Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Nguyên lý bất định Heisenberg và cái nhìn phật pháp

21 Tháng Mười Hai 201610:01 CH(Xem: 3481)
Nguyên lý bất định Heisenberg và cái nhìn phật pháp

Nguyên lý bất định Heisenberg và cái nhìn phật pháp

“Bất kỳ ai nói rằng anh ta có thể nghĩ về vật lý lượng tử mà không bị choáng váng thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng anh ta chẳng hiểu gì về ý nghĩa căn bản của vật lý lượng tử”.

Sự ra đời của nguyên lý bất định:
 
Werner Heisenberg (1901-1976), nhà vật lý người Đức, đã công bố nguyên lý bất định (uncertainty principle) năm 1927. Nguyên lý này được phát biểu như sau:

It is impossible to determine both position and momentum of an electron simultaneously.
If one quantity is known then the determination of the other quantity will become impossible.

(Không thể xác định được cả vị trí và động lượng (hoặc xung lượng) của một hạt electron vào cùng một lúc. Nếu biết được một đại lượng thì không thể xác định được đại lượng kia.) 
Đó là phát biểu cơ bản về mặt khoa học cụ thể của một hạt electron. Phát biểu này bao hàm những ý nghĩa vô cùng quan trọng, vô cùng cơ bản về vật chất trong vũ trụ.
Ban đầu người ta chưa hiểu rõ ý nghĩa vô cùng sâu xa của nó, bởi vì nó có khả năng lật đổ thế giới quan của con người đã được xây dựng qua hàng ngàn năm lịch sử. Người đầu tiên phản bác nó chính là nhà vật lý thiên tài vĩ đại Albert Einstein. Einstein cùng với hai nhà khoa học khác là Boris Podolsky và Nathan Rosen, ba người vào năm 1935 đã nêu ra một giả thuyết mà sau này thường được biết với tên tắt là EPR Paradox. EPR chính là tên viết tắt của Einstein, Podolsky, Rosen.
Họ nghi ngờ nguyên lý bất định hay cơ học lượng tử nói chung là không đầy đủ hoặc có thể là sai lầm. Họ đề cập tới một hiện tượng đang là thời sự nóng hổi lúc đó là hiên tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement). Một hạt photon hoặc một hạt electron có thể xuất hiện đồng thời tại hai vị trí khác nhau, chúng luôn luôn liên kết hay dính líu với nhau bất kể khoảng cách là bao xa. Nếu người ta xác định được hạt ở ví trí này thì tức khắc có thể xác định được hạt ở vị trí kia dù chúng có thể cách xa nhau một năm ánh sáng hay bất kể bao xa.
Einstein nêu giả định rằng chúng thật ra không có liên kết, mà chỉ giống như một đôi găng tay, cặp bao tay có chiếc bên tay trái và chiếc bên tay phải. Nếu người ta bỏ mỗi chiếc vào một vali và đem đi cách nhau rất xa, chẳng hạn một cái ở New York còn cái kia ở Nam cực. Chỉ cần nhìn thấy chiếc bao tay ở New York, ví dụ là bao tay trái, thì tức khắc biết được cái ở Nam Cực là bao tay phải.
Ông cho rằng hạt luôn luôn có sẵn đặc trưng, đó là tồn tại độc lập, khách quan, giống như bao tay luôn luôn có sẵn đặc tính là thuộc bàn tay trái  hay bàn tay phải.
Einstein tranh cãi với Niels Bohr từ năm 1935 cho đến khi cả hai qua đời (Einstein mất năm 1955 còn Bohr mất năm 1962) cũng chưa ngã ngũ, chưa xác định được ai đúng ai sai. Mãi đến năm 1982, tại Paris, Alain Aspect sử dụng chiếc máy do John Clauser sáng chế, nó có thể làm cho một hạt photon xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau. Rồi ông áp dụng bất đẳng thức của John Bell, bất đẳng thức này có khả năng dùng toán học để xác định hiện tượng liên kết lượng tử có xảy ra hay không. 

Kết quả hiện tượng liên kết lượng tử là có thật, không phải giống như giả định của Einstein. Nếu thay cái bao tay trong vali tại New York thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cái bao tay tại Nam cực vì giữa hai cái không có sự liên kết. Trái lại giữa hai hạt photon thì có sự liên kết. Nếu thay hạt ở New York có spin xoay sang phải thay vì xoay sang trái thì tức khắc hạt photon tại Nam cực sẽ có spin xoay sang trái thay vì xoay sang phải. Đó là điều mà Einstein dù có sống lại cũng không thể chối cãi.
Ngày nay thì sự liên kết lượng tử đã được công nhận. Và nguyên lý bất định của Heisenberg bao hàm những ý nghĩa quan trọng sau đây:

- Vị trí của hạt photon hoặc electron là bất định (non locality). Nó có thể đồng thời tồn tại ở chẳng những hai mà vô số vị trí khác nhau.
- Hạt electron phải là một vật ảo tức không có thật (non realism) bởi vì chỉ có vật ảo mới có thể đồng thời xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau.
- Hạt electron không có số lượng nhất định (non quantity) bởi vì số vị trí mà nó có thể đồng thời xuất hiện là vô số lượng.
Thật vậy năm 2012, Maria Chekhova có thể cho một hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau, tất cả vị trí đều liên kết với nhau.
Đây là những tính chất lượng tử của vật chất. Nếu các hạt cơ bản của vật chất quả thật có những tính chất lượng tử như vậy thì người ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng Không gian, Thời gian và Số lượng là không có thật. Toàn thể vũ trụ chỉ là ảo hóa mà thôi. Đó chính là ý nghĩa triết học và ý nghĩa Phật pháp của nguyên lý bất định Heisenberg.
Ngày nay khoa học đã ứng dụng nguyên lý bất định để tạo ra những sản phẩm thần kỳ là mạng internet và smartphone. Hình ảnh và tiếng nói của chúng ta có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới giống như tính chất lượng tử của hạt electron. Điều đó giúp cho chúng ta có thể làm cuộc hội thoại với vài người bạn cùng lúc, mỗi người ở một nơi khác nhau trên thế giới. Cuộc hội thoại như vậy thường được thực hiện trên Skype. Mọi người đều nhìn thấy nhau và nghe được tiếng nói của nhau.
Nếu những hạt cơ bản của vật chất đều có tính chất lượng tử nghĩa là không có thật (non realism), không có vị trí nhất định (non locality) và không có số lượng (non quantity). Vậy những cố thể vật chất lớn chẳng hạn cái nhà, cái xe, bàn ghế giường tủ, sơn hà đại địa, biển đảo, hành tinh, mặt trời mặt trăng, các ngôi sao… vốn là do các hạt cơ bản hợp thành, có tính chất lượng tử hay không?
Quan điểm của Phật giáo
Phật pháp từ ngàn xưa đã trả lời rằng cũng giống như vậy, thế gian chỉ là huyễn ảo mà thôi. Kinh Kim Cang nói rằng:
一切有为法   Nhất thiết hữu vi pháp,              Tất cả pháp hữu vi
如梦幻泡影   Như mộng, huyễn, bào, ảnh,     Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
如露亦如电   Như lộ, diệc như điện,                Như sương, như chớp loé,
应作如是观   Ưng tác như thị quán.                Hãy xem xét như thế.
Sở dĩ vật chất là huyễn ảo, là tưởng tượng, nhưng con người thấy rất thật vì một lý do hết sức cơ bản là tất cả các pháp đều không có tự tính. Kinh Hoa Nghiêm nói:  一切法無自性 Nhất thiết pháp vô tự tính. Điều này có nghĩa là các hạt cơ bản của vật chất như photon, electron hay ngay cả các cấu trúc nguyên tử, phân tử không hề có đặc trưng. Chúng chỉ có đặc trưng khi có người, sinh vật hay thiết bị, quan sát hoặc đo đạc. Chính vì chúng có mối quan hệ nội tại giữa một bên là chủ thể (người quan sát) và một bên là đối tượng (hạt electron hay nguyên tử). Chủ thể gán ghép tưởng tượng của mình cho đối tượng khiến cho đối tượng có đặc trưng và trở thành hạt vật chất. Mối quan hệ nội tại đã được chứng tỏ trong hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement). Và sự gán ghép đặc trưng đã được Niels Bohr nêu ra và Alain Aspect đã chứng minh trong thí nghiệm tiến hành năm 1982 tại Paris.
Vì vậy nên PG nói rằng tất cả đều là do tâm tạo. Kinh Hoa Nghiêm 華嚴經 nói:
若人欲了知 Nhược nhân dục liễu tri        Nếu mọi người muốn biết rõ
三世一切佛 Tam giới nhất thiết Phật       Tất cả Phật trong Tam giới
应观法界性 Ưng quán pháp giới tính       Hãy xem xét bản chất của pháp giới
一切唯心造 Nhất thiết duy tâm tạo          Tất cả đều là do Tâm tạo
Chính vì vật chất có một mức độ tương đối bền vững nên con người thường tưởng rằng vật chất có thật. Mức độ tương đối bền vững của vật chất do tính bền vững của hạt proton và neutron, chúng tạo thành hạt nhân nguyên tử. Sự bền vững là do hiện tượng giam hãm (confinement) của các hạt quart cấu thành các hạt này. Nguồn gốc của hiện tượng giam hãm là do tâm cố chấp kiên cố. Đối với một số nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, họ đã phá được tâm cố chấp nên có thể làm được những điều thần kỳ như đi xuyên qua tường, lấy được những vật ở rất xa chỉ bằng tâm niệm, hoặc lấy được những vật được khóa kiên cố trong tủ sắt, chẳng hạn tiền ở trong tủ sắt ngân hàng.
Nhưng rồi người đời thất vọng và đau khổ khi thấy những trận động đất, hoặc chiến tranh, chỉ trong vài chục giây phù du đã phá hủy hàng trăm công trình văn hóa đã tồn tại hàng ngàn năm. Ví dụ như trận động đất mới xảy ra tại Mynmar và Italy.
Động đất ở Myanmar 68 ngôi chùa bị phá hủy
Động đất ở Italy làm 247 người chết phá hủy nhiều nhà cửa
Nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, cả nhân loại có thể bị tiêu diệt, quả địa cầu sẽ trở thành nơi hoang tàn không một bóng sinh vật.
Nếu một thiên thể lớn cỡ bằng Mặt trăng va chạm vào Địa cầu thì Trái đất cũng sẽ tan tành thành các mảnh vụn.
Điều đó cho thấy sự bền vững tương đối của vật chất không có gì đảm bảo chắc chắn cả. Sinh mệnh của một con người thì lại càng mong manh hơn nữa. Các loại tai nạn và chiến tranh hàng năm cướp đi sinh mạng hàng triệu người.
Quan điểm Khoa học:

Khoa học của nhân loại thế kỷ 21 cũng đã có những hiểu biết tương đối sâu xa về vật chất.
Nhà vật lý David Bohm mô tả thế giới chỉ là một toàn ảnh ba chiều được triển khai từ thông tin chứa trong mặt phẳng hai chiều. Theo Bohm, vũ trụ, thế giới vật chất mà ta đang thấy xung quanh mình là dạng hình được khai triển (unfolded) từ một thực tại sâu kín hơn. Thực tại sâu kín này là một cái toàn thể bất khả phân, không thể định nghĩa, không thể đo lường. Trong thực tại này, mọi sự đều liên kết chặt chẽ với nhau. Thực tại này không nằm yên mà luôn luôn vận động nên được mệnh danh là “sự vận động toàn thể” (holomovement) và nó là nguồn gốc, là cơ sở của mọi dạng xuất hiện của vật chất và tâm thức.
Thực tại sâu kín là một cái toàn thể bất khả phân, không thể định nghĩa, không thể đo lường mà Bohm đề cập là một miền tần số (frequency domain) phi vật chất ở dạng cuốn lại (enfold) của thế giới. Con người không thể nhìn thấy, không thể nhận biết trực tiếp cái thực tại sâu kín đó, nó thuộc về cái bất khả tri của Immanuel Kant. Tuy không thể chứng minh được cái thực tại đó hiện hữu, nhưng qua cảnh giới nhìn thấy tiếp xúc được, chúng ta biết chính cái thực tại đó là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật.
Một nhà khoa học khác là Craig Hogan mô tả vũ trụ có bản chất là số (digital). Theo quan điểm này thì vũ trụ là thông tin. Vật chất chỉ là thông tin. Nếu tất cả các hạt cơ bản của vật chất đều là hạt ảo, thì toàn thể vũ trụ cũng là một vũ trụ ảo được cấu thành từ các bit thông tin. Craig Hogan có trình bày cụ thể loại bit thông tin vũ trụ mà ông quan niệm :
Một bit thông tin vũ trụ chiếm 4 đơn vị diện tích Planck. Planck là kích thước nhỏ nhất mà bộ não con người còn có thể phân biệt được. Dưới kích thước đó thì không còn khoảng cách không gian, không gian không còn ý nghĩa.
            Ảnh: Kích thước Planck = 10-33 cm (mười lũy thừa âm 33 centimét)
Craig Hogan còn nói rằng thông tin từ dạng hình ảnh nằm trong mặt phẳng hai chiều, được dựng lên thành vật thể trong không gian 3 chiều, kích thước tăng lên rất lớn tạo thành một độ nhòe, giống như một cái ảnh phóng to quá mức thì hình không còn mịn mà bị bể. Trong thực tế độ nhòe đó tạo ra tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise).
Năm 2012 một nhóm các nhà vật lý Đức và Anh làm việc tại một hệ thống thiết bị phát hiện sóng hấp dẫn (gravitational wave detector) đặt tại phía nam Hanover, Đức Quốc gọi tắt là GEO600, đã phát hiện ra tiếng ồn toàn ảnh. Đó là cơ sở thực nghiệm chứng tỏ thuyết Vũ trụ là số có cơ sở thực tế.
Tóm tắt ý nghĩa triết học của nguyên lý bất định:

Từ những nhận định của Phật pháp và khoa học như đã nêu trên, chúng ta thử tóm tắt ý nghĩa triết học của nguyên lý bất định Heisenberg như sau:
Nguyên lý bất định có nghĩa rằng vật chất vốn là không có thật (non realism), không có vị trí nhất định (non locality) và không có số lượng (non quantity). Nhưng hình thái biểu hiện của vật chất thì lại có vẻ như có thật, nhất là cố thể vật chất. Đó chính là ý nghĩa cốt lõi của danh từ bất định (uncertainty).
Có gì chứng tỏ cố thể vật chất cũng bất định?
Nhà khoa học Trương Văn Tân trong bài báo đăng trên Vietsciences ngày 11/03/2006 nhan đề “Cảm tưởng về quyển The Quantum and The Lotus” (The Quantum and The Lotus là một bản dịch tiếng Anh có sửa đổi của quyển L’Infini dans la paume de la main – du Big Bang à l’éveil, tên đầy đủ của bản dịch là  A Journey To The Frontiers Where Science and Buddhism Meet: The Quantum and the Lotus, xuất bản tại Mỹ năm 2001), có đưa ra nhận xét như sau :
“Trong thế giới vĩ mô (macrocosm), nguyên lý bất định Heisenberg mất ý nghĩa. Khác với những vật cực nhỏ mà vị trí của nó dựa vào tính xác suất ở nhiều nơi A, B, C… khác nhau, một vật to như cái bàn không thể lúc thì ở trong phòng học lúc thì tự động nhảy vào nhà bếp hoặc “rong chơi” ngoài sân. Cái bàn trong phòng học sẽ mãi mãi ở đúng vị trí của nó trừ khi ta phải xê dịch. Như vậy, trong thế giới vật lý vĩ mô khác vi mô.”
Điều mà ông Trương Văn Tân không ngờ là cái bàn cũng hành xử giống như photon. Nhưng chỉ vì ít thấy nên tưởng rằng không thể xảy ra. Mùa xuân năm 1991 tại Hong Kong, Hầu Hi Quý đã biểu diễn cho nhà tỷ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) thấy ông có thể dùng tâm lực di chuyển cái bàn bọc vàng của ông Lý từ phòng ăn nhà ông, đến phòng làm việc của ông. Quá phục, ông Lý đã tặng Hầu Hi Quý một triệu nhân dân tệ và chụp hình kỷ niệm.
               Ảnh: Tỷ phú Li Kashing và Hầu Hi Quý
Năm 1989 Hầu Hi Quý cũng từng biểu diễn dùng tâm lực di chuyển nguyên một cái bàn ăn với đầy đủ muỗng nĩa ly tách cho Phó chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương Chấn xem.
Ảnh: Ngày 14-12-1989. Từ trái sang phải : Hầu Hi Quý, Thị trưởng Châu Hải Lương Quảng Đại, Chủ tịch nước Vương Chấn, nguyên Phó Thủ tướng Dư Thu Lý. 
Không phải chỉ có các hạt cơ bản như photon, electron là bất định mà tất cả các hạt cơ bản và các cấu trúc khá bền vững của chúng như proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử và cả phân tử đều bất định.
Universe 2 – Nguyên Tử Phân Tử Cũng Là Sóng – VD
Bất định nghĩa là chúng có thể vừa là hạt vật chất xác định, cũng vừa là sóng phi vật chất, bất định. Vật chất và phi vật chất là hai hình thái đối lập, rất khác nhau. Đó là sự khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Nhưng thực tại là cái bất định, không thể khăng khăng cho rằng nó là vật chất (chủ nghĩa duy vật) hay nhất quyết cho nó là tinh thần (chủ nghĩa duy tâm). Mà phải thấy rằng vật tức là tâm, tâm tức là vật. Hai hình thái đối lập vật chất và tinh thần, vừa khác nhau mà lại vừa giống nhau và có thể chuyển hóa cho nhau. Chúng ta chỉ có thể ăn cơm, uống nước chứ không thể ăn uống thông tin. Thế nhưng cơm và nước thực chất cũng chỉ là thông tin và ngược lại thông tin hay sóng có thể biến thành cơm nước, thực phẩm và có thể ăn được. Chính vì vậy mà xưa chúa Giê Su có thể chia 5 ổ bánh mì và 2 con cá chiên cho 10 ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư.
Gần đây nhà đặc dị công năng Hầu Hi Quý, năm 1987, có thể biến hai con cua giấy do Tề Phật [cháu đích tôn của nhà danh họa Tề Bạch Thạch 齊白石 (1854-1957)] vẽ nhân cuộc triển lãm họa phẩm của ông nội tại Thâm Quyến, thành hai con cua thật và cho Thẩm Tích Chính, giám đốc của Phòng Trưng bày Nghệ thuật Hội họa tại tòa lầu Trung tâm Thương mại Thâm Quyến, mang về nhà luộc ăn.
Sở dĩ Hầu Hi Quý có thể làm được điều đó bởi vì vật chất chỉ là ảo hóa, là thông tin, là dòng điện tín hiệu. Một video khoa học trình bày tóm tắt vấn đề này như sau:
Vạn Pháp Duy Thức
Nguyên lý bất định ngoài ý nghĩa sâu xa về mặt bản chất của vật chất, còn có ý nghĩa về mặt không gian, thời gian và số lượng.
Hiện tượng liên kết lượng tử chứng tỏ rõ ràng là khoảng cách không gian không có thật. Hai photon liên kết tác động tức thời không tùy thuộc vào khoảng cách giữa chúng là bao xa, 1 mét, 1000 km hay một quang niên cũng như nhau.
Không gian không có thật thì thời gian cũng không có thật. Thời gian thành lập vũ trụ 14 tỉ quang niên chỉ là tưởng tượng của con người. Có một số hiện tượng chứng tỏ thời gian không có thật. Một sự kiện hi hữu được ghi trong Thiền sử là Huệ Trì, em ruột của đại sư Tịnh Độ Tông Huệ Viễn, đã ngồi nhập định trong bộng cây hơn 700 năm. Huệ Viễn (慧遠  334-416), là một Cao tăng Trung Quốc đời nhà Tấn 晋 Em trai của ông, Huệ Trì đến Tứ Xuyên ngồi nhập định trong bộng cây cho tới đời Tống Huy Tông 宋徽宗 (1082-1135) mới được phát hiện và vẫn còn sống. Sự kiện này gây chấn động nên Tống Huy Tông đã làm ba bài thơ để mô tả.
Ngoài ra, một sự kiện khác được kinh điển Phật giáo ghi chép, đó là Maha Ca Diếp, một đại đệ tử của Đức Phật, đến nay vẫn còn sống, đang ngồi nhập định tại núi Kê Túc. Thiền sử ghi :
在佛陀時代,摩訶迦葉、君屠缽歎、賓頭盧、羅睺羅皆受佛囑託,不入涅槃.”增一阿含經”卷四十四、”彌勒下生經) 卷一云:(大迦葉亦不應般涅槃).而 “付 法藏因緣傳”,”大唐西域記”亦記大迦葉在雞足山入定,發願身至彌勒成佛,令不朽壞,所以他至今仍在定中,是娑婆世界入定最久的記錄保持者.
Trong thời đại của Đức Phật, Ma Ha Ca Diếp, Quân Đồ Bát Thán, Tân Đầu Lô, La Hầu La, đều nhận lãnh lời Phật phó thác, là không nhập Niết Bàn. “Tăng Nhất A Hàm Kinh” quyển 44, “Di Lặc Hạ Sinh Kinh” quyển 1, nói: “Đại Ca Diếp cũng không về cõi Niết Bàn” mà các quyển “Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện”, “Đại Đường Tây Vực Ký” đều ghi Đại Ca Diếp nhập định tại núi Kê Túc (Kukkuṭapādagiri hay còn gọi là Tôn túc sơn Gradhakuta, nay thuộc bang Bihar, Ấn Độ, gần thành Vương Xá –Rājagaha-  của nước Ma Kiệt Đà- Magadha- xưa) phát nguyện giữ thân cho đến khi Di Lặc thành Phật, khiến thân không bị hư hoại, vì vậy cho đến ngày nay, ông vẫn còn nhập định tại núi Kê Túc, là người bảo trì được thân thể lâu kỷ lục trong cõi ta bà thế giới này. 
         Ảnh: Maha Ca Diếp
Vì không gian là không có thật, nên núi Kê Túc (Kukkuṭapādagiri) ở Ấn Độ cũng đồng thời là núi Kê Túc ở tỉnh Vân Nam TQ. Tại núi Kê Túc tỉnh Vân Nam có một ngôi chùa vô hình nằm trong một tảng đá lớn, Maha Ca Diếp ngồi nhập định trong ngôi chùa đó. Hư Vân hòa thượng khi đến núi Kê Túc có nghe văng vẳng tiếng chuông chùa phát ra từ trong tảng đá đó. Người quanh vùng đó đôi khi thấy có một ông lão xuất hiện gần tảng đá, ông lão đó chính là Maha Ca Diếp. Trong quyển sách Đường Về Phương Đông cũng có nói, tại Ấn Độ trên vùng núi cao, có những vị sư sống đến hơn 2000 tuổi, chỉ những người hữu duyên mới có thể gặp được họ. Có một câu chuyện kể rằng khoảng đầu thế kỷ 20, một tiến sĩ triết học người Anh đến Ấn Độ có duyên may gặp được Maha Ca Diếp.
Vật chất đã là ảo thì số lượng cũng không có thật. Chúng ta ngày nay đã biết rõ vật ảo thì không có số lượng. Ví dụ chúng ta đưa một tấm ảnh scandal của một nhân vật nổi tiếng lên mạng thì lập tức nó sẽ sinh sôi ra vô lượng vô biên tấm ảnh ở khắp mọi nơi mà con người có thể vào được mạng internet. Hoặc như trò chơi Pokemon Go hiện nay. Vô số người trên thế giới đi tìm bắt Pokemon tại khắp các đường phố, khắp các công viên trên khắp thế giới.
Nhưng vấn đề là vật chất cũng không có số lượng. Ánh sáng mặt trời có thể biến thành năng lượng và thành vật chất. Thực tại vốn là một miền tần số không phải vật chất nhưng có thể biến thành vật chất. Đó cũng là cái mà PG gọi là Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm giống như hư không, không có thật, theo cách nói của Long Thọ Bồ Tát, nhưng Tâm có thể tạo ra vũ trụ vạn vật, tạo ra thế giới mà chúng ta đang sống.
Đối với khoa học, về mặt lý thuyết và cả mặt thực nghiệm, ngành nông nghiệp đã tạo ra lương thực thực phẩm cho toàn thể nhân loại bằng ánh sáng mặt trời và một số chất liệu lấy từ đất, nước, không khí. Về bản chất, ánh sáng, đất, nước, không khí đều có thể quy về năng lượng, đều có thể biến thành lượng tử. Liệu máy tính lượng tử có thể biến lượng tử từ mọi nguồn năng lượng thành lương thực, thực phẩm, thành đủ loại vật chất mà con người cần dùng hay không?
Hiện nay các loại máy in 3D đã bắt đầu phát triển, chúng có thể in ra vật thể 3 chiều như nhà cửa, dụng cụ, chân tay giả… Đó chỉ là bước đầu, trong tương lai, các máy in 3D có thể sẽ in ra đủ loại vật chất kể cả lương thực thực phẩm mà con người cần dùng, một cách vô cùng nhanh chóng và dễ dàng hơn là cách thức sản xuất công nông nghiệp như hiện nay.
Trước kia con người muốn thông tin cho nhau, chỉ có cách viết thư, rồi gởi đi bằng chạy ngựa hoặc chim bồ câu, sau này thì qua bưu điện, rất khó khăn lâu lắc, nhất là khi muốn thông tin cho người ở nước ngoài. Ngày nay thì quá dễ, với internet và smartphone, việc thông tin vô cùng nhanh chóng và tiện lợi.
Nhưng con người không thể chỉ bằng lòng với việc gởi thông tin đi xa. Con người còn nghĩ đến việc gởi cố thể vật chất đi xa, bởi vì nói cho cùng, cố thể vật chất cũng chỉ là thông tin, nhưng là một dạng thông tin rất đậm đặc có dung lượng cực lớn. Hiện tượng liên kết lượng tử còn gợi ý cho con người cách gởi vật chất đi rất xa không giới hạn khoảng cách mà lại không mất thời gian. Khoa học hiện nay chưa thực hiện được việc gởi cố thể vật chất đi xa, nhưng một số nhà đặc dị công năng đã làm được.
Năm 1979 Hầu Hi Quý đã biểu diễn lấy một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa từ một nơi cách xa chỗ ông đứng 1600 km chỉ trong tích tắc. Hầu Hi Quý thực hiện được việc này bởi vì thực ra vật chất chỉ là ảo, khoảng cách không gian và thời gian cũng đều không có thật. Hiện tượng liên kết lượng tử đã chỉ ra tất cả những tính chất này. Và tất cả những đặc tính thần kỳ của cơ học lượng tử đều có thể rút ra từ nguyên lý bất định mà Heisenberg đã công bố năm 1927.
Càng ngày người ta càng hiểu rõ những hệ quả to lớn gây choáng váng cho người hiểu được chúng mà nguyên lý bất định của Heisenberg là phát súng khai mào. Niels Bohr không hề quá đáng khi ông nói rằng:
                         Ảnh: Niels Bohr
“Bất kỳ ai nói rằng anh ta có thể nghĩ về vật lý lượng tử mà không bị choáng váng thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng anh ta chẳng hiểu gì về ý nghĩa căn bản của vật lý lượng tử”.
Người thực sự hiểu vật lý lượng tử ắt sẽ bị choáng váng vì ý nghĩa triết học của nó. Ý nghĩa này làm đảo lộn hết mọi niềm tin, mọi thói quen nhận thức của con người về một thế giới vật chất tồn tại độc lập khách quan, đã bị vật lý lượng tử chứng minh đó chỉ là sai lầm ảo tưởng. Và người bị sốc nhất lẽ ra chính là Einstein, nhưng đáng tiếc là ông đã qua đời (năm 1955) trước khi khoa học chứng minh hiện tượng liên kết lượng tử là có thật (năm 1982), và nguyên lý bất định là đúng đắn.
Truyền Bình