Ai quyết định thế giới?

21 Tháng Mười Hai 201610:23 CH(Xem: 3810)
Ai quyết định thế giới?

Ai quyết định thế giới?

Thời nay, phương tiện thông tin liên lạc rất phát triển, hầu như nhà nào cũng có tivi, điện thoại di động. Không ít nhà có máy vi tính nối mạng. Vì vậy, hàng ngày đủ mọi thứ thông tin thượng vàng hạ cám đều có thể đến với những ai quan tâm đến chúng, kể cả những người không quan tâm đến thông tin, nhưng khi mở tivi hay radio để xem phim hay nghe nhạc, thì thông tin vẫn ập tới. 

Trong cả đống thông tin tràn ngập đó, tin thế giới khá được chú ý, người ta hay nghe nhắc đến tên của các nhà lãnh đạo của các siêu cường như tổng thống Mỹ, Barack Obama; chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình; tổng thống Nga, Vladimir Putin; hay lãnh đạo của các cường quốc như thủ tướng Nhật, Shinzo Abe; thủ tướng Đức, Angela Merkel; có khi họ không phải là lãnh đạo của một cường quốc, nhưng đang là quốc gia có vấn đề trên thế giới như chủ tịch Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, hay tổng thống của Syria, Bashar al-Assad…

Nhiều người tin rằng những nhân vật đó góp phần quyết định thế giới, hay có ảnh hưởng nào đó đến thế giới. Sự thật có phải như vậy không? Đó là vấn đề chúng ta sẽ xem xét trong bài này. Tất nhiên chúng ta sẽ xem xét dưới một nhãn quan thâm sâu hơn bình thường, bởi vì, dù cho bàn về chính trị, kinh tế hay quân sự của thế giới, chúng ta vẫn đặt chúng dưới nhãn quang của Phật pháp.

Phát hiện của đức Phật

Kinh điển Phật giáo nói rằng sau quá trình thiền định 49 ngày dưới gốc cây Bồ đề, đức Phật Thích Ca đã chứng Anuttara Samyak Sambodhi (無上正等正覺-Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác). Đức Phật Thích Ca đã khám phá rằng Tâm hay Thức là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, rằng Tâm và Vật không hề khác nhau mặc dù hình thái của chúng khác nhau hoàn toàn, chính vì vậy Phật pháp mới được gọi là Bất nhị pháp môn. Bất nhị tức không phải là hai nhưng cũng không phải là một. Kinh Kim Cang nói: “應無所住而生其心-Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, Tâm có thể hiện ra ở bất cứ chỗ nào không có hạn chế. Tâm có thể hiện ra dưới hình thái của thức, tức là thông tin, là hiểu biết, là tư tưởng (vô hình), hoặc dưới hình thái vật chất (hữu hình). Như vậy đức Phật Thích Ca biết rõ vật chất chỉ là ảo, không có thật. Vũ trụ vạn vật và nhân sinh chỉ là ảo, không có thật. Đức Phật Thích Ca lìa bỏ ngai vàng, bỏ vợ, bỏ con, ra đi tìm đạo nhằm mục đích giải quyết vấn đề đau khổ mà cụ thể là 4 nỗi khổ cơ bản nhất của chúng sinh, đó là sinh lão bệnh tử.

Cuối cùng phát hiện rằng những nỗi khổ đó là không có thật, bản thân con người cấu tạo bằng ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng đều là không có thật (ngũ uẩn giai không). Những khám phá này vô cùng vi diệu, vô cùng khó hiểu, khó tin. Thế nên đức Phật Thích Ca định nhập diệt luôn, không giảng pháp làm gì, bởi vì chúng sinh không có thật, đau khổ cũng không có thật, đâu có ai cần phải giải cứu. Thế nhưng Phạm Thiên là vua ở cõi trời, có thần thông, biết đức Phật Thích Ca đang nghĩ gì, bèn xuất hiện trước mặt đức Phật Thích Ca, cầu khẩn xin giảng pháp, bởi vì chúng sinh mê muội tưởng là mình có thật, và đang bị đau khổ dày vò. Đối với đức Phật Thích Ca thì đau khổ đó chỉ là ảo tưởng, nhưng đối với chúng sinh, đau khổ đó hoàn toàn có thật. Thật ra thì Thích Ca chỉ đóng kịch mà thôi, muốn giảng pháp cũng phải có nhân duyên, phải có người thành tâm yêu cầu. Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên thế gian vì một đại sự nhân duyên, để giáo hóa cho chúng sinh thoát khổ, thì không có lý do gì mà không đứng lên giảng đạo. Đức Phật Thích Ca cần một đại diện đương cơ là Phạm Thiên đến cầu xin tạo nhân duyên cho việc giảng pháp.
 
Ban đầu đức Phật Thích Ca giảng Tứ Diệu Đế, kế đó giảng Thập nhị nhân duyên, nêu rõ duyên khởi như thế nào và luật nhân quả có tác dụng ra sao. Nhưng cuối cùng, khi quần chúng đã có một số hiểu biết nền tảng rồi, Thích Ca bèn phá tất cả, giảng Bát Nhã Tâm Kinh, phá vỡ tất cả mọi tri kiến của thế gian, nói lên thắng nghĩa đế, nói rằng tánh không là bản chất của vạn pháp. Tất cả các pháp đều chỉ là ảo, không phải thật. Trong kinh có nói rõ rằng “度一切苦厄-Độ nhất thiết khổ ách” giải thoát tất cả mọi khổ nạn, bởi vì tất cả chỉ là chiêm bao mà thôi.

Thân nhân của những hành khách đi trên chuyến máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích, hay của những người đi trên tàu Sewol của Hàn Quốc bị chìm, đang cực kỳ đau khổ. Thậm chí hiệu phó Kang Min Kyu của trường Danwon nơi có nhiều học sinh bị chết, đã treo cổ tự tử, mặc dù ông là một trong số 3 giáo viên của trường, được cứu sống sau tai nạn, trong tổng số 15 giáo viên của trường đi trên tàu. Ông tự tử vì bị đau khổ dằn vặt bởi ông là người khởi xướng chuyến đi cho học sinh của trường, trong tổng số 325 học sinh, chỉ có 75 được cứu sống. Cái chết của hiệu phó gây thêm đau khổ oan uổng cho gia đình ông mà cũng chẳng giúp được gì cho ai. Nếu mọi người hiểu rằng thế gian chỉ là ảo ảnh, không phải thật, thì có giảm bớt được đau khổ không ? Hiệu phó có cần phải tự tử không ?

Hiệu phó tự tử vì cho rằng mình là người chịu trách nhiệm, đó thật là là một sai lầm đáng tiếc. Sau đây chúng ta sẽ xem xét các lãnh đạo đã kể ở trên và thầy hiệu phó Kang Min Kyu có thực sự quyết định gì không, hay mọi quyết định đều được lấy một cách vô ngã và vô thức ?

Khoa học ngày nay đã đạt được trình độ đủ tinh vi để hiểu và chứng thực khám phá của Thích Ca. Thích Ca nói nhân vô ngã, pháp vô thường, đây là một chi tiết thực sự quan trọng mà nhân loại nên hiểu, các tu sĩ Phật giáo và Phật tử cũng nên hiểu. Thí nghiệm sau đây chứng tỏ rằng ý thức hay ý chí của con người rất là phụ thuộc, nó không quyết định gì cả, ý thức của cái tôi chỉ là người thừa hành. Ngã chỉ là con số không, ngã tưởng rằng nó quyết định nhưng thực tế thì không.

Não phản ánh Tâm đã quyết định trước Ý thức 6 giây

https://onedrive.live.com/?authkey=%21AEAUpiDgnE9v0xc&cid=3A697DD6BE1AB73E&id=3A697DD6BE1AB73E%214932&parId=3A697DD6BE1AB73E%21106&o=OneUp

Trong thí nghiệm này, mặc dù Marcus là người bấm nút bên trái hay bên phải, nhưng John nhìn vào não của anh ta, biết trước anh ta tới 6 giây rằng anh ta sẽ bấm nút nào. Điều đó chứng tỏ ý thức của Marcus không phải là người quyết định, quyết định đã có trước rồi, sau đó 6 giây anh ta mới ý thức và bấm nút.

Trong video chưa có luận giải đầy đủ, chúng ta cần nghiên cứu thêm như sau :

1/Quyết định có cơ sở sâu xa từ nghiệp (karma) của tập thể hay cá thể là quyết định có hiệu lực, có đầy đủ sức mạnh để thực hiện. Đó là trường hợp Phật giáo nói là có đầy đủ nhân duyên, thì hiện tượng hay kết quả ắt phải xuất hiện. Nếu ý thức của ta (cá thể) lấy cùng một quyết định với nghiệp thì ắt sẽ thành công, kết quả đến đúng như mong đợi.

2/ Ý thức của cá thể cũng có thể lấy một quyết định dởm, tức là lấy theo vọng tưởng, chẳng có nhân duyên, chẳng có cơ sở gì sâu xa cả. Như thế thì kết quả sẽ không có, hoặc không đúng như mong đợi, tức là thất bại. Điều này giải thích tại sao có người thành công, có người thất bại.

Ví dụ Bill Gates quyết định bỏ học nửa chừng để ra đời kinh doanh, lập công ty Microsoft, sản xuất hệ điều hành máy tính. Ông ta đã thành công vì quyết định đó thật ra không phải là do ý thức của ông ta chọn, mà do chính nghiệp thức của ông ta đã chọn một cách vô ngã, phù hợp với nhân duyên hoàn cảnh thực tế của thế giới lúc đó. Nhiều người khác nếu muốn bắt chước Bill Gates, ý thức của họ tự lấy quyết định dởm, bỏ học đi kinh doanh thì chỉ có thất bại mà thôi.

Thí nghiệm này hé lộ cho chúng ta thấy rằng các lãnh đạo thế giới như Obama, Tập Cận Bình hay Putin, có thể không hề quyết định gì cả. Họ cũng giống như Marcus, chỉ là người thừa hành, mặc dù chính bản thân họ đều tưởng rằng họ quyết định. Chỉ như vậy họ mới thành công. Còn nếu ý thức của họ tự lấy bừa một quyết định dởm thì ắt sẽ thất bại. Việc Putin cho sáp nhập Cremea vào lãnh thổ Nga là một việc đúng như vậy. Hoàn cảnh, tình hình thực tế của Ukraina trong tháng 3-2014 hoàn toàn thuận lợi cho việc làm của Putin khiến ông ta thực hiện một cách ngon ơ. Và quyết định đó chắc chắn không phải do Putin làm, nếu ai đó có khả năng nhìn vào não của Putin, ắt sẽ thấy quyết định đã có trước khi Putin ý thức được điều đó.

Như vậy thế giới không phải do lãnh đạo của các siêu cường hay các cường quốc quyết định. Chắc chắn là như thế.

Mọi người đều lầm tưởng rằng Mikhail Gorbachev là người chịu trách nhiệm làm sụp đổ Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sự thật không phải vậy. Cái cộng nghiệp của nhân loại là thế giới phải chịu 74 năm (1917-1991) dưới sự thống trị một nửa của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội, hết nghiệp đó thì thế giới phải thay đổi, Gorbachev chỉ là người vâng mệnh trời một cách vô thức, thi hành sứ mệnh mà thôi. Ví dụ như mệnh trời hay nghiệp không phải là như thế, thì không ai làm gì được cả. Liên Xô sụp đổ vì nó đã tới lúc sụp đổ, chứ chẳng phải phương tây hay Gorbachev làm cho nó sụp đổ.

Chẳng hạn siêu cường Hoa Kỳ với sức mạnh vô địch về kinh tế và quân sự, nhưng ý thức của tổng thống Mỹ, George Bush đã lấy một quyết định dởm, không phù hợp với nhân duyên, nên không thể thắng nổi vài ngàn lính Taliban trang bị thô sơ, vì cộng nghiệp của dân Afghanistan chưa cho phép bình định xứ sở này.

Năm 1989, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa đang sụp đổ nhanh chóng, hàng triệu sinh viên Trung Quốc nghĩ rằng đã tới lúc họ đòi hỏi cải cách chính trị, cần có nhiều tự do dân chủ hơn, vì vậy họ tập trung rất đông ở quảng trường Thiên An Môn để đấu tranh. Họ có rất nhiều hi vọng thành công trước xu thế hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ tới nơi rồi, chỉ ba tháng sau thì bức tường Berlin sụp đổ và hai năm sau thì cả Liên Xô cũng sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng cộng nghiệp của người TQ chưa tới lúc từ bỏ đảng cộng sản, thế nên mặc dù sinh viên rất đông và cả thế giới ủng hộ họ, nhưng cả sinh viên và thế giới đều không phải là người quyết định. Nghiệp chưa tới, nên chính quyền đàn áp được cuộc biểu tình, bởi vì cái nghiệp của TQ lúc đó là tiếp tục tiến hành cuộc cải cách mở cửa về kinh tế, thực thi đã được 10 năm và bắt đầu thành công, đưa TQ hiện đại hoá, cuộc gây rối của sinh viên nhanh chóng bị quên lãng. Phương tây cho rằng Đặng Tiểu Bình phải là người chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát Thiên An Môn. Phương tây trong đó có BBC, mở một chiến dịch tuyên truyền và cấm vận chống TQ vì cuộc thảm sát này. Nhưng thực tế không phải Đặng Tiểu Bình quyết định, nếu ai đó có thể nhìn vào não của ông ta, thì có thể thấy trong não của ông đã có quyết định trước khi ông ta ý thức về điều đó, không phải chỉ 6 giây như trong thí nghiệm tại Berlin năm 2010, do BBC công bố, mà là hơn một tháng. Nếu nghĩ kỹ về ý nghĩa triết học của video này thì phải hiểu rằng không phải Đặng Tiểu Bình quyết định, ông ta chẳng có quyết định gì cả, vậy ai hay cái gì mới thực sự quyết định. Xin xem video sau:

Universe 8 – Thức trong Vật Lý Lượng Tử – Phụ đề Việt ngữ
https://www.youtube.com/watch?v=3jVJOVk9fK4

Bản chất của vũ trụ vạn vật là ảo, là giả

Theo tiến sĩ Amit Goswami hay vài nhà vật lý lượng tử khác mà video đã đề cập, Thức mới chính là “người” quyết định. Nhưng Thức không có bản ngã, nó thuần tuý chỉ là thông tin, là sự hiểu biết, là tinh thần, nó không phải là ai cả, nhưng nó thực tế là nhân tố quyết định tất cả mọi hiện tượng gì sẽ xảy ra trong thế giới. Các nhà vật lý lượng tử cũng bí về danh từ, họ không biết một thuật ngữ nào khác tốt hơn, nên đành dùng từ Conciousness. Nhưng từ này có thể nhầm lẫn với ý thức của mỗi cá nhân. Thức ở đây phải hiểu là đồng nghĩa với A-lại-da thức của Duy thức học Phật giáo. Nó là kho chứa vô hình của tất cả mọi hiện tượng xảy ra trong Tam giới. A-lại-da thức khi phân tích, lại bao gồm 8 thức. Cộng nghiệp của mỗi cá nhân, mỗi tập thể hay một dân tộc đều chứa sẵn trong A-lại-da, Thức sẽ tuỳ duyên, tuỳ nghiệp mà chọn lựa dữ liệu thông tin thích hợp cho từng trường hợp, sự kiện cụ thể. Ý thức của cá nhân, dù đó là lãnh tụ chính trị của siêu cường quốc mạnh nhất thế giới, cũng chẳng phải là yếu tố quyết định, nó thực sự chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Vẻ bề ngoài là chính ông ta quyết định, ai cũng tưởng như vậy, chính bản thân ông ta cũng nghĩ như vậy. Chỉ có bậc giác ngộ mới hiểu ông ta thật ra không phải người quyết định, chỉ là người thừa hành mà thôi.

Có trường hợp cụ thể nào trong lịch sử, nó chứng tỏ người lãnh đạo không thực sự quyết định ? Chắc chắn là có, có cả một học thuyết. Lão Tử viết Đạo Đức Kinh chính là dành cho các bậc vua, chúa, lãnh đạo quốc gia, trong đó ông đề nghị Vô vi nhi trị 無 為 而 治 (không làm gì mà nước thịnh trị). Không làm là không có người lấy ý kiến riêng của mình để quyết định, chứ không phải tất cả mọi người đều khoanh tay ngồi không. Mọi người vẫn tiến hành cuộc sống của mình theo một cái đạo lý mà mọi người khi không có tư dục thì cảm nhận được ở trời. Loại cảm nhận này, các nhà thơ nhà văn thấy rõ và họ cũng thường diễn tả. Chẳng hạn Đào Tiềm thích một cuộc sống nơi điền viên, chân thật, sống trong tình cảm của người thân. Ông nói trong bài Quy khứ lai từ :

登東皋以舒嘯 Đăng đông cao dĩ thơ khiếu - Lên chỗ bãi đông ngâm nga thoải mái

臨清流而賦詩 Lâm thanh lưu nhi phú thi - Đến con suối trong mà làm thơ văn

聊乘化以歸盡 Liêu thừa hoá dĩ quy tận - Hãy theo sự biến hoá mà về chỗ vô cùng

樂夫天命復奚疑 Lạc phù thiên thiên mệnh phục hề nghi - Vui mệnh trời còn nghi ngờ chi !

Vậy nói không làm nhưng thực ra là không làm theo tư dục chứ không có điều gì không làm, và làm theo sự chỉ đạo rất chuẩn xác của thức ở cõi vô hình.

Một ví dụ khác là các vị vua Phật giáo đời Trần ở Đại Việt với ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Lần 1 năm 1258 dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thái Tông. Lần 2 năm 1285 dưới sự lãnh đạo của Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Lần 3 diễn ra năm 1287 dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông. Các vua Nhà Trần đều là bậc giác ngộ nên tất nhiên là từ bi hỉ xả, hiểu rõ lẽ vô thường vô ngã. 

Thế nhưng đất nước sắp bị ngoại xâm, giặc Nguyên Mông rất mạnh, chúng từng làm khiếp đảm cả Châu Âu. Với vai trò làm vua thì các ngài phải đóng cho trọn vai trò làm vua. Biết rằng chiến tranh là tàn khốc, máu đổ đầu rơi, nhưng thực ra các ngài cũng không có tác ý, hoàn toàn đúng như video thứ nhất chỉ rõ. Không phải các ngài quyết định. Chính là nghiệp trong A-lại-da thức quyết định những gì diễn ra trong ba cuộc kháng chiến đó. Các ngài là bậc giác ngộ nên hiểu rõ là mình không có tác ý, không phải là mình quyết định chiến hay hoà. Hội nghị Diên Hồng diễn ra năm 1284, trước cuộc kháng chiến lần thứ hai chứng tỏ không phải vua quyết định. Chúng ta hãy xem lại video và tìm hiểu thêm các nhà vật lý lượng tử phối hợp với bác sĩ thần kinh giải thích rõ cơ chế trường Duy Thức tạo ra vật chất như thế nào, chúng ta cảm nhận vật chất đặc cứng, rắn chắc, nhưng đó chỉ là tưởng tượng của bộ não mà thôi, chúng ta bị đánh lừa mà không biết.

Universe 6 – Bộ não người và cơ chế tạo ra thực tại ảo
https://onedrive.live.com/?authkey=%21AOjTsR4kR_tct8o&cid=3A697DD6BE1AB73E&id=3A697DD6BE1AB73E%214933&parId=3A697DD6BE1AB73E%21106&o=OneUp

Các bậc giác ngộ biết rằng vật chất không có thật, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cái ta cũng không có thật, nó không quyết định gì cả, nếu nó mạo phạm, lấy quyết định dởm không có cơ sở thì ắt chuốc lấy khổ, chẳng hạn trường hợp của hiệu phó Kang Min Kyu. Vũ trụ vạn vật và cuộc sống con người chỉ là một cuộc hí trường, một trò chơi với những vui buồn sướng khổ mê muội. Tuy là hí trường, nhưng nó cũng có quy luật nhất định. Những quy luật này không phải là chân lý vĩnh viễn, nghĩa là, nói cho cùng thì luật nhân quả cũng không phải là chân lý vĩnh cửu, nó chỉ có giá trị trong chiêm bao, song chiêm bao lại là giấc mơ gần như vĩnh cửu đối với tuyệt đại đa số chúng sinh. Trong bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh, đức Phật đưa ra câu chuyện “người mù sờ voi” để làm ví dụ cho sự mê muội của người đời. Chúng ta đều đã nghe kể câu chuyện đó rồi, không cần nhắc lại, gần như toàn thể chúng sinh đều giống như những người mù, họ chỉ cảm nhận con voi theo sự tưởng tượng của họ, nên 5 người mù có 5 kiểu tưởng tượng hoàn toàn khác nhau. Họ không bao giờ biết được toàn thể hay chân tướng của con voi. Điều này được các nhà vật lý lượng tử trình bày lại một cách khoa học và thuyết phục. “Con voi” ngày nay được hiểu là miền tần số (frequency domain) có khi còn được gọi là Trường Siêu dây (Superstring field) hoặc Trường thống nhất (Unified field). Còn nếu đối chiếu với duy thức học Phật giáo thì có thể gọi nó là Trường duy thức hoặc Trường A-lại-da thức. Nó chứa tất cả dữ liệu (xưa gọi là chủng tử) để tạo ra vũ trụ. Nó vô hình nhưng các nhà khoa học nghĩ là nó có dạng sóng tần số, nó không nằm trong không gian vũ trụ, nhưng nó lại là nguồn gốc của không gian vũ trụ.

Các nhà khoa học nói rằng không gian vũ trụ chỉ là ảo ảnh, là một toàn ảnh (hologram) nghĩa là không có thật. Vũ trụ vạn vật chỉ xuất hiện trong bộ não của sinh vật, một số tần số sóng được chọn lựa đưa vào bộ não, bộ não chuyển dịch chúng thành vật chất, thân thể, cây cối, nhà cửa, đồ vật… Ai hay cái gì chọn lựa? Chính là thức (Phật giáo còn gọi là Chánh biến tri). Chọn lựa theo tiêu chuẩn nào? Theo nghiệp duyên của chúng sinh. Theo Duy thức học thì Thức bao gồm 8 loại trong đó Manas (Mạt-na) là thức chấp ngã của mỗi chúng sinh. Những dữ liệu trong Manas của chúng sinh được chọn lựa để đưa vào não của chúng sinh đó, và từ đó phóng hiện thành thế giới của chúng sinh đó. Rồi Manas sẽ tương tác với vật từ trong Thức của nó phóng hiện ra không gian 3 chiều. Do cộng nghiệp, nhiều chúng sinh có thể thấy và tương tác với cùng một vật. Chẳng hạn hàng tỉ con người trên địa cầu đều thấy có Mặt trăng. Thế nên nhà thơ đời Tống, Tô Thức, có làm bài thơ, câu cuối là :

Thiên lý cộng thuyền quyên (xa nhau ngàn dặm nhưng cùng thấy một Mặt trăng).

Thuyền quyên là từ ngữ xưa ám chỉ Mặt trăng. Gái thuyền quyên ám chỉ cô gái tuổi trăng tròn khoảng 15, 16. Mời bạn xem bài hát để thư giãn một chút.

Đản Nguyện Nhân Trường Cửu – Tô Thức – Đặng Lệ Quân – Việt dịch
https://www.youtube.com/watch?v=xHaB6KXJbsk

Vật chất không có thật, nên cũng không phải là khách quan. Đó là lý do giải thích tại sao con người đã cố gắng tìm sinh vật khác ngoài hành tinh, trải qua nửa thế kỷ rồi mà không hề thấy. Từ năm 1960 người Mỹ đã mở đầu chương trình SETI (Search for Extra-Terrestrial Intelligence = Tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất) dùng sóng radio phát ra vũ trụ để tìm tín hiệu phản hồi từ những nền văn minh khác. Đến năm 1995 khi nhân loại đã có computer và mạng Internet, nhiều cá nhân trên khắp thế giới đã tình nguyện tham gia vào chương trình tìm kiếm này bằng cách tham gia phân tích dữ liệu, nhưng đến nay vẫn vô vọng, không tìm thấy một phản hồi có ý nghĩa nào cả.

Thỉnh thoảng cũng có người thấy, thậm chí có người tiếp xúc được, nhưng không có cơ sở vững chắc để khoa học kết luận là có sinh vật khác ngoài hành tinh. Có thể có người hay chúng sinh từ thế giới khác đến, nhưng họ không thấy có địa cầu, cũng không hề thấy có người trái đất. Bởi vì Trái đất và nhân loại chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng là hiện thực vật chất bằng xương bằng thịt đối với người ở trong cùng toàn ảnh, nhưng là ảo, là không có thật đối với người ở ngoài toàn ảnh. Đây là một nguyên lý cơ bản của Khoa học toàn ảnh.

Nếu chúng ta không hiểu rằng ảo, giả, chính là nguyên lý của thế giới. Thế giới chỉ là thế lưu bố tưởng, là tưởng tượng của thức. Chúng sinh, trong đó có con người, là những diễn viên trong đại hí viện vũ trụ. Nếu không hiểu, tưởng rằng mọi hiện tượng xảy ra đều chân thật, tưởng rằng hôn nhân, tình yêu, các mối quan hệ giữa con người là chân thật, quả là một nhầm lẫn lớn.

Tuy hiểu rõ bản chất của thế gian là ảo, là giả, song Phật pháp không dạy con người sống giả dối, bởi vì thế giới đó là tương đối. Ý nghĩa của tương đối đã được Albert Einstein nêu ra rất cụ thể. Khối lượng vật chất là tương đối nghĩa là nó không cố định và có thể tăng giảm. Khoảng cách không gian là tương đối nghĩa là 1 mét không phải lúc nào cũng là một mét, có khi nó là 10-33 (mười luỹ thừa trừ 33) cm. Có khi nó là 93 tỉ quang niên. Hoặc không gian vũ trụ đồng thời là chất điểm, đồng thời là vũ trụ hiện nay, bởi vì thời gian không có thật. Thời gian tương đối có nghĩa là tuổi thọ trung bình của con người là khoảng 70 năm, nhưng con người có thể du hành đến một hành tinh khác cách xa Trái đất vài trăm năm ánh sáng và trở về mà chưa hết đời người. Thế giới tương đối mang đến sự mới mẻ cho đời sống nhân sinh, có nhiều điều không thể dự đoán theo lô-gích, tức là nói theo toán học, không thể dùng phương trình đường thẳng để biểu diễn.

Vì vậy nền giáo dục của Phật giáo lại rất tôn trọng sinh mệnh của chúng sinh, không phải vì ảo mà coi thường sinh mệnh. Đạo Phật đặt ra giới luật, tối thiểu là ngũ giới dành cho phật tử tại gia, trong đó giới đầu tiên là không được sát sinh hại vật, và nên ăn chay để tránh tàn hại loài hữu tình, gây thêm đau khổ cho đời, mặc dù biết rằng đau khổ cũng chỉ là ảo. Ở đây chúng ta lại rút ra được một nguyên lý quan trọng: Trong thế giới tương đối, không nên suy luận theo lô-gích. Lô-gích chứa đầy cảm tính, mà cảm tính có nhiều sai lầm.

Chẳng hạn một người bắn cung đứng cách đích 10m, mũi tên bay với vận tốc 100m/giây. Vậy chỉ trong một phần mười giây, mũi tên sẽ cắm phập vào đích. Đó chỉ là một cách suy luận. Zénon có một cách suy luận khác. Mũi tên luôn luôn còn một nửa đoạn đường để vượt qua nên sẽ không bao giờ đến đích. Người bình thường cho rằng chỉ có cách suy luận thứ nhất là đúng, mũi tên chắc chắn sẽ cắm vào đích chỉ sau một phần mười giây. Nhưng hầu hi quý cũng đã hai lần chứng tỏ rằng cách suy luận của Zénon cũng không phải sai, thực tế viên đạn từ họng súng bắn ra đã không đến đích. Điều đó xác nhận lập trường của Phật giáo, thế giới chỉ là tưởng tượng, không có thật nên cũng không có chân lý vĩnh cửu, chỉ có lẽ đúng tương đối mà thôi.

Đức phật khám phá rằng toàn bộ lục thức đều là sai lầm, không đáng tin cậy. Như vậy nếu chúng ta dựa vào các giác quan, ắt không tránh khỏi sai lầm. Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng sinh là tưởng thế gian có thật, trong khi trí bát nhã của Thích Ca thấy rằng thực tế chỉ là tánh không, không có gì cả, tất cả chỉ là tưởng tượng. Trong hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement), đã thể hiện rõ ràng tính chất phi hiện thực (nonrealism), bất định xứ (nonlocality) và phi số lượng (nonquantity) của lượng tử, chứng minh một cách ngoạn mục tánh Không mà Thích Ca đã khám phá. Khám phá của Đức Phật, ngày nay được các nhà vật lý lượng tử trình bày lại một cách rõ ràng, rõ đến mức tiến sĩ Amit Goswami nói rằng rõ như ban ngày.

Universe 8 – Tiến sĩ Amit Goswami nói về Thức
https://www.youtube.com/watch?v=fWQdTrhi8oM

Kết luận

Thế giới không phải do lãnh đạo các siêu cường hay các cường quốc quyết định. Bề ngoài thì có vẻ như họ quyết định vận mệnh của thế giới, nhưng luận chứng khoa học về cả hai phương diện vũ trụ quan (thí nghiệm hai khe hở, hiện tượng vướng víu lượng tử) và cơ thể học (bộ não là toàn ảnh, não đã có quyết định trước ý thức 6 giây) đều chứng tỏ vũ trụ và bộ não người đều là toàn ảnh. Toàn ảnh được định nghĩa là ảo ảnh xuất hiện ở nơi nó không tồn tại. Điều này mới được khoa học thế kỷ 21 xác nhận trong thời gian rất gần đây (phát hiện tiếng ồn toàn ảnh năm 2012). Nhưng Phật giáo đã đề cập vấn đề này từ lúc Thích Ca chứng Anuttara Samyak Sambodhi (Vô thượng chánh đẳng chánh giác) cách nay hơn 2500 năm. Trong kinh điển Phật giáo cũng không hiếm trường hợp đề cập như: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Kim Cang). Sắc bất dị không, không bất dị Sắc (Bát Nhã Tâm Kinh). Pháp giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại (Hoa Nghiêm). Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức (Thành Duy Thức Luận) v.v…

Những gì xảy ra hay xuất hiện trong vũ trụ đều là vô thường, vô ngã, không có ai quyết định. Đây chính là niềm hi vọng của các nước nhược tiểu, vì họ sẽ không phải mãi mãi tuỳ thuộc vào nước lớn. Vận mệnh của thế giới không phải do nước lớn quyết định. Mà nước lớn cũng không thể đắc thời mãi mãi, nhiều việc xảy ra không thể lường trước được. Đế quốc Anh, đế quốc Pháp, phát xít Đức, quân phiệt Nhật, chỉ tồn tại một thời. Nước Mỹ cũng không thể lãnh đạo thế giới mãi. Trung Quốc hiện đang đắc thời, nhưng chắc chắn cũng không thể lâu dài mãi mãi.

Cư sĩ Truyền Bình