Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương 8: Cơ Đốc Giáo

13 Tháng Bảy 201611:21 CH(Xem: 3323)
Chương 8: Cơ Đốc Giáo

Chương 8: Cơ Đốc Giáo

TIẾT 1: KHỞI THỦY CỦA CƠ ĐỐC GIÁO 

1. Bối cảnh thời đại Jesus

Về bản chất và sự phát triển thế lực của Cơ Đốc giáo, tôi đã viết một quyển sách tên là Nghiên Cứu Về Cơ Đốc Giáo, độc giả có thể tham khảo thêm. Bây giờ, khi bàn đến Cơ Đốc giáo trong sách này, tôi sẽ phải giới thiệu lại quá trình phát triển của nó từ một góc độ khác. Như vậy, tuy là cùng đọc hai quyển sách do tôi viết nhưng độc giả cũng không đến nỗi có cảm giác trùng lặp.

Cơ Đốc giáo do Jesus khai sáng. Jesus chào đời ở Judaea, Palestine, một địa danh nằm ở vùng núi cao thuộc bờ đông của Địa Trung Hải và vốn là cái nôi của người Hebrew. Đây là quê hương của Do Thái giáo, Jesus đã trưởng thành trong đời sống và giáo dục tôn giáo của Do Thái giáo. Theo truyền thuyết, Joseph - cha của Jesus tuy là một thợ mộc nhưng lại là hậu duệ của vua David. Vì vậy, về mặt huyết thống, Jesus là con cháu của vua David. Điều kỳ lạ là, các tác giả Thánh kinh Tân Ước để cho phù hợp với lời tiên tri trong đoạn 14, chương 7, kinh Isaiah củaCựu Ước là: “Một trinh nữ sẽ chịu thai và sinh một con trai” và người con trai ấy sẽ đến cứu người Do Thái, nên trong các sách Phúc Âm đã nói Maria, mẹ của Jesus, là một trinh nữ chưa có chồng mà có con. Jesus chào đời trong một chuồng ngựa ở Bethlehem khi cha mẹ ông đi ngang qua dừng chân nghỉ lại tại đó, từ nhỏ đến lớn, hầu hết thời gian, ông sống ở hai thành Nazareth và Galilee.

Dân tộc Do Thái mà Jesus xuất thân, như chúng ta đã nói đến ở chương trước, là một dân tộc tự tôn, cao ngạo, ngoan cường, bảo thủ nhưng cũng đáng được cảm thông. Sau thời đại vương quốc, tuy các nhà tiên tri tự tin rằng Thiên Chúa của người Do Thái chắc chắn cứu giúp họ, nhưng thực tế thì tình trạng của họ lại càng ngày càng xấu đi. Nguyên nhân vì nước Do Thái là một dải đất hành lang, phía tây là Địa Trung Hải, phía đông là sa mạc Arab, phía bắc thông với Syria, Assyria và Babylon, phía nam thẳng đến Ai Cập. Do đó, khi Ai Cập nổ ra chiến tranh với bất cứ dân tộc nào ở phương bắc, họ bắt buộc phải đi qua nước Do Thái. Và khi các dân tộc phương bắc muốn đối phó với Ai Cập, họ cũng phải đánh lấy nước Do Thái trước. Bởi thế, dải đất Do Thái này từng bị người Ai Cập, người Assyria, người Babylon, người Ba Tư, người Macedonia, người Hy Lạp và người La Mã thay nhau chinh phục.

Thời đại Jesus ra đời, nước Do Thái tuy có một chính phủ tự trị, được phép có quốc vương riêng, cũng như có tín ngưỡng tôn giáo và cơ cấu tôn giáo riêng; nhưng quyền thống trị thực tế lại nằm trong tay các thống chế được chính phủ La Mã phái đến, tức nước Do Thái chỉ là một tỉnh phụ thuộc của La Mã. Bởi vậy, họ ngày đêm cầu nguyện, mong cho vị lãnh tụ của dân tộc mình (đấng cứu thế Messiah) mà trong những lời tiên tri từng nói tới đến giải phóng họ khỏi sự thống trị của kẻ ngoại bang. Do đó, năm 27 sau Công nguyên, khi John Tẩy giả[1] bắt đầu truyền đạo ở vùng hạ lưu sông Jordan của nước Do Thái liền có người cho rằng ông chính là Messiah, nhưng bản thân ông lại kiên quyết phủ định điều này. Không lâu sau, John gặp nạn, người được ông rửa tội cho là Jesus, thừa cơ nổi lên, đồ chúng trước đây của John, quá nửa trở thành người ủng hộ Jesus.

Jesus sinh vào khoảng năm thứ 5 hoặc thứ 6 trước Công nguyên, những sự tích có liên quan đến ông được ghi chép lại khá ít ỏi, tư liệu tốt nhất là các sách Phúc Âm cũng chỉ chép một số truyền thuyết thần thoại. Chúng ta chỉ có thể biết được rằng, vào năm ông 20 tuổi, từng cùng cha mẹ đến các điện thần ở Jerusalem và hỏi đáp về những vấn đề tôn giáo với các thầy rabbi. Joseph, cha của Jesus, chết khi ông được 12 tuổi. Maria, mẹ của ông, là một người phụ nữ sinh đẻ nhiều, sau Jesus còn sinh thêm 4 đứa con trai và vài đứa con gái nữa. Sau khi cha qua đời, có người nói rằng Jesus đã tiếp tục làm nghề thợ mộc của cha mình mãi đến 30 tuổi mới bắt đầu truyền đạo, qua lại các khu vực Galilee, Judaea và vùng phụ cận.

Tính cách người Do Thái rất quật cường và tự tin. Ở chương trước, chúng ta có nói đến 3 hệ phái của Do Thái giáo vào thời đại Jesus, trong đó phái Pharisees có thực lực lớn nhất và cũng bảo thủ nhất. Jesus thấy chướng mắt với chủ nghĩa hình thức và tác phong giả tạo của những người Pharisees nên đã công kích bọn họ không chút nương tình. Người Do Thái vốn hy vọng Jesus là đấng cứu thế của dân tộc họ, một người mà họ hằng mong đợi, nhưng Jesus lại tuyên giảng rằng nước của ông không ở trên mặt đất mà ở trên trời. Vì điều này làm cho những người Do Thái bảo thủ tức giận, nên sau khi truyền đạo được 3 năm, Jesus bị bắt với tội danh phản bội Do Thái giáo. Khi người Do Thái đem Jesus giao cho thống chế La Mã Pilate, ông còn bị vu khống là miệt thị La Mã và âm mưu tự phong mình làm vua của người Do Thái. Cuối cùng, dưới yêu cầu khẩn thiết của người Do Thái, vào năm 29 hoặc 30 sau Công nguyên, Pilate đã xử Jesus tử hình. Theo Thánh lịch của Do Thái, vào thứ 6, ngày 14, tháng 1 trong dịp lễ Vượt qua[2], trên một ngọn đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành Jerusalem (đồi Sọ), cùng với 2 tên trộm cướp, Jesus đã bị đóng đinh treo trên cây thập giá cho đến chết.

2. Sự phục sinh của Jesus

Theo những ghi chép trong Tân Ước, sau khi Jesus bị đóng đinh và chết trên thập tự giá, các môn đồ của ông cũng vì thế mà tiêu tan hy vọng, ly tán khắp nơi, thậm chí có người còn mất đi đức tin đối với Jesus. Nhưng, kỳ tích đã xuất hiện, vào ngày chủ nhật, 3 ngày sau khi bị đóng đinh lên cây thập giá, Jesus đã sống lại. Trong vòng 40 ngày sau đó, Jesus thường xuyên ở bên các môn đồ của mình. Cuối cùng, nhục thân của ông thăng thiên về nước trời. Do sự phục sinh của Jesus, các môn đồ lại tiếp tục nhóm lên niềm tin cuồng nhiệt đối với ông.

Có đúng là Jesus đã sống lại hay không? Đây là một câu hỏi lớn, vì:

a. Sau khi Jesus chết, các môn đồ chưa lập tức triển khai công tác kế tục chí nguyện truyền đạo mà Jesus để lại. Jesus chết tới 4, 5 năm rồi (năm 34, 35 sau Công nguyên) các môn đồ mới bắt đầu truyền đạo. Chẳng qua là, các tín đồ nữ và một số ít môn đồ, do thương nhớ không nguôi nhân cách của Jesus, trong trạng thái tâm thần bất định, đã ảo giác thấy Jesus hiện về. Đây là điều rất có khả năng xảy ra.

b. Lại có người chủ trương Jesus bị đóng đinh lên thập tự giá nhưng chưa chết thật sự. Đây là điều mà các tín đồ Hồi giáo vô cùng tin tưởng. Ví dụ, tiên sinh Thời Tử Chu qua đời năm ngoái (1967) đã giảng rằng: “Trước hết, cho phép tôi căn cứ vào kinh Koran, sau đó, dẫn chứng bằng bộ Tân Ước để chứng minh điều này. Đoạn 157, chương 4, kinh Koran viết: “Chúng bảo: “Chúng tôi đã giết Messiah, tức là Jesus, con trai của Maria và là sứ giả của Allah (Thiên Chúa)”. Chúng đã không giết Jesus mà cũng chẳng đóng đinh hắn trên thập tự giá, chỉ là chúng đã không phân biệt rõ thôi. Những người dị nghị về điểm này lúc nào cũng hoài nghi về nó, họ không có kiến thức nào hẳn hoi mà chỉ tưởng tượng và suy đoán. Quả thật chúng không hề giết Jesus”... Tiếp theo là những chứng cứ trong 4 cuốn Phúc Âm của bộ kinh Tân Ước cho thấy Jesus đã không chết trên thập tự giá:

- Từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, thời gian quá ngắn, không đến nỗi tắt thở[3].

- Hai phạm nhân cùng bị đóng đinh treo trên thập giá ở hai bên Jesus đều chưa chết, vì vậy có thể đoán định là Jesus cũng chưa chết.

- Hai phạm nhân này bị đánh gãy chân mới chết, còn Jesus thì không bị đánh[4].

- Hông của Jesus bị quân lính lấy giáo đâm vào, máu liền chảy ra, càng đủ để chứng minh Jesus chưa chết, nếu đã chết thì máu không thể chảy ra.

- Pilate là người giám sát việc hành hình, cũng vô cùng ngạc nhiên với việc Jesus chết quá nhanh vì thời gian quá ngắn[5].

- Sau khi hai phạm nhân kia chết, xác được đem chôn xuống đất, nên không thể sống lại nữa, còn “xác Jesus” thì được một môn đồ của ông tên là Joseph lãnh đi, đặt vào trong một hầm mộ đục trên sườn núi đá[6].

- Ba ngày sau, tảng đá chặn cửa mộ đã bị lăn ra chỗ khác, xác của Jesus không còn bên trong nữa[7].

- Sau đó, mẹ của Jesus không nhận ra ông mà lại nhầm ông là người làm vườn, ông đã cải trang và mặc quần áo khác, không còn nghi ngờ gì nữa[8].

- Nếu nhục thể của Jesus thăng thiên thì không cần phải cải trang như vậy.

- Các môn đồ xem tay của Jesus, rờ hông của Jesus, xác nhận đúng là Jesus bằng xương bằng thịt[9].

- Jesus thấy đói và đòi ăn, nếu là linh hồn, đương nhiên không cần đồ ăn[10].

- Jesus hẹn các môn đồ đến Galilee họp kín, nếu là thăng thiên, cần gì phải bí mật, cũng không phải đến Galilee mới có thể thăng thiên, có khi Jesus đã lẻn đến một nơi khác truyền đạo cũng chưa biết chừng[11].

Đoạn lý luận và phân tích trên đây, trích dẫn từ bài giảng thứ 38 trong cuốn Năm Mươi Bài Giảng Tiếp Theo Về Giáo Lý Đạo Hồi của Thời Tử Chu.

c. Rất có khả năng, Jesus đã giả chết khi bị đóng đinh lên thập tự giá, sau đó đã lẻn ra nước ngoài giảng đạo. Và rất có khả năng, Jesus đã đến Ấn Độ, cuối cùng qua đời ở Ấn Độ, vì tại Ấn Độ bây giờ vẫn còn mộ của Jesus. Trong cuốn Jesus Chết Ở Đâu? của học giả người Anh J. D. Shams, đối với việc này, đã đưa ra rất nhiều chứng cứ; trong cuốn Nhìn Thoáng Qua Lịch Sử Thế Giới của Jawaharlal Nehru cũng có cách nói tương tự.

Tóm lại, truyền thuyết phục sinh và nhục thể thăng thiên của Jesus thực ra chỉ là sản vật của tín ngưỡng tôn giáo chứ không phải sự thật lịch sử.

3. Nhân cách và giáo huấn của Jesus

Bất luận thế nào, việc Jesus trở thành thủy tổ của Cơ Đốc giáo, chứng tỏ ông có sức thu hút quần chúng hơn hẳn người thường. Theo những ghi chép trong kinh điển Cơ Đốc giáo thì Jesus là người thích hoa, yêu trẻ con, quý trọng tình cảm bạn bè; mỗi khi nhìn thấy người nào nghèo đói, đau khổ, ông đều dậy lên lòng đồng cảm sâu sắc; ông quan tâm những kẻ lang thang, chăm sóc những hạng hạ tiện, thân cận những người mắc bệnh hiểm nghèo; những con người không ai thèm đoái hoài đến này đều có thể nhận được sự an ủi, động viên và cứu giúp từ nơi ông. Đặc biệt, niềm tin và nhân cách tôn giáo cao vợi của ông luôn luôn có thể làm cho người khác phát sinh ra những cảm ứng thần bí. Ví dụ, một số người thần trí tối tăm, hay một số người mắc chứng hệ thống thần kinh thất thường, vừa gặp mặt ông, liền thấy có cảm ứng tốt trong việc trị liệu tinh thần.

Vào đầu thời kỳ truyền đạo, Jesus thực sự là một vị thầy tôn giáo khả kính, đáng yêu. Ông có rất nhiều lời giáo huấn đáng tán thán về những nguyên tắc để sống hòa thuận và an vui nơi nhân gian. Vì ông xuất thân hàn vi, nên đặc biệt cảm nhận được nỗi thống khổ của xã hội hạ lưu và vô cùng chán ghét sự giả nhân giả nghĩa, ra vẻ ta đây của xã hội thượng lưu. Bởi thế, ông ra sức khuyên mọi người sống công chính, giàu nhân ái và giữ bổn phận. Ông cho rằng con người trên thế gian, ngoài việc kính yêu Thiên Chúa, trách nhiệm lớn nhất là phải yêu mọi người như yêu chính mình. Luật Vàng[12] của Jesus dạy rằng: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”. Theo cách nhìn của Jesus, nhân loại là những thiên sứ trụy lạc, thiên sứ là con của Chúa, cho nên Chúa là cha của nhân loại, hay tất cả nhân loại đều là con cái của Chúa, bao gồm cả Jesus trong đó. Khi cầu nguyện với Chúa, Jesus từng gọi Ngài là: “Cha của chúng con”. Cha yêu con là thiên tính vốn có, Chúa yêu thế nhân đương nhiên cũng là chân lý. Những lời giáo huấn như vậy thực sự rất tuyệt vời.

Nhưng, sau khi Jesus tự cho mình là Messiah hay Christ[13], thì ông không còn như trước. Ông muốn các môn đồ ghét bỏ tất cả những thứ của thế gian, cõng Thánh giá đi theo mình (tử vì đạo). Ông chán ghét những người giàu có, cho rằng người giàu được lên trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Nhân dân ở nước trời của ông toàn là trẻ con và người nghèo. Còn ông thì là con trai độc nhất của Chúa, thậm chí là hiện thân của Chúa. Việc Jesus giáng thế biểu thị cho ân điển của Chúa, nhờ ông chịu tội thay cho nhân loại, mà nhân loại mới được cứu rỗi. Nhưng anh có được cứu hay không còn phải xem anh có tin Jesus chính là đấng cứu thế hay không. Ngoài ra, vì đối với con người, Chúa có quyền chọn quyền bỏ, quyền sinh quyền sát tuyệt đối, nên trong số các tín đồ của Jesus, rốt cuộc ai có thể được Chúa sủng ái cứu lên trời, còn tùy thuộc vào quyền uy của Chúa. Nếu anh không được Chúa chọn, cho dù anh có là tín đồ của Jesus đi chăng nữa, thì vẫn không thể được cứu.

Có thể thấy, những vấn đề trong Cơ Đốc giáo xuất hiện càng ngày càng nhiều. Thần học ra đời ở các hệ phái và trong các thời kỳ của Cơ Đốc giáo sau này chính là để giải đáp yêu cầu của những vấn đề đó.

TIẾT 2: THÁNH ĐIỂN VÀ GIÁO HỘI CƠ ĐỐC GIÁO 

1. Cựu Ước và Tân Ước

Thánh điển Cơ Đốc giáo nói đến ở đây chỉ cho hai bộ kinh Cựu Ước và Tân Ước[1]Cựu Ước là di sản của Do Thái giáo, nhưng lại do Cơ Đốc giáo biên tập nên. Do Thái giáo tuy coi trọng bộCựu Ước mà Cơ Đốc giáo đã biên tập, nhưng họ không lấy cái tên “Cựu Ước” để đặt cho sách thánh của họ. Thánh thư Do Thái giáo được gọi là Torah[2]. Về Cựu Ước, ở chương phía trước đã có nói qua. Song, Cựu Ước là sản vật của Do Thái giáo, tại sao lại trở thành Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo? Lý do là vì, bản thân Jesus xuất thân từ tín ngưỡng Do Thái giáo và Jesus không hề phản đối Do Thái giáo. Điều này đã được nói rất rõ ràng trong đoạn 17 và 18, chương 5, Phúc Âm Matthew: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn”. Vì vậy, tất cả những phần liên quan đến nguồn gốc và tín điều tôn giáo trong Cựu Ước, Jesus đều vận dụng và tái hiện bất cứ khi nào có thể như chúng ta thấy trong các sách Phúc Âm. Ví dụ, tín ngưỡng nhất thần, sự tuân thủ 10 điều răn của Moses và luật pháp của các tiên tri, hầu hết đều đã được Jesus tiếp thu. Bởi vậy, nếu không có Cựu Ước làm nền tảng thì tín ngưỡng Cơ Đốc giáo liền trở thành tòa lâu đài cát, không chỗ dựa nương.

Có thể thấy, Jesus không hề phản đối Do Thái giáo, nếu sau này Paul không gia nhập Cơ Đốc giáo thì Cơ Đốc giáo cũng chỉ là một chi phái của Do Thái giáo. Jesus và đa số môn đồ của ông khi đó vẫn còn giữ cái khí chất của Do Thái giáo. Điều mà Jesus phản đối là những tín đồ Do Thái bảo thủ, ngoan cố, không thực tế. Ví dụ, bảy tai họa của người Pharisees mà ông nêu ra là để chỉ trích tác phong giáo phái, không phải để phê phán giáo lý căn bản của Do Thái giáo.

Jesus xem Chúa là cha của nhân loại. Về mặt quan niệm, thực sự đã cải thiện hoàn toàn tính chất của Chúa trong Cựu Ước. Chúa trong Cựu Ước mang tính uy nghiêm, còn Chúa mà Jesus mong đợi thì có tính từ ái. Tuy nhiên, việc gọi Chúa là cha, trong Cựu Ước sớm đã có tiền lệ. Sau này, từ khi Jesus xem bản thân mình chính là hóa thân của Chúa thì tính chất của Chúa lại được khôi phục nguyên trạng như trong Cựu Ước.

Tân Ước gồm tổng cộng 27 cuốn kinh, trong đó có 4 cuốn Phúc Âm ghi chép lại lời nói, việc làm của Jesus lúc sinh thời, và 1 cuốn Công Vụ Các Sứ Đồ ghi chép lại sự tích về các sứ đồ. Ngoài ra, những kinh sách được đưa vào bộ Tân Ước khác, đại đa số xuất xứ từ thủ bút của Paul và các sứ đồ James, Peter, John và Judas. Nếu nói về niên đại ra đời thì những kinh sách do Paul viết xuất hiện sớm nhất. Vào khoảng từ năm 50 đến năm 62, Paul đã hoàn thành những kinh sách Cơ Đốc giáo đầu tiên này. Bốn cuốn Phúc Âm có thể đã được viết xong trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III. Tuy trong đó thực sự đã ghi lại rất nhiều tư liệu về cuộc đời Jesus, nhưng lấy kinh sách Cơ Đốc giáo ra cân đo đong đếm, nếu nói 4 cuốn Phúc Âm là sách thánh căn bản, chi bằng nói thủ bút của các sứ đồ, đặc biệt là của Paul, là cội nguồn của giáo lý Cơ Đốc thì đúng hơn. Vì, khi Jesus còn tại thế, ông không hề để lại một mẩu giấy viết tay nào. Bản thân Jesus cũng không phải là một tư tưởng gia, những điều ông nói hoàn toàn xuất phát từ cái gọi là “khải thị” mang tính trực giác, không có hệ thống tư biện nào chỉ đạo. Do đó, trong các sách Phúc Âm, chúng ta có thể xem thấy lời nói của Jesus có rất nhiều chỗ mâu thuẫn. Ví dụ, ông tự cho mình là Thiên Chúa, nhưng đến khi bị xử tử trên thập tự giá, thì lại gào lên: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Sao Ngài bỏ rơi con?”[3] Có thể là vì khi đó ông đang vô cùng thống khổ, lại bị rất nhiều người vây quanh nhục mạ, nên trong lúc phẫn nộ đã quên mất thân phận trước đây của mình, tách mình ra khỏi Thiên Chúa chăng?

2. Những tín đồ Cơ Đốc thời kỳ đầu

Danh xưng Cơ Đốc nhân[4] được sử dụng đầu tiên ở thành Antioch của Syria ngay từ năm 42 sau Công nguyên. Cư dân thành Antioch vốn dùng tên gọi này để chế giễu các tín đồ của Jesus, giống hệt tên gọi Thanh giáo đồ[5] mà người trong Giáo hội Anh giáo sử dụng để chế giễu những người theo Tân giáo.

Vào thời đại Jesus, tuy ông cảm hóa được rất nhiều phụ nữ, trẻ em, kẻ bệnh hoạn, người nghèo khổ và các ngư dân... nhưng những môn đồ[6] thực sự được Jesus đặc biệt tuyển chọn chỉ có 12 người, đó chính là: Simon Peter, Andrew, James - con trai của Zebedee, John, Philip, Bartholomew, Thomas, Matthew - người thu thuế, James - con trai của Alphaeus, Thaddaeus, Simon - người nhiệt thành và Judas Iscariot. Sau khi Jesus chết, họ được đổi tên gọi thành “sứ đồ”[7] (hay còn gọi là “tông đồ”). Trong 12 sứ đồ, sau này có Judas chỉ vì 30 đồng bạc mà đã bán cả thầy Jesus của mình cho tư tế trưởng của người Do Thái, Jesus do đó mà bị bắt và gặp nạn. Không lâu sau, Judas cũng treo cổ tự tử chết. Sau khi Jesus thăng thiên, các sứ đồ đã chọn Matthias bổ sung vào chỗ của Judas cho đủ 12 sứ đồ.

Tiêu chuẩn chọn môn đồ của Jesus rất khắt khe, dưới đây xin nêu ra một số yêu cầu tuyển chọn của ông:

a. Jesus nói: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống của mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.”[8]

b. Jesus nói: “Còn ai không vác thập tự giá của mình theo ta, cũng không được làm môn đồ ta”[9]. Lại nói: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo ta.”[10]

c. Jesus nói với một người xin phép về chôn cha trước rồi sau sẽ theo ông rằng: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời.”[11]

d. Có người thưa với Jesus rằng: “Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi”. Jesus phán rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.”[12]

Từ đó có thể thấy, để làm môn đồ của Jesus khó biết nhường nào, phải bỏ hết tất cả thế tục, gia đình và cá nhân mình, mới có thể trở thành môn đồ của ông. Sau khi Jesus bị nạn, hầu hết 12 sứ đồ đã gánh vác trách nhiệm truyền bá Phúc Âm, trở thành thạch trụ của giáo hội Cơ Đốc thời kỳ đầu.

3. Sự truyền giáo của sứ đồ Paul

Tuy các sứ đồ cũng là tín đồ của Jesus, nhưng khi bắt đầu truyền giáo, họ vẫn không vượt ra được phạm vi đất nước Do Thái. Người Do Thái tuy có một số ít nhờ sự truyền giáo của họ mà tin theo Cơ Đốc giáo, nhưng tuyệt đại đa số vẫn nhìn Cơ Đốc giáo với ánh mắt thù địch. Các sứ đồ vấp phải trắc trở ở khắp nơi trong đất nước Do Thái nên về sau họ đã phát triển ra các nước ngoại bang cũng là thuộc địa của chính quyền La Mã. Đối tượng đầu tiên của họ là những kiều bào người Do Thái. Nhưng tính cách của người Do Thái cang cường đến cùng, tuy làm kiều dân ở nước ngoài, nhưng họ cũng vẫn phản đối Cơ Đốc giáo.

Khi các sứ đồ không còn cách gì truyền giáo cho những đồng bào Do Thái của mình, họ mới nghĩ đến việc đem Phúc Âm của Cơ Đốc rao giảng cho dân ngoại. Người có công lớn nhất trong sự nghiệp này chính là sứ đồ Paul.

Paul gia nhập giáo hội vào khoảng năm 35, sau khi Jesus chết. Ông vốn là một người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin của Israel, sinh ra ở Tarsus, thủ phủ tỉnh Cilicia. Ông có quyền lợi của một công dân La Mã. Vì mang một lúc hai quốc tịch La Mã và Do Thái, tiếp nhận được nền giáo dục đặc thù của hai nước này, đồng thời nơi ông ở lại có cơ hội để nghiên cứu, học tập đầy đủ về các học thuyết của Hy Lạp, nên ông có trình độ học vấn trên cả 3 phương diện: tôn giáo của Do Thái, chính trị của La Mã và triết học của Hy Lạp.

Chúng ta biết rằng, khi Jesus còn tại thế, 12 sứ đồ mà ông đã tuyển chọn ra một cách nghiêm ngặt, thực sự có trình độ văn hóa vô cùng thấp, người có học vấn nhất là Matthew, cũng chỉ là một người thu thuế. Giờ đây có được một nhân tài như Paul, đối với Cơ Đốc giáo, quả thật cực kỳ quan trọng. Paul tin vào Cơ Đốc giáo với lòng cung kính như tin vào Do Thái giáo; ông xây dựng và mở rộng giáo hội Cơ Đốc bằng biệt tài về chính trị La Mã của mình; đặc biệt, ông còn dùng tư tưởng và phương pháp của triết học Hy Lạp để bắt đầu giải thích về thần học của Cơ Đốc giáo. Vì thế, trong tổng số 27 sách Tân Ước, đã có tới 13 cuốn Thư Tín[13] được ký tên Paul, và 1 cuốn nữa cũng đang nghi là của Paul. Thần học Cơ Đốc giáo sau này luôn lấy ý kiến của Paul làm căn cứ chính thống.

Trước khi theo Cơ Đốc giáo, Paul tên là Saul. Ông vốn từng đứng trên lập trường của Do Thái giáo, muốn mượn quyền lực chính trị để tiêu diệt Cơ Đốc giáo. Sau này, tinh thần tử vì đạo của tín đồ Cơ Đốc đã làm cho ông cảm động mà tin theo Cơ Đốc giáo, trở thành một tín đồ Cơ Đốc nhiệt thành. Ông đã vắt kiệt trí tuệ và khả năng, chịu đủ giày vò và hành hạ, bôn ba truyền bá tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo. Với vốn nền tảng văn hóa sẵn có, tất cả các tỉnh phụ thuộc của La Mã như: Damascus, Cyprus, Paphos, Pamphylia, Pisidia, Lycaonia, Galatia, Phrygia, Syria, Cilicia, Macedonia, Athens, Achaea... không nơi nào không có dấu chân ông. Thậm chí, vào năm 58, ông viết thư nói với người La Mã rằng ông mong muốn đến đế đô La Mã để thuyết giáo cho người La Mã nghe, và rằng ông có kế hoạch phát triển về phía tây, lấy Tây Ban Nha làm đích đến. Có thể thấy, trong hơn 20 năm, sau khi tin theo Cơ Đốc giáo, Paul đã nỗ lực truyền bá Cơ Đốc giáo cho người ngoại bang như thế nào. Vì vậy, ông còn có một danh hiệu là “Sứ đồ của dân ngoại”[14]. Nhưng đến năm 62, sau khi đến La Mã, ông đã bị hoàng đế La Mã Nero xử tử, trở thành một người tử vì đạo[15], tức người bị chết vì chính tín ngưỡng của mình.

4. Giáo hội thời kỳ đầu

Sau khi Jesus gặp nạn, môn đồ ly tán khắp nơi. Nhưng rồi tin tức Jesus phục sinh truyền đi, lại gặp đúng lúc chính phủ không còn truy cứu dư đảng của Jesus nữa, nên trừ Judas ra, 11 sứ đồ còn lại đã tập trung ở nhà của Mark John, tính thêm người nhà của Jesus và những phụ nữ kiền thành, tổng cộng có 120 người. Theo đề nghị của Simon Peter, họ đã chọn Matthias bổ sung vào cho đủ 12 sứ đồ. Những công vụ của giáo hội ban đầu này do 12 người họ chủ trì.

Sau khi giáo hội thành lập, sự hiệp thông[16] với Thiên Chúa đã đưa đến cho các sứ đồ một kinh nghiệm thần bí xuất phát từ tâm thành kính của họ, họ cảm thấy mình được Chúa Thánh Linh làm cho sung mãn. Sự hiệp thông giữa họ với Chúa cũng liên quan đến sự hiệp thông giữa các tín đồ với nhau. Ví dụ: “Các tín hữu tập hợp lại thành một đoàn thể và lấy mọi vật làm của chung. Họ bán đất đai và tài sản, rồi lấy tiền bán được chia cho mọi người, tùy theo nhu cầu của mỗi người. Hằng ngày họ một lòng chăm chỉ đến đền thờ; còn tại các tư gia, họ cử hành lễ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ và chân thành. Họ ca ngợi đức Chúa Trời và được lòng mọi người. Mỗi ngày, Chúa thêm những người được cứu vào đoàn thể của họ”[17]. Đây là khởi thủy của sinh hoạt giáo hội, cũng là khởi thủy của việc thực thi chủ nghĩa xã hội của Cơ Đốc giáo. Chế độ này được Cơ Đốc giáo học từ phái Essence bên Do Thái giáo, còn sinh hoạt tôn giáo của phái Essence thì lại có nguồn gốc từ sinh hoạt tôn giáo của Ấn Độ.

Tín đồ đã nhiều, khu vực truyền giáo đã rộng, tổ chức sinh hoạt hiệp thông này, nhờ đó, ngoài Jerusalem, còn lan ra cả các nước ngoại bang. Các giáo hội ở nước ngoài đa phần là do Paul gây dựng nên, giáo hội ở Jerusalem cũng thường nhận được sự hỗ trợ về vật chất của các giáo hội ở nước ngoài. Mỗi lần các sứ đồ đến một nơi nào đó, quy tụ được một số tín đồ, liền thành lập ở nơi đó một cơ sở làm chỗ tụ họp. Khi rời đi, họ giao lại nó cho tín đồ sở tại phụ trách và tiếp tục phát triển. Kinh phí đều do tín đồ sở tại đảm trách, các sứ đồ chỉ lo việc đi khai sáng, không dính dáng gì đến; nhưng giáo hội mới có thể nhận được sự viện trợ của các giáo hội đã thành lập từ trước, nên những giáo hội này phát triển rất nhanh.

Vì tài sản là của chung, nên có một số thành phần hủ bại dựa vào sinh hoạt hiệp thông để ngồi mát ăn bát vàng, sống bám vào giáo hội. Do đó, Paul liền đưa ra lời cảnh cáo rằng: “Người nào không chịu làm việc, thì cũng không nên ăn nữa”[18]. Để phổ biến chủ trương này, bản thân Paul cũng “chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào”, chỉ có như thế, mới có thể ra lệnh cho người khác “phải yên lặng mà làm việc, ăn đồ của mình làm ra”[19]. Điều này rất giống với sinh hoạt nông thiền[20] mà thiền sư Bách Trượng Hoài Hải của Thiền tông Trung Quốc đã chủ trương. Trong sinh hoạt thường ngày, các Tỳ-kheo Phật giáo Ấn Độ không được mua bán, canh tác; điều này học từ sinh hoạt của tăng lữ Bà-la-môn, và cũng là thông lệ của các đoàn thể Sa-môn vào thời đức Phật. Nhưng đến khi Thiền tông hưng khởi ở Trung Quốc, nếu không tự làm mà ăn thì khó mà tồn tại nổi. Vì thích ứng với hoàn cảnh nên phải có phương cách để những người xuất gia nương vào đó mà duy trì sự sống.

5. Những nhân tố phát triển giáo hội

Giáo hội Cơ Đốc phát triển nhanh chóng nhờ 5 nhân tố chính sau đây:

a. Từ khi dân tộc Do Thái bị ngoại bang thống trị, rất nhiều người dân đã di cư ra nước ngoài và sống rải rác khắp nơi, giống như tình trạng của người Do Thái mà chúng ta thấy hiện nay. Có điều, tuy người Do Thái sống ở khắp nơi, nhưng họ đều phải trở về Jerusalem để đón lễ giáng sinh. Vào thời đại đó, các sứ đồ của Jesus có tinh thần truyền đạo rất cao, họ đã lợi dụng triệt để các hội đường[21] có sẵn của người Do Thái. Mỗi khi đến một thành phố, thị trấn nào, họ luôn đến hội đường của người Do Thái trước tiên[22]. Khi không được phép sử dụng hội đường của người Do Thái, họ liền đến những nơi công cộng khác để thuyết giảng cho đại chúng. Trong số những người Do Thái nghe giảng, chắc chắn có một bộ phận đã vì đó mà thay đổi tín ngưỡng của mình. Khi những người cải đạo này trở về nơi định cư ở nước ngoài, họ đã mang Cơ Đốc giáo tới những vùng đất mới.

b. Cơ Đốc giáo xuất hiện đúng vào những năm đế quốc La Mã mới hình thành, cả nước hòa bình và thống nhất. Rất nhiều đường biên giới giữa các tiểu quốc bị xóa sổ, rất nhiều tập tục cũ của các dân tộc được giải phóng, tôn giáo của dân tộc nào cũng đều được khoan dung và bảo hộ. Vì vậy, đối với Cơ Đốc giáo mới hưng khởi, chính phủ cho rằng nó là một nhánh của Do Thái giáo nên cho phép được tự do truyền bá. Do đó, các dân tộc tuy có chủ trương phản đối Cơ Đốc giáo nhưng cũng không thể tùy ý công kích hoặc ngăn trở. Cơ Đốc giáo liền nhân cơ hội đó tích cực triển khai hoạt động truyền giáo trên khắp các vùng miền của đế quốc La Mã.

c. Từ khi Alexander Đại đế (356 - 323 trước Công nguyên) ra sức truyền bá văn hóa Hy Lạp đến lúc Cơ Đốc giáo ra đời, tại miền bắc Ấn Độ và các vùng duyên hải biển Đen, tiếng Hy Lạp đã trở thành ngôn ngữ thông dụng quốc tế. Điều này giúp cho những sứ đồ đi các nơi truyền giáo giảm bớt được sự khó khăn về bất đồng ngôn ngữ. Họ còn dùng chữ Hy Lạp viết thư gửi cho các tín đồ thuộc địa phương khác và dân tộc khác ở khắp mọi nơi xem, và những thư tín đó đã trở thành sản phẩm tuyên truyền vĩnh cửu, tức bộ kinh Tân Ước sau này.

d. Đế quốc La Mã thời kỳ đầu dung nạp hết thảy tôn giáo của các dân tộc và lập ra hàng vạn điện thần, nhưng chính phủ La Mã rất muốn thống nhất tín ngưỡng tôn giáo nên đã ra lệnh cho tất cả các nước phụ thuộc đều phải thờ tượng của hoàng đế La Mã trong các đền miếu, hy vọng lấy hoàng đế làm trung tâm để thống nhất tôn giáo. Tín đồ Cơ Đốc cho rằng hoàng đế La Mã không phải là Chúa nên không chịu kính bái, đến nỗi bị tố là những kẻ phản nghịch hoàng đế và đất nước, vì thế họ phải chịu sự bức hại không ngừng. Nhưng qua một, hai trăm năm sau, Cơ Đốc giáo càng bị bức hại, lại càng thịnh vượng hơn. Đến năm 311, vua Galerius hạ lệnh chấm dứt mọi sự bức hại đối với Cơ Đốc giáo và ra một Sắc lệnh Khoan dung[23]. Constantine, người kế vị Galerius, lên ngôi vào năm 312, sang năm 313 liền ban bố một sắc lệnh nổi tiếng có tên là Sắc lệnh Milan[24] cho phép tự do tôn giáo; từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ Đốc giáo bắt đầu được chính phủ công nhận. Đế quốc La Mã ban đầu xem thường sức mạnh của Cơ Đốc giáo, sau đó ngăn chặn Cơ Đốc giáo phát triển, cuối cùng lại lấy Cơ Đốc giáo làm quốc giáo để thống nhất tín ngưỡng trong cả nước. Dĩ nhiên, có được điều này là nhờ nỗ lực của các tín đồ Cơ Đốc, nhưng cũng là do sự chuyển hướng trong cách nghĩ của chính phủ. Có người xem việc Constantine ủng hộ Cơ Đốc giáo giống như việc vua Asoka của Ấn Độ ủng hộ Phật giáo. Kỳ thực, Asoka hoàn toàn là vì nghe theo tiếng gọi của chánh pháp Phật giáo, không hề có dụng tâm chính trị; còn Constantine là vì tranh thủ lấy lòng tín đồ Cơ Đốc để họ ủng hộ ông giành vương vị. Do thế lực của Cơ Đốc giáo khi đó là sự thật đã rồi, Constantine chỉ còn cách thuận theo thời thế. Vì lẽ đó, mặc dù ủng hộ Cơ Đốc giáo, ông vẫn chưa trở thành một tín đồ Cơ Đốc; mãi đến năm 337, lúc sắp lâm chung, ông mới nhận lễ rửa tội và gia nhập Cơ Đốc giáo.

e. Tôn giáo của các dân tộc trong lãnh thổ La Mã đều là những tôn giáo mang hình thái cổ lỗ, màu sắc mê tín vô cùng nặng nề, không vượt qua nổi sự khảo sát của triết lý. Triết học Hy Lạp trước thời Jesus, như tư tưởng của Socrates (469 - 399 trước Công nguyên) và Plato (427 - 347 trước Công nguyên), đúng lúc đó đã đánh đổ tín ngưỡng của các tôn giáo cũ về mặt triết học. Văn hóa Hy Lạp thời đó đang được các nước phụ thuộc của La Mã học tập và nghiên cứu. Các sứ đồ cùng các giáo phụ[25] của Cơ Đốc giáo đã rút tỉa và lợi dụng những phần thứ yếu trong triết học Hy Lạp phù hợp với tư tưởng Cơ Đốc giáo để làm chỗ dựa giúp Cơ Đốc giáo phát triển về mặt học thuyết. Đặc biệt, vào thời đại La Mã, triết học Hy Lạp đã mất đi tinh thần sáng tạo ban đầu. Trong trạng thái bảo thủ và lay lắt, các học phái sau này càng tranh luận lẫn nhau, càng nói suông chân lý, thì càng lộ rõ sự yếu kém và bất lực của triết học trên phương diện luân lý và thực tiễn. Khi đó, Cơ Đốc giáo xuất hiện và cổ xúy cho ân điển của Chúa cùng sự cứu giúp từ bên ngoài, ngược lại đã nhận được sự ủng hộ của mọi người.

6. Sự trưởng thành của giáo hội

Đầu thời đại của các sứ đồ, giáo hội chưa có một tổ chức chặt chẽ, kết quả là: “Có những người gốc Do Thái nói tiếng Hy Lạp oán trách người Hebrew[26] vì những phụ nữ góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày”. Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm họp lại mà nói rằng “hãy chọn trong bọn mình 7 người có danh tốt, đầy rẫy Chúa Thánh Linh và trí khôn” để làm công việc cấp phát trong sinh hoạt hiệp thông của giáo hội[27]. Đó là sự khởi đầu của chức vụ giáo hội hay chế độ hành chính giáo hội. Từ đó về sau, giáo hội dần dần mở rộng, công việc càng ngày càng nhiều, những Chấp sự[28] cũng ngày một đông hơn, Paul bèn đặt chức danh cho bọn họ. Ví dụ, trong kinh Corinthians có Sứ đồ, Tiên tri[29], Giáo sư[30], Người làm phép lạ[31], Người chữa tật bệnh[32], Người giúp đỡ[33], Người quản lý[34], Người nói các thứ tiếng địa phương... Trong kinh Ephesus, giữa Tiên tri và Giáo sư, thêm vào Người truyền bá Phúc Âm[35] và Mục sư[36]. Đến kinh Timothy và kinh Titus, Paul đã nhiều lần nói rõ tư cách của Giám mục[37], Trưởng lão[38] và các Chấp sự. Đây là những danh xưng trong giáo hội vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên.

Đến thế kỷ thứ II, do chi nhánh của giáo hội ngày một nhiều, lại không thể không phát triển thành những tổ chức tương đối lớn, nên đã xuất hiện các Giám mục quản lý nhiều giáo xứ. Sang thế kỷ thứ III, lại xuất hiện chức Tổng giám mục[39] quản lý nhiều giáo phận. Trong số rất nhiều tổng giám mục, quyền lực, địa vị, danh vọng, đức hạnh, tài năng của mỗi vị không giống nhau, tổng giám mục ở 3 trung tâm văn hóa là thành Syrian Antioch, thành Alexandria và thành Rome so ra là lớn nhất. Hội nghị Giám mục ở Constantinople năm 381 quyết định lấy Constantinople làm kinh đô mới. Hội nghị Giám mục ở Chalcedon năm 451 quyết định lấy Jerusalem làm nơi khởi nguồn của giáo hội. Vì vậy, tính thêm cả 3 tòa thành phía trên, tổng cộng có 5 tổng giám mục được công nhận là Giáo trưởng[40], quản lý chính thể giáo hội của toàn La Mã.

Năm 392, việc hoàng đế La Mã Theodosius I ra lệnh lấy Cơ Đốc giáo làm quốc giáo đã đặt ra yêu cầu cho giáo hội cần phải xây dựng một tổ chức lớn thống nhất. Do sứ đồ Peter tử vì đạo tại thành Rome[41] và ông cũng từng làm giám mục Rome, nên các giáo trưởng Rome sau này tự xưng là người kế thừa địa vị của sứ đồ Peter và phải đứng trên 4 vị giáo trưởng còn lại. Trải qua 1 thế kỷ tranh luận, khoảng năm 500, giáo trưởng của thành Rome cuối cùng đã được gọi là Giáo hoàng (Pope).

Kỳ thực, chế độ hành chính của Cơ Đốc giáo hoàn toàn mang bản chất của tôn giáo La Mã cổ, nhất là đến khi Giáo hoàng kiêm nhiệm cả chức quốc vương và giám mục có quyền thống trị giáo dân thì nó chính là chế độ chính trị thần quyền chính giáo hợp nhất.

7. Sự chia rẽ của giáo hội

Vì nhà thần học Augustine (354 - 430) đề xướng rằng ngoài giáo hội ra không còn con đường nào khác để được cứu rỗi nên địa vị của giáo hội phải ở trên cả nhà nước. Bởi thế, sau này đã xuất hiện cục diện xem giáo hội là nhà nước trên nhà nước, Giáo hoàng là đế vương trên đế vương.

Đặt giáo hội trên nhà nước vốn là một sự biểu thị thiêng liêng. Nhưng khi giáo hội can dự vào chính trị thế tục và lợi dụng chính trị thế tục để trục lợi thì giáo hội không sao tránh khỏi việc bị sa đọa trong sự hủ hóa mang tính thế tục. Tất cả tội ác mà những nhân vật làm chính trị có thể phạm phải thì các Giáo hoàng, giáo sĩ của Cơ Đốc giáo cũng đã phạm không sót một tội nào! Vì vậy, những tội lỗi mà giáo hội đã gây ra trong thời kỳ Trung cổ nhiều không kể xiết.

Chỉ có điều, sau khi chính trị hóa giáo hội, tuy đã lũng đoạn văn hóa, tư tưởng và tín ngưỡng tôn giáo của người phương Tây, tạo nên sự lộng quyền và khoảng trống trong lịch sử phát triển tư tưởng, nhưng giáo hội cũng đã có nhiều công lao trong việc cảm hóa các dân tộc dã man xâm lược từ phương Bắc. Đồng thời, vì giáo hội lợi dụng phương pháp và tư tưởng của triết học Hy Lạp để bảo vệ cho tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo, nên nhờ sự sưu tập và cất giữ của giáo hội mà văn hóa Hy Lạp mới được lưu truyền, bảo dưỡng nguyên khí cho nền Văn nghệ Phục hưng sau này.

Tuy nhiên, sau khi chính trị hóa, do bất đồng về khu vực và tư tưởng, giáo hội La Mã đành phải chịu sự chia rẽ thành các hệ phái. Đầu tiên, giáo trưởng ở thành Constantinople nảy sinh bất hòa về chính kiến với giáo trưởng ở thành Rome. Vì giáo hội Rome ở gần phương Tây càng ngày càng dính dáng đến chính trị, tha hóa biến chất với đời sống tôn giáo và chính trị lộn lạo; còn giáo hội Constantinople ở gần phương Đông thì vẫn gắn chặt vào triết học Hy Lạp, trở nên viển vông, thiếu thực tế với hình thức tôn giáo kinh viện. Đây là kết quả tất yếu đưa đến hai xu hướng La Mã hóa và Hy Lạp hóa của giáo hội.

Giáo trưởng thành Rome tự ý cho rằng mình là người kế thừa sứ đồ Peter làm lãnh tụ cao nhất của giáo hội, tự xưng là Giáo hoàng, rồi yêu cầu giáo trưởng thành Constantinople phục tùng mình, giáo trưởng thành Constantinople thì lại không đồng ý quyết định chọn giáo trưởng La Mã làm người đứng đầu giáo hội. Ngoài ra, giáo trưởng thành Rome chỉ chấp nhận 50 điều trong số 85 điều lệ chính trị mà giáo hội Constantinople đã thiết lập. Vì vậy, đến năm 1054, hai giáo hội Đông và Tây đã tách ra riêng biệt. Giáo hội ở Rome gọi là Giáo hội Công giáo La Mã[42], còn giáo hội ở phương Đông gọi là Giáo hội Chính thống Hy Lạp[43] hoặc Giáo hội Chính thống Phương Đông[44].

Đến thời Martin Luther (1483 - 1546), vào tháng 10 năm 1517, từ Công giáo La Mã lại tách ra một hệ phái mới gọi là Phục nguyên giáo, Cải cách giáo hoặc Jesus giáo[45]. Ở Trung Quốc, người ta quen gọi Công giáo là La Mã giáo và gọi Phục nguyên giáo là Tân giáo. Tân giáo tách ra khỏi La Mã giáo là do sự ngang ngược, chuyên quyền, khủng bố, đen tối, hủ hóa và đồi bại của giáo hội Rome. Nhưng, Tân giáo mới tách ra cũng đã để lại những vết nhơ trong lịch sử phương Tây giống như La Mã giáo. Tân giáo hay Cựu giáo, tên gọi tuy khác nhau, nhưng bản chất thì giống nhau, nên có những người bất mãn với Tân giáo lại từ trong Tân giáo chia tách ra thêm năm lần bảy lượt nữa, làm cho Tân giáo ngày nay có đến tận mấy trăm giáo phái.

May mà, từ thời Cận đại đến nay, đa số các nước đã thực thi chế độ tách riêng chính trị và tôn giáo, các giáo hội Cơ Đốc tuy có thể gây ảnh hưởng lên chính phủ, nhưng đã không còn thao túng được chính trị. Đồng thời, trong hiến pháp của các nước, phần lớn đều có quy định bằng văn bản rõ ràng rằng: người dân có quyền tự do tín ngưỡng bất cứ tôn giáo nào mình thích, cũng như quyền tự do không tín ngưỡng bất cứ tôn giáo nào. Vì vậy, các phái của giáo hội Cơ Đốc ngày nay đã không còn dám bức hại, chém giết lẫn nhau như vài thế kỷ trước nữa.

TIẾT 3: THẦN HỌC CƠ ĐỐC GIÁO

1. Giữa triết học và thần học

Lịch sử phát triển của thần học Cơ Đốc giáo có thể chia làm 4 giai đoạn:

a. Thời đại sứ đồ: chỉ cho thần học thế kỷ thứ I với Paul là đại biểu.

b. Thời đại giáo phụ: chỉ cho thần học từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI, thứ VII với Augustine là đại biểu.

c. Thời đại kinh viện: chỉ cho thần học từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XV với Thomas Aquinas (1225 - 1274) là đại biểu.

d. Thần học cận đại: chỉ cho tư tưởng của giáo hội xuất hiện sau thời Văn nghệ Phục hưng để kháng cự lại cũng như thích ứng với triết học và khoa học cận đại. Ngoài việc bất đắc dĩ phải chia thành hai bộ phận là Tự nhiên[1] và Mặc khải[2] dựa trên tính kinh viện và tính bất hợp lý của triết học Cơ Đốc giáo trước đây, thần học cận đại hoàn toàn không có điểm gì mới lạ đáng nói tới. Vì vậy, sách này sẽ chỉ giới thiệu đại cương về ba thời đại trước mà thôi.

Cái gọi là thần học Cơ Đốc giáo chính là kết quả của việc sử dụng các quan niệm và phương pháp tư biện của triết học để tìm kiếm căn cứ về mặt học thuyết cho tín ngưỡng nhất thần của Cơ Đốc giáo. Tín ngưỡng Cơ Đốc giáo vốn dĩ vô cùng ấu trĩ, chẳng khác là bao với bản chất của tôn giáo nguyên thủy. Xem xét tư tưởng căn bản của Cơ Đốc giáo trên quan điểm nhân loại học, sẽ thấy nó thực sự giống với tôn giáo của các dân tộc nguyên thủy, và nó cũng chính từ các dân tộc nguyên thủy mà phát triển ra. Điều này đã được lần lượt trình bày và phân tích ở nhiều chương trước trong sách này. Nhưng, phần lớn tôn giáo nguyên thủy đã bị suy tàn, diệt vong hoặc chỉ còn thoi thóp, lay lắt. Riêng Cơ Đốc giáo có thể tồn tại lâu dài, không bị suy vi là vì nó đã kịp thời hấp thu những tư tưởng mới của nước ngoài và của thời đại. Để thích ứng với hoàn cảnh và đạt được mục đích chinh phục ngoại đạo, nếu có thể dùng thủ đoạn phá hoại để hoàn thành nhiệm vụ, Cơ Đốc giáo liền ra tay phá hoại một cách hiểm độc không chút xót thương; nếu không thể phá hoại, họ liền dùng chính sách hòa giải, dần dần nghiên cứu nó, hấp thu nó, cuối cùng là hòa tan và thôn tính nó. Từ thời đại sứ đồ đến nay, Cơ Đốc giáo chưa từng bỏ quên nguyên tắc duy nhất của mình là “đấu tranh để tồn tại”, nên đối với động thái của những người không theo Cơ Đốc giáo, họ đặc biệt mẫn cảm và thời thời khắc khắc muốn biến những người đó thành người giống như họ mới thôi. Nhờ vậy, Cơ Đốc giáo có đủ tiềm lực để thôn tính và tiêu diệt các văn hóa tôn giáo khác, lại không dễ bị thời đại và hoàn cảnh tùy ý đào thải giống như các tôn giáo nguyên thủy.

Tâm cảnh giác của Cơ Đốc giáo rất cao, giống như một lão tướng dày dặn trận mạc, tuy luôn sẵn sàng giương súng bắn vào quân thù, nhưng cũng không quên từng giây từng phút để ý đến sự an toàn của bản thân, đồng thời còn học tập những kỹ năng đặc biệt của kẻ địch để bổ túc cho những khiếm khuyết của mình. Cơ Đốc giáo có thần học là nhờ nó biết thức thời, học được những ưu điểm trong triết học của người nước ngoài. Trên thực tế, nếu xa lìa triết học Hy Lạp, Cơ Đốc giáo cũng chẳng còn có thần học nữa.

2. Ngọn nguồn của thần học

Thuở ban đầu của Cơ Đốc giáo, vào thời đại các sứ đồ đang truyền đạo, sự phát triển thực lực quốc gia của La Mã đã làm dậy lên dã tâm của đế quốc này. La Mã tuy chinh phục được lãnh thổ của nền văn hóa Hy Lạp nhưng lại trở thành tù binh của Hy Lạp trên phương diện văn hóa. Giờ đây, các sứ đồ Cơ Đốc giáo với tham vọng ngút trời muốn Cơ Đốc giáo thay thế địa vị của văn hóa Hy Lạp, trở thành “người chỉ đạo” của đế quốc La Mã. Bởi những thành thị lớn dưới sự cai trị của La Mã lúc bấy giờ như: Antioch, Pergamum, Tarsus, Alexandria, Rome... đều là trung tâm của văn hóa và triết học Hy Lạp nên các sứ đồ đành phải khoác lên mình chiếc áo “triết học Hy Lạp” để rao giảng Phúc Âm của Jesus cho quần chúng.

Vì thế, Thư Tín của Paul, bức thư khuyết danh gửi tín hữu Do Thái, các trước tác được ký tên là Luke và John... trong Tân Ước đều mang sắc thái triết học Hy Lạp. Tân Ước chỉ có số ít vài sách như: Thư Của Judas[3]Thư Của JamesCông Vụ Các Sứ ĐồPhúc Âm Matthew và Thư Thứ Nhất Của Peter là trước tác Do Thái hóa thuần túy.

Đương nhiên, tín đồ Cơ Đốc không tự hủy diệt mình, họ hấp thu triết học Hy Lạp một cách có chọn lọc. Những trường phái triết học Hy Lạp có ảnh hưởng đến Cơ Đốc giáo đầu tiên là phái Stoic[4], phái Plato[5], phái Tân Pythagore[6] và phái Philo Judaeus; đến thời Trung cổ, Cơ Đốc giáo còn sử dụng cả triết học của Aristotle. Dưới đây xin lần lượt giới thiệu những học thuyết có giá trị được Cơ Đốc giáo sử dụng của 5 trường phái triết học này:

2.1 Phái Plato: Có hai học thuyết của Plato đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng triết học của các giám mục Cơ Đốc giáo.

a. Quan niệm luận hay bản thể luận: Plato chia thế giới làm 2 phần là thế giới ý niệm và thế giới cảm quan. Thế giới ý niệm là bản thể của vũ trụ; thế giới cảm quan là những hiện tượng được thần linh sáng tạo ra từ hư vô dựa theo thế giới ý niệm. Vì vậy, thế giới ý niệm tồn tại vĩnh hằng, chân thật, bất biến; còn thế giới cảm quan chỉ tạm thời hiện hữu, biến đổi không ngừng. Cơ Đốc giáo thì lấy Chúa làm chân lý vĩnh hằng, còn thế giới hiện tượng là do Chúa sáng tạo ra.

b. Nhân sinh quan hay thuyết linh hồn: Plato cho rằng nhân sinh cũng có 2 thế giới là thế giới bản thể với sự tham gia bằng lý trí trực giác và thế giới hiện tượng với sự tham gia bằng tri giác và dục vọng. Nhân tố hoạt động làm cho con người tham gia vào 2 loại thế giới này chính là linh hồn. Linh hồn ở thế giới bản thể và kết hợp với quan niệm thì nó là lý trí trực giác; linh hồn ở thế giới hiện tượng và kết hợp với nhục thể thì nó là ý chí và dục vọng (ý chí cao quý hơn dục vọng). Lý trí trực giác là lý tính, ý chí và dục vọng là phi lý tính. Biểu đồ sau biểu thị Cách phân chia linh hồn thành 3 bộ phận[7] của Plato:

blank

Cơ Đốc giáo chia con người thành 3 bộ phận: tinh thần (spirit), linh hồn (soul) và thân thể (body). Tinh thần là nhận thức đúng đắn tương hợp với Thiên Chúa; linh hồn là nguồn gốc sinh mạng đầy sức sống; thân thể là tất cả những dục vọng và ham mê. Chỉ tinh thần mới có thể trường tồn bất hoại. Plato cho rằng nhân sinh vì sự trói buộc của nhục thể mà không được tự do, chỉ sau khi linh hồn thoát ra khỏi nhục thể, mới có được chân nhận thức vô hạn. Nhân sinh quan này đã được Paul ứng dụng trong Cơ Đốc giáo[8], lấy cái chết làm sự giải thoát, đối diện cái chết với tinh thần lạc quan, nên tín đồ Cơ Đốc giáo chân chính không những không sợ chết mà còn mong muốn được chết sớm hơn.

2.2 Phái Stoic: Trường phái Stoic có một học xá nổi tiếng ở Tarsus, quê hương của Paul. Từ nhỏ, Paul đã học các học thuyết của phái này và về sau ông đã dùng chúng để giải thích Cơ Đốc giáo. Paul cho rằng vũ trụ là quy luật tồn tại mang tính phổ quát của thế giới. Chúng ta sinh sống, vận động và tồn tại trong vũ trụ. Chúa siêu việt hơn chúng dân, xuyên suốt khắp chúng dân, và trú ngụ trong chúng dân. Vạn vật đều có nguồn gốc từ Chúa, nương dựa vào Chúa và trở về với Chúa. Cách nói này cho thấy rõ là Paul đã dùng thuyết phiếm thần của phái Stoic để bổ sung cho thuyết siêu thần[9] của người Do Thái. Phái Stoic vốn chủ trương rằng Chúa tồn tại trong các phân tử vật chất, vạn vật đều có Chúa cư ngụ, Chúa bao trùm vạn vật, không hề có địa vị độc lập, mà tồn tại một cách phổ biến; Chúa của người Do Thái thì không ở trong vũ trụ vạn vật mà tồn tại vượt ra ngoài vũ trụ vạn vật và sáng tạo ra vũ trụ vạn vật. Một là thuyết phiếm thần, một là thuyết siêu thần, Paul đã đưa thuyết phiếm thần vào Cơ Đốc giáo, nhưng ông vẫn cho rằng Chúa là một nhân vật siêu nhiên có địa vị độc lập.

Phái Stoic còn chủ trương Thiên Chúa tồn tại một cách phổ quát, quá trình biến chuyển của tất cả các hiện tượng trong vũ trụ đều là biểu hiện mang tính tất nhiên của bản chất Thiên Chúa, cho nên trong vũ trụ có tồn tại định mệnh. Chủ trương này đã đem đến cho thuyết tiền định[10]của Cơ Đốc giáo chỗ dựa chắc chắn nhất: ý chí của Chúa tạo nên vũ trụ, Chúa có quyền uy để quyết định tất cả, sức con người không thể nào thay đổi được ý chí của Chúa. Con người được cứu là nhờ vào ân điển của Chúa; nếu không được cứu, cũng không có quyền oán trách là Chúa không công bằng. Trước khi tạo ra vạn vật Chúa đã có quyết định sẵn, vì vậy không thể nói là công bằng hay không công bằng. Giống như chúng ta tự mình kiếm ra tiền thì chúng ta có quyền tự do tiêu xài, hoặc dùng hết, hoặc cất giữ, bản thân khoản tiền kia bất luận thế nào cũng không có quyền can thiệp vào quyết định của chúng ta.

2.3 Phái Tân Pythagore: Pythagore là một nhà cải cách tôn giáo của Hy Lạp cổ đại. Trường phái triết học Pythagore lấy “con số” làm quan niệm cơ bản, xem vạn vật đều sinh ra từ con số. Số có đối số, nên vạn vật do con số sinh ra đều tồn tại thành các cặp đối lập. Đến phái Tân Pythagore, dựa trên quan niệm “con số là thần linh” của Pythagore, nói rằng Thiên Chúa là duy nhất nhưng dưới Thiên Chúa còn có rất nhiều thần linh phân chia đẳng cấp bằng các con số và rất nhiều thiên sứ trung gian giữa thần và người. Học thuyết này ảnh hưởng rất lớn đến triết học giáo phụ của Cơ Đốc giáo, đặc biệt là những giáo phụ theo phái Ngộ đạo[11]. Phái Ngộ đạo cho rằng giữa Thiên Chúa và con người có rất nhiều thần linh trung gian, vì muốn gần gũi với Thiên Chúa mà họ lễ bái những vị thần trung gian này.

2.4 Phái Philo Judaeus: Philo Judaeus (25 trước CN - 54 sau CN) tuy là tín đồ Do Thái giáo nhưng học thuyết của ông đã mở đường cho triết học Hy Lạp đến với Cơ Đốc giáo. Triết học Philo có thể chia làm 2 phương diện:

a. Vũ trụ quan của ông căn cứ trên tư tưởng của Do Thái giáo, pha trộn thêm thuyết siêu thần của Plato, xem thế giới là sáng tạo của Thiên Chúa Yahweh. Yahweh là thánh linh vô hình vô dạng, tồn tại vĩnh hằng, Ngài không trực tiếp sáng tạo mà dùng năng lực[12] gián tiếp. Sự thống nhất của năng lực này chính là “Ngôi Lời” (Logos). Về mặt từ nguyên, logos nghĩa là “lời nói”, nhưng các triết gia cổ đại sử dụng thuật ngữ này theo nhiều cách khác nhau, Philo xem Logos như là một nguyên lý thần thánh sống động ngập tràn khắp vũ trụ, nhờ nó mà mọi vật được tạo ra. Thế giới được sáng tạo từ Logos của Thiên Chúa. Sự quản lý, vận động và tồn tại của vũ trụ cũng được duy trì nhờ vào tác dụng của Logos.

b. Nhân sinh quan của ông cũng lấy Do Thái giáo làm gốc, pha trộn thêm thuyết nhị nguyên của Plato và Pythagore, cùng lối thuyết minh về giai cấp của phái Aristotle và Stoic. Ông cho rằng linh hồn của con người bắt nguồn từ Logos của Thiên Chúa. Vì không thuận theo lý trí của Chúa, linh hồn đọa vào thể chất và kết hợp với các cảm giác, cuối cùng bị giam hãm trong lao ngục của nhục thể. Nếu muốn khôi phục lại sự tự do của linh hồn, con người phải đạt đến sự giải thoát đối với những ham muốn hưởng thụ vật chất của nhục thể. Philo một mặt chủ trương con người phải khắc khổ, kiềm chế tình riêng và ác ý của mình, một mặt lại chủ trương con người phải tin vào sự trợ giúp từ sức mạnh của Chúa, kết hợp với Chúa. Linh hồn vốn ra đời từ sức mạnh của Chúa, muốn trở về với Chúa thì phải tự lực tu hành (tinh thần của phái Stoic) và tin vào sự trợ lực của Chúa (tinh thần Do Thái giáo).

2.5 Phái Aristotle: Thần học Cơ Đốc giáo trước thời kỳ thứ nhất của triết học kinh viện lấy tư tưởng của Plato làm trào lưu chính; đến thời kỳ thứ hai của triết học kinh viện, bắt đầu từ thế kỷ thứ XIII, lại lấy phái Aristotle làm trào lưu chính. Có việc này là vì sự hưng khởi dần lên của tư tưởng tự do và người ta đã nêu ra rất nhiều câu hỏi khiến giáo hội Cơ Đốc khó mà giải đáp được. Ví dụ: Việc sáng thế của Chúa có được Chúa biết trước hay không? Nếu như đã biết trước, mà Chúa lại còn phải sáng tạo thêm nữa, thì sự tự do của Chúa ở đâu? Nếu như chưa biết trước, thì làm cách nào giải thích thuộc tính toàn tri (không gì không biết) của Chúa đây? Trước khi sáng thế Chúa ở đâu? Chúa không thể ở trên trời vì trời cũng do Chúa sáng tạo ra. Giả dụ, con người không mang tội tổ tông thì có thể trẻ mãi không già không? Nếu như vậy thì con người làm sao sinh con đẻ cái?... Thế là, các học giả Cơ Đốc giáo phải cầu viện đến Aristotle. Giáo hội lúc đầu rất kỳ thị Aristotle, đến sau năm 1250, lại tuyên bố rằng hễ ai phản đối Aristotle thì đều là kẻ dị đoan. Bởi Aristotle vốn chủ trương Chúa tồn tại bên ngoài vũ trụ; đồng thời, giáo hội cũng đang ngày càng khốn đốn trong việc ứng phó với sự hưng khởi của khoa học tự nhiên, mà Aristotle lại là một nhà logic học, nhà vật lý học, nhà siêu hình học và nhà đạo đức học; cho nên, giáo hội đã lợi dụng Aristotle, một mặt để kháng cự lại tư tưởng phiếm thần, mặt khác để giải đáp những vấn đề về “tự nhiên”.

Kỳ thực, theo cách nhìn của Russell, một triết gia cận đại của Anh quốc, thần học của Aristotle không hẳn là hoàn toàn phù hợp với quan niệm của Cơ Đốc giáo. Chúa của Aristotle không có thuộc tính chủ tể như Chúa của Cơ Đốc giáo, Chúa của Aristotle không biết đến sự tồn tại của thế giới chúng ta. Theo Aristotle, tình yêu dành cho Chúa là nguyên do của mọi sự vận động, thông qua sự vận động đó, các sinh vật đều biết rằng có Chúa tồn tại. Do đó, cũng giống như Spinoza, Aristotle cho rằng con người nên yêu thương Chúa nhưng Chúa không cách gì yêu thương con người[13].

3. Sự ngổn ngang trăm mối của triết học giáo phụ

Cái gọi là “triết học giáo phụ”[14] là chỉ cho những học thuyết trong thời đại Cơ Đốc giáo đang tổ chức giáo lý của họ. Vào thế kỷ thứ I, tuy các sứ đồ đã lợi dụng triết học Hy Lạp để giải thích các giáo lý của Jesus nhưng vẫn chỉ là phần đoạn mà chưa có hệ thống. Đến sau thế kỷ thứ II, bất cứ giáo sĩ nào có công lao trong việc xây dựng giáo lý của giáo hội đều được gọi là “giáo phụ”. Học thuyết của họ đã có tổ chức theo trình tự, người ta gọi thời đại của họ là “thời đại tổ chức giáo lý” và lấy cách gọi này để đối xưng thời đại triết học kinh viện là “thời đại chứng minh giáo lý”.

Thời đại giáo phụ có rất nhiều nhà thần học nổi tiếng, riêng phái Vấn đáp chính thống đã có Clemens xứ Alexandria (150 - 215) và đệ tử Origen (185 - 254) của ông là những người khai sáng giáo phái, rồi sau đó có Augustine (354 - 430) là người hoàn thiện giáo phái.

Trên thực tế, các nhà thần học thời đại giáo phụ chia làm 3 phái lớn:

a. Phái Ngộ đạo[15]: Phái này không những chú trọng đến triết học của Hy Lạp mà còn bị nhiễm cả tư tưởng của Ba Tư. Những nhân vật chủ chốt của phái là: Saturninus, Corporates, Basilides, Marcion, Valentinus và Bardesanes. Phái Ngộ đạo muốn diễn đạt giáo lý Cơ Đốc giáo như là một loại triết học lịch sử, làm cho tín ngưỡng kết hợp với tri thức. Họ cho rằng ngay từ đầu thế giới đã có sự đối địch giữa linh hồn thiện và vật chất ác, Chúa tối cao là nguồn thiện hảo, Ngài thường phóng ra các linh vật gọi là Aeon, Aeon cuối cùng là một linh vật yếu ớt mang âm tính, vì không có năng lực tự tồn tại, nên nó rơi vào trong vật chất ác, tạo thành một cục diện hỗn độn. Đấng sáng tạo vĩ đại Yahweh sinh ra chính trong cục diện này. Do Yahweh sáng tạo nên thế giới và các linh hồn thiện bị đọa lạc vào vật chất ác, nên thế giới bắt đầu có tội lỗi; con người nếu thoát ly được vật chất thì có thể quay trở về với linh hồn thiện hảo. Chúa cứu thế nhân chính ở chỗ Ngài có thể ban cho con người trí tuệ, giúp con người biết được làm cách nào để thoát khỏi sự quản thúc của nhục thể (vật chất). Loài người ai cũng yếu đuối nên không thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến giữa linh hồn và vật chất, thiện hảo và dữ ác, quang minh và hắc ám, tinh thần và thể xác... chỉ có Jesus là người phát triển đến tột cùng, hoàn hảo và không khiếm khuyết. Vì vậy, họ không xem Yahweh là Chúa tối cao, cũng không xem Ngài là cha trời, mà chỉ là một đấng tạo hóa gọi là Demiurge phóng ra từ Chúa tối cao và hòa mình vào thế giới vật chất. Bởi thế, họ cho rằng Chúa tối cao cách biệt với phàm trần, muốn kết nối với Chúa phải nhờ vào sức mạnh của rất nhiều thần linh trung gian. Vì vậy, thần linh trở thành đối tượng được họ kính bái. Để giúp linh hồn chiến thắng vật chất, họ đã sử dụng các phương pháp ngược đãi thể xác như: nhịn ăn, không kết hôn...

b. Phái Biện hộ[16]: Học giả của phái này là những người ủng hộ tuyệt đối giáo lý Cơ Đốc giáo; với các nhân sĩ ngoại đạo, họ biện hộ cho tính hợp lý của Cơ Đốc giáo; với các nhân sĩ trong nội bộ, họ gìn giữ chân lý Cơ Đốc giáo và công kích lòng tin dị đoan. Những lãnh tụ của phái Ngộ đạo bị phái này xem là con cái của ma quỷ. Các giáo phụ nổi tiếng về thuyết giáo cho những người ngoại đạo có: Aristides (giữa thế kỷ thứ I và thứ II), Justin (100 - 165), Athenagoras (133 - 190), Tatian (110 - 180)...; các giáo phụ nổi tiếng về công kích lòng tin dị đoan trong nội bộ Cơ Đốc giáo có Irenaeus (130 - 202), Tertullian (160 - 225), Hippolytus (170 - 235)... Justin là nhân vật kiệt xuất nhất của phái này, ông cho rằng Cơ Đốc giáo là chân triết học duy nhất của thế giới, bao gồm tất cả chân lý mà con người đã nghiên cứu, tìm tòi được. Tất cả chân lý đều là sự khải thị của Logos, Logos trở thành nhục thân, nhục thân đó chính là Jesus Christ “ở giữa chúng ta, tràn đầy ân điển và chân lý” (mượn lời của sứ đồ John). Tuy thế, Logos đã có từ trước khi trời đất hình thành và đã khải thị chân lý cho nhiều đời thánh hiền như Pythagore, Socrates, Plato... Vì vậy, trước thời Jesus, chân lý đã hiện diện trên thế giới. Chẳng qua là, ngoài Jesus ra, những khải thị mà các thánh hiền khác nhận được đều không được toàn vẹn, cũng không có tính vĩnh hằng, phải đợi đến khi Jesus Christ, con trai và cũng là hóa thân của Chúa giáng phàm, lời khải thị đó mới được hoàn hảo. Chúng ta đã được Jesus cứu, nên cũng phải nương tựa vào Jesus. Phái này chủ trương, nếu triết học và tín ngưỡng xung đột nhau, thì thà bỏ tri thức mà chọn tín ngưỡng. Giống như Tertullian đã nói: “Sở dĩ tôi tin nó là vì nó vô trật tự”. Phái này vì thế hết sức ủng hộ đạo lý chính yếu trong Kinh Tin Kính[17] rằng: tin đức Chúa là Cha toàn năng, dựng nên trời đất; tin Jesus Christ là con một của đức Chúa Cha cùng là Chúa cứu thế của nhân loại, sinh ra bởi một nữ đồng trinh, chịu đóng đinh trên cây thập giá, đã phục sinh, ngày sau sẽ trở lại trần gian; tin Thánh Linh hằng sống...

c. Phái Vấn đáp[18]: Do sự xung đột giữa phái Ngộ đạo tả khuynh và phái Biện hộ hữu khuynh, tại thành Alexandria, nơi đang thịnh hành chủ nghĩa chiết trung, đã xuất hiện phái Vấn đáp điều hòa ý kiến của hai phái trên. Tại một học viện Cơ Đốc giáo ở tòa thành này đã có hai vị viện trưởng là Clemens và đệ tử của ông là Origen đại biểu cho phái Vấn đáp nổi danh nơi đời.

Những trước tác lưu truyền hậu thế của Clemens gồm: Huấn Dụ[19]Người Huấn Thị[20] vàHợp Tuyển[21]. Ông ví triết học Hy Lạp với một cành ô liu dại, nếu nối nó với cội gốc là chân lýKinh Thánh, thì chắc chắn sẽ kết thành hoa thơm trái ngọt. Ông cho rằng Chúa tuy siêu tuyệt, vượt khỏi phàm trần, nhưng nhân loại vẫn có thể tiếp cận với Ngài. Vì là người ưa thích triết học của phái Plato và phái Stoic, nên ông cho rằng con người có linh hồn và linh hồn này ở trong thế giới ý niệm. Sự liên lạc giữa linh hồn và thân thể là điều tự nhiên, không phải do linh hồn bị đọa lạc. Có điều, trong cuộc sống, con người thực sự đã gây ra nhiều tội ác, nên phải dựa vào Jesus Christ để được cứu rỗi.

Origen là người kế thừa và hoàn thiện thần học của Clemens. Tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng của Plato, Philo và phái Tân Pythagore. Các trước tác của ông tương truyền có hơn 6000 quyển lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất là bộ sưu tập 6 bản kinh Cựu Ước mà ông đã chỉnh sửa trong quãng thời gian 27 năm, gọi là HexaplaHexapla là một bộ sách mà nội dung của nó được viết trên 6 cột song song với 6 bản kinh Cựu Ước khác nhau: bản gốc chữ Do Thái, bản phiên âm chữ Hy Lạp, bản dịch của Aquila, bản dịch của Symmachus, bản tiếng Hy Lạp Septuagint và bản dịch của Theodotion. Một bộ sách khác của ông, bộ Thần Học Nhập Môn[22], là một bộ sách rất có hệ thống. Ông đọc Kinh Thánh trên 3 phương diện, tức 3 loại nghĩa lý: thuộc về văn tự, thuộc về tâm lý và thuộc về tính linh; văn tự thì rõ ràng dễ thấy, tâm lý phải dùng sức tưởng tượng, còn tính linh đa phần là dựa vào công phu tu tập tâm linh mới có thể lĩnh hội được. Trong 3 loại nghĩa lý này, việc giải thích tính linh là cao quý nhất. Ông xem Chúa là đấng sáng tạo độc lập, toàn năng và trường tồn. Chúa dùng Logos để sáng tạo thế giới. Chúa và vạn vật không có quan hệ trực tiếp mang tính cá thể, Chúa chỉ có liên hệ với Logos. Logos không phải do Chúa sáng tạo mà sinh ra từ ý chí của Chúa, do đó, Chúa và Logos là cha và con. Từ Logos lại sinh ra Thánh Linh[23], như vậy, giữa 3 ngôi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh có quan hệ phụ thuộc và không bình đẳng với nhau. Thế giới do ý chí tự do của Chúa sáng tạo nên, con người ai cũng có ý chí tự do, nhưng họ lạm dụng nó làm điều tội lỗi và bị đọa lạc, Jesus (tức Logos) bèn theo ý chí của Chúa xuống trần hy sinh để chuộc tội cho nhân loại, cho nên, những ai tin vào Jesus thì sẽ được cứu vớt.

4. Ba cuộc tranh luận lớn về thần học giáo lý

Cái gọi là “thần học giáo lý” ở đây là chỉ cho triết học Cơ Đốc giáo thời đại giáo phụ. Vào thời đại này, các giáo phụ tranh luận với nhau ầm ĩ, và cách để chấm dứt tranh luận là tổ chức các Hội nghị Giám mục. Hội nghị Giám mục mang tính toàn quốc lần đầu tiên do đại đế Constantine triệu tập được tổ chức ở thành Nicaea ở Tiểu Á (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), nên còn gọi là Công đồng Nicaea[24] (năm 325). Thường thì, bất cứ kiến giải nào khác với những tư tưởng chính thống từ thời Paul đến nay đều bị chỉ trích là dị đoan trong các lần Hội nghị Giám mục. Những tranh luận mang tư tưởng dị đoan đó, đại khái có thể tổng hợp thành 3 cương lĩnh lớn:

a. Thần tính luận[25]: Quan niệm về Thiên Chúa của Cơ Đốc giáo lấy “ba ngôi một thể” là chính thuyết, tức xem Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh là đồng thể, đồng chất, đồng tính và đồng quyền. Nhưng vào thời đại giáo phụ đã xuất hiện rất nhiều cách giải thích khác nhau, ví dụ như thuyết của Origen, Athanasius và Arius, hay thuyết duy nhất thần[26]. Đến Công đồng Nicaea, các giám mục mới cùng quyết định chọn thuyết của Athanasius làm chính thuyết và chỉ trích thuyết của Arius là dị đoan. Arius hoài nghi thần tính của Jesus Christ và tính duy nhất của Thiên Chúa, ông cho rằng Chúa Con Jesus do Chúa Cha tạo ra, còn Thánh Linh là do Chúa Con Jesus tạo ra, giữa ba ngôi có thứ bậc chứ không đồng nhất. Athanasius thì lại cho rằng thuyết này của Arius không hợp với những gì được ghi trong Kinh Thánh và chủ trương thuyết Chúa Con và Chúa Cha là nhất thể bình đẳng. Tiếp đó, Công đồng Chalsedon (năm 451) và Công đồng Toledo (năm 589) đã quyết định Chúa Thánh Linh cũng đồng nhất với Chúa Cha và Chúa Con. Từ đó trở đi, tín ngưỡng “ba ngôi một thể” trở thành tín ngưỡng chính thống của Cơ Đốc giáo.

b. Cơ Đốc luận[27]: Một số người trong phái Ngộ đạo xem Jesus là hóa thân của Chúa. Có người lại cho rằng Jesus là một người bình thường, chỉ đến khi chịu phép rửa tội thì thần thể của Chúa mới từ trời bay xuống nhập vào người Jesus, thuyết này giống với thuyết của Arius. Athanasius thì xem Jesus là Thiên Chúa có nhân thể và nhân tính. Nestorius chủ trương Jesus có hai thân, một là thân thần, hai là thân người, nên ông phản đối gọi Maria là mẹ của Chúa, vì bà chỉ là mẹ của phần thân người của Jesus, còn phần thân thần của Jesus chính là Chúa, Chúa mà còn có mẹ hay sao? Eutyches lại chủ trương một thân của Jesus Christ hợp nhất cả hai tính: thần tính và nhân tính, nhân tính hòa lẫn trong thần tính, nên thể chất của Jesus cũng khác với người thường. Dị thuyết quá nhiều! Vì thế, Công đồng Constantinople (năm 381) đã phủ quyết thuyết hóa thân và thuyết nhập thể, Công đồng Ephesus (năm 431) đã bác bỏ thuyết nhị tính phân ly của Nestorius, Công đồng Chalsedon (năm 451) đã lật đổ thuyết nhất tính dung hợp của Eutyches, xác định Jesus là Thiên Chúa thực và con người thực, có hình thái và tâm linh thích hợp; về bản chất, thần tính thì tương đồng với Thiên Chúa, nhân tính thì tương đồng với con người, tất cả mọi sự đều giống hệt con người, ngoại trừ tội lỗi mà thôi.

c. Nhân tính luận[28]: Về tính chất của con người cũng đã có rất nhiều tranh luận. Augustine cho rằng từ khi thủy tổ Adam phạm tội con người đã mang lấy tội tổ tông và tội này di truyền cho con cháu của họ đời đời kiếp kiếp. Con người không có sức mạnh để kháng cự lại tội lỗi, cũng không có khả năng để tự cứu mình, may nhờ có Chúa cử Jesus Christ đến chịu tội thay và ban cho họ đức tin nên họ mới được thoát tội. Ẩn sĩ Pelagius thì chủ trương thủy tổ của nhân loại phạm tội không liên quan gì đến con cháu đời sau, việc con người phạm tội hay hành thiện đều do ý chí của bản thân họ quyết định, con người được cứu là nhờ có ý chí kiên cường hành thiện, noi theo gương Jesus mà làm, Jesus cũng chỉ là tấm gương về làm thiện cứu người, không phải đến để chuộc tội cho con người; vì thế, cho dù không có Jesus, con người dựa vào bản thân cũng có thể tự cứu lấy mình và cho dù không có Thánh Linh tương trợ, con người vẫn có thể hành thiện. Nhưng, Hội nghị Giám mục tổ chức ở Ephesus vào năm 431 ra quyết định chung rằng thuyết của Pelagius là dị đoan và lấy thuyết của Augustine làm chính thống.

Trong nhiều giáo phụ bị chỉ trích là dị đoan nêu ra ở trên, có hai nhân vật rất đáng chú ý. Một vị là Arius, tư tưởng của ông đã làm hình thành nên chủ nghĩa Arius[29], tuy bị Công đồng Nicaea bài xích, nhưng trong vài trăm năm, đã vô cùng thịnh hành, đặc biệt là ở miền đông của đế quốc La Mã, và nhận được sự ủng hộ chính thức của Constantius, con thừa tự của Constantine. Từng một thời, Constantius gần như đã muốn lấy phái này làm quốc giáo của La Mã. Các dân tộc dã man ở phương bắc lúc mới xâm nhập vào La Mã đa phần cũng được phái này cảm hóa vào đạo. Sau này, phái Arius mới dần dần thất thế vì các phái Cơ Đốc giáo khác cùng nhau chống lại phái này. Một vị khác là Nestorius, chủ trương của ông tuy bị bài xích trong Hội nghị Giám mục tổ chức ở Ephesus vào năm 431, nhưng sau này lại thịnh hành ở các nước như Syria và Ba Tư. Cảnh giáo truyền đến Trung Quốc vào năm Trinh Quán thứ 9 đời Đường Thái Tông (năm 635) chính là một nhánh của phái Nestorius này. Đến thế kỷ thứ XVI, các giáo sĩ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đem tín ngưỡng của phái này truyền sang Ấn Độ.

5. Augustine

Thần học giáo lý do Origen (185 - 254) khởi xướng, đến Augustine (354 - 430) thì hoàn thiện. Augustine là người châu Phi, ông vừa là nhà triết học, vừa là nhà tôn giáo. Nhưng, giữa tư tưởng triết học và tín ngưỡng tôn giáo của ông hay phát sinh xung đột và mâu thuẫn. Các tác phẩm trứ danh của ông là Xưng Tội[30] và Nước Chúa[31]. Ông đem trí tuệ đồng nhất với Thiên Chúa, có trí tuệ là có Thiên Chúa, chân triết học là chân tôn giáo. Song, tín ngưỡng lại đi trước lý trí, dù là điều gì, hãy cứ tin trước rồi lý giải sau. Ông chủ trương vạn vật là do Chúa sáng tạo chứ không phải lưu xuất ra từ Chúa, nhưng ông lại cảm thấy Chúa vẫn chịu sự chi phối của Sự thiện tuyệt đối, đây chính là mâu thuẫn của ông. Ông cho rằng Chúa là vĩnh hằng, ở nơi Chúa, không có gì gọi là trước, không có gì gọi là sau, chỉ có sự tồn tại mãi mãi. Cùng với lúc tạo ra thế giới, Chúa cũng tạo ra thời gian. Tuy vậy, Augustine cảm thấy cái lý này vẫn có chỗ chưa thông, nên ông đành phải cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa! Thật lòng mà nói, rốt cuộc cái gì là thời gian, hiện giờ con vẫn không biết chút gì”. Ông còn nói rằng: “Linh hồn con muốn biết lời giải của câu đố hóc búa nhất này”. Tín ngưỡng tôn giáo của ông làm cho tư tưởng triết học của ông rơi vào cạm bẫy của sự nghi hoặc, lo sợ và mù mờ, đó thật sự là một tư trưởng triết học quá “ngây thơ”!

Augustine cho rằng Thiên Chúa là vĩnh hằng, là được phước, còn địa ngục và Satan tuy cũng vĩnh hằng nhưng không được phước. Ông còn cho rằng thiên sứ cũng có người tốt kẻ xấu; tuổi thọ của thế giới khoảng gần 6000 năm; Chúa hoàn thành việc sáng tạo vũ trụ trong 6 ngày, ngày thứ 7 nghỉ ngơi, vì số 6 là một số hoàn thiện.[32]

Augustine cho rằng, sau khi Adam và Eve bị đọa xuống trần gian, thế giới vẫn phân chia làm 2 thành phố vĩnh cửu: một do Thiên Chúa trị vì, một bị ma quỷ quấy nhiễu. Loài người vì tội tổ tông mà mãi mãi bị Chúa trừng phạt, cuối cùng phải nhận lấy một cái chết vĩnh hằng, nhưng nhờ ân huệ của Chúa, con trai Ngài được cử xuống trần chuộc tội thay và cứu rỗi cho rất nhiều người. Giáo hội Cơ Đốc đại biểu cho Thiên Chúa, người nào không thuộc giáo hội, tất sẽ phải chịu khổ nạn đời đời mà không được cứu vớt. Thế giới phân chia làm hai thành phố là thành phố của Chúa và thành phố của ma quỷ, nên Chúa cũng phân chia con người làm hai loại là người được tuyển chọn và người không thể cứu. Không phải làm người tốt là được lên thiên đường, mà được chọn hay không hoàn toàn xuất phát từ ân huệ của Chúa. Chịu lễ rửa tội và gia nhập giáo hội thì mới có hy vọng được cứu; nếu người nào chưa rửa tội mà chết, dù là trẻ con mới sinh, cũng đều phải đọa vào địa ngục.

Đây là một chủ trương rất khó lý giải, chẳng trách mà trong chương 4, quyển 2, cuốn Lịch Sử Triết Học Phương Tây của Russell đã nói rằng: “Thử nghĩ mà xem, những đứa trẻ chưa được rửa tội cũng phải bị trừng phạt... Họ thực sự tin rằng trẻ sơ sinh chính là thân thể của Satan. Giáo hội Cơ Đốc đã gây ra rất nhiều chuyện vô cùng độc ác vào thời đại Trung cổ, truy nguyên nguồn gốc của chúng, trách nhiệm chính thuộc về quan niệm đầy u sầu, đầy bi thảm cho rằng người người đều có tội này của Augustine”. Russell còn nói: “Điều thực sự làm cho Augustine cảm thấy đau đầu duy chỉ có sự khó khăn về lý trí... Nếu tội tổ tông được kế thừa từ Adam theo như Thánh Paul đã nói, thì linh hồn cũng giống với thân thể, nhất định là do cha mẹ truyền cho con, vì tội lỗi là thuộc về linh hồn, không thuộc về thân thể. Augustine cũng đã nhìn thấy sự khó khăn không dễ gì khắc phục này. Nhưng ông tuyên bố: Kinh Thánh không nói một lời nào về việc này, nên muốn có được một kiến giải công bằng về nó, thực sự là điều không cần thiết; vì thế, ông đã gác nó lại không giải quyết nữa”.

6. Những người theo chủ nghĩa đan tu

Khoảng đầu thế kỷ thứ IV, phong trào đan tu[33] của Cơ Đốc giáo cùng lúc nổi lên ở Ai Cập và Syria với 2 hình thức: một là ẩn sĩ sống đơn độc, hai là tu sĩ[34] sống trong các tu viện. Phong trào này ra đời do ảnh hưởng của hình thái sinh hoạt tôn giáo phương Đông.

Vị ẩn sĩ đầu tiên là Thánh Anthony, sinh vào khoảng năm 250 tại Ai Cập. Năm 270, ông bắt đầu đi ở ẩn 15 năm, sau đó vào trong sa mạc ở ẩn thêm 20 năm nữa. Đến khoảng năm 305 ông mới ra tuyên giảng và cổ xúy cho đời sống ẩn sĩ. Tuy thực hành tiết chế ăn uống, ngủ nghỉ một cách cực đoan, nhưng ông nói rằng thường có ác ma đến quấy nhiễu ông bằng những hình ảnh dâm dục. Đến khi ông qua đời, sa mạc Thebaid ở Ai Cập đã có đầy các ẩn sĩ.

Thánh Jerome cũng là một vị ẩn sĩ, sinh vào năm 345 ở một thị trấn nhỏ cách Aquileia không xa. Đầu tiên, ông tu khổ hạnh ở Aquileia, sau đó vào sa mạc ẩn cư. Nghe nói: “Lúc ở sa mạc, ông sống với một lòng tự hối sâu sắc, ngày nào cũng khóc, lẩm bẩm một mình, nhưng có khi sự hoan lạc lại sôi sục lên trong tinh thần ông và lúc nhớ lại những ngày còn ở La Mã, nội tâm ông không sao tránh khỏi có chút xao động.”[35] Trong các tín đồ của Jerome có hai người nữ xuất sắc là quả phụ Paula và con gái bà là Eustochium. Ông từng viết thư khuyên Eustochium giữ trinh tiết và chỉ dạy cô cách quán tưởng để khắc chế những phiền não do tính dục gây ra. Theo ông, các nữ tu sĩ là những cô dâu của Jesus Christ[36]. Phép quán tưởng này có tác dụng chuyển thái[37], nếu quán tưởng thành công, thực cũng rất hữu dụng. Vì thế, từ đó về sau, có một số trinh nữ kiền thành, trong lúc quán tưởng, ảo giác thấy Jesus bằng xương bằng thịt thực sự đã đến ôm họ vào lòng.

Lại nói về những tu sĩ độc thân trong các tu viện của Cơ Đốc giáo, thực ra hình thức này cũng là học từ các tôn giáo phương Đông. Tuy Jesus từng dạy không kết hôn nhưng “không phải mọi người đều có thể lĩnh hội được lời dạy này, chỉ có những người được ban ân mới có thể lĩnh hội mà thôi”[38]. Thánh Paul thì nói: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi”[39], nhưng chưa quy định giáo sĩ phải sống độc thân. Đến khoảng năm 400, giáo hội mới bắt đầu quy định giáo sĩ không được kết hôn. Jesus dĩ nhiên là chưa kết hôn; còn trong 12 sứ đồ của ông, thực sự chưa kết hôn chỉ có mỗi mình John mà thôi; thậm chí, Thánh Peter cũng đã kết hôn.

Đan viện đầu tiên của Cơ Đốc giáo do một người Ai Cập nữa tên là Pachominus kiến lập vào khoảng năm 315. Trong tu viện, tu sĩ sống đời sống tập thể, không có tài sản và thực phẩm riêng, cùng nhau cử hành các nghi thức tôn giáo. Tu viện của Pachominus xây trên một đảo nổi giữa sông Nile, lớn đến mức có thể chứa được vài ngàn người. Tu viện tiếp theo là của Basil, xây ở miền đông, cũng rất nổi tiếng. Tu sĩ trong tu viện định giờ cầu nguyện, phân thời làm việc, nghiêm trì giới luật; những giới luật chính của họ đại để là ba việc: không có sở hữu, giữ gìn trinh tiết và ngoan ngoãn vâng phục.

Trong số những người theo chủ nghĩa đan tu ở phương Tây, nổi tiếng nhất là Thánh Benedictine, người sáng lập đan viện Benedictine. Ông sinh vào khoảng năm 480. Từ 12 tuổi đã ẩn cư 3 năm trong một sơn động. Khoảng năm 520, ông sáng lập Tu viện Núi Cassino[40] nổi tiếng và thảo ra Quy ước Benedictine.

Những tu sĩ nam sống trong tu viện gọi là Monachus, còn những tu sĩ nữ thì gọi là Nona, giống như Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni trong các chùa Phật giáo vậy. Ngoài thực hành các nghi thức tôn giáo thông thường, những việc thường ngày của họ chỉ là cầu nguyện, mặc tưởng, làm thủ công, khai khẩn đất hoang... Bao quanh tu viện là tường rào kiên cố ngăn tu sĩ bên trong tiếp xúc với thế giới trần tục. Sau này, họ thay đổi tôn chỉ của mình, không thỏa mãn ở việc tự tu, mà còn phải đem những gì mình đã chứng đắc đi cảm hóa tha nhân. Vì thế, họ dốc sức vào sự nghiệp truyền đạo, từ thiện, giáo dục và xây dựng trường học, bệnh viện. Sự phổ biến triết học kinh viện và văn hóa của nền triết học này ở châu Âu thời kỳ Trung cổ cũng xuất phát từ các cơ sở tu viện này.

 

TIẾT 4: CƠ ĐỐC GIÁO TỪ THỜI TRUNG CỔ VỀ SAU 

 

1. Thời đại Trung cổ

Có rất nhiều thuyết khác nhau về danh từ Thời đại Trung cổ[1] trong lịch sử phương Tây. Thời đại Trung cổ đại khái là chỉ khoảng thời gian hơn 1000 năm từ khi chính phủ Tây La Mã sụp đổ vào năm 476 đến thời Văn nghệ Phục hưng. Ngoài ra, trong thời Trung cổ, từ năm 600 đến năm 1000 là Thời đại Đen tối[2]; từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XV là Thời đại Triết học Cơ Đốc giáo (tức triết học kinh viện); từ cuối Thời đại Đen tối đến thế kỷ thứ XIV là Thời đại Phong kiến[3] của văn minh Trung cổ châu Âu. Nói chung, thời đại Trung cổ của châu Âu bàn đến ở đây là những năm tháng u ám với sự xâm lược của man tộc phương bắc, với những cuộc đông chinh của quân Thập tự[4] và với sự thanh trừng bọn dị đoan của giáo hội Cơ Đốc. Thời kỳ này, quyền lực của giáo hội tăng cao, một mình thống trị cả tín ngưỡng tôn giáo và giáo dục văn hóa. Tất cả đều đã chứng tỏ rằng Cơ Đốc giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thời đại Trung cổ.

Giáo hội Cơ Đốc thời Trung cổ tuy đã giữ lại cho văn hóa phương Tây một cơ hội sinh tồn để chờ ngày phục hưng, nhưng cũng cản trở sự ra đời của nền văn minh mới. Trong thời đại này, văn hóa phương Tây thay đổi theo chiều hướng đi xuống chứ không phải đi lên, năm 1000 có thể xem là năm mà nền văn minh Tây Âu rơi xuống đến tận cùng, bởi thế mà đầu thời Trung Cổ được người ta gọi là Thời đại Đen tối. Trong thời đại này, các trường công lập từ thời La Mã đều bị đóng cửa; văn học, khoa học, mỹ thuật không có bất kỳ kiệt tác nào đáng nói cả.

Chế độ phong kiến Trung cổ được hình thành một cách tự nhiên do giai cấp võ sĩ quý tộc dựng lên để bảo vệ dân chúng dưới quyền và chống lại sự cướp bóc bằng vũ lực từ bên ngoài. Như vậy, giai cấp võ sĩ quý tộc của phương Tây có phần giống với giai cấp Kshatriya của Ấn Độ cổ đại. Những người lãnh đất phong được gọi là lãnh chúa[5], bá chủ[6] hoặc tôn chủ[7], còn những người nắm giữ đất canh tác được gọi là chư hầu[8]. Lãnh chúa và chư hầu đều xuất thân dòng dõi quý tộc, đều là những chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu, được chia thành các cấp bậc như công tước, hầu tước, bá tước, tử tước và nam tước. Mỗi lãnh chúa quý tộc đều nuôi một đội quân gọi là đội hiệp sĩ. Những người canh tác đất đai gồm các nông nô và các nông dân tự do, nông dân tự do có quyền tự do sử dụng một diện tích đất nào đó và quyền tự do đi hoặc ở một nơi nào đó, nhưng số lượng của họ ít hơn nông nô. Nông nô không thuộc về lãnh chúa mà thuộc về đất đai, họ không được bỏ đất mà đi khi chưa có sự cho phép của lãnh chúa, nhưng lãnh chúa cũng không có quyền đem họ ra buôn bán như nô lệ.

Quyền lực của giáo hội thời Trung cổ lên cao, giám mục các khu vực hoặc trưởng các tu viện cũng theo đó phong kiến hóa. Tính chất quyền lực phong kiến và độ rộng diện tích đất phong của rất nhiều giám mục đều không khác gì các quý tộc, thậm chí là đại quý tộc. Tuy giáo hội cấm họ không được trang bị vũ khí nhưng họ lại thường cử chư hầu của mình đi đánh nhau. Giám mục của một khu vực không khác gì một vị lãnh chúa. Vì sự tranh quyền đoạt chức, chế độ nhân sự trong giáo hội đã chịu sự thao túng của những kẻ lộng quyền, đời sống riêng tư của các giáo sĩ cũng hủ bại, hoang dâm đến cực điểm. Nửa đầu thế kỷ thứ X, ở La Mã có hai người phụ nữ danh nổi như cồn là Theodora và con gái bà là Marozia, họ đã thao túng các Thánh chức của giáo hội tới vài chục năm. Giáo hoàng John X khi đó là nhân tình của Theodora, nhờ sự giúp đỡ của Theodora mà được làm Giáo hoàng; Giáo hoàng John XI là con riêng của Marozia với một vị Giáo hoàng khác; Giáo hoàng John XII lại là cháu của Marozia. Những Thánh chức của giáo hội ở các giáo tỉnh hoặc giáo phận quan trọng khác cũng phức tạp y như vậy. Còn chuyện những cậu bé 5 tuổi kế nhiệm chức tổng giám mục hay những thiếu niên dưới 20 tuổi được tấn phong tổng giám mục hoặc giám mục là chuyện như cơm bữa.

2. Nền giáo dục của giáo hội

Giáo hội và tu viện thời đại Trung cổ đều có rất nhiều đất đai và nông nô. Để đào tạo thêm nhiều nhân tài ra làm việc cho giáo hội, và để có cơ sở làm xuất phát điểm cho các hoạt động từ thiện, họ đã cho xây dựng trường học ở khắp mọi nơi. Có điều, giáo hội và tu viện chỉ xây các trường cấp cao còn giáo dục sơ cấp thì để cho người thế tục thực hiện. Ở những vùng nông thôn không có trường học, linh mục của giáo xứ hoặc các tu sĩ nam nữ trong tu viện lân cận sẽ dạy tín đồ về giáo lý tôn giáo và những bổn phận mà tín đồ phải làm tròn bằng hình thức truyền miệng. Rất nhiều bé trai gia đình nghèo khó nhưng có thiên tư đặc biệt thường được các linh mục tại địa phương dạy riêng, sau đó gửi đến học ở những trường cấp cao của giáo hội hoặc của tu viện. Do vậy, rất nhiều học giả lớn, nhà chính trị lớn, tác giả lớn, cho đến Giáo hoàng trong thời đại Trung cổ, đều xuất thân từ tầng lớp bần hàn.

Kết quả của nền giáo dục giáo hội là số lượng giáo sĩ[9] tăng vọt, vì hiến thân cho giáo hội và thọ nhận nền giáo dục cấp cao của giáo hội là con đường duy nhất để thanh niên bình dân chen chân vào xã hội thượng lưu. Đặc biệt là, có một pháp lệnh đã khuyến khích thanh niên ùn ùn kéo nhau vào cổng trường đại học, đó chính là pháp lệnh lấy trường đại học làm một trong những tổ chức trực thuộc giáo hội. Giáo hội không bị hạn chế bởi pháp luật nhà nước, sinh viên đại học không phải chịu sự xét xử của các tòa án phổ thông, tức là tòa án của giáo hội cũng không có quyền quản đến họ, mà tòa án do các trường đại học tự tổ chức sẽ đứng ra xét xử những vụ án dân sự của mình. Hơn nữa, những người tốt nghiệp đại học, bất luận là có đi làm linh mục cho giáo hội hay không[10] đều được giáo hội xem như một loại giáo chức và gọi họ là “giáo sĩ”. Các giáo sĩ không bị bất cứ sự quản thúc nào của nhà nước, không phải nộp thuế, ngoài tòa án của giáo hội, không một tòa án nào khác có quyền xét xử họ. Bởi thế, đến thời đại vua Henry III của Anh quốc, trong 30.000 sinh viên đại học Oxford, đại đa số là hạng lưu manh thất nghiệp lấy trường học làm bùa hộ mạng, chuyên làm những trò đĩ điếm, bài bạc, cãi lộn, trộm cắp.

Nền giáo dục của giáo hội và tu viện tuy hưng thịnh nhưng lại không có bất cứ tiến bộ nào về tư tưởng văn hóa, thậm chí là bóp nghẹt sự tiến bộ của tư tưởng văn hóa. Nguyên nhân của việc này là vì mục đích của Cơ Đốc giáo là để bồi dưỡng nhân tài tôn giáo cho giáo hội nên phương pháp giáo dục của họ là kiểu nhồi nhét, không phải kiểu gợi mở, đại đa số học sinh không thể tự nghiên cứu sách vở, chỉ có thể nghe giảng và ghi chép lại. Các nhà thần học Trung cổ tuy cũng nghiên cứu vấn đề nhưng chỉ suy luận theo phương pháp diễn dịch mà không sử dụng phép phân tích. Dù vấn đề là gì, ngay khi chưa bắt đầu nghiên cứu họ đã có kết luận từ trước, họ dựa trên kết luận đem những tư liệu về vấn đề cần nghiên cứu đặt vào trong khuôn mẫu của kết luận đó. Đương nhiên, họ học tập là vì tín ngưỡng tôn giáo và vì bảo vệ tín ngưỡng tôn giáo của họ trước sự phá hoại từ bên ngoài; cho nên, họ rút ra kết luận trên nền tảng là tín ngưỡng tôn giáo trước, sau đó mới bắt tay vào nghiên cứu vấn đề. Bởi vậy, thần học Cơ Đốc giáo là một đống đồ cũ phế thải, là những thứ bày ra cho có việc, bản thân nó không có bất kỳ nội dung mới mẻ nào, và cũng không nở ra bất kỳ đóa hoa tươi thắm nào. Đến tận ngày nay, hễ là tác phẩm của các học giả Cơ Đốc giáo thì đa phần vẫn chưa thoát được hình thức “kết luận vấn đề trước, giải quyết vấn đề sau”, cho đến tương lai, cũng sẽ không thể có nhiều sự đổi mới, bởi nếu đổi mới thì họ tất sẽ phải rời bỏ Cơ Đốc giáo để đi tìm một bến đậu tâm linh khác.

3. Triết học rườm rà

“Triết học rườm rà” nói đến ở đây chính là chỉ cho triết học kinh viện[11]. Các nhân sĩ Cơ Đốc giáo không thích dùng cái tên “triết học kinh viện” mà họ gọi nó là “triết học Schola”. Thực ra thì chữ “schola” trong tiếng Latin có nghĩa là “trường học”. Vào thời đại Trung cổ, giáo hội và tu viện cho xây dựng trường học, tất cả kiến thức giảng dạy trong trường do giáo hội lũng đoạn, học giả đều phải tập trung ở các tu viện để nghiên cứu học vấn, nên người ta gọi họ là các “học giả kinh viện”[12]. Các học giả kinh viện toàn dùng triết học để giải thích giáo lý Cơ Đốc một cách lòng vòng, quanh co và rườm rà, nên thứ triết học của họ bị các sử gia gọi là “triết học rườm rà”.

Nói chung, triết học phương Tây thời Trung cổ, chỉ là “tìm cách điều hòa mặc khải của Thiên Chúa và kiến thức của con người mà thôi”. Các nhà sử học gọi thời đại triết học giáo phụ là thời đại tổ chức giáo lý, còn thời đại triết học kinh viện là thời đại chứng minh giáo lý. Theo quá trình diễn biến của nó, từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XV, triết học kinh viện có thể chia làm 4 thời kỳ:

3.1 Thời kỳ chuẩn bị: là thời kỳ từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XI. Các học giả nổi tiếng của thời kỳ này có Gerbert, Berengerius, Lanbranc...

3.2 Thời kỳ phát triển: là thế kỷ thứ XII. Các học giả nổi tiếng của thời kỳ này có Ansehlm, Lombard, Roscellinus... Ansehlm đề xướng thuyết duy thực[13], cho rằng vũ trụ là hiện thực vốn có, tức là vạn vật vẫn tồn tại y nguyên dù rời khỏi quan niệm của chúng ta. Roscellinus thì đề xướng thuyết duy danh[14], chủ trương vũ trụ vạn vật sinh ra từ tâm của chúng ta, chúng ta nhận thức được thành quả sáng tạo của Chúa, nên Chúa cũng không phải là một thực thể trừu tượng.

3.3 Thời kỳ cực thịnh: là thế kỷ thứ XIII. Sự thịnh vượng của thời kỳ này đa phần là nhờ ảnh hưởng của các học giả Arab. Các quốc gia Hồi giáo ở phương Đông và triều đình Hồi giáo ở Tây Ban Nha thời Trung cổ nhiều đời khuyến khích học thuật, các học giả của họ hay dịch những trước tác của Aristotle và có chú giải thêm, họ ứng dụng tư tưởng của Aristotle để xây dựng nên triết học tôn giáo của mình. Những tác phẩm của các học giả Arab truyền đến Tây Âu, sau khi đến tay các học giả Cơ Đốc giáo, không ngờ, chúng lại chính là những công cụ hữu hiệu mà họ đang tìm kiếm để biện hộ cho thần học. Thế là, các học giả của giáo hội lần lượt bỏ Plato chuyển sang tôn sùng Aristotle. Những nhà thần học nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là Albertus Magnus và hai đệ tử của ông là Thomas Aquinas và Duns Scotus. Thomas Aquinas và Duns Scotus tự lập ra tông phái của họ, gọi là phái Thomas và phái Scotus. Hai người này được cho là theo thuyết tiêu dao bán duy thực[15].

Thomas có trước tác bộ Thần Học Tổng Luận[16] vào năm 1265, Cơ Đốc giáo đến nay vẫn lấy nó làm sách giáo khoa thần học. Thomas cho rằng thực thể vũ trụ chia làm 2 loại: một là thực thể hiện thực, hai là thực thể trừu tượng hoặc thực thể mang ý nghĩa tiêu cực. Thực thể hiện thực lại chia làm 2 loại: một loại là thuần nhất, là thường còn, tức là Chúa; một loại là do hình thức và chất liệu kết hợp với nhau tạo thành, tức là vạn vật. Chúa là hình thức của hình thức, nên Ngài bất sinh bất diệt; và Chúa là chân lý, nên Ngài hằng sống. Cái mà Aristotle gọi là tiềm tàng và thực tại thì Thomas ví với các pháp nhị phân là tự nhiên và ân Chúa, người thường và tín đồ, nhà nước và giáo hội, đế vương và Giáo hoàng, triết học và thần học. Trong các pháp nhị phân này, cái trước chỉ là phương tiện, cái sau mới là mục đích. Thomas cho rằng Chúa tuy không bị động, nhưng cầu nguyện vẫn hữu dụng, cách nói này thật sự làm cho người ta cảm thấy khó hiểu. Chúa đã không bị động thì cầu nguyện với Ngài còn có ích gì? Thomas còn cho rằng linh hồn con người không phải truyền từ đời này sang đời khác mà mỗi linh hồn đều do Chúa tạo mới lại, cách nói này cũng làm cho người ta khó hiểu. Giả dụ có một người sinh ra không phải do quan hệ hôn nhân chính thức, hình như Chúa sẽ phải đến làm trợ thủ cho việc thông dâm của bố mẹ người đó! Nếu linh hồn không phải truyền từ đời này sang đời khác mà là tạo mới hoàn toàn, làm sao nó lại kế thừa tội lỗi mà Adam đã phạm? Chúa vì cớ gì mà không ngừng tạo ra những linh hồn mới để chúng đi chịu tội chứ?

3.4 Thời kỳ suy thoái: là thế kỷ thứ XIV, XV. Có 3 nguyên nhân suy thoái:

a. Sự nổi lên của thuyết hiện thực tuyệt đối của William Occam (1287 - 1347). Occam cho rằng bản thân sự vật suy cho cùng là không thể nhận thức được, cái ta nhận thức được chỉ là tên gọi của sự vật. Do tín ngưỡng tôn giáo không thể nhận thức sự vật bằng lý tính nên một nền thần học hợp lý không thể được thành lập. Triết học và thần học, tín ngưỡng và tri thức, nhà nước và giáo hội, phải tách riêng ra để thảo luận. Thế là, sự độc lập về học vấn và sự tự do trong nghiên cứu đã gây tổn hại đến thần học.

b. Sự hưng khởi của chủ nghĩa thần bí[17]: Chủ nghĩa thần bí trọng về tình cảm, không màng đến tìm cầu đạo lý. Chủ nghĩa này xuất hiện trong giáo hội đã lâu, đến thế kỷ thứ XIV, XV lại phân thành phái Chính thống và phái Tự do. Phái Chính thống tuy coi trọng kinh nghiệm thần bí nhưng vẫn không dám công nhiên đi ngược lại tôn chỉ của giáo hội; phái Tự do thì đã không quan tâm đến tôn chỉ của giáo hội lại toàn dựa vào kinh nghiệm tôn giáo của bản thân mình, đưa ra những chủ trương mới lạ, bỏ sách tiếng Latin đổi sang sử dụng các trước tác viết bằng quốc ngữ của các nước. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sự suy vi của triết học kinh viện.

c. Phong trào nghiên cứu triết học tự nhiên dần mở rộng: Thần học giáo hội không thể đứng vững trước sự soi xét của triết học tự nhiên. Vào thế kỷ thứ XIII, Roger Bacon đã mở đường cho triết học tự nhiên, ông cho rằng có 3 loại dân trí: một là xuất phát từ quyền uy (như quyền uy của Chúa), hai là xuất phát từ suy lý (diễn dịch), và ba là thực sự chứng đắc (kết luận cuối cùng sau khi đã quan sát tất cả). Những học giả tiếp nối tư tưởng của Bacon xuất hiện không ngừng; đồng thời, thành tựu của các học giả Arab về khoa học tự nhiên và triết học cũng làm cho các học giả châu Âu dậy lên hứng thú nghiên cứu tự nhiên; tuy họ gặp phải sự bức hại, đàn áp của giáo hội Cơ Đốc, nhưng giống như cung đã giương lên, giờ không thể không bắn.

4. Cơ Đốc giáo thời cận đại

Cuối thời triết học kinh viện, thần học chính thống suy vi, tư tưởng tự do trỗi dậy, chủ nghĩa thần bí hưng khởi. Vì vậy, về mặt thế học, Văn nghệ Phục hưng[18] ở Tây Âu đã sản sinh ra chủ nghĩa nhân đạo[19] trái ngược với hy vọng về nước Chúa của Cơ Đốc giáo; về mặt tôn giáo, có phong trào cải cách tôn giáo phản đối lại giáo hội La Mã và sản sinh ra Phục nguyên giáo (Tin lành). Phục nguyên giáo bị Công giáo La Mã gọi một cách miệt thị là Liệt giáo hoặc Thệ phản giáo, nó tương đồng với giáo hội La Mã về bản chất nhưng hơi khác về hình thức và quan niệm. Ví dụ:

a. La Mã giáo xem Giáo hoàng là tiêu chuẩn của chân lý; Phục nguyên giáo thì lấy Kinh Thánhlàm đạo lý quyết định.

b. La Mã giáo xem các viên chức của giáo hội và các Thánh đồ đời xưa là người trung gian trong sự hiệp thông giữa tín đồ bình thường với Thiên Chúa; Phục nguyên giáo thì cho rằng tất cả tín đồ bình thường đều có thể trực tiếp hiệp thông với Chúa.

c. La Mã giáo cho rằng con người muốn được cứu phải tuân theo rất nhiều quy tắc, điều lệ của giáo hội; Phục nguyên giáo thì cho rằng con người muốn được cứu chỉ cần tín ngưỡng Jesus là đủ.

Từ đó có thể thấy, xét theo quá trình phát triển tôn giáo, La Mã giáo vẫn chưa thoát ly được hình thái lấy tư tế làm trung tâm của tôn giáo nguyên thủy; Phục nguyên giáo tuy nói là khôi phục lại bản ý của Jesus nhưng thực ra chỉ là một tôn giáo cải cách ra đời vì chịu sự kích thích của trào lưu tư tưởng thời đại. Tiếc thay, đến khi thời đại triết học tự nhiên phát triển, hết thảy tôn giáo hữu thần đều cảm thấy có hàng loạt vấn đề rối rắm đang ngày càng làm cho họ khốn đốn. Đa thần giáo bị chế giễu là thứ tín ngưỡng mê tín cứng đầu cứng cổ, nhất thần giáo cũng gặp phải nguy cơ chính yếu là không phù hợp với triết học tự nhiên. Giáo hội Cơ Đốc giáo bất đắc dĩ đành phải thừa nhận rằng nên chia thần học thành hai bộ phận là “thần học tự nhiên” và “thần học mặc khải”. Trên thực tế, thần học tự nhiên căn bản không phải là sản phẩm của Cơ Đốc giáo mà là thành tựu của các triết gia. Chỉ có thần học mặc khải mới là di sản của Cơ Đốc giáo. Thần học tự nhiên là học vấn thuần lý tính, thần học mặc khải là tín ngưỡng thuần tình cảm (không phải dùng lý tính để suy lường). Tách rời học vấn thuần lý tính ra khỏi tín ngưỡng thuần tình cảm thì Cơ Đốc giáo chỉ còn lại tín ngưỡng thuần tình cảm mà không còn có sự phân tích lý tính nữa. Đây chính là “ổ bệnh” của Cơ Đốc giáo.

Để cứu vãn nguy cơ này, các học giả Cơ Đốc giáo cận đại đã thay đổi để thích nghi trên nhiều phương diện. Ví dụ, họ nghiên cứu và dung hợp với tư tưởng Nho gia của Trung Quốc, họ tìm tòi và hấp thu các tư tưởng của Phật giáo, họ học tập và mô phỏng các tư tưởng triết học cận đại, họ mở lòng tiếp nhận tinh thần khoa học, đâu đâu cũng thấy mong muốn cháy bỏng không cam chịu bị diệt vong của Cơ Đốc giáo. Bất luận bản chất của Cơ Đốc giáo có thể thích nghi được với trào lưu tư tưởng mới của thời đại hay không, họ thực sự đang nỗ lực phấn đấu theo hướng này; chí ít, việc giáo hội Cơ Đốc bồi dưỡng ra rất nhiều nhân tài có thể làm cho mọi người cảm thấy rằng Cơ Đốc giáo vẫn không hề lạc hậu.

Để duy trì sự phát triển không ngừng của Cơ Đốc giáo, họ luôn luôn chú ý đến những thay đổi của hoàn cảnh khách quan. Ngoài việc tự chỉnh đốn, cải cách lại giáo luật của mình, thành phần trí thức trong giáo hội đều dành phần lớn thời gian vào việc học những kiến thức và nghề nghệp phổ thông để phục vụ mọi người, lấy đó làm phương cách để thu hút tín đồ. Các giáo sĩ tham gia giảng dạy trong các trường đại học và trung học, nội dung họ dạy tuy không phải là thần học, nhưng cũng có thể đạt được hiệu quả truyền giáo gián tiếp. Giáo hội dốc sức xây dựng các cơ sở giáo dục phổ thông, lợi dụng các hoạt động ngoại khóa để lôi kéo tín đồ. Những việc này đều là di sản từ thời đại Trung cổ, điểm khác nhau là, thời đại Trung cổ chỉ dạy thần học, giờ thì lại dạy kiến thức phổ thông là chính.

Chính vì sự phổ cập giáo dục đó mà Cơ Đốc giáo có thể bồi dưỡng ra rất nhiều nhân tài. Tuy thần học của Cơ Đốc giáo đã ngã gục trước sự khảo sát của lý tính, nhưng những người nhận được sự bồi dưỡng của giáo hội, sao có thể không nhớ ơn mà tìm cách báo đáp! Đặc biệt là, tâm lý tiếp nhận cái gì trước, cho rằng nó đúng đắn, có thành kiến rồi, thì sau đó khó tiếp nhận được cái mới bất đồng, có thể đã làm cho rất nhiều người sau khi gia nhập giáo hội, tin sâu giáo hội không chút nghi ngờ, chí ít cũng không dám quay trở lại nói xấu giáo hội; đây là thành công lớn nhất trong cách truyền giáo của đạo Cơ Đốc. Bởi vậy, trong số các nhà chính trị lớn, nhà giáo dục lớn, nhà công nghiệp lớn của các nước ở thế giới cận đại không ít người là tín đồ Cơ Đốc giáo.

 


 

222. John the Baptist.

223. Passover: đây là dịp lễ người Do Thái kỷ niệm ngày tổ tiên của họ ra khỏi Ai Cập.

224. Đoạn 45 và 49, chương 27, Phúc Âm Matthew; đoạn 25, chương 15, Phúc Âm Mark; và đoạn 14, chương 19, Phúc Âm John.

225. Đoạn 32, 33, chương 19, Phúc Âm John.

226. Đoạn 44, chương 15, Phúc Âm Mark.

227. Đoạn 49, chương 15, Phúc Âm Mark.

228. Đoạn 4, chương 19, Phúc Âm Mark.

229. Đoạn 15, chương 20, Phúc Âm John.

230. Đoạn 25 và 28, chương 20, Phúc Âm John.

231. Đoạn 39 và 43, chương 24, Phúc Âm Luke.

232. Đoạn 10, chương 28, Phúc Âm Matthew.

233. Golden Rule.

234. Hai từ này đều có nghĩa là “đấng cứu thế”.

235. Old Testament  New Testament.

236. Từ “torah” có nghĩa là “sách vở”.

237. Đoạn 34, chương 15, Phúc Âm Mark.

238. Christian.

239. Puritan.

240. Disciples.

241. Apostle.

242. Đoạn 26, chương 14, Phúc Âm Luke.

243. Đoạn 27, chương 14, Phúc Âm Luke.

244. Đoạn 23, chương 9, Phúc Âm Luke.

245. Đoạn 60, chương 9, Phúc Âm Luke.

246. Đoạn 61, 62, chương 9, Phúc Âm Luke.

247. Epistles.

248. Apostle to the Gentiles.

249. Martyr.

250. Fellowship.

251. Đoạn 44 đến 47, chương 2, Công Vụ Các Sứ Đồ.

252. Đoạn 10, chương 3, Thessalonians.

253. Đoạn 6 đến 12, chương 3, Thessalonians.

254. Nông thiền là tập quán sinh hoạt cũng như phương thức tu hành của các tự viện Thiền tông Phật giáo Trung Quốc cổ đại. Tăng lữ Thiền tông đưa thiền vào việc nông, làm nông để ngộ đạo, ngoài ra cũng là để tạo cơ sở kinh tế cho sự sinh tồn và phát triển của tự viện.

255. Synagogue: nơi giảng đạo.

256. Hơn 10 năm trở lại đây, các tín đồ Cơ Đốc ở Đài Loan cũng đến các tự viện của Phật giáo để truyền đạo, đây chính là học theo cách thức của các sứ đồ thời đó.

257. Edict of Toleration.

258. Edict of Milan.

259. Church Father.

260. Người Do Thái bản địa thuần chủng.

261. Đoạn 1 đến 3, chương 6, Công Vụ Các Sứ Đồ.

262. Deacon.

263. Prophet.

264. Teacher.

265. Worker of Miracle.

266. Healer.

267. Helper.

268. Administrator.

269. Evangelist.

270. Shepherd.

271. Bishop.

272. Presbyter.

273. Archbishop.

274. Patriarch.

275. Nghe nói đến nay đầu của Peter vẫn còn chôn trong Đại giáo đường Thánh Peter.

276. Roman Catholic Church.

277. Orthodox Greek Church.

278. Orthodox Eastern Church.

279. Protestantism.

280. Natural.

281. Revealed.

282. Em trai của James, cũng là em trai của Jesus, xin đừng nhầm với Judas Iscariot, kẻ đã phản bội Jesus.

283. Stoicism.

284. Platonism.

285. New Pythagoreanism.

286. Threefold Division of the Soul.

287. Xem đoạn 9 đến 12, chương 13, Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Corinthians.

288. Deism.

289. Predestination.

290. Gnosticism.

291. Potency.

292. Chương 19, quyển 1, Lịch Sử Triết Học Phương Tây của Russell.

293. Patristitc Philosophy.

294. Gnosticism.

295. Apologist.

296. Apostles’ Creed.

297. Catechist.

298. Protrepticus.

299. Paedagogus.

300. Stromata.

301. The Introduction of Theology.

302. Holy Spirit.

303. Council of Nicaea.

304. Theological.

305. Monarchianism.

306. Christological.

307. Anthropological.

308. Arianism.

309. Confessions.

310. City of God.

311. Kỳ thực, ngày sabbath hay ngày yên nghỉ có xuất xứ từ Babylon, rất nhiều dân tộc trên thế giới cũng có ngày yên nghỉ, hơn nữa mỗi dân tộc lại mỗi khác, Cơ Đốc giáo là ngày chủ nhật, Do Thái giáo là ngày thứ 7, Hy Lạp là ngày thứ 2, Ba Tư là ngày thứ 3, Assyria là ngày thứ 4, Ai Cập là ngày thứ 5, Thổ Nhĩ Kỳ là ngày thứ 6. Trong một tuần, ngày nào cũng có dân tộc chọn làm ngày yên nghỉ. Điều này có thể liên quan đến việc sùng bái 7 hành tinh lớn trong hệ mặt trời.

312. Monastic movement.

313. Monks.

314. Trích từ chương 3, quyển 3, Lịch Sử Triết Học Phương Tây.

315. Cách nói này có thể có liên quan đến truyền thuyết “những trinh nữ chưa chồng đều thuộc về thần Gandharva” của Ấn Độ giáo.

316. Transference.

317. Đoạn 10 và 11, chương 19, Phúc Âm Matthew.

318. Đoạn 32 đến 34, chương 7, Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Corinthians.

319. Monastery of Monte Cassino.

320. Middle Ages.

321. The Dark Ages.

322. Feudal Times.

323. Những cuộc đông chinh của quân Thập tự là một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo, được kêu gọi bởi Giáo hoàng và tiến hành bởi các vị vua và quý tộc châu Âu là những người tình nguyện cầm lấy thập tự giá với mục tiêu chính là phục hồi sự kiểm soát của Cơ Đốc giáo đối với vùng Đất Thánh - vùng đất giữa sông Jordan và Địa Trung Hải, nơi đã bị Hồi giáo chiếm giữ.

324. Lord.

325. Liege lord.

326. Suzerain.

327. Vassal.

328. Clerk.

329. Trên thực tế, rất nhiều người sau khi học xong đại học không đi làm linh mục.

330. Scholasticism.

331. Schoolmen.

332. Realism.

333. Nominalism.

334. Semi-Realistic Peripateticism.

335. Summa Theologiae.

336. Mysticism.

337. Renaissance.

338. Humanism.