Giáo hội Phật giáo Nhất Tông đời Trần

29 Tháng Chín 20169:50 CH(Xem: 5295)
Giáo hội Phật giáo Nhất Tông đời Trần

Giáo hội Phật giáo Nhất Tông đời Trần

Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã thiết lập được mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông vào đời Trần, tức là “thời đại của một tông phái Phật giáo duy nhất”, với tôn chỉ hoạt động là thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động phục vụ cho Đạo pháp - Dân tộc.

Khi nhà Lý không còn thế đứng trên vũ đài chính trị nữa, thì việc vua Trần Thái Tông lên ngôi báu, khai sáng ra triều đại nhà Trần là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước bấy giờ. Một là thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ trong ý chí và hành động. Hai là trên dưới đồng lòng, cùng nhau xây dựng phát triển đất nước thịnh vượng và bảo vệ vững chắc các thành quả đạt được trước bất cứ thế lực nào.

Ngoài việc thực hiện trọn hai mục tiêu đề ra, Trần Thái Tông còn đặt cho mình một nhiệm vụ hết sức trọng đại cần phải được đề cập là ngài chủ trương đặt nền móng thống nhất các thiền phái hiện có như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, tiến đến sát nhập và hình thành dòng thiền Trúc Lâm duy nhất đời Trần.

Hay nói một cách chính xác và cụ thể, người khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông làm Đệ Nhất tổ, nhưng người có công đặt nền móng thiết lập cho Thiền phái phát triển và truyền thừa từ mô hình tổ chức cho đến nội dung tu tập hành trì, thể hiện bản sắc dân tộc là Trần Thái Tông. Sự kiện ra đời dòng Thiền này có ý nghĩa rất lớn, nó đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc là xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập tự chủ không chỉ được xác định trên cương thổ biên giới về địa lý mà còn độc lập tự chủ trên mọi phương diện lĩnh vực chính trị kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo.

Thế nên, dù trong cương vị là vị hoàng đế, hay Thái thượng hoàng, Thiền sư, Trần Thái Tông luôn khát khao thiết lập dòng thiền mới mang tính cách Đại Việt. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn không chỉ trong tổ chức chính trị nước nhà mà còn là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã thiết lập được mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông vào đời Trần, tức là “thời đại của một tông phái Phật giáo duy nhất” (1) , với tôn chỉ hoạt động là thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động phục vụ cho Đạo pháp - Dân tộc.

Theo Nguyễn Duy Hinh, mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông này ra đời dựa trên hai tiền đề xã hội và tôn giáo hình thành trong hoàn cảnh lịch sử của nước nhà. Về mặt xã hội, nhà Trần trong buổi đầu mới thành lập, công việc cấp bách thiết thực nhất đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo tối cao là xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất gồm 4 mục đích chính:

1. Thoát khỏi sự lệ thuộc chặt chẽ về ý thức hệ với nước ngoài để thanh toán hoàn toàn mọi cơ sở của nước xâm lược.

2. Làm cơ sở tư tưởng để thống nhất ý thức dân tộc về mặt chính trị nhằm củng cố sự thống nhất dân tộc thêm một bước nữa.

3. Làm công cụ thống nhất quyền lực vào chính quyền Trung ương, tức quy tụ vào họ Lý, họ Trần.

4. Làm phương tiện giải quyết các mâu thuẫn nội bộ dân tộc chủ yếu là giai cấp lãnh đạo và đông đảo quần chúng nhân dân nhằm duy trì một trật tự xã hội và cũng tức là duy trì ngai vàng của dòng họ.

Về mặt tôn giáo, nhà Trần phải lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cần phải thay đổi nội dung của các Thiền phái để đáp ứng các yêu cầu căn bản như đã nói trên. Vì thế, nhà Trần chủ trương lập ra một Thiền phái có nội dung tư tưởng độc lập, thể hiện đúng tinh thần bản sắc dân tộc hơn, hướng đến các mục tiêu sau:

1. Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập.

2. Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại quốc của các phái Thiền tông trong nước.

3. Vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo để nhằm thống nhất ý thức hệ. Không chịu trách nhiệm về sự khác biệt và đụng độ đã xảy ra trong lịch sử giữa các phái Thiền tông với nhau cũng như Thiền tông với các tín ngưỡng khác, do đó thu hút các tín ngưỡng khác.

4. Tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới - tuy rằng thực tế chỉ là một phái, với đầy đủ các yếu tố để thu phục quần chúng (2).

Thực tế, tư tưởng lập Thiền phái Trúc Lâm được manh nha từ khi Phật giáo chủ trương mới, nhập thế, tùy tục, tùy duyên nhưng bất biến để đáp ứng các yêu cầu lịch sử dân tộc đặt ra của một đất nước vừa độc lập và đang thực hiện thống nhất trên mọi phương diện.

Dưới ảnh hưởng và uy tín của nhà vua, vào thế kỷ thứ XIII, ba Thiền phái trên dần dần sát nhập thành Thiền phái Trúc Lâm duy nhất đời Trần. Và như thế mô hình Phật giáo Nhất Tông được thiết kế từ khi Trần Thái Tông lên ngôi, và phải đến thời Trần Nhân Tông thì mới đi vào hoạt động thực tiễn một cách mạnh mẽ.

Mô hình tổ chức Giáo hội này hoạt động như một tôn giáo mới ra đời mà theo các nhà nghiên cứu cho rằng một tôn giáo, đạo giáo hình thành phải đầy đủ các thành tố: Giáo chủ, tôn chỉ, hệ thống giáo lý, tín đồ - hình thức nghi lễ. Vấn đề là các thành tố đó vận hành như thế nào để có một lịch sử kế thừa lâu dài.

- Vị Giáo chủ

Tam Tổ thực lục ghi rằng Trần Nhân Tông ra đời như là một vị Phật gắn liền huyền sử, vừa sinh ra màu da như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Vai phải vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn (3).

Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận tương tự. Các dữ kiện đó nhằm chứng minh Trần Nhân Tông là một vị Phật Đại Việt. Từ khi xuất gia đến lúc ngộ đạo, hoằng hóa độ sanh, ông chẳng khác gì Phật Thích Ca. Trần Nhân Tông giã từ hoàng cung vào núi Yên Tử, tắm gội ở Ngự Dội lên ngồi dưới gốc tùng tư duy thiền định, bừng sáng trí tuệ.

Sau đó, Nhân Tông đã cùng hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang vân du thuyết pháp ở chùa Sùng Nghiêm, Siêu Loại. Sau khi viên tịch, xá lợi của Sơ tổ thờ ở tháp Huệ Quang, được tổ chức bằng một nghi lễ trang trọng với số lượng tín đồ rất đông, vừa đi vừa đọc kinh thể hiện niềm tin của Phật tử đối với vị giáo chủ.

Phật tử nước ta thời đó đã tôn xưng Trần Nhân Tông là Phật Biến Chiếu Tôn. Nhưng điều đáng nói Sơ tổ là “hiện thân của Phật Đại Việt với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt, khác với tông phái Thiền tông khác. Nó không phải là chi nhánh Phật giáo từ bên ngoài vào, nó bắt nguồn tại chỗ, tức từ một vị Phật đầu thai, thuyết pháp, giáo hóa cứu vớt chúng sinh” (4).

- Tôn chỉ Thiền phái

Tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm hẳn nhiên là kiến tính thành Phật như các Thiền phái khác. Điểm khác biệt là Thiền phái xuất phát từ nhận thức Phật tại tâm, do đó ai cũng có thể thành Phật ngay giữa cõi đời. Một chủ trương như thế, bất cứ ai cũng trở thành thành viên của Thiền phái để chuyển hóa thân tâm và đóng góp tích cực cho đời.

Đoàn Thị Thu Vân trong bài Tuệ Trung Thượng sĩ và Thiền phong đời Trần (5)  cho rằng tinh thần này thể hiện ở bài kệ kết thúc Cư Trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”(Cư trần vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm, Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền). Đây cũng là tôn chỉ của Sơ tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái được thể hiện qua bốn điểm:

1. Sống hòa mình với đời, không câu chấp.

2. Hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên.

3. Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực.

4. Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật. Để được như vậy, các nhà tư tưởng Thiền phái đã có quá trình hoạt động và đúc kết từ thực tiễn trong tiến trình hình thành tư tưởng Cư trần lạc đạo đi từ tùy tục của Thường Chiếu, rồi đến biện tâm của Trần Thái Tông chuyển qua hòa quang đồng trần của Thượng sĩ sau cùng là tùy duyên lạc đạo của Trần Nhân Tông.

Trần Nhân Tông đã chủ trương nhập thế tích cực như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái mà Cư trần lạc đạo phú ghi nhận: “Trần tục mà nên, phúc ấy  càng yêu hết tấc; Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”. Trúc Lâm khuyến cáo bất cứ ai sống giữa đời thế tục mà tạo ra phúc đức để độ mình độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật đáng trách.

Chính tư tưởng này làm cho lịch sử truyền thừa Thiền phái có dấu ấn lớn với những đại biểu xuất sắc thừa kế bao gồm tại gia và xuất gia sau này. Bản thân Trần Nhân Tông sau khi xuất gia và hóa đạo mà vẫn lo việc nước việc dân trong giai đoạn vua Trần Anh Tông trị vì. Bằng chứng sự kiện gả Công chúa Huyền Trân và sát nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào cương thổ Đại Việt đều có sự chỉ đạo của Tổ Trúc Lâm.

- Hệ thống giáo lý

Để tính nhập thế được vận dụng tích cực trong đời sống đạo nhằm tạo ra một đời sống hạnh phúc cho dân chúng, Trần Nhân Tông lại chủ trương xây dựng hệ thống giáo lý Thiền - Giáo song hành. Trong buổi lễ truyền trao y bát và ấn chứng cho Pháp Loa làm Đệ Nhị tổ kế thừa Thiền phái Trúc Lâm, Nhân Tông đã trao 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo, cùng một trăm hộp kinh điển ngoại thư và dặn dò phải mở rộng việc học nội điển như ngoại điển (6).

Chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm là đào tạo ra những mẫu người dân Phật tử kế thừa tông phong được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Đó là xây dựng và phát triển Đại Việt trở nên hùng cường thì Phật giáo mới hưng thịnh. Kinh nghiệm và truyền thống giáo dục Phật giáo là văn tư tu theo tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” rất thoáng mở, xem mọi kiến thức ở đời đều là Phật pháp từ lâu được vận dụng trong khuôn viên nhà chùa. Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn học mà con người cần học.

Chính lẽ đó mà khi nước nhà độc lập, vị vua Phật tử Lý Thánh Tông lập Văn Miếu 1070, rồi Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta vào năm 1076 để đào tạo con người phục vụ đất nước và đạo pháp. Về sau, Trần Thái Tông đã thẳng thắn phát biểu trong Thiền tông chỉ nam tự sự đào tạo và giảng dạy đó thực chất là “Phương tiện dẫn dụ những người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh” (7).

Một người Phật tử không chỉ thông thạo kinh điển nhà Phật mà còn phải học những môn khác nữa mới đủ tri thức vận dụng thực tiễn các nhu cầu con người đặt ra. Cũng trong Thiền tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông còn nói rõ “tắc tri ngã Phật chi giáo hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế dã” (như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời). Điều đó phản ánh chính văn hóa giáo dục của Đại Việt luôn ý thức sử dụng Nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích quốc gia và Phật giáo.

Việc Trần Nhân Nhân Tông trao cho Đệ Nhị tổ 100 hộp kinh sử ngoại điển cùng với 20 hộp nhỏ Đại tạng kinh và dặn dò mở rộng việc học bên trong và bên ngoài Phật giáo là nhằm thực hiện xã hội hóa giáo dục, nâng cao trình độ dân trí sau này. Nội dung học thuật chứa đựng trong 100 hộp ấy chắc chắn là chứa đựng nhiều kiến thức của các lĩnh vực được nhà Phật xếp vào kiến thức thuộc các môn học ngoại điển. Đây là tôn ý của Sơ tổ muốn Pháp Loa đủ kiến thức nội và ngoại điển để đào tạo ra những người thừa kế Thiền phái đủ sức gánh vác các Phật sự khác nhau của đạo cũng như đời. Nếu không, thì Phật giáo chỉ biết đào tạo cho xã hội những con người chuyên tu hành và làm các công việc khác xung quanh khuôn viên nhà chùa mà không tham gia hoạt động gì cả cho xã hội.

Với chủ trương như thế, trong thời gian Pháp Loa làm Đệ Nhị tổ, học thuật Phật giáo được chú trọng. Chú ý nhất là tháng 12, năm 1038, Pháp Loa kêu gọi tăng chúng và cư sĩ trích máu in Đại tạng kinh hơn 5.000 bản. Riêng bản thân Pháp Loa cũng nghiên cứu và sáng tác nhiều bản kinh thuộc hệ thống kinh điển Đại thừa như: Tham Thiền kỷ yếu, Kim Cương trùng Đà la ni kinh khoa chú, Niết Bàn đại kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Lăng Già tứ quyển khoa sớ, Bát Nhã tâm kinh khoa sớ, Hưng vương hộ quốc nghi quỹ, Pháp sự khoa văn và Độ môn trợ thành tập. Hẳn nhiên, Pháp Loa cũng là nhân vật được giới Phật giáo và các thành phần khác trong xã hội mời thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm.

Đây chính là một trong những điểm mạnh của Thiền phái, sau này Thích Thanh Từ trong một bài viết về “Nhận định những ưu khuyết của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” đã có ý kiến đánh giá rất cao về vấn này như sau: “Thiền phái Trúc Lâm không cực đoan như một số Thiền phái Trung Hoa. Những Thiền phái cực đoan cho rằng người tu thiền không được giảng học kinh điển vì lẽ làm tăng kiến giải, trở ngại ngộ đạo. Trái lại Thiền phái Trúc Lâm vừa tu thiền vừa học kinh điển” (8).

Như vậy, việc diễn giảng, học tập kinh điển đã được nâng lên thành một hệ thống giáo lý của Thiền phái. Trong đó kinh Hoa Nghiêm được các nhà khai sáng Thiền phái chú trọng, cụ thể Trần Nhân Tông đã có bài kệ đọc cho Bảo Phác trước lúc viên tịch mang nội dung tư tưởng kinh Hoa Nghiêm: “Nhất thiết pháp bất sinh, nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải, chư Phật thường hiện tiền”. (Tất cả các pháp không sinh, tất cả pháp không diệt. Nếu hiểu được như vậy, chư Phật thường hiện tiền).

Hoa Nghiêm là bản kinh Đại thừa, được Phật thuyết giảng sau khi mới thành đạo trong thời gian 21 ngày đêm “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật”, xuất phát từ Ấn Độ và có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam từ thời Lý - Trần trở về sau. Bản kinh không chỉ khái quát vũ trụ quan và nhân sinh quan mà còn phô diễn về một thế giới mầu nhiệm. Nó trình bày về thế giới duyên khởi của vạn pháp. Nghĩa là, mọi sự vật vũ trụ đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Trong đó, sự vật từ nhỏ cho đến lớn đều tác động qua lại lẫn nhau mà hình thành phát triển mà tồn tại. Bước vào thế giới Hoa Nghiêm là bước vào thế giới “Sự sự vô ngại pháp giới” được diễn trình qua 4 giai đoạn “Lý pháp giới, Sự pháp giới, Lý - Sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới”. Điều đó có nghĩa không ai có thể sống một mình mà không có mối liên hệ bên ngoài nào khác.

Theo nguyên lý này, bản kinh đã lý giải tại sao Thiện Tài Đồng Tử trải qua 53 lần tham vấn của mình trong cuộc hành trình tìm cầu chân lý. Nội dung tham vấn đã nêu lên vấn đề đời sống thế tục đến thế giới tâm linh mà con người chứng đạt trong lý Duyên khởi. Xuất phát từ sự nhận thức về tư tưởng Hoa Nghiêm như thế, tư tưởng Cư trần lạc đạo lại càng thêm sáng tỏ trong nhận thức người Phật tử, tạo thành một lối sống mới trong đời sống sinh hoạt Phật giáo Đại Việt. Nó trở thành lý thuyết giá trị có hệ thống giúp cho các nhà lãnh đạo quốc gia Đại Việt bấy giờ có một cái nhìn liên hệ tương quan tương duyên cùng nhau tồn tại và phát triển.

Kết quả, Thiền phái ra đời và thể nhập vào đời sống sinh hoạt chung cả dân tộc. Từ đây, Thiền phái này có một sự liên hệ chặt chẽ mọi thành phần trong xã hội, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân, với hào khí Đông A hào hùng trong lịch sử của dân tộc.

- Tín đồ - Nghi lễ truyền thừa

Chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo, số lượng tín đồ Phật tử trở thành thành viên Thiền phái Trúc Lâm đông đảo như vậy. Sở dĩ như vậy, là do Trần Nhân Tông trong cương vị đứng đầu Giáo hội đã luôn ý thức việc xây dựng nhân sự kế thừa để phát triển tổ chức bộ máy lãnh đạo điều hành Giáo hội.

Với nhãn quan của nhà Lãnh đạo, Tổ Trúc Lâm khi biết mình đã già yếu, đã tự tin truyền y bát cho Pháp Loa làm Đệ Nhị tổ và giao trọng trách lãnh đạo Tăng già vào năm 1307. Có thể nói Pháp Loa là người thừa kế vai trò lãnh đạo Giáo hội trẻ nhất trong lịch sử Phật giáo.

Sau khi lên ngôi lãnh đạo Tăng già, tháng 9, năm Quý Sửu (1313), “Thiền sư Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại đó, quy định mọi chức vụ Tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ Tăng tịch.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương” 9. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì do số lượng Tăng Ni đông quá, cứ mỗi lần tổ chức thọ giới thì phải thải ra hàng nghìn người; tuy vậy, “tính đến năm 1329, số Tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do Giáo hội Nhất Tông (Trúc Lâm) tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 vị”. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều là những vị thầy có đệ tử với con số hàng nghìn người được quy y, thụ Bồ tát giới tại gia hay xuất gia. Pháp Loa là người chủ trương phát triển Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm có tổ chức hệ thống quy củ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Số lượng xuất gia này là đã có sự hạn chế, ba năm mới tổ chức một lần, mỗi giới đàn chỉ giới hạn 3.000 Tăng Ni. Những vị đệ tử xuất sắc của Pháp Loa là Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoằng Tế, Huyền Giác, Quế Đường, Cảnh Ngung… Các nghi lễ truyền thọ Tỳ kheo, Bồ tát, Tam quy Ngũ giới cho các vị Hoàng tộc, Phật tử tại gia được tổ chức thường xuyên. Các buổi khóa niệm cầu an, cầu siêu chẩn tế cũng được tổ chức, gọi là “Diệm khẩu thí pháp hội”, có nghĩa là đại hội Phật pháp để bố thí cho loài quỷ đói. Pháp này bày ra để thực hiện giáo nghĩa từ bi, lợi lạc quần sinh.

Năm 1320, Pháp Loa tổ chức trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ Minh trong cung để cầu cho Thượng hoàng Anh Tông sống trường thọ. Việc biên soạn khoa nghi Du già, Phật giáo pháp sự đạo tràng công cách thức ấn hành vào năm 1299 là nhằm mục đích thu hút tín đồ tham gia học đạo. Các cuộc đại tham về thiền thường xuyên được tổ chức theo một nghi thức trang trọng. Mở đầu là phần niệm hương, kế đó là thiền sư đăng tòa, có lời sách tấn và sau đó trả lời các câu hỏi của các thiền sinh.

Việc xây chùa, đúc tượng phục vụ cho việc hoằng pháp qua các Phật sự như nghi lễ thiền giáo, thuyết pháp được chú trọng. Có thể nói từ khi tổ chức Giáo hội Nhất Tông này chính thức đi vào hoạt động trở về sau thì  Phật giáo Việt Nam bấy giờ đã trở thành lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trợ cho triều đại nhà Trần với kỳ tích 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông và thiết lập một nền độc lập hòa bình cho cả dân tộc.

Sau đời Trần, Phật giáo Việt Nam tiếp tục song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay tiếp tục thừa kế truyền thống và phát huy sức mạnh nội tại “thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động” để cùng dân tộc Việt Nam xây dựng một đời sống hạnh phúc an lành và thịnh vượng.

--------------------------------------------------------------------------------
1 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Lá bối, Sài Gòn, 1974, tr.217.
 2 Nhiều tác giả, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, NXB.HN, 1981, tr.648-650.
 3 Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch, Viện NCPHVN, 1995, tr.33.
 4 Nhiều tác giả, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, NXB.KHXH, HN, 1981, tr.655.
 5 Nhiều tác giả, Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, TTNC Hán Nôm - Viện KHXH, 1993, tr.24.
 6 Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch, Viện NCPHVN, 1995, tr.40-41.
 7 Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, NXB.KHXH, HN,1989, tr.26.
 8 Nhiều tác giả, Thiền học đời Trần, Viện NCPHVN, 1995, tr.212.
 9 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Lá bối, Sài Gòn, 1974, tr.406.

Theo: Giác Ngộ