II. HUYỀN TRANG, NHÀ CHIÊM BÁI
Pháp sư khởi hành cuộc Tây du nhằm ba mục đích rõ rệt: chiêm bái Phật địa, nghiên cứu Phật lý và sưu tầm Kinh điển.
Trong lịch sử các cuộc hành hương Phật tích chỉ có cuộc hành hương của Ngài là quyến rũ nhất, ly kỳ nhất, bởi thời gian của cuộc hành trình (17 năm), bởi những nỗi khó nhọc gian nguy gặp trên đường, bởi số lượng các nước Ngài đã viếng thăm và bởi những tường thuật Ngài để lại đã là nguồn cảm hứng bất tận cho học giả, văn nhân.
Cùng với vài vị Tỳ kheo cùng mục đích với Ngài, Pháp sư đệ lên Hoàng đế Trung Quốc một bản thỉnh cầu được phép chiêm bái sang Ấn. Bằng một sắc lệnh nhà vua đã bác lời thỉnh cầu của Ngài. Nhưng Pháp sư không phải dễ bị nao núng trước một chướng ngại như thế.
Vào tháng Tám niên hiệu Trinh Quán thứ ba (năm 629 sau Tây lịch), Pháp sư một mình một bóng khởi sự cuộc hành trình, mặc dù các bạn của Ngài đã bỏ cuộc. Lúc bấy giờ Ngài 26 tuổi. Từ Tràng An, bấy giờ là thủ đô Trung Quốc, Ngài đi đến Tần Châu, từ đấyNgài đi đến Lan Châu, rồi Lương Châu, ở đấy Ngài lưu lại hơn một tháng. Khi vị Đô đốc nơi này vâng chỉ triều đình buộc Ngài phải trở lại kinh đô, Pháp sư bèn lẻn đi ban đêm, có một Tỳ kheo là Huệ Oai cho hai đệ tử theo hộ vệ Ngài trong cuộc Tây du. Ngàiđến Qua Châu, ở đấy viên quan Lại sứ là Độc-Cô-Đạt đón tiếp Ngài rất nồng hậu. Khi Ngài sắp rời Qua-Châu thì có trát từ Lương Châu gửi đến, sai bắt Ngài. Lý Xương, viên quan sở tại, vốn là một Phật tử thuần thành, đưa cho Ngài xem tờ trát rồi xé, ca ngợi chí khí cao thượng của Pháp sư và giục Ngài lên đường ngay đừng trì hoãn. Bấy giờ hai người hầu cận bỏ trốn Ngài vì không chịu nổi cuộc hành trình gian khổ; vì vậy Ngài không còn hướng đạo để đưa Ngài qua cửa ải. Ngài liền cầu nguyện, thì bỗng một người lạ mặt tên Bàn-Đà liền xuất hiện, xin Ngài truyền cho ngũ giới, lại cúng dường Ngài bánh trái và tình nguyện làm hướng đạo đưaNgài qua Ngũ phong (5 chòi canh lớn ). Ngày hôm sau, anh ta đến với một người lạ mặt già khác, cỡi một con ngựa già cỗi màu hung đỏ. Theo lời khuyên của ông già, ứng với lời tiên đoán ở Tràng An, Pháp sư bằng lòng đổi ngựa cho ông ta. Ngài khởi hành, cũng về ban đêm, cùng với người hướng đạo trẻ tuổi để đi qua sông Hồ Lư, rộng 10 tấc Anh. Họ đến bờ sông vào canh ba. Người hướng đạo đốn một vài cành cây ngô đồng, làm một chiếc cầu, rải cát lên trên và dắt ngựa qua. Đêm ấy ngươì hướng đạo có ý địnhám hại Ngài nhưng Ngài ngồi dậy, đọc kinh chú làm anh ta sợ hãi. Vào lúc rạng đông, anh ta từ chối không theo Ngài thêm nữa, và Pháp sư phải một mình qua ải Ngọc Môn. Ngài một mình tiến bước ban đêm trên sa mạc, mò mẫm tìm đường giữa những đống xương người, phân ngựa. Khi đi hơn 13 dặm, ngài đến chòi canh thứ nhất. Ngài bị lộ diện và đầu gối Ngài suýt trúng tên. Người cai quản chòi canh thông cảm với ý định của Ngài, để Ngài trú lại đêm ấy và chỉ Ngài đi đến chòi canh thứ 4. Ở đây Ngài lại suýt trúng tên khi Ngài muốn kiếm ít nước dự trữ và lẻn ra đi. Viên cai chòi canh này để Ngài ngủ lại đêm ấy và hôm sau còn biếu Ngài một bầu nước, một ít lương khô và khuyên Ngài đến suối Bạch Mã sẽ có nước ngọt. Ngài tiếp tục đi, đến sa mạc Mạc-hạ-diên rộng 133 dặm, trên trời không có chim, dưới đất không muông thú, cỏ nước cũng không. Ngài một mình một bóng băng mình tiến bước vừa niệm danh hiệu Bồ tát Quán Âm và Tâm kinh Bát nhã. Đi hơn 16 dặm thì Ngài lạc đường và không tài nào tìm ra dòng Bạch Mã. Khốn đốn hơn nữa, Ngài lại trượt chân té ngã trong khi đang mở bầu uống nước, làm đổ tất cả bầu nước quí báu. Quá chán nản, Ngài mất cả nhuệ khí và bắt đầu lần bước trở lại chòi canh thứ tư. Đi được chừng 2 dặm, Ngài cảm thấy hổ thẹn về hành vi mình,đã đi ngược lại lời tự nguyện ban đầu là sẽ không trở lại phương Đông nếu chưa đến đất Ấn. Bởi thế Ngài không quay lại, tiếp tục hướng tây bắc và thành khẩn cầu nguyện đức Quán Âm Bồ tát. Trong 4 đêm 5 ngày liền, Ngài không có một giọt nước thấm môi và cuối cùng Ngài phải ngã quị trên cát, kiệt sức. Mặc dù lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng, Ngài vẫn không ngớt niệm từ bi của Quán Âm cứu khổ. Vào nửa đêm ngày thứ năm, một ngọn gió mát thổi đến làm Ngài lai tỉnh, nhờ vậy Ngài có thể cỡi ngựa tiếp tục cuộc hành trình và đến một đồng cỏ xanh tốt có ao nước mát lành. Thế là Ngài thoát chết. Ngài ở lại một ngày trên bờ ao và sau khi lấy nước ngọt và cỏ cho ngựa, Ngài lại khởi hành đến Y Ngô sau 2 ngày đường.
Ngài lưu lại trong một ngôi chùa có 3 vị Tỳ kheo Trung Hoa ở, họ rất cảm kích khi gặp Ngài. Tại đây Ngài được những vị Tỳ kheo và Vua đến thăm đảnh lễ. Vua mời Ngài đến hoàng cung để cúng dường vô cùng trọng hậu. Khi vua Cao Xương mời Ngài đến viếng nước ông, Ngài liền qua sa mạc phía Nam và sau 6 ngày đến đô thị Bạch Lực. Từ đấy, Ngài đi đến kinh đô của Cao Xương vàđến nơi vào nửa đêm. Vua và cận thần đem đèn nến ra rước Ngài. Sau khi lưu lại 10 hôm, Ngài định lên đường để tiếp tục hành trình, mặc dù vua một mực khẩn cầu rồi hăm dọa. Ngài liền tuyệt thực ba ngày để bắt buộc nhà vua thôi cản đường Ngài. Cuối cùng vua bỏ ý định cầm giữ Ngài và Ngài lại tiếp tục lên đường.
Trực chỉ hướng Tây, Pháp sư đi qua những thành Vô Bán, Dốc Tiến và đến xứ Agni (A-kỳ-ni). Vẫn hướng tây, Ngài đến suối A-Phu-Sư và nghỉ đêm ở đấy. Sáng hôm sau, ngài vượt ngọn núi Ngân Sơn (núi Kumush). Tiếp tục đi, Ngài đến kinh đô Aghi (A-kỳ-ni); vua và đình thần đều ra nghênh tiếp Ngài.
Ngày hôm sau, Pháp sư qua một con sông và một đồng bằng rộng hơn trăm lý [Bản dịch này dùng phân biệt lý và dặm: 1 dặm tương đương với 6 lý (BT)] và đến kinh đô Kucha (Khuất chi). Ở đấy vua, đình thần và Tỳ kheo Mokshagupta (Mộc-xoa-cúc-đa) cùng nhiều vị khác đều ra nghênh đón. Ngài ở lại xứ này hơn 60 ngày. Lúc lên đường, vua biếu Ngài nhiều xe, ngựa, lạc đà, và tiễn Ngài ra tận ngoài cổng thành.
Sau hai ngày đi về hướng Tây, Pháp sư gặp chừng hai ngàn bọn cướp Thổ Nhĩ Kỳ (Đột quyết) cỡi ngựa. Đi thêm 100 dặm, Ngài qua một sa mạc nhỏ và đến xứ Baluka (Bạt-lộc-ca), nghỉ lại một đêm. Đoạn Ngài đi hướng tây bắc năm mươi dặm nữa, qua một sa mạc và băng sơn ở phía Bắc ngọn Pamir (Thông-lĩnh). Vẫn khăng khăng thẳng tiến, sau 7 ngày Ngài ra khỏi núi và gặp một hồ nước trong chu vi có đến 250 dặm. Vẫn trực chỉ hướng tây bắc thêm 83 dặm, Ngài đến đô thị Tokmak (Tố-diệp). Ở đấy Ngài gặp người Thổ Nhĩ Kỳ tên Diệp-hộc-khả-hản đón tiếp Ngài rất nồng hậu. Người này cố cầm giữ Ngài nhưng vô hiệu. Ông ta liền cho một thanh niên theo Ngài làm thông ngôn và hộ vệ Ngài đi đến xứ Kapisa (Ca-tất-thức).
Đi theo hướng tây chừng 400 lý, Ngài đến Bing-yul (Bình Tân) có nghĩa là một nghìn suối nước. Từ Bing-yul, vẫn hướng tây đi 150 lý nữa Ngài đến đô thị Talas (Đằn-la-hư). Hướng về tây nam đi 200 lý, Ngài đến đô thị Bạch Thủy, đi thêm 200 lý đến độ thị Kuyu (Cung Ngự). Từ đấy đi hướng Nam chừng 50 lý Ngài gặp đô thị Nejkend (Nô-xích-kiện) và 200 lý nữa đưa Ngài đến xứ Chaj (Giả Thờ). Đi thêm 1000 lý xa hơn, Ngài bước vào xứ Sutrishna (Tốt-đổ-lợi-sắt-na).
Bấy giờ Ngài hướng tây nam, đi vào một sa mạc mênh mông không nước, không cỏ, chỉ có xương khô đầy đường. Đi 500 lý, Ngài vào xứ Samarkand (Táp-mạt-kiến-quốc). Ban đầu vua nước ấy đối với Ngài rất ngã mạn, nhưng sau khi nghe Ngài thuyết pháp một lần, vua đổi hẳn thái độ.
Đi hướng tây 300 lý, Ngài đến xứ Kochania (Khuất-sướng-nhĩ-ca) 200 lý xa hơn là kinh đô Kharghan (Yết-hãn) và 400 lý nữa đến xứ Bokhara (Bổ-hát). Đi thêm 100 lý Ngài đến Betik (Phạt-địa) và 500 lý nữa là xứ Khwarism (Hóa-lợi-tập-di). Bấy giờ Ngài nhắm hướng tây nam thẳng tiến, và sau khi đi 300 lý, Ngài đến xứ Kesh (Yết-sương-na). Theo hướng tây nam Ngài đến một rặng núi. Sau khi đi 300 lý đường khó khăn hiểm trở, Ngài vào Thiết-môn-quan. Rời Thiết-môn-quan, Ngài đến xứ Tukhara (Đỗ-hóa-la) và sau khi đi hàng trăm lý, Ngài qua sông Oxus (Phược-xu) đến xứ Kunduz (Hoạt-quốc). Ngài lưu lại đấy 1 tháng, rồi đi đến xứ Bahlika (Phược-yết-quốc), được xem như một Vương xá nhỏ.
Đi hướng tây bắc chừng 50 lý, Pháp sư đến đô thị Tapassu (Đề-vị) cách đô thị này chừng 40 lý về phương bắc là đô thị Bhalluka (Ba-lợi).
Pháp sư đi viếng Yumadha (Nhuệ-mạt-đà) và Guzgan (Hồ-thật-kiện) ở tây nam Bahlika khi hai vua các xứ này cung thỉnh Ngài.
Từ Bahlika đi hướng nam, Pháp sư cùng với Prajnàkara (Huệ-Tánh) một vị sư Cheka (Thước-ca-quốc), đi đến xứ Gachi (Yết-chức quốc) và vào núi Đại Tuyết Sơn ở phía đông nam. Đi hơn 600 lý, họ ra khỏi lãnh thổ Tukhara (Đỗ-hóa-la) và vào xứ Bamian (Phạm-diễn-na-quốc), đường đi còn khó khăn hơn những núi tuyết và sa mạc. Cuối cùng Pháp sư đi đến kinh đô xứ Bamian (Phạm-diễn-na). Vua xứ này thết đãi Ngài trong nhiều ngày. Các vị sư bản xứ vô cùng ngạc nhiên khi Ngài đến. Rồi Ngài lại ra đi, trực chỉ hướng đông nam. Đi hơn 200 lý Ngài qua núi Đại Tuyết sơn và đi vào một thung lũng nhỏ. Sau 15 ngày đường, Pháp sư ra khỏi xứ Bamian (Phạm-diễn-na). Bấy giờ Ngài gặp một trận bão tuyết và lạc đường mất 2 ngày. Đến ngọn núi Tiểu-sa-lãnh, có vài người thợ săn chỉ đường cho Ngài và sau khi leo lên ngọn Hắc-sơn, Ngài đến xứ Kapisa (Ca-tất-thi). Vua và các vị sư ra đón rước Ngài. Pháp sư ở lại chùa Salaka (Sa-lạc-ca) trong mùa kiết hạ; ở đấy Pháp sư chia tay với Ngài Prajanakara (Huệ Tánh).
Đi hướng đông hơn 600 lý, Ngài vượt ngọn Hắc-sơn, đi vào miền Bắc Ấn xứ Lampaka (Lam-ba-quốc). Sau khi lưu lại đấy 3 ngày, Ngài lại tiếp tục đi hướng nam và qua một ngọn núi nhỏ. Đoạn Ngài rời những ngọn núi, qua một con sông, đi chừng 20 lý thì đến xứ Nagarahara (Na-yết-la-bát).
Đi hướng đông nam 10 dặm nữa, Pháp sư qua một núi cát, và đến đô thị Phật-Đảnh-Cốt. Không bao giờ Pháp sư quên không đảnhlễ Xá-lợi Phật một cách chí thành và cúng tiền vàng, tiền bạc, lụa và tăng phục cho các chùa.
Từ đô thị Phật-Đảnh-Cốt, Pháp sư đi chiêm bái bóng Phật trong một cái động cách thị trấn Dipankara (Đăng-quang-thành) chừng 20 lý về phía tây nam. Vì chỗ ấy có nhiều cướp, chỉ một ông già đi theo Pháp sư đến đấy. Trên đường, bọn cướp vây Ngài nhưng chúng phải khuất phục trước sự gan dạ của Ngài và xin theo Ngài đến xem bóng Phật. Pháp sư vào động một mình và thành khẩn cầu nguyện với tất cả tâm trí, và bóng Phật đã hiện rõ để cho Ngài đảnh lễ.
Cùng các bạn đồng hành, Pháp sư đi về hướng đông nam hơn 500 lý, giữa vùng đồi núi hiểm trở, và đến xứ Gandhara (Kiệm-đa-la). Cách chùa Kanishka (Ca-ni-sắc-ka) 100 lý về phía đông bắc, Pháp sư qua một con sông lớn, và đến đô thị Puscaravati (Bố-sắc-yết-la-phạt-để). Từ đấy Ngài tiến đến đô thị Udakakkhanda (Ô-đạc-ca-hán-đà). Đi thêm 600 lý trèo non vượt suối, Ngài đến xứ Udyana (Ô-trượng-na).
Đi 250 lý về phía đông bắc của đô thị, Pháp sư vào miền núi non và gặp con suối Apalala (A-ba-la-la-long) vốn là nguồn của sông Subhavastu (Tô-bà-tát-đổ-hà). Đi 400 lý về phía nam Ngài gặp núi Hilo (Hê-la). Cách 50 lý về phía tây đô thị Mang-laur (Mông-yết-lý), Ngài qua một con sông lớn và qua tháp Lohitaka (Lô-hê-chớ-ca) cao 100 tấc Anh do vua A-Dục xây. Đi về hướng đông bắc của đô thị chừng 30 tấc, Ngài gặp tháp Adbhuta (Yết-bộ-đa) bằng đá cao 30 tấc. Ngài qua một con sông lớn ở phía tây của ngôi tháp và đi chừng 3, 4 lý thì gặp đền thờ Quán Âm Bồ tát.
Về phía nam đô thị Adakakhanda (Ô-đạc-ca-hán-đà-thành), Pháp sư qua sông Indus và vào xứ Takshasila (Đán-xoá-thỉ-la). Ngài qua sông Tín-Đô và đi 200 dặm theo hướng tây nam, đến Đại-Thạch-Môn.
Lại đi hướng đông nam giữa vùng đồi núi chừng 500 lý, Ngài đến xứ Urasa (O-lặc-xoa quốc). Vẫn hướng này, trèo non lội suối khoảng 1000 lý, Ngài đến xứ Kashmira (Ca-thấp-di-la). Vua nước này cho người cậu ra đón Ngài bằng xe ngựa. Ngài lưu lại đêm trong chùa Huscara (Hộ-sắc-la), ở đấy các vị sư rất trọng đãi Ngài. Trong vài ngày, Pháp sư đi đến kinh đô, vua và đình thần đóntiếp Ngài trong thể. Ở kinh đô, Pháp sư lưu lại chùa Jayendra (Xa-da nhân đà la). Ngài ở lại Kashmir 2 năm để đọc kinh luân, và viếng thăm các Phật địa ở đấy.
Rời Kashmir, Pháp sư đi về hướng tây nam chừng 700 lý giữa vùng đồi núi và đến xứ Rajapura (Yết-xà-bổ-la). Xuống núi qua một con sông và đi hướng đông nam chừng 700 lý, Ngài đến xứ Cheka (Thước-ka): Sau khi rời xứ Rajapura (Yết-xà-bổ-la) và đến đôthị Jayapura (Xà-yết-la-thành). Hai hôm sau Pháp sư đến đô thị Sakala (Xa-yết-la-thành).
Từ đấy, Ngài rời đô thị Narasimba (Na-la-tăng-ha) và đi vào khu rừng lớn. Ở đấy Ngài và các bạn đồng hành bị cướp đánh phá. May thay Ngài được cứu an toàn. Hôm sau Ngài vào miền đông của xứ Checa (Thước-ca quốc) và đến một đô thị lớn. Pháp sư ởđây 1 tháng. Rồi Ngài lại lên đường về phía đông 500 lý đến xứ Cimabhukti (Chí-na-phác-để). Ngài đến chùa Tosasana (Đốt-xá-tát-ma) ở lại 4 tháng. Đoạn Ngài tiếp tục đi về phía đông nam của đô thị chừng 50 lý, và đến chùa Tamasavana (Đáp-mạt-tô-phạt na).
Bấy giờ Ngài nhắm hướng đông bắc thẳng tiến. Đi được 140 lý Ngài đến xứ Jalandhara (Già-lan-đạt la), ở lại 4 tháng trong chùa Nagara-dhana (Na-già-la-đà-na). Từ Jalandhra (Già-lan-đạt la), Ngài đi hướng đông bắc 700 lý, qua một ngọn núi hiểm trở, và đến xứ Kuluta (Khất-lộ-đa). Đoạn Ngài quay hướng nam đi 700 lý, qua sông trèo núi đến xứ Satadru (Thiết-đa-đồ-lư). Đi 800 lý về hướng tây nam, Pháp sư vào xứ Paratra (Ba-lý-dạ-đán-ha).
Đi khỏi Paryatra 500 lý về phía đông, Ngài đến xứ Mathura (Mạt-thố-la). Ngài tìm thấy các tháp dựng để thờ các đại đệ tử của ĐứcPhật như ngài Xá-Lợi-Phất, Ngài Mục-Kiền-Liên, ngài Ma-ha-Ca-chiên-diên, Ưu-ba-ly, A-Nan, La-Hầu-La v.v... Đi hướng đôngchừng 5, 6 lý nữa, Pháp sư đến một ngọn đồi, ở đấy Ưu-ba-cúc-ta (Upagupta) đã dựng một ngôi chùa thờ móng tay Phật. Đi hướngđông bắc thêm 500 lý, Pháp sư vào xứ Sthanesvara (Tát-tha-nê-thấp-phát-la). Đoạn Ngài đi về hướng đông 400 lý và đến xứ Srughna (Tốt-lộc-cần-na), vẫn hướng ấy đi thêm 800 lý Ngài gặp nguồn sông Hằng. Ngài ở lại xứ này suốt mùa đông và nửa mùa xuân năm sau để nghiên cứu Phật pháp. Sau đó Ngài qua sông đến bờ phía đông và vào xứ Matipura (Mạt-để-bổ-la). Pháp sư ở lại xứ này nửa mùa xuân và trọn mùa hè để nghiên cứu kinh điển. Rồi Ngài lại lên đường đi 300 lý về phía bắc đến xứ Brahmapura (Bà-la-cốp-ma-bổ-la).
Từ Brahmapura, Ngài đi hướng đông nam chừng 400 lý, qua xứ Ahichhatra (A-hê-chế-đán-la) và đi 200 lý nữa, Ngài qua sông Hằng, đến xứ Vilasana (Tì-loa-sang-noa). Đoạn Ngài đi hướng đông hơn 200 lý đến xứ Kapitha (Kiếp-tỉ-tha). Đi hướng tây bắc 200 lý, Pháp sư vào xứ Kanyakubja (Yết-nhã-cúc-xà). Ngài đến chùa Bhadra và ở lại đấy ba tháng để học kinh điển. Từ Kanyakubja, Pháp sư nhắm hướng đông nam đi hơn 600 lý, qua sông Hằng và đến xứ Ayodhya (A-du-đà), ở về hướng nam.
Sau khi chiêm bái các thánh địa ở Ayodhya, Pháp sư xuôi thuyền ngược sông Hằng cùng với hơn 80 người đi đến Ayamukha (A-đà-mục-khư). Thuyền đi chừng 100 lý, thì bị cướp. Tất cả bị lột hết quần áo và đồ quí giá. Bọn cướp thờ nữ thần Durga, nên họ chọn Pháp sư làm vật hy sinh tế thần. Sự can đảm của Ngài trước cái chết, sức thiền định sâu xa và bình thản cao cả của Ngài làm cho bọn cướp ngạc nhiên và kinh sợ. Chúng càng ngạc nhiên hơn khi một trận hắc phong bỗng nhiên nổi dậy, lật đổ cây cối thuyền bè. Trước sự thịnh nộ của thiên nhiên như báo điềm gỡ ấy, bọn cướp hồi tâm và xin Pháp sư từ bi hỉ xả cho chúng.
Sau khi xuôi thuyền , Pháp sư đi về hướng đông 300 lý, qua sông Hằng vào phía bắc và vào xứ Ayamukha (Thiết khẩu). Đoạn Ngài quay về hướng đông nam đi 700 dặm qua sông Hằng về phía bắc sông Jumna. Ngài đến Brayaga (Bạt-la-da-già). Từ Brayaga đi về hướng tây nam Pháp sư gặp một khu rừng đầy voi và thú dữ. Ngài đi 500 lý đến xứ Kausambi (Kiều-thường-di). Từ đấy Ngài đi về hướng đông 500 lý, đến xứ Visoka (Bệ-sách-ka). Đi về hướng đông bắc 500 lý, Pháp sư đến xứ Sravasti (Xá-vệ).
Từ Sravasti (Xá-vệ), Pháp sư nhắm hướng đông nam đi 800 lý đến xứ Ca-tỳ-la-vệ. Từ Ca-tỳ-la-vệ, Ngài đi hướng đông qua một khu rừng hoang hơn 500 lý và đến xứ Rama (Lam-ma). Từ chùa Sa Di, Ngài đi hướng đông qua một khu rừng lớn, đi 100 lý qua khỏi khu rừng, Pháp sư đến xứ Kusinagara (Câu-thi-na-yết-la).
Cách đô thành 3 hay 4 lý về phía tây bắc, Pháp sư qua sông Ajitavati (A-thị-đa-phạt-để) và đến rừng Sala (Ta-la) ở bên bờ sông. Từđấy Ngài qua một khu rừng đi hơn 500 lý đến xứ Varanasi (Ba-la-niết-tư). Sau khi qua sông Hằng ở Varanasi và đi về hướng đông10 lý, Ngài đến chùa Lộc Uyển.
Rời chùa, Pháp sư dọc theo sông Hằng về phía đông 300 lý đến xứ Yuddhapati (Chiến-chư). Từ đấy Ngài nhắm hướng đông bắc, qua sông Hằng đi 140 lý đến xứ Vaisali (Tì-xá-ly). Ở phía nam xứ này, Pháp sư qua sông Hằng và sau khi đi hơn 100 lý, Ngài đếnđô thị Svetapura (Phệ-đa-bổ-la).
Ngài lại qua sông Hằng đến xứ Ma-kiệt-đà. Ngài lưu lại một đô thị nhỏ để chiêm bái các thánh địa. Khoảng 6, 7 do tuần về hướng tây nam, Ngài đến chùa Tiladha có nhiều pháp sư ở. Họ đều ra đón tiếp Ngài.
Đi hướng nam 100 lý, Ngài đến cây Bồ đề nơi đức Phật đắc đạo. Ngài đảnh lễ cây Bồ đề và tượng Phật kiết già, với tất cả lòng thành khẩn. Ngài tự than trách ảo não vì đã không được sinh ra vào thời ấy. Lúc bấy giờ mùa kiết hạ đã qua, nên cũng có hàng ngàn người tụ tập ở chỗ chiêm bái và cùng khóc theo Ngài. Pháp sư ở lại 9 ngày để chiêm bái tất cả những nơi thánh địa trong vùng lân cận.
Sau ngày thứ 10, bốn vị Tỳ kheo đức độ từ chùa Nalanda đến chào mừng Pháp sư và rước Ngài về thăm chùa. Khi Pháp sư đi vàođịa phận chùa ở trong làng nơi sinh trưởng của Ngài Mục-Kiền-Liên, 200 vị sư cùng với 1000 cư sĩ đem cờ lọng hương hoa ra đónNgài. Họ đi vòng quanh chúc tụng Ngài, và cùng Ngài đi về chùa Nalanda.
Khi Pháp sư đến chùa, tất cả các Tỳ kheo đều tụ tập để đón chào Ngài và đặt Ngài cạnh vị tọa chủ. Sau khi tất cả đều an tọa, vị Duy-na đánh một tiếng chuông công bố rằng Pháp sư sẽ ở lại chùa, được chia xẻ vật phẩm cúng dường và tiện nghi ăn ở cùng với tất cả tăng chúng. Đoạn 20 vị Tỳ kheo đứng tuổi, thông hiểu Tam tạng và giới hạnh tinh nghiêm, cùng theo Pháp sư đi thăm Ngài Giới Hiền (Silabhadra). Pháp sư đảnh lễ Ngài Silabhadra, vị này tỏ vẻ hân hoan khi gặp Ngài.
Sau buổi gặp gỡ, Pháp sư lưu lại nhà Giác Hiền (Buddhabhadra) tầng thứ tư, ngôi nhà nằm trong ngự viên của vua Ấu Nhật (Baladitya). Sau khi được đón tiếp trọng hậu trong 7 ngày, Pháp sư được đưa đến một nhà khách phía bắc ngôi nhà của Hộ Pháp Bồ Tát (Dharmapala Bodhisattva), phẩm vật cúng dường mỗi ngày một tăng. Ngài được một người hầu và một vị Bà-la-môn hầu hạ và Ngài không phải làm một việc gì trong tu viện. Mỗi khi đi đâu thì Ngài cưỡi voi. Đâu đâu Ngài cũng được nể vì quí trọng.
Khi Pháp sư ở chùa Nalanda, Ngài đến Rajagaha để chiêm bái Cô-lặc-đà-la-củ-tra (Linh Thứu Gadharkuta), rừng trúc Kalandaka (Trúc Lâm), nơi kết tập kinh điển đầu tiên và viếng nhiều thánh địa khác. Pháp sư ở lại chùa Nalanda 5 năm để nghiên cứu kinhđiển và vài bản kinh Bà-la-môn.
Từ Nalanda, Ngài đến nước Hiranyaparrvata (Hạn-noa-bát-phạt-đà). Trên đường đi Ngài đến viếng chùa Kapota (Ca-bố-đức) và cúng dường hương hoa ở tượng Quán Âm Bồ tát. Pháp sư ở lại nước này 1 năm để học kinh điển.
Từ đấy Ngài đi dọc bờ phía nam sông Hằng hướng về phía đông 400 lý và vào xứ Kajangala (Yết-châu-ôn-chỉ-la), đi thêm 600 lý Ngài đến xứ Punnavaddhana (Bôn-na-phạt-đạn-na).
Ngài lại nhắm hướng đông nam đi 900 lý và vào xứ Kamarupa (Ca-ma-lũ-pa). Vẫn cùng hướng ấy Ngài đến xứ Samatata (Tam-ma-đãn-tra). Từ Samatata, Pháp sư đi về hướng tây 900 lý, Ngài đến xứ Tamralipti (Đam-ma-lật-đế) ở gần vịnh biển. Đoạn Ngài đi hướng tây nam về phía Uda (Ô-đà) vì Ngài muốn viếng thăm xứ Simhala (Tăng-già-la). Phía đông nam của xứ Uda bên bờ bể là Caritra, một độ thị thương cảng.
Đi hướng tây nam qua một khu rừng rậm 1200 lý, Pháp sư đến xứ Konyadha (Cung-ngự-đà). Cùng hướng ấy đi thêm 1.400 dặm qua một rừng lớn, Ngài vào xứ Kalinga (Yết-lăng-già).
Từ Kalinga, Pháp sư đi hướng tây bắc 1.800 lý đến xứ nam Kosala (Kiều-tát-la). Từ đấy Ngài nhắm hướng đông nam qua một khu rừng 900 lý và đến xứ Andhra (Án-đạt-la).
Đi hướng nam chừng 1.000 lý, Pháp sư vào xứ Dhanakataka (Đà-na-yết-kiệt-ca). Ngài lưu lại nơi này nhiều tháng để nghiên cứu kinh điển và viếng thăm thánh địa. Đoạn Pháp sư nhắm hướng tây đi chừng 1.000 lý đến xứ Culya (Châu-lị-la). Từ đây qua một khu rừng phía nam, Ngài đi 1.500 lý vào xứ Dravida (Đạt-la-tì-đà), thủ đô là Kancipura (Kiến-chí-bổ-la). Từ đấy người ta có thể xuôi thuyền đến xứ Simhala trong 3 ngày. Nhưng người ta khuyên Pháp sư không nên đến đấy vì xứ ấy có nạn đói đang hoành hành.
Từ Dravida, Pháp sư đi hướng tây bắc cùng với hơn 70 Tỳ-kheo gốc ở Simhala để chiêm bái thánh địa. Ngài đi thêm 2.000 lý đếnxứ Konkanapura (Cung-kiến-na-bổ-la). Nhắm hướng tây bắc, qua một khu rừng đầy thú dữ, đi chừng 2.400 lý, Pháp sư đến xứ Mahàràstra (Ma-ha-lặc-sá).
Cách 1.000 lý về phía đông bắc, Pháp sư qua sông Narbada (Nại-mạt-đà) đến xứ Bharukaccha (Bạt-lộc-yết-thiếp-bà). Đi hơn 2.000 lý nữa Ngài đến xứ Malava (Ma-lạp-bà). Cùng hướng ấy đi thêm 2.400 lý, Ngài vào xứ Atali (A-tra-li) sau 3 ngày nữa, Pháp sư vào Kheda (Khế-ha) và đi 1.000 lý đến xứ Alabhi (Phạt-lạp-tì).
Vẫn hướng tây bắc, Pháp sư đi 700 lý đến xứ Anandapura (A-nan-đà-bổ-la). Đi 500 lý nữa Ngài đến xứ Suratha (Tô-lặc-xá), và đi 1.800 lý xa hơn là xứ Gucchala (Cụ-chiết-la). Quay hướng đông nam đi chừng 2.800 lý, Ngài tới xứ Ujjayinĩ (Ô-diễn-ni). Lại nhằm hướng đông bắc đi 1.000 dặm, Ngài đến xứ Chitore (Trịnh-chỉ-đà) và 900 lý xa hơn, Ngài đến xứ Mahesvarapura (Ma-hê-thấp-phạt-la-bổ-la). Từ đấy Pháp sư một lần nữa đi vào xứ Suratha (Tô-lặc-xá) về phía tây. Đi xa hơn Ngài đến xứ Adinavachila (A-điểm-bà-súy-la). Đi hướng tây 2.000 lý, Ngài vào xứ Langala (Lang-yết-la). Từ đây đi hướng đông bắc 700 lý, Ngài đến xứ Pitasila (Ti-đa-chế-la).
Lại đi hướng đông bắc 300 lý Ngài đến xứ Avanda (A-xa-đà). Đi thêm 700 lý đến xứ Sindh (Tín-độ). Nhắm hướng đông đi 700 lý Ngài qua bờ sông phía nam đến xứ Morasampuru (Mậu-la-tam-bộ-lô). Đi hướng đông bắc 700 lý, Pháp sư vào xứ Parvata (Bột-phạt-đa). Ngài ở lại đấy 2 năm để học kinh điển. Từ Parvata, Pháp sư trở về chùa Nalanda, rồi từ Nalanda, Ngài viếng chùa Tilandha (Đê-la-trạch-ca) ở lại hai tháng để học hỏi. Đoạn Ngài đi đến đồi Trượng Lâm ở lại hai năm để học kinh điển.
Pháp sư lại đi đến chùa Bồ Đề để xem triển lãm xá lỵ Phật. Sau khi chiêm bái cây Bồ đề và những thánh cảnh khác trong 8 ngày, Pháp sư quay về chùa Nalanda. Bấy giờ Pháp sư quyết định hồi hương nên sắp đặt cuộc hành trình về Trung Quốc. Vì vua Kumara (Cưu-ma-la) ở Đông Ấn mời Ngài, Ngài liền đến đấy và được vua và đình thần tiếp đón trọng thể trong hơn một tháng.
Trước sự khẩn khoản của Vua Siladitya (Giới-nhật), Pháp sư và vua Kumara (Cưu-ma-la) xuôi thuyền dọc Hằng hà cùng với 20.000 ngàn thớt voi và 30.000 thuyền đến xứ Kajangala (Yết-châu-ôn-chỉ-la) để thăm vua Silàditya. Vị vua này cung nghênh Ngài rất trọng thể và không ngớt lời tán dương công đức Ngài. Vua rất bằng lòng cuốn sách của Ngài nhan đề "Chế ác luận", nên vua tổ chức một cuộc thảo luận vĩ đại ở Kanyakubja (Khúc-Nữ thành) để Pháp sư có thể đối đáp với những ai phỉ báng Đại thừa. Vào đầutháng 11, Pháp sư xuôi thuyền ngược sông Hằng cùng với nhà vua và đến địa điểm hội thảo vào tháng Chạp. Trong cuộc thảo luận này, hiện diện có 18 vị vua của 5 xứ Ấn Độ, 3.000 vị Tỳ-kheo uyên thâm cả Đại thừa và Tiểu thừa giáo, hơn 2.000 tà phái Bà-la-môn và Nirgrantha (Ni-kiền-đà) và hơn 1.000 người Tỳ-kheo của tu viện Nalanda. Trong 18 ngày, không ai dám bác lời Pháp sư và Ngài đã được cử làm chủ tọa cuộc thảo luận để truyền bá Đại thừa và trình bày ý nghĩa cuốn sách Ngài đã viết.
Sau cuộc thảo luận, Pháp sư muốn từ giã vua để trở về Trung Quốc vào ngày 19. Nhưng vua Siladitya yêu cầu Ngài dự một trai đàn lớn do vua tổ chức tại xứ Prayaga (Bạt-la-da-già). Vua rất mừng rỡ được Ngài nhận lời hoãn lại cuộc hồi hương và đến ngày 21, Ngài cùng vua đi đến chỗ trai đàn. Ở đấy 500.000 người gồm cư sĩ và tu sĩ hiện diện. Vua Silàditya hạ trại ở bờ phía bắc sông Hằng, vua Dhruvabhata (Đổ-lô-bà-bạt-tra) nam Ấn hạ trại ở phía tây của sông Hằng và sông Jumnà (Diêm-mâu-na), vua Kumana (Cưu-ma-la) cắm trại ở rừng hoa bờ phía nam sông Jumna còn những thí chủ thì hạ trại ở phía tây của trại vua Dhruvabhata và những cấp bậc dưới nữa đi thành hàng theo sau.
Vào ngày đầu, họ dựng tượng Phật trong thảo đường trong trai đàn, và cúng dường những phẩm vật quí giá nhất gồm vàng bạc châu báu, y thực. Trong lễ cúng dường, có trỗi nhạc và rắc hoa. Chiều đến người nào về chỗ người ấy. Vào ngày thứ hai, họ lại dựng tượng Surya (Nhật-thiên) và cúng dường nủa số lượng phẩm vật nói trên, và ngày hôm sau dựng tượng thần Isvara (Tự-tại-thiên), và cúng dường cũng đồng số lượng như thần Surya.
Ngày thứ tư là lễ cúng dường 10.000 Tỳ-kheo. Mỗi người nhận 100 đồng vàng, một hạt ngọc trai, một bộ áo nỉ dạ cùng với ẩm thực, hương hoa. Nhóm thứ năm là những người Bà-la-môn, lễ cúng dường cho họ mất 20 ngày. Những người ngoại đạo hợp thành nhóm thứ sáu; phân phát phẩm vật cho họ mất 10 ngày. Nhóm thứ bảy gồm những người nghèo cực, cuộc phát chuẩn mất một tháng.
Khi lễ tín thí đã xong, thể lời mời của vua Siladitya, Pháp sư lại ở thêm 10 ngày. Rồi Ngài quyết định khởi hành cuộc hồi hưong mặc dù hai vua Siladitya và Kumara khẩn khoản. Ngài từ chối tất cả tặng vật của hai vua này và lên đường. Hai vị vua cùng với nhiều người theo tiễn Ngài nhiều dặm, rồi họ từ biệt nhau. Lúc chia tay họ không khỏi bùi ngùi rơi lệ.
Pháp sư đi cùng với vua miền bắc Ấn là Udita (Ô-địa-đa) mang theo nhiều kinh tượng. Vua Siladitya gởi một con voi lớn, 3.000đồng tiền vàng, 10.000 đồng tiền bạc cho vua Udita để trả lộ phí cho Pháp sư. Ba ngày sau, Vua cùng với vua Kamara và vua Dhruvabhata lại đến bái biệt Ngài. Vua Siladitya cũng phái 4 viên quan đem thư viết trên lụa bạch ấn triện son gởi đến nhiều xứ ở trên đường Pháp sư sẽ đi qua, yêu cầu các quan sở tại cung cấp cho Pháp sư ngựa và người tùy tùng để đến đất Hán (Trung Quốc).
Bấy giờ Ngài lên đường về Trung Quốc. Từ xứ Prayaga, Ngài đi hướng tây nam, qua một khu rừng rộng, đi trong bảy ngày vào xứ Kausambi (Kiều-thường-di). Sau khi viếng các thánh địa, Ngài lại cùng vua Udita đi về phía tây bắc, qua nhiều xứ và trở lại thăm thánh tích Thiên Thê. Chuyến đi này mất hơn một tháng.
Ngài lại nhắm hướng tây bắc đi 3 lý đến thủ đô xứ Vilasana (Tì-la-na-noa). Ngài lưu lại hơn hai tháng, gặp hai bạn học cũ Simhaprabha (Sư-tử-Quang) và Simhacandra (Sư-tử-Nguyệt) rất mừng rỡ đón tiếp Ngài. Lại đi hướng tây bắc hơn một tháng, Ngàiđi qua nhiều xứ và đến xứ Jalandhara (Xà-lan-đạt), Ngài ở lại một tháng. Ở đây Ngài từ biệt vua Udita (Ô-Địa), vị vua này cho một người tùy tùng theo hộ vệ Ngài đi về phương Đông.
Hai mươi ngày sau, Ngài đến xứ Simhapura (Tăng-ha-bổ-la). Ở đấy có chừng 100 vị sư theo Ngài, tất cả đều là người bắc phương, họ mang theo kinh tượng giúp Ngài đem về nước. Trong hai muơi ngày, Ngài phải qua một vùng núi non hiểm trở, có gặp cướp, nhưng đoàn lữ hành không bị hại gì. Hai mươi ngày sau, họ đến xứ Takshasila (Đát-xoa-thỉ-la). Ở đấy vua xứ Kashmir phái một sứ giả đi mời Pháp sư nhưng Pháp sư từ chối lấy cớ vì hành lý cồng kềnh. Ngài ở lại đấy 7 ngày rồi nhắm hướng tây bắc thẳng tiến. Trong 3 ngày họ đến sông Indus (Tín-độ) rộng 5, 6 lý. Pháp sư cỡi voi lội qua sông, còn bạn đồng hành và kinh điển cùng với một ít hạt giống hoa quý của Ấn Độ thì đi thuyền qua. Khi thuyền ra giữa sông, một trận cuồng phong nổi lên suýt đánh chìm thuyền. Người giữ kinh quá sợ hãi nên té xuống sông nhưng may được cứu thoát. Năm mươi bộ kinh bị mất cùng với các hạt giống, số kinh còn lại khỏi mất như nhờ một phép mầu.
Vua Kapis (Ca-tất-thí) ở đô thị Udakakkhanda (Ô-đạt-ca-hán-dà) thân hành đến hỏi thăm về việc rủi ro này và thỉnh Pháp sư cùng về kinh ở lại hơn 50 ngày. Để thay thế kinh điển bị mất, Pháp sư phái vài người trở lại xứ Udyana (Ô-trưởng-na) để chép tam tạng giáo điển của môn phái Kasyapiya (Ca-diếp-tí-da). Khi Pháp sư ở lại đô thị Udakakkhanda, vua Kashmir thân đến bái yết và ở lại một ngày bên Ngài.
Đoạn Pháp sư cùng Vua Kapisa (Ca-tất-thí) đi về hướng tây bắc hơn một tháng và đến xứ Lampaka (Lam-ba). Vua cho hoàng tử đi trước về để sửa soạn đón tiếp Pháp sư cho thật trọng hậu. Khi Pháp sư đến kinh đô, hàng ngàn người gồm xuất gia và cư sĩ, cầm cờ lọng ra đón rước, và ai nấy đều mừng rỡ được thấy Ngài. Họ quây quần xung quanh Ngài và không ngớt chúc tụng tán thán Ngài. Pháp sư được mời ở lại trong một ngôi ngùa đại thừa và vua tổ chức một trai đàn trong 75 ngày để mừng Ngài.
Ngài đi về phía nam trong 15 ngày và đến xứ Varana để chiêm bái các thánh tích. Rồi đi hướng tây bắc, Ngài qua vùng Avakan. Từđây, Ngài đi về hướng bắc suốt 83 dặm và đến xứ Vrjisthana, đoạn đổi sang hướng đông vào tận địa phận xứ Kapisa. Nhà vua tổ chức một lễ trai đàn lớn trong 7 ngày. Sau đấy Ngài đi về hướng đông bắc một dặm và đến đô thị Grosapam, ở đấy Ngài từ biệt vua Kapisa. Vị vua này sai cận thần cùng với hơn một trăm người đem theo lương thực đi hộ vệ Ngài, vượt qua núi tuyết. Sau bảy ngày leo núi gian khổ, Ngài đến đỉnh ngọn Tuyết sơn. Thật không bút nào tả cho hết nỗi gian lao của Ngài trong chuyến đăng sơn hiểm nguy này. Ngài phải dùng gậy để đi vì không thể cỡi ngựa.
Sau bảy ngày, Ngài đến một dãy núi cao và xuống một khu làng dưới chân núi, ngủ lại đấy. Đến nửa đêm, Ngài lại tiếp tục hành trình và nhờ một người dân làng làm hướng đạo, Ngài tránh được những hố băng, những dòng suối và cuối cùng qua khỏi dẫy băng sơn ngày hôm sau. Lúc này đoàn lữ hành chỉ còn lại 7 thầy tu, 20 người hộ vệ, 1 voi, mười lừa, 4 ngựa.
Ngày hôm sau Ngài đến chân núi, đi qua con đường khúc khuỷu, Ngài leo một dãy núi khác ở xa trông như có tuyết phủ, nhưng đến gần thì chỉ là một dãy núi đá trắng. Đây là dãy núi cao nhất Ngài gặp phải mà mây, tuyết không che phủ nổi ngọn đỉnh. Về chiều, Ngài đến đỉnh núi. Đoàn lữ hành lạnh cóng vì gió và không đứng vững được. Không có cây cối, thảo mộc, chim chóc gì, chỉ thuần những khối đá khổng lồ hiện lù lù cao vòi vọi.
Pháp sư xuống núi từ phương tây bắc và sau khi đi nhiều dặm Ngài gặp một vùng đất phẳng và hạ trại ở đây và nghỉ đêm. Sáng hôm sau lại khởi hành đi trong 6 ngày. Ngài xuống núi và vào xứ Antarava.
Ngài lưu lại 5 hôm, rồi đi về hướng tây bắc 67 dặm, đến xứ Khost (Hoát-tất-đa), lãnh thổ cũ của Tukhara. Tiếp tục hướng tây bắc 50 dặm nữa qua một vùng núi non, Ngài đến xứ Kunduz (Hoạt-quốc). Pháp sư được người con cả của Shê-hu Khan (Diếp-hộ-khả-hãn) đón tiếp và mời ở lại một tháng. Ông ta cho một người hộ vệ theo Ngài và sau khi đi về hướng đông 2 ngày với vài người thương gia, Pháp sư đi vào xứ Munjan.
Từ Mujan (Măng-kiện), Ngài đi về hướng đông 50 dặm Anh qua núi đồi, và đến xứ Himatala (Hê-ma-đát-la), vẫn hướng đông đi thêm 33 dặm Anh, Ngài gặp xứ Bakaksan (Bạ-sáng-na). Ngài ở lại đấy hơn một tháng vì bão tuyết.
Đoạn Ngài đi về hướng đông nam thêm 33 dặm Anh, đến xứ Yamgan (Dâm-bạc-kiện), và 50 dặm đường nguy hiểm khác đưa Ngàiđến xứ Kurana (Khuất-lang-noa). Từ Kurana đi về hướng đông bắc thêm 83 dặm đường núi, Ngài đến xứ Termistat (Đạt-ma-tất-thiết-đế). Từ đấy Ngài đến xứ Shighni (Thi-diệp-ni) và Sgamaka (Thương-di), đoạn đi về đông 117 dặm đường núi Ngài đến vùng thung lũng Pamir.
Từ thung lũng này, Pháp sư đi qua một vùng tuyết phủ hiểm nghèo lối 83 dặm, đến xứ Kabhanda. Ở đấy Ngài lưu lại hơn 20 ngày.
Ngài lại tiếp tục hướng đông bắc trong 5 ngày thì gặp cướp, các bạn đồng hành của Ngài chạy trốn vào núi và con voi của Ngài bị chết đuối. Sau khi bọn cướp đi khỏi, Ngài lại tiếp tục đi cùng với những thương gia và sau khi đi 134 dặm Anh, Ngài ra khỏi thung lũng Pamir đến xứ Usa. Từ đây Ngài đi về hướng bắc 83 dặm đến xứ Kashgar, đoạn Ngài đi hướng đông nam 83 dặm nữa, qua sông Sita, trèo một dãy núi lớn và đến Chekuka.
Đi hướng đông hơn 134 dặm nữa, Ngài đến xứ Kustana, và lưu lại trong 7 ngày. Vua xứ này thân hành đến thăm Ngài. Hai hôm sau Ngài đi về phía kinh đô. Vua đã trở về kinh trước nhưng để lại hoàng tử để bảo vệ Ngài. Khi Ngài đến kinh, vua cùng các Tỷ kheo và cư sĩ đón tiếp Ngài long trọng bằng âm nhạc, hương và hoa. Ngài ở lại trong một ngôi chùa thuộc Nhất thế hữu bộ. Ở đấy Ngài cho vài người tới Kucha và Kashgar để tìm một ít kinh điển của Ngài đã đánh mất khi qua vùng Indus. Vua xứ Kustana yêu cầu Ngài ở lại ít lâu. Từ Kustana, Ngài cho một thanh niên ở Cao Xương đi cùng với thương gia đem thư về cho Hoàng đế Trung Quốc báo tin Ngài sắp về. Sau 7, 8 tháng, sứ giả trở lại với một chiếu chỉ triều đình, đại ý nhà vua hết sức mừng nghe Ngài trở về và đã ban lệnh cho các quan sở tại hộ vệ và đón rước Ngài. Khi nhận được chiếu chỉ, Pháp sư lập tức khởi hành; vua Kustana cúng dường Ngài những thức cần thiết cho cuộc hành trình.
Sau khi đi 50 dặm, Ngài đến đô thị Bhima (Bễ-ma-thành) về phía đông. Từ đấy Ngài đi hướng đông, qua một bãi sa mạc và sau 33 dặm, đến thành Niya vẫn hướng đông, Ngài gặp sa mạc Đại Lưu. Nơi đây không có nước, không có đồng cỏ, đường sá, ngoài những bộ xương người và vật trên lối đi. Sau 67 dặm, Ngài đến xứ Tukhara cũ, và đi thêm 100 dặm, đến xứ Calmadana (Chiết-ma-đà-na) lãnh thổ của Chemo (Tự-mạt). Đoạn Ngài đi về hướng đông bắc 166 dặm nữa đến xứ Navapa (Nạp-phược-ba-đất) của Loulan (Lâu Lan), cuối cùng Ngài đến địa phận Trung Quốc và các người hộ vệ của Kustana trở về. Khi đến Sa Châu, Ngài viết thêm một bức thơ cho Hoàng đế. Vua sai Lương quốc công Phòng Huyền Linh sắp xếp việc đón tiếp Ngài.
Khi hay tin vua sắp sửa đi viễn chinh gần sông Liêu, Ngài vội vã trở về gấp và đến kênh Tào Thượng (Canal). Chính quyền địa phương không biết cách đón tiếp ngài nhưng dân chúng nghe Ngài đến thì hàng ngàn người kéo đến đảnh lễ. Những con đườngđông nghẹt không có lối đi. Pháp sư phải ở lại một đêm tại Tào Thượng.
Vào tháng giêng mùa xuân niên hiệu Trinh Quán thứ 19 (A, D 645), Tể tướng Phòng Huyền Linh cử Hầu Mạc Trần Thật, Đại tướng xứ Hữu Võ Hầu, Lý Thúc Thông, Tư mã ở Ung Châu, và Lý Càn Hựu, Huyện lệnh ở Tràng An đi đón Ngài. Ngài đến Tào Thượng, theo sau là vô số người, và ở lại tại khách xá ở kinh đô.
Vào ngày ấy, theo lệnh của chính quyền, nhiều ngôi chùa trong kinh đô đều sửa soạn đón tiếp Ngài và rước xá lợi Phật cùng kinh tượng do Ngài thỉnh về. Dân chúng vô cùng hân hoan, tranh nhau đến bái yết Pháp sư. Hàng trăm hương án sắp hàng để cung nghênh những kinh tượng.
"Vào ngày ấy, các chùa chiền được lệnh đem cờ lọng và các lễ khí đến tụ họp ở đường Châu Tước hôm sau, nghĩa là ngày 28, đểcung nghênh kinh tượng về chùa Hoằng Phước. Dân chúng hân hoan tranh nhau phô bày các cờ lọng hương án, xe hoa đẹp đẽ. Khi các chùa đã sửa soạn những thứ kể trên để dùng trong đám rước, tăng ni đắp y đi theo sau, cử nhạc và đốt hương. Khi họ đến conđường đã định, họ trưng bày hàng trăm lễ cụ và mang kinh tượng đi thành hàng cùng với ngọc ngà châu báu và rắc hoa. Không ai trong đám rước này mà không ca ngợi rằng đây là một cảnh tượng chưa từng có. Họ quên cả mệt nhọc bụi bặm trước cơ hội hi hữu này. Từ đường Châu Tước đến cổng chùa Hoằng Phước, dân chúng trong thành phố gồm cả các văn nhân và quan triều đứng sắp hàng hai bên đường suốt hơn một dặm để xem đám rước. Vì đường quá đông nên chính quyền ra lệnh dân chúng không được xê dịch sợ đạp dẫm lên nhau. Họ được lệnh đứng yên chỗ để rắc hoa và đốt hương cúng dường. Những làn khói hương bay lên nghi ngút và những lời chúc tụng vang rền khắp nơi không ngớt. Ngày xưa khi đức Như Lai giáng sinh ở thành Ca-tì-la-vệ và khi Bồ tát Di-lặc lần đầu tiên bay lên cung trời Đâu Suất, chư thiên đăng lễ vật cúng dường và đông đảo dân chúng vây quanh. Mặc dù dịp này không thể so sánh với những biến sự lớn ấy của ngày qua, nhưng cũng thật là kỳ diệu, kể từ ngày đức Thế Tôn nhập diệt."
Pháp sư đã mang về Trung Hoa:
1. 150 hột xá lợi Phật.
2. Một tượng Phật bằng vàng theo mẫu bóng trong hang Long-Khốt trên núi Chánh Giác ở Ma-kiệt-đà cao ba bộ bốn tấc Anh gồm cả đế.
3. Một tượng Phật bằng gỗ trầm hương, trình bày Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên ở Varanasi. Tượng cao 3 tấc 5 Anh kể cả đế.
4. Một tượng Phật bằng gỗ trầm hương mô phỏng tượng trầm hương do vua Udayana xứ Kausambi tạc, cao 2 tấc 9 Anh gồm cả đế.
5. Một tượng Phật bạc cao 4 tấc Anh cả đế, tạc hình đức Như Lai từ cung Trời giáng xuống Ca-tỳ-la-vệ.
6. Một tượng Phật vàng cao 3 tấc 5 Anh kể cả đế, tạc hình đức Phật đang thuyết Kinh Pháp Hoa và những kinh khác trên đỉnh núi Thứu phong xứ Ma-Kiệt-Đà.
7. Một tượng Phật gỗ trầm hương cao 1 tấc 3 Anh kể cả đế, tạc hình đức Phật khắc phục mãng xà ở Nagaraha.
8. Một tượng Phật gỗ trầm tạc hình Ngài đi khất thực quanh thành Vaisali và vài tượng khác.
Về kinh điển, Ngài mang về 224 bộ kinh đại thừa, 192 bộ luận Đại thừa, 15 bản của phái Thượng tọa, 15 bản của phái Đại chúng, 15 bản của pháp Chánh lượng, 22 bản của phái Di-sa-tắc, 17 bản của phái Ca-diếp-tỉ-la, 42 bản của phái Pháp mật, 67 bản của phái Nhất thiết hữu, 36 bộ Nhân minh luận, 13 Thanh minh luận, tổng cộng 520 hòm có 675 cuốn. Ngài phải dùng 20 ngựa để mang tất cả.
Và thế là chấm dứt cuộc tây du thần kỳ hy hữu của Pháp sư. Ngài ra đi vào tháng tư niên hiệu Trinh Quán thứ 3 (629 sau kỷ nguyên) vào lúc 26 tuổi từ Tràng An cho đến Vương Xá. Ngài đã đi hơn 8.333 dặm Anh (khoảng 10.000km) và đã mất tất cả 17 năm trước khi về đến Trung Quốc.
---o0o---