Làm chủ cái tâm

21 Tháng Mười Hai 201610:56 CH(Xem: 3554)
Làm chủ cái tâm

Làm chủ cái tâm

"Chính các con phải kiên trì cố gắng, chư Phật chỉ hướng dẫn trên con đường. [2]" Những chân lý vàng ngọc vô cùng quý giá trên dạy con người nên tìm hạnh phúc ở bên trong mình, bằng cách tự lực chứng ngộ.

Người học Phật một cách vô tư đã thận trọng đọc suốt những kinh điển thời nguyên thủy, sẽ luôn luôn gặp phải một nhân vật tích cực cương quyết, một con người đã thành đạt Giác Ngộ tối thượng và trạng thái châu toàn vượt khỏi mọi trói buộc, bằng cách kiện toàn những phẩm hạnh luân lý, trí thức và đạo đức đến mức tuyệt đối hoàn hảo, một vị thầy hăng say làm việc không biết mệt với ý chí sắt đá, quyết định phổ truyền chân lý mà mình đã chứng ngộ. Nhân vật tích cực hăng say ấy là đức Phật.

Đức Phật không phải chỉ là một triết gia khác, giữa nhóm các triết gia, mà là vị hiền triết giác ngộ mà giáo huấn ban truyền sẽ cách mạng hóa tư tưởng và đời sống nhân loại. Lòng hy sinh cao cả, tâm từ vô lượng, tâm bi vô biên và đức khoan hồng đại độ, phối hợp với phẩm cách đặc biệt cao cả của Ngài, nâng cao những ai, từ đám mây mờ vô minh bước theo dấu chân Ngài, và khai ngộ, soi sáng chân lý cho họ. Giáo huấn của Ngài phát xuất từ miền Bắc xứ Ấn Độ, nhưng lời kêu gọi trong bức thông điệp của Ngài được phổ cập đại đồng. Đức Phật ngỏ lời cùng toàn thể nhân loại ở mọi thời đại. Giáo pháp và giới luật (dhamma-vinaya) được ban truyền cho tất cả mọi người, dầu nói ngôn ngữ gì, ăn mặc như thế nào, dầu tự mình gọi quốc gia nào là "quê hương". Ngôn ngữ của đức Phật là chân lý, Ngài ở bên trong bộ y phục chân lý, và toàn thể thế gian là "quê hương" của Ngài, bởi vì chân lý ở khắp nơi, vào mọi thời đại, mỗi cá nhân phải tự mình chứng ngộ. Đó là ý nghĩa của lời nói rằng giáo pháp của đức Phật phổ cập đại đồng. 

Chân lý được đề cập đến trong Phật Giáo không có tính cách khái niệm, và như thế không thể chỉ truyền thông bằng ngôn ngữ suông. 

Trong khi một vị toàn giác có thể hướng dẫn, rọi sáng cho chúng ta con đường dẫn đến chân lý, tự chúng ta phải thực hành phương pháp thiền tập để chứng ngộ chân lý và làm cho chân lý trở thành của chính ta.

Đức Phật hoàn toàn làm chủ cái tâm. Xuyên qua nhiều kiếp sống liên tiếp Ngài đã chặt chẽ nắm vững, trau giồi và phát triển tâm mình bằng pháp hành thiền và nhiều hình thức khác, nhằm nâng cao phẩm giá tinh thần. Do đó Ngài có thể thấu đạt và tuyên dạy những chân lý thâm sâu của đời sống, ý nghĩa, và mục tiêu của cuộc sống. Nhưng con người thông thường ngày nay lưu tâm đến Phật giáo không phải vì chú trọng đến chính những chân lý thâm sâu cao diệu ấy, mà vì muốn học hỏi để biết làm thế nào tìm ra một giải pháp thực dụng cho những hoài nghi và những khó khăn làm họ bối rối và nhầm lẫn trong sự cố gắng thành đạt hạnh phúc.

Khi giải đáp thắc mắc cho một đệ tử, Ngài mạnh mẽ thuyết giảng chân lý này như sau: "Tâm hướng dẫn thế gian, tâm lôi kéo thế gian; tất cả đều diễn tiến dưới sức lôi cuốn của tâm.[1]" Khoa học chưa khám phá đầy đủ, nhưng hơn 2,500 năm về trước Đức Phật đã chứng ngộ quyền năng tối trọng yếu của tâm, trên tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Phật giáo thời nguyên thủy chủ trương rằng năng lực của tâm rất rộng lớn và ta phải trau giồi đúng mức để thành đạt mục tiêu tối hậu là Niết bàn. Trong khi không phủ nhận giá trị và ảnh hưởng lớn mạnh của thế gian vật chất trong đời sống tâm linh, Phật giáo chú trọng nhiều hơn đến tầm mức quan trọng của tâm. Năng lực của tâm thật sự quả là một thực tại.

Nhiều người tìm nguồn cảm hứng và hạnh phúc từ bên ngoài, và thất vọng. Chỉ khi nào nhận thức năng lực tối thượng của tâm và thấu hiểu rằng chính cái tâm của mình có thể biến đổi thế gian này thành một cõi thiên đàng hay một cảnh địa ngục cho mình, chừng đó ta mới học được phương cách phải làm thế nào để thành đạt hạnh phúc.

Đức Bổn Sư, người hoàn toàn làm chủ cái tâm, giải thêm trong Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 165:

"Làm điều ác do ta, và 
Làm cho ta ô nhiễm, cũng do ta. 
Do ta, không làm điều ác, và 
Làm cho ta trong sạch, cũng do ta. 
Trong sạch hay ô nhiễm đều tùy nơi ta. 
Không ai có thể làm cho người khác trong sạch."

Lại nữa, Đức Bổn Sư dạy: "Chính tự các con phải kiên trì cố gắng, chư Phật chỉ hướng dẫn trên con đường. [2]" Những chân lý vàng ngọc vô cùng quý giá trên dạy con người nên tìm hạnh phúc ở bên trong mình, bằng cách tự lực chứng ngộ.
 
Một chân lý thâm sâu khác mà đức Bổn Sư dạy là:

"Tất cả các pháp hữu lậu đều vô thường, 
Phát sanh và hoại diệt là bản chất thiên nhiên của chúng; 
Được sanh ra rồi tan biến, 
Thoát ra khỏi chúng là hạnh phúc tối thượng. [3]"

"Tất cả những gì có bản chất phát sinh ắt có bản chất hoại diệt [4]". Đặc tướng vô thường ấy là tinh chất chánh yếu của tất cả mọi sự vật. Con người đau khổ bởi vì tất cả những gì con người thương yêu quý mến -vợ con, tài sản, và quyền thế không mãi mãi vĩnh tồn. ở bất luận tầng lớp nào trong xã hội, vẫn có lo âu phiền lụy để bảo tồn cho được vĩnh cửu những gì ta quý mến và ấp ủ thân yêu. Chỉ khi nào chứng ngộ chân lý thâm sâu về đặc tướng vô thường của vạn hữu con người mới học được bài học buông bỏ ái dục, bởi vì chính ái dục gây đau khổ cho con người. Về điểm này sau đây là một lời dạy thâm sâu khác của Đức Bổn Sư, người đã vững chắc làm chủ cái tâm:

"Ái dục sinh sầu muộn. 
Ái dục sinh lo sợ; 
Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục 
Không còn sầu muộn, 
Càng ít lo sợ." 
-- (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 216)

Đôi khi đức Phật chú trọng đến mục tiêu chữa trị hơn là khách quan phân tách sự vật. Nhưng điều trọng yếu là Ngài thật sự quan tâm đến quan kiến phân tách sự vật, bởi vì chỉ có cách tỷ mỷ phân tách sự vật mới có thể thấu đạt thực tướng của vạn pháp, thấy sự vật đúng như sự vật thật sự là vậy. Xuyên qua pháp môn hành thiền đức Phật khám phá những chứng bệnh phổ thông mà gốc rễ ăn sâu vào tâm linh và trí não con người. Trí tuệ minh sát tuyệt diệu của đức Phật hướng sâu vào những sinh hoạt của tâm, làm cho Ngài là vị chủ nhân hoàn toàn nắm vững cái tâm, là tâm lý gia và là khoa học gia thượng thặng. Đúng thật là phương cách mà Ngài chứng đạt những chân lý của đời sống tâm linh ấy không phải lúc nào cũng tự bản thân Ngài kinh nghiệm; tuy nhiên, những gì mà đức Phật khám phá đều đúng với chân lý và, trong thực tế, được những người đã chứng nghiệm chân lý ấy xác nhận. Nhưng trong khi tìm hiểu những chân lý ấy mục tiêu của đức Phật không giống như mục tiêu của các khoa học gia. Nhà khoa học quan tâm đến việc thâu thập một kiến thức khách quan về thiên nhiên, nhưng những lời dạy của đức Phật về bản chất thiên nhiên của tâm và cơ thể vật chất, hướng về mục tiêu giải thoát, trạng thái châu toàn tối thượng vượt khỏi mọi trói buộc. Giáo huấn của Ngài đặt nặng về tâm và những hiện tượng tâm linh, bởi vì tâm và những hiện tượng tâm linh có vai trò tối trọng yếu làm phát khởi hành động.

Trong Phật Giáo, nền tảng là tâm:
 
"Tâm dẫn đầu các pháp; 
Tâm làm chủ các pháp; 
Tâm tạo tác các pháp" 
-- (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 1).

Đức Phật là một người. Chí đến khi đã trở thành Phật Ngài không bao giờ tự xưng là Thần Linh, Thượng Đế hay Brahma (Phạm Thiên), đã tạo nên thế gian và ngồi lại phân xử định mạng của nhân loại. Ngài chỉ là một người, giữa đám người. Khi được hỏi Ngài là ai, câu trả lời đến như sau: "Ta là người giác ngộ", và Ngài tóm lược sự thành tựu của Ngài như sau:
 
"Ta hiểu biết những gì cần phải được hiểu biết, 
Những gì phải được trau giồi, ta đã trau giồi. 
Những gì phải được buông bỏ, ta đã buông bỏ. 
Do đó ta là Phật, bậc Toàn Giác. 
--(Sutta Nipàta, câu 558)

Trong hàng phật tử, những người bước theo dấu chân đức Phật, nhận thức rằng hạnh phúc và đau khổ là hậu quả của những hành động và những lỗi lầm của mình, không van vái nguyện cầu và không mong đợi Ngài ban thưởng hay hình phạt. Họ quy y, trở về nương tựa dưới bóng của đức Phật, hiểu biết rằng cuộc sống và những lời dạy của Ngài là gương mẫu và lý tưởng hướng dẫn họ trên đường đời. Khi thực hành đúng theo giáo huấn của Ngài họ có thể từ thấp vươn mình lên mức sống tâm linh cao thượng hơn, và cuối cùng thành đạt hạnh phúc thật sự, vốn là thành quả của trạng thái triển khai tinh thần siêu tuyệt nhất, hạnh phúc Niết bàn.

Đức Phật cũng có thể được tôn là một nhà cách mạng, trong ý nghĩa cao cả nhất của danh từ. Mục tiêu chánh yếu của Ngài là biến chuyển đời sống nội tâm, thế gian bên trong của con người, và soi sáng con đường dẫn đến trạng thái tâm trong sạch (Thanh Tịnh Đạo), thanh bình và hạnh phúc. Nhưng Ngài nhận thấy xã hội Ấn Độ rất cần phải được đổi thay toàn diện, bởi vì có quá nhiều chênh lệch kinh tế và tình trạng phân chia giai cấp. Về tình trạng kinh tế bất đồng đức Phật thành công đem lại một nền kinh tế ổn định, vững bền và châu toàn, trong đoàn thể chư tăng ni. Bất luận đất đai, chùa chiền, và lễ vật nào mà thiện tín dâng cúng đến Giáo Hội Tăng Già (Sangha) luôn luôn cũng là tài sản của đoàn thể, không phải của cá nhân.

Tuy nhiên, Đức Thế Tôn chống đối mọi phân chia giai cấp trong xã hội. Khi ban truyền Giáo Pháp (Dhamma) Ngài không có sự phân biệt nào về giai cấp, đẳng cấp, nam nữ, phe nhóm, hay lối phân chia nào khác. Những người nam và nữ, từ các tầng lớp khác nhau trong đời sống giàu cũng như nghèo, thấp như cao, vô học hay hữu học, giai cấp bà la môn hay cùng đinh, hạng vương tôn công tử hay bần cùng, thánh thiện hay tội lỗi lắng nghe đức Phật, xin quy y nương tựa nơi Ngài, và bước chân vào con đường dẫn đến tịnh lạc và giác ngộ mà Ngài soi sáng. Con Đường ấy đã được rộng mở cho tất cả mọi người.

Ngài luôn luôn hành động đúng theo lời mình dạy, luôn luôn căn cứ hành động của mình trên Tứ vô lượng tâm (brahmavihàra): Từ (mettà), Bi (karunà), Hỷ (mudità), và Xả (upekhà). Đức Phật được biết là người đã vứt bỏ gậy gộc (nihita danda), đã quẳng đi mọi gươm đao giáo mác (nihita sattha). Chính Ngài tự trang bị cho mình với hai loại khí giới: chân lý và từ bi.

Ngài là người đi bộ nhiều nhất trên thế gian. Ngài đi, và đi... trên các con đường lớn và các nẻo nhỏ của xứ Ấn Độ, bao trùm tất cả bên trong vừng hào quang từ bi và trí tuệ vô lượng vô biên.

Ngài di chuyển giữa đám người, nam và nữ, không phải như một đấng siêu nhân, một nhân vật siêu phàm, hay hậu thân của một thần linh, mà như một con người đúng thật là người. Trong thực tế, chính cái nhân cách ấy làm cho Ngài sáng chói rạng ngời, xuyên qua kinh điển ghi lại cuộc đời và những sinh hoạt của Ngài. Ngài truyền dạy, làm cho người ta hiểu biết rằng tất cả mọi người đều có thể giác ngộ, thành Phật như Ngài, nếu khai triển đúng mức và trau giồi đầy đủ những phẩm hạnh cần thiết để giác ngộ.

Cốt cách khoan thai dịu dàng, từ bi và vui vẻ của đức Phật làm cho tất cả những ai được duyên may tiếp xúc với Ngài đều cảm mến quý phục. Tuy nhiên, người ta cũng lấy làm vui mà nhận xét rằng vài người vào thời bấy giờ, đặc biệt là những vị ở các tín ngưỡng khác, lấy làm lo sợ không dám gởi đệ tử hay tín đồ đến đức Phật, e rằng họ sẽ từ bỏ đạo cũ theo về với Ngài. Điều này được thấy rõ qua đoạn sau đây:

Lần nọ Nigantha Nàtaputta (theo tín ngưỡng Jaina Mahàvira) muốn gởi người đệ tử cư sĩ trứ danh tên Upàli đến với đức Phật để tranh luận. Lúc ấy Dìghatapassin, cũng là môn đệ trong tín ngưỡng Jaina, nói với Nàtaputta như sau: "Theo tôi, bạch Ngài, không nên để cho Upàli đi tranh luận với Sa Môn Gotama (Cồ Đàm), bởi vì Sa Môn Gotama là người biện bác lanh lợi; ông ta bùa phép cao cường dễ làm mê hoặc tín đồ của những đạo khác (Gotamo màyàvi àvattanim màyam jànàti) [5]".

Có lẽ họ không biết rằng chính tâm từ (mettà) rộng lớn vô cùng tận của đức Phật đã thu hút người khác về với Ngài, chớ không phải "bùa phép".

Đức Phật là hiện thân của tâm từ (mettà), là người đã ban truyền những lời dạy và nêu những gương lành đượm nhuần từ bi, qua những quy tắc và cuộc sống của mình. Trong khi tranh luận, Ngài rất trầm tĩnh và đón nhận lời đối nghịch một cách khiêm tốn, thản nhiên, không chao động, không tỏ ý phiền giận. Saccaka, nhà hùng biện trứ danh thời bấy giờ, sau một cuộc tranh luận với đức Phật, không thể cầm lời:

"Quả thật kỳ diệu, quả thật tuyệt vời, trong khi bị người ta nặng lời như vậy, trong khi bị đả kích dữ dội bằng những lời khiển trách buộc tội, màu da của Sa Môn Gotama vẫn trong sáng và thái độ vẫn tươi tỉnh như của một vị A La Hán, bậc Ứng Cúng, đấng Chánh Biến Tri Tối Thượng." (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 36.)

Chí đến những lúc bị tấn công một cách thô tục đê hèn và bị khiển trách với những lời lẽ nặng nề, đức Phật không bao giờ mất bình tĩnh. Kinh sách ghi rằng Ngài mỉm cười, luôn luôn có một nụ cười mỉm hiền dịu trước khi mở lời (mihitapubbangamà).

Ernest F. Fenollosa quan sát như sau: "Người lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt ấy (của đức Phật) vô cùng cảm kích vì tánh cách thánh thiện thâm diệu của Ngài. Không có người nghiêm chỉnh nào theo Cơ Đốc Giáo và tâm mở rộng mà có thể tự chế, tự ngăn cản lòng cảm phục thúc giục lễ lạy, trước nụ cười dịu hiền đầy năng lực của Ngài."

Không có phẩm hạnh cá biệt nào mà con người cần phải có, là điều kiện tiên quyết, để làm tín đồ của một tôn giáo, làm công dân của một quốc gia, một chủng tộc hay làm người hấp thụ một văn hóa. Tất cả những ai có mắt để thấy và có tâm trí để hiểu biết đều nhận thức rằng những đức tánh như tình huynh đệ giữa người và người, lòng trắc ẩn và tình thương đại đồng, là chung cho toàn thể nhân loại. Nhưng khi bị hướng dẫn và lãnh đạo sai lầm, người ta nói đến "chiến tranh vì công lý" -- ta còn nghe nhắc đến "Thánh Chiến". "Chiến tranh là chiến tranh". Dầu là thánh chiến hay chiến tranh để bênh vực công lý, chiến tranh không bao giờ là hòa bình. Tất cả mọi cuộc chiến tranh đều tàn nhẫn.

Một diễn biến kia lần nọ đưa đức Phật đến chiến trường. Những người dòng Sàkya (Thích Ca) và người Koliya, vốn là hai láng giềng, đang chuẩn bị gây chiến tranh với nhau để giành quyền xử dụng nước của dòng sông Rohini. Hay biết rằng cuộc tàn phá đẩm máu sắp xảy ra, Đức Bổn Sư đến gần và hỏi họ, máu người và nước sông cái nào quý hơn. Cả hai đều nhìn nhận là máu người quý hơn. Đức Tôn Sư giảng giải cho họ, và cuộc chiến sắp bùng nổ được chặn ngưng. [6]

Trong lãnh vực tôn giáo và triết học, cuộc cách mạng to lớn nhất được đức Phật khởi đầu khi Ngài bác bỏ khái niệm về cái "ta", atta hay àtman, một linh hồn trường cửu, một tự ngã, hay tự kỷ. Thuyết vô ngã, anattà, chủ trương không có một linh hồn trường tồn vĩnh cửu, tuyệt đối là của Phật giáo. Đức Phật dạy rằng cái mà, nhằm những mục tiêu khác nhau, ta gọi là người nam, người nữ, hay cá nhân một luồng trôi chảy không ngừng của thân và tâm không phải tĩnh mà động, luôn luôn và liên tục chuyển biến.

Bây giờ, người nào thấy đời sống trong ánh sáng này và phân tách, thông hiểu rằng con người của mình là một liên tục tiếp nối của những nhóm (uẩn) vật chất và tâm linh, người ấy thấy sự vật đúng như sự vật là vậy. Người ấy không còn quan kiến sai lạc -- "thân kiến" (sakkàya ditthi), tin rằng có một thể chất trường cửu vĩnh tồn bất di dịch, một linh hồn hay tự ngã bất hoại -- bởi vì nhờ có chánh kiến người ấy thông suốt rằng tất cả mọi hiện tượng trong kiếp sinh tồn đều tương quan tùy thuộc (paticca samuppanna). Nhận thấy rằng tất cả mọi sự vật đều do một cái gì khác tạo duyên để có, và hiện hữu liên quan với duyên ấy, người ấy hiểu biết rằng không có một cái "Ta", không có một tự ngã vĩnh tồn, hay một cái gì liên quan đến cái tự ngã ấy, trong hay ngoài tiến trình sống này. Do đó người ấy không còn chấp thủ vào ý niệm Tiểu Hồn (jìvàtma) hay Đại Hồn (paramàtma), hoặc nữa một linh hồn trường cửu trong thế gian.

Đức Phật không chấp nhận một àtman, hay linh hồn, trường cửu bất biến, hay tự ngã vĩnh tồn, lớn hay nhỏ, vì tất cả chỉ do tâm tưởng tượng. Ngài hỏi:

"Trong khi không có một àtman, linh hồn hay tự ngã trường cửu mà đề cập đến vũ trụ như một àtman, hay tự ngã và nói rằng, 'Sau khi chết, tôi sẽ là àtman này, trường tồn, bất biến, vĩnh cửu và sẽ hiện hữu như một àtman, một cách vô cùng tận', thì có phải là điên rồ không?" [7]

Người mà nuôi dưỡng thâm sâu ý niệm về một linh hồn hay một tự ngã trường tồn, phải lo âu và kinh sợ khi nghe nói rằng quan kiến thân yêu của mình không đứng vững và phải bị phá tan, và chính mình sẽ bị tiêu diệt, thì người ấy bám dính vào ý niệm có một àtman, một linh hồn hay tự ngã trường cửu, để mình được bảo tồn. Vì lẽ ấy đức Phật dạy hàng tín đồ không nên xem Ngài là vị cứu thế, cứu rỗi linh hồn của những sinh vật do mình tạo nên, mà Ngài là vị Thầy, hướng dẫn họ trên con đường và khuyến khích họ tự nương nhờ lấy họ. Ngài cũng giảng giải hàng tín đồ rằng sau khi Ngài tịch diệt, họ phải tìm nương tựa và tìm sự bảo vệ nơi chính họ cũng như trong giáo pháp, chớ không nơi ai khác (attasaranà anannasaranà dhammasaranà anannasaranà). [8]

Tuy nhiên, vài học giả không thể chấp nhận thuyết vô ngã và do đó, cố gắng bóp méo giáo huấn của đức Phật, cố làm cho thấy rằng đức Phật cũng xác nhận có một tự ngã (atta). Thí dụ như Radhakrishnan, dịch sai câu kinh Dhammapada (Pháp Cú) số 160 như sau: "Tự ngã là chúa tể của tự ngã, còn ai khác có thể là chúa tể? Khi chế ngự được cái tự ngã của mình người kia tìm ra một chúa tể mà ít người có thể tìm thấy. [9]" Nhưng nơi đây danh từ "atta" không có liên hệ nào đến một linh hồn hay một tự ngã. Nó được dùng ở đây như một tái quy động từ hay bất định động từ (reflexive or indefinite pronoun) có nghĩa là chính tôi, chính anh, chính nó, chính ta v.v... Được phiên dịch đúng, câu này là:
 
"Chính ta là người bảo vệ ta (là nương tựa của ta). 
Còn ai khác có thể bảo vệ ta? 
Tự chính ta khéo kiểm soát chặt chẽ, 
Sẽ được sự bảo vệ rất khó tìm."
Những vị dịch giả ấy cũng hiểu sai danh từ then chốt "nàtha", có nghĩa bảo vệ, nương tựa, hỗ trợ, chớ không phải là "chúa tể". Bản Chú giải câu này ghi nhận: "nàtho ti patitthà"; nàtha có nghĩa là bảo vệ (nâng đỡ, nương tựa, hỗ trợ). Hãy nghĩ đến danh từ tiêu cực "a-nàtha". Có phải danh từ này nghĩa là "phi chúa tể", tức không có chúa, chăng? Không phải vậy. Nó có nghĩa là không có sự nâng đỡ, không có sự hỗ trợ. Lối phiên dịch sai lầm này cho ta ý niệm sai lạc rằng có một tự ngã lớn kiểm soát một tự ngã nhỏ, một đại hồn chỉ huy một tiểu hồn.

Vài người có chiều hướng nghĩ rằng giáo huấn của đức Phật có thể ví như triết lý Marxism (Mác Xít) bởi vì cả hai, Phật giáo và chủ thuyết Mác Xít, đều phủ nhận Thần Linh và một linh hồn trường cửu. Nhưng nói rằng Phật Giáo ảnh hưởng triết thuyết của Marx, hay chủ trương rằng Phật Giáo và Marxism gần giống nhau, thì quả thật sai lầm. Giáo huấn của đức Phật về định luật nhân quả trong lãnh vực đạo đức (kamma) dạy rằng trước kiếp sống này đã có kiếp trước, và sau khi chết còn có sự sống (punabhava), và trạng thái châu toàn tuyệt đối vượt khỏi mọi trói buộc (Nibbàna), hoàn toàn xa lạ đối với Marxism.

Người Mác Xít tin rằng ngoài vật chất không còn gì khác hiện hữu. Đối với họ, tâm cũng chỉ là sản phẩm của vật chất; họ tin rằng sau khi cơ thể vật chất này tan rã thì "nhân vật" cũng chấm dứt, không còn hiện hữu.

Đối với người phật tử, vấn đề tôn giáo và nguồn gốc của tôn giáo không phải là vấn đề siêu hình, mà là vấn đề tâm lý và trí thức. Đối với họ, tôn giáo không phải là tín ngưỡng suông hay quy tắc thần khải, do quyền lực thiêng liêng khai sáng và chỉ bảo, hoặc lòng kinh sợ một cái gì mình không biết, hay một chúng sanh siêu phàm có quyền ban thưởng những hành động thiện và hình phạt những hành động bất thiện của các sinh vật mà chính mình đã tạo. Thay vì quan tâm đến vấn đề thần học, họ chú trọng đến khía cạnh tâm lý và trí thức phát sanh do kinh nghiệm dukkha, tức đau khổ, những xung đột và những bất toại nguyện của đời sống, thật sự thực nghiệm trong kiếp sinh tồn.

Khi xem qua nội dung những lời được giảng dạy trong Phật giáo chúng ta có thể thấy rằng giáo huấn của đức Phật có phần sai biệt với các hệ thống tôn giáo khác, và điểm chánh là khái niệm về một Thần Linh tạo hóa.

Có rất nhiều đặc tánh tôn giáo trong đạo Phật, nhưng không thể xếp Phật giáo vào chung với những tôn giáo mà phần nòng cốt xoay quanh một Thần Linh và những năng lực siêu phàm. Phật giáo không nhìn nhận một Thần Linh tạo hóa trường tồn vĩnh cửu và không khuyên dạy một hệ thống nghi thức sùng bái và van vái nguyện cầu những thần linh. Do đó không có sự tin tưởng về một quyền lực cao siêu kiểm soát định mạng con người. 

Trong Phật giáo, con người xem tất cả những gì mình thực hiện tốt đẹp và thành tựu hoàn mãn đều do cố gắng và hiểu biết của chính mình. Phật Giáo là một giáo lý lấy con người làm trung tâm điểm, không phải thần linh. Như vậy, đối với người phật tử, tôn giáo là một lối sống, trong ý nghĩa một pháp hành, nhằm tự tạo cho mình một nếp sống luân lý, đạo đức và trí thức dẫn đến ánh sáng nội tâm cao siêu nhất để chấm dứt mọi hình thức đau khổ và những kiếp sinh tồn triền miên trong vòng luân hồi, cuối cùng giải thoát toàn vẹn cái tâm. Nhìn về phương diện triết học, đức Phật không quan tâm đến những vấn đề vốn làm bận tâm các triết gia, Đông và Tây Phương, từ xưa đến nay. Theo quan điểm của Ngài, những vấn đề siêu hình ấy chỉ làm rối trí con người và xáo trộn mức quân bình tâm trí. Những giải pháp của họ, Ngài biết như vậy, sẽ không ngăn chận được nỗi khổ đau và tình trạng bất toại nguyện, vốn là bản chất của đời sống. Vì lẽ ấy, Ngài thường do dự trước những câu hỏi tương tợ và đôi khi, không giải thích những thắc mắc được nêu lên một cách lầm lạc.

Thử thách của Phật giáo nhằm hướng các tư tưởng gia tôn giáo xét lại định nghĩa xưa cũ của danh từ tôn giáo, và tìm ra một định nghĩa mới cho danh từ có thể thích hợp với đạo Phật. Phương cách nắm lấy chân lý cao siêu nhất của người Phật tử, từ vô minh bừng tỉnh đến giác ngộ, trọn vẹn không tùy thuộc nơi sự phát triển thuần túy trí thức mà tùy thuộc nơi sự chấp nhận một giáo huấn thực hành. Chính công trình phối hợp chặt chẽ pháp học và pháp hành lý thuyết và thực hành ấy dẫn đến Giác Ngộ và giải thoát cùng tột.

Hòa thượng Piyadassi
Nguồn: http://www.budsas.org/uni/u-pgntd/pgntd-03.htm
----------------------------------------------------------------------
Chú thích:

[1] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, 117.
[2] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 276.
[3] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, ii, 157.
[4] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, I, 10; Samyutta Nikàya, v, 420.
[5] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 56; Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm ii, 190.
[6] Anguttara Nikàya Atthakathà (Chú giải) I, 241; Sutta Nipàta, 357; Theragàthà, 141.
[7] Kinh Alagaddùpama Sutta, trong bộ Majjhima Nikàya, Trung A Hàm. 22, 138.
[8] Kinh Đại Niết Bàn, Mahà Parinibbàna Sutta, trong bộ Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16, 100.
[9] S. Radhakrishnan, Gautama the Buddha (Hind Kitabs, Bombay: 1945)