- Chương I: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN
- Chương II: VĂN HỌC SAṄSKRIT PHẬT GIÁO TRONG TAM TẠNG (TRIPIṬAKA) VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG LUẬT TẠNG
- Chương III: VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG KINH TẠNG
- Chương IV: Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa)
- Chương V: Lalitavistara sūtra (Đại Trang Nghiêm Kinh)
- Chương VI: Laṅkāvatāra sūtra (Kinh Lăng Già)
- Chương VII: Suvarṇaprabhāsa Sūtra (Kinh Kim Quang Minh)
- Chương VIII: Daśabhūmika (Daśabhūmaka/Daśabhūmīśvara, Kinh Thập Địa)
- Chương IX: Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm)
- Chương X: VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG LUẬN TẠNG
- Chương XI: Mūlamadhyamaka-kārika (Trung Quán Luận)
- Chương XII: Biện Trung Biên Luận (Madhyānta-vibhāga)
Lược Sử Văn Học Sanskrit
& Hán Tạng Phật Giáo
Thích Kiên Định
Chương X:
VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG LUẬN TẠNG
í Khái quát về Luận Tạng (Abhidharma-piṭaka) Saṅskrit Phật giáo:
Suốt những năm hoằng pháp lợi sanh, đức Thế Tôn đã đem hết công tâm và nghị lực của mình từng bước dắt dẫn và giáo hóa mọi tầng lớp người trong xã hội, trên từ vua quan dưới cho đến thứ dân và hạng cùng đinh, không phân biệt chủng tộc giai cấp hay màu da, chỉ biết rằng tất cả chúng sanh đều có “dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”, đồng tánh nhưng dị nghiệp, song hết thảy họ đều có khả năng trở thành Phật. Đặc biệt, Ngài nhấn mạnh đến giá trị của con người; vì con người là trung tâm của vũ trụ. Chính vì nóng lòng khao khát đưa vạn loại hữu tình sớm thoát vòng sinh-diệt-và-tái-sinh, vượt thoát khỏi tam giới mà thể nhập vào Thập địa, vào cảnh giới của chư Phật; do đó, mọi chất liệu từ bi và trí tuệ của Ngài đã biến thành thượng vị của đề hồ, những dòng cam lồ ngọt lịm của hương vị giải thoát, những dòng suối pháp, những cơn mưa pháp tưới tẩm cho hạt giống Bồ-đề của chúng sanh ngày thêm đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết quả, rưới mát những tâm niệm sân hận và thù nghịch, dập tắt lửa phiền não và rắn tam độc đã đang ngày đêm nung nấu và thiêu đốt, cắn rứt và quấy nhiễu nội tâm của nhân thế.
Theo dòng thời gian, từ hạng cùng đinh hạ tiện cho đến người thường dân, từ hạng dâm nữ cho đến vua quan đại thần, hết thảy họ dần dần được Ngài giáo hoá dắt dìu trở thành những người đệ tử chân chánh, những người Phật tử ưu tú: Thiện nam Tín nữ, những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni có đủ khả năng “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, cũng có nhiều vị trong số ấy trở thành hàng Nhị thừa: Thanh-văn và Duyên-giác (Bích Chi Phật hay Độc Giác Phật), vô số trở thành những vị Sơ học Bồ-tát, Tân học Bồ-tát và những Bồ-tát chân chánh.
Khi hàng đệ tử của Ngài đã thật sự trưởng thành, có thể thay Ngài để tiếp tục chuyển vận bánh xe chánh pháp lợi lạc quần sanh, thì cũng là lúc cỗ xe của Ngài đã tiêu mòn và hư hoại, chính là những phút giây thiêng liêng trọng đại trong những ngày cuối, trong những giờ cuối của đời Ngài, trong những lời huấn thị tối thượng, nhắc nhở và phá nghi cuối cùng về những giáo pháp mà Ngài đã thuyết cho hàng Đại đệ tử của mình. Nay những pháp âm đó không còn vang vọng nữa, những tiếng rống của sư tử xưa kia chừ đã quyện vào thinh không, nhưng Pháp thân Ngài vẫn luôn hiển hiện trong tâm của chúng ta.
Hiện thân của Pháp thân Như Lai chính là bản thể của chơn tâm thường trú. Hiện thân cho pháp âm của Ngài cũng có lẽ đã biểu hiện nơi Tam tạng giáo điển. Đọc Tam tạng giáo điển chính là thiện duyên lớn để nếm lại hương vị của chánh pháp, thưởng thức lại pháp vị thiêng liêng nhiệm mầu và sống động, thanh lương và vi diệu của ánh đạo vàng_ bậc Đại Giác trong thời xa xưa ấy. Được như thế, hẳn cũng đã và đang khẽ nhắc chúng ta rằng ánh đạo vàng vẫn còn đang và sẽ chói sáng với trọng nhiệm phần lớn trong mỗi cá thể “Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ”.
Về Tam tạng giáo điển, nó nhiều hơn cả lá rừng, nó rộng và sâu hơn cả đại dương, nó thênh thang và bát ngát như thinh không, và thậm chí nó cũng nhiệm mầu và vi diệu như thế giới của tâm linh siêu phóng, chói sáng trong cùng tận thâm cung của tiềm thức, của Phật tánh trạm nhiên. Rừng luôn thay lá, còn đại dương cứ vẫn mìm cười và xì xào như những làn sóng biển, và cũng lắm khi nó trầm hùng và tịch tĩnh như thính không. Vào Tam tạng giáo điển, như người đang leo lên núi báu, lấy được của báu hay không, không phải lỗi của Như Lai, góp nhặt của báu nhiều hay ít chính là khả năng của mỗi người. Chương này chỉ trình bày một số trong những vầng thơ bất hủ tuyệt tác, đầy trữ tình song chuyên tải hương vị của chánh pháp, gợi nhắc lại cuộc đời và hình ảnh chói sáng cùng với những pháp thoại siêu thế của đấng Đạo Sư, bậc siêu Vĩ nhân trong những bậc vĩ nhân, bậc Đại Giác của nhân thiên.
Đã tạm khái quát và đi qua sơ lược về Luật và Kinh tạng trong văn hệ Saṅskrit của Phật giáo, chừ chúng ta tiếp tục đi vào thế giới trang nghiêm của Luận tạng tương hệ với lịch sử của nền văn chương Saṅskrit.
Thông thường Abhidharma có nghĩa là Luận, nói cho đủ là Abhidharma-piṭaka (Luận tạng) _ một trong trong Tam tạng giáo điển của Phật giáo. Luận tạng, theo Phật Giáo Thánh Điển, còn được gọi là:A-tỳ-đạt-ma Tạng, A-tỳ-đàm Tạng, hoặc Đối pháp Tạng, và nó cũng được giải thích có tính truyền thống như: Thắng pháp hoặc Vô tỉ pháp, Đối pháp, hoặc Hướng pháp và chỉ bày về những vấn đềNhân và Quả. Luận tạng được hình thành trong thời kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4_không đề cập trong biên niên sử của Ceylon_ được tổ chức tại Kāśmīra (Kế Tân, tức Pakistan ngày nay) chừng hậu bán của thế kỷ thứ I sau CN, do ngài Vasumitra (Thế Hữu) chủ trì, dưới sự ủng hộ của vua Kaniṣka (Ca-nị-sắc-ca).
Nguyên Abhidharma chỉ có liên quan đến sự cứu cánh của giáo pháp; còn nếu chỉ nghiên cứu Luật Tạng, thì gọi là A-tỳ-nại-gia. A-tỳ-đàm về sau được mở rộng ra cho sự soạn thuật về Luận bao gồm cả Kinh và Luật, cũng đều gọi là A-tỳ-đạt-ma. Ban đầu Abhidharma chỉ là một danh từ hay thuật ngữ đơn giản của Phật giáo, sau đó nó tiếp tục được mở rộng và dần dần trở thành hình thức giải thích, rồi đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, mỗi bộ phái đều có năng lực hay thẩm quyền để kiết tập hay thành lập A-tỳ-đạt-ma cho riêng trường phái của mình; vì triết học quá thâm áo và súc tích, cho nên cần phải vận dụng đến giáo học để triển khai. Ngài Buddhaghoṣa (Phật Minh) cho rằng ‘Luận được cân nhắc như qui luật hay sự thật đối với các pháp mà nó vượt lên trên những phạm trù của qui luật hoặc ẩn tàng đằng sau các qui luật’.
Hệ thống thắng nghĩa của Abhidharma, theo Câu Xá Luận quyển 1, phải dụng đến trí tuệ để đối quán lý Tứ Đế mới có thể đối hướng đến ý nghĩa vô lậu, câu hữu với tuệ, mà ở đây chính là trí tuệ thù thắng của Niết-bàn. Theo Phật giáo, Abhidharma chủ yếu chỉ có Thượng Toạ Bộ (trong văn Pali) và Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Saṅskrit rất hiếm, chủ yếu là Hán tạng).[163] Từ 2 loại này về sau phát triển thành Luận tạng có tính quy mô của Phật giáo Đại thừa, song nó vừa đầy đủ lại vừa có ý nghĩa đặc thù. Hoa-nghiêm Kinh Tham Huyền Ký quyển 1 có nêu lên 7 nghĩa A-tỳ-đạt-ma, như sau: 1. Đối pháp (tức là đối hướng hay đối quán); 2. Số pháp; 3. Phục pháp; 4. Thông pháp; 5. Vô tỉ pháp; 6. Đại pháp và 7. Thích pháp.
Sự ra đời của Abhidharma đã đánh dấu một thời kỳ cực thịnh của Phật giáo, sau khi đức Thế Tôn nhập Niết-bàn chừng vài thế kỷ. Luận có nghĩa là thích đối pháp, tức hiển thị rõ cái bổn ý của giáo pháp, cần có sự gia tâm để phân biệt đến những ý nghĩa của kinh điển đã nói và chỉnh lý hoặc liễu giải rốt ráo nghĩa lý ấy. Ngoài ra, Luận cũng chỉ cho sự luận nghị, tức nhờ vào vấn đáp để hiển dương giáo nghĩa.[164] Luận tạng là những bộ luận được chư Tổ, những vị Đại Luận sư hay những Tam tạng Pháp sư của Phật giáo bàn luận, trước tác, chú giải rộng những bí tạng của Như Lai trong Kinh hoặc trong Luật. Những bộ luận giải thích và trình bày nhiều lãnh vực khác nhau của Phật giáo, như: vấn đề tâm lý, giáo dục và triết học siêu hình.v.v....
Ngược dòng thời gian, có lẽ phải nói rằng Luận tạng đã có mặt từ thời sinh tiền của đức Phật, bấy giờ không phải bằng chữ viết nhưng bằng khẩu truyền; vì nó chỉ được lưu truyền và xiển dương, luận bàn và giải thích rộng nghĩa lý mà đức Phật đã thuyết. Thế nhưng, những giáo pháp mà đức Phật đã thuyết lắm lúc quá cao siêu và vi diệu, hàm súc và thâm áo; trong khi đó, căn tánh của hội chúng thì bất đồng, một số đủ khả năng am tường và lãnh hội; còn một số khác thì không thể. Giáo pháp ấy, vì lẽ đó, cần phải có những đệ tử nổi bật và thông tuệ như Xá-lợi-phất, Phú-lâu-na, hoặc Ưu-ba-li... thay Ngài để giải thích rộng với nghĩa lý đầy đủ và chi tiết hơn nhằm giúp cho những người nghe mà căn tánh của họ trì trệ, hoặc khả năng lãnh hội chậm chạp cũng như trí tuệ thấp kém có thể hiểu được.
Tương tự, sau khi đức Phật diệt độ, giáo nghĩa thâm áo và bí tạng của Ngài đều nhờ vào sự phân tích hay giải thích hoặc chú giải nghĩa lý rõ ràng của luận tạng, thay vì khẩu truyền hoặc trùng tuyên. Nếu không có Luận tạng thì khó có thể lãnh hội được tôn chỉ và cốt lõi của kinh. Luận tạng của Phật giáo rất nhiều, sâu và rộng hơn như đại dương. Nó lần lượt được những vị Đại Luận sư, hoặc Tam tạng Pháp sư cho ra đời trong những thời kỳ khác nhau, chẳng hạn như thời kỳ Phật giáo Bộ Phái, Đại Chúng Bộ và Phật giáo Đại thừa. Luận tạng bằng Phạn bản, phần lớn đã bị thất lạc, số còn lại cũng như một số được khám phá và tìm ra trong những thập kỷ gần đây hiện đang duy trì trong những Tàng Kinh Các, trong Hàn Lâm Viện hoặc trong những Thư Viện của các quốc gia Phật giáo trên thế giới. Luận tạng, theo dòng thời gian, dần dần đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, như: Pháp, Anh, Ấn Độ, Trung Hoa, Nepal, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia...
Trong đây không liệt kê hết các bộ luận vì giới hạn của nó, mà chỉ nêu lên khái quát với nội dung chính của một hay vài tác phẩm hoặc vài bộ luận của những vị Đại Luận Sư nổi tiếng của Phật giáo, như: Aśvaghoṣa (Mã Minh), Nāgārjuna (Long Thọ), Maitreya (Di-lặc), Āsaṅga (Vô Trước), Vasubandhu (Thế Thân). Trước hết là bộ Buddhacarita (Phật Sở Hành Tán) của ngài Aśvaghoṣa.
Buddhacarita (Phật Sở Hành Tán):
-
Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch:
Những vần thơ cổ nhất trong lịch sử văn chương Phật giáo nói riêng và cũng là một trong những tác phẩm thuộc nền văn chương Saṅskrit của nhân loại nói chung là Buddhacarita (Phật Sở Hành Tán). Đây là một tác phẩm thi ca nổi tiếng nhất của Phật giáo, khiến cho nhiều tác giả của nền văn chương thế giới phải cúi đầu và khâm phục, tán dương và cân nhắc như một tác phẩm tiên phong và độc đáo nhất bởi những vần thơ kỳ vĩ và siêu thường của nó. Nguồn gốc của tác phẩm được ngài Aśvaghoṣa[165] (Mã Minh) sáng tác khoảng thế thứ nhất sau CN. Điều này dựa vào cả hai nguồn tin được kết hợp với triều đại của Kaniṣka (Ca-nị-sắc-ca) và với sự biên soạn của Vibhaṣa (Tì-bà-sa), lời bình vĩ đại của Sarvāstivādin (những người theo Nhất Thiết Hữu Bộ) trên lãnh vực văn chương Luận tạng. Nhưng mãi đến thế kỷ thư 5 Buddhacarita mới được dịch sang Hoa ngữ. Nguồn tin kế đến là sự ra đời của Buddhacarita cùng với hai tác phẩm khác là Saundarananda (Tôn-đà-lợi Nan đà) và Śārīputraprakaraṇa (Xá-lợi-phất chi Sở Thuyết) của Aśvaghoṣa.[166]
Với tác phẩm Buddhacarita của Aśvaghoṣa (Mã Minh), bản Saṅskrit vẫn còn. Hiện chúng ta có 3 bản dịch khác nhau. Bản thứ nhất do Dharmakṣema (Đàm Vô Sấm) phiên dịch sang Hoa ngữ, 5 quyển trong những năm 414-421, đời Bắc Lương với nhiều tựa đề khác nhau, như: Phật Sở Hành Tán, Phật Sở Hành Tán Kinh, Phật Sở Hành Tán Truyện, hoặc Phật Sở Hành Tán Kinh Truyện, ĐC 4_192. Bản thứ hai do Thích Bảo Vân dịch, 7 quyển với tựa đề “Phật Bổn Hạnh Kinh”, đời Liệt Tống, ĐC 4_193. Bản thứ ba do Xà-na-quật-đa dịch với tựa đề “Phật Bổn Hạnh Tập Kinh”, 60 quyển, đời Tuỳ, ĐC 3_190. Trong ba bản dịch này, ngắn gọn và đáng chú ý là bản của Dharmakṣema với tựa đề đầy đủ nguyên uỷ Saṅskrit của tác phẩm này là: Buddhacarita-kāvya-sūtra.
Rõ ràng Buddhacarita của Aśvaghoṣa có nguồn gốc từ hạ bán thế kỷ thứ nhất trước CN và thế kỷ thứ nhất sau CN qua sự phiên dịch của Dharmakṣema, nhờ đây người Trung Hoa mới biết được giá trị của nó. Thế nhưng, ‘phần lớn người Tây Phương đều chẳng để ý gì, mãi cho đến thế kỷ thứ 19, khi nó được học giả người Pháp Sylvain Lévi cho xuất bản chương đầu của nó vào năm 1892, bấy giờ chỉ có một số ít biết đến nhà thơ nổi bật nhất của nền văn chương Saṅskrit này, và được cân nhắc như người sáng tạo về những sáng tác những vần thơ thuộc loại trữ tình, thuộc kịch bản và thiên sử ca’.[167]Nhưng đa số họ chưa biết Aśvaghoṣa là người sáng lập ra hệ thống của Phật giáo Đại thừa đầu tiên, mà nó đặt trên nền tảng của tác phẩm Mahāyānaśraddhotpāda (Đại Thừa Khởi Tín Luận) của Ngài[168], vẫn biết cốt lõi của duy thức học đã từng có mặt trong Kinh tạng Phật giáo như Laṅkāvatāra sūtra (Lăng Gìa Kinh), Sandhinirmocana sūtra (Giải Thâm Mật Kinh), và một phần trong Sūraṅgama sūtra (Lăng Nghiêm Kinh).
-
Khái lược về Nội dung:
Kể từ sau đức Như Lai diệt độ, có thể nói rằng chưa một tác phẩm nào tiên phong trong thế giới thi ca thuộc nền văn chương Saṅskrit của Phật giáo, ngoại trừ những thi kệ trong Trưởng Lão Tăng kệ và Trưởng Lão Ni kệ, ... nhưng chúng thuộc tạng Pali, chứ không phải thuộc về lãnh vực văn hệ Saṅskrit. Nó đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong sự chuyển biến lịch sử của Phật giáo từ thời kỳ Phật giáo Tiểu thừa cho đến thời kỳ manh nha của Đại thừa, mở đầu cho sự nghiệp hoạt động và phát triển của Phật giáo Đại thừa. Nó hàn gắn và bắt nhịp lại hương vị của chánh pháp sau thời kỳ Phật giáo bộ phái, rồi tiếp đến là thời kỳ chánh pháp mà tiêu biểu là Aśvaghoṣa (Mã Minh) và Nāgārjuna (Long Thọ). Từ đây, phải chăng nó đã gióng lên tiếng trống pháp, để tiếp tục cho thời kỳ tượng pháp vàng son của Maitreya (Di-lặc), Āsaṅga (Vô Trước), Vasubandhu (Thế Thân)... Tuy cuộc đời của đấng Đạo sư không những đã ghi lại trong nhiều tác phẩm khác nhau, như: Lalita-vistasa Sūtra (Đại Trang Nghiêm Kinh), Mahāvastu (Đại Sự), Dīvyāvadāna (Những Chuyện Thí Dụ về Chư Thiên), Avadāna (Những Chuyện Ví Dụ) cũng như Jātakas (Những Chuyện Tiền Thân) và Buddhavamsa (Lịch Sử của Đức Phật) ở trong văn Pali, tuy có những tác phẩm ghi lại chi tiết và đầy đủ, nhưng càng đầy đủ và thi vị hơn bằng những vầng thơ tuyệt tác trong Buddhacarita, như sự kết tinh giai điệu của thiên sử ca, của thiên anh hùng ca.. Những vầng thơ bằng Saṅskrit thuần tuý, dù tính ngữ của nó có bàng bạc phong thái trữ tình lại siêu phóng của nhà thơ, song vẫn hàm súc một nội dung chuyên tải một phần giáo nghĩa bí tạng của Như Lai.
Những thi kệ được diễn tả trong Buddhacarita, nó trình bày đầy đủ và chi tiết về cuộc đời của đấng Đạo Sư từ lúc đản sinh xuyên qua việc báo mộng cho Hoàng hậu Māyā, cho đến lúc trưởng thành như một Thái tử thông minh tướng hảo, từ lúc chứng kiến bốn cảnh sinh già bịnh chết trong những dịp dạo chơi ngoài cổng thành cho đến lúc kiến nghị Phụ vương (Tịnh Phạn) xin xuất gia, từ lúc học đạo với hai vị Thiền sư ngoại đạo (Ālara Kālamā, Uddaka Rāmaputta) cho đến lúc tu khổ hạnh, từ lúc chứng đắc Vô thượng Bồ-đề cho đến lúc chuyển pháp luân, từ lúc giáo hoá hàng phục Năm anh em Kiều-trần-như cho đến độ Gia-xá, điều phục ba huynh đệ Ca-diếp, cho đến nhiếp hoá vua Bình-sa, và cứ thế cho đến khi giáo đoàn lớn mạnh và việc nhận lãnh Tinh Xá Kỳ-hoàn, việc viếng thăm phụ hoàng cùng quyến thuộc cũng như việc nhiếp hoá những hạng thiện tín nam nữ khác, như Cấp-cô-độc... và việc nhập Niết-bàn. Cuối cùng là việc phân bố Xá-lợi...
Buddhacarita có nhiều dữ kiện lịch sử và tư tưởng chuyển biến đặc thù hơn những tác phẩm văn xuôi khác. Toàn bộ tác phẩm Buddhacarita này được Dharmakṣema (Đàm-vô-sấm) chia thành 5 quyển và 28 phẩm, như sau:
Quyển thứ nhất gồm 5 Phẩm: Thứ nhất là Bhagavat-prasūti-sarga (Sanh Phẩm); Phẩm 2, Antaḥpuravihāra-sarga (Xứ Cung Phẩm). Phẩm 3, Saṃvegotpetti-sarga (Yểm Hoạn Phẩm); Phẩm 4, Strīvighātara-sarga (Ly Dục Phẩm); và Phẩm 5 là Abhiniṣkramaṇa-sarga (Xuất Thành Phẩm).
Quyển thứ 2 gồm 3 Phẩm: Phẩm 6, Chanda-kanivartana-sarga (Xa-nặc Hoàn Phẩm); Phẩm 7, Tapovanapraveśa-sarga (Nhập Khổ Hạnh Lâm Phẩm); Phẩm 8, Antaḥpuravilāpa-sarga (Hiệp Cung Ưu Bi Phẩm); và Phẩm 9 là Kumārānveṣaṇa-sarga (Suy Cầu Thái Tử Phẩm).
Quyển thứ 3 gồm 6 Phẩm: Phẩm 10, Sreṇyābhigamana-sarga (Bình-sa Vương Nghệ [đi đến] Thái Tử Phẩm); Phẩm 11, Kāmavigarhaṇa-sarga (Đáp Bình-sa Vương Phẩm); Phẩm 12, Arāḍadarśana-sarga (A-la-lam Uất-đầu-lam Phẩm); Phẩm 13, Māravijaya-sarga (Phá Ma Phẩm); Phẩm 14, Abhisambodhana-saṃstavana-sarga (A-duy-tam-bồ-đề); Phẩm 15 là Chuyển Pháp Luân.
Quyển thứ 4 gồm 7 Phẩm: Phẩm 16, Bình-sa Vương Chư Đệ Tử Phẩm; Phẩm 17, Đại Đệ Tử Xuất Gia Phẩm; Phẩm 18, Hoá Cấp-cô-độc; Phẩm 19, Phụ Mẫu Tương Kiến Phẩm; Phẩm 20, Thọ Kỳ Hoàn Tinh Xá Phẩm; Phẩm 21, Thủ Tài Tuý Tượng Điều Phục Phẩm; và Phẩm 22 là Am-ma-la Nữ Kiến Phật Phẩm.
Quyển thứ 5 gồm 6 Phẩm: Phẩm 23, Thần Lực Trụ Thọ Phẩm; Phẩm 24, Ly Xa Từ Biệt Phẩm; Phẩm 25, Niết-bàn Phẩm; Phẩm 26, Đại Bát-niết-bàn Phẩm; Phẩm 27, Thán Niết-bàn Phẩm; và Phẩm 28 là Phân Xá-lợi Phẩm.
Phẩm thứ nhất mô tả toàn cảnh sinh hoạt an vui và thịnh vượng trong hoàng gia của dòng họ Thích Ca. Vua Suddhodanarāja (Tịnh-phạn) được thần dân qui ngưỡng và tôn kính như vị Trời Đế-thích, chấp chính sự nghiêm minh, việc xứ thế rộng lượng. Chúng ta đọc:
“Thánh Maya (Māyā) mộng điềm lành,
Vua trắng từ Đâu-suất,
Nhập thai độ nhân thế,
Tâm tịnh tợ liên hoa,
Xa lìa mọi ưu hoạn,
Lòng chẳng sanh tà vạy,
Chán ghét đời trần thế,
thích trú nơi rừng vắng:
Lâm-tỳ-ni thắng cảnh,
Đầy hoa quả tốt tươi,
Thiền tư hợp, an tịnh.
Vua biết chí nguyện mình,
Sanh tâm tưởng đặc thù,
Cùng hoàng gia thân thích,
Đến viếng thắng cảnh kia...
Ngày mồng 8 tháng 4,
Thanh tịnh khí an hoà,
Trai giới tu tịnh đức,
Từ hông phải đản sanh,
Đại bi cứu thế gian,
Không khiến mẹ khổ não.
Những vị vua xưa nay,
Sinh ra từ bắp vế,
Như vua Aurva;
Sinh ra từ cánh tay,
Như vua Pṛthu;
Sinh ra từ đảnh đầu,
Như vua Māndhātṛ;
Sinh ra từ nơi nách,
Như vua Kakṣīvat;
Tất-đạt-đa cũng vậy,
Từ hông phải đản sanh...”[169]
“Thân vi diệu sáng chói,
Như nhật chiếu thế gian,
Bồ-tát thân vàng ròng,
Toả chiếu cũng như thế,
Tâm chơn chánh không loạn,
An nhàn đi bảy bước,
Kim túc vẫn bình an,
Quán sát khắp bốn phương,
Thông suốt nghĩa chơn thật,
Kham năng thuyết như vầy:
Đản sanh là Phật sanh,
Tức là thân cuối cùng,
Ta chỉ trong đời này,
Phải độ hết tất cả.
Lúc ấy trong hư không,
Hai dòng nước cam lồ,
Ấm và mát trong ngần,
Rưới đảnh khiến thân an...”[170]
Việc Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa là tối thượng. Như Luận nói:
“Tu-di, vua các núi;
Các báu, vàng quý nhất;
Các sông, biển lớn nhất,
Các sao, trăng sáng nhất;
Các sáng, mặt trời nhất”.[171]
Phẩm thứ 2 kể lại cuộc đời của Thái tử trong hoàng cung đầy nhung lụa êm ấm. Phẩm 3 kể lại những cuộc vân du ngoài thành chứng kiến tường tận bốn cảnh: sinh, già, bệnh và chết, nghiệm biết đời vô thường, chúng sanh đang trầm luân trong sanh tử khổ đau, thần chết luôn đe doạ, quỷ vô thường nung nấu....Phẩm thứ tư nhấn mạnh đến lòng bi mẫn càng tăng, quán chiếu hạng thể nữ, nhàm chán ly dục tăng, tâm định tĩnh suy tư, sớm tìm đường xuất thế.
Phẩm 5 mô tả lại cuộc vấn đáp mà Thái tử đã đưa ra bốn điều nghi vấn:
1. Làm sao cho thân con được sống lâu, không bịnh?
2. Làm sao cho thân con được sống lâu?
3. Làm sao cho thân con không bị già cỗi?
4. Làm sao để cho các pháp không bi hoại diệt ?”[172]
Ngài đã thỉnh cầu phụ vương giải đáp. Nếu bốn điều này được giải đáp thoả đáng, thì Thái tử sẽ đình chỉ xuất gia; nếu không thì Ngài sẽ quyết định rời khỏi vương cung, dấn thân tầm đạo. Một đêm nọ Ngài cùng Xa-nặc vượt thành, đánh dấu ngày xuất gia. Vào rừng sâu tĩnh toạ tư duy như vầy:
“Thái tử quán sanh tử,
Luôn biến hoại vô thường,
Tâm an định bất động,
Năm dục như mây tan,
Có giác cũng có quán,
Vào Sơ thiền vô lậu;
Ly dục, tâm hoan hỷ,
Chơn chánh nhập tam-muội”.[173]
Phẩm kế tiếp là chuyện kể lại những vấn vương và sầu thảm, tiếc thương và đau xót của những thần dân trong nước và tất cả những quần thần trong hoàng cung, khi Xa-nặc lủi thủi trong đớn đau vô chủ, dắt ngựa lững thửng trở về hoàng cung, họ nghe tiếng hý bi ai bộc bạch sự trống vắng đầy thất vọng và sầu thảm của chú ngựa Kiền-trắc, rồi tất cả đều sững sờ, kinh hãi và vô vọng....Phẩm 7 đánh dấu những năm tu khổ hạnh vô cùng khắc nghiệt của Bồ-tát tại rừng khổ hạnh. Phẩm kế tiếp là chuyện kể lại của Xa-nặc tâu lại phụ hoàng của Thái tử Tất-đat-đa, rồi không khí của hoàng cung như chìm vào trong bóng đêm, mưa lòng buồn rười rượi réo gọi, những giọt lệ xối xả tuôn trào, cả hoàng cung đều ướt đẫm trong mưa...bởi nỗi khổ đau của tình cốt nhục, của ái biệt ly, của muôn thứ tình bấy giờ tan biến như bèo dạt mây trôi, như phù du mộng ảo....
Phẩm 9 tả lại nỗi buồn thống thiết của Tịnh Phạn vương bởi lửa ái biệt ly ngày đêm thiêu đốt. Vua sắc các quần thần ra đi tìm Thái tử nhưng cuối cùng họ trở về trong thất vọng vì chí nguyện kiên cố của Thái tử rằng:
“Thà khổ hạnh tịnh pháp,
Còn hơn lạc bất tịnh,
Quán xem hết các tướng,
Không tướng nào cố định;
Lời chơn, tâm rỗng rang,
Xa lìa các hoạn nạn;
Nói lời sai, tà vạy,
Bậc trí không hề nói;
Không như thuyết La-ma, v.v...
Bỏ nhà tu phạm hạnh,
Sau cùng về bổn quốc,
Tập lại thói ngũ dục,
Là hành vi thô lậu,
Bậc Trí không nương tựa.
Ta nay vì các ngươi,
Lược nói các yếu nghĩa,
Nhật nguyệt dù rơi rụng,
Núi Tu-di rung chuyển,
Thân Ta trọn không rời,
Lui vào nơi xứ khác;
Thân Ta dù lửa đốt,
Không vì nghĩa thối tâm,
Lui về nơi bổn quốc,
Nhập vào lửa năm dục...”.[174]
Phẩm 10 và 11 kể lại chuyện vua Bình-sa cùng các đại thần đến viếng Thái tử và sự vấn đáp giữa vua Bình-sa với Thái tử. Phẩm 12 mô tả chuyện Thái tử đến tham vấn và học đạo với Ālara Kālamā (A-la-lam) và Uddaka Rāmaputta (Uất-đầu-lam), cuối cùng Ngài đã chứng được hai quả tối thượng của Tứ Không: Vô sở hữu xứ tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Không thoả mãn với hai quả vị này, từ giã họ, Ngài tiếp tục tìm cầu đạo thù thắng diệu. Kệ nói:
“Ngài lên núi Xà-già (Gaya),
Thành tên núi khổ hạnh,
Gặp năm vị Tỳ-kheo,
Thấy năm Tỳ-kheo ấy,
Khéo nhiếp các tình căn,
Trì giới tu khổ hạnh,
Nơi rừng khổ hạnh kia,
Bên dòng sông Ni-liên,
Thật trong mát khả ái,
Ngài liền đến chỗ ấy,
Tịch tĩnh tâm tư duy,
Năm Tỳ-kheo biết Ngài,
Tâm siêng cầu giải thoát,
Tận tâm đến cúng dường,
Như kính Trời Tự Tại...”.[175]
Phẩm 13 diễn tả lại sự hàng phục chúng ma, khiến chư Thiên rúng động, nơi không trung trời mưa hoa cúng dường Bồ-tát. Phẩm 14 kể lại chuyện hàng phục chúng ma xong, tâm Ngài an ổn kiên cố. Từ đây Ngài nhập định, thấy rõ hạnh nghiệp của chúng sanh trong nhiều đời với tên như thế, nơi chốn như thế, rồi tiếp tục quán chiếu 12 chi phần duyên khởi theo vòng luân khởi và hoàn diệt và cuối cùng chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề, trở thành bậc Chánh giác.
Phẩm 15 kể lại công hạnh hoằng dương chánh pháp.
“Với pháp nhãn thanh tịnh,
Thấy rõ đạo giải thoát,
Ta nay mới nói: khổ,
Sanh, lão, bệnh, tử;
Ái ly, oán tắng hội,
Khổ cầu không thành tựu,
Và các thứ khổ khác,
Lìa dục chưa ly dục,
Có thân và không thân,
Lìa các công đức tịnh,
Nói chung đây đều khổ,
Cũng như xí thạnh dừng,
Tuy còn chút hơi nóng,
Tịch tĩnh ngã vi tế,
Tánh khổ lớn vẫn còn,
Tham sân, v.v...các phiền não,
Và các nghiệp sai lầm,
Đây chính là nhân khổ,
Xả ly thời hết khổ,
Cũng như các chủng tử,
Lìa xa đất và nước,
Các duyên không hoà hợp,
Mầm móng không thể sanh,
Có những tánh tương tục,
Hữu tình trong lục đạo,
Luân hồi không hề dứt,
Đây do tham dục sanh,
Sai lệch nhiều cấp độ,
Các thứ nghiệp là nhân,
Nếu diệt tham, sân, đẳng, v.v...
Thời khổ không tương tục,
Mọi thứ nghiệp dứt sạch,
Khổ sai biệt đều dứt,
Đây có thì kia có,
Đây diệt thời kia diệt,
Không sanh già bịnh chết,
Không địa thuỷ hoả phong,
Không chặng đầu chặng giữa,
Cũng chẳng pháp luống dối,
Nơi Thánh hiền an trụ,
Hết sạch khổ, tịch diệt,
Tuyên thuyết Bát Chánh đạo,
Thế gian nào thấy được,
Bị mê hoặc lâu dài,
Ta biết Khổ, đoạn Tập,
Chứng Diệt tu Chánh đạo,
Quán Bốn chơn đế này,
Chóng thành Đẳng Chánh giác.
Vì Ta đã biết Khổ,
Đã đoạn nhân hữu lậu,
Đã diệt sạch, chứng đắc,
Đã tu Bát Chánh đạo,
Đã biết Bốn chơn đế,
Chưa sanh trí tuệ nhãn,
Không thể gọi giải thoát,
Không nói việc làm xong,
Cũng không nói hết thảy,
Chơn thật thành tri giác;
Vì đã biết chơn đế,
Tự biết được giải thoát,
Tự biết việc làm xong,
Tự biết Đẳng chánh giác...”.[176]
Phẩm 16 kể lại rằng:
“Lúc năm Tỳ-kheo ấy,
A-thấp và Ba-thệ, v.v...
Nghe biết tiếng pháp kia,
Bỗng dưng lòng hỗ thẹn,
Chắp tay càng cung kính,
Chiêm ngưỡng đức Thế Tôn,
Ngài khéo dùng phương tiện,
Đưa người vào chánh pháp,
Cả nhóm năm Tỳ-kheo,
Đắc đạo điều phục căn, ....
Về đêm Ngài kinh hành,
Nghe xướng tiếng não loạn,
Liền gọi Tỳ-kheo đến,
Đây có chỗ an ổn,
Niết-bàn cực thanh lương,
Vắng lặng lìa các não,
Da-xá nghe Phật dạy,
Trong tâm rất hoan hỷ,
Nương lực yểm ly tâm,
Thánh tuệ bỗng khai ngộ,
Như vào ao trong mát,
Cung kính đến chỗ Phật,
Tâm Ông đầy dục lạc,
Mà nay đã đoạn tận,
Đầy đủ lực căn lành,
Tốc chứng quả La-hán....
Lúc sau mươi Tỳ-kheo,
Vâng lời Phật giảng pháp,
Mỗi vị tuỳ túc duyên,
Đi mọi nơi giáo hoá,
Riêng Thế Tôn du hành,
Đi đến núi Già-xà,
Vào rừng vắng tịch lặng,
Đến tiên nhân Ca-diếp,
Vị có hầm lửa dữ,
Nơi độc long đang ở,
Núi rừng xanh bao la,
Không một nơi an trú.
Thế Tôn vì giáo hoá,
Xin Ca-diếp tá túc,
Ca-diếp bạch Phật rằng,
Đây không chỗ tá túc,
Chỉ có hầm lửa dữ,
Khéo thanh tịnh trú được,
Nhưng có độc long ở,
Sợ làm tổn hại ngài.
Phật nói chỉ chỗ ấy,
Cần một đêm an trú,
Kia hết lời can ngăn,
Thế Tôn bảo: chớ lo!
Ca-diếp ngại, bạch Phật:
Không muốn chỉ hầm lửa,
Sợ lòng hối kính tiếc,
Vậy tuỳ tiện ý Ngài.
Phật bước xuống hầm lửa,
Ngồi thẳng, chánh tư duy,
Khi độc long thấy Phật,
Giận dữ phun lửa độc,
Lửa toả sáng khắp hầm,
Mà không hại thân Phật,
Hầm bị lửa thiêu rụi,
Thế Tôn vẫn an toạ.
Ví như kiếp hoả khởi,
Cung Phạm thiên sáng rực,
Phạm thiên ngồi ngay thẳng,
Không khiếp cũng chẳng sợ.
Độc long thấy Thế Tôn,
Tướng chói sáng không sợ,
Sanh thiện tâm, dừng độc,
Cúi đầu xin qui y.
Đêm, Ca-diếp thấy lửa,
Thốt lời than quái gỡ!
Người đạo đức như thế,
Mà độc long hoả thiêu!
Ca-diếp cùng quyến thuộc,
Tờ mờ sáng đến xem,
Phật đã hàng độc long,
Đặt gọn trong bình bát,
Họ biết công đức Phật,
Bèn sanh lòng kỳ đặc,
Lâu nay vì kiêu mạn,
Bảo tôn trọng đạo ta!
Phật nghĩ: nay đúng thời,
Biến hiện các thần thông,
Xét tâm họ nghĩ gì,
Biến hoá thích ứng họ,
Khiến tâm kia nhu nhuyến, ...
Tuỳ thuận thọ chánh pháp,
Uất-tỳ-lam Ca-diếp,
Có 500 đệ tử, Tuỳ thầy khéo điều phục,
Thứ lớp thọ chánh pháp,
Ca-diếp cùng đồ chúng,
Đều thọ chánh pháp xong,
Còn tiên nhân nuôi vật,
Cùng những dụng cụ lửa,
Đem quăng vào trong nước,
Trôi dạt theo dòng sông,
Na-đề và Gia-xà, v.v...
Hai đệ ở dòng dưới,
Thấy y phục các vật,
Trôi theo dòng loạn xạ,
Cho rằng gặp hoạ lớn,
Lo sợ chẳng hề an,
Hai chúng 500 người,
Theo dòng lên cứu anh,
Thấy anh đã xuất gia,
Các đệ tử cũng thế,
Biết việc chưa từng có,
Mà sinh tưởng kỳ đặc,
Anh nay đã phục đạo,
Ta cũng nên tuỳ thuận,
Cả 3 huynh đệ kia,
Cùng đệ tử quyến thuộc,
Phật vì họ thuyết pháp...”.[177]
“Thế Tôn cùng hội chúng,
Tiến về thành tinh xá,
Sực nhớ vua Ma-kiệt,
Trước khi tu đã hứa,
Nay Ngài đã đến rồi,
Dừng lại nơi rừng cây,
Vua Bình-sa nghe tin,
Cùng hết thảy quyến thuộc,
Cho các sĩ nữ theo,
Đi đến chỗ Thế Tôn.
Xa thấy Như Lai ngồi,
Hàng tâm phục các căn,
Trừ sạch các niệm tục,
Xuống xe rồi đi bộ;
Cũng như Trời Đế-thích,
Đi đến vua Phạm-thiên,
Trước đảnh lễ chân Phật,
Kính lời vấn an Ngài,
Phật cũng an uỷ vua,
Thỉnh an toạ một bên,
Thời tâm vua yên ổn,
Thích-ca oai lực lớn,
Thắng luôn đức Ca-diếp, v.v...
Nay đều là đệ tử,
Phật biết tâm niệm chúng,
Hướng phía Ca-diếp, hỏi:
“Ông thấy phước lợi gì,
Mà bỏ việc thờ lửa?
Ca-diếp vâng lời Phật,
Khởi thân trước đại chúng,
Quỳ gối và chắp tay,
Lớn tiếng bạch Phật rằng:
“Tu phước thờ thần lửa,
Chịu quả báo luân hồi,
Sanh tử phiền não tăng,
Vì thế con từ bỏ,
Việc tinh cần thờ lửa,
Vì cầu cảnh ngũ dục,
Ái dục tăng không cùng,
Vì thế con từ bỏ.
Thờ lửa tu chú thuật,
Xa giải thoát, thọ sanh;
Thọ sanh là gốc khổ,
Nên liền bỏ, cầu an,
Nghĩ rằng tu khổ hạnh,
Tế tự thiết đại hội,
Là tối thắng đệ nhất,
Mà trái với Chánh đạo,
Vì thế con từ bỏ,
Cầu tịch diệt thù thắng,
Lìa sanh già bệnh chết,
Tận cùng cõi thanh lương,
Vì biết rõ nghĩa này,
Từ bỏ việc thờ lửa”.
Thế Tôn nghe Ca-diếp,
Trình bày việc thấy biết,
Muốn khiến các thế gian,
Thảy sanh lòng tịnh tín,
Liền bảo Ca-diếp rằng:
Bậc Đại sĩ khéo đến,
Phân biệt các thứ pháp,
Mà từ nơi thắng đạo,
Nay đối trước đại chúng,
Hiển công đức thù thắng,
Như trưởng giả giàu lớn,
Mở bày các tạng báu,
Khiến chúng sanh nghèo khổ,
Lớn mạnh tâm nhàm chán.
Lành thay, Tôn giáo lớn!
Chính là đại chúng này...
Ca-diếp là đệ tử.
Sau thu nhiếp thần thông,
Kính lễ chân Thế Tôn.
Phật, Đại sư của con.
Con là đệ tử Ngài,
Phụng giáo nghe hành trì,
Việc làm đã rốt ráo.
Thế gian thảy đều thấy,
Ca-diếp là đệ tử,
Quyết định biết Thế Tôn,
Chơn thật nhất thiết trí,
Phật biết các hội chúng,
Kham vì thọ pháp khí,
Mà khuyên vua Bình-sa,
Đại vương khéo lắng nghe,
Tâm ý và các căn,
Đều là pháp sanh diệt,
Biết sanh diệt đã qua,
Tức là quán bình đẳng,
Bình đẳng quán như vậy,
Tức là rõ biết thân,
Thân là pháp sanh diệt,
Không thủ cũng không xả;
Như rõ biết thân căn,
Vô ngã, vô ngã sở,
Thuần gốc khổ tích tụ,
Khổ sanh mà khổ diệt,
Đã rõ các thân tướng,
Vô ngã, vô ngã sở,
Chính là biết rốt ráo,
Cùng tột cõi thanh lương.
Ta thấy các phiền não,
Trói buộc các thế gian,
Đã thấy vô ngã sở,
Các trói đều được giải,
Không thật thấy bị trói,
Thật thấy thời giải thoát.
Thế gian nhiếp thọ giới,
Tức là tà nhiếp thọ.
Nếu kia thấy có ngã,
Hoặc thường hoặc vô thường,
Thấy nhị biên sinh tử,
Lỗi kia lớn vô cùng.
Chớ cho rằng vô thường,
Tu hành không có quả,
Cũng không thọ thân sau,
Không công mà giải thoát.
Chớ cho pháp là thường,
Không tử sanh trung gian,
Thời đồng với hư không,
Không sinh cũng không diệt.
Chớ cho rằng có ngã,
Lý đáng hết thảy đồng,
Tất cả đều có ngã,
Không nghiệp, mà thành quả.
Nếu có ngã, tác giả,
Không nên khổ tu hành,
Kia có chủ tự tại,
Cần gì tu tạo tác?
Nếu ngã là thường có,
Lý không khắp, biến dịch.
Thấy có khổ lạc tướng,
Sao lại nói là thường?
Biết sanh thời giải thoát,
Xa lìa các trần cấu,
hết thảy ngã thường có,
Dụng gì để giải thoát?
Vô ngã không chỉ nói,
Lý thật, tánh không thật;
Không thấy ngã tạo tác,
Cũng không tạo tác ngã,
Không có hai việc này,
Chơn thật không có ngã,
Không tác giả, tri giả,
Không chủ mà lưu chuyển,
Dòng sanh tử ngày đêm.
Hãy lắng nghe Ta nói,
Sáu căn, sáu cảnh giới;
Nhân duyên, sáu thức sanh;
Ba việc hợp sanh xúc;
Tâm niệm, nghiệp tuỳ chuyển...”.[178]
Phẩm 17 kể lại chuyện những vị đại đệ tử xuất gia. Phẩm 18 nhấn mạnh đến vị trưởng giả Cấp-cô-độc giàu có nổi tiếng cũng như việc Như Lai giáo hoá trở thành người đệ tử chân chính, hộ trì Tam bảo, hộ trì chơn lý và hộ trì chánh pháp. Phẩm 19 kể lại việc hội diện của đức Thế Tôn cùng với vua Tịnh Phạn tại Ca-tỳ-la-vệ. Phẩm 20 kể lại trọng trách giáo đoàn ngày càng đông, đòi hỏi cần có một nơi sinh hoạt có tổ chức quy mô, tránh những kẻ ngoại đạo trà trộn làm mất thanh danh và uy tín của Giáo đoàn; vì thế đức Thế Tôn phải nhận lãnh Tinh xá Kỳ-hoàn. Đây là nơi yên ổn cho Chúng Tăng tu tập.
Phẩm 21 kể lại chuyện đức Thế Tôn dùng trí đức và uy lực để hàng phục voi say. Phẩm 22 kể lại chuyện đức Phật răn đe các Tỳ-kheo cần phải thu nhiếp các căn khi dâm nữ xuất hiện và Ngài đã hàng phục dâm nữ nơi rừng Am-ma-lặc. Nhờ đó dâm nữ khi thấy Phật, liền sinh lòng kính ngưỡng và xin qui y làm đệ tử. Phẩm 23, 24, 25 và 26 diễn tả lại việc giáo hoá của đức Thế Tôn cũng như việc thu nhận những đệ tử trong những ngày cuối của đời Ngài cùng với sự chấn động thiên địa bởi đấng Đạo Sư đã Bát-Niết-bàn. Hai Phẩm cuối cùng mô tả lại cảnh quang sầu thảm ở Ku-si-na-ga cùng với sự tán dương của chư Thiên và hàng đại đệ tử của Ngài cũng như thể hiện sự tôn kính về bậc Đại Giác bắng sự phân bố Xá-lợi vì lợi ích của số đông, vì an lạc cho số đông, vì lợi ích và sự an lạc cho cả chư Thiên và loài người.
Nói chung, cuộc đời và sự nghiệp của đấng Đạo Sư đã được ngài Aśvaghoṣa diễn tả lại rất chi tiết, mà như chúng ta đã từng bắt gặp trong Lalitavistara (Kinh Đại Trang Nghiêm), Mahāvastu (Đại Sự), hay Dīvyāvadāna (Những Chuyện Thí Dụ về Chư Thiên)...
Trên tất cả, Buddhacarita ra đời cùng với Saundara-nanda (Tôn-đà-lợi Nan-đà) và Śārīputra-prakaraṇa (Xá-lợi-phất chi Sở Thuyết), mà nổi tiếng hơn nữa là Mahāyānaśraddhotpāda-śāstra (Luận Đại Thừa Khởi Tín) của Aśvaghoṣa. Chính Aśvaghoṣa, một Tăng sĩ Phật giáo, một đại triết gia, một nhà thi sĩ của Phật giáo, một nhà thành lập hệ thống của Phật giáo Đại thừa đầu tiên, đã bắt đầu cho một nhựa sống mới, một kỷ nguyên mới, khai mở một thời kỳ mới của nhân loại trong thế giới thi ca bất diệt, một tác phẩm tuyệt tác của lịch sử nền văn chương Saṅskrit.
--------------------
[163] Về Luận tạng thì rất nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là 7 Bộ luận tiêu biểu của Thượng Toạ Bộ như sau:
1. Dhammasaṅgaṇi (Enumeration of Dhammas or Buddhist Psychological Ethics, Liệt Kê về các Pháp hay Đạo Đức Tâm Lý Học Phật giáo); 2. Vibhaṅga (The Book of Analysis, Phân Tích); 3.Kathāvatthu (Points of Controversy, Những Điểm Tranh Luận); 4. Puggalapaññati (Description of Human Types, Mô Tả vể Những Loại Nhân Tính); 5. Dhātukathā (Discourse of Elements, Những Yếu Tố Pháp Giới); 6. Yamaka (Book of Pairs, Luận về Những Cặp (Phạm Trù)); và 7. Paṭṭhāna(Conditional Relations, Nhân Duyên).
Những Bộ Luận tiêu biểu cho Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ là Lục Túc và Phát Trí :
1. Jñānaprasthāna (Phát Trí Luận), 20 quyển, Katyāyanīputra (Ca-đa-diễn-ni-tử) tạo, đời Đường, Huyền Trang dịch, ĐC 1544; 2. Prakaraṇapāda (Phẩm Loại Túc Luận), 80 quyển, Vasumitra (Thế Hữu) tạo, đời Đường, Huyền Trang dịch, ĐC 1542; 3. Vijñānakāya (Thức Thân Túc Luận), 16 quyển, Devaśarman (Đề-bà-thiết-xa) tạo, đời Đường, Huyền Trang dịch, ĐC 1539; 4. Dharmaskandha (Pháp Uẩn Túc Luận), 12 quyển, Maudgalyāyana (Đại Mục-kiền-liên) tạo, Huyền Trang dịch, ĐC 1537; 5.Prajñaptiśāstra (Thí Thiết Luận), 10 quyển, Maudgalyāyana (Đại Mục-kiền-liên) tạo, đời Tống, Pháp Hộ dịch, ĐC 1538; 6. Dhātukāya (Giới Thân Túc Luận), 3 quyển, Vasumitra (Thế Hữu) tạo, Huyền Trang dịch, ĐC 1540; và 7. Saṅgītiparyāya (Tập Dị Môn Túc Luận), 20 quyển, Śāriputra (Xá-lợi-phất) thuyết, Huyền Trang dịch, ĐC 1536.
[164] Có 6 loại luận nghị đã đề cập trong Du-già Sư Địa Luận quyển 15: 1. Ngôn luận: tức chỉ sự luận nghị bằng ngôn ngữ; 2. Thượng luận: luận nghị có tính cách tôn trọng; 3. Tranh luận: tức chỉ việc luận nghị có tính bộc phát và sự phẫn uất; 4. Huỷ báng luận: tức luận nghị bằng ác khẩu; 5. Thuận chánh luận: tức luận nghị chính xác và đúng theo với luận lý; và 6. Giáo đạo luận: tức luận nghị có tính giáo hoá và dẫn dắt số đông.
[165] Ngài dòng dõi Bà-la-môn về sau cải đạo chuyển sang Phật giáo, niên đại của ngài _ có lẽ không đúng như Maurice Winternitz đã đề cập chừng thế kỷ thứ 2 sau CN (History of Indian Literature, tr. 257) _ có lẽ đúng như nhận định của ngài Huyền Trang và Nghĩa Tịnh cũng được nhiều học giả thế giới công nhận là chừng 50 trước CN cho đến 100 sau CN. Xem Johnston, E.H., Buddhacarita or Acts of the Buddha, tr. xvii; cũng xem Nariman, J.K., Literary History of Sanskrit Buddhism, tr. 28.
[166] Xem Johnston, E.H., Buddhacarita or Acts of the Buddha, ...tr. xviii và xix.
[167] Xem Winternitz M., History of Indian Literature, Vol. II,... tr. 256. Cũng xem Nariman, Sđd., ...tr. 28.
[168] Xem Sharma, Chandradhar, A Critical Survey of Indian Philosophy, ...tr. 84-5.
[169] ĐC. 192, tr. 1a.
[170] Sđd., tr. 1b.
[171] Sđd., tr. 2a.
[172] Sđd., 9b.
[173] Sđd., 8c.
[174] ĐC. 192, tr. 18c.
[175] Sđd., tr. 24b.
[176] Sđd., tr. 30ab.
[177] ĐC. 192, tr. 30a và 31abc.
[178] Sđd,. 32abc và 33a.
----o0o---