Mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo trong tác phẩm Lý Hoặc Luận

22 Tháng Mười Hai 201612:34 CH(Xem: 4160)
Mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo trong tác phẩm Lý Hoặc Luận

Mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo trong tác phẩm Lý Hoặc Luận

Mối quan hệ văn hóa và tín ngưỡng là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc. 

Phật giáo là một tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ, được truyền nhập vào lãnh địa Trung Quốc đã hơn 2000 năm nay. Văn hóa Phật giáo Trung Quốc là chiếc cầu nối giữa Phật giáo và Nho giáo, sự quan hệ này phát triển theo chiều hướng song phương có tác động qua lại.
Trong khi ấy ở Giao Châu do tình hình xã hội không biến động nên các nhà Nho gia và Phật gia ở phương khác kéo đến ở và truyền đạo. Trong số các nhà Nho gia có Mâu Tử là người đã nói lên mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo rất cụ thể trong tác phẩm Lý Hoặc Luận.

Lý Hoặc Luận tác giả Mâu Tử là một người Hán ở Giao Châu, một Nho sĩ chính thống và uyên bác, nhưng về sau lại theo đạo Phật, điều này cho thấy ảnh hướng sâu đậm của Phật giáo đối với trí thức Nho giáo. Nội dung của Lý Hoặc Luận gồm 37 điều, 3 điều đầu trình bày về các quan niệm Phật giáo và 9 điều dành cho việc phê phán đạo giáo, cộng với điều kết thúc cuối cùng, 25 điều còn lại đề cập đến quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Trọng tâm quan hệ Phật giáo và Nho giáo là vấn đề hiếu hạnh được ghi rõ ở điều 9 và 10 của sách Lý Hoặc Luận. Quan điểm này được Mâu Tử lý giải rất rõ khi có người hỏi. “Hiếu Kinh nói: “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám huỷ thương”. Tăng Tử sắp chết dặn: “Đưa tay ta, đưa chân ta”. Nay sa môn cạo đầu, sao xa lời thánh nhân, không hợp đạo người con hiếu?” . 
 
Nho giáo quan niệm thân thể của con người là do cha mẹ ban cho nên không được làm hủy hoại, tự ý cắt bỏ, trong khi đó Sa môn cạo bỏ râu tóc, cắt ái từ thân là không hợp với đạo hiếu của Nho. Trước quan điểm của Nho gia, Mâu Tử đã lý giải trong Lý Hoặc Luận, ông đưa ra vấn đề hiếu hạnh đối với người xuất gia theo đạo Phật.  

“Kìa chê thánh hiền là bất nhân, bàn không trúng là bất trí. Bất nhân, bất trí, lấy chi để gầy đức. Đức không gầy là bọn Ương Ngu vậy. Sao mà bàn luận giản dị thế? Xưa người nước Tề đi thuyền sang sông. Người cha ngã xuống nước, người con xách tay, chúc đầu chổng ngược để cho nước ở miệng ra mà mạng cha được sống, kìa chúc đầu lộn ngược cha, còn gì bất hiếu bằng. Nhưng để bảo toàn thân thể cha, nếu khoanh tay giữ đạo theo hiếu thông thường thì mạng cha chết mất dưới nước.”  

Khổng Tử nói: “Có thể cùng theo đạo, nhưng chưa thể cùng quyền biến”. Đó gọi là tuỳ thời mà làm vậy, còn Hiếu Kinh nói: “Tiên vương có chí đức, có yếu đạo”. Mà Thái Bá cắt tóc, vẽ mình, tự theo tục của Ngô Việt, trái với nghĩa thân thể tóc da. Vậy mà, Khổng Tử ca tụng, cho có thể gọi là chí đức. Trọng ni không cho cắt tóc, mà chê bai. Do thế mà thấy nếu có đức lớn thì không câu nệ vào tiểu tiết. Sa-môn vứt gia sản, bỏ vợ con, không nghe đàn, không nhìn sắc, có thể bảo là đã nhường hết thì sao lại trái với lời thánh không hợp đạo hiếu?”   

Như vậy, đối với Nho giáo, Mâu Tử đã lý giải một cách rõ ràng về vấn đề hiếu hạnh theo tinh thần nhà Phật. Mâu Tử đã vận dụng tinh thần tùy duyên của giáo lý Duyên Khởi để lý giải. Bởi vì đạo hiếu là sự thể nhập cuộc sống thực tiễn để trở thành nếp sống văn hoá trong việc ứng xử có thứ lớp, chứ không phải là một giáo điều. Vì vậy, Mâu Tử cũng sử dụng ngôn ngữ để xác nhận tục Ngô Việt khác với tục Trung Hoa. Việc Sa môn cạo đầu xuất gia tu học được xem là phù hợp văn hóa phong tục của người Việt với tục “cắt tóc xăm mình”, vì người Việt lúc bấy giờ cũng có những tư tưởng “Thường ở trong nước, nên cắt tóc xăm mình, cho giống loài rồng, nên không bị thương hại”, trong khi đó hiếu theo quan niệm Nho giáo được thể hiện ở điều thứ 10 trong Lý Hoặc Luận: “Kìa phúc không gì hơn là nối dõi, bất hiếu không gì hơn là không có con trai. Sa-môn bỏ vợ con, vứt của cải, có người suốt đời không lấy vợ, sao mà trái với hạnh phúc đức và hiếu tử như thế? Tự khổ mình mà không có chi là kỳ, tự cực mình mà không có chi là lạ cả!”  

Nho giáo quan niệm hiếu hạnh là không chỉ “thân thể tóc da móng không dám làm tổn hại”. Cũng như chúng ta thấy thời phong kiến các cụ đồ luôn để móng tay dài, tóc bó lại, những thứ đó là cha mẹ sinh ra, ta không được tự ý cắt bỏ, cũng như trong câu chuyện Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga hay tin Vân Tiên chết, cô ta cắt móng tay để tang cho Vân Tiên. Như vậy quan niệm của Nho giáo rất đề cao vấn đề này. Ngoài những việc trên Nho giáo còn quan niệm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, đây là những quan niệm của Nho giáo. Nhưng  Mâu Tử đã lý giải điều này bằng cách trả lời “Kìa bên trái dài, thì bên phải ngắn, đằng trước lớn ắt đằng sau hẹp. Mạnh Công Xước làm ông già nước Triệu, nước Nguỵ thì tốt chứ không thể lấy làm đại phu cho nước Đằng, nước Tiết. Vợ con, tài sản là vật thừa ở đời, thân sạch vô vi là huyền diệu của Đạo vậy.”  

Mâu Tử quan niệm, không phải ở nhà, có vợ con mới là báo hiếu, theo Mâu Tử  người xuất gia là người có khả năng báo hiếu một cách trọn vẹn nhất. Phật giáo hiếu  không chỉ hạn hẹp trong việc phụng thờ cha mẹ, nối dõi tông đường mà còn có một cách báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhất, như trong kinh đức Phật có dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thời khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú và bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí huệ, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí huệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ.”  

Trong khi đó, Hiếu của nhà Nho là giữ gìn thân mạng mà cha mẹ đã cho không được làm tổn hại, xây dựng công danh làm rạng rỡ cha mẹ đó là đạo hiếu. Khổng Tử nói: “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Còn đạo Phật quan niệm về chữ hiếu không chỉ đơn thuần là chỉ báo hiếu cho cha mẹ bằng cách phụng dưỡng, vâng lời, mà còn thể hiện tinh thần hiếu hạnh một cách cao cả. Không phải chỉ biết ơn đối với cha mẹ đời này mà còn nhiều đời nhiều kiếp, như thế với quan điểm của đạo Phật, để thể hiện tinh thần báo ơn một cách trọn vẹn thì không những cung phụng vật chất mà còn biết hướng dẫn cha mẹ trở về với chính pháp, Quy y Tam Bảo. Như vậy, Phật giáo không chỉ đề cao trên phương diện cung phụng vật chất mà cả phương diện thực nghiệm tâm linh để tu tập giải thoát. Mâu Tử, người tiếp thu giáo lý nhà Phật  trong tác phẩm Lý Hoặc Luận khi ông trả lời cho giới trí thức Nho gia về con đường chính đạo của Phật giáo chính là đạo Hiếu: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài xã hội thì cứu dân độ thế, khi ngồi một mình thì tu thân”. Theo Mâu Tử: Mỗi người tự thân phải hiếu thảo với cha mẹ đó là điều hiển nhiên mà con người phải làm. Vì phụ mẫu tại đường như Phật tại thế. Ngoài ra Mâu Tử còn quan niệm tâm hiếu hạnh là làm sao liên kết mối quan hệ xã hội sống theo hạnh nguyện lý tưởng Bồ tát, độ mình chính là độ người. Như vậy, tâm hiếu chính là hạnh nguyện sống theo tinh thần Tứ ân.

Mâu Tử còn khuyên mọi người là khi ngồi một mình là biết tu thân. Tu thân chính là thực thi hạnh hiếu bằng cách sống theo tinh thần của một phật tử chân chính, theo Lý Duyên Khởi: “Nếu mình hiếu thảo với mẹ cha, con cháu sẽ hiểu thảo trở lại, giống như giọt nước mưa , giọt sau, giọt trước cũng đồng một chỗ.”

Như vậy, quan niệm hiếu hạnh của Nho giáo và Phật giáo không phải là hoàn toàn giống nhau mà có những quan điểm khác xa nhau. Khi bàn về đạo hiếu thì cả Nho giáo và Phật giáo đều cho rằng, hiếu là một đức tính đầu tiên mà mỗi con người cần phải có. Làm người ai cũng có cha có mẹ, người đã sinh ta và nuôi ta khôn lớn thành người. Công ơn ấy không gì có thể sánh bằng, vì vậy đạo làm con là phải hiếu thảo với cha mẹ. Nho giáo cho rằng “Hiếu là cái gốc của đạo đức, từ đó mà phát sinh ra mọi sự giáo hoá”. Phật giáo cũng đề cao tầm quan trọng của hiếu hạnh. Khi Phật giáo truyền vào nước ta với nền giáo lý cũng đựơc thiết lập trên cơ sở suối nguồn của tâm hiếu. Đức Phật cũng đã từng nói “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Trong kinh Tương Ưng cũng có nói: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Điều này cho thấy giáo lý nhà Phật thiết lập nền văn hoá cho nhân loại cũng khởi đầu bằng việc tiếp nhận văn hoá hiếu hạnh. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết Bàn cũng bắt đầu từ đây. Như vậy, cả hai đều xem trọng chữ hiếu, đặt hiếu hạnh làm nền tảng xây dựng đạo đức cho con người. Làm con là phải biết hiếu thảo, để thể hiện lòng hiếu thảo, thì mỗi người con phải thể hiện lòng hiếu thảo ấy bằng cách phụng  dưỡng và vâng lời cha mẹ. Đây giữa hai quan điểm hiếu hạnh của Nho giáo và Phật giáo điều này được nói rõ trong Lý Hoặc Luận.

Tóm lại, cùng đồng hành nhau trong suốt chặn đường dài, dù là xung đột hay dung hòa với Nho giáo và Phật giáo, văn hóa Phật giáo cũng đã ảnh hưởng rất quan trọng trong đời sống người dân. Phật giáo cũng đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại  một nền văn hóa đồ sộ có giá trị vượt cả không gia và thời gian. 

Phật giáo với tinh thần khoan dung, quảng đại vượt ra ngoài thiên kiến cố chấp, cho nên truyền đến nơi nào cũng được dung nạp một cách nhiệt tình và vô tư, cả Trung Hoa là một quốc gia có nền văn hóa tôn giáo truyền thống vững chắc là Khổng giáo và Đạo giáo, vậy mà khi Phật giáo truyền nhập đã tạo được một thế đứng vững mạnh được phần đa các vua chúa áp dụng để thực thi các chính sách cai trị quốc gia, Phật giáo không còn coi là một tôn giáo ngoại lai cực đoan nữa, ở nước ta cũng vậy. 

Sự thành tựu này là nhờ vào thực hiện hoài bão “đem nguyên lý của đức Phật truyền vào phương Đông” của các nhà truyền giáo. Nói thế, không phải là không có khó khăn trong sự tiếp biến giữa cũ và mới, nếu sự đụng chạm đưa đến tranh chấp đổ máu là điều bất hạnh. Song, giữa tư tưởng Phật giáo và Khổng, chẳng những không thiệt hại đến đời sống nhân dân Việt Nam, ngược lại còn tăng thêm lợi ích tương trợ vào những khiếm khuyết làm dồi dào thêm cho nền văn hóa, tư tưởng bản xứ. Tư tưởng “Thiền Na -Vô Vi” của Phật giáo thể hiện một phần nào thích hợp với tư tưởng tiên đạo vô vi yểm thế của Lão Trang, phương pháp tu thân dưỡng tánh tục đế của Phật giáo Ấn Độ và “dụng thế” tu thân, trị quốc, tề gia, bình thiên hạ của Khổng Tử có những mối tương phùng, cũng như đạo Phật – Nho đều lấy hiếu làm gốc.

Đại đức Thích Đồng Niệm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015