- Chương I: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN
- Chương II: VĂN HỌC SAṄSKRIT PHẬT GIÁO TRONG TAM TẠNG (TRIPIṬAKA) VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG LUẬT TẠNG
- Chương III: VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG KINH TẠNG
- Chương IV: Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa)
- Chương V: Lalitavistara sūtra (Đại Trang Nghiêm Kinh)
- Chương VI: Laṅkāvatāra sūtra (Kinh Lăng Già)
- Chương VII: Suvarṇaprabhāsa Sūtra (Kinh Kim Quang Minh)
- Chương VIII: Daśabhūmika (Daśabhūmaka/Daśabhūmīśvara, Kinh Thập Địa)
- Chương IX: Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm)
- Chương X: VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG LUẬN TẠNG
- Chương XI: Mūlamadhyamaka-kārika (Trung Quán Luận)
- Chương XII: Biện Trung Biên Luận (Madhyānta-vibhāga)
Lược Sử Văn Học Sanskrit
& Hán Tạng Phật Giáo
Thích Kiên Định
Chương V:
Lalitavistara sūtra (Đại Trang Nghiêm Kinh)
-
Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch:
Một trong Vaipulya Sūtras (những Kinh Phương Đẳng/Quảng) thuộc hệ Saṅskrit thiêng liêng nhất của Phật giáo Đại thừa là Lalitavistara sūtra (Kinh Đại trang Nghiêm). Sự xuất hiện của bản kinh này khi nào, cho đến nay vẫn chưa được xác định; vì nó là một tác phẩm hơi đặc thù so với những kinh Đại thừa khác. Nó trình bày đầy đủ và khá chi tiết về cuộc đời của đấng Đạo Sư, mà nguồn gốc của nó bắt đầu từ bản kinh khá cổ của Sarvāstivādins (những người theo Nhất Thiết Hữu Bộ) thuộc Hīnayāna (Tiểu thừa), và được phiên dịch ra tiếng Trung Hoa chừng khoảng đầu thế kỷ thứ I sau CN.[81] Về sau,Lalitavistara được mở rộng và được thêm vào nội dung của nó trong ý nghĩa phát triển của Phật giáo Đại thừa.
Giống như Mahāvastu (Đại Sự) và Suttanipāta (Kinh Tập trong Pali), tiểu sử của đức Phật có thể được tìm thấy trong Lalitavistara sūtra. Thậm chí cho đến vài ba thế kỷ sau CN, nhiều sử gia và học giả dường như đã bất lực bởi không có một chứng cớ khả quan nào để xác minh cho bản kinh này. Vì M. Winternitz và J.K. Nariman đã tự hỏi rằng phải chăng Lalitavistara có tên là Phổ Diệu Kinh hay không, mà nó có liên quan đến tiểu sử của đức Phật và đã được Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ, đời Tây Tấn) dịch năm 300 (theo Nariman), hoặc 308 (theo Winternitz) hay không. Nếu đúng như vậy, thì nó được đề nghị là bản dịch thứ hai của Lalitavistara.[82] Nhưng thực tế, Phổ Diệu Kinh không có trong phạn bản của Nanjo cũng như không có trong danh mục kinh điển. Do đó, sự nghi ngờ của hai học giả trên là xác thực. Chính vì lý do này A. B. Keith đã phớt lờ chẳng đề cập.
Xấp xỉ sáu thế kỷ sau CN, Lalitavistara mới chính thức được công nhận là một trong những kinh Phương Đẳng/Quảng quan trọng và thiêng liêng nhất của Phật giáo Đại thừa. Với bản Saṅskrit mang tựa đề là Lalitavistaro nāma mahāpurāṇaṃ, Tàu dịch là Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh, cũng được gọi là Thần Thông Du Hý Kinh, do Divākara (Địa-bà-ha-la) dịch, đời Đường, 12 quyển, ĐC 3, 187. Về sau, một bản dịch khác của Tây Tạng, theo Winternitz, M., cũng được xem như là kinh văn có nguồn gốc từ bản Saṅskrit, nhưng nó chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 9[83] sau này, chứ không phải thế kỷ thứ 5 như Nariman đã đề cập.[84] Nói chung, Lalitavistara sūtra được Tàu dịch vào đầu thế kỷ thứ I nhưng không có một chứng cứ xác thực nào; đây cũng là một nghi vấn lớn liên quan đến nguồn gốc của nó, mà chúng ta cần phải lưu tâm đến.
-
Khái lược về Nội dung:
Như những kinh văn cổ thuộc hệ Saṅskrit của Phật giáo, kinh này được trình bày theo hai thể loại: văn xuôi và kệ tụng. Nó được viết bằng Saṅskrit thuần tuý và Saṅskrit pha trộn với Prākrit (phương ngữ Ấn). Việc hình thành tác phẩm này không phải là một tác giả, mà là một sự biên soạn gồm nhiều tác giả vô danh khác nhau; vì nó gồm những đoạn Saṅskrit rất cổ và những đoạn Prākrit được đặt gần nhau. Vả lại một chuyện kể liên tục bằng thể văn xuôi Saṅskrit cũng như vô số chuyện kể khác, thường được mở rộng bằng những đoạn văn có vận luật bằng Saṅskrit pha trộn. Theo phương thức vận luật, nó tóm tắt lại những chuyện kể bằng văn xuôi rất ngắn gọn và đơn giản, đôi khi cũng có ít nhiều sự bất đồng về thể loại. Có nhiều đoạn văn được vận luật là những truyện kể rất cổ và hay, mà có lẽ được tìm thấy cùng nguồn gốc ngôn ngữ cổ như những truyện thơ đề cập trong Suttanipāta (Kinh Tập) của tạng Pali.[85]
Có thế nói rằng Kinh này trình bày những điều phi thường với đặc trưng của một kinh Đại thừa, kể lại những chuyện sinh tiền của thời đức Phật, dù trên danh nghĩa của Sarvāstivādins thuộc Hīnayāna.
Lalita (the sport) có nghĩa là sự tiêu khiển hay sự du hí; vistara (Full or Detailed Description) có nghĩa là sự mô tả chi tiết hoặc đầy đủ. Lalitavistara có nghĩa là “Những chuyện kể chi tiết về thần thông du hí của đức Phật” (The Detailed Narration of the Sport [of the Buddha]). Nếu cứ vào bản dịch của Tàu, nó cho thấy ý tưởng của Phật giáo Đại thừa quả thật rất hợp với tựa đề của kinh trên. Trong phần nội dung chính, nó kể lại cuộc đời giáo hoá trong thời sinh tiền của đức Phật, Ngài được định rõ như bậc Siêu vĩ nhân, được cả nhân thiên tán dương và tôn kính.
Ngoài ra, trong thế giới nghệ thuật và điêu khắc của Phật giáo, những danh gia hoạ sĩ và điêu khắc thời cổ đã thêm vào những nét chạm trổ độc đáo liên quan đến những công trình điêu khắc vĩ đại của Phật giáo-Hy lạp ở vùng Bắc Ấn (Gandhara) với những mô hình đầy sống động, những cảnh tượng thần diệu đang diễn tả lại cuộc đời của đấng Đạo Sư mà hầu như tất cả chúng đã khá quen thuộc với truyền thuyết của đức Phật khi liên quan đến Lalitavistara này. Không phải là Lalitavistara đã cho chúng ta những tin tức về Phật giáo phổ biến trong những thời kỳ đầu, nhưng nó cung cấp những tin tức giúp cho chúng ta thấy được sự phát triển về truyền thuyết Phật giáo ở thời điểm sớm nhất với những dữ kiện chính trong nếp sống của bậc Đại giác. Đó là vì lòng từ bi thương tưởng tất cả loài hữu tình đã được biểu hiện bằng sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh suốt những thập niên trong thời sinh tiền của Ngài, từ khi Giáo đoàn vừa mới được thành lập đến lúc nhập Niết-bàn. Chính vì những dữ kiện lịch sử ấy, cho nên Ngài đã được tôn kính và nghiễm nhiên trở thành bậc Thánh tối tôn nhất trong tất cả bậc Thánh, bậc Đạo Sư vĩ đại và siêu phàm nhất của tất cả những bậc Đạo sư.
Nhìn chung, có lẽ văn chương ảnh hưởng đến nghệ thuật và nghệ thuật tác động vào văn chương, cả hai lãnh vực đã hoà quyện và giao thoa, hỗ tương và ảnh hưởng lẫn nhau. Nghệ thuật Phật giáo trong thời kỳ này có phần đặc thù hơn nghệ thuật trong thời kỳ Aśoka ở Bharut hoặc Sānchi bởi rất hiếm hình tượng biểu trưng của đức Phật mà có lẽ phổ biến nhất là biểu tượng “pháp luân” được đặt vào chỗ của đấng Đạo Sư; còn Lalitavistara này làm nổi bậc hình tượng của đức Thế Tôn, và Ngài là một trong những chủ đề chính của nghệ thuật ở vùng Gandhāra (Kiền-đà-ra).
Trong Phẩm Giới Thiệu, đức Phật xuất hiện như một bậc Thánh được tán dương, dù đầu Chương này nó cũng giống như những kinh Pali cổ, mà khi đối chiếu với Hán Tạng thường bắt đầu bằng những dòng: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ-thọ Cấp-cô-độc viên”. Ngay sau đoạn văn này, Lalitavistara cũng giống như những Vaipulyas (Kinh Phương Đẳng) khác, giới thiệu cho chúng ta biết về “hình ảnh chói sáng của đức Thế Tôn giữa những vị Thánh đệ tử gồm 12.000 Tỳ-kheo và gần 32.000 Bồ-tát chung quanh. Tất cả họ chỉ còn một đời là được tái sanh, và tất cả được sinh ra với sự hoàn hảo, có trí tuệ của một vị Bồ-tát, và có năng lực quán chiếu thiền-định sâu xa, v.v...”
Chuyện kể lại rằng bấy giờ vào lúc giữa đêm, đang trong đại định, Ngài phóng một luồng hào quang chiếu sáng cả thiên giới, trong thoáng chốc chư thiên trỗi nhạc trời tán thán đức Phật, rồi lập tức xuất hiện và đảnh lễ đức Thế Tôn và cầu thỉnh Ngài thuyết pháp vì lợi ích và an lạc cho tất cả chư Thiên và loài người, lúc ấy đức Thế Tôn hoan hỷ hứa khả. Tuy chỉ giới thiệu cảnh quang đặc biệt này, nó đã chiếm hết một chương dài, mà những câu chuyện tiền thân cũng như tiểu sử của đức Phật đã hình thành nội dung của tác phẩm này.
Từ Phẩm thứ 2 đến 6, nó kể lại chuyện đức Thế Tôn đang ngự tại Thiên cung Tuṣita (Đâu-suất), và với âm thanh của 80.000 tiếng trống đã thôi thúc thỉnh Ngài hạ sanh vào cõi Ta-bà để bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh; rồi kể lại chuyện hạ sanh vào vương cung của vua Śuddhodana (Tịnh Phạn), trong thai tạng của hoàng hậu Māyā (Ma-gia-phu-nhân), người đầy đủ đức hạnh và phẩm chất, sức mạnh và nghị lực của thân mẫu đức Thế Tôn... Khi cơn đau quấy rầy được cứu chữa, hoàng hậu đặt tay lên đầu của mình, và bất cứ khi nào nhìn về bên phải đều thấy diện mạo và hình ảnh của vị Bồ-tát chưa sanh rõ ràng như người đang soi gương. Trong vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni), khi Bồ-tát được sanh ra, bảy bước đi của Ngài đều có bảy đoá sen rộ nở đón chào... cùng với lời tuyên bố về sự xuất hiện ư thế vĩ đại của Ngài.
Trong Phẩm thứ 7 câu chuyện bị ngắt quãng và chuyển sang một tình huống khác bằng cách nhấn mạnh đến đức tin rằng Ngài là đấng Thiện thệ, những ai tin và quy y nương tựa Ngài, thì họ đều là những thiện tri thức của Như Lai, Như Lai có rất nhiều thiện tri thức, nhưng những vị ấy chỉ nói đúng sự thật, chứ không nói sai sự thật...
Từ Phẩm thứ 8 đến 10 kể lại những kinh nghiệm và sự thông minh xuất chúng của Bồ-tát ở trường. Hai Phẩm kế tiếp kể lại những câu chuyện liên quan đến tiểu sử của Bồ-tát đang sống trong hoàng cung.
Từ Phẩm thứ 14 đến 26 mô tả lại cuộc đời Ngài khi dạo chơi ngoài bốn cửa thành và chứng kiến cảnh sinh, già, bệnh và chết cũng như kể lại việc từ bỏ vương cung, sự xuất gia học đạo và tu khổ hạnh, sự hàng phục chúng ma cũng như sự thành đạo của Ngài; sự diện kiến vua Bimbisāra (Tần-bà-ta-la).... lời thỉnh cầu của Phạm thiên thỉnh Như Lai chuyến pháp luân....
Phẩm thứ 27 mới thế hiện tinh thần của Phật giáo Đại thừa, và cũng chính chương này đã làm chói sáng toàn bộ nội dung của Lalitavistara với vô số đức hạnh và trí tuệ của Như Lai xuyên qua giáo nghĩa của việc chuyển pháp luân. Không phải như những pháp về Tứ Đế, Bát Chánh Đạo và tinh thần Trung đạo với tam chuyển thập nhị hành theo chiều luân khởi và hoàn diệt về 12 chi phần duyên khởi, mà Chương này nhấn mạnh đến tinh thần bình đắng của pháp tánh, cảnh giới thanh tịnh của chư Phật với thật tướng của các pháp là không tăng giảm, không đoạn thường, tịch tĩnh và bình đẳng như hư không.
Nếu đối chiếu với Hán tạng trong Đại Trang Nghiêm Kinh hay Thần Thông Du Hý Kinh, thì bản dịch của Tàu có những Phẩm hơi khác theo thứ lớp nhưng nội dung vẫn tương đồng. Đặc biệt hai quyển cuối 11 và 12 nhấn mạnh đến vấn đề chuyển pháp luân. Trong Phẩm Chuyển Pháp Luân thứ 26 của quyển thứ 11, nó trình bày về pháp luân, mà bản tánh của nó chiếu sáng cùng khắp hư không, không sinh diệt, không tăng giảm. Đoạn văn dưới đây hiển bày bổn tánh của pháp luân, thật tướng của các pháp và cảnh giới thanh tịnh của chư Phật như vầy:
“Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc bạch đức Phật: ‘Bạch đức Thế Tôn, vô lượng chúng đại Bồ-tát đã vân tập, nguyện đức Như Lai chuyển bánh xe pháp để cho những vị Bồ-tát ấy có được những công đức. Xin nguyện đức Thế Tôn, hãy vì chúng đại Bồ-tát giảng lược pháp yếu về tánh của pháp luân’”.
“Phật bảo Di-lặc cùng với chư vị Bồ-tát: ‘Này (các) thiện nam tử, pháp luân rất sâu xa vì không thể nắm bắt; pháp luân rất khó thấy vì xa lìa nhị biên; pháp luân rất khó gặp vì xa lìa sự tác ý và không tác ý; pháp luân không cách ly vì phải đoạn trừ nhị chướng mới có khả năng chứng đắc; pháp luân vi diệu vì xa lìa các ví dụ; pháp luân rất kiên cố vì phải dùng trí kim cang mới có khả năng thể nhập; pháp luân không hề chướng ngại vì không có bờ mé hay nguồn gốc; pháp luân không phải để đàm (luận hý) tiếu vì xa lìa mọi sự phan duyên; pháp luân không cùng tận vì không hề thối thất; pháp luân phổ biến khắp nơi vì nó như hư không’”.
“Này Di-lặc, pháp luân hiển thị bản tánh của tất cả các pháp; nó tịch tĩnh không sanh không diệt, không có xứ sở, không có phân biệt cũng chẳng phải không phân biệt, (thẩm thấu) đến (cùng tột) thật tướng, sang bờ giải thoát kia, như hư không, không có hình tướng, không có sở nguyện, không có tạo tác. Thể tánh của nó (thường) thanh tịnh, xa lìa các tham dục, hội nhập với chơn như, cùng đồng với pháp tánh, thật tế bình đẳng; chẳng hoại cũng chẳng đoạn, không (đắm) trước cũng không (chướng) ngại, khéo thể nhập duyên khởi, siêu việt nhị biên, không tại trung gian,[86] không hề khuynh động, hợp với chư Phật, không dụng công hạnh, không tiến không lùi, không xuất không nhập, không có chỗ chứng đắc, cũng không thể dụng ngôn thuyết (để diễn bày). Tánh chỉ là một, còn người và các pháp chẳng phải là hai, cũng không thể an lập; nương vào đệ nhất nghĩa, thể nhập thật tướng của các pháp, pháp giới bình đắng, siêu việt số lượng, đường ngôn ngữ đoạn sạch, chỗ tâm hành cũng diệt, không thể dùng ví dụ (để tỉ giảo, vì) bình đẳng như hư không, không xa lìa đoạn thường, cũng không hoại diệt duyên khởi, không hề biến đổi, cứu cánh tịch diệt, hàng phục các ma, diệt hết ngoại đạo, thoát vòng sanh tử, nhập cảnh giới Phật”.[87]
Đoạn văn trên đã biểu hiện rõ tư tưởng phát triển của Đại thừa Phật giáo bằng tinh thần trung đạo. Nó trỏ bản tánh của các pháp đều bình đẳng, thật tại tánh của các pháp chính là thật tướng bất sinh diệt, bất đoạn thường, bất tăng giảm, tịch tĩnh như hư không của các pháp. Lại nữa, dựa vào thật tướng của các pháp để diễn bày các pháp là vô tánh hay không tánh, mà cách diễn đạt lại vay mượn danh ngôn của “pháp luân” để biện minh.
Ở một đoạn văn khác, đức Phật bảo vua Bimbisāra (Tần-bà-ta-la) như vầy:
“Thưa Đại vương, sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, khổ, không, vô ngã. Sắc như bọt nước, ma sát nhau không bền; thọ như bong bóng nước, không hề kéo dài lâu; hành như ba tiêu, không có lõi kiên cố; tưởng như ảo mộng, vọng thấy tợ hư không; thức như huyễn hoá, từ điên đảo sinh khởi. Ba cõi đều không thật, tất cả luôn vô thường”.[88]
Phương thức quán năm uẩn này có thể tìm thấy trong một số kinh điển Đại thừa khác, như: Sūraṁgama-sūtra (Kinh Lăng-nghiêm), Laṅkāvatāra-sūtra (Kinh Lăng-già). Tóm lại, Kinh này đã thể hiện khá nhiều tư tưởng thâm áo của Đại thừa. Đặc biệt đối với sự xuất hiện từ lúc nhập thai tạng, cho đến sự xuất hiện chói sáng của đức Như Lai giữa hội chúng Tỳ-kheo và Bồ-tát cũng như những chuyện kể liên quan đến đấng Đạo Sư trong suốt cuộc đời sinh tiền của Ngài, sự giáo hoá vua Bimbisāra (Tần-bà-ta-la), sự chuyển pháp luân giúp cho tất cả chúng sanh chóng thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi; tất cả những công hạnh diệu dụng ấy, tất cả những giáo nghĩa cao siêu ấy cùng với hình ảnh thiêng liêng khả ái, khả kính của đức Như Lai đã đang và mãi mãi chói sáng trong tam giới và siêu việt tam giới, thảy đều vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích an lạc cho số đông, vì lợi ích và an lạc cho cả chư thiên và loài người. Phải chăng vì những ý nghĩa trên, cho nên Lalitavistara-sūtra này khi được dịch sang Hoa ngữ, nó mang tựa đề là Đại Trang Nghiêm Kinh hay Thần Thông Du Hý Kinh ư?
--------------------
[81] Winternitz, M., Sđd., tr. 253; cũng xem Nariman, J.K., Sđd., tr. 25.
[82] Bản dịch này chỉ dựa vào tài liệu của hai học giả vừa nêu trên, nhưng người viết chưa tìm thấy trong danh mục kinh của Trung Hoa; cho nên cũng chưa biết nó được gọi là gì ? ĐC mấy ? số mấy ?
[83] Winternitz, M., Sđd., tr. 254.
[84] Nariman, J. K., Sđd., tr. 25-6.
[85] Xem Winternitz, M., Sđd.,... tr. 96-8.
[86] Không tại trung gian có nghĩa là cũng không phải rơi vào chặng giữa của hoại hay đoạn, cũng không phải chặng giữa của sự đắm trước hay chướng ngại.
[87] ĐC 3, 187, tr. 608ab.
[88] ĐC 3, 187, tr. 613a.
----o0o---