TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM
Lâm Thanh Huyền
Minh Chi dịch
---o0o---
TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM ^
Chủ đề giảng hôm nay là “Tin tức từ biển tâm”, đó là đầu đề một bài ca đang lưu hành, nội dung có liên hệ đến vấn đề ái tình. Có rất nhiều người được nghe bài ca đó. Hôm nay, chúng tôi mượn đầu đề bài ca đó để bàn về vấn đề chú ng ta nên đối xử như thế nào những tin tức đến từ biển tâm, nhờ đó mà trí tuệ được rộng mở.
Gần đây, tôi có viết một cuốn sách, nhan đề “Bồ đề là bụi trần”, trong đó viết rất nhiề u bài dùng đầu đề là các bài ca đang lưu hành. Có nhiều người hỏi tôi, vì sao lại lấy đầu đề các bài ca để giảng Phật Pháp. Tôi nghĩ rằng, một quan điểm trọng yếu của tôi là hy vọng mọi người có một thái độ thoải mái hơn, tự tại hơn để tìm hiểu Phật Pháp, chứ không nên học Phật với thái độ quá nghiêm túc và cứng nhắc.
Rất nhiều người đã từng đi ca hát ở các quán Karaoke. Ca hát ở đây rất thích thú. Vì sao? Vì anh có thể ca hát thoải mái. Ca hát lên tâm tình của mình, mà không cần chú ý tới người khác. Anh ca hát lên mà không có mong cầu gì hết. Cũng không sợ vì ca hát mà bị thám tử phát hiện. Vì trong lòng thoải mái, cho nên cũng có thể ca hát rất vui vẻ. Học Phật cũng vậy, nên giữ tâm tình thoải mái, không mong cầu gì không sợ người khác biết, giữ thái độ thoải mái, thì sẽ nhanh chóng được lợi ích trong việc học Phật.
Hôm nay, nói đề tài “Tin tức từ biển tâm” cũng là với hy vọng mọi người hãy có thái độ thoải mái và tình cảm để lắng nghe những tiếng nói đến từ cõi lòng mình.
HỌC TẬP PHẬT PHÁP VỚI THÁI ĐỘ TỰ TIN ^
Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn luôn đề xướng quan điểm: Trước khi làm một người Phật tử thì hãy làm cho được một người chân chánh bình thường, tức là một người sống tự tại trong cuộc sống của mình. Hôm qua, buổi tối, có khoảng một chục bạn bè học Phật đến nhà tôi chơi. Trong đó có một nữ sĩ nói với tôi “Phật giáo dạy người ta phải biết tiết chế dục vọng, cho nên người xuất gia mặc áo thâm đen hay áo trắng bạc, vào ngày Bát quan trai thì không ai được xức nướchoa, làm đầu cho đẹp, không được cài hoa trên tóc, không được ca hát, khiêu vũ. Không được nằm giường cao, rộng”. Cô ta nói với giọng khổ sở : “Còn tôi thì có lúc rất muốn diện quần áo đẹp, tô môi son, đeo vòng tay. Nhưng lại không dám vì sợ người hhác phê bình là Phật tử mà còn ăn diện”. Tôi nói với cô ta “Chúng ta cần nhận thức người tại gia khác với người xuất gia. Xuất gia là người chuyên nghiệp tu hành. Còn tại gia là người tu hành nghiệp dư, cho nên so với người xuất gia, có thể sống thoải mái rộng rãi hơn. Ví dụ như tôi đây là một nhà văn chuyên nghiệp, cho nên yêu cầu của tôi đối với viết văn nghiêm khhắc chặt chẽ hơn. Nếu anh là một nhà văn nghiệp dư thì mỗi năm chỉ cần viết 2, 3 chương sách là được. Nghĩa là yêu cầu viết văn đối với anh có thể rộng rãi và dễ dãi hơn. Tu hành cũng theo một đạo lý như vậy. Một người Phật tử, không cần thiết ngày nào cũng phái mặc áo trắng quần đen. Sắc mặt nhợt nhạt, đi ra đường với thái độ nghiêm túc tựa hồ như đội trên đầu cái bảng đề năm chữ: Tôi là Phật tử đây! Nếu đúng là như vậy thì người khác sẽ không dám gần gũi chúng ta. Thật ra nguời Phật tử há lại không thể mặc áo đẹp, bôi môi son, đeo vòng ở tay hay sao? Tôi đưa cho cô nữ sĩ ấy xem một bức ảnh Bồ Tát Quan Thê' âm mà nói rằng: “Này cô xem Bồ Tát Quan Thế Âm đẹp biết dường nào. Đầu tóc Bồ tát chải rất đẹp, tướng báo trang nghiêm.Ngài cũng đeo đôi khuyên ở tai mà có ai coi thường Ngài đâu!”
Có một cô gái kể chuyện cho tôi nghe một câu chuyện bí mật: Cô ta ưa nghe ca hát hơn là nghe tụng kinh; cô ta nghĩ rằng việc tu hành của mình có vấn đề, cho nên cảm thấy khổ não hổ thẹn. Tôi nói với cô ta: “Nếu cô thấy nghe âm nhạc thích thú thì cứ đi nghe nhạc, cô thấy nghe đọc kinh không thích thú bằng nghe ca hát, có thể vì cô chưa hiểu hết ý nghĩa trong kinh, hoặc là hhi nghe đọc kinh, nội tâm của cô chưa cảm động, chưa được khai mở. Về căn bản, nghe đọc kinh và nghe ca hát đều đáng thích thú, nếu không tức là có thái độ phân biệt.”
Tôi từng có hai lần nghe ca hát mà vô cùng cảm động. Một lần là ở trong chùa, nghe Tăng sĩ hát bà i “Tam Bảo ca”do đại sư Hoằng Nhất viết lời ca, đại sư Thái Hư phổ nhạc. Bài ca bắt đầu bằng các câu “Trời và Người trong đêm dài, vũ trụ mờ mịt, ai cho ta ánh sáng đây!”. Tôi nghe cảm động đến chảy nước mắt. Một lần khác, tôi nghe Sư phụ Sám Vân tụng Chú Đại Bi. Giọng của ngài, thái độ của ngài, có sức mạnh của lòng từ, lòng bi làm tôi cảm động vô cùng. Ngài tụng Chú Đại Bi theo một tiết tấu mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tôi rất lấy làm lạ sao giọng tụng kinh nghe hay đến thế! Chúng ta nghe tụng kinh mà không ưa là vì chúng ta chưa lãnh hội được ý nghĩa trong kinh.
Lúc bấy giờ tôi bày cho cô gái một phương pháp, tức là khi nghe người khác ca hát, thì hãy nghe với cái tâm nghe tụng kinh; khi tâm của con người thật vắng lặng trong sáng, thì có thể dùng cái tâm tình nghe tụng kinh như vậy để nghe các bài ca đang lưu hành. Họ sẽ thấy cảm động vô cùng, giống như khi nghe bài “Kỳ thực, anh không rõ lòng tôi”. Khi nghe ngâm bài thơ của Hàn Sơn Tử:
“Ngô tâm tựa thu nguyệt,
Bích đàm thanh hạo khiết,
Vô vật kham tỷ luân
Giáo ngã như hà thuyết”.
Nghĩa là:
“Tâm tôi giống trăng thu,
Như nước ao trong sáng thanh tịnh,
Không vật gì có thể so sánh bằng,
Hãy dạy tôi nói sao đây!"
Nói cách khác, khi nghe người khác tụng kinh , có thể dùng tâm tình nghe ca hát, tức là cái tâm tình hoan hỷ, đợi chờ, thì sẽ cảm thấy nghe đọc kinh rất là thú vị. Có lần tôi được nghe Pháp sư Kiến Như xướng bài “Khấu chung ký”(Bài đánh chuông), tôi cũng chảy nước mắt bởi vì Pháp sư xướng hay quá, hay không khác gì các bài ca đang lưu hành, thậm chí còn hay hơn.
Tôi muốn nói là chúng ta không cần phải gạt bỏ tất cả những gì chúng ta gặp trong cuộc sống, đừng khiến cho tất cả những gì trong cuộc sống sinh ra mâu thuẫn, đối lập với Phật pháp. Có một lần tôi đưa con đi xem bộ phim “Truyện Lục Tổ Huệ Năng”. Xem xong, con tôi nói “Không hay bằng bộ phim của Thành Long.” Tôi cũng đồng ý với con tôi, điều này không có nghĩa là Lục Tổ Huệ Năng không làm chúng tôi cảm động, mà là vì người đạo diễn đã dùng một hình thức cố định, đơn điệu, bảo thủ cho nên người xem khô ng thích thú.
CỞI BỎ SỰ RÀNG BUỘC CỦA HÌNH THỨC ^
Học tập Phật Pháp, ra sức tu hành, không phải là để biến hình thức bên ngoài của chúng ta thành ra tướng báu trang nghiêm, như như bất động, mà là để cho nội tâm chúng ta có sự đổi mới. Sự đổi mới nội tâm ấy cũng như một sự biến đổi vật lý làm cho tâm tình chúng ta được nâng cao, siêu việt, trở thành ôn hòa, cao cả, cũng tức là làm cho tâm tình chúng ta cởi bỏ được mọi ràng buộc và trở thành tự do.
Tâm chúng ta bị rất nhiều hình thức ràng buộc; trong những hình thức đó có cả những hình thức Phật giáo; chúng ta không dám phê bình mọi sự tình trong đạo Phật, không dám suy xét biện lẽ, vì vậy mà khiến cho rất nhiều hình thức của đạo Phật đến nay vẫn như thế, không sao thay đổi được.
Hãy đưa ra một vài thí dụ như ấn tống kinh sách. Kinh sách ấn tống rẻ và không đẹp chất đầy chùa, khi mua đem về cũng không được mọi người kính trọng. Đối với phóng sanh cũng vậy, động vật gì cũng phóng sanh, làm cho cảnh trí và núi rừng bị ô nhiễm, phá hoại. Những việc như vậy đều do chúng ta không dùng thái độ đúng đắn để kiểm nghiệm, không chịu phá bỏ hình thức, để tâm chúng ta được tự do.
Nếu sau khi theo tín ngưỡng Phật giáo mà cảm thấy bị ràng buộc nhiều hơn, không được tự do, thì phải điều chỉnh, giảm bớt hình thức, khiến cho nội tâm được tự do hơn. Ngoài ra, phải cởi bỏ những vướng mắc trong tâm, để cho tâm được tự tại, để thấy được tất cả mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Như thế nào là thấy được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống? Phải có được đôi mắt tốt, với đôi mắt tốt thì có thể giúp chúng ta nhận thức, cải cách, sáng tạo đối với nội tâm, làm cho tâm tình thăng hoa, đó chính là căn bản của học tập Phật Pháp.
Hôm qua, đông bạn bè đến thăm tôi khi chia tay, một vị đứng trên lầu cao 15 tầng ngó xuống thành phố Đài Bắc, nói lên với giọng cảm khái: “Không ngờ cảnh Dài Bắc ban đêm xinh đẹp dường này”. Tôi nói “Nếu anh có một cặp mắt tốt, tâm tình tốt, thì nhìn cảnh ban đêm ở đâu cũng sẽ thấy rất xinh đẹp”. Đó là do tâm tình chúng ta có đổi mới và sáng tạo, cho nên cuộc sống cũng giảm bớt nhơ bẩn đi.
Tôi nói với người bạn là văn sĩ tên Mạnh Đông Ly, anh ta mới dịch xong cuốn sách tựa đề “Con đường Tô Phi”. Nội dung cuốn sách nói chuyện tu hành. Trong sách có chép một truyện cổ tích làm tôi rất cảm động, truyện kể ngày xưa có một vị Hòa Thượng rất nghèo, chỉ có một cái bình vỡ đựng nước và một tấm chăn rách, ông giữ vững nếp sống nghèo. Kết quả là người trong làng đều cho rằng ông tu hành rất tốt. Gần đấy, có một vị Hòa Thượng khác, rất giàu có, ăn, mặc đều rất đẹp. Mọi người đều cho rằng ông này hưởng thụ quá mức của một vị Hòa Thượng. Một ngày có một người đến gặp vị Hòa Thượng nghèo và hỏi: “Xin hỏi sư phụ: Ngài có thể hay không nói về sự tu hành của vị Hòa Thượng giàu có kia. Phải chăng sự tu hành của ông ấy có vấn đề?”. Vị Hòa Thượng nghèo trả lời: “Vị Hòa Thượng giàu có kia tu hành siêu việt hơn tôi, vì ngài đã không còn chấp trước giàu hay nghèo và hình thức bề ngoài nữa. Còn tôi đang giữ nếp sống nghèo khổ, là vì tôi không có biện pháp chống đối sụ mê hoặc của vật chất.” Khi đọc truyện này, tôi liên tưởng nghĩ tới đại sư Tịnh Vân. Rất nhiều người phê bình là sản nghiệp của đại sư ở núi Phật Quang quá to lớn. Nhưng cá nhân tôi lại rất thán phục ngài. Tôi cảm thấy Ngài đã hoàn toàn thoát khỏi sự phiền nhiễu của sự vật bên ngoài, kể cả giàu và nghèo. Ngài không còn bị vướng mắc, chấp trước nữa. Khi chúng ta có thể nhìn rõ hình thức bề ngoài, khô ng bị ô nhiễm bởi hình thức đó thì chúng ta mới biết được thế nào là tâm chân chính.
Mật tông hay nói chuyện trang nghiêm. Chúng ta thấy có rất nhiều vị Đại Lạt Ma, đội mão giát vàng, dệt kim tuyến. Nhiều vị pháp vương mặc lễ phục rất đẹp. Cá c vị ấy đi trên thảm đỏ rộng 50 mét. Nếu chúng ta còn chấp trước hình thức thì chúng ta sẽ không thể chấp nhận hình thức đẹp đẽ tráng lệ bề ngoài của họ. Sự thật là có rất nhiều vị Đại Lạt Ma đã siêu việt lên trên mọi chấp trước giàu hay nghèo.
Là người Phật tử hay người tu hành, chúng ta có thể sùng bái các vị Lạt Ma như Đế Nhược Ba, hay là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa). Tôi thường xem truyện ký của Lạt Ma Milarepa và nhiều lần cảm động chảy nước mắt. Tôi không khi nào tu theo được nếp sống khổ hạnh như Ngài. Ngược lại, anh cũng có thể sùng bái Bồ Tát Liên Hoa Sanh và Đại sư Tsong Ka Pa. Hai vị này đều khác với Lạt Ma Milarepa, vì họ ăn mặc rất là đẹp đẽ, trang nghiêm. Do đó có thể nói, một người chỉ cần tu hành trung thực, nhận thức được tâm mình, thì hình thức bề ngoài sẽ không thành vấn đề quan trọng nữa. Cũng như nói: Chúng ta có thể chọn hình thức tu hành nào cũng được, khổ hạnh hay lạc hạnh cũng được.
XA RỜI TÂM THÌ KHÔNG CÓ PHẬT ^
Trong đạo Phật có câu chuyện có liên quan đến sự tu hành của Phật Thích Ca và Phật Di Lặc. Phật Thích Ca và Phật Di Lặc từ xưa vốn là anh em cùng học một thầy, nhưng vì sao Phật Thích Ca lại thành Phật sớm hơn Phật Di Lặc? Đây là vì Phật Thích Ca tu khổ hạnh, vì vậy mà mau chóng thành Phật. Còn Bồ Tát Di Lặc vì sao đến nay vẫn chưa thành Phật? Đó là vì Bồ Tát chọn tu theo lạc hạnh. Ngài cho rằng, trong khoái lạc, người ta vẫn có thể tu hành. Chúng ta nhận thấy Bồ Tát Di Lặc, vì quá khoái lạc, cho nên hình thù béo mập. Bồ Tát Di Lặc đến lúc nào mới thành Phật? Đáp án là sau 56 ức 7.000.000 năm mới thành Phật. Phật Thích Ca thường hay ca ngợi Phật Di Lặc là rất khéo tu hành. Bởi vì Ngài Di Lặc dùng một thái độ thoải mái, vui vẻ, thung dung mà vẫn có thể siêu việt và tu hành Phật Pháp. Đương nhiên, giữa khổ hạnh và lạc hạnh có một khoảng cách thời gian đến 56 ức bảy trăm vạn năm. Nhưng đối với một người tu hành mà nói thì 56 ức bảy trăm vạn năm chỉ là thời gian một nháy mắt.
Khi chúng ta đã có thể thấy được tự thân mình, hiểu biết được tự tâm mình, thì dù có phải trải qua một trăm ức năm mới tu thành Phật được cũng không đáng sợ. Nếu chúng ta hoàn toàn không thấy được tự thân mình, thì dù là thời gian rất ngắn, cũng cảm thấy sợ hãi.
Nhớ có lần tôi đi thăm Ngài Thái Tích Độ Nhân Ba Thiết. Ngài được người ta xem là Bồ Tát Di Lặc hiện thân. Ngài nói rằng: “Hiện nay có rất nhiều người muốn tu hành có kết quả ngay. Có lần có một Tăng sĩ đến nói với Ngài: Xin sư phụ cấp cho tôi một chứng chỉ là Sơ Địa Bồ Tát để tôi treo trong chùa cho tín đồ được xem.” Ngài trả lời với Tăng sĩ ấy rằng: “Tôi còn chưa chứng Sơ Địa Bồ Tát thì làm sao cấp chứng chỉ cho ông được.”
Nếu chúng ta thấy rõ được tự tâm mình, thì sẽ không vội vã cầu kết quả. Nếu không thấy rõ được tự tâm thì có nóng vội cũng vô ích. Ngài Thái Tích Độ Nhân Ba Thiết nói với tôi rằ ng: “Nếu chúng ta từ đời trước, tái sanh vào thế giới này, bắt đầu tu hành với điểm cơ sở là 0 phần (không phần) thì trải qua tu hành lâu dài trong một đời này, mở mang trí tuệ, bồi dưỡng lòng từ bi, mà được thêm một phần thì cũng đã tốt lắm rồi. Thời gian 100 đời người có dài lắm đâu! Bất quá chỉ hơn 1 vạn năm, nếu so sánh với thời gian Bồ Tát Di Lặc tu thành Phật thì nhanh hơn nhiều”.
Vì vậy mà nói rằng, không nên nóng vội. Đời này, so với đời trước, siêu việt hơn một điểm; nhận thức tự tâm mình rõ hơn một điểm là tốt rồi. Nhìn rõ tức là không mê. Thường có người hỏi tôi mê là thế nào. Mê 迷 là chữ mễ 米 thêm bên phải chữ Sước (gọi là quai sước), ý tứ là đem bát gạo đổ trên đất, rồi lượm lại từng hạt. Mê là sự tán loạn. Tâm tán loạn như bát gạo đổ ra trên đất. Vậy thì ngộ 悟 là thế nào? Ngộ là trong khi bát gạo bị đổ xuống đất, thấy rõ là bát gạo, không nên đem đổ xuống đất như vậy!
Giữa mê và ngộ có một điều rất trọng yếu; đó là đừng để bị ô nhiễm. Vì vậy, cô muốn ăn mặc đẹp thì hãy mua áo đẹp về mặc, muốn bôi môi son thì cứ bôi, muốn đeo vòng tai thì cứ đeo. Cô muốn trang nghiêm cho thân mình thì cứ tô điểm và làm trang nghiêm cho thân mình. Chỉ cần đừng để bị ô nhiễm là tốt.
Các vị Bồ tát đều rất trang nghiêm. Vì sao vậy? Bởi vì Phật giáo là một tôn giáo giảng về tâm. Trong kinh sách, dùng hai chữ để hình dung Phật Pháp, tức là tâm pháp. Phật Pháp cũng là chánh pháp. Chánh pháp là cầu ở trong tâm.
Còn cầu đạo ở ngoài tâm là ngoại đạo. Vì vậy trong việc học Phật, có một điều hết sức trọng yếu phải chú ý là lắng nghe tin tức đến từ biển tâm của mình.
Phật là “người giác ngộ triệt để”. Giác ngộ là mình thấy rõ được tâm của mình. Một người mà thấy rõ được tâm của mình tức là Phật. Do đó, có thể kết luận: “Xa rời tâm linh sẽ không có gì gọi là Phật nữa.” Khi chúng ta tụng kinh mà tâm không hiểu, thì cái mình tụng đọc không phải là Phật Pháp. Cũng như vậy, khi lễ Phật mà không có tâm; thì đối tượng mình lễ cũng không phải là Phật. Khi sám hối mà không có tâm, thì điều mình sám hối cũng không phải là Phật Pháp. Ngược lại, cười mỉm với người khác mà có tâm thì đó là Phật Pháp, đi dạo mà có tâm thì đó là Phật Pháp, tâm tức là tất cả Phật Pháp .
TƯỞNG NIỆM VÀ SỰ TRÌNH HIỆN CỦA TÂM ^
Tiếp theo đây, chúng ta hãy dùng một số câu đơn giản trong Phật giáo để xem tâm là thế nào? Trong kinh Hoa Nghiêm có câu “Tam giới sở hữu, duy thị nhất tâm.” Nghĩa là thế giới này tuy biểu hiện bao nhiêu dáng vẻ khác nhau, rộng lớn vô cùng, đều là một tâm. Kinh lại viết: “Tam giới duy nhất tâm, tâm ngoại vô biệt pháp, tâm Phật cập chúng sanh, thị đẳng vô sai biệt.” Ý tứ câu kinh là: Ba giới đều do tám hiển hiện, ngoài tâm ra không có gì gọi là Pháp; tâm chúng ta cùng với Phật và chúng sanh, đều bình đẳng, không có gì sai khác. Tâm Phật và chúng sanh đều là một, không có tâm nào đặc biệt. Cái gọi sai biệt chỉ là vì Phật là bậc Giác ngộ. Tâm chúng ta hiện nay, cùng với tâm mê loạn của chúng sanh cũng là không có sai khác; điều sai khác chỉ là chỗ chúng ta đã bắt đầu giác ngộ, cầu nhập đạo Bồ đề , nhưng về bản chất cũng chỉ là một mà thôi.
Trong kinh Bát Nhã có câu: “Đối với tất cả các pháp, tâm đều khéo dắt dẫn. Nếu biết được tâm, thì sẽ biết rõ các pháp. Tất cả các pháp thế gian, đều do ở tâm sanh ra.” Đối với tất cả các pháp, tâm là kẻ dắt dẫn chỉ đường khéo léo nhất.
Nếu biết được tự tâm mình, thì có thể biết được tất cả Phật Pháp. Cũng như khi luộc rau, nếu có thể biết được tâm mình, thì rau mình luộc cũng là Phật pháp, người ăn sẽ khai mở trí tuệ. Vì vậy nếu biết được tâm mình thì sẽ biết được tất cả Phật Pháp. Bới vì tất cả Phật pháp đều sanh ra từ tâm .
Kinh Lăng Nghiêm viết: “Nếu có thể chuyển được vật thì không khác gì Phật; Phàm phu thì bị vật chuyển, Bồ tát thì có thể chuyển vật.” Tâm một
người mà chuyển được vật thì người ấy không khác gì Như Lai. Còn nếu bị vật chuyển thì đó là phàm phu. Phật Thích Ca và chúng ta giống nhau ở chỗ có bệnh, có đau, có chết, nhưng khi có bệnh, đau và chết, tâm của Phật không có chuyển biến. Đó là chỗ vĩ đại của Phật. Vì vậy, chúng ta phải học tập “chuyển”, chứ không phải vì học tập như thế nào để không sanh bệnh, không đau, không chết. Bởi vì, đó là điều không thể có được.
Trong kinh “Tâm địa quán” có câu: “Trong ba giới, tâm làm chủ, người quán thấy được tâm, thì sẽ được giải thoát triệt để, người không quán thấy được tâm, sẽ vĩnh viễn bị chìm đắm. Tâm chúng sanh cũng giống như đất lớn, 5 ngũ cốc và năm loại hoa quả đều từ đất lớn sanh ra; Tâm pháp ấy làm nhân duyên, cho nên mới có chúng sanh xuất hiện ở thế gian, sanh vào 5 cõi thiện hay ác, có các bậc xuất thế, hàng hữu học và vô học, hàng Độc giác và Bồ Tát, cho đến Như Lai. Vì cả ba giới đều do ở tâm, cho nên tâm gọi là ‘đất lớn’” .
Ý tứ của đoạn kinh trên là trong ba giới, tâm đều là chủ nhân; Nếu một người có thể quan sát thấy rõ được tự tâm của mình thì sẽ được vĩnh viễn giải thoát. Người mà không quan sát được tự tâm của mình thì cuối cùng nhất định sẽ bị chìm đắm. Tâm chúng sanh cũng như đất lớn vậy, 5 loại ngũ cốc, 5 loại hoa quả đều do ở đất lớn mà sanh ra. Vì vậy, tâm có thể sanh ra tất cả các pháp thiện và pháp bất thiện, thế gian và xuất thế gian, sanh ra chúng sanh trong 5 cõi, cho tới Độc giác, A La Hán, Bồ Tát và Phật. Do nhân duyên đó mà nói 3 giới duy tâm, và tâm gọi là đất.
Qua những câu lời trích dẫn trong kinh điển, chúng ta có thể biết, tất cả Phật Pháp đều lấy tâm làm chủ, lấy tâm làm vua, vì vậy kinh Phật gọi tâm là tâm vương (vua tâm). Do đó, chúng ta có thể xác định, điều trọng yếu nhất
trong việc học Phật Pháp là làm cuộc cách mạng tâm linh. Ba phương pháp tu hành Giới, Định, Tuệ của Phật giáo đều nhằm làm cho tâm chúng ta được kiên cường hơn, sâu sắc hơn và rộng lớn hơn, và được khai ngộ .
Từ ở các kinh sách trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận:
* Tâm là căn bổn của Phật Pháp; bỏ rời tâm thì không có Phật pháp.
* Phật, ta và tất cả chúng sanh đều cùng có một tâm như nhau.
* Tâm nếu có thể tiến không ngừng trên con đường giác ngộ thanh tịnh, thì đó chính là con đường đạo Bồ đề căn bổn nhất.
Thế nhưng, khi chúng ta nói tâm, chúng ta rất dễ mô tả hời hợt. Vì sao? Vì rất khó giải thích và biểu lộ tâm. Phật Thích Ca nói: “Tâm không thể nói lên được và không thể nghĩ bàn được.” Trong Thiền Tông, cũng hay nói “Tâm là không thể biểu lộ được.” Thế nhưng, không phải vì tâm không thể biểu lộ, không thể nghĩ bàn mà đến nỗi không hiểu biết được tâm. Chúng ta có thể dùng một phương pháp đơn giản để tìm hiểu tâm là gì?
Trước hết, có thể quán bộ mặt bình diện của tâm, để tìm hiểu và kiểm nghiệm tâm chúng ta. Cái thứ nhất có thể giúp kiểm nghiệm tâm chúng ta gọi là tưởng niệm. Tưởng niệm là gì? Kinh Viên Giác viết: tâm có tưởng niệm bèn thành sanh tử, tâm không tưởng niệm tức là Niết Bàn. Tâm một người mà có tưởng niệm, thì sẽ sanh tử không ngừng. Nếu hoàn toàn không có tưởng niệm, ở trong trạng thái thanh tịnh, thì tức là Niết Bàn.
Chúng ta hãy phân tích chữ Tưởng 想 là tướng của tâm. Phân tích chữ
Niệm là tâm của hôm nay (Kim thiên đích tâm 念 ). Tưởng niệm là bộ mặt do tâm trình hiện hôm nay. Vì sao, có tưởng niệm là có sanh tử? Bởi vì, tưởng niệm khiến dấy lên dục vọng của chúng ta. Cũng như chúng ta không ra phố thì không có vấn đề gì. Một khi ra phố thì dục vọng khởi lên, nghĩ mua cái này cái khác, chiếm vật phẩm thành sở hữu của mình. Lúc bấy giờ chúng ta có thể dùng hai quan điểm để quan sát cái tâm đó. Một, đó là cái tâm hôm nay. Vì, hôm qua anh không ra phố, không nghĩ chuyện mua y phục. Hôm nay ra phố mới nghĩ chuyện mua y phục. Cũng không dễ dàng gì! Họ quyết tâm mua về mặc ba ngày rồi lại không mặc nữa. Vì cảm thấy bộ quần áo này cũng không đẹp như mình thấy lúc mua! Vì sao? Vì đó là cái tâm vị lai. Cái tâm hôm nay, thì anh lập tức cảm nhận được. Đó là niệm.
Hai: là tướng của tâm. Vì tôi thích màu hồng, cho nên tôi mua bộ áo màu hồng về nhà để mặc. Bản thân y phục cũng không phải đẹp hay xấu, rẻ hay đắt. Nếu nó cảm ứng với tâm chúng ta thì chúng ta thấy là đẹp hay là rẻ tiền. Ví dụ như, tôi mỗi ngày đều cảm thấy cái gì công ty Bách Hóa bán cũng đều rất đắt, đó là vì tôi không cảm ứng với các thứ hàng do công ty bán. Nhưng, nếu có người có tiền, lại có cảm ứng với các thứ hàng hóa đó, thì họ lại thấy rẻ, không đắt. Do đó, có thể nói, bộ áo đó chỉ là sự trình hiện của tâm mà thôi.
Năm nay, tôi có về làng ở vài ngày. Anh tôi dẫn tôi đi thăm chợ ban đêm. Tôi thấy áo quần bán ở chợ đêm đều rất xấu. Nhưng anh tôi lại nói, nghề bán y phục ở đây rất có lãi. Bởi vì người địa phương cho rằng quần áo bán ở đây rất đẹp. Loại quần áo này nếu xuất cảng sang châu Âu nhất định sẽ bán không được. Ngược lại, quần áo ở châu Âu nếu đem đến đây cũng không bán được. Y phục thì chỉ là y phục mà thôi. Nó còn do trí tưởng tượng chúng ta trình hiện ra nữa. Vì vậy, y phục không chỉ là y phục, mà còn là tâm của anh. Tất cả những gì do anh sử dụng, đều là do tâm trình hiện, đều cũng là tưởng niệm.
Nếu một người được huấn luyện về thẩm mỹ, có con mắt siêu việt, thì sẽ biết lựa chọn những cái tương đối tốt hơn. Vì sao? Bới vì đó là sự trình hiện của tâm người ấy. Nội tâm một người chưa được cải cách, thấy những cái tầm thường thô tục cũng cho là đẹp. Cũng như Hòa Thượng Hư Vân nói: “Con chó không bỏ ăn cứt được.” Vì không có sự thăng hoa chân chính, cho nên anh không có cách nào để thưởng thức cái tốt đẹp đó là cảm ứng, cũng là một loại tưởng niệm.
LẤY GIÁC VÀ SÁU THỨC ĐỂ NHẬN RÕ TỰ TÂM ^
Trong kinh Phật nói: “Tưởng niệm như thác chảy, niệm trước niệm sau không thấy nhau, niệm niệm nối đuôi nhau.” Chính niệm niệm nối đuôi nhau tạo ra cuộc sống của chúng ta, toàn bộ cuộc sống của chúng ta là do giòng tưởng niệm không dứt đoạn tạo thành. Cuộc sống chúng ta là bị giòng tưởng niệm đó chiếm hữu hoặc là thích ứng với sự vật bên ngoài, hoặc là bị sự vật bên ngoài chuyển động, rồi mang theo cho tới giờ phút chết. Thí dụ, có người sống cả đời ở Đài Loan cảm thấy rất khổ, bèn nghĩ cách di cư sang Canada, nhưng không được như nguyện. Khi chết cũng nghĩ tới Canada. Sau đó được tái sanh ở Ottawa (Canada). Như vậy, sanh tử cũng là do tưởng niệm. Bất quá là tưởng niệm không nhất định được thực hiện, bởi vì còn có tác dụng của nghiệp lực nữa.
Tưởng niệm là cái rất dễ kiểm nghiệm. Thí dụ, tưởng niệm cha mẹ, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể tưởng tượng ra hình dáng cha mẹ. Tưởng niệm bạn bè, người yêu cũng như vậy, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể tưởng tượng ra hình dáng của họ ngay, và tình cảm cũng lập tức có phản ứng. Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta một phương pháp giản đơn để xét nghiệm tưởng niệm. Tức là nhắm mắt lại nghĩ tới me chua, lập tức chảy nước bọt. Lại nghĩ tới mình đang đứng trên bờ vực sâu, lập tức thấy hai chân mềm nhũn. Nghĩ tới quan hệ trai gái, lập tức má ửng đỏ. Qua đó mới biết uy lực của tưởng niệm là to lớn.
Trong cuộc sống chúng ta gặp phải rất nhiều trường hợp như vậy. Có một ngày tôi đi xem chợ ban đêm ở phố Nhiêu Hà, gặp một người đang bán quả thanh mai, nhưng lại gọi là quả người tình. Tôi hỏi người bán tại sao lại gọi quả thanh mai là quả người tình? Ông ta trả lời: Khi nghĩ tới quả thanh mai hay nghĩ tới người tình, miệng anh đều chảy nước bọt, cho nên mới gọi quả thanh mai là quả người tình. Trong cuộc sống còn có những phương pháp kiểm nghiệm khác. Thí dụ, anh nằm mơ thấy mình leo núi, sáng hôm sau dậy nhất định thấy mỏi gối, lưng đau, giống như mình đã leo núi vậy. Có lần con tôi nửa đêm bò dậy bảo tôi rằng, nó nằm mơ thấy đang bơi lội trong biển. Lý do là vì nó đái dầm ra quần.
Khi chúng ta tưởng niệm đồng thời lại tỉnh giác, thì có thể kiểm nghiệm được tưởng niệm của mình. Nghĩa là ở trong nội bộ của tưởng niệm, còn có một cái thâm trầm hơn, không khởi diệt tùy theo tưởng niệm. Cái đó gọi là giác cũng gọi là tâm.
Cũng như hôm nay, có nhóm người lập ra đảng Kim Quang rao truyền rằng, họ gá bạc rất là ngốc xuẩn. Ai có tiền đánh bạc với họ nhất định có lãi to. Có người bị lừa, bỏ vốn vào, đó cũng là do lòng tham mới bị đảng Kim Quang lừa bịp. Mọi người đều biết là không nên có tâm tham nhưng lúc bấy giờ không ngăn được cái tâm tham nó khởi lên. Vì sao? Vì không “tỉnh giác”. Khi tưởng niệm khởi lên thì sự tỉnh giác cũng phải khởi lên đồng thời. Có khi tưởng niệm của chúng ta không nhất định là trong sáng và hướng thiện, điều này không quan hệ, miễn chúng ta có tỉnh giác là được.
Phương pháp thứ hai để kiểm nghiệm tâm là dùng 6 thức. Tức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu thức này tương thông với nhau. Phật Thích Ca đã từng giải thích về sự tưởng niệm thông qua 6 thức trong kinh Lăng Nghiêm: “Phật lấy một cái khăn thắt làm sáu nút, và nói với học trò rằng: ‘Khi cái khăn được thắt làm sáu nút thì chỉ thấy 6 nút mà không thấy được cái khăn’. Phật hỏi: ‘Bây giờ làm thế nào để thấy rõ đây là một chiếc khăn?’. Học trò trả lời: ‘Chỉ cần mở nút ra’. Phật lại hỏi: ‘Mở nút nào trước?’ Học trò trả lời: ‘Mở nút nào trước cũng được’. Cũng tức là nói: Từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý đều có thể mở thắt nút, để thấy rõ chiếc khăn vốn như thế nào. Chiếc khăn đó tức là tâm của chúng ta.”
Nói thêm một điểm nữa, tức là giữa mắt, tai, mũỉ, lưỡi, thân, ý có một cái gì đó nối liền. Cái nối liền đó, Thiền tông gọi là “Một con khỉ, sáu cửa sổ”. Tức là một gian phòng có sáu cửa sổ và trong phòng có một con khỉ. Bất cứ anh vào phòng bằng cửa sổ nào đều có thể bắt được con khỉ. Điều này có nghĩa là giữa tâm chúng ta và sáu thức, có một quan hệ rất mật thiết. Do đó, muốn nhận thức được rõ tâm chúng ta, có thể thông qua sự kiểm nghiệm của sáu thức.
Trong cuộc sống, chúng ta còn có thể dùng một số phương pháp khác để kiểm nghiệm. Thí dụ, chúng ta nhìn thấy một cái gì đẹp, ăn một thức ăn gì ngon, nghe một điệu nhạc hay, thì thân thể cảm thấy khoan khoái. Nghĩ chuyện tốt đẹp, chúng ta cảm thấy thư thái. Ngược lại, nếu nửa đêm nghe còi xe cứu thương rú lên hay là thấy một chuyện gì chẳng lành xảy ra thì trong tâm cũng có phản ứng tương tự. Ở cư xá tôi ở, tầng dưới mở một phòng “khám tai mũi họng kiêm nội khoa.” Có ngày, người bác sĩ phụ trách nói với tôi rằng: Tai , mũi và toàn thân liên kết chặt chẽ với nhau. Tai đau nhiều khi là do viêm mũi. Cổ họng đau cũng có khi là do mũi. Cho nên chúng ta biết rằng mắt, tai, mũi, lưỡi thân là giống nhau và phải thông qua ý mới có khả năng tác dụng. Chúng ta biết có nhiều người, 5 cảm quan đều tốt nhưng phát huy tác dụng không lớn, là do thiếu “ý”. Có thể nói, các cảm quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không hoạt động riêng lẻ, độc lập được. Còn ý là gì? Ý 意 là do ba chữ lập, nhật, tâm tạo thành, nghĩa là đứng dậy để nhìn rõ tự tâm mình. Ý khác với tưởng niệm. Tưởng niệm mà kèm theo cứng nhắc, cố chấp thì biến thành ý. Cũng như nhìn thấy một bộ y phục đẹp không mua chịu không nổi, sinh ra biếng ăn, lười uống. Tưởng niệm mà cố chấp như vậy, gọi là ý.
Sự cố chấp của ý so với tưởng niệm, thực là đáng sợ. Nhưng trái lại, so với tưởng niệm thì ý có thể giúp chúng ta dễ dàng nhìn thấy được tâm mình. Ý có thể làm chúng ta vui vẻ, đau khổ, làm chúng ta sanh, cũng làm chúng ta chết!
Cách đây không lâu, tôi cùng vài người bạn văn sĩ, nhân rỗi rãi, bàn chuyện nữ sĩ Tam Mao tự sát. Trong số người bạn, có một người là bác sĩ. Anh ta nói: Người treo cổ chết thì da mặt có màu đen và lưỡi lè ra ngoài. Thế nhưng, Tam Mao chết thấy không có hiện tượng đó. Một người bạn khác là nhà báo nói: Cái đinh đóng ở tường không cao quá đầu người, Tam Mao không thể thắt cổ chết được, nhưng Tam Mao đã dùng một giải lụa thắt cổ. Diện mạo cô ấy sau khi chết vẫn đẹp, hoàn hảo. Vì vậy, kết luận của mọi người là “cô ta bị ý niệm giết chết, khác với người bình thường khác tự sát.” Đương nhiên đây là một quan điểm cần được kiểm chứng lại. Bất quá điều đó có thể xác định là, nếu không bị ý niệm thúc đẩy, thì một người không đến nỗi phải tự sát. Mà ý niệm thì có khi như là bùng dậy lên bất ngờ. Triết gia Nietzche đã từng nói: “Trên thế giới chỉ có một người không từng bao giờ nghĩ chuyện tự sát, người đó là một thằng ngu.”
Rất nhiều người đã nghĩ muốn tự sát nhưng vì sao lại không tự sát? Bởi vì khi ý niệm tự sát khởi lên, thì đồng thời ý niệm tĩnh giác cũng khởi lên, đối kháng với ý niệm tự sát. Nếu mất tỉnh giác, thì toàn bộ con người sẽ bị ý niệm tù hãm, lôi cuốn. Mà bồi dưỡng “giác” phải được làm hằng ngày. Chúng ta phải ngày ngày kiểm tra sự tỉnh giác của chúng ta. Khi có một ý niệm xấu khởi lên, chúng ta phải biết mà không đi theo nó. Và khi có một ý niệm tốt khởi lên, chúng ta phải có thái độ đúng đắn để thực hành ý niệm tốt đó.
Hôm nọ là một ngày nghỉ ngơi, một người bạn tôi đến thă m và kể lại một vụ án rất nổi tiếng về phương diện tâm lý học. Có một cai ngục đâm một nhát dao vào tay một phạm nhân. Sau đó, vặn nước ở vòi nước, cách bên kia tường cho chảy từng giọt, rồi bảo phạm nhân rằng: “Huyết quản trên tay ngươi đã bị cắt. Ngươi có nghe tiếng máu chảy từng giọt, từng giọt hay không. Khi máu chảy hết thì ngươi sẽ chết.” Phạm nhân khẩn trương lại giường nằm, không dám cử động, bên tai cứ nghe giọt nước rơi từ vòi nước, cạnh bên kia tường. Kết quả là ngày thứ hai, phạm nhân bị phát hiện đã nằm chết trên giường. Tại sao vậy? Vì phạm nhân tưởng rằng, chính máu của mình đã chảy rơi từng giọt và mình nghe thấy được. Chính ý niệm của phạm nhân đã giết chết phạm nhân.
Cách đây không lâu, tôi có đọc cuốn sách “Màu đen, màu đen là nhan sắc đẹp nhất” của nữ văn sĩ Nhĩ Hoa Linh.
Trong sách viết: Trước đây, người Đức lùa người Do Thái vào phòng khí độc để giết hại, có những người Do Thái đã bị chết ngay trước khi khí độc thoát ra. Đó là do ý mệm đã giết chết họ.
Vì vậy ý niệm là chuyện rất đáng sợ. Anh muốn bớt béo đi. Hàng ngày trong tâm cứ nghĩ làm sao để gầy bớt, trở thành xinh đẹp. Chỉ cần mỗi ngày nghĩ như vậy, thì nhất định sẽ trở thành xinh đẹp. Trái lại, nếu trong người anh có chuyện rất u uất, thì anh nhất định sẽ ngày càng xấu đi. Điều này chứng tỏ, ý niệm trong cuộc sống hằng ngày có tác dụng rất lớn.
Từ đó, nảy sinh ra quan điểm trọng yếu này: Phải chú ý tới 6 thức của chúng ta. Phải để cho mắt thấy cái đẹp tai nghe âm thanh hay, lưỡi nếm mùi vị tự nhiên v.v... nghĩa là chú ý tới sáu thức, giữ chúng ở trạng thái bình lặng; như vậy, tâm chúng ta sẽ dễ dàng tỉnh giác. Nhờ quan sát không ngừng sáu thức mà chúng ta sẽ tương đối hiểu được tự tâm của chúng ta, dẫn đến mở các thắt nút ra, và có ngày sẽ phát hiện cái khăn vốn có của chúng ta có những màu sắc đẹp đẽ vô cùng.
Vì các tưởng khác nhau do tâm và ý niệm làm nảy sinh ra, sách Phật (Nhiếp Đại Thừa Luận) có đề xuất một quan điểm lý thú. Cuốn sách lấy nước làm ví dụ: ác quỷ thấy nước là máu, cá thấy nước là nhà của mình. Người thấy nước là nước, loài Trời thấy nước là cõi đất trang nghiêm, vì vậy mà nước nơi Long Vương ở gọi là Long Cung; nước nơi loài Trời ở là Thiên Cung; Người nhập cõi định Hư Không vô biên xứ thì thấy nước và hư không không khác gì nhau. Và vì họ hoàn toàn ở trong định, cho nên họ ở dưới nước, không cần hô hấp cũng sống được; còn Bồ Tát thì thấy nước là đất nước mát mẻ, thấy nơi nào cũng là nước trong mát, Bồ tát và người đều thấy nước là nước, chỉ có điểm khác nhau là Bồ Tất thấy nước đều trong mát, và mọi sự vật dưới con mắt của Bồ Tát cũng đều là trong mát như nước vậy, uống vào có thể không còn đói khát.
Do đó, tướng dạng của sự vật hoàn toàn theo ý niệm của chúng ta mà thôi. Khi ý niệm chúng ta thay đổi, thì tướng của sự vật cũng tùy theo mà thay đổi, đất nước chúng ta cũng tùy theo mà thay đổi. Vì vậy, tâm trong sạch thì đất nước trong sạch, Tâm của một người mà trong sạch thì đi đến nơi nào, nơi ấy cũng trong sạch. Chúng ta hãy thường xuyên kiểm điểm như vậy. Nếu tỉnh giác được như thế, thì sẽ hiểu biết được tự tâm mình như thật. Trong kinh Đại Nhật có câu:“Nếu biết được tự tâm mình như thật thì tức là Bồ Đề”. Nếu như thực hiểu biết tự tâm mình, thì dù cho khởi lên tưởng niệm hay dục vọng gì cũng đều là Bồ Đề .
SÁU PHƯƠNG PHÁP ĐỂ LẮNG NGHE TÂM ^
Chúng ta biết rằng, tất cả những gì chúng ta có, đều do tâm có nhu cầu, có khát vọng mà sinh ra. Bây giờ, tiếp theo, chúng ta hãy bàn phương pháp lắng nghe tin tức đến từ biển tâm của mình, cũng tức là phương pháp lắng nghe tự tâm của mình. Phương pháp thứ nhất là vĩnh viễn không được quên kiểm nghiệm thân, lời nói và ý nghĩ, phải giờ giờ, phút phút kiểm nghiệm; sự kiểm nghiệm đó trở thành tập quán, thì ngay trong giấc mơ cũng có thể kiểm nghiệm. Thí dụ, chúng ta trải qua một cơn ác mộng, chịu không nổi bèn lớn tiếng “A Di Đà Phật”. Đó tức là kiểm nghiệm có kết quả. Trước đây tôi từng đến học một vị đại sư tu hành rất tốt là Lão Sư Cống Hạt. Xin lão sư dùng một câu giản đơn nhất để giải thích tu hành là thế nào? Lão sư nói: “Một khắc cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; một phút cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; một giờ cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; Một ngày cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; một tháng, một năm, một đời cũng là thân, lời nói, ý nghĩ. Vì vậy, chỉ cần nhớ ba chữ thân, lời nói, ý nghĩ. Đó là phương pháp tu hành tốt nhất?” Tức là thường xuyên kiểm nghiệm hành vi nơi thân, lời nói và ý nghĩ. Nỗ lực quan sát chúng thì tức là anh đã không ngừng thẳng tiến trên con đường Bồ đề. Phương pháp thứ hai là “Không chấp trước bất cứ một pháp gì.” Không cho rằng có một pháp nào là cố định; hay một người phải làm như thế này mới gọi là tu hành. Thế thì không được chấp trước pháp hay là sinh hoạt. Hiểu được giá trị của sinh hoạt nhưng không chấp trước sinh hoạt. Trong Thiền Tông có câu: “Không cùng đi với hàng nghìn Thánh, không cùng làm bạn với vạn pháp.” Ý tứ không cùng đi bước đi của bậc Thánh nhân đời trước, không làm bạn với vạn pháp. Nghĩa là dù có một ngàn bậc Thánh hay một vạn pháp, cũng không chấp trước ở Phật Pháp. Mà tất cả mọi Pháp, đều là Phật Pháp. Không có một cái gì riêng biệt gọi là Phật Pháp. Khi anh đã có Phật Pháp rồi, thì đi đến đâu cũng là Phật Pháp. Khi anh đã không có Phật Pháp, thì đi đến đâu cũng không phải là Phật Pháp. Thiền sư Triệu Châu đã từng giảng câu kệ: “Người chân chánh nói pháp tà, thì pháp tà cũng trớ thành chánh; Người tà mà nói chánh pháp thì chánh pháp cũng hóa thành tà.” Ý tứ là: Nếu anh đã là người chân chánh rồi, thì dù anh có nói gì cũng là chánh pháp; Nếu anh là con người tà, thì dù anh có nói gì cũng là tà pháp, dù anh có nói những câu, lời gọi là Phật pháp. Có suy nghĩ như vậy thì sẽ không có thái độ chấp trước đối với Phật Pháp cũng như đối với tất cả các pháp thế gian khác.
Phương pháp thứ ba là điều mà tôi hay nhấn mạnh, tức là một tâm một cảnh. Phật ở ngay trước mắt; Thường xuyên giữ vững một tâm, một cảnh; Một cảnh chỉ có một nội tâm. Như vậy, ý niệm của chúng ta mới không phân tán. Như vậy, đối với cảnh trước mắt, uống nước là uống nước, đó chính là một tâm một cảnh. Trái lại, khi đang uống nước, mà nghĩ tới năm này tháng nọ, ngày nọ cùng với bạn bè trai gái đi uống nước với nhau... thì nước uống sẽ trở thành đắng, khó uống. Tình hình đó là một tâm hai cảnh. Có những lần thì một cảnh mà sanh ra nhiều tâm, rồi không dừng lại được, do đó tạo thành hai loại tình hình, tức là lo buồn và tán loạn. Với tình hình một tâm nhiều cảnh hay là một cảnh nhiều tâm, thì tâm chúng ta thường sanh ra lo buồn và tán loạn, khiến chúng ta không thể nào sống trọn vẹn trong thế giới hiện tiền được. Nếu chúng ta thường xuyên cảnh giác, ngự trị được tưởng niệm như trói chặt con khỉ vậy thì có thể sống trong trạng thái định tĩnh không tán loạn.
Phương pháp thứ tư là “siêng tu Giới, Định, Tuệ để diệt trừ tham, sân, si”. Đó là bài kệ để lại của lão Hòa Thượng Hư Vân. Siêng tu không phải là tu tập một cách khẩn trương, mà là thường xuyên cần mẫn tu tập giới luật, thiền định và trí tuệ. Vì sao phải siêng tu Giới, Định, Tuệ? Chủ yếu là để chúng ta đoạn trừ được tham, sân, si. Bởi vì tham, sân, si đều sanh khởi từ trong tâm. Không có tâm cũng sẽ không có tham, sân, si vì vậy mà cần phải thường xuyên đoạn trừ chúng.
Phương pháp thứ năm là cần nhận thức cuộc sống của mình có khả năng rất lớn. Rất nhiều người cho rằng, cuộc sống này của mình, không có hy vọng tu hành được, vì rằng, người ta thì ngồi thiền, mình lại ngồi ngủ gật. Tuyệt đối không được mất niềm tin. Vì tâm Như Lai và tâm chúng ta không có gì khác nhau. Chúng ta cũng có thể trở thành Như Lai. Nếu kiếp sống này không thành Phật được thì thế nào? Không quan hệ gì; Chỉ cần gắng sức tu được một phần là được. Đương nhiên, chúng ta cũng có thể thành Phật ngay trong kiếp sống này. Khi có thái độ như vậy, nội tâm chúng ta như lớn mạnh lên, có cảm giác được mở mang. Lúc bấy giờ, có đi ra ngoài đường, khí mạch chúng ta cũng đổi khác, không còn co ro cúm rúm. Khi chúng ta cảm giác, chúng ta có thể thành Bồ tát, thì tâm chúng ta sẽ được chú ý lắng nghe nhiều hơn và mở mang khai phát hơn.
Phương pháp thứ sáu là giữ vững nhiệt tình tìm cầu thực tướng. Chúng ta thường thường nói thực tướng, kỳ thực thực tướng là không thể nói lên được, cũng như vậy. Tâm là thực tướng của chúng ta. Trước khi chúng ta hoàn toàn hiểu biết được tự tâm mình, chúng ta phải nổ lực không ngừng nhìn cho rõ tự tâm mình. Khi chúng ta với thái độ nhiệt tình tìm hiểu thế giới tâm linh của mình thì sẽ sinh ra hai hiệu quả rõ rệt. Một là sức chuyển của vật chất đối với chúng ta giảm bớt đi; Hai là trí tuệ Bát Nhã được khai phát. Vì vậy, làm một người Phật tử hay một người tu hành, nhiệt tình rất trọng yếu. Khi chúng ta tự nhận là tu hành rất tốt, mà lại thiếu nhiệt tình thì sự tu hành của chúng ta có thể có vấn đề.Chúng ta thấy các bậc Bồ tát đều rất nhiệt tình. Như Bồ Tát Quán Thế Âm, một nghìn nơi cầu nguyện Ngài, thì có nghìn nơi cảm ứng? Bồ Tát Văn Thù thường xuyên có thái độ giúp đỡ chúng ta mở mang trí tuệ. Các vị ấy đều có nhiệt tình rất lớn. Nếu chúng ta để mất nhiệt tình thì sẽ không cách nào lắng nghe được tin tức đến từ trong nội tâm của chúng ta.
GIỮ VỮNG BIỂN TÂM BÌNH LẶNG, THUẦN KHIẾT ^
Tin tức từ biển tâm rộng lớn, vô biên một cách lạ lùng. Cũng như đại dương, trên mặt có thuyền bè, sóng nước biến hóa đủ các dạng, nhưng ở đáy sâu thì rất bình lặng. Chúng ta sở dĩ đi theo con đường Bồ đề, là vì hy vọng khiến cho cuộc sống chúng ta bình lặng, thuần khiết. Nhờ bình lặng thuần khiết, mà chúng ta sẽ như đại dương có thể phản ảnh màu sắc bầu trời. Cũng tức là nói: Thường xuyên giữ vững sự bình lặng, thuần khiết của chúng ta để thu nhận tin tức từ pháp giới đến.
Tôi thường dùng một ví dụ giản đơn để giải thích mối quan hệ giữa Người, Phật và Bồ tát. Chúng ta giống như có một chiếc máy thu thanh, có thể thu được rất nhiều đài. Những điện đài đều là tiếng nói của Bồ tát. Chỉ cần biết tần số là 24 trên 24 tiếng, có thể tùy nơi tùy lúc nghe được tin tức của điện đài phát ra. Đương nhiên, điều kiện tiên quyết là anh phải biết rõ tần số. Tần số ở đâu mà biết được? Tần số từ cuộc sống bình lặng, thuần khiết mà biết được. Nhờ tâm thuần khiết, cho nên không bị sự vật phức tạp chuyển động. Vì tâm có xu hướng đến sự bình lặng, cho nên tâm không dễ tán loạn. Khi ấy, chúng ta mới thu nhận được tin tức của pháp giới, thậm chí chúng ta dung hợp làm một với pháp giới, tiến lên mình cũng biến thành một điện đài phát tin tức, không ngừng phát ra các tần số.
Theo kinh Hoa Nghiêm thì tâm không có phân biệt. Tâm Phật là ở trong tâm ta. Tâm chúng sanh cũng ở trong tâm ta. Nói cách khác, chúng ta là điện đài, cũng là máy thu thanh, vì chúng ta đã biết rõ các tần số, tuy rằng các tần số đó thấy không được, sờ mó không được. Tôi chỉ có thể nói rằng, nếu anh không chấp trước, “một tâm một cảnh, sống ngay tại hiện tiền”, không ngừng tìm cầu Phật và Bồ tát, thì anh có thể vặn đúng tần số của pháp giới. Như vậy, có thể nói là khai ngộ và kiến tánh.
Khai ngộ và kiến tánh không có gì đặc biệt, mà là tình hình khi chúng ta nắm bắt được bí mật rất sâu xa, nếu biết ngữ ngôn của pháp giới. Có người hỏi tôi đã nắm bắt được tần số đó chưa? Tôi nói đã nắm bắt được một điểm, nhưng còn chưa rõ ràng, hy vọng càng tìm, càng nghe rõ ràng, tương lai có thể nghe được những tin tức từ rất xa. Đó chính là biển tâm mênh mông rộng, không bờ bến.
Vì vậy, tôi cho rằng, đi tìm đạo Bồ đề, điều trọng yếu, không phải chỉ ở mục tiêu, mà là một quá trình khai phát không ngừng, dù là thành Phật, cũng là một quá trình. Thí dụ như Bồ tát Quán Thế Âm từ rất lâu trước đây đã thành Phật rồi, danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng Ngài đã trở lại làm Bồ tát. Cũng như cư sĩ Duy Ma Cật từ lâu cũng đã thành Phật rồi, danh hiệu Kim Túc Như Lai. Dựa vào kinh điển thì biết rằng, Phật Thích Ca đã thành Phật 9.000 lần rồi, đối với Ngài mà nói, tu hành là một quá trình tiếp diễn không ngừng, không có mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, lâu nay ở thế gian này Ngài thị hiện cái gì? Ngài thị hiện sinh, già, bịnh, chết, thị hiện bệnh đường ruột, bệnh phong thấp v.v... Cho nên khi anh bị bệnh đường ruột, anh nên nhớ Phật Thích Ca cũng từng mắc bệnh đường ruột, nhờ đó, anh cũng cảm thấy hân hoan, an ủi. Hơn nữa, không những Phật đã lập gia đình, mà theo truyền thuyết thì có 3 vợ, sinh ra một con, rồi sau mới xuất gia. Tất cả những cái đó đều là sự thị hiện rất tốt, để chúng ta biết rằng quá trình tiến tới đạo Bồ đề là hết sức trọng yếu.
Tính trọng yếu đó như Thiền Tông nói: “Nhà là ở trên đường đi”, ý tứ là cạnh đường đâu đâu cũng là nhà, không có điểm kết thúc. Vì vậy, hãy trân trọng mọi quá trình. Quá trình này bắt đầu từ việc kiểm nghiệm tưởng niệm, ý niệm; Và không được chấp trước, phải luôn luôn khai phát, luôn luôn quý trọng nhân duyên đã dẫn chúng ta đến thế giới hiện tại. Tôi tin rằng, ngồi nghe tôi hôm nay, có rất nhiều bạn đã từng phát nguyện Bồ đề, mới được tái sanh ở thế giới này. Nhưng cũng có người không tin mà nói “sao có thể được. Nếu trước đây tôi là Bồ tát thì sao bây giờ tôi khổ thế này?”. Tôi muốn cảnh tỉnh các vị là đừng có tự xem thường mình; Bồ tát đến thế giới này cũng chịu thống khổ, cũng gặp cảnh ngộ không sao nói được. Cũng như có nhà âm nhạc giỏi nhất mà không được người nghe hoan nghênh vậy.
Vì vậy chớ có lo âu. Chúng ta phải thường cảnh tỉnh mình. Ngày nay được học Phật là vì từ kiếp vô thỉ đến nay đã từng phát nguyện Bồ đề. Vì vậy, vì sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được lời nguyện xưa kia của chúng ta?
Bây giờ, chúng ta hãy lắng nghe tin tức đến từ biển tâm, xem thử có thể thấy được cái mà Thiền Tông gọi là “Bộ mặt vốn có của chúng ta, trước khi cha mẹ sinh ra”, tức là tâm của chúng ta. Hãy thường kiểm nghiệm và tu hành như vậy thì có một ngày chính ta sẽ đích thực thấy rõ được tâm của mình.
MŨI DAO VÀ CÁN DAO ^
CÁN DAO CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Thiền Tông có công án sau đây:
“Một ngày Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên cùng với học trò là Hòa Thượng Thạch Thất leo núi.
Thiền sư Thạch Đầu đi sau, lưng đeo con dao đốn củi. Hòa Thượng Thạch Thất đi trước, mở đường cho thầy. Đến lưng chừng núi thì đường bị tắc, vì có một cành cây lớn cản lối đi. Hòa Thượng Thạch Thất quay đầu lại nói với thầy: ‘Sư phụ cầm hộ con dao ra đây.’
Thiền sư Thạch Đầu rút con dao đưa cho Thạch Thất. Thạch Thất giơ tay định cầm con dao bỗng thấy đó là con dao không có cán. Thạch Thất nói: ‘Sư phụ! Sư phụ hãy đưa cán dao cho con?’
Thiền sư Thạch Đầu hét to: cán dao thì dùng được gì?
Hòa Thượng Thạch Thất hốt nhiên đại ngộ, ngay ở trên đường giữa lưng chừng núi.”
Tôi đọc công án này rất cảm động. Cán dao còn có tác dụng gì? Lời nói ấy bắt tôi phải suy nghĩ nhiều vấn đề. Trên thế giới này, có rất nhiều cái không dùng được, nhưng nếu không có những cái vô dụng đó thì những cái hữu dụng lại sẽ mất hết ý nghĩa.
Chúng ta sống nhiều nhất là khoảng 100 tuổi. Trong 100 năm của cuộc sống, thời gian chúng ta thực sự tu hành rất ít ỏi. Hãy xem thời gian tu hành ít ỏi đó như mũi dao. Còn đại bộ phận thời gian khác, chúng ta không tu hành mà chúng ta dùng để ăn cơm, làm việc để kiếm sống, ngủ, đi dạo, uống cà phê, xem phim, nghe nhạc v.v... ngoài ra làm một số việc, xem ra không có tác dụng gì. Nhưng sự thật, đối với một người tu hành mà nói, thì tất cả thời gian giống như “cán dao” đó, đều là có ích bởi vì tu hành và học Phật là sự thể hiện và phát triển của toàn bộ cuộc sống và nhân cách, chứ không phải quy gọn trong thời gian rất ít ỏi ở chùa Phật, khi mình có cảm giác rằng đang thực sự tu hành.
Có thể đưa ra hai câu chuyện tương tự như vậy nữa trong Thiền Tông:
“Có lần, Bồ Tát Văn Thù đang thuyết pháp cho đại chúng. Ngài gọi Thiện Tài đồng tử đến và nói với Đồng Tử rằng: ‘Nhà ngươi hãy đi nhổ một cây cỏ không phải là cây thuốc đem về đây cho ta.’ Đồng Tử Thiện Tài chạy đi tìm nửa ngày cũng tìm không ra loại cỏ nào không thể dùng làm thuốc.
Bồ Tát Văn Thù nói: ‘Tốt? Bây giờ nhà ngươi hãy đi nhổ một cây cỏ có thể làm thuốc, đem về đây cho ta.’
Lúc bấy giờ, pháp hội đang được tổ chức ở giữa trời. Đồng Tử Thiện Tài quỳ xuống, nhổ một ít cỏ, đưa cho Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù nói: ‘Khắp thiên hạ, mọi cây cỏ đều dùng làm thuốc được.’”
Khắp thiên hạ, cây cỏ nào cũng dùng làm thuốc được. Lời tuyên bố này làm chúng ta cảm động. Nó cho chúng ta biết, không có một cái gì đặc biệt gọi là thuốc. Nếu bất cứ một cái gì, có bịnh mà nó đối trị được, có đối tượng để đối trị thì đó là thuốc. Trái lại, một cây thuốc gọi là quý, nhưng lại không đối trị được bệnh, thì cây thuốc ấy cũng là vô dụng.
Còn truyện thứ hai như sau: “Có một ngày, Phật Thích Ca cùng các đệ tử đi tản bộ ở trên đồng. Đi theo, còn có thần Đế Thích và các vị Bồ Tát. Đến một nơi phong cảnh rất xinh đẹp, Phật Thích Ca nói với các đệ tử: ‘Ở đây mà xây lên một ngôi tháp thì thực là tốt đẹp!’
Nghe vậy, thần Đế Thích bèn cúi xuống, lấy một cây cỏ, cắm trước mặt Phật và nói: ‘Bạch Thế Tôn! Tháp báu đã xây xong rồi, ở đây!’. Phật Thích Ca tán thán cảnh giới của Thần Đế Thích thực là đẹp.”
Trên sự thật, giữa một cây cỏ và một tòa tháp báu có gì là khác nhau. Vấn đề là tùy thuộc thái độ chúng ta đối với cây cỏ.
THẤY ĐÚNG ĐẮN CẢNH GIỚI HIỆN THỰC TRƯỚC MẮT ^
Ba câu chuyện của Thiền Tông trên đây có thể giúp mở mang nhận thức của chúng ta.
Khi những người học Phật bắt đầu tu hành, thì họ thường vướng mắc vào những cái gì gọi là “hữu dụng”, như lễ Phật, vái Phật, niệm Phật, tụng Kinh, niệm chú, siêu độ, in kinh, phóng sanh, bố thí v.v... Còn các việc khác như đọc sách, lên lớp, cầu mở mang kiến thức, xem phim, nghe nhạc, nghỉ ngơi, vận động, leo núi, đánh cầu thì người học Phật đều cho là chuyện vô dụng.
Có một lần, tôi đến thăm Phật Quang Sơn, thấy các tu sĩ ở Phật Quang Sơn chơi bóng rổ. Mười tu sĩ chia làm hai đội, mỗi đội 5 người. Tôi xem họ chơi bóng rổ, trong lòng cảm động. Các tu sĩ cần đánh cầu để giữ gìn sức khỏe!
Người học Phật, khi bắt đầu tu hành, thường bị một số vướng mắc. Những vướng mắc đó là: “Phải làm tất cả những gì hữu dụng có ích.” Người tu Tịnh Độ chẳng hạn, có thể nói, tất cả những gì giúp cho sự vãng sinh là có ích, là hữu dụng. Còn tất cả những cái khác, thuộc về nhân gian, đều là chuyện vô ích.
Người tu Thiền Tông thì có thể nói: Tất cả những gì giúp cho sự khai ngộ là có ích. Mọi cái khác không giúp cho sự khai ngộ là vô dụng.
Ở đây, có một số vấn đề cần suy xét:
Thứ nhất, nếu tổ chức đám chay thì siêu độ là hữu dụng cho nên người giàu bỏ ra rất nhiều tiền để cầu siêu độ.
Người có tiền, phải chăng nhờ người làm lễ siêu độ mà được vãng sanh cả hay sao? Thế thì những người nghèo, không tiền, sẽ mãi mãi chịu cảnh luân hồi sinh tử hay sao?
Nói như vậy sẽ không công bằng. Sự thật, không phải như vậy. Điều quan trọng nhất là ở chỗ dụng tâm.
Tôi đã từng nói vấn đề bố thí. Bố thí cũng như pha trà. Khi một người pha một ấm trà, chúng ta bỏ vào ấm một lá trà. Bố thí như vậy là đủ. Vì lá trà ấy tuy ít nhưng hòa vào nước trà đun sôi, đem cho 100 người uống, người nào cũng hưởng được mùi vị của lá trà đó.
Bố thí nhiều hay ít không phải ở chỗ bỏ ra nhiều hay ít, hay là làm ít hay nhiều công đức, mà quan trọng nhất là ở chỗ dụng tâm. Còn tất nhiên nếu dụng tâm đã tốt rồi thì bố thí càng nhiều càng tốt.
Thứ hai, nếu người học Phật mà còn chấp trước vào những cái mà anh ta gọi là “có ích, hữu dụng” thì sẽ không nhận thức được đúng đắn sự vật trước mắt. Mà nếu không nhận thức được đúng đắn sự vật trước mắt, thì làm sao bảo đảm sau khi chết, sẽ được tái sanh ở cõi sống tốt đẹp?
Có người hỏi tôi: Xin hỏi làm thế nào, khi lâm chung, giữ được chánh niệm, để cho việc trợ niệm (của người thân) đối với mình có hiệu quả?
Anh ta tuy chưa chết, nhưng ngày nào cũng chuẩn bị cho việc giữ vững chánh niệm khi lâm chung, hy vọng khi chết sẽ có người trợ niệm cho anh ta.
Tôi trả lời rằng: “Từ bây giờ, hãy bắt đầu giữ chánh niệm. Từ bây giờ, anh hãy bắt đầu trợ niệm cho mình. Đó là biện pháp thiết yếu nhất.”
Chúng ta hãy triển khai lối suy nghĩ này: Không phải, ngồi mới tập thiền, mới chuyên chú tâm. Tuy rằng tư thế ngồi cũng có ích. Từ bỏ tư thế ngồi và theo các tư thế khác cũng có ích, vì sự tu tập là thể hiện và phát triển toàn bộ nhân cách của con người.
HÃY TRÂN TRỌNG CUỘC SỐNG HIỆN TẠI ^
Có lần tôi đến hội quán Nghĩa trang ở đường Dân Quyền Đông để tham gia lễ tang cha một người bạn vừa quá cố. Vẻ mặt mọi người đều bi thương. Không khí trầm lặng. Mỗi lần dự tang lễ xong ở Hội Quán Nghĩa Trang và ra về đến cửa hội quán, tôi đều thở ra vào thật sâu để làm nhẹ bớt gánh nặng trong tâm.
Ôi! Mỗi lần tôi thở sâu như vậy, tôi đều cảm tạ là mình còn được thở không khí sâu như thế này, mình còn chưa phải từ giã cõi đời này.
Sau đó, tôi rời Hội quán Nghĩa Trang ở đường Dân Quyền Đông, đi tản bộ đến tiệm ăn Á Đông, để uống cà phê. Uống một tách cà phê để chứng minh rằng mình còn tồn tại. Phòng uống cà phê ở tiệm ăn Á Đông rất là tốt, được kiến trúc theo phong cách của Châu Âu thế kỷ XVIII. Ngồi ở đây thưởng thức một tách cà phê, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn rằng, hôm nay còn được ngồi ở đây uống cà phê. Bởi lẽ sau đây 100 năm, tôi cũng như thân phụ người bạn kia, sẽ không còn sống ở cõi đời này nữa. Chỉ suy nghĩ như vậy thôi, đã thấy tình hình ở nhân gian này chuyển thành tương đối tốt đẹp hơn rồi.
Uống một cốc cà phê ngon, đọc một cuốn sách hay, nghe một bản nhạc, thậm chí hít thở không khí, đều là những chuyện đáng cảm ơn tất cả!
Nếu bây giờ, cũng không hít thở không khí một cách khoan khoái, không thưởng thức một tách cà phê ngon, thì sau 100 năm nữa, sẽ hối tiếc.
Chúng ta đều nghĩ rằng thế giới Cực Lạc rất xa xôi, phải kinh qua rất nhiều không gian và thời gian mới đến được Thực ra, xa hay gần không thành vấn đề. Có người ở xa nhưng lại đến nhanh. Có người ở gần lại đến chậm.
Nhớ lại ngày tôi còn học tiểu học, anh học trò đến lớp chậm nhất là anh học trò ở cái nhà ngay trước cổng trường, chính vì anh ta nghĩ, chỉ cần đi một phút là đến trường, cho nên anh ta thường ngủ quá cái phút ấy. Còn bọn chúng tôi đều ở rất xa trường, chúng tôi phải đi 40 phút mới đến cho nên mọi người đều lo đến trước 20 phút. Vì rằng, chúng tôi biết là đường xa, cho nên ai cũng đều ra đi sớm hơn một giờ.
Xa hay gần không thành vấn đề! Cho nên hãy biết rất trân trọng những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta.
Đường Dân Quyền Đông rất có ý nghĩa. Bên cạnh Hội quán Nghĩa Trang là vườn hoa Vinh Tinh. Ngày nào cũng có nhiều đôi trai gái đến đây chụp ảnh kỷ niệm ngày tân hôn. Đi thêm vài bước nữa thì đến một nơi gọi là Cung Hành Thiên, là nơi dân chúng đến lễ bái để cầu cho có nhiều tiền, cầu thi đỗ, cầu thành vợ thành chồng êm đẹp, cầu bình yên, cầu con v.v... Đúng là một đoạn đường có đủ sinh, lão, bệnh, tử mà chỉ cần đi có 10 phút?!
Nếu nhìn vấn đề từ một giác độ rộng lớn, thì cuộc sống con người ngắn ngũi như thời gian mươi phút. Làm thế nào để trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, với thái độ nhanh nhất, đạt tới mục tiêu dự định?
Chỉ có một cách là dùng toàn bộ nhân cách trong suốt 24 tiếng đồng hồ để tu hành.
Nếu chỉ chú trọng thế giới Cực Lạc mà bỏ quên cuộc sống hiện thực thì đó là một loại tướng đoạn diệt. Trong kinh Phật, có nói tướng đoạn diệt là không tốt. Ngược lại, chỉ chú trọng cuộc sống hiện thực mà bỏ quên quá khứ và vị lai, thì cũng là một loại tướng đoạn diệt khác. Loại tướng đoạn diệt ấy, từng nơi, từng lúc, thường xuất hiện trong cuộc sống chúng ta, khiến chúng ta phải phát sanh cảm giác. Ôi! Cái xa xôi thì tốt đẹp hơn? Thế giới Cực Lạc thì tốt đẹp hơn? Ở đây không tốt đẹp. Cũng như chúng ta xem quảng cáo mì ăn liền trên màn ảnh truyền hình. Chúng ta có cảm giác mì ăn liền rất ngon, bèn đi mua ngay một gói về ăn, mới thấy rằng không ngon như mình đã cảm giác thấy trên màn ảnh truyền hình. Đây là do quảng cáo truyền hình thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu khiến mình có cảm giác là tốt đẹp. Nhưng sự thực thì không được như vậy.
Có lần tôi biếu một người bạn cuốn Kinh A Di Đà. Trong kinh có mô tả nhiều cảnh tượng của thế giới Cực Lạc, nói đất ở thế giới Cực Lạc lát bằng vàng, có những hoa sen to bằng bánh xe, nhà lầu làm bằng bảy báu, có tiếng âm nhạc thường xuyên réo rắt trên hư không, tiếng chim hót là tiếng thuyết pháp, trên trời mưa xuống toàn hoa!
Bạn tôi đọc xong cuốn kinh bèn nói: “Tôi không muốn sang thế giới Cực Lạc, vì tôi muốn sống ở nơi có cây cỏ. Nếu đến ở thế giới Cực Lạc lát toàn bằng vàng thì thực dễ sợ. Vì đi trên đường lát vàng, sẽ phát ra tiếng kêu leng keng, làm cho tâm hồn sinh ra khẩn trương. Tôi cũng không muốn nghe tiếng âm nhạc réo rắt từ sáng đến tối. Thỉnh thoảng khi cần có tiếng nhạc mới hay. Cũng không muốn tiếng chim toàn là tiếng thuyết pháp, bởi vì chim chỉ cần hót ca là tốt.”
Đó cũng là một quan điểm. Chúng ta không thể lấy phong cảnh ở cõi Cực Lạc phương Tây thay cho cuộc sống hiện thực được. Cũng vậy, chúng ta không thể lấy cuộc sống hiện thực thay thế cho thế giới Cực Lạc được. Đó là một đạo lý hết sức đơn giản. Hôm qua ăn no làm sao giúp chúng ta đỡ đói khát ngày hôm nay được. Hôm nay đói cào bụng, càng nhớ bữa ăn thịnh soạn ngày hôm qua lại càng có cảm giác đói thêm. Càng nhớ, càng tưởng tượng lại càng đói. Tưởng tượng thế giới Cực Lạc cũng là như vậy.
Ngày hôm qua, ăn uống no đủ, đối với tình cảnh đói khát ngày hôm nay, là không có ý nghĩa gì. Hôm nay, ăn uống no đủ, đối với tình cảnh đói khát ngày mai cũng là hoàn toàn vô nghĩa. Cái quan trọng nhất là sự no đủ ở thời điểm này, giờ này, phút này. Nghĩa là phải sống trong hiện tại.
CHẤP THỦ LÀ ĐÁNG SỢ ^
Người học Phật vì chăm chú mặt trí tuệ, cho nên thường coi nhẹ phần tri giác của cảm quan. Sự thật, phần tri giác cảm quan cũng là hết sức quan trọng. Chính tác dụng của sáu thức giúp chúng ta mở mang trí tuệ. Mở mang trí tuệ như thế nào?
Chính là nhờ đoạn trừ vô minh và chấp thủ.
Vô minh và chấp thủ là hết sức đáng sợ. Hãy lấy một câu chuyện xảy ra trong nhà tôi để minh họa.
Một ngày, con tôi từ ở trường đem về nhà một hộp đựng các con tằm, khiến tôi phải lo lắng không biết phải nuôi những con tằm như thế nào. Bởi vì lúc còn nhỏ tôi đã từng nuôi tằm thất bại. Tôi hỏi con tôi: “Con đem các con tằm về nhà nuôi chúng thế' nào? Có lá dâu cho chúng ăn không?” Con tôi nói: “Có lá dâu. Hợp tác xã Phúc Lợi của nhà trường có bán, 10 đồng một bao.” Tôi nghe mà giật mình. Bây giờ tiến bộ tới mức lá dâu cũng có bán! Tôi lại hỏi: “Ngày Chủ nhật hợp tác xã không bán lá dâu thì làm thế nào?” Con tôi trả lời: “Không lo, ngày thứ bảy mua thêm một bao đem về bỏ tủ lạnh.”
Thế là việc nuôi tằm ở trong nhà bắt đầu. Tôi thường hỏi con tôi: “Nếu chẳng may, hợp tác xã của trường thiếu lá dâu thì thế nào?”
“Không sao đâu! Làm sao thiếu được ế'u thiếu hàng thì thiên hạ sẽ đại loạn. Bởi vì, ở nhà trường, hầu như học trò nào cũng nuôi một hộp dâu tằm.”
Quả nhiên, có một ngày, điều tôi lo lắng đã biến thành sự thật. Trời mưa to, hợp tác xã Phúc Lợi của trường thiếu lá dâu bán. Con tôi đi học và nói với tôi: “Ba ơi, thiên hạ đại loạ n rồi, không có lá dâu biết làm thế nào đây!”
Tôi chỉ còn cách lái xe hơi đưa con tôi đến các nơi có thể có lá dâu ở Đài Bắc như Bắc Đầu, Nội Hồ, nhưng cuối cùng cũng không tìm ra. Thực là bi thảm? Chắc là các con tằm phải chết mất!
Con tôi bỗng có suy nghĩ độc đáo: “Này ba, con không tin rằng con tằm lại chịu chết đói mà không ăn một lá cây gì khác hay sao? Chúng ta hãy thử xem.” Tôi nói: “Được chứ!” Con tôi bèn đi hái về 10 lá cây thật tươi, mềm rải trong hộp nuôi tằm. Thế nhưng, lá nào chúng cũng không chịu ăn!
Lúc bấy giờ, cả con tôi cũng cảm thấy mấy con tằm chấp trước quá đáng. Con tô i nói với các con tằm rằng: “Chúng mày ăn một cái lá rồi chết lăn cả ra hay sao? Tao không tin!” Mấy con tằm vẫ n không chịu ăn. Con tôi lại nói:“Nhất định bọn tằm ăn lá dâu thành thói quen rồi. Nếu khi chúng mới sanh ra mà bắt chúng ăn một loại lá khác thì chúng sẽ chịu ăn ngay.” Tôi nói: “Đúng như vậy sao? Vậy chúng ta hãy thử xem!”
Để tìm ra đáp án, chúng tôi ngày nào cũng ra sức nuôi tằm. Tằm biến thành ngài, sanh ra trứng. Trứng chuyển màu đen vài ngày thì chúng tôi khẩn trương đi hái các loại lá khác cho tằm ăn, hy vọng các con tằm mới sẽ bỏ được tập quán ăn lá dâu.
Đáp án thì chắc các vị đã biết rồi. Các con tằm nhất định không chịu ăn các loại lá khác. Kỳ lạ thật, chúng chưa có tập quán ăn lá dâu mà vẫn không chịu ăn các loại lá không phải lá dâu. Cuối cùng đành phải đem lá dâu về cho chúng ăn. Lá dâu vừa rải ra, các con tằm tranh nhau ăn rạo rạo, như là
chúng khiêu vũ, nhảy múa vậy!
Lúc ấy, tôi cả m khái nghĩ rằng, sự chấp thủ thói quen thực là đáng sợ.
PHÁ CHẤP TRƯỚC, MỞ MANG TRÍ TUỆ ^
Con tằm, đời này qua đời khác, đều ăn lá dâu không chịu ăn lá khác. Tằm xưa nay, trong nước, ngoài nước đều như vậy, không có ngoại lệ. Do chấp trước mà chúng không thể biến thành vật tiến bộ hơn, không thể tiến trên một con đường khác tốt đẹp hơn.
Con bướm, một loại động vật rất gần gũi với con tằm, cũng chỉ hút mật hoa, không chịu ăn cái gì khác, từ khi sanh ra cho đến khi chết đi cũng chỉ ăn như vậy mà thôi. Tôi bèn nghĩ rằng: “Con bướm kiếp trước chắc là không chịu ăn đồ đắng, chỉ muốn ăn ngọt, cho nên mới phải luân hồi làm bướm. Vì chấp trước, như vậy cho nên nó cũng không tiến hóa được.” Cùng một loại bướm thì các chấm trên thân cũng không thể nhiều hay ít hơn!. Lúc nhỏ tôi cũng có nuôi bướm. Một loại bướm có chín chấm đen trên mình thì tất cả con bướm cùng một loại cũng đều có chín chấm đen, không nhiều hơn hay ít hơn, và cũng không có ngoại lệ. Con ngài cũng vậy, mỗi đêm vào mùa hè, con ngài đều hay đâm đầu vào lửa, đời đời kiếp kiếp cũng như vậy.
Những hiện tượng như thế đều do chấp trước mà thành, nếu phá được bệnh chấp trước thì có thể tiến bộ nhanh. Tôi nghĩ rằng, nếu có một con tằm nào đó chịu ăn loại lá khác, và phát hiện: A! Loại lá khác ăn cũng rất ngon! Rồi chúng bắt đầu ăn loại lá khác đó, không ăn lá dâu nữa. Nhất định trong nội tâm con tằm đó, sẽ nổ ra một cuộc cách mạng, phá trừ chấp trước và con tằm sẽ phát triển nhanh trên con đường tiến hóa.
Không kể là loài động vật lớn hay bé, đều có bệnh chấp trước như vậy. Có con thú gọi là gấu mèo, loại gấu mèo này chỉ ăn măng ống, không ăn một loại thức ăn nào khác. Vì cây măng ống ngày càng ít đi, cho nên giống gấu mèo bị đe dọa tuyệt chủng. Nếu một ngày nào đó, gấu mèo chịu ăn dưa, thì giống gấu mèo sẽ có thể tồn tại và phát triển, trí tuệ gấu mèo có thể được mở mang.
Chấp trước là cái bệnh rất đáng sợ. Tôi thường ví chấp trước với nước đọng, nước ao tù, càng để lâu càng có mùi thối. Nước thì phải chảy, thường xuyên chảy sẽ không có mùi thối. Nước mà bị chấp trước, ở yên trong ao tù thì sẽ sanh ra mùi thối.
Vì vậy phá chấp trước là việc làm rất cấp thiết đối với chúng ta trong cuộc sống hiện nay. Chỉ cần nhận thức được sự chấp trước của mình hiện tại là thế nào thì có thể đoạn trừ nó một cách dễ dàng. Cũng như chúng ta cần một quả dưa để ăn, bổ quả dưa ấy ra, thấy rõ trong quả dưa có bao nhiêu hột.
Vì đó là quả dưa chúng ta đang ăn. Nhưng chúng ta sẽ khó đoán biết, trên một cây dưa sẽ sanh ra bao nhiêu quả dưa.
Ăn dưa xong rồi, đem hột chôn xuống đất, hột mọc lên thành cây. Cây ấy sẽ sinh ra bao nhiêu quả dưa, đó là điều chúng ta không thể dự đoán được cái mà chúng ta nắm được là quả dưa mà chúng ta đang ăn, bổ ra làm đôi, chúng ta thấy rõ có bao nhiêu hột.
Cũng tức là nói, nếu nhận chân được sự chấp trước hiện nay của chúng ta thì có thể đoạn trừ được sự chấp trước tương lai, hay là sự chấp trước quá khứ. Sau đó mới dần dần xây dựng được nhân cách của chúng ta.
Vừa rồi có một cuộc tranh luận trên hai tờ báo, tờ Tự Lập và tờ Tự Do giữa nhà văn Tống Trạch Lai và nhiều Tăng sĩ, cư sĩ, về nếp tu hành khác biệt giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa. Tôi có đọc các bài tham gia cuộc tranh luận đó và có nhận thức sâu sắc đó chỉ là sự tranh chấp giữa mũi dao và cán dao mà thôi.
PHẬT GIÁO GIỐNG NHƯ MỘT CON DAO ^
Sự giáo hóa của Phật giáo Nguyên thủy cũng như tạo ra một cán dao rất kiên cố. Phật giáo Đại thừa chỉ là cắm mũi dao nhọn, sắc vào cán dao đó. Cho nên vĩnh viễn không thể giải quyết được sự tranh chấp hơn thua giữa mũi dao và cán dao!
Nếu Phật giáo là một con dao thì cán dao là cái gì?
Cán dao là Phật giáo căn bản. Đạo lý chủ yếu do Phật giáo căn bản giảng là Ba pháp ấn, Bốn chân lý thánh, con đường đạo tám nhánh, 12 nhân duyên.
Ba pháp ấn là: các hành là vô thường, các pháp là vô ngã, Niết Bàn là vắng lặng.
Bốn chân lý thánh là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đời người là thống khổ; hiện nay chúng ta sống và cảm thấy những nổi khổ đó. Chúng ta là một tập hợp, tức là một tập hợp khổ. Muốn xóa bỏ tập hợp khổ đó, phương pháp duy nhất là đi theo con đường giác ngộ (Bồ đề), con đường giải thoát, diệt hết cội nguồn của khổ.
Con đường đạo tám nhánh là Chánh kiến (thấy biết đúng đắn), Chánh tư duy (suy nghĩ đúng đắn), Chánh ngữ (lời nói đúng đắn); Chánh nghiệp (hành động đúng đắn); Chánh mạng (sinh sống đúng đắn); Chánh tinh tấn (siêng năng đúng đắn); Chánh niệm (nhớ nghĩ đúng đắn); Chánh định (tập trung tư tướng đúng đắn).
Thuyết 12 nhân duyên giải thích quy trình một chúng sanh từ khi nhập thai, ra khỏi thai mẹ, lớn nên, trưởng thành rồi già chết như thế nào.
Những giáo lý căn bản đó của đạo Phật giống như cán dao của một con dao. Nếu không có những giáo lý căn bản đó, tức là ba pháp ấn, Bốn chân lý thánh, Con đường đạo Tám nhánh, 12 nhân duyên thì Phật giáo sẽ không có chỗ đứng chân vững chãi.
Mọi tranh chấp giữa Đại thừa và Tiểu thừa, nguyên nhân lớn nhất là người theo Tiểu thừa rất bất mãn với danh xưng “Tiểu thừa”. Vì vậy, chúng ta nên gọi Phật giáo Tiểu thừa là Phật giáo “căn bản”.
Còn nếu Phật giáo Đại thừa coi thường Tiểu thừa, thì đó là một thái độ sai lầm. Một người tu hành theo Đại thừa mà không có một nhận thức cơ sở đối với Phật giáo căn bản, thì Đại thừa chỉ là một lâu đài xây dựng trên hư không mà thôi. Cũng như một con dao phải đủ cả mũi dao và cán dao thì mới có thể dùng được.
HỌC PHẬT LÀ ĐỂ CHẾ TẠO MỘT CON DAO TỐT ^
Người học Phật cũng giống như người chế tạo một con dao tốt; không kể là tu hành theo Đại thừa hay Tiểu thừa, tất cả Phật tử đều phải hấp thụ giáo hóa cơ bản của Phật Thích Ca truyền lại. Có hấp thụ được sự giáo hóa đó mới có biện pháp chế tạo ra được một con dao tốt, dùng được.
Điều kiện căn bản nhất để chế tạo ra một con dao dùng được là xây dựng cho mình một phẩm chất tốt, một bản chất sống tốt.
Thế nào gọi là một phẩm chất sống tốt? Xin lấy ví dụ sau đây để minh họa.
Có một loài sò gọi là ngọc trai, có thể tạo ra ngọc. Một đặc điểm của loài sò này là mỗi lần bị một vết thương là nó sinh ra ngọc trai. Người nuôi ngọc trai lợi dụng đặc điểm này, bèn bắt những con ngọc trai lớn, vạch miệng và cửa hai nhát dao rồi thả con sò xuống nước như cũ. Con sò ngay tại nơi bị thương tích, sinh ra ngọc trai. Thậm chí, người nuôi ngọc trai có thể tạo ra ngọc trai với hình dáng theo ý muốn của mình, tùy theo hình dáng vết thương trong thân con sò ngọc trai. Mỗi lần người ta tạo ra vết thương, thì con ngọc trai lại hàn vết thương đó bằng ngọc trai do nội thân tiết ra.
Các loài sò khác, nếu bị tạo ra vết thương như vậy, đều chết sau khi được thả lại xuống nước. Chỉ riêng loài sò ngọc trai là có phẩm chất nhẫn nhục tốt đẹp có khả năng chịu đựng và tự băng bó vết thương của mình.
Một người học Phật và tu hành, trước hết phải tạo cho mình một phẩm chất tốt đẹp như con sò ngọc trai, khéo chịu đựng mọi nỗi khổ ở đời và chế tạo ra ngọc trai của mình.
ĐẶT CON DAO BÁU Ở TRONG TÂM MÌNH ^
Những nỗi thống khổ của nhân sinh không khác nhau gì lắm đối với mọi người. Điều quan trọng đối với người tu hành, dù tu theo pháp môn nào, là xây dựng cho mình một phẩm chất tốt. Có một câu nói có thể minh họa:
“Trong thân có dao báu nhưng không giết người”. Trong người có dao báu, nhưng vẫn đi trên đường một cách bình thường, không giết ai cả.
Trong các tiểu thuyết võ hiệp và phim võ hiệp, có một loại người, chỉ cần gặp họ là biết họ có võ. Huyệt thái dương của họ lồi cao, các bắp thịt của họ đều nổi, lưng đeo kiếm. Gặp họ trên đường ai cũng nói : “Ái chà! Người này thật đáng sợ! Họ có thể giết người đấy! Võ công của họ rất cao cường." Thế nhưng, trong tiểu thuyết và phim võ hiệp, .. loại người đó thông thường không phải là loại người có võ công cao nhất. Có võ công cao hơn loại người thường như Trịnh Thiếu Thu vậy. Áo quần rất sạch sẽ, đi đứng thì chậm rãi, ngâm thơ, xướng vịnh, tay phe phẩy quạt, đó là loại người có võ công cao nhất, bởi vì chất võ công của họ ẩn sâu bên trong, không lộ ra ngoài .
“Trong thân có dao báu mà không giết người.” Ý nghĩa câu này là: Một người mới bắt đầu tu hành, nên thường xuyên giữ gìn con dao báu trong tâm mình, để xử sự với thế giới này... không nên đi đâu cũ ng cao rao rằng mình là Phật tử đang tu hành đây, trên cổ đeo cái biển Phật tử rất là nghiêm túc.
Một người quá nghiêm túc cũng khó độ chúng sanh. Chúng sanh cũng khó nhờ mình mà được khai ngộ.
Tôi thấy rằng, muốn theo con đường Bồ tát, thì phải có các đặc chất, như trầm mặc, phóng khoáng, cởi mở. Những đặc chất ấy chúng ta thấy rõ ở Phật và các vị Bồ tát.
ĐỪNG CÓ CÁCH BIỆT VỚI CHÚNG SANH ^
Kinh A Hàm chép rất nhiều hành trạng của Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá trình tu hành của Ngài, cho ta thấy Phật Thích Ca Mâu Ni cũng biết cười to, cũng biết chảy nước mắt, cũng có khi bực tức. Giữa đường gặp trẻ con, Ngài cũng biết quỳ xuống nói chuyện với chúng. Phật Thích Ca là con người dễ gần gũi. Chúng ta cảm thấy Phật có một nhân cách phi thường, nhưng không có cách biệt với thế gian này.
Có một lần tôi đến Bản Kiều thăm một nhà điêu khắc, ông chuyên môn điêu khắc tượng Phật. Tại nhà ông, có bày một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Đấy là tượng Phật Thích Ca tu khổ hạnh ở Tuyết Sơn, toàn thân Phật gầy gò từng đốt xương nổi lên rõ mồn một; các huyết quản cũng thấy rất rõ dưới da. Bức tượng này làm người xem rất cảm động; Phật Thích Ca đã từng tu khổ hạnh như vậy.
Nhưng các tượng Phật khác, bày trong nhà ông thì lại trông dáng người đầy đặn, béo tốt, phương phi, tướng báu trang nghiêm. Tôi hỏi ông: Tại sao ông lại bày tượng Phật Thích Ca gầy gò như củi khô ngay tại sảnh đường như vậy? Ông giải thích một hồi lâu. Lời giải thích của ông đến nay vẫn làm tôi cảm động. Ông nói: “Hiện nay chúng ta căn cứ vào nhận thức của chú ng ta đối với Phật mà tạc tượng Phật đều béo tốt mặc y phục rất đẹp khiến cho người bình thường nhận thức rằng Phật và Bồ tát đều ăn tốt, mặc đẹp, béo phây phây. Còn tôi, khi tạc một tượng Phật, tôi hy vọng không quên tinh thần của Phật Thích Ca tu khổ hạnh ở núi Tuyết Sơn, vì vậy mà mỗi lần tôi tạc tượng Phật, tôi đều đến xem tượng Phật Thích Ca gầy gò tu khổ hạnh ở Tuyết Sơn, đặt ở sảnh đường. Tôi mong rằng, bên cạnh tượng Phật Thích Ca đầy đặn béo tốt, cũng có tượng Phật Thích Ca gầy gò như con mắt sắc sảo, phản ánh tinh thần bi thương của Ngài đối với thế giới.”
Phật không có một tướng nhất định. Phật có thể có rất nhiều tướng. Ngài có thể ôn hòa, rất gần gũi, rất dễ mến. Người học Phật cũng không nên quá mức nghiêm túc, nên ứng xử ở đời với thái độ phóng khoáng, cởi mở, vì rằng, tuy chúng ta học Phật, nhưng chúng ta không tách rời chúng sanh. Chúng ta cũng là một phần tử trong chúng sanh. Không nên vì chúng ta tu hành mà trở thành một người đặc biệt, không nên để cho người khác thấy chúng ta đi trên đường bèn nói: “A! Đây là một Phật tử”.
Hãy phóng khoáng một chút, để cho người khác thấy mình cũng không khác gì họ. Như vậy, gọi là không cách biệt với chúng sanh, hòa nhập vào chúng sanh.
Trước đây, khi tôi còn ở nông thôn, tôi thường bị người ta nhận lầm là công nhân hay nông dân. Tôi đi mua rau, người bán rau thấy tôi mặc quần áo rất bình thường, đi đôi ủng chống mưa giống hệt như nông dân. Một bó rau 12 đồng, tính rẻ cho tôi hai đồng. Người bán rau không thấy tôi là người đặc biệt, mà thật sự, tôi cũng không có gì là đặc biệt. Có lần tôi đi mua trái cây. Chủ nhân vào nhà lấy tiền lẻ để đổi. Tôi đứng chờ bên quầy hàng, có ba, bốn thanh niên, nắm tay tôi bảo: “Này Thích Ca, một cân bao nhiêu tiền?” Tôi nói: “Thích Ca của tôi thì không bán, còn Thích Ca của ông kia thì 24 đồng một cân.”
Thích Ca của tôi không bán, nhưng trong tâm tôi có Thích Ca, tuy rằng tôi không tỏ cho ai biết. Người khác thấy tôi không có gì khác họ, như vậy mới gọi là đạo Bồ đề, hòa nhập vào chúng sanh, đó là thái độ tốt nhằm tạo duyên lành với chúng sanh.
***
Tôi thường nói “dưới chân đèn sáp là chỗ tối nhất”. Cứ thắp một ngọn đèn lên thì sẽ thấy, chân đèn là nơi tối nhất. Cũng như vậy, người đem lại ánh sáng cho người khác, thì thường thường một mình bị đả kích đến khổ!
Việc Phật Thích Ca Mâu Ni vào núi hay xuống núi đều là bài học cho chúng ta. Một người có thể ẩn ở núi sâu để tu hành, tự mình cầu tam muội, cầu giải thoát, cầu chánh giác. Nhưng, một người chỉ cầu như vậy mà cho là đủ rồi thì thực là đáng tiếc vậy. Phật Thích Ca, sau khi tu khổ hạnh, mình gầy như củi khô, rồi mới xuống núi, truyền bá đạo pháp. Điều này chứng tỏ, ẩn vào núi không phải là mục tiêu cuối cùng của sự tu hành.
Một người có suy nghĩ rằng phải ở trong núi sâu mới có thể tu hành được. Phật giáo Đại thừa cho rằng người đó đã “bị say vì rượu tam muội”. Đó là vì cầu tam muội mà quên mất chúng sanh. Cũng như uống rượu tam muội mà bị say vậy. Người uống rượu tam muội mà bị say, thì sẽ không cách gì thông cảm với chúng sanh được. Làm thế nào để không bị say rượu tam muội? Có ba phương pháp:
Phương pháp thứ nhất là không chấp trước tam muội. Tam muội tức là chánh giác, chánh định, chánh thọ, chánh tinh tấn.
Phương pháp thứ hai là chia một phần rượu tam muội cho người khác uống. Tự mình thưởng thức được rất nhiều cảnh giới tốt đẹp trong tam muội, nhưng không muốn uống riêng một mình rượu tam muội mà chia xẻ một phần cho người khác uống.
Phương pháp thứ ba là bày vẽ cho mọi người chế tạo rượu tam muội, giúp cho mọi người sanh khởi tam muội ở tâm, đó mới là mục tiêu của tu hành Phật pháp.
Thực ra không có gì đáng tranh luận giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Người có tâm địa rộng lớn, thì trong Phật giáo Tiểu thừa vẫn tìm thấy tinh thần Đại thừa. Một người có tâm địa nhỏ hẹp thì tuy học kinh Đại thừa, nhưng cũng không khác gì học kinh điển Tiểu thừa.
NHÂN SANH LÀ TƯƠNG ĐỐI ^
Một cái nhìn khác đối với cán dao và mũi dao là Phiền não tức Bồ đề. Về vấn đề này, tôi đã nói rất nhiều lần rồi. Ở đây, lại nói nữa, với một hình thức diễn đạt mới.
Phiền não và Bồ đề có thể được xem xét từ góc độ tương đối.
Vì sao có phiền não? Đó là do mọi người đều có chấp trước tình ái. Có người chấp trước tiền của. Có người chấp trước danh lợi. Có người chấp trước quyền lực chức tước. Họ cho rằng đó là những điều quan trọng nhất ở đời Nếu họ không được thỏa mãn về những điều ấy thì họ sinh ra phiền não. Mọi phiền não đều do sự không thỏa mãn đem lại.
Nếu thấy được những điều ấy chỉ có giá trị tương đối thì gánh nặng phiền não có thể giảm nhẹ.
Đúng như vậy, nhân sanh là tương đối. Phật pháp cũng nói, trên thế giới này không có cái gì là tuyệt đối.
Đối với một người rất đói mà cho họ ăn thì họ ăn rất ngon. Nhưng nếu bắt họ ăn một ngày 8 bữa thì họ sẽ cảm thấy ngay ăn là chuyện đáng sợ! Mùa đông, nằm ngủ trong chăn bông cảm thấy rất thoải mái, sáng không muốn dậy nữa, chỉ muốn ngủ tiếp. Nhưng nếu ra lệnh anh không được dậy nữa, bắt ngủ mãi thì lại thấy ngủ nhiều là không tốt. Thức dậy ra khỏi giường là tốt hơn.
Vui, mà sống vui mãi cũng không được khổ, vĩnh viễn chịu khổ, cũng chịu không nổi. Giữa cái vui và cái khổ, khoảng cách thực là ngắn vậy.
Điều hòa giây đàn sinh mạng cho khéo:
Trung đạo là dùng một thái độ cởi mở, phóng khoáng để sinh hoạt, học Phật, cũng giống như điều tiết giây đàn vậy.
Trong kinh “42 chương” có ghi, Phật Thích Ca có nói với một đệ tử: Phải điều tiết giây đàn ở mức vừa phải, không được căng quá, nếu căng quá thì sẽ đứt giây. Nếu chùng quá thì tiếng đàn sẽ không tốt.
Trung đạo là điều tiết giây đàn sinh mạng thế nào cho vừa phải, để có thể đánh lên một bản nhạc hay, giây đàn không bị đứt. Nếu một người tu hành mà để tinh thần quá căng thẳng, mới đàn đã đứt giây thì nhất định có vấn đề. Trái lại, nếu tu hành mà phóng túng, buông thả, đến nỗi không biết tu hành là thế nào, thì cũng lại có vấn đề.
Suốt ngày không nên giữ bộ mặt đăm chiêu căng thẳng. Tình hình phiền não khác nhau tùy theo người. Mặt càng đăm chiêu, phiền não càng nhiều, chứ không giảm bớt. Nếu có thái độ bình thản, thoải mái đối với phiền não thì phiền não sẽ giảm bớt.
PHẢI GIỮ CÁI HÒM HY VỌNG
Tôi nhớ có một câu chuyện thần thoại Hy Lạp cổ đại, có thể dùng để nói về phiền não và Bồ đề:
Thần Jupité, để phạt Promêtê, vì cái tội đem lửa của Thiên đường xuống trần gian, bèn sai Thần lửa, dùng nước và đất sét nung thành một thiếu nữ xinh đẹp, đặt tên là Panđôra. Các Thần trong thần thoại Hy Lạp thường có tánh rất đố kỵ ganh ghét. Lửa là nguồn gốc của văn minh và trí tuệ của nhân loại. Cõi trần gian mà có lửa thì sẽ biến thành Thiên đàng có khác chi. Đó là điều mà Thiên thần không thể chấp nhận được. Một bài học của câu chuyện là chúng ta chỉ cần sống tốt ở nhân gian thì cõi người sẽ không khác gì ở Thiên đàng.
Truyện thần thoại cho biết, Thần Jupité hết sức tức giận, ra lệnh xích Promêtê trên đỉnh núi Côcadơ, và đem Panđôra gả cho em trai Promêtê là Atlas để trừng phạt. Lối trừng phạt nặng đối với người đàn ông là gả cho anh ta một cô gái đẹp. Đó cũng là một bài học rất hay đối với chúng ta. Khi Panđôra đi lấy chồng, Thần Jupité cho cô ta một cái hòm báu làm của hồi môn, nhưng lại dặn dò là cô không được mở cái hòm ấy ra. Tất nhiên Panđôra có hỏi thần Jupité lý do vì sao không được mở hòm, nhưng Thần Jupité chỉ nghiêm cấm mà không trả lời. Chúng ta thấy Thần Jupité thật là quái ác, ông ta hoàn toàn hiểu rõ tâm lý con người. Những việc càng bị cấm đoán thì con người càng làm.
Sau khi về nhà chồng, Panđôra ngày nào cũng suy nghĩ không biết trong hòm chứa đựng gì. Có một ngày, thừa cơ chồng đi vắng, cô không chịu đựng nổi sự tò mò bèn mở hòm ra. Một làn khói đen tỏa ra, nhiều thứ bay ra cùng với khói: tai họa, thống khổ, và bệnh tật.
Panđô ra hốt hoảng đóng nắp hòm lại nhưng mọi tai họa, thống khổ và bệnh tật đã bay ra cả nhân gian rồi. Chỉ có một thứ chưa kịp bay ra thì nắp hòm đã đóng lại. Đó là hy vọng. Chỉ có hy vọng là chưa kịp bay ra.
Mọi tai họa, thống khổ và bệnh tật từ đó bắt đầu lan rộng khắp nhân gian.
Câu chuyện xưa này rất có tác dụng thức tỉnh. Tuy chúng ta sống trong một hoàn cảnh đầy tai họa, thống khổ và bệnh tật ... một hoàn cảnh do Trời tạo ra, thế nhưng, trong cái hòm của chúng ta còn có hy vọng, vì vậy mà chúng ta có thể đối phó với tai họa, thống khổ và bệnh tật.
Bồ đề và phiền não kỳ thực là giống nhau. Phiền não là ở trong hoàn cảnh của chúng ta. Bồ đề là ở trong tâm của chúng ta. Nên có thái độ rất tốt đúng đắn để đối phó với phiền não thì sẽ vượt qua được phiền não.
KHAI PHÁ SỰ HOÀN MỸ NỘI TÂM ^
Con người sinh ra có phiền não là vì trong quá khứ tìm cầu và ham muốn.
Tôi có biết một câu chuyện như sau: Ngày xưa, có một ông già, đã hơn 70 tuổi mà chưa lập gia đình. Ông đi nhiều nơi để tìm vợ. Mọi người thấy ông khó nhọc như vậy, hỏi ông ta tìm gì? Ông ta trả lời: Tôi đi tìm một phụ nữ hoàn mỹ để kết hôn. Người ta rất đồng tình với ông già, và hỏi tiếp: Ông đã đi nhiều đoạn đường như vậy mà không tìm được một phụ nữ hoàn mỹ hay sao? Ông già nói với giọng đau thương: Khi tôi còn trẻ tuổi cũng đã tìm được một phụ nữ hoàn mỹ, không người nào có thể so sánh được! Mọi người hỏi: Thế sao ông không cưới người phụ nữ đó? Ông già nói: Vì cô ta cũng đi tìm một người đàn ông hoàn mỹ.
Các vị xem, nếu hướng ra ngoài để tìm cái hoàn mỹ thì sẽ vĩnh viễn không tìm được. Nếu tìm ra được cái hoàn mỹ chăng nữa thì anh cũng bất lực, vì bản thân nội tại anh chưa hoàn mỹ thì anh có tư cách gì, phúc phận gì để hưởng được cái hoàn mỹ đó.
Vì bản thân nội tại của chúng ta chưa hoàn mỹ cho nên mọi cái chúng ta thấy đều không hoàn mỹ.
Muốn cầu đạo Bồ đề, muốn phá trừ phiền não, điều quan trọng là giữ vững được hy vọng, để khai phá sự hoàn mỹ của bản thân, khiến mình trở thành một con người hoàn mỹ. Chỉ khi nào chúng ta biến thành được con người hoàn mỹ thì chúng ta sẽ thấy thế giới cũng là hoàn mỹ. Tới đâu, ở đó cũng tốt. Tới đâu ở đó cũng là cõi nước thanh tịnh.
Giải thoát là mục đích của việc học Phật. Một con người theo con đường hoàn mỹ, cuối cùng sẽ được giải thoát. Giải thoát có hai điều kiện; hoàn mỹ cũng có hai điều kiện. Thứ nhất là nội tâm thanh tịnh. Thứ hai là ngoại cảnh thuần tịnh.
Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy chúng ta: Nếu nội tâm không thanh tịnh thì ngoại cảnh không thể thanh tịnh được. Muốn tìm một hoàn cảnh lý tưởng, hoàn mỹ để tu hành là chuyện không thể được, bởi vì bản thân nội tại của chúng ta không phải là lý tưởng, cũng không phải là hoàn mỹ. Nhận thức hoàn cảnh hiện tại là không lý tưởng và không hoàn mỹ, và trong hoàn cảnh đó vẫn giữ vững hy vọng và tu hành. Đó chính là thái độ mà người tu hành nào cũng nên có.
---o0o---