Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương III (tt)

21 Tháng Chín 201610:51 CH(Xem: 2402)
Chương III (tt)

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam

Đức Phật Lịch Sử
(The Historical Buddha)

H.W. Schumann (1982)
M. O'C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)

--- o0o ---

Chương III (tt)

-oOo-

TRỞ LẠI RÀJAGAHA

Năm 526 trước CN chứng kiến đức Phật trở về thành Vương Xá lần nữa, nơi đó ngài an cư mùa mưa tại Vehuvana (Trúc Lâm) "tinh xá" như trước. Một trong những nơi ngài thường đến thăm nhiều nhất là Gijjhakùta (Linh Thứu Sơn), một cao nguyên ở sườn đồi phía nam Đỉnh Chatha nhìn xuống phía nam cảnh thung lũng Ràjagaha thật ngoạn mục cho ta hưởng được làn gió nhè nhẹ hiếm có ở vùng thung lũng phía dưới. Chẳng bao lâu Linh Thứu Sơn trở thành địa điểm được bậc Đạo Sư ưa chuộng và đôi khi ngài lên đó ngay cả trong mùa mưa hoặc đêm tối. Tại đây ngài có thể chủ trì các Pháp thoại mà không bị quấy nhiễu và dành hết thì giờ giáo giới chư Tỳ-kheo, nên hàng chục bài kinh đã được ngài thuyết giảng tại đây. Có hai hang động thiên nhiên ở sườn bắc núi này, động lớn được gọi là Động Lợn Rừng, các hang này che chở chư vị những lúc bão tố và có thể ở tạm ban đêm lúc khẩn thiết.

Trong mùa an cư thứ hai tại Ràjagaha, đức Phật có hai mối kỳ ngộ chứng tỏ tầm quan trọng và giá trị đối với ngài cùng Tăng chúng. Đó là cuộc gặp gỡ y sĩ Jìvaka (Kỳ-bạt) và trưởng giả Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

Cuộc tiếp xúc với y sĩ Jìvaka diễn ra như sau: khi mệt nhọc vì các chuyến du hành xa, đức Phật rời nội thành Ràjagaha để về Linh Thứu Sơn và ngồi nghỉ bên ngoài đông môn của nội thành dưới bóng mát của một vườn xoài. Vườn này thuộc về vị ngự y Jìvaka Komàrabhacca, mà theo lời đồn đại, vị này là con của một kỹ nữ giàu sang trong thành Vương Xá đã bỏ rơi con mình sau khi sinh. Cũng theo lời đồn, một vương tử đã tìm thấy hài nhi và nuôi đến trưởng thành (Mv 8. 1. 3-4). Dù sao đi nữa, sự thật là vị này đã học y khoa bảy năm tại Đại học lừng danh Takkasìla (Skt: Taksasìla) (Mv 8.1.6) và trở thành nổi tiếng nhờ nhiều cách điều trị thần kỳ. Vị này vừa mới chữa cho vua Bimbisàra khỏi bệnh âm sang, sau đó nhà vua bổ nhiệm chức ngự y thường trực của mình kiêm thái y chính thức của các vương phi và cả Tăng chúng của đức Phật (Mv 8. 1. 13-15).

Y sĩ Jìvaka liền nắm lấy cơ hội đức Phật đến thăm vườn xoài này để đàm luận đôi điều với "bậc Đại Sa-môn" mà theo lệnh vua, vị ấy có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe. Do nghề nghiệp được giao có liên quan đến sự bảo vệ sinh mạng, vị y sĩ hỏi đức Phật về thái độ của ngài đối với việc sát sinh và cách dùng thực phẩm toàn rau quả (trường trai):

"Bạch Thế Tôn, con nghe nói rằng nhiều súc vật bị giết vì ngài, và ngài dùng món thịt đặc biệt dành để cúng dường ngài. Có đúng vậy chăng?

-- Này Jìvaka, bất cứ ai nói như vậy là không nói sự thật. Đúng ra, ta nói rằng thịt không được nhận làm món khất thực trong ba trường hợp: nếu ta thấy, nghe và nghi (con vật ấy bị giết vì vị Tỳ-kheo này) song nếu không phải các trường hợp trên, thì vị Tỳ-kheo có thể thọ dụng món thịt.

Nếu một Tỳ-kheo đi khất thực trong thôn làng hay thị trấn với tâm từ (mettà) biến mãn khắp mọi chúng sanh, và một gia chủ mời vị ấy thọ thực ngày mai, vị ấy có thể nhận lời. Nhưng trong lúc vị ấy đang thọ thực ngày hôm sau tại nhà kia, vị ấy không nên nghĩ là vẫn ước mong được mời một bữa cao lương mỹ vị như vậy thêm lần nữa. Vị ấy nên thọ dụng món khất thực mà không tham đắm lạc thú ẩm thực. Này Jìvaka, ông có nghĩ rằng một Tỳ-kheo làm như vậy là tự hại mình và hại người khác không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Này Jìvaka, nếu ông nói đến sự cố ý diệt tận của ta thì điều đó chỉ đúng theo ý nghĩa duy nhất này: "Ta đã đoạn diệt tham, sân, si ở trong ta khiến cho chúng không thể sanh khởi được nữa trong tương lai. Bất cứ kẻ nào sát sanh vì ta hay một đệ tử của ta sẽ phạm một ác nghiệp gồm có năm phần, đó là, dẫn con vật đi, hành hạ nó (lúc lôi kéo), giết chết nó, và do vậy hành hạ nó thêm lần nữa và cuối cùng là cúng dường ta và đệ tử ta không đúng Chánh Pháp".

(MN 55, lược thuật)

Cảm phục vì lời dạy của đức Phật, y sĩ Jìvaka tuyên thệ xin gia nhập hội chúng đệ tử tại gia. Và vào một dịp khác, khi đức Phật đến an trú trong vườn xoài này, vị y sĩ lại tìm cách học tập các bổn phận của một cư sĩ. (AN 8.26)

Từ đó y sĩ Jìvaka hoan hỉ đảm trách nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Tăng chúng mặc dù việc đó làm vị y sĩ bận rộn rất nhiều mà không nhận thù lao gì cả. Có lần đức Phật hỏi ý kiến về "khí huyết cơ thể thiếu lưu thông", y sĩ Jìvaka liền chữa khỏi với dầu xoa bóp, thuốc nhuận tràng, cách tắm nước ấm (ở các suối nước nóng gần Ràjagaha) và nước cốt trái cây (Mv 8.1.30-33). Đối với các Tỳ-kheo xanh xao bạc nhược, vị ấy khuyên tập thể dục và tắm trong lều có sưởi ấm (Cv 5. 14. 1), rõ ràng đó là cách điều trị kê đơn thật hợp lý.

Việc bổ nhiệm Jìvaka làm y sĩ của Tăng chúng chỉ có một hậu quả phụ không mấy ai ưa thích, khi nhiều người có đủ thứ tật bệnh khác nhau xin gia nhập Giáo hội làm Tỳ-kheo với mục đích được vị danh y này chữa trị miễn phí! Vì vậy y sĩ Jìvaka thỉnh cầu đức Phật không chấp thuận các người bệnh được thọ giới. Bậc Đạo Sư nhận lời đề nghị này và đưa ra những huấn thị thích hợp. (Mv 1. 39. 5-7)

Vì thấy đức Phật thường đến viếng Vườn Xoài trên, vị y sĩ suy đoán là đức Phật đặc biệt thích cảnh này nên đã dâng cúng bậc Đạo Sư Vườn Xoài Jìvaka. Phần nền tảng của tinh xá ngày xưa ở đấy nay còn thấy được bốn bức tường dài với các dãy nhà phụ nhỏ hơn, tất cả đều được che mái hình vòng cung thuở ấy.

Một đệ tử tại gia xuất sắc thứ hai tự tuyên thệ làm người hộ pháp vừa là thân hữu của đức Phật cũng trong năm 526 trước CN ấy là Sudatta Anàthapindika, Tu-đạt Cấp Cô Độc, như ông thường được gọi vì tính ông bố thí hào phóng. Ông sinh trưởng ở Sàvatthi và kết hôn với em gái của một thương gia thành Ràjagaha. Là người buôn bán vàng trở thành đại phú nhờ nghề này, ông thuộc thành phần lãnh đạo ngành này ở Sàvatthi, là chủ tịch nghiệp đoàn, đến thành Ràjagaha để lo công việc với người em vợ.

Ông rất kinh ngạc nhìn thấy mọi sự chuẩn bị long trọng linh đình trong nhà em vợ để cúng dường đức Phật và Tăng chúng ngày hôm sau. Lòng đầy hiếu kỳ về người mang danh hiệu được tôn vinh là một đức Phật, một bậc Giác Ngộ, ông không ngủ được đêm ấy và thức dậy trước lúc tinh sương để đi tìm đức Phật. Lúc ấy bậc Đạo Sư tạm trú trên vùng nghĩa địa hỏa táng Sìtavana (Thanh Lâm: Rừng Mát) và đã thức dậy. Ngài đang đi kinh hành để hưởng khí mát lạnh ban mai, chẳng bao lâu cuộc đàm đạo càng thêm hứng khởi, qua đó đức Phật thuyết cho ông Anàthapindika nghe bài Pháp thuận thứ. Bằng cách phát nguyện Tam quy, ông tuyên thệ xin làm cư sĩ tại gia và cung thỉnh đức Phật đến thọ thực ngày hôm sau (Cv 6. 4. 1-5).

Buổi cúng dường này cũng diễn ra tại nhà em vợ ông ở Ràjagaha và chấm dứt với lời ông cung tặng đức Phật cùng Tăng chúng một nơi an cư mùa mưa ở Sàvatthi. Điều kiện duy nhất đức Phật yêu cầu là một nơi an cư như vậy phải ở trong một vùng biệt lập (Cv 6. 4. 7)

Khi trở về Sàvatthi, ông Anàthpindika lập tức đi tìm một khu đất thích hợp. Ông tìm được ngự viên của vương tử Jeta, hoàng nam của Đại Vương Pasenadi Kosala. Tuy nhiên, vương tử Jeta không muốn nhượng bớt tài sản. Vương tử tuyên bố chẳng muốn bán ngự viên này dù với giá một trăm ngàn đồng tiền kahàpanas.

Lời nói ấy được ông Anàthapindika, một người thông thạo luật pháp, lập tức trình lên pháp đình hoàng gia làm trọng tài phân xử. Tòa án quyết định rằng việc nêu giá tiền ấy, cho dù chỉ là một cách từ chối, cũng tạo nên lời cam kết muốn bán (vì hễ ai không muốn bán sẽ không nêu giá cả!) và thế là ngự viên này được chuyển qua tay ông Anàthapindika, vị hào phú mà quần chúng tin rằng thực sự đã phải lát khắp bề mặt ngự viên này với số đồng tiền vàng theo giá mua (Cv 6. 4. 9-10).

 

VUA PASENADI TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ TẠI GIA

Việc ông Anàthapindika phát nguyện cúng dường Tăng chúng một tinh xá ở Sàvatthi (khoảng 110 km ở đông bắc Lucknow) khiến đức Phật phải khởi hành lên kinh đô nước Kosala không lâu sau cuộc đàm đạo với nhà đại phú này. Cuộc bộ hành của ngài theo lộ trình xe ngựa thông thường ngang qua Vesàli (Cv 6. 5. 1), thủ đô của cộng hòa Licchavì và có lẽ cũng qua kinh thành Kapilavatthu nữa, tuy thế biết rằng "Bụt nhà không thiêng", lần này ngài không dừng lại nơi đây nữa. Khi đến Sàvatthi, ngài an trú tại Jetavana (Kỳ Viên hay Thắng Lâm), nơi mà ông Anàthapindika vừa mới tậu được, và khu vườn ấy hiển nhiên mở rộng đón chư vị đại diện tất cả mọi giáo phái.

Sáng hôm sau, chúng Tăng thọ thực tại nhà ông Cấp Cô Độc và câu chuyện sau đây diễn ra:

Ông Cấp Cô Độc: Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ phải sắp đặt mọi việc ở Kỳ Viên như thế nào?

Đức Phật: Hãy sắp đặt nơi đây cho Tăng chúng từ bốn phương trời, cả hiện tại lẫn tương lai nữa.

Ông Cấp Cô Độc: Lành thay, bạch Thế Tôn. (Cv 6. 9)

Lúc ấy ông không làm lễ rót nước lên tay chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu chủ, mà chỉ có lễ trao quyền sử dụng Kỳ Viên cho Tăng chúng, nhưng nhờ câu đối đáp khôn khéo của đức Phật, nơi này tiếp tục tồn tại thật lâu dài sau khi ngài diệt độ. Ông Cấp Cô Độc vẫn là sở hữu chủ hợp pháp của Kỳ Viên, nơi mà ông trao quyền tùy nghi sử dụng vào tay Giáo đoàn đức Phật như một vật cho mượn vĩnh viễn.

Mặc dù chuyện kể ông Cấp Cô Độc xây dựng ngay một tinh xá trong Kỳ Viên sau khi mua (Cv 6. 4. 10), và mặc dù ta có nghe nói đến việc xây dựng lần thứ hai sau khi ông Cấp Cô Độc trao quyền sử dụng vào tay Tăng chúng (Cv 6. 9. 1), hình như các ngôi nhà kiên cố không thấm nước chỉ được xây rất lâu sau đó nhiều năm. Mãi đến mười một năm sau (515 trước CN) đức Phật mới an cư mùa mưa tại Kỳ Viên, trừ vài lần tạm trú ngắn hạn trong các mùa khác. Từ năm 508 trở đi, ngài dùng Sàvatthi làm nơi an trú mùa mưa hằng năm và đã trải qua mười tám thời kỳ gió mùa tiếp tại Kỳ Viên Tinh Xá. Sáu mùa mưa khác ngài an trú tại Đông Viên Tinh Xá (Pubbàràma) cũng ở Sàvatthi, một ngôi nhà do nữ cư sĩ hào phóng Visàkhà Migàramàtà (Tỳ-xá-khư Lộc Mẫu) cúng dường.

Kỳ Viên ở khoảng 500 m phía tây nam thành Sàvatthi (Maheth ngày nay), hiện được gọi là Saheth. Các sách cổ miêu tả đó là vùng trồng nhiều cây rậm rạp che bóng mát, một phần là xoài. Trẻ con xưa thường chơi đùa gần công viên này, đôi khi vào lội nước trong cái ao đức Phật vẫn dùng để tắm rửa. Cái ao nay đã hư hỏng, nằm bên ngoài về phía đông vùng này lộ rõ cho du khách biết đường đến Saheth tức Kỳ Viên thuở xưa. Ngoài ra không còn di tích gì về các ngôi tinh xá thời đức Phật.

Trong đám dân chúng ở Sàvatthi không lảng tránh con đường tới Kỳ Viên để nghe đức Phật thuyết Pháp và thích thú diện kiến ngài (darsana) là Đại Vương Pasenadi nước Kosala, người vào độ tuổi bằng đức Phật. Vị vua này đến gần đức Phật với tâm trạng hoài nghi:

Vua Pasenadi: Thưa Sa-môn Gotama, có phải tôn giả tuyên bố đã chứng đắc Vô Thượng Giác Ngộ như một đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác chăng?

Đức Phật: Quả thật ta tuyên bố như vậy.

Vua Pasenadi: Trẫm biết các Sa-môn thượng thủ của các giáo phái, khi trả lời câu hỏi của trẫm, tất cả đều bảo chư vị không đạt vô thượng Giác Ngộ. Nay làm thế nào tôn giả có thể trở thành một bậc Đại Giác như thế, khi tôn giả còn quá trẻ tuổi và xuất gia chưa được bao lâu?

Đức Phật: Thưa Đại Vương, có bốn loại người và vật không được khinh thường vì trẻ tuổi: đó là: một vị quý tộc (Sát-đế-lỵ), một con rắn, một ngọn lửa và một vị Tỳ-kheo. (SN 3.1 lược thuật)

Nhà vua hiểu lời nói trên ám chỉ luôn đến tuổi trẻ của chính mình, nên rất cảm phục trước câu đối đáp linh lợi hoạt bát này và tuyên thệ làm đệ tử tại gia của đức Phật bằng cách phát nguyện Tam Quy.

Dù nay ta có tin việc vua Pasenadi quy y Phật diễn ra ngay sau buổi đàm thoại đầu tiên hay không, thì sự thật là niềm tin cẩn và thiện cảm thân hữu đã phát sinh rất nhanh giữa vị Đại Vương này và bậc Đại Sa-môn. Chỉ riêng Tương Ưng Bộ Kinh (SN 3) có không ít hơn hai mươi lăm Pháp thoại rải rác trong nhiều năm giữa hai vị, qua đó vua Pasenadi phát biểu các tư tưởng, nhận xét và kinh nghiệm của mình, rồi đức Phật nêu ra quan điểm của ngài.

Một vài Pháp thoại mang tính giáo dục của Đạo Sư đối với đệ tử, như trường hợp đức Phật xoa dịu nỗi thất vọng của nhà vua khi chánh hậu Mallikà (Mạt-lợi)của ông vừa hạ sinh một công chúa thay vì một hoàng nam mà ông hằng mong ước (SN 3.16), hoặc ngài an ủi nhà vua về việc tổ mẫu qua đời (SN 3.22), và giúp ông nhiếp phục sầu bi về sự từ trần của ái hậu Mallikà bằng cách suy tư đến tính bất khả kháng của mạng chung (AN 5.49).

Trong các trường hợp khác, đức Phật khuyên nhủ vua với tình thân hữu. Do vậy có chuyện ghi lại rằng vua Pasenadi là người thích hưởng cao lương mỹ vị đã phát triển một cái bụng phệ, có lần đến yết kiến đức Phật với dáng thở hổn hển mệt nhọc khiến đức Phật cảnh giác vị vua này:

Người nào luôn sống chú tâm,
Tỏ ra tiết độ, hộ phòng lúc ăn,
Dục tham người ấy giảm dần,
Giữ gìn sức khỏe, chậm tăng tuổi già.

Lập tức nhà vua ra lệnh cho vị thanh niên đang quạt hầu phải nhắc nhở mình vần kệ này trước mỗi buổi ăn (SN3.13).

Cũng giống như việc vua Bimbisàra công nhận Giáo Pháp đã khởi đầu sự thành tựu đột phá trong việc truyền đạo ở quốc độ Magadha, nay việc giáo hóa vua Pasenadi cũng bảo đảm cho sự thành tựu tốt đẹp đồng đẳng ở quốc độ Kosala. Tin "Đại Vương quy y Giáo Pháp của Sa-môn Gotama" lan rộng nhanh như ngọn lửa rừng, chẳng bao lâu đến tận các nước cộng hòa chư hầu, gồm cả xứ sở của bộ tộc Sakiya nữa.

 

VUA PASENADI VÀ VƯƠNG QUỐC KOSALA

Đại Vương Kosala với dáng đẫy đà xuất hiện theo lời mô tả trong Kinh Tạng Pàli như một mẫu người rất sống động phối hợp cuộc đời xa hoa, thái độ ân cần thân thiện với cách suy tư đầy triết lý và tài chính trị tinh khôn đầy mưu lược.

Vua này là con của Đại Vương Mahàkosala. Phụ vương đã trao quyền cai trị cho ông ngay sau khi ông du học trở về từ Takkasìla, và sau khi ông chứng tỏ tài cai trị trong chức vị thống đốc thành Kàsi (Benares). Viện Đại học ở Takkasìla, thủ đô Gandhàra, là cơ quan giáo dục cao trọng nhất ở Nam Á, với một chương trình học đầy hấp dẫn. Ngoài các môn triết lý và thần học (nghiên cứu triết lý Vệ-đà, các kỹ năng tế lễ, chú thuật, văn phạm kinh Vệ-đà) và các môn thế học về luật pháp và chính trị, còn dạy nhiều nghề thực tiễn (như y khoa, luyện voi, đấu kiếm và bắn cung). Đại học này mở ra cho bất cứ người nào thuộc giai cấp quý tộc Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn có đủ các điều kiện cần thiết. Học phí rất cao, nhưng các sinh viên nghèo thời ấy có thể phục vụ các giáo sư để thay vào món học phí phải trả (Jàt.252). Mọi sinh viên đều sống trong khu đại học theo kỷ luật nghiêm khắc. Hình phạt đối với các vị vi phạm trật tự thường là cách trừng trị bằng roi gậy.

Cả việc vua Pasenadi tham đắm lạc thú ẩm thực lẫn khát vọng đền bù khoảng thời gian đã mất ấy bằng những cuộc tình ái có thể phát sinh từ lối sống khắc khổ thời sinh viên ở Takkasìla. Kinh sách vẫn thường nói đến nhiều vị vương phi của ông. Gạt bỏ qua một bên mọi thông lệ của xã hội và giai cấp, ông đã chọn nương tử yêu kiều Mallikà làm chánh hậu, đó là con gái của một nhà làm vòng hoa, người đã biết dùng mọi vẻ diễm lệ an ủi khôn khéo cho ông nguôi sầu sau một trận chiến bại. Nhà vua rất quý trọng trí thông minh xử sự của bà, và thường tham khảo ý kiến bà trước khi quyết định việc cai trị. Ta còn biết được tên của bốn vương phi khác nữa: đó là chị em vương phi Somà và Sakulà, vương phi Ubbìrì và vương phi Vàsabhakkhattiyà thuộc dòng Thích-ca. Khi vua Pasenadi muốn cưới một người vợ từ bộ tộc Thích-ca, nàng đã được rước về từ kinh đô Kapilavatthu theo lời cầu hôn của ông. Sau này nàng trở thành mẫu hậu của thái tử Vidùdabha.

Việc học tập của vua ở Takkasìla đã làm cho trí tuệ ông thêm sắc bén, nhưng khó làm cho ông thích hợp việc trị nước. Đôi khi các tư duy triết lý ngăn cản ông quyết định và thỉnh thoảng các ý tưởng ấy lại khởi lên giữa công việc triều chính khiến cho ông chán nản. Ông từng nói với đức Phật là ông quá bực mình vì nhiều điều dối trá mà ông phải nghe khi làm chủ tọa pháp đình đến độ ông giao quyền xử án cho một vị phán quan khác (SN 3. 7. 2). Lắm phen ông dùng câu nói này với đức Phật: "Khi con lắng tâm suy nghĩ, tư tưởng này nảy ra trong trí con..."(SN 3. 4. 2), một cách phát ngôn rõ ràng biểu lộ bản tính hay suy tư của ông.

Nếu quốc sự cho phép, vua Pasenadi hẳn đã dành nhiều thì giờ hơn cho các mối quan tâm về triết lý và đạo giáo của ông. Tuy nhiên, những suy tư về chính trị buộc ông phải biết hạn chế và phân phát ân huệ đồng đều giữa các giáo phái có thể ảnh hưởng đến dư luận quần chúng. Ông đã làm cân xứng với các tặng vật dành cho hội chúng đức Phật -- trong đó nổi bật nhất là ngôi giảng đường của tinh xá ở quần thể Kỳ Viên và Vương Lâm Tinh Xá (Ràjakàrama) -- bằng cách ban lợi tức thu thuế ba ngôi làng cho ba vị Bà-la-môn chuyên nghiệp lừng danh về tri thức Vệ-đà. Thực ra ông không bao giờ từ bỏ đạo tế thần theo Vệ-đà, và có lần chẳng chú ý gì đến sự khinh bỉ của đức Phật, ông đã tổ chức một đại tế lễ bằng máu (SN 3.9).

Việc ủng hộ tôn giáo đòi hỏi rất nhiều tiền bạc. Có một lần, khi nhà vua muốn đào sâu vào trong công khố để làm lợi cho Tăng chúng đức Phật, vị triều thần Kàla cố can ngăn ông. Sự can đảm này phải trả giá đắt. Đức Phật bày tỏ thái độ bất bình đối với Kàla, ngay sau đó vua Pasenadi bãi chức viên quan này. Trường hợp trên nêu rõ ảnh hưởng của đức Phật đối với nhà vua, đồng thời chứng minh rằng ngài biết cách bảo vệ quyền lợi của ngài nữa.

Quốc độ Kosala của vua Pasenadi dài 350 km từ tây sang đông và rộng 270 km từ bắc xuống nam. Điểm cực tây của nó nằm khoảng 70 km phía tây vùng Lucknow ngày nay. Từ đây biên giới quay ngược lên phía bắc và đông bắc, đi vào vùng trung tâm cao nguyên Tarai rồi cong dần về hướng đông đến sông Gandak (tức Sadànìra), nó đi dọc sông này một đoạn nữa về phía nam, tiếp tục xuôi về nam đến tận sông Hằng, chạy song song với thượng lưu sông này cho đến khi nó rời con sông ở phía đông bắc thành Benares, sau đó lại tiếp tục theo hướng tây bắc trở về khởi điểm.

Một phần ba địa hình bầu dục mô tả theo đường biên giới này, toàn thể phía bắc và đông bắc không phải là vùng trung tâm của Kosala, mà bao gồm các lãnh thổ do các quốc vương được địa phương ấy bầu lên cai trị. Đây là các nước cộng hòa và địa phận các bộ tộc mà Đại Vương Pasenadi làm chúa tể. Cơ cấu hành chánh mà vua Pasenadi đã nhận được từ phụ vương để cai trị cả lãnh thổ rộng lớn này không được hữu hiệu lắm, khiến cho trách nhiệm lãnh đạo không dễ dàng gì. Ngoài hai vị đại thần đáng tín nhiệm là Ugga và Àrohanta, nếu không có hai vị này cố vấn thì nhà vua ít khi quyết định được một vấn đề chính trị, nói chung vẫn có mối bất hòa giữa đám quần thần và sự tranh chấp của họ đã nhiều lần làm kinh thành bàn tán xôn xao. Cũng chính vì các triều thần này nói bóng gió với nhà vua rằng Đại tướng Bandhula đang nhắm đến ngai vàng mà nhà vua đã tin theo, để rồi sai người giết vị đại tướng, mang lại những hậu quả sẽ được bàn đến sau này.

Những hiềm khích giữa đám quần thần và mối nghi hoặc thường xuyên ám ảnh vua về lòng trung thành của họ khiến cho ta dễ hiểu việc ông dành cho mình mọi sự bang giao thương nghị với các nước cộng hòa và bộ tộc dưới quyền thống trị tối cao của ông. Trong các vấn đề liên quan các nước chư hầu, đám quần thần không được xen vào. Đại Vương bàn luận trực tiếp với từng vị tiểu vương và buộc họ phải tuân theo vì ông đã đặt các đại tướng "của họ’ dưới mệnh lệnh riêng của ông. Thỉnh thoảng các tiểu vương đến báo cáo tại hội nghị tiểu vương diễn ra ở thành Savatthi dưới quyền chủ tọa của Đại Vương Pasenadi.

Một bài kinh trong Tương Ưng Bộ (3.12)kể lại một cuộc hội nghị gồm năm vua, song không nói tên bốn vị vua vây quanh Đại Vương Pasenadi là ai. Có lẽ đó là quốc trưởng bộ tộc Sakiya từ Kapilavatthu, quốc trưởng bộ tộc Koliya từ Ràmagàma, quốc trưởng bộ tộc Moriya từ Pipphalivana, và một trong hai quốc trưởng của cộng hòa Malla, hoặc từ Kusinàrà hoặc từ Pavà tới. Thay vào một trong hai vị này, quốc trưởng Kàlàma từ Kesaputta cũng có thể đã hiện diện.

Bài kinh không nói cho ta biết mục đích chính trị của hội nghị này, mà chỉ cho ta thấy thỉnh thoảng các quốc vương cũng bàn luận triết lý -- trong dịp này đó là vấn đề giác quan nào -- mắt, tai, mũi, lưỡi, thân -- đem lại lạc thú tối cao. Theo đề nghị của vua Pasenadi, vấn đề được đưa đến đức Phật, ngài đáp rằng mỗi giác quan đều mang lại lạc thọ lẫn khổ thọ. Không giác quan nào có thể được đánh giá cao hơn cái khác, nhưng trong trường hợp so sánh các dục lạc, thì giác quan nào đem lạc thú tối cao phải được xem là thượng đẳng, bất kể giác quan nào cả. Nay chúng ta có thể giả thiết rằng việc tham vấn này theo lời đề nghị của Đại Vương Pasenadi đã làm tăng thêm uy tín của đức Phật trong các xứ sở chính gốc của các quốc vương kia và mở đường cho việc tiếp nhận Giáo Pháp ngài.

Chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao tầm cỡ thủ đô nước Kosala. Bức tường bao quanh thành Sàvatthi (tức là Mabeth) vẫn còn được phát hiện ngày nay. Nó mang hình chữ nhật giáp giới phía bắc với sông Aciràvati (hay Ràptì) và chiếm khoảng 3 km2. Một chỗ trũng dài trên mặt đất ở phía nam thành, hình như ám chỉ rằng Sàvatthi ngày xưa được hào lũy bao bọc. Kinh thành được phồn thịnh nhờ các phương tiện giao thông thuận lợi hơn là nhờ vị trí thủ đô. Sông Aciràvatì nối thủ đô nước Kosala với hệ thống thủy lộ trên sông Hằng. Đường xe ngựa từ Takkasìla ở phía tây chia ra hai nhánh tại Sàvatthi, nhánh đông nam đưa đến Ràjagaha và nhánh nam xuôi về Kosambì. Như vậy Sàvatthi nằm trên một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất ở cổ Ấn Độ.

Sự kiện này đem lại nhiều tiền bạc, nhưng cũng tăng thêm vấn đề canh phòng an ninh. Vua Pasenadi đã phải chiến đấu không ngừng chống bọn đạo tặc thảo khấu trong nước. Và đôi khi lại còn ra lệnh bắt "một số đông thường dân" (SN 3. 10). Nguy hiểm nhất là Rừng Người Mù (andhavana) trải dài từ Sàvatthi về hướng nam, nơi bọn cướp đã có lần làm mù mắt một Tỳ-kheo. Ngay cả nhà vua cũng không được an toàn ở đó. Có lần vua Pasenadi sắp du hành ngang qua rừng ấy với một đám hầu cận ít ỏi, các thám tử cấp báo tin rằng bọn sơn tặc đang mai phục ông. Lập tức ông ra lệnh quân đội bao vây khu rừng. Bọn cướp liền bị bắt và bị đâm bằng cọc xuyên qua người.

 

CÁC VŨ KỲ AN CƯ TẠI RÀJAGAHA VÀ VESÀLI

Việc đơn giản nhất đối với đức Phật có lẽ là an cư mùa mưa 525 trước CN tại Sàvatthi, nơi ấy Kỳ Viên của ông Cấp Cô Độc hẳn đã sẵn sàng để cho ngài sử dụng. Tuy nhiên, hoặc là vấn đề nhà cửa tại Kỳ Viên hình như còn quá sơ sài tạm bợ đối với ngài, hoặc là vì ngài đã hứa với Đại Vương Bimbisàra đến an cư thời kỳ gió mùa năm ấy tại Ràjagaha, dầu trong trường hợp nào, mọi nguồn kinh điển đều đồng ý rằng ngài đã trải qua những tháng mưa năm 525 tại Ràjagaha thêm một lần nữa. Đây là mùa mưa gió thứ ba ngài an cư ở kinh đô nước Magadha.

Đức Phật lại sống qua thời kỳ gió mùa năm sau tại Ràjagaha, mặc dù ngài gặp nhiều hoàn cảnh bất ngờ làm xáo trộn. Năm ấy, 524 trước CN, những cơn mưa lớn đã đổ xuống phía nam sông Hằng, và đức Phật đang chuẩn bị sống ba tháng an tịnh tại Veluvana để hành thiền và giáo giới chư Tăng, thì có một sứ thần đến Ràjagaha từ Vesàli, thủ đô cộng hòa Licchavi. Đó là Mahàli, một thân hữu của Đại Vương Bimbisàra, ông trình tấu rằng đang có đại nạn ở Vesàli (Vaisàli ngày nay): hiện vẫn chưa có dấu hiệu mưa đến và người ta sợ rằng mưa sẽ bỏ mặc làm ngơ nước cộng hòa Licchavi. Nạn đói kém đã bùng ra, nhiều người đã chết, và thêm vào đó, hiện đang có bệnh bao tử và đường ruột hoành hành (dịch tả do các giếng nước bị ô nhiễm) đòi mạng thêm nhiều nạn nhân nữa. Do vậy sứ thần Mahàli xin vua Bimbisàra thuyết phục đức Phật đến Vesàli cứu khổ cho kinh thành và cả nước cộng hòa này.

Nếu bản tường trình (ghi trong Luận tạng) nêu ra chính xác các lý luận của Mahàli, thì nó trình bày một cách nhìn mới về đức Phật. Ơû đây ngài không được nhìn theo vị trí một bậc Đạo Sư thuyết giảng con đường giải thoát vòng sinh tử luân hồi, mà như một người có khả năng gây ảnh hưởng đến thiên nhiên khiến cho mưa rơi xuống. Năm năm sau ngày thành Đạo, đức Phật đã trở thành một vị Đại Siêu Nhân (Mahàpurisa) trong mắt quần chúng.

Kinh điển không nói rõ đức Phật Gotama có khoan dung chấp nhận hay bài bác quan điểm này về ngài. Ngài đã đồng ý với lời thỉnh cầu của sứ thần Mahàli theo đề nghị của vua Bimbisàra, ra đi cùng vài đệ tử đến thành Vesàli, và vượt qua sông Hằng năm ngày sau. Ngay khi ngài đặt chân lên bờ phía bắc trong cộng hòa Licchavì thì nguồn nước lũ từ cổng trời mở ra, trận mưa được chờ đợi từ lâu cũng đổ xuống khắp xứ sở này!

Đức Phật giao nhiệm vụ chống bệnh dịch tả cho đệ tử ngài, tôn giả Ànanda, người mà theo chuyện kể lại, đã được ngài dạy kinh Bảo Châu (Ratana Sutta) vì mục đích này. Nhiều nhà Ấn Độ học có thể không tin rằng kinh này (SNip 222-38) thực sự của chính đức Phật, nhưng điều quan trọng là chính kinh này được gán cho tác dụng chữa bệnh. Đó là một trong những kinh Phật dựa trên một tư tưởng tiền Phật giáo đã được đề cập ở phần trước, tức là mỗi sự thật dù có tầm quan trọng về nội dung tư tưởng ra sao đi nữa, cũng chứa đựng thần lực, và qua lời phát biểu sự thật ấy, do "tác động của chân lý" (saccakiriyà) ấy, ta có thể đạt được bất kỳ một kết quả nào mong muốn -- thậm chí sự thật, "chân lý" được nói đến chỉ là một niềm tin:

Dẫu châu báu đời này hay đời kế,
Bảo vật nào trên thiên giới huy hoàng,
Không một thứ gì có thể sánh ngang
Với tối thượng bảo châu là đức Phật,
Đức Như Lai là bảo châu đệ nhất,
Nhờ Chân lý này hạnh phúc ngập tràn!
(Kinh Bảo Châu, kệ 224)

Chỉ trong một thời gian ngắn, tôn giả Ànanda đã trấn áp thành công bệnh dịch tả nhờ thần chú nói lên chân lý này. Các nhà bình giải ngày nay dĩ nhiên sẽ gán sự thành công này cho số lượng nước mát tràn đầy đã lại sẵn sàng để sử dụng nhờ thời kỳ gió mùa đến.

Cộng hòa Licchavi (với Vesàli là thủ đô) đã kết hợp với cộng hòa Videha (thủ đô là Mithilà) cùng một số bộ tộc được gọi là Liên bang Vajji vẫn được miêu tả với nhiều thiện cảm trong Kinh Tạng Pàli. Số quý tộc võ tướng khoảng 14.000 người Licchavi điều hành công việc của chừng 250.000 cư dân của nước này, và đề cử các quốc vương, đã nhiều lần được tán dương về ý thức trách nhiệm trị nước. Các kỳ họp hội đồng nhân dân ở Vesàli được triệu tập bằng một hồi trống, được một trong ba quốc vương Licchavi chủ tọa và tổ chức chu đáo, còn các biện pháp được chấp thuận thông qua đều được hội nghị cương quyết biến thành hành động. Công lý được thực hiện nhanh chóng và khách quan.

Mặc dù đất nước tương đối phồn thịnh, các vị quý tộc Licchavi vẫn sống khiêm tốn. Nhiều vị võ tướng trẻ tuổi chỉ ngủ trên nệm rơm và thực hành nhiều kỹ năng quân sự (SN 20.8) . Họ cũng luyện chó dữ để đánh trận và được kiêng nể về tài thiện xạ. Tuy nhiên thỉnh thoảng cao hứng quá độ, họ ẩu đả và giành giật các thức ăn như mía, kẹo, bánh, mứt từ đám hàng hóa cung cấp cho thành phố. Đôi khi -- có lẽ để thử lòng can đảm  -- họ còn đánh vào mông đàn bà con gái. (AN 5.58)

Mặc dù dân chúng Vesàli nỗ lực làm nhà thật khang trang dành cho đức Phật ở trong kinh thành và mặc dù ngài được cung cấp đầy đủ tiện nghi tại Sảnh Đường Có Nóc Nhọn ở Đại Lâm (Mahàvana), ngài cũng không cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong chuyến du hành đến Vesàli này. Chúng ta không hiểu rõ lý do, song chúng ta được biết là, mặc dù ngài đã được thỉnh cầu và nghênh tiếp như một vị cứu khổ cứu nạn, ngài vẫn rời kinh thành này bảy ngày sau đó (hoặc theo một bản sớ giải khác thì nửa tháng sau) và trở về Ràjagaha, nơi ngài an cư phần mùa mưa còn lại.

 

THÀNH LẬP GIÁO HỘI TỲ-KHEO-NI

Người ta phỏng đoán là trong lúc đức Phật vẫn còn ở Vesàli, ngài nghe tin phụ vương Suddhodana sắp lâm chung tại Kapilavatthu. Để kịp gặp vua cha trước khi từ trần, bậc Đạo Sư đã du hành qua không gian đến kinh thành này vừa kịp để thuyết giảng một bài kinh cho phụ vương Suddhodana, nhờ đó nhà vua đắc quả Giác Ngộ và có thể nhập Niết-bàn lúc mệnh chung. Đó là câu chuyện thần thoại theo ý một luận sư.

Sự thật trong sử ký là vua Suddhodana từ trần vào cuối năm 524 trước CN, còn đức Phật về thăm quê hương lần nữa vào năm 523, lúc ấy vua Suddhodana đã được hỏa táng từ lâu, và một vị quốc vương mới đã được bầu lên cai trị. Ta không đọc được nơi nào trong Kinh Tạng bảo vị tân vương này thuộc về dòng họ Gotama cả.

Có lẽ vào dịp viếng thành Kapilavatthu lần thứ hai này đức Phật làm người trung gian hòa giải cuộc xung đột về việc sử dụng nguồn nước sông Rohinì. Sông Rohinì (nay là Rowai) làm biên giới giữa cộng hòa Sakya và lãnh thổ bộ tộc Koliya, đã được ngăn bằng con đập do hai bộ tộc này cùng xây từ đó họ kéo nước đổ vào đồng ruộng. Vào khoảng tháng Năm - Sáu năm 523, mực nước thấp đến độ chỉ đủ đưa vào một bên bờ này hoặc bờ kia, nên cuộc tranh cãi bùng ra giữa nông dân hai bộ tộc Sakiya và Koliya. Những lời lẽ mạ lỵ được hai bên tung vào nhau và một cuộc xung đột - Kinh Điển gọi đó là một chiến tranh - hình như không tránh khỏi.

Lúc ấy đức Phật đương giữa hai trận tuyến như người trung gian hòa giải. Uy danh của ngài là bậc Giác Ngộ, địa vị ngài là người thân tín của vua Pasenadi, vị Đại Vương mà cả hai bộ tộc đều làm chư hầu, cùng biện tài của ngài đã tạo nên phép thần kỳ hy hữu ít ai ngờ được. Bằng cách nêu lý luận rằng nước sông không giá trị bằng nhân mạng, ngài đã ngăn chận thành công sự đổ máu và xoa dịu những người tranh cãi đầy cuồng nộ ấy (Jàt 536).

Trong dịp đức Phật về thăm Kapilavatthu lần này, kế mẫu của ngài là bà Mahàpajàpati đến gần ngài với một đề nghị mà ngài thấy không thể chấp nhận được và hết sức phiền toái. Do việc xuất gia của thái tử Siddhattha, vương tôn Ràhula và vương tử Nanda, bà không còn ai để săn sóc trừ công chúa Sundarìnanda, con gái bà; hơn nữa, sau khi vua Suddhodana từ trần bà không còn phận sự gia đình, vì vậy tuổi hạc đã cao, bà trở về với đạo giáo.

Một hôm bà tìm thấy đức Phật ở Nigrodhàràma (Ni-câu-luật Viên: Rừng Cây Đa) ngoại kinh thành, bà liền thưa:

"Nếu nữ giới cũng được xuất gia sống không gia đình (làm Tỳ-kheo-ni) trong Giáo Pháp của Thế Tôn thì thật hạnh phúc thay!". Đức Phật tránh né và phủ nhận, thậm chí giữ nguyên lời chối từ khi bà Mahàpajàpati lập lại lời thỉnh cầu đến ba lần. Bật khóc khi nghe lời chối từ này, mà bà tưởng là vong ân bạc nghĩa, bà quay trở về thành Kapilavatthu (Cv 10. 1. 1).

Ít lâu sau, đức Phật rời quê nhà và dần dần đến thủ đô Vesali của người Licchavi, nơi ấy ngài được an cư trong Sảnh Đường Có Nóc Nhọn như năm trước. Cùng lúc ấy, bà Mahàpajàpati lại cố thu hết can đảm một lần nữa, cắt tóc và đắp y vàng như một Tỳ-kheo, rồi được một số nữ nhân dòng Sakiya hộ tống, bà đi theo đức Phật suốt cuộc du hành này. Với đôi chân sưng phồng và đất bụi bám đầy, bà đến Vesàli, tại đó, tôn giả Ànanda thấy bà đang tiến lại gần Sảnh Đường Có Nóc Nhọn. Bà vừa khóc vừa kể cho tôn giả nghe ý nguyện của bà là xin bậc Đạo Sư cho phép thành lập Giáo hội Tỳ-kheo-ni (Cv 10. 1. 2)

Có lẽ bà không thể nào tìm được một nhà biện luận nào tài tình hơn nữa. Tôn giả Ànanda động lòng chuyển ý nguyện tha thiết nhất của bà Mahàpajàpati lên đức Phật, ngài lại từ chối. Vì vậy tôn giả Ànanda bắt đầu biện hộ cho trường hợp này:

-- "Bạch Thế Tôn, nữ giới xuất gia sống không gia đình trong Pháp và Luật của Thế Tôn, có khả năng chứng đắc quả vị Giác Ngộ được chăng?

-- Này Ànanda, có thể được.

-- Bạch Thế Tôn, vì nữ giới có khả năng về việc này, và vì hoàng hậu Mahàpajàpati Gotamì đã có công lớn đối với Thế Tôn, vừa là di mẫu của Thế Tôn, vừa là kế mẫu, nhũ mẫu bảo vệ Thế Tôn, vì chính lý do này nên Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia sống không gia đình trong Pháp và Luật của Thế Tôn thật hạnh phúc thay!

-- Này Ànanda, nếu mẫu hậu Mahàpajàpati cam kết tuân theo Tám Trọng Giới này thì hãy xem đây là lễ thọ giới của bà". (Cv 10. 1. 3-4, giản lược)

Rồi ngài nêu Tám Trọng Giới , tất cả đều nhằm mục đích làm cho Ni chúng (Bhikkhunì) phục tòng Tăng chúng. Ngay cả một Tỳ-kheo-ni đại trưởng lão cũng ở địa vị thấp hơn một tiểu tăng mới thọ giới và phải cung kính đảnh lễ vị ấy. Khi nghe tôn giả Ànanda nói Tám Trọng Giới này, bà Mahàpajàpati chấp nhận mọi điều kiện trên (Cv 10. 1. 2-5) và như vậy bà được thọ giới làm Tỳ-kheo-ni đầu tiên của Giáo hội Phật giáo (Cv 10. 2. 2)

Đức Phật đã không đồng ý thành lập Giáo Hội Tỳ-kheo-ni; cũng chỉ vì bổn phận đạo lý buộc ngài hoàn thành ước nguyện của bà kế mẫu mà bỏ qua lời chối từ ban đầu. Những điều ngài suy nghĩ về Giáo Hội Tỳ-kheo-ni biểu lộ qua lời ngài nói với tôn giả Ànanda khi vị này trình ngài việc bà Mahàpajàpati chấp nhận Bát Kính Pháp:

"Này Ànanda, nếu nữ giới không được phép xuất gia sống không gia đình trong Pháp và Luật này, đời Phạm hạnh có thể tồn tại lâu dài, Chánh Pháp có thể tồn tại một ngàn năm. Nhưng nay vì nữ giới đã được xuất gia, đời Phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, và Chánh Pháp sẽ chỉ tồn tại năm trăm năm.

Giống như những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít nam nhân dễ trở thành mồi ngon cho bọn đạo tặc cướp tài sản, cũng vậy là Giáo hội có nữ giới được phép xuất gia.

Giống như một ruộng lúa chín có bệnh dịch trắng như xương và ruộng mía chín bị bệnh rỉ sét đỏ phải tàn tạ, cũng vậy là Giáo hội có nữ giới được phép xuất gia.

Giống như một người xây con đê làm hồ chứa nước, để cho nước không tràn qua bờ được, cũng vậy, này Ànanda, ta đã ban hành Bát Kính Pháp này cho các Tỳ-kheo-ni". (Cv 10.1.6, giản lược, hoặc AN. 4.-6.51)

Song mọi việc đã hóa ra tốt đẹp hơn bậc Đạo Sư tiên đoán. Quả thật Hội chúng Tỳ-kheo-ni đã suy tàn vào thế kỷ mười hai, còn Giáo Pháp và Hội chúng Tỳ-kheo đã sống lâu hơn nhiều lần khoảng thời gian năm trăm năm được tiên đoán ấy và vẫn tồn tại vững mạnh đến ngày nay.

--- o0o ---