Chương ba
Bằng Chứng của Luân Hồi
Người Tây Phương sống trong một xã hội không có thiện cảm với thuyết luân hồi, vì vậy những lời dạy được xem là của Đức Phật khó có thể làm cho họ tiếp nhận, nếu không có bằng chứng, chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Phật dạy như vậy vì trong thời đại của ngài người ta tin vào thuyết luân hồi, nhưng thật ra ngài dùng thuyết luân hồi như một ẩn dụ. Tuy nhiên có thể chúng ta không nghĩ như vậy sau khi đọc vài cuốn sách nghiên cứu về thuyết luân hồi ở Đông Phương cũng như Tây Phương của Joseph Head và S.L. Cranston, nhưng dù sao những ý kiến đáng tin tưởng và phổ quát cũng không đủ.
Các học giả PG Ấn Độ thời trung cổ và sau đó là các học giả Tây Tạng đã cống hiến nhiều cho việc cung cấp những bằng chứng về luân hồi, giảithoát và những triết thuyết khác của PG. Nhưng ở đây chúng ta gặp phải một trong những điểm khác biệt chính giữa nền văn minh của họ và nền văn minh của Tây Phương: Tây Phương vốn được xem là cấp tiến đã không còn tin vào lý luận nữa. Phái Ngụy Biện (Sophists) ở Hy Lạp thời xưa đã dùng lý luận để thiết lập chủ nghĩa Hư Vô (Nihilism) và những chủ nghĩa khác. Thời trung cổ các học giả dùng lý luận để thiết lập sự hiện hữu của Thượng Đế, và bây giờ “Ngụy biện: và “Triết học kinh viện” (Scholasticism) là những từ ngữ được dùng để chê bai. Edward Conze, là người chính yếu phổ biến Kinh Bát Nhã (Prajna-paramita sutra) ở Tây Phương và là người không ưa gì khoa học, đã nói: “ Tôi không quan tâm nhiều đến lý luận, mà chỉ thích sự quan sát trực tiếp” (I have never paid much attention to logical reasoning, but prefer direct observation). Bất cứ nhà khoa học nào cũng phải đồng ý với quan điểm này. Immanuel Kant cũng nói: “ Biết sự vật chỉ bằng kiến thức suông hay lý luận suông thì như vậy là ảo tưởng. Chỉ ở trong kinh nghiệm bản thân mới có sự thật”. Vậy trước khi tiếp cận sự “chứng minh” luân hồi bằng lý luận, chúng ta hãy xét bằng chứng của luân hồi qua quan sát trực tiếp.
Ở Tây Phương có rất nhiều sách viết về luân hồi, và số lượng mỗi lúc mỗi tăng. Ở đây tôi chỉ có thể sơ lược về những loại bằng chứng có thể tìm thấy. Quý độc giả có thể xem các nguồn tài liệu nguyên thủy để biết tất cả những chi tiết vốn không thể thiếu cho việc thiết lập niềm tin vào thuyết luân hồi.
Người ta có thể nhớ lại kiếp trước của mình, hoặc được một người khác nói cho họ biết về kiếp trước của mình. Nếu nhớ lại kiếp trước của mình thì đó có thể là sự nhớ lại một cách tự nhiên, không qua tu luyện, hoặc nhớ lại do đã tu hành trong kiếp này hay kiếp trước, hoặc nhớ lại khi được thôi miên. Trong tất cả những trường hợp này, sự nhớ lại kiếp trước của mình trong khi được thôi miên cũng không nhất thiết tin vào luân hồi. Trong trường hợp nhớ lại bằng thôi miên, người ta thường nghĩ “chắc chắn mình đã dựng lên cái vụ kiếp trước này”.
1/ Nhớ lại kiếp trước của mình
a/ Nhớ lại tự nhiên: sự nhớ lại tự nhiên thường là sự nhớ lại của một đứa trẻ về kiếp ngay trước kiếp hiện tại của nó, và thường là về cái chết của nó trong kiếp đó trước khi tái sinh trong kiếp này. Sự nhớ lại tự nhiên không phải là hiếm có. Thông thường một đứa trẻ nói về kiếp trước của mình sẽ được người lớn bảo là không nên nói đến những điều này, đặc biệt là đối với những đứa trẻ ở Tây Phương. Chắc chắn các bà mẹ không muốn nghe đứa con của mình cứ nói đến những chuyện đi về “nhà”, gia đình cũ trong kiếp trước của nó. Có thể nó còn nói: “ mẹ kiếp trước của con tốt hơn mẹ bây giờ”.
Trong trường hợp nhớ lại tự nhiên, kiếp trước thường rất gần kiếp hiện tại, vì vậy rất có thể có những người trong kiếp đó còn sống và còn nhớ đến đương sự. Trong những trường hợp này người ta có thể kiểm chứng với nhiều bằng chứng vững chắc.
Có thể đứa trẻ nói nhiều chi tiết về gia đình cũ của mình, thường ở không xa gia đình hiện tại của nó và gia đình kiếp này không biết gia đình kiếp trước, nhưng sự việc có thể được chứng minh bằng cách viếng thăm chỗ ở kiếp trước của những đứa trẻ. Nếu có một cuộc thăm viếng như thế (mà đứa trẻ thường rất muốn), nó sẽ nhận ra những nơi chốn, những ngôi nhà và những người đã quen biết nó trong kiếp trước. Nó cũng nhận biết những vật sở hữu trước kia của mình, hỏi về những đồ vật bị thiếu, hỏi về những người quen cũ và hỏi về những điều khác. Những chuyện riêng tư mà nó biết sẽ làm cho người vợ kiếp trước của nó (nếu có) tin rằng nó chính là người chồng quá cố. Có thể nó sẽ nói về những món nợ lúc nó qua đời, kể cả những món nợ mà người thân trong kiếp trước hiện còn sống của nó không biết tới, và sau đó có thể xác nhận. Nếu kiếp trước nó đã chết vì bị người khác giết (do đó có nhiều khả năng mau tái sinh và nhớ lại một cách tự nhiên) nó có thể nói về kẻ sát nhân và những chi tiết có thể được kiểm chứng với hồ sơ cảnh sát và các nhân chứng.
Một đứa trẻ nói rằng kiếp trước của mình đã sống ở xứ khác thường biểu lộ những đặc điểm về hành vi, những sự ưa thích về món ăn..v.v… đặc biệt ở xứ đó. Nó có thể phô diễn những tài năng mà trong kiếp hiện tại đã không có cơ hội để học, thí dụ như nói một thứ ngôn ngữ xa lạ đối với tất cả những người trong cộng đồng hiện tại của nó, hoặc có thể trình diễn những vũ điệu rất phức tạp của Ấn Độ, phù hợp với sự kiện nó nói rằng kiếp trước mình là một vũ công Ấn Độ.
Có thể có những bằng chứng khác hỗ trợ cho lời nói của đứa trẻ. Nếu người mẹ kiếp này đã quen biết nó trong kiếp trước, rất có thể bà ta đã có một giấc mộng hay hình ảnh báo trước nó sẽ gặp lại bà trong kiếp này. Cũng có thể có một người nào khác nằm mộng thấy điều này. Đứa trẻ có thể có những dấu vết trên người như những vết bớt, những nốt ruồi đỏ, giống và ở cùng chỗ với những vết thương gây ra cái chết của nó trong kiếp trước, hoặc tái xuất hiện một dấu hiệu mà người ta đã áp đặt lên thân thể kiếp trước của nó để có thể nhận ra nó trong trường hợp nó tái sinh trở lại trong một gia đình đó. Có đến ba trăm trường hợp được khảo sát có những dấu vết như vậy hoặc những khuyết tật bẩm sinh.
Khoảng một ngàn sáu trăm trường hợp nhớ lại tự nhiên ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, kể cả hai trăm bốn mươi mốt trường hợp ở Châu Âu, đã được Bác sĩ Ian Stevenson thuộc Đại học Virginia khảo sát tường tận. Công trình này cung cấp bằng chứng khoa học mạnh mẽ nhất về luân hồi mà chúng ta đã có. Bất cứ người nào có đầu óc khoa học vẫn còn nghi ngờ về luân hồi nên đọc những cuốn sách viết về công trình này. Những thí dụ về các loại bằng chứng nói trên được lấy từ cuốn sách của Franci Story, một Phật tử người Anh, đã cộng tác với Bác sĩ Ian Stevenson ở Tích Lan, Thái Lan và Ấn Độ. Cuốn sách này đã thuyết phục tôi rằng thuyết duy vật (materialist) chối bỏ luân hồi là sai lầm.
Một số hiện tượng này liên quan đến các tu sĩ PG Tây Tạng cao cấp hay các vị Lạt Ma hóa thân cũng đã được viết tới, nhưng không có sự khảo sát bởi những người được đào tạo một cách khoa học. Có một điều mà người Tây Phương có thể công nhận, đó là sự thông minh sớm của các “Rinpoche” (danh xưng đặc biệt dành để gọi các em bé được thừa nhận là tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng) trẻ tuổi, một đặc điểm cũng được ghi nhận trong nhiều trường hợp mà Stevenson và Story đã khảo sát.
b/ Nhớ lại qua tu tập:
Nhớ lại qua tu tập có thể xảy ra do thực hành thiền định trong kiếp hiện tại. Như đã nói ở trên, theo lời Phật dạy, người ta có thể đạt đến trí tuệ nhớ lại kiếp trước do tu thiền định cho đến khi nào đạt đến trạng thái định (Samatha) gồm chín cấp, rồi tiếp tục đạt đến bốn thiền (dhyana). Sự nhớ lại này có thể diễn ra sau nhiều năm tinh tấn tu tập trong điều kiện yên tĩnh và cô tịch, là điều kiện mà thế giới Tây Phương đã bị ma vương (mara) tước bỏ gần hết. Một hành giả đạt được loại khả năng tâm linh này cũng có những quyền năng khác như khinh thân, tàng hình, phân thân và đi xuyên qua tường hay núi (xem Vinaya-vastu), không cần phải nói là những thần thông này ngày nay hiếm có. Trước khi tu thiền định, hành giả phải thực hành các pháp môn căn bản theo thứ tự trước sau mà PG Tây Tạng gọi là“ Lam rim”. Khi thực hành những pháp môn căn bản này hành giả cũng cần phải xác lập niềm tin về luân hồi, nhân quả và các giáo lý khác. Như vậy đây không phải là cách để những người nghi ngờ bị thuyết phục là mình đã sống trong những kiếp trước.
Tiến sĩ John Lilly, một khoa học gia người Mỹ, nói rằng mình đã đạt quyền năng nhớ lại kiếp trước trong khi thám hiểm những trạng thái tâm thức, nhưng có lẽ ông không xem điều này là quan trọng, và không nói thêm chi tiết. Kỹ thuật của ông gồm cả việc dùng một cái thùng biệt lập được thiết kế đặc biệt để loại bỏ những sự kích thích giác quan thông thường. Nếu người Tây Phương muốn tu thiền thì họ nên tìm một dụng cụ như vậy.
Có rất ít người chỉ cần tu tập một chút mà cũng được đạt được khả năng nhớ lại kiếp trước với nhiều chi tiết mà ở Anh Quốc người ta gọi là “ ký ức xa” (far memory). Khả năng rất khác so với sự nhớ lại tự nhiên đã nói ở phần trên, vì những kiếp được nhớ lại xa hơn rất nhiều, khả năng này chỉ có được trong tuổi trưởng thành, và sự nhớ lại gồm cả nhớ lại là mình đã từng tu tập tương xứng với khả năng ký ức xa xôi trong nhiều kiếp trước. Một thí dụ nổi tiếng là Joan Grant, người đã nhớ lại là mình từng tu luyện mười năm để phát triển ký ức xa khi bà là Công chúa Sekeeta thuộc triều đại thứ nhất của xứ Ai Cập ( khoảng năm trăm trước Tây lịch), và với kết quả lâu dài là trong kiếp hiện tại bà vẫn giữ được khả năng đó cùng với những quyền năng tâm linh khác. Bà kể lại mấy kiếp trước của mình với hình thức tiểu thuyết trong một loạt sách. Những cuốn mà tôi đã tìm được (đặc biệt là cuốn đầu tiên nói về kiếp trước của bà như công chúa Sekeeta), có đầy đủ những hình ảnh trong sáng và rõ rệt, mỗi chi tiết sinh hoạt hằng ngày, thí dụ như một trò chơi của trẻ em, đều sống động và vui tươi. Các nhà Ai Cập học nhận thấy những chi tiết này chính xác một cách kỳ lạ. Nếu những cuốn sách này là kết quả của việc nghiên cứu lịch sử một cách tỉ mỉ thì họ cũng công nhận tác giả là một người có sự thông hiểu rất sâu xa. Nhưng thật ra nội dung của những tập sách này bà đã được đọc cho người ta ghi lại trong một loạt trạng thái xuất thần và với những chi tiết rời rạc mà tác giả không thể kiểm soát được thứ tự, nhưng được ráp lại với nhau một cách hoàn hảo khi nội dung được biên soạn. Trong một loạt kiếp trước ở Ai Cập, bà sinh ra trong hoàng gia và quý tộc, có khi là đàn ông, có khi là đàn bà. Những kiếp này hoàn toàn phù hợp với kiếp hiện tại của bà là tiếp tục làm việc cho người khác, như vậy chắc chắn không phải là hạng người mơ mộng, tự bịa ra kiếp trước của mình. Trong kiếp hiện tại bà làm việc ở Luân Đôn với chồng là bác sĩ Denys Kelsey, một nhà tâm bệnh học, điều trị những người bị bệnh tâm lý có nguyên nhân từ kiếp trước.
Một trường hợp nhớ lại kiếp trước xa xôi khác là Elisabeth Haich, hướng dẫn môn Yoga, cũng từng tu luyện như công chúa trong kiếp trước ở Ai Cập, nhưng với một cách rất khác. Theo lời bà thì rất có thể đặc điểm di truyền của hoàng tộc Ai Cập trong thời kỳ đầu, ngoài những đặc điểm thân thể được nhận thấy trên những bức tượng và những xác ướp của họ, cũng đặc biệt thích hợp cho việc tu tập. Chúng ta sẽ trở lại trường hợp trong chương sáu.
Các tác giả khác cũng nói rằng họ đã viết sách bằng ký ức xa. Cuốn sách độc nhất mà tôi đã đọc là “ Hoang đảo” (The desert island) của Guirdham, có bối cảnh là Hy Lạp trong khoảng năm 1300 trước Tây lịch. Nếu được để riêng ra thì cuốn này không thể thuyết phục được, người ta nghi ngờ rằng nó không được soạn từ những tài liệu lịch sử có sẵn và từ tưởng tượng. Có lẽ cuốn sách đáng tin cậy hơn khi được đọc cùng với những tác phẩm khác của tác giả.
Những tôn giáo ngoài PG có những phương pháp giúp cho những người tu tập sơ cấp cũng có thể nhớ lại những sự kiện xảy ra trong những kiếp trước gần với kiếp hiện tại. Swami Prajnanpal ơe Bengal đã dùng một kỹ thuật như vậy để giúp các đệ tử người Tây Phương của ông giải trừ những tập khí nặng nề có từ kiếp trước gây chướng ngại cho việc tu tập của họ. Điều này có phần giống như phân tích tâm lý, với một nhà trị liệu có khả năng và một đệ tử trong nhiều tiếng đồng hồ nỗ lực từ những cảm xúc hiện tại lùi về quá khứ để sống lại những khoảng thời gian đau khổ của người đệ tử cho đến khi chướng ngại phiền não chính yếu ẩn ở trong mỗi khoảng thời gian đó lộ ra và được giải trừ. Phương pháp này hiện đang được thực hành ở Pháp bởi các đệ tử của vị Swami này là Arnand Desjardins và Denise Desjardins. Cuốn sách của Denise Desjardins nói về hai mươi trường hợp ở Pháp, cho thấy kinh nghiệm sống trong những kiếp trước ảnh hưởng đến kiếp hiện tại của chúng ta như thế nào. Trong số tám mươi tám người đã trải qua tiến trình trị liệu này, bảy mươi ba người nhớ lại những kiếp trước, nhiều người trong số mười lăm người kia vẫn còn là những người sơ cơ.
Mục đích của công việc này không phải là cung cấp bằng chứng của luân hồi: không ra sức nhớ lại tên tuổi hay thời gian và không có nhiều cơ hội kiểm chứng qua hồ sơ lịch sử một sự kiện kiếp trước được nhớ lại nào. Tuy nhiên, khi viết về sự nhớ lại kiếp trước của mình, Denise Desjardins nói rằng cuộc gặp gỡ giữa bà và Sri Ma Anandamayi vào cuối kiếp trước của bà đã hai lần được ông này xác nhận trước các nhân chứng). Nhưng những kinh nghiệm nặng nề của kiếp hiện tại (thí dụ kinh nghiệm sinh ra đời) cũng như kiếp trước (thí dụ kinh nghiệm chết) được sống trở lại tương tự nhau, và người ta nhận thấy rằng kinh nghiệm sinh ra đời thường có thể được xác minh bởi cha mẹ của đương sự, còn kinh nghiệm chết thì có tầm quan trọng không kém về mặt cảm xúc đối với đương sự. Nếu sự kiện kiếp trước được nhớ lại chỉ là ảo tưởng thì tại sao đương sự lại cảm thấy nó quan trọng như vậy, tại sao sự kiện kiếp trước lại giải thích cá tính hiện tại của đươngsự một cách hợp lý như vậy, và tại sao công việc nhớ lại kiếp trước lại có kết quả ích lợi như vậy? Sự thật là người ta nhận thấy rằng kinh nghiệm sinh ra đời hay kinh nghiệm thời thơ ấu cũng có một sự nhớ lại kinh nghiệm kiếp trước và điều này gây ra hiệu ứng mạnh. Thí dụ một trẻ sơ sinh được đặt nằm trong nôi theo một kiểu cách mà nó không nhúc nhích được hai cánh tay, sẽ thấy điều này không thể chịu được, vì nó được đặt nằm trong lòng đất để chết. Thêm nữa, tại sao một ảo giác lại có vẻ thật như vậy và bền bỉ như vậy? Nếu đương sự chỉ diễn một màn đau đớn lúc chết tưởng tượng thì tại sao y lại trình diễn giống hệt nhau mỗi lần, giống như một cuốn phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần? Khi xét kỹ, người ta không thấy có cách nào để giải thích những hiện tượng này khác hơn luân hồi.
c. Nhớ lại bằng thôi miên lùi lại quá khứ:
Đây là phương pháp khảo sát kiếp trước được ứng dụng rộng rãi nhất và hiện đang cho những kết quả ngoạn mục. Phương pháp này bắt đầu được công luận chú ý tới vào năm 1956 khi Morey Bernstein, một doanh nhân người Mỹ và cũng là một nhà thôi miên (hypnotist), xuất bản cuốn “ The Search for Bridey Murphy” mà sau đó trở thành một cuốn sách bán chạy nhất. Sau khi đọc về những cuộc thí nghiệm của nhà tâm bệnh học ( psychiatrist) người Anh, Sir Alexander Cannon trong việc làm cho các đối tượng lùi lại quá khứ tới trước khi tái sinh ra trong kiếp này, Bernstein tự mình thí nghiệm với đối tượng tốt nhất của ông, và kết quả là người này nhớ lại kiếp trước mình là một người đàn bà Ái Nhĩ Lan trong thế kỷ mười chín. Cuốn sách của ông bao gồm những văn bản ghi lại những cuộc thôi miên, trình bày phương pháp này một cách rõ ràng. Nhiều chi tiết mà Bridey Murphy nói ra trong giấc ngủ thôi miên được kiểm chứng và nhận thấy là chính xác về mặt lịch sử, dù Bernstein chỉ là một người bình thường, không có tiếng tăm gì, và người ta không tìm thấy một hồ sơ đặc biệt nào về bà. Nữ tác giả Cerminara cũng viết về phản ứng của công luận và những điều xuyên tạc mà người ta đã dùng để hạ uy tín vụ này nhằm bảo vệ Ca Tô Giáo và phân tâm học chính thống.
Bây giờ thì việc lùi lại kiếp trước đã trở nên thông thường, được các nhà thôi miên trị liệu ứng dụng để giải quyết những vấn đề tâm lý. Khi được thôi miên và được yêu cầu đi trở về nguồn gốc của những vấn đề của họ, nhiều bệnh nhân đã trở về kiếp trước của mình. Những kỹ thuật được dùng khác nhau đáng kể. Kỹ thuật của Denys Kelsey và Joan Grant có vẻ cũng phức tạp như phương pháp của Desjardins và cũng có kết quả đáng chú ý. Edith Fiore là người tiêu biểu hơn vì bà làm cho phương pháp này nghe có vẻ dễ dàng và có lẽ bà cố gắng chỉ dùng phương pháp này một hai lần cho mỗi bệnh nhân. Vì mục đích của phương pháp trị liệu này là chữa cho bệnh nhân trong những trường hợp này có rất ít việc kiểm chứng Fiore cũng rút ra được hai điều biện luận giống như Desjardin, bênh vực cho sự thật của việc nhớ lại kiếp trước: điều thứ nhất là các đối tượng không thể có ý giả dối vì không ai có thể diễn xuất giỏi như vậy, và điều thứ hai là chứng bệnh thuyên giảm với sự lùi lại kiếp trước cũng như sự lùi lại một sự kiện trong kiếp hiện tại mà thường được các thân nhân xác nhận.
Người ta có thể dùng hai cách kiểm chứng những cuộc lùi lại kiếp trước vốn gần như luôn luôn ở ngoài tầm ký ức của những người còn sống, vì vậy không thể có phương pháp kiểm chứng dùng cho trường hợp nhớ lại tự nhiên. Cách thứ nhất là chọn những trường hợp cá nhân và tìm tài liệu lịch sử để xác nhận những chi tiết được nhớ lại. Cách thứ hai là dùng trắc nghiệm thống kê đối với một nhóm người.
Thời gian gần đây, đại đa số người (giống như Bridey Murphy) sống rồi chết mà không để lại một hồ sơ văn bản nào ghi nhận danh tánh của họ. Không có báo chí, truyền thanh, hay truyền hình, họ thường biết rất ít những gì đang xảy ra ở nơi khác. Vì vậy, để tìm một trường hợp có thể được xác nhận bằng lịch sử, người ta phải thôi miên nhiều đối tượng và thực hiện nhiều cuộc lùi lại kiếp trước để tìm một vài trường hợp đặc biệt có những thông tin có thể kiểm chứng được. Rất ít có cơ hội tìm được một người nào kiếp trước là một nhân vật lịch sử quan trọng. (Nhà nghiên cứu Helen Wambach tìm thấy một tổng thống Hoa Kỳ thuộc giữa thế kỷ mười chín, một sự may mắn hiếm có dù ở trong một nhóm một ngàn một trăm trường hợp. Nhưng tìm một người nào có liên hệ với một nhân vật quan trọng, thí dụ như một người hầu, thì dễ hơn. Nguyên tắc kiểm chứng (giống như trong những trường hợp ký ức xa) là: (1) tất cả thông tin do đối tượng được thôi miên cung cấp phù hợp với các nguồn tài liệu lịch sử, (2) một số thông tin được xác nhận bởi các tài liệu lịch sử, và (3) những thông tin được xác nhận đó có mức độ không rõ ràng đủ để cho thấy đối tượng rất có thể đã không học được những thông tin đó trong kiếp này. Nếu một đối tượng cung cấp một thông tin không được biết bởi các nhà nghiên cứu lịch sử về thời đại đó nhưng sau đó lại được xác nhận là đúng thì như vậy có thêm bằng chứng đối tượng đã không biết được thông tin đó qua các nguồn tài liệu thông thường. Tất nhiên những trường hợp may mắn như vậy là hiếm có, nhưng Jeffrey Iverson đã dùng cách này kiểm chứng một loạt những cuộc nhớ lại kiếp trước của các đối tượng của nhà thôi miên người Anh và đã tìm thấy một trường hợp đối tượng là một người Do Thái sống ở thành phố York ở Anh Quốc thời Trung cổ, trốn trong căn hầm của một nhà thờ trong một cuộc tàn sát, nhưng đã không thoát. Khi Iverson điều tra thì ngôi nhà thờ đó không có căn hầm nào cả, nhưng ít lâu sau người ta tình cờ khám phá ra căn hầm mà xưa kia đã được xây bít lại.
Cách thống kê chỉ mới trở nên thông dụng do có sự tiến bộ về kỹ thuật. Wamback đã phát triển một phương pháp rất có hiệu quả, trong đó đối tượng không cần phải nói gì trong giấc ngủ thôi miên, nhưng được yêu cầu nhớ lại tất cả một cách sống động và thảo luận về những điều này khi thức dậy. Phương pháp này làm cho việc lấy thông tin về kiếp trước được dễ dàng hơn đến mức bà có thể rút ra ký ức kiếp trước của chín mươi phần trăm đối tượng của mình, và thêm nữa, bằng cách yêu cầu các đối tượng điền vào một bản những câu hỏi, bà có thể làm việc với những nhóm đông đến năm mươi đối tượng hay hơn thay vì mỗi lần một đối tượng, và cũng bớt được công việc chép lại bằng ghi âm. Như vậy bà đã thu thập được 1088 bản tự thuật về kiếp trước của những người Mỹ hiện đại, gồm một loạt những khoảng thời gian trong bốn ngàn năm qua. Những bản tự thuật này gồm những câu trả lời cho những câu hỏi mẫu, thí dụ như giới tính của đối tượng trong kiếp trước, địa vị xã hội, xứ sở, màu da, tuổi thọ, nguyên nhân qua đời, loại thực phẩm được dùng, vật dụng, y phục,và những điều khác. Những câu hỏi này phải được lập lại từng chữ một với mỗi nhóm đối tượng, vì các đối tượng được thôi miên diễn dịch câu hỏi theo nghĩa đen, rất giống việc thay đổi dấu chấm câu trong một chương trình điện toán, một sự thay đổi có vẻ nhỏ trong việc dùng từ ngữ có thể gây ra thay đổi lớn trong câu trả lời. Những thống kê đạt được cho phép nhiều sự kiểm chứng mà trước đây không thể có được. Thí dụ, nếu không xét giới tính hiện tại thì sự phân phối giới tính trong những kiếp trước của các đối tượng hầu như đúng năm mươi phần trăm nam và năm mươi phần trăm nữ, và sự phân phối giai cấp (xét theo y phục mà các đối tượng đã mặc trong những kiếp trước) cho thấy rõ ràng là đa số những kiếp trước được nhớ lại thuộc đẳng cấp thấp và nghèo, còn số kiếp trước thuộc giai cấp cao thì ít tới mức đáng tin. Nếu sự nhớ lại kiếp trước chỉ là ảo tưởng thì có lẽ người ta sẽ thấy số kiếp trước là đàn ông và thuộc giai cấp cao nhiều hơn. Những dữ kiện khác được thu thập thì hầu như tất cả phù hợp với nhau trong khoảng thời gian, và có sự thật khi được so sánh với tài liệu lịch sử. Thí dụ, nhiều đối tượng nói rằng mình đã chết trong lúc tuổi còn nhỏ, điều này đáng tin vì nếu đây chỉ là bịa đặt và ảo tưởng thì họ đã không nói như vậy. Chúng ta có thể nói chắc rằng trong ảo tưởng sẽ có nhiều sự không phù hợp thời đại về y phục, thực phẩm và vật dụng. Người ta nhận thấy thực phẩm ở những thời kỳ quá khứ thường nghèo nàn. Sự lùi lại kiếp trước của các bệnh nhân đến với các nhà tâm lý trị liệu để giải tỏa những vấn đề sợ hãi và tính dục cho thấy số phần trăm cao của những cái chết vì bạo động và những vụ cưỡng hiếp tàn bạo, thí dụ như những trường hợp trong cuốn sách của Edith Fiore, những nhóm lùi lại quá khứ có tính chất tiêu biểu hơn này cho thấy chết vì bạo động chỉ có mười tám phần trăm. Một điểm đáng chú ý là biểu đồ những đối tượng người Mỹ ngày nay sống trong những thời kỳ quá khứ khác nhau, biểu đồ này phản chiếu tốt sự gia tăng dân số thế giới từ khoảng năm 500 Tây lịch trở đi. Điều này là một sự gợi ý quan trọng về giáo lý PG mà tôi sẽ xét ở phần dưới. Cuộc nghiên cứu này cũng quan tâm đến kinh nghiệm trong trạng thái trung gian, tức đời sống trong cõi trung giới, khá phù hợp với giáo lý tôn giáo.
Cuộc nghiên cứu của Wamback là một sự đột phá đầy ấn tượng và có thể đã có tầm ảnh hưởng rộng lớn, vì công việc này đã được lập lại ở những nước khác và đã được cải tiến. Nếu những kết quả của Wamback được xác nhận thì chắc chắn những dữ kiện như vậy sẽ được xem là có giá trị cho những mục đích khảo cổ học và lịch sử, và sẽ trình bày một bức tranh trọn vẹn hơn về lịch sử loài người. Những dân tộc đã suy vong không để lại dấu tích gì cho các nhà khảo cổ học nhưng vẫn tồn tại trong những ký ức này, và trong đó cũng có những kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy trong hàng ngàn năm bởi những bởi giống người ‘sơ khai’ và nền ‘văn minh’ của chúng ta đã tiêu diệt một cách vô ý thức, gồm cả một điều quan trọng là cảm giác sống trong những xã hội đó thực sự như thế nào. Đã có nhiều người chú ý đến sự biết về chính mình mà kỷ thuật thôi miên có thể mang lại. Người ta không cần phải có một khả năng đặc biệt nào để trở thành một nhà thôi miên tài tử, vì vậy chắc chắn việc sống lại kiếp trước sẽ trở nên phổ biến, và nhiều người sẽ thay đổi thái độ nghi ngờ của mình.
ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC NÓI CHO BIẾT VỀ KIẾP TRƯỚC CỦA MÌNH
Phần này có hai trường hợp: (1) người khác nhận ra mình là một người mà người đó đã quen biết trong kiếp trước, (2) một người khác có quyền năng tâm linh cảm nhận kiếp trước của mọi người, như đã nói trong chương 2. Trường hợp thứ nhất là trường hợp thông thường hơn.
1/ Nhận biết từ kiếp trước:
Việc này cũng thông thường như việc người ta nhớ lại kiếp trước của mình, vì những người đã gặp nhau trong kiếp trước thường gặp lại nhau trong kiếp này. Một cặp vợ chồng trong kiếp trước. Liên hệ cha mẹ với các con, liên hệ anh chị em, và liên hệ bạn bè cũng vậy. Có nhiều thí dụ trong tất cả nguồn tài liệu mà chúng ta có thể có, từ kinh sách tôn giáo cho đến những trường hợp thôi miên ngày nay. Trong cuộc nghiên cứu kiếp trước của bà, Helen Wambach cũng đặt một câu hỏi để các đối tượng cho biết là họ có nhận ra một người nào mà mình đã quen biết trong kiếp trước hay không? Nếu nhớ lại kiếp trước của mình bằng thôi miên hay bằng một cách nào khác, và nhận ra một người xa lạ trong kiếp này nhưng quen biết trong kiếp trước, chúng ta có thể nói cho người đó biết; nhưng không nhất thiết là người đó sẽ hiểu.
Một nhà tâm bệnh học người Anh, tiến sĩ Guirdham, được một bệnh nhân của mình là bà Smith nhận ra đã là người tình của bà ở Languedoc, nước Pháp, trong thế kỷ mười ba. Những mảnh ký ức xa của bà Smith thường xuất hiện trong những giấc mộng, cung cấp nhiều tên người, tên địa phương và những sự kiện đã xảy ra trong kiếp trước. Điều đáng chú ý nhất trong trường hợp này là mức độ của sự xác nhận lịch sử mà Guirdham đã tìm được. Dù bảy thế kỷ trôi qua, danh tánh của nhiều người vẫn còn được tìm thấy trong hồ sơ của Tòa Án Dị Giáo (Inquisition). Họ là những người Cathar dị giáo ở miền nam nước Pháp trong khoảng đầu thế kỷ mười ba và họ đã bị tra khảo và bị bỏ tù hay xử tử. Một sự kiện xuất hiện trong giấc mộng của Guirdham cũng như Smith trong mấy năm liền được nhận ra là vụ tàn sát do Toà Aùn Dị Giáo thi hành ở Avignonet vào ngày 28 tháng 5 năm 1242, và được viết rõ trong lịch sử. Một phần của sự thành công trong việc khảo cứu lịch sử này là do “các thực thể lìa thể xác” đã giúp cho Guirdham tìm đúng chỗ. Câu chuyện của Guirdham được mở rộng thêm với sự giúp đỡ của những người bạn có khả năng tâm linh của ông, của các thực thể lìa thể xác, tức các vong linh (thường là những người bạn cũ của ông, sau khi họ qua đời), và cũng do sự phục hồi khả năng ký ức của chính ông. Ông viết truyện này thành mấy cuốn sách, dựng lại hình ảnh của một nhóm hơn hai mươi người, trong số đó có những người đã tái sinh cùng với nhau trong ít nhất là bảy kiếp, chắc chắn là để làm công việc chữa bệnh và để truyền bá thuyết cho rằng có hai nguyên lý thiện và ác của phái Cathar. Có thể Guirdham là một nhà tâm lý trị liệu giỏi, nhưng sự trình bày lý thuyết Cathar của ông có ít tính chất thuyết phục đối với một người nói rằng mình là đệ tử ruột của Guildabert de Castres, vị thầy nổi tiếng nhất trong những vị thầy của phái Cathar, nói chuyện với vị này trong linh thị và viết sách theo lời yêu cầu của vị này. Trong cuốn “The desert island” của ông, vị nữ giáo sĩ, một trong những người thông thái nhất trong nhóm, nói rằng muốn biết cho mau kiếp trước của mình: “hầu như luôn luôn là tai họa” (is almost always a disaster) và “xé bỏ tấm màn ngăn cách chúng ta với quá khứ luôn luôn là điều xấu” (to tear at the curtains which divide us from the past is always evil). Những lời này cũng gây thắc mắc, vì theo những điều đã nói ở trên thì việc nhớ lại kiếp trước thường có nhiều ích lợi. Có những độc giả thấy khó tin những cuộc nghiên cứu phiêu lưu kỳ lạ mà Guirdham viết trong cuốn này. Cuốn “The Middle Way” của ông tổng kết những tác phẩm khác cũng không hẳn sẽ làm cho họ tin tưởng hơn.
2. Biết kiếp trước của người khác:
Khả năng này có vẻ hiếm hơn nhiều và cao hơn nhiều khả năng biết kiếp trước của mình. Người nổi tiếng nhất về khả năng này là Bác sĩ Edgar Cayce, sinh năm 1877 tại tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Phần tóm tắt sau đây về sự nghiệp của ông dựa trên hai cuốn “ Many Mansions” và “ The World Within” của Gina Cerminara mà bất cứ người nào quan tâm đến luân hồi cũng nên đọc.
Người ta nhận thấy Bác sĩ Edgar Caycecó khả năng thấu thị khám bệnh cho mình và cho người khác khi ông nhờ một nhà thôi miên khám bệnh cổ họng cho mình. Khi được thôi miên, ông có thể định bệnh và nói cách chữa trị bệnh của chính ông cũng như bệnh của người khác, với ngôn ngữ y học mà ở nước ngoài giấc ngủ thôi miên ông không hề biết. Những cuộc chữa bệnh này thường thành công, ngay cả khi bệnh nhân ở cách xa ông mấy trăm dặm, và ông đã chưa bao giờ gặp mà chỉ cần biết tên và địa chỉ của người đó, chẳng bao lâu sau đó, Cayce dành trọn cuộc đời mình cho việc chữa bệnh cứu khổ này. Điều đáng chú ý là trong khi nhiều bệnh tật được xem là có nguyên nhân vật chất, Cayce nói rằng có một số bệnh có nguyên nhân phát xuất từ nghiệp của những kiếp trước và người bệnh phải cố gắng tiêu trừ nghiệp |
chướng đó, thường là bằng cách tu thiện tích đức. Lần đầu tiên luân hồi và nhân quả được nói đến như vậy, đã làm cho chính ông ngạc nhiên khi thức dậy ông vẫn là người theo Ca Tô Giáo, nhưng vẫn tiếp tục công việc khi được thuyết phục rằng trong Thánh Kinh không có gì mâu thuẫn với luân hồi. Từ năm 1923 cho đến khi qua đời vào năm 1945, bác sĩ Cayce làm 2500 cuộc “soi kiếp” (life readings), trong đó người ta yêu cầu ông mô tả nghiệp lực tác động trong một cá nhân và những kiếp trước mà ở trong đó cá nhân đã tạo nghiệp. Những cuộc soi kiếp như vậy đối với các trẻ sơ sinh đã tiên tri chính xác cá tính và thiên hướng của chúng, vốn đã được tạo thành từ những kiếp trước. Những lời khuyên của ông trong giấc ngủ thôi miên đều có ích lợi khi người ta làm theo. Những cuộc soi kiếp của một cá nhân thực hiện cách nhau nhiều năm đều hoàn toàn khớp với nhau, kể cả những thông tin về thời gian và nơi chốn và cũng phù hợp với tài liệu lịch sử. Trong một số soi kiếp, Cayce cho biết rằng có thể tìm được những văn bản của kiếp trước, và quả nhiên người ta đã tìm được. Những cuộc soi kiếp bản thân của Cayce cho thấy trong một kiếp trước ông là một giáo sĩ cao cấp ở Ai Cập, có nhiều quyền năng tâm linh, nhưng đã phạm lỗi tự ý hành động và nhiều tham vọng. Trong kiếp hiện tại ông có cơ hội chuộc lại những sai lầm đó bằng việc giúp đỡ người khác một cách vô vị kỷ.
Nhiều thông tin trong những cuộc soi kiếp của Cayce có thể so sánh với những gì được biết qua sự lùi lại quá khứ bằng thôi miên của đối tượng, mà lại sâu xa hơn, vì Cayce có khả năng nhận biết trực tiếp về luân hồi và nhân quả. Những kiếp trước mà Cayce nói đến thường ở xa trong quá khứ hơn là những kiếp trước nói trong phương pháp chữa bệnh tâm lý bằng thôi miên. Hay được tìm thấy bởi những những người thực hành phương pháp của Desjardin và trong khi phương pháp thôi miên đối tượng cho thấy thói quen tâm lý, hay tập khí, tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác, nhưng cuộc soi kiếp của Cayce còn cho thấy nghiệp quả quy định những đặc điểm vật chất của thân thể, thí dụ như bị mù bẩm sinh. Có vẻ như những nghiệp quả loại này thường chỉ chín muồi sau hàng ngàn năm. Có một điều rõ ràng là khả năng nhận biết kiếp khác với khả năng nhận biết nghiệp quả, như đã nói ở Chương 2. Edgar Cayce nói rằng ông rút ra thông tin về kiếp trước không chỉ từ “vô thức” của đối tượng mà còn từ “hồ sơ Aksa” (tiếng Sanskrit “ Akasa” nghĩa là không gian, và là không đại trong năm đại: địa, thủy, hỏa, phong và không) hay “ký ức của thiên nhiên”. Như vậy có thể nói rằng một đối tượng thôi miên bình thường chỉ có thể đạt được ký ức của “vô thức”, và có lẽ Cayce là người đầu tiên sau khi Đức Phật cho biết rất có nhiều điều về luật nhân quả. Những văn bản ghi lại những cuộc soi kiếp của ông đáng được mọi người cũng như các tín đồ PG chú ý đến.
---o0o---