Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Vai trò của các Thiền Sư trong nền giáo dục và đào tạo Phật giáo thời Lý - Trần

26 Tháng Tám 201611:34 CH(Xem: 3798)
Vai trò của các Thiền Sư trong nền giáo dục và đào tạo Phật giáo thời Lý - Trần

Vai trò của các Thiền Sư trong nền giáo dục và đào tạo Phật giáo thời Lý - Trần

image

Dưới sự trợ giúp của các Thiền sư là những người có nhiều đóng góp cho giáo dục Phật giáo, ảnh hưởng của Phật giáo rất sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vua, quan lại trong triều, tạo ra một không khí học tập tự do, cởi mở.

Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục “đứng trên lập trường nhân bản, nêu cao tinh thần tự giác của con người, đó là vấn đề chủ yếu giúp con người đánh thức trí tuệ của mình, biết điều hành được cuộc sống tâm lý và vật lý của chính mình để đạt đến giải thoát và giác ngộ, biết hướng con người thích ứng với môi trường sống trong xã hội tiến bộ, biết sáng suốt nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng xã hội…”. Nhận thức được mục đích quan trọng của việc giáo dục và đào tạo Phật giáo, ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã có một tầng lớp các Thiền sư, họ là những nhà truyền giáo, những hạt nhân ban đầu, là cơ sở để hình thành và phát triển của toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo Phật giáo về sau.

Chính nhờ những cố gắng và nỗ lực của các thiền sư, nền giáo dục Phật giáo có những bước đầu phát triển, đặc biệt rực rỡ  trải qua năm thế kỷ (từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIV) qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, đặc biệt là thời Lý - Trần. Nền giáo dục này là một nền giáo dục Thiền tông mang đậm tinh thần giáo dục từ bi, nhân bản và nhập thế. Các vị Thiền sư được coi là lãnh đạo Phật giáo trong buổi đầu lập quốc ở nước ta, phần nhiều đều uyên thâm nho học, chẳng hạn như Khuông Việt Thái sư thuở nhỏ đã theo Nho học, lớn lên mới xuất gia. Vạn Hạnh Thiền sư thuở nhỏ thông minh khác chúng, học khắp Tam giáo 1. Lớn lên (20 tuổi) mới đi tu. Cho dù xuất gia từ thuở nhỏ, như trường hợp Pháp Thuận Thiền sư, thì các vị Thiền sư cũng cũng phải thông hiểu Hán học để học hỏi kinh kệ Phật giáo, do đó cũng sẽ hiểu biết nhiều về Nho học.

Chính bởi thế mà ngoài tinh thần từ bi và nhân bản vốn là tinh thần căn bản của Phật giáo, các vị Thiền sư đương thời còn thâu hóa thêm ti nh thần nhập thế tích cực của Nho giáo, phát triển giáo dục và đào tạo Phật giáo để tạo dựng thành tinh thần Phật giáo Việt Nam, dung hợp giữa xuất thế và nhập thế. Tinh thần này đã được chính các vị Thiền sư thực thi và dùng làm tinh thần căn bản của nền giáo dục do các Ngài truyền thụ cho môn đệ. “Chính những Phật tử thuần thành nhất như Trần Thái Tông và Thánh Tông đã mở rộng Nho giáo. Năm 1253, Thái Tông lập Quốc Học Viện ở kinh sư và tạc tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử, cùng vẽ tranh 72 vị tiền hiền để thờ cúng. Thánh Tông đã cho hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở trường dạy Nho học. Năm 1267, Thánh Tông chọn các Nho sinh có học thức vững vàng để bổ nhiệm. Thái Tông mở các khoa thi năm 1232, 1247. Các khoa khác tiếp tục được tổ chức để kén chọn nhân tài.

Nền giáo dục Phật giáo hồi đó mang tính chất tổng hợp tam giáo và không có tính cách từ chương. Kiến thức thực tế về đạo lý là căn bản. Văn chương và Pháp cú là thứ yếu. Dưới sự trợ giúp của các Thiền sư là những người có nhiều đóng góp cho giáo dục Phật giáo, ảnh hưởng của Phật giáo rất sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vua, quan lại trong triều, tạo ra một không khí học tập tự do, cởi mở. Triều đình đã có những kế sách đãi ngộ nhân tài rất kính cẩn, cho nên người giỏi xuất hiện rất nhiều, đều là những người uyên thâm Phật học và hiểu rộng về Nho học. Khi viết về những thành quả của giáo dục Phật giáo mang lại, đào tạo ra những thiền sư, tăng sĩ có phẩm hạnh và minh tuệ, trong “Kiến Văn Tiểu Lục”, Lê Quý Đôn có đã viết: “Các vị ấy phẩm hạnh và thanh giới cao khiết, có tư cách người trí thức quân tử như đời Tây Hán, không phải kẻ tầm thường sánh được. Bởi nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượ t ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với Trời Đất, há phải đời sau kịp được đâu”.

Nhận định về tinh thần giáo dục Phật giáo thời kỳ này, Trần Thạc Đức trong cuốn “Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực” cũng viết: “Phật giáo Việt Nam lại có một cố gắng đáng khen hơn cả là đã cố dung hợp được hai phương diện xuất thế, nhập thế để thành một lối sống đặc biệt cho người Phật tử: Một nhà vua có thể là một vị Thiền sư và một vị Thiền sư có thể là một Quốc sư. Đời không xa đạo và đạo sống ngay trong cuộc đời, đó là khuynh hướng dung hòa hai phương diện xuất thế và nhập thế của phái Thiền Tông đời Lý là vậy”.

Thực tế thừa hưởng tinh thần giáo dục này các vị vua đời Lý Trần đa số đều có lòng từ bi, vẫn say mê Phật pháp mà vẫn tích cực đấu tranh cho quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Các Ngài luôn dùng tinh thần từ bi, hỉ xả của Phật giáo làm nòng cốt cho chính sách trị nước, nhưng đồng thời vẫn cương quyết bảo tồn tinh thần duy lý, nhập thế của Nho giáo để giữ vững trật tự quốc gia. Điển hình cho mẫu người thành đạt được nhào nặn trong nền giáo dục dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo trong đó Phật giáo đóng vai trò chính yếu là vua Lý Thánh Tông1. Vua Thánh Tông rất từ bi, trong "Việt Nam cổ học văn sử" của Nguyễn Đổng Chi có tríc h một đoạn lời của Quốc sư Viên Thông giải bày với vua Lý Thần Tông về phép trị nước như sau: "Thiên hạ cũng như một đồ vật, để nó vào nơi yên thì yên vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua; nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ…Trị và loạn ở tại trăm quan, được người thì trị mà không được người thì loạn…Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sự thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết như thế nên mới bắt chước để yên người…Yên  dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm cây cương mục. Theo lối đó thì hưng, trái lại thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi".

Làm vua trị vì một nước thì tất cả phải biết yêu thương trăm dân và lấy dân làm gốc, nhất nhất phải luôn theo ý muốn của muôn dân. Điều này cũng được thể hiện rõ trong tư tưởng của vị Quốc sư thời Trần trụ trì núi Yên Tử khuyên vua Trần Thái Tông khi ông quyết từ bỏ ngai vàng lên núi xin tu hành. Quốc sư đã nói với vua: "Phàm là đấng làm vua trong thiên hạ, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình. Nay thiên hạ đều muốn rước bệ hạ về làm vua thì bệ hạ không về sao được".

Hay, Quốc sư Viên Chứng đã nói rõ về những nguyên tắc giáo dục và hướng dẫn đời sống của nhà chính trị Phật tử “đã là người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý của mình trong khi đó không được sao nhẵng việc tu học của bản thân “Trần Thái Tông nói rằng: Nhà chính trị phải thực hiện đạo Phật trong xã hội (giáo lý của Đạo Phật chúng ta cần có cái bậc tiên thánh để thực hiện trên đời (tựa Thiền Tông chỉ Nam). Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng nói “Sống trong lòng thế tục, hoà ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm (Thượng sĩ Hành trạng Trúc Lâm) Nhân Tông đi khắp thôn quê phá trừ dâm từ, khuyên dân thực hiện Thập thiện.

Với những lời giãi bày như trên quả thật các Quốc sư thời Lý - Trần xứng đáng là những nhà giáo dục nhân bản. Là những người có vai trò quan trọng trong việc đưa tư tưởng "cứu nhân, độ thế" của Phật giáo trở thành mục tiêu, động lực của giáo dục để tạo ra sự chuyển biến trong đường lối giáo dục thấm nhuần tinh thần nhân văn, nhân bản mà mềm dẻo, khéo léo của các vua Lý - Trần so với các vua Đinh - Tiền Lê trước đó.

Giáo dục và đào tạo Phật giáo thời kỳ này theo quan niệm giáo dục toàn diện. Quan niệm này bắt nguồn từ triết lý chính trị đời Lý gọi là “Đạo Thánh Vương”, tức “nội thánh ngoại Vương chi đạo” nghĩa là “sáng suốt ở nội giới làm chủ ngoại giới”. Như thế quan niệm này cũng biểu thị triết lý tri hành hợp nhất của Nho giáo. Nghĩa là giáo dục và đào tạo con người từ nội tâm cho đến ngoại giới.

Thời kỳ giáo dục và đào tạo Thiền tông đề cao phương pháp “tự giác, giác tha”. Chủ trương giáo dục Thiền tông là lấy tâm (tâm ấn tâm), không dùng lời nói để giảng đạo lý, mà chỉ lấy yên lặng truyền tâm pháp, khiến cho môn sinh tự giác đạo, khi đã giác đạo rồi thì lại mang phương pháp này mà ngộ người khác. Đến giữa thời Lý, Nho học có sự hưng khởi, tới đời Trần Nho học chiếm một địa vị quan trọng, giáo dục và đào tạo Phật giáo bắt đầu có sự lắng xuống. Trải qua năm thế kỷ, giáo dục và đào tạo Phật giáo có bước phát triển rõ rệt, nhà chùa đương nhiên trở thành nơi đào tạo nhân tài, cung cấp nhân tài cho đất nước. Thời Lý, các chùa cũng là nơi có nhiều tăng sĩ tu học và được chia làm ba loại:

1) Đại danh lam, chùa lớn.

2) Trung danh lam, chùa vừa.

3) Tiểu danh lam, chùa nhỏ.

Sang thời Trần, Giáo hội Trúc Lâm ra đời, Yên Tử trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo Phật giáo, giáo dục và đào tạo trong các chùa vẫn được duy trì phát triển. Trong thời đại thịnh trị nhất của Phật giáo Trúc Lâm, có rất nhiều Tự viện và chùa được xây dựng, đây chính là những cái nôi đào tạo Phật giáo cho cả nước. “Đời Trần có khoảng 9.500 ngôi chùa và 30.000 Tăng sĩ, trung bình mỗi chùa có ba vị Tăng sĩ. Có những tổ đình có hàng chục tăng sĩ tu học”.

Mô hình giáo dục đào tạo Phật giáo thời Trần được tổ chức theo những tự viện lớn. Các Tự Viện đều được cấp ruộng đất để người Tăng sĩ tu học và tự lao động sản xuất để nuôi sống mình. Phật giáo Việt Nam thời Trần đã là Phật giáo Thiền theo nguyên tắc: “Bất tác bất thực” (không làm thì không ăn), “chấp lao phục dịch” (làm việc lao động) trong giới thiền môn. Tăng sĩ trong thiền môn ai cũng làm việc, lao động, trồng cây, cuốc đất, làm ruộng, làm vườn. Sự xen lẫn công tác lao động và công phụ tọa thiền là một thói quen đảm bảo đời sống kinh tế của tự viện.

Tóm lại, có thể thấy rằng, các Thiền sư là lực lượng lòng cốt trong nền giáo dục Phật giáo thời Lý – Trần. Bằng trí tuệ và đạo hạnh của mình các thiền sư Lý – Trần đã khai sáng tinh thần giáo dục Phật giáo, đó là tinh thần từ bi, nhân bản, quan niệm giáo dục toàn diện, phương pháp giáo dục “tự giác, giác tha”. Nền giáo dục Phật giáo thời Lý – Trần là nền giáo dục mang đậm sắc thái Thiền tông, nhưng vẫn thấy bàng bạc những tư tưởng  của Nho giáo làm nền móng cho giáo dục Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng tích cực nhập thế của Nho giáo. Qua đó, cho chúng ta thấy, giáo dục Phật giáo thời Lý – Trần có sự dung hợp giữa nhân sinh quan Phật giáo và nhân sinh quan Nho giáo; dung hợp giữa ý niệm xuất thế và nhập thế, giữ lý tưởng “nhập sắc vô giới” với lý tưởng “cải tạo xã hội”, chấp nhận sắc danh như một thực tại không thể chối bỏ theo tư tưởng của Nho giáo.

Bằng phương pháp giáo dục đúng đắn cùng với trí tuệ tinh thông của các Thiền sư, giáo dục và đào tạo Phật giáo Lý – Trần đã tạo ra được Tầng lớp Tăng Ni rất thông tuệ. Đời Lý, từng có Ni sư Diệu Nhân là một Thiền sư nổi tiếng dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Trần Thái Tông và Tuệ Trung

Thượng Sỹ đều là những cư sỹ, những nhà Phật học xuất sắc đời Trần. Học trò của họ gồm cả tăng sĩ và cư sĩ. Một học trò xuất sắc của Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Nhân Tông – tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc lâm đời Trần. Học trò thứ hai của Tuệ Trung là Pháp Loa – tổ thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm, và là người đứng san định bản thảo Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, đã được cư sĩ Trúc Thiên dịch ra Việt văn… Như vậy, có thể kết luận rằng, vai trò trung tâm, hạt nhân, những viên ngọc khai sáng của giáo dục và đào tạo Phật giáo Lý – Trần chính là các Thiền sư. Họ thực sự là những danh nhân giáo dục Phật giáo tạo nên sắc thái và những mốc son vàng chói lọi cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam nói chung và giáo dục đào tạo Việt Nam nói riêng trong suốt chiề u dài lịch sử dân tộc.

ĐĐ.ThS. THÍCH QUẢNG TIẾP

Ca Dương Đanh, Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội