Các Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ

21 Tháng Mười Hai 201611:47 SA(Xem: 4890)
Các Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ

Các Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ

(PGVN)

Phật giáo tại Ấn Độ có 10 thánh tích quan trọng, trong đó 4 thánh tích xếp ở trên trong danh sách sau được phật tử quan tâm nhất, do ý nghĩa quan trọng của chúng gắn liền với cuộc đời đức Phật, 6 thánh tích xếp ở dưới cũng rất quan trọng nhưng mức độ chú ý của tín đồ có phần ít hơn, bởi vì đa số không nghiên cứu sâu về lịch sử của đức Phật chứ không phải các di chỉ đó ít quan trọng.

Tóm lược các thánh tích
1.Vườn Lâm Tỳ Ni (藍毗尼-Lumbini) là nơi Phật đản sinh 佛誕生, ngày rằm tháng 04 âm lịch gọi là ngày Phật Đản 佛誕 cũng tức là sinh nhật của Phật. Lumbini nay là quận Rupandehi thuộc nước Nepal nằm cách biên giới với Ấn Độ khoảng 36 km.
2. Bồ Đề Đạo Tràng (菩提道場-Bodh Gaya) là nơi Phật thành đạo bên bờ sông Ni Liên Thiền (尼連禪-Niranjana). Nay là một thành phố thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được coi là thánh tích quan trọng nhất, nằm cách thủ phủ Patna của bang Bihar 96km, có tháp Đại Giác cao 52m. Nơi đây có Việt Nam Phật Quốc Tự là ngôi chùa của người Việt Nam xây dựng, khánh thành năm 1987 do thầy Thích Huyền Diệu trụ trì, nằm cách di chỉ Bồ Đề Đạo Tràng 2km.
3. Lộc Uyển (鹿苑-Sarnath) còn gọi là Lộc Dã (鹿野-Mrigadava, vườn nai) là nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như (憍陈如-Koṇḍañña), kinh gọi là chuyển pháp luân. Vườn Lộc Uyển nằm cách thành phố cổ Varanasi (Ba La Nại-菠羅奈) khoảng 10 km. Varanasi trước đây là thủ phủ của bang Uttar Pradesh, nay thủ phủ dời về Lucknow. Tại đây có tháp Dharmarajika là một trong số những ngôi tháp dựng lên bởi vua Ashoka còn lại, mặc dù chỉ còn nền móng, vật liệu của tháp đã được di chuyển tới Varanasi để sử dụng làm vật liệu xây dựng trong thế kỷ thứ 18.
4. Câu Thi Na (拘尸那-Kushinagar) là nơi Phật nhập Niết bàn giữa hai cây sa la (sa la song thọ- 沙羅雙樹). Câu Thi Na là kinh đô của tiểu quốc Malla, một thị tứ nhỏ và nghèo nàn so với các nước hưng thịnh thời bấy giờ, nhưng Đức Phật lại chọn nơi này làm nơi diệt độ với lý do liên quan đến tiền thân Ngài. Thời xa xưa, Câu Thi Na là kinh đô của Chuyển Luân Thánh Vương 轉輪聖王 tên là Thiện Kiến 善見, một trong những tiền thân của Phật, xưa cũng là một kinh đô hưng thịnh phú cường. Và cũng chính nơi đây, Ngài đã xả báo thân đến bảy lần. Ngày nay Kushinagar là một thị trấn nhỏ khoảng 18.000 dân, thuộc quận Kushinagar, bang Uttar Pradesh.
5. Thành Ca Tỳ La Vệ (迦毘羅衛-Kapilavatthu) nằm sát biên giới Nepal – Ấn Độ, tiểu quốc này rộng khoảng 320 km2 là nơi sinh sống của Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 19 năm đầu đời của Phật trong triều đình của vua cha Tịnh Phạn (淨飯-Suddhodana). Sách Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang ghi “Nước này có một chu vi khoảng hơn 4000 dặm. Trong đó có trên 10 thành phố đều hoang phế và điêu tàn tột độ. Thủ đô cũng bị đất vùi lấp và đổ nát”. Sở dĩ có tình trạng đó vì ngay trong thời Đức Phật, Ca Tỳ La Vệ đã bị tàn phá, dòng họ Thích Ca bị tàn sát bởi thái tử Tỳ Lưu Ly (毘琉璃-Virudhaka) con thứ của vua Ba Tư Nặc, em của thái tử Kỳ Đà (祇陀-Jeta).
6/Thành Vương Xá (王舍城-Rajagaha), kinh đô của nước Ma Kiệt Đà, là nơi Tất Đạt Đa tầm sư học đạo lúc mới xuất gia, cũng là nơi Phật đến thuyết pháp đầu tiên theo lời hứa với vua Tần Bà Sa La (頻婆娑羅-sa. bimbisāra) sau khi thuyết pháp cho nhóm Kiều Trần Như, trong buổi ban  đầu sau thành đạo. Nơi đây có Trúc Lâm Tịnh Xá (Veluvana) do vua Tần Bà Sa La tặng. Đức  Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên tại đây. Nơi đây đã diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang động Sattapanni. Gần thành này có núi Linh Thứu (靈鷲-Gijjhakuta), vườn xoài Jivaka. Đây cũng là nơi Phật hàng phục con voi hung hãn của vua A Xà Thế (阿闍世-sa. ajātaśatru) mà Đề Bà Đạt Đa (提婆達多-Devadatta) sử dụng định sát hại Phật.
7. Thành Tỳ Xá Ly (毗舍離-Vaisali), kinh đô của bộ tộc Licchavi, đây cũng là quê hương của cư  sĩ Duy Ma Cật (維摩詰-sa. vimalakīrti), là bối cảnh của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, nơi đây Phật từng có lần làm phép tẩy trừ dịch bệnh cho dân chúng, cũng là nơi thành lập đoàn thể Tỳ Kheo Ni, đây là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai, là nơi  Phật cư trú và hoạt động vào những năm cuối đời.
8. Thành Xá Vệ (舍衛-sa. śrāvastī pa. Savatthi) là kinh đô của nước Kiều Tát La (憍薩羅- Kosala), do vua Ba Tư Nặc (波斯匿-Pasenadi) cai trị. Nơi đây có Tịnh Xá Kỳ Viên mà trưởng lão Cấp Cô Độc đã mua của thái tử Kỳ Đà (Jeta) để làm nơi cư trú chính cho Đức Phật và các đệ tử. Về sau thái tử Kỳ Đà bị em là Tỳ Lưu Ly sát hại vì không ủng hộ cuộc tàn sát dòng họ Thích Ca. Phật đã trải qua 25 mùa an cư kiết hạ tại đây. Cách tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) khoảng 5 km có một vườn xoài, đó là khu Đông viên Lộc Mẫu giảng đường (東園鹿母講堂-Pubbārāma Migāramātupāsāda), do nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (毗舍佉-Visakha) cúng dường. Bà sống trên 120 tuổi, qua đời sau khi đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 60 năm. Trước cổng tịnh xá Kỳ Viên có một cây Bồ Đề cổ thụ đến nay vẫn còn, do tôn giả A Nan Đà (阿難陀-Ānanda) trồng, chiết cành từ cội Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo. Savatthi ngày nay cũng nằm sát biên giới Nepal- Ấn Độ,  thuộc quận Shravasti, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow (thủ phủ của bang) 170km về phía bắc.
Cây Bồ Đề do tôn giả A Nan Đà trồng trước cổng tịnh xá Kỳ Viên
9. Tăng Già Thi (僧伽施-Sankasya) là nơi Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi 忉利 thuyết pháp cho mẫu hậu Ma Da và trở về sau ba tháng. Tại đây có một ngôi tháp được xây để kỷ niệm nơi trời Đế Thích và Phạm thiên đã theo hầu đức Phật khi Ngài từ cõi trời thứ 33 trở về thế gian. Ngày nay, Sankasya là một làng nhỏ bé nghèo nàn dân số chưa tới 1000 người thuộc quận Mainpuri, bang Uttar Pradesh.
10. Đại học Nalanda. Nalanda có nghĩa là  “người trao trí tuệ”. Đó là một khu đại học rất quy mô của Phật giáo suốt từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XII. Sinh thời Phật nhiều lần đến chỗ này, lúc đó thì chưa có đại học. Khi đi từ Vương Xá đến Hoa Thị Thành (Pataliputta nay là thành phố Patna), Phật thường đi ngang Nalanda, dừng chân tại vườn xoài của Pavarika và thuyết kinh tại đây. Tôn giả Xá Lợi Phất (舍利弗-sa. śāriputra) tịch diệt tại đây. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) cũng từng học tại Nalanda. Nalanda cách thủ phủ Patna 90km về hướng Đông nam, cách Vương Xá khoảng 12km. Địa danh này ngày nay được xác định nằm tại ngôi làng Bada Ganon.  Lúc thịnh thời , khu đại học này từng được ghi nhận là có mười ngàn sinh viên và hai ngàn giáo sư. Nalanda bị hủy diệt, thiêu rụi hoàn toàn vào năm 1193, khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Bakhtiyar Khilji đánh phá nơi này. Họ đã đốt phá trường học, tự viện và giết các Tăng sĩ ở đây. Sự kiện này cũng được xem là điểm mốc đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ, mặc dù Phật giáo đã thực sự suy yếu trước đó một vài thế kỷ. Từ năm 1915 (trong suốt thời gian từ 1915-1937, và sau đó từ 1974-1982), Nalanda chính thức được khai quật tổng thể dưới sự chỉ đạo của Hội Khảo cổ học Ấn Độ (Archaeological Survey of India), với sự tài trợ của Hội Royal Asiatic Society của Anh. Nhiều nền chùa tháp được tìm thấy, nhiều di tích liên quan được phát hiện. Toàn khu vực Nalanda ngày nay rộng vào khoảng 14 hecta. Tuy đã được khai quật nhiều, nhưng dựa theo ký sự của ngài Huyền Trang thì những gì được biết đến chỉ là một phần nhỏ so với tổng thể của Nalanda xưa.
Thánh tích Phật giáo
Theo đường thẳng, Kushinagar, ở vị trí trung tâm các thánh tích, cách Lumbini khoảng 100km, cách Vaishali 150km, cách Sarnath 200km, cách Bodhigaya 300km, cách Sankasya khoảng 400km.
Phần lớn các thánh tích nằm trong bang Uttar Pradesh
 
Có 4 thánh tích Phật giáo quan trọng tại bang Bihar.
Các thánh tích Phật giáo quan trọng tại bang Bihar : Vaishali (Tỳ Xá Ly), Nalanda, Ragir (Vương Xá), Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng)
Địa bàn hoạt động của đức Phật là hai bang Uttar Pradesh, Bihar và một phần Nepal.
 
Địa bàn hoạt động của Đức Phật chỉ trong phạm vi hai bang Uttar Pradesh,  Bihar và một phần của nước Nepal ngày nay. Như vậy vùng hoạt động của Đức Phật có diện tích tổng cộng khoảng 340.000 km2  , chỉ nhỉnh hơn một phần mười diện tích của nước Ấn Độ ngày nay.
Sơ lược lịch sử đức Phật
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (释迦牟尼-Sakya Muni) sinh năm 623 trước Công nguyên. Như vậy đến năm 2013 CN thì ngài được 2636 tuổi. Nhưng Phật Lịch chỉ bắt đầu từ lúc ngài nhập niết bàn, năm 543 trước CN kể là năm 1, đến đầu CN là PL 544 và đến nay là PL 2557.  Thời đại của ngài là thời của những bậc thánh trí xuất chúng; Lão Tử (sinh năm 570 trước CN,  sáng lập Đạo giáo), Khổng Tử ( sinh năm 551 trước CN, sáng lập Nho giáo) những tông giáo này ảnh hưởng lớn lao, sâu xa đến suy nghĩ, niềm tin và đời sống của rất nhiều người trên trái đất, hướng dẫn cách sống và hành động sáng suốt, đem lại hòa bình, thịnh trị, thuần phác cho xã hội.
Nguyên quán của Siddhārtha Gautama (Tất Đạt Đa-悉达多-Cù Đàm-瞿曇 hay Kiều Đạt Ma-喬達摩-Gautama) là thành Ca Tỳ La Vệ (迦毘羅衛 sa. (sankrit): Kapilavastu), ngày nay có tên là Padaria. Vào thời đức Phật, đó là thủ đô của vương quốc cùng tên thuộc dòng họ Thích Ca 释迦 (Sakyas), dưới quyền trị vì của vua Tịnh Phạn (淨飯-sa. śuddhodana).
Ca Tỳ La Vệ, vào thời ấy, là một thuộc quốc của nước Kiều Tát La (憍薩羅-sa. kośala). Bấy giờ người cai trị Kosala là vua Ba Tư Nặc (波斯匿 (Pali): Pasenadi; sa.: Prasenajit), có kinh đô đóng tại thành Xá Vệ (舍衛-Skt.: Sravasti), nay thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.
Lúc gần ngày sinh, hoàng hậu Ma Da-摩耶 (Mayadevi) đi về quê mẹ để chuẩn bị sinh con theo truyền thống, dọc đường đến Lâm Tỳ Ni (藍毗尼-Lumbini) thì hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa.
 
Vườn Lâm Tỳ Ni
Lúc mới sinh ngài đã có đầy đủ 32 tướng tốt, nhà tiên tri A Tư Đà (阿私陀-Asita) nói rằng Tất Đạt Đa sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. Bảy ngày sau khi sinh thì mẹ mất, Tất Đạt Đa được người dì, em của hoàng hậu Ma Da là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di (摩呵波闍波提 喬曇彌-sa. Mahāprajāpatī Gotami) chăm sóc. Năm lên 16 tuổi, Tất Đạt Đa kết hôn với công chúa Da Du Đà La (耶輸陀羅-sa. yaśodharā).
Năm 19 tuổi, sau khi công chúa Da Du Đà La hạ sinh một bé trai  được đặt tên là La Hầu La (羅睺羅-sa. rāhula), thái tử Tất Đạt Đa quyết định lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Tất Đạt Đa quyết tâm tìm cách diệt khổ và cầu đạo ở nhiều đạo sư với các giáo pháp khác nhau. Có 5 anh em Kiều Trần Như (憍陈如-Koṇḍañña ) cùng tu với Tất Đạt Đa. Sau  nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Tất Đạt Đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, ngài bắt đầu ăn uống bình thường trở lại, năm người đồng tu kia thất vọng bỏ đi. Ngài  ngồi dưới gốc một cây pipala (về sau gọi là cây Bồ Đề) bên dòng sông Ni Liên Thiền (尼連禪-Niranjana) tại nơi mà về sau gọi là Bồ Đề Đạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Sau 49 ngày thiền định, mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu, Tất Đạt Đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 30 sau 5 năm tầm sư học đạo và 6 năm tu khổ hạnh. Từ thời điểm đó, Tất Đạt Đa trở thành Phật, là người Giác ngộ, Hán dịch là giác giả-覺者 và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh, không còn khổ nữa.
 Tháp Đại Giác
Tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng
Phật giờ đây mang danh hiệu Thích ca Mâu ni-释迦牟尼 “Trí giả của dòng dõi Thích ca”. Sau đó Phật gặp lại năm vị tỳ kheo 比丘 (phiên âm chính thức là tỉ khâu, nhưng Phật giáo Việt Nam thường phiên âm là tỳ kheo) các vị đó nhận ra rằng Phật đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân Phật, các vị đó biết rằng người này đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà các vị đó không thể tìm ra bằng phép tu khổ hạnh. Các vị đó xin được giảng pháp và vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Phật chấm dứt sự im lặng. Tại vườn Lộc Uyển Phật bắt đầu thuyết pháp, kinh điển gọi là chuyển pháp luân (quay bánh xe pháp), đầu tiên là cho 5 anh em Kiều Trần Như, ngài nói về Tứ Đế (Khổ Đế-苦諦-sa. duḥkhāryasatya, Tập Đế-集諦-sa. samudayāryasatya, Diệt Đế-滅諦-sa.duḥkhanirodhāryasatya,ĐạoĐế-道諦-sa. duḥkhanirodhagāminī pratipad) Duyên Khởi (緣起-sa. pratītyasamutpāda) và luật Nhân Quả 因果.  Năm vị tỳ kheo  đó trở thành năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật và là hạt nhân đầu tiên của Tăng già (僧伽-pa.Sangha).
 
Vết tích trụ đá của vua A Dục dựng tại Lộc Uyển
Sau đó Phật đi khắp nơi thuyết pháp từ năm này qua năm khác. Đức Phật hay lưu trú tại Vương Xá (王舍城-sa. rājagṛha) và Tỳ Xá Ly (毗舍離-sa. vaiśālī), sống bằng khất thực, đi từ nơi này qua nơi khác. Đệ tử của Phật càng lúc càng đông, trong đó có vua Tần Bà Sa La (頻婆娑羅-sa. bimbisāra) của xứ Ma-kiệt-đà (摩揭陀-Magadha). Vị vua này đã tặng cho Tăng đoàn một tu viện gần kinh đô  Vương Xá. Các đệ tử quan trọng của Phật là A Nan Đà (sa. Ānanda-阿難陀),Xá Lợi Phất (舍利弗-sa. śāriputra), Mục Kiền Liên (目犍連-pa. Moggallāna) v.v… Cũng trong thời gian này, đoàn Tỳ Kheo Ni (比丘 尼-sa. bhikṣuṇī) được thành lập do Bà Kiều Đàm Di đứng đầu sau rất nhiều cố gắng vì ban đầu Phật không chấp nhận cho phụ nữ xuất gia, vì việc đó sẽ làm ngắn đi thọ mệnh của chính pháp.
Trong bản đồ thánh tích Phật giáo, chúng ta thấy có địa danh Sankasya (Tăng Già Thi-僧伽施 gần New Delhi ngày nay), địa danh này tương đối ít được biết. Đó là nơi Đức Phật dùng thần thông lên trời Đạo Lợi-忉利天 thuyết pháp cho mẹ là hoàng hậu Ma Da nghe, Phật lên cõi trời chỉ một buổi thôi, nhưng người trần gian thấy là ba tháng, sau ba tháng Phật mới trở về trần thế, có Đế Thích và Phạm Thiên theo hầu. Điều đó cũng tương tự như pháp sư Khoan Tịnh đến viếng cõi Tây phương Cực lạc chỉ trong 20 giờ thôi, nhưng người đời thấy là 5 năm 6 tháng.
 
Bia đá tạc sự tích Đế Thích và Phạm Thiên hầu Phật trở về thế gian tại Sankasya (Tăng Già Thi)
Cõi trời Đao Lợi (忉利天) ở đâu ? Chúng ta không thể tìm thấy trong vũ trụ này, nhưng không phải là không có. Theo Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johannesburg, South Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết), hai người nói trong một định đề (postulate) : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘sát na hiện tiền’). Vậy cõi trời Đao Lợi nằm trong một vũ trụ song song với vũ trụ của chúng ta, thuộc các chiều kích không gian bị cuốn lại nên người trần không thể thấy, nhưng người có thần thông như Đức Phật thì có thể thấy và đến được. Đến bằng cách nào ? Bằng cách dùng tâm niệm, chỉ một niệm là đến. Đây là phương thức di chuyển chủ yếu trong Tam giới.
Trong chín thánh tích quan trọng liên quan trực tiếp tới Đức Phật, còn có địa danh Thất La Phiệt Tất Để-室羅伐悉底 còn gọi là thành Xá Vệ-舍衛城 là nơi Phật có lần thi triển đại thần thông. Năm Đức Phật 72 tuổi (551 trước CN, năm này tại Trung Quốc, Khổng Tử ra đời) thì có một sự việc xảy ra. Có một trưởng giả rất giàu có,  nói rằng ông nghe nói những vị tu sĩ của vị giáo chủ này có thể hiện thần thông nhưng thật ra xưa nay không thấy ai có thần thông hết, ông ta nghĩ rằng người ta chỉ xưng tụng suông mà thôi, và ông đã xuất tiền ra mua một bình bát bằng cây trầm đỏ rất lớn đồng thời ông kiếm những cây tre rất cao và chắp thành một cây sào tre rồi ông treo cái bình bát lên sào tre và nói rằng:
“Cây sào này leo lên thì rất khó, chỉ có những người có thần thông mới leo lên lấy cái bình bát được mà thôi, nếu thật sự trên thế gian này có người có thần thông thì thật sự có thể lên lấy cái bình bát này.”
Ông treo trong bảy ngày không ai lên lấy cái bát đó, sau đó ông tuyên bố với mọi người rằng những vị sa môn chỉ khoác lác chứ không có thần thông, bỗng có một vị tỳ kheo, đệ tử của Phật, chỉ là một phàm tăng thôi, nhưng tu hành đắc thần thông, vị này đi khất thực nghe thấy như vậy thì nghĩ rằng “nếu vị trưởng giả kia có sự thách đố như thế mà không ai lấy được bình bát xuống thì quần chúng càng lúc càng tin vào tà kiến, không phục Phật pháp”, do vậy vị này thị hiện thần thông lên lấy cái bình bát xuống, quần chúng xung quanh reo hò và tin đó lan truyền vào thành Xá Vệ, đến tai Đức Phật. Phật nói các vị tu sĩ không được hiển lộ thần thông và từ đó về sau Phật cấm chư vị tỳ kheo thi triển thần thông. Những người ngoại đạo nói rằng: “Phật không có thần thông chứ nếu Ngài có thì Ngài không cấm như vậy.” Phật bèn nói với vua Ba Tư Nặc rằng Ngài sẽ biểu hiện thần thông để cho những người ngoại đạo thần phục, vua Ba Tư Nặc hỏi Phật là tại sao Ngài cấm chư tỳ kheo thị hiện thần thông mà Ngài lại thị hiện thần thông, Phật trả lời rằng có những hoàn cảnh cần thiết  thì cần phải thị hiện.
Trưa hôm đó, Đức Phật dạy mang đến cho Ngài một trái xoài, trái xoài được cúng dường Thế Tôn ăn tráng miệng, ăn xong, Ngài để hột xoài xuống đất, cái hột xoài liền mọc thành cây xoài lớn dần, lớn dần, Ngài nhìn vào cây xoài lớn lên rất là nhanh chóng. Sau đó Đức Thế Tôn hiện thần thông bằng phép yamaka-pāṭihāriya, (thần biến thị hiện song đối ) tức là từ trong lỗ chân lông của Ngài cùng lúc phun ra nước và lửa. Theo nguyên tắc thi triển thần thông, một người muốn biến hiện thần thông nước thì phải nhập vào đề mục nước, nếu muốn biến hiện thần thông lửa thì phải nhập vào đề mục lửa, nhưng Ngài có thể cùng lúc song song thị hiện cặp mâu thuẫn, do đó từ lỗ chân lông của Ngài có thể phun ra vừa nước vừa lửa, phép thần thông đó gọi là yamaka chỉ có bậc Chính Đẳng Chính Giác mới có thể làm được mà thôi, việc đó xảy ra trong mùa an cư kiết hạ thứ mười bảy.
Đức Phật đề cập đến ba loại thần thông: thân như ý thông, thí dụ như phi hành trên không trung, đi trên mặt nước, hoặc biến ra thế này thế kia, thần thông thứ hai gọi là tha tâm thông tức là biết tâm niệm của người khác nghĩ gì, thần thông thứ ba là giáo hoá thần thông tức là làm thay đổi con người bằng con đường giáo dục, thí dụ như giáo hóa một đứa trẻ hư để nó trở thành người tốt. Ngài đã dùng sức mạnh tâm linh để giáo hóa con voi hung hãn của Đề Bà Đạt Đa (提婆達多-Devadatta) để nó trở nên thuần phục, ngoan ngoãn. Trong ba thứ thần thông này, Đức Phật tán thán công năng giáo hóa thần thông, nếu trong sinh thời, Đức Phật chỉ chú trọng thị hiện thần thông thì ngày nay không có Phật pháp truyền lại cho chúng ta. Do vậy Đức Phật nói rất rõ là con đường Phật pháp là con đường giáo dục, bản thân của Đức Phật có thần thông, nhưng Ngài coi trọng giáo dục mà không coi trọng thần thông.
Thành Xá Vệ cũng là nơi Phật đã trải qua 25 mùa an cư kiết hạ 安居结夏 (Vassà = kiết hạ-结夏- Rain’s retreat- ở yên một nơi trong mùa mưa). Nơi đây có Tịnh xá gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên-祇樹給孤獨園,đó là ngôi vườn do trưởng lão Cấp Cô Độc (給孤獨-Anathapindika) mua của thái tử Kỳ Đà (祇陀Jeta) bằng cách  trải vàng khắp khu vườn. Thái tử thì cúng dường cây trái có sẵn trong vườn, do đó ngôi vườn có tên chung như vậy.
 
Tịnh Xá Kỳ Viên (Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên) trong thành Xá Vệ
Sống đến năm 80 tuổi, Đức Phật Thích Ca tịch diệt. Qua 49 năm giảng dạy, nghĩ rằng các đệ tử có thể chấp lời mình nói là chân lý, chứ không phải chỉ là phương tiện giác ngộ, Đức Phật tuyên bố chưa từng nói lời nào. Lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, chịu biến hoại, hãy tinh tiến tu học (để đạt giải thoát)!”. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn (大般涅槃经-pi. mahāparinibbāna-sutta), Đức Phật nhập diệt tại Câu Thi Na (zh. 拘尸那-sa. kuṣinagara), về niên đại, các học giả ước định vào năm 543 trước công nguyên. Ngài tịch trong tư thế nằm nghiêng giữa hai cây sala (sa la song thọ-沙羅雙樹).
Sau khi Phật nhập diệt, đệ tử của ngài đã tổ chức 4 lần kết tập kinh điển.
Lần kết tập thứ nhất  tại thành Vương Xá (王舍城-Rajagaha), ba tháng sau khi Phật tịch, gồm 500 vị A La Hán, được sự bảo trợ của vua A Xà Thế (阿闍世-Ajatasatru) của xứ Ma Kiệt Đà (摩揭陀-Magadha), người chủ trì là Ma ha Ca Diếp摩訶迦葉. Ưu Bà Ly (优波离-Upali) trùng tuyên Luật tạng. A Nan trùng tuyên Kinh tạng. Chưa xuất hiện Luận tạng, nó còn nằm lẫn trong Kinh tạng.
Lần kết tập thứ hai tổ chức tại thành Tỳ Xá Ly (Vasali, Vaishali), 100 năm sau khi Phật nhập diệt, có 700 vị tỳ kheo của hai thành phố Tỳ Xá Ly và Bạt Kỳ (跋耆-Vajji) tham dự, có sự bảo trợ của vua Kalasoka, hội nghị kéo dài tám tháng, trong kỳ này có sự chia rẽ trong các tỳ kheo, một số tách riêng thành lập Đại chúng bộ (Mahasanghika), chủ trương chỉnh sửa giới luật cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế đã có nhiều biến đổi, số còn lại chủ trương giữ nguyên giới luật, họ thành lập Thượng tọa bộ (Theravada).
Lần kết tập thứ ba vào năm 248 trước công nguyên, do vua A Dục bảo trợ,  tức khoảng gần 300 năm sau khi Phật nhập diệt, diễn ra tại thành Pataliputta (Ba Tháp Li Tử thành-巴嗒厘子城- Phật tử Việt Nam còn gọi là Hoa Thị Thành, nằm ở phía nam sông Hằng, xưa vốn là thành Vương Xá thiên di về đây, nay là thành phố Patna, thuộc bang Bihar) của đế chế Ma Kiệt Đà, được sự bảo trợ của Đại đế A Dục (阿育-Asoka) sinh năm 299 trước CN, người trị vì Đế quốc Khổng Tước (孔雀-sa. maurya, nghĩa là “con công”) từ năm 273 đến 232 trước CN. Ông là vị quân vương đầu tiên của nước Ấn Độ cổ (sa. bhāratavarṣa) đã thống nhất được một lãnh thổ vĩ đại, lớn hơn ngay cả Ấn Độ ngày nay. Ông là một nhà hộ pháp vĩ đại của Phật giáo. Phần đầu của triều đại ông là những cuộc chinh chiến liên miên, mở rộng đế chế Maurya. Sau cuộc chinh phạt Kalinga xảy ra vào năm 257 trước CN, chín năm sau khi lên ngôi (265 tr CN), xứ đó nằm trên bờ biển phía đông Ấn Độ trong vùng ngày nay là bang Orissa, vô cùng đẫm máu với hàng trăm ngàn người chết, nhà vua tỉnh ngộ và quay đầu lại ủng hộ Phật pháp. Nhà vua cho xây dựng rất nhiều trụ đá để làm dấu ấn cho những lần ông đến chiêm bái các thánh tích Phật giáo và xây dựng rất nhiều bảo tháp trên khắp vương quốc. Đến nay chỉ còn lại 19 trụ đá có khắc chữ trong đó 6 trụ đá có đầu hình thú (animal capitals)
Trụ đá tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali)
Trụ đá hình 4 sư tử tại Lộc Uyển (Sarnath) bang Uttar Pradesh
Hội nghị do Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu-目犍連子帝須)chủ trì, có 1000 tỳ kheo tham dự. Hội nghị kéo dài 9 tháng, lần đầu tiên Luận tạng được tách riêng khỏi Kinh tạng, hình thành Tam tạng kinh. (gồm Kinh tạng 經藏-sa. sūtra-piṭaka, Luật tạng-律藏-sa., pi. vinaya-piṭaka, Luận tạng-論藏-sa. abhidharma-piṭaka). Đặc biệt sau lần kết tập thứ ba này, vua A Dục muốn cho chính pháp của Đức Phật truyền bá sâu rộng vào các quốc gia lân cận và để duy trì tinh hoa của Phật pháp từ đó về sau, nhà vua thỉnh ý các vị A La Hán đương thời và bàn kế hoạch hoằng dương chính pháp, thiết lập các đoàn truyền giáo gửi đi khắp nơi. Phương án của vua được chư vị A La Hán hoan hỷ tán đồng, đặc biệt là Trưởng lão Moggaliputta Tissa. Chẳng bao lâu, chín phái đoàn được thành lập, bắt đầu lên đường truyền bá chính pháp của Đức Phật.
Phái đoàn thứ nhất, theo truyền thuyết, các vị Trưởng lão Mahinda, Ittiya Uttiya, Sambala, Bhaddasàla và Sa-di Sumana nhận trọng trách đi truyền giáo ở đảo Tích Lan (Lankà, Lankàdìpa, Lankàtala), lên đường vào năm 247 tr CN. Theo quyển Mahàvamsa thì các ngài vận dụng thần thông đi đến xứ sở này vào thời vua Devanampiyatissa cai trị. Sư Mahinda chính là con trai của vua A Dục, về sau ni sư Sanghamitta, con gái của hoàng đế A Dục cũng đến Tích Lan  mang theo một cành cây chiết từ gốc Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo để mang đi Tích lan trồng. Cây Bồ đề đó vẫn còn sống đến nay.
Phái đoàn thứ hai do trưởng lão Majjhantika nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Gandhàra và Kasmìra. Ngài Majjhantika là một vị A La Hán. Trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba, Ngài  cũng là thành viên ưu tú tham dự. Lúc Đại Đức Majjhantika đến hoằng pháp ở xứ này thì dân chúng của nước Gandhàra đang bị nạn thiên tai như bão lụt, hạn hán, thất mùa, trưởng lão đã dùng thần thông để hóa giải thiên tai và thuyết kinh Xà Dụ (蛇諭-Alagaddupama suttanta- The Snake Simile).
Phái đoàn thứ ba do trưởng lão Mahàdeva nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Mahisamandala. Trưởng lão cũng là một thành viên xuất sắc trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba. Mahisamandala  có thể là vùng hạ lưu sông Godhàvarì, ngày nay gọi là Mysore.
Phái đoàn thứ tư do ngài trưởng lão Rakkhita nhận trách nhiệm truyền giáo ở xứ Vanavàsa. Địa danh Vanavàsa là một quận, có lẽ là miền bắc của Kanara, nam Ấn Độ. Theo “Đại vương thống sử” [Mahavamsa – Tỳ kheo Minh Huệ dịch] thì ngài trưởng lão đến xứ này bằng thần thông. Khi đến, ngài đứng giữa không trung thuyết pháp cho người dân xứ này nghe về bài kinh Anamatagga Samyutta (bài thứ 15 Tương Ưng Vô Thủy trong Tương Ưng Bộ Kinh (相應部經-Samyutta Nikaya)
Phái đoàn thứ năm do ngài trưởng lão Yonaka Dhammarakkhita nhận trách nhiệm truyền bá chính pháp của Đức Phật ở xứ Aparantaka (nay là thành phố Bombay của Ấn Độ). Ngài sinh ra và lớn lên ở Hy Lạp, có duyên lành với chính pháp và được xuất gia, sau đó tu tập tinh chuyên và cuối cùng chứng quả A La Hán.
Phái đoàn thứ sáu do trưởng lão Mahàrakkhita nhận trách nhiệm đi hoằng dương chính pháp tại Trung Á, miền bắc Iran. Ngôn ngữ Pàli gọi xứ này là Yonaka.
Phái đoàn thứ bảy do các trưởng lão Majjhima, Kassapagotta, Mùlakadeva, Durabhissara và Deva Sahadeva nhận trách nhiệm truyền bá chính pháp ở khu vực Himàlaya tức vùng chân núi Hi Mã Lạp Sơn. Sách Mahàvamsa (Đại sử-大史, quyển XII.41, ghi năm vị trưởng lão thuộc phái đoàn do vua Asoka phái đi đến nước Himavà hoằng pháp. Thời pháp đầu tiên được thuyết ở xứ sở này là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavatthanva  suttanta).
Phái đoàn thứ tám do hai trưởng lão Sona và Uttara nhận trách nhiệm đi hoằng pháp ở xứ Suvannabhùmi (Hoàng Địa). Sử của Thái Lan, Miến Điện, Campuchia và truyền thuyết Việt Nam đều có ghi nhận công cuộc hoằng pháp của phái đoàn này. Suvannabhùmi rất rộng lớn, còn bao gồm cả Phù Nam (thời kỳ tiền đế chế Phù Nam), một vùng đất rộng lớn gồm Nam Bộ Việt Nam, Campuchia và Malaysia ngày nay, giao thương với Trung Quốc và cả La Mã qua cảng Óc Eo (núi Ba Thê An Giang). Trong phái đoàn này có một vị tên là Mahoda đã đến nước Văn Lang của triều đại Hùng Vương thứ 18 vào năm 240 trước CN, có truyền đạo cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, họ là những Phật tử đầu tiên của Việt Nam, trước khi Phật giáo đến Trung Quốc 300 năm. Nước Văn Lang chính xác diệt vong vào năm 208 trước CN khi bị An Dương Vương Thục Phán đánh chiếm.
Phái đoàn thứ chín do trưởng lão Mahàdhammarakkhita lãnh trách nhiệm truyền giáo ở Mahàratthi. Về địa danh này, các học giả nhận định đó là xứ Maràthì, mà có lẽ ngày nay là phía đông bắc của thành phố Bombay, Ấn Độ. Thời pháp đầu tiên vị Trưởng lão thuyết ở đây là kinh Bổn Sinh (Jàtaka). Kinh Bổn Sinh là tập hợp những câu chuyện tiền thân của Đức Phật.
Lần kết tập thứ tư tại Tích Lan và Kasmira vào khoảng  không quá lâu sau cuộc kết tập lần thứ ba,  do vua xứ Tích Lan là Vattagàmani hỗ trợ. Ngôi chùa tháp Thùpàrama ở thủ đô Anuradhapura được Chư Tăng chọn làm điểm kết tập. Vị chủ tọa kỳ kết tập kinh điển này chính là Ngài Mahinda. Kì kết tập này đã đọc, hiệu đính và sắp xếp lại thứ tự của Tam Tạng kinh, cũng như dịch bộ kinh này sang tiếng Pali. Thuyết này được nhiều học giả công nhận, chính là kết tập lần thứ IV của Thượng Tọa Bộ (Theravada).
Gần đồng thời, bên Đại Chúng Bộ, chư tăng cũng tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV tại Kasmira thuộc thuộc vương quốc Gandhàra (Kiền Đà La-犍陀羅, là chư hầu của đế quốc Kushan (Quý Sương -貴霜) miền tây bắc Ấn Độ.
Gandhara
Vương quốc Gandhara thuộc vùng tây bắc Ấn Độ, kinh đô là Taxila (số 15 ngày nay thuộc Pakistan,) nơi kết tập là Kashmir (số 17). Kashmir xưa gọi là Kusha (Quy Tư-龜玆) là một  trung tâm Phật giáo nằm trên con đường tơ lụa, chính là nơi sinh của nhà phiên dịch kinh điển nổi tiếng Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什-Kumārajīva). Kashmir hiện nay là nơi tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Người khởi xướng và bảo trợ cuộc kết tập là đức vua Kanishka của đế quốc Kushan (Quý Sương- 貴霜) được biết như là vị hộ pháp tương đương với A Dục Vương. Lý do kết tập là do Chư Tăng các bộ phái bất đồng về kinh điển nên mới mở đại hội. Mục đích của kỳ kết tập này là để soạn ra bằng văn bản các bộ : Kinh, Luật, và Luận, gồm có 30 vạn bài tụng, 9.600.000 lời. Nhà vua định đưa 500 vị tỳ kheo đến thạch động ở Vương Xá Thành, nơi mà Ngài Maha Ca Diếp (Maha Kassapa) kết tập kinh điển lần đầu tiên, nhưng các vị tăng từ chối và tâu rằng: “Đại vương, không nên, vì ở đó có nhiều ngoại đạo, nhiều luận sư khác phái rất phức tạp ắt sẽ gây nhiều trở ngại cho cuộc kết tập”. Chính vì lý do này nên đại hội mới tổ chức tại Kasmira thuộc đế quốc Kushan. Nhưng truyền thống của Theravàda thì không công nhận đại hội này [theo “2500 Years of Buddhism”, p.42]. Đại hội này do Vasumitra (Thế Hữu-世友 dịch âm là Ba Tu Mật-婆须蜜) chủ tọa với sự trợ giúp của  Parsva (Hiếp tôn giả-脅尊者, còn phiên âm là 波栗濕縛-Ba Lật Thấp Phược. Sở dĩ có danh xưng Hiếp tôn giả vì ngài Parsva không bao giờ nằm kể cả lúc ngủ, vì vậy sườn -hiếp-脅- không bao giờ chạm vào chiếu). Cuộc kết tập này đánh dấu sự hưng thịnh của Phật giáo Đại thừa (Mahayana) từ đó về sau. Sau khi kết tập, vua Kanishka đã ra lệnh khắc lại toàn bộ Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng lên trên những lá đồng, bảo quản tại một nơi cố định, không cho mang ra ngoài. Tuy nhiên, những di vật này nay đã bị thất lạc, chỉ còn bộ A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharma Mahavibhasa sastra) mà Đại sư Huyền Trang đã dịch sang Hán ngữ, gồm hai trăm quyển.
Đến thế kỷ đầu công nguyên, Phật giáo có bước phát triển mới rất quan trọng, đó là công cuộc truyền bá giáo pháp về phương đông, đến Trung Quốc, phần lớn là Đại Thừa, mở một chương mới xán lạn cho Phật giáo.
Truyền Bình