Nepal: Bảo tháp Boudhanath mở cửa trở lại sau trận động đất 2015

21 Tháng Mười Hai 20161:08 SA(Xem: 3817)
Nepal: Bảo tháp Boudhanath mở cửa trở lại sau trận động đất 2015

Nepal: Bảo tháp Boudhanath mở cửa trở lại sau trận động đất 2015

(PGVN)

Ngày 22/11/2016 di tích Phật giáo mang tính biểu tượng ở Kathmandu, thủ đô của Nepal đã mở cửa lại cho công chúng chiêm bái sau khi hoàn thành việc trùng tu. 

Bộ trưởng Nội các các quan chức chính phủ cao cấp và nhà ngoại giao các nước đã đến tham dự buổi lễ khai trương ngôi bảo tháp.

Sau trận động đất khủng khiếp năm 2015 tại Nepal, khiến hơn 8.500 người thiệt mạng, 17.000 người bị thương và phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà, tàn phá hàng trăm di tích lịch sử quý giá. Bảo tháp Boudhanath đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1979 cũng bị hư hỏng nặng nhưng sau đó đã được sửa chữa trùng tu lại. 
Ngôi Bảo tháp Boudhanath cấu trúc mái vòm cao, mỗi năm đón hơn ba trăm du khách hành hương trên toàn thế giới, nhưng du khách giảm xuống còn một nửa sau trận động đất kinh hoàng.
 
Thủ tướng Chính phủ Nepal, Pushpa Kamal Dahal đã khánh thành Bảo tháp Boudhanath. Ông bày tỏ sự tri ân đối với chính phủ và nhân dân Ấn Độ, Trung Quốc đã hỗ trợ kinh phí cho việc trùng tu lại ngôi Bảo tháp Boudhanath, một trong những di sản thế giới.
Việc trùng tu tái tạo Bảo tháp Boudhanath bắt đầu khởi động vào tháng 05/2015 và được hoàn thiện vào đầu tháng này với kinh phí là 2,1 triệu USD. Ngôi Bảo tháp Boudhanath là quốc bảo của Nepal, di sản văn hóa thế giới, xây dựng vào thế kỷ thứ 5 và được khôi phục với sự đóng góp của các tổ chức Phật giáo trên toàn thế giới.
Cư sĩ Dawa Lama 66 tuổi đến Bảo tháp Boudhanath chiêm bái và chia sẻ rằng: “Gần đây trái tim tôi đau nhói hằng ngày khi nhìn thấy bảo tháp bị hư hại sau trận động đất kinh hoàng. Nhưng bây giờ khi được nhìn thấy ngôi bảo tháp được tu sửa hoàn thiện và mở cửa cho bá tánh hành hương chiêm bái, lòng tôi cảm thấy sung sướng vô hạn".
Nghệ sĩ Thangka Hom Bahadur Tamang, người bán tranh tượng Phật trong khu vực ngôi Bảo tháp Boudhanath 21 năm, cho biết doanh thu rất kém sau trận động đất: “Việc tái thiết trùng tu ngôi Bảo tháp Boudhanath đã cho tôi niềm hy vọng mới, giúp chúng tôi sẽ tăng thêm thu nhập trong kinh doanh”.
Công việc sửa chữa các di tích Phật giáo, cơ sở tự viện, bảo tháp bị hư hỏng sau khi động đất đã được bắt đầu, tuy nhiên chỉ có một số ít đã được hoàn thành. Các chuyên gia nói rằng phải mất nhiều năm nữa, các di sản kiến trúc của Nepal mới được phục hồi hoàn toàn. Việc cải tạo, nâng cấp các di sản khác vẫn đang được tiến hành hoặc trong giai đoạn đầu, nhà chức trách địa phương cho biết, chư tôn đức tăng đã thực hiện nghi lễ trì chú, sái tịnh sau khi hoàn thành trùng tu vào ngày 18/11/2016.
Boudhanath - bảo tháp lớn nhất ở Nepal, được coi là ngôi tháp linh thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng và trở thành trung tâm văn hóa Tây Tạng tại Kathmandu. Hàng năm có hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến thăm ngôi tháp này. Bảo tháp Boudhanath nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Kathmandu, thuộc về phía Đông của trung tâm thành phố, cao 36 mét và tồn tại từ thế kỷ thứ V, được cho là được xây dựng trên tuyến đường thương mại cổ đại từ Nepal đến Tây Tạng, tại địa điểm mà các thương nhân hay dừng chân để nghỉ ngơi và cầu nguyện.
Bảo tháp Boudhanath là một trong những ngôi tháp lớn nhất thế giới. Ngôi tháp có đường kính trên 100 mét và chiều dài từ bức tường này đến bức tường kia gần bằng chiều dài của một sân bóng đá.
 
Ngôi tháp được cấu trúc theo mô hình các hình vuông và hình tròn đan xen nhau. Mỗi phần của ngôi tháp đều có ý nghĩa biểu trưng nhất định. Ở phần trên của thân tháp có hình đôi mắt của đức Phật rất lớn và được vẽ trên cả bốn phía của ngọn tháp. Phần giữa của đôi mắt còn có thêm chữ số "Một" (theo tiếng Nepali), với ý nghĩa biểu tượng cho sự hợp nhất. Phía trên của đôi mắt là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ, trí tuệ nhờ tu tập nội quán mà có được. Bên trên phần thân tháp hình vuông là đỉnh tháp với hình kim tự tháp có mười ba bậc, biểu trưng cho lộ trình tu tập dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát. Và trên đỉnh tháp là một mái vòm mạ vàng, bên trên đó là hình chóp nón mạ vàng. Cái lọng ở trên đỉnh tháp là biểu tượng của hoàng gia.
Viền quanh ngôi tháp còn có 108 hình tượng hóa thân của Bồ-tát Quan Thế Âm, vị Bồ-tát gắn liền với lịch sử của ngôi bảo tháp. Những luân xa cầu nguyện xung quanh ngôi tháp cũng được khắc câu thần chú của Bồ-tát Quan Thế Âm, Om Mani Padme Hum.
Một trong những lễ hội lớn nhất được tổ chức ở Boudhanath là lễ Losar, lễ đón mừng năm mới của người Tây Tạng, thường rơi vào tháng Hai. Vào mùa lễ hội Losar, bảo tháp Boudhanath thường thu hút hàng chục ngàn khách hành hương. Sau năm 1959, nhiều người dân Tây Tạng đã đến định cư ở khu vực xung quanh bảo tháp Boudhanath. Và ngày nay, cộng đồng người Tây Tạng phát triển khá lớn mạnh ở khu vực lân cận bảo tháp Boudhanath tại Kathmandu, cùng với đó là sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng, nhiều tu viện và các trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng được thành lập.
 
Thời điểm tốt nhất trong ngày để thăm bảo tháp Boudhanath là vào lúc hoàng hôn, khi hàng trăm tín đồ đi nhiễu thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ xung quanh bảo tháp, cùng nhau trì chú và quay bánh xe cầu nguyện khi họ đi qua chúng để phát ra những lời cầu nguyện. 

Nhiều khách hành hương thực hiện sự cung kính theo truyền thống của họ xung quanh ngôi bảo tháp, họ quỳ kính khánh nguyện hoặc lễ lạy sát đất.
 
Vân Tuyền (Nguồn: The Baltimore Sun)