Đức Phật nói về bốn niềm vui của người tu tại gia
Đạo Phật từ khởi nguyên cho tới bây giờ luôn tồn tại hai giới tu hành, đó là giới xuất gia và giới tại gia.
Người tu xuất gia cũng gọi là xuất gia đầu Phật. Xuất gia - là đến chốn hông nhà.
Chữ “nhà”, là nhà ở cửa người thế tục. Người thế tục nào bỏ nhà ở của mình để đến ở nhà của Như Lai, là chùa để giữ gìn mạng mạch Phật pháp trường tồn và phát triển được, gọi là người trụ trì. Trụ, nghĩa ở; còn: Trì, nghĩa là giữ, giữ gìn. Thế nên Trụ Trì là ý nghĩa cao cả trong câu: Trụ Pháp Vương gia - Trì như Lai Tạng. Người tu xuất gia là người lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm, khoác y Phật, đưa Phật Pháp vào lời nói, là người trưởng tử của Như Lai, tuyên dương giáo pháp làm lợi ích cho đời; bởi giáo pháp nhà Phật là giáo pháp bất ly thế gian để giác ngộ thế gian (chữ Hán biểu thị bằng câu: Phật pháp bất ly thế gian giác).
Cho nên tu xuất gia mà dân gian gọi là tu chùa là lối tu cao tuột, hơn hẳn các lối tu khác.
Người tu tại gia là người thực hiện các pháp tu ngay tại nơi ở, nơi sinh sống của mình cùng với gia đình (tại gia là tại nhà). Người tu tại gia gọi là Ưu bà tắc; là giới nữ gọi là Ưu bà di. Cũng có thể gọi chung là phật tử, tức con của đức Phật Thích Ca, và chính đức Phật đã chế định và khai mở đường lối tu này khi Ngài còn tại thế.
Lịch sử Phật giáo ghi nhận người tu tại gia đầu tiên là một nhà triệu phú ở gần thành Ba-la-nại, khi ông ta đi tìm người con trai của mình tên là Yasa đã bỏ nhà ra đi vì chán cảnh sống thế gian tầm thường, vô vị. Ông đã tìm được người con trai của mình tại Vườn Nai, con trai ông đang nghe Phật thuyết pháp.
Đến nơi, được nghe pháp, nhà triệu phú nọ cũng bị thuyết phục bởi những lời giảng của đức Phật về Tứ Đế và Bát Chính đạo. Thế rồi thể theo lời cầu xin của nhà triệu phú, đức Phật đã cho ông được quy y, trở thành người đệ tử tại gia đầu tiên. Nhà triệu phú nọ đã hoan hỷ trở lại nhà mình, tiếp tục công việc làm ăn, buôn bán. Còn người con trai của ông là Yasa thì được Phật cho xuất gia.
Từ mẫu hình của người tu tại gia đầu tiên từ thời đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ ấy, thì các pháp tu này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, người phát nguyện tu tại gia nhất thiết phải được nhà chùa chấp thuận và làm lễ Quy y Tam bảo cho.
Trong buổi lễ ấy, nhà chùa có thể đặt Pháp danh (tên đạo) cho người được Quy y. Sau buổi lễ người phật tử đó được trở lại nhà ở, gia đình của mình và làm ăn, sinh sống bình thường trong công đồng dân cư và tự giác thực hiện những điều đã phát nguyện trước Tam Bảo trong buổi lễ Quy y.
Để phát huy trách nhiệm của người phật tử tu tại gia, trước hết phải quan niệm sâu sắc lời Phật dạy qua kinh sách và những lời giảng Pháp của các thầy với các khóa học dành cho người tu tại gia; và không chỉ học hiểu mà còn biết kiến giải đúng nghĩa các thuật ngữ Phật học phổ thông như Tam Bảo, vô ngã, tứ vô lượng tâm, Phật tính v..v…Thực hành Bát chính đạo, sống có giá trị và ý nghĩa hướng thiện để đời sống của mình có giá trị và ý nghĩa, trở thành tấm gương sống đẹp, thực hành đời sống đạo đức, tâm linh, đồng thời Phật tử tu tại gia phải có tình thần hộ trì hoằng dương Chính Pháp, lợi lạc chúng sinh. Bên cạnh đó, người phật tử tu tại gia nếu có điều kiện sẵn sàng thực hành Pháp thí và Vô úy thí - tức là trao truyền kiến thức tu tập và bảo vệ che chở, đem niềm vui, hạnh phúc tới cho người khác, góp phần làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau trên cuộc đời, trong xã hội.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam từng truyền tụng câu thơ cửa miệng về “sự tu” thật sâu sắc:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa
Chớ hiểu lầm về sự sắp xếp thứ tự.. nơi tu trong câu lục bát này. Bởi vì: Tu tại gia được xếp “thứ nhất” ấy chỉ là bước đầu tiên trong việc thâm nhập và khai mở tri kiến Phật, chưa phải là lối tu cao tuột của người xuất gia mà trong bài viết này đã đề cập, đã Kiến giải và mặc dù vậy, ngay từ buổi đầu tiên chế định ra đường lối tu này; sau lời truyền Pháp, đức Phật đã hoan hỷ, tuyên dương với đại chúng về bốn niềm vui chính đáng của người Phật tử tu tại gia.
Đó là:
1. Niềm vui có của cải: Là do lao động chuyên cần bằng mồ hôi và những việc làm chính đáng của mình trong kinh doanh, làm khoa học kỹ thuật, hoặc lao động phổ thông. Sống lành mạnh, có đạo đức nghề nghiệp. được cộng đồng và pháp luật thừa nhận.
2. Niềm vui được giàu có: Được giàu có là do lao động siêng năng, lại khéo léo sắp xếp công việc hợp lý, có kế hoạch vì thế tạo ra những lợi nhuận ngày một cao. Khi thụ hưởng giàu sang mà vẫn không quên làm việc lành.
3. Niềm vui không có nợ nần: Là do có nghị lực kiềm chế. Thực hành “thiểu dục tri túc”, ít ham muốn, tự biết đủ. Không cờ bạc, rượu chè, giữ ngũ Giới… cho nên không có nợ nần, sống tự tại
4. Niềm vui không bị chê trách: Là do các hành động của thân - khẩu - ý luôn thanh tịnh, không có điều gì đáng chê trách cho nên cuộc sống luôn thảnh thơi, tri thức thăng hoa, tâm thường hoan hỷ.
Trong bốn niềm vui của người tu tại gia, thì niềm vui thứ tư được đức Phật tán dương nhất; Ngài cho rằng: niềm vui không bị chê trách là niềm vui ưu việt hơn cả.
Ở nước ta, trong giới tu tại gia - các cư sĩ, phật tử ở thời nào cũng rất đông đảo. Họ là những thường dân, là thương gia giàu có, nhà khoa học, những nghệ sỹ tài năng và có cả những danh tướng, quân vương… nơi thế tục nhưng hết thảy những việc làm của họ đều xứng danh là các Hộ pháp ở thế gian còn nhiều những khổ đau này.
Trong đó có những ngọn đuốc thiền sáng chói rất đáng tự hào, như nhà Trần (1225 - 1400) có Tuệ Trung Thượng sỹ Trần Tung - vị thiền sư lại là một cư sỹ tại gia, một nhà tư tưởng, nhà quân sự và cũng là một nhà thơ. Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám (1897 - 1969) cũng là một cư sỹ tại gia mẫu mực, làm nhiều phật sự lớn như dịch Kinh Phật, mở các trường Phật học đào tạo tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, đầu những năm 30 thế kỷ 20.
Vậy là may mắn cho tôi và hết thảy những ai đó chưa hội đủ duyên lành để được làm người tu xuất gia, thì cũng chớ bỏ lỡ cơ hội Quy y Tam bảo, làm người tu tại gia, thực hiện các hạnh lành mà thụ hưởng bốn niềm vui mà đức Phật đã hoan hỷ chỉ bày.
Nam mô Công đức lâm Bồ Tát Ma ha tát!
Pháp Vương Tử
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015
Pháp Vương Tử
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015