Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phật giáo trong thời đại ngày nay

22 Tháng Mười Hai 201612:20 SA(Xem: 3722)
Phật giáo trong thời đại ngày nay

Phật giáo trong thời đại ngày nay

Phật pháp nói rằng tất cả những điều có thể nói ra, có thể diễn tả, đều không có nghĩa thật, người xưa nói: “Cử tâm tức thác, động niệm tức quai” 舉心即錯 動念即乖 (nổi ý là lầm lỗi, động niệm là sai trái) đó là điều chúng ta nên thường xuyên cảnh giác.

Thời đại ngày nay có đặc trưng gì?
Đặc trưng của ngày nay là khoa học kỹ thuật phát triển vô cùng mạnh mẽ. Khoa học kỹ thuật ảnh hưởng rất lớn tới đời sống con người. Nó giúp cho đời sống con người được tiện nghi hơn, dễ chịu hơn. Con người ngày nay có thể làm được những điều mà chỉ mới 20 năm trước đây thôi, người ta không thể làm được. Nhưng nó cũng khiến đời sống con người đứng trước những nguy cơ chưa từng thấy, ví dụ bom nguyên tử, chất độc hóa học, bom mìn.
Đối với con người ở những thế kỷ trước, đời sống nghèo khổ, chẳng hạn nhà văn nhà thơ nông dân Đào Tiềm 陶潛(365-427 CN) thời Đông Tấn. Lúc ông từ bỏ chức huyện lệnh Bành Trạch, về nhà nghỉ, không bao giờ ra làm quan nữa, sống thanh bần, nghèo khổ, chỉ còn tiếp xúc với láng giềng, ai đem rượu đến thì cùng uống say. Năm ông 62 tuổi, gặp lúc đói kém, nhà thơ lâm cảnh khốn cùng đến mức phải đi xin ăn. Tiêu Thống đời Lương viết “Khi Thứ sử Giang Châu là Đàn Đạo Tế đến thăm thì thấy nhà thơ nằm co ro, nhịn đói đã mấy ngày.” Đó là tình cảnh thường gặp của những người già yếu mà nghèo thời xưa.
Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng lâm vào cảnh tương tự khi về già. Sau khi tờ An Nam tạp chí do ông phụ trách đình bản vĩnh viễn, cuộc sống của Tản Đà vốn nghèo túng lại càng trở nên thiếu thốn hơn, phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm sống. Có khi người ta thấy ông ở khu Bạch Mai dạy chữ Nho. Có lúc ở Hà Đông, đăng quảng cáo lên mấy tờ báo: “Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội – Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu”. Năm 1938, ông còn mở cả một phòng đoán số Hà Lạc để xem bói. Tản Đà mở trường dạy chữ Hán không có người theo học, mở phòng xem bói cũng vắng khách, đời sống vất vả, không đủ tiền trả tiền thuê nhà. Ông phải tự trách mình:

Khi làm chủ báo, lúc viết mướn,
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
Trần gian thước đất vẫn không có
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xuân như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ hết cả ngông.
Người nghèo thời xưa nhất là khi đã nghỉ hưu khó có thể làm được gì. Còn ngày nay thì đã khác xưa nhiều. Chẳng hạn tôi đã nghỉ hưu, đã về quê sống ẩn dật, suốt ngày không rời khỏi nhà. Nhưng tình cảnh của tôi khác xa các bậc tiền bối, bởi vì khoa học ngày nay cung cấp những phương tiện mà ngày xưa không thể tưởng tượng nổi. Về kinh tế tôi cũng không khá gì hơn Đào Tiềm hay Tản Đà, cũng không có vườn đất, chỉ có ngôi nhà nhỏ đơn sơ giản dị, cũ kỹ, chỉ đủ che mưa nắng, thậm chí không có cả lương hưu, sống nhờ vào con cái, nó cho bao nhiêu sống bấy nhiêu. Thế nhưng tôi có máy vi tính, có hệ thống internet bao gồm ADSL và Wifi, điện thoại di động. Những thứ này ngày nay cũng rẻ tiền, ai cũng có thể sắm, chỉ vài triệu đồng. Đó là những công cụ rẻ tiền nhưng công dụng lại rất lớn, điều quan trọng là biết sử dụng một cách hữu ích. Tôi suốt ngày chỉ ngồi ở nhà, nhưng qua mạng internet, có thể nắm được mọi thứ thông tin mà mình quan tâm từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy tôi có thể viết bài, dẫn chứng tường tận những gì cần phải trình bày, có hình ảnh và video minh họa. 

Để có những đoạn video thích hợp, cần phải chế tác, tư liệu lấy từ nguồn video to lớn của Youtube và từ internet, chẳng hạn Baidu. Muốn chế tác video, phải có công cụ, đó là những software chuyên dụng như Total video converter, Any video converter, Vidlogo, Aegisub.

Các video tư liệu gốc thường là của nước ngoài, ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Anh, kế đó là tiếng Hoa. Đó là hai ngôn ngữ phổ biến nhất trên mạng internet hiện nay. 

Các tư liệu về khoa học thường là tiếng Anh, các kinh điển Phật giáo thì Hán tạng là đầy đủ nhất, kinh điển Phật giáo gốc bằng tiếng Phạn (sanskrit) đã được phiên dịch ra Hán ngữ một cách cẩn thận trong suốt hơn 1000 năm, có những bản kinh không còn bản gốc tiếng Phạn nhưng bản tiếng Hán thì còn. 

Khi Phật giáo truyền đến TQ, kinh điển tiếp tục ra đời bằng tiếng Hán, chẳng hạn Pháp Bảo Đàn Kinh kể về hành trạng của Lục Tổ Huệ Năng hay bộ Thiền sử Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄). Do đó kinh điển Hán tạng rất  phong phú. Nhưng đối tượng mà tôi hướng đến là người VN, do đó nhất thiết phải biên dịch. Muốn biên dịch phải có trình độ nhất định về ngoại ngữ và có từ điển. Chẳng hiểu sao ngày xưa từ lúc mới bước chân vào trung học, tôi đã quan tâm học ngoại ngữ, tôi chỉ tự học thôi, bắt đầu là tiếng Pháp, rồi đến tiếng Anh, và tiếng Hoa. 

Đến 1989 tôi tự học cả tiếng Nga, nhưng chỉ được hai năm thì Liên Xô sụp đổ nên tôi thôi, không tiếp tục học tiếng Nga. Nhờ quá trình tự học ngoại ngữ nên bây giờ về già có chỗ dùng. Những video thuyết minh bằng tiếng nước ngoài, khó lòng nghe được hết, do đó phải cố gắng tìm kịch bản (scenario). Những bộ video nghiêm túc luôn luôn phải có kịch bản trước khi dựng thành phim, do đó phải tìm được kịch bản mới đảm bảo biên dịch chính xác. 

Điều may mắn là trên mạng cũng thường có ai đó đưa kịch bản lên mạng dưới dạng Word hoặc Pdf, nó hoàn toàn riêng biệt với video, không dính dáng gì với nhau, nhưng lại khớp với âm thanh trên video, nếu không phải do người phương Tây đưa lên thì do người TQ đưa lên. Ví dụ : đây là một đoạn video :
Vai trò của Cơ học Lượng tử ngày nay
Còn đây là đoạn kịch bản tương ứng:
Vai Trò của Cơ Học Lượng Tử (Word)
Tóm lại chỉ cần chịu khó nghiên cứu một chút về tin học, chúng ta ngày nay có những phương tiện mà ngày xưa các bậc tiền bối dù có nằm mơ cũng không nhìn thấy. Ngày nay với smartphone, tôi có thể liên lạc dễ dàng và rẻ tiền với bạn bè và thân nhân ở khắp nơi trên thế giới. Đời Đường nhà thơ Vi Ứng Vật gả con gái đi xa tới nước Đại Lý, chỉ cách nơi ông ở 2000 cây số, nhưng đó có thể là một đi không trở lại, vì non sông cách trở, đường xa ngàn dặm, đi lại liên lạc vô cùng khó khăn. Vì vậy trong ngày đám cưới ông khóc như mưa.
Tiễn con gái lấy chồng họ Dương – Vi Ứng Vật – Việt dịch
Ngày nay tôi cũng gả con gái lấy chồng xa tới 10.000 cây số, nhưng có cần phải khóc không ? Tất nhiên là không cần, vì trên điện thoại có những ứng dụng gọi chung là OTT (Over The Top) cụ thể là Skype, Viber hoặc Whatsapp, chúng cho phép gọi điện miễn phí, nhắn tin, gởi hình qua mạng internet. Vì vậy có thể liên lạc hàng ngày mà không tốn tiền. Do đó đi xa không còn là điều đáng sợ nữa vì vẫn có thể liên lạc thường xuyên và ít tốn tiền.
Ngày nay có phương tiện làm việc hiệu quả, chi phí thấp mà hiệu quả cao. Ngày xưa thầy Duy Lực dịch kinh sách xong, muốn phổ biến phải trải qua rất nhiều khó khăn, xin phép in, quyên góp tài chính rất tốn kém, cần nhiều người giúp sức, mỗi quyển kinh chỉ in vài ngàn bản, phổ biến trong giới Phật tử thân cận. Còn ngày nay tôi tự xây dựng blog, một mình quản lý về mọi mặt, từ nội dung bài vở cho tới kỹ thuật, mỗi năm có tới hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới vào xem và có thông tin trao đổi. Trong các kinh sách in trên giấy chỉ toàn là chữ không thôi, còn trên mạng hiện nay, hình ảnh và video minh họa giúp cho độc giả nắm được rất cụ thể, rất chi tiết.
Thời đại ngày nay ứng dụng cơ học lượng tử, khiến cho những ý tưởng mơ hồ khó nắm bắt trở nên rõ ràng dễ hiểu. Chẳng hạn Kinh Kim Cang có câu : Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Xưa nay người ta hiểu rất mơ hồ. Cơ học lượng tử có thể giúp chúng ta hiểu một cách rõ ràng, tường tận.
Ưng vô sở trụ ý muốn nói các pháp, các vật thể, tâm không có chỗ trụ. Không có chỗ trụ nghĩa là không có vị trí nhất định trong không gian (non locality) và thời gian. Chúng ta thấy cái nhà có vị trí nhất định trên bản đồ. Đó là vọng tưởng. Không có chỗ trụ còn có nghĩa là bất định (uncertainty). Bất định nghĩa là không thể xác định một vật, thí dụ như nguyên tử là có hay không có, bởi vì nó có cả hai dạng đối lập có vẻ mâu thuẫn nhau. Một dạng là sóng tiềm năng không phải là vật chất, vô hình. Một dạng là hạt vật chất, hữu hình. Vậy ưng vô sở trụ là ngộ được tính bất định của các pháp, như vậy cái tâm bản nguyên tự hiện lên, nguyên tử hay vật cũng tức là tâm. Các thuộc tính của vật đều là do tâm gán ghép chứ nó không có tự tính. Vì vậy kinh Hoa Nghiêm (華嚴經) nói:
若人欲了知 Nhược nhân dục liễu tri    Nếu người ta muốn biết rõ
三世一切佛 Tam giới nhất thiết Phật   Tất cả Phật trong tam giới
應觀法界性 Ưng quán pháp giới tính   Nên quán tính chất của pháp giới
一切唯心造  Nhất thiết duy tâm tạo       Tất cả là do tâm tạo
Câu ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm không phải ở đâu xa, đó là điều ngày nay chúng ta ứng dụng hàng ngày. Một bài viết tôi đưa lên trên mạng internet, rõ ràng nó không có chỗ trụ nhất định, nó chính là tâm, vô sở trụ, nhưng sẽ hiện ra một hình tướng xác định bất cứ ở đâu khi có đủ nhân duyên. Nhân duyên là chiếc smartphone có nối với mạng internet bằng wifi hoặc 3G hay 4G. Bài viết là sóng vô hình ở khắp mọi nơi trên quả Địa cầu, nó bất định, nhưng khi một người nào có smartphone và muốn đọc thì nó sẽ hiện ra, rất rõ ràng, rất xác định. Ý nghĩa của câu kinh hết sức rõ ràng không có gì mơ hồ. Tâm bản nguyên thì không có chỗ trụ, nhưng tâm cụ thể như cái nhà, cái xe, cái điện thoại thì có chỗ trụ.
Phật giáo có đặc trưng gì? 
Phật giáo là đạo giác ngộ do đức Phật Thích Ca tuyên thuyết. Những điểm mấu chốt trong giáo lý đạo Phật là:
1/Các pháp không có tự tính: đây là điều trái ngược với nhận thức thông thường hàng ngày. Trong đời thường, chúng ta thấy mọi vật đều có đặc điểm, có thuộc tính riêng. Ví dụ nước có tính thấm ướt, là một chất liệu vô cùng quan trọng, vô cùng thiết yếu đối với sinh vật, cơ thể của chúng ta có 70% là nước. Nước cần thiết trong ăn uống, tắm rửa, giặt giũ. Nhưng Phật nói nhận thức đó chỉ là vọng tưởng, chỉ là tưởng tượng. Huệ nhãn của Phật, ngày nay đã được khoa học chứng minh. Nước là H2O trong đó H (hydrogen) và O (oxigen) là những chất khí. Chất khí hay bất cứ vật chất nào khác cũng cấu tạo bằng phân tử và nguyên tử. Mà nguyên tử thì có hạt nhân làm bằng proton và neutron, bên ngoài là các electron chạy thật nhanh chung quanh. Nguyên tử của bất cứ nguyên tố nào cũng cấu tạo bằng cùng những thứ hạt như vậy. Nghĩa là bản chất của tất cả các loại vật chất đều hoàn toàn giống nhau hết. Vậy tại sao con người thấy có nhiều loại vất chất rất khác nhau, độ cứng mềm, nặng nhẹ, màu sắc, hình dáng, đều khác nhau ? Phật nói đó là vọng tưởng, những đặc tính đó là do con người tưởng tượng, gán ghép cho vật, chứ nó vốn không sẵn có những tính chất đó. Vật ở dạng tiềm thể, chỉ là sóng tiềm năng vô hình, không phải vật chất, tùy theo thói quen tưởng tượng của chúng sinh mà sóng tiềm năng hiển hiện thành vật chất. Sự tưởng tượng có hai hình thái : một là phản ứng có điều kiện dựa trên thói quen nhận thức, hay thói quen tưởng tượng; hai là tưởng tượng suông của ký ức. Có những thói quen tưởng tượng đã trở thành phổ biến, kinh điển gọi là thế lưu bố tưởng. Nhà sinh lý học Nga, Ivan Pavlov hồi thập niên 1890 đã chứng minh phản ứng có điều kiện (classical conditioning) là thói quen tưởng tượng của con chó. Tất cả mọi thói quen tưởng tượng khác của con người đều giống như vậy. Trong thế kỷ 20, đã xảy ra một cuộc tranh luận lớn giữa hai nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới là Niels Bohr và Albert Einstein về vấn đề vật có tự tính (khoa học gọi là thuộc tính, properties) hay không. Cuối cùng, đến năm 1982 thì Alain Aspect đã chứng minh bằng thực nghiệm kết hợp với toán học, rằng thực tế thì vật không có tự tính, đúng như Phật giáo nói. Xin xem kỹ video sau :
Tranh Luận Giữa Bohr Và Einstein Về Cơ Học Lượng Tử
2/Hệ quả của nguyên lý các pháp không có tự tính: Có 3 hệ quả quan trọng:
Thứ nhất không gian không có thật, thứ hai thời gian không có thật, thứ ba số lượng vật chất không có thật.
Vì các pháp đều không có tự tính, nên không gian, thời gian và số lượng vật chất đều chỉ là tưởng tượng gán ghép của tâm chứ không có thật. Trong kinh điển Phật giáo từ lâu đã nói rằng tất cả đều là do tâm tạo (一切唯心造 nhất thiết duy tâm tạo) như trên đã nói.
Các pháp thực tế là không có tự tính nhưng trong vọng tưởng của con người thì các pháp đều có tự tính, vật chất là có thật, có thể sờ mó, ngửi, nếm, ăn uống, tiêu hóa, tăng trưởng. Đó là một sự tưởng tượng đồng bộ của tất cả các giác quan, vì lẽ đó con người bình thường không bao giờ khám phá được tính chất không có thật đó. Cũng vì lẽ đó mà con người nói chung rất khó giác ngộ. Ngay cả nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại là Einstein cũng còn sai lầm huống chi người bình thường.
Không gian không có thật thể hiện rõ ràng qua hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement). Một photon có thể xuất hiện đồng thời tại hai hoặc nhiều vị trí khác nhau trong không gian. Khi một photon bị tác động thì tất cả photon liên kết đều bị tác động tương ứng, cụ thể là photon đang quan sát quay theo chiều kim đồng hồ thì tất cả photon kia quay theo chiều ngược lại một cách tức thời, không tùy thuộc khoảng cách không gian xa hay gần. Điều đó chứng tỏ khoảng cách không gian là không có thật. Như vậy nó chứng tỏ khoảng cách 5834 km giữa Paris và New York chỉ là vọng tưởng, mặc dù chúng ta thấy khoảng cách đó là sự thật 100%. Video sau minh họa ý tưởng này, hiện nay thì điều đó còn là viễn tưởng nhưng rõ ràng có cơ sở khoa học.
Viễn Tải Và Máy Tính Lượng Tử – Quantum Teleportation And Computer
Thời gian là một chiều kích không thể tách rời khỏi không gian, nên không gian không có thật thì thời gian cũng không có thật. Thuyết tương đối hẹp hay đặc biệt (special relativity theory) của Einstein đã chứng minh không gian và thời gian đều có thể co dãn. Nếu vật di chuyển bằng hoặc nhanh hơn vận tốc ánh sáng thì không gian và thời gian sẽ bằng 0 hoặc trở thành số âm theo công thức :
Lv = L0       
Lv  là độ dài của một vật di chuyển với vận tốc V
L0  là độ dài của vật đứng yên (ví dụ khoảng cách Paris – New York = 5834 km)
V  là vận tốc di chuyển của vật
C là vận tốc ánh sáng # 300.000km/ giây
Nếu V=C  thì  sẽ bằng 1 như vậy số trong căn 1-1= 0  thế thì  = 0
L0  = 0
Độ dài và cả thể tích của vật sẽ biến mất. Như vậy nếu Trái đất di chuyển với tốc độ ánh sáng thì tất cả khoảng cách trên Trái đất đều bằng 0 hết.
Như vậy khi khoảng cách từ Paris tới New York 5834 km  = 0 thì thời gian T để di chuyển từ Paris tới New York với vận tốc V cho bởi công thức :
T =       = 0
Nghĩa là không gian đã không còn thì thời gian cũng triệt tiêu.
Số lượng vật chất không có thật có thể được chứng minh bằng hai sự kiện.
Sự kiện thứ nhất là thuyết Big Bang, vũ trụ ban sơ chỉ là một hạt cực vi có đường kính bằng 10-33 (mười lũy thừa âm 33) centimét. Thế mà sau vụ nổ, đến nay vũ trụ có đường kính 93 tỉ quang niên, còn số lượng vật chất không biết bao nhiêu mà kể. Vậy số lượng vật chất đó ở đâu ra? phải chăng chỉ là tưởng tượng?
Sự kiện thứ hai chứng tỏ số lượng vật chất chỉ là vọng tưởng. Năm 2012, Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau.
Maria Vladimirovna Chekhova, Tiến sĩ Khoa học Đại học Moscow
100.000 photon ở trạng thái vướng víu (entangled) nghĩa là gì ? Nghĩa là một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau trong không gian. Số lượng vị trí xuất hiện có giới hạn không ? Câu trả lời là không, thuyết Big Bang đã chứng tỏ. Như vậy 100.000 photon chỉ là vọng tưởng , vũ trụ cũng chỉ là vọng tưởng, số lượng vật chất chỉ là tưởng tượng.
Khoa học đã chứng minh một cách cụ thể, rõ ràng, không thể phủ nhận, rằng vũ trụ vạn vật đều là do tâm tạo, đều là vọng tưởng, đều là huyễn ảo. Thế gian chỉ là huyễn ảo, điều đó đã quá rõ ràng. Nếu ai còn nghi ngờ thì hãy xem thêm 3 video clips sau đây:
Double Split Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ
Thí nghiệm hai khe hở chứng tỏ hạt electron (nhà cửa, vật dụng, sơn hà đại địa, thân tứ đại của chúng sinh) có bản chất là sóng tiềm năng phi vật chất, khi bị quan sát, khảo sát đo đạc, nó mới biến thành hạt vật chất.
Vạn Pháp Duy Thức
Vạn pháp duy thức có nghĩa là tất cả các pháp chỉ là thức, là tâm niệm, là thông tin, là dòng điện, qua sự nhận thức, phân biệt của bộ não, thì trở thành vạn vật.
Universe 3 – Trường và Nguyên Lý Toàn Ảnh – Phụ đề Việt ngữ
Trường và nguyên lý toàn ảnh, giải thích cơ chế, làm thế nào Trường hay Miền tần số (frequency domain) vốn chỉ là một dạng sóng tiềm năng không phải vật chất, có thể biến thành vật chất hoặc năng lượng và thành cuộc sống thế gian trong không gian ba chiều.
Tóm lại, ngày xưa khoa học nói một đàng, tôn giáo nói một nẻo, hai bên đi theo hai hướng khác nhau, ngày càng xa nhau, tưởng chừng không bao giờ gặp nhau. Còn ngày nay Vật lý lượng tử và Phật giáo, sau khoa học đi hết vòng tròn, đã gặp nhau, có chung tiếng nói, có thể hòa nhập vào nhau.
3/Suy ra thế giới là ảo, tất cả những gì có thể nói ra hoặc diễn tả đều không có nghĩa thật.   
Nhiều Phật tử, ngay cả nhiều người giảng kinh, vẫn còn tưởng rằng Phật giáo có tuyên thuyết một chân lý nào đó. Thật ra Phật pháp chỉ giúp mọi người phá chấp thật chứ không có kiến lập chân lý, không có tuyên thuyết bất cứ chân lý nào, kể cả luật nhân quả. Tại sao không thể kiến lập chân lý, bởi vì quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, vị lai bất khả đắc. Không thể trụ ở chỗ nào được cả. Giống như hạt electron không có vị trí nhất định (non locality). Nhưng nếu ta chấp vô trụ cũng không đúng vì rõ ràng chỗ ta đang ngồi, ngôi nhà của ta, quốc gia của ta vẫn có vị trí xác định trên Địa cầu; hạt electron cũng tạm thời hiển thị rõ ràng trên màn hình điện thoại của ta thành văn bản, hình ảnh rõ ràng mà ta có thể từ từ coi. Như vậy không thể trụ ở một vị trí nhất định nào trong không gian hay một thời điểm nào trong thời gian. Mà cũng không thể chấp vô trụ. 
Tóm lại là không thể chấp, không thể khư khư một chân lý nào cả. Bằng chứng là Đức Phật có nói rằng trong suốt 49 năm qua, ta không có nói một chữ nào. Ý của Phật là tất cả những gì có thể nói ra đều không có nghĩa thật tức chỉ là tạm thời, là phương tiện chứ không phải chân lý. Chúng ta nên nhớ kỹ điều này nếu không muốn bị xỏ mũi lôi chạy bởi các lãnh tụ chính trị, lãnh tụ tôn giáo, các nhà tư tưởng, các nhà văn, các nhà khoa học, các nhà đấu tranh cho các lý tưởng này nọ, các nhà tài phiệt. Những lời họ nói ra không đáng tin bằng lời của đức Phật, mà Phật còn phủ nhận kinh sách thuyết giảng của mình, hà huống lời của những người không có trí tuệ bằng Phật. Tuy vậy kinh điển cũng có giá trị tạm thời, đó là ngón tay chỉ mặt trăng, chúng ta có thể theo hướng ngón tay để nhận thấy mặt trăng, miễn đừng lầm lẫn ngón tay là mặt trăng.
Không phải chỉ có các chính quyền mới hay mị dân, nói một đàng làm một nẻo, mà tất cả mọi người đều như vậy, tất cả các pháp cũng đều như vậy, đó là quy luật. Bởi vì sự thật có hai mặt trái ngược nhau, lời nói ra chỉ mô tả được một mặt và trái với mặt còn lại. Mặt khác là không ai làm chủ được mình, các pháp thì không có tự tính. Ở các nước độc tài toàn trị thì chính quyền nói một đằng làm một nẻo là rất thường thấy, ví dụ chính quyền TQ luôn nói rằng họ không bao giờ theo đuổi mục tiêu bá quyền, nhưng hành vi xâm chiếm Biển Đông để biến biển này thành ao nhà chẳng phải hành vi bá quyền thì là gì. Chẳng hạn chính quyền nước Mỹ luôn tự hào mình là một đất nước tự do dân chủ, nhưng ông tổng thống của nước Mỹ có được tự do thi hành những chính sách đem lại phúc lợi cho đại đa số nhân dân không, hay vẫn bị trói buộc bởi vô số áp lực từ các nhóm lợi ích, hệ thống truyền thông xã hội bị mua chuộc, người dân Mỹ có thực sự làm chủ không hay cũng không thể có được suy nghĩ độc lập mà vẫn bị ảnh hưởng bởi truyền thông lệch lạc được điều khiển bởi nhóm tài phiệt giàu có và bỏ phiếu theo sự điều khiển ngấm ngầm bên trong. Một số tổng thống quyết tâm thực thi những chính sách ích quốc lợi dân nhưng bất lợi hoặc không làm vừa lòng đối với nhóm tài phiệt thì bị ám sát. Chẳng hạn Abraham Lincoln bị ám sát chết năm 1865; James A. Garfield bị ám sát chết năm 1881; William McKinley bị ám sát chết năm 1901; John F. Kennedy bị ám sát chết năm 1963. 

Ngoài ra còn mười mấy lần khác, tổng thống bị ám sát hụt, họ may mắn thoát nạn hoặc chỉ bị thương mà không chết, chẳng hạn tổng thống Theodore Roosevelt bị bắn năm 1912 nhưng may mắn không chết, hoặc Ronald Reagan bị bắn trúng phổi năm 1981 nhưng thoát chết. Cho nên bất cứ cải cách lớn nào của chính quyền Mỹ đều phải gặp vô vàn khó khăn. Ví dụ các vụ thảm sát do súng xảy ra rất nhiều tại Mỹ, chính quyền muốn hạn chế sử dụng súng nhưng không bao giờ làm được. Chế độ bầu cử tổng thống ở Mỹ có chỗ bất cập, bầu cử qua hai cấp, cử tri và đại cử tri, có khi người được dân trực tiếp bầu (cử tri) trên toàn quốc đông hơn, nhưng bị thất cử do tổng số phiếu đại cử tri ít hơn, xuất phát từ cách tính hễ ở bang nào ứng cử viên được nhiều phiếu cử tri hơn thì dồn tất cả phiếu đại cử tri cho người đó. 

Năm 2000, tính trên toàn quốc, Phó Tổng thống Al Gore có nhiều phiếu cử tri hơn Thống đốc bang Texas là George Bush, nhưng lại thua tại bang quan trọng là Florida và do đó toàn bộ phiếu đại cử tri của bang này đều dồn cho Bush, thế là Bush đắc cử, vì tuy ít phiếu cử tri trực tiếp hơn nhưng lại có nhiều phiếu đại cử tri hơn. Vậy mà chế độ bầu cử bất cập như vậy mãi mãi không thể sửa được.
Ngay cả đức Phật, ngài dạy pháp giới bình đẳng, nhưng Phật lại không muốn cho phụ nữ xuất gia vì sợ họ sẽ mau làm hỏng chính pháp, dì của Phật, bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề (摩呵波闍波提, sa. mahāprajāpatī) người đã chăm sóc nuôi dưỡng Tất Đạt Đa từ nhỏ đến khi trưởng thành, bà muốn xuất gia, xin được kết nạp vào tăng đoàn nhưng Phật nhất định không cho, bà phải tỏ ý quyết tâm bằng cách cùng với 500 tín nữ dòng họ Thích Ca khác, đi bộ chân trần từ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) đến Tỳ Xá Ly (Vaishali), đường xa khoảng 380km, Phật thấy họ quá quyết tâm mới tạm chấp nhận cho người nữ xuất gia làm ni kể từ đó.
 
Dì của Tất Đạt Đa, Bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề và 500 tín nữ dòng họ Thích Ca đi bộ từ Kapilavastu đến Vaishali để xin Phật cho gia nhập đoàn thể Tăng già
Những lời nói ra không có nghĩa thật, bởi vì bản chất của lời nói hay nhận thức đều là vọng tưởng. Chính vọng tưởng phân biệt thiện ác, tốt xấu, chứ bản chất của cặp phạm trù mâu thuẫn là như nhau. Ví dụ hình thái của thiện là no ấm, thân ái, hòa bình; hình thái của ác là đói rách, thù hận, chiến tranh. Nhưng bản chất là như nhau, ác là vọng tưởng, thiện cũng là vọng tưởng.
Hình thái thiện có thể biến thành ác, hình thái ác có thể biến thành thiện. Ví dụ chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx vốn là thiện, nó muốn xây dựng một xã hội bình đẳng, không có giai cấp, sản xuất phát triển, mọi người làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu. Nhưng khi thực hiện chủ nghĩa tốt đẹp đó thì nó lại dẫn đến những kết quả rất đáng buồn, rõ ràng mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu của Liên Xô là ác tính, đã thất bại, nhiều triệu người phải chết oan uổng. Còn hình thái ác nào đã biến thành thiện? 

Ví dụ một trận động đất lớn tiêu diệt một thành phố bao gồm nhiều khu nhà ổ chuột, nhiều phố xá chật hẹp rất khó cải tạo, đó lại là một cơ hội tốt để xây dựng lại một thành phố khang trang đẹp đẽ. Kinh Thánh cũng có kể chuyện về một trận đại hồng thủy tiêu diệt thế gian đầy tội lỗi để kiến lập lại một cõi đời lành mạnh hơn. Về mặt khoa học, trận đại hồng thủy trong các truyền thuyết là có thật, Bruce Masse, một nhà khảo cổ học môi trường tại Thư viện Quốc gia Los Alamos, ông tin rằng những vụ va chạm thiên thạch lớn xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng. 

Theo Masse, vụ va chạm lớn cuối cùng xảy ra vào khoảng 5.000 năm trước, khi một ngôi sao chổi rộng 4,8 km đâm xuống biển Ấn Độ Dương, nằm ở ngoài khơi quần đảo Madagascar. Kết quả là một tai họa mang tính toàn cầu, với những cơn sóng thần cao đến gần 20 m đã phá hủy nhiều bờ biển và những cơn cuồng phong tàn phá tất cả những thứ khác. Cát bụi bị quăng lên bầu khí quyển đã gây nên một tuần lễ bầu trời đen kịt.
Ông Masse đã sàng lọc trong vài trăm huyền thoại có đề cập đến cơn đại hồng thủy và đã tìm thấy hai điểm thú vị. Một huyền thoại của Trung Quốc kể về một trận lũ lụt khủng khiếp xảy ra  có liên quan đến tích Nữ Oa (vợ của Phục Hy) vá trời và một huyền thoại của Ấn Độ giáo kể về một cơn lũ trong thời điểm các hành tinh sắp thẳng hàng với nhau mà chỉ diễn ra một lần trong vòng 5000 năm qua. Theo Masse, thời điểm diễn ra trận đại hồng thủy là ngày 10/5/2807 Trước Công nguyên. Sau đó xã hội loài người phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều nền văn minh lớn, trong đó điển hình là nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong cuộc sống đời thường, khi ta muốn cải tạo một ngôi nhà thì trước tiên phải làm một việc “ác” là đập phá nó, mới có điều kiện để làm việc “thiện” là xây dựng lại tốt đẹp hơn. Trong sinh hoạt tin học ngày nay, việc “ác” biến thành “thiện” là điều thường xảy ra. Chẳng hạn chiếc computer chúng ta sử dụng lâu ngày trở nên ì ạch, bị nhiễm nhiều thứ malwares khó diệt. Chúng ta phải làm một việc “ác” là format ổ đĩa cứng, xóa bỏ tất cả dữ liệu trong ổ đĩa chứa hệ điều hành, để làm một việc “thiện” là cài đặt lại hệ điều hành để nó chạy trơn tru hơn.
Vậy phật tử ngày nay có thể làm gì?
Phật tử ngày nay có thể vận dụng Phật pháp trong điều kiện khoa học kỹ thuật rất phát triển. Hành giả Đạo Phật khi cần di chuyển, không nhất thiết phải đi bộ như thời Đức Phật, mà có thể dùng xe hơi, xe lửa, máy bay, tàu thủy, tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh.
Khi cần liên lạc với người ở xa thì khỏi nói, ai cũng dùng điện thoại di động kể cả tăng ni, phật tử hay bất cứ ai. Khi liên lạc với nước ngoài thì nhất định phải dùng OTT hoặc phương tiện viễn thông khác đại loại như Magic jack (sử dụng điện thoại bàn nhưng gọi đi qua mạng internet).
Ngày xưa các sư tăng ở chùa, ngoài tụng kinh, tham thiền thì hoạt động thường thấy là chẻ củi, gánh nước. Ngày nay ít ai còn chẻ củi gánh nước, mà thường xài bếp gas, bếp điện, bếp từ, bếp quang. Cũng chẳng mấy ai còn gánh nước, mà xài nước máy chảy vào tận nhà, vừa sạch vừa không tốn công sức. Giặt giũ quần áo cũng chẳng cần phải ra sông, suối, ao, hồ mà chắc chắn phải dùng máy giặt. Cơm ăn nếu không phải nấu bằng nồi cơm điện thì ắt cũng dùng bếp gas.
Truyền bá Phật pháp không phải chỉ có cách truyền khẩu, hoặc chép kinh sách trên lá bối hoặc giấy hay lụa như ngày xưa. Truyền bá bằng smartphone thì tiện lợi và rẻ tiền hơn rất nhiều. Smartphone hiện đã rẻ tới mức ai cũng có thể sắm, rẻ nhất chỉ trên dưới một triệu đồng. Hành giả có thể nghe kinh giảng bằng âm thanh mp3, đọc bằng văn bản, hoặc nghe và xem bằng video, tất cả đều với chiếc điện thoại. Hiểu được ý chỉ của kinh điển rồi thì có thể niệm Phật hay tham thiền, tham thoại đầu tùy mỗi người. Học Phật có thể dùng phương tiện hiện đại, còn tu hành, trì giới thì mỗi người có thể theo truyền thống, giữ giới hạnh trang nghiêm, đó là việc của mỗi người. Tu hành là công phu lâu dài đế phá thói quen chấp thật, phá các tập khí mê lầm để đến bờ giác ngộ.
Còn việc giảng kinh, không thể theo lối mòn như trước nay. Lối mòn là đọc tụng kinh sách mà không thực sự hiểu ý kinh sách muốn nói gì. Ví dụ nhiều tu sĩ tụng Bát Nhã Tâm Kinh mỗi ngày nhưng không hiểu trong đó nói gì. Do trình độ hiểu biết (thường thức) của con người trong xã hội thời xưa rất giới hạn, nhiều kinh luận xưa nói rất khó hiểu, chứng minh rất trừu tượng nên rất khó nắm bắt đối với tuyệt đại đa số quần chúng. Các vị Tổ sư xưa có chứng ngộ, nhưng không có cách diễn tả, bởi vì không thể nói làm sao cho số đông hiểu được. Chẳng hạn kinh nói “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trừ những bậc có chứng ngộ, quần chúng không thể nào hiểu được câu này. Ngay cả nhiều vị luận sư đời sau cũng bất đồng đối với kinh điển, mỗi người giảng một cách, rất khác nhau, khiến quần chúng rối trí không biết nên hiểu thế nào cho đúng. Ví dụ bài kệ sau đây trong Duy Thức Tam Thập Tụng:
upekșā vedanā tatrāniv.rtāvyāk.rtañ ca tat ।
tathā sparśādayas tac ca vartate srotasaughavat ॥ 4 ॥
04 是無覆無記 觸等亦如是 恒轉如暴流 阿羅漢位捨
Thị vô phú vô ký, xúc đẳng diệc như thị, hằng chuyển như bạo lưu, A La Hán vị xả
Alaya là trung tính, vô phú là chưa được gán ghép thuộc tính, vô ký là trung tính, nghĩa là nó không phải thiện cũng không phải ác, không phải tốt cũng không phải xấu, nó chưa phân hóa thành cặp phạm trù mâu thuẫn, không mang đặc trưng, không có thuộc tính (properties) gì hết. Xúc (tiền ngũ thức) cũng vậy. Nó luôn luôn biến chuyển mạnh mẽ như dòng nước cuồn cuộn chảy, tới quả vị A La Hán mới buông bỏ được.
Đặc biệt hai chữ vô phú 無覆 có ý nghĩa then chốt, nhưng tôi thấy trong các bản dịch tiếng Việt, không có ai hiểu vô phú nghĩa là gì. Cũng không thể nào hiểu được nếu không nhớ rằng Phật nói các pháp không có tự tính. Bài kệ này mô tả A-lại-da thức bao gồm cả bát thức ở mặt bản thể bất nhị như tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc và tánh biết. A-lại-da cũng như những tánh trên vốn là bất nhị tức chưa phân hóa thành chủ thể đối tượng, chưa có gán ghép thuộc tính gọi là vô phú. Ý nghĩa này càng rõ ràng hơn trong cuộc tranh luận giữa Niels Bohr và Albert Einstein. Bohr nói rằng hạt photon là vô phú tức chưa có sẵn các thuộc tính như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin. Còn Einstein nói rằng hạt photon hữu phú, tức đã có sẵn các thuộc tính trên. Kết quả thực nghiệm của Alain Aspect cho thấy Bohr đúng, Einstein sai. Như thế cho thấy Thế Thân quả thật là có chứng ngộ cho nên đến ngày nay, bài kệ vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Ngày xưa khoa học chưa phát triển, phật tử chỉ có thể hiểu kinh điển một cách mù mờ không thể rõ ràng. Giảng kinh theo lối mòn là nói một cách chung chung không có chứng minh hoặc không hiểu tới nơi tới chốn. Ví dụ kinh điển nói tất cả là do tâm tạo. Có người cho rằng ví dụ chiếc xe hơi là do tâm tạo, ý thức của con người đã nghĩ ra, thiết kế và chế tạo chiếc xe hơi. Vậy thì đối với quả Địa cầu thì sao ? Quả Địa cầu có phải do con người chế tạo không ? Chúng ta nên biết rằng hiểu tâm tạo theo kiểu chiếc xe hơi là không tới nơi tới chốn. Mà phải hiểu một cách cơ bản hơn như phần trên đã nói. Phải hiểu bản thể tâm là gì, cơ chế nào để tâm biến thành vật, như 3 video trên đã thuyết minh một cách cụ thể.
Kết luận
Tóm lại, Phật pháp nói rằng tất cả những điều có thể nói ra, có thể diễn tả, đều không có nghĩa thật, người xưa nói: “Cử tâm tức thác, động niệm tức quai” 舉心即錯 動念即乖 (nổi ý là lầm lỗi, động niệm là sai trái) đó là điều chúng ta nên thường xuyên cảnh giác. Ngày nay chúng ta có thể học hiểu Phật pháp và sống cuộc đời mình với những phương tiện hiện đại do khoa học mang tới là điều đương nhiên. Còn tu hành, tham thiền, giữ giới luật, vẫn là công việc hàng ngày của hành giả, cái này thì xưa nay vẫn không thay đổi. Ý này gọi là bất biến nhưng tùy duyên. Hoàn cảnh xã hội ngày nay đã thay đổi, chúng ta phải thay đổi theo. Nhưng sự tu tập cốt yếu như thực hành sáu pháp ba-la-mật (bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ) thì vẫn không có gì thay đổi. Phật tử phải thực hành mới có thể giác ngộ.
Truyền Bình