Thiên Túng Đạo Nhân Nguyễn Phước Chu - Một tác gia văn học thế kỷ 18
(PGVN)
Sử sách ghi chép công việc trị quốc an dân, mở mang đất nước của Nguyễn Phước Chu xứng đáng là bậc minh chúa tài đức vẹn toàn. Rất tiếc, những tác phẩm văn học của ông ít được phổ biến nên hậu thế quên dành cho ông một vị trí xứng đáng trong văn học sử Việt Nam.
Bước đầu chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm của tác gia Nguyễn Phước Chu sau đây:
Bài “BỔN SƯ HẢI NGOẠI KỶ SỰ TỰ”. Quốc chúa Nguyễn Phước Chu viết bài tựa cho tập sách “Hải ngoại ký sự” của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán. Ghi rõ: Đại Việt Quốc vương Phúc Chu, đệ tử thọ giới tại gia Bồ tát, pháp danh Hưng Long. Kính lễ viết tại phương trượng Tịnh Danh ở nội viện Giác vương, cung phía Tây vào ngày tốt tháng 5 năm Giáp Tý (1696). (Xem Hải ngoại ký sự - Thích Đại Sán. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam. Viện đại học Huế - 1963).
1. Bài “QUỐC CHÚA THIÊN TÚNG ĐẠO NHÂN NGỰ CHẾ THƠ VÀ TỰ, SẮC CHO THAM TRI CHÁNH ĐOÁN SỰ ĐÔNG TRIỀU HẦU TRẦN ĐÌNH ÂN”. Bài này được Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm viết chữ cho khắc vào bia đá “Tứ công thần bi”, dựng trước chùa Bình Trung, nơi dưỡng lão của Trần Đình Ân sau khi từ quan. Bia dựng vào ngày 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1703), hiện còn tại chùa Bình Trung, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
2. Bài văn “NGỰ KIẾN THIÊN MỤ TỰ”. Khắc vào ngày tốt tháng 10 năm Ất Mùi (1715). Gồm 1.260 chữ, nội dung trình bày tư tưởng cao siêu của đạo Phật. Công việc xây dựng Thiên Mụ thành một danh lam lớn nhất ở Nam Hà để cầu nguyện cho đất nước vững bền, nhân dân hạnh phúc, triều đại thịnh trị lâu dài. Cuối bài văn tác giả đúc kết tư tưởng chính bằng bài minh:
Âm:
Việt quốc chi nam hề, giai thủy giai sơn
Bửu sát chi tráng hề, nhật chiếu thiền quan
Tính chi thanh tịnh hề, khê hưởng sàn sàn
Quốc chi điện an hề, tứ cảnh u nhàn
Vô vi chi hóa hề, Nho Thích đồng ban
Ký tư thắng khái hề, nhơn quả hồi hoàn
Kiến tiêu lập đích hề, thành tồn tà nhàn.
Dịch:
Phương Nam nước Việt chừ, đẹp núi đẹp sông
Chùa chiền tráng lệ chừ, trời chiếu thiền môn
Tánh vốn trong lặng chừ, tiếng suối êm đềm
Nước nhà bền vững chừ, bốn cảnh yên vui
Vô vi giáo hóa chừ, Nho Thích cùng tôn
Viết lời để lại chừ, nhân quả xoay vần
Dựng bia nêu tỏ chừ, chánh giữ tà ngăn.
(Trần Đình Sơn dịch)
3. Bài ký và tán khắc trên khánh đá tôn trí tại Quốc tự Thiên Mụ.
Khắc vào ngày 3 tháng 10 năm Giáp Thìn (18-11-1724 ). Thời Tây Sơn, chùa Thiên Mụ bị triệt hạ làm đàn tế đất, chuyển khánh quý vào cung điện tân triều. Hiện nay khánh được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.
Âm bài tán:
Thạch sanh tú thủy, ngọc xuất Côn sơn
Tề an tích nhật, Trừng thủy thử gian
Đắc chi bất dị, ngộ chi diệc nan
Sắc phân ngũ thái, thanh đới kim am
Trúc thành vân khánh, bát âm liệt ban
Vĩnh trấn cổ tự, tường thụy vạn niên.
Dịch:
Nước tốt sanh đá, non Côn xuất ngọc
Từ xưa vẫn yên, dòng nước sông Trừng
Được nó không dễ, gặp nó càng khó
Sắc phô năm màu, tiếng tựa chuông ngân
Chạm thành khánh mây, bày theo nhạc lễ
Để trấn chùa xưa, điềm lành vạn thuở.
(Trần Đình Sơn dịch)
4. Bốn bài thơ thương khóc Kính phi.
Kính phi Nguyễn Thị Lan mất, Quốc chúa vô cùng thương tiếc, cho lập trai đàn siêu độ tại chùa Thiên Mụ, ông có viết bốn bài thơ trên vách chùa. Bài cuối:
Âm:
Nhữ thọ tuy vi, phúc tự trường
Nhân truyền phúc trạch Nguyễn cung hương
Phao tư kim ngọc doanh song khíp
Lưu thử nhi tôn mãn nhất đường
Đối cảnh kỷ hồi hàm biệt lệ
Liên tài nhất thế động trung trường
Kim bằng diệu pháp không vương lực
Tiến bạt u hồn dật thượng phương.
Dịch nghĩa:
Tuổi thọ ngắn thôi phúc lại dài
Phúc lưu cung Nguyễn ngát hương trời
Quăng đi vàng ngọc đầy hai tráp,
Để lại cháu con nối vạn đời,
Đối cảnh đòi phen cầm giọt lệ
Thương tài một kiếp động lòng ai
Nhờ phép Như Lai mầu nhiệm ấy
U hồn siêu độ thoát luân hồi.
Theo Đại Nam liệt truyện (bản dịch Viện Sử học - NXB Thuận Hóa Huế 1993).
5. Ngoài những tác phẩm may mắn được bảo tồn trong các chùa chiền xưa, hoặc sử sách ghi chép được phần nào sau thời nội chiến Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn. Đặc sắc nhất là các bài thơ đề vịnh phong cảnh vùng Thuận Quảng của Nguyễn Phước Chu mà chúng tôi phát hiện được trên đồ sứ ký kiểu như:
THIÊN MỤ HIỂU CHUNG
Ký bạch đông phương túy tích trùng,
Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng.
Tà khan vân ảnh giang can nguyệt,
Bất thính triều thanh sơn tự chung.
Độc ngã nhàn tình y phiếu miễu,
Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung.
Du du dư vận chư thiên lý,
Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung.
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
CHUÔNG SỚM THIÊN MỤ
Biêng biếc phương trời buổi rạng đông,
Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng.
Vẳng nghe, sóng dậy chuông chùa điểm,
Ghé mắt, mây phô nguyệt bến lồng.
Riêng tớ, tình suông về thăm thẳm,
Mấy ai, cảnh mộng tới thong dong,
Mang mang dư vận từng không tỏa,
Kinh Phạn hồi chuông sớm quyện lòng.
(Trần Đình Sơn dịch)
HÀ TRUNG YÊN VŨ
Hải khí sơn phong táp táp kinh
Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh
Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn
Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh
Thiền tụng bất văn u khánh vận
Hương tư nan xích cố nhân tình
Việt Nam diệc hữu Tiêu Tươngcảnh
Dục thiến đan thanh tả vị thành.
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
MÙ TỎA HÀ TRUNG
Sóng trào gió rít nghĩ mà kinh
Mù tỏa dần tan mây trắng xanh
Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm
Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh
Phật kinh không vẳng dư âm khánh
Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành.
(Trần Đình Sơn dịch)
ẢI LĨNH XUÂN VÂN
Việt Nam xung yếu thử sơn điên
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
Mây xuân đỉnh ải
Việt Nam hiểm trở có non này,
Thục đạo nghìn trùng chót vót thay!
Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn,
Nào hay người ở mấy từng đây?
Không khe suối, cũng dầm xiêm áo.
Chẳng tuyết băng, sao buốt tóc mày.
Gió biển nguyện xin thành mưa móc,
Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày.
(Trần Đình Sơn dịch)
TAM THAI THÍNH TRIỀU
Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong
Trung hư ngoại hữu bạch vân phong
Tự lai Việt hải văn xuân lãng
Như tại Bà dương thính thạch chung
Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã
Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long
Dục tầm thanh mộng hà tằng khán
Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
Ở NÚI TAM THAI NGHE SÓNG
Tam thai chất ngất đỉnh non xanh.
Động vắng mênh mông mây phủ quanh.
Dào dạt sóng Xuân trào Việt hải
Ngân vang chuông đá vọng Dương thành,
Gió reo ngựa trắng liên hồi trẩy
Mưa cuốn rồng xanh thấp thoáng đoanh.
Mộng đẹp mong tìm sao chửa thấy,
Rì rào vách núi cụm tùng xinh.
(Trần Đình Sơn dịch)
THUẬN HÓA VÃN THỊ
Noãn yên tịch chiếu luyến giang tân
Tế thính oanh đề xứ xứ xuân
Vãn thị chỉ khan hồng phấn nữ
Thông cù bất đoạn ỷ la trần
Thời cô bạch tửu năng diên khách
Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân
Giao dịch khởi vô hành dữ đấu
Hoàn dư phong tục Cát Thiên thuần
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
Chợ chiều Thuận Hóa
Khói ấm hoàng hôn quyện bến sông
Lắng nghe oanh hót bạt ngàn xuân
Chợ chiều tha thướt đàn con gái
Suối lụa tung hê nẻo bụi hồng
Rượu trắng vui vầy mua đãi khách
Tiền đồng trao đổi tiện cho dân
Bán buôn lọ phải cần cân đấu
Nếp Cát Thiên xưa vẫn thấm nhuần.
(Trần Đình Sơn dịch)
Qua các bài thơ vịnh cảnh trên, người đọc cảm nhận được tình cảm chan chứa đạo đời, niềm tự hào dạt dào của tác giả Nguyễn Phước Chu đối với vùng đất phương Nam mà trải qua các đời Chúa Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân khai phá, phát triển thịnh vượng. Chính Thiên Túng đạo nhân đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ kế tiếp như Nguyễn Cư Trinh đề vịnh mười hai thắng cảnh đất Quảng Nghĩa; Mạc Thiên Tích đề vịnh mười thắng cảnh Hà Tiên. Nhờ đó mà nền văn học Nam Hà nhanh chóng phát triển từ thủ phủ Phú Xuân lan đến tận cùng đất nước.
Sau hơn 300 năm lịch sử, trải qua các cuộc nội chiến, ngoại xâm, may mắn một số văn vật của thời đại Nguyễn Phước Chu vẫn được bảo tồn trong các ngôi chùa danh tiếng như Thiên Mụ, Quốc Ân (Huế), Thập Tháp (Bình Định)… Những bức hoành phi, câu đối do chính Minh vương Nguyễn Phước Chu ngự bút ban tặng hay những minh văn, họa tiết trên chuông đồng, khánh đá, vạc đồng… minh chứng cho nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, thư pháp đều đạt đến đỉnh cao, xứng đáng là pháp bảo, quốc bảo.
Hy vọng sẽ có nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân Nguyễn Phước Chu để xác định vị trí quan trọng của ông trong lịch sử mở mang, xây dựng đất nước và trong văn học sử Việt Nam.
Cư sĩ Trần Đình Sơn