Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Cuộc đời Tôn giả A NẬU LÂU ĐÀ

21 Tháng Mười 20169:43 CH(Xem: 5179)
Cuộc đời Tôn giả A NẬU LÂU ĐÀ

LỜI NÓI ĐẦU

Như chúng ta đã biết : Đức Phật có năm thượng thủ đại đệ tử, sắp theo thứ tự là :

1- Đại Ca-diếp (Mahà Kassapa).

2- Xá-lợi-phất (Sàrìputta).

3- Đại Mục-kiền-liên (Mahà Moggallàna).

4- A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), và

5- A-nan-đà (Ànanda).

Lịch sử của bốn vị : đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, và đệ ngũ cao đệ kể trên, chúng tôi đã tùy duyên phiên dịch ra Việt ngữ, và phổ biến rồi.

Bây giờ đến sử tích của vị đại đệ tử thứ tư, tức thiền Tăng A-nậu-lâu-đà, một Thánh nhơn rất thâm hậu trong thiền pháp, nhất là ngài đã đắc “Thiên nhãn thông” siêu đẳng (Dibbacakkhu), nhờ thuần thục tuyệt diệu trong Chánh định, trước khi đạt đến cứu cánh giải thoát.

Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà cũng là Sa-môn có đủ công phu tu luyện để dùng “Thiên nhãn” theo dõi “Tịnh quang” của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni khi đấng Toàn giác thanh thoát xả báo thân, an nghỉ Niết-bàn.

Lúc còn sanh tiền, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà tuy là người ít nói, ít tiếp xúc với các hàng tứ chúng, nhưng ông lại là một Sa-môn dễ hòa hợp với chư huynh đệ nhất, ngay cả trong các trường hợp đang bế môn tu luyện ở những nơi thanh vắng. Đọc qua sử tích của Thánh Tăng, chúng ta không thể không chú ý đến đặc điểm này.

Do đó, cuộc đời của Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đáng coi là một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Vì quả lành noi gương ấy cũng chẳng kém gì hạnh phúc của sự thực hành đúng lời Phật dạy.

Chúng tôi cố gắng làm công tác của một cư sĩ nghiên cứu Phật học, và góp phần vào tủ sách dịch thuật. Khả năng của chúng tôi quả thật còn tương đối, khi đứng trước một rừng chơn lý Phật giáo vi diệu mênh mông. Nếu có điều chi sơ sót, ngưỡng mong chư vị học giả niệm tình bổ túc cho. Chúng tôi vô cùng cảm tạ .

Quả phúc do sự phiên dịch này thực tế không phải hoàn toàn quy về dịch giả, mà là của tất cả những ai hằng giúp đỡ, sưu tầm tài liệu, hùn phước ấn tống, và nhất là do công đức của hai học giả Hellmuth Hecker và Nyànaponika Thera đã có công đi tiên phong trong việc tra cứu rất sâu vào Tam tạng Kinh điển chánh thống, bằng chữ Pàli và chữ Sanskrit, để biên soạn và chuyển ngữ ra hai bảng tiếng Đức và tiếng Anh.

Dịch giả chân thành dâng hiến phước lành này đến hai vị tiền bối ấy, và cũng không quên hồi hướng công đức ấn tống đồng đều đến tất cả Phật tử hữu duyên, đã góp phần trong việc hoằng dương Chánh pháp.

Một phần phước khác, dịch giả xin thành tâm cúng dường đến hai đấng sanh thành, và các bậc ân nhân, Thầy Tổ của dịch giả.

Dịch giả Nguyễn Điều

ANURUDDHA

 

ANURUDDHA (A-nậu-lâu-đà) : Một cái “tên” tuy ít được “giới thiệu” trong các Kinh sách Phật giáo, nhưng là một cái “tên” rất đáng cho các hàng Phật tử, ở thời đại khoa học không gian “tìm hiểu” ! Lý do chỉ vì cái “tên” ấy ám chỉ một nhà “Thiên văn huyền bí”, một Thiền giả chuyên phát triển “Thần lực”, để có thể nghe, thấy và biết được nhiều thế giới vô hình lẫn hữu hình khác nhau, trong cái vũ trụ vô biên, cực kỳ phức tạp này.

Hai danh từ “Thiên nhãn thông” (thấy xa vạn dặm) và “Thiên nhĩ thông” (nghe xa vạn dặm) trong ngôn ngữ “siêu hình”, cho đến nay vẫn còn là một vấn đề “huyền bí” ! Nhưng Thánh nhơn A-nậu-lâu-đà đã “rõ” được sự huyền bí đó, cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhờ thuần thục Cực định trong Thiền pháp Phật giáo !

Muốn biết sử tích của vị đại Thanh-văn, đệ tử Phật, đã luyện thành “thần lực độc đáo” ấy ra sao, mời quý vị hãy đọc qua những trang sách này.

Dịch giả

 

Cuộc đời Tôn giả A NẬU LÂU ĐÀ

(Anuruddha)

 

Nguyễn Điều

 

I-

THỜI NIÊN THIẾU VÀ DUYÊN LÀNH XUẤT GIA

 

Phụ thân của Đức Phật, vua Tịnh Phạn (Sud-dhodana) có một em trai là hoàng tử Amitodana. Vị ngự đệ này sanh năm người con và nuôi dưỡng hai cháu là :

1- Mahànàma, nối dòng thừa truyền vương tộc Thích Ca (Sakya).

2- Anuruddha (A-nậu-lâu-đà), một Hoàng tử đẹp trai, mảnh khảnh, về sau tu đắc “Thiên nhãn thông” cao nhất.

3- Ànanda (A-nan-đà) cũng xuất gia, rồi làm thị giả Đức Phật.

4- Pandu, Hoàng tử nhút nhát, ít người biết tên.

5- Rohini, Công chúa bất hạnh, bị “phong lở” nên thường ẩn mặt.

6- Bhagu, Hoàng tử trầm lặng, làm việc gì cũng kiên nhẫn.

7- Kimbila, Hoàng tử khoẻ mạnh và vui tính.

(Hai Hoàng tử sau cùng là cháu).

Nhưng đặc biệt trong “Tôn Túc Kệ Ngôn” câu số 911 (Theragàtha( 11), tác giả là Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) đã tự mình diễn tả tóm tắt thời niên thiếu như sau :

“Tôi sanh ra trong hoàng cung ánh sáng,

Vương tộc Thích Ca, giòng họ của tôi.

Anuruddha là tên, cuộc sống vui cười,

Giữa nhung lụa và nhạc đời hầu hạ...”.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần)

 Từ đó, chúng ta có thể mô tả rằng thuở thanh xuân, A-nậu-lâu-đà đã hưởng trọn một cảnh sống cao sang quyền quý, vây quanh bởi các lạc thú hấp dẫn nhất trần gian, trong kinh đô Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) đầy phong cảnh hữu tình nằm gần chân Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya), một ngọn núi hùng vĩ nhất thế giới.

Cuộc vui hằng ngày của Hoàng tử Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) đã làm cho ông quên mất khái niệm thời gian, không thấy rõ sự chóng tàn của các lạc thú nhục dục. Những bản nhạc du dương, và những niềm tin thần bí về sự vững chắc của giai cấp vua chúa (theo văn minh Bà-la-môn giáo) cũng làm cho ông chẳng bao giờ nghĩ đến ý nghĩa cùng mục đích của kiếp sống làm người. Hoàng tử Anuruddha chỉ biết say sưa với gái đẹp, nhạc hay, rượu ngon, ăn sung mặc sướng, rồi nhìn cuộc đời như một thiên đường !

Nhưng cũng chính vào lúc Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) đang say đắm trong ngũ trần khoái cảm đó, thì một “biến cố” đã làm cho đời sống hạnh kiểm của ông hoàn toàn chuyển hướng.

Số là người anh của Anuruddha, Hoàng tử Maha(na(ma một hôm nghĩ rằng : “Nhiều hoàng thân trong gia đình “Vương bá” (ám chỉ vua Tịnh Phạn {Suddhodan}) đã theo chân Đức Phật xuất gia. Trong khi đó, chưa có một người nào thuộc gia đình ông (tức giòng ngự đệ Amitodana) góp mặt trong đời sống cao thượng Tăng-già. Nhất là ngoài ông ra, gia đình còn đến bốn Hoàng tử thông minh khỏe mạnh”.

Maha(na(ma tự xét mình thì cảm thấy chưa đủ tịnh duyên để trở thành một Sa-môn gương mẫu cho cả năm anh em, nên sau cùng ông đến bày tỏ ý nghĩ ấy với Anuruddha. Qua một hồi “tâm sự” Maha(na(ma đã kết luận với em rằng :

– Này Anuruddha, giữa thân huynh và hiền đệ, một trong hai người nên xuất gia để gây phúc lành cho gia đình.

Thoạt đầu Anuruddha có vẻ không bằng lòng. Cậu viện cớ thân mình mảnh khảnh, bản chất thư sinh, không chịu nổi cuộc sống vất vả của một “khổ hạnh khất sĩ”.

Tuy lý do về thể xác, được Anuruddha nêu ra khá hiển nhiên, nhưng Maha(na(ma vẫn kiên nhẫn phân tích để em thấy rằng : Làm người thừa tự cho vương tộc Sakya (Thích Ca) là một trách nhiệm còn nặng nề hơn nữa !

Maha(na(ma nói :

– Này Anuruddha ! Thừa tự một đại tộc không phải là chuyện đơn giản. Gánh nặng này anh không muốn để cho em phải chịu ! Làm một hoàng thân càng nhiều của cải ruộng đất thì đời sống càng vướng mắc, và càng bị bao vây ! Quanh năm suốt tháng, hết trông coi việc đồng áng, ruộng nương, thì đến việc quản đốc đất đai, trồng tỉa cây trái, thúc hối gia nhân bón phân tưới nước cho các hoa màu. Rồi mùa gặt hái lại đến. Số thu hoạch nếu dồi dào sẽ làm cho những đại tộc khác ganh ghét, tìm cách phá hoại. Còn nếu lợi tức thất bát thì chi phí đè nặng trên vai ! Một hoàng thân khó sống theo kiểu có nhiều xài nhiều, có ít xài ít, như các hàng dân dã.

Nhưng Anuruddha còn say mê trong sự hưởng thụ vật chất, chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của những lời phân tích đó, liền nói :

– Quản trị tài sản tuy có khó khăn, nguy hiểm thật, song mình lại được đền bù, còn đi tu thì không còn làm chủ bất cứ một cái gì hết !

Maha(na(ma bình tĩnh giải rõ hơn :

– Này Anuruddha ! Nhưng trong vai trò cai quản tài sản, trọn đời bị quay cuồng với những nghiệp trần, em sẽ không có thời giờ để mà hưởng thụ ! Vả nếu em lo hưởng thụ, không làm tròn các phận sự duy trì gia sản, thì của cải kia chẳng mấy chốc phải tiêu tan ! Các quý tộc khác nhân đó, sẽ gạt giòng họ Thích Ca ra ngoài giai cấp lãnh đạo.

– Này Anuruddha ! Chính ông cha của chúng ta, từ nhiều đời, cũng bị cột chặt trong cái vòng danh dự truyền kiếp đó, mà từ khi khôn lớn cho đến phút nhắm mắt, họ đã không thoát khỏi những xiềng xích dây chuyền là gìn giữ gia sản để giao lại cho con cháu. Và họ đã không nghĩ đến bản thân thụ hưởng, vì biết rằng sự thụ hưởng vốn dẫn đến phá sản, rồi không còn gì lưu lại cho đời sau.

– Này Anuruddha ! May mắn thay trong hoàng tộc Thích Ca (Sakya) đã có một người đại trí, tự bước ra khỏi cái vòng cương tỏa ấy để thực sự giải thoát là Đức Phật Cồ Đàm. Và hiền đệ ngày nay lại có anh gánh vác lấy phiền nghiệp thế gian, tại sao em còn chần chờ ?

Anuruddha nghe mấy lời ấy, bèn kinh cảm nghĩ rằng : “Quả thật hiền huynh ta đã mô tả đúng đời sống của cha ông ta. Họ đã chỉ tỏ ra cho người ngoài tưởng là họ có uy quyền và hưởng thụ, nhưng thực tế bên trong, họ vốn nối tiếp nhau vướng chặt trong cái vòng danh vị thế gian, và chắc chắn sẽ bị luân hồi theo một chiều tư duy không thể tránh được”.

Maha(na(ma nhận thấy em mình có vẻ lĩnh hội chơn ý, liền ôn tồn từ giã, lui về tư thất.

Đêm hôm đó, Anuruddha suy nghĩ rất nhiều. Những thắc mắc về sự chết, và mục đích của kiếp người hiện tại, đã làm cho Hoàng tử cảm thấy đời sống thật vô nghĩa nếu không muốn nói là giả tạo.

Nghĩ đoạn, Anuruddha quyết định noi gương Đức Phật, tìm cách bẻ gãy cái vòng thế nghiệp lẩn quẩn triền miên.

Hoàng tử Anuruddha vội đến ra mắt thân mẫu để xin phép xuất gia thì bị bà từ chối, viện cớ rằng : “Bà không muốn sống xa bất cứ một đứa con nào hết !”.

Nhưng Anuruddha cứ năn nỉ hoài khiến thân mẫu đâm ra lúng túng. Sau cùng bà nêu điều kiện, nếu Anuruddha thuyết phục được Hoàng tử Bhaddiya, một người bạn thân vừa là viên phụ chính chờ nối ngôi Vương tộc Sakya, cùng đi tu với Anuruddha thì bà sẽ ưng thuận. Sở dĩ bà làm vậy bởi tin tưởng rằng : “Hoàng tử Bhaddiya khó dám bỏ rơi ngôi báu”. Nhờ đó bà sẽ cản được Anuraddha xuất gia theo Phật !

Nhưng bà đã lầm vì đánh giá sai tình bạn giữa hai Hoàng tử trẻ tuổi : Bhaddiya có thể rất thích ngôi vua, song tình bạn cậu dành cho Anurudha cũng không phải nhỏ, nhất là Bhaddiya chẳng muốn làm Anuruddha buồn lòng.

Bởi thế, khi Anuruddha đến gặp Bhaddiya và thố lộ rằng : “Sự giải thoát của tôi tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của bạn ! Nếu bạn cùng tôi noi gương Phật, thì tôi sẽ được hân hạnh thân mẫu cho xuất gia. Còn ngược lại, tôi phải chịu tiếp tục sống trong cuộc đời đầy sơn phết, giả tạo này !”.

Nghe mấy lời tâm sự tha thiết đó, Bhaddiya lập tức thốt, không suy nghĩ :

– Này Anuruddha ! Tình bạn giữa hai chúng ta xưa nay không bao giờ bất đồng ý kiến, hay ai phải tùy thuộc ai cả ! Hễ cái gì làm cho bạn sung sướng là tôi sẽ chấp thuận. Ngay cả việc xuất gia cũng...

Hoàng tử Bhaddiya bỗng dừng lại, không nói hết câu, vì cậu chợt cảm thấy có cái gì không ổn, nhất là câu chuyện vốn liên quan đến địa vị kế nghiệp của mình làm vua sau này.

Nhưng trước ánh mắt cầu khẩn và trước những lời lẽ chân thành, được lập đi lập lại của Anuruddha, nên thay vì Bhaddiya đủ can đảm bộc bạch thật lòng, chẳng hạn như : “Bạn có thể xuất gia một mình đi, tôi vô cùng hoan nghênh, không dám cản. Chứ tôi, tôi cần tính lại v.v...” thì cậu phải bỏ lửng câu nói ở đó, rồi ngồi im.

Hơn nữa, nét buồn trên khuôn mặt của Anuruddha mỗi lúc một rõ rệt, càng làm mềm lòng người bạn thân hơn. Cuối cùng, Hoàng tử Bhaddiya liền an ủi :

– Này Anuruddha ! Vâng, tôi sẽ cùng xuất gia tu Phật với bạn. Nhưng để cho mọi việc chuẩn bị vẹn toàn, bạn có thể chờ tôi khoảng bảy năm được không ?

Anuruddha lập tức tỏ vẻ thất vọng, than rằng :

– Bảy năm nữa thì thật... lâu quá ! Này Bhaddiya ! Nếu trong vòng bảy năm ấy, mà tuổi thọ của chúng ta hết, thì chúng ta sẽ mất duyên lành giải thoát và phải bị luân hồi.

Rồi chàng tiếp tục năn nỉ Bhaddiya.

Cứ như thế mà Anuruddha đã làm xiêu lòng người bạn, giảm dần sự chờ đợi xuống còn bảy ngày, cái thời gian tối thiểu để Bhaddiya có thể sắp đặt việc nhà, tìm người kế nghiệp.

Lúc bấy giờ, Anuruddha mới yên tâm ra về, bởi chàng biết rõ bạn mình là người luôn luôn tôn trọng lời hứa.

Quyết định này đã làm đảo lộn truyền thống thừa tự của hoàng tộc Thích Ca (Sakya) rất nhiều. Vì số vương tử sau đó noi gương Đức Phật sẽ không chỉ là Anuruddha và Bhaddiya, mà còn những người khác nữa.

Kết quả đã có sáu Hoàng tử giòng họ Thích Ca (Sakya) cùng nhau rời kinh đô Ca-tỳ-la-vệ tìm đến Đức Phật, mang theo một vương bộc (Sách khác gọi là người thợ hớt tóc trong cung vua) tên Upa(li.

Sáu hoàng tử đó là : Bhaddiya, Anuruddha, Ànanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta. (theo Tôn Túc Kệ Ngôn các số 118, 155-156 và 271-274 : The-ragàthà numbers 118, 155-156, 271-274)

Và để tránh sự chú ý của các giới quý tộc cùng dân dã, có thể gây trở ngại cho công cuộc “lên đường” lịch sử, sáu vị Hoàng tử ấy đã tổ chức một đoàn tùy tùng có binh mã hộ tống, giống như thường lệ họ đi ngoạn cảnh hay đi săn bắn vậy.

Khi đã cách kinh đô một khoảng thật xa, sáu vị Hoàng tử bèn ra lệnh cho quân lính quay về, rồi họ tiến thẳng vào một địa phận lân cận, để cởi hết y phục sang trọng và đồ trang sức, giao cho vương bộc Upa(li, bảo rằng giá trị của tất cả những thứ này, có thể giúp cho ông sống mãn đời, mà không cần đến chủ cũ nữa.

Nhưng Upàli, trên đường về nhà chợt suy nghĩ : “Những hoàng thân trong vương tộc Thích Ca, ai xu hướng theo Đạo Phật thì thôi, còn ai chưa tin tưởng Phật giáo, lại rất đa nghi. Nếu họ hiểu lầm ta đã sát hại sáu vị Hoàng tử kia, để đoạt hết những tư trang này, họ chắc chắn sẽ giết ta. Tốt hơn ta hãy chạy theo sáu Hoàng tử ấy để chủ tớ chung đường, tu hành có nhau, và mạng sống của ta cũng được bảo đảm”.

Nghĩ đoạn, Upa(li liền cột tất cả y phục và tư trang của sáu Hoàng tử thành một bó, treo lên cành cây, rồi nỗ lực đuổi theo sáu viên thiếu chủ.

Khi Upa(li bắt kịp họ, vội nói :

– Này các Hoàng tử ! Upa(li này không thể trở về kinh đô một mình với những tư trang vương giả mà không có mặt quý vị ! Các quan quân trong thành sẽ nghi lầm và gia tội hạ thần rất nặng nề ! Chi bằng các ngài hãy cho Upa(li này đi theo, để noi gương Đức Phật, sống đời Sa-môn phạm hạnh !

Những Hoàng tử giòng họ Thích Ca (Sakya) khi nghe mấy lời ấy, cũng nghĩ : “Upa(li quyết định nối gót chúng ta là một điều hợp lý. Vì con đường dẫn đến Đức Phật chắc chắn sẽ bình an, còn y trở về hoàng cung không chừng gặp phải nguy hiểm !”. Nghĩ đoạn họ bèn cho phép Upa(li vầy đoàn, rồi nhắm hướng Đức Phật cư ngụ thẳng tiến.

Khi tất cả đã ra mắt Đức Phật, và được Phật chấp thuận cho gia nhập Tăng chúng, thì các Hoàng tử chợt tư duy rằng : “Hoàng tộc Thích Ca xưa nay vốn rất tự phụ. Nếu các vương tử được thọ giới trước thường dân Upa(li, thì tánh xấu ngã mạn kia sẽ khó tẩy trừ. Vậy yêu cầu Đức Phật ban phép xuất gia đến vương bộc Upa(li trước, rồi sau đó mới thế phát cho sáu Hoàng tử giòng họ Thích Ca ! Như thế Tỳ-kheo Upa(li sẽ là vị Tăng sĩ niên trưởng để chúng ta phải kính trọng và làm bổn phận của những sư đệ”.

Tâm tưởng cao thượng ấy thúc đẩy sáu vị Hoàng tử thể hiện bằng hành động. Họ lần lượt thỉnh cầu Đức Phật :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Lâu nay Upa(li đã phục vụ hết lòng cho vương tộc Thích Ca, và để trả ơn cũng như để cho sự tu hành của chúng tôi được tiến triển tốt đẹp, ngưỡng mong Đức Thế Tôn cho phép Upa(li xuất gia trước.

Đức Phật thấu rõ điều suy nghĩ đáng khen của sáu hoàng thân, liền nhận lời. Kết quả, cộng đồng Tăng-già (San(gha) dưới sự hướng dẫn của Đức Phật sau đó đã tăng thêm bảy vị. Trong số ấy, vị niên trưởng chính là Tỳ-kheo Upa(li vậy ! (theo Tiểu Phẩm, chương VII, trong Tạng Luật : Vinaya, Cullavagga, Chương VII)

Và chỉ trong vòng một năm sau, hầu hết bảy Sa-môn ấy đã đạt được những thành tích tâm linh vượt bậc. Chẳng hạn như Đại đức Bhaddiya, vị thứ nhất đắc quả A-la-hán với Tam thông (Tevijja() có trí tuệ đặc biệt, loại trừ mọi phiền não một cách dễ dàng (Panõõnõa Vimutta). Tam thông là Túc mạng thông (biết hết tiền kiếp của mình), Thiên nhãn thông (thấy rõ mọi loài, vô hình lẫn hữu hình), và Lậu tận thông (tẩy sạch phiền não). Còn Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) thì đắc Thiên nhãn thông. A-nan-đà (Ànanda) đạt Thánh quả Nhập lưu (Sotapanno). Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) luyện thành nhiều quyền thuật siêu nhiên. Riêng Bhagu, Kimbila và Upàli thì về sau mới đắc quả A-la-hán. (Giống như A-nan-đà và A-nậu-lâu-đà). Chỉ có một điều đáng tiếc là Đề-bà-đạt-đa, vì luyện thành nhiều quyền lực siêu phàm, mà trở nên ỷ lại, rồi ngã mạn và tham lam lại phát sanh, đến nỗi ông trở nên tăm tối, đi vào con đường chống Phật, phải bị sa đọa vào địa ngục Vô gián.


 

----o0o---

II-

ĐẮC THIÊN NHÃN THÔNG

 

Trong số những người đắc các thần thông hiếm có, thì A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) là một cao thủ. Chính Đức Phật cũng đã xác nhận dữ kiện ấy trước các hàng Tăng chúng. Phật nói :

– Này chư Tỳ-kheo ! A-nậu-lâu-đà là một đại Sa-môn đạt Thiên nhãn thông cao nhất. (Theo Tăng Chi A Hàm 1, chương 19 : Anguttara Nikàya 1, chương 19)

Một lần nọ, khi một nhóm đệ tử ưu tú của Đức Phật an cư kiết hạ, tụ tập với nhau trong rừng Gosinga (xiêm gai), một vấn đề đã được nêu lên là : “Ai sẽ là bậc xứng đáng lấy khả năng độc đáo của mình, để làm cho ngôi rừng Gosinga này trở nên rạng rỡ, trang nghiêm và thanh thoát, khiến cho Phật tử mười phương mỗi khi nghe đến là hân hoan ngưỡng mộ ?”.

A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) liền trả lời :

– Sa-môn nào là người có Thiên nhãn thông tuyệt diệu nhất, là bậc quan sát và nhìn thấy thật dễ dàng muôn ức triệu thế giới và vũ trụ, phân biệt từng tinh tú hệ riêng rẽ..., như một người đứng trên tháp cao nhìn xuống những ranh giới nhà nông. (theo Trung A Hàm số 32 : Majjhima Nikàya No. 32)

Rồi một dịp khác, A-nậu-lâu-đà lại bày tỏ rằng :

– Ông nhờ tinh tấn phát triển thiền pháp định tâm (Sam(a(dhi kammattha(na) mà đạt được Thiên nhãn thông cao nhất. (theo Tạp A Hàm 52/23 : Sam(yutta Nikàya 52/23)

Và ông cũng đã hướng dẫn cho nhiều đệ tử của mình thực hành thiền pháp ấy, để khai mở “Tịnh nhãn”, tích tụ công lực, làm nền tảng cho một sự thụ đắc Thiên nhãn thông sau này.

Và để cho người đời dễ nhớ hơn, Thiền sư A-nậu-lâu-đà còn lưu lại những câu kệ ngôn rằng :

“Tu Định chắc vào năm căn ([1]) minh sát

Ý và tâm thanh tịnh với Ngũ trần

Thần trí an rồi, nhãn lực không phân

Công phu ấy là thần thông trong mắt.

Nhãn căn có thì nhãn linh phải ắt

Qua Ngũ thiền ([1]) tự khắc hiển hiện ra

Như vầng Thái dương quang lực chói lòa

Soi rõ hết muôn vạn chiều sanh diệt.

Vượt quá khứ, phi tương lai biền biệt

Hội về tâm, hiện tại một pháp Thiền

Diệu đế thấy rồi nhãn lực vô biên

Trong nhãn thức, một thần thông giải thoát”.

(NĐ. thoát dịch ra văn vần, theo

Tôn Túc Kệ Ngôn, các câu số

916, 917 : Theraga(tha( 916-917)

Thiên nhãn thông hay Thần nhãn (Dibba Cakkhu) là một trình độ kiến nhận vượt khỏi khả năng của đôi mắt phàm tình, dù cho đôi mắt ấy nhìn xuyên qua một dụng cụ khoa học tối tân.

Nhưng “Thần nhãn” của Anuruddha, theo Kinh Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga sutta) còn kỳ diệu hơn nữa, có thể tỏa rộng tới ngàn vạn chiều tinh thể, tức là tương đương với sự thấy rõ hàng ngàn “dãy Ngân Hà” (Glaxie) trong Thiên văn học ngày nay !

(Lời thêm của dịch giả : “Dãy Ngân Hà” là một tập hợp của vô số tinh tú. Mỗi tinh tú vận chuyển tạo ra một hệ thống riêng biệt. Chẳng hạn như mặt trời là một tinh tú, có những hành tinh quay xung quanh nó, gọi là Thái dương hệ, mà đôi “mắt Thánh” của Thiền sư Anuruddha có thể nhìn thấy hàng ngàn dãy Ngân Hà như thế, tức là ngài đã thông thấu tới ngàn vạn chiều thiên thể vậy).

Cũng theo Kinh Thanh Tịnh Đạo (Visud-dhimagga) thì thần thông (Thiên nhãn) này chỉ đạt được khi hành giả đã thành công vững chắc từ Tứ thiền trở lên (Catuttha Jha(na) và đang phát triển mạnh các “Thiền tâm vô sắc”, như “Không vô biên” hay “Thức vô biên” chẳng hạn ! (Kinh Visuddhimagga : Thanh Tịnh Đạo, đã được học giả Nànamolika dịch Pàli sang Anh Ngữ, do Buddhist Publication, Kandy xuất bản năm 1979, chương XIII, các đoạn 95-101, xem những trang từ 469 đến 471. Chúng tôi xin ghi vào đây để quý vị độc giả rộng đường nghiên cứu).

Ngoài ra, điều cần lưu ý thêm là “Thiên nhãn” này là một thần thông nằm trong Tam thế pháp (Tilokiyadhamma). Do đó, có thể có một số rất ít phàm nhân (Puthujjana) đạt được (tuy rất hiếm) chỉ cần họ đắc định từ đệ Tứ thiền trở lên, hay các Thánh Tăng có tĩnh lực lưu lại từ tiền kiếp. Và Thiền sư A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) đã đắc thần thông này trước khi chứng quả A-la-hán (Arahatta).

Chính Đức Phật lúc còn tại tiền cũng đã hằng ngày dùng thần thông ấy mỗi buổi sáng (vào rạng đông) để quan sát khắp ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, xem có ai hữu duyên với Chánh pháp, rồi Ngài tùy nghi tiếp độ ! Lắm khi nhờ Thiên nhãn thông mà Đức Phật đã thấy được nhiều đệ tử đang ở rất xa Bổn Sư, bị những “ma chướng pháp” quấy nhiễu trong khi hành thiền, để Ngài hiện đến dạy cho pháp giải trừ.

Nói chung, đặc điểm của Thiên nhãn thông là “thấy” được một chúng sanh hết tuổi thọ (chết) ở một cảnh giới này, rồi luân hồi (tái sanh) vào một cảnh giới khác, có thể là cõi cao hơn, hay cũng có thể là cảnh thấp kém, đày đọa hơn. Đặc điểm ấy chữ Pa(li trong Kinh gọi là Cutu(papàta Na(na (Tạm dịch là Nhãn thông sinh tử đồ).


 

----o0o---

III-

A NẬU LÂU ĐÀ TIẾN LÊN THÁNH HẠNH A LA HÁN

 

Sau khi đắc được Thiên nhãn thông và các thần thông khác, nhờ tinh tấn thực hành Thiền định (Sama(dhi, nhất là đã vượt lên các bậc thiền Hữu sắc, A-nậu-lâu-đà nguyện nhất tâm phát triển xa hơn nữa công phu thiền pháp của mình, hầu sớm đạt đến đạo quả giải thoát A-la-hán (Arahatta). Nhưng trước khi chứng thật cứu cánh ấy, ông đã phải rèn luyện Thánh hạnh và đấu tranh rất nhiều với bản thân, để tẩy trừ mọi phiền não vi tế trong tâm, nhất là căn tánh cuối cùng của cái “ta” là “không muốn hành động theo ý của người khác”. Có ba thuật sự gương mẫu đáng kể lại cho đời sau là :

Một lần nọ, Thiền sư A-nậu-lâu-đà tịnh tu cùng với Sa-môn Nandiya, vốn là anh em chú bác trong hoàng tộc, (theo Tôn Túc Kệ Ngôn câu 25 : Theragàthà 25), và Tỳ-kheo Kimbila, em ruột của ông,(theo Tôn Túc Kệ Ngôn câu 118, và Tăng Chi A Hàm số 5/201, 6/40, 7/56, cũng như Tạp A Hàm số 54/10 = Theragàthà 118, Anguttara Nikàya 5/201, 6/40, 7/56, Sam(yutta 54/10).

Cả ba vị đã đến hành thiền giữa ngôi rừng phía Đông vườn Trúc Lâm, một cách hoàn toàn “cô độc”. Ý nói tuy họ có mặt đến ba người trong cùng một hoang địa. Nhưng hằng ngày họ chẳng bao giờ gặp nhau. Trình độ thuần thục thiền pháp của họ đã hoàn toàn vững chắc, khiến cả ba hành giả thật không cần sự hỗ trợ qua lại. Tuy nhiên, luật cộng đồng chẳng cho phép họ sống biền biệt, nên họ phải ước hẹn cứ mười lăm ngày hội họp một lần, để làm lễ “phát lồ” (sám hối) và luận đạo. Sự hội họp của họ cũng an lạc, hòa thuận một cách đặc biệt, đến đỗi biến thành ba huyền thoại phạm hạnh, loan truyền ra khắp vùng xung quanh, khiến cho ai nghe cũng khen ngợi ! Không như nhóm Tăng sĩ luôn luôn gây gổ, chia rẽ nhau ở Kosambì !

Khi Đức Phật đến thăm ba đệ tử ấy và hỏi Sa-môn A-nậu-lâu-đà nhờ pháp gì mà ông sống hòa thuận một cách tuyệt đối với hai huynh đệ, thì được ông trả lời :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Thật vậy, chúng đệ tử ba Tỳ-kheo ẩn tu trong ngôi rừng này, hằng ngày hành động qua thân, khẩu hay ý, luôn luôn dựa trên thiện pháp quên mình, dẹp bỏ cái “ngã” và làm mọi cách đem an vui đến những người xung quanh. Pháp ấy không bắt buộc chúng đệ tử phải thường xuyên gặp nhau bằng xương bằng thịt, mà vẫn gặp nhau bằng tâm hồn ôn hòa, từ ái. Không có một hành động, lời nói hay ý nghĩ nào của chúng đệ tử ba người mà bắt nguồn từ sự bất thiện cảm với đồng đạo, có thể phát sanh. Thành thử sự bình an và hòa thuận là một tịnh quả tất nhiên. Mỗi cá nhân trong chúng đệ tử luôn luôn tâm niệm rằng : “Khi ta muốn làm một điều gì, thì ta hãy dẹp cái điều ta muốn sang một bên, và ta phải cố gắng làm những điều mà huynh đệ ta muốn”. Rồi chúng đệ tử cả ba đều hành động như thế, nên an vui vô cùng. Có thể nói là chúng đệ tử tuy ba người, nhưng chỉ có một tâm hồn thiện hạnh nằm trong ba thân thể tạm bợ này.

Tiếp theo Đức Phật hỏi A-nậu-lâu-đà về tiến bộ tu tập của cả ba Sa-môn ra sao, xem họ có thành quả tâm linh nào đáng kể, vượt khỏi khả năng trung bình phàm tình hay không, thì được A-nậu-lâu-đà trả lời :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Chúng đệ tử đã gặp nhiều chướng ngại pháp, nhất là “nội ma” trong tâm luôn luôn quấy nhiễu, nhưng nhờ tinh tấn và kiên trì dẹp bỏ cái “ta” mà chúng đệ tử đã vượt qua. Giờ đây chúng đệ tử đã củng cố được linh lực của trí tuệ, chứng thật sự bừng sáng của nội tâm (Obhãsa Sanõnõà) (1), thấy rõ nhiều “hình thái” vô cùng quang minh, kỳ diệu và vi tế  (Rũpãnamï Dassanamï) (2)

Nhưng bạch Đức Thế Tôn ! Kết quả siêu phàm ấy, chúng đệ tử chỉ chứng đắc trong khi hành thiền mà thôi, chứ bình thường không thể vận dụng được ! Và chúng đệ tử không hiểu tại sao ? Thỉnh cầu đức Bổn Sư chỉ dạy.

Đức Phật liền giảng giải rằng :

– Một hành giả khi tham thiền, đối diện với trạng thái tâm linh biến hiện có điều kiện tiên lập như thế, mà muốn vượt qua thì phải tinh tấn loại trừ mười một Tùy phiền não (Ekadasũpakkilesã).

– Này A-nậu-lâu-đà ! Vậy chứ mười một Tùy phiền não ấy là gì ? Là Hoang mang (hồ nghi), Lơ đãng (phóng tâm), Mỏi mệt (buồn ngủ) và Lo âu (hồi hộp) (3) v.v... Bốn chướng ngại pháp đầu tiên này nếu hành giả không vượt qua thì chẳng thể tu thiền được ! Còn ngược lại nếu họ chiến thắng nổi chúng, thì bảy Tùy phiền não tiếp theo sẽ lần lượt phát sanh, hễ cái này bị loại thì cái kia hiện ra, như một hàng số lũy tiến, số sau là kết tập của số trước.

– Này A-nậu-lâu-đà ! Ví thử có một hành giả, nhờ tinh tấn tu thiền mà vượt thắng được bốn Tùy phiền não đầu tiên nói trên, thì họ sẽ thọ chứng rõ rệt một trạng thái khoái cảm thuộc về thân thể rất đáng ưa thích. Sự “khoái cảm” ấy sẽ nhập vào ý thức, biến thành một thứ phỉ lạc làm cho tâm tư nhẹ nhàng, ngây ngất, ngây ngất đến độ họ có thể bị mắc dính trong “phỉ lạc”, không muốn mất “phỉ lạc”. Tình trạng này làm cho nhiều thiền giả bị dừng lại ở đó, không tiến xa trên con đường tu thiền. Nhưng nếu có hành giả dũng mãnh tinh tấn hơn nữa, thì họ phải sử dụng một thiền lực cực tịnh, tách rời mọi sự ưa thích phỉ lạc, để đưa tâm linh quán trú vào đề mục. Từ đó “thiền lực cực tịnh” ấy sẽ đẩy tâm tư của thiền giả vào một trạng thái mới gọi là Tán thức, tức là khi vượt qua giai đoạn “phỉ lạc”, thiền giả vốn dùng quá nhiều “định lực” (Cực tịnh), nên thiền tâm lại rơi vào trong tình trạng “tán thức”, nghĩa là như muốn bay bổng, hụt hẩng, như muốn khinh thân vậy. Và vì cường độ cảm nhận ngoại trần ở tình trạng “tán thức” này rất yếu, nhường chỗ cho những tỉnh niệm hướng thượng, nhất là hướng về Thiên giới, hay Phi địa tiên, hoặc hội tụ để phát sanh “nội quang” trong tâm thiền giả.

Nhưng này A-nậu-lâu-đà ! Khoảng giữa “Cực tịnh” và “Tán thức” lại có một giai đoạn mà thiền tâm của hành giả hội tụ ở nhiều “cảnh sắc” khác nhau, thường là thiền tâm ấy vừa hội tụ vừa tìm kiếm những cảnh sắc thích hợp để thử an trú nơi đó, nên cái “nội quang” nói trên chợt xuất hiện, chợt biến mất, và lập lại nhiều lần, khiến cho hành giả sanh lòng ham muốn nắm giữ. Kết quả, có một Tùy phiền não thứ chín xuất hiện là Dự tưởng. “Dự tưởng” này sẽ dẫn thiền tâm của hành giả đến nhiều “Nhiễu ấn” chập chờn, để cuối cùng chỉ có một “Ấn pháp” thích hợp ở lại để làm điểm tựa cho thiền tâm. Và sự thỏa mãn của hành giả cũng sẽ phát khởi để ôm chặt “Ấn pháp”, rồi gia tăng tinh tấn. Mức độ gia tăng tinh tấn của Tùy phiền não thứ mười này sẵn được thỏa mãn của hành giả hỗ trợ, nên rất mạnh, có thể đưa đến Tùy phiền não thứ mười một là Chấp niệm.

Và này A-nậu-lâu-đà ! Một thiền giả khi rơi vào trong Tùy phiền não “Chấp niệm” mà không biết áp dụng pháp Tứ Vô lượng tâm, nhất là pháp Vô lượng tâm Xả, để giải trừ, thì sẽ bị lầm lạc.

(

Lời thêm của dịch giả : Để cho quý vị dễ nhớ hơn, chúng tôi xin kê khai vắn tắt, tên của mười một Tùy phiền não theo thứ tự như sau : 1- Hoang mang, 2- Lơ đãng, 3- Mỏi mệt, 4- Lo âu, 5- Khoái cảm, 6- Phỉ lạc, 7- Cực tịnh, 8- Tán thức, 9- Dự tưởng, 10- Nhiễu ấn, 11- Chấp niệm. Ngoài ra, ba ký số (1), (2) trong lời thưa của A-nậu-lâu-đà và (3) trong lời giảng của Đức Phật, cũng xin chú thích như sau :

(1) Sự bừng sáng trong tâm : Obha(sa Sanõnõã, ám chỉ những ảnh tượng có hào quang. Nhưng theo chú giải, trạng thái ấy còn có tên là Parikammobha(sa, tức là thiền giả đã đạt được Cận định, gần đắc vào Sơ thiền, nên mới có ánh sáng như thế.

(2) Ru(pa(nam( Dassanam( ám chỉ sự thấy tương đương với bậc có Thiên nhãn thông.

(3) Lo âu là Tùy phiền não thứ tư, ám chỉ phản ứng của hành giả trước các quái tượng thường hiện ra, có đặc tính gây sợ sệt cho những ai tu thiền, đã cố gắng vượt qua ba Tùy phiền não đầu. Các quái tượng này hầu hết không phải do ma chướng trong tâm thiền giả hiển lộng, mà là do những chúng sanh vô hình, như ngạ quỷ hay A-tu-la chẳng hạn, sống trong môi trường của người tu thiền, đồng thời tịnh tâm của người tu thiền cũng thuần thục, có thể “giao kiến” được với những chúng sanh vô hình đó.

(

Theo Kinh Trung A Hàm số 128 (Majjhima Nika(ya 128) thì khi ấy Đức Phật đã giảng giải rõ mười một Tùy phiền não luôn luôn xảy ra cho một thiền giả nhiều quyết tâm, nhẫn nại và tinh tấn, đúng như kinh nghiệm bản thân của Phật đã từng trải qua, chứ không phải do Ngài dùng Thánh tuệ của một bậc Toàn giác mà biết được.

Phần cuối, Đức Phật lại dạy cho A-nậu-lâu-đà cách áp dụng Vô lượng tâm Xả để giải trừ Tùy phiền não thứ mười một, và cũng là “Tùy phiền não chót” trong các chướng ngại pháp, hầu giúp ông tiến lên Thánh hạnh một cách vững chắc. Đoạn Đức Phật chúc lành cho ba đệ tử tinh tấn tu hành, rồi Ngài trở lại Trúc Lâm tịnh xá...

A-nậu-lâu-đà, sau đó tuy đã tiến triển mỗi ngày một tinh vi trong các bậc thiền, và dù hoàn toàn thuần thục trong nhiều tịnh pháp hữu sắc, thế mà một hôm ông đã đến gặp Trưởng lão Xá-lợi-phất (Sa(r(putta) và nói rằng :

– Này đạo huynh Xá-lợi-phất ! Bằng “con mắt thanh tịnh” (Thiên nhãn) đã được định lực rèn luyện, trở nên siêu phàm, tiểu đệ thường nhìn thấy hàng ngàn vạn chiều vũ trụ. Nhất thời nguyện lực của tiểu đệ rất hùng hậu và bất thối. Tinh thần của tiểu đệ luôn luôn giác tỉnh và sáng tỏ. Thể xác của tiểu đệ đang lành mạnh và không bị kích thích bởi bất cứ trần cảnh gì. Trí nhớ của tiểu đệ có thể gợi lại dễ dàng và rõ rệt trước mọi đề mục. Thế nhưng tâm linh của tiểu đệ hiện tại vẫn chưa được tự do, giải thoát khỏi những phiền não vi tế là nghĩa làm sao ?

Trưởng lão Xá-lợi-phất liền trả lời :

– Này hiền đệ A-nậu-lâu-đà ! Khi hiền đệ nghĩ rằng hiền đệ đã đắc “Thiên nhãn”, có thể nhìn thấy ngàn vạn chiều vũ trụ, tức là sự tự phụ đang hiện diện trong tâm hiền đệ ! Khi hiền đệ nghĩ rằng nguyện lực của hiền đệ đang bất chuyển, tinh thần của hiền đệ luôn luôn giác tỉnh, thân thể của hiền đệ vẫn lành mạnh, trí nhớ của hiền đệ hằng minh mẫn, tức là sự loạn động vì tự mãn (một loại tư duy ràng buộc) đang có mặt trong tâm hiền đệ đấy. Khi hiền đệ nghĩ rằng tâm linh của mình không được tự do với những phiền não vi tế, tức là hiền đệ bị chướng ngại pháp hồ nghi quấy nhiễu. Tốt hơn hiền đệ nên xua đuổi ba thứ tư tưởng bất thiện ấy đi, rồi dồn hết mọi tư duy vào các pháp vô thường, khổ não và vô ngã, nhất là dồn chú ý vào cứu cánh “Bất hữu”, “Bất thủ”, “Vô sanh”, “Vô diệt”, “Niết-bàn”.

Sau khi nghe những lời hướng dẫn của Trưởng lão Xá-lợi-phất (Sa(r(putta), A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) liền trở về tịnh cốc, tiếp tục cuộc sống cô độc, tinh tấn hành thiền, cố gắng loại trừ ba chướng ngại ấy trong tâm. (theo Anguttara Nikàya 3 : 128 – Tăng Chi A Hàm số 3 : 128)

Một lần khác, A-nậu-lâu-đà ẩn tu trong lãnh thổ bộ lạc Cetiya, nằm về hướng Đông vườn Trúc Lâm. Một hôm trong khi đang hành thiền thì thiện tư duy sau đây bỗng hiện lên trong tâm ông :

– Bậc Đại sĩ (Maha(purisavitakka) là người phải có đời sống gồm đủ bảy phẩm cách cao thượng là : 1- Thanh đạm, 2- Tri túc, 3- Ẩn dật, 4- Quả cảm, 5- Cảnh giác, 6- Định tâm, 7- Trí tuệ. Như thế một Sa-môn trong Phật giáo không nên thiếu bảy đức tánh này.

Đức Phật dùng Tha tâm thông biết rõ ý nghĩ ấy trong tâm vị Tỳ-kheo em họ, và cũng là đệ tử. Ngài liền hiện đến trước mặt A-nậu-lâu-đà để tiếp độ và khen ngợi rằng :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Lành thay là điều ông đang tư duy ! Ông đã ngưỡng mộ bảy đức tánh mà một vĩ nhân không thể thiếu được như thế nào, thì trong thiền pháp của Như Lai, một Sa-môn hành giả, chẳng những không thể thiếu bảy đức tánh ấy, mà họ còn phải có thêm đức tánh thứ tám là không phóng tâm vào trần cảnh nữa ! Tỳ-kheo nào là người đã nghe hiểu giáo pháp của bậc Toàn giác, mà còn có khuynh hướng để tâm duyên theo những thỏa mãn phàm tình, thì Tỳ-kheo ấy thật không xứng đáng làm đệ tử Phật dạy.

(Nhóm chữ “không phóng tâm vào trần cảnh” trên đây ám chỉ từ ngữ (Pa(li) trong Kinh Phật là “Nippapanõca”, tức không có khuynh hướng mắc dính vào Ngũ trần : sắc, thinh, hương, vị, và xúc. Hay sự giải thoát dứt khoát khỏi tham luyến xác thân hữu hình, đa tánh và phức tạp của con người. Rồi “Hữu dư Niết-bàn” bản chất vốn là trạng thái giải thoát khỏi khổ thân hiện tại này vậy ! Ngược lại, cũng trong Kinh Pa(li, chữ “Papanõca”, không có tiếp đầu ngữ “Nip” có nghĩa là tâm mắc dính, đắm chìm trong các dục lạc ngũ trần, và chịu vô số thống khổ, tương đương với đặc tính đa dạng và phức tạp của những chúng sanh hữu thể luân hồi).

Đức Phật còn nhấn mạnh với A-nậu-lâu-đà rằng :

– Nếu trong khi hành thiền, phát triển được tám đức tánh ấy mà ông có thể đạt được Tứ thiền dễ dàng, theo ý muốn, thì từ đó ông sẽ không còn bị Ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, và xúc) ảnh hưởng tới tâm nữa. Đời sống thể xác của ông lúc ấy cũng sẽ an vui, tri túc với bốn món vật dụng tối thiểu là y phục, thực phẩm, chỗ ở, và thuốc trị bệnh... Trạng thái này có thể so sánh như một người trần tục hưởng thụ những xa xỉ phẩm vậy. Bốn món vật dụng đạm bạc ấy hằng ngày không làm cho ông mắc dính Ngũ trần, trái lại nhờ nó che chở thân thể mà ông có thể tinh tấn hành thiền để đạt đến đích giải thoát cao thượng.

Lúc Đức Phật từ giã vị đệ tử này, Ngài cũng khuyên A-nậu-lâu-đà nên tiếp tục ẩn tu trong vùng phía Đông vườn Trúc Lâm. A-nậu-lâu-đà cung kính vâng lời, và ông đã tịnh nhập một mùa an cư kiết hạ viên mãn ở đó. Theo Kinh Tăng Chi A Hàm số 3/30 (Anguttara Nika(ya 3 : 30), thì A-nậu-lâu-đà nhờ tinh tấn vượt bậc, nên sau đó chẳng bao lâu ông đắc quả A-la-hán (Arahatta). Thành thử, lần Phật đến hỗ trợ ông ấy, cũng là lần tiếp độ sau cùng, bởi một Thánh nhơn A-la-hán là bậc đã biến thành “Vô học”, “Vô nhiễm” và “Bất đọa” vậy !

Ngay khi vừa đắc quả A-la-hán, Thánh nhơn A-nậu-lâu-đà đã ứng khẩu ngâm mấy câu kệ, cúng dường Đức Phật rằng :

Người đã biết tận tâm tư đệ tử

Đức Bổn Sư, bậc Siêu thế đến đây

Bằng linh ý, bằng khinh thân bí tự

Người khai quang tâm tánh cá nhân này.

Phật xuất hiện khi thiền tâm cần học

Đem phúc ngôn cao ngất chín từng mây

Dạy cho thấy căn ngũ trần ô trọc

Diệt tư duy ([1]) dứt sanh tử đọa đày

Giờ đệ tử trong xứ thiền an trú

Không phân tâm ra ngoại cảnh vần xoay

Tuệ giải thoát và Tam thông ([1]) tích tụ

Phật ngôn kia hành đắc chữ Không này.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần, theo các Tôn Túc

  Kệ Ngôn số 901-903 trong Tăng Chi  A Hàm 8:0

- Theraga(tha( 901-903, Anguttara Nika(ya 8:30)


 

----o0o---

V- A NẬU LÂU ĐÀ VÀ NỮ PHÁI

 

Tuy hầu hết những mẫu chuyện của A-nậu-lâu-đà, được thuật lại trong Kinh điển, chỉ liên quan đến các đề tài Thiền pháp. Nhưng cũng có một số ít bản Kinh nói về thái độ, hay tư cách, của vị Thánh Tăng này, đối với nữ giới.

Chẳng hạn như một bản văn đã kể lại giai thoại sau đây :

Một lần nọ, A-nậu-lâu-đà ẩn tu đơn độc trong một ngôi rừng vắng. Lúc ấy, có một tiên nữ tên là Ja(lin(, từ cõi trời thứ ba mươi ba hiện xuống, cứ quanh quẩn bên ông.

Vị tiên nữ này vốn trong kiếp trước, khi tiền thân A-nậu-lâu-đà làm vua trời Đế Thích (Sakka), thì nàng chính là chánh cung Hoàng hậu. Vì tuổi thọ của loài người, so với tuổi thọ của cõi Trời rất ngắn, chỉ như chốc lát trên thiên giới mà thôi. Và nghiệp lực đưa “Thiên linh” đi đầu thai xuống trần gian cũng hằng làm cho “Thiên linh” ấy quên hết mọi việc kiếp trước, nên A-nậu-lâu-đà đã không lập tức nhận ra nàng là ai. Còn vị tiên nữ Ja(lin( kia thì cứ tưởng “Đế Thích” chồng mình, mê ngao du địa giới bị đọa, để nàng đi tìm.

Kết quả, do tính luyến ái vợ chồng trên thiên cảnh trong lòng nàng chưa dứt, nên vị tiên nữ ấy, sau khi nhận ra A-nậu-lâu-đà là hậu thân của Đế Thích, bèn yêu cầu ông phát nguyện làm sao cho sớm hết tuổi thọ làm người, để thoát sanh lên cõi trời, sum họp với nàng.

Giọng yêu cầu của tiên nữ rất ngọt ngào tha thiết, hòa với nét đẹp của một đệ nhất hoa khôi thiên giới giáng trần, khiến cho bất cứ phàm nhân nào nghe cũng phải say đắm, huống chi “phàm nhân” ấy từ tiền kiếp, đã có duyên phu thê với nàng !

Thế nhưng A-nậu-lâu-đà thản nhiên trả lời bằng câu kệ rằng :

“Này tiên nữ, đừng mê lầm vướng mắc

Nơi Thiên cung còn tội báo nghiệp thân

Nàng tăm tối nên tình tiên ôm chặt

Phu thê ư, hay nhân quả xoay vần ?”.

Tuy nhiên, tiên nữ Ja(lin( vẫn không hiểu A-nậu-lâu-đà nói gì, bèn dịu dàng phân bua, âm thanh ngọt ngào như tiếng đàn :

“Thiếp chẳng thấy trong cõi trần hạnh phúc,

Tại sao người không bỏ xác về tiên ?

Nơi đó Thiên vương cao cả uy quyền,

Đầy phép lạ và tuổi đời vô tận !”.

A-nậu-lâu-đà lại phải giảng giải bằng ba câu kệ ngôn nữa rằng :

“Nàng đã bị lậu vô minh che áng

Chẳng hiểu thông lời chơn thật Thánh nhơn

Pháp vô thường không phân biệt tiên, trần

Duy điều kiện hợp tan là định luật !

*

Bốn giai đoạn sanh, già, và bệnh, chết

Từ điểm “không”, tạo khổ, để hoàn “không”

“Thân kiến” phù du như kiếp nắng hồng

Buổi trưa nóng, buổi chiều tàn lạnh ngắt.

*

Nàng có biết đường luân hồi muôn mặt

Bần Tăng giờ, tâm quyết dứt đăng trình

Kiếp chót này tu, tận diệt duyên sinh,

Vượt ba cõi, chỉ vào trong “không” tịnh”.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần, theo Tạp A Hàm,

số 9/6 Sam(yutta Nika(ya No 9/6).

Một lần khác, một đám tiên nữ được mệnh danh là “Thiên thần kiều diễm”, rủ nhau xuất hiện trước mặt A-nậu-lâu-đà. Sau khi đã chào kính vị Thiền Tăng, những tiên nữ này liền thay phiên nhau khoe khoang với A-nậu-lâu-đà rằng họ có nhiều khả năng tuyệt diệu. Chẳng hạn như họ có thể trong nháy mắt, thay đổi màu da, mái tóc. Hoặc họ có thể tự biến giọng nói thanh tao, ngọt ngào, theo ý muốn v.v... Nghĩa là họ mỗi khi ao ước hưởng thụ một khoái lạc gì, thì tức khắc họ sẽ được toại nguyện.

Để thử xem những điều các tiên nữ vừa khoe là thật hay giả, A-nậu-lâu-đà liền “nói” trong tâm tư rằng : “Vậy các nàng hãy hóa ra màu xanh đi !”. Thì lập tức họ hóa ra màu xanh. Rồi Thiền Tăng muốn thử lại một vài lần nữa, ông “đổi ý” bảo thầm với các tiên nữ chuyển ra màu đỏ, màu vàng, màu tím v.v... Thì họ cũng đều làm được. Đặc biệt hơn, là họ còn có “Tha tâm thông”, biết rõ những gì loài người đang suy nghĩ.

Chứng kiến sự thật ấy, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà liền cảnh giác, để tâm hồn thanh tịnh, an trú vào thiền pháp “Phi tưởng”, không cho tâm mình tư duy bất cứ một chuyện gì cả, nên ông ngồi im.

Lúc bấy giờ, các tiên nữ cảm thấy vô cùng sung sướng (vì đã chứng minh được phép thuật của họ). Đoạn các tiên nữ vui thích, bắt đầu ca hát và khiêu vũ, xung quanh vị Thiền Tăng. Lời lẽ và điệu bộ vô cùng hấp dẫn, không kể là một phàm nhân, ngay cả các tiên nam trên cõi trời Dục giới nhìn thấy, cũng phải say đắm, mê mẩn !

Thế mà A-nậu-lâu-đà vẫn ngồi im, bất động. Vì ông đã an trú vững chắc Lục thức vào trong một cõi thiền. (Lục thức là Nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức). Nhất thời tuy Lục căn của ông vẫn bình thường, nhưng “Lục thức” không có mặt để tiếp xúc với “Lục trần”, nên ngoại cảnh chẳng thể nào quấy nhiễu tâm linh ông được. (Lục căn là Nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn. Lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp. Lục căn có thể ví như sáu cái cửa, và Lục trần là sáu đối tượng đập vào sáu cửa ấy).

Các tiên nữ, sau một hồi ca vũ, xét thấy A-nậu-lâu-đà không chú ý đến họ. Do đó, ông cũng chẳng chiêm ngưỡng gì sắc đẹp và pháp thuật kỳ diệu của họ, nên tất cả tự động biến mất, quay về Thiên giới.(theo Tạp A Hàm số 9/6 : Sam(yutta Nikàya 9/6).

Nếu chúng ta nhớ lại thời A-nậu-lâu-đà còn là một Hoàng tử đẹp trai, sống trong nhung lụa vương cung, hằng ngày được nuông chìu, hầu hạ bằng ăn sung, mặc sướng, gái đẹp và nhạc hay, thì chúng ta sẽ hiểu sâu xa hơn, cái khung cảnh tiên nữ ca vũ, mơn trớn xung quanh ông, có thể là một thách đố đối với Thiền Tăng. Chính những gì ngày xưa, A-nậu-lâu-đà đã say mê ưa thích, thì bây giờ ông lại dẹp bỏ. Phải chăng nhờ Phật giáo mà A-nậu-lâu-đà đã sớm được giải thoát ? Nếu không do thiện hạnh đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước, ông có thể sẽ bị vướng mắc vào trong các lạc thú trên những cõi trời đầy quyền uy và hạnh phúc (Ám chỉ các tầng trời từ thứ ba mươi ba trở lên).

A-nậu-lâu-đà sau đó nghĩ rằng sự xuất hiện cám dỗ của các tiên nữ vừa qua, đáng nhắc lại như một đề tài, để cho Đức Phật chỉ dạy. Vì vậy, khi gặp Phật, A-nậu-lâu-đà đã tường thuật đầy đủ câu chuyện, và đặt câu hỏi rằng :

– Bạch đức Bổn Sư ! Nhờ những đức hạnh gì, mà một người đàn bà có thể được sanh lên cái cõi Nữ thần đẹp nhất Thiên giới ?

A-nậu-lâu-đà nêu câu hỏi ấy, không phải vì lòng còn ưa thích sắc đẹp của các tiên nữ, mà vì tánh tò mò, muốn biết rõ nhân lành nào đã dẫn đến một kết quả đặc biệt như thế !

Đức Phật từ bi trả lời :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Có tám phẩm hạnh khiến cho một nữ nhơn sẽ thoát sanh lên cõi trời mỹ sắc ấy là :

1- Người đàn bà sau khi lập gia đình, phải có nết hạnh chiều chuộng và thân ái đối với chồng.

2- Người nữ phải luôn luôn tỏ ra lịch sự, và hiếu khách đối với những thân nhân mà chồng mình quý mến, nhất là cha mẹ chồng và các hàng phạm hạnh đạo sĩ.

3- Người nữ phải chu toàn mọi việc gia đình một cách cẩn thận và siêng năng.

4- Người nữ phải biết chăm sóc và hướng dẫn kẻ ăn người ở trong nhà một cách có kế hoạch.

5- Người nữ phải có tánh không phung phí tài sản của chồng, và biết cách gìn giữ an toàn.

6- Người nữ không thích cờ bạc rượu chè, và làm mọi cách để tránh cho chồng khỏi mắc phải tật rượu chè cờ bạc, nguyên nhân làm cho chồng sạt nghiệp.

7- Người nữ nếu không “xuất gia” thì phải biết quy y, nương nhờ nơi Tam Bảo, và nhất là nghiêm giữ năm giới cấm.

8- Người nữ phải có lòng rộng lượng, thương người, cũng như biết chia sớt sự sống của mình cho những ai đói rách. (theo Tăng Chi A Hàm số 8/46 Anguttara Nikàya 8/46)

Ngoài hai câu chuyện nói trên, liên quan đến các tiên nữ hiện ra thân người trước mặt A-nậu-lâu-đà, còn có nhiều điển tích trong Kinh sách, thuật lại khả năng dùng “Thần nhãn” của ông, để nhìn thấy những “linh hồn nữ” thoát sanh lên Thiên giới, hay bị đọa xuống các cảnh khổ (nhất là cõi địa ngục) như thế nào.

Một lần nọ, A-nậu-lâu-đà cũng hỏi Phật, người nữ vì phạm trọng tội gì, mà họ phải sanh vào địa ngục, thì được Phật trả lời rằng :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Có năm nguyên nhân làm cho một người đàn bà sẽ bị sa đọa là :

1- Thiếu niềm tin trong Chánh pháp.

2- Không biết hổ thẹn khi đã lỡ làm điều bất thiện.

3- Chẳng ghê sợ tội lỗi.

4- Người thường nóng giận.

5- Đầu óc không bình tĩnh, dễ tin nhảm.

– Này A-nậu-lâu-đà ! Xa hơn nữa, một người đàn bà, do năm tật xấu nói trên, có thể sanh ra nhiều ác tánh khác, như thù vặt, ganh tị, keo kiệt, lang chạ, vô luân lý, lười biếng, và đãng trí. Rồi khi hết tuổi thọ, họ chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục.

Nhưng ngược lại, này A-nậu-lâu-đà ! Nếu một người đàn bà biết tu sửa, phát triển những đức tánh đối trị như sau :

1- Vững niềm tin trong Chánh pháp.

2- Tự hổ thẹn với lỗi lầm của mình.

3- Ghê sợ tội lỗi.

4- Hòa dịu không nóng giận.

5- Tinh thần bình tĩnh sáng suốt.

Rồi từ đó các nết tốt của họ cũng hiện ra, là không chấp nhứt thù hằn, không ganh tị, không keo kiệt, trung thành với chồng, biết tôn trọng luân lý, siêng năng và chăm chỉ. Những đức tánh ấy sẽ giúp họ tiến hóa lên thiên đường. (theo Tạp A Hàm số 37/5-24 : Sam(yutta Nikàya 37/5-24)

Và nhân một cuộc “Pháp đàm” khác, A-nậu-lâu-đà lại thuật cho Đức Phật nghe rằng : Trong đời sống hằng ngày có nhiều người đàn bà bề ngoài rất nghiêm trang, cử chỉ cũng hòa dịu, thế mà khi họ hết tuổi thọ thì ông “thấy” họ lập tức sanh vào địa ngục, là bởi làm sao ?

Đức Phật trả lời :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Có ba nết xấu rất nguy hiểm trong một người đàn bà, luôn luôn dắt dẫn họ đi thẳng vào con đường địa ngục là : Buổi sáng họ keo kiệt, buổi trưa ham muốn của cải danh vọng, và buổi tối đòi hỏi tình dục. (theo Tăng Chi A Hàm số 3/127 : Anguttara Nikàya 3/127).

Ngoài ra, những thuật sự nói về kiếp trước của A-nậu-lâu-đà cũng mô tả mối liên quan sâu xa của tiền thân ông với phái nữ. Tất cả đều chứng tỏ A-nậu-lâu-đà, xuyên qua những kiếp xa xưa, đã được phái nữ ngưỡng mộ rất nhiều. Và trong những tiền kiếp ấy, ông đã bị đầu thai làm thú vật chỉ có một lần :

Khi ấy, ông sanh làm chim câu rừng và bồ câu mái, bạn ông, đã bị một diều hâu sát hại. Để đối phó với nỗi khổ buồn thương, biệt ly bạn đồng hành, tiền thân làm chim câu trống của ông, đã quyết định nhịn đói cho đến khi vơi đi mọi cô độc sợ hãi.

Câu chuyện buồn thương và nhịn đói vì nhớ bạn của tiền thân làm chim (A-nậu-lâu-đà) đã được kể lại bằng những câu kệ sau đây :

“Trong kiếp ấy vì ham vui mà khổ

Tôi đã làm chim, cùng bạn bay xa

Gặp phải diều hâu, cái chết xóa nhòa

Một sanh mạng theo tử thần tan tác.

*

Sống thơ thẩn, nhớ bóng hình đã mất

Kiếp cô đơn, ngày tháng lạnh lùng trôi

Tuyệt thực cho vơi bất hạnh cuộc đời

Mong cái khổ đừng bao giờ trở lại...”.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần,

theo Túc Sanh Truyện số 490)

Còn một câu chuyện tái sanh, rồi vì đa tình mê sắc, đã gây oan nghiệt, cũng xin kể ra đây, để quý vị Phật tử thấy rằng A-nậu-lâu-đà trước khi trở thành Thánh nhơn, trong vô lượng kiếp luân hồi, ông cũng đã từng có tâm ác độc, như bao nhiêu chúng sanh tội lỗi khác :

Kiếp ấy, tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm vua, trong khi săn bắn giữa rừng, ông gặp phải một người đàn bà cực đẹp, đẹp đến nỗi mà ông lập tức si tình.

Và để chiếm hữu giai nhân tuyệt sắc, nhà vua liền giương cung bắn vào chồng nàng, gây trọng thương. Nhưng người đàn bà đã không sợ sệt trước quyền uy của một vị vua, cũng như không mê mờ trước cảnh sống vương giả, mà nhà vua sẵn sàng cống hiến. Nàng mạnh dạn tố cáo sự ác độc của nhà vua, và tuyên bố quyết chết theo chồng, chứ không để tấm thân mình bị kẻ tàn bạo làm hoen ố. Kết quả, nhà vua đã thức tỉnh, rồi hối hận bỏ đi, để lại sau lưng một người đẹp, bên cạnh một nạn nhân của tánh háo sắc của mình. Cũng may là chồng người đàn bà ấy bị vết thương không ở chỗ tán mạng.

Và người đẹp trong “đoản kịch” nghiệt ngã ấy không ai khác hơn là tiền thân của Da-du-đà-la (Yasodhara(), cùng chồng nàng là tiền thân đức Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, người mà trong kiếp chót đã viên tròn Phật quả, đồng thời trở thành Bổn Sư của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà. (theo Túc Sanh truyện số 485 : Jàtaka 485)

Xong chuyện gây oán, giờ xin thuật qua chuyện tạo ân : Một kiếp nọ, tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm vua trời Đế Thích, rồi tìm cách tiếp độ tiền thân đức Bồ-tát, tái sanh làm một nhạc sĩ, thổi tiêu rất hay, tên là Guttila.

Lúc ấy, Đế Thích dụng tâm khuyến khích cho ba trăm nữ thần giáng trần để luân vũ, theo giọng tiêu trầm bổng, réo rắt của Guttila. Và họ đã hòa điệu nhạc vũ một cách liên hoan như thế đến ba lần. Qua lần thứ tư theo lời yêu cầu của toàn thể tiên nữ, Đế Thích đã mời và dùng thần thông đưa nhạc sĩ Guttila, lên thổi tiêu trên Thiên cảnh, do ông ngự trị.

Khi kết thúc âm nhạc, Guttila động tánh tò mò bèn hỏi các nữ thần, do phước báu nào mà họ được sanh lên cõi trời, thì được trả lời rằng : “Chúng tôi sở dĩ hưởng được hạnh phúc này, là nhờ kiếp trước thường xuyên cúng dường các bậc phạm hạnh, cũng như thường xuyên nghe Chánh pháp, thường xuyên bố thí đến kẻ nghèo, nhất là bố thí bằng sự kính trọng, không nóng giận và ngạo mạn”.

Chỉ nghe câu trả lời ấy, nhạc sĩ Guttila (tiền thân đức Bồ-tát) liền sanh lòng thỏa thích, và hạt giống “thiên tánh” tự nhiên sống lại trong tâm hồn ông. Từ đó về sau, tuy làm người, nhưng nhạc sĩ Guttila vẫn thỉnh thoảng lên thổi tiêu trên cõi trời. (theo Túc Sanh Truyện số 243 : Jàtaka 243)

Trở lại đời sống Sa-môn hiện tại của A-nậu-lâu-đà. Những đặc điểm nổi bật và những khả năng xuất chúng của ông, đã được đề cập rồi. Bây giờ xin nói qua một biến cố có liên quan đến ông, mà từ đó Đức Phật đã chế ra một điều luật.

Số là A-nậu-lâu-đà và sư đệ là Tôn giả A-nan-đà (Ànanda) (tức hai trong số những đại đệ tử thân cận nhất của Đức Phật), một hôm là duyên cớ để Đức Phật chế ra hai điều luật. Cả hai điều luật ấy đều áp dụng cho Tỳ-kheo Tăng trước phái nữ. Điều luật thứ nhất gọi là Pa(cittiya 83 (Ưng Đối Trị 83), và A-nan-đà là “chứng nhân” trong đề tài. Điều luật thứ hai do câu chuyện sau đây :

Một thời Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà có việc phải du hành xuyên qua vương quốc Kosala, hướng về thành Xá-vệ (Sa(vatth(). Vào một buổi tối mưa gió, ông đến ngôi làng kia, vì không tìm ra một tu viện, tịnh xá hay một nơi nào thích hợp cho các hàng đạo sĩ cư ngụ. Thiền Tăng bắt buộc phải xin tạm trú tại phòng ngoài của một quán trọ, do một người đàn bà xinh đẹp quản lý. A-nậu-lâu-đà yên trí rằng “Phòng ngoài là một khoảng cách biệt, Tăng sĩ có thể tá túc qua đêm được”.

Nhưng chẳng bao lâu sau, số người lỡ đường, xin vào ngủ trọ càng lúc càng đông, khiến cho nữ chủ nhân bỗng đổi ý mời Thiền Tăng vào nghỉ tận phòng trong. Bà viện cớ rằng ở đó yên tịnh, và giường chiếu cũng tươm tất hơn. A-nậu-lâu-đà, trước hoàn cảnh đông người như thế vẫn trầm tĩnh, yên lặng, tức là ông mặc nhiên chấp thuận, chẳng tìm hiểu “ẩn ý” của nữ chủ quán. Tuy nhiên, nữ chủ quán ấy trước khi mời Thiền Tăng vào nghỉ bên trong, bà đã quan sát thấy ông là một tu sĩ khôi ngô, tuấn tú, nên sanh lòng ái cảm.

Thế là, khi mọi người ai về giường nấy, nữ chủ nhân bèn vào tư phòng trang điểm, mình ướp đầy dầu thơm, và mang hết những nữ trang đẹp nhất. Đoạn bà bước vào phòng A-nậu-lâu-đà nhoẻn miệng cười, nói :

– Này đạo sĩ đáng kính ! Ngài vừa hiền hậu, vừa anh tuấn, vừa khỏe mạnh. Mới trông thấy ngài là tiện nữ đã yêu mến rồi. Thật là một đại hạnh cho tiện nữ, nếu được ngài xem như một hiền phụ.

A-nậu-lâu-đà nhứt thời ngồi im.

Nữ chủ quán thấy vậy tưởng lầm rằng sự “im lặng” ấy là chấp thuận. Bà lập tức mở hết đồ nữ trang, gom tất cả tiền bạc, đem để trước mặt A-nậu-lâu-đà, rồi tiếp :

– Xin quý nhân hãy nhận lãnh những lễ vật mọn này, cho thiếp được an lòng.

Nhưng A-nậu-lâu-đà vẫn ngồi yên. Vì lục căn của ông lúc đó đã được an trú vững chắc trong một cõi Thiền, nên ông chẳng hay biết gì cả.

Sự “im lặng” lần thứ hai càng làm cho người đàn bà khích động. Bà vội vàng cởi hết quần áo ngoài ra, để lộ một tấm thân diễm kiều khêu gợi, rồi bắt đầu khiêu vũ xung quanh chiếc giường A-nậu-lâu-đà.

Tuy nhiên, vị Sa-môn trước sau vẫn bất động. Ông như một tượng đá uy nghi trước mọi cám dỗ xác thịt, trước mọi vàng bạc hào nháng, và mê hoặc của cuộc đời.

Lần này nữ chủ quán bất chợt ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên tột cùng vì nhận thấy không một cử chỉ lả lơi, mời mọc nào của bà được đối tượng chú ý ! Thật là một chuyện phi thường, bởi bà rõ ràng là một giai nhân tuyệt sắc, chứ không phải là kẻ xấu xí hèn mọn.

Từ ngạc nhiên người đàn bà ngưỡng mộ. Bất thần bà quỳ xuống trước mặt A-nậu-lâu-đà tán dương :

– Thật là thánh thiện ! Thật là cao thượng ! Này bậc đạo sĩ, ngài là một siêu nhân, một Thiên thánh không lệ thuộc giác quan, mới có tư cách như thế đối với tiện nữ ! Vì trên đời này từ trước tới nay, chỉ có những nam nhân giàu sang, quyền quý mang đầy của cải và danh vọng đến mọp bên chân của tiện nữ để xin xỏ tình yêu, chứ chưa bao giờ có một người thờ ơ, trước sự phủ phục của chính tiện nữ cả.

Sau đó, người nữ chủ nhân quán trọ bỗng tỏ ra hối hận. Bà chậm chạp mặc tất cả quần áo, cùng đồ nữ trang trở lại, rồi một lần nữa phủ phục dưới chân A-nậu-lâu-đà để xin Thiền Tăng tha thứ cho những hành động cám dỗ vừa qua.

Lúc bấy giờ, A-nậu-lâu-đà mới mở mắt ra và thanh tịnh xá lỗi cho người đàn bà lầm lạc. Đồng thời ông cũng khuyên bà nên sáng suốt chỉ huy lấy tâm tư mình. Vì bà còn trẻ và rất đẹp, nếu không cẩn thận, bà có thể bị khổ lụy bởi tình yêu trong tương lai...

Tất nhiên vở kịch tình cảm bồng bột được kết thúc ở đó, và người đàn bà đã trở về phòng mình một cách yên tâm “giác ngộ”.

Sáng hôm sau, mọi người đều thấy nữ chủ nhân quán trọ phong độ rất khiêm cung, nét mặt rất vui vẻ mang thức ăn điểm tâm đến cúng dường tận tay A-nậu-lâu-đà. Vị Thiền Tăng cũng thuyết cho nàng một bài pháp khiến cho nữ chủ nhân quán trọ bỗng chốc trở thành Phật tử và tình nguyện suốt đời sống đúng theo lời Phật dạy.

A-nậu-lâu-đà sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Ông đến tu viện Phật giáo ở Xá-vệ (Sa(vatth() vào một buổi chiều. Khi ông thành thật kể lại chuyện ấy cho một đồng đạo nghe, thì được Đức Phật kêu vào quở trách :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Một Tỳ-kheo xuất gia theo Phật giáo không được ở đêm trong ngôi nhà do người nữ làm chủ, cũng không được ngủ chung phòng có nữ nhân ! Như Lai chế ra luật cấm này kể từ ngày hôm nay, và gọi đó là giới Ưng Đối Trị. (theo Tạng Luật phẩm (, phần điều răn Pàcittiya đoạn số 6)

Thuật sự này chứng tỏ rằng Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đã nhờ thiền pháp chỉ huy được tâm, mà ông tránh khỏi cảnh khổ làm nô lệ cho dục vọng. Sức mạnh an trụ của ông đã đánh thức và cảm hóa được người đàn bà lửa dục đang bừng cháy, khiến đương sự tỉnh ngộ, ăn năn, trở về với Chánh pháp, rồi quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiền pháp của A-nậu-lâu-đà, không những đem lại an vui cho chính ông, mà còn mang đến giác ngộ cho người khác. Người khác ở đây nếu căn cứ theo câu chuyện vừa kể là phái nữ vậy.

Tuy nhiên, khi Đức Phật chế ra điều luật nói trên, Ngài đã “quở trách” A-nậu-lâu-đà chỉ như một duyên cớ mà thôi, chứ không phải Phật chẳng tin vào đức hạnh của vị đại đệ tử này. Vì rằng, các phàm Tăng, tốt hơn là nên tránh trước, đừng để rơi vào một tình trạng cám dỗ không lối rút lui, như thế họ có thể gục ngã bởi dục vọng dễ dàng.

Nghĩa là Đức Thế Tôn, do lòng từ bi, Ngài đã không muốn cho chư đệ tử sơ cơ, rơi vào vòng nguy hiểm. Nếu đọc kỹ trong Kinh điển, chúng ta sẽ thấy rằng : Lúc sanh tiền Đức Phật thường khi đã ngăn ngừa cho những phàm Tăng một số “trợ duyên” gây tội, hơn là để cho họ tự biết tự tu.

Câu chuyện định tâm của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà ở phương Đông, hơn 2500 năm trước, có nhiều điểm tương đồng với đức tánh của Thánh Bernard De Clairvaux trong sử Pháp. Vào đầu thế kỷ thứ XII, năm 1115 : Một hôm, vị ẩn sĩ trẻ tuổi này (Bernard De Clairvaux) dừng chân nghỉ đêm trong một quán trọ. Ông đã được chủ quán dành cho một chiếc băng nơi phòng khách, vì những chỗ khác đã có người chiếm trước. Thình lình nửa đêm, cô con gái của chủ quán, vốn tánh thích những nam nhân đẹp trai, tự mò đến tỏ tình. Nhưng Bernard De Clairvaux đã ôn hòa từ chối. Và vì trời rét, ông đã buộc lòng phải kéo lại tấm chăn bông, và nói với cô gái :

– Nếu cô chỉ cần một chỗ ngủ thì cái băng này có thể đủ cho hai người ! Nhưng nếu cô tìm một cái gì khác thì cô sẽ thất vọng.

Sự thản nhiên hoàn toàn trước cám dỗ xác thịt của Bernard De Clairvaux đã làm cho cô gái kính trọng, và hổ thẹn bỏ đi. Điểm giống nhau của hai vị Thánh, một ở phương Đông và một ở phương Tây, là họ tự chỉ huy được tâm hồn mình, rồi thuyết phục người khác bằng tinh thần và hạnh kiểm trong sạch, thánh thiện, chứ không phải bằng giảng đạo.


 

----o0o---

V- A NẬU LÂU ĐÀ VÀ NỮ PHÁI

 

Tuy hầu hết những mẫu chuyện của A-nậu-lâu-đà, được thuật lại trong Kinh điển, chỉ liên quan đến các đề tài Thiền pháp. Nhưng cũng có một số ít bản Kinh nói về thái độ, hay tư cách, của vị Thánh Tăng này, đối với nữ giới.

Chẳng hạn như một bản văn đã kể lại giai thoại sau đây :

Một lần nọ, A-nậu-lâu-đà ẩn tu đơn độc trong một ngôi rừng vắng. Lúc ấy, có một tiên nữ tên là Ja(lin(, từ cõi trời thứ ba mươi ba hiện xuống, cứ quanh quẩn bên ông.

Vị tiên nữ này vốn trong kiếp trước, khi tiền thân A-nậu-lâu-đà làm vua trời Đế Thích (Sakka), thì nàng chính là chánh cung Hoàng hậu. Vì tuổi thọ của loài người, so với tuổi thọ của cõi Trời rất ngắn, chỉ như chốc lát trên thiên giới mà thôi. Và nghiệp lực đưa “Thiên linh” đi đầu thai xuống trần gian cũng hằng làm cho “Thiên linh” ấy quên hết mọi việc kiếp trước, nên A-nậu-lâu-đà đã không lập tức nhận ra nàng là ai. Còn vị tiên nữ Ja(lin( kia thì cứ tưởng “Đế Thích” chồng mình, mê ngao du địa giới bị đọa, để nàng đi tìm.

Kết quả, do tính luyến ái vợ chồng trên thiên cảnh trong lòng nàng chưa dứt, nên vị tiên nữ ấy, sau khi nhận ra A-nậu-lâu-đà là hậu thân của Đế Thích, bèn yêu cầu ông phát nguyện làm sao cho sớm hết tuổi thọ làm người, để thoát sanh lên cõi trời, sum họp với nàng.

Giọng yêu cầu của tiên nữ rất ngọt ngào tha thiết, hòa với nét đẹp của một đệ nhất hoa khôi thiên giới giáng trần, khiến cho bất cứ phàm nhân nào nghe cũng phải say đắm, huống chi “phàm nhân” ấy từ tiền kiếp, đã có duyên phu thê với nàng !

Thế nhưng A-nậu-lâu-đà thản nhiên trả lời bằng câu kệ rằng :

“Này tiên nữ, đừng mê lầm vướng mắc

Nơi Thiên cung còn tội báo nghiệp thân

Nàng tăm tối nên tình tiên ôm chặt

Phu thê ư, hay nhân quả xoay vần ?”.

Tuy nhiên, tiên nữ Ja(lin( vẫn không hiểu A-nậu-lâu-đà nói gì, bèn dịu dàng phân bua, âm thanh ngọt ngào như tiếng đàn :

“Thiếp chẳng thấy trong cõi trần hạnh phúc,

Tại sao người không bỏ xác về tiên ?

Nơi đó Thiên vương cao cả uy quyền,

Đầy phép lạ và tuổi đời vô tận !”.

A-nậu-lâu-đà lại phải giảng giải bằng ba câu kệ ngôn nữa rằng :

“Nàng đã bị lậu vô minh che áng

Chẳng hiểu thông lời chơn thật Thánh nhơn

Pháp vô thường không phân biệt tiên, trần

Duy điều kiện hợp tan là định luật !

*

Bốn giai đoạn sanh, già, và bệnh, chết

Từ điểm “không”, tạo khổ, để hoàn “không”

“Thân kiến” phù du như kiếp nắng hồng

Buổi trưa nóng, buổi chiều tàn lạnh ngắt.

*

Nàng có biết đường luân hồi muôn mặt

Bần Tăng giờ, tâm quyết dứt đăng trình

Kiếp chót này tu, tận diệt duyên sinh,

Vượt ba cõi, chỉ vào trong “không” tịnh”.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần, theo Tạp A Hàm,

số 9/6 Sam(yutta Nika(ya No 9/6).

Một lần khác, một đám tiên nữ được mệnh danh là “Thiên thần kiều diễm”, rủ nhau xuất hiện trước mặt A-nậu-lâu-đà. Sau khi đã chào kính vị Thiền Tăng, những tiên nữ này liền thay phiên nhau khoe khoang với A-nậu-lâu-đà rằng họ có nhiều khả năng tuyệt diệu. Chẳng hạn như họ có thể trong nháy mắt, thay đổi màu da, mái tóc. Hoặc họ có thể tự biến giọng nói thanh tao, ngọt ngào, theo ý muốn v.v... Nghĩa là họ mỗi khi ao ước hưởng thụ một khoái lạc gì, thì tức khắc họ sẽ được toại nguyện.

Để thử xem những điều các tiên nữ vừa khoe là thật hay giả, A-nậu-lâu-đà liền “nói” trong tâm tư rằng : “Vậy các nàng hãy hóa ra màu xanh đi !”. Thì lập tức họ hóa ra màu xanh. Rồi Thiền Tăng muốn thử lại một vài lần nữa, ông “đổi ý” bảo thầm với các tiên nữ chuyển ra màu đỏ, màu vàng, màu tím v.v... Thì họ cũng đều làm được. Đặc biệt hơn, là họ còn có “Tha tâm thông”, biết rõ những gì loài người đang suy nghĩ.

Chứng kiến sự thật ấy, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà liền cảnh giác, để tâm hồn thanh tịnh, an trú vào thiền pháp “Phi tưởng”, không cho tâm mình tư duy bất cứ một chuyện gì cả, nên ông ngồi im.

Lúc bấy giờ, các tiên nữ cảm thấy vô cùng sung sướng (vì đã chứng minh được phép thuật của họ). Đoạn các tiên nữ vui thích, bắt đầu ca hát và khiêu vũ, xung quanh vị Thiền Tăng. Lời lẽ và điệu bộ vô cùng hấp dẫn, không kể là một phàm nhân, ngay cả các tiên nam trên cõi trời Dục giới nhìn thấy, cũng phải say đắm, mê mẩn !

Thế mà A-nậu-lâu-đà vẫn ngồi im, bất động. Vì ông đã an trú vững chắc Lục thức vào trong một cõi thiền. (Lục thức là Nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức). Nhất thời tuy Lục căn của ông vẫn bình thường, nhưng “Lục thức” không có mặt để tiếp xúc với “Lục trần”, nên ngoại cảnh chẳng thể nào quấy nhiễu tâm linh ông được. (Lục căn là Nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn. Lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp. Lục căn có thể ví như sáu cái cửa, và Lục trần là sáu đối tượng đập vào sáu cửa ấy).

Các tiên nữ, sau một hồi ca vũ, xét thấy A-nậu-lâu-đà không chú ý đến họ. Do đó, ông cũng chẳng chiêm ngưỡng gì sắc đẹp và pháp thuật kỳ diệu của họ, nên tất cả tự động biến mất, quay về Thiên giới.(theo Tạp A Hàm số 9/6 : Sam(yutta Nikàya 9/6).

Nếu chúng ta nhớ lại thời A-nậu-lâu-đà còn là một Hoàng tử đẹp trai, sống trong nhung lụa vương cung, hằng ngày được nuông chìu, hầu hạ bằng ăn sung, mặc sướng, gái đẹp và nhạc hay, thì chúng ta sẽ hiểu sâu xa hơn, cái khung cảnh tiên nữ ca vũ, mơn trớn xung quanh ông, có thể là một thách đố đối với Thiền Tăng. Chính những gì ngày xưa, A-nậu-lâu-đà đã say mê ưa thích, thì bây giờ ông lại dẹp bỏ. Phải chăng nhờ Phật giáo mà A-nậu-lâu-đà đã sớm được giải thoát ? Nếu không do thiện hạnh đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước, ông có thể sẽ bị vướng mắc vào trong các lạc thú trên những cõi trời đầy quyền uy và hạnh phúc (Ám chỉ các tầng trời từ thứ ba mươi ba trở lên).

A-nậu-lâu-đà sau đó nghĩ rằng sự xuất hiện cám dỗ của các tiên nữ vừa qua, đáng nhắc lại như một đề tài, để cho Đức Phật chỉ dạy. Vì vậy, khi gặp Phật, A-nậu-lâu-đà đã tường thuật đầy đủ câu chuyện, và đặt câu hỏi rằng :

– Bạch đức Bổn Sư ! Nhờ những đức hạnh gì, mà một người đàn bà có thể được sanh lên cái cõi Nữ thần đẹp nhất Thiên giới ?

A-nậu-lâu-đà nêu câu hỏi ấy, không phải vì lòng còn ưa thích sắc đẹp của các tiên nữ, mà vì tánh tò mò, muốn biết rõ nhân lành nào đã dẫn đến một kết quả đặc biệt như thế !

Đức Phật từ bi trả lời :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Có tám phẩm hạnh khiến cho một nữ nhơn sẽ thoát sanh lên cõi trời mỹ sắc ấy là :

1- Người đàn bà sau khi lập gia đình, phải có nết hạnh chiều chuộng và thân ái đối với chồng.

2- Người nữ phải luôn luôn tỏ ra lịch sự, và hiếu khách đối với những thân nhân mà chồng mình quý mến, nhất là cha mẹ chồng và các hàng phạm hạnh đạo sĩ.

3- Người nữ phải chu toàn mọi việc gia đình một cách cẩn thận và siêng năng.

4- Người nữ phải biết chăm sóc và hướng dẫn kẻ ăn người ở trong nhà một cách có kế hoạch.

5- Người nữ phải có tánh không phung phí tài sản của chồng, và biết cách gìn giữ an toàn.

6- Người nữ không thích cờ bạc rượu chè, và làm mọi cách để tránh cho chồng khỏi mắc phải tật rượu chè cờ bạc, nguyên nhân làm cho chồng sạt nghiệp.

7- Người nữ nếu không “xuất gia” thì phải biết quy y, nương nhờ nơi Tam Bảo, và nhất là nghiêm giữ năm giới cấm.

8- Người nữ phải có lòng rộng lượng, thương người, cũng như biết chia sớt sự sống của mình cho những ai đói rách. (theo Tăng Chi A Hàm số 8/46 Anguttara Nikàya 8/46)

Ngoài hai câu chuyện nói trên, liên quan đến các tiên nữ hiện ra thân người trước mặt A-nậu-lâu-đà, còn có nhiều điển tích trong Kinh sách, thuật lại khả năng dùng “Thần nhãn” của ông, để nhìn thấy những “linh hồn nữ” thoát sanh lên Thiên giới, hay bị đọa xuống các cảnh khổ (nhất là cõi địa ngục) như thế nào.

Một lần nọ, A-nậu-lâu-đà cũng hỏi Phật, người nữ vì phạm trọng tội gì, mà họ phải sanh vào địa ngục, thì được Phật trả lời rằng :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Có năm nguyên nhân làm cho một người đàn bà sẽ bị sa đọa là :

1- Thiếu niềm tin trong Chánh pháp.

2- Không biết hổ thẹn khi đã lỡ làm điều bất thiện.

3- Chẳng ghê sợ tội lỗi.

4- Người thường nóng giận.

5- Đầu óc không bình tĩnh, dễ tin nhảm.

– Này A-nậu-lâu-đà ! Xa hơn nữa, một người đàn bà, do năm tật xấu nói trên, có thể sanh ra nhiều ác tánh khác, như thù vặt, ganh tị, keo kiệt, lang chạ, vô luân lý, lười biếng, và đãng trí. Rồi khi hết tuổi thọ, họ chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục.

Nhưng ngược lại, này A-nậu-lâu-đà ! Nếu một người đàn bà biết tu sửa, phát triển những đức tánh đối trị như sau :

1- Vững niềm tin trong Chánh pháp.

2- Tự hổ thẹn với lỗi lầm của mình.

3- Ghê sợ tội lỗi.

4- Hòa dịu không nóng giận.

5- Tinh thần bình tĩnh sáng suốt.

Rồi từ đó các nết tốt của họ cũng hiện ra, là không chấp nhứt thù hằn, không ganh tị, không keo kiệt, trung thành với chồng, biết tôn trọng luân lý, siêng năng và chăm chỉ. Những đức tánh ấy sẽ giúp họ tiến hóa lên thiên đường. (theo Tạp A Hàm số 37/5-24 : Sam(yutta Nikàya 37/5-24)

Và nhân một cuộc “Pháp đàm” khác, A-nậu-lâu-đà lại thuật cho Đức Phật nghe rằng : Trong đời sống hằng ngày có nhiều người đàn bà bề ngoài rất nghiêm trang, cử chỉ cũng hòa dịu, thế mà khi họ hết tuổi thọ thì ông “thấy” họ lập tức sanh vào địa ngục, là bởi làm sao ?

Đức Phật trả lời :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Có ba nết xấu rất nguy hiểm trong một người đàn bà, luôn luôn dắt dẫn họ đi thẳng vào con đường địa ngục là : Buổi sáng họ keo kiệt, buổi trưa ham muốn của cải danh vọng, và buổi tối đòi hỏi tình dục. (theo Tăng Chi A Hàm số 3/127 : Anguttara Nikàya 3/127).

Ngoài ra, những thuật sự nói về kiếp trước của A-nậu-lâu-đà cũng mô tả mối liên quan sâu xa của tiền thân ông với phái nữ. Tất cả đều chứng tỏ A-nậu-lâu-đà, xuyên qua những kiếp xa xưa, đã được phái nữ ngưỡng mộ rất nhiều. Và trong những tiền kiếp ấy, ông đã bị đầu thai làm thú vật chỉ có một lần :

Khi ấy, ông sanh làm chim câu rừng và bồ câu mái, bạn ông, đã bị một diều hâu sát hại. Để đối phó với nỗi khổ buồn thương, biệt ly bạn đồng hành, tiền thân làm chim câu trống của ông, đã quyết định nhịn đói cho đến khi vơi đi mọi cô độc sợ hãi.

Câu chuyện buồn thương và nhịn đói vì nhớ bạn của tiền thân làm chim (A-nậu-lâu-đà) đã được kể lại bằng những câu kệ sau đây :

“Trong kiếp ấy vì ham vui mà khổ

Tôi đã làm chim, cùng bạn bay xa

Gặp phải diều hâu, cái chết xóa nhòa

Một sanh mạng theo tử thần tan tác.

*

Sống thơ thẩn, nhớ bóng hình đã mất

Kiếp cô đơn, ngày tháng lạnh lùng trôi

Tuyệt thực cho vơi bất hạnh cuộc đời

Mong cái khổ đừng bao giờ trở lại...”.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần,

theo Túc Sanh Truyện số 490)

Còn một câu chuyện tái sanh, rồi vì đa tình mê sắc, đã gây oan nghiệt, cũng xin kể ra đây, để quý vị Phật tử thấy rằng A-nậu-lâu-đà trước khi trở thành Thánh nhơn, trong vô lượng kiếp luân hồi, ông cũng đã từng có tâm ác độc, như bao nhiêu chúng sanh tội lỗi khác :

Kiếp ấy, tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm vua, trong khi săn bắn giữa rừng, ông gặp phải một người đàn bà cực đẹp, đẹp đến nỗi mà ông lập tức si tình.

Và để chiếm hữu giai nhân tuyệt sắc, nhà vua liền giương cung bắn vào chồng nàng, gây trọng thương. Nhưng người đàn bà đã không sợ sệt trước quyền uy của một vị vua, cũng như không mê mờ trước cảnh sống vương giả, mà nhà vua sẵn sàng cống hiến. Nàng mạnh dạn tố cáo sự ác độc của nhà vua, và tuyên bố quyết chết theo chồng, chứ không để tấm thân mình bị kẻ tàn bạo làm hoen ố. Kết quả, nhà vua đã thức tỉnh, rồi hối hận bỏ đi, để lại sau lưng một người đẹp, bên cạnh một nạn nhân của tánh háo sắc của mình. Cũng may là chồng người đàn bà ấy bị vết thương không ở chỗ tán mạng.

Và người đẹp trong “đoản kịch” nghiệt ngã ấy không ai khác hơn là tiền thân của Da-du-đà-la (Yasodhara(), cùng chồng nàng là tiền thân đức Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, người mà trong kiếp chót đã viên tròn Phật quả, đồng thời trở thành Bổn Sư của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà. (theo Túc Sanh truyện số 485 : Jàtaka 485)

Xong chuyện gây oán, giờ xin thuật qua chuyện tạo ân : Một kiếp nọ, tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm vua trời Đế Thích, rồi tìm cách tiếp độ tiền thân đức Bồ-tát, tái sanh làm một nhạc sĩ, thổi tiêu rất hay, tên là Guttila.

Lúc ấy, Đế Thích dụng tâm khuyến khích cho ba trăm nữ thần giáng trần để luân vũ, theo giọng tiêu trầm bổng, réo rắt của Guttila. Và họ đã hòa điệu nhạc vũ một cách liên hoan như thế đến ba lần. Qua lần thứ tư theo lời yêu cầu của toàn thể tiên nữ, Đế Thích đã mời và dùng thần thông đưa nhạc sĩ Guttila, lên thổi tiêu trên Thiên cảnh, do ông ngự trị.

Khi kết thúc âm nhạc, Guttila động tánh tò mò bèn hỏi các nữ thần, do phước báu nào mà họ được sanh lên cõi trời, thì được trả lời rằng : “Chúng tôi sở dĩ hưởng được hạnh phúc này, là nhờ kiếp trước thường xuyên cúng dường các bậc phạm hạnh, cũng như thường xuyên nghe Chánh pháp, thường xuyên bố thí đến kẻ nghèo, nhất là bố thí bằng sự kính trọng, không nóng giận và ngạo mạn”.

Chỉ nghe câu trả lời ấy, nhạc sĩ Guttila (tiền thân đức Bồ-tát) liền sanh lòng thỏa thích, và hạt giống “thiên tánh” tự nhiên sống lại trong tâm hồn ông. Từ đó về sau, tuy làm người, nhưng nhạc sĩ Guttila vẫn thỉnh thoảng lên thổi tiêu trên cõi trời. (theo Túc Sanh Truyện số 243 : Jàtaka 243)

Trở lại đời sống Sa-môn hiện tại của A-nậu-lâu-đà. Những đặc điểm nổi bật và những khả năng xuất chúng của ông, đã được đề cập rồi. Bây giờ xin nói qua một biến cố có liên quan đến ông, mà từ đó Đức Phật đã chế ra một điều luật.

Số là A-nậu-lâu-đà và sư đệ là Tôn giả A-nan-đà (Ànanda) (tức hai trong số những đại đệ tử thân cận nhất của Đức Phật), một hôm là duyên cớ để Đức Phật chế ra hai điều luật. Cả hai điều luật ấy đều áp dụng cho Tỳ-kheo Tăng trước phái nữ. Điều luật thứ nhất gọi là Pa(cittiya 83 (Ưng Đối Trị 83), và A-nan-đà là “chứng nhân” trong đề tài. Điều luật thứ hai do câu chuyện sau đây :

Một thời Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà có việc phải du hành xuyên qua vương quốc Kosala, hướng về thành Xá-vệ (Sa(vatth(). Vào một buổi tối mưa gió, ông đến ngôi làng kia, vì không tìm ra một tu viện, tịnh xá hay một nơi nào thích hợp cho các hàng đạo sĩ cư ngụ. Thiền Tăng bắt buộc phải xin tạm trú tại phòng ngoài của một quán trọ, do một người đàn bà xinh đẹp quản lý. A-nậu-lâu-đà yên trí rằng “Phòng ngoài là một khoảng cách biệt, Tăng sĩ có thể tá túc qua đêm được”.

Nhưng chẳng bao lâu sau, số người lỡ đường, xin vào ngủ trọ càng lúc càng đông, khiến cho nữ chủ nhân bỗng đổi ý mời Thiền Tăng vào nghỉ tận phòng trong. Bà viện cớ rằng ở đó yên tịnh, và giường chiếu cũng tươm tất hơn. A-nậu-lâu-đà, trước hoàn cảnh đông người như thế vẫn trầm tĩnh, yên lặng, tức là ông mặc nhiên chấp thuận, chẳng tìm hiểu “ẩn ý” của nữ chủ quán. Tuy nhiên, nữ chủ quán ấy trước khi mời Thiền Tăng vào nghỉ bên trong, bà đã quan sát thấy ông là một tu sĩ khôi ngô, tuấn tú, nên sanh lòng ái cảm.

Thế là, khi mọi người ai về giường nấy, nữ chủ nhân bèn vào tư phòng trang điểm, mình ướp đầy dầu thơm, và mang hết những nữ trang đẹp nhất. Đoạn bà bước vào phòng A-nậu-lâu-đà nhoẻn miệng cười, nói :

– Này đạo sĩ đáng kính ! Ngài vừa hiền hậu, vừa anh tuấn, vừa khỏe mạnh. Mới trông thấy ngài là tiện nữ đã yêu mến rồi. Thật là một đại hạnh cho tiện nữ, nếu được ngài xem như một hiền phụ.

A-nậu-lâu-đà nhứt thời ngồi im.

Nữ chủ quán thấy vậy tưởng lầm rằng sự “im lặng” ấy là chấp thuận. Bà lập tức mở hết đồ nữ trang, gom tất cả tiền bạc, đem để trước mặt A-nậu-lâu-đà, rồi tiếp :

– Xin quý nhân hãy nhận lãnh những lễ vật mọn này, cho thiếp được an lòng.

Nhưng A-nậu-lâu-đà vẫn ngồi yên. Vì lục căn của ông lúc đó đã được an trú vững chắc trong một cõi Thiền, nên ông chẳng hay biết gì cả.

Sự “im lặng” lần thứ hai càng làm cho người đàn bà khích động. Bà vội vàng cởi hết quần áo ngoài ra, để lộ một tấm thân diễm kiều khêu gợi, rồi bắt đầu khiêu vũ xung quanh chiếc giường A-nậu-lâu-đà.

Tuy nhiên, vị Sa-môn trước sau vẫn bất động. Ông như một tượng đá uy nghi trước mọi cám dỗ xác thịt, trước mọi vàng bạc hào nháng, và mê hoặc của cuộc đời.

Lần này nữ chủ quán bất chợt ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên tột cùng vì nhận thấy không một cử chỉ lả lơi, mời mọc nào của bà được đối tượng chú ý ! Thật là một chuyện phi thường, bởi bà rõ ràng là một giai nhân tuyệt sắc, chứ không phải là kẻ xấu xí hèn mọn.

Từ ngạc nhiên người đàn bà ngưỡng mộ. Bất thần bà quỳ xuống trước mặt A-nậu-lâu-đà tán dương :

– Thật là thánh thiện ! Thật là cao thượng ! Này bậc đạo sĩ, ngài là một siêu nhân, một Thiên thánh không lệ thuộc giác quan, mới có tư cách như thế đối với tiện nữ ! Vì trên đời này từ trước tới nay, chỉ có những nam nhân giàu sang, quyền quý mang đầy của cải và danh vọng đến mọp bên chân của tiện nữ để xin xỏ tình yêu, chứ chưa bao giờ có một người thờ ơ, trước sự phủ phục của chính tiện nữ cả.

Sau đó, người nữ chủ nhân quán trọ bỗng tỏ ra hối hận. Bà chậm chạp mặc tất cả quần áo, cùng đồ nữ trang trở lại, rồi một lần nữa phủ phục dưới chân A-nậu-lâu-đà để xin Thiền Tăng tha thứ cho những hành động cám dỗ vừa qua.

Lúc bấy giờ, A-nậu-lâu-đà mới mở mắt ra và thanh tịnh xá lỗi cho người đàn bà lầm lạc. Đồng thời ông cũng khuyên bà nên sáng suốt chỉ huy lấy tâm tư mình. Vì bà còn trẻ và rất đẹp, nếu không cẩn thận, bà có thể bị khổ lụy bởi tình yêu trong tương lai...

Tất nhiên vở kịch tình cảm bồng bột được kết thúc ở đó, và người đàn bà đã trở về phòng mình một cách yên tâm “giác ngộ”.

Sáng hôm sau, mọi người đều thấy nữ chủ nhân quán trọ phong độ rất khiêm cung, nét mặt rất vui vẻ mang thức ăn điểm tâm đến cúng dường tận tay A-nậu-lâu-đà. Vị Thiền Tăng cũng thuyết cho nàng một bài pháp khiến cho nữ chủ nhân quán trọ bỗng chốc trở thành Phật tử và tình nguyện suốt đời sống đúng theo lời Phật dạy.

A-nậu-lâu-đà sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Ông đến tu viện Phật giáo ở Xá-vệ (Sa(vatth() vào một buổi chiều. Khi ông thành thật kể lại chuyện ấy cho một đồng đạo nghe, thì được Đức Phật kêu vào quở trách :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Một Tỳ-kheo xuất gia theo Phật giáo không được ở đêm trong ngôi nhà do người nữ làm chủ, cũng không được ngủ chung phòng có nữ nhân ! Như Lai chế ra luật cấm này kể từ ngày hôm nay, và gọi đó là giới Ưng Đối Trị. (theo Tạng Luật phẩm (, phần điều răn Pàcittiya đoạn số 6)

Thuật sự này chứng tỏ rằng Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đã nhờ thiền pháp chỉ huy được tâm, mà ông tránh khỏi cảnh khổ làm nô lệ cho dục vọng. Sức mạnh an trụ của ông đã đánh thức và cảm hóa được người đàn bà lửa dục đang bừng cháy, khiến đương sự tỉnh ngộ, ăn năn, trở về với Chánh pháp, rồi quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiền pháp của A-nậu-lâu-đà, không những đem lại an vui cho chính ông, mà còn mang đến giác ngộ cho người khác. Người khác ở đây nếu căn cứ theo câu chuyện vừa kể là phái nữ vậy.

Tuy nhiên, khi Đức Phật chế ra điều luật nói trên, Ngài đã “quở trách” A-nậu-lâu-đà chỉ như một duyên cớ mà thôi, chứ không phải Phật chẳng tin vào đức hạnh của vị đại đệ tử này. Vì rằng, các phàm Tăng, tốt hơn là nên tránh trước, đừng để rơi vào một tình trạng cám dỗ không lối rút lui, như thế họ có thể gục ngã bởi dục vọng dễ dàng.

Nghĩa là Đức Thế Tôn, do lòng từ bi, Ngài đã không muốn cho chư đệ tử sơ cơ, rơi vào vòng nguy hiểm. Nếu đọc kỹ trong Kinh điển, chúng ta sẽ thấy rằng : Lúc sanh tiền Đức Phật thường khi đã ngăn ngừa cho những phàm Tăng một số “trợ duyên” gây tội, hơn là để cho họ tự biết tự tu.

Câu chuyện định tâm của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà ở phương Đông, hơn 2500 năm trước, có nhiều điểm tương đồng với đức tánh của Thánh Bernard De Clairvaux trong sử Pháp. Vào đầu thế kỷ thứ XII, năm 1115 : Một hôm, vị ẩn sĩ trẻ tuổi này (Bernard De Clairvaux) dừng chân nghỉ đêm trong một quán trọ. Ông đã được chủ quán dành cho một chiếc băng nơi phòng khách, vì những chỗ khác đã có người chiếm trước. Thình lình nửa đêm, cô con gái của chủ quán, vốn tánh thích những nam nhân đẹp trai, tự mò đến tỏ tình. Nhưng Bernard De Clairvaux đã ôn hòa từ chối. Và vì trời rét, ông đã buộc lòng phải kéo lại tấm chăn bông, và nói với cô gái :

– Nếu cô chỉ cần một chỗ ngủ thì cái băng này có thể đủ cho hai người ! Nhưng nếu cô tìm một cái gì khác thì cô sẽ thất vọng.

Sự thản nhiên hoàn toàn trước cám dỗ xác thịt của Bernard De Clairvaux đã làm cho cô gái kính trọng, và hổ thẹn bỏ đi. Điểm giống nhau của hai vị Thánh, một ở phương Đông và một ở phương Tây, là họ tự chỉ huy được tâm hồn mình, rồi thuyết phục người khác bằng tinh thần và hạnh kiểm trong sạch, thánh thiện, chứ không phải bằng giảng đạo.


 

----o0o---

VI- VÀI GIẢI ĐÁP VÀ VA CHẠM CỦA SA MÔN A NẬU LÂU ĐÀ

 

Một hôm nọ, vị kiến trúc sư (có sách gọi là viên thợ mộc cất nhà) của triều đình, tên là Panõcakanga, đã mời Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đến nhà để cúng dường thực phẩm. Đây là một cư sĩ Phật tử mà căn cứ theo những Kinh điển khác, là một người khá thông hiểu Phật giáo, và rất nghiêm túc trong việc tu hành.

Do đó, sau buổi trai Tăng, Panõakanga, liền vấn đạo Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà rằng :

– Bạch Thiền sư ! Đệ tử có một thắc mắc vi tế, muốn nhờ Thiền sư giảng giải. Đó là việc một số Sa-môn đã khuyên đệ tử nên thực hành pháp thiền giải thoát bằng cách “Mở rộng tâm ra đến vô cực” (Appamanïa( Ceto-vimutti). Và một số Sa-môn khác lại khuyến khích đệ tử hãy tu pháp thiền giải thoát cách “An trụ tâm vào một biên giới”, hay một đề mục nhất định, tức là cho tâm “cô đọng” lại để “bành trướng”, đồng hóa với một lãnh vực thiền định nào đó. (Mahaggata( Cetovimutti). Vậy đệ tử muốn biết hai cách tu tập thiền pháp ấy, tựu trung giống nhau hay khác nhau ?

A-nậu-lâu-đà vui vẻ phân tích rằng :

– Hai cách tu tập Thiền pháp này hoàn toàn khác nhau. Cách thứ nhất ám chỉ sự phát triển “Tứ Vô lượng tâm” (Brahma Viha(ra), một khả năng diệu dụng, khi hành giả đã thuần thục trong các bậc Thiền (Jha(na). Tứ Vô lượng tâm là sự biểu lộ bốn phẩm tánh, gồm : TỪ (Metta(), BI (Karuna(), HỶ (Mudita(), và XẢ (Upekkha(). Nhưng cách tu tập Thiền pháp thứ hai ám chỉ sự an trụ tâm trong một đề mục hay “giới hạn” nào đó. Chẳng hạn như “đề mục” có thể là một trong Tứ đại, tức đất (Pathav(), nước (Apo), lửa (Tejo), hay gió (Va(yo). Rồi khi tâm đã đắc định, an trú vững vàng trong các bậc Thiền (Jha(na), thì hành giả mới để tâm “hội nhập”, “đồng hóa” hay “bành trướng” theo khuôn khổ hay giới hạn của đề mục ấy ! Chữ Phạn gọi là trạng thái này là Pat(ibha(ga( Nimitta. Tỷ dụ đề mục (Kamattha(na) của hành giả là nước, thì khi tâm của hành giả đã đắc định, thuần thục trong các bậc thiền rồi, “tâm định” ấy sẽ hội nhập, bành trướng và đồng hóa theo khuôn khổ hay giới hạn của tất cả nước trên mặt đất này, từ một điểm nhỏ nhất như bụi sương, cho đến toàn thể chất nước trên thế gian. Chữ Phạn đồng nghĩa với tánh “Hòa nhập toàn thể” ấy là “Mahaggata( Cetovimutti”.

Tình trạng hội nhập, bành trướng và đồng hóa của tâm định trong pháp thiền này, cũng không phải chỉ biểu hiện trên phương diện thể chất, dung môi, mà còn biểu hiện cả trên phương diện hình thức và sắc thái nữa. Sự đồng hóa toàn diện đó, trong Kinh chữ Phạn gọi là Kasinïa.

Tiếp theo, A-nậu-lâu-đà còn nhắc đến các loại chư thiên trên cõi trời Sắc giới (Ru(pa(vacara), để dẫn chứng và so sánh các bậc tu thiền khác nhau. Ông nói :

– Chư thiên trên cõi trời Sắc giới, tuy ở cùng một cảnh tượng, nhưng cũng có nhiều loại cao thấp khác nhau : Chư Thiên nào nhờ tu luyện từ kiếp trước thuần thục, mà mức độ định tâm hiện tại cao hơn, thì hào quang của họ sáng hơn. Còn vị nào mức độ định tâm tầm thường, thì hào quang của họ yếu ớt. Riêng những chư Thiên nào, trình độ định tâm đạt đến Tam thiền, Tứ thiền hay Ngũ thiền, thì hào quang của họ tỏa mạnh và xa vô cùng, không thể đo lường được.

Mặt khác, sự mạnh hay yếu của các loại hào quang đó cũng chứng tỏ rằng giác linh của các hạng chư Thiên ấy rất trong sạch, hay tương đối trong sạch, thanh tịnh nhiều hay thanh tịnh ít.

Và để trả lời một câu hỏi khác, do một Sa-môn nêu ra, liên quan đến các hàng chư Thiên vừa nói, A-nậu-lâu-đà còn xác nhận rằng ông sở dĩ biết rõ trình độ giác linh của chư Thiên chúng như thế, là bởi nhiều kiếp trước ông đã từng “sống” với họ, rồi kiếp này nhờ tu thiền tinh tấn, đắc được Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông v.v... mà ông có thể “giao cảm”, “nói chuyện” với họ.(theo Trung A Hàm số 127 : Majjhima Nikàya 127)

(Ghi chú : Chư Thiên ở cõi trời Sắc giới, tiếng Phạn gọi là Abhassara( Deva(, có nghĩa là “Linh thức” sống trong một môi trường tuy còn sắc tố, nhưng rất tinh vi, thanh khiết, so với thân thể ô trược của loài người, và các giống sinh vật khác trên trần gian. Có sách nói “Sắc tố tinh khiết” ấy là các vi tử rất nhẹ, loãng trong ánh sáng, và có thể di chuyển ở ngoại tầng không khí một cách thần tốc. Thiên chúng ở cõi Sắc giới này, theo Kinh điển ghi rõ, thì trình độ định tâm của linh thức họ, tối thiểu cũng tương đương với đệ Nhị thiền trong “Thanh Tịnh Đạo” của Phật giáo).

Một điển tích khác cũng thuật lại rằng : Khi ấy, Đức Phật đang thuyết pháp cho các hàng đệ tử nghe, tại một quãng trường lộ thiên, nhân nói về hạnh tri túc, bỗng Đức Phật quay sang hỏi A-nậu-lâu-đà :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Ông có hài lòng với đời sống Sa-môn hiện tại không ?

– Bạch Đức Bổn Sư ! Đệ tử hoàn toàn thỏa mãn, an vui với đời sống tri túc, giảm thiểu vật chất này.

Liền đó, Đức Phật bèn tán dương :

– Này chư Tỳ-kheo Tăng ! Ai là kẻ phát nguyện xuất gia ngay lúc còn trẻ, tuổi đời đang thanh xuân, quyền uy, tiền tài, danh vọng có đầy đủ, mà chối bỏ để chọn lấy đời sống phạm hạnh, là người đáng khen ngợi ! Kẻ ấy xuất gia, không phải vì để tránh bị vua chúa gia hình, cũng không phải vì mất hết của cải rồi thất vọng, lo sợ nghèo đói, hay nợ nần, mà tìm nơi ẩn dật. Họ xuất gia vì muốn sống trong Pháp bảo nhiệm mầu, giải thoát ! Do đó, những gì họ tinh tấn thực hành hằng ngày, vốn chẳng phải để khoe khoang, mà là để tìm thấy hạnh phúc chơn thật, nhất là hạnh phúc an tịnh trong các bậc thiền, hạnh phúc tẩy trừ được năm chướng ngại nội tâm, và hạnh phúc diệt tận những phiền não, ác pháp hằng làm cho họ sa đọa. Mục đích duy nhất của họ là tiến lên Thánh quả giải thoát.

Rồi trước khi chấm dứt lời tán dương, Đức Phật còn nhấn mạnh :

– Này chư Tỳ-kheo Tăng ! Vì vậy, mỗi khi Như Lai công bố sự đắc quả Bất lai của một Sa-môn viên tịch, Như Lai không nói để đề cao một đệ tử Phật, mà là để khuyến khích những bậc phạm hạnh sanh tiền, nên theo gương giải thoát kia, mà tinh tấn đạt đạo quả cho chính mình.

Và những lời khen ngợi của Đức Phật đó, đã làm cho Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà được khích lệ không ít. (theo Trung A Hàm số 68 : Majjhima Nikàya No 68)

Riêng các câu chuyện nói về sự xuất hiện của A-nậu-lâu-đà trên cõi trời, thì Kinh Tạp A Hàm số 6/5 (Sam(yutta Nika(ya No. 6/5) có đoạn ghi lại như sau :

Khi ấy, Đức Phật phóng thần quang biết được một vị trời trên cõi Phạm Thiên (Brahma) đang lầm lạc, suy nghĩ rằng : “Các Sa-môn, đạo sĩ trần gian, dù tu tập tinh vi đến đâu, cũng không thể gia nhập vào cõi Phạm thiên được !”.

Đức Phật liền hóa thân thành một vầng ánh sáng, bay thẳng lên cõi Phạm Thiên, và xuất hiện an tọa trước mặt vị trời đó. Thấy đức Bổn Sư tự nhiên biến mất, bốn đệ tử lớn là Đại Ca-diếp (Maha( Kassapa), Đại Mục-kiền-liên (Maha( Moggalla(na), Đại Ca-phi-na (Maha( Kappina), và A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), vội dùng “Thiên nhãn minh” tìm xem Phật đang ở cảnh giới nào, thì họ được biết Đức Phật đang ở cõi trời, để tiếp độ một Phạm Thiên lầm lạc. Cả bốn vị đại đệ tử không hẹn mà cùng hiển lộng thần thông bay lên hầu Phật. Khi đến nơi, họ đồng cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi tuần tự ngồi sau lưng Đức Phật, chừa một khoảng cách vừa phải.

Vị Phạm Thiên đang tư duy tự đắc về sự cao cả của cõi trời mình, bỗng thấy xuất hiện không phải chỉ một Đức Phật Cồ Đàm, mà còn có cả bốn vị đại đệ tử thần thông siêu đẳng nữa, thì ông lập tức thức tỉnh, dẹp bỏ ngạo mạn, và tán dương oai lực của Phật Toàn giác, cùng chư đại đệ tử.

Một lần khác, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà theo thói quen, thức dậy vào nửa đêm để tụng “Kinh Cứu Khổ” cho đến sáng. Bất chợt ông “nghe” tiếng một nữ ngạ quỷ rầy đứa con trai rằng :

– Này con ! Con hãy im lặng cùng mẹ nghe Phật ngôn ! Nếu chúng ta hiểu rõ lời Phật dạy và cố gắng hành đúng theo, thì chúng ta sẽ được rất nhiều hạnh phúc, và sẽ được giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, nhất là được giải thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ này !

A-nậu-lâu-đà lập tức dùng “Thần nhãn” quan sát, thì ông thấy hai mẹ con một nữ ngạ quỷ đang khép nép, cung kính đứng nhìn ông. (theo Tạp A Hàm số 10/6 : Sam(yutta Nikàya No 10/6).

Trở lại việc va chạm không thể tránh khỏi trong đời sống làm người, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà cũng bị “chỉ trích” vì đám học trò :

Số là khi ấy xảy ra vụ tranh luận giữa hai nhóm tu sĩ tại Kosambì. Tôn giả A-nan-đà (Ànanda) vào hầu Phật thì được Phật hỏi xem cuộc tranh luận ấy đã chấm dứt chưa. A-nan-đà tình thật thưa rằng :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục, vì một đệ tử của sư huynh A-nậu-lâu-đà, đang cứng đầu chia rẽ Tăng-già, mà sư huynh (ám chỉ A-nậu-lâu-đà) không khuyên răn lấy một tiếng.

Tôn giả A-nan-đà sở dĩ chỉ trích như vậy, vì ông vừa hay tin rằng trong lúc có chuyện lộn xộn giữa Tăng chúng, thì Thiền Sư A-nậu-lâu-đà lại cùng hai huynh đệ khác là Nandiya và Kimbila, bỏ vô rừng Gosinga để tu thiền nhập thất, chăm lo trau giồi thiền định của chính mình, chẳng ngó ngàng gì đến sự “xung đột” của những đồng đạo xung quanh.

Vì chỉ mới đắc quả Tu-đà-hoàøn (quả Thánh thấp nhất), nên A-nan-đà còn một ít phàm tánh. Đối với ông, trách nhiệm của một vị thầy rất quan trọng, bởi những Tỳ-kheo đang tranh chấp kia, có một số người, vốn là đệ tử của A-nậu-lâu-đà.

Sự chỉ trích của Tôn giả A-nan-đà sau đó được mô tả rõ rệt hơn nữa, qua câu nói ông đã “phàn nàn” với đức Bổn Sư :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Sư huynh A-nậu-lâu-đà cứ thu nhận đệ tử mà không chú ý gì đến việc hướng dẫn họ cả !

Nhưng Đức Phật đã từ bi phân giải :

– Này A-nan-đà ! Ông chớ nên lẫn lộn giữa vai trò làm thầy với sự vô minh của một số học trò ! A-nậu-lâu-đà có thể có duyên lành cho các tu sĩ ấy xuất gia, nhưng ông lại không có “oai duyên” để quở trách ! Vậy thì trong khi vắng mặt A-nậu-lâu-đà, ba đại Sa-môn khác là A-nan-đà, Đại Ca-diếp, hay Đại Mục-kiền-liên, đều có thể can thiệp, chấm dứt cuộc tranh chấp giữa các Tỳ-kheo Kosambì. Ngoài ra, này A-nan-đà ! Cũng có những hạng tu sĩ không thể sửa đổi tật xấu, và họ rất hài lòng khi những đồng đạo xung quanh bị vướng mắc trong một cuộc tranh luận kéo dài. Nhờ thế, họ sẽ không bị các bậc Bổn Sư chú ý tìm ra ác tâm của họ, có thể trục xuất họ ra khỏi Tăng chúng. (theo Tăng Chi A Hàm 4/241 : Anguttara Nikàya 4/241)

Vả lại, hai người đệ tử trong hiện tại, có thể có hai ông thầy hướng dẫn hai cách khác nhau, nhưng hai người đệ tử đó, trong quá khứ lại có ác nghiệp đã tạo từ nhiều tiền kiếp giống nhau, nên kiếp này họ tự nhiên hành động như nhau. Đây là trường hợp của hai Tỳ-kheo mất nết : một đệ tử của A-nan-đà, và một đệ tử của A-nậu-lâu-đà. Cả hai Tỳ-kheo ấy đều rất ngạo mạn, luôn luôn muốn tỏ ra mình là người hữu lý nhất trong các cuộc tranh luận. Kết quả, Tôn giả A-nan-đà, dù thường xuyên quở trách đệ tử, vẫn không thay đổi hạnh kiểm học trò được. Còn A-nậu-lâu-đà cứ lo tu thiền làm gương thì đệ tử cũng chẳng nhận ảnh hưởng gì ! (theo Tạp A Hàm số 16/6 : Sam(yutta Nikàya No 16/6).

Thời Đức Phật và chư đại Thánh Tăng còn tại tiền, mà vẫn có những tu sĩ như thế, huống chi là thời bắt đầu mạt pháp của chúng ta. Người Phật tử đọc đến đây chắc có thể cũng thấy được cái tánh tương đối trong mọi vấn đề.


 

----o0o---

VII- TIỀN KIẾP A NẬU LÂU ĐÀ

 

Đa số tiền kiếp của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đều được ghi trong Túc Sanh Truyện (Ja(taka). Nhưng một ít cũng thấy xuất hiện trong Tôn Túc Kệ Ngôn (Theraga(tha(). Chẳng hạn như chú giải câu kệ ngôn số 910 thuật rằng :

Thuở giáo pháp của Đức Phật quá khứ tên Kassapa (Ca-diếp), tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm một người nghèo, song thường xuyên cúng dường các bậc Phạm hạnh. Nhằm khi Đức Phật đã viên tịch, người hằng ngày lo chăm sóc, nhang khói ngôi bảo tháp an trí Xá lợi Phật...

(Lời thêm của dịch giả : Phật quá khứ Ca-diếp (Kassapa) chỉ trùng tên với Thánh Tăng Đại Ca-diếp (Maha( Kassapa), đệ tử đứng đầu của Đức Phật Thích Ca trong giáo pháp hiện hành ! Chúng tôi xin lưu ý quý độc giả hai nhân vật lịch sử này, sống hai thời khác nhau, kẻo sự trùng tên có thể gây ra ngộ nhận).

Nhân một hôm, tiền thân A-nậu-lâu-đà tuy nghèo, nhưng đã nhịn ăn mua một lễ vật khá đắt tiền là “mỡ thơm” (rút ra từ sữa bò) để đốt đèn cúng dường ngôi Bảo tháp. Hạnh hy sinh cao quý ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tiền thân A-nậu-lâu-đà, nên kiếp này nhờ tu thiền đắc quả, ông chợt nhớ lại và tự thuật, qua bài kệ ngôn sau đây :

“Tôi nhớ rõ cái kiếp xưa nghèo ấy

Sanh nơi nào và tâm tánh làm sao.

Phật nhập diệt rồi, tôi chỉ ra vào,

Tháp Xá lợi để cúng dường, chăm sóc !”.

Còn liên quan đến những kiếp sống trên cõi trần, hay làm Thiên vương trên cõi trời, thì Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đã nói trong ba “Tôn Túc Kệ Ngôn” các số 913, 914 và 915 rằng :

“Lên thiên cảnh, tôi từng là vua chúa,

Tuổi thọ dài không biết mấy triệu năm.

Đâu-suất-đà thiên, Đế Thích đã làm

Có phép lạ và chúng thần phủ phục.

*

Xuống trần thế quyền “Chuyển luân Thánh đức”

Lãnh thổ phú cường mở rộng bốn phương

Nam Thiệm Bộ châu, uy thế khôn lường,

Dùng Chánh pháp để an dân lạc nghiệp.

*

Lên với xuống : Trời, người... từng bảy kiếp.

Bảy kiếp trần gian, bảy kiếp thiên đường...

Mỗi kiếp đều ngồi ngôi báu đại vương.

Mười bốn kiếp, Túc mạng minh nhớ rõ !”.

(N. Đ. thoát dịch ra văn vần, theo

Theraga(tha( các câu 913, 914 và 915)

Còn tra cứu về phía Túc Sanh Truyện (Ja(taka), thì các học giả sẽ thấy có ít nhất là hai mươi ba thuật sự, kể lại tiền kiếp của A-nậu-lâu-đà. Hầu hết đều xác nhận rằng : Tiền thân A-nậu-lâu-đà đã nhiều lần làm vua trời Đế Thích (Sakka), nhất là các Túc Sanh Truyện số 194, 243, 347, 429, 430, 480, 494, 499, 537, 540, 541, 545, 547.

Có một lần, tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm một vị sứ giả của vua trời Đế Thích, tên là Panõcasikha. Sứ giả ấy là một thiên thần rất giỏi về âm nhạc, nên luôn luôn được Đế Thích ưa chuộng.

Riêng bảy kiếp sanh làm người, như đã nói ở đoạn trước, thì tiền thân A-nậu-lâu-đà thường xuyên sống hạnh hiền đức. (theo các Túc Sanh Truyện số 423, 488, 509, 522 : Jàtaka 423, 488, 509, 522). Hai trong số bảy kiếp ấy, tiền thân A-nậu-lâu-đà và tiền thân đức Bồ-tát Sĩ-đạt-ta đã sanh làm đôi anh em. Còn năm kiếp còn lại thì có ba kiếp, tiền thân ông sanh làm vua (theo Jàtaka 485), một kiếp sanh làm giáo sĩ của triều đình (theo Jàtaka 515), và một kiếp sanh làm xa phu hoàng gia (theo Jàtaka 276).

Cảnh bị đọa làm thú, tiền thân A-nậu-lâu-đà chỉ bị một lần. Đó là câu chuyện con chim câu rừng mất bạn, rất thương nhớ, rồi tình nguyện nhịn đói, như đã ghi ở đoạn trước (theo Jàtaka 490). Như vậy, nếu kê khai sơ lược, dựa trên Túc Sanh Truyện (Ja(taka), thì tiền thân A-nậu-lâu-đà đã có mười lăm lần sanh vào Thiên chúng, bảy lần sanh làm người, và một lần sanh làm thú. Tổng cộng là hai mươi ba thuật sự vậy.

Điểm làm cho chúng ta chú ý ở đây là trong các tiền kiếp tái sanh làm vua trời (hay vua trần gian) ấy, tiền thân A-nậu-lâu-đà đã thường xuyên tỏ ra có nhiều sức mạnh thể xác, và được ngưỡng mộ tinh thần. Điều này chứng tỏ rằng tiền thân ông đã hưởng quả lành của thiện pháp, chứ không phải như vị vua trời trong thần thoại Hy Lạp Zeus bị chi phối bởi tình yêu và sự tranh ngôi trên thiên cung, cũng không như thần Jehovah (hay Yahavé), bậc thường “ứng lời” vào xác phàm được chọn lựa để tiết lộ “thiên ý” và nhân danh “thiên quyền” thưởng phạt con người, trong đạo Do Thái và Nhất Thần giáo.

Nhưng Đế Thích trong Túc Sanh Truyện đạo Phật thì hoàn toàn khác. Vị Thiên vương này là chúa tể của cõi trời thứ ba mươi ba, bậc có nhiều thiện tâm, và luôn luôn tìm cách che chở những ai bất hạnh.

Câu chuyện đức Đế Thích cứu nạn cho một vua lành trên thế gian, xin kể như sau :

Khi ấy, đức Bồ-tát sanh xuống cõi trần làm một vị vua nhân từ. Vua ra lệnh nghiêm cấm toàn dân không được giết súc vật để lấy máu tế lễ thần linh. Kết quả, có một hung thần ngu muội đã nổi giận bắt vị vua nhân đức ấy đem hành hình hút máu. Hoàng hậu thấy chồng sắp bị lâm nguy, bèn cầu khẩn Thiên vương Đế Thích. Bà cất cao giọng ngay thật, hướng lên chín từng mây than rằng :

“Thiên vương chúa tể cõi trời,

Hào quang người có sáng ngời hay không ?

Thấy chăng những giọt máu hồng

Của người vô tội vào trong hung thần ?

Nghiệp oan ma quỷ khôn phân

Càng gây càng vướng vào thân đọa đày !

Thiên vương biết rõ duyên này,

Xin mau bảo vệ vua dày thiện tâm !”...

(N. Đ. thoát dịch theo Ja(taka số 347)

Đế Thích nghe những lời cầu cứu ấy, liền lập tức hiện xuống thế gian, đánh đuổi hung thần chạy mất, rồi cứu mạng vị vua nhân từ, đem lại niềm tin bình an, và sự vui mừng cho toàn thể hoàng cung.

Về sau này, vua trời Đế Thích chính là A-nậu-lâu-đà, và vị vua nhân từ bị nạn cùng Hoàng hậu, chính là đức Thái tử Sĩ-đạt-ta và Công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara().

Mặt khác, tiền thân A-nậu-lâu-đà tái sanh làm Đế Thích đã không những chỉ cứu mạng đức Bồ-tát (là tiền thân Thái tử Sĩ-đạt-ta) nhiều lần, mà ông còn che chở thanh danh, hay xuất hiện đưa đức Bồ-tát vượt qua những hoàn cảnh hiểm nghèo, không biết bao nhiêu lần nữa.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, Đế Thích (tiền thân A-nậu-lâu-đà) còn muốn kích thích đức Bồ-tát (tiền thân Phật Thích Ca), để vị này tinh tấn trau giồi đức hạnh giải thoát hơn lên. Chẳng hạn như trong Túc Sanh Truyện cuối cùng, Đế Thích đã hóa thân thành một ông Bà-la-môn già yếu, để hỏi xin người vợ của đức Bồ-tát, hầu thử thách hạnh bố thí Ba-la-mật của vị này. (theo Jàtaka số 547).

Rồi trong một hoàn cảnh khác, Đế Thích đã thử lòng quyết tâm bố thí Ba-la-mật (Paramita() của đức Bồ-tát, bằng cách hỏi xin đôi mắt của ông (theo Jàtaka số 499).

Còn để thử hạnh kiên nhẫn và hòa dịu, Đế Thích đã bêu nhục, chê bai sự xấu xí của đức Bồ-tát khi kiếp nọ Bồ-tát sanh ra không được đẹp trai cho lắm. Trước sự chê xấu, bêu nhục ấy, đức Bồ-tát đã ôn hòa trả lời rằng :

– Tôi sở dĩ chịu quả bất hạnh này là vì trong kiếp trước tôi đã tối tăm làm nhiều điều ác độc ! Nhưng trong kiếp này, tôi đang tinh tấn trau giồi thân, khẩu, ý, cũng như khuyến khích, khen ngợi mọi người xung quanh làm như tôi, để kiếp sau khỏi bị nhiều quả khổ.

Kế đó, Đế Thích bảo với đức Bồ-tát rằng : Ông muốn ban cho đức Bồ-tát một điều ước; thì đức Bồ-tát lập tức xin được giải thoát khỏi các tật xấu như ác tâm, thù ghét, tham lam và khao khát. Xa hơn nữa, đức Bồ-tát (tiền thân Phật) còn tâm nguyện đừng bao giờ làm hại ai, và Ngài tự giảng giải rằng :

– Tất cả những điều mong ước ấy, nếu thành tựu là do công hạnh và thiện nghiệp của một người thanh tịnh đã tạo, chứ không phải được một vua trời nào có thể ban cho cả” (theo Jàtaka 440 : Túc Sanh Truyện số 440).

Riêng trong hai Túc Sanh Truyện số 429 và 430, thì Đế Thích đã thử tánh ưa chuộng đời sống đạm bạc của đức Bồ-tát.

Nhóm thuật sự tiếp theo kể chuyện vua Đế Thích mời đức Bồ-tát lên cõi trời để chứng kiến những khung cảnh kỳ diệu, huyền bí trên Thiên giới. Loại thuật sự này đã được mô tả tượng trưng trong câu chuyện nhạc sĩ thổi tiêu tên Guttila rồi, xin khỏi dài dòng ở đây (theo Jàtaka số 243).

Riêng hai Túc Sanh Truyện các số 541 và 494, tiền thân Đức Phật đã sanh làm hai vị vua nhân từ tên là Nimi và Sadhina, thì tiền thân A-nậu-lâu-đà cũng tái sanh hai lần làm Đế Thích. Và ông (Đế Thích) đã mời và dùng thần thông đưa hai vị vua sống theo phạm hạnh ấy lên viếng cõi trời.

Bây giờ nói qua những tiền kiếp A-nậu-lâu-đà tái sanh làm người, chúng tôi xin chọn những mẫu chuyện sau đây :

Một kiếp nọ, tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm quan Tư vấn Bà-la-môn trong triều, được nhà vua kính chuộng, và thường hỏi về những hành động lợi ích và công bằng mà một vị minh vương nên phối hợp để cai trị toàn dân cho được hiệu quả. Quan Tư vấn thành thực nói rằng :

– Hạ thần không thể trả lời câu hỏi ấy một cách thông suốt được. Nhưng hạ thần hứa sẽ cố gắng tìm ra một người đại trí, có thể giúp cho bệ hạ những ý kiến chính trị rất hay.

Rồi ông đi tìm đức Bồ-tát (tiền thân Phật) để cầu xin những pháp lành trị dân. (theo Túc Sanh Truyện số 515 : Jataka N. 515).

Còn khi tiền thân A-nậu-lâu-đà sanh làm viên xa phu hoàng gia, một lần vì muốn tránh trận mưa to sắp đổ xuống, xa phu đã dùng cây nhọn húc vào hông ngựa, để thúc chúng chạy thật nhanh. Về sau, mỗi khi đi ngang qua chỗ ấy, hai con tuấn mã tự động chạy thục mạng, in tuồng hoảng sợ một cái gì đó đã làm cho chúng đau điếng bên hông.

Hiểu được nguyên nhân gây ra kinh hoàng cho hai con ngựa quý, luôn luôn tận lực chạy theo lệnh của mình, viên xa phu bắt đầu hối hận, tự trách đã không hành động đúng theo tinh thần của kẻ kỵ mã.(theo Jàtaka số 276).

Nhiều sắc thái nổi bật và nhiều tư liệu khác nhau, trong toàn thể Túc Sanh Truyện nói về tiền thân A-nậu-lâu-đà, đã cho chúng ta thấy một số điểm quy nạp : Đó là đặc tính, là nghị lực, và các khía cạnh tâm lý chân thành của tiền thân ông, lúc nào cũng lo làm tròn bổn phận, duy trì sự bình an, và biết tìm ra nguyên nhân đau khổ của kẻ khác, kể từ đó có thể sửa lỗi, hay chia sẻ nỗi khổ với đối tượng. Các đặc tính và nghị lực ấy cũng chứng minh rằng : Sự thuần thục trong thiền định, cùng với sự chứng đắc Thượng thừa trong các loại thần thông của Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà, vốn bắt nguồn từ những công phu, hay những kinh nghiệm đã qua trong quá khứ, nhất là trong các tiền kiếp sanh làm vua trời Đế Thích, hay vua người, mà được gần gũi với tiền thân Phật (Bồ-tát).


 

----o0o---

VIII- A NẬU LÂU ĐÀ SAU KHI PHẬT NHẬP DIỆT

 

Theo Kinh Đại Niết Bàn, trong bộ Trường A Hàm số 16 (Maha( Parinibba(na Sutta - D(gha Nikay(a N. 16) thì Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã có mặt bên cạnh Bổn Sư, lúc Đức Phật nhập Niết-bàn.

Khi ấy, đấng Toàn giác biết rõ sự sắp lìa bỏ nhục thân này, Ngài bèn nhập định vi diệu vào các bậc thiền, nhất là các bậc thiền Hữu sắc và Vô sắc. Rồi Phật an trú vào trong một đại Thiền pháp, tên gọi là “Diệt thọ tưởng định” (Tiếng Pa(li gọi là Sanõnõa( Vedaniya Nirodha)...

Sa-môn hầu Phật là Tôn giả A-nan-đà đang buồn rầu, chợt quay hỏi Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà rằng :

– Bạch sư huynh ! Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn chưa ?”, thì được ông trả lời :

– Này A-nan-đà ! Sư huynh đã nhập định và dùng “Thiên nhãn” theo dõi tâm Phật thì được biết Thần quang của Đức Bổn Sư đang an trú trong Vô sắc thiền, bậc Diệt thọ tưởng định.

– Kính bạch sư huynh ! Sư huynh biết rõ đức Bổn Sư viên tịch, diễn tiến như thế nào, xin sư huynh từ bi thông báo cho.

“Này hiền đệ A-nan-đà ! Để theo dõi Thần quang của Đức Thế Tôn, tệ huynh đã phải nhập hết thiền Hữu sắc (Rùpa( Jha(na) đến thiền Vô sắc (Aru(pa Jha(na), vì trạng thái Phật tịch diệt không nằm trong phạm trù “Ngài muốn sống hay muốn chết”, mà sự “nhắm mắt kỳ diệu” ấy hoàn toàn nằm trong diễn tiến tự nhiên của thân nghiệp cuối cùng, trước khi Phật trở thành vô sanh bất tử ! Nghĩa là Phật không chối bỏ xác thân này, nếu những tế bào của sự sống còn hoạt động, đồng thời Ngài cũng không mắc dính, bám víu vào sự sống hữu hạn, phù du, và xoay vần ấy. Ngài an trú ở các bậc thiền, theo thứ tự từ thấp đến cao (Sơ thiền lên Tứ thiền), rồi từ cao đến thấp (Tứ thiền trở lại Sơ thiền). Hết lên đến xuống và hết xuống lại lên như vậy, cốt để giữ cho nhục thân được quân bình, vừa “chờ” cho những tế bào cuối cùng “chủ trương” sự sống, chấm dứt hoạt động.

Và xuyên qua sự thông báo từng giây phút ấy của A-nậu-lâu-đà, mà những đệ tử có mặt bên cạnh nhục thân đấng Toàn giác đã biết được khi nào Đức Phật thực sự viên tịch.

Lúc Đức Thế Tôn xả báo thân, vĩnh viễn an nghỉ Niết-bàn, thì trời Phạm Thiên (Brahma() và Đế Thích (Sakka), chủ tể cõi trời thứ ba mươi ba, đồng thanh cúng dường quả giải thoát của bậc Thiên Nhơn Sư, bằng những câu kệ, nói lên luật Vô thường, bất di bất dịch như sau :

“Tử sanh là luật Vô thường,

Có sanh, ắt tử, trời người không qua”.

Rồi người thứ ba tán dương sự nhập Niết-bàn linh diệu của Đức Phật là A-nậu-lâu-đà. Ông ứng khẩu ngâm mấy câu kệ rằng :

“Cao thượng thay là giờ nhập diệt,

Đấng Từ bi thanh khiết khôn lường.

Buồn, vui, sanh, tử... không còn,

Vượt ra tam giới, mười phương Niết-bàn”.

Tuy nhiên, những phàm Tăng, và một số Thánh nhơn bậc thấp (còn tái sanh lại tối đa bảy lần nữa), vì lòng ngưỡng mộ Đức Phật còn “chủng tử” ràng buộc, nên họ buồn khổ khóc than thảm thiết. Nhất là khi họ nghe Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà chính thức công bố sự viên tịch của Đức Phật.

Trước hoàn cảnh như vậy, Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà liền khuyên giải họ. Và bằng tâm từ bi, ông đã làm giảm lòng phiền muộn của các đồng đạo bằng cách lôi kéo họ chú ý đến sự có mặt (nhưng mắt phàm không nhìn thấy) của rất nhiều Thiên chúng tới lễ bái nhục thân Đức Phật lần cuối cùng. A-nậu-lâu-đà nói :

– Này chư huynh đệ ! Các Thiên chúng cũng đang buồn rầu, đau xót, tiếc thương, chẳng khác nào những phàm nhân, khi vừa mất một vị Phật. Nhưng hỡi chư Sa-môn huynh đệ ! Lúc Đức Bổn Sư còn sống, Ngài đã chẳng dạy cho chúng ta pháp Vô thường gây ra khổ não là gì ? Và giờ đây pháp ấy đang được chứng nghiệm trước mắt quý vị, tại sao quý vị không nhớ lại lời Bổn Sư để bình tâm niệm tưởng ân đức của bậc Giải thoát ?

Tiếp theo, Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà và Tôn giả A-nan-đà đã thức trọn đêm hôm ấy để cung hầu nhục thân Đức Phật. Sáng hôm sau, A-nậu-lâu-đà bèn yêu cầu A-nan-đà đi công bố tin Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn đến chư Phật tử trong các làng lân cận, nhất là trong thành phố Kusina(ra(.

Thế là hầu hết dân chúng địa phương, kể cả những người chưa thấm nhuần Phật giáo, chỉ cảm kích đức hạnh của đấng Giải thoát mà thôi, đã tự động tập hợp, rồi dựng lên một lễ đài, và một giàn hỏa vô cùng trang nghiêm lộng lẫy, bằng những loại gỗ quý và trầm hương, để cử hành lễ Trà tỳ Đức Phật.

Có một điều lạ là khi tám người thanh niên lực lưỡng, đồng loạt nâng nhục thân Đức Phật đặt lên giàn hỏa, thì họ dù ráng sức đến đâu cũng không làm được. Bất chợt họ rùng mình kinh cảm, và lập tức đến hỏi Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà, vì sao nhục thân của Đức Thế Tôn lại có một trọng lượng lạ lùng như vậy. A-nậu-lâu-đà vốn biết rõ lý do, bèn nói cho họ biết rằng các hàng Thiên chúng ước muốn cho cuộc lễ hỏa táng được thực hiện dưới một thứ tự khác. Nghĩa là qua trung gian của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà, chư Thiên đã đề nghị với toàn thể Tăng và tín đồ có mặt, một nghi thức lễ Trà tỳ đúng theo nguyện vọng của các vị vua trời.

Kinh chép : Khi chư Thiên vương “cầu nguyện” xong, thì nhục thân của Đức Phật bỗng trở thành nhẹ nhàng vô cùng. Mọi người chỉ cần để một ngón tay lên kim quan... là thân Phật cùng với mọi vật che chở tự động nâng lên cao, và di chuyển an ngọa ngay ngắn tại trung tâm giàn hỏa.

Nếu về phía Thiên chúng, A-nậu-lâu-đà đã tự động “tiếp xúc” với họ trong suốt cuộc lễ Trà tỳ, thì về phía phàm nhân, Tôn giả A-nan-đà cũng lo việc đôn đốc, cố vấn dân làng, để những vật liệu cúng dường, thiêu đốt nhục thân Đức Phật, được họ chọn lựa tinh khiết, kỹ càng hơn. Nói vắn tắt là hai vị Sa-môn huynh đệ này, mỗi người trách nhiệm một cảnh giới : Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà giao cảm, nghinh đón các hàng Thiên chúng, và Tôn giả A-nan-đà tiếp xúc với cộng đồng phàm nhân (theo Trường A Hàm số 16 : Dìgha Nikàya N. 16).

Sau lễ Trà tỳ, hỏa táng nhục thân đấng Giải thoát, dưới sự chủ tọa của Đệ nhất đệ tử Phật, tức Thánh Tăng Đại Ca-diếp (Maha( Kassapa), A-nậu-lâu-đà tuy ở địa vị một thánh Bất lai A-la-hán, và cũng là thân nhân gần nhất của Phật Tổ, nhưng ngài đã không tự nhận mình ở vai trò thừa kế Bổn Sư, lãnh đạo Tăng-già. Bởi vì khi sanh tiền, Đức Thế Tôn đã không di chúc một giáo quyền đến đệ tử nào hết.

(Quý đạo hữu nào muốn biết do kỳ duyên chi, Trưởng lão Đại Ca-diếp đã đến đúng lúc vào giờ chót, để chủ tọa lễ Trà tỳ nhục thân Đức Phật, xin hãy đọc cuốn Gương Lành Thánh Đại Ca Diếp, đã được dịch ra Việt ngữ và ấn tống.)

Ngay như Thánh Tăng Đại Ca-diếp là vị Thượng thủ có nhiều phẩm hạnh giống Đức Phật nhất, và ông còn được toàn thể Tăng chúng, cũng như tín đồ hiện diện, đồng tâm suy tôn lên ngôi vị chưởng môn, để thay Phật hướng dẫn Tăng chúng, mà ngài cũng thanh tịnh từ chối, huống chi là A-nậu-lâu-đà. Bởi cốt lõi Phật giáo là làm cho người Phật tử phải “độc lập”, tự mình hướng dẫn lấy mình, đi theo ánh sáng giải thoát của bậc Toàn giác, chứ không cần một “giáo nhiệm” nào điều khiển cả. (Ý nói không trông chờ tha lực).

Tuy nhiên, Trưởng lão Đại Ca-diếp cũng không phải không ý thức được trách nhiệm vô cùng quan trọng của mình trong thời “hậu Phật”. Nên vừa chứng minh xong lễ phân phối Xá lợi Phật cho các hàng vua chúa xây tháp tôn thờ, ngài liền dời gót hướng về phía Vương Xá thành, khởi xướng triệu tập Đại hội năm trăm Thánh nhơn Bất lai (A-la-hán), để nhắc lại tất cả những lời Phật dạy, hầu lưu truyền phúc âm đến các đời sau. Và đó là cuộc kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhứt.

Sách chép : Tôn giả A-nan-đà (đại đệ tử hầu cận Phật cho đến giây phút cuối cùng) lúc ấy chưa đắc quả A-la-hán, có thể bị Đại hội không mời dự, nên Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã thúc giục ông hãy tinh tấn vượt bực, để mau hội nhập vào Thánh giới Bất lai, mới tham gia đóng góp cuộc kết tập Phật ngôn được.

Kết quả, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Tôn giả A-nan-đà, với sự quyết tâm tinh tấn, đã diệt tận tham sân si phiền não, đắc quả A-la-hán rồi dùng thần thông nương vào một tia sáng, bay vào tham dự hội nghị, trước sự hoan hỷ, tán dương của bốn trăm chín mươi chín vị Thánh nhơn A-la-hán.

Diễn tiến cuộc kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, dưới sự chủ tọa của Thánh Tăng Đại Ca-diếp, có thể trình bày tóm tắt như sau :

1- Tôn giả A-nan-đà tụng lại tất cả những bài pháp dài ngắn khác nhau, đủ loại chủ đề khuyến thiện và phân tích, rồi sau đó ghi chép, kết tập thành một “rổ”, gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka).

2. Thánh Tăng Upa(li thuật hết những điều Luật, và điển tích mà Đức Thế Tôn đã căn cứ vào đó, để chế ra các phần giới cấm (như Tỳ-kheo giới, Sa-di giới, Tỳ-kheo-ni giới, Sa-di-ni giới cho các bậc xuất gia, và Thập giới, Bát giới hay Ngũ giới cho những hàng Cư sĩ. Toàn thể luật cấm được kết tập chép lại thành một “rổ”, gọi là Tạng Luật (Vinaya Pitaka).

Trong kỳ kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất này, năm trăm vị A-la-hán chỉ thuật lại nguyên văn lời Phật nói, rồi lập thành hai Tạng là Tạng Kinh và Tạng Luật mà thôi ! Riêng “Tạng Luận” (Abhidhamma Pitaka) về sau xuất hiện, là nhờ các cuộc kết tập Kinh điển Phật giáo nối tiếp, đã phân tích và xếp loại những Phật ngôn trong Tạng Kinh ra thành hai phần : Phần thứ nhất nặng vần khuyến thiện, được tiếp tục gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Còn phần thứ hai dành phân tích tâm thức, được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka), hay còn gọi là Tạng Luận.

Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng : Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã từ bi khuyến khích và tiếp độ vị sư đệ của ông (ám chỉ Tôn giả A-nan-đà), ngay sau khi Đức Thế Tôn tịch diệt, để đưa vị Sa-môn này vào Thánh giới giải thoát, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi.

Và Phật giáo được kết tập thành Tam tạng Kinh điển có hệ thống đó, đã lưu truyền cho đến ngày nay, xuyên qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, và sẽ còn tiếp tục lưu truyền, gieo phúc lành cho chúng sanh, nhân loại, mãi đến thời mạt pháp, sau năm ngàn năm.

Theo Kinh Trường A Hàm thì trong Đại hội kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất ấy, Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã hợp tác một cách tích cực với sư đệ là Tôn giả A-nan-đà, để thuật lại toàn thể bộ Kinh Tăng Chi A Hàm (Anguttara Nika(ya).

Sau cùng, liên quan đến sự viên tịch của A-nậu-lâu-đà, chúng tôi không tìm thấy một chỗ nào trong điển tích Phật giáo, nói rõ tuổi thọ, ngày giờ và địa điểm nhắm mắt chính xác của vị Thánh Tăng này, ngoại trừ những câu kết thúc một loạt hai chục bài kệ, do chính A-nậu-lâu-đà thốt ra. Những câu kết thúc các kệ ngôn ấy, có vẻ gián tiếp nói về nơi nhập diệt của ông. Chúng tôi xin mạn phép phỏng dịch ra văn vần Việt ngữ, để cống hiến chư vị Phật tử xa gần, vài bài kệ ngôn ấy như sau :

“Niềm tin Phật, bần Tăng không lay chuyển,

Và Phật ngôn cũng thực hiện chu toàn

Cái ngã làm người, trời, thú... không còn.

Vòng sanh tử trọn kiếp này là hết.

*

Vườn “Vệ-lữ” (1) miền “Va-chân” (2) sẽ chết,

Xác thân này trả cát bụi, thời gian...

Dưới bóng tre xanh, nơi nhập Niết-bàn.

Sạch phiền não, ấy tận cùng giải thóat”.

(Theo hai Tôn Túc Kệ Ngôn số

918, 919 : Theraga(tha( N. 918-919)

– Hai địa danh “Vệ-lữ”(1) và “Va-chân”(2) trên đây do dịch giả mạo muội “Việt hóa” do hai từ ngữ Pàli là “Veluva” và “Vajjian” để dễ diễn tả ra Kệ Ngôn. Vả lại, khi y cứ nơi bài kệ sau cùng này (do chính Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà nói, thì ông đã nhập diệt trong vườn Veluva, thuộc xứ Vajjian đó.

Ngày nay, nếu chúng ta nhìn vấn đề theo khía cạnh lịch sử địa phương và so sánh cách thức tổ chức xã hội thời cổ Ấn Độ, thì vùng Vajjian nói trên là nơi ngày xưa phát xuất nền “Cộng hòa” đầu tiên trên thế giới. Vì thuở ấy lãnh thổ này đã được quản trị bởi một Hội đồng Bô lão, do toàn dân bầu, dưới sự chủ tọa của một niên trưởng, chứ quốc gia không “được” cai trị bởi một tiểu vương như những nơi khác.

Và với tấm lòng chân thành ngưỡng mộ vị Thánh Tăng có THIÊN NHÃN THÔNG siêu đẳng, có trong các hàng cao đồ đại Thanh-văn, đệ tử của Đức Phật, dịch giả xin kết thúc tập “A-nậu-lâu-đà” độc đáo này.

Dịch xong tại Paris

Ngày 17 tháng 12 năm 1993

NGUYỄN ĐIỀU


 

Bài thơ

CÚNG DƯỜNG THÁNH ANURUDDHA

(A NẬU LÂU ĐÀ)

 

Thiền tâm như đá, thân như núi

Núi, đá khôn lay giữa gió ngàn

Thánh định đắc rồi, thông tất cả

Luân hồi dứt nghiệp khổ lang thang.

*

Nhiều kiếp Người làm vua Thiên giới

Lắm khi vương tước cõi trần gian

Hạnh phúc cũng từng hơn xã hội

Nhưng Người không nhiễm tật tham, sân.

*

Đời sống cuối cùng nhờ hướng thượng

Hành theo gương Phật, định tâm thần

Ánh sáng Bồ-đề từ vô lượng

Bừng lên vẹt hết bóng vô minh.

*

Người đã nhập vào trong Thánh giới

Nhãn căn đắc chứng một thần thông

Ba cõi, sáu đường “tâm chỉ gợi”

“Hiện ngay trước mắt”, diệu vô cùng !

*

Tuổi thọ hết rồi, Người viên tịch

Trong vườn tre mát, lá mông lung

“Thần nhãn Niết-bàn là ngọc bích

Đưa Người ra khỏi khổ xoay vòng.

*

Đệ tử giờ đây lòng thanh tịnh

Cúng dường Thiền Thánh tánh như không

Người đã là Sen qua sử tích

Hương thơm còn khắp cõi vô cùng.



(Nguyễn Điều cẩn đề)