Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Thiền Để Biết Cách Buông Xả Phiền Não

24 Tháng Tư 201611:29 CH(Xem: 4560)
Thiền Để Biết Cách Buông Xả Phiền Não
thien-de-biet-cach-buong-xa-phien-naoPhương cách tốt nhất giúp ta tỉnh giác khi hành Thiền là ta biết giữ hơi thở trong tâm. Chúng ta có thể kiềm chế không cho nó phát khởi khi ta có đề mục Thiền quán làm chỗ nương trú trong tâm. Chỗ nương trú bên ngoài của tâm là thân, gồm các yếu tố vật chất. Quay về với thực tại chính mình cũng là chỗ nương trú bên trong của tâm, điều này giúp tâm không chạy lang thang theo suy nghĩ này, vọng tưởng nọ.

Chúng ta đừng để tâm chạy theo những mối ưu tư của nó giống như những người bình thường chưa biết quán sát hơi thở là gì. Một khi ta đã có chỗ an trú để giữ con khỉ tâm thức thì nó ngày càng bớt ngang ngạnh và từ từ bớt rong rủi chạy tìm.

Bây giờ ta nói đến phương cách thực hành Thiền quán hơi thở. Các Kinh sách dạy rằng, thở vô mình biết thở vô, thở ra mình biết thở ra, thở vô dài và sâu, thở ra dài và nhẹ nhàng. Đó là những bước khởi đầu trong việc thực hành quán hơi thở.

Khi thực tập một thời gian và bắt đầu có sức định tĩnh ta không còn chú tâm đến độ dài-sâu-ngắn của hơi thở nữa mà chuyển sang bước kế tiếp. Chúng ta sẽ tập trung ý thức để nhìn hơi thở ngay nơi lỗ mũi của mình và tiếp tục làm như thế cho đến khi tâm lắng dịu, trong sáng, nhẹ nhàng.

Khi tâm đã yên lắng chúng ta sẽ tập trung vào sự tĩnh lặng của tâm, đơn giản là ta trụ nơi tâm thanh tịnh nhưng quán sát nó với mỗi hơi thở vào ra như các bước sau:
Tâm: Tập trung ý thức chú tâm vào hơi thở, theo dõi hơi thở vô ra hoặc trụ hơi thở tại mũi hay môi trên. Nếu cảm thấy khó chịu hay căng thẳng quá, chúng ta có thể chuyển sự chú tâm vào vùng dưới rốn nơi huyệt đan điền. Sự chú tâm và theo dõi trong lúc ngồi Thiền phải đầy đủ ba yếu tố ý thức, chú tâm và tỉnh giác.

Hơi thở: Chúng ta cứ để hơi thở vô ra tự nhiên, không cố làm cho hơi thở dài thêm hay ngắn lại. Thở đều đặn, nhẹ nhàng một cách tự nhiên và chỉ cần theo dõi hơi thở vô ra là đối tượng duy nhất trong suốt thời gian hành Thiền. Thỉnh thoảng, nếu nghĩ đến chuyện khác chúng ta chỉ kiên trì, bền chí quay lại theo dõi hơi thở ra vô mà thôi.

Khi bắt đầu Thiền quán sát hơi thở, việc đầu tiên chúng ta cần nhớ là phải ngồi giữ lưng cho thẳng và giữ mình trong tỉnh giác, thở vô ta biết mình đang thở vô, thở ra ta biết mình đang thở ra. Hãy giữ hơi thở êm ái, nhẹ nhàng; đừng gồng tay chân hay bất cứ cơ khớp nào; giữ thân ở tư thế phù hợp với hơi thở.

Chúng ta chỉ làm một việc duy nhất là chỉ đơn thuần theo dõi và nhận biết hơi thở rõ ràng, thở vô mình biết mình đang thở vô, thở ra mình biết mình đang thở ra. Hơi thở dài hay ngắn là tùy theo khả năng của mỗi người.

Chúng ta phải biết rõ sự vận hành của từng hơi thở một cách cụ thể để giữ tâm tỉnh giác, không suy nghĩ lung tung bởi các tạp niệm buồn thương, giận ghét và cuối cùng đạt đến sự định đĩnh. Khi tâm trở nên yên tịnh, trong sáng và hơi thở trở nên nhẹ nhàng ta sẽ cảm giác toàn thân được tịnh lạc.

Hành giả duy trì trạng thái tỉnh giác về hơi thở một cách rõ ràng thì chỉ nhìn hơi thở mà không cần sự chú tâm, cảm giác thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Lúc này, hơi thở thường trở nên rất vi tế, khó nhận diện, có lúc nó dường như không hiện hữu, nhưng đấy chỉ là cảm giác an tịnh của hơi thở.

Có 5 chướng ngại lớn trong việc thực tập Thiền định là:
Dục: còn gọi là các loại tham muốn, luyến ái.
Sân: còn gọi là nóng giận, bực tức, khó chịu.
Hôn trầm: còn gọi là sự lừ đừ, buồn ngủ; tâm mê mờ, dã dượi.
Trạo hối: còn gọi là tâm dao động, bất an.
Nghi: sự nghi ngờ không biết pháp mình đang tu có thật sự an lạc không.

Chúng ta có thể ứng dụng các bước thực tập Thiền niệm hơi thở vào đời sống hàng ngày trong mọi lúc, mọi nơi như đi-đứng-nằm-ngồi. Ta nên nhớ quán niệm hơi thở là nền tảng của thực tại nhiệm mầu giúp mỗi hành giả cảm nhận bình yên, hạnh phúc, an ổn, nhẹ nhàng.

Khi thực tập phép quán sát hơi thở, mỗi hành giả từng bước ý thức được mạng sống trong hơi thở mà biết cách buông xả phiền não tham-sân-si và dần hồi thành tựu được bốn lĩnh vực quán niệm về thân-thọ-tâm-pháp.

Khi hành giả thở vào biết mình thở vào hoặc thở ra biết mình thở ra. Hơi thở dài hay ngắn mà ta có ý thức về hơi thở đang vận hành trong thân sẽ cảm thấy toàn thân an tịnh, biết rõ và nhận diện từng tâm niệm thương-ghét. Đó là lĩnh vực quán niệm thứ nhất - quán thân chỉ là thân.

Khi mỗi hành giả thở vào hoặc thở ra mà cảm nhận được niềm vui trong an ổn, nhẹ nhàng, vui thích trong niềm vui đó thì mọi tâm tư chán ghét hay ưu phiền tự nhiên tan biến. Những cảm thọ được chứng nghiệm trong hơi thở có ý thức ấy thuộc lĩnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ.

Khi hành giả thở vào hoặc thở ra làm cho tâm ý an tịnh sẽ tạo ra sự phỉ lạc trong tâm cảm, nhận được tâm ý tự do, giải thoát, không bị giới hạn bởi một sự ràng buộc nào. Không quán niệm về hơi thở thì sẽ không phát triển được tuệ giác và sự hiểu biết chân chính. Đây là bước thứ ba - tập trung vào việc hơi thở ảnh hưởng đến toàn thân như thế nào bằng cách quán sát tất cả những cảm nhận về hơi thở ở các bộ phận của thân, đặc biệt là những cảm nhận liên quan đến hơi thở vô ra.

Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà quán chiếu về tính cách vô thường, hoặc tính cách không đáng tham cầu, vướng mắc của vạn pháp về bản chất không sinh diệt và về sự buông bỏ thì hành giả khi ấy thấy rõ bóng dáng của sáu trần cảnh chỉ là ảo giác không thật. Thân tâm sẽ tự nhất như rồi thể nhập tính biết sáng suốt, nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý mà thành tựu viên mãn pháp quán hơi thở.