CHƯƠNG V Phân định giới hạn của Thiền và Tịnh

23 Tháng Chín 20165:03 CH(Xem: 2443)
CHƯƠNG V Phân định giới hạn của Thiền và Tịnh
LỜI VÀNG 
ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC 
 
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm 
Phiên dịch & thi kệ toát yếu 2015

Ấn Quang Gia Ngôn Lục - Phần III

CHƯƠNG V
Phân định giới hạn của Thiền và Tịnh

Lý Thiền Tịnh là pháp môn bất nhị
Sự tu hành có khác giữa đôi bên
Thiền mà không triệt ngộ, triệt chứng thì không thoát được tử sinh.
Nên Tổ Quy Sơn nói,
“Đốn nhập chánh nhân[1] sẽ thoát vòng trần lụy
Đời đời bất thoái sẽ vào Phật vị
Kẻ sơ phát tâm tập khí chưa trừ
Dù kiến tánh nhưng nghiệp thức vẫn luân lưu
Phải chuyển thức khỏi vòng vây ngũ uẩn”.
Sư Hoằng Biện nói,
“Đốn ngộ tự tánh, sở ngộ đồng chư Phật
Nhưng tập khí từ vô thủy chuyển lưu
Phải dày công đối trị, xứng tánh khởi tu
Như kẻ cắn một miếng, chưa thể no ngay được”.
Sư Trường Sa Sầm nói,
“Trong thiên hạ, hằng hà sa tri thức
Chưa chứng Niết Bàn vì công đức đầy, vơi.”
Cho nên,
Ngũ Tổ Giới tái sinh làm Tô Đông Pha
Như đã nói ở trên về sinh diệt
Các bậc tôn sư, mức đại ngộ đà toàn triệt
Nhưng hiềm vì Triệt Chứng vẫn chưa xong
Ấy là do tự gánh vác, tự gia công
Không có đủ lòng tin vào Phật lực
Không thoát tử sinh bởi vẫn còn Hoặc Nghiệp
Dù là mảy may vẫn chưa thể cao bay
2600. Riêng pháp môn Tịnh độ - đới nghiệp về Tây
Đã vãng sinh tức thoát vòng sinh tử
Người ngộ và chứng, sẽ sớm vào Bổ Xứ
Người chưa ngộ, vị bất thối chuyển sẳn dành[2]
Cho nên Hoa Tạng thế giới [3] đều do nguyện vãng sinh
Bậc cổ đức đều cầu sinh Lạc quốc
Cảm ứng đạo giao, sớm thành chánh giác
Nay mạt thời, thiền lục [4] khó đãm đương
Hãy tín tâm tu Tịnh nghiệp Tây phương
Niệm danh Phật lâu ngày gần bổn tánh
Chứng niệm Phật tam muội, gặp Tây phương tam thánh[5]
Đó là công phu hoàn tự tánh, thấy nghe
Nhiếp sáu căn, tịnh niệm kết thành bè
Tuy gọi là Thiền nhưng không khác Tịnh
Người tu tập tứ thiền[6] và bát định[7]
Không nương vào Phật lực để gia trì
Khi công phu tinh tiến, thấy chân vọng đến, đi
Các cảnh giới lạ lùng thường lộ mặt
Nếu chưa phải là người có công phu miên mật
Tưởng lầm rằng đã chứng đạo bất tư nghì
Chẳng rõ sắc và tâm không đến cũng không đi
Dễ chiêu cảm yêu ma làm cuồng trí
Người niệm Phật được tín tâm, thành ý
Hạnh nguyện như mặt trời rực rỡ giữa hư không
Lòng kính tin nên chẳng dám để vọng tâm
Chen vào chính giữa hồng danh Đức Phật
Đó là lúc công phu đà thuần thục
Phật danh kết thành một phiến không hai
Chánh pháp như mưa tưới mát muôn loài
Nếu bỏn xẻn mật truyền thì đó là tà pháp.
 
Lại nữa,
Pháp môn Thiền chẳng phải là dễ gặp
Chẳng phải là loại thiền của kẻ hám danh
Đọc qua loa vài quyển sách tưởng thông minh
Tưởng hiểu biết, toan lấy thiền làm tuệ mạng
Thật là kẻ chẳng biết mình trí nông, tuệ cạn
Lầm tưởng mình là hạng tôn quý, đại căn
Tuyệt đối chớ nên bắt chước thời trang
Nếu bắt chước, thọ thân như vi trần chẳng mong giải thoát.
 
“Quyền” nghĩa là pháp Như Lai tùy căn cơ giáo hóa
“Thật” nghĩa là pháp Phật chứng đắc tự tâm
“Đốn” là không qua thứ bậc, lớp lang
“Tiệm” là tu dần dà theo thứ tự
Qua nhiều kiếp đời mới vào thực tướng.
Phải biết rằng,
Pháp môn Thiền là trực chỉ nhân tâm
Minh tâm kiến tánh tức thấy Phật tánh tại tâm
Nếu là Bồ tát đại căn thì khi ngộ là khi chứng
Thoát khỏi luân hồi, vượt qua ba cõi
Lấy thượng cầu, hạ hóa để nghiêm thân
Trong trăm ngàn người mới thấy một bậc đại căn
Kẻ kém hơn, cho dù vào diệu ngộ
Nhưng chưa đoạn Hoặc, vẫn ở trong ba cõi khổ
Vẫn thọ sinh, thọ tử, ngộ rồi mê
Chẳng mấy người ngộ lại ngộ một bề
Pháp viên đốn lại trở thành Quyền, Tiệm.
Đại triệt, đại ngộ đời nay quả là rất hiếm
Huống chi trí triệt ngộ, thân triệt chứng mới xong
Đa số người chỉ hiểu được lý suông
Rồi hý luận nơi đầu môi, chót lưỡi.
 
Pháp niệm Phật, bao gồm Thật-Quyền-Tiệm-Đốn
Thích hợp với muôn người, căn tánh cạn, sâu
Từ Bồ tát Đẳng giác cho đến kẻ phàm phu
Cho nên gọi là phổ thông diệu pháp
Kẻ trí cạn không thể nào tường lãm
Không đủ trí năng để suy gẫm các pháp môn
Tu một đời thoát sinh tử há dễ làm
Phải là bậc thượng căn và thượng trí
Kẻ căn tánh hạ liệt nếm được đâu pháp vị
Dù ngộ rồi, thân chứng quá khó khăn
Riêng pháp môn Tịnh độ, lợi hoặc độn căn
Đều có thể vãng sinh trong hiện kiếp
Sỡ dĩ cho là Tiệm vì không đốn giác
Do căn cơ hành giả có thấp, cao
Nhưng vào ngay đất Phật, không lưu lạc cõi nào
Đốn là trực nhập, tức là Tịnh độ.
 
Nay người giảng về Thiền, tâm cống cao, thiếu định
Đôi khi đa văn, chướng ngại bởi sở tri [8]
Theo văn tài chải chuốt, hết luận rồi suy
Thấy Tịnh tông đơn giản liền cho là quê dốt
Thường tự xưng danh tu pháp môn viên đốn
Nhưng nào biết người xưa vượt thứ đệ [9] ra sao?
Nay chỉ dùng trí cạn luận thấp, cao
Tự trói buộc vào Thật, Quyền, Đốn, Tiệm
Lại tự cho là không hề lấy, bỏ
Sao không biết rằng đang bỏ Hoặc, lấy Chân
Tức còn trên đường tìm lại bổn tâm
Sau khi thành Phật mới là không thủ, xả.
Hơn nữa, các pháp môn mỗi mỗi đều khác lạ
Pháp môn Thiền chuyên quán sát tự tâm
Nương cậy vào Phật lực, Tịnh độ tông.
Không thủ xả tức đề hồ trong Thiền tổ
Nhưng theo pháp niệm Phật mà không lấy, bỏ
Thì đề hồ thánh thuốc độc có hay?
Phải biết tùy duyên ứng đối ngày ngày
Như Hạ uống nước Sắn Dây, Đông về cần nhiệt
Chê rằng: “Bỏ Đông lấy Tây, tức còn trong sinh diệt”.
Thì “Chấp Đông phế Tây” là đoạn diệt đó thôi
Diệu Giác chưa viên thành thì thủ, xả đúng thời
Trên đường đạo há chưa từng lấy, bỏ?.
 
2700. Triệu Châu Tùng Thẩm[10] xuất gia từ thuở nhỏ
Tuổi hơn tám muơi vẫn còn hành cước du phương
Nói kệ rằng,
“Triệu Châu tôi, tám chục vẫn tha hương
Cũng do bởi cõi lòng chưa tĩnh lặng”.
Sư Trùng Khánh  tọa thiền luôn tinh tấn
Rách bảy chiếc bồ đoàn mới khai ngộ đạo tâm
Sư Dũng Tuyền khổ nhọc bốn mươi năm
Tuyết Phong [11] ba lượt tham vấn sư Đầu Tử
Đến chín lần lên Động Sơn tham dự
Chư vị đều là đại đức, tôn sư
Gian nan cầu đạo, biết lấy bỏ, biết thiếu dư
Lũ ma con kia mới nghe ma cám dỗ
Liền cho là tự chứng, tự tu, tự độ
Chẳng lượng sức mình, khinh rẽ tổ tiên
Lớn tiếng nói rằng: “không chấp trước, mới là Thiền”
Về Lý thì vậy, Sự thì chẳng vậy
Phàm phu suốt ngày sống trong giải đãi
Việc cơm ăn, áo mặc mãi so đo
Chê cười kẻ đói cơm lúc bụng đang no
Thật là kẻ chỉ nói suông ngoài cửa miệng.
Tham thiền mà không hiểu giáo thì thành bệnh
Khi tọa thiền nếu không thấy cảnh hiện tiền
Đó chỉ là ý niệm được lặng yên
Tâm vừa chế ngự được xôn xao dấy động
Chớ nên tưởng lầm rằng đã vô chân, vô vọng
Khởi sinh lòng mừng rỡ, mãi ngóng trông
Nếu biết quán rằng nhân ngã tựa hư không
 Trời không mây một bầu xanh sáng tỏ
Bằng không sẽ lấy Huyễn làm Chân, lấy Mê làm Ngộ
Ma thừa cơ nương dựa, gọi cuồng thiền
 Bậc tôn sư như Vĩnh Minh[12], Thiện Đạo[13] quán sát căn duyên
Lòng thương xót nên khuyên tu Tịnh hạnh
Tham thiền tức tham chân như bổn tánh
 Tham bổn lai diện mục trước khi sinh
Thiền tông không nói ra, để người tự liễu, tự minh
Tự tham cứu, biết đó là bổn tâm tịch chiếu.[14]
 
Yếu chỉ Tịnh tông là Tín-Hạnh-Nguyện
Cầu thọ sinh nơi cõi Phật Tây phương
Cõi nước trang nghiêm Đức Phật đã xiển dương[15]
Đừng tưởng chỉ là “Duy tâm Tịnh độ”.[16]
Không thấy, không tin, dùng tri thức suy kim, luận cổ
Tri thức thì hỗn tạp cả đúng lẫn sai
Như đôi hài mang trên muôn dặm đường dài
Lúc gặp cỏ xanh êm, lúc giẫm vào mương rãnh
Nếu không biết chùi lau, ắt tưởng dơ là sạch
Lập luận quanh co, rối rắm có ra chi
Hại mình, hại người, sở tri chướng sở tri [17]
Uổng công làm kẻ đa văn, nghe mà chẳng ngộ.
 
Bài “Thiền Tịnh Tứ Liệu Giản”[18] của Vĩnh Minh Diên Thọ
Nói “có Thiền” tức đã thấy tánh, tâm minh
Thông suốt bản lai diện mục lúc chưa sinh
“Có Tịnh độ” tức Tín-Nguyện-Hạnh cầu sinh Phật quốc
Hai chữ “có” chỉ cho tu hành chuyên nhất
Phải nương theo giáo lý lúc khởi tu
Tận tâm, tận lực chứng lý đạo thâm sâu
Trong mỗi tác động hằng ngày: uống, ăn, nói, nghỉ
Đi như Quán Thế Âm, ngồi như Đại Thế Chí
Tâm đồng tâm, Phật đồng Phật, không hai
Nếu tham thiền chưa liễu hoặc chưa khai
Thì chẳng thể nói “có Thiền”, vì chưa hề gặp.
Nếu tu niệm Phật nhưng lại là thiên chấp
Chấp duy tâm, hạnh nguyện chẳng thiết tha
Hoặc hạnh chuyên cần nhưng lòng ưa thích cảnh ma
Hoặc cầu đời sau sinh vào nơi vương giả
Hoặc cầu sinh cõi trời, hưởng phước nơi đất lạ
Hoặc cầu làm tăng, nghe một hiểu mười
Đắc đại tổng trì [19], phổ độ khắp muôn nơi
Đều chẳng thể nói là người “có Tịnh”.
Nếu đủ Tịnh và Thiền thì như hổ chúa
Lại mọc thêm sừng, lẫm liệt, uy phong
Đời này làm thầy người, giáo hóa chánh tông
Đời sau làm Phật Tổ, viên thành đạo hạnh
Đó là người đã minh tâm kiến tánh
Thâm nhập kinh, biết Quyền môn, Thật pháp của Thế Tôn
Niệm Phật là Tín-Nguyện-Hạnh pháp môn
Lợi mình, lợi người, tiền đồ đà sớm vẽ  
Là bậc thượng phẩm thượng sinh, nhập đệ nhất nghĩa
Trí tuệ, biện tài làm vỡ mật ma quân
Như rồng bay cao, như hổ mọc thêm sừng
Gặp kẻ hỏi đạo thì tùy căn cơ thuyết đạo
Là đạo sư của trời người, không chấp tông, chấp giáo
Nếu kẻ cầu song tu[20] thì liền dạy song tu
Nếu kẻ cầu Tịnh độ thì dạy Tín-Nguyện-Hạnh công phu
Thượng, trung, hạ, người người đều phấn tấn
Lúc lâm chung, Phật Tổ đưa tay tiếp dẫn
Cõi trời Tây, liền chứng được vô sinh[21]
Thấp nhất là sơ trụ, hoặc thập địa là nền
Nhập Đẳng giác, làm nhất sinh bổ xứ [22]
Sơ trụ Viên giáo[23] có thể hiện Phật thân trong trăm cõi
Huống chi là các quả vị cao hơn.
“Không Thiền, có Tịnh, muôn kẻ vẹn toàn
Khi thấy Phật Di Đà, lo chi không khai ngộ.”[24]
Đó là chỉ hạng người Phật tánh chưa thấy rõ
Nhưng một lòng cầu sinh cõi Di Đà
Cho đến hàng ngũ nghịch, nguyện thiết tha
Biết sám hối, Phật ân cần tiếp dẫn
Cửu phẩm liên hoa dù có cao, có thấp
Nhưng đã vào dòng bất thoái của thánh nhân
 Tùy căn cơ sâu cạn, có chỗ rẽ phân
2800. Sẽ khế hội Tiệm tu hay Đốn giác.
“Có Thiền, không Tịnh Độ, mười người, chín lần lữa
Nếu ấm cảnh[25] hiện tiền, trong chớp mắt chạy theo.”[26]
Bởi vì sao?
Tuy triệt ngộ lý Thiền, thấy Tánh tựa trăng treo
Nhưng Kiến, Tư Hoặc chẳng dễ gì trừ khử
Còn Kiến, Tư Hoặc, không thoát được Phần Đoạn Sinh Tử [27]
Với kẻ chưa đoạn mảy may thì miễn luận bàn
Nhưng với người phiền não đã nhẹ nhàng
Nhưng chưa dứt sạch thì vẫn luân hồi trong sáu cõi
Trong khi đó,
Mạng người như đèn cheo leo trong cơn gió thổi
Chưa chứng đạo thì đã đến lúc mạng chung
Cho nên nói,
Mười người triệt ngộ, chớ chẳng phải nói kẻ mới khởi tu
Chín người lần lữa, vì chưa từng triệt chứng
Đến lúc lâm chung hiện ra thân trung ấm
Sẽ tùy theo nghiệp lực thọ thân sinh
Chữ Ấm [28] có nghĩa là ngăn ngại tánh linh
Chớ chẳng phải bị ngũ ấm ma mê hoặc
“Không Thiền, không Tịnh Độ, cột đồng và giường sắt
Muôn kiếp ngàn đời trọn không chỗ dựa nương” [29]
Kẻ chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu Tây phương
Tu hời hợt các giáo môn cho có mặt
Không định tuệ, không chứng Chân, đoạn Hoặc
Một khi thở ra mà chẳng thở vào
Liền đọa vào địa ngục, chịu khổ dài lâu
Thì chẳng khác oan gia ba đời trang trải
Muốn được thân người chẳng dễ gì có lại
Nên Đức Thích Ca từng hỏi tôn giả A Nan:
“Đất trong tay ta hay đất đại địa nhiều hơn?”
Liền bạch Phật: “Hẳn là đất trong đại địa.”
Phạy dạy rằng,
“Đất trong tay ta ví số thân người có được
Đất trong đại địa ví số mất thân người”
Tổ Vĩnh Minh soạn “Tứ Liệu Giản” cho đời
Như bè ngọc vớt người trong bể khổ
Tiếc cho người đọc lướt qua lời Tổ
Chưa hiểu tận tường đã chối bỏ, khinh khi
Tổ Đạt Ma từ đất Ấn phương Tây
Sang Trung thổ chỉ cho người thấy Tánh
Đó là dạy cho con người tìm gốc
Tin có Phật tánh rồi thì phải xứng tánh tiến tu
Cho đến khi vào được vô chứng, vô tu
Chớ chẳng phải chỉ Ngộ là đầy đủ
Phước tuệ cần viên mãn, Bồ đề thành tựu
Cái biết ngoài da chưa nhập tận tủy xương [30]
Như vẽ rồng điểm nhãn, vẽ cọp thêm sừng
Dành cho kẻ biết đối cơ, đối cảnh.
Riêng kẻ hạ căn xuất thai cách ấm[31]
Từ ngộ vào mê chẳng mấy khó khăn
Từ ngộ lại ngộ đếm được bao lần
Muốn cứu chính mình, phải nên cầu Phật lực.
 Dù là Giáo, là Thiền hay là Luật
Y giáo tu hành, phải hiểu chỗ nông, sâu
Không hiểu kinh thì tu dựa vào đâu?
Biết cạn cợt lại cho là đã đủ
Đó chỉ là kẻ tu mù, luyện quáng
Khi biếng lười thì lại thích huênh hoang
Mới hiểu được đôi điều tưởng đã chứng đạo vàng
Dễ chiêu cảm ma cuồng phá tan thiện nghiệp.
 
Nói tóm lại, trong các tông phái khác
Triệt Ngộ rồi vẫn phải Đoạn Hoặc Chứng Chân
Đoạn Hoặc rồi mới thoát ải tử sinh
Nhưng vẫn còn cách rất xa quả Phật
Trải bao kiếp mới viên thành Như-Thật[32]
Như thư sinh thi đổ được tước hàm
Từ thấp lên cao trong đám quần thần
Thăng tiến dần dần lên làm Tể tướng
Tuy là tột phẩm, nhưng sánh cùng Thái tử
Vẫn cách xa hoàng tộc với dân gian
Huống chi là Hoàng đế ngự cung vàng
Cũng bởi do người chỉ cầu tự lực
Riêng Tịnh tông cả tự lực và Phật lực
Như được thác sinh vào chốn hoàng cung
Vừa thoát thai đà lấn át quần thần
Trong cung ngọc, được đế sư  dạy dỗ
 Khi khôn lớn nối ngôi, bình thiên hạ
Ví như người thành tựu nguyện vãng sanh
Thọ thân nơi cõi Phật, chánh tu hành
Bất thoái chuyển đến khi thành Phật quả
Tịnh tông khế cơ như thuyền nhờ sức gió
Buổi mạt thời nên tu tập pháp này
Nếu chọn đường quanh co, khó đến bởi khó đi
Nay chỉ cần,
2885. Tín, hạnh không rời, nguyện vãng sinh đất Phật.
 
Giải quyết những điều nghi hoặc thường gặp
Luận về Sự và Lý
Lý thế và xuất thế chẳng qua bổn tánh
Sự không ngoài hai chữ quả và nhân
Như Lai chứng nhất thừa, hàm thức trầm luân
Nhưng bổn tánh chẳng hề tăng hay giảm.
Bởi nơi Nhân Địa gieo trồng có khác
Thọ dụng nơi Quả Địa tất chẳng đồng
Xiển dương nhân quả và bổn tánh không phải là chuyện dễ làm
Người căn cơ trung và hạ không rõ về bổn tánh
Người thượng căn không thích nghe hoài chuyện gieo thì gánh
Có biết đâu hai việc chẳng phân ly
Người rõ tâm ắt biết nhân quả theo mỗi bước chân đi
Người tin sâu nhân quả ắt rõ rành tâm tánh
Chúng sinh thời mạt căn cơ hèn kém
Lại theo pháp môn tự lực của Thiền gia
2900. Khế ngộ là việc chẳng dễ vượt qua
Nói chi đến chứng đạo hòng liễu thoát
Này hỡi tứ chúng [33],
Hãy nên rao mời Tịnh môn cùng khắp
Tướng tứ pháp giới[34] có đủ trong Tịnh tông
Sự sự vô ngại trên mỗi bước ruỗi dong
Chớ chấp Lý rồi bỏ qua sự tướng
Sự hiển bày Lý, Lý dung hội Sự
Lý Sự dung thông mới tránh được sai lầm
Lý sự viên dung khế hội bổn tâm
Ngôn, hạnh, tương ưng thì gọi là sư tổ
Người đời nay có hạng chuộng tài biện luận
Văn chương kinh động quỷ thần nhưng hạnh kiểm chỉ ít phần
Gốc bệnh này do chẳng chú trọng quả nhân
Bậc thượng trí xót thương, kẻ phàm phu bắt chước
Biết không quá khó, làm được mới khó
Ngộ có thể vào, Chứng là chuyện dễ đâu
Chấp vào Hoa Nghiêm[35], tưởng thành Phật đã lâu
Đây là kẻ chấp Lý mà bỏ Sự
Cũng do tánh biếng lười, lại thích phân bỉ, thử
Vừa nghe Lý thâm sâu liền hả dạ, vui mừng
Khỏi phải gia công tu tập khó khăn
Sự đã phế bỏ thì có hiểu gì đến Lý!
Người tiến tu,
Sự Trì là niệm không lơi dù chưa đạt Lý
Chưa biết Tâm và Phật vốn không hai
Nhưng lòng chí thành nguyện được vãng sinh
Nơi đất Phật sẽ viên thành Phật đạo
Lý Trì là tin Phật tại tâm, do tâm tạo
“Phật tại tâm” tức tâm vốn đủ Lý này
“Tâm tạo” là tu theo Lý đã hiển bày
Khi chứng quả tức gọi là viên lý.
Câu “Phật tại tâm” chỉ cho Lý thể
Câu “Tâm tạo” chỉ cho vạn Sự tu trì
 “Phật tại tâm” tức Phật  tâm này
Nói “Tâm tạo” tức tâm này làm Phật.
“Tâm này làm Phật” là khởi tu xứng tánh[36]
“Tâm này là Phật” là tại tánh toàn tu
 Không phế bỏ Sự dù đà ngộ Lý thâm sâu
Bằng không sẽ vì cái sở tri mà sa vào cuồng chữ
Tịnh môn, pháp khế cơ, đủ đầy Lý Sự
Dù kẻ hành trì chưa viên ngộ được Tự Tâm
Nhưng vẫn không hành ngoài Lý đạo cao thâm
Lý Sự không hai, thân tâm dung hợp.
Nói rằng,
“Trong tâm có Phật A Di Đà vốn sẵn”
Phật A Di Đà tức bổn tánh, bổn tâm
Niệm Phật danh thì tâm và khẩu tương ưng
Phật đối Phật, tâm đối tâm, đồng thể.
 
Phật pháp không ngoài Chân đế và Tục đế [37]
Hiển giáo xiển dương cả Tục lẫn Chân
Có tông môn ngay nơi Tục nói Chân
Nhưng lại thiên về Chân hơn về Tục
Phải biết rằng, nhị đế [38] vốn đồng một thể
Tướng là hai nhưng tánh chẳng phải hai
Như tấm gương sáng sạch đặt trên đài
Người đến hiện bóng người, vật đến hiện bóng vật
Sum la vạn tượng, gương đều chiếu khắp
Nhưng chẳng hề giữ người, vật, trong gương
Nên Thiền dùng câu “vô nhất vật” xiển dương
Hiển giáo nói: “Tướng tướng đều như ảnh tụ”
Cho nên,
Ngay nơi Sự tu, Thiền gia hiển Lý
Ngay nơi Lý, Giáo hiển Sự tu
Toàn tu tại tánh, xứng tánh khởi tu
Lý Sự dung thông, Thiền và Giáo bất nhị.
Sự nhất tâm là đoạn trừ Tư, Kiến Hoặc
Phá vô minh, chứng pháp tánh tức Lý nhất tâm
Chứng pháp tánh là pháp tánh vô sinh
Biệt: sơ địa, Viên: sơ trụ, mới hòng thấu triệt.
Người chứng ngộ vô sinh, tâm không theo sinh diệt
Đối cảnh vô tâm, tịch chiếu tựa ngọc châu
Tâm vô tâm, nhưng hạ hóa, thượng cầu
2973. Thực tế lý địa, Phật sự môn trung đều viên mãn.

 
ban tom tat

(Hết phần III, xin xem tiếp phần IV và các phần tiếp theo. Đây là phần ghi âm không có chú thích. Xin xem bản dịch có chú thích tại các trang Tàng thư Phật học, Thư Viện Hoa Sen, Rộng Mở Tâm Hồn)



[1] Chánh nhân Phật tánh.

[2] (s: avaivart, 阿鞞跋致): còn gọi là A Tỳ Bạt Trí (阿毘跋致), A Duy Việt Trí (阿惟越致); ý dịch là bất thối chuyển (不退轉, không thối lui), tức là không thối lui trên con đường tiến lên thành Phật. Đây là tên gọi của giai vị Bồ Tát, trãi qua tu hành một đại A Tăng Kỳ Kiếp mới có thể đạt đến địa vị này. Như trong Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 38, Vãng Sanh Phẩm (往生品), có đoạn rằng: “Cúng dường thập phương chư Phật, thông đạt Bồ Tát đạo, cố nhập Bồ Tát vị, tức thị A Bệ Bạt Trí địa (供養十方諸佛、通達菩薩道、故入菩薩位、卽是阿鞞跋致地, cúng dường mười phương chư Phật, thông đạt Bồ Tát đạo, nên nhập vào địa vị Bồ Tát, tức là cảnh địa không thối chuyển).” Hay trong Phật Thuyết A Di Đà Kinh (佛說阿彌陀經, Taishō Vol. 12, No. 366) cũng có đoạn: “Cực Lạc quốc độ chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí (極樂國土眾生生者、皆是阿鞞跋致, những chúng sanh nào sanh vào quốc độ Cực Lạc, đều là bực Không Thối Chuyển).” (Phật học Tinh Tuyển )

[3] (蓮華藏世界) Phạm: Kusuma-tala garbhavyùhàlaôkàraloka-dhàtu-samudra, hoặc Padma-garbha-loka-dhàtu. Cũng gọi Liên hoa quốc. Chỉ cho thế giới hàm chứa vô lượng công đức trang nghiêm rộng lớn từ trong hoa sen sinh ra.

[4] Các ghi chép về Thiền.

[5] Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí.

[6]四禪八定

bao gồm Tứ thiền (1-4) và bốn xứ của Vô sắc giới (s: arūpasamādhi; xem Ba thế giới) sau:

1. Định Không vô biên xứ (空無邊處定; s: ākāśanantyāyatana, p: ākāsanañcāyatana): hoàn toàn vượt khỏi sắc tướng (rūpa), đối ngại tưởng biến mất, và không tác ý đến những tưởng sai biệt. Với ý tưởng »Hư không là vô biên,« đạt Không vô biên xứ; 2. Định Thức vô biên xứ (識無邊處定; s: vijñānanantyāyatana, p: viññāṇañcāyata-na): vượt khỏi Không vô biên xứ, đạt Thức vô biên xứ với ý niệm »Thức là vô biên«; 3. Định Vô sở hữu xứ (無所有處; s: ākiṃ-canyāyatana, p: ākiñcaññāyatana): hoàn toàn vượt khỏi Thức vô biên xứ, đạt Vô sở hữu xứ với ý niệm »Vô sở hữu.« Lìa được trạng thái không quán, thức quán và tâm sở hữu; 4. Định Phi tưởng, phi phi tưởng xứ (非想非非想處定; s: naivasaṃjñā-nāsaṃjñā-yatana, p: nevasaññā-nāsaññāyatana): hoàn toàn vượt khỏi Vô sở hữu xứ, trú tại Phi tưởng, phi phi tưởng xứ.

Bốn định của vô sắc giới (無色界定; s, p: arūpasamādhi) này có thể được Phật thu thập từ truyền thống thiền của Ấn Độ trước đó và sau được hợp lại với Tứ thiền trở thành Bát định. (Tự điển Đào Uyển)

[7] Xem chú thích # 40.

[8] Sở tri 所知:Cái biết; điều nhận thức được; điều sẽ được biết; điều nên phải biết, đối tượng của cái biết (s: jñeya). Sự chướng ngại của lý trí, còn gọi là “ tri chướng”, chướng ngại của nhận thức, còn gọi là “trí chướng”(智障 s: jñeya-āvaraṇa). Đây là người chướng ngại vi tế của nhận thức, chủ yếu căn cứ vào thiếu sự thâm nhập vào nguyên lý tính không về sự cấu thành các pháp. Trong thuật ngữ thông dụng, nó có nghĩa là bị chướng ngại giải thoát không gì khác hơn là do tri kiến , do thói quen trong cách nhìn của chính mình. Nghĩa là, ta cứ nghĩ điều ta biết là đúng, chính điều ấy đã ngăn không cho ta được giác ngộ. Là khái niệm thường gặp trong các kinh văn của Du-già hành tông như Du-già sư địa luận, Nhiếp Đại thừa luận,v.v..., và cũng có thể gặp trong các kinh luận được phát triển ở Đông Nam Á sau nầy như Luận Đại thừa khởi tín và Kinh Viên Giác. Chướng ngại nầy được trình bày là đi cùng với phiền não chướng (Nhị chướng) là nghiệp chướng do tập khí ái nhiễm. Trong khi phiền não chướng hầu như có thể trừ diệt bằng pháp tu quán chiếu của hàng Nhị thừa, thì sở tri chướng vi tế chỉ có thể được trừ sạch bằng tu tập từ bi và trí tuệ của hàng bồ-tát. Thường được gọi chung là “nhị chướng”.

[9] “Vô sư tụ chứng ngộ, bất do thứ đệ hành”, xin đọc Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa, Daniel B. Stevenson & Hiroshi Kanno biên soạn, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm phiên dịch, nxb Phương Đông, 2012; thuvienhoasen.org; ghi âm trên Youtube.

[10]趙州從諗 778-897;Thiền sư Trung Quốc, môn đệ thượng thủ của Nam Tuyền Phổ Nguyện.

[11] Thiền sư Nghĩa Tồn Tuyết Phong sanh năm 822 tại Tuyền Châu (bây giờ thuộc tỉnh Phúc Kiến). Năm mười hai tuổi sư đến ở chùa và xuất gia năm 17 tuổi.

[12] Xem chú giải tiểu sử trong Lời Vàng II

[13] Xem chú giải tiểu sử trong Lời Vàng II

[14] (寂照) Nghĩa là vắng lặng (tịch)và chiếu soi (chiếu). Bản thể của trí là rỗng lặng, có tác dụng chiếu soi, tức là đương thể của tọa thiền, chỉ quán. Đại thừa vô sinh phương tiện môn (Đại 85, 1274 trung) nói: Vắng lặng (tịch) mà thường có tác dụng, có tác dụng mà thường vắng lặng; tức tác dụng tức vắng lặng, lìa tướng là vắng lặng, vắng lặng chiếu soi chiếu soi vắng lặng.Vắng lặng mà chiếu soi thì từ tính mà khởi tướng; chiếu soi mà vắng lặng thì nhiếp tướng về tính. (Từ điển Phật Quang )

[15] Đức Phật Thích Ca tự thuyết kinh A Di Đà.

[16] Thiền tông lấy thuyết Tâm tịnh Phật độ tịnh của kinh Duy ma làm căn cứ, cho rằng nếu thấy rõ tâm tính thì tức tâm tức Phật, chỗ sáng suốt của tâm mình tức là Tịnh độ, gọi là Duy tâm tịnh độ. (Từ điển Phật Quang)

[17] Xin xem chú thích # 42.

[18] Thiền Tịnh Tứ Liệu Giản:

Có Thiền, không Tịnh Độ

Mười người, chín chần chừ

Nếu ấm cảnh hiện tiền.

Chớp mắt đi theo nó.

Không Thiền, có Tịnh Độ

Vạn người tu, vạn đỗ

Chỉ được thấy Di Đà

Lo chi chẳng khai ngộ.

Có Thiền, có Tịnh Độ

Khác nào hổ thêm sừng

Đời này làm thầy người

Đời sau thành Phật, Tổ.

Không Thiền, không Tịnh Độ

Giường sắt và cột đồng

Muôn kiếp với ngàn đời

Trọn không ai nương dựa.

[19] Tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa. Tổng trì tất cả pháp nghĩa, chẳng thiếu sót một pháp một nghĩa.

[20] Thiền Tịnh song tu.

[21] Vô sinh pháp nhẫn.

[22] (一生補處) Phạm: Eka-jàti-pratibadha. Cũng gọi Nhất sinh sở hệ. Gọi tắt: Bổ xứ. Người sinh ra 1 lần cuối cùng ở nhân gian để thành Phật. Bổ xứ là chỉ cho địa vị tối cao của Bồ tát, tức là bồ tát Đẳng giác. Hiện nay, bồ tát Di lặc thường được gọi là Bồ tát Nhất sinh bổ xứ. Cứ theo kinh Di lặc thướng sinh, bồ tát Di lặc hiện đang ở trên cung trời Đâu suất, đợi hết đời này thì sinh xuống nhân gian lần cuối cùng để tu hành thành Phật, nối sau đức Phật Thích ca. Nhất sinh bổ xứ còn được gọi là Nhất sinh sở hệ, nghĩa là vị Bồ tát này chỉ còn bị trói buộc(hệ)1 đời này nữa trong thế giới mê muội, rồi đời sau sẽ thành Phật. Ngoài ra, theo Vô lượng thọ kinh kí quyển thượng, Bồ tát Nhất sinh bổ xứ được chia làm 4 cấp bậc: 1. Bồ tát an trụ ở chính định. 2. Bồ tát tiếp cận Phật địa. 3. Bồ tát trụ ở cung trời Đâu suất. 4. Từ trời Đâu suất sinh xuống nhân gian tu hành thành Phật. [X. phẩm Thập địa trong kinh Bồ tát bản nghiệp; phẩm Cụ duyên chân ngôn trong kinh Đại nhật; Di lặc thướng sinh kinh tông yếu]. (Từ điển Phật Quang)

[23] Xin xem Thiên Thai Tư Giáo Nghi, Sa môn Đế Quán biên soạn, BS Trần văn Nghĩa và Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm phiên dịch và tường chú, nxb Hồng Đức, 2015; thuvienhoasen.org; ghi âm Youtube.

[24] Xin xem Tứ Liệu Giản, chú thích # 57.

[25] Cảnh thân Trung ấm.

[26] Xin xem Tứ Liệu Giản, chú thích # 57.

[27] (分段生死): Phật Giáo chia sanh tử của chúng sanh làm 2 loại: Phần Đoạn Sanh Tử và Biến Dị Sanh Tử (變異生死). Phần Đoạn Sanh Tử, còn gọi là Phần Đoạn Tử (分段死), Hữu Vi Sanh Tử (有爲生死), đối xưng với Biến Dị Sanh Tử, tức chỉ chúng sanh mỗi đời quả báo chiêu cảm không giống nhau, cho nên hình tướng, thọ mạng cũng khác nhau; đó được gọi là Phần Đoạn Thân (分段身). Sau khi thọ thân này, tất phải có một lần kết thúc sinh mạng, vì vậy có tên là Phần Đoạn Sanh Tử. (Phật học Tinh tuyển )

[28] Sau này dịch là Uẩn.

[29] Xin xem Tứ Liệu Giản, chú thích # 57.

[30] Pháp Bảo Đàn Kinh.

[31] Trong vòng sinh tử, nhập thai, xuất thai mẹ.

[32] Xin xem đồ biểu 17, ở cuối bản dịch, bảng tóm tắt và phân loại các Chướng và Hoặc trong “Tứ Giáo Nghi, Sa môn Đế Quán biên soạn, BS Trần văn Nghĩa và Từ Hoa Nhật Tuệ Tâm phiên dịch và tường chú, nxb Hồng Đức, tháng 6, 2015.

[33] Nam nữ xuất gia và cư sĩ tại gia trong các cõi trời người.

[34] Bốn pháp giới (四法界 dharmadhātus) do các bậc đạo sư tông Hoa nghiêm chủ trương; 1. Sự pháp giới; 2. Lý pháp giới; 3. Lý sự vô ngại pháp giới; 4. Sự sự vô ngại pháp giới.

[35] Kinh Hoa Nghiêm, Tâm, Phật, Chúng Sinh, cả ba không khác.

[36] Lấy trên bổn tánh làm nhân địa tu hành.

[37] Chân Đế: Chân lý tuyệt đối, Tục Đế: Chân lý của thế giới hiện tượng.

[38] Chân đế và Tục đế