Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Đạo Phật dưới triều Lý về văn học (1010 – 1225)

21 Tháng Mười Hai 20169:56 CH(Xem: 3863)
Đạo Phật dưới triều Lý về văn học (1010 – 1225)

Đạo Phật dưới triều Lý về văn học (1010 – 1225)

Nghĩ đến nền Phật giáo Việt Nam với những thời thịnh đạt huy hoàng như các triều đại Lý Trần, rồi nhìn lại các tác phẩm còn sót lại, chúng ta không khỏi ngậm ngùi và giận cho quân Minh tàn ác. Tuy nhiên qua tác phẩm còn sót lại ấy, chúng ta cũng thấy được rằng tổ tiên chúng ta ngày xưa đã có những cố gắng không ngừng để dựng nên những giáo lý đặc biệt cho Phật giáo Việt Nam. 

Trước khi tìm hiểu nền văn học đời Lý, thiết tưởng cũng nên nhìn lại hai thời Đinh – Lê xem thế đứng của Phật giáo lúc ấy đã có những ảnh hưởng gì để từ đó, chúng ta khả dĩ có một nhận định chính xác, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi viết trong Việt Nam cổ văn học sử:

"Đạo Phật truyền bá trong dân gian đã rộng. Một vài đạo viện vừa là chỗ tu hành vừa là nơi học tập, đã sản xuất được số đông nhà thơ, nhà văn, trong số đó có nhiều nhân tài ra giúp việc nội chính cũng như ngoại giao cho triều đình.

"Năm 971, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, lúc ban định chức tước cấp cho các quan cũng định luôn giai phẩm cho hàng tăng đạo có công giúp nước. Đứng đầu có chức tăng thống trao cho Ngô Chân Lưu và ban hiệu là Đại sư Khuông Việt – Hiệu này có nghĩa: Chống đỡ nước Việt – kể cũng đặc biệt, đủ biết vị Hoàng đế ở Hoa Lư rất chuộng đạo Phật và cái công việc vạn thắng nhờ ở Đại sư khá nhiều.

"Nhà Lê kế chân nhà Đinh cũng ưu đãi tăng đồ, từng sai sứ qua Tàu thỉnh Cửu kinh và Đại Tạng (1007). Vua Đại Hành còn dùng cha con Sư Mahà, người Chàm về dịch kinh sách bối diệp bên Tiểu thừa để truyền rộng Phật học, nhưng cũng không cạnh tranh nổi với môn phái hai nhánh Thiền tông của Vinitaruci và Vô Ngôn Thông.

Nói tóm lại, trong khoảng thế kỷ thứ X, cửa chùa đã đóng một vai trò quan trọng về văn học. Cũng vì thế mà đạo Phật ở Việt Nam từ đó càng lắm tín đồ và được chính phủ vì nể" (Sđd trang 96, 97).

Qua những nhận định trên cho thấy: Đạo Phật thời Đinh – Lê đã có một địa vị vững chãi trong dân gian. Các ngài Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận đã chính thức công khai làm cố vấn chỉ đạo cho triều đình. Chỉ khác một điều là các ngài lúc nào cũng vẫn là nhà tu hành. Sự dấn thân "nhập thế hành đạo" của các ngài là hoàn toàn do lòng nhiệt thành vì đạo pháp, vì dân tộc thúc đẩy; trong lúc hoàn cảnh nước nhà vừa mới giành lại quyền độc lập. Rất có thể trước đó các ngài đã ngầm giúp mưu kế cho Vạn thắng vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân mà dựng nên nghiệp nhà Đinh. Cho nên ngay sau khi thành lập vương triều, định quan chức cho những người hữu công đối với Tổ quốc, đồng thời cũng để tỏ lòng tri ơn Phật giáo, vua đã tặng ngài tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Đại sư.
 Ảnh minh họa
… Để mở đầu cho một nền văn học dân tộc, về thể thơ, thì bài "từ" của Đại sư Ngô Chân Lưu viết thay vua Lê Đại Hành để tiễn sứ thần nhà Tống là Lý Giác lúc trở về Tàu dưới đây được coi là đóa hoa đầu mùa đã nở trong vườn thơ văn Việt Nam, thế kỷ thứ X.

Nguyên văn bài từ ấy như sau:

Trời quang, gió thuận, cánh buồm giương
Dõi theo sứ thần về cố hương
Ngàn trùng non nước vượt đại dương
Xa xôi hút dặm trường
Tình thắm thiết, xin nâng chén rượu lên đường
Cầm tay nhau, lòng vấn vương...
Nhờ đem ý nguyện người biên cương
Bày tỏ với thượng hoàng.
Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương.
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang
Cửu thiên qui lộ trường
Tình thảm thiết, đối ly thương
Phan luyết sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng[77]

Trong lời tựa tập sách Toàn Việt Thi Lục, Lê Qúy Đôn đã đưa ra những nhận xét về tình hình sinh hoạt văn học dưới hai triều đại Lý – Trần:

"… Nước Việt ta ngay từ buổi đầu dựng nước cũng đã văn minh không kém gì Trung Hoa. Bài từ của thời Tiền Lê tiễn sứ thần Lý Giác nhà Tống, lời lẽ bóng bẩy nõn nà, có thể vốc được. Đến các vua nhà Lý đều là những bậc giỏi chữ hay thơ, nhưng nay không biết tìm kiếm vào đâu, chỉ thấy sách Thiền Uyển Tập Anh còn chép được của vua Thái Tông hai bài, của vua Nhân Tông hai bài. Cho đến các vua nhà Trần cũng rất mến thích sáng tác thơ văn, mỗi vị đều có tập thơ riêng, nhưng đã rơi rụng mất mát nhiều, trong Việt Âm Thi Tập chỉ còn thấy độ vài ba chục bài. Nói chung thì hồn thơ Lý – Trần rất phóng khoáng, tình cảm cao siêu mà thanh nhã, phong vị phảng phất thiền ngữ, nên đã tạo được tiếng vang có ảnh hưởng sâu rộng đến chính sự và giáo hóa đương thời"…

(Ngã bang triệu khải văn minh vô tốn Trung Hoa. Lê tiên hoàng tống Tống sứ Lý Giá nhất từ, uyển lệ khả cúc. Lý gia Thánh, Nhân nhị tông giai năng thư công thi, kim vô khả khảo. Thái Tông nhị thủ, Nhân Tông nhị thủ, cẩn kiến Thiền Uyển Tập Anh. Trần triều chư đế, tối ái đề thi, các hữu thi tập, tán lạc thất truyền, kiến ư Việt âm, cẩn sổ thập thủ, đại để thác hứng di khoáng, ký tình cao nhã, phong vị dật nhiên do tồn. Tuy thiền ngữ vi đa, diệc túc kiến đương thời chính giáo, thanh âm chỉ ngạnh khái…) (Sđd trang 22).

Nói về nền văn học đời Lý, khi nền văn học nước ta mới bắt đầu hình thành, những công trình sáng tác thơ văn của các thiền sư và văn, thi sĩ thời ấy, còn truyền lại đến nay, được ghi trong các sách Thiền Uyển Tập Anh[78]; Việt Âm Thi Tập  của Phan Phu Tiên; Toàn Việt Thi Lục và mục Nghệ Văn Chí trong bộ Đại Việt Thông Sử (hay Lê Triều Thông Sử) của Lê Quí Đôn; mục Văn Tịch Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phán Huy Chú; và bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên v.v..

Các tuyển tập phú và tản văn thì phải kể đến một bộ sách quan trọng về thể phú: Quần Hiền Phú Tập của Hoàng Tụy Phu, và truyện tích có: Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp v.v.. Trên chặng đường phát triển một nền văn học dân tộc, ở đây, ta có thể hình dung được sự kết quả rực rỡ của nó, theo như lời nhà sử học Phán Huy Chú, mục Văn Tịch Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, thì: "Nước Việt ta được gọi là nước giữ lễ đã hơn nghìn năm. Sách vở thư tịch vốn ra đời từ lâu lắm. Kể từ Đinh, Lê dựng nước, đã đứng ngang hàng với Trung Hoa; mệnh lệnh, từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý, Trần nối trị, văn vật mở mang; về thẩm định thì có những sách điển chương, điều luật; về tiếp nối, văn nhã rỡ ràng. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có, văn chương nảy nở như rừng. Trứ tác mỗi ngày một nhiều. Nếu chẳng phải trải qua cướp bóc, đốt phá mà hóa tro tàn, thì hẳn là trâu kéo đến tót mồ hôi, chứa đầy đến tận xà nhà".[79] Và tiến sĩ Hoàng Đức Lương, người biên soạn Trích Diễm 

Thi Tập năm 1497, trong lời đề tựa sách đó, đã than vãn: "… Còn như thơ các đời Lý – Trần thì không có căn cứ nào để khảo sát, đính chính. Một đôi khi có nhặt được dăm chữ nửa câu ở nơi chỗ "giấy rách vách nát" thì vỗ sách mà than thở, có ý thầm đổ lỗi cho các bậc học thức tài danh đương thời. Thán ôi! Há có một nước văn hiến, dựng nước đã mấy nghìn năm, thế mà không có lấy một chút sách vở gì làm bằng, chẳng cũng đáng đau xót lắm thay!

Rồi ông kể tiếp: "Thế mà tất cả những gì thu nhập được cũng chỉ là một hai trong trăm ngàn phần. Bèn chọn lọc rộng thêm ở những trứ tác của các vị đang tại triều, nhặt lấy những gì tinh tuý nhất, rồi sắp xếp, phân loại thành các thiên, được sáu quyển, đặt tên là Trích Diễm.

Vả chăng, việc phẩm bình, cân nhắc, văn chương mà có chút ý vị, là ở chỗ, cốt sao các thơ văn được truyền bá rộng ra, ngõ hầu tránh được lời chỉ trích của người sau đối với hiện nay, như chúng ta hiện nay đã chỉ trích người xưa vậy.(1)

Thật đáng tiếc! Cả một nền văn học rực rỡ như thế, sau khi nước ta bị nhà Minh cai trị (1407 – 1427), bao nhiêu sách vở của người mình trứ tác, chúng thu nhặt đốt sạch biến thành tro than.[80]

Mãi tới năm 1901, trường Viễn Đông Bác cổ (Eùcole Francaise d'Extrême Orient), thành lập tại Hà Nội mới bắt đầu xúc tiến việc sưu tầm và bảo tồn những di sản văn hóa quốc gia còn sót lại, từ cuối đời Trần – Hồ đến hết thế kỷ XV, gồm các thể loại: Thơ, văn, truyện tích, bi ký v.v... Nhưng còn kho tàng kinh sách đạo Phật Việt thì sao?

Chúng tôi tìm tòi trong các sách đã dẫn, và nhất là cuốn thơ văn Lý Trần, đã giúp chúng tôi rất nhiều bản văn quí giá để viết mục này.

Những tác phầm văn học Phật giáo đời Lý gồm có:

Về thơ

- Ngộ Đạo Ca Thi Tập của Khánh Hỷ.
- Viên Thông Tập của Viên Thông. Cuốn này có tới một ngàn bài thơ.
 Về Trứ Tác:
- Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn của Pháp Thuận
- Dược Sư Thập Nhị nguyện Văn của Viên Chiếu.
- Tán Viên Giác Kinh của Viên Chiếu.
- Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng của Viên Chiếu.
- Tham Đồ Hiển Quyết của Viên Chiếu.
- Chư Phật Tích Duyên Sự, 30 chương, của Viên Thông.
- Tăng Già Tạp Lục,  50 chương, của Viên Thông.
- Pháp Sự Trai Nghi của Huệ Sinh.
- Chư Đạo Tràng Khánh Tán Văn của Huệ Sinh.
- Nam Tông Tự Tháp Đồ của Thường Chiếu. (Do trạng nguyên Lương Thế Vinh viết tựa).

Tất cả sách kể trên đều đã bị thất lạc. Riêng cuốn Tham Đồ Hiển Quyết của thiền sư Viên Chiếu thì có lẽ được trích một đoạn trong sách Thiền Uyển Tập anh mà ta có hiện nay.[81]
kỳ cuối về Minh và Bia

Chú thích:


[77] Chép theo bản chữ Nho trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

[78] Thiền Uyển Tập Anh là bộ sách nói về các vị thiền sư Việt nam thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ mười ba, trong sách Le Bouddhisme en Annam des Origines au XIIIè Siècle. Và để giúp độc giả hiểu sơ lược về nội dung của bộ sách, chúng tôi xin trích một đoạn của bài tựa như sau:

"Người ta đặt tên cho sách này theo nghĩa nào? Giữa các vị tăng, "chọn những vị cao tăng". Tại sao? Vì tăng đồ của đạo Phật rất đông, mà người hiểu được cái tinh hoa của đạo Phật thì lại rất ít. Như một con chim phượng lẩn giữa bầy gà, như đóa hoa lan giữa loài cỏ dại, nếu không phải là người có một thiên khiếu thông minh tuyệt đỉnh, một cái nhìn sâu xa và rộng rãi, thì không thể nào đạt đến trí tuệ viên mãn được, không thể làm gương mẫu cho hậu lai và dẫn dắt những người học đạo và trở nên những người lãnh tụ được.

"Giữa các vị tăng trong vườn thiền, những người đạo cao chân chính thì ít, chúng tôi chọn trong đó những vị xuất chúng, những vị mà đạo đức được tôn kính và chúng tôi sẽ nói đến sự tích những vị đó, để làm qui củ tăng đồ nhà Phật. Nhân đó, chúng tôi đã dùng chữ "tập anh" làm tên sách.

… "Rộng truyền gần khắp nước Đại Việt ta, đạo Phật đã ban bố cho nước ta nhiều lợi lạc của chính Pháp. Biết bao người đã lánh tục cạo đầu, đạt trí và ngộ không. Trong số, có bậc trí tuệ sáng như mặt trời, trong như gương và sạch như băng giá, các ngài hộ quốc hộ dân và ra tay tế độ những kẻ trầm luân khổ hải, có người ngay từ lúc thiếu thời đã giác ngộ và cầm tích trượng (khakhara) theo gương của Bồ Đề Đạt Ma (Boddhidharrma); có kẻ nhập đạo thật dễ, khi tuổi đã trưởng thành, nhờ sự cứu độ của đức Phật mà thâm nhập lẽ thâm diệu của Đồ Trừng (Buddhacinga); có kẻ thì đức hạnh đã cảm hóa đến cả loài chim tới đậu trên cổng chùa để nghe kinh. Công đức của các ngài lan rải đến cả thú vật cho đến nổi chúng đến để dọn bữa ăn cho các ngài. Những biểu lộ này chứng minh đức từ bi và thanh tịnh của các vị tăng ấy. Kỳ diệu thay, các ngài là con mắt của mọi loài. Các ngài quả là những bậc cao đại của vườn Thiền.

“Ôi! Đạo Phật vừa rộng lại vừa sâu bao nhiêu thì tâm yếu của đạo Phật lại còn hơn thế nữa bấy nhiêu! Tâm yếu của Đạo Phật, phải qui tâm vào chỗ chính yếu này mới có thể hiểu được đạo Phật. Tập Thiền Uyển này bắt đầu bằng lịch sử của Vô Ngôn Thông, là người đầu tiên truyền bá Đạo Phật tại Việt Nam. Sau ngài, ngọn Pháp đăng tiếp tục truyền thừa, ngày càng lan rộng và sáng thêm. Với những khó khăn và bao la của sự học Phật, làm sao mà các vị cao tăng ấy lại có được Phật trí vô lượng? Lý do trước hết là các ngài lắng trong được "Lục trần" (visaya) và đã diệt được "tứ tướng".

"Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chỉ học sách Nho mà kinh Phật chỉ là những bài học giúp thêm cho trí thức mà thôi. Chúng ta tìm hiểu về lẽ huyền vi trong đó và chiêm ngưỡng tư tưởng Không. Nhưng cả hai cách học này dẫu sao cũng đưa chúng ta đến cùng một chân lý, mặc dù là từ hai ngả đường.

"… Trọn quyển sách, chỉ nói đến (truyện tích của các vị cao tăng, các vị tổ xuất chúng và những vị đã đạt đến Trí tuệ viên mãn và có những hành động thật là kỳ diệu.

"Càng đọc, tôi càng nghe lòng dâng lên niềm ngưỡng mộ các vị Thánh Tăng đó. Họ nói đến Không, đến Giác ngộ, là những vấn đề không bao giờ đặt ra trong lĩnh vục học hỏi của hàng nho sĩ…" –(Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, bản dịch Tuệ Sỹ, trang 16, 17).

[79] Dẫn theo sách Thơ Văn Lý Trần, tập I.

[80] Ngoài những sách đã bị thiêu hủy, theo Chương Mục, chính biên, thì giặc Minh đã thu nhặt những sách dưới đây đem về Kim Lăng, gồm có:

- Hình Thư 3 quyển, soạn dưới thời Lý Thái Tông.
- Quốc Triều Thông Lễ , 10 quyển, thời Trần Thái Tông.
- Hình Luật, 1 quyển, Trần Thái Tông.
- Kiến Trung Thường Lễ, 10 quyển, Trần Thái Tông.
- khóa Hư Tập,  1 quyển, Trần Thái Tông.
- Ngự Thi, 1 quyển, Trần Thái Tông.
- Di Hậu Lục, 2 quyển của Trần Thánh Tông.
- Cơ Cừu Lục, 1 quyển, Trần Thánh Tông.
- Thi Tập, 1 quyển, Trần Thánh Tông
- Trung Hưng Thực Lục, 2 quyển, Trần Nhân Tông
- Thi tập, 1 quyển, Trần Nhân Tông
- Thủy Vân Tuỳ Bút, 2 quyển, của Trần Anh Tông
- Thi Tập, 1 quyển, của Trần mInh Tông
- Trần Triều Đại Điển, 2 quyển, Trần Dụ Tông
- Bảo Hòa Điện Dư Bút, 8 quyển, Trần Nghệ Tông
- Thi Tập, 1 quyển, Trần Nghệ Tông
- Binh Gia Yếu Lược, 1 bộ, do Trần Hưng Đạo soạn
- Vạn Kiếp Bí Truyền, 1 bộ, Trần Hưng Đạo
- Tứ Thư Thuyết Ước, 1 bộ, của Chu Văn An
- Tiều Án Thi, 1 tập, Chu văn An
- Sầm Lâu Tập, 1 tập, của Trần Quốc Toại (Tuý)
- Lạc Đạo Ca, 1 quyển, của Trần Quang Khải
- Băng Hồ Ngọc Hác Tập, 1 quyển, Trần nguyên Đán
- Giới Hiên Thi Tập, 1 tập, của Nguyễn trung Ngạn
- Giáp (hay là Hiệp) Thánh Tập, 1 quyển, của Phạm Sư Mạnh
- Cúc Đường Dị Thảo, 2 quyển, của Trần nguyên Đào
- Thảo Nhàn Hiệu Tần, 1 quyển, Hồ Tôn Thốc
- Việt Nam Sử Ký 30 quyển, của Lê Văn Hưu
- Nhị Khê Thi Tập, 1 quyển, Nguyễn Phi Khanh
- Phi Sa Tập 1 quyển, của Hàn Thuyên
- Việt Điện U linh, lý Tế Xuyên soạn

Trong tờ biểu dâng sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên bùi ngùi than thở:


"… Cướp quyền chính, lũ gian thần được thể!
Lấn đất đai, quân địch quốc thừa cơ!
Binh tung sang, căm lũ giặc Minh, giáo gươm đầy đất!
Lửa đốt sách, thương ôi vận nước, sách vở đi đời!
Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn,
Thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót!…
Tin còn đó mà ngờ còn đó, nghiệp sách đèn mong khỏi thẹn cùng…
Việc ra sao thì chép ra sao, dấu văn hiến họa còn xét thấy!"
Niên hiệu Hồng Đức thứ mười, năm Kỷ Hợi, tiết đông chí.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư –

Bản dịch của Mạc Bảo Thần NHƯỢNG TỐNG, Tân Việt xuất bản.

Năm 1956, nguyệt san Phật giáo việt Nam, do thiền sư Nhất Hạnh làm chủ bút trong bài " Giáo lý Thiền của Phật giáo Việt Nam" có nêu vấn đề: Nhìn lại quá khứ. Những bộ kinh đầu tiên có ở nước ta là do người Việt hợp tác với người Ấn dịch từ tiếng Phạm và tiếng Ba Ly ra. Sách vở viết về Đạo Phật của các thiền sư Việt Nam từ đời Lý – Trần trở về đây có một số lượng không phải là nhỏ, thế mà vì những tai biến binh hỏa, vì quân Minh vơ vét thu lượm hết, cho nên hiện giờ còn chẳng được bao lăm. Bộ Việt Nam Phật Điển Tùng San do hội Việt Nam Phật giáo sưu tập, khắc bản và ấn hành với sự giúp đỡ của trường Viễn Đông Bác Cổ, cũng chỉ được độ mấy ngàn trang chữ lớn.   

Nghĩ đến nền Phật giáo Việt Nam với những thời thịnh đạt huy hoàng như các triều đại Lý Trần, rồi nhìn lại các tác phẩm còn sót lại, chúng ta không khỏi ngậm ngùi và giận cho quân Minh tàn ác. Tuy nhiên qua tác phẩm còn sót lại ấy, chúng ta cũng thấy được rằng tổ tiên chúng ta ngày xưa đã có những cố gắng không ngừng để dựng nên những giáo lý đặc biệt cho Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Ngộ Ấn đã xướng thuyết "Tam Ban", thiền sư Cứu Chỉ chủ trương thuyết 'Tâm Pháp Nhất Như", thiền sư Viên Chiếu viết những sách: Tán Viên Giác Kinh, Thập Nhị Bồ Tát hạnh Tu Chứng Đạo Tràng, Tham Đồ Hiển Quyết và Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn  mà các sư tăng đời Tống bên Tàu đã bái phục, cho rằng: "Đây mới thực là Phật sống xuất hiện ở phương Nam mỗi lời nói ra thành kinh như thế". Giác Hoàng Điều ngự đã sáng lập Thiền Tông hoàn toàn Việt Nam: Đó là phái Trúc Lâm Yên Tử. Nếu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về tư tưởng và hành động của các vị tổ sư sáng lập và về tôn chỉ và phương tiện của phái ấy, ta sẽ thấy những tính chất kỳ đặc của Phật giáo Việt Nam thời xưa. Đó là một tổng hợp tài tình giữa hai khuynh hướng xuất thế và nhập thế vốn là rất rõ ràng và rất phân biệt ở Trung Hoa. Phái Thiền tông này chủ trương "Phật giáo nhập thế" nhưng bảo tồn một cách vững chãi sinh hoạt thực nghiệm tâm linh – Phật giáo xuất thế- ở  những con người hành đạo. Đạo Phật vào thời của ba vị tổ Trúc Lâm, nhờ thế đã trở thành một sinh hoạt cho đại thể, và đã hòa hợp làm một đối với văn hóa. Đạo lý của phái Trúc Lâm là thể hiện của sự dung hợp xuất thế và nhập thế, nên người đứng ra lãnh đạo phải có một bản lĩnh vững chắc, nghĩa là có một khả năng nhập thế mạnh mẽ dựa trên một căn bản xuất thế vững vàng; người hành đạo sẽ "hữu tâm" ở công tác nhập thế, và vì vậy sẽ bị lôi cuốn đổ vỡ. Cũng vì thế mà sau đại sư Huyền Quang, đệ tam tổ của phái Trúc lâm Yên Tử, không có ai xứng đáng để nắm giữ giềng mối Đạo Pháp; và Phật giáo không còn giữ được địa vị xưa. Nhưng dù sao những sự kiện đó cũng chứng tỏ một cách đầy đủ được rằng Phật giáo Việt Nam ngày xưa đã cố đi đến một giáo lý cho riêng mình, và đã đạt được một phần nào kết quả. Hướng đi đã được vạch sẵn từ ngàn xưa, ngày xưa đã làm được một phần, ngày nay phải làm được trọn vẹn. Ngày xưa đã cố gắng mà chưa làm được, ngày nay phải cố gắng thêm để làm thành. Ta không thể ngồi để đợi những thức ăn thừa thãi của người khác, để làm nhục cho chư tổ ngày xưa, vì các ngài dù sao cũng đã xây cho Phật giáo dân tộc một nền tảng vững chắc. Nghiên cứu lại giáo sử Việt Nam, đó là việc đầu tiên để nhìn thấy con đường phải đi của Phật tử chúng ta trong hiện tại, để có một niền tin tưởng vững vàng. Tin tưởng rằng ta sẽ làm nên việc và Phật giáo Việt Nam sẽ trở thành một nền Phật giáo hoàn toàn có tính cách dân tộc và tiến bộ. Mà chỉ khi nào hợp cơ thì mới là dân tộc, chỉ khi nào hợp thời thì mới là tiến bộ mà thôi". 

[81] Ngoài ra, trong mục Nghệ Văn Chí của sách ĐVTS và Văn Tịch Chí của sách LTHCLC chép: năm 1026, vua Thái Tổ sai các quan trong triều biên soạn sách Hoàng Triều Ngọc Điệp, đây là cuốn sách mở đầu cho việc chép sử ở nước ta. Sang đời Nhân Tông, sử gia Đỗ Thiện cũng có soạn một cuốn Sử Ký, ghi chép tường tận những việc của triều đình nhà Lý. Hình như sau này ông Lê Văn Hưu, cũng đã căn cứ vào đó mà viết bộ Đại Việt Sử Ký, 30 quyển, các bộ sách này đã mất.

Thích Đức Nhuận