Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Điểu minh giản - Một bài thơ thiền đặc sắc của Vương Duy

29 Tháng Chín 201610:28 CH(Xem: 3427)
Điểu minh giản - Một bài thơ thiền đặc sắc của Vương Duy
Điểu minh giản - Một bài thơ thiền đặc sắc của Vương Duy
blank
 

Thơ Thiền thể hiện tư tưởng Phật giáo nhưng có những đặc sắc riêng. Thiền là tĩnh lặng, trầm lắng để tâm hồn siêu thoát, vượt thế tục đi vào cõi riêng của tuệ giác; ngược lại, thơ thuộc về tâm tưởng chủ quan của thi sĩ, là “lời nói trong”

1. Học giả Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc) đã từng nói: Thơ có nhiệm vụ thay thế tôn giáo, nghĩa là nhiệm vụ làm cho tâm hồn thanh khiết, cảm nhận được cái đẹp của vũ trụ và khiến cho con người cảm hóa được sinh vật. Nói thế nghĩa là thơ có những điểm gặp gỡ, đồng điệu với tôn giáo. Điều này thể hiện rất rõ trong những bài thơ Thiền. Thơ và Thiền gặp nhau trong trực giác và cảm nhận của tri thức “Thơ và Thiền từ Đông sang Tây trợ duyên nhau mà làm nên những bài thơ siêu việt. Phương Đông xưa nay là quê hương, xứ sở của Thiền”(1). Trong văn học Trung Quốc từ đời Đường cho cuối đời Thanh, có một nguồn thơ Thiền đặc sắc (thể hiện trí tuệ giác ngộ - tinh thần Bát-Nhã-Ba-La-Mật) trong đó sáng tác của thi Phật Vương Duy (701-761) là một đỉnh cao. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đậm chất Thiền của ông chính là thi phẩm Điểu minh giản (Khe chim kêu). Bài thơ đã được đưa vào chương trình Ngữ văn 10, tập 1, Nxb Giáo dục, 2006:
Phiên âm:
Nhân nhàn hoa quế lạc,                    
Dạ tĩnh xuân sơn không.                      
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh tại giản trung.
Dịch nghĩa:                                            
Người nhàn, hoa quế rụng,
Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không.
Trăng lên làm chim núi giật mình,
Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi.
Dịch thơ:       
Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,
Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.
Trăng lên, chim núi giật mình,
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.
(Ngô Tất Tố dịch)
2. Thơ Thiền thể hiện tư tưởng Phật giáo nhưng có những đặc sắc riêng. Thiền là tĩnh lặng, trầm lắng để tâm hồn siêu thoát, vượt thế tục đi vào cõi riêng của tuệ giác; ngược lại, thơ thuộc về tâm tưởng chủ quan của thi sĩ, là “lời nói trong” (chữ dùng của Chu Hy) của chính nhà thơ. Thiền và thơ nằm trong cái thế giới siêu hình, giải thoát con người ra khỏi vô minh. Chính vì vậy, có người ở đời Đường khi lý giải về thơ đã kết luận “Thi thị khả giảng bất khả giảng chi gian” có nghĩa thơ có cái giảng được và có cái không thể giảng được. Thơ đôi khi trở thành vô ngôn, nhưng đến một lúc nào đó khi tâm tĩnh tại có thể nhận ra được, cảm nhận được, hiểu thấu được thì lúc đó, Thiền và Thơ gọi là Ngộ và Nhận “Đó là tâm thức và trí tưởng của ta đủ khả năng giúp ta sáng tạo những gì mà ta nhận thức” (G. Bachelard). Trọng tâm của thơ là cảm xúc hơn là suy tưởng, còn thiền là thức tỉnh để nhận thức “Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa cũng như đi vào suy luận siêu hình thì thiền không còn là thiền nữa”(2). Nhưng nếu có ý thức tôn giáo hay tâm thức thiền thì người nghệ sĩ nói chung, trong một giây phút tình cờ nào đó có thể bộc lộ tâm thức thiền hay ý thức tôn giáo của mình qua sáng tạo tinh thần của chính họ. Vì thế đọc thơ Thiền không dễ, cần một phương pháp tiếp cận khác với phương pháp thông thường (phương pháp truyền thống, phân tích nhân vật trữ tình, phương pháp tiểu sử, phân tâm học, phản ánh luận, cấu trúc luận,…). Tất cả vạn vật đang hiện hữu, nó là “không”. Ý niệm “không” không phải là hư vô, mà là trạng thái vượt qua nhị nguyên tử - sinh, vượt qua hữu - vô, vuợt qua sắc tướng. Thơ Thiền có khi thể hiện cái nhìn hành đạo của Kinh Hoa Nghiêm: tất cả đều là Phật, tất cả đều là pháp. Thế giới quan của Thiền tông nói như thiền sư Pháp Bảo: “Vạn là sự tản ra của một, một là nguồn gốc của vạn”. Đọc thơ Thiền, người đọc sẽ nhận ra những tư tưởng căn bản trên, nơi sự chứng ngộ của các Thiền sư. Vì thế thơ Thiền trước hết là thơ tư tưởng, không phải là kiểu thơ phản ánh hiện thực hay thơ giãi bày tâm trạng. Khi tư tưởng Thiền được hình tượng hóa, nghệ thuật hóa thì mới gọi là thơ. Độc giả chín muồi tâm thức Thiền nhận ra được cái gọi là ‘tâm hoa nở” trong thơ (Thơ yếu tự phát kỳ tâm hoa) thì mới “đồng thanh tương ứng” để tiếp nhận thơ thiền.
3. Vương Duy (Wangwei) tự Ma Cật, là nhà thơ kiêm họa sĩ nổi tiếng đời Đường. Ông để lại hơn bốn trăm bài thơ. Thơ ông hiện lên hình tượng con người nhàn nhã, cảnh sắc thiên nhiên yên tĩnh, trong sáng. Đó chính là sự thể hiện màu sắc thanh tịnh vô vi, “vô sinh bất tử”, nhàn tâm của đạo Phật. Tô Thức đời Tống khi đọc thơ Vương Duy đã nhận xét: “Vi Ma Cật chi thị, thi trung hữu họa, quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi” (Thưởng thức thơ Ma Cật, thấy trong thơ có họa, xem họa Ma Cật, thấy trong họa có thơ). Thế giới Thiền thi của Vương Duy là một nghệ thuật kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa thơ và họa, giữa Phật giáo và Lão giáo, là sự dung hợp Thiền - Thơ. Điểu minh giản là một bài thơ xinh xắn, bình dị nhưng hàm chứa nhiều ý vị thâm trầm của Thiền học. Bài thơ được làm theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, chỉ vẻn vẹn hai mươi chữ nhưng ý nghĩa của bài thơ không hạn định trong khuôn viên câu chữ của nó.
Cả bài thơ là một bức tranh phong cảnh nhuốm tình người:
Nhân nhàn hoa quế lạc,
Dạ tĩnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh tại giản trung.
Tất cả cảnh vật được thu vào bên trong. Những hình ảnh xuất hiện trong bài thơ: hoa quế, ánh trăng, núi non, khe suối, chim kêu,.. là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca phương Đông nhưng ở đây lại có sức ám gợi lạ thường, sâu xa. Nói như Nguyễn Văn Hạnh: “Tính biểu tượng của thiên nhiên trong bài thơ không phải ở những hình ảnh đơn lẻ mà ở sự tương tác hài hòa giữa chúng (…). Màu thiền của bài thơ nằm khuất lấp giữa các dòng thơ, ẩn mình đằng sau cảnh sắc, trong cái tĩnh lặng của hồn người”(3). Bởi vậy bài thơ tạo cảm giác tĩnh lặng, thanh nhã, bình đạm. Thế giới nghệ thuật của nó là một phức hợp cộng hưởng, giao hòa giữa: người và cảnh, âm thanh và ánh sáng, thính giác- thị giác- khứu giác và xúc giác, không gian và thời gian. Trong thơ Trần Nhân Tông ta cũng bắt gặp sự giao hòa này:
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ khí hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc Tê hoa thượng nguyệt lai sơ
Dịch thơ:
Đèn soi nửa cửa, sách đầy giường
Đêm vắng sân thu lác đác sương
Thức dậy đâu đây chày đập vải
Trên bông hoa Quế, ánh trăng non.
(Nguyệt - Trần Nhân Tông)
Ở đây, thiên - nhân - địa cùng hợp nhất. Mọi vật đều có linh hồn. Cảnh vật thiên nhiên trong tứ thơ của Điểu minh giản ảnh hưởng tư tưởng thiền “có có không không” hết sức sâu đậm, tạo thành một cảnh giới linh hoạt, huyền ảo, yên tịnh, vắng lặng đến nhiệm mầu. Con người, vũ trụ là một, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Tác giả mượn cảnh sơn thủy hữu tình để truyền tải đến độc giả một cảnh giới “thong dong tự tại, tĩnh lặng trong lành” có cội nguồn gốc rễ tự trong tâm. Đó là bức tranh tâm cảnh. Đỗ Phủ trong bài thơ Giải muộn từng gọi Vương Duy là cao nhân Vương Hữu Thừa. Vương Xương Linh thì nói: “Thân ở thế gian nhưng tâm thì vượt thoát thế gian”. Nhận xét đó thật đúng với bài thơ này.
Hai câu đầu đã thể hiện hình ảnh con người sống trong cảnh nhàn hạ “người nhàn”- đó là cuộc sống của người ẩn sĩ nơi điền viên sơn thủy để hòa mình, giao cảm với thiên nhiên. Theo Lại Quang Nam: “Người nhàn là một danh từ “song lập”, là một bậc trong đạo ở ẩn, từ dùng để chỉ lớp người đã gác mọi ràng buộc phiền não của xã hội đương thời, đi tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn”(4). Ở đây có sự giao hòa, giao cảm một cách tự nhiên giữa người và cảnh. Trong đêm tĩnh lặng, thi nhân nghe được tiếng hoa quế rơi. Hoa quế là loài hoa màu trắng, có hương thơm và rất nhỏ, khi rụng rơi rất khẽ. Vậy mà con người cũng nghe được. Cái động nhỏ bé, mong manh ấy khiến ta liên tưởng đến “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” trong thơ Trần Đăng Khoa. Tâm hồn thi nhân nhạy cảm vô cùng! Lắng nghe được âm thanh đó không phải chỉ vì cảnh đêm mùa xuân nơi núi non yên tĩnh mà còn vì tâm hồn nhà thơ cũng đang tĩnh lặng! Tâm hồn nhà thơ chiếu ứng ra cảnh: Dạ tĩnh xuân sơn không. Sự kết hợp của ba từ: lạc (rụng), tĩnh (vắng lặng) và không (vắng không) vừa gợi sự tịch mịch của cảnh đêm nơi rừng núi, vừa phảng phất nỗi buồn man mác, cô tịch. Cảnh hàm chứa sự quán chiếu của Vương Duy về các vấn đề vô thường, vô ngã! Nó diễn tả cái quan niệm sắc sắc không không của đạo Phật. Bản dịch thơ của Tương Như trong SGK Ngữ văn 10: Đêm xuân núi vắng teo, đã đánh mất chữ tĩnh, là chữ quan trọng làm nổi bật cái tĩnh lặng trong bài thơ!
Hai câu thơ cuối dường như có sự chuyển dịch từ không gian tĩnh và tối (hai câu đầu) sang động, sáng rõ hơn. Đó là sự xuất hiện của ánh sáng: nguyệt xuất (trăng lên) và âm thanh: chim núi cất tiếng kêu. Nhưng ánh sáng và âm thanh càng tô điểm thêm cho vẻ tĩnh lặng của cảnh vật, cho Dạ tĩnh xuân sơn không. Trong thời gian đêm xuân, ánh trăng huyền ảo lung linh dàn trải khắp núi non làm cho không gian thêm rộng và huyễn hoặc, mơ hồ, vắng lặng (sơn không). Ánh sáng lan tỏa cũng làm kinh động đến chim núi, làm chim núi bừng tỉnh, “giật mình” thảng thốt! Chim núi giật mình bởi ánh trăng hay “giật mình” bởi màn đêm quá tĩnh lặng? Đó không phải đơn thuần là sự bừng sáng của ánh trăng chiếu ứng lên cảnh vật, tác động đến trạng thái của chim núi mà còn là sự thảng thốt, bừng ngộ trong tâm hồn thi nhân. Ý thơ và tình thơ thật tinh tế! Nhà thơ mới Hằng Phương của văn học Việt Nam dường như cũng đã tiếp thu một cách sáng tạo ý thơ của các nhà thơ Đường với câu thơ: Sáng trưng mái ngói nhà ai/ Đôi chim ngỡ buổi ban mai giật mình. Nhưng ý tình trong thơ thi Phật hàm súc, cô đọng hơn nhiều! Âm thanh: tiếng chim thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi điểm xuyết vào cái nền không gian ấy càng làm cho không gian tĩnh lặng hơn “Có cái gì đó mơ hồ như bóng đêm, lạnh lùng như ánh trăng khuya làm độc giả rơi vào một trạng thái hư vô. Đầu óc không còn bị vướng bận bởi những vòng tục lụy nữa. Cảm xúc tuy vô định nhưng siêu thoát, thoải mái vô cùng”(5). Tĩnh từ tâm hồn thi nhân lan đến cảnh. Động xuất phát từ tĩnh, nhờ động mà ta càng thấy tĩnh. Tất cả vạn vật đều cảm ứng với nhau, có mối liên hệ mật thiết với nhau một cách vô hình; đặc biệt cảnh vật vào thời điểm đêm xuân càng dễ khơi gợi nhiều nỗi niềm bâng khuâng, nhiều xúc cảm vô định trong lòng người. Nổi bật trong bức tranh sơn thủy hữu tình, giàu sức gợi, nên thơ và tĩnh lặng đó là hình ảnh một tao nhân mặc khách - một ẩn sĩ muốn thoát khỏi mọi hệ lụy của chốn bụi trần để “tịnh tâm”. Vương Duy chịu ảnh hưởng Thiền học rất sâu đậm, “không tịnh” là cảnh giới ông ra sức để đạt được ở trong thơ. Đó cũng chính là sự “bừng ngộ” trong tâm hồn ông. Vì vậy, cái khoảng không gian tĩnh lặng ở khe núi nên thơ nên họa, đậm chất Thiền xuất hiện khá nhiều trong thơ ông:
Giản hộ tịch vô nhân
Phân phân khai thả lạ
(Ngõ khe vắng không người
Mặc tình hoa nở rụng)
(Tân Di Ổ)
Không sơn bất kiến nhân
Đản văn nhân ngữ hưởng
(Núi vắng không bóng người,
Tiếng nói đâu vọng lại)
(Lộc Trại)
Nói như Lý Anh trong Thư Pháp Dị Giản Lục: “Mô tả núi vắng không bắt đầu từ vô thanh vô sắc, lại đi từ hữu thanh hữu sắc để cảm nhận sâu sắc hơn cái tĩnh lặng của nó”(6). Thơ Vương Duy thể hiện tính biện chứng, cái tiềm ẩn vô cùng trong thế giới sắc không.
Trong bài thơ Điểu minh giản, triết lý của Thiền học giống như cục nam châm tạo nên tâm điểm hút dính các câu thơ lại thành một chỉnh thể, một cấu trúc ẩn, một hàm ý siêu thoát! Có thể thấy rằng, cái hay của bài thơ thể hiện ở tính độc đáo trong cách diễn tả sự chứng ngộ Phật - sự “Tịnh độ” trong tâm linh của Ma Cật: an nhiên, tĩnh tại, hòa nhập với thế giới sắc không (lớp nghĩa tư tưởng) và ở thế giới hình tượng thơ tương giao, hòa quyện, gắn kết tạo nên ý nghĩa thẩm mỹ mới lạ (lớp nghĩa nghệ thuật). Nghĩa tư tưởng và nghĩa nghệ thuật của tứ thơ có sự chuyển hóa, dung hợp, đan quyện, giao hòa đem đến cho người đọc những mỹ cảm, nhận thức khác. Đó là vẻ đẹp tâm hồn dung dị của nhà thơ hòa mình trong đời sống dân dã, đằm thắm. Có lẽ nhà thơ đã khám phá ra chính mình trong thiên nhiên và trong thái tĩnh lặng, hư vô. Bài thơ gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giữa cuộc sống, giữa thiên nhiên vừa ung dung giản dị vừa tinh tế nhạy cảm, vượt lên tất cả, hòa nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Bài thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu lắng mang đậm nội tâm của Thiền.
4. Thơ ca và tôn giáo nói chung đều gặp gỡ nhau ở kiểu tư duy hướng nội, gắn liền với con người cá nhân, cá thể, đều dùng thế giới biểu tượng làm phương thức thể hiện “Thơ bay vi vút trong không gian thẩm mỹ ước lệ. Thiền bay thênh thang trong cõi tĩnh mặc, trong sáng và vô duy. Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ, làm cho con chữ lấp lánh nhiều sắc màu, ý tượng; lung linh đa chiều tư duy và cảm xúc. Thiền là tinh hoa của minh triết đông phương, là đóa trăng soi giữa miền u tĩnh, đánh thức vô minh, vọng lầm để tao ngộ với quê hương sơn thủy”(7). Bài thơ Điểu minh giản của Vương Duy chính là sự kết tinh diệu kì của Thiền và Thơ. Tác phẩm toát lên vẻ đẹp bình dị, hồn nhiên, điềm đạm, ý tại ngôn ngoại với ý vị vô cùng thâm sâu, tiêu biểu cho minh triết phương Đông. Như vậy, nếu tiếp cận đúng hướng thơ Thiền, người đọc có thể thưởng thức được những giá trị mang tính chất “khải thị”, những khoái cảm thẩm mỹ đặc biệt mà thơ Thiền đem lại. Thiền tạo nên cái đẹp mới lạ, sự bừng sáng trong tâm hồn ở những áng thơ, có khi đọc không hiểu, song vẫn có thể cảm nhận được qua hình tượng tư tưởng - thẩm mỹ.
 
Tài liệu tham khảo
(1), (2): Bùi Công Thuấn, Một cách tiếp cận thơ Thiền, http://vanchuongviet.org.
(3): Nguyễn Văn Hạnh, Quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca trong thế giới biểu tượng, Tạp chí Văn học, số 9/2006, tr. 57.
(4): http://newvietart.com
(5), (6): http://tuvienhuequang.com
(7): Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Thơ, Thiền - Những đường bay và những chân trời, http: www. phapluanonline.com
 
Hà Thị Vinh Tâm Học viên Cao học 16 - LLVH, ĐHV