Hình ảnh ngôi chùa trong văn chương Nam Bộ
Chùa Viên Minh, Bến Tre |
Ngôi chùa trong ca dao, dân ca
Trước hết, cũng giống như trong ca dao, dân ca Bắc Bộ, trong ca dao, dân ca Nam Bộ, hình ảnh ngôi chùa thường gắn liền với sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng:
Dù có đi đâu về đâu
Tháng giêng hai chín nhớ câu hội về
Trà Ôn - Phước Hậu chùa quê
Dâng hương tưởng nguyện niệm lời kinh tâm.
Khác với lễ hội chùa Bắc Bộ, lễ hội chùa Nam Bộ thường thiên về phần lễ hơn, do đó mới có việc người tham gia lễ hội về chùa “Dâng hương tưởng nguyện niệm lời kinh tâm”. “Kinh tâm” là kinh lòng, là trái tim của Phật giáo. “Niệm lời kinh tâm” là nhớ nghĩ đến bản chất, những điều cốt yếu của Phật giáo. Điều đó cho thấy, đến với lễ hội chùa Nam Bộ, trước hết là đến với các buổi lễ mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng hơn là đến để vui chơi, thưởng lãm danh thắng như các lễ hội chùa ở các vùng miền khác trong cả nước.
Ngoài việc gắn liền với lễ hội, hình ảnh ngôi chùa ở Nam Bộ còn gắn liền với đời sống lứa đôi, trai gái:
Tay bưng quả nếp vô chùa
Lâm râm lạy Phật xin bùa em đeo.
Người Nam Bộ xưa vốn bản tính thiết thực, họ đến chùa không phải để tìm hiểu giáo lý cao siêu, không cầu mong sự giải thoát xa vời mà chỉ cầu mong những gì liên hệ trực tiếp và thiết thực nhất đối với đời sống của mình. Do đó, việc đến chùa "xin bùa" là một việc làm phản ánh tính thiết thực ấy của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên, trong văn thơ, nhất là trong ca dao, dân ca người Việt nói chung và Nam Bộ nói riêng, hành động đến chùa xin bùa hay một hành động nào đó bất kỳ của một chàng trai đôi khi chỉ là cái cớ nhằm bộc lộ tình cảm lứa đôi mà thôi. Điều này, người ta cũng rất thường thấy ở một số các câu ca dao, dân ca khác:
Sông bên đây, anh lập cảnh chùa Tân Thiện,
Sông bên kia, anh lập cái huyện Hà Đông,
Cái huyện Hà Đông để cho ông Bao Công xử kiện.
Cái chùa Tân Thiện nhiều kẻ tu hành;
Bạn mình ơi, chim kêu dưới suối trên nhành.
Qua không bỏ bậu, bậu đành bỏ qua!
Rõ ràng việc dựng chùa ở đây chỉ là một cách nói quen thuộc chứ không nhất thiết là một việc làm cụ thể. Đó là cách người con trai ràng buộc người con gái trong cái nghĩa, cái tình mà anh ta từng vun đắp. Điều này còn thể hiện ở nhiều câu ca dao khác:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Châu Thới mới sai lời nguyền.
Đây có thể là một dị bản của câu ca dao: Bao giờ cạn lạch Đồng Nai / Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.Cho dù là dị bản, nhưng nó vẫn có một điểm chung nhất định. Điểm chung đó chính là dấu ấn của ngôi chùa trong tâm thức cộng đồng. Câu ca dao đã nhắc tới ngôi chùa Châu Thới - một ngôi chùa nổi tiếng thuộc đất Bình Dương ngày nay. Trước đây, khi viết Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã từng xem ngôi chùa này là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Gia Định xưa, bên cạnh các ngôi chùa khác như chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Cây Mai... Trong tương quan so sánh Bao giờ cạn lạch Đồng Nai / Nát chùa Châu Thới mới sai lời nguyền, tác giả có ý khẳng định sự bất biến của các đối tượng, trong đó có ngôi chùa và đồng thời cũng là sự bất tử của tình yêu, sự thủy chung của đôi trai gái.
Trong ca dao, dân ca Nam Bộ, hình ảnh ngôi chùa gắn liền với chức năng của một cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng:
Rủ nhau xuống biển bắt cua
Lên non bắn nhạn, vô chùa nghe kinh.
Hay
Ra đi gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu.
Trong bối cảnh những câu ca dao này, việc vào chùa nghe kinh cũng giống như việc đi xuống biển bắt cua, như lên non bắn nhạn, nghĩa là những sinh hoạt có thể diễn ra hàng ngày trong đời sống cộng đồng. Hình ảnh ngôi chùa ở đây là hình ảnh của một cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, là nơi để người dân lui tới tụng kinh, bái sám, gạn đục khơi trong dòng tâm thức của mình, nhưng cũng có khi là nơi để người ta tìm kiếm giây phút thảnh thơi, nhàn nhã sau những giờ làm việc cực nhọc để kiếm cái ăn, cái mặc...
Nhìn chung, mặc dù hình ảnh ngôi chùa trong ca dao, dân ca Nam Bộ không phong phú, đa dạng như hình ảnh ngôi chùa trong ca dao, dân ca các vùng miền khác, đặc biệt là Bắc Bộ, nhưng sự xuất hiện của nó trong thể loại văn học này mà chúng ta vừa đề cập ở trên cho thấy, ngôi chùa thực sự là chất liệu sống động, là đối tượng gần gũi, quen thuộc trong sáng tác văn học dân gian Nam Bộ.
Ngôi chùa trong văn học Hán - Nôm
Khác với hình ảnh ngôi chùa trong văn học dân gian, cụ thể là trong ca dao, dân ca, hình ảnh ngôi chùa trong mảng văn học Hán - Nôm ở Nam Bộ thường gắn liền với các cảnh thiên nhiên đẹp. Trịnh Hoài Đức - tác giả Gia Định thành thông chí nổi tiếng đã có nhiều bài thơ vịnh cảnh chùa Nam Bộ, nổi tiếng nhất là các bài thơ vịnh cảnh chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm:
Mai Khâu vãn thướng lược đông phong
Nhất vọng tiêu nhiên nhãn bất cùng.
Thôn xá chẩm khê yên thu ngoại,
Mục đồng hoành địch thảo nguyên trung.
Ngưu tương giải ngột quy cao lũng,
Nha dĩ từ giao tập mậu tùng,
Trù trì vô ngữ ỷ ngô đồng.
(Trịnh Hoài Đức, Mai Khâu vãn thiếu)
Dịch nghĩa:
Chiều đến gò mai hứng gió đông,
Xa trong cảnh vắng, mắt khôn cùng.
Xóm nhà gối suối mờ cây, khói,
Đồng cỏ vang âm sáo mục đồng.
Quạ họp về cây, rời bãi trống,
Trâu chờ cởi ách, lại vùng giồng.
Trời cao mây tối giăng buồn bã,
Đứng tựa ngô đồng lặng ngóng trông.
(Nguyễn Khuê dịch)
Cũng gắn liền với thiên nhiên như bài thơ chữ Hán của Trịnh Hoài Đức, nhưng hình ảnh ngôi chùa trong bài thơ chữ Nôm của Mạc Thiên Tích còn cho thấy sự gắn liền của ngôi chùa với những sinh hoạt của tín ngưỡng cộng đồng:
Khách chùa Tiêu ân cần Phật sự,
Đêm đêm hằng phân thử âm dương.
Giấc hòe hồn bướm mơ màng,
Lầu quân trống đã điểm sang năm dùi.
Nỗi buồn vui mặc lòng nhộn nhã
Gối chưa êm còn hả sự lòng.
Gió đưa mấy tiếng thần chung,
Lóng tai nghe lọt bên lòng vơi voai.
Đó là những ngôi chùa, những sinh hoạt Phật sự cụ thể hàng ngày nơi chốn thiền môn. Những Phật sự đó có thể là tụng kinh, lạy Phật, ngồi thiền nhưng cũng có thể chỉ là việc quét dọn, chăm sóc vườn cây cảnh trong chùa... Hay nói cách khác, đó là những sinh hoạt vừa mang tính chất rèn luyện tâm linh, vừa mang tính chất tín ngưỡng mà các cư dân Nam Bộ đến chùa thường xuyên tham gia.
Một cảnh chùa trên núi ở Kiên Giang
Nhưng hình ảnh ngôi chùa trong thơ văn chữ Hán - Nôm Nam Bộ không chỉ gắn với thiên nhiên đẹp, mà cũng như trong ca dao, dân ca, ngôi chùa còn là một không gian tâm linh, là nơi để cho thi nhân trút bỏ phiền trược của nhân thế, trở về với giây phút thanh thản của tâm hồn. Có thể thấy điều này qua các bài thơ Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích, Đề Mai Khâu tự (không rõ tác giả), Cảnh chùa Tiên Châu của Nguyễn Hữu Đức:
Tiên Châu trăng trước Vĩnh Long thành
Đây nhộn nhịp nhiều, đó vắng tanh.
Khuất nửa cỏ cây nhà trắng trắng
Chia đôi trời nước liễu xanh xanh
Cảnh người ngày tháng ba thằng mục
Chùa Phật hôm mai một tiếng kình
Danh lợi ví như lòng chẳng tưởng
Bốn mùa phong cảnh có ai tranh
(Nguyễn Hữu Đức, Cảnh chùa Tiên Châu)
Trong thiền môn, chuông, mõ, khánh, linh gọi chung là pháp khí. Riêng tiếng chuông, tiếng mõ còn là những âm thanh giữ nhịp, khiến cho lời kinh trở nên đều đặn trầm bổng, dễ đi vào lòng người. Thậm chí, đơn giản tiếng chuông chùa chỉ là tiếng báo thức, tiếng gõ nhịp thời gian, là âm thanh quen thuộc gắn bó với công việc của cộng đồng:
Cò về lấp loáng từng tiêu
Mái chiền chuông rỗi, trên lầu trống giong.
(Truyện Song Tinh, Nguyễn Hữu Hào)
Cuối cùng, có lẽ sâu sắc hơn cả là hình ảnh ngôi chùa gắn với ý nghĩa biểu trưng về các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu:
Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh
Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn
Tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ
(Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Chùa Tôn Thạnh là một ngôi chùa cổ của vùng đất Long An, nó tượng trưng cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng nơi đây. Tuy nhiên, khi đi vào bài văn tế của cụ đồ Chiểu thì chùa Long Thạnh không chỉ là hình ảnh đại diện cho những giá trị văn hóa của vùng đất Long An nhỏ hẹp nữa mà nó trở thành hình ảnh đại diện cho những giá trị văn hóa chung của cộng đồng dân tộc. Chính vì vậy, sự hoang phế của ngôi chùa ở đây chính là biểu hiện của sự mờ nhạt, đổ vỡ của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc dưới sự tàn phá của chiến tranh, của ý thức hệ con người.
Như vậy, hình ảnh ngôi chùa trong văn chương chữ Hán - Nôm có lúc gắn với cảnh quan thiên nhiên vùng đất Nam Bộ, có lúc nó gắn với các sinh hoạt cộng đồng, nhưng cũng có lúc gắn với tiếng chuông, nhịp trống, với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc... Ở trường hợp nào, hình ảnh ngôi chùa cũng gợi lên trong tâm thức người ta một thứ tình cảm thiêng liêng, gắn bó.
Ngôi chùa trong văn chương chữ Quốc ngữ
Trước hết là hình ảnh ngôi chùa trong thơ ca chữ Quốc ngữ Nam Bộ. Cũng hình ảnh những ngôi chùa gắn với thiên nhiên tươi đẹp nơi miền đất mới, nhưng tác giả không dừng lại ở việc thưởng ngoạn ngôi chùa như trong thơ ca Hán - Nôm mà bước đầu xem nó là nơi hun đúc, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của con người:
Ngoài kia trăng nở tiền đường
Vơi vơi thế sự xót thương nẻo đời
Ánh vàng tỏa khắp nơi nơi
Tìm về bến giác nương lời pháp kinh.
(Nguyễn Như Võ, Viếng chùa Phước Viên)
Nếu như tác giả Nguyễn Như Võ xem ngôi chùa như là bến đỗ tâm linh, là nơi hướng con người đến cội nguồn uyên nguyên của đời sống, thì trong bài thơ Vãng Thích Ca Phật Đài, tác giả Phạm Thái Dũng lại xem ngôi chùa vừa như là chốn tiêu dao, vừa như là cõi thực tại gắn với thiên nhiên làng quê, với các sinh hoạt cụ thể của cộng đồng:
Ngõ dốc quanh co dẫn lối vào
Đây rồi - thực, mộng - chốn tiêu dao
Chuông ngân, mõ nhịp lời kinh kệ
Chim gáy... chiều lên mây thấp, cao...
Đêm xuống đại ngàn nghe tụng niệm
Khuya về tượng Phật tắm trăng sao...
Ta về lòng vẫn thơm hương pháp
Ngoảnh lại tam quan gió vẫy chào.
(Phạm Thái Dung, Vãng Thích Ca Phật Đài)
Đó là ngõ dốc quanh co trên con đường làng đã in đậm trong tâm thức người dân Nam Bộ; đó là những hoạt động tu học, thuyết pháp, tụng kinh quen thuộc của một ngôi chùa trong đời sống tâm linh cộng đồng. Những hoạt động này diễn ra nhiều thời khác nhau trong ngày với mục đích hướng dẫn người ta buông bỏ những dục tình thấp kém, phát triển đời sống tâm linh, hướng thượng.
Và cuối cùng, có thể dừng lại với hình ảnh ngôi chùa như là một phần thân thể của quê hương xứ sở bên cạnh trăng thanh gió mát, những ước mơ hồn nhiên của tuổi trẻ, sự ngọt ngào của tiếng mẹ ru và cả tình thương được mở ra khi người lữ khách đã chồn chân theo năm tháng trong bài thơ Về phía của tác giả Hạnh Phương:
Tôi đi ngàn dặm nước non
Chuông chùa ngân ngợi vuông tròn diệu âm
Trăng soi vành vạnh chữ tâm
Quê hương ta đó ơi trầm ơi hương.
(Hạnh Phương, Về phía)
Trong tiểu thuyết, hình ảnh ngôi chùa cũng từng được các nhà văn Nam Bộ phản ánh khá nhiều. Tuy nhiên, ở thể loại này, ngôi chùa chủ yếu được phản ảnh như là một không gian tâm linh gắn bó với đời sống con người. Trước hết có thể kể tới hình ảnh ngôi chùa trong tiểu thuyết Người bán ngọc (1931) của Lê Hoằng Mưu. Mặc dù lấy bối cảnh của xã hội Trung Hoa, nhưng hình ảnh ngôi chùa hiện lên trong tiểu thuyết này rất gần với hình ảnh ngôi chùa trong tư duy của người Nam Bộ. Đó là không gian tâm linh cộng đồng mà bất cứ ai cũng có thể vào, không phân biệt sang hèn, địa vị, dù đó là thường dân như Tô Thường Hậu hay người đó là bậc sang giàu, thế lực như Hồ phu nhân. Tính cộng đồng của ngôi chùa ở đây không chỉ được người đọc hiểu thông qua tác phẩm mà còn vì chính tác giả đã phát biểu thông qua ngôn ngữ của vị Huề thượng(1) trụ trì: “Cửa Phật chẳng hẹp gì với ai, vì của này là của thập phương, khách thập phương hưởng lấy”. Chính vì ngôi chùa là của thập phương, của cộng đồng nên mỗi thành viên thuộc cộng đồng đều có quyền lui tới. Tuy vậy, “chốn này đã biết cho là cửa Phật, muối dưa trai giái(2) tháng ngày, thì những ai vào đây mong nhờ giọt nước nhành dương mà rưới tắt lửa lòng, thì phải phủi sạch bụi hồng, lánh xa trần cấu”. Qua lời nói ấy, có thể hiểu rằng, ngôi chùa đã được nhận thức là nơi tôn nghiêm, nơi tu học, rèn luyện đạo đức tâm linh chứ không phải là nơi lánh đời, tiêu cực. Đó là một ý nghĩa tích cực trong việc nhận thức vai trò của ngôi chùa trong đời sống cộng đồng của tác giả.
Tuy nhiên, dường như vẫn còn sự mâu thuẫn, ít ra là phân vân nào đó trong tâm thức của Lê Hoằng Mưu khi phản ánh ngôi chùa trong tác phẩm này. Bởi vì, cùng với việc phản ánh ngôi chùa như là một không gian tâm linh, là chốn tu hành chuyển hóa những hạt giống khổ đau, tác giả đồng thời cũng phản ánh ngôi chùa như là một nơi lánh đời, thậm chí là nơi che đậy những hành vi phi pháp trong chi tiết nhân vật Tô Thường Hậu và Hồ phu nhân tư tình với nhau nơi chốn thiền môn.
Không giống như Người bán ngọc của Lê Hoằng Mưu, hình ảnh ngôi chùa trong tác phẩm Tiền bạc bạc tiền của Hồ Biểu Chánh thực sự là một không gian tâm linh của cộng đồng. Nơi đó Thanh Kiều - nhân vật chính của tác phẩm có thể sống trọn đời mình nếu như cô thực sự muốn. Tác giả đã cho cô nàng phát biểu ý định của mình với Bá Kỳ rằng: “Em vào cửa Phật đây, vì em chán ngán thói đời, chớ không phải em có làm điều chi đại ác nên cần phải ăn năn sám hối”. Điều này cho thấy, Thanh Kiều bước chân vào cửa Phật không phải là vì cô nàng thất tình, cũng không phải lánh đời, mà là sự tự nguyện nhằm hướng tới một đời sống hạnh phúc, vắng bóng sự khổ đau như chính nàng nói với Hiếu Liêm: “Chốn này là cửa Phật, xin thầy đừng nhắc chuyện xưa để cho em niệm Phật tụng kinh, để kiếp sau em khỏi trầm luân biển khổ luân hồi như kiếp này nữa”. Tuy nhiên, Thanh Kiều không phải là người có tâm tu học thực sự. Cô nàng đã không thể giữ được tâm ý ban đầu là đến chùa để xuất gia, sống đời thanh cao, đạm bạc. Nàng đã quay về cùng Hiếu Liêm, tiếp tục hàn gắn lại mối tình xưa cũ.
Mặc dù, đã để cho nhân vật Thanh Kiều đi tu và trở về cùng Hiếu Liêm xây dựng cuộc sống mới, nhưng ngôi chùa trong tiểu thuyết Tiền bạc bạc tiền của Hồ Biểu Chánh không hề nhuốm màu tiêu cực, yếm thế như ngôi chùa trong tác phẩm Người bán ngọc của Lê Hoằng Mưu.
Ngoài ra, hình ảnh ngôi chùa còn xuất hiện trong tiểu thuyết của một số tác giả nổi tiếng Nam Bộ như Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Hòn đất của Anh Đức... Mặc dù không phản ánh nhiều và sâu, thậm chí chỉ nhắc đến một cái tên “xóm chùa” nào đó trong Hòn đất của Anh Đức, nhưng điều đó cũng ít nhiều cho thấy, trong chiều sâu tâm thức của người dân Nam Bộ, ngôi chùa là một cái gì đó rất thiêng liêng, rất gần gũi, gắn bó với cộng đồng.
Trong một số thể loại văn học khác như truyện ngắn, tùy bút, bút ký..., hình ảnh ngôi chùa cũng xuất hiện khá nhiều với những ý nghĩa gần như không có gì mới. Trước hết là hình ảnh ngôi chùa như một không gian tâm linhtrong truyện ngắn Củi mục trôi về của tác giả Nguyễn Ngọc Tư. Đó là một ngôi chùa được phản ánh một cách khá hiện thực “nghèo đến mức người xa về không biết gọi là nhà hay chùa”. Tuy vậy, đó lại là một không gian đầy ắp tình người, là nơi an ủi, thậm chí hồi sinh những giá trị sống của con người. Nó kết dính tình cảm của những con người tưởng chừng như không bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời, nó giúp kẻ đã từng là “con thú” trở về với lương tri thực sự của con người. Biết tha thứ, biết yêu thương và biết cả hỗ thẹn với lương tâm của chính mình.
Không nghèo nàn đến nỗi người ta không nhận ra đó là nhà hay chùa, cũng không chỉ thực hiện vai trò an ủi, nâng đỡ con người như hình ảnh ngôi chùa trong Củi mục trôi về của Nguyễn Ngọc Tư, hình ảnh ngôi chùa trong truyện ngắn Giao thừa cửa Phật của nhà văn Nhật Tuấn còn là nơi ươm mầm hạnh phúc cho con người. Nơi đó, người đàn ông có thể bất chấp cực nhọc để thực hiện một công việc tưởng chừng như rất dễ là gánh 50 đôi nước lên chùa để đổi lấy 50.000 đồng chỉ để mua cho người con gái mới quen một ít bánh mứt đem về cho cha mẹ nhân dịp Tết đến. Kết quả là anh ta không thể gánh đủ số lượng nước giao kèo. Mặc dù vậy, nhà chùa vẫn trả cho anh ta đủ số tiền mà hai bên đã thỏa thuận. Khi thấy anh bước ra từ cổng chùa, người con gái không cầm được xúc động, ôm anh vào lòng y như hai người đã yêu nhau từ lâu lắm.
Khép lại tác phẩm bằng cái ôm đầy tình người của đôi trai gái, nhà văn Nhật Tuấn còn khiến người ta suy nghĩ thật nhiều về cuộc đời, về ngôi chùa và cả những sinh hoạt của nó khi xây dựng hình ảnh tương phản giữa một bên là sự bừng nở của hạnh phúc của đôi trai gái còn một bên là sự đổ vỡ, day dứt của một ông già ngồi thẩn thờ trước cổng chùa chờ đợi người vợ mới đi tu của mình trở ra để nói lời sau cuối.
Trong thể loại tùy bút, hình ảnh ngôi chùa thường gắn với không gian sống, không gian kỷ niệm của các nhà văn, thậm chí của nhiều cây bút không chuyên khác, như tùy bút Về chùa của Quán Như, Những buổi chiều thơ ấu của Hoàng Thị Giang, Lần đầu tiên tôi lên chùa của Huệ Thành... Trong khi đó, ở thể loại bút ký, hình ảnh ngôi chùa lại gắn nhiều với cảnh quan thiên nhiên, với các lễ hội cộng đồng... Có thể điểm qua một số tác giả, tác phẩm như Minh Phương với tác phẩm Một chuyến du xuân về Tây Nam Bộ, Trần Thế Vinh với Năm non bảy núi ở miền Tây Nam Bộ, Trần Thế Vinh với Lễ hội và vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hồ Kiên Giang với Bồng bềnh Tân Lộc, Sơn Nam với Sài Gòn xưa – Ấn tượng 300 năm và tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long... Trong số các tác giả này, có lẽ nhà văn Sơn Nam được xem là cây viết tiêu biểu nhất viết về ngôi chùa và sinh hoạt của nó ở đất Nam Bộ. Trong tác phẩm nêu trên, ông đã dành nhiều trang viết về ngôi chùa và những sinh hoạt của nó, từ những ngôi chùa ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ở Đông Nam Bộ như chùa Vân Quang, chùa Long Tuyền (Mỹ Tho), Tây An (An Giang), chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Từ Ân (TP.HCM), chùa Long Thiền, chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong (Đồng Nai)...
Nhìn chung, trong nghệ thuật văn chương Nam Bộ, từ loại hình văn chương truyền khẩu, mà tiêu biểu nhất là ca dao, dân ca tới loại hình văn chương chữ viết với nhiều thể loại khác nhau, hình ảnh ngôi chùa được phản ảnh hết sức phong phú và đa dạng. Điều đó cho thấy, ngôi chùa là một thực thể sinh động có khả năng tạo nên cảm hứng phong phú cho đời sống tinh thần xã hội, trong đó có sinh hoạt nghệ thuật văn chương; đồng thời cũng chứng tỏ sự gần gũi, gắn kết của nó trong tâm thức cộng đồng suốt chiều dài lịch sử.
Chú thích
(1) Chữ của tác giả, tức Hòa thượng, cách tôn xưng trong Phật giáo.
(2) Chữ của tác giả, tức là trai giới.