trái tim nhân hậu, một thái độ sẵn sàng giúp đỡ, đây chính là nền tảng căn bản của niềm vui cho chúng ta và cho cả người khác nữa, ngay bây giờ và mãi mãi về sau này.

Thứ phẩm chất tích cực do ý muốn giúp đỡ mọi người được nhận biết rộng rãi như những phẩm chất giá trị và được mong muốn. Mọi tôn giáo chính trên thế giới đều dạy dỗ các môn đồ trở nên người tốt, rèn luyện tính kiên trì, phát huy niềm vui giúp đỡ người khác. Đây là một điểm thống nhất có liên quan tới những giá trị tích cực đi kèm nguyên lý nói trên. Đặc biệt trong Phật giáo, do luận cứ triết học Phật giáo được xây dựng trên nền tảng từ bi, hầu hết mọi điểm trọng yếu đều đặt vào thực hành này.

Vậy, kỹ thuật thiền của Phật giáo về tâm từ bi như thế nào? Một mặt chúng ta cần phát huy tình yêu thương nhân hậu tới mọi chúng sinh, sau đó cần xác minh được bản chất của khổ đau. Luôn luôn ý thức hai khía cạnh này, tập trung mọi ý nghĩ vào vô lượng chúng sinh, bạn sẽ tạo ra ước muốn mạnh mẽ, là hết thảy mọi chúng sinh phải được thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi nguyên nhân dẫn tới khổ đau. Bạn bắt đầu tiến trình bằng khuynh hướng tạo ra lòng thương yêu nhân hậu đối với những sinh linh đang đau khổ. Thiền về tâm bình đẳng được giảng dạy nhằm mục đích này.

Nếu kiểm tra tư duy thông thường, ta thấy tư duy phân biệt sinh linh thành ba nhóm: một nhóm gần gũi, thân thiết, một nhóm chán ghét và một nhóm hững hờ, không quan tâm. Chúng ta quan tâm tới nhóm sinh linh gồm bạn bè thân thích hoặc gia quyến; xa lánh với nhóm ta cho rằng trước đây họ đã gây tổn thương cho bản thân, cho bạn bè, thân thuộc và những thứ sở hữu của ta, có thể bây giờ và trong tương lai nữa. Với ý nghĩ như thế, con người nảy sinh thái độ căm ghét các sinh linh đó. Trường hợp này, ngay khi nói về việc nuôi dưỡng tâm từ bi đối với mọi sinh linh, thực ra, chừng nào còn liên quan tới mục đích riêng tư, tâm này thực chất chỉ mang tính một chiều, nông cạn. Có nghĩa là, để tạo ra tâm từ bi đích thực đối với mọi sinh linh, trước hết chúng ta phải có được thái độ bình đẳng, không thiên vị, coi mọi sinh linh đều như nhau.

Một điều quan trọng cần nhận thấy, dù cho chúng ta có cảm giác rất gần gũi với bạn bè, thân thích, đối xử thân ái với họ, lối ứng xử thân thiện này nảy sinh do xúc cảm quyến luyến, ràng buộc và có một động cơ vị kỷ đã ẩn dấu đằng sau cách thể hiện thân ái của chúng ta. Ta đã thiên vị, đã nghĩ rằng người này có ích với ta ở hình thức này, hoặc người kia có lợi cho ta dưới hình thức khác. Do vậy, khi sử dụng thuật ngữ "thân ái" trong điều kiện thường tình, chúng ta liên tưởng tới một cái gì đó có thể nói khá chính xác là sự ràng buộc quyến luyến.

Nói về tâm từ bi, nhân hậu đích thực, điều này ngụ ý gì? Tâm từ bi là mối quan tâm căn bản tới hạnh phúc của những người khác, quan tâm tới niềm vui và nỗi khổ đau của họ. Mọi người cũng muốn tránh khỏi khổ đau như chúng ta, vậy một con người giàu lòng từ bi trước hết cảm thấy hết sức áy náy khi thấy người khác đau khổ, rồi nảy sinh ý muốn giải thoát người đó khỏi nỗi khổ đau. Là những sinh linh thông thường, cảm giác gần gũi với bạn bè, thân thích của chúng ta hơi có biểu hiện của tham vọng sở hữu tình cảm, dạng xúc cảm này cần được giảm thiểu. Điều quan trọng là không lẫn lộn giữa tâm từ bi và sự quyến luyến ràng buộc. Trong một số văn bản, thuật ngữ "quyến luyến" (attachment) được sử dụng để biểu thị tâm từ bi. Dù rằng cảm giác quyến luyến có chia sẻ một vài điểm tương tự, song xúc cảm đó phát sinh do quan niệm sai lầm về hiện hữu đích thực. Mặt khác, tâm từ bi không nhất thiết phải phụ thuộc vào quan niệm này. Ý nghĩ từ bi được khích thích do ước muốn hỗ trợ sinh linh thoát khỏi khổ đau.

Nói chung, có hai kỹ thuật chính để tạo ra tâm bình đẳng. Với kỹ thuật thứ nhất, chúng ta suy nghĩ về trạng thái bất ổn định của các mối quan hệ, suy nghĩ về tính vô thường, nỗi khổ đau, để hiểu được sự vô nghĩa đối với việc quyến luyến người này, ghét bỏ người khác. Căn cứ vào kỹ thuật thứ hai, do thấy được hết thảy sinh linh đều như nhau, cùng ước mong hạnh phúc, không muốn bị đau khổ, nên chúng ta cần cố gắng tạo ra một thái độ công bằng, không thiên vị đối với mọi sinh linh. Cốt lõi văn bản tóm tắt về kỹ thuật thứ hai để tạo ra tâm bình đẳng như sau :

 

Mọi sinh linh đều khát khao hạnh phúc, không muốn khổ đau. Hãy sâu sắc nghĩ rằng trong vòng hiện hữu không có điểm bắt đầu này, không một sinh linh nào lại chưa bao giờ là bè bạn, thân thích của ta tới hàng trăm lần. Do đó, một khi không có cơ sở vững chắc để quyến luyến người này, ghét bỏ người kia, tôi sẽ phát huy ý nghĩ bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh. Bắt đầu thiền về tâm bình đẳng bằng cách nghĩ tới một con người không quen biết, sau đó mở rộng đến những người là bạn, là kẻ thù.

         

          Hết thảy sinh linh đều hoàn toàn giống nhau ở chỗ cùng mong muốn hạnh phúc, tránh xa khổ đau. Chúng ta không phải là những thực thể riêng biệt, không quan hệ. Niềm vui, nỗi buồn của mọi người đều có tác động tới chúng ta. Mối quan hệ tương tác này là hiển nhiên. Tất cả mọi sinh linh đã từng cư sử tốt, đã từng trực tiếp, gián tiếp trợ giúp ta qua suốt một dòng thời gian vô hạn, họ giống ta về bản chất, cũng mưu cầu hạnh phúc và cố gắng tránh xa mọi khổ đau. Do vậy, đối với chúng ta, điểm thiết yếu hợp lý là nỗ lực rèn luyện, tích lũy một thái độ vô tư, không thiên vị trong khác vọng mong muốn hết thảy sinh linh được hạnh phúc.

          Để thực hiện được trạng thái tư duy coi mọi người bình đẳng, đôi khi việc suy ngẫm tới một số cá thể đặc biệt có thể có khá nhiều tác dụng. Hãy hình dung về ba loại người, một nhóm đã gây tổn hại cho chúng ta trong cuộc đời này: kẻ thù, một nhóm trực tiếp có ích lợi cho ta: bạn bè, và một nhóm không gây tổn hại cũng không mang lại lợi ích: nhóm người ta không quen biết.

          Khi kiểm điểm lại những phản ứng thường là tự phát của tư duy, chúng ta thấy rằng đối với kẻ thù, tư duy nghĩ rằng: "Đây là kẻ thù". Nó trở nên cáu kỉnh, phẫn nộ, hoặc chán ghét. Nghĩ về bạn bè, tư duy cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Đối với người lạ, tư duy không bực dọc, cũng không khoan khoái. Bước kế tiếp là tìm hiểu nguyên nhân của loại phản ứng này. Thực ra, lý do phát sinh những phản ứng đó là do thái độ nông cạn dựa trên cơ sở chủ quan hẹp hòi của tư duy. Chúng ta gắn bó với bạn bè thân thuộc chỉ vì họ mang lại cho ta lợi ích tạm thời trong cuộc đời này. Chúng ta ghét bỏ kẻ thù vì một số tổn hại họ đã gieo rắc. Khi sinh ra, họ không phải là bạn ta, nhưng họ trở thành bạn bè do hoàn cảnh. Kẻ thù của chúng ta đâu có thù hằn ta khi họ mới ra đời. Những mối quan hệ đó hoàn toàn không đáng tin cậy. Trong cuộc đời, người bạn thân nhất hôm nay rất có thể trở thành kẻ thù tồi tệ ngày mai và ngược lại, một kẻ thù ghê gớm vẫn có thể trở thành một người bạn hết sức tin cẩn. Hơn nữa, nếu nói về các kiếp sống quá khứ, tính không xác thực của mối quan hệ này lại càng lộ rõ. Bởi những lý do trên, thái độ hận thù kẻ địch, quyến luyến bạn bè của chúng ta chỉ bộc lộ một suy nghĩ hẹp hòi, chỉ thấy được đôi chút lợi thế tạm thời, ngắn ngủi. Ngược lại, khi quan sát sự việc với bối cảnh rộng lớn, với tầm nhìn sâu sắc, tâm trạng bình thản sẽ dâng lên trong tư duy, nó giúp chúng ta thấy được tính vô nghĩa của cảm xúc hận thù, quyến luyến.

          Khi nào, qua quá trình thiền lâu dài, chúng ta có khả năng cân bằng được xúc cảm đối với 3 dạng cá thể nói trên: bạn bè, kẻ thù, và người lạ, lúc đó ta dần dần mở rộng phạm vi của thiền bình đẳng tới hàng xóm, công dân, đồng bào. Cuối cùng, chúng ta phát triển thiền tới mức bao gồm mọi sinh linh trên thế giới. Bắt đầu từ những cá thể đặc trưng là một cách hữu hiệu để phát triển sự bình đẳng hoàn hảo. Nếu buớc đầu thiền về đại bộ phận các sinh linh, việc thực hành về bình đẳng xem ra có thể khá là công bằng, nhưng khi gặp phải một cá nhân cụ thể, ta sẽ thấy được sự tiến bộ của mình ít ỏi chừng nào. Với lý do này, kỹ thuật triển khai phạm vi của thiền từ hẹp tới rộng là kỹ thuật được các bậc thầy trong quá khứ gợi ý và khích lệ.

          Hãy nghiên cứu khái niệm về vòng tuần hoàn không có điểm bắt đầu của hiện hữu. Trên một phương diện nào đó, vòng tuần hoàn không có điểm bắt đầu của hiện hữu được mô tả như một tiến trình liên tục theo chu kỳ từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, chịu ảnh hưởng của xúc cảm rối loạn và nghiệp quả. Tình trạng này có nguyên nhân riêng của nó, nhưng những nguyên nhân này không phải là bất di bất dịch. Nếu nguyên nhân bất biến, thì kết quả cũng bất biến. Cũng không phải vòng tuần hoàn hiện hữu này là sản phẩm có mục đích của Ishvara, vị mà một số người tin là đấng sáng tạo. Vậy vòng tuần hoàn hiện hữu là gì? Đó là quá trình chia sẻ bản chất tự nhiên của nhân quả. Hai nguyên nhân chủ chốt khiến sinh linh ra đời trong vòng hiện hữu là nghiệp quả và cảm xúc rối loạn, trong đó cảm xúc rối loạn có ưu thế trội hơn. Sự vô minh, khái niệm sai lầm về thực chất của hiện hữu là gốc rễ quan trọng nhất trong ba loại cảm xúc rối loạn chủ yếu. Vô minh, khái niệm sai lầm về thực chất của hiện hữu, không phải là một thứ gì mang từ đâu lại, đây chính là sự sáng tạo của ý thức.

          Điều tự nhiên là chúng ta nghiên cứu xem ý thức có tồn tại hay không? Điểm này khó đi tới một kết luận rõ ràng và chúng ta đã bị giới hạn khi nói rằng ý thức tồn tại trong bản chất của vạn vật. Tuy nhiên, vô minh, nguồn gốc của mọi cảm xúc rối loạn, nguyên nhân của quá trình tái sinh trong vòng tuần hoàn hiện hữu; vô minh đi vào trong hiện hữu ngay đúng lúc ý thức xuất hiện, và ý thức không có điểm bắt đầu. Nếu chúng ta thừa nhận ý thức có điểm bắt đầu, vô số lập luận nguỵ biện sẽ đi kèm theo. Ví dụ, nếu công nhận một dạng tồn tại vật chất vô tri vô giác như điểm bắt đầu của ý thức, chúng ta cũng đã ngầm công nhận mọi kết quả xuất phát từ những nguyên nhân không thích hợp.

          Trong mối tương quan nhân quả thông thường, cả nguyên nhân lẫn kết quả đều cùng nằm trong một phạm trù. Khi quan sát mối tương quan của nguyên nhân và kết quả thuộc đối tượng vật chất, kết quả vẫn giữ nguyên cùng một bản chất như nguyên nhân. Ý thức cũng theo một mô hình tương tự. Từng khoảnh khắc ý thức tạo ra một kết quả ngay sau đó thuộc cùng một phạm trù, tức là tạo ra một khoảnh khắc ý thức khác. Vì lý do đó, các văn bản kinh Phật trình bày chi tiết về ý niệm "tư duy không có điểm bắt đầu", và "hiện hữu cũng không có điểm bắt đầu" của sinh linh. Do đó, vòng tuần hoàn hiện hữu cũng được coi là không có điểm bắt đầu.

          Văn bản đề cập rằng thông qua quá trình sinh linh ra đời trong vòng hiện hữu không có điểm bắt đầu, các sinh linh không biết bao nhiêu lần đã từng là thân nhân của chúng ta. Ở đây ta chỉ cần nhớ lại và suy nghĩ về các điểm tốt của sinh linh. Mọi sinh linh đều trực tiếp, gián tiếp mang lại lợi ích cho chúng ta. Lòng nhân ái, lợi ích mà bạn bè, thân thích mang lại cho ta trong cuộc đời này là điều hiển nhiên. Kể cả những con người xa lạ cũng đều vô cùng giá trị, vì họ là nền tảng để chúng ta tích luỹ công đức. Tình yêu thương nhân hậu, lòng từ bi sẽ được trau dồi qua mối tương quan với vô lượng chúng sinh do việc nhớ lại mọi hành vi nhân hậu của họ.

           Bằng vào kết quả những thực hành đó, tư duy thức tỉnh bồ đề tâm được tạo thành. Vì thế, việc rèn luyện, tích luỹ công đức, trí tuệ phải thực hiện nhờ vào mối tương quan với sinh linh, và chúng ta được lợi ích vô biên. Có nghĩa là ta trông cậy vào lòng tốt của các sinh linh để đạt được mục đích tối thượng cuối cùng. Xuất phát từ bối cảnh này, tác phẩm "Hướng Dẫn cách sống Bồ tát” (the Guide to Bodhisattva’s way of life) của đại sư Shantideva (Tịch Thiên) giải thích rằng hết thảy sinh linh và chư Phật đều bình đẳng trong lĩnh vực giúp đỡ mọi cá nhân đạt tới Phật tính. Sinh linh vô cùng giá trị và lợi ích, bất luận dụng ý của họ như thế nào. Ở mức độ bình thường, vô vị, kẻ thù là những người gây tổn hại cho chúng ta, vì thế ta không ưa họ. Nhưng quan sát dưới góc độ khác, chúng ta có thể đạt được những thực nghiệm tuyệt vời, được rèn luyện thông qua quan hệ của chúng ta đối với kẻ thù. Trong mối tương quan này, con người chủ yếu rèn luyện tính nhẫn nại, khoan dung, do vậy con người có thể giảm thiểu áp lực của xúc cảm tức giận, căm thù. Chúng ta nên nắm lấy ưu thế tối đa của cơ hội đó để làm giàu, để gia cố thêm phần thực hành tính kiên nhẫn. Vì lý do đó, một số luận thuyết đã mô tả kẻ thù của chúng ta như là những người thầy. Vắn tắt lại, tất cả mọi sinh linh kể cả kẻ thù, họ đều mang lại nguồn hỗ trợ lớn lao cho chúng ta trong vô số phương diện khác nhau, những sinh linh này trực tiếp hoặc gián tiếp đáp ứng rất nhiều nhu cầu cần thiết của ta.

 

Sau khi tư duy phát triển tâm bình đẳng đối với mọi sinh linh, hãy thiền về tình yêu thương nhân hậu. Hãy làm ẩm ướt chuỗi tiệm tiến tinh thần (the mental continuum) bằng nguồn nước yêu thương nhân hậu và chuẩn bị tư duy như chuẩn bị một mảnh đất phì nhiêu. Khi hạt giống từ bi được gieo trong mảnh đất này, quá trình đâm chồi sẽ sảy ra nhanh chóng, thích đáng, và hoàn chỉnh. Ngay lúc bạn tưới cho mảnh đất tư duy bằng tình yêu thương nhân hậu, hãy thiền về lòng từ bi.

 

          Để minh họa phương thức tạo ra lòng nhân ái, từ bi, đại sư Kamalashila đã dùng phương pháp tương thích (analogy: phép suy diễn những sự kiện tương đương) với hình ảnh canh tác mùa màng. Tựa như hạt giống sẽ đâm chồi nếu được gieo vào một mảnh đất ẩm ướt, vậy khi chuẩn bị cho tư duy với ý tưởng nhân ái làm căn bản, bạn đã nuôi dưỡng tâm từ bi. Nuôi dưỡng thái độ bình đẳng đối với mọi sinh linh, chúng ta sẽ thấy hết thảy chúng sinh đều như nhau, họ đã từng là bè bạn gần gũi, là thân thích của chúng ta trong nhiều kiếp sống, và cũng như chúng ta, họ đều ước mong hạnh phúc, không muốn khổ đau. Rèn luyện tư duy bằng phương pháp này, bạn sẽ thấy mình gần gũi hết thảy mọi sinh linh, sẽ nảy nở một thứ tình cảm lớn lao đối với họ. Một cá thể càng thấy chúng sinh gần gũi, thân thiết bao nhiêu, cá thể đó càng quan tâm tới nỗi khổ đau của chúng sinh bấy nhiêu. Do vậy, khi thiền về tâm bình đẳng, chúng ta cần thiền về tình yêu thương nhân hậu. Nếu con người thấm ướt tư duy bằng nguồn nước thương yêu nhân hậu và gieo hạt giống từ bi, sự nảy mầm chắc chắn sẽ nhanh chóng và dịu dàng.

 

 

 

CHƯƠNG 5

 

 

XÁC MINH BẢN CHẤT CỦA KHỔ ĐAU

 

 

Tư duy từ bi có bản chất là mong muốn mọi sinh linh thoát khỏi đau khổ. Hãy thiền về tâm từ bi vì hết thảy chúng sinh, bởi lẽ sinh linh trong ba cõi hiện hữu đang bị hành hạ khắc nghiệt bởi ba nỗi khổ đau dưới vô vàn hình thức. Phật dạy rằng sức nóng và những hình thức đau đớn khác liên tục tra tấn sinh linh trong địa ngục suốt một thời gian dài. Ngài cũng nói rằng quỷ đói bị thiêu cháy bởi đói khát,  bị thực nghiệm cơ man nỗi đau đớn vật chất. Chúng ta thấy súc vật khốn khổ dưới nhiều hình thức thảm thương: chúng ăn thịt lẫn nhau, nhức nhối, đau đớn và bị giết hại. Chúng ta cũng thấy con người phải thực nghiệm vô số dạng đớn đau sâu sắc. Không có được thứ hằng ao ước, họ uất ức, gây tổn thương cho nhau. Con người đau đớn vì mất đi những gì đẹp đẽ họ mong muốn, con người phải đương đầu với những gì xấu xa, những gì con người không thích, cũng như nỗi đau khổ của đói nghèo.

 

          Sau khi thiết lập quá trình rèn luyện mà qua đó, chúng ta thấy được mọi sinh linh đang khổ đau thật đáng thương mến, đáng quan tâm, đại sư Kamalasahila tiến hành xử lý các thể loại bất hạnh đã dày vò sinh linh. Đó là ba dạng: đau khổ vì đau đớn, đau khổ vì đổi thay, và đau khổ tràn lan. Không một sinh linh nào lại không bị tra tấn bởi từng loại đau khổ đó. Sinh linh ở 3 cõi cao hơn trong vòng tuần hoàn hiện hữu có thể vui sướng với những niềm vui tạm bợ, uế tạp, hoặc một số cảm xúc trung tính, nhưng theo phân tích, cuối cùng các sinh linh đó vẫn chịu ảnh hưởng của nỗi đau khổ tràn lan. Vì thế đối với họ, tâm từ bi thật vô cùng giá trị. Đại sư Kamalasahila cũng liên hệ ngắn gọn với chúng sinh trong địa ngục, quỷ đói, súc vật và con người. Ngài còn chỉ ra những nguyên nhân độc đáo làm con người đau khổ.

 

Có những người tư duy bị hạn chế bởi nhiều hình thức kìm kẹp của dạng xúc cảm rối loạn như ham muốn mãnh liệt, còn những người khác lại hoang mang, rối loạn bởi các quan niệm sai lầm. Đó là tất cả mọi nguyên nhân gây ra khổ sở, bởi vậy họ luôn luôn đau đớn giống như bị đặt trên vách núi dốc đứng.

         

Thượng đế cũng có những nỗi khổ khác:

 

Thượng đế đau khổ vì bị thay đổi. Ví dụ, dấu hiệu cái chết đang lại gần, tâm trạng sẽ bị rơi vào các cõi kém may mắn luôn luôn đè nặng lên các thượng đế thuộc cõi tham vọng. Làm sao họ còn có thể sống bình an được ?

 

          Bây giờ văn bản định nghĩa nỗi khổ đau tràn lan:

 

Đau khổ tràn lan là nỗi đau phát sinh do sức mạnh của các nguyên nhân được tiêu biểu bằng những hành động, cảm xúc rối loạn. Đau khổ tràn lan có bản chất và đặc điểm của quá trình phân hóa nhất thời và lan tràn tới tất cả mọi sinh linh lạc lõng.

 

          Nỗi khổ vì đau đớn có liên quan tới điều ta thường thấy như đau đớn thể xác, bệnh tật, lo lắng tinh thần, còn cái mà chúng ta coi như một niềm hạnh phúc, thực ra đó là loại hạnh phúc uế tạp, ô nhiễm, thứ hạnh phúc này được mô tả như nỗi đau khổ vì đổi thay. Hạnh phúc uế tạp không phải là thứ hạnh phúc hoàn hảo, đó chỉ là trạng thái thiếu vắng những nỗi khổ đau thô thiển. Một khi hạnh phúc uế tạp không tồn tại lâu, mà cuối cùng chỉ mang lại xúc cảm không thoả mãn, hạnh phúc đó chính là nét đặc trưng của thể loại đau khổ vì đổi thay. Nỗi khổ đau tràn lan có liên quan tới quá trình thu thập những yếu tố tạo nên các mảng tinh thần và vật chất của sinh linh, được biết như các khối kết tập uế tạp, kết quả của nghiệp quả quá khứ và cảm xúc rối loạn, chúng hoạt động như một tác nhân, để rồi tạo thêm nhiều cảm xúc rối loạn, tạo thêm nghiệp quả về sau này. Có thể đôi khi chúng ta bị rối loạn bởi những thứ không phải là nỗi khổ của đau đớn hoặc sự đau khổ của đổi thay, nhưng chừng nào con người không tách rời được các khối kết tập uế tạp của tinh thần và vật chất, những thứ này sẽ tiếp tục cung cấp nền móng cho các loại khổ đau. Khi gặp được điều kiện, nhân tố thích hợp, đau khổ chắc chắn sẽ phát sinh. Vì thế, việc suy ngẫm về ba loại khổ đau là cần thiết.

          Bước kế tiếp trong tiến trình huấn luyện tư duy liên quan tới ý muốn thoát khỏi khổ đau. Điều quan trọng là chúng ta phải xác minh được bản chất đích thực của những dạng khổ đau này để phát sinh ước muốn thoát khỏi đau khổ. Ngay như loài súc vật cũng hiểu rằng nỗi khổ vì đau đớn là thứ không thể chịu đựng nổi, chúng mong muốn được giải thoát. Các Phật tử và những người không phải là Phật tử, những người tìm kiếm phẩm chất thuộc các cõi cao hơn, cũng như các vị trong cõi tập trung tinh thần cao độ và cõi không hình thể, tất cả sinh linh đó đều hiểu nỗi đau khổ vì đổi thay là thứ không dễ chịu, các nhóm sinh linh này có khả năng tạm thời thoát khỏi sự đau khổ vì đau đớn. Khi đạt tới những cõi cao như thế, giống như sinh linh thuộc cõi dưới cấp bậc thứ 4 của cõi tập trung tinh thần cao độ, ở đó chỉ có cảm giác trung tính, họ tạm thời thoát khỏi nỗi đau khổ vì đổi thay. Những sinh linh thuộc cấp bậc thứ 4 cõi tập trung tinh thần cao độ và thuộc cõi không hình thể, họ tạm thời thoát khỏi hai loại khổ đau đầu tiên (đau khổ vì đau đớn và đau khổ vì đổi thay). Việc nhận thức được đau khổ tràn lan là chất xúc tác khích thích mọi cá nhân tìm kiếm trạng thái giải thoát. Khi hiểu rõ thực chất của nỗi khổ đau tràn lan, cá nhân phát sinh một xúc cảm chán chường. Họ ý thức được những bất lợi của cảm xúc rối loạn và tính không ổn định của nó. Hiểu rõ về những sai sót của thứ cảm xúc rối loạn phải đi trước việc hiểu rõ những sai sót của các khối kết tập uế tạp thuộc tinh thần, vật chất. Thấy được tính chất sai lầm, kìm hãm của các xúc cảm rối loạn, điều này khích thích chúng ta cố gắng tách rời khỏi dạng cảm xúc này. Khi loại bỏ được những xúc cảm rối loạn, chúng ta đạt được cái gọi là Niết bàn, hay sự giải thoát. Việc nhận thức đúng đắn về dạng đau khổ tràn lan cộng với xúc cảm chán ghét mạnh mẽ, đó là những nhân tố quyết định trong tiến trình nảy sinh thái độ hy sinh từ bỏ đích thực, nảy sinh ý chí đạt tới giải thoát.

          Văn bản cũng đề cập tới bản chất tạm thời của dạng đau khổ tràn lan. Khái niệm này được diễn đạt với hai cách, có thể minh hoạ bằng ví dụ. Cách thứ nhất, những gì có tính chất không ổn định, chúng đều phân rã và đổi thay từng lúc một. Ví dụ, tư duy thấu suốt mọi sự cũng không ổn định, nó chia sẻ cùng một bản chất thay đổi từng lúc. Thứ hai, một hiện tượng thay đổi cũng không có một nhân thân độc lập, nó chịu ảnh hưởng của các nhân tố khác như nguyên nhân và kết quả. Theo đúng nghĩa, khổ đau tràn lan không tồn tại liên tục kể cả từng giây phút, chắc chắn nó ở trong một tiến trình tan rã, thay đổi.

 

Do vậy, hãy coi mọi sinh linh lạc lõng như đang ở trong một lò lửa khổ đau vĩ đại. Hãy nghĩ rằng tất cả đều giống như bạn, họ hoàn toàn không muốn khổ đau. "Hỡi ôi ! Tất cả mọi sinh linh yêu mến của tôi đang đau đớn như vậy. Tôi phải làm gì đây để giải thoát cho họ?" rồi biến nỗi đau của họ thành của bạn. Kể cả lúc bạn tham gia thực hành thiền tập trung cao độ hay đang theo đuổi công việc thường ngày, hãy luôn suy ngẫm về từ bi, luôn luôn tập trung vào hết thảy sinh linh, mong muốn họ thoát khỏi khổ đau.

          Hãy bắt đầu bằng suy nghĩ tới bạn bè, thân nhân của mình. Hãy nhận thức được họ phải thực nghiệm các dạng khổ đau nói trên như thế nào.

         

Trong những dòng trước đây, tác giả đã vạch ra các bước của thiền về tâm từ bi. Tâm từ bi là khát vọng muốn hết thảy chúng sinh được giải thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của nó. Để huấn luyện tư duy trở thành tư duy từ bi, bạn cần duy trì thực hành gồm quá trình thiền theo nghi lễ, đồng thời áp dụng hiểu biết của mình về từ bi sau khi thiền. Có nghĩa là, một nhà thực hành không chỉ tu tập để tạo ra tư duy từ bi trong lúc thiền, mà còn thể hiện tâm từ bi qua mọi hoạt động như đi đứng, ngủ, ngồi, làm việc...Nếu duy trì một tiến trình như vậy, bạn sẽ có khả năng ứng dụng thành thạo nhiều thực nghiệm khác nhau mà bạn đã thu hoạch được sau khi thiền, những thực nghiệm đó sẽ tăng cường, phát triển tư duy từ bi của bạn. Nói một cách khác, một khi con người không vun sới ý thức, không chú ý trong thời gian sau khi thiền, mà để tư duy của mình lang thang, tiến bộ về thiền của họ sẽ bị chậm lại. Rõ ràng đây là một sai lầm cần chấn chỉnh. Bạn phải cố gắng gìn giữ hương vị, tinh hoa của thiền trong mọi hoạt động. Điều này hỗ trợ rất lớn cho quá trình nhận thức trong khi thiền, những thức ngộ đó sẽ lại đóng góp cho bước phát triển tâm linh ở giai đoạn sau khi thiền. Đó là phương pháp để bạn tận hưởng một dòng năng lượng công đức.

 

Rồi do nhìn nhận mọi sinh linh đều bình đẳng, không khác biệt, bạn nên thiền tới những sinh linh chống đối bạn. Khi xúc cảm từ bi của bạn đối với họ giống như đối với bạn bè thân thích, hãy thiền về tâm từ bi tới toàn thể chúng sinh qua mười phương trong vũ trụ.

 

          Khi thiền về từ bi, nếu bạn tập trung cụ thể vào một sinh linh đang đau đớn, giống như lúc thiền về tâm bình đẳng, công trình thiền từ bi sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Trước hết, bạn có thể quán tưởng nỗi đau đớn mãnh liệt của các sinh linh trong những cõi không may mắn. Bạn cũng có thể thiền về tâm từ bi tới những sinh linh đang đắc ý với mọi hành vi tiêu cực gồm ba nhân tố: có ý định, thực hiện hành vi, và hoàn chỉnh hành vi. Dù cho ngay lúc đó họ chưa thực nghiệm ngay nỗi thống khổ lớn lao, song họ đang tích luỹ những nguyên nhân mãnh liệt để rồi sau này chính họ phải thực nghiệm hậu quả của nó. Nếu bạn thiền theo chiều hướng đó, nó sẽ giúp bạn rất lớn trong việc rèn luyện tư duy trở thành từ bi với từng người, mọi người trong vòng tuần hoàn hiện hữu, vì tất cả các sinh linh đó đang ở trong tầm kiểm soát của những cảm xúc rối loạn, đang là nô lệ cho sự vô minh: cách hiểu sai trạng thái hiện hữu đích thực và thái độ vị kỷ, duy ngã độc tôn (self-centered).

          Đại sư Kamalashila nói về mọi chúng sinh đều là những sinh linh bình đẳng. Điểm này có thể hiểu theo hai mức độ: mức độ tối thượng và mức độ đời thường. Ở mức độ tối thượng, tính bình đẳng của sinh linh không chối bỏ sự tồn tại của khái niệm bạn bè hay kẻ thù ở mức độ đời thường, tuy nhiên cũng ở mức độ tối thượng, khi công trình thiền của bạn tập trung vào những gì không thể tìm thấy được của đối tượng, nó sẽ vô hiệu hóa những quyến luyến, ghét bỏ bằng cách chống lại khái niệm sai lầm về hiện hữu đích thực.

          Đó là một vài trong vô số kỹ thuật để chúng ta rèn luyện nhằm mục đích phát huy thái độ bình thản. Điều quan trọng là phải duy trì quy trình thiền và tích luỹ tiềm năng tích cực của công đức. Cuối cùng, tâm từ bi thông thường của chúng ta đối với những sinh linh khổ đau được tăng cường, chuyển hoá thành một trạng thái tinh khiết hơn. Hiện tại, tâm từ bi con người thường bị lẫn lộn với xúc cảm ràng buộc, quyến luyến. Nhưng sự xuất hiện của tâm từ bi đó chứng tỏ rằng chúng ta đã có một căn bản từ bi đích thực. Đôi khi người ta cũng nảy sinh tâm từ bi tự phát đối với người lạ lúc họ đang đau khổ, tự hỏi mình có thể làm gì để xoa dịu nỗi đau của họ. Đó là cách thể hiện từ bi bẩm sinh của chúng ta. Điều quan trọng là cần nhận thức được sự kiện này và chăm chút những ý nghĩ từ bi, phát triển, gia cố nó. Nếu bạn không có được tâm từ bi bẩm sinh, hãy cố tu dưỡng và tạo mọi nỗ lực để nảy sinh nó. Vào thời điểm thích hợp, những dạng từ bi như vậy, dù cho lúc này dường như kém ý nghĩa, nhưng chúng có thể phát triển vô hạn.

          Bây giờ văn bản giải thích mức độ tích luỹ của tâm từ bi đó:

 

Như một người mẹ đáp lời đứa con yêu quý bé nhỏ đang đau đớn, khi bạn nảy sinh cảm giác từ bi một cách tự phát, bình đẳng đối với mọi sinh linh, bạn đã hoàn chỉnh việc thực hành từ bi. Đó là thứ được biết như "đại từ đại bi."

         

Từ trong đáy tâm hồn, bạn luôn luôn lưu ý, quan tâm tới đứa con yêu quý của mình dù có đang làm gì, đi lại, đứng ngồi hoặc trò chuyện. Một khi bạn nuôi dưỡng những ý nghĩ như vậy tới vô lượng chúng sinh, nghĩ rằng nếu họ thoát khỏi khổ đau, họ sẽ tốt đẹp biết bao, nếu ý nghĩ đó tự động phát sinh không cần tới một lý do đặc biệt, thì đó là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã bồi đắp được ý tưởng đại từ đại bi nguyên bản.

          Bất kỳ nhận thức nào muốn trau dồi, trước hết bạn phải biết được đối tượng mình quan tâm là gì, nguyên nhân và kết quả nào cần vun đắp để tạo ra nhận thức đó. Bạn cần một sự chuẩn bị. Muốn đạt tới mức độ thuần thục trong luyện tập, muốn có được đôi chút thực nghiệm, bạn có thể không cần bồi đắp thêm một số kiến thức phụ trợ. Nhưng để phân tích, nghiên cứu, việc nuôi dưỡng những cảm xúc mạnh mẽ nhằm mục đích lay chuyển tư duy của mình là hết sức cần thiết. Điều này gọi là thực nghiệm đích thực và có hai loại: thực nghiệm có chuẩn bị và thực nghiệm tự phát. Thực nghiệm có chuẩn bị liên quan tới những cảm xúc phát sinh trong tư duy do kết quả của việc vận dụng hệ thống lập luận tinh tế bắt nguồn từ những trích dẫn kinh bản. Một khi không tiến hành phân tích, nghiên cứu, bạn không thể có được loại thực nghiệm này. Rồi sau khi vun sới những thực nghiệm được chuẩn bị, nếu bạn tiếp tục tiến trình gia cố, phát triển, tới một lúc nào đó, khi phải đương đầu với những hoàn cảnh đặc biệt, một cảm giác mạnh mẽ tự động phát sinh ngay trong tư duy bạn mà không cần tới những lập luận, trích dẫn kinh bản. Thực nghiệm này gọi là thực nghiệm tự phát. Khi đạt được thực nghiệm về từ bi mà không cần tới một sự chuẩn bị như vậy, đây là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bồi đắp lòng đại từ đại bi nguyên bản.

          Rồi văn bản lại trình bày tiến trình thiền về tình yêu thương nhân hậu. Thước đo mức độ nuôi dưỡng tình yêu thương nhân hậu cũng tựa như thước đo mức độ nuôi dưỡng tâm đại từ bi. Tâm từ bi là tư duy luôn luôn mong muốn mọi sinh linh được thoát khỏi khổ đau, và tình yêu thương nhân hậu là tư duy mong muốn sinh linh hạnh phúc. Tình yêu thương nhân hậu tạo ra tâm từ bi, tâm từ bi lại tạo ra một thái độ đặc biệt. Thái độ đặc biệt ở đây có nghĩa là bạn không chỉ có nghĩ rằng thật tốt đẹp biết bao nếu như mọi sinh linh thoát khỏi khổ đau, mà bạn còn tình nguyện gánh vác công việc đưa mọi sinh linh tới trạng thái giải thoát, giúp họ tước bỏ dần những đớn đau. Quá trình này tạo ra tư duy thức tỉnh bồ đề tâm.

 

Thiền về tình yêu thương nhân hậu bắt đầu từ bạn bè và những người mình yêu mến. Nó có bản chất là mong muốn họ được hạnh phúc. Dần dần bạn mở rộng phạm vi thiền tới những người xa lạ, rồi cả kẻ thù nữa. Hãy tập cho quen cách tạo ra tâm từ bi, rồi bạn sẽ nảy sinh ý muốn tự phát là giải thoát cho mọi sinh linh. Do vậy, trên cơ sở thấu đáo về tâm từ bi của bản thân, hãy thiền về tư duy thức tỉnh của bồ đề tâm.

          Bồ đề tâm có hai dạng: dạng đời thường và dạng tối thượng. Bồ đề tâm dạng đời thường là quá trình tích lũy những ý nghĩ ban đầu: khát vọng đạt tới Phật tính tối thượng, trọn vẹn hoàn chỉnh, để trợ giúp mọi sinh linh lạc lõng sau khi do tâm từ bi, bạn phát nguyện giải thoát hết thảy chúng sinh khỏi mọi khổ đau. Bồ đề tâm dạng đời thường này cần được nuôi dưỡng trong một tiến trình giống như tiến trình được mô tả trong chương nói về đạo đức của tác phẩm Bodhisattvabhumi (Bồ tát địa trì kinh, tác giả là đại sư Vô Trước-Asanga), tư duy này được tạo ra bằng phương pháp phát nguyện lời thề Bồ tát trước một vị thầy, người trung thành với giáo huấn Bồ tát.

 

          Thước đo mức độ nuôi dưỡng tư duy thức tỉnh bồ đề tâm của bạn cũng giống như thước đo lòng từ bi. Trước hết bạn vun sới bồ đề tâm như một dạng thực nghiệm có chuẩn bị, rồi vun sới tư duy thức tỉnh của bồ đề tâm như một dạng thực nghiệm tự phát, đó chính là trạng thái tư duy thức tỉnh bồ đề tâm nguyên bản.

          Đại sư Santideva người Ấn Độ nói rằng mọi khổ đau ta thấy được ở thế giới này phát sinh vì chúng ta quá cao ngạo, ích kỷ, chỉ mong muốn hạnh phúc cho riêng mình. Tất cả những niềm hạnh phúc đích thực mà chúng ta thấy được trong thế giới này đều phát sinh do ta quan tâm tới lợi ích của các chúng sinh khác. Ngài nói rằng điểm này không cần phải chứng minh cụ thể. Nếu bạn thẩm tra lại sự khác nhau giữa trạng thái của Phật và của sinh linh, vấn đề trở nên dễ hiểu. Phật là đấng hoạt động vì lợi ích chúng sinh, đấng đã đạt được mức độ thấu suốt mọi sự và bây giờ có khả năng hỗ trợ hết thảy mọi sinh linh, trong khi chúng ta chỉ là những thực thể thông thường, dù nỗ lực cố gắng để đạt được hạnh phúc riêng tư, nhưng do tính vị kỷ, không những ta không thể đạt được khả năng thấu suốt mọi sự, mà vẫn phải tồn tại trong luân hồi hiện hữu. Cả với trường hợp đạt tới cõi Niết bàn, nếu con người theo đuổi phần lớn với mục đích cá nhân, hành trình đạt tới cõi niết bàn chỉ là một cách giải thoát đơn độc, khả năng thấu suốt mọi sự sẽ không có. Điều này cũng do thái độ vị kỷ. Ngay như trong cuộc sống cơ bản hàng ngày, những đặc tính tốt như cảm giác thoải mái dễ chịu, có nhiều bạn bè thân thích tin tưởng, không bị lừa gạt, tất cả đều là kết quả do thái độ quan tâm vì lợi ích người khác. Cuối cùng, khả năng đạt tới khai sáng đều xuất phát từ trạng thái tư duy này.

          Nói một cách khác, nếu chúng ta so sánh bản thân với Đức Phật, và tính xem ta có bao nhiêu lầm lỗi, Phật có bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp, chúng ta sẽ phát hiện ra những trở ngại của tính vị kỷ và ưu thế khi quan tâm tới lợi ích chúng sinh. Do thực hành chăm sóc lợi ích chúng sinh, Phật đạt được trí tuệ thấu mọi sự, giờ đây các vị là hiện thân tất cả mọi đặc tính tuyệt vời, trong khi chúng ta là những sinh linh thông thường, hiện thân của nhiều lỗi lầm do tâm vị kỷ.

          Trước hết, Phật nuôi dưỡng tư duy quan tâm tới hạnh phúc sinh linh, rồi gia cố, cuối cùng kiện toàn trạng thái tư duy này. Đó chính là con đường để các vị thức ngộ được tất cả mọi phẩm chất của Phật. Có nghĩa là chúng ta cần nhận thức được ở đây, ngay bây giờ, ta phải thấy được cuộc sống con người vô cùng quý giá, cuộc sống con người được phú cho những đức tính tuyệt vời, được tự do tham gia vào các hoạt động tâm linh. Trong nỗ lực tâm linh của chúng ta, phương pháp tập luyện uyên thâm nhất là rèn luyện tâm từ bi và ước muốn vị tha đạt tới cõi Phật vì lợi ích chúng sinh. Không có một phương pháp rèn luyện nào tốt hơn phương pháp này cả. Do vậy tất cả chúng ta, kể cả các Lama, mọi người cần nỗ lực vun sới tư duy từ bi trong cuộc sống hàng ngày.

          Nếu từ đáy tâm hồn, từng người chúng ta nuôi dưỡng lối suy nghĩ mong muốn trợ giúp người khác, trợ giúp các sinh linh khác, ta đã có thể đạt tới thái độ tự tin mạnh mẽ, thái độ này khiến chúng ta thoải mái. Khi có được trạng thái yên tĩnh trong tư duy, kể cả mọi hoàn cảnh bên ngoài dường như chống lại, đối nghịch, hoàn cảnh nào cũng không thể quấy nhiễu được sự bình an của con người. Nói một cách khác, một khi tư duy sao xuyến, rối loạn, ấp ủ những ý tưởng bệnh hoạn đối với các sinh linh khác, dù rằng những sinh linh này không có ý định gây tổn hại cho ta, nhưng chính trạng thái tư duy đó khiến chúng ta dường như thấy mọi người đối xử khắc nghiệt, tiêu cực với mình. Điều này phản ánh thái độ suy nghĩ, cảm xúc nội tâm và các thực nghiệm của con người. Bởi những lý do đó nên con người sống trong nỗi sợ hãi liên tục, lo âu, hoảng hốt và bất an. Chúng ta có thể khoẻ mạnh, có nhiều tiện nghi vật chất sử dụng tùy ý, nhưng chừng nào tư duy còn bị rối loạn, chừng đó con người vẫn không có được tâm trạng bình an. Xung quanh ta có thể có thân nhân, bạn bè gần gũi, nhưng do tâm trạng, ta sẽ không hạnh phúc, vì thế trạng thái tư duy bên trong giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta bình thản, kiểm soát được tư duy, thì kể cả xung quanh đầy rẫy thù địch, điều này cũng chẳng thể gây phiền nhiễu cho ta. Thực ra, đối với những người duy trì được trạng thái tư duy này, toàn bộ môi trường sống là một người bạn, người bạn này hỗ trợ cho tư duy tĩnh lặng của người đó.

          Tất nhiên, có rất nhiều lý do để con người quan tâm tới bản thân mình, nhưng ta cần biết cách quan tâm và theo đuổi niềm hứng thú của mình bằng trí tuệ. Điều con người mong muốn là hạnh phúc, nhưng trong hạnh phúc cá nhân, nếu ta quên mất lợi ích của những người khác, mà chỉ bắt nạt, lừa dối họ, kết quả chúng ta nhận được sẽ là kết quả tiêu cực. Còn như thực sự mong muốn hạnh phúc, con người cần hiểu rằng hạnh phúc chỉ đến từ thái độ quan tâm tới người khác. Vì thế, chúng ta không được phép bỏ qua lợi ích mọi người.

          Kể cả như không tham gia vào một dạng thực hành tâm linh, thực hành tôn giáo nào đó, song chỉ cần hiểu được rằng quan hệ phụ thuộc của loài người là cần thiết, chúng ta sẽ có một cuộc sống bình an, hài hoà. Là những sinh vật có tổ chức, con người không thể nghĩ tới việc sống một cuộc sống biệt lập, không phụ thuộc người khác, sinh linh khác. Bất kể điều gì bạn làm, trong mọi địa vị xã hội, dù là nông dân hay thương gia, bạn vẫn phụ thuộc vào mọi người. Ngay như trong một gia đình, bạn vẫn có mối liên quan tới những người trong nhà. Đó là lý do con người thường chung sống với gia đình, bè bạn, trừ một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ như những thiền sư sống một mình trên núi cao để thực hành tâm linh.

          Bởi vì đúng ra, do bản chất là những sinh vật có tổ chức, chúng ta chắc chắn phải phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần nuôi dưỡng cảm xúc yêu thương, quan tâm tới mọi người, nếu ta thực sự mong muốn hoà bình, hạnh phúc. Hãy xem những giống muông thú, chúng cùng nhau di chuyển thành bầy đàn, cùng giúp đỡ lẫn nhau. Ong không có hệ thống luật pháp đặc trưng, không có thực hành tâm linh, song do sinh tồn, chúng phụ thuộc lẫn nhau, đó là cách hiện hữu tự nhiên của chúng. Nhưng dù là loài người thông minh, có quan hệ tương hỗ, đôi khi chúng ta lại sử dụng trí thông minh một cách sai lầm, cố tình lợi dụng lẫn nhau. Điều này chống lại bản chất nhân loại. Với chúng ta, những người tự nhận là có niềm tin vào một thực hành tâm linh cá biệt, điều hết sức quan trọng là chúng ta cần cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, vun sới cảm giác yêu thương. Đó là nguồn hạnh phúc trong cuộc sống con người.

          Điểm cơ bản của giáo lý Phật giáo là chúng ta cần coi người khác quan trọng hơn mình. Tất nhiên ta không thể hoàn toàn lãng quên bản thân, nhưng cũng không thể bỏ qua hạnh phúc của người khác, của sinh linh khác, đặc biệt khi phát sinh bất đồng kịch liệt về lợi ích cá nhân giữa bạn và các sinh linh đó. Những lúc như thế bạn cần coi lợi ích của người khác quan trọng hơn lợi ích bản thân. Hãy so sánh bạn với hết thảy mọi sinh linh khác. Sinh linh là vô hạn, còn bạn chỉ là một đơn vị trong số đó. Niềm vui và nỗi đau của bạn có thể rất quan trọng, nhưng đó cũng chỉ là niềm vui và nỗi đau của một cá thể, còn niềm vui và nỗi đau của vô vàn sinh linh lại là vô hạn. Vậy thái độ thông minh nhất là hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể, còn thái độ thiếu thông minh sẽ bỏ qua lợi ích của số đông chỉ vì một con người. Ngay như với quan điểm hạnh phúc cá nhân riêng tư, bạn vẫn phải vun sới ý nghĩ từ bi, đó là nguồn hạnh phúc trong cuộc sống bạn.

          Dù có tin vào một tôn giáo nào hay không, chúng ta cần phải nhiệt tình, phải nuôi dưỡng tâm từ bi, bằng cách đó ta sẽ có khả năng đạt tới một cuộc sống bình an, có ý nghĩa. Trường hợp các phật tử, nhất là những phật tử Mahayana (Đại thừa), chúng ta tham gia thực hành như thế nào? Ngay như khi nói về việc giúp đỡ những người khác, phật tử Đại thừa không chỉ nói về việc tạm thời giúp đỡ hay hỗ trợ họ như thực phẩm, quần áo hoặc nơi tạm cư, bởi lẽ những thứ này không mang lại hạnh phúc dài lâu. Do vậy điều cực kỳ quan trọng là tìm ra khả năng đạt tới hạnh phúc tối hậu vĩnh viễn. Chúng ta phải cân nhắc xem có thể loại bỏ được tận gốc nỗi khổ đau chăng? Dù có được điều kiện thực hành hay không, tối thiểu chúng ta nên nuôi dưỡng ý nghĩ can đảm là mong muốn loại bỏ khổ đau và đạt tới trạng thái chấm dứt đau khổ hoàn toàn. Điều này sẽ mang lại một niềm vững tin, một quyết tâm mạnh mẽ. Do vậy, là một phật tử Đại thừa, chúng ta nên nghĩ rằng: "Ta sẽ giúp đỡ vô lượng chúng sinh yêu quý để họ vượt qua mọi khổ đau". Đây phải là lời hứa của chúng ta. Nhưng nếu bạn kiểm tra lại tình trạng hiện tại của mình, bạn sẽ thấy mình chưa đủ khả năng loại bỏ nỗi khổ đau, dù chỉ là nỗi khổ đau của một cá nhân, chứ đừng nói gì tới việc giúp đỡ những sinh linh khác.

          Đau khổ phát sinh từ nhiều nguyên nhân, điều kiện cá biệt, tất cả những thứ đó đều do sinh linh tích luỹ. Do vậy, điểm cực kỳ quan trọng là sinh linh cần biết được mình phải thực hành những gì, từ bỏ cái gì, điều gì sinh ra khổ đau, điều gì dẫn tới hạnh phúc lâu dài. Chúng ta phải chỉ cho họ thấy con đường đúng đắn dẫn tới hạnh phúc và lối mòn lầm lẫn đưa đến khổ đau. Vì thế, khi nói tới việc mang lại lợi ích cho những sinh linh khác, chúng ta hỗ trợ bằng cách chỉ cho họ đường đi, giúp họ hiểu điều gì cần loại bỏ, điều gì cần thực hành. Đó là cách giúp đỡ sinh linh.

          Để làm được như vậy, một mặt bạn phải hiểu thật rõ điều bạn sẽ hướng dẫn cho những sinh linh khác. Bạn phải biết được ý nghĩa của con đường bạn chỉ cho họ, điều này rất quan trọng. Trong học tập, người sinh viên càng tiến bộ bao nhiêu, người đó càng cần tới một vị thầy giỏi giang, uyên bác bấy nhiêu. Tương tự, để chỉ ra một con đường đúng đắn cho chúng sinh, bạn trước hết phải tự mình dấn thân trên con đường đó. Hơn nữa, dù đã thấu hiểu con đường vạch sẵn, điều kiện này vẫn chưa đủ. Bạn cũng cần thấy rằng những gì bạn đang giảng dạy cho các sinh linh sẽ giúp họ trước mắt và cả về sau này. Không hiểu được điều này, bài giảng của bạn có thể sẽ không phù hợp với thiên hướng và cảm hứng của sinh viên. Nói rằng tôi làm việc này với một động cơ đúng đắn, điều đó vẫn thiếu trọn vẹn. Tất nhiên nếu làm được, bạn sẽ không có gì để hối tiếc, nhưng điều này chưa thể đảm bảo việc bạn đang làm sẽ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Đó chính là lý do các kinh bản giải thích về sự cần thiết thức ngộ được những phạm trù biết trước khác nhau (different categories of clairvoyance), sự cần thiết có được khả năng thấu hiểu tư duy, thấu hiểu nhu cầu của sinh linh.

          Cho nên ở đây có hai nhân tố liên quan. Nhân tố thứ nhất: bạn phải nắm thật chắc đường lối và giáo lý bạn sử dụng để trình bày, giảng giải cho chúng sinh. Nhân tố thứ hai: bạn phải thấu hiểu tính thích hợp của giáo lý đối với thiên hướng chúng sinh. Bạn cần hiểu loại thiên hướng mà sinh linh đã kế thừa từ các tiền kiếp. Cho nên, trừ phi bạn trở thành Phật và đạt được trí tuệ thấu suốt, còn thì mọi hỗ trợ, hướng dẫn có thể chỉ là một lợi ích tạm thời. Việc trau dồi khát vọng hỗ trợ sinh linh trở thành một nguyên nhân để tích luỹ ước vọng thứ hai: mong muốn đạt được Phật tính vì lợi ích của chúng sinh. Đây là hai mức độ thuộc tư duy thức tỉnh bồ đề tâm.

          Những dạng tư duy như vậy không thể trau dồi trong vòng vài tháng hoặc vài năm, song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là không thể thực hiện được. Nếu bạn liên tục vun sới bồ đề tâm, thời điểm thuận lợi sẽ sảy ra, lúc đó bạn sẽ thành công. Ví dụ, với mức độ sơ khai bạn có thể không hiểu ý nghĩa của danh từ "bồ đề tâm". Bạn có thể tự hỏi "Làm sao mà trau dồi được thứ tư duy đó?”. Nhưng qua tập luyện thường xuyên và tìm hiểu, dần dần bạn sẽ tiếp cận được dạng tư duy này. Đó là bản chất tự nhiên của những thứ có điều kiện, chúng thay đổi do phụ thuộc vào nguyên nhân và hoàn cảnh. Vậy điều quan trọng là nhớ tới ưu thế, ích lợi của dạng tư duy này, và nuôi dưỡng một quyết tâm mãnh liệt để đạt tới ưu thế, lợi ích đó. Hãy cầu nguyện nhiệt thành. Dù nằm ngủ, đi lại, hoặc ngồi, bạn cần phải nghĩ: "Giá như ta đạt được tư duy như vậy, điều đó sẽ tốt biết bao". Hãy cố nuôi dưỡng bồ đề tâm ngay cả mới chỉ ở mức độ nguyện vọng. Nếu thường xuyên kiên trì luyện tập, chắc chắn bạn sẽ phát triển tư duy đó. Hãy quyết định nuôi dưỡng tư duy này kể cả việc đó có thể kéo dài nhiều kỷ nguyên. Trong cuốn "Hướng Dẫn Cách Sống Bồ tát (Guide to the Bodhisattva’s Way of Life), đại sư Shantideva cầu nguyện như sau:

 

                   Chừng nào không gian còn tồn tại.

                   Chừng nào sinh linh còn hiện hữu.

                   Xin cho tôi cùng được tồn tại.

                   Để xua tan mọi nỗi đau của hết thảy sinh linh.

 

          Khi tham gia vào một dự án, một hoạt động trợ giúp sinh linh, thời gian không phải là giới hạn. Bạn cần hành động liên tục. Đó là lý do để rèn luyện tư duy. Nếu người ta cho rằng họ có thể đạt được trạng thái khai sáng, đạt được bồ đề tâm trong vài ngày hoặc vài tháng, hoặc tuyên bố con người sẽ được khai sáng sau khi nhập thất trong ba năm và ba tháng, họ đã lầm lẫn. Mỗi lần nghe phát biểu rằng nếu người nào ẩn tu 3 năm, 3 tháng, người đó sẽ đạt được Phật tính, tôi thường nói đùa là điều này giống như luận điệu tuyên truyền chính trị. Tôi nói với các bạn phương Tây rằng nếu bạn mong muốn thực hành một đường lối uyên thâm nhất với thời gian ít nhất, đây là dấu hiệu chứng tỏ rằng bạn sẽ không đạt được kết quả. Làm sao có thể đạt được một kết quả vĩ đại, phi thường chỉ với một con đường ngắn nhất được? Lịch sử Đức Phật nói rằng ngài đạt được Phật tính sau khi đã trải qua ba kỷ nguyên vô hạn. Vậy ấp ủ hy vọng để đạt được Phật tính trong một thời gian ngắn như ba năm và ba tháng là một biểu hiện rõ ràng bạn không tiến bộ. Chúng ta cần phải thực tế. Lừa dối người khác bằng kiến thức không hoàn chỉnh của mình phỏng có ích gì !

          Chúng ta cũng cần nhận thức được rằng dù đạt được Phật tính hay không, mục đích chúng ta là giúp đỡ những sinh linh khác. Ở thiên đường hay địa ngục, mục đích của bạn cũng vẫn là giúp đỡ sinh linh. Thời gian để thực hiện cũng không quan trọng. Bạn phải khẳng định rằng ý tưởng vị tha đạt được Phật tính vì lợi ích chúng sinh sẽ là phương pháp thực hành duy nhất của bản thân, dù sống hay chết. Bạn cần rèn luyện cách tích luỹ những dạng tư duy như vậy, cần thấu hiểu được khía cạnh và mục tiêu của tư duy đó. Ngay khi thu hoạch được những thực nghiệm mang tính suy luận của dạng tư duy này, lúc đó bạn cần chính thức lập lời nguyện Bồ tát, bởi vì lời nguyện này phải được chấp nhận sau khi bạn nuôi dưỡng khát vọng mạnh mẽ thực hiện mọi chiến công Bồ tát.

          Cách sống của Bồ tát như thế nào? Đó là sống một cuộc đời tự nhiên do tích lũy được tư duy đã thức tỉnh của bồ đề tâm. Khả năng thấu suốt mọi sự chỉ có thể đạt được qua tiến trình thanh lọc hết tất cả những cảm xúc rối loạn trong tư duy. Nó không thể có được đơn thuần với mong muốn và cầu nguyện. Chúng ta phải rèn luyện để xua tan mọi xúc cảm rối loạn đặc trưng bằng cách dựa vào những phương pháp giải độc đặc chủng. Tất cả các hoạt động của Bồ tát có thể được bao quát trong hai phạm trù chính: rèn luyện phương tiện thiện xảo, và rèn luyện trí tuệ. Những thực hành bố thí, đạo đức...chỉ được coi là hoàn chỉnh khi có sự hỗ trợ, tác động bởi thực hành trí tuệ. Không có thực hành trí tuệ, năm dạng đầu tiên trong sáu dạng kiện toàn Ba La Mật sẽ không trở thành những thực hành hoàn chỉnh. Để tích luỹ được trí tuệ thấu suốt này, bạn trước hết phải nuôi dưỡng một quan điểm triết học nguyên bản, không sai lầm, quan điểm này được coi là quan điểm Trung đạo, quan điểm thuộc trường phái Madhyamika.

          Quan điểm trường phái Madhyamika là gì? Có bốn trường phái giáo lý triết học trong truyền thống Phật giáo. Dựa trên cơ sở chú giải thuộc ba trường phái đầu, bạn có thể hiểu được ý nghĩa vô ngã ở mức độ thô thiển, cuối cùng dẫn tới quan niệm tinh tế của Trung đạo về vô ngã của con người, vô ngã của hiện tượng, điều này phụ thuộc vào cách giải thích nguyên lý nguồn gốc mang tính chất phụ thuộc. Thiết lập được quan điểm chính xác, không lầm lỗi, qua đó đạt được niềm tin vững chắc, bạn sẽ có khả năng thức ngộ được trống rỗng. Tuy nhiên, dù có nắm vững trí tuệ nhận thức về trống rỗng, chỉ riêng điều này cũng không thể trở thành một thứ giải độc mãnh liệt đối với vô minh, nếu như nó không có tác động hỗ trợ của những thực hành khác như bố thí, đạo đức, chuyên cần…(sáu thực hành Ba La Mật). Sự hiểu biết đơn thuần về vô ngã cũng chưa đủ điều kiện đánh bại mọi cảm xúc rối loạn.

          Do vậy, điều quan trọng là cần tu dưỡng một thực hành hợp nhất được "tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu" (Định Thiền) với "trí tuệ sáng suốt đặc biệt" (Tuệ Thiền). Để tạo ra trí tuệ sáng suốt đặc biệt, trước hết bạn phải phát huy tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu. Tĩnh lặng vĩnh cửu tức là thiền tập trung chuyên nhất, trong khi đó trí tuệ sáng suốt đặc biệt có nghĩa là ý thức suy xét. Thông qua việc kết hợp hai trạng thái này, bạn sẽ có khả năng thực hành hiệu quả cả phương pháp lẫn trí tuệ.

 

Sau khi tạo ra tư duy thức tỉnh bồ đề tâm đời thường (the conventional awakening mind of bodhichitta), hãy nỗ lực trau dồi tư duy thức tỉnh bồ đề tâm tối thượng (the ultimate awakening mind of bodhichitta). Bồ đề tâm tối thượng là tư duy siêu việt, không dựa trên thực nghiệm, không bị chi tiết hóa. Bồ đề tâm tối thượng cực kỳ trong sáng, là đối tượng tối thượng, không hoen ố, không dao động, giống như ngọn đèn không bị  gió làm lay chuyển.

 

          Như tôi giải thích trước đây, bồ đề tâm đời thường có liên quan tới khát vọng thuộc bồ đề tâm. Còn bồ đề tâm tối thượng là gì? Thế nào là siêu việt, và thế nào là đời thường? Có nhiều cách giải thích. Tất cả những mức độ cụ thể của một sinh linh bình thường được coi là đời thường, còn mọi mức độ tâm linh của Arya (Tôn giả), một thực thể siêu việt, được coi là siêu phàm, hoặc phi thường. Bạn đạt được mức độ siêu phàm khi bạn đạt tới con đường nhận biết (the path of seeing) ngay trong lần đầu tiên, nghĩa là bạn phải thức ngộ được trống rỗng một cách trực tiếp, dù rằng cũng có những khả năng để hiểu được sự trống rỗng trước khi đạt được con đường nhận biết.

          Văn bản “Những Giai Đoạn của Thiền” này thuộc về trường phái Yogachara Svatantrika Madhyamika (Yogic Autonomy Middle Way: Du Già Trung Quán Tự Quản), do đó khi giải thích những điểm cần làm sáng tỏ trong văn bản này, tôi sẽ căn cứ vào hệ thống Svatantrika Madhyamika (Trung Quán Tự Quản), nhưng lại chi tiết hóa theo truyền thừa Prasangika Madhyamika (trường phái Hệ Quả Trung đạo: Middle Way Consequentialist).

          Có những Arya (Tôn Giả) trong số các hành giả thức ngộ được trống sỗng như Hearer (Thanh văn) và Solitary Realizer (Độc giác). Nhưng một Tôn Giả theo đường lối Bồ tát trực tiếp thức ngộ được trống rỗng vì vị đó được hỗ trợ bởi thực tiễn uyên thâm của phương pháp. Trí tuệ trực tiếp thức ngộ trống rỗng này hoạt động như một đối thủ chống lại những cảm xúc rối loạn. Khi chúng ta nói về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế), con đường đích thực đó đúng ra được liên hệ với trí tuệ thức ngộ trống rỗng, được phát hiện trong chuỗi tiệm tiến tinh thần của thực thể siêu việt Arya. Bồ đề tâm tối thượng này được cho là không bị chi tiết hoá, đặc biệt trong bối cảnh các phạm trù khác nhau về trống rỗng, như  phạm trù 16 loại trống rỗng, phạm trù 12 loại, phạm trù 2 loại vv...

          Dù rằng có rất nhiều phạm trù về trống rỗng cũng như các loại hiện tượng, một khi bạn thức ngộ được trống rỗng của một hiện tượng cụ thể, bạn cũng thức ngộ được tính trống rỗng của mọi hiện tượng. Bản chất tối hậu, hoặc sự trống rỗng của mọi hiện tượng, có cùng một hương vị, cùng một bản chất tự nhiên không đổi. Nhưng dù bản chất trống rỗng của mọi hiện tượng đều như nhau, dù cho những khía cạnh khác nhau của hiện tượng như tốt hoặc xấu, hay như cách mà chúng thay đổi, tất cả phát sinh từ lĩnh vực trống rỗng, bạn cần hiểu rằng sự trống rỗng không thể tách rời khỏi vật thể, không thể tách rời khỏi đối tượng.

          “Trống rỗng” muốn nói tới tình trạng thoát khỏi trạng thái hiện hữu nội tại của đối tượng. Vạn vật phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện. Chính sự phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện này là dấu hiệu cho biết hiện tượng thiếu đi sự hiện hữu độc lập hay hiện hữu nội tại. Nó cũng chứng tỏ tất cả những khía cạnh khác nhau của vật thể mà chúng ta thực nghiệm được, chúng phát sinh bởi vì bản chất chúng là trống rỗng. Khi nói về trống rỗng, chúng ta không xử lý với những khía cạnh khác nhau của vật thể, mà xử lý với thực tại tối hậu của hiện tượng. Chính vì do bối cảnh này mà trạng thái trống rỗng được coi là không bị chi tiết hoá. Điều này cũng giải thích thêm rằng sự trống rỗng không bị uế tạp. Bài thơ tôn vinh trong tác phẩm Trí Tuệ Căn Bản của đại sư Nagarjuna chỉ rõ :

 

                   Trong các vị Phật, tôi tôn kính đấng sinh linh siêu phàm đó,

                   Tôn kính đấng khởi xướng giáo lý.

                   Người dạy rằng mọi sự phát sinh qua quá trình phụ thuộc.

Dạy rằng không có chấm dứt, không có sinh ra.

Không huỷ diệt, không ổn định,

Không đến, không đi.

Không tách biệt, không đồng đều,

Hoàn toàn không bị chi tiết hoá, trọn vẹn ở trạng thái an lạc.

 

          “Trống rỗng” và “Phát sinh phụ thuộc” là hai mặt của một đồng xu. Bắt nguồn từ bối cảnh phát sinh phụ thuộc hay bối cảnh đời thường, vạn vật phát sinh, vạn vật được tạo thành, rồi chấm dứt. Khổ thơ tôi trích dẫn từ tác phẩm "Trí Tuệ Căn Bản" lại có nghĩa là vạn vật không được tạo thành, không kết thúc, không bị huỷ diệt, cũng không bền vững trong những phương diện độc lập. Với thời gian, không có gì bị huỷ diệt một cách độc lập và cũng chẳng có gì tồn tại vĩnh cửu. Xuất phát từ quan điểm cho là vật thể không đến và đi một cách độc lập, đại sư Long Thọ mô tả 8 phạm trù của dạng chi tiết hoá, ví dụ như quá trình tạo thành, quá trình chấm dứt, và lý do chúng không xuất hiện độc lập. Người ta nói rằng các Arya với trí tuệ trực tiếp nhận biết không bị uế tạp, các vị đó không nhìn thấy sự hiện hữu độc lập trong quá trình tạo thành hoặc chấm dứt của hiện tượng phát sinh bị phụ thuộc. Tư duy của các vị đó chỉ nhìn thấy sự thật tối hậu, sự trống rỗng, chúng không hề bị chi tiết hoá.

          Thực tại tối hậu, hoặc bồ đề tâm tối thượng, thực tại này được mô tả như một trạng thái cực kỳ trong trẻo. Được coi là "tối thượng" vì nó là đối tượng được tuyển dụng của trí tuệ tối thượng. Nó cũng được gọi là đối tượng không tì vết, không dao động. Nói theo cách khác, trí tuệ của một thực thể siêu việt trong trạng thái cuốn hút vào thiền là trí tuệ của quá trình phối hợp giữa tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Để đạt được phối hợp này, điều trước tiên phải nuôi dưỡng trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu. Một khi bạn đạt được tình trạng ổn định với đối tượng cần thẩm định, bạn có thể tập trung hiểu biết của mình vào đó mà không bị phân tán bởi trạng thái tinh thần lỏng lẻo và những khái niệm gây hưng phấn. Dạng tư duy như vậy được coi là tư duy kiên định giống như ngọn đèn không hề bị gió làm lay động.

          Bồ đề tâm tối thượng này là tư duy siêu việt, hoàn toàn không bị chi tiết hoá. Phương pháp đạt tới tư duy này được giải thích trong những dòng sau đây:

 

Điều này đạt được qua quá trình rèn luyện đều đặn, nghiêm túc phương pháp "thiền tĩnh lặng vĩnh cửu” và “trí tuệ sáng suốt đặc biệt" sau một thời gian dài. Kinh "Giải Thâm Mật: Sự bộc lộ của ý nghĩ (The Unraveling of the Thought Sutra: Samdhinirmocana-sutra) ghi rằng: “Hỡi Di Lặc, ngươi cần biết rằng tất cả những Pháp hạnh của Thanh văn, Bồ tát hoặc Như Lai (Tathagata)*, dù trần tục hay siêu phàm, đều là kết quả của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt." Một khi tất cả các dạng tập trung tư tưởng được bao gồm trong hai phương pháp nói trên, hành giả phải luôn luôn tìm kiếm thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Kinh "Giải Thâm Mật: Sự bộc lộ của ý nghĩ” cũng nói: “Phật dạy: Cần phải biết rằng giáo lý về những dạng tập trung tư tưởng mà các Thanh văn, Bồ tát và Như Lai tìm kiếm, tất cả đều bao gồm trong thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt."

 

*Chú thích của tác giả : Tathagata-Như Lai: vị đã vượt qua ngưỡng. Một tên gọi có ý nghĩa của Phật, có nghĩa là một con người do theo đuổi con đường tất yếu của trống rỗng, con đường thoát khỏi những thái cực của vòng luân hồi hiện hữu và trạng thái bình an cực lạc, nên đã đạt tới trạng thái khai sáng tột bực.

         

Tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu là một trạng thái tư duy, trong trạng thái này tư duy của bạn chỉ tồn tại với đối tượng bạn lựa chọn, không bị rối loạn bởi những đối tượng bên ngoài khác ngoại trừ đối tượng bạn đang tập trung suy ngẫm. Tư duy bạn duy trì trạng thái bền vững, tập trung vào đối tượng, không bị lỏng lẻo, kích động. Dạng tư duy này cũng là một dạng tập trung tư tưởng cao độ và, qua sự ổn định của nó, bạn có thể đạt tới niềm phúc lạc tinh thần (mental bliss). Trí tuệ sáng suốt đặc biệt có liên quan tới quá trình đạt được trạng thái sáng suốt đặc biệt ngay bên trong thực tại tối hậu của đối tượng mà tư duy đang tập trung vào đó. Có hai phạm trù về trí tuệ sáng suốt đặc biệt: một loại đời thường và một loại siêu việt. Có thể có những đối tượng khác nhau tùy thuộc vào các phạm trù khác nhau của trí tuệ sáng suốt đặc biệt, ở đây trí tuệ sáng suốt đặc biệt có liên quan tới tư duy tập trung vào “trống rỗng”.

          Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy về hai dạng thực hành này: thực hành tĩnh lặng vĩnh cửu và thực hành trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Đây là hai phương pháp duy nhất để đạt được tất cả mọi mức độ tập trung tư tưởng. Vì thế văn bản phát biểu rằng, do “tĩnh lặng vĩnh cửu” và “trí tuệ sáng suốt đặc biệt” đều quan trọng như nhau, bạn cần tích luỹ cả hai phẩm chất này.

 

Các hành giả không thể loại bỏ được những hôn ám, trở ngại của tinh thần bằng cách chỉ luyện tập thành thạo Định thiền không thôi. Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu (Định thiền) chỉ tạm thời ngăn chặn được những xúc cảm rối loạn và ảo ảnh. Còn nếu không có ánh sáng của trí tuệ (Tuệ thiền) thì sức mạnh tiềm tàng của xúc cảm rối loạn không thể bị huỷ diệt triệt để được. Bởi lý do này, kinh "Giải Thâm Mật” nói rằng: "Định thiền chắc chắn chỉ có thể ngăn chặn được cảm xúc rối loạn, còn Tuệ thiền mới có thể hủy diệt triệt để tiềm năng của loại xúc cảm này".

         

          Chỉ đơn thuần thiền tĩnh lặng vĩnh cửu sẽ không thể loại bỏ mọi cảm xúc rối loạn và hôn ám che lấp khả năng khai sáng. Dù cho bạn đạt tới trạng thái thiền tĩnh lặng về trống rỗng, song riêng điều này cũng chưa đủ để rỡ bỏ mọi tối tăm, nếu như nó không được hỗ trợ bởi những thực hành trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

         

Kinh "Giải Thâm Mật: Sự bộc lộ của ý nghĩ" cũng nói rằng:

 

                   Kể cả bạn thiền với trạng thái tập trung tư tưởng cao độ,

                   Bạn cũng không phá huỷ được khái niệm sai lầm về bản ngã.

                   Và xúc cảm phiền nhiễu lại sẽ quấy rối bạn.

Trường hợp này giống như trường hợp thiền tập trung cao độ của thầy Udrak.

 

Chỉ thiền tĩnh lặng vĩnh cửu không thôi cũng không thể loại bỏ được xúc cảm đau đớn, không thể huỷ diệt được khái niệm sai lầm về bản ngã. Những xúc cảm rối loạn sẽ lại phát sinh và quấy nhiễu bạn một lần nữa, như đã sảy ra trong trường hợp của một bậc thầy không thuộc về Phật giáo tên là Udrak. Udrak thiền ở trạng thái tĩnh lặng cực kỳ lâu, lâu tới mức tóc ông mọc rất dài. Trong quá trình bị cuốn hút hoàn toàn vào trạng thái tập trung tư tưởng, chuột ăn mất một số tóc. Khi ra khỏi trạng thái thiền, thấy chuột ăn mất tóc mình, ông nổi giận, vì thế xúc cảm rối loạn quay trở lại với Udrak. Dù rằng cảm xúc rối loạn đó không phát sinh trong lúc thiền, song sự trở lại của dạng cảm xúc này rõ ràng đã nói lên: chỉ thiền tĩnh lặng vĩnh cửu không thôi cũng không chấm dứt được loại xúc cảm rối loạn đó.

 

Khi bản chất vô ngã của hiện tượng được nghiên cứu rành mạch.

                   Và thiền được thực hiện trên cơ sở phân tích này.

                   Đấy chính là nguyên nhân để giải thoát có kết quả.

                   Không còn phương pháp nào khác có thể mang lại sự bình  

                     an.

 

          Vậy, thẩm định cụ thể về bản chất vô ngã của hiện tượng nghĩa là, bằng vào việc sử dụng trí tuệ sáng suốt đặc biệt, hoặc sử dụng hiểu biết suy xét minh mẫn, chúng ta sẽ được giải thoát. Ngoài ra, ta không thể sử dụng một kỹ thuật nào khác để được giải thoát hoặc để đạt tới Niết bàn.

 

Đồng thời, trong Bồ Tát Phẩm (Bodhisattva Section) cũng nói rằng: "Những ai không được nghe các giáo lý này trong Bộ Sưu Tầm Bồ Tát (Bodhisattva Collection), không được nghe những giáo lý thực hành về Giới Luật Tu Viện, những ai cho rằng chỉ thiền tập trung tư duy là đủ, người đó sẽ rơi vào cái hố kiêu ngạo vì tự phụ. Do vậy, họ không thể hoàn toàn thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, buồn khổ, khóc than, đau đớn, rối loạn. Họ cũng không hoàn toàn thoát khỏi sáu cõi hiện hữu, không tránh khỏi sự đau đớn vô biên về tinh thần và thể xác. Hãy ghi nhớ, đấng Như Lai nói rằng việc lắng nghe giáo lý sẽ giúp bạn đạt được giải thoát khỏi tuổi già và chết chóc".

 

          Vậy thì, bạn nên lắng nghe những lời giải thích về ý nghĩa của cái gọi là "Chân Như, Pháp tính” (Suchness: bản chất đích thực), hãy thiền về “Chân Như”, điều này sẽ giúp bạn thoát khỏi khổ đau.

Giải thích theo Thư Viện Hoa Sen, Tự Điển Phật Học Anh Việt do đại sư Minh Thông biên soạn: Suchness-bản chất thực, bản chất tối hậu của tất cả những gì tồn tại chứ không phải sự thể hiện bên ngoài của chúng. Đó là thực tại tối hậu của mọi biểu hiện bên ngoài.

 

Vì lý do đó, những ai muốn đạt được trí tuệ siêu việt, trí tuệ đã được thanh lọc triệt để bằng quá trình loại bỏ bức màn vô minh, người đó cần phải thiền về trí tuệ trong khi duy trì trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu.

 

 

 

CHƯƠNG  6

 

 

TRÍ TUỆ

 

 

          Theo truyền thống Phật giáo, giá trị một học thuyết mang tính triết lý được quyết định bởi phương pháp lập luận. Đức Phật tuyên bố rất rõ ràng:

                  

Những tì kheo (Bhikshus), những học giả phải nghiên cứu lời nói của ta.

Giống như người thợ kim hoàn thử vàng bằng cách nung nóng, cắt gọt, mài dũa.

Chỉ lúc đó các ngươi mới được chấp nhận những lời ta nói.

Chứ không phải do tôn kính bản thân ta.

 

          Vì thế, trong tiến trình xác minh hai mặt thuộc bên trong và bên ngoài hiện tượng, chúng ta nhất thiết phải dựa vào phương pháp lập luận chứ không nên chỉ đơn thuần căn cứ vào các kinh bản có thẩm quyền. Những điều giảng dạy trong kinh bản có thể đưa ra phân tích dưới ánh sáng lập luận, giá trị của nội dung kinh bản có thể được xác minh, lời của Đức Phật có thể đưa ra để thẩm định. Một trong những nét đặc trưng của Phật giáo là các hành giả có quyền xem xét giáo lý. Lời của các vị thầy giảng dạy cũng có thể thẩm tra lại.

          Đường lối tiếp cận kiến thức của Phật giáo cũng gần giống như các phương pháp khoa học hiện đại. Trước hết, bạn không nên đưa ra lời tuyên bố có tính chất khẳng định đối với mọi điểm bất đồng, mà cần thẩm định vấn đề một cách hết sức công bằng. Kết quả của vấn đề được quyết định qua quá trình phân tích, kiểm chứng bằng lý luận. Nói chung, Phật giáo rất tôn trọng phương pháp biện luận.

          Thiết lập nền tảng, đường lốikết quả là điều quan trọng. Ở đây, nền tảng muốn nói tới sự kiện, hay là sự thật chân lý của hiện tượng. Chúng ta đi theo một con đường tâm linh dựa trên cơ sở sự thật chân lý đó để đạt được kết quả. Thực hành tâm linh không phải chỉ là sản phẩm bịa đặt của tư duy, mà là điều có thực. Nếu nền tảng thực hành tâm linh hoàn toàn là sản phẩm bịa đặt của trí tưởng tượng, nền tảng này sẽ không có tiềm năng thay đổi và chuyển hoá tư duy bằng thực hiện đường lối, vì vậy sự giải thoát và những vấn đề sau đó sẽ không được giải thích như là kết quả của nền tảng này.

          Trạng thái đạt tới của một vị Phật được phú cho rất nhiều phẩm chất vĩ đại. Những phẩm chất này được tạo thành qua quá trình nuôi dưỡng các nguyên nhân, điều kiện thích hợp, và tham gia thực hành đường lối tâm linh (hành đạo). Mười quyền năng và những thuộc tính khác của Phật sẽ phát sinh vào thời điểm thích hợp, vì mọi cá thể đều có tiềm năng tạo ra những phẩm chất này. Nói chung, không có gì có thể được tạo ra mà không có căn cứ hay nền tảng. Thừa nhận tư duy thông tuệ phát sinh từ hòn đá hoặc núi non là điều vô lý. Cho nên, nói rằng tham gia vào con đường tập hợp phương tiện và trí tuệ dựa trên nền tảng ý thức thì có thể tạo ra trí tuệ thấu suốt tiên nghiệm, điều này vô cùng đúng đắn.

          Thiết lập nền tảng là bước hết sức quan trọng, bước này giúp chúng ta phân biệt được những gì xuất hiện chỉ là kết quả bịa đặt của tư duy. Thiết lập nền tảng có quan hệ với bằng chứng rõ ràng của mọi quy luật tự nhiên và thực tế. Do vậy, để thiết lập được bản chất thật của nền tảng, thái độ khách quan của chúng ta vô cùng cần thiết.

Có rất nhiều cách giải thích về giáo lý trong kinh Phật do những đệ tử của ngài đưa ra. Khi một giáo lý trong kinh không thể chống đỡ nổi phương pháp phân tích hợp lý, ý nghĩa của giáo lý đó cần được hiểu trong phạm vi ba tiêu chuẩn sau: mục đích, kết quả và cách hiểu ngược lại. Ví dụ, nếu một kinh bản đề cập tới vấn đề thực tại tối hậu, nhưng theo phân tích, ý nghĩa của vấn đề lại không đúng, vậy kinh bản này cần được lý giải căn cứ theo ý định và mục đích giảng dạy. Tương tự như vậy, với những khía cạnh của vô ngã bị che khuất, qua thẩm định bằng suy luận, nếu thấy sai lầm, chúng ta không cần phải chấp nhận nó. Ngày tháng, mặt trời, mặt trăng cùng kích thước, khoảng cách tới trái đất là những điều hiển nhiên đối với con người. Vậy nếu kinh bản mô tả các sự kiện hiển nhiên như vậy lại trái ngược với những hiểu biết cụ thể có giá trị, chúng ta không thể công nhận kinh bản là đúng. Nói chung, Phật giáo và khoa học sử dụng đường lối tiếp cận tương đối giống nhau trong các vấn đề như vậy.

          Giáo lý của Phật được trình bày dựa trên bối cảnh: nền tảng tâm linh, đường lối tâm linh, và kết quả tâm linh. Kết quả có liên quan tới nhiều đặc tính vĩ đại mà nhà thực hành chắc chắn sẽ thể hiện khi đạt tới Phật tính. Để có được đặc tính này, bạn cần tạo ra đúng nguyên nhân, đúng điều kiện của nó. Tiến trình đó bao gồm sự kết hợp hài hòa các thực hành tâm linh. Phải biết rằng mỗi người trong chúng ta đều có tiềm năng phát triển mười oai lực (Thập Lực) và những đặc tính tuyệt vời khác của Phật. Tiềm năng này là tiềm năng bẩm sinh trong chuỗi ý thức liên tục của chúng ta. Nói chung không có gì được sinh ra mà không do một nền tảng đúng đắn cả. Cũng như phát biểu rằng hòn đá và trái núi có thể đạt được trí tuệ thấu suốt mọi sự bằng phương pháp thực hành tâm linh là điều vô lý, rõ ràng là chỉ có những thực thể sở hữu ý thức mới có thể đạt được trí tuệ thấu suốt mọi sự.

          Trường hợp này, nền tảng tâm linh có liên quan tới bản chất nội tại của tư duy, thứ có tiềm năng đánh thức trạng thái khai sáng hoàn toàn. Con đường tâm linh bao gồm các mặt của trí tuệ và phương tiện, có nghĩa là hành giả phải tích luỹ công đức và trí tuệ, từ đó vươn lên cõi Phật. Hiểu được những điểm căn bản này trong triết học Phật giáo là điều hết sức thiết yếu. Đây không phải là sản phẩm hư cấu xuất phát do trí tưởng tượng của một ai đó mà là một trường phái triết học tuân thủ theo thực tại. Nếu triết học Phật giáo chỉ là sản phẩm tưởng tượng, thì dù bạn có bỏ bao nhiêu công sức vào đó, bạn cũng sẽ không đạt được một chút tiến bộ nào. Bạn sẽ không có kết quả, sẽ không giải thích được vấn đề làm thế nào để đạt tới giải thoát. Bạn cần phải suy nghĩ thoáng đạt, phải hết sức công bằng trong việc nghiên cứu những nguyên lý căn bản đó. Còn nếu sẵn có những định kiến do ảnh hưởng của một số quan điểm triết học khác, việc cảm nhận những nguyên lý căn bản này thật khách quan sẽ rất khó khăn.

          Chúng ta cần thẩm tra, phân tích mọi nghi vấn và công nhận những gì hợp lý. Có thể có những vấn đề mà truyền thống Phật giáo đã có cách giải thích, song hiện nay khoa học chưa tìm ra, do vậy khoa học không có ý kiến gì về các vấn đề đó. Nhưng khi xử lý với các vấn đề đã được khoa học xác minh, chúng ta không nên bị giáo điều bởi lời phát ngôn trong kinh bản. Như tôi nói trước đây, văn bản này chủ yếu xử dụng hai chân lý làm nền tảng: quá trình thực hành của phương tiện và trí tuệ như đường lối tâm linh, và thành tựu thuộc về trí tuệ cùng cơ thể vật chất của một thực thể đã được khai sáng là kết quả.

          Những ai muốn đạt tới một trí tuệ siêu việt, trí tuệ hoàn toàn thoát khỏi mọi bế tắc, người đó cần thiền về trí tuệ ngay trong lúc duy trì trạng thái tập trung tư tưởng cao độ (single-pointed concentration).

                  

Kinh Khối đá quý (Heap of Jewels: Bảo Tích kinh) nói: "Giành được trạng thái tập trung tư tưởng cao độ bằng cách bám chắc tinh thần đạo đức. Đạt tới trạng thái tập trung cao độ, bạn hãy thiền về trí tuệ. Trí tuệ giúp bạn đạt được nhận thức nguyên thủy tinh khiết. Qua nhận thức nguyên thủy tinh khiết, mọi hành xử đạo đức của bạn sẽ được hoàn chỉnh."

 

          Để kiện toàn mục đích của chúng sinh và của chúng ta, tất cả mọi trở ngại cần được loại bỏ. Những ai muốn thức ngộ trí tuệ siêu việt bằng con đường này trước hết cần thực hành thiền tĩnh lặng vĩnh cửu. Một nhà thực hành có khả năng phân tích hiện tượng bằng trí tuệ thức ngộ được “Chân Như” (suchness: bản chất đích thực) trong khi đang ở trạng thái thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, vị đó có thể tạo ra trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

          Về thực hành, có ba dạng huấn luyện được giới thiệu trong một quy trình cụ thể. Tôi xin trình bày chi tiết. Văn bản nói: "Trí tuệ giúp bạn đạt được nhận thức nguyên thủy tinh khiết". Một trí tuệ siêu việt hoàn chỉnh sẽ có khả năng loại bỏ được những chướng ngại cùng với mầm mống của nó. Dạng trí tuệ thức ngộ được sự thật đời thường, dù có năng lực thế nào đi chăng nữa, thứ trí tuệ này không có khả năng thanh lọc triệt để. Do đó chúng ta kết luận rằng để bài trừ được vô minh phải là dạng trí tuệ thức ngộ sự thật tối hậu, trí tuệ siêu việt hoàn chỉnh. Trong bối cảnh này, trí tuệ siêu việt hoàn chỉnh liên quan tới khả năng thấu suốt mọi sự, và để đạt được khả năng thấu suốt mọi sự, những gì che lấp khả năng giải phóng, hoặc là những xúc cảm rối loạn, và những gì che lấp khả năng trí tuệ, tất cả phải được loại bỏ. Chỉ có trí tuệ siêu việt hoàn chỉnh mới là đối thủ trực tiếp giúp chúng ta bài trừ được hai loại vô minh nói trên cùng với mầm mống, khả năng tiềm tàng của chúng. Không có một kỷ luật đạo đức nào, không có một dạng tập trung tư tưởng nào lại có thể trực diện đương đầu được với các loại vô minh. Dạng trí tuệ đề cập ở đây có liên quan tới thứ trí tuệ được rút ra từ thiền, chứ không phải thứ trí tuệ do lắng nghe và suy ngẫm. Vì thế, để đạt được thứ tư duy sáng suốt đặc biệt, tư duy thức ngộ được thực tại tối hậu này, trước hết bạn phải thành thạo trong Định thiền. Khi Định thiền là một ý tưởng rõ rệt, những vẩn đục tinh tế về tinh thần, những trạng thái bị khích động phải được loại bỏ hẳn. Để từ bỏ các lỗi này, trước hết bạn cần rèn luyện kỷ luật đạo đức.

 

Cuốn "Thiền về niềm tin trong kinh Đại thừa" (The Meditation on Faith in the Mahayana Sutra) có nói rằng: "Hỡi các con của gia đình cao quý, nếu các con không hành động đúng theo trí tuệ, ta không thể nói cho các con biết làm thế nào để có được niềm tin vào các Bồ tát Đại thừa, hoặc làm thế nào để tiến bước theo Đại thừa”.

 

          Điều này có quan hệ tới việc tạo ra đức tin, hoặc niềm tin nảy sinh do hiểu biết. Trừ phi "con của gia đình cao quý", hay nhà thực hành có khả năng phát huy trí tuệ sáng suốt đặc biệt, còn việc tạo ra niềm tin trên cơ sở hiểu biết là điều không sảy ra. Tất nhiên, một con người có thể có một niềm tin, nhưng khi niềm tin phát triển do kết quả của việc thấu hiểu thực tại tối hậu, niềm tin này sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi lập luận và kiến thức. Ví dụ, thái độ từ bỏ đích thực chỉ phát sinh khi hệ thống đạt tới giải thoát được hiểu một cách chính xác. Nói chung, cá thể nào đạt được đức tin đó, thì việc giải thoát là khả năng sẽ đạt tới, khả năng này có thể phát sinh trong dòng ý thức của chúng ta. Sự hiểu biết về từ bỏ như vậy rõ ràng có những phẩm chất đặc biệt. Tương tự, sức mạnh "nương tựa" (Quy) sẽ được nâng cấp khi chúng ta tinh luyện hiểu biết của mình về trống rỗng.

 

Hỡi con của gia đình cao quý, con cần hiểu điều này. Chính là do kết quả suy ngẫm về Pháp (Dharma), về thực tại bằng thứ tư duy không bế tắc, kết quả này phát sinh niềm vững tin của các Bồ tát trong Đại thừa, phát sinh việc tiến bước theo đường lối Đại thừa.

 

          Điều này rõ ràng nói lên nhu cầu tạo ra một trí tuệ tập trung cao độ để thẩm định thực tại đời thường và thực tại tối hậu, tạo khả năng cho hành giả khẳng định, đạt được niềm vững tin vào nền tảng, đường lối và kết quả, đó là những điều được giảng dạy trong hệ thống Mahayana.

 

Tư duy của hành giả sẽ bị rối loạn bởi nhiều đối tượng nếu người đó chỉ tích luỹ trí tuệ sáng suốt đặc biệt mà không phát huy trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu của tư duy. Tư duy của hành giả sẽ bị dao động như ngọn đèn trước gió. Do thiếu đi tính trong sáng của ý thức, nên hai thứ này (trí tuệ sáng suốt đặc biệt và tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu) cần phải được nuôi dưỡng như nhau. Vì thế, kinh Sự Siêu Việt Hoàn Chỉnh Vĩ Đại về Khổ Đau (Sutra of the Great and Complete Transcendence of Suffering) nói: "Các Thanh Văn không thấy được Phật tính vì trạng thái cuốn hút tập trung cao độ (Định thiền) của họ quá mạnh, còn trí tuệ (Tuệ thiền) lại yếu hơn"

         

          Nếu điều này được giải thích bằng hệ thống triết học thừa nhận đệ tử theo đường lối của Thanh Văn và Độc Giác không thức ngộ được “bản chất vô ngã” hay “bản chất trống rỗng” của hiện tượng, điều đó cũng muốn nói là họ (các đệ tử) không thấy được Phật tính bằng thứ trí tuệ phân tích thực tại. Các vị đó chỉ nhận thức được bản chất trống rỗng của con người, chứ không thấy được bản chất trống rỗng của hiện tượng, vì sự tập trung tư tưởng của họ mạnh hơn trí tuệ. Còn giải thích dưới dạng các Tôn Giả hoặc các thực thể tôn kính, trong số những Thanh văn và Độc Giác, những vị nhận thức về trống rỗng giống như Tôn Giả Đại thừa (Mahayana Arya), thì sự khẳng định các Thanh văn không có khả năng thấy được Phật tính có nghĩa là nhận thức của Thanh văn về bản chất tư duy uế tạp không dựa trên cơ sở vận dụng nhiều dạng lập luận, tranh luận khác nhau. Bởi vì sự tập trung tư tưởng cao độ của các vị đó mạnh mẽ, còn phần trí tuệ thì lại yếu.

 

Bồ tát có thể thấy được Phật tính, nhưng không rõ ràng, vì phần trí tuệ (Tuệ thiền) của các vị mạnh hơn phần tập trung tư tưởng cao độ (Định thiền), trong khi đó Tathagata (Như Lai) có thể thấy được hết thảy, vì các vị đó sở hữu tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt với mức độ đồng đều.

 

          Điểm này rất khó, có phải không? Nhưng chúng ta có thể đưa ra một vài dẫn giải. Trước hết, tôi cho rằng ở đây tác giả muốn nói dù cho Bồ tát trực tiếp nhận biết được Chân Như (bản chất thực), song các vị chỉ thức ngộ trực tiếp được điều này trong khi đang cuốn hút vào trạng thái thiền, chứ không phải cả giai đoạn sau khi thiền. Tuy vậy đối với chư Phật, thức ngộ về bản chất thực (Chân như: suchness) của các vị hoàn chỉnh và trọn vẹn. Do vậy các vị đó trực tiếp nhận biết những điều đó bất kỳ lúc nào, chứ không nhất thiết chỉ ở trong trạng thái thiền.

Thứ hai, đoạn văn muốn nói rằng dù Bồ tát có trực tiếp nắm bắt được Chân Như, song các vị đó không quán triệt vấn đề một cách rõ ràng. Đó là do tiềm năng ẩn náu của tư duy uế tạp chưa được loại bỏ hết. Nói một cách khác, chư Phật đã hoàn toàn thoát khỏi cả những uế tạp mảnh mai nhất, các ngài đã triệt để loại bỏ được sức mạnh tiềm tàng của chúng. Hiểu biết của các ngài về “Chân Như, bản chất thực” thật là hoàn chỉnh.

 

Do oai lực của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, tư duy không bị quấy nhiễu bởi những luồng ý nghĩ mang tính khái niệm, giống như ngọn đèn không bị gió làm lay động. Trí tuệ sáng suốt đặc biệt loại bỏ mọi tì vết hoen ố của quan niệm sai lầm, vì thế bạn không bị ảnh hưởng bởi quan niệm của người khác. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Moon Lamp Sutra: Ngọn đèn mặt trăng) nói: "Do sức mạnh của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, tư duy sẽ không bị dao động, và với trí tuệ sáng suốt đặc biệt, tư duy sẽ vững vàng như núi." Vì vậy, hành giả cần liên tục rèn luyện hai thực hành này.

 

          Điều này nói lên đặc thù, ý nghĩa của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sắc sảo. Tĩnh lặng vĩnh cửu là một phẩm chất của tư duy tập trung cao độ hướng tới đối tượng của nó, hoàn toàn không bị rối loạn cả bên trong lẫn bên ngoài. Tư duy này không tập trung vào một đối tượng nào khác ngoài đối tượng nó đang tập trung. Do tập trung, tư duy thoát khỏi tình trạng mụ mẫm về tinh thần, mục tiêu của nó sẽ hoàn toàn rõ ràng. Trường kỳ phát triển tư duy tập trung cao độ như vậy sẽ dẫn tới trạng thái phúc lạc uyển chuyển của tinh thần và vật chất (the bliss of physical and mental plyancy).(Chú thích của tác giả: pliancy: mềm dẻo uyển chuyển. Mềm dẻo, uyển chuyển là một trong mười một nhân tố đức hạnh thuộc tinh thần, nhân tố này tạo điều kiện dễ dàng cho thân thể, tư duy trong mọi hoạt động đạo đức; loại bỏ được những trạng thái bế tắc, tiêu cực của tư duy). Khi tư duy tập trung cao độ hợp nhất với trạng thái này (trạng thái phúc lạc mềm dẻo uyển chuyển), nó được mô tả như là thiền tĩnh lặng vĩnh cửu. Trí tuệ sáng suốt đặc biệt là thứ trí tuệ nhận thức được trống rỗng kết hợp với niềm phúc lạc mềm dẻo uyển chuyển của vật chất và tinh thần. Niềm phúc lạc uyển chuyển này được rút chiết từ trí tuệ phân tích, thứ trí tuệ luôn luôn thẩm tra thực tại của đối tượng, dựa trên cơ sở phúc lạc của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu. Thứ trí tuệ sáng suốt này không thoả mãn với cách sắp đặt đơn giản của tư duy lên đối tượng. Dù đối tượng là gì, dù đối tượng có liên quan tới thực tại đời thường hay thực tại tối hậu, nó vẫn được thẩm định triệt để bằng trí tuệ phân tích.

 

 

 

CHƯƠNG 7

 

 

NHỮNG YÊU CẦU TIÊN QUYẾT CHUNG CỦA THIỀN TĨNH LẶNG VĨNH CỬU VÀ THIỀN TRÍ TUỆ SÁNG SUỐT ĐẶC BIỆT.

 

         

Làm thế nào để đồng thời thực hành thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt?

 

Trước hết hành giả cần tìm ra được những điều kiện tiên quyết để hỗ trợ bản thân trong việc thức ngộ được thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt một cách nhanh chóng, dễ dàng.

 

          Rõ ràng hành giả cần dựa vào những điều kiện tiên quyết này để đạt được thức ngộ về tâm linh.

 

Điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự phát triển thiền tĩnh lặng là: sống trong một môi trường thuận lợi, hạn chế mọi tham vọng và rèn luyện tâm trạng hài lòng với bản thân, không tham gia vào quá nhiều hoạt động, giữ gìn lương tâm, đạo đức trong sáng, hoàn toàn loại bỏ mọi quyến luyến ràng buộc và những ý nghĩ mang tính khái niệm khác.

 

          Tiếp đó, đại sư Kamalashila giải thích ý nghĩa của điều kiện thích hợp, hoặc điều kiện thuận lợi như sau :

 

Môi trường thuận lợi phải được hiểu bằng 5 đặc điểm sau: 1-không ăn mặc cầu kỳ, 2- không bị ảnh hưởng bởi những người xấu xa và kẻ thù, 3- không bệnh tật, 4- có bạn bè tốt là những người có lương tâm, đạo đức, cùng chia sẻ mọi quan điểm tương tự, 5-  ít người tới thăm ban ngày, ít ồn ào vào ban đêm.

          Hạn chế tham vọng có nghĩa là không quá gắn bó vào nhiều thứ, quá chú ý tới các trang phục tôn giáo đẹp đẽ vv...Rèn luyện thái độ bằng lòng là luôn luôn thoả mãn với bất kỳ những thứ gì nhỏ nhặt, thấp hèn như trang phục tôn giáo xuềnh xoàng...Không tham gia vào quá nhiều hoạt động nghĩa là từ bỏ mọi hoạt động tầm thường như kinh doanh, tránh quá thân mật với chủ hộ, sư sãi, hoàn toàn từ bỏ mọi hoạt động về y học và chiêm tinh.

 

          Mối quan hệ thân mật trong bối cảnh này là tụ tập chuyện trò tầm phào liên miên không mục đích. Đối với những người có khả năng thiền tập trung cao độ, mọi thực hành về y học, chiêm tinh lại là những trở ngại. Do vậy, trừ phi có lý do đặc biệt, hành giả được khuyến cáo nên tránh xa những hoạt động đời thường.

 

Ngay trong trường hợp lời phát nguyện của bậc Thanh Văn bị vi phạm, song nếu thành tâm sám hối, có ý thức không tái phạm, nếu hiểu được do khiếm khuyết nhân thân đích thực của tư duy mà phát sinh hành động vi phạm, hoặc thấu hiểu được trạng thái thiếu vắng nhân thân đích thực của hiện tượng, thì đạo đức của người vi phạm đó có thể nói rằng đã được phục hồi. Điều này cần được hiểu từ "Kinh về loại bỏ niềm hối hận của Ajatashatru” (Ajatashatru: vua A Xà Thế, Sutra on the Elimination of Ajatashatru’ Regret). Bạn phải tìm biện pháp sửa chữa niềm hối hận của mình và tạo ra những cố gắng đặc biệt trong thiền.

 

          Trường hợp này liên quan tới lời phát nguyện được giải thoát của cá nhân và lời phát nguyện Bồ tát. Nó cũng muốn nói tới lời phát nguyện của một bậc đã được thụ phong và lời phát nguyện của người thế tục.

         

Trích đoạn sau đây giải quyết về tính vô nghĩa của tham vọng, sự cần thiết tránh xa những hành động vô vị. Cuối cùng, việc vất bỏ tất cả các khái niệm sai lầm thật vô cùng quan trọng.

 

Ý thức về nhược điểm của cảm xúc quyến luyến trong cuộc đời này và những kiếp sau, điều đó sẽ giúp chúng ta loại bỏ mọi quan niệm sai lầm. Một số đặc trưng thông thường xấu đẹp trong vòng luân hồi hiện hữu là những tính chất không ổn định, chúng phải phân hóa. Chắc chắn bạn sẽ bị tách khỏi những thứ đó không hề chậm trễ. Vậy hãy thiền về chủ đề tại sao bạn lại ràng buộc thái quá với những thứ đó, sau đó rũ bỏ tất cả quan niệm sai lầm.

          Những điều kiện tiên quyết của trí tuệ sáng suốt đặc biệt là gì? Đó là niềm tin vào các bậc thánh thiện, là thái độ nghiêm túc tìm hiểu những hướng dẫn mở rộng, và suy nghĩ đúng đắn.

 

          Trong bối cảnh này, suy nghĩ đúng đắn liên quan tới việc thiền về thực tại đời thường, và thiền về thực tại tối hậu. Bây giờ văn bản giải thích những nét tiêu biểu của bậc thánh thiện, vị hướng dẫn tâm linh.

 

Bạn đặt niềm tin vào bậc thánh thiện nào? Đó là những vị lắng nghe nhiều giáo lý, những vị diễn đạt giáo lý rõ ràng, những vị được phú cho lòng từ bi và chịu đựng nổi mọi gian khổ.

 

          Diễn đạt rõ ràng có nghĩa là sử dụng ngôn từ minh bạch, nhưng nếu không có lòng từ bi, cách thể hiện sẽ không có hiệu quả tốt. Khi không có lòng từ bi, ngay cả những hiểu biết lớn lao cũng rất ít tác dụng. Về phía người thầy, để thật sự hữu ích và hiệu quả trong giảng dạy, lòng từ bi, hoặc trái tim nhân hậu ở đây được giải thích như một phẩm chất cực kỳ quan trọng. Trong giảng dạy thường có những yếu điểm ví dụ như mệt mỏi do giải thích quá nhiều, vì vậy thái độ khoan dung, nhẫn nại cũng rất cần thiết.

 

Nghiêm túc tìm hiểu hướng dẫn mở rộng nghĩa là gì? Đó là thái độ kính cẩn lắng nghe ý nghĩa rõ ràng được truyền tải trong 12 nhánh giáo lý của Phật. Kinh Giải Thâm Mật: Sự bộc lộ của ý nghĩ (Unraveling of the Thought Sutra or Samdhinirmocana sutra) dạy: “Không lắng nghe giáo lý của đấng tối thượng là một trở ngại cho trí tuệ sáng suốt đặc biệt." Kinh cũng viết: "Trí tuệ sáng suốt đặc biệt phát sinh do nguyên nhân của nó, đó là quan điểm đúng đắn, nguyên nhân phát sinh lại do việc lắng nghe và suy ngẫm." Kinh “Những câu hỏi của Narayana" dạy: “Qua thực nghiệm lắng nghe giáo lý, bạn sẽ đạt được trí tuệ. Có trí tuệ, xúc cảm rối loạn sẽ dịu đi”.

 

          Trích đoạn trên giải thích rất rõ ràng, cô đọng về ưu thế của việc thu hoạch được kiến thức rộng mở do lắng nghe, suy ngẫm. Điều này đặc biệt muốn nói tới giá trị nguồn kiến thức phong phú, đa dạng của giáo lý.

 

Suy nghĩ đúng đắn là gì? Đó là xác định chính xác những kinh bản minh bạch và những kinh bản cần dịch thuật. Khi các Bồ tát không còn hồ nghi, các vị có thể tập trung vào thiền. Ngược lại, nếu ngờ vực, lưỡng lự, các vị sẽ giống như một người trước ngã ba đường, không biết phải theo con đường nào.

 

          Bất luận những gì bạn nghe, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải xác minh ý nghĩa của nó bằng phương pháp suy xét. Nếu không, bạn sẽ giống như một người phân vân trước mọi nẻo đường. Thái độ không quyết đoán, nghi hoặc... tự nhiên sẽ cản trở khả năng thuần thục của bạn trong việc giảng dạy, giải thích giáo lý cho sinh viên.

          Ở trích đoạn trên, văn bản đề cập tới kinh bản minh bạch và kinh bản cần chú giải. Giáo lý minh bạch và giáo lý cần chú giải là gì? Kinh bản minh bạch và kinh bản cần chú giải là gì? Đây là một trong những mối quan tâm trọng đại của Phật giáo. Thường thường, người ta cho rằng Đức Phật đưa ra 3 chuỗi giáo lý, được biết là 3 vòng quay của bánh xe Pháp. Vòng thứ nhất tiêu biểu cho Bốn Sự Thật Cao Quý. Lập luận về Bốn Sự Thật Cao Quý hình thành cấu trúc và nền tảng của Phật giáo. Đó là Sự Thật của Khổ Đau, Sự Thật của Nguồn Gốc Khổ Đau, Sự Thật của Đường Lối Giải Thoát Khổ Đau, và Sự Thật của Quá Trình Kết Thúc Đau Khổ.

          Với vòng thứ hai của bánh xe Pháp, Đức Phật giải quyết Sự Thật Cao Quý của Quá Trình Kết Thúc Đau Khổ một cách độc đáo, tường tận. Một số hướng dẫn cho biết các kinh nói về sự viên mãn của trí tuệ bắt nguồn từ giáo lý này. Trường hợp có những cá nhân không thể thấu hiểu nổi ý niệm về bản chất vô ngã (bản chất trống rỗng) như đã được giảng trong vòng thứ hai của bánh xe Pháp, hoặc giả có khả năng một số người sẽ nảy sinh ra những quan điểm sai lầm liên quan tới giáo lý này, thì ở vòng thứ 3, thuyết trình về bản chất vô ngã được làm sáng tỏ với bối cảnh của 3 loại hiện tượng khác nhau: hiện tượng bị quy kết, hiện tượng phụ thuộc và hiện tượng hoàn toàn được thiết lập. Hiện tượng bị quy kết được cho là vô ngã vì chúng không có một bằng chứng nội tại, hiện tượng phụ thuộc được cho là vô ngã vì chúng thiếu bằng chứng cho quá trình tự sinh ra (self-producted), và hiện tượng hoàn toàn được thiết lập được cho là vô ngã vì chúng thiếu một nhân thân tối hậu.

Tuy vậy, trong vòng thứ ba của bánh xe Pháp, một số kinh bản dùng để giảng dạy như kinh “Tinh Hoa Như Lai Tạng" (Tathagata Essence Sutra) chẳng hạn, những kinh này lại giải thích về "ánh sáng trong suốt" (clear light) của tư duy chủ quan (subjective mind) để thêm vào phần "ánh sáng trong suốt" của vật thể, hoặc giảng dạy về trống rỗng mà sự trống rỗng này đã được giải thích hoàn chỉnh ở vòng thứ hai của bánh xe Pháp. Bản chất của tư duy cũng được giải quyết rất cặn kẽ. Khi Sự Thực Cao Quý thứ tư hay chân lý của đường lối (Đạo) trở nên rõ ràng, chi tiết, điều này tự nhiên phát sinh một mắt xích nối liền với những hiểu biết về giáo lý trong mật điển.

          Đức Phật giảng dạy giáo lý chỉ để hỗ trợ người nghe. Ngài sử dụng các phương tiện thiện xảo nhằm đạt tới mục đích này, đưa giáo lý vào các biện pháp truyền tải lớn nhỏ, phù hợp với mức độ tư duy khác nhau của con người. Mọi giáo lý triết học được giảng dạy sao cho phù hợp với từng trình độ nhận thức, vì thế có 4 trường phái tư tưởng Phật giáo. Nói chung, một vài trường phái cho rằng trong bài thuyết giảng đầu tiên, Đức Phật chỉ dạy về mười sáu thuộc tính của Bốn Sự Thật Cao Quý. Họ khẳng định rằng không có giáo lý về sự trống rỗng mà chỉ có giáo lý về bản chất vô ngã của con người.

 

Một số kinh bản chứa đựng giáo lý của Đức Phật không thể công nhận theo nghĩa đen. Đấy chính là lý do để chúng ta phân loại kinh bản minh bạch và kinh bản cần chú giải. Việc định nghĩa thuật ngữ đó cũng thay đổi theo các trường phái khác nhau. Phái Chittamatra (Duy Thức) quan niệm giáo lý minh bạch là những giáo lý mà ý nghĩa của nó có thể chấp nhận theo nghĩa đen, còn giáo lý cần chú giải là những giáo lý có nội dung không thể hiểu được theo nghĩa đen. Phái Svatantrika Madhyamika (Trung Quán Y Tự Khởi Tông) lại cho rằng kinh bản minh bạch gồm kinh bản trong đó các giáo lý về sự thật tối hậu là đề tài chính yếu để trực tiếp tranh luận của họ, những kinh bản này có thể công nhận theo nghĩa đen, còn các giáo lý khác của Phật thuộc về loại kinh bản cần chú giải.

          Để tìm hiểu chắc chắn sự thật tối hậu, sự trống rỗng tinh tế, chúng ta cần bám sát các kinh sách, văn bản chú giải cùng các tài liệu trình bày kỹ lưỡng, hoàn chỉnh về chủ đề này. Với mục đích đó, ta phải hiểu kinh bản theo một trình tự thích đáng, phải căn cứ vào vấn đề kinh bản đó thuộc dạng minh bạch hay cần chú giải. Đầu tiên, điều này xem ra không đơn giản. Nhưng nếu chúng ta theo học các bậc đại sư, những vị xác định được kinh bản nào là kinh bản minh bạch và kinh bản nào cần chú giải, những vị tìm hiểu sự trống rỗng bằng con đường nghiên cứu các kinh bản đó, chúng ta sẽ có khả năng nhận thức được quan điểm về trống rỗng. Do vậy, đại sư Kamalashila nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu cả hai loại kinh bản này.

          Ở đây, văn bản giải quyết về những điều kiện tiên quyết của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

 

Các hành giả cần luôn luôn tránh xa việc ăn thịt, cá, hoặc những gì tương tự... Hành giả nên ăn uống điều độ, kiêng cữ những đồ ăn thức uống không có lợi cho sức khoẻ.

 

          Người tập thiền cần phải mạnh khoẻ, do vậy, ăn uống đúng mực là điều thiết yếu. Nói một cách khác, tư duy người tập cần sáng suốt, mạnh mẽ, điều này cũng góp phần cho sức khoẻ cơ thể vật chất. Vì lý do đó, hành giả được khuyên là không nên ăn cá, thịt, hành tỏi...Thực phẩm thích hợp cần sử dụng điều độ vì chứng khó tiêu có thể gây ảnh hưởng khi tập thiền. Hơn nữa, ăn quá nhiều khiến người ta thường hay buồn ngủ.

 

Do vậy, Bồ tát nào đã hội tụ đủ tất cả các điều kiện tiên quyết dành cho thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt, vị đó đã có thể đi vào trạng thái thiền.

 

          Có những thực hành khác như không ngủ trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của ban đêm. Trong lúc ngủ ở phần giữa ban đêm, hãy giữ trạng thái tinh thần tỉnh táo và duy trì tư thế thích hợp.

          Nếu một người ăn chay không bị suy dinh dưỡng, đó là một lối sống lành mạnh. Nhưng dù không phải là một người ăn chay tuyệt đối, ít nhất kiểm soát điều độ lượng thịt ăn cũng rất có ích đối với bạn. Trong các trường phái Phật giáo ở miền nam Tây Tạng, việc ăn thịt không bị nghiêm cấm khắt khe, nhưng thịt của một số loại động vật không phải họ móng guốc chẽ đôi (cloven-hoofed, ví dụ bò, hươu...), hoặc thịt của loại súc vật bị giết mổ do nhu cầu của bạn đều bị nghiêm cấm. Có nghĩa là thịt mua ở chợ có thể dùng được.

          Những loại thịt như vậy được xem là "thịt trong sạch", được phân biệt do 3 tiêu chuẩn: 1-bạn không nhìn thấy lúc chúng bị làm thịt cho bạn ăn, 2-bạn không nhận được một thông tin nào trong mối liên quan này (mối liên quan giữa con vật bị giết và nhu cầu ăn thịt của bạn), 3-bạn tin chắc rằng con vật đó bị giết không phải chỉ để cho bạn tiêu thụ. Nói chung, Phật giáo Đại thừa cũng không cấm ăn thịt. Tuy nhiên, một số kinh bản như kinh "Nhập Lan Già” (Descent into Lanka Sutra: Lankavatarasutra), những kinh này cấm thịt tuyệt đối, trong khi đó các kinh khác như kinh "Madhyamaka tinh yếu” của đại sư Bhavaviveka dường như cho phép. Do đó, một số văn bản Đại thừa liên quan tới vấn đề kiện toàn của trí tuệ, những văn bản này nghiêm cấm ăn thịt, đồng thời có những văn bản khác lại không cấm. Ở các cấp bậc thuộc Mật tông, ba mức độ thấp tuyệt đối cấm ăn thịt, trong khi mức độ cao nhất lại cho phép. Một số thực hành nghi thức của mức độ cấp cao này phải dùng tới 5 loại thịt và 5 loại nước cam lồ. Cho nên, theo tiêu chuẩn chung, thịt ở ngoài chợ có thể ăn được, nhưng chúng ta tuyệt đối không được sát sinh do nhu cầu sử dụng cá nhân.

         

Như đã giải thích trước đây, hành giả nào có đủ điều kiện cần thiết và không bị tạp niệm quấy rối, vị đó cần thực hiện đầy đủ một số thực hành chuẩn bị trước khi vào thiền.

 

Khi vào thiền, trước hết hành giả phải hoàn thành những bước chuẩn bị. Hành giả đi vệ sinh, rồi tại một nơi thật dễ chịu, không bị tiếng động quấy nhiễu, hành giả cần nghĩ rằng: "Tôi xin đưa mọi sinh linh tới trạng thái khai sáng", sau đó hành giả nên thể hiện tâm đại từ bi, ý tưởng mong muốn giải thoát hết thảy chúng sinh, thể hiện lòng tôn kính chư Phật chư Bồ tát mười phương bằng cách tiếp xúc năm điểm của thân thể với nền đất.

 

          Hãy triệu thỉnh một trường công đức bằng cách quán tưởng chư Phật, chư Bồ tát trong không gian trước mặt bạn, rồi cầu nguyện. Đây là một thực hành Mật tông độc đáo. Khi thực hiện xong triệu thỉnh, bạn cần tạo ra một thực thể phó thác (Chú thích của tác giả: commitment being: vị thần đặc trưng được hình dung hoặc quán tưởng trước mặt bạn), rồi hoà hợp trí tuệ với thực thể đó. Khi quỳ lạy, theo truyền thống bạn nên để năm điểm trên cơ thể như trán, hai lòng bàn tay, hai đầu gối chạm xuống nền đất. Điều quan trọng là việc này phải thực hiện một cách chính xác cùng với niềm vui sướng. Thực hiện quỳ lạy chỉ theo hình thức hoặc do sự ép buộc là một biểu hiện không lành mạnh.

          Những vật thể đại diện cho Thân, Khẩu, Ý của Phật, bạn có thể sắp xếp trên bàn thờ hoặc quán tưởng ngay trước mặt. Đồ cúng dâng tuỳ thuộc khả năng. Nếu bạn may mắn, sung túc, đồ cúng dâng có thể tốt đẹp, còn như khả năng sở hữu tranh tượng Phật hạn chế, bạn không được kiếm lấy những thứ đó một cách thiếu chính đáng. Đồ đạc tranh tượng có được do lừa đảo, dối trá chỉ mang lại hậu quả tiêu cực thay vì đoan chính.

          Trường hợp đối với một vị sư đơn độc đang nhập thất trong núi, việc có quá nhiều tranh ảnh tôn giáo chỉ quyến rũ kẻ trộm với mục đích tầm thường. Ngày xưa, các vị thánh đạt được mức độ giác ngộ cao như Milarepa không hề có tranh ảnh gì cả. Thánh Milarepa sống trong một cái động trống không. Một hôm, kẻ trộm lẻn vào động của ngài để ăn cắp. Ngài cười và hỏi tên trộm: "Bạn kiếm cái gì vậy? Đến ban ngày tôi còn chẳng thấy có gì, vậy bạn định tìm cái gì ở đây ban đêm!" Do vậy, chúng ta nên nhớ rằng mọi thức ngộ về tâm linh đều xuất phát từ bên trong, còn các vật thể phía ngoài lại không mấy hữu hiệu.

          Có những người nhân danh tôn giáo cố gắng xây cất một nơi thờ cúng hết sức cầu kỳ, tốn kém. Chất đầy tranh ảnh, nơi thờ cúng đó sẽ trở nên một phần đồ đạc của họ và không còn mang đậm mục đích, ý nghĩa nữa. Vậy thì, nếu có thể đạt được những vật thể đại diện cho Thân, Khẩu, Ý của chư Phật trong hoàn cảnh chấp nhận được, bạn nên có một pho tượng Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), đấng sáng lập Phật giáo. Để tiêu biểu cho ngôn từ của ngài, bạn có thể đặt một bản sao kinh "Trí Tuệ Viên Mãn: kinh Bát Nhã Ba La Mật" (Perfection of wisdom sutra) như phần chính yếu, cùng với kinh Avatamsaka (kinh Hoa Nghiêm), cuốn kinh đề cập tới các chiến công Bồ tát. Bên cạnh những thứ đó, bạn có thể đặt một số biểu tượng tượng trưng cho tư duy của Phật.

          Trường hợp không có những thứ này cũng không sao cả. Song nếu điều kiện cho phép, bạn cần sắp xếp các thứ đó theo một trật tự thích hợp. Tranh thờ, tượng, hoặc ảnh Đức Thích Ca Mâu Ni đặt ở giữa, xung quanh là đại diện các thần linh tiêu biểu cho hai khía cạnh: bình an và phẫn nộ, và hình ảnh tám vị đại đệ tử của Phật. Mặt khác, nếu như sắp xếp những tranh ảnh đó theo giá trị kinh tế, giá trị vật chất, thì dù là đồ mới hay là đồ cổ, bạn đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Làm như vậy bạn chỉ tỏ ra mình nhìn nhận những đồ vật thiêng liêng đó như một thứ sở hữu vật chất.

          Vậy thì, qua hiểu biết về ý nghĩa, mục đích của các biểu tượng, hãy sắp xếp bàn thờ theo một trật tự đúng mực. Hãy quỳ lạy và cúng dâng trước các vật thể thiêng liêng đó. Bạn nên hết sức cẩn thận với đồ cúng dâng. Nếu cúng dâng đồ tinh khiết, bạn đã tích luỹ được công đức vô biên. Còn như vật phẩm cúng dâng là thứ không tinh khiết, thay vì đạt được những đạo hạnh, bạn phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả tiêu cực. Đồ không tinh khiết là thứ thu hoạch được bằng năm cách sinh nhai lầm lẫn như nịnh hót, lừa đảo... Đây là mối quan tâm đặc biệt đối với người đã chịu lễ thụ phong.

          Sử dụng kinh bản, tranh tượng như những hàng hoá thương mại, kinh doanh với mục đích lợi nhuận cá nhân, đó là phương thức sinh nhai sai lầm. Điều này chắc chắn không lành mạnh và sẽ có hậu quả tiêu cực nghiêm trọng. Song việc xuất bản kinh sách, dựng tượng...để truyền bá học thuyết của Phật lại có ý nghĩa khác. Trường hợp này, nếu một số cá nhân với mục đích giúp những người có nhu cầu bằng mọi trợ giúp tâm linh như vậy, họ đã tham gia vào một hoạt động lành mạnh. Do vậy, chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của việc cúng dâng vật phẩm tinh khiết. Truyền thống phổ biến ở Tây Tạng là cúng dâng bằng nước đựng trong bát và đèn bơ. Ngay điều này cũng phải được thực hiện bằng thái độ nghiêm chỉnh.

          Tiếp theo phần cúng dâng là phần sám hối, vui mừng (hoan hỷ), cầu xin được dạy dỗ, khẩn thiết cầu xin chư Phật đừng nhập Niết Bàn (Parinirvana), rồi cống hiến (hồi hướng). Những bước này (1- quỳ lạy, 2-cúng dâng, 3- thú nhận tội lỗi, 4- vui mừng hoan hỷ, 5- cầu xin chư Phật quay bánh xe Pháp, 6- cầu xin chư Phật đừng nhập Niết Bàn, 7- cống hiến hồi hướng) được coi là bảy nhánh thực hành. Sinh linh với trình độ giác ngộ cao rèn luyện các nhánh thực hành giá trị này chính vì do nhu cầu tích luỹ vô lượng công đức của họ.

 

Người đó cần đặt một bức tranh hoặc hình ảnh chư Phật và Bồ tát ngay trước mặt mình hoặc ở một nơi nào đó. Người đó nên cúng dâng và cầu nguyện với lòng nhiệt thành tối đa. Người đó cần thú nhận hết mọi tội lỗi, và hoan hỷ mừng vui trước công đức của các sinh linh khác.

 

          Đầu tiên, người thực hành thiền cần thực hiện bẩy nhánh thực hành như quỳ lạy, cúng dâng, cầu xin dạy dỗ...

 

Rồi người thực hành thiền cần ngồi theo tư thế kiết già (full lotus posture of Vairochana), hoặc bán kiết già trên một tấm đệm. Mắt không nên mở quá to hoặc nhắm chặt, hãy để đôi mắt tập trung vào đầu mũi. Cơ thể không được nghiêng về phía trước hoặc phía sau. Giữ thẳng người, hướng sự chú ý vào nội tâm. Hai vai thoải mái tự nhiên, đầu không được nghiêng sang phía trước, phía sau, hoặc hai bên. Mũi thẳng hàng với rốn. Răng và môi ở vị trí tự nhiên thoải mái, lưỡi chạm lên hàm trên. Hơi thở thật nhẹ, đều đặn và khẽ, không gây tiếng động, không khó khăn. Hít vào và thở ra một cách tự nhiên, thong thả và không để tâm tới một cái gì.

 

          Người thiền phải lưu ý vào cách thở. Hơi thở không được gây ồn ào hoặc tắc nghẽn. Hơi thở thô bạo sẽ gây ảnh hưởng bất lợi. Thở nhẹ và sâu. Hít vào thở ra thật yên lặng và đều đặn.

 

 

 

CHƯƠNG 8

 

 

THỰC HÀNH  TĨNH LẶNG VĨNH CỬU

 

 

Trước tiên phải đạt được trạng thái “Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu”. Tĩnh lặng vĩnh cửu có nghĩa là tư duy khắc phục được tình trạng phân tán đối với các đối tượng bên ngoài, qua đó tư duy liên tục và tự phát hướng tới đối tượng của thiền với niềm phúc lạc (bliss) cùng trạng thái mềm dẻo uyển chuyển (pliancy).

 

          Sau khi hoàn thành chính xác những bước chuẩn bị, bạn cần thực hành thiền, gồm thiền tĩnh lặng vĩnh cửu (Định thiền) và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt (Tuệ thiền). Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu là gì? Đó là trạng thái tư duy quan tâm một cách tự nhiên tới đối tượng thiền, sau khi mọi phân tán từ các đối tượng bên ngoài lắng xuống.

          Ngoài ra, thiền tĩnh lặng vĩnh cửu còn loại bỏ dần dần các khuyết tật của thân thể và tư duy vì nó thoát khỏi ảnh hưởng của những trạng thái tinh thần trì trệ hoặc phấn khích. "Với niềm phúc lạc và sự mềm dẻo uyển chuyển," điều này muốn nói tới những đặc tính vật chất và tinh thần mà người thực hành thiền đã tạo ra. Trong tiến trình thiền, trạng thái mềm mại uyển chuyển tinh thần (mental pliancy) được thiết lập trước, tiếp đó là trạng thái mềm mại uyển chuyển vật chất (physical pliancy). Và thật kỳ diệu, sau khi trạng thái phúc lạc vật chất (physical bliss) xuất hiện, trạng thái phúc lạc tinh thần (mental bliss) lại nối tiếp. Khi tư duy hợp nhất với niềm phúc lạc, đó là trạng thái thiền tĩnh lặng vĩnh cửu.

 

Trí tuệ sáng suốt đặc biệt là gì ?

 

Trí tuệ thẩm định một cách chính xác về “Chân Như” (suchness, thực tại của đối tượng) trong trạng thái tĩnh lặng, đó là “Trí tuệ sáng suốt đặc biệt”. Kinh "Đám mây của những viên đá quý: Bảo Vân kinh (the Cloud of Jewels Sutra)" viết: Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu là trạng thái tư duy tập trung cao độ, còn trí tuệ sáng suốt đặc biệt là trí tuệ phân tích cụ thể về sự thật tối thượng.

 

          Sau khi tạo ra khả năng đi vào thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, người thực hành thiền không chỉ tập trung đặt tư duy tập trung vào đối tượng, mà còn phải tiến hành nghiên cứu đối tượng. Đối tượng của thiền ở đây chủ yếu là thực tại tối hậu, nhưng không loại trừ những hiện tượng đời thường. Quá trình tập trung tư tưởng này sinh trạng thái phúc lạc về vật chất và tinh thần bởi sức mạnh của quá trình phân tích đối tượng, đó là trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Sau đó, sự liên kết trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt cần đạt tới.

Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt không thể tách rời đối tượng thiền. Hai dạng thiền này có thể sử dụng sự thật đời thường và sự thật tối hậu làm đối tượng. Có trường hợp thiền tĩnh lặng vĩnh cửu tập trung vào sự thật tối thượng, và có trường hợp trí tuệ sáng suốt đặc biệt lại suy ngẫm về sự thật đời thường. Ví dụ, có trường hợp thiền tĩnh lặng vĩnh cửu trong đó tư duy tập trung vào trống rỗng, còn trí tuệ sáng suốt đặc biệt cũng suy ngẫm về hiện tượng đời thường như những khía cạnh tinh tế và những khía cạnh thô thiển của thiền.

          Nói chung, sự khác nhau giữa hai dạng thiền này là: thiền tĩnh lặng vĩnh cửu là dạng thiền tập trung tư tưởng (Định thiền), còn thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt là dạng thiền phân tích (Tuệ thiền). Ba La Mật Thừa (The Perfection Vehicle) và ba bậc đầu tiên của Mật Thừa đều chia sẻ chung ý niệm này. Còn theo Mật Thừa bậc cao nhất, trí tuệ sáng suốt đặc biệt lại chính là thiền tập trung tư tưởng. Đây là một cách hiểu độc đáo trong bối cảnh mà trí tuệ sáng suốt đặc biệt hoàn toàn hoạt động như một dạng thiền tập trung tư tưởng. Nói một cách khác, tác phẩm "Đại Thủ Ấn: Mahamudra” thuộc truyền thừa Kagyu và tác phẩm "Đại viên mãn" (Great Accomplishment), hay Dzogchen (Đại Thành Tựu Pháp) của truyền thừa Nyingma chỉ đề cập tới thiền phân tích.

 

Đồng thời, trong kinh "Giải Thâm Mật: Sự bộc lộ của ý nghĩ" (Unraveling of the Thought) viết: Ngài Di Lặc hỏi: "Thưa Đức Phật, làm thế nào để con người nắm vững được thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và tinh thông thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt? Đức Phật trả lời: "Này Di Lặc, ta đã đưa ra cho các Bồ tát những giáo lý sau đây: 1-Kinh bản, 2-Kinh tụng, 3-Giáo lý tiên đoán, 4-Thơ, 5-Huớng dẫn rành mạch, 6-Lời khuyên rút ra từ kinh nghiệm cụ thể, 7-Biểu hiện của sự giác ngộ, 8-Huyền thoại, 9-Các câu chuyện về sự ra đời, 10-Giáo lý mở rộng, 11-Luận thuyết, và 12-Các hướng dẫn.

          Các Bồ tát cần nghiêm túc lắng nghe những giáo lý này, hãy nhớ kỹ nội dung, hãy rèn luyện bằng cách học thuộc lòng và nghiên cứu kỹ càng. Rồi với nhận thức hoàn chỉnh, các Bồ tát nên một mình đi tới nơi hẻo lánh để suy ngẫm, tập trung tư duy vào giáo lý. Các vị đó nên chỉ tập trung tinh thần vào những vấn đề suy ngẫm và liên tục duy trì trạng thái suy ngẫm này. Đây gọi là quá trình hội nhập tinh thần (mental engagement).

 

          Trong thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, bạn tập trung tư duy cao độ vào những điểm tinh hoa, cô đọng của giáo lý. Như được mô tả trong mười hai phạm trù nói trên, giáo lý của Phật vô cùng rộng rãi, bao trùm hết thảy mọi vấn đề rộng lớn, các đề tài có liên quan tới các khối kết tập của vật chất và tinh thần, những tố chất, nguồn gốc nhận thức...Ở bối cảnh này, bạn không đi sâu vào tiểu tiết, mà cần chú tâm vào cốt lõi hoặc điểm chính yếu của giáo lý, dù nó là trống rỗng hoặc vô thường, và suy ngẫm về bản chất tự nhiên của nó. Nói một cách khác, thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt là thiền phân tích. Trong thiền phân tích, hành giả lại phải đi sâu vào chi tiết, phải suy nghĩ tỷ mỷ về nhân thân, nguồn gốc và những đặc điểm khác của đối tượng thiền, ví dụ như các khối kết tập, tố chất, những nguồn gốc nhận thức vv...

 

Khi tư duy lặp đi lặp lại việc thực hành theo hướng như vậy, khi trạng thái mềm dẻo uyển chuyển về vật chất và tinh thần được đạt tới, thứ tư duy này được gọi là tư duy duy tĩnh lặng vĩnh cửu. Đây là phương pháp để các Bồ tát tìm được tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu một cách chính xác         

 

Ban đầu, nhà thực hành nhận thức được trạng thái mềm dẻo uyển chuyển tinh thần. Đi trước trạng thái này là một cảm giác đầu óc nặng nề, thực ra đó là dấu hiệu quá trình đào thải mọi khuyết tật tư duy. Sau khi tạo ra trạng thái tinh thần thoải mái, mềm dẻo uyển chuyển, người thực hành sẽ có được trạng thái mềm dẻo uyển chuyển vật chất, trạng thái này trực tiếp chống lại những khuyết tật vật chất. Kết quả là niềm phúc lạc vật chất được tạo ra, rồi phúc lạc vật chất lại tạo ra phúc lạc tinh thần.

 

Khi Bồ tát đạt tới trạng thái mềm dẻo uyển chuyển cả vật chất lẫn tinh thần, và chỉ tồn tại trong tình trạng này, vị đó sẽ loại bỏ được khuyết tật tinh thần xao lãng. “Hiện tượng” dùng để suy ngẫm như một đối tượng của thiền tập trung nội tâm cao độ, hiện tượng này cần được phân tích, được coi như một dạng suy ngẫm. Suy ngẫm này, hoặc ý niệm, đối tượng của thiền tập trung cao độ, cần được nhận biết thấu suốt bằng trí tuệ như một đối tượng của kiến thức. Đối tượng này cần được điều tra kỹ càng, thẩm định triệt để. Hãy kiên trì thực hành và đón nhận niềm hân hoan trong tập luyện. Bằng vào quá trình phân tích hợp lý, hãy quan sát, thấu hiểu nó. Đó chính là thứ được biết là trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Vì thế, các vị Bồ tát rất thuần thục trong mọi biện pháp thuộc về trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

 

          Tạo ra một động cơ tích cực là điều tối quan trọng. Nhà thực hành cần luôn luôn tái tạo thái độ tích cực này trong suốt quá trình thực hành. Hãy nghĩ rằng: "Tôi sẽ lắng nghe văn bản thiêng liêng này, văn bản của đại sư Kamalashila, để đạt được Phật tính tối cao vì lợi ích của vô lượng chúng sinh nhiều như không gian". Điều hết sức quan trọng là chúng ta nhận thức được sự hiếm hoi, quý báu nhất của cuộc đời con người. Vì trên cơ sở ấy, chúng ta mới có khả năng đạt được cả mục tiêu tạm thời và mục tiêu tối hậu. Là một sinh linh tự do, may mắn, kiếp người của chúng ta có cả một cơ hội lớn, ta cần tận dụng hết thảy mọi ưu thế cuộc đời dành cho. Gốc rễ và nền tảng để thức ngộ được mục tiêu tối hậu của khai sáng chính là việc tạo nên ý nghĩ vị tha, ý nghĩ vị tha lại được rút chiết từ tâm từ bi. Những thực hành bổ sung căn bản khác trong bối cảnh này là thực hành phẩm chất đại lượng và những công đức khác, là quá trình rèn luyện với sự tập trung cao độ, quá trình tập trung này chính là sự hợp nhất của trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

          Trước khi tạo ra tâm từ bi đối với mọi sinh linh, nhà thực hành cần nghĩ về những nỗi khổ đau của luân hồi hiện hữu nói chung, đặc biệt nỗi khổ đau của các cõi hiện hữu khác nhau trong vòng luân hồi. Qua suy ngẫm, nhà thực hành tiến tới cảm nhận được bản chất khổ đau không thể chịu nổi trong vòng luân hồi hiện hữu. Điều này tự nhiên đưa bạn tới ý nghĩ tìm cách từ bỏ nó. Có cơ hội nào để chúng ta hoàn toàn thoát khỏi khổ đau không? Phương pháp nào cần sử dụng để loại bỏ khổ đau? Khi nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng những câu hỏi này, bạn sẽ nhận thức được cái gì đã gây ra đau khổ. Nguồn gốc của khổ đau là sự uế tạp tinh thần, uế tạp tinh thần phát sinh bởi hành động và xúc cảm rối loạn. Tất cả những thứ này chỉ mang tính tạm thời, tư duy có thể hoàn toàn loại bỏ chúng. Nhà thực hành tiến tới chỗ nhận thức được rằng Sự Thật Cao Quý của Chấm Dứt, điều này có thể đạt được bằng cách làm lắng đi hoặc loại trừ mọi khổ đau cùng với nguyên nhân của nó. Hệ quả là một cá nhân sẽ nảy ra thái độ hy sinh từ bỏ, mong muốn thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi nguyên nhân của khổ đau, và khi bạn mong muốn người khác cũng đạt được giải thoát khỏi khổ đau, bạn đã thiết lập một bước quan trọng thẳng tới việc tạo ra tâm từ bi.

          Trước hết, nhà thực hành cần rèn luyện trong các mức độ thông thường, rồi dần dần tiến tới mức độ cao hơn. Đối với sự nghiệp tâm linh, đây là một phương pháp chính xác, có cơ sở.

          Sau khi đã thực hiện các bước chuẩn bị, bạn cần tiến tới rèn luyện hai dạng tư duy thức tỉnh. Đó là tư duy thức tỉnh đời thường và tư duy thức tỉnh tối hậu. Với dạng tư duy thức tỉnh đời thường, nhà thực hành sẽ tham gia vào những hành vi công đức của Bồ tát, gồm thực hành sáu Ba La Mật (1-Đại lượng, 2-Đạo đức, 3- Kiên trì, nhẫn nại, 4- Nhiệt tình, 5-Thiền, 6-Vận dụng Trí tuệ). Thiền về tư duy thức tỉnh tối hậu được thực hiện bằng cách tạo ra trí tuệ siêu việt trực tiếp thức ngộ được “trống rỗng”. Trí tuệ này là một trạng thái thiền bền vững (meditative stabilization), là trạng thái kết hợp của tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu và trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Có nghĩa là trong khi tập trung tư duy cao độ, bạn đồng thời tiến hành phân tích bản chất của trống rỗng.

          Trước tiên, nhà thực hành cần tập hợp những điều kiện tiên quyết cùng các điều kiện cho phép để thiền trong trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu.

 

Hành giả nào mong muốn thức ngộ được tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu trước tiên cần tập trung sát sao vào sự kiện là 12 bộ kinh (kinh bản, kinh tụng...) được tổng kết để hướng tới "Chân Như” (suchness: thực tại tối hậu, Pháp tính), sẽ đưa hành giả tới Chân Như, và phải dẫn tới Chân Như.

 

          Trong phân tích cuối cùng, giáo lý của Phật trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập tới Chân Như, bản chất đích thực. Rõ ràng văn bản giải quyết vấn đề vô thường, đau khổ..., rồi cuối cùng cũng giải quyết vấn đề Chân Như, vì mặc dầu giáo lý có trình bày chi tiết những mức độ vô ngã thô thiển, như tính "bất nhị nguyên" của chủ thể và đối tượng, song giáo lý vẫn trực tiếp hướng tới sự trống rỗng tinh tế mà Đức Phật đã giảng dạy ngay trong vòng quay thứ hai của bánh xe Pháp.

 

Một phương pháp để thực hiện dạng thiền này là đặt tư duy thật sát với những khối kết tập (skandha, uẩn) của tinh thần hay vật chất (mental and physical aggregates), coi chúng như là một đối tượng bao gồm mọi hiện tượng. Còn một cách khác là đặt tư duy vào một pho tượng Phật. Kinh "Vua của thiền định" (King of Meditative stabilization sutra) nói:

         

Với một thân thể màu vàng,

          Vị chúa tể vũ trụ cực kỳ đẹp đẽ,

          Bồ tát nào đặt tư duy vào đối tượng này,

Sẽ được coi như một người đang cuốn hút vào trong thiền.

 

          Đối tượng sử dụng trong thiền tĩnh lặng vĩnh cửu có rất nhiều. Duy nhất hệ thống Mật tông sử dụng các thần linh quán tưởng (meditational deity) hoặc các hạt giống âm tiết (seed-syllable) làm đối tượng. Ở đây, như trong kinh bản dạy, tranh tượng Phật được sử dụng như một đối tượng cụ thể. Thiền bền vững (Meditative stabilization) là một thực hành phổ biến cho các phật tử và những người không phải là phật tử. Vì thế đối với Phật giáo, sử dụng tượng Phật như đối tượng của thiền là điều được khích lệ. Với phương pháp này, người thực hành thiền sẽ thu hoạch thêm một số ích lợi phụ trợ kèm theo như tích luỹ công đức và tưởng nhớ tới Phật. Hãy quán tưởng Đức Phật đang ngồi trên ngai bằng đá quý. Khoảng cách từ bạn tới Đức Phật bằng chiều cao toàn thân bạn, ngài tồn tại vĩnh viễn ngay trước mặt, ngang tầm trán. Bạn cần hình dung Đức Phật thật đậm đặc, hào quang rực rỡ.

          Nhà thực hành thiền thông minh tìm kiếm sự tập trung tư tưởng bằng cách trước hết đạt được hiểu biết đúng đắn về “quan điểm”(the view). Người đó cần tập trung vào “trống rỗng” như là đối tượng của thiền đề thức ngộ được “tĩnh lặng”. Điều này thực sự rất khó. Một số nhà thực hành thiền khác lại sử dụng bản thân tư duy như là đối tượng để đạt tới trạng thái tĩnh lặng. Thực ra họ tập trung vào tính trong sáng và hiểu biết của tư duy, đó là cách để tư duy tập trung vào bản thân nó. Đây cũng không phải là một mục tiêu dễ dàng. Trước tiên, nhà thực hành cần chứng minh được tính trong sáng, hiểu biết của tư duy như là một thực nghiệm có thật. Rồi tư duy tập trung vào cảm giác đó với hỗ trợ của trạng thái chú tâm. Tư duy là một thứ bí ẩn và có vô số hình thức xuất hiện, nó không thể xác định được bằng các phương pháp áp dụng đối với vật thể bên ngoài. Tư duy không có dáng vẻ, hình dạng, màu sắc. Tri thức sáng suốt là bản chất của thực nghiệm và cảm súc. Nó là một thứ tựa như nước màu, dù rằng nước không có bản chất giống như bản chất của màu sắc, nhưng chừng nào chúng còn bị trộn lẫn, màu sắc đích thực của nước sẽ không nhận ra được. Tương tự như vậy, tư duy không có bản chất của những đối tượng bên ngoài như hình dạng vật chất hoặc những gì tương tự, song tư duy lại là một cái gì rất đỗi quen thuộc, một cái gì nối tiếp ngay sau sự nhận biết của năm giác quan, quen thuộc đến nỗi không thể phân biệt được nó qua những dáng vẻ, hình dạng, màu sắc... vật chất mà nó đã thực nghiệm.

          Trong bối cảnh này, phương thức của thiền là chủ động chặn đứng các loại ý nghĩ, nhận thức. Đầu tiên, bạn kiềm chế tư duy không để nó bám theo những nhận biết bằng giác quan. Sau đó là việc chặn đứng tư duy không để tư duy ngẫm nghĩ về những thực nghiệm thuộc giác quan, cảm nhận được buồn vui. Hãy tập trung tư duy vào thực trạng tự nhiên của nó, không để nó bị những ký ức quá khứ hoặc dự định tương lai chiếm hữu. Qua tiến trình này, màu sắc đích thực của tư duy, ta có thể gọi như vậy, sẽ dần dần bừng lên trong nhà thực hành. Khi tư duy thoát khỏi những dạng ý nghĩ, khái niệm, bất thình lình một hình thức trống rỗng sẽ xuất hiện. Nếu nhà thực hành thiền cố gắng đạt được thấu đáo kỹ càng về dạng trống rỗng đó, sự trong sáng của ý thức tự nhiên sẽ trở nên rõ ràng, hiển nhiên.

          Trong suốt tiến trình thực hành thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, chúng ta cần ý thức đầy đủ về năm loại khuyết tật và tám loại giải độc. Năm khuyết tật là: 1- Lười biếng, 2- Lãng quên đối tượng của thiền, 3- Tinh thần trì trệ hoặc hưng phấn, 4- Không sử dụng biện pháp giải độc khi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tâm trạng trì trệ hoặc phấn khích*(chú thích của tác giả: tinh thần trì trệ: đây là tình trạng tư duy thiếu sự trong sáng, bất kể nó tập trung vào một vấn đề đức hạnh, không đức hạnh hoặc trung tính), và 5-Sử dụng các phương pháp giải độc một cách không cần thiết. Tám loại giải độc là: 1- Đức tin, 2- Hứng thú, 3- Kiên trì, 4- Mềm dẻo, 5- Chú tâm, 6- Tận tụy, 7- Sử dụng thuốc giải độc khi bị ảnh hưởng bởi trì trệ hoặc phấn khích, và 8- Loại bỏ mọi yêu cầu sử dụng biện pháp giải độc không cần thiết. Đức tin ở đây liên quan tới nguồn vui trong việc thực hành tập trung tư tưởng, nguồn vui phát sinh do nhận thức được ích lợi của thực hành, điều này tự nhiên dẫn tới hứng thú trong tu tập, và gia tăng mức độ kiên trì. Bốn loại giải độc đầu tiên: đức tin, hứng thú, kiên trì và mền dẻo, đây là những thứ chống lại sự lười biếng, còn loại giải độc thứ năm: chú tâm, loại này chống lại sự lãng quên đối tượng của thiền. Loại giải độc thứ sáu: tận tụy, là thứ đối lập với tình trạng trì trệ hoặc phấn khích. Khi tư duy bị tác động xấu bởi trạng thái trì trệ tinh thần, bạn cần tạo ra một nỗ lực để thức tỉnh và nâng cao tư duy lên. Trạng thái phấn khích cần chống lại bằng cách làm lắng đi cái tư duy xáo động. Qua trường kỳ luyện tập, nhà thực hành thiền sẽ vững mạnh tinh thần và tiến bộ dần qua từng giai đoạn tập trung tư tưởng. Ở giai đoạn thứ 8 hoặc thứ 9, tư duy đạt tới trạng thái tập trung rất sâu. Lúc này, việc sử dụng thuốc giải độc lại có tác dụng như một dạng ngăn trở, điều này nên tránh xa.

 

Theo cách này, hãy đặt tư duy lên đối tượng được lựa chọn. Để làm được như vậy, bạn cần thực hiện liên tục và lặp đi lặp lại. Đặt xong tư duy vào đối tượng, hãy thẩm định, kiểm tra lại xem nó được chính xác tập trung vào đối tượng chưa. Đồng thời bạn cũng kiểm tra xem tư duy có bị trì trệ không, có bị xao lãng bởi đối tượng bên ngoài không.

 

          Để phát huy thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, nhà thực hành có quyền tự do lựa chọn đối tượng thiền mà họ cảm thấy đối tượng đó thích hợp, thoải mái. Sau đó hành giả tập trung tư duy vào đối tượng, không để tư duy bị rối loạn bởi những đối tượng bên ngoài, cũng không để tư duy rơi xuống cái hố trì trệ. Người thực hành thiền cần cố gắng tập trung tư tưởng cao độ hợp nhất với trạng thái sáng suốt minh mẫn.

          Tâm trạng trì trệ phát sinh do tư duy bị sự lười biếng chi phối, thiếu cảnh giác, thiếu sắc bén. Ngay trong cuộc sống hành ngày, chúng ta có thể mô tả tư duy của mình như một thứ tư duy uể oải, không rõ ràng. Khi tình trạng trì trệ xuất hiện, người thực hành thiền sẽ không nắm chắc được đối tượng, do vậy thiền sẽ không có tác dụng

 

Nếu thấy tư duy mệt mỏi do buồn ngủ hay tinh thần uể oải, hoặc nếu bạn cho rằng trạng thái trì trệ sắp sảy ra, thì tư duy bạn phải quan tâm ngay tới một đối tượng gây hưng phấn ở mức độ cao, ví dụ một pho tượng Đức Phật, hoặc ý niệm về ánh sáng. Trong giai đoạn này, để xua đi trạng thái trì trệ, tư duy cần cố gắng thấy được đối tượng một cách rõ ràng.

 

          Trạng thái mệt mỏi, uể oải phát sinh từ mối quan hệ tương hỗ của nguyên nhân và kết quả. Khi nhà thực hành thiền bị cảm giác mơ hồ bao vây, tư duy và thân thể cảm thấy nặng nề, nhà thực hành mất đi sự sáng suốt, tư duy trở nên kém chức năng và hiệu quả. Trạng thái trì trệ là một dạng tinh thần xuống cấp, vậy để chống lại, bạn hãy sử dụng những kỹ thuật nâng cao tư duy. Một số biện pháp rất hữu hiệu là nghĩ về những đối tượng phát sinh niềm vui như phẩm chất tuyệt vời của Đức Phật, hoặc sự hiếm hoi được làm một kiếp người quý báu với nhiều cơ hội vv... Bạn nên rút ra nguồn cảm hứng từ những ý nghĩ đó.

          Để phát huy thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, một trở ngại lớn khác cần vượt qua, đó là sự phấn khích của tư duy. Điều này phát sinh khi tư duy hưng phấn, đuổi theo những đối tượng của tham vọng và nhớ lại mọi thực nghiệm vui sướng, hạnh phúc đã trôi qua. Những dạng hưng phấn thô thiển của tinh thần sẽ làm tư duy hoàn toàn mất đi đối tượng để thiền, còn trong dạng tinh tế hơn, chỉ có một phần tư duy là chú ý tới đối tượng của thiền. Giải pháp đối với vấn đề này là thiền về vô thường, về mọi nỗi khổ đau vv.., những thứ này có thể giúp tư duy đi vào trạng thái ổn định.

 

Bạn cần nhận ra sự xuất hiện của trạng thái trì trệ tinh thần lúc mà tư duy không thấy được đối tượng một cách rõ ràng, khi đó bạn có cảm giác như bị mù, hoặc ở trong một nơi tối đen, hoặc đang nhắm mắt lại. Nếu trong lúc thiền, tư duy bạn lại đuổi theo những đặc tính của đối tượng bên ngoài như hình dạng, hoặc lưu ý tới các hiện tượng khác, hoặc bị rối loạn bởi sự ham muốn về một đối tượng bạn đã thực nghiệm trước đây, hoặc bạn ngờ rằng sắp có trở ngại, hãy nghĩ rằng tất cả mọi hiện tượng phức hợp đó đều là vô thường. Hãy nghĩ về nỗi khổ đau hoặc những gì tương tự, chủ đề này có thể sẽ làm tư duy bạn dịu đi.

 

          Nếu suy nghĩ về những lỗi phát sinh do bế tắc tinh thần liên tục, hoặc suy nghĩ về những đối tượng có thể làm nhụt ý chí của tư duy, bạn sẽ có khả năng giảm thiểu được trạng thái phấn khích tinh thần. Khi tư duy buông lỏng đối tượng thiền và trở nên rối loạn bởi ý nghĩ quá khứ, đặc biệt với những đối tượng phát sinh quyến luyến, đó là trạng thái phấn khích. Trường hợp tư duy hoàn toàn mất hết đối tượng thiền và bị rối loạn bởi đối tượng bên ngoài, đó là trạng thái phấn khích thô thiển. Còn tư duy không bị mất đi đối tượng thiền, nhưng một phần tư duy lại chăm chú vào một đối tượng luyến ái, đó là trạng thái phấn khích tinh tế. Phấn khích phát sinh do tư duy quá sôi nổi. Khi tư duy quá sôi nổi, quá hoạt động, nó rất dễ bị rối loạn. Biện pháp giải độc cho trường hợp này là làm nhụt đi sự hăng hái của tư duy, điều này có thể xử lý bằng cách "rút" dần tư duy ra. Để thực hiện điều này, thiền về những đối tượng gây tác dụng giảm bớt sự ám ảnh, ràng buộc của đối tượng bên ngoài sẽ rất hữu hiệu. Trong bối cảnh này, một lần nữa thiền về vô thường, về nỗi khổ đau lại vô cùng ích lợi.

          Phương pháp giải độc đối với trạng thái trì trệ, phấn khích, là cách quan sát nội tâm (introspection). Chức năng việc quan sát nội tâm là quan sát xem tư duy có tồn tại ổn định với đối tượng của thiền hay không, còn nhiệm vụ của biện pháp chú tâm (mindfulness) là giữ tư duy bám sát lấy đối tượng. Ngay khi đạt được điều này, “quan sát nội tâm” phải theo dõi xem tư duy còn duy trì với đối tượng hay không. Bạn càng chú ý bao nhiêu, cường độ nội quan của bạn càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Ví dụ, nếu bạn luôn luôn ghi nhớ "Làm như vậy không tốt đâu", "Việc này không có lợi"..., bạn đã đang duy trì kỹ xảo nội quan. Chú ý tới những mặt tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày của mình là điều quan trọng, bạn cần cảnh giác với mọi dạng xuất hiện của chúng. Do vậy, một trong nhiều nét đặc thù và chức năng độc đáo của nội quan, là đánh giá trạng thái tư duy, trạng thái cơ thể của bạn, để cân nhắc xem tư duy của bạn còn vững vàng tồn tại với đối tượng của nó hay không.

          Cùng lúc đó, điều quan trọng cần nhớ là nếu tinh thần bạn chìm xuống quá sâu, tư duy bạn sẽ bị trì trệ. Ngay lúc tư duy bắt đầu đình đốn, bạn phải cố gắng nâng cao tinh thần của mình lên. Trạng thái tinh thần xuống cấp hay nâng cấp trong một lúc nào đó, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khoẻ, chế độ ăn uống, thời gian trong ngày vv...Do vậy, bạn là người quyết định tốt nhất để xem thời điểm nào cần hạn chế, và thời điểm nào cần nâng cao tinh thần.

 

Trong giai đoạn này, sự rối loạn cần được loại bỏ, với sợi dây cảnh giác, lưu tâm, con voi "tư duy" phải được buộc chặt vào cái cây "đối tượng" của thiền. Khi bạn thấy tư duy thoát khỏi tình trạng trì trệ hoặc phấn khích, khi tư duy tuân phục đối tượng một cách tự nhiên, bạn cần giảm sự nỗ lực, giữ nguyên trạng thái thăng bằng đó chừng nào tư duy còn tiếp tục như vậy.

 

          Đầu tiên, tư duy chỉ đơn thuần chú ý tới đối tượng của thiền. Nhưng qua quá trình thực hành lâu dài, do tạo ra những biện pháp giải độc cho trạng thái trì trệ hoặc phấn khích, sức mạnh của chướng ngại thô thiển giảm dần, thì chướng ngại tinh tế trở nên cụ thể. Song nếu bạn kiên trì thực hành, nâng cao oai lực của biện pháp quan tâm và cảnh giác, tới một lúc nào đó, ngay cả những dạng chướng ngại vi tế nhất cũng không làm tối tăm được trạng thái thiền của bạn nữa. Tạo ra ý chí mạnh mẽ để tham gia vào một tiến trình thiền đúng đắn, không còn chướng ngại, điều này có một tác động hết sức tích cực. Cuối cùng bạn sẽ có khả năng ngồi thiền chừng một tiếng đồng hồ.

          Thức ngộ được trạng thái tập trung tư duy cao độ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Bạn phải có sức chịu đựng tập luyện trong một thời gian dài. Do kiên trì rèn luyện, bạn sẽ dần dần loại bỏ được những khuyết tật của thân thể, tư duy, trong bối cảnh này, khuyết tật là trạng thái trì trệ nặng nề của thân thể, tư duy, khiến tư duy không đáp ứng hoặc không phục vụ được cho thiền. Những khuyết tật này chắc chắn sẽ được triệt để loại bỏ khi người thực hành phát huy được điều kiện tĩnh lặng vĩnh cửu. Cuối cùng hành giả tạo được trạng thái mềm dẻo uyển chuyển tinh thần, rồi tới trạng thái mềm dẻo uyển chuyển của cơ thể.

 

Bạn cần hiểu rằng trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu chỉ thực nghiệm được một khi bạn tận hưởng trạng thái mềm dẻo uyển chuyển về tinh thần lẫn vật chất qua quá trình thiền lâu dài thành thạo, và khi tư duy đạt được sức mạnh để bám vào đối tượng mà nó đã lựa chọn.

 

          Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu là một thực hành phổ thông đối với các Phật tử cũng như đối với những người không phải là Phật tử. Do thực chất đơn giản, thiền tĩnh lặng vĩnh cửu không có gì khó khăn, đặc biệt cả. Tuy nhiên, khi chúng ta khảo cứu bản chất của một số đối tượng, dù cho đó là đối tượng mang tính đời thường hay tối thượng, thiền tĩnh lặng vĩnh cửu vẫn vô cùng quan trọng. Mục tiêu chính của nó là tạo ra tiến trình tập trung tư tưởng cao độ. Dù cầu nguyện hay tham gia vào những thực hành Mật tông, chúng ta vẫn phải đối diện với câu hỏi là, liệu những thực hành đó có hiệu quả hay không ? Lý do chính của vấn đề là chúng ta thiếu sự tập trung cao độ. Vì thế, ta cần tạo ra tư duy có khả năng tuân thủ duy nhất vào đối tượng cần tập trung. Trong những giai đoạn đầu tiên, ngay cả khi chưa có được khả năng tạo ra một tư duy tĩnh lặng vĩnh cửu, điểm quan trọng là chúng ta cần trau dồi một tinh thần vững mạnh trong lúc thực hành sáu Paramita (sáu Ba La Mật), thực hành mọi ý tưởng vị tha hoặc những gì tương tự. Mục đích cuối cùng của thực hành thiền tĩnh lặng vĩnh cửu là thức ngộ được trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

 

 

 

CHƯƠNG 9

 

 

THỨC NGỘ TRÍ TUỆ SÁNG SUỐT ĐẶC BIỆT

 

         

Trong văn bản này, chúng ta bàn về vấn đề tham gia thực hành sáu Paramita như một vị Bồ tát đã tích luỹ. Ở đây, mục đích của thiền tĩnh lặng vĩnh cửu là có được khả năng trau dồi một trí tuệ siêu phàm đặc biệt sáng suốt. Do đó, sau khi có được trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu, chúng ta cần nỗ lực trau dồi trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

 

Sau khi thức ngộ được trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu, hãy thiền về trí tuệ sáng suốt đặc biệt, hãy nghĩ như sau: "Mọi giáo lý của Phật đều hoàn hảo, những giáo lý này đều trực tiếp hoặc gián tiếp rọi sáng và dẫn tới Chân Như cực kỳ rõ ràng. Nếu hiểu được Chân Như, hiểu được bản chất thực tại, bạn sẽ thoát khỏi tất cả các thứ lưới bao bọc của mọi quan niệm sai lầm, giống như bóng đêm bị ánh sáng xua tan. Nhưng chỉ đơn thuần thiền tĩnh lặng vĩnh cửu không thể làm trong sáng ý thức nguyên thuỷ được, cũng không loại bỏ được trạng thái tối tăm của bức màn vô minh. Khi tôi thiền một cách rõ ràng về Chân Như bằng trí tuệ, ý thức nguyên thuỷ sẽ trở nên trong sáng. Chỉ bằng vào trí tuệ tôi mới có thể thức ngộ được Chân Như. Chỉ bằng vào trí tuệ tôi mới có thể trừ bỏ hiệu quả những gì bị che phủ. Do vậy, trong khi thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, tôi sẽ tìm hiểu Chân Như bằng trí tuệ. Và tôi sẽ không chỉ hài lòng với trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu không thôi”.

 

          Ý nghĩ vị tha, khát khao đạt tới mức độ khai sáng cao nhất được tạo thành trên cơ sở lòng từ bi. Khi có được động lực vị tha mạnh mẽ như vậy, nhà thực hành thiền cần tham gia vào những hoạt động đoan chính như thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt.

          Bây giờ chúng ta hãy thảo luận vấn đề thiền về trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Để thiền về trí tuệ sáng suốt đặc biệt, thứ trí tuệ thức ngộ được thực tại, chúng ta cần phát huy trí tuệ hiểu được "vô ngã". Trước hết, ta phải đi tìm cái "ngã", rồi chứng minh được cái "ngã" đó không tồn tại. Chúng ta không thể thoả mãn chỉ với niềm tin xuông về sự thiếu vắng của bản ngã. Từ trong đáy tâm hồn, ta phải chứng minh được, rằng không có cơ sở nào để cái "ngã" đó tồn tại. Điểm này có thể xác định được thuần túy bằng nhận thức hay lập luận, cũng như chúng ta đã chứng minh các hiện tượng khác có tính chất đời thường hoặc tôn giáo. Nếu đối tượng là hữu hình, ta không cần phải chứng minh sự hiện hữu của đối tượng, vì ta có thể quan sát hoặc tiếp xúc. Nhưng với loại hiện tượng bị che khuất, chúng ta phải sử dụng tư duy và các quy tắc lập luận để xác minh sự hiện hữu của dạng hiện tượng này.

          Vô ngã có hai thể loại: vô ngã của con người và vô ngã của hiện tượng. Vậy thì cái ngã cần phải phủ định cũng có hai loại: ngã của con người và ngã của hiện tượng. Một con người được xác định bằng vào các mối liên quan với những khối kết tập thuộc tinh thần và vật chất. Nhưng theo quan niệm thông thường, bản ngã, hoặc con người, dường như chúng là nhân tố thống trị toàn bộ cơ thể và tư duy. Do vậy con người có vẻ như sở hữu một thực thể hoàn chỉnh hoặc một bản ngã không bị phụ thuộc vào khối kết tập của tinh thần và vật chất, không phụ thuộc vào tính tiệm tiến hoặc từng phần cấu thành của nó vv... Ý niệm về một con người hoàn chỉnh đó, thứ ý niệm chúng ta thường nắm giữ rất chặt, đó chính là cái "ngã" của con người mà ta đang tìm cách xác định. “Ngã” này chính là cái "ngã" cần loại bỏ. Qua tiến trình phân tích, nhà thực hành có thể đi tới chỗ hiểu được, rằng cái "ngã" như vậy không hề tồn tại. Lúc này hành giả sẽ phát huy trí tuệ hiểu rõ được "vô ngã" của con người.

          Vô ngã của hiện tượng có liên quan tới trạng thái thiếu vắng “hiện hữu đích thực” của đối tượng bị quan sát và trạng thái thiếu vắng “hiện hữu đích thực” của tư duy quan sát. Đối tượng bị quan sát có cùng bản chất với tư duy quan sát, nhưng thường thường chúng có vẻ như tồn tại từ phía bên ngoài. Nếu ta bấu víu lấy sự hiện hữu bên ngoài này, nó trở thành một nền tảng để phát sinh súc cảm quyến luyến hoặc ghét bỏ. Nói một cách khác, khi chúng ta thấy được thực tại: vật thể bị quan sát bị thiếu hụt (trống rỗng) sự hiện hữu bên ngoài, bản chất của chúng là bản chất của tư duy quan sát, lúc đó sức mạnh tham vọng và hận thù sẽ tự nhiên giảm đi. Đối tượng bị quan sát bị mất đi sự hiện hữu bên ngoài, người quan sát và đối tượng được quan sát đều mất đi nhân thân tách biệt hoặc mất đi nền tảng căn bản, những thứ này cấu thành mức độ thô thiển của cái gọi là sự "vô ngã của hiện tượng."

          Ngay cả tư duy quan sát cũng trống rỗng sự hiện hữu đích thực. Khi nói vật thể thiếu hụt sự hiện hữu đích thực, chúng ta muốn nói rằng vật thể tồn tại do ảnh hưởng của tư duy, nó xuất hiện do tư duy đó, và những đối tượng này (vật thể) không có được một hiện hữu độc nhất, hoặc hiện hữu căn bản từ phía chúng. Đối với tư duy sai lầm của ta, vật thể dường như tồn tại từ phía chúng và chúng ta bị ràng buộc với biểu hiện này. Nhưng thực ra vật thể lại trống rỗng đối với sự hiện hữu như vậy. Theo trường phái này, đây là một sự trống rỗng tinh tế. Vì vậy, qua việc phủ định cái “hiện hữu” dường như có vẻ rất thật, chúng ta thiết lập được một lập luận về bản chất ảo ảnh của vật thể. Hiểu được thực tại: mọi sự đều giống như ảo ảnh, điều này sẽ chống lại quá trình tạo thành những xúc cảm tiêu cực như quyến luyến hoặc ghét bỏ.  

Ở đây tác giả giải thích rất rõ ràng, rằng toàn bộ giáo lý của Phật cuối cùng có khuynh hướng như những chỉ đạo, hướng người thực hành thiền thức ngộ được trạng thái khai sáng. Để theo đuổi mục tiêu này, việc thấu hiểu về Chân Như hết sức quan trọng. Bản thân Đức Phật đạt được khai sáng do ngài thức ngộ được ý nghĩa của sự thật tối hậu. Có vô số quan điểm triết học, nhưng nếu chúng ta đi theo quan điểm đúng đắn, ta có thể tạo nên những tiến bộ trên con đường tâm linh và đạt được trí tuệ sáng suốt ngay bên trong sự thật tối hậu. Nói một cách khác, định hướng sai lầm sẽ dẫn tới đường lối sai lầm và những kết quả không mấy dễ chịu. Nhà thực hành nào đạt được trí tuệ sáng suốt đúng đắn trong cách nhìn nhận về Chân Như, người đó có thể loại bỏ triệt để toàn bộ những quan điểm sai lầm của họ.

 

Chân như, bản chất thực tại là gì? Đó là bản chất của mọi hiện tượng mà cuối cùng chúng đều trống rỗng cái “ngã” (self: cái Tôi) của con người và cái “ngã” (self: cái Tôi) của hiện tượng. Điều này chỉ được thức ngộ qua quá trình kiện toàn trí tuệ, ngoài ra không còn cách nào khác. Kinh "Sự bộc lộ của ý nghĩ" hay Giải Thâm Mật (The Unravealing of the Thought sutra) viết: "Thưa Tathagata, bằng vào phương pháp hoàn chỉnh nào mà Bồ tát hiểu rõ sự vô ngã của hiện tượng?" "Này Avalokiteshvara (Phật Quán Thế Âm), hiểu được điều này nhờ vào sự kiện toàn của trí tuệ". Vì thế, hãy thiền về trí tuệ trong trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu.

 

          Chân Như có liên quan tới bản chất vô ngã của con người và của hiện tượng, song phần lớn liên quan tới bản chất vô ngã của hiện tượng. Khi giải thích chi tiết về Chân Như, các học giả có nhiều cách trình bày khác nhau. Căn cứ theo văn bản này, “vô ngã” của hiện tượng được mô tả như một thứ tinh tế hơn “vô ngã” của con người. Một con người được thừa nhận là có liên quan với những khối kết tập của tinh thần và vật chất. Khi chúng ta nói về bản chất vô ngã của một con người, "con người" đó ám chỉ tới một con người hoàn chỉnh, tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào các khối kết tập. "Con người" như vậy không hề tồn tại ngay cả ở mức độ đời thường, do đó con người "bị trống rỗng nhân thân", ý niệm này được coi là “vô ngã” của con người.

          Đại sư Kamalashila là một đệ tử danh tiếng của đại sư Shantarakshita thuộc trường phái tư duy Yogachara Svatantrika Madhyamika (Du Già Trung Quán Tự Lập). Trường phái này thừa nhận hai mức độ vô ngã thuộc về hiện tượng: mức độ thô thiển và mức độ tinh tế. Tính "không hai chiều" (bất nhị nguyên) của chủ thể và vật thể, hoặc của đối tượng quan sát và đối tượng bị quan sát, đây là mức độ thô thiển của Chân Như, còn thấy được mọi hiện tượng đều trống rỗng sự hiện hữu đích thực là mức độ tinh tế của Chân Như. Trong tất cả các kinh bản Đức Phật giảng dạy, kinh Bát Nhã Ba La Mật: Sự hoàn thiện của trí tuệ (The Perfection of Wisdom, Prajnaparamitasutra) giải quyết vấn đề này với tầm cỡ sâu nhất.

          Điều cực kỳ quan trọng là ý niệm về "Tôi," sự vô ngã của con người, sự vô ngã của hiện tượng, tất cả cần được xem xét một cách triệt để tỷ mỷ. Mỗi người trong chúng ta có một cảm giác bẩm sinh và tự phát của cái "Tôi." Đó là thứ để thực nghiệm được niềm vui và nỗi buồn, đồng thời cũng là thứ phát sinh niềm vui hoặc nỗi buồn. Thời cổ xưa, những trường phái tư tưởng khác nhau có nhiều quan điểm khác nhau trong cách mà cái "Tôi" tồn tại. Một trong những trường phái triết học cổ của Ấn Độ quan niệm bản ngã hoặc cái "Tôi" như một người sử dụng, còn “khối kết tập của tinh thần và vật chất” là đối tượng để sử dụng. Do đó, cái "Tôi" và khối kết tập được coi là những thực thể khác biệt.

          Theo các trường phái triết học khác, cái "Tôi" là một thực thể vĩnh cửu, đơn lẻ và độc lập. Cái "Tôi" là thứ đến từ những kiếp sống trước đây, rồi di chuyển tới một cảnh giới kế tiếp, khi mà khối kết tập tinh thần, vật chất bị phân huỷ tại thời điểm chết. Tôi có ấn tượng là những tôn giáo khác như Cơ đốc giáo cũng tin rằng cái "Tôi" tồn tại vĩnh cửu, duy nhất và độc lập. Cái "Tôi" như vậy được hiểu ngầm là không bị phụ thuộc, không lệ thuộc vào các khối kết tập của nó. Trong bốn trường phái tư tưởng Phật giáo, không có trường phái nào tin vào cái "Tôi" như  vậy. Các trường phái đó không công nhận cái "Tôi" có một sự hiện hữu chủ yếu tách biệt khỏi các khối kết tập của vật chất và tinh thần.

          Tuy nhiên, theo triết học Phật giáo, cái "Tôi" có hiện hữu. Nếu chúng ta khẳng định cái "Tôi" hoàn toàn không hiện hữu, rõ ràng chúng ta đã mâu thuẫn với quan niệm thông thường. Ta cần kiểm tra và phân tích phương thức mà cái "Tôi" tồn tại. Qua phân tích bằng lập luận, chúng ta có thể kết luận là sự hiện hữu của cái "Tôi" lệ thuộc vào các khối kết tập tinh thần, vật chất. Những trường phái khác nhau đưa ra các mức độ giải thích khác nhau về khối kết tập, song nói chung tất cả nhất trí rằng ý niệm về cái "Tôi" được hình thành dựa trên ý niệm của các khối kết tập tinh thần và vật chất. Nói một cách khác, sự hiện hữu của cái "Tôi" chỉ có thể được ấn định do tin vào các khối kết tập.

          Tại sao lại phải cố gắng đi tìm cái "Tôi", hoặc bản ngã, và tìm hiểu bản chất hiện hữu của nó? Chúng ta thường cho rằng con người thuộc về hai nhóm: một nhóm thuộc phe chúng ta, và một nhóm đối lập. Ta gắn bó với những người đứng về phía mình, căm ghét những người thuộc phe đối lập. Thúc đẩy bởi cảm súc gắn bó hoặc hận thù, chúng ta phạm phải những hành vi tiêu cực của thân, khẩu, ý. Nằm phía dưới cội nguồn những ý nghĩ, hành động thiếu đúng đắn này là cảm xúc của cái "Tôi" hay là “bản ngã”. Cường độ, phạm vi hành động tiêu cực của chúng ta phụ thuộc vào mức độ ta bấu víu vào quan niệm sai lầm về cái "Tôi" bền chặt như thế nào. Điều quan trọng cần nhận thức được là sự ràng buộc của chúng ta với cái "Tôi", ràng buộc này mang tính bẩm sinh, hơn nữa, khi tìm hiểu, xác định cái "Tôi", chúng ta lại không thể tìm thấy một cái "Tôi" trọn vẹn, một cái "Tôi" kiểm soát, điều hành toàn bộ các khối kết tập tinh thần và vật chất.

          Do khái niệm sai lầm bẩm sinh về cái "Tôi" này, nên chúng ta có một chuỗi tham vọng vô tận. Một số tham vọng này rất kỳ lạ. Có người, khi nhận thấy vẻ đẹp hay sự thông minh của người khác, họ lại muốn đánh đổi những phẩm chất kém hơn của mình lấy cái tốt đẹp của người kia. Phong cách hiện hữu đích thực của cái "Tôi" được hiểu như là thứ phải chịu trách nhiệm trong mối liên quan giữa nguyên nhân gây ra sự xuất hiện cái “Tôi” với những nhân tố khác. Chúng ta không cố gắng chối bỏ ý thức về cái "Tôi" hoặc bản ngã, nhưng rõ ràng là ta có khả năng giảm đi sức mạnh và tính khắc nghiệt trong cảm nhận của bản thân về một cái "Tôi" biệt lập.

 

Hành giả cần phân tích theo hướng sau: không được quan sát con người như một thực thể tách rời khỏi các khối kết tập tinh thần, vật chất, tách rời khỏi những tố chất, tách rời khỏi sức mạnh của xúc cảm. Cũng không được quan niệm con người là bản chất tự nhiên của các khối kết tập (the nature of the aggregates), hoặc những gì tương tự, vì khối kết tập hoặc những thứ tương tự tồn tại trong nhiều dạng và không ổn định. Còn những quan niệm khác lại quy kết cho con người là một đơn vị ổn định, duy nhất, điều đó cũng không đúng. Như một hiện tượng, con người không thể tồn tại trừ phi xuất hiện dưới một hoặc nhiều dạng, vì không có cách tồn tại nào khác hơn. Do đó, chúng ta buộc phải kết luận rằng sự thừa nhận một cái “Tôi”(I) giá trị, một “sở hữu của tôi”(mine) giá trị là điều hoàn toàn sai lầm.

 

          Không có cái "Tôi" hoặc con người tồn tại trong trạng thái cách ly với các khối kết tập tinh thần, vật chất, điều này nói lên một con người tồn tại nhờ vào các khối kết tập. Ta có thể hiểu rõ hơn trong việc quan sát cuộc sống đời thường. Khi cơ thể và những dạng kết tập khác còn trẻ trung, chúng ta nói con người đó còn trẻ, nhưng khi chúng lão hóa, ta nói rằng người đó già. Những biểu hiện đời thường này trùng hợp với thực tế, rằng con người tồn tại phụ thuộc vào các khối kết tập.

 

Thiền về bản chất vô ngã của hiện tượng cũng cần được thực hiện theo hướng sau: nói một cách vắn tắt, hiện tượng bao gồm năm khối kết tập, mười hai dòng nhận thức và mười tám tố chất. Những khía cạnh vật chất của các khối kết tập, những nguồn nhận thức và các tố chất, trong cách hiểu tối thượng, chúng chỉ là những khía cạnh của tư duy, không là thứ gì khác. Đó là vì khi chúng được chia nhỏ thành những mảnh vật chất tinh tế, khi bản chất những mảnh nhỏ tinh tế này được thẩm định riêng biệt, chúng ta không thể tìm thấy được một nhân thân rõ ràng nào cả.

 

          "Hiện tượng" ở đây muốn nói tới những gì con người thụ hưởng hoặc sử dụng, ví dụ như năm khối kết tập tinh thần và vật chất, mười hai nguồn thụ cảm, mười tám tố chất. Tất cả những đối tượng bên ngoài này như hình thể vật chất hoặc những gì tương tự, chúng xem ra có một nhân thân cách biệt, độc lập đối với tư duy đang quan sát nó. Nhưng thực tế lại không đúng như vậy. Nếu chúng sở hữu một nhân thân cách biệt so với tư duy quan sát chúng, vậy hai thứ: hiện tượng và tư duy quan sát hiện tượng, theo định nghĩa, hai thứ này phải là những thực thể hoàn toàn không liên quan gì tới nhau. Điều này đi ngược lại với ý niệm rằng vật thể được xác định bởi tư duy quan sát. Đối tượng bị quan sát không có một nhân thân cách biệt đối với tư duy đang quan sát nó. Nếu những gì như dạng vật chất chẳng hạn, chúng có một sự hiện hữu từ phía bên ngoài, thì sau khi rỡ bỏ từng phần cấu thành nên dạng vật chất đó, chúng ta sẽ có thể tìm thấy nhân thân cách biệt của nó. Một khi điều này không đúng, ta có thể kết luận rằng mọi vật đều trống rỗng sự hiện hữu từ bên ngoài. Điều này cũng ngụ ý rằng đối tượng được quan sát và tư duy quan sát đối tượng, hai thứ này không tồn tại như những thực thể riêng biệt. Do vậy, các vị đề xuất ra trường phái tư tưởng này tuyên bố rằng không có một sự hiện hữu bên ngoài nào có bản chất khác với bản chất của tư duy.

          Con người đã có nhận thức sai lầm về cấu trúc vật chất qua hàng chuỗi thời gian vô hạn, do vậy hình thể và các dạng tương tự dường như cách biệt, chúng tồn tại bên ngoài tư duy giống như dạng hình thể vật chất xuất hiện trong mơ. Với nhận thức tối hậu, mọi dạng vật chất hoặc những thứ tương tự, chúng chỉ là nhiều khía cạnh khác nhau của tư duy chứ không là gì khác.

          Do vậy, Chân Như hay trống rỗng, chúng có liên quan tới tình trạng thiếu vắng một khoảng cách biệt to lớn giữa tư duy mang tính chủ quan và đối tượng bị quan sát bởi tư duy đó. Đó là vì khi vật thể vật chất bị bẻ gãy ra thành các phần tử nhỏ, và khi ta tìm kiếm thân phận của những phần tử đó, chúng ta lại không thể xác định được một thân phận rõ ràng hoặc một cái "Tôi" nào cả. Quan điểm này thuộc trường phái Chittamatra, hay trường phái Duy Thức, cùng với một vài điểm khác nhau tinh tế, quan điểm đó rất giống với cách lập luận của trường phái Yogachara Svatantrika Madhyamika (Du Già Y Tự Khởi Tông Trung Quán Luận), song quan điểm này không được các trường phái Madhyamika (Trung Quán Luận) sau này chấp nhận. Vậy những dòng sau đây giải thích quan điểm triết học độc đáo của trường phái Madhyamika.

 

Trong nhận thức tối hậu, ngay cả tư duy cũng không thật. Làm sao mà thứ tư duy chỉ nắm bắt được bản chất sai lầm của dạng vật chất và những gì tương tự, làm sao mà thứ tư duy xuất hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau, lại là một thứ tư duy đích thực? Giống như những dạng vật chất hoặc những gì tương tự, cách thể hiện của chúng là sai lầm, thì một khi tư duy không tồn tại biệt lập với những dạng vật chất hoặc những gì tương tự có cách thể hiện sai lầm, thì tư duy cũng sai lầm. Giống như những hình thể vật chất hoặc các hình thức tương tự sở hữu nhiều khía cạnh khác nhau, nhân thân của chúng không phải là một và cũng không phải là nhiều, thì tương tự như vậy, một khi tư duy không có gì khác với chúng, vậy nhân thân của tư duy cũng không phải là một và cũng không phải là nhiều. Do vậy, về bản chất, tư duy cũng là ảo ảnh.

 

          Ngay trong nhiều trường phái tư tưởng của Phật giáo, sự giải thích về ý nghĩa của trống rỗng cũng khác nhau. Phần giải thích của trường phái Chittamatra không được các nhà đề xuất ra quan điểm triết học phái Madhyamika chấp nhận, ngược lại, các nhà khởi xướng ra trường phái Chittamatra cũng có lập luận riêng của họ để bác lại quan điểm của trường phái Madhyamika. Chúng ta cần một bức tranh tổng quát để thấy được toàn bộ nền triết học của Phật giáo hơn là từng mẩu nhỏ vụn vặt. Những quan điểm do các trường phái cấp thấp trình bày phải trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ nhà thực hành trong việc nhận thức được quan điểm của các trường phái cao hơn. Trích đoạn trên được trường phái Madhyamika trình bày một cách độc đáo để giải quyết vấn đề vô ngã của hiện tượng. Theo trường phái này, mọi hiện tượng chỉ là một thứ nhãn hiệu do tư duy gán cho (quy trách nhiệm). Không những nó chỉ là sự hiện hữu từ phía bên ngoài, mà tư duy quan sát những phạm trù khác nhau của hiện tượng không thực, tư duy đó cũng trống rỗng sự hiện hữu đích thực. Theo hướng này, trường phái Madhyamika thừa nhận tất cả mọi hiện tượng, dù bên trong hay bên ngoài, chúng đều thiếu vắng sự hiện hữu đích thực, hoặc không tồn tại một cách tối hậu. Khi mọi vật xuất hiện trong tư duy, chúng dường như thực sự tồn tại, song đúng ra chúng đã thiếu mất một nhân thân, vậy là có sự không nhất quán giữa cách mà vật thể xuất hiện và cách vật thể thực sự tồn tại. Sự trái ngược như vậy không được chấp nhận như bản chất tối hậu của một hiện tượng. Do vậy, mọi hiện tượng đều thiếu sự hiện hữu đích thực.

 

Hãy phân tích như sau: cũng như tư duy, bản chất của mọi hiện tượng đều giống như ảo ảnh. Với hướng này, khi nhân thân của tư duy được thẩm tra một cách cụ thể bằng trí tuệ, bằng khả năng phán đoán tối hậu, tư duy sẽ được quan sát không phải từ bên trong, cũng không phải từ bên ngoài. Nó cũng không được quan sát với sự thiếu sót của cả hai bên. Không có tư duy của quá khứ, tư duy của hiện tại hoặc của tương lai được quan sát. Khi tư duy phát sinh, nó không từ đâu tới, khi tư duy chấm dứt, nó cũng không đi về đâu vì nó là thứ không nắm bắt được, không thể chứng minh được, là dạng phi vật chất. Nếu bạn hỏi "Dạng thực thể không nắm bắt, không chứng minh, không phải là vật chất, vậy đó là cái gì ?" Bảo Tích Kinh (The Heap of Jewels) có ghi: " Hỡi Kashyapa (Ca Diếp), khi triệt để tìm kiếm tư duy, tư duy không thể tìm thấy được. Cái gì không tìm thấy thì không nhận biết được. Cái gì không nhận biết được thì không có quá khứ, không có hiện tại và không có cả tương lai." Qua những phân tích như vậy, rốt cục không thể thấy được điểm bắt đầu của tư duy, điểm kết thúc của tư duy cuối cùng cũng không thể thấy được, và sau hết, điểm giữa của tư duy cũng không được tìm thấy.

          Tất cả mọi hiện tượng cần được hiểu như một dạng thiếu đi phần cuối và phần giữa, cũng như tư duy không có phần cuối và phần giữa. Với nhận thức “tư duy không có phần cuối hoặc phần giữa”, cho nên không có một nhân thân nào của tư duy được quan sát thấy. Vậy ngay cả những gì mà tư duy thấu suốt, chúng cũng được nhận thức là bị trống rỗng. Do nhận thức như vậy, chính cái nhân thân, thứ được xác định như là khía cạnh của tư duy, giống như là nhân thân của dạng vật chất hoặc những gì tương tự, nhân thân này cuối cùng rồi cũng không nhận biết được. Theo cách suy luận này, bằng vào trí tuệ, con người cuối cùng cũng không nhận thức nhân thân của mọi hiện tượng, họ sẽ không thể phân tích được những hình thức vật chất có bền vững hay không bền vững, trống rỗng hay không trống rỗng, uế tạp hay không uế tạp, được tạo ra hay không được tạo ra, hiện hữu hay không hiện hữu. Cũng như một hình thức vật chất không được thẩm định, thì tương tự như vậy, những cảm xúc, nhận thức, những nhân tố phức hợp và ý thức cũng không được thẩm định. Khi đối tượng không hiện hữu, nét đặc trưng của nó cũng không hiện hữu. Vậy làm sao lại có thể thẩm định được nó?

 

          Trích đoạn trên giải quyết vấn đề thực tại tối hậu. ý nghĩa của nó là, trong lập luận cuối cùng, đối tượng được quy trách nhiệm lại không thể tìm ra được. Trong bối cảnh này, chúng ta thấy kinh Tâm yếu (Heart sutra) có những câu sau: "Không có hình thức vật chất, âm thanh, mùi vị, và không có đối tượng của xúc giác". Do vậy, với nhận thức tối hậu, tư duy cũng không tìm thấy được. Một khi trong nhận thức tối hậu, những thứ như vậy không hiện hữu, thì việc thẩm định chúng ổn định hay không ổn định là vô nghĩa, cuối cùng, tất cả mọi hiện tượng gồm các khối kết tập hoặc những gì tương tự, chúng đều trống rỗng sự hiện hữu đích thực. Trong ý niệm về thực tại tối hậu, vạn vật đều trống rỗng sự hiện hữu đích thực. Cũng một hướng đó, Chân Như, thuộc tính của hiện tượng, Chân Như cũng trống rỗng sự hiện hữu đích thực. Điều này rất quan trọng. Kể cả một khi chúng ta hiểu được rằng hiện tượng, cũng như những dạng hình thể hoặc những gì tương tự, chúng đều trống rỗng sự hiện hữu đích thực, nếu chúng ta nghĩ rằng thực tại tối hậu có thể có sự hiện hữu đích thực, đây là một điều nguy hiểm.

 

Theo hướng này, một khi con người không nắm chắc thực thể của một vật như là một hiện hữu tối hậu, người đó cần khảo sát nó bằng trí tuệ. Nhà thực hành hãy tham gia thiền tập trung cao độ không mang tính nhị nguyên. Và vì thế, khái niệm không nhân thân (identitylessness: không có thân phận gì cả) của mọi hiện tượng sẽ được thức ngộ.

 

          Trích đoạn trên truyền tải ý nghĩa để thức ngộ được "vô ngã". Trí tuệ nhận thức vô ngã phải tìm hiểu chắc chắn về vô ngã, vấn đề không chỉ đơn thuần là không còn nhận thức sai lầm về cái tôi. Ví dụ, tư duy nhận thức mọi vật như những hình thể vật chất theo nhiều cách khác nhau. Có tư duy quan niệm hình thể vật chất là những gì hiện hữu đích thực, có tư duy lại quan niệm hình thể vật chất như một dạng có thuộc tính hiện hữu đích thực, lại còn có tư duy quan niệm hình thể vật chất có thuộc tính không hiện hữu đích thực, rồi lại có dạng tư duy quan niệm hình thể vật chất mà không hề ấn định cho chúng những thuộc tính hiện hữu đích thực hay không đích thực. Do đó, trí tuệ phân tích phải cố gắng nhận biết được cái "ngã" để bác bỏ nó. Sau khi bác bỏ được cái ngã, trạng thái đối lập của nó, “vô ngã” sẽ được nhận biết.

 

Những ai không thiền về trí tuệ (Tuệ Thiền) qua việc phân tích thực thể của mọi vật một cách rõ ràng, mà chỉ thiền về mục đích loại bỏ những hoạt động tư duy, người đó sẽ không ngăn chặn được những ý nghĩ mang tính khái niệm, đồng thời cũng không nhận thức được tình trạng "không có nhân thân" (identitylessnes), bởi vì họ thiếu ánh sáng của trí tuệ. Nếu ngọn lửa của ý thức biết được thực chất của hiện tượng do những phân tích độc đáo về Chân Như (suchness), thì cũng như lửa được tạo ra do ma sát gỗ, lửa ý thức sẽ đốt cháy mẩu gỗ ý nghĩ mang tính khái niệm. Đức Phật  dạy như vậy.

 

          Để hiểu được bản chất vạn vật, điều thiết yếu là nhà thực hành cần sử dụng trí thông minh, sự sáng suốt trong quá trình thẩm định, nghiên cứu. Như tác giả đã phát biểu rõ ràng, việc đơn thuần loại bỏ hoạt động của tư duy không thể tạo ra trạng thái thiền về Chân Như. Khi tư duy trong tình trạng không hoạt động, một cá nhân có thể tránh được quan niệm sai lầm về bản ngã, nhưng đồng thời cá nhân đó cũng không có được ý thức để nhận biết vô ngã, điều này không tạo ra ánh sáng, do đó cá nhân này không thoát khỏi sự giả dối màu mè của quan niệm sai lầm. Vì vậy chúng ta cần tạo ra những tia lửa của trí tuệ để có khả năng thấu đáo được "vô ngã".

 

Bảo Vân Kinh (The Cloud of Jewels sutra) cũng dạy: "Người nào xuất sắc trong cách nhận thức được lỗi lầm, người đó cần thiền về sự trống rỗng để rũ sạch mọi chi tiết mang tính khái niệm. Những người như vậy, do thường xuyên thiền về trống rỗng, khi họ triệt để tìm kiếm đối tượng và nhân thân của đối tượng, thứ đã khiến tư duy hưng phấn hoặc rối loạn, họ sẽ thấy chúng là trống rỗng. Khi thẩm định lại chính cái tư duy đó, nó cũng phải được nhận ra là trống rỗng. Khi triệt để tìm kiếm thân phận của những gì do tư duy đó nhận thức được, chúng cũng phải được nhận ra là trống rỗng. Theo hướng nhận thức này, con người sẽ đi vào trong trạng thái “vô tướng”, không có hình dạng (the yoga of signlessness). Điểm này cho ta thấy chỉ có những người tham gia vào một quá trình phân tích hoàn chỉnh mới có thể đi vào trong trạng thái “vô tướng”.

Vấn đề đã được giải thích rất rõ. Nếu chỉ đơn thuần loại bỏ những hoạt động tư duy mà không thẩm định nhân thân của vạn vật bằng trí tuệ, bạn sẽ không có khả năng tham gia vào thiền "không khái niệm" (non-conceptual meditation). Do đó, trạng thái tập trung tư tưởng chỉ hoàn tất sau khi nhân thân đích thực của vạn vật như hình thể vật chất hoặc những gì tương tự được phân tích hoàn chỉnh bằng trí tuệ, chứ không bằng cách tập trung tư tưởng vào các dạng vật chất cụ thể hoặc những gì tương tự. Trạng thái tập trung tư tưởng này cũng không thể hoàn tất bằng cách mãi mãi tồn tại trong khoảng giữa thế giới này và thế giới sau đó, bởi vì những dạng vật chất và những gì tương tự đều không được lĩnh hội. Do vậy dạng tập trung này được gọi là trạng thái tập trung tư tưởng không vĩnh cửu (non-abiding concentration).

          Những nhà thực hành như vậy được gọi là thiền sư của trí tuệ tối thượng, bởi vì do kiểm tra cụ thể nhân thân của mọi vật bằng trí tuệ, nhà thực hành không thấy gì cả. Điều này cũng được nói tới trong kinh "Kho tàng không gian: Space treasure sutra" và kinh “Đá quý trên vương miện", hoặc các kinh bản khác.

 

          Khi thẩm định, "tư duy quan sát" được hiểu là trống rỗng, và đối tượng của tư duy cũng trống rỗng sự hiện hữu đích thực. Một nhà thực hành với hiểu biết như vậy cần tham gia vào cái được biết là "yoga vô tướng" (signless yoga). Trong cách hiểu tối hậu, mọi hiện tượng bị áp đặt (imputed phenomena: hiện tượng bị gán cho, bị quy kết) bao gồm những đối tượng của nhận thức như các dạng vật chất, và tư duy nhận thức, tất cả đều trống rỗng thân phận của chúng. Điều quan trọng cần lưu ý là, để đi vào được trạng thái cuốn hút mang tính không khái niệm (the non-conceptual absorption), điểm thiết yếu trước tiên là phải tiến hành phân tích triệt để. Khi trí tuệ nhận thức tìm hiểu đối tượng bị quy kết, trí tuệ nhận thức không tìm thấy gì. Ý nghĩa đích thực của kiến thức về vô ngã cần được đánh giá đúng với bối cảnh. Chỉ cần thiếu đi hoạt động của tư duy cũng không cấu thành sự hiểu biết về vô ngã. Chỉ cần thiếu đi một khái niệm sai lầm về bản ngã cũng không dẫn tới sự thấu hiểu về vô ngã. Vô ngã phải được hiểu bằng một thứ trí tuệ mà trong nhận biết tối thượng, trí tuệ đó phải thấy được cả tư duy đang quan sát và đối tượng bị quan sát, hai thứ này đều không có một chút nhân thân nào cả. Hiểu biết này sẽ bừng lên trong con người nhà thực hành sau khi họ xem xét, phân tích một cách cực kỳ tỷ mỷ, kỹ lưỡng.

 

Theo phương pháp này, bằng cách đi vào trong Chân Như thuộc vô ngã của con người và của hiện tượng, bạn sẽ thoát khỏi những khái niệm, những phân tích, vì chẳng có gì để kiểm tra, quan sát kỹ lưỡng cả. Bạn cũng thoát khỏi mọi biểu hiện bên ngoài rồi với tư duy tập trung cao độ, bạn tự động đi vào trong thiền mà không cần phải nỗ lực. Do vậy, bạn thiền một cách rất rõ ràng về Chân Như và tồn tại lâu dài trong đó. Trong khi duy trì trạng thái thiền này, sự liên tục của dòng tư duy không được phép rối loạn. Khi tư duy bị rối loạn bởi đối tượng bên ngoài do quyến luyến hoặc những gì tương tự, hãy lưu ý tới những rối loạn đó. Hãy làm dịu thật nhanh tình trạng rối loạn bằng cách thiền về những khía cạnh đáng ghét của đối tượng bên ngoài, và mau chóng đặt lại tư duy vào Chân Như.

          Nếu tư duy dường như không thích làm như vậy, hãy suy nghĩ về những ưu thế của việc thiền tập trung cao độ, hãy thiền với niềm hân hoan sung sướng. Những cảm súc không thích, miễn cưỡng này cũng có thể làm dịu đi bằng việc thấy được những khuyết điểm của trạng thái rối loạn.

          Khi chức năng của tư duy trở nên không sáng sủa và bắt đầu trầm xuống, hoặc có cơ nguy chìm đắm do bị quá tải bởi tinh thần uể oải (tinh thần uể oải: mental torpor. Chú thích của tác giả: tinh thần uể oải là một trong hai mươi xúc cảm đau đớn thứ yếu, tư duy bị rối loạn hướng tới đối tượng do cảm xúc quyến luyến, ghét bỏ), hay buồn ngủ, thì giống như trước đây, hãy cố gắng khắc phục tình trạng này thật nhanh bằng cách tập trung tư duy vào những vật thể tạo ra niềm yêu thích tột bậc. Rồi đối tượng Chân Như phải được giữ thật chắc chắn. Lúc thấy tư duy phấn khích hoặc có khuynh hướng bị rối loạn bởi ký ức quá khứ của cười cợt, chơi đùa, thì như những trường hợp trước đây, hãy làm dịu đi mọi xao lãng bằng cách suy nghĩ về vấn đề vô thường hoặc những thứ tương tự, điều này sẽ hỗ trợ việc chinh phục tư duy. Vậy hãy cố gắng gắn tư duy vào Chân Như mà không dùng tới sức mạnh ép buộc.

 

          Những dòng này giải thích phương pháp thiền về trí tuệ sáng suốt đặc biệt đối với vấn đề thực tại tối hậu. Tư duy tập trung cao độ vào Chân Như không thấy được gì mà chỉ thấy trống rỗng sau khi đã loại bỏ đối tượng cần loại bỏ. Trong tư duy đó không có gì xuất hiện ngoài sự trống rỗng. Tư duy khi bị cuốn hút vào trong trạng thái vô ngã này, nó vất bỏ nền tảng của hết thảy mọi quan niệm sai lầm. Vì thế hiện tượng này giống như một con người thoát khỏi mọi khái niệm, mọi phân tích, một thứ tư duy tập trung cao độ thoát khỏi những gì thể hiện bề ngoài. Thời điểm tư duy tập trung cao độ thiền về sự kiện tất yếu, nó được mô tả như "bị cuốn hút vào Chân Như", và "đi vào trong Chân Như". Khi đạt được trạng thái sáng suốt do quá trình thực hành lâu dài, công trình thiền cần duy trì liên tục không rối loạn. Thấy được vô ngã một lần vẫn chưa đủ, bạn cần nỗ lực để duy trì xung lực của trí tuệ (nguyên văn: the momentum: xung lực, sức đẩy tới). Tuệ thiền được tạo ra do sức mạnh của trí tuệ phân tích, và nhờ sức mạnh của những phân tích này, cảm xúc phúc lạc cực điểm về tinh thần cùng vật chất sẽ nảy sinh.

          Như đã thảo luận trước đây, trong bối cảnh thiền tĩnh lặng vĩnh cửu, nhà thực hành thiền cần ý thức được mọi áp lực chen lấn vào như trạng thái hưng phấn hoặc trì trệ của tinh thần. Trong tiến trình thiền phân tích, lúc bạn mất đi sự trong sáng của đối tượng, đó là lúc tư duy bị rối loạn bởi những đối tượng khác. Khi độ nét hoặc cường độ tư duy kém đi, tình trạng trì trệ dâng lên ngay. Tại thời điểm những chướng ngại đó ngăn trở tiến trình thiền, bạn nên lập tức thi hành mọi biện pháp giải độc cần thiết. Về vấn đề này, đại sư Kamalashila phát biểu rõ ràng rằng khi tư duy bị các đối tượng bên ngoài gây rối loạn do hậu quả của tham vọng, bạn cần thiền về các khía cạnh đáng ghét của đối tượng hoặc về vô thường. Trường hợp vì mệt mỏi, buồn ngủ, tư duy của người thực hành thiền mất sáng suốt, người thực hành cần thiền về những đối tượng mang niềm hân hoan tối cao như hình ảnh của Đức Phật. Do sử dụng biện pháp giải độc, mọi áp lực chen lấn vào sẽ được làm dịu đi, quá trình thiền của bạn sẽ được nâng cao.

 

Nếu, hoặc khi tư duy tham gia một cách tự phát vào quá trình thiền về Chân Như, tư duy không bị trầm xuống hoặc xao xuyến, nó cần được để mặc một cách tự nhiên, những nỗ lực của bạn cần được giảm đi. Còn nếu sử dụng sự nỗ lực khi tư duy đang ở trạng thái cân bằng, cố gắng này sẽ làm tư duy rối loạn. Nhưng khi tư duy trì trệ mà không sử dụng sự nỗ lực, tư duy sẽ giống như một người mù trong trạng thái cực kỳ tối tăm, mê muội, bạn sẽ không đạt được trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Vậy thì, khi tư duy trở nên hôn ám, hãy nỗ lực, khi tư duy trong trạng thái say mê miệt mài, cường độ nỗ lực cần được giảm bớt. Khi, do thiền về trí tuệ sáng suốt đặc biệt, trí tuệ thái quá được tạo ra và trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu yếu đi, tư duy sẽ gợn sóng giống như ngọn đèn trước gió, bạn sẽ không quan sát được Chân Như một cách rõ ràng. Do vậy, lúc này hãy thiền về tĩnh lặng vĩnh cửu. Khi thiền về tĩnh lặng vĩnh cửu trở nên thái quá, hãy thiền về trí tuệ.

 

          Ở đây tác giả giải thích bằng những thuật ngữ rất rõ ràng, minh bạch. Khi nhà thực hành thiền có thể tập trung tư duy đặt vào Chân Như mà không bị hưng phấn hoặc trì trệ, nhà thực hành cần tiếp tục thiền. Sau khi phân tích bằng thứ trí tuệ thấu hiểu Chân Như, nếu bạn duy trì được vị trí của tư duy trong Chân Như, quá trình thiền cần được cho phép tiếp tục tiến trình tự nhiên của nó. Khi quá trình thiền không bị ảnh hưởng bởi những xáo động, hôn ám về tinh thần, việc sử dụng biện pháp giải độc sẽ chỉ gây ra phản tác dụng.

          Điểm thiết yếu là bạn cần duy trì sự cân đối giữa thiền phân tích và thiền tập trung cho tới khi nào bạn đạt được trí tuệ sáng suốt đặc biệt từ bên trong Chân Như. Qua thiền phân tích, bạn sẽ đạt được hiểu biết về vô ngã. Sức mạnh của tri thức này cần được kiện toàn bằng thiền tập trung. Phân tích quá mức sẽ gây tác động xấu tới sự tập trung, còn tập trung thái quá lại làm giảm giá trị của trí tuệ phân tích. Vậy hãy luyện tập hài hoà hai trạng thái thiền này. Dần dần bạn sẽ đạt được sự hợp nhất của thiền trí tuệ đặc biệt và thiền tĩnh lặng vĩnh cửu.

 

 

 

CHƯƠNG 10

 

 

HỢP NHẤT PHƯƠNG PHÁP VÀ TRÍ TUỆ

 

 

Khi thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt được kết hợp đồng đều, hãy thoải mái giữ nguyên trạng thái đó chừng nào không phát sinh cảm giác khó chịu về tinh thần lẫn thể chất. Nếu bạn có cảm giác khó chịu, hãy xem toàn thể thế giới như một ảo ảnh, một giấc mơ, một hình ảnh phản chiếu của vầng trăng trên mặt nước. Cần nghĩ rằng: "Những sinh linh trên thế giới đang khốn khổ trong vòng hiện hữu chỉ do không thấu đáo được kiến thức uyên thâm này", rồi tạo ra tâm đại từ đại bi và tư duy thức tỉnh bồ đề tâm. Hãy nghĩ: "Ta sẽ nghiêm chỉnh nỗ lực để giúp họ hiểu được Chân Như” rồi nghỉ ngơi. Sau đó, cùng một cách, hãy thiền tập trung về những gì không thấy được của tất cả mọi hiện tượng. Nếu tư duy mệt mỏi, lại nghỉ một chút. Đây là đường lối kết hợp thiền tĩnh lặng vĩnh cửu với thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt. Đường lối này đặt trọng tâm vào ý tưởng “khái niệm” và “không khái niệm”.

 

          Ở đây, văn bản đã giải thích phương pháp để có được trí tuệ sáng suốt đặc biệt sau khi đạt tới trạng thái tĩnh lặng vĩnh cửu. Từ lúc này trở đi bạn có thể tham gia thực hành hợp nhất thiền sáng suốt đặc biệt với thiền tĩnh lặng vĩnh cửu. Nói một cách khác, bạn thực hành cả hai trạng thái: trạng thái thiền tập trung và trạng thái thiền phân tích. Trong khi thực hành những trạng thái thiền này, điều thông minh là không nên nhiệt tình thái quá. Bạn cần quan tâm tới tình huống sức khỏe tinh thần, vật chất của mình. Khóa thiền không nên kéo dài quá lâu. Trước khi ngồi thiền bạn phải tập hợp những yếu tố cần thiết để bảo vệ cơ thể không quá nóng hoặc quá lạnh. Khi mỏi mệt vì thiền lâu, bạn nên tạm nghỉ thiền tập trung, và nghĩ rằng tất cả mọi hiện tượng đều là ảo ảnh. Bạn có thể suy nghĩ về tâm từ bi đối với hết thảy mọi chúng sinh đang lầm lỡ trong vòng hiện hữu. Bằng những ý nghĩ tốt lành như vậy, hãy tự thúc đẩy bản thân để hỗ trợ các sinh linh nhận thức được bản chất thực tại.

          Lại nghỉ một chút rồi tiếp tục tập trung tư tưởng vào những gì không thể hiện của hiện tượng, điều này liên quan tới quá trình thiền về vô ngã. Bởi vì, khi thiền tập trung cao độ về vô ngã, những hiện tượng đời thường sẽ ngừng xuất hiện trong tư duy. Nếu tư duy mệt mỏi rã rời do hậu quả của thiền tập trung, bạn lại nên nghỉ một chút. Rồi một lần nữa tiếp tục quá trình thiền phối hợp trí tuệ sáng suốt đặc biệt với thiền tĩnh lặng vĩnh cửu của bạn, đây cũng được coi như quá trình tập trung suy ngẫm về "khái niệm" và "không khái niệm".

 

Vì thế, qua tiến trình này, một thiền sư cần thiền về Chân Như chừng độ một tiếng đồng hồ, hoặc một nửa khoá thiền về ban đêm, hoặc một khoá trọn vẹn, hoặc tuỳ ý. Đây là quá trình tăng cường tính ổn định của thiền qua việc nhận rõ được sự thật tối hậu, như đã dạy trong kinh "Nhập Lan Già” (Descent into Lanka Sutra).

          Rồi, nếu bạn muốn đi ra khỏi trạng thái thiền trong khi chân vẫn còn ở tư thế bắt chéo, hãy nghĩ: "Dù cho cuối cùng thì tất cả mọi hiện tượng đều không có nhân thân của nó, nhưng trong đời thường, chúng vẫn hiện hữu. Nếu điều này không đúng thì tại sao mối tương quan nhân quả và những gì tương tự lại vẫn tồn tại?" Phật cũng dạy:

         

Mọi vật được tạo ra theo lẽ đời thường,

          Nhưng cuối cùng chúng đều không có nhân thân nội tại

         

Do khờ khạo, mọi sinh linh đều cường điệu hoá hiện tượng, họ nghĩ rằng chúng có một nhân thân nội tại, trong khi chúng không có. Cho nên việc quy kết một hiện hữu nội tại với những vật thể không hề có thứ hiện hữu đó chính là điều làm rối loạn tư duy sinh linh, khiến họ đã phải lang thang rất lâu trong vòng hiện hữu. Vì lý do này, tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt được trí tuệ thấu suốt mọi sự bằng cách hoàn thành những tích luỹ tối cao của công đức và trí tuệ, để giúp đỡ sinh linh hiểu được Chân Như.

          Rồi thong thả đứng lên, quỳ lạy mười phương chư Phật, chư Bồ tát. Hãy cúng dâng các vị và tụng lời cầu nguyện của các vị, thực hiện những lời cầu nguyện vô biên bằng cách tụng bài kinh "Cầu nguyện về những đức hạnh cao quý," (The Prayer of Noble Conduct, Phổ Hiền Hành Nguyện Tán) hoặc các kinh tương tự. Sau đó, tham gia vào những nỗ lực có ý thức để tích luỹ công đức, tích lũy trí tuệ bằng thực hành đại lượng hoặc những điều tương tự, đó là những thực hành được phú cho tinh hoa của trống rỗng, tinh hoa của đại từ đại bi.

 

          Sau khi ra khỏi trạng thái cuốn hút của thiền, bạn nên cầu nguyện thật thành kính. Người thực hành cần đặt tầm quan trọng ngang nhau về lòng quảng đại cũng như những thực hành khác sau khi thiền. Đây là thời điểm mà “nguồn gốc có phụ thuộc” và “trống rỗng” phải được hiểu là những thứ tương tác lẫn nhau. Trong bối cảnh này, sự trống rỗng có nghĩa là mọi vật đều thiếu đi nhân thân nội tại của chúng, nhưng điều này không xác nhận chúng không tồn tại. Chính điểm này không gây ra tình trạng rơi vào chủ nghĩa hư vô cực đoan. Một con người thấu đáo quan điểm triết học Trung Đạo thuộc trường phái Madhyamika (Trung Quán Tông) tự nhiên sẽ loại bỏ được hai thái cực: hư vô và cực đoan. Ẩn ý đó là, khi hiểu được triết lý về trống rỗng, bạn sẽ thấy không mâu thuẫn trong việc trình bày luật nhân quả ở mức độ ước lệ (mức độ đời thường). Ngược lại, khi kiến thức của bạn về trống rỗng trở nên uyên thâm hơn, bạn còn đạt được niềm tin chắc chắn về những hoạt động thuộc luật nhân quả. Sự trống rỗng không có nghĩa là không có gì, mà nghĩa là mọi vật đều thiếu vắng hiện hữu nội tại. Do vậy, sau khi thiền, nhà thực hành cần tích luỹ công đức, điều này sẽ bổ sung cho thực hành trí tuệ sáng suốt đặc biệt trong lúc thiền.

 

Nếu làm như vậy, quá trình giữ vững thiền ổn định của bạn sẽ thực nghiệm được sự trống rỗng, thứ sở hữu những phẩm chất tốt nhất. Kinh "Đá quý trên vương miện" (The Jewel in the Crown Sutra) nói: "Mặc áo giáp nhân hậu, đồng thời duy trì tâm đại từ bi, thực hành ổn định thiền để thức ngộ được trống rỗng, thứ sở hữu hết thảy mọi phẩm chất tốt đẹp. Sự trống rỗng sở hữu mọi phẩm chất tốt đẹp là gì? Đó là thứ phẩm chất không tách rời lòng quảng đại, là hành xử đạo đức, nhẫn nại kiên trì, nỗ lực nhiệt tình, tăng cường ổn định về thiền, thực hành trí tuệ, hoặc phương tiện thiện xảo (Sáu thực hành Ba La Mật)". Các vị Bồ tát cần dựa vào mọi thực hành đạo đức như lòng quảng đại là những phương tiện, để hỗ trợ toàn bộ sinh linh đạt tới độ trưởng thành trọn vẹn, để hoàn thiện nơi chỗ, thân thể và những vị tháp tùng đa dạng (manifold retinue).

 

          Trống rỗng tối thượng là trí tuệ trực tiếp nhận thức được trống rỗng, trí tuệ này được hỗ trợ bởi phương pháp thực hành. Hãy lưu ý rằng thực hành về lòng quảng đại và những kiện toàn khác là vô cùng thiết yếu (sáu kiện toàn Paramita). Bởi lẽ trạng thái khai sáng của Phật được tạo thành do việc nhận thức được mọi nguyên nhân, điều kiện thuận lợi. Không có sản phẩm nào được tạo ra mà không có nguyên nhân, không có gì được tạo ra bởi những nguyên nhân đối lập với nó cả. Một vị Bồ tát có rất nhiều ưu thế để hỗ trợ việc gia tăng hạnh phúc cho mọi sinh linh, mọi hành vi đạo đức do các vị thực hiện đều rất oai lực và hiệu quả. Vì thế, các Bồ tát nghiêm túc tham gia thực hành về khía cạnh của phương pháp của Đạo, bao gồm "sáu kiện toàn Paramita" nhằm mục đích nhanh chóng thức ngộ được Phật tính.

 

Nếu không phải như vậy, thì nguyên nhân của những lĩnh vực mà chư Phật đề cập tới, đó là cái gì? “Trí tuệ thấu suốt mọi sự” sở hữu toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp nhất, trí tuệ này có thể đạt được do tấm lòng quảng đại và những phương tiện thiện xảo khác. Do đó, Phật dạy rằng trí tuệ thấu suốt mọi sự được hoàn chỉnh bằng vào các phương tiện thiện xảo. Cho nên các vị Bồ tát cũng cần tích luỹ lòng quảng đại và mọi phương tiện thiện xảo khác chứ không chỉ bằng riêng vào việc thức ngộ được trống rỗng.

 

          Kinh "Bộ sưu tầm mở rộng mọi phẩm chất" (The Extensive Collection of All Qualities Sutra) cũng viết:

 

"Này Di Lặc, các Bồ tát triệt để hoàn thành "sáu kiện toàn Paramita" nhằm mục đích đạt được kết quả cuối cùng của Phật. Nhưng đối với vấn đề này, kẻ ngốc nói: "Các Bồ tát chỉ nên rèn luyện để kiện toàn phần trí tuệ, còn những kiện toàn khác rèn luyện để làm gì?" Họ khước từ những phần kiện toàn kia. Này Di Lặc, ngươi nghĩ thế nào về vấn đề này? Khi vua xứ Kashi lấy thịt thân thể mình cho diều hâu ăn để cứu chim bồ câu, phải chăng đó là sự tha hoá của trí tuệ? Đức Di Lặc trả lời: "Không phải như vậy". Phật nói: "Này Di Lặc, các Bồ tát tích luỹ cội nguồn của công đức qua các thành tựu có liên quan tới "sáu kiện toàn Ba La Mật", phải chăng đó là gốc rễ của loại công đức gây tổn hại?" Đức Di Lặc trả lời: "Thưa Đức Phật, không phải như vậy." Đức Phật nói tiếp: "Này Di Lặc, ngươi cũng đã thực hành một cách chính xác sự kiện toàn của lòng quảng đại trong 6 kỷ nguyên, kiện toàn đạo đức trong 6 kỷ nguyên, kiện toàn nhẫn nại trong 6 kỷ nguyên, kiện toàn lòng nhiệt tình trong 6 kỷ nguyên, kiện toàn quá trình tăng cường ổn định về thiền trong 6 kỷ nguyên, và kiện toàn trí tuệ trong 6 kỷ nguyên. Về điều này kẻ ngốc nói: "Chỉ có duy nhất một đường lối để đạt tới Phật tính, đó là đường lối Trống Rỗng”. Thực hành của những kẻ đó là hoàn toàn sai lầm."

          *Chú thích của tác giả: sáu kiện toàn, hay sáu kiện toàn Ba La Mật, đó là: 1- lòng quảng đại, 2- hành vi đạo đức, 3- nhẫn nại, 4- nhiệt tình, 5- thiền, 6- trí tuệ.

         

Điều này rõ ràng nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong quá trình tập hợp trí tuệ và phương pháp. Sau khi phát triển hiểu biết toàn diện về trống rỗng, bạn cần thiền để đạt tới trí tuệ sáng suốt thật sâu ngay bên trong trống rỗng. Những tầm quan trọng tương đương cần được đặt vào việc đưa mọi chi tiết của phương pháp vào thực hành, bao gồm cả "sáu kiện toàn Paramita". Mục tiêu cuối cùng của Bồ tát là đạt được trạng thái khai sáng tối cao, vượt qua mọi khó khăn thuộc luân hồi hiện hữu và trạng thái bình an thỏa mãn của cõi Niết bàn. Với mục đích này, thực hành của các vị đó phải có liên quan tới sự kết hợp giữa phương pháp và trí tuệ.

 

Một vị Bồ tát sở hữu trí tuệ mà không có phương tiện thiện xảo sẽ giống như các Thanh Văn, vị đó sẽ không có khả năng thực hiện các chiến công của chư Phật. Nhưng các vị này có thể làm được nếu như có những phương tiện thiện xảo hỗ trợ. Bảo Tích Kinh viết: "Kashyapa (Ca Diếp), giống như thế này. Ví dụ, vị vua nào có các đại thần phò tá, vị vua đó sẽ đạt được mọi mục đích. Tương tự như vậy, một khi trí tuệ của Bồ tát được hỗ trợ triệt để bởi phương tiện thiện xảo, vị Bồ tát đó cũng có thể thực hiện tất cả những hoạt động của Phật." Quan điểm triết học trong đường lối của Bồ tát khác với những đường lối triết học của Thanh Văn và những người không phải là Phật tử. Ví dụ, một khi quan điểm triết học của những người không phải là Phật tử đánh giá sự hiện hữu đích thực một cách bảo thủ, đường lối như vậy hoàn toàn và luôn luôn xa rời trí tuệ. Do vậy, họ không thể đạt tới giải thoát.

          Đường lối Thanh Văn bị tách khỏi quan niệm đại từ bi và hoàn toàn thiếu phương tiện thiện xảo. Do vậy các Thanh Văn chỉ nỗ lực tập trung tư duy để đạt tới cõi Niết bàn. Còn đối với các Bồ tát, con đường của các vị đã hàm chứa trí tuệ và phương tiện thiện xảo, vì thế các vị nỗ lực đạt tới cõi Niết bàn không vĩnh cửu. Đường lối của Bồ tát bao gồm cả trí tuệ lẫn phương tiện thiện xảo, cho nên các vị đó đạt được cõi Niết bàn không vĩnh cửu. Do oai lực của trí tuệ, các vị không rơi vào vòng luân hồi hiện hữu, do oai lực của phương tiện thiện xảo, các vị không rơi vào cõi Niết bàn.

          Kinh "Ngọn đồi chiếc đầu Gaya” (The Hill of Gaya Head Sutra) viết: "Vắn tắt, con đường của Bồ tát là con đường gồm hai phần. Đó là trí tuệ và phương tiện thiện xảo." Kinh "Điểm Thứ Nhất trong Tối thượng và Vinh quang" (The First Among the Supreme and Glorious: Shriparamadya) cũng nói: "Trí tuệ kiện toàn là người mẹ và kỹ năng thiện xảo là người cha".

          Kinh Giáo lý của Vimalakirti (giáo lý Duy Ma Cật: The Teaching of Vimalakirti) cũng dạy: "Đối với Bồ tát, điều gì hạn chế và điều gì giải thoát? Duy trì một cuộc sống trong luân hồi hiện hữu mà không có phương tiện thiện xảo là hạn chế của Bồ tát. Nhưng sống một cuộc sống trong luân hồi hiện hữu cùng với những phương tiện thiện xảo lại là giải thoát của Bồ tát. Duy trì một cuộc sống trong luân hồi hiện hữu mà không có trí tuệ là hạn chế của Bồ tát. Nhưng sống một cuộc sống trong luân hồi hiện hữu cùng với trí tuệ lại là giải thoát của Bồ tát. Trí tuệ không được kết nối với phương tiện thiện xảo là hạn chế, còn trí tuệ được kết nối phương tiện thiện xảo là giải thoát."

          Nếu một vị Bồ tát chỉ tích lũy trí tuệ không thôi, vị đó sẽ rơi vào cõi Niết bàn mà các Thanh Văn mong muốn. Do vậy điều này được coi như sự hạn chế, vị đó không thể đạt tới cõi Niết bàn không vĩnh cửu. Vậy trí tuệ bị tách khỏi phương tiện thiện xảo là hạn chế của Bồ tát. Vì thế, giống như một con người bị gió thổi lạnh buốt phải đi tìm lửa sưởi ấm, vậy một vị Bồ tát cũng cần tích luỹ trí tuệ về trống rỗng cùng với phương tiện thiện xảo để loại bỏ ngọn gió quan điểm sai lầm mà không thực hiện giống như các Thanh văn. Kinh Mười Phẩm Chất (Ten Qualities Sutra) viết: "Hỡi các con của một gia đình tốt lành, giống như thế này. Ví dụ, một người sùng bái lửa, tôn kính ngọn lửa như một báu vật, nhưng người đó sẽ không nghĩ: bởi vì ta tôn trọng, sùng bái và kính cẩn đối với lửa, ta nên giữ lửa bằng hai bàn tay. Đó là do người này nhận thức được làm như vậy sẽ bị bỏng và gây bất lợi về tinh thần. Tương tự như vậy, một vị Bồ tát cũng ý thức được cõi Niết bàn, nhưng không cố gắng thực nghiệm Niết bàn, bởi vì vị đó nhận thức được nếu làm như vậy, vị đó sẽ rời bỏ sự nghiệp khai sáng.”

          Nếu chỉ trông cậy thuần tuý vào phương tiện thiện xảo, Bồ tát sẽ không vượt qua được mức độ tầm thường, do vậy sẽ bị hạn chế. Cho nên, Bồ tát cần vun sới các phương tiện thiện xảo cùng trí tuệ. Do oai lực của trí tuệ, Bồ tát có thể chuyển hoá ngay cả mọi cảm súc rối loạn thành nước cam lồ, giống như chất độc dưới tác dụng của thần chú. Các vị cũng không cần tỏ ra quảng đại hoặc những điều tốt tương tự, những điều dẫn tới các trạng thái hiện hữu nâng cấp một cách tự nhiên.

 

          Các Bồ tát rất giàu kỹ năng và được phú cho trí tuệ. Do có được những phẩm chất đặc biệt như thế, nên có những hành vi, khi các Thanh Văn, Độc Giác thực hiện, hành vi đó bị coi là không lành mạnh, song nếu các Bồ tát thực hiện, chính hành vi đó lại có tác dụng hỗ trợ lớn lao giúp các vị tăng cường thêm hạnh phúc cho mọi sinh linh. Để trợ giúp sinh linh, các vị không nhất thiết tuân thủ tuyệt đối với những luật chi phối hoạt động của thân thể và ngôn từ.

 

Bảo Tích Kinh có viết: "Ca Diếp (Kashyapa), phải như thế này. Nhờ oai lực của mật chú và dược liệu, một chất độc không thể gây chết người. Giống như vậy, khi những xúc cảm rối loạn của các Bồ tát được đặt dưới oai lực của trí tuệ, chúng không thể làm các vị xuống cấp. Cho nên, bằng vào sức mạnh của phương tiện thiện xảo, Bồ tát không từ bỏ vòng hiện hữu, các vị cũng không rơi vào trong cõi Niết bàn. Do oai lực trí tuệ, các vị loại bỏ được tất cả mọi đối tượng (thứ bị hiểu sai là hiện hữu đích thực), vì thế các vị không rơi vào vòng luân hồi hiện hữu. Bởi vậy, chỉ riêng các vị đạt được cõi Niết bàn không vĩnh cửu." Kinh "Kho tàng không gian” (The Space Treasure Sutra) cũng viết: "Nhờ hiểu biết về trí tuệ, Bồ tát loại bỏ được hết thảy mọi cảm súc rối loạn, nhờ hiểu biết về phương tiện thiện xảo, các vị không từ bỏ chúng sinh." Kinh “Sự sáng tỏ của ý nghĩ: Giải Thâm Mật" (The Unraveling of the Thought Sutra) cũng nói: "Ta không dạy rằng những ai không quan tâm tới hạnh phúc của mọi sinh linh, không có khuynh hướng thức ngộ được bản chất của tất cả những hiện tượng phức hợp, thì sẽ đạt được Phật tính tối cao, hoàn thiện nhất." Do vậy, những ai muốn đạt được Phật tính cần trau giồi trí tuệ và phương tiện thiện xảo.

 

          Các Bồ tát được phú cho trí tuệ vô cùng. Vì thế mọi cảm xúc rối loạn đều không tác dụng, chúng không thể trở thành nguyên nhân đưa các vị tới những cõi không mong muốn. Khi những sinh linh cao quý này nỗ lực phát triển phương tiện thiện xảo và trí tuệ một cách đồng đều, các vị không còn bị vòng luân hồi hiện hữu áp đảo, cũng không bị rơi vào trạng thái tự mãn của cõi Niết bàn. Các vị liên tục ý thức tới hạnh phúc của mọi sinh linh, đồng thời hướng tới đạt được trạng thái khai sáng cao nhất.

 

Trong lúc bạn thiền về trí tuệ siêu việt, hoặc trong khi bạn đang ở trạng thái cuốn hút rất sâu của thiền, bạn không thể tham gia những phương tiện thiện xảo như thực hành lòng quảng đại. Nhưng phương tiện thiện xảo có thể được nuôi dưỡng và phát triển cùng với trí tuệ ở giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn sau khi thiền. Đó chính là phương pháp tham gia đồng thời của trí tuệ và phương tiện thiện xảo.

 

          Thứ trí tuệ trực tiếp hướng sự sáng suốt vào trong trống rỗng là trí tuệ tuyệt đối không mang tính nhị nguyên, và tư duy hoàn toàn cuốn hút vào trong trống rỗng thì giống như nước lại đổ vào nước. Đương nhiên trong lúc này không thể thực hành phương tiện thiện xảo được. Tuy vậy, tầm quan trọng của việc thực hành phối hợp hài hòa gắn bó những khía cạnh của trí tuệ và những khía cạnh của phương pháp, tầm quan trọng này cần hiểu theo đúng bối cảnh của nó. Trong giai đoạn trước và sau khi thiền, một cá nhân có thể thực hành từ bi, vị tha, quảng đại hoặc những gì tương tự, nhờ vậy oai lực thuộc trí tuệ cá nhân đó được gia cố thêm.

 

Hơn nữa, đây là đường lối của Bồ tát để các vị kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Đây là sự chăm chút con đường siêu việt (transcendental path), con đường thẫm đẫm tâm đại từ bi tập trung vào hết thảy mọi sinh linh. Rồi sau lúc ra khỏi trạng thái thiền, trong khi thực hành những phương tiện thiện xảo, bạn thực hành tính quảng đại và những phương tiện thiện xảo khác mà không hề có quan niệm sai lầm, giống như nhà ảo thuật. Kinh Giáo Lý của Akshayamati (Vô Tận Ý Bồ Tát) nói rằng: "Phương tiện thiện xảo của một vị Bồ tát là gì? Và trí tuệ gì được thức ngộ? Phương tiện thiện xảo của Bồ tát là suy nghĩ, gắn bó tư duy vào hết thảy sinh linh cùng với tâm đại từ bi trong khi đang ở trạng thái cuốn hút của thiền. Cân bằng trạng thái thiền với trạng thái an lạc, cực kỳ an lạc là  trí tuệ của Bồ tát (engaging in meditative equipoise with peace and extreme peace is wisdom). Những liên hệ như vậy có rất nhiều. Tác phẩm "Chương về sự kiểm soát những sức mạnh ma quỷ" (The Chapter on Controlling Evil Force: Maradamanaparichchhedasutra) cũng viết: "Hơn nữa, mọi động thái hoàn chỉnh của các Bồ tát là những cố gắng có ý thức xuất phát từ tư duy thuộc trí tuệ, và mọi tích lũy tất cả các Pháp công đức (những công đức thực hiện theo đường lối của Phật) xuất phát từ tư duy thuộc phương tiện thiện xảo. Tư duy trí tuệ dẫn tới "vô ngã", "không hiện hữu" (hiện hữu không mang tính chất cố hữu) của sinh linh, của cuộc đời, của phương tiện sinh sống, và của con người. Tư duy thuộc phương tiện thiện xảo dẫn tới sự trưởng thành trọn vẹn của hết thảy mọi sinh linh". Kinh “The Extensive Collection of All Quality Sutra: Bộ sưu tầm mở rộng của mọi phẩm chất" cũng nói:

         

Như một nhà ảo thuật,

          Cố gắng để kiệt tác của mình trôi đi,

          Một khi hiểu được thực chất tác phẩm của mình,

          Nhà ảo thuật không còn quyến luyến nó nữa.

          Cũng giống như vậy, ba cõi đều là ảo ảnh,

          Đức Phật đã biết điều đó,

          Trước khi biết mọi sinh linh trong những cõi ảo     

                               ảnh này,

          Ngài gánh vác trách nhiệm cố gắng giúp đỡ họ.

 

Do thực hành trí tuệ và phương tiện thiện xảo của Bồ tát, nên người ta nói: "Bằng vào hoạt động của các vị, các vị vẫn tồn tại trong vòng luân hồi hiện hữu, nhưng trong ý nghĩ của các vị, các vị lại cư trú ở cõi Niết bàn.

 

          Ví dụ, một nhà ảo thuật tạo ra cảnh là một người đang bị cầm tù. Sau đó, ông có ý giải cứu người đó thoát khỏi tù ngục. Một khi nhà ảo thuật biết được những gì phóng tưởng (hình ảnh người tù) chỉ là ảo ảnh, ông không còn cảm giác quyến luyến hoặc ghét bỏ nữa. Cũng một dạng tương tự, Phật thấy được tất cả mọi sinh linh trong ba cõi đều như những ảo ảnh. Các vị không bị mắc vào ý nghĩ coi những vật thể đó như là có một hiện hữu nội tại. Các vị sở hữu một trí tuệ nhận thức mọi vật thể đều trống rỗng giống như một ảo ảnh, đồng thời các vị tham gia vào việc hoàn thành nhu cầu hạnh phúc cho mọi sinh linh.

 

Bằng cách này, hãy rèn luyện thuần thục mọi hành vi quảng đại và những phương tiện thiện xảo khác để cống hiến cho sự nghiệp khai sáng hoàn chỉnh tột bực, để có được tinh hoa của sự trống rỗng và lòng đại từ bi. Muốn tạo ra tư duy thức tỉnh tối hậu bồ đề tâm, bạn hãy thực hành thiền tĩnh lặng vĩnh cửu và thiền trí tuệ sáng suốt đặc biệt tới mức tối đa trong những khoá thiền đều đặn. Như được giảng trong kinh "Trường thanh tịnh của sự tu tập" (Bhavanakrama: the Pure Field of Engagement Sutra), bản thân bạn cần hết sức nhuần nhuyễn với các phương tiện thiện xảo bằng cách gắn bó ý thức vào mọi phẩm chất tốt đẹp của Bồ tát, những vị luôn luôn hành động vì hạnh phúc của chúng sinh.

          Những bạn nào thuần thục với tâm từ bi, phương tiện thiện xảo, nhuần nhuyễn tư duy thức tỉnh bồ đề tâm theo cách đó, chắc chắn các bạn sẽ vượt trội lên trong cuộc đời này. Bạn sẽ được thấy chư Phật, chư Bồ tát trong giấc mơ, và nhiều giấc mơ đẹp đẽ khác sẽ xuất hiện, các thượng đế sẽ bảo vệ bạn. Bạn liên tục tích luỹ công đức vô biên, tích luỹ trí tuệ sáng suốt. Mọi xúc cảm rối loạn, mọi hình thức hiện hữu tồi tệ sẽ được thanh lọc. Bạn sẽ luôn được hạnh phúc, bình an trong tư duy, vô vàn sinh linh vĩ đại yêu quý bạn. Về vật chất, bạn sẽ thoát khỏi bệnh tật, đạt được những ưu thế tối cao trong trí tuệ, do vậy bạn sẽ đạt được những phẩm chất đặc biệt như khả năng biết trước mọi sự (clairvoyance).

 

          Khi tham gia thực hành các giáo lý, bạn cần cố gắng đạt được một số kiến thức trí tuệ thuộc quan niệm trống rỗng. Như chúng ta thảo luận trước đây, mọi vật đều thiếu vắng sự hiện hữu đích thực, vạn vật không có một hiện hữu độc nhất từ phía chúng. Lúc cầu nguyện hay quỳ lạy, chúng ta cần tạo ra một số cảm xúc về bản chất ảo ảnh của vạn vật. Ngay cả những cống hiến cũng phải thực hiện trong cấu trúc triết học của “vô ngã”. Mọi hiểu biết và ghi nhớ ý nghĩa của “trống rỗng” đều thích hợp như nhau trong mọi thực hành Mật tông. Thực hiện tất cả các hành vi đạo đức liên quan tới kiến thức về trống rỗng sẽ hỗ trợ chúng ta tiến bộ trên con đường tâm linh, đồng thời mọi xúc cảm rối loạn và khuyết tật khác sẽ giảm đi rồi dần dần được loại bỏ, lòng từ bi, vị tha, các phương tiện thiện xảo cùng những đức hạnh khác sẽ được tăng cường.

 

Sau đó, bằng vào sức mạnh kỳ diệu, bạn sẽ được du hành tới những cảnh giới khác nhau, được cúng dâng chư Phật, được nghe giáo lý của các vị. Lúc chết đi, chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy chư Phật, chư Bồ tát. Trong những kiếp sống tương lai, bạn sẽ được tái sinh vào gia đình, nơi chốn đặc biệt, ở đó bạn không bị tách rời khỏi chư Phật, chư Bồ tát. Nhờ thế, bạn dễ dàng hoàn thành tất cả mọi tích lũy công đức và trí tuệ. Bạn sẽ sung túc, có rất nhiều người ủng hộ, trợ giúp. Sở hữu một trí tuệ sắc bén, bạn sẽ có khả năng nâng cấp tư duy cho nhiều người. Trong mọi kiếp sống, con người như vậy có thể nhớ lại mọi tiền kiếp. Hãy cố mà hiểu những ưu thế vô biên như vậy, những ưu thế đã được mô tả trong kinh bản.

          Với hướng này, nếu trong quá trình thiền lâu dài về tâm từ bi, về phương tiện thiện xảo và tư duy thức tỉnh bồ đề tâm với niềm tôn kính vô biên, dòng tư duy của bạn sẽ dần dần được thanh lọc, trưởng thành. Rồi, như việc tạo ra lửa bằng cách xát hai thanh gỗ vào nhau, bạn sẽ hoàn thành công trình thiền trong thực tại hoàn chỉnh (you will accomplished your meditation on the perfect reality), qua đó đạt được một hiểu biết cực kỳ rõ ràng về lĩnh vực hiện tượng mà không bị những chi tiết thuộc khái niệm trói buộc, đạt được trí tuệ siêu việt mà không bị cản trở bởi mạng lưới khái niệm. Trí tuệ bồ đề tâm tối hậu không tì vết này giống như một ngọn đèn tĩnh lặng tuyệt đối. Vì thế, trong một thực thể sở hữu bồ đề tâm tối hậu, tư duy ấy bao gồm “quan điểm” (the path of seeing: cách nhìn nhận), nắm vững được bản chất vô ngã của mọi hiện tượng. Qua thành tựu này, bạn sẽ tập trung vào thực tại của vạn vật, sẽ được tái sinh vào gia đình các Như Lai (Tathagata), đi vào trạng thái không hoen ố của Bồ tát, từ bỏ mọi kiếp tái sinh lang thang mà tồn tại lâu dài trong Chân như (suchness) của Bồ tát, đạt được mức độ Bồ tát đầu tiên. Bạn có thể tìm thấy nhiều chi tiết của những ưu thế này trong các kinh bản như: "Mười cấp bậc tâm linh" (Ten Spiritual Levels). Đó là lý do tại sao quá trình thiền ổn định nhằm vào Chân Như lại được giảng dạy trong kinh Nhập Lăng Già (Descent into Lanka Sutra). Đây là phương pháp để  các vị Bồ tát đi vào “thiền không khái niệm, không chi tiết hoá”.

 

 

Khi trông thấy một con người đang khổ sở, chúng ta động lòng từ bi. Ta cần nhận thức được rằng ấp ủ những cảm xúc như vậy và gia cố thêm với sự hỗ trợ của các phương tiện thiện xảo là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta có trí tuệ của con người, trí tuệ cho ta khả năng nhận thức điều gì đúng, điều gì sai. Khả năng đó phải được nâng cấp và hướng thẳng tới nhận biết được thực tại tối hậu. Để đạt được mục đích, điều thiết yếu là thực hiện những chiến công đức hạnh, thực hành thanh lọc. Về cơ bản, tu dưỡng khả năng nhận biết sáng suốt là điều cần thiết. Với nhận biết sáng suốt, hãy liên tục thẩm tra đối với thực tại tối hậu và phát huy ghi nhận trí tuệ về ý nghĩa của Chân Như, điều đó lại hỗ trợ việc phát sinh cảm súc sâu xa do nhận biết thực tại tối hậu. Phương pháp phân tích này cần được tăng cường bằng thiền tập trung. Mọi thực hành từ bi cùng kiến thức trống rỗng sẽ đưa một cá thể tới chỗ thức ngộ được, rằng mọi vẩn đục của tư duy có thể loại bỏ được, trạng thái thấu suốt tiên nghiệm có thể đạt được.

Sau một quá trình dài thực hành giáo lý, sử dụng tâm từ bi là nền tảng, và bổ sung bằng trí tuệ, con người sẽ phát sinh mong muốn mãnh liệt đạt tới cõi Phật. Khi xuất phát từ đáy lòng, khát vọng vì hạnh phúc của mọi sinh linh như vậy trở thành nghiêm túc, người này sẽ trở thành một Bồ tát, sẽ đạt được phương pháp tích luỹ theo đường lối Đại thừa (Mahayana). Trong ba cấp bậc của đường lối này (nhỏ, vừa phải, và lớn), cấp bậc nhỏ sẽ đạt được. Điều này được gọi là tư duy thức tỉnh như trái đất (the earth-like awakening mind). Tư duy thức tỉnh đó là một trong hai mươi mốt loại tư duy. Nhà thực hành nâng cấp tư duy thức tỉnh do kết quả tâm từ bi, đồng thời tăng cường sự hiểu biết về trống rỗng của mình. Thiền tĩnh lặng vĩnh cửu được thực hành có liên quan tới trống rỗng, và khi trí tuệ tạo thành do được chắt lọc từ thiền,  một cá nhân sẽ đạt được con đường chuẩn bị.

          Thiền cần duy trì không gián đoạn, cùng với ý thức phối hợp hoàn toàn giữa các khía cạnh của phương pháp và trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Qua thực hành này, hành giả sẽ hoàn toàn cuốn hút vào trong Chân Như, giống như nước rót vào trong nước, không còn một dấu vết hoen ố của khái niệm nhị nguyên. Tại giai đoạn đầu tiên, khi hành giả đạt được trí tuệ trực tiếp trong trống rỗng, hành giả đó đạt được “quan điểm” (the path of seeing). Khi nhận thức đó kết nối với tư duy thức tỉnh, hiển nhiên là chúng ta đang nói về đường lối Mahayana, đường lối Đại Thừa. Trong mười cấp của Bồ tát, hành giả đạt được cấp độ đầu tiên, được gọi là niềm vui. Cấp độ này có hai phần: phần liên tục và phần giải thoát. Ở phần đầu, mọi trở ngại, bế tắc về nhận thức bị tấn công, đó là giai đoạn liên tục, và khi vượt qua được bế tắc, thì phần giải thoát sẽ đạt được.

          Cùng với việc duy trì thiền, nhà thực hành loại bỏ những chướng ngại, đạt được đường lối (the path) của thiền. Trong giai đoạn cuối cùng của quá trình tập trung tư tưởng được biết như là "đường lối kim cương" (vajra path) của thiền, những dạng tối tăm tinh tế nhất sẽ bị loại bỏ tận gốc. Nhờ đó, con người tạo ra được trí tuệ thấu suốt siêu việt và chuyển hoá thành một vị Phật.

 

Bằng cách này, người nào đã vào được cấp bậc đầu tiên, về sau, trên con đường thiền, bản thân người đó sẽ thành thục với hai dạng trí tuệ của trạng thái tiên nghiệm rồi tới những dạng trí tuệ sau đó cùng với phương tiện thiện xảo. Bằng cách này, người đó dần dần thanh lọc quá trình tích lũy tinh tế nhất của mọi chướng ngại, đó là đối tượng cần thanh lọc của thiền. Để đạt được chất lượng cao, người đó phải thanh lọc triệt để từ những cấp bậc tâm linh thấp. Tất cả mọi mục đích, ý định sẽ được hoàn thành mỹ mãn do đi vào trong trạng thái sáng suốt tiên nghiệm của Như Lai (Tathagata), đi vào trong đại dương trí tuệ thấu suốt mọi sự. Bằng cách này, do dần dần tập luyện, dòng tư duy sẽ được thanh lọc triệt để. Kinh "Nhập Lăng Già" giải thích như vậy. Kinh Giải Thâm Mật (Làm sáng tỏ ý nghĩ) cũng viết: "Để đạt được những mức độ cao hơn, tư duy cần được thanh lọc như lọc vàng, cho tới khi bạn thức ngộ được Phật tính hoàn chỉnh tối cao."

          Đi vào trong đại dương trí tuệ thấu suốt mọi sự, bạn sẽ sở hữu mọi phẩm chất quý báu để hỗ trợ mọi sinh linh, những phẩm chất này sẽ thoả mãn mọi lời cầu nguyện tích cực trước đây của bạn. Rồi một cá thể trở thành hiện thân của tâm từ bi, sở hữu rất nhiều phương tiện thiện xảo, những phương tiện này hoạt động một cách tự phát trong nhiều lĩnh vực vì lợi ích của hết thảy sinh linh đang lang thang vô định. Thêm vào đó, mọi thuộc tính cao đẹp đều trở nên hoàn chỉnh. Với việc loại bỏ hoàn toàn những uế tạp cùng tiềm năng của chúng, toàn thể chư Phật tiếp tục ở lại giúp đỡ vô lượng chúng sinh. Qua nhận thức như vậy, hãy tạo ra niềm tin vào chư Phật, nguồn gốc của mọi kiến thức, phẩm chất tuyệt vời. Tất cả chúng ta cần nỗ lực để thức ngộ được những phẩm chất này.

Do vậy, Đức Phật nói: "Trí tuệ siêu việt thấu suốt mọi sự được tạo ra do lòng từ bi là gốc rễ, tư duy thức tỉnh bồ đề tâm là nguyên nhân, và được hoàn chỉnh bằng phương tiện thiện xảo."

 

          Để cô đọng những giáo lý của văn bản quý giá này, chúng ta nhận thấy trước tiên hai sự thật cao quý (sự thật của nỗi khổ đau và sự thật về nguồn gốc khổ đau) cần được thiết lập, bởi vì chúng là nền tảng. Trong giai đoạn thực hành, hai dạng tích luỹ này cùng những khía cạnh chi tiết của phương pháp và trí tuệ cần được tiến hành một cách hài hoà tuyệt đối. Hai dạng thân Phật phải được đạt tới như là kết quả. Khi một cá thể đạt tới trạng thái thông tuệ của Phật tính, tất cả mọi cảm súc rối loạn, mọi chướng ngại lập tức được vĩnh viễn loại bỏ, vì thế con người bừng tỉnh với toàn bộ tri thức. Từ đó trở đi, một sinh linh thức tỉnh như vậy sẽ có tiềm năng vô hạn để giúp đỡ mọi sinh linh khác đạt tới tự do, giải thoát.

 

Sáng suốt cách biệt các vị với cảm xúc ghen tức và các tỳ vết khác.

Niềm khát khao kiến thức của các vị không hề nguội lạnh.

Giống như đại dương.

Các vị chỉ giữ lại những điều thích đáng qua nhận thức đúng đắn.

Giống như thiên nga hút sữa từ nước.

 

Vì thế, các học giả cần tránh xa,

Những thái độ bất đồng hoặc cố chấp.

Ngay cả những lời lẽ tốt đẹp,

Cũng phải được đón nhận từ một em nhỏ.

 

                     Dù bất kỳ một công đức nào mà tôi rút ra được,

Do cách giải thích về Trung Đạo này.

Tôi xin cống hiến cho mọi sinh linh,

Để thức ngộ được Trung Đạo.

 

Phần thứ hai tác phẩm “Những giai đoạn của Thiền” do đại sư Kamalashila biên soạn tới đây là kết thúc. Tác phẩm được dịch thuật và xuất bản bằng Tạng ngữ do trưởng lão người Ấn Độ Prajna Verma và hòa thượng Yeshe De thực hiện.

 

          Bây giờ chúng ta kết thúc bài giảng của đại sư Kamalashila. Đại sư và vị thầy của ngài, đại sư Shantarakshita, các vị có mối liên quan nghiệp quả đặc biệt với người dân vùng đất tuyết, lòng ưu ái của các vị đối với họ vượt xa mọi ước đoán. Tôi vô cùng vui sướng thấy rằng mình có khả năng đưa ra một công trình truyền đạt ý nghĩa phần hai văn bản “Những trạng thái của thiền” của đại sư Kamalashila. Tôi khẩn khoản yêu cầu tất cả các bạn hãy lắng nghe hoặc đọc kỹ, nghiên cứu văn bản. Để tăng cường và mở rộng hiểu biết của bạn hơn nữa về Trung Đạo, bạn cũng cần nghiên cứu thêm các văn bản Đại thừa khác của đại sư Buddhapalita (Phật Hộ) và đại sư Chandrakirti (Nguyệt Xứng), những vị đề xuất các quan điểm tối thượng của trường phái tư duy Đại thừa.

 

 

 

HẾT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THUẬT NGỮ CHÚ GIẢI

 

 

Tư duy thức tỉnh bồ đề tâm (awakening mind of bodhichitta):

Ước muốn vị tha để đạt được Phật tính vì lợi ích của tất cả mọi chúng sinh.

Tĩnh lặng vĩnh cửu (calm abiding): 

Một thuật ngữ, về lý thuyết nó bao gồm tất cả các loại thiền ổn định, vững bền, có liên quan tới trạng thái tập trung tư tưởng cao độ (tập trung tư tưởng tại một điểm, tập trung chuyên nhất).

Nguyên nhân thuộc trạng thái như nhau (cause of equal state):

Nguyên nhân tạo thành và phát triển những kết quả tương tự như bản thân nguyên nhân. Ví dụ: từ lúa mạch lại làm ra lúa mạch, hoặc một hành vi đoan chính được tạo ra do một hành vi đoan chính khác (một trong sáu nguyên nhân).

Nguyên nhân và điều kiện:

Nguyên nhân tạo ra bản chất/thực thể. Điều kiện tạo ra nét đặc trưng.

Thực thể được phó thác (commitment being):

Một vị thần linh quán tưởng (meditational deity) được quán tưởng hay hình dung ngay trước mặt bạn.

Nguyên nhân đồng thời:

Dạng nguyên nhân đóng góp thêm cho quá trình tạo ra một kết quả qua sự xuất hiện đồng thời của nguyên nhân này, ví dụ, tư duy và các nhân tố tinh thần phát sinh cùng một lúc do sự hỗ trợ lẫn nhau của chúng (một trong sáu nguyên nhân).

Nguyên nhân trực tiếp:

Một nguyên nhân trực tiếp tạo ra kết quả không cần qua một dạng trung gian, ví dụ, lửa tạo ra khói.

Rối loạn:

Tất cả các loại rối loạn tinh thần phát sinh do cảm xúc quyến luyến ràng buộc, hoặc do một thứ gì đó.

Mười tám tố chất:

Sáu tố chất bên ngoài hay những tố chất tiêu biểu: hình dạng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác, và Pháp/mục đích. Sáu tố chất bên trong hay tố chất cơ bản: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, và tư duy. Sáu tố chất ý thức hay tố chất phụ thuộc: ý thức về mắt, ý thức về tai, ý thức về mũi, ý thức về lưỡi, ý thức về thân thể, và ý thức về tinh thần.

Trống rỗng :

Trống rỗng muốn đề cập tới quan niệm không có một sự hiện hữu độc lập hoặc hiện hữu tuyệt đối, sự trống rỗng không đồng nghĩa với khái niệm không có gì hoặc không hiện hữu.

Phấn khích:

Tư duy bị rối loạn bởi những cảm xúc quyến luyến, ràng buộc.

Năm khối kết tập tinh thần và vật chất:

Hình dạng, cảm súc, phân biệt, hành động và ý thức.

Bốn trường phái nguyên lý triết học:

Vaibhashika (Tỳ Bà Xa Luận), Sautrantika (Kinh Lượng Bộ), Chittamatra (Duy thức tông), Madhyamika (Trung quán tông).

Bốn chân lý, hay bốn sự thật:

Chân lý về khổ đau, chân lý về nguồn gốc khổ đau, chân lý về sự chấm dứt, và chân lý về phương pháp chấm dứt.

Điều kiện tức thì :

Điều kiện tức thì muốn nói tới quá trình tạo thành lập tức của các nhân tố tư duy và tinh thần bởi những nhân tố tư duy và tinh thần cùng sảy ra (concomitant mind and mental factors) ngay sau khi quá trình trước đó vừa mới ngừng lại (một trong bốn nhân tố/ điều kiện).

Nguyên nhân gián tiếp:

Nguyên nhân tạo ra kết quả thông qua tầng trung gian của nhân tố hoặc đối tượng khác.

Sự trì trệ, mụ mẫm tinh thần:

Đây là dạng tư duy thiếu trong sáng, bất kể nó tập trung vào một vấn đề đức hạnh, không đức hạnh hoặc trung tính.

Phương pháp và trí tuệ:

Phương pháp liên quan tới những thực hành như tạo ra tư duy thức tỉnh bồ đề tâm, còn trí tuệ liên quan tới những thực hành mang lại trí tuệ thức ngộ được trống rỗng.

Cõi Niết bàn không vĩnh cửu (non-abiding nirvana):

Cõi Niết bàn không vĩnh cửu là cõi Niết bàn ở mức độ Phật tính. Được gọi là "không vĩnh cửu" vì Phật không tồn tại trong hai thái cực của vòng hiện hữu, hoặc trạng thái bình an một chiều của Niết bàn do lợi ích riêng.

Điều kiện khách quan:

Một loại điều kiện tạo ra ý thức, xuất phát từ khía cạnh của đối tượng, giống như sự phát sinh của ý thức khi quan sát các đối tượng bên ngoài như hình thể, âm thanh...(một trong bốn nhân tố/điều kiện).

Mềm dẻo thích nghi (pliancy):

Mềm dẻo thích nghi là một trong mười một nhân tố tinh thần đoan chính làm cho cơ thể và tư duy hấp thụ được những hành vi đạo đức, loại bỏ những trạng thái bế tắc, tiêu cực của tư duy.

Từ bỏ :

Cách diễn tả thông thường của một thuật ngữ liên quan tới quyết định thoát khỏi 3 cõi ngục tù hiện hữu, vượt qua khổ đau. Do vậy, đây là một khát vọng được giải thoát khỏi tất cả các cõi hiện hữu trong vòng luân hồi.

Bảy nhánh thực hành :

1- Quỳ lạy, 2- Cúng dâng, 3- Sám hối, 4- Vui mừng hoan hỷ, 5- Cầu xin chư Phật quay bánh xe Pháp (giảng dạy kiến thức), 6- Cầu xin chư Phật tồn tại với chúng sinh, 7- và Hiến dâng (hồi hướng).

Sáu cõi hiện hữu :

1- Địa ngục, 2- Quỷ đói, 3- Súc vật, 4- Người, 5- Á thần á thánh (a tu la), 6- Thượng đế.

Trí tuệ sáng suốt đặc biệt (special insight):

Đó là trí tuệ đặc biệt thấy được bản chất tối hậu của hiện tượng.

Nguyên nhân đáng kể:

Nguyên nhân chủ yếu tạo ra kết quả, kết quả này có tính chất như một chuỗi liên tục đáng kể, ví dụ: sự tạo thành mầm từ một hạt giống.

Tathagata:

Như Lai, vị đã vượt qua ngưỡng (One Gone Thus). Một tên gọi có ý nghĩa của Phật, có nghĩa là một con người do theo đuổi đường lối trống rỗng đích thực (the path of thusness of emtiness), con đường thoát khỏi các cực của chu trình luân hồi hiện hữu và trạng thái bình an cực lạc, nên đã đạt tới trạng thái khai sáng tột bực.

Mười oai lực :

1-Oai lực biết được điều gì thích hợp, điều gì không thích hợp.

2-Oai lực biết được kết quả của một hành động.

3-Oai lực biết được những thiên hướng, tính khí khác nhau.

4-Oai lực biết được những sở thích khác nhau.

5-Oai lực biết được khả năng trí tuệ siêu việt hoặc thấp kém.

6-Oai lực biết được đường lối dẫn tới tất cả.

7-Oai lực biết mọi phương pháp tập trung tư tưởng, phương pháp giải thoát, thiền vững mạnh, phương pháp cuốn hút....

8-Oai lực nhớ lại được tất cả mọi tiền kiếp, hậu kiếp.

9-Oai lực biết được sinh tử.

10-Oai lực biết chấm dứt mọi uế tạp.

Trạng thái lờ đờ:

Một trong hai mươi xúc cảm khổ sở thứ yếu, tư duy bị rối loạn với đối tượng do xúc cảm quyến luyến, ghét bỏ, không yên tĩnh được.

Mười hai nguồn gốc:

Mười hai nguồn gốc này giống như những nguyên nhân, hay là những cánh cửa, do quá trình nảy sinh và phát triển của 6 ý thức (ý thức của mắt, tai mũi vv...). Vì vậy có sáu điểm bắt nguồn từ bên ngoài: mắt, tai, mũi, mồm, thân thể và tư duy, và có sáu điểm bắt nguồn từ bên trong: hình thể, âm thanh, mùi, vị, cảm giác tiếp súc, và đối tượng hoặc hiện tượng.

Hai sự thật :

Sự thật đời thường (sự thật ước lệ) và sự thật tối hậu.

Thực thể trí tuệ (wisdom being):

Khi vị thần linh quán tưởng được hình dung trước mặt một con người, thực thể trí tuệ tức là vị thần được quán tưởng để thực thể trí tuệ đi vào trong vị thần đó.

 

 

*****