44.04 Phẩm Doanh Sự Tỳ Kheo Thứ Tư

27 Tháng Bảy 20166:15 CH(Xem: 2277)
44.04 Phẩm Doanh Sự Tỳ Kheo Thứ Tư

KINH ĐẠI BẢO TÍCH 
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh 
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XLIV 
PHÁP HỘI BỬU LƯƠNG TỤ
 
THỨ BỐN MƯƠI BỐN
 
Hán Dịch: Bắc Lương, Sa Môn Thích Đạo Củng 
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

PHẨM DOANH SỰ TỲ KHEO THỨ TƯ

Bấy giờ Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Tỳ Kheo hay quản lý sự việc trong Tăng chúng?"

Đức Phật dạy: "Nầy Đại Ca Diếp! Ta cho phép hai hạng Tỳ Kheo có thể quản lý chúng sự: Một là người hay trì giới thanh tịnh, hai là người sợ nơi đời sau, ví như kim cương.

Còn có hai hạng: Một là biết các nghiệp báo, hai là có lòng tàm quí và lòng hối lỗi.

Còn có hai hạng: Một là A La Hán, hai là có thể tu tập được Bát hội xả.

Nầy Đại Ca Diếp! Đó là hai hạng Tỳ Kheo được ta cho quản lý chúng sự tự mình không lầm lỗi. Tại sao, vì hộ ý của người là việc khó vậy.

Nầy Đại Ca Diếp! Trong Phật pháp có nhiều hạng xuất gia, nhiều thứ tánh, nhiều thứ tâm, nhiều thứ giải thoát, nhiều thứ đoạn kiết sử, hoặc có người a lan nhã, hoặc có người khất thực, hoặc có ở người thích ở núi rừng, hoặc có người thích ở gần tụ lạc thanh tịnh trì giới, hoặc có người hay lìa tứ ách, hoặc có người siêng tu đa văn, hoặc có người biện nói các pháp, hoặc có người hay trì giới luật, hoặc có người hay trì tỳ ni nghi thức, hoặc có người du hành các tụ lạc vì người nói pháp. Có bao nhiêu Tỳ Kheo Tăng như vậy, Tỳ Kheo quản lý khéo biết và làm vừa ý mọi người.

Nầy Đại Ca Diếp! Nếu với Tỳ Kheo a lan nhã ưa chỗ không nhàn, thì Tỳ Kheo quản sự chẳng nên sai khiến làm tất cả công việc, nếu là lúc họ phải làm việc trong Tăng chúng thì Tỳ Kheo quản sự nên làm thế, nếu tự mình không làm thì thuê người khác làm thay chẳng nên để họ làm, nếu chẳng phải là giờ hành đạo thì có thể sai làm chút ít.

Nếu với Tỳ Kheo khất thực, thì Tỳ Kheo quản sự nên cho họ đồ ăn ngon.

Nếu với Tỳ Kheo lìa tứ ách, thì Tỳ Kheo quản sự phải cung cấp các thứ cần dùng như y phục ẩm thực ngọa cụ và y dược, chỗ họ ở không được nói to gọi lớn vì muốn phòng hộ ý niệm của họ. Đối với Tỳ Kheo ly ách thì Tỳ Kheo quản sự phải tôn kính tưởng như đức Thế Tôn và nghĩ rằng: Tỳ Kheo nầy có thể làm pháp trụ trong Phật pháp, tôi phải cung cấp các đồ cần dùng cho Ngài.

Nếu có Tỳ Kheo siêng tu đa văn, thì Tỳ Kheo quản sự phải khuyến khích họ rằng: Đại Đức siêng tu đa văn đọc tụng cho thông thuộc, tôi sẽ vì Đại Đức mà lo cung cấp phục dịch. Nếu chư Đại Đức mà siêng tu đa văn như vậy thì tức là anh lạc tốt trong Tăng chúng có thể lên tòa cao rộng thuyết chánh pháp cũng tự mình sanh trí huệ. Với các Tỳ Kheo tu đa văn nầy, Tỳ Kheo quản sự chẳng nên sai làm việc phi thời phải ủng hộ cho họ tu đa văn.

Nếu có Tỳ Kheo giỏi thuyết pháp, thì Tỳ Kheo quản sự nên cung cấp mọi sự, nên dắt Tỳ Kheo ấy đến tụ lạc thành ấp khuyến dụ mọi người đến để nghe thuyết pháp, chỗ thuyết pháp cũng phải cung cấp đồ cần thiết, vì người thuyết pháp mà đặt tòa cao tốt. Nếu có Tỳ Kheo khác dùng cường lực muốn phá hoại người thuyết pháp thì Tỳ Kheo quản sự nên đến hòa giải và cũng nên thường đến chỗ người thuyết pháp khen thiện tai.

Nếu có Tỳ Kheo khéo trì giới khéo hiểu nghĩa luật thì Tỳ Kheo quản sự phải thường đến hỏi: Tôi lo công việc thế nào để khỏi phạm tội chẳng tổn mình cũng chẳng hại người? Tỳ Kheo trì luật nên quan sát tâm của Tỳ Kheo quản sự mà chỉ dẫn việc ấy nên làm, việc ấy chẳng nên làm. Tỳ Kheo quản sự đối với Tỳ Kheo trì luật phải hết lòng kính tin cúng dường.

Nếu chúng Tăng có tài vật dùng chia, thì Tỳ Kheo quản sự phải tùy thời cung cấp cho Tăng chẳng nên cất giấu, tùy lúc Tăng cần dùng nên chia cho Tăng. Phải có đúng lúc, chẳng vì ac tâm cho, chẳng vì phi pháp cho, chẳng vì tham vì sân vì si mà cho, chẳng vì sợ mà cho, theo pháp hành của Tăng chẳng theo pháp tục gia, tùy Tăng chế chẳng tùy tự chế, nơi tài vật của Tăng chẳng có ý tưởng tự do cho đến việc nhỏ cũng cùng Tăng phân phân đoán, chẳng riêng tự đoán. Nếu là vật dụng hoặc vật thường trụ Tăng, vật của Phật, vật tứ phương Tăng, Tỳ Kheo quản sự phải biết rõ, vật của thường trụ Tăng chẳng nên cho tứ phương Tăng, vật của tứ phương Tăng chẳng nên làm vật thường trụ Tăng, vật thường trụ vật tứ phương chẳng nên lộn lạo, cũng chẳng lộn với vật của Phật. Nếu vật thường trụ Tăng nhiều mà tứ phương Tăng cần dùng thì Tỳ Kheo quản sự nên họp Tăng yết ma. Nếu Tăng hòa hiệp chấp thuận nên đem vật thường trụ Tăng chia cho tứ phương Tăng. Nếu tháp điện Phật có chỗ cần, hay hư cần tu sửa mà vật thường trụ Tăng hay vật tứ phương Tăng nhiều thì Tỳ Kheo quản sự nên họp Tăng yết ma, nếu Tăng hòa hiệp chấp thuận cho thì quản sự Tỳ Kheo lấy vật ấy dùng tu bổ tháp điện. Nếu Tăng không hòa hiệp chấp thuận thì Tỳ Kheo quản sự nên khuyên hóa hàng tại gia cầu xin tài vật để tu bổ tháp điện. Nếu vật của Phật nhiều nhứt thiết không được đem chia cho thường trụ Tăng hay tứ phương Tăng. Tại sao? Vì trong những vật ấy dầu là một sợi dây đều là của thí chủ tín tâm thí cho Phật, do đó chư THiên và người đời đều có ý nghĩa là Phật tháp huống là các bửu vật. Nếu nơi Phật pháp trước đã có cúng y, thì y nầy nên để cho gió thổi mưa rã chớ chẳng nên đem đổi vật khác dầu là bửu vật. Tại sao? Vì vật nơi tháp điện Phật không ai có thể đánh giá được, vả lại Phật không chỗ cần dùng vậy. Nơi vật của Tam bửu, Tỳ Kheo quản sự tốt trong sạch chẳng nên để lộn lẫn nhau, với tự lợi dưỡng phải có tâm tri túc, nơi vật Tam bửu chẳng có ý nghĩ là của mình.

Nầy Đại Ca Diếp! Ở nơi người trì giới có đức hạnh lớn đáng lễ kính hữu nhiễu, mà Tỳ Kheo quản sự có sân tâm dùng quyền sai khiến làm việc, vì sân tâm nên Tỳ Kheo quản sự sẽ đọa đại địa ngục, nếu được làm người thì làm tôi mọi bị chủ nhơn sai khiến đánh mắng khổ cực.

Nếu Tỳ Kheo quản sự dùng quyền đặt quy chế nặng quá hạn thường của Tăng trách phạt chư Tỳ Kheo sai làm phi thời, do cớ nầy nên quản sự Tỳ Kheo sẽ đọa tiểu địa ngục nhiều đinh bị trăm ngàn mũi đinh đóng căng thân thể cả thân cháy phừng như đống lửa lớn.

Nếu với Tỳ Kheo trì giới có đức lớn mà dùng việc nặng để khủng bố dùng tâm sân để nói, thì Tỳ Kheo quản sự nầy sẽ đọa trong địa ngục lưỡi dài rộng năm trăm do tuần bị trăm ngàn mũi đinh đóng vào phát lửa cháy đỏ.

Nếu thường được tài vật Tăng, quản sự Tỳ Kheo bỏn xẻn cất giấu, hoặc phi thời phát cho Tăng, hoặc làm khó dễ mà cho, hoặc làm khổ mà cho, hoặc cho ít hay chẳng cho, hoặc cho người nầy chẳng cho người kia. Do cớ nầy, Tỳ Kheo quản sự sẽ đọa uế ác Ngạ quỉ thường ăn phẩn cục, có lúc Ngạ quỉ khác đưa đồ ăn cho coi mà chẳng cho ăn phải thèm muốn khốn khổ. Bị khổ đói khát trong trăm ngàn năm thường chẳng được ăn. Nếu có được đồ ăn liền biến thành phẩn cứt hoặc thành mủ máu. Tại sao, vì nơi người trì giới đáng lễ kính, mà Tỳ Kheo quản sự ấy làm khó dễ khi đem Tăng vật phát cho.

Nầy Đại Ca Diếp! Nếu Tỳ Kheo quản sự chuyên tự dùng lộn lạo hoặc vật thường trụ Tăng, hoặc vật tứ phương Tăng, hoặc vật Phật tháp thì mắc báo khổ lớn trong một kiếp hay hơn một kiếp. Tại sao, vì xâm phạm vật Tam bửu vậy.

Nếu Tỳ Kheo quán sự nghe tội như vậy biết tội như vậy mà cố sanh lòng sân nơi người trì giới, nay ta nói tội ấy chư Phật Thế Tôn chẳng cứu trị được. Vì thế nên Tỳ Kheo quản sự nghe tội phi pháp như vậy rồi phải nên khéo hộ thân khẩu ý nghiệp, tự hộ lấy mình và hộ cho người.

Nầy Đại Ca Diếp! Tỳ Kheo quản sự thà ăn thịt thân mình chớ trọn chẳng nên tạp dùng vật Tam bửu để làm y bát ẩm thức".

Bấy giờ Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Thiệt chưa từng có, đức Như Lai dùng lòng từ bi mà nói pháp như vậy, vì người không tàm quí mà nói pháp không tàm quí, vì người có tàm quí mà nói pháp tàm quí".