Dáng từ trên đồi Trại Thủy

21 Tháng Mười Hai 201611:14 SA(Xem: 4056)
Dáng từ trên đồi Trại Thủy

Dáng từ trên đồi Trại Thủy

(PGVN)
Ôn Già Lam, chỉ ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp tăng sinh của các Phật học viện: Báo Quốc - Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Già Lam - Sài Gòn. Ba tiếng nói ấy như trái tim của Mẹ ấp ủ đàn con qua suốt quãng đời dãi dầu mưa nắng.
Ôn Già Lam, người đã hy sinh suốt đời mình để phụng sự cho Phật pháp, đào tạo tăng tài qua nhiều thế hệ. Ôn đã khai phóng tinh thần thế học cho tăng sinh các Phật học viện.
Hạnh nguyện phổ hiền tiếp chúng độ tăng: 
 
Từ ngày biết Ôn qua những năm ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang, Tu viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn vào những thập niên 60-80, lúc nào Ôn cũng gần gũi chăm sóc học tăng như là hạnh nguyện, hay sự sống của chính Ôn. Ôn ân cần thăm hỏi lo lắng vun bồi. Ôn nuôi dưỡng đàn hậu học như nuôi dưỡng chính mình một cách thiết tha cẩn trọng, vì Ôn thường nói: “Tre tàn măng mọc”. Do vậy Ôn mang hạnh nguyện bảo bọc đàn con cho được trưởng thành để tiếp nối con đường hoằng dương chánh pháp, báo đáp Phật ân. Hạnh nguyện này đã thể hiện qua nếp sống của Ôn, qua công đức của Ôn.
Kể từ ngày đảm nhận trọng trách trong chốn sơn môn, tòng lâm, phạm vũ, Ôn đã đem hết tâm nguyện một đời hy hiến, phụng sự để thành lập các Phật học viện, từ đó có người tiếp nối, tăng già có kẻ sáng soi; làm bậc thạch trụ thiền gia, long tượng thạc đức. Một mình Ôn chống gậy đi khắp các miền để giảng dạy giáo huấn bao thế hệ học tăng từ miền Trung: Báo Quốc - Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, cho đến Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, và cuối cùng nơi xả bỏ báo thân, thâu thần thị tịch là Tu viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn.
Nơi nào cũng in dấu chân đi, cũng lưu giữ hình ảnh từ hòa dung dị của Ôn suốt một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ. Dù mưa hay nắng, Ôn vẫn thong dong tự tại nơi thiền thất trên ngọn đồi Trại Thủy của cụ Võ Đình Dung hiến cúng, hoặc Ôn chống gậy xuống hậu tổ bên cạnh phòng thầy Trừng San, Giám sự Phật học viện và dùng cơm với quý thầy. Ôn thường nói với thầy Đổng Minh, mỗi khi thầy qua thăm viện: “Mỗi tháng thầy cho anh em học tăng mỗi vị vài chục nghe, để anh em có chút tiền dằn túi, kẻo tội.” Thầy Đổng Minh cười: “Ôn lo cho mấy chú học tăng còn hơn lo cho Ôn nữa.” Ấy là cái hạnh nguyện của Ôn mà suốt bao năm tháng gần gũi với Ôn mới thấy được tấm lòng chăm sóc của Ôn.
Ôn sống nơi đây trên thiền thất với Ôn Từ Quang, Ôn Từ Đàm thật thanh thoát, tự tại. Ba hình ảnh của các bậc kỳ túc hiếm quý của Phật giáo Việt Nam.
Ôn nuôi học tăng, Ôn mở Phật học viện đó là tâm nguyện hàng đầu của Ôn. Ôn mở các giới đàn - tuyển Phật trường, chọn người làm Phật, để truyền trao giáo pháp cho thế hệ kế thừa. Ôn nuôi dưỡng học tăng, Ôn đào tạo tăng tài hướng về tương lai của Đạo pháp được hưng thịnh. Vì Ôn quan niệm: Tăng phải có tài đức để gìn giữ giềng mối của Đạo, phát huy bản thể của tăng già để ngôi nhà Phật pháp được vững vàng, trường lưu sáng lạn.
Ôn Già Lam - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ
Ôn nói với thầy Đổng Minh làm kinh tế tự túc để có điều kiện nuôi dưỡng học tăng. Kinh tế tự túc đó là các hãng: xì dầu lá bồ đề, hương giải thoát, đèn giác ngộ, thuốc tẩy phiền não, xà phòng chân như... nhờ vậy mà ngày hai buổi học tăng chỉ cắp sách đến trường học hai ban: chuyên khoa, phổ thông mà không phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc. Tất cả đều đã có Ôn. Ân sâu, nghĩa nặng, các học tăng kính trọng Ôn như cội tùng già, như tàng cây đại thọ che mát cả quãng đời học tăng.
Tánh đức uy nghiêm, hạnh nguyện độ đời, những khi đàm đạo với Ôn Từ Đàm, Ôn thường nói: “Thầy thông suốt Kinh Luận, Phật pháp hơn người nên giảng dạy, trao truyền lại cho đàn hậu học. Nhân sự của Đạo là các học tăng của Phật học viện. Mai này Phật pháp được hưng long, mạng mạch của tăng già được kiên cố thì cũng nhờ những học tăng hôm nay.” Mỗi khi đứng hầu quý Ôn thọ trai được nghe những lời tâm huyết cao quý này thật thấm thía. Đấy là hạnh Phổ Hiền dấn thân hóa độ, mà nếp sống của Ôn đã thể hiện trọn vẹn hạnh Phổ Hiền này.
Nhà đạo học qua ý vị thi ca:
 
Ôn đã để lại cho hậu thế nhiều bài thơ chữ Hán, thơ chữ Việt, những câu đối đề tặng treo nơi các Tổ đình, Tòng Lâm ở Huế... những bài phúng điếu các bậc Tôn túc viên tịch. Tâm hồn thi kệ của Ôn được thể hiện qua những bài kệ phú pháp cho những vị đệ tử:
Phú pháp dự Thích Đức Thiệu
“Dĩ Đức Thiệu gia phong
Cổ kim như thị đồng
Pháp quang hương bất tận
Hải ấn thể hàm dung.”
Phú pháp dự Thích Đức Tâm
“Đức vi trí giả Tâm
Hà tu hướng ngoại tầm
Hữu vô thường đoạn luận
Hải tạng bất duy tâm.”
Và vị đệ tử còn hiện diện dưới mái tu viện Quảng Hương Già Lam hôm nay, HT.Đức Chơn, Ôn đã phú pháp: 
Phú pháp dự Thích Đức Chơn
“Ba trừng tâm nguyệt hiện
Nhãn ế loạn hoa sinh
Đức Chơn tâm thường tịnh
Hải tính tự nhiên thanh.”
Hồn thơ phong phú của Ôn, những bài thơ chữ Nho, như viết trong đời sống đạo, tại Phật học viện Nha Trang, kỷ niệm Phật Đản 2005 như sau:
“Mang mang trường dạ trung
Tam bảo vi minh đăng
Thao thao khổ hải nội
Tam bảo vi từ hàng.”
Dịch:
“Hoang mang giữa quãng đêm dài
Này ngôi Tam bảo là đài quang minh
Ngập trời bể khổ lênh đênh
Này ngôi Tam bảo sinh linh thuyền từ.”
Ý chỉ của những thi kệ này, người đọc thấy được tâm tu, lòng từ của Ôn nghĩ về cuộc đời, chúng sinh nhiều khổ lụy mà dang đôi tay để cứu tế mọi loài đưa qua bờ Giác. Chỉ có ngôi Tam bảo mới là nơi nương tựa để cho chúng sinh tu tập thoát kiếp khốn cùng. Chỉ có ngôi Tam bảo mới là thuyền từ vớt người trên biển trầm luân, nơi dòng sông sinh tử. Đó là ba ngôi báu cho chúng sinh quy ngưỡng, tôn thờ mà khai sáng tính giác hiển lộ tâm tư làm ngọn đuốc cho đời mình tránh cảnh tăm tối.
Hạnh nguyện độ đời, Ôn đã bước chân theo Bồ tát Phổ Hiền để thực hành các phương tiện, thiện xảo mà chẳng từ nan một khó khăn nào, ấy là tinh thần: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần. Phương tiện môn trung bất xả nhất pháp.” Qua bài: Tụng kinh Hoa Nghiêm cảm tác
“Phần hương nhất nguyện pháp không vương
Đại hạnh đồng tham biến cát tường
Sát hải trần thân thi diệu lực
Trầm kha chướng loại tận an khương.”
Dịch:
“Đốt nén tâm hương trước Phật đài
Phổ Hiền hạnh cả nguyện nào sai
Hiện thân cát bụi vào muôn nẻo
Chữa bệnh trầm kha khắp mọi loài.”
Ôn đã vân du bằng đôi chân hóa độ, bằng đôi tay cứu khổ và bằng tấm lòng Từ bi suốt một đời. Từ bấy đến nay, mỗi khi nhắc đến Ôn Già Lam, quý thầy học tăng ai cũng ngậm ngùi tưởng nhớ.
Ở trên là những bài thơ chữ Nho, và bây giờ là những bài thơ chữ Việt, qua bài: “Cảm đề non bộ bản đồ Việt Nam” tại thiền thất Phật học viện Nha Trang:
“Dấn thân mây bạc giang hồ
Chạnh lòng quê Mẹ dư đồ Việt Nam
Này thắng tích nọ danh lam
Máu xương trang trải ai làm nên khung

Đúc vun khí tiết hào hùng
Hai vai gánh nặng Quang Trung Nguyễn Hoàng
Trường Sơn một dãi hiên ngang
Càng nhìn càng ngắm muôn vàn thân yêu

Non sông gấm vóc mỹ miều
Ngàn năm văn hiến nhiễu điều giá gương
Dù cho Nam Bắc đôi đường
Đốt lò hương nguyện bốn phương một nhà

Sớm hôm hướng nẻo Phật Đà
“Sắc không” tâm sự đường xa nỗi gần
Mong sao giữ vẹn mười phần
Thanh cao dáng núi, trong ngần vẻ sông

Gấm vóc gương nước tinh thần
Đạo vàng dân tộc chiếu hồng muôn Xuân.”
Hòn non bộ đắp theo hình dáng bản đồ Việt Nam ở phía sau Thiền thất dưới rặng cây Bồ đề mà cứ mỗi chiều Ôn đem rau muống, rau cải cho cá Tây tượng, cho rùa ăn rồi ngồi nói chuyện với chúng giống như nói chuyện với mấy chú học tăng làm thị giả. Ấy là tâm Từ bi vô phân biệt của Ôn đến với mọi loài.
Đọc bài thơ trên thấy được nỗi niềm, tâm tư của Ôn đầy ắp tình tự quê hương, dân tộc. Ôn thường tự hỏi: “Quê hương Việt Nam xinh đẹp, quê hương Việt Nam mỹ miều, biết bao thắng tích, danh lam... do ai tạo dựng, do máu xương nào trang trải, hy sinh? Đó chính là dân tộc Việt Nam, là các bậc anh hùng liệt nữ đã đem xương máu của mình tô thắm non sông, làm tươi đẹp quê hương, giống nòi. Dòng lịch sử của quê hương dân tộc Việt Nam ngót mấy nghìn năm qua đã anh dũng, quật cường để giữ yên bờ cõi, tạo thành cái nôi nuôi lớn muôn dân. Đồng thời dòng lịch sử dân tộc Việt Nam đã hòa quyện với nếp sống tâm linh, giáo pháp Phật Đà để tạo dựng một nền văn hóa giác ngộ cho quê hương dân tộc Việt Nam.”
Ôn đã khuyến tấn, nguyện cầu cho con dân Việt Nam, cho phật tử Việt Nam, cho quê hương và đạo pháp Việt Nam được trọn vẹn trong ý nghĩa, được thành tựu trong đời sống thanh bình hạnh phúc như những lời thơ: 

“Ngàn năm văn hiến mỹ miều giá gương” 
Hoặc:
“Sớm hôm hướng nẻo Phật Đà,
“Sắc, không” tâm sự đường xa nỗi gần”
Và cuối cùng:
“Gấm vóc gương nước tinh thần
Đạo vàng dân tộc chiếu hồng muôn xuân.”
Đây chính là hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát đem đức Từ bi để tạo lập một thế giới an lành thanh thoát cho chúng sinh.
Ngoài những bài thơ: Viếng lại chùa Hương, xuân quý Mão cảm tác... Ôn còn làm những bài thi kệ mà vần điệu, ý chỉ như những bài sám để trì tụng trong các thời khóa của chùa như: Quỳ trước điện, mà hầu như các tự viện đều tụng đọc:
“Đệ tử hôm nay quỳ trước điện
Chí tâm đảnh lễ đấng từ Tôn
Đã bao phen sinh tử dập dồn
Trôi lăn mãi trong đường lục đạo
Thế Tôn đã đinh ninh di giáo
Mà con còn đắm đuối mê say.
 
Chí phàm phu tự lực khó thành
Cầu đại giáo từ bi gia hộ
Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ
Con hết lòng vì đạo hy sinh
Nương từ quang tìm đến bảo thành
Đặng tự giác, giác tha viên mãn.”
Âm điệu thấm thía, ý vị thuần hòa, con người thấy được bản lai diện mục của mình qua lục căn, lục trần, lục thức mà tĩnh tu tam nghiệp thanh tịnh, để chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm phu thành thánh giả.
Lời thi kệ như một bản sám văn tỏa ngát hương giải thoát, làm tươi nhuận tâm thành, thanh lương trí tính để thấy mặt mũi của mình là một cùng tử lang thang, nhưng rồi lại được tiếp nhận gia tài của đấng Pháp vương để tự giác, giác tha viên mãn. Tất cả đều được nội hàm trong những tính đức Từ bi: Tâm Như, Đạo Giám, Trí Thủ để lưu xuất thi kệ như lời sách tấn khuyến tu cho tứ chúng.
Ngoài những thi kệ sám văn, Ôn đã làm những câu đối ý nghĩa thâm trầm, siêu thoát như những câu trong giới đàn Phật học viện Hải Đức 1973 và nhiều câu khác để kính điếu các bậc Tôn đức:
 
“Giới thọ hữu hà nan nan giả chung thân trì tịnh giới.
Đàn tràng phi dung dị dị tại đại lực hộ hành đàn”
Dịch:
“Thọ giới không chi khó, khó vì trọn đời trì tịnh giới
Đăng đàn đâu phải dễ, dễ thay đủ sức hộ hành đàn.”
Hoặc:
“Chúc Phật giáo chi hà xương quốc tộ miên trường vĩnh lịch Nam Sơn chi thọ.
Giới Thích Tôn chi thùy phạm tòng lâm quy củ giao lưu Đông Chấn chi đàn.”
Dịch:
“Chúc Phật giáo lâu dài, nước nhà hưng vượng, thọ sinh Nam Sơn muôn thuở
Cầu Thích Tôn gia hộ, đạo pháp vinh quang, phước đầy Đông Hải khắp nơi.”
Để thấy được tâm niệm đồng hành pháp lữ, trân trọng quý kính và một dạ sắt son vững như đồng, kiên cố như đá của Ôn đối với Ngài Quy Thiện, qua câu đối của Ôn:
“Tích niên pháp nhũ đồng triêm, thệ hải giả tằng minh thiết thạch.
Kim nhật đàm hoa tiên lạc, thiền lâm thị nại phong sương.”
Tâm niệm của Ôn là như vậy. Hành trạng của Ôn là như vậy. Dáng dấp của Ôn như hình ảnh của Bồ tát Phổ Hiền trên lưng bạch tượng, trấn thủ nơi chốn thiền môn mà làm hưng long Tổ ấn.
Tâm niệm của Ôn là như vậy. Hành trạng của Ôn là như vậy. Tình tự giống nòi, con Hồng cháu Lạc Ôn luôn ấp ủ những mong nước lạc dân bình, âu ca muôn thuở qua câu đối:

“Con Hồng cháu Lạc văn hiến bốn nghìn năm nối tiếp anh hào dòng bất khuất
Cảnh Phật ngày trời giang sơn muôn vạn thuở đề cao dân tộc chí hiên ngang.”
Và, nghe ý vị hai câu thơ đạo đời hòa quyện, tình lý bất phân mà chiêm nghiệm tinh thần giáo pháp bất nhị:

“Hồn dân tộc, mái chùa tô nét đẹp
Tiếng pháp âm, dòng nước họa vần thiêng.”
Thâm trầm, siêu thoát, nhưng gần gũi, quanh đây, dấu ấn, tích xưa dép cỏ đi về còn hiển hiện, Ôn là như vậy đó.
Hạnh nguyện niệm Phật vãng sinh:
Pháp môn của Ôn là Thiền Tịnh song tu. Tối Tịnh độ ngồi thiền. Khuya công phu lạy Phật 108, đều đặn không hề xao lãng. Bằng pháp môn tu Tịnh độ ấy mà Ôn có những vần thơ khuyên tu Tịnh độ đến với học tăng và phật tử:
 
“Pháp môn Tịnh độ gắng tu hành
Giữ trọn niềm tin quyết vãng sinh
Bể khổ thuyền tư buồm thuận gió
Hồ trong sen ngát đất trời thanh
Mẹ hiền tựa cửa trông con dại
Cha khổ đưa tay đón kẻ thành
Cứu độ sinh linh hoằng thệ nguyện
Nhất tâm bất loạn niệm hồng danh.”
Một đời niệm Phật, lạy Phật nên tính đức Phật, nghi dung Phật đã thể hiện trong tứ oai nghi của Ôn đến với mọi người, chúng tăng, cỏ cây hoa lá trong các Phật học viện. Mỗi sáng Ôn kéo dây tưới nước cho hoa kiểng tươi tốt, quét rác lượm lá cho sân chùa sạch mát. Trong bất cứ lúc nào Ôn cũng niệm Phật hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều được an lạc.
Ngoài những tác dịch phẩm về Kinh, Luật, Luận, Ôn còn soạn giải: Pháp môn Tịnh độ. Ý Nghĩa Tịnh độ. Trì danh niệm Phật. Phát nguyện vãng sinh cực lạc... chừng ấy đủ biết là Ôn nhất tâm niệm Phật để vãng sinh và phát nguyện thể chứng chơn thường của người thọ trì kinh Pháp Hoa qua ba đức tính: Nhà Như Lai, áo Như Lai, và tòa Như Lai. Từ sự phát nguyện ấy Ôn cảm tác lời thơ:
 
“Một lòng kính lạy Phật Đà
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai
Con hằng mặc áo Như Lai 
Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời.”
Sáng nay, nơi chánh điện tu viện Quảng Hương Già Lam rực sáng những chiếc y vàng trang nghiêm tĩnh tọa trong giờ hô canh ngồi thiền, sau đó là xướng 108 lạy Phật, âm thanh như trầm mặc, từ hòa, nhịp nhàng, thanh thoát làm khách thập phương dừng chân đứng lại lắng nghe mà lòng cảm thấy an nhiên siêu thoát với lời kinh. Ôn xướng:
 
“Xử thế giới như hư không
Dụ Liên hoa bất trước thủy
Tâm thanh tịnh siêu ư bỉ
Khể thủ lễ vô thượng tôn.
Tất cả đại chúng cùng hòa:
- Nhất tâm đảnh lễ vị lai tinh tú kiếp tận thập phương vô tận thế giới tam thế nhất thiết chư Phật hải hội. Bồ tát vô lượng thánh hiền.
Cứ như vậy, 108 lạy mà gối già chẳng mỏi, lưng già không đau, thành tâm, chánh ý, nguyện được vãng sinh thượng phẩm liên trì bất thối.
Dù Ôn ở nơi tu viện Quảng Hương Già Lam, hay Phật học viện Hải Đức Nha Trang trên đồi Trại Thủy, giờ giấc niệm Phật, lạy Phật đúng giờ nghiêm túc chẳng hề sai trái.
Đêm nay, ngoài trời mưa tầm tã. Gió từ biển Nha Trang thổi mạnh làm dập nát lá cành cây trái. Từng chùm hoa khế lưng đồi tung bay. Không gian như đẫm ướt, thời gian như lặng chìm. Trong thiền thất, bên cạnh ngọn đèn dầu hột vịt soi bóng mờ trên hợp tợ, cạnh cửa sổ phía sau, ba hình ảnh bậc Kỳ túc Phật giáo Việt Nam thời cận đại đang ngồi xếp bằng trên bộ phản, tay lần chuỗi hạt 18 hột mà tưởng như quý Ôn đã thể nhập cảnh giới vô dư.
Kính lạy Giác linh Ôn!
Cựu học tăng - Thích Nguyên Siêu