Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

GIÁO ĐOÀN PHẬT GIÁO

15 Tháng Bảy 20162:21 CH(Xem: 2409)
GIÁO ĐOÀN PHẬT GIÁO

LUẬT HỌC ĐẠI CƯƠNG 
Soạn giả: HT. Thích Thanh Kiểm 

GIÁO ĐOÀN PHẬT GIÁO

I. Ý NGHĨA GIÁO ĐOÀN

Thuật ngữ của Giáo đoàn Phật giáo gọi là Tăng-già (Sangha), dịch là hòa hợp chúng. Chúng có nghĩa là đoàn thể hòa hợp, đoàn thể tự trị. Nên Tăng-già có ý nghĩa đoàn thể tự trị. Tối thiểu từ 4 người trở lên đều là hòa hợp chúng mới gọi là Tăng-già, gọi tắt là Tăng. Từ 3 người trở xuống không được gọi là Tăng mà gọi là Quần (Gana). Đức Thích Tôn sau khi thành đạo, “Sơ chuyển pháp luân”, Ngài nói pháp Tứ đế ở vườn Lộc Dã (Mâgadeva) thuộc nước Ba La Nại Tư (Vàrànasè) độ 5 người đệ tử đầu tiên là A Nhã Kiều Trần Như (Ajnõata-Kaudinya), A Thấp Bà (Asùvajit), Bạt Đề (Bhadrika), Ma Ha Nam (Màhànàman) và Thập Lực Ca Diếp (Dàshada-Kàsypa). Ngôi Tam Bảo bắt đầu có từ đây.

Cũng ở Lộc Dã Uyển, Đức Phật còn độ cho Da Xá (Yassa) và song thân của ông làm tại gia Phật tử. Bên nam gọi là Ưu-bà-tắc, bên nữ gọi là Ưu-bà-di, hai chúng tại gia Phật tử có từ đây. Phật cũng còn độ cho thân hữu của Da Xá làm đệ tử gồm 50 người.

Đức Phật và 5 Tỷ-kheo đi hóa độ các nơi. Ngài đi về phía nước Ma Kiệt Đà (Magadha), đã độ cho 3 anh em Ca Diếp, trưởng huynh là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilvà-Kàsyapa), thứ huynh, Na Đề Ca Diếp (Nani-K.), em út, Già Da Ca Diếp (Gigà-Kàsyapa), đều thuộc Bà La Môn giáo, theo Phật làm đệ tử. Các ông này còn có 1000 người đồ đệ cũng đều được Phật hóa độ. Giáo đoàn của Đức Phật ngày một lớn mạnh.

Khi ở Vương Xá thành (Ràlagaha), thủ phủ nước Ma Kiệt Đà ở nơi Trúc Lâm tinh xá (Venuvana-Vihàra) do vua Tần Tỳ Xa La (Bimbisàra) sai trưởng giả Ca Lan Đà (Karanda) xây cất, Đức Phật đã độ cho 3 ông cũng thuộc Bà La Môn giáo là Xá Lợi Phất (Sàriputra), Mục Kiền Liên (Mauâralyàyana) và Đại Ca Diếp (Mahàkasyapa). Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có 250 đệ tử cũng đều xin theo Phật làm đệ tử. Đến lúc này đệ tử của Đức Phật có 1.250 người, thường thường đi theo Phật giáo hóa. Trong kinh điển thường nói: “Đại Tỷ kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân”.

Khi trở về thăm bệnh phụ vương, Đức Phật còn giáo hóa cho cả vua Tịnh Phạn và các hàng vương tử. Trong các hàng vương tử, có chính con của Ngài là La Hầu La (Rahula), người em khác mẹ là Nan Đà (Nanda), em họ là A Nan Đà (Ànanda), Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), A Nâu Lâu Đà (Anurudha), đều được Phật độ làm đệ tử. Phật thành đạo được 5 năm thì phụ vương mất, kế mẫu của Phật là Ba Xà Ba Đề (Pralàpati) và công chúa Da Du Đà La (Yasoddharà) cũng được Phật độ cho xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Đó là lần đầu tiên mà bên nữ giới được Phật độ vào hàng đệ tử xuất gia. Đến đây, giáo đoàn của Phật đã gồm đủ tứ chúng, hai chúng xuất gia: Tỷ-kheo (Tăng đoàn) và Tỷ-kheo-ni (Ni đoàn), hai chúng tại gia là Ưu-bà-tắc (nam giới) và Ưu-bà-di (nữ giới).

II. THÀNH PHẦN CỦA GIÁO ĐOÀN

Giáo đoàn của Phật giáo gọi là Tăng-già, thành phần tổ chức của Tăng-già là đoàn thể tôn giáo. Đức Thích Tôn còn tại thế, phương thức đoàn thể tôn giáo cũng đã được chế định. Những pháp quy của đoàn thể Tăng-già gọi là Luật tạng, quy định về cách tổ chức và sinh hoạt. Thành phần của đoàn thể Tăng-già gồm có 7 chúng xuất gia và tại gia:

1. Tỷ-kheo (Bhiksu). - Phái nam xuất gia từ 20 tuổi trở lên đã thọ giới Cụ túc.

2. Tỷ-kheo-ni (Bhiksuni). - Phái nữ xuất gia từ 20 tuổi trở lên đã thọ giới Cụ túc.

3. Sa-di (Sràmanera). - Phái nam xuất gia đã thọ 10 giới.

4. Sa-di-ni (Sràmaneri). - Phái nữ xuất gia đã thọ 10 giới.

5. Thức-xoa-ma-na (Sikkhamàna). - Phái nữ xuất gia phải 2 năm học “lục pháp” đã thọ và học giới để chuẩn bị thọ giới Tỷ-kheo-ni.

6. Ưu-bà-tắc (Upàsaka). - Phật giáo đồ phái nam.

7. Ưu-bà-di (Upàsika). - Phật giáo đồ phái nữ.

Trong 7 chúng, 5 chúng trên thuộc chúng xuất gia, 2 chúng sau thuộc chúng tại gia.

Về đoàn thể Tăng-già có nghĩa rộng và nghĩa hẹp, nên Tăng-già được khu phân thành 3 loại:

1. Lý tưởng Tăng-già: Lý tưởng Tăng-già thì không phân biệt tại gia hay xuất gia, vì ai nấy đều là Phật tử, đều là Phật giáo đồ, nếu quyết tâm tu hành cũng đều có thể chứng ngộ, giải thoát. Về lý tưởng Tăng-già có thể khảo sát theo 2 phương diện: khảo sát theo phần lượng về nghĩa rộng của Tăng-già, thì hết thảy chúng sinh đều bao hàm trong nghĩa Tăng-già; khảo sát về phần chất, hết thảy chúng sinh đều có thể chứng ngộ.

2. Xuất gia Tăng-già: Tức Tỷ-kheo Tăng-già và Tỷ-kheo-ni Tăng-già. Sa-di thuộc Tỷ-kheo Tăng-già, Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na thuộc Tỷ-kheo-ni Tăng-già.

3. Hội nghị Tăng-già: Tỷ-kheo Tăng-già và Tỷ-kheo-ni Tăng-già, căn cứ vào nhân số trong các cuộc tập họp mà thành lập. Nghi thức hội nghị của Tăng-già, cần phải có từ 4 người trở lên mới được gọi là Tăng-già, từ 3 người trở xuống thì không gọi là Tăng-già mà gọi là “Quần” (Gana). Hội nghị Tăng-già chia làm 5 loại: (1) Hội nghị Tăng-già gồm 4 người. (2) Hội nghị Tăng-già gồm 5 người. (3) Hội nghị Tăng-già gồm 10 người. (4) Hội nghị Tăng-già gồm 20 người. (5) Hội nghị Tăng-già gồm 20 người trở lên. Nghi thức hội nghị chia nhiều thứ như vậy, là vì dựa vào từng công việc mà xử sự.

III. SINH HOẠT CỦA GIÁO ĐOÀN

Đức Thích Tôn khi còn tại thế, Ngài đã chế định ra giới luật để làm tiêu chuẩn cho việc tu hành và sinh hoạt của các đệ tử. Sau khi Phật diệt độ, các bậc Kỳ túc Trưởng lão lại theo đó mà giải thích và quy định lại, biên thành Tỷ-kheo giới bản và Tỷ-kheo-ni giới bản. Y vào luật Tứ Phần, kinh giới bản của Tỷ-kheo có 250 giới, Tỷ-kheo-ni có 348 giới. Theo Nam truyền luật tạng, Tỷ-kheo có 227 điều, Tỷ-kheo-ni có 311 điều. Các giới điều tuy có khác, nhưng chỉ khác phần chi tiết, còn phần nội dung căn bản vẫn giống nhau.

Người xuất gia, sau khi được thọ Cụ túc giới, cần phải nương theo vào các điều giới luật như trong giới bản để làm mực thước sinh hoạt hàng ngày. Về sinh hoạt của người xuất gia, phải nương vào Tứ Y pháp: 

1.- Y vào khất thực để sinh sống. 

2.- Y vào áo vải thô để che thân. 

3.- Y vào dưới gốc cây để ngủ nghỉ. 

4.- Y vào thuốc hủ nát để chữa bệnh. 

Nghĩa là sự sinh hoạt hàng ngày của người xuất gia, không chú trọng ở các vật xa hoa, các món ăn ngon, chỉ lấy thanh đạm làm mãn nguyện. Tuy nương vào Tứ Y pháp làm tiêu chuẩn cho sinh hoạt, nhưng tùy từng địa phương, từng trường hợp, các hàng tại gia Phật tử, đàn việt làm tinh xá, giảng đường, áo mặc, đồ ăn đem cúng dường, bố thí vẫn được thọ dụng mà không trái với tinh thần Tứ Y pháp.

Vật sở hữu của Tỷ-kheo, chia ra cá nhân sở hữu và Tăng-già sở hữu. Vật cá nhân sở hữu, nếu y vào chế định Nam phương Phật giáo là 3 tấm cà-sa: An-đà-hội (Antarivàsaka), Uất-đa-la-tăng (Uttaràsasangha) và Tăng-già-lê (Samhàli), bình bát, khăn lọc nước, dao thế phát, kim khâu và túi, gồm 8 vật. Nếu y vào chế định của Bắc phương Phật giáo là 3 tấm cà-sa, bình bát, khăn lọc nước và tọa cụ gọi là 6 vật. Ngoài ra là những dụng cụ như giày dép, khăn mặt, khăn lau tay v.v... Vật sở hữu của Tăng-già như: tự viện, già lam, giảng đường, phòng xá, vườn rừng, cây quả, chăn màn, giường gối v.v... đều là vật công cộng của toàn thể chư Tăng, ai cũng có quyền được sử dụng.

Công việc hàng ngày của các Tỷ-kheo: buổi sáng sớm thì tụng kinh, tọa thiền, trước giờ Ngọ phải đi khất thực, mang về phòng ăn đúng giờ Ngọ, xong, có giờ chỉ tĩnh, rồi lại chuyên việc tu hành, giảng đạo, buổi tối tụ tập tại Thiền đường công cộng để cùng nhau bàn về pháp thoại, và có giờ nghiên cứu công cộng, mãi tới đêm khuya mới đi nghỉ. Tóm lại, về sinh hoạt hàng ngày của Tỷ-kheo lấy sự tu luyện làm cốt yếu.

IV. QUY ĐỊNH CỦA GIÁO ĐOÀN

Một bộ phận của Luật tạng là giới bản thuộc phần Chỉ-trì, ngoài ra còn có một bộ phận gọi là Kiền-độ, tức là Tác-trì là những quy định về các pháp thọ giới, bố-tát, an-cư, tự-tứ v.v... của đoàn thể Tăng-già. Nội dung của Kiền-độ phần thì rất phức tạp, phần phức tạp này là do các bậc Kỳ túc, Trưởng lão của Giáo đoàn chế định thêm, còn y vào quy định ở thời Đức Thích Tôn còn tại thế thì đơn giản hơn.

Công việc quan trọng nhất của Giáo đoàn là việc tác pháp tiến cụ (Upasampadà). - Nghi thức công nhận người gia nhập đoàn thể. Trước hết, nếu ai tin theo Phật, được Phật hứa khả, tức là nghi thức tác pháp công nhận người đó gia nhập đoàn thể Phật giáo đồ. Như người được trao truyền cho giới Tam quy y: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tức là nghi thức hứa khả cho người đó gia nhập đoàn thể Phật tử. Người được trao truyền cho 10 giới, tức là nghi thức hứa khả cho gia nhập đoàn thể Sa-di. Người được sự tác pháp trao truyền cho giới Cụ túc, tức là nghi thức hứa khả cho gia nhập đoàn thể Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni. Người được nhận vào đoàn thể Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni, phải là người đủ 20 tuổi trở lên, và lục căn cụ túc. Về phía người hứa khả cho gia nhập đoàn thể Tỷ-kheo, lúc đầu thì duy có tự thân Đức Phật, đó là trường hợp đặc biệt, nhưng về sau phải có 10 vị Trưởng lão Tỷ-kheo làm thầy giới sự để trao truyền giới pháp. Sau khi được nhận vào đoàn thể Tỷ-kheo, ai nấy đều phải căn cứ vào giới luật để tu trì, vào kinh điển để học tập.

Quy định về nghi thức Bố-tát (Upavasatha). - Bố-tát mỗi tháng có 2 kỳ, nghĩa là các Tỷ-kheo hoặc Tỷ-kheo-ni cùng ở một già lam hay trong một phạm vi kiết giới nào, mỗi tháng vào ngày 15 và 30 đều phải tận tập, bạch yết-ma làm lễ bố-tát, cử một Tỷ-kheo tụng giới bản, đại chúng đều ngồi nghe, ai nấy đều tự phản tỉnh và nếu phạm vào điều giới luật nào, phải ra trước đại chúng sám hối, hoặc tự phát lộ.

Quy định về nghi thức An-cư (Varsavasana). - Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa, nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối, sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh nở đầy đường, đi lại sợ tổn hại đến sinh mạng các loài côn trùng, nên Phật cùng các đệ tử phải tụ tập lại một nơi nào thuận tiện để chuyên việc tu hành trong 3 tháng, kể từ ngày 16 tháng 4 đến 15 tháng 7, gọi là “Vũ-kỳ an-cư”.

Quy định về nghi thức Tự-tứ (Pavarana). Ngày 15 tháng 7, ngày cuối cùng của khóa an-cư là ngày làm lễ Tự-tứ. Tự-tứ có nghĩa là trong 3 tháng tu trì, nếu trong đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực, thì được tự do cử tội. Pháp an-cư, tự-tứ có từ ngày Đức Thích Tôn còn tại thế. Nghĩa là Đức Thích Tôn thành đạo sau một năm, cho tới khi Ngài nhập diệt, Ngài không để thiếu một khóa an-cư, tự-tứ nào.

V. SỰ BIẾN THIÊN CỦA GIÁO ĐOÀN

Khi Đức Thích Tôn còn tại thế, Tăng-già được sự bao dung nhân cách vĩ đại của Ngài, nên đã ít xảy ra vi phạm tội lỗi. Nhưng nếu có chỗ vi phạm là do nơi quần chúng không tốt của Lục-quần Tỷ-kheo trà trộn, nên Đức Thích Tôn đã chế định ra ít nhiều về giới luật. Sau khi Đức Thích Tôn nhập diệt, ngài Đại Ca Diếp cố giữ cho giới luật của Phật đã chế định, không để thất thoát, quyết tâm tuân thủ và truyền trì. Nhưng sau khi Đức Thích Tôn nhập diệt 100 năm, thì Giáo đoàn của Phật giáo cũng không nằm trong “Chính pháp nhất vị”, mà đã phân liệt thành 2 phái tư tưởng cũ mới đối lập, nên đã phát sinh ra phái truyền thừa về hình thức của giới luật thành “Thượng Tọa bộ (Sthaviràh)”, sau gọi là Tuyết Sơn bộ (Haimavàtàh), và nắm bắt về tinh thần của giới luật mà hình thành “Đại Chúng bộ (Mahàsamghikàh)”. Thế rồi sau đó,2 bộ này có những bất đồng tư tưởng, lại lần lượt phân liệt thành các bộ nhỏ khác. Như Đại Chúng bộ chia thành 8 bộ: 

1. Nhất Thuyết bộ (Ekavyavahàrihàh)

2. Thuyết Xuất Thế bộ (Lokottaravadinàh)

3. Kê Dận bộ (Kaukktikàh)

4. Đa Văn bộ (Bàhusrutiyàh)

5. Thuyết Giả bộ (Prajnàptivadinàh)

6. Chế Đa Sơn bộ (Caityasailàh)

7. Tây Sơn Trụ bộ (Aparasailàh)

8. Bắc Sơn Trụ bộ (Uttarassailàh). 

Và Thượng Tọa bộ cũng chia thành 10 bộ: 

1. Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Saivàstivàdàh) còn gọi là Thuyết Nhân bộ (Hatuvàdàh)

2. Độc Tử bộ (Vàtsiputriyàh)

3. Pháp Thượng bộ (Dharmattariyàh)

4. Hiền Trụ bộ (Bhadrayànihàh)

5. Chính Lượng bộ (Sàmmitiyàh)

6. Mật Lâm Sơn bộ (Sandagirikàh)

7. Hóa Địa bộ (Mahìsàsakàh)

8. Pháp Tạng bộ (Dharmaguptakàh)

9. Ẩm Quang bộ (Kàsyapiyàh)

10. Kinh Lượng bộ (Sautràntikàh). 

Như vậy, 2 bộ phận liệt thành 18 bộ, cộng thêm 2 bộ căn bản, gọi là “Tiểu thừa nhị thập bộ”.

Trong các bộ phái kể trên, các bộ đều có những bộ luật riêng cho bộ mình. Trong Luật tạng Hán dịch, Tứ Phần luật thuộc Pháp Tạng bộ, Ngũ Phần luật thuộc Hóa Địa bộ, Thập Tụng luật thuộc Hữu bộ, Ma Ha Tăng Kỳ luật thuộc Đại Chúng bộ, Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da dĩ nhiên là luật sở truyền của Hữu bộ. Luật Pàli sở thuộc hệ Thượng Tọa bộ, gọi là “Phân Biệt Thuyết bộ”, do Giáo đoàn Phật giáo Tích Lan là “Đại Tịnh xá Tự phái” (Màhàvihara) truyền trì. “Đại Tịnh xá Tự phái”: gọi tắt là Đại Tự phái thuộc Thượng Tọa bộ (Theriya-Nikàya). Nghi thức thọ giới nương vào giới luật được thực hành đầu tiên ở Trung Quốc là “Thời đại Tam quốc”, thời đại Quảng luật thì chưa hoàn toàn truyền tới nên chưa nhất trí về giáo nghĩa “Giới thể” và “Giới hạnh”, ngay khi Quảng luật đã truyền tới, vấn đề đó cũng vẫn chưa được giải quyết. Mãi đến thời Pháp Thông luật sư đời Bắc Ngụy, ngài chuyên nghiên cứu về “Tứ phần luật”, do đó mới giải quyết nhất trí được vấn đề giữa “Giới thể” và “Giới hạnh”. Đệ tử của Pháp Thông là Đạo Phú luật sư, được trao truyền tư tưởng của thầy, trước tác bộ “Tứ Phần luật sớ” 6 quyển.

Sau đó, Tuệ Quang luật sư (468-537) được truyền thừa khoa văn trên, nghiên cứu tinh tường luật Tứ phần, thành lập ra hệ thống cơ sở cho tông này. Tới Đạo Tuyên luật sư (596-667) thì ngài hoàn thành được hệ thống Tứ Phần luật tôn, gọi là “Nam Sơn Tôn”. Luật tôn trong đời Đường có tất cả 3 tông phái, nhưng duy có Nam Sơn Tôn là được thịnh hành và hiện còn truyền thừa tới nay. Hệ thống Luật tôn này còn được thịnh hành ở Nhật Bản, Cao Ly và cả Việt Nam. Giới luật của tôn này thuộc Tiểu thừa, nhưng phần giải thích có khuynh hướng Đại thừa.

Đại thừa giới được nói đến ở các kinh “Phạm Võng kinh”, “Anh Lạc kinh” và “Thiện Giới kinh”. Nội dung của “Phạm Võng kinh” nói về 10 cấm giới trọng và 48 giới khinh. Giới Đại thừa này thông cho cả 2 hàng Tăng và tục. Về Đại thừa giới thì tương đương với 2 bộ phận “Chỉ ác tác thiện”, nhưng phần quy tắc (tác trì) thì không nhất định. Do đó, những nghi thức, tác pháp, hành sự thuộc môn “Tác thiện” trong Tăng-già, đã không tồn tại. Phụng hành giới Đại thừa, nhưng lại phải tuân theo Tiểu thừa luật.

Môn Tác thiện dù có nằm trong Tiểu thừa giới, nhưng vì chưa mãn túc và đặc biệt “môn Tác thiện” trong Đại thừa giới không tồn tại, nên các tông phái thuộc Đại thừa đương nhiên phải nỗ lực chế định. Trong các tông phái duy có Thiền tôn đã chế tác được “Thanh quy”, để quy định về tập đoàn sinh hoạt của hòa hợp chúng. Từ thời Tổ Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng, các ngài đều cư trụ ở trong các chùa Luật Chế. Nhưng Tứ Tổ Đạo Tín và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đều trụ ở chùa Chính Giác thuộc núi Song Phong ở Tây Bắc huyện Hoàng Mai tỉnh Hồ Bắc, trước sau hơn 60 năm. Đồ chúng từ các nơi quy tụ về tu học không phải là 500 người mà là hàng ngàn người, làm thay đổi nếp Thiền phong đã có từ trước. Sinh hoạt của đại chúng lấy việc tự cấp, tự túc làm cốt yếu, không phải chỉ riêng tọa thiền, mà hết thảy việc canh tác, nấu cơm, quét nhà, làm việc công cộng v.v... cũng đều bao quát trong việc tu hành, mỗi mỗi việc đều coi là giá trị tuyệt đối. Đích tôn của Tổ Huệ Năng là Mã Tổ, có 800 người trong hội hạ và cũng đã xây dựng thành đạo tràng riêng biệt của Thiền. Bách Trượng Hoài Hải (720-814), người được truyền pháp của Mã Tổ, đã soạn ra bộ Thanh Quy đầu tiên, làm quy củ cho Thiền môn, đời gọi là “Bách Trượng Thanh Quy”. Thanh Quy là di sản đặc biệt của văn hóa Trung Quốc trọng vọng về lễ tục. Bộ “Bách Trượng Thanh Quy” đương thời lúc đó đã bị thất lạc không còn lưu truyền tới hiện nay, nhưng xem trong các bộ “Thiền Môn Quy Thức”, “Thiền Uyển Thanh Quy”, “Bách Trượng Quy Thằng Tụng”, trong “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” cũng có thể biết mường tượng được nội dung của “Bách Trượng Thanh Quy”. Ngài Bách Trượng còn kiến lập thiền viện độc lập, không phụ thuộc vào các chùa luật. Trên núi Bách Trượng, ngài không dựng Phật điện, mà chỉ kiến lập Pháp đường. Vị trụ trì gọi là Trưởng lão. Nơi ở trụ trì gọi là nhà “Phương trượng”. Trưởng lão là vị Hóa chủ, người thay mặt Phật, Tổ nơi Pháp đường để thượng đường, thăng tòa nói pháp. Đại chúng khi vào Tăng đường, theo thứ tự năm đã kết hạ an cư mà định trật tự. Trong nơi tham thiền có đặt ra “Trường liên sàng” (giường dài ngồi liền nhau) làm giá treo để treo các đạo cụ. Ngồi thiền lâu muốn nghỉ, để gối lên thành giường, đặt sườn bên phải xuống mà ngủ. Cách ngủ này gọi là “Đới đao thụy”. Đại chúng của toàn Viện thời chiêu tham mộ tụ, nếu khi Trưởng lão thượng đường, hết thảy đều tập hợp để nghe pháp và trao đổi vấn đáp. Ngoài ra còn có phần độc tham thọ giáo. Trong lúc chiêu tham mộ thỉnh, Đại chúng đều tiến thoái theo nhịp mõ cá, khánh đá, oai nghi chỉnh tề không để rối loạn. Về việc ăn dùng có 2 bữa cháo sáng, trai trưa trong ngày, giữ gìn tiết kiệm, trong lúc làm việc, Đại chúng trên dưới đều phải tận tâm kiệt lực.

Trong nơi Tăng đường đặt ra “10 vụ”, gọi là “Liêu xá”, mỗi cục Liêu xá có một thủ lĩnh, gọi là “Liêu ty”, dưới Liêu ty lại có nhiều người quản lý công việc. Dưới quyền chỉ đạo của thủ lĩnh (Liêu ty) còn có 10 chức như Duy na, Phạn đầu, Thái đầu, còn 7 chức nữa không ghi rõ tên. Nếu là người mượn hình tướng trà trộn vào hàng Thanh chúng, hoặc làm huyên náo trong chúng, vị Duy na phải kiểm cử, bỏ hết những đồ biện đạo xuống rồi đuổi ra khỏi Thiền viện. Nếu là người phạm tội, hoặc bị đánh đòn, hoặc sám hối trước đại chúng, hoặc bị đốt y bát rồi đuổi ra khỏi cửa, đều được quy định trong Thanh quy. Các Thiền viện trong thiên hạ đều phỏng theo bản Thanh quy này mà chế tác. Như vậy, giới luật của Thiền tôn, theo các quy tắc như trên, thuộc phần “Tác thiện môn”. Bách Trượng Thanh Quy được lưu truyền rất sâu rộng ở đời, nhưng do sự biến thiên của thời đại, tình thế của địa phương, phong tập của tự viện, tính cách của gia sự, nên đã bị cải biến dần dần. Tiếp sau có bộ “Thiền Uyển Thanh Quy” 10 quyển của Tôn Gi (1103), “Hiệu Định Thanh Quy” 2 quyển của Duy Miễn (1274), “Sắc Tứ Bách Trượng Thanh Quy” 2 quyển của Đức Huy (1336), đều là những bộ Thanh quy chủ yếu của Phật giáo Trung Quốc. Trong các bộ Thanh quy về phần nội dung là phần sinh mệnh mới của giới luật, nhưng đồng thời cũng là phần sa đọa vào hình thức, vì có chứa đựng phong phú phần tục lễ. Cho nên, Trình Minh Đạo, một Nho sĩ đã khen: “Tam đại lễ nhạc, tại chuy y trung”, nghĩa là lễ nhạc của 3 đời Hạ, Thương, Chu đều được tồn tại nơi Thiền đường.

VI. SỨ MỆNH CỦA GIÁO ĐOÀN

Đức Thích Tôn thuyết giáo, Ngài đã phủ nhận chế độ giai cấp, nếu ai đã là người quyết chí xuất gia đều được dự vào “Thanh tịnh đại hải chúng”, đều là chúng phạm hạnh thanh tịnh. Nên người xuất gia đã được thọ giới cần phải giữ giới thanh tịnh. Vì lẽ, cứ mỗi mỗi giới Đức Phật đã chế định đều có cái công năng đoạn trừ phiền não, giải thoát sinh tử, được 10 công đức lớn, mà trong luật Tứ phần gọi là “Thập cú nghĩa”, luật tạng Pàli (Dasa Atthavase) gọi là Thập lợi. 

“THẬP CÚ NGHĨA” TRONG TỨ PHẦN LUẬT:

1.- Nhiếp thủ ư Tăng. - Vì kiện toàn Tăng-già thành thanh tịnh chúng.

2.- Linh Tăng hoan hỷ. - Vì tu phạm hạnh, mầm thiện tăng trưởng, nên tâm hoan hỷ.

3.- Linh Tăng an lạc. - Vì hoan hỷ được an lạc nơi thiền định.

4.- Linh vị tín giả tín. - Vì người chưa tin phạm hạnh thanh tịnh mà sinh lòng tin.

5.- Dĩ tín giả linh tăng trưởng. - Vì người đã tin rồi khiến lòng tin tăng trưởng.

6.- Nan điều giả linh điều thuận. - Vì người khó điều phục khiến được điều thuận.

7.- Tàm quý giả đắc an lạc. - Vì người biết hổ thẹn được an vui.

8.- Đoạn hiện tại hữu lậu. - Vì đoạn hết được phiền não hiện tại.

9.- Đoạn vị lai hữu lậu. - Vì đoạn diệt được phiền não ở vị lai.

10.- Chánh pháp đắc cửu trụ. - Vì do trì phạm hạnh mà chánh pháp được cửu trụ.

“THẬP LỢI” TRONG LUẬT TẠNG PÀLI:

1.- Samghasutthutàya. - Vì tính kiện toàn của Tăng-già.

2.- Samghaphà-sutàya. - Vì an trụ của Tăng-già.

3.- Dummankuman puggalànam-niggahàya. - Vì ức chế kẻ ác.

4.- Pesalànam bikkùnam phàsuvihàraya. - Vì an trụ của thiện Tỷ-kheo.

5.- Ditthadhammikànam àsavànam samvaràya. - Vì đoạn phiền não hiện thế.

6.- Samparàyikanam àsavànam patighàtàya. - Vì đoạn diệt phiền não ở vị lai.

7.- Appasannànam pasàdaya. - Vì khiến người chưa tin sinh tin.

8.- Pasannànam bhiyyobhàvàya. - Vì người đã tin, lòng tin thêm kiên cố.

9.- Saddhammatthiliyà. - Vì chánh pháp cửu trụ.

10.- Vinayà nuggahàya. - Vì yêu chuộng kính trọng luật.

"Thập cú nghĩa" trong Tứ Phần luật và "Thập lợi" trong Luật tạng Pàli đêu gồm 10 hạng mục, các hạng mục đều tương tự nhau. Đó đều là những hạng mục chủ đích khiến cho thanh tịnh và trang nghiêm Giáo đoàn, khiến các Tỷ-kheo thanh chúng tu hành phạm hạnh, đoạn phiền não, chứng Niết-bàn.

Niết-bàn có nghĩa là phủ nhận cá ngã, cách cố đỉnh tân, để đạt tới nhân cách hoàn toàn, quyết không phải nơi an lạc của tự kỷ. Thế nên, trong lĩnh vực Tăng-già, ngoài việc tu tập phạm hạnh cho phần tự lợi còn phải tích cực nghĩa vụ giáo hóa để kiện toàn phần lợi tha. Vì tu tập phạm hạnh là phương diện tự giác hướng thượng, việc hoằng duyên là phương diện hướng hạ giác tha, nên sứ mệnh của Tăng-già phải chu toàn gồm cả Bi, Trí. Nghĩa là một mặt phải noi theo nhân cách vĩ đại của Đức Thích Tôn, y theo giới luật, thật tiễn tu hành, phát huy triệt để tinh thần hòa hợp chúng, để bảo trì kỷ cương trật tự, trang nghiêm Tăng-đoàn; mặt khác phải nương theo Đại thừa giới; Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiếp chúng sinh giới, để “Thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại”.