Các "dạng thức" thông tin

22 Tháng Mười Hai 201612:46 CH(Xem: 3781)
Các "dạng thức" thông tin

Các "dạng thức" thông tin

Bài này có ý nghĩa sâu xa hơn tên tựa bài. Tựa bài có vẻ cũng giống như một bài báo bình thường, nhưng trên blog này các bài viết thường đi xa hơn những nhận thức phổ thông của con người, các bài viết thường đề cập đến thắng nghĩa đế chứ không dừng lại ở tục đế.

Thông tin trong thời đại ngày nay rất phát triển, hầu như tất cả mọi công dân của thế giới đều tham gia thông tin. Thông tin bằng lời nói trực tiếp thì chỉ giới hạn trong lũy tre làng, trong một khu phố, nhưng thông tin được tăng cường bằng hệ thống thiết bị viễn thông thì đang có xu hướng toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ.
Thông tin cổ điển
Thông tin cổ điển là thông tin bằng âm thanh của lời nói trực tiếp và một số dấu hiệu mà mắt có thể nhìn thấy. Các dấu hiệu ban đầu đơn giản là dấu hiệu bằng tay, bằng đầu nhưng sau dần phát triển thành nút thắt bằng dây để ghi nhận sự việc gọi là kết thằng ký sự (結繩記事), rồi bằng hình vẽ, đó là chữ tượng hình (tượng hình văn tự 象形文字), rồi thành ngôn ngữ phát âm như chữ La Tinh ngày nay. Từ thế kỷ 19 trở về trước, dạng thức thông tin mà con người bình thường hình dung là lời nói và chữ viết cộng thêm một số hình vẽ. Đó là thông tin ngôn ngữ thông thường trong giao tiếp hàng ngày và trong văn bản, sách vở, báo chí.
Những dạng thức thông tin mới
Từ năm 1826 con người bắt đầu biết chụp ảnh hay còn gọi là nhiếp ảnh 摄影.  Ảnh cố định đầu tiên được chụp năm 1826 bởi Joseph Nicéphore Niépce bằng một máy ảnh hộp gỗ do Charles và Vincent Chevalier làm ra ở Paris. Niépce dựa trên phát hiện của Johann Heinrich Schultz (năm 1724): hỗn hợp bạc và phấn bị đen lại khi gặp ánh sáng. Đó là nguyên tắc ghi ảnh của phim nhựa. Ngày nay chúng ta rất quen thuộc với từ camera, từ này có nguồn gốc La tinh là camera obscura có nghĩa là “phòng tối” vì kỹ thuật tráng phim trước đây bằng máy chụp hình quang học đều phải làm trong phòng tối vì hóa chất tráng trên phim sẽ bị hỏng khi gặp ánh sáng, chụp hình là mở và đóng ống kính thật nhanh để ánh sáng mang hình ảnh bên ngoài in lên lên phim bằng phản ứng hóa học. Anh em nhà Lumière, gồm Auguste Marie Louis Nicolas  và Louis Jean là hai kỹ sư người Pháp, được coi là những nhà làm phim đầu tiên của lịch sử. Phim La sortie des usines Lumière (Tan sở tại các nhà xưởng Lumière) do anh em Lumière thực hiện và công chiếu lần đầu tiên ngày 28 tháng 12 năm 1895 tại quán Salon Indien du Grand Café ở Paris là phim đầu tiên của nhân loại. Họ mở ra một kiểu thông tin mới, thông tin bằng phim ảnh.
Từ năm 1865, khi Gregor Mendel phát hiện ra đặc tính di truyền của sinh vật thì nhân loại biết tới một hình thức thông tin mới, đó là thông tin di truyền (Genetic information). Loại thông tin này điều khiển quá trình phát triển của một sinh vật từ lúc còn là trứng được thụ tinh, cho đến khi phát triển, trưởng thành, lão hóa và tử vong. Loại thông tin này được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được chứa đựng trong một cơ cấu rất tinh vi là DNA (DeoxyriboNuleic Acid). Ở những sinh vật cấp thấp (ví dụ virus) chưa có DNA thì có RNA (RiboNucleic Acid) đóng vai trò thông tin di truyền. Cấu tạo của RNA hơi đơn giản hơn DNA một chút.
 
Nhưng thời đại thông tin chỉ mới bắt đầu gần đây, vào cuối thế kỷ 20 khi con người chế tạo được computer và xây dựng được mạng internet. Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP= Internet Protocol – Giao thức Liên mạng ). Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân, các cư dân mạng (internet citizens) và của các chính phủ trên toàn cầu.
Mạng Internet
Ông Paul Baran cùng với 2 người khác là Donald Davies và Leonard Kleinrock, là những người đầu tiên xây dựng mạng máy tính. Paul là người đã sớm nghĩ ra một hệ thống trao đổi thông tin có tên Arpanet, nỗ lực để tạo nên một siêu xa lộ thông tin được nối mạng vào thời đó, và ông cũng là cha đẻ của công nghệ chuyển mạch gói (packet switching), làm cơ sở nền tảng cho mọi công nghệ trao đổi thông tin trực tuyến của ngày nay. Nhưng người đầu tiên xây dựng mạng Internet toàn cầu là Ông Tim Berners-Lee, người Anh, đã sáng tạo ra World Wide Web và là Chủ tịch World Wide Web Consortium (W3C) – tổ chức đặt nhiều tiêu chuẩn quan trọng của Internet. Bắt đầu từ năm 1980 tại Thụy Sĩ, Berners – Lee lúc  ấy đang thực hiện một hợp đồng sáu tháng làm kỹ sư phần mềm cho CERN – phòng thí nghiệm vật lý hạt của châu Âu tại Geneva. Ông lập nên một hệ thống mã tương đối dễ học gọi là HTML (Hyper Text Markup Language) mà sau này trở thành ngôn ngữ chủ đạo của Web. Cuối cùng, Berners – Lee đã tạo ra browser (trình duyệt web) đầu tiên của World Wide Web, cho phép người sử dụng mọi nơi trông thấy phát minh của anh qua màn hình máy tính. Năm 1991, World Wide Web bắt đầu được đưa vào hoạt động và lập tức đem lại trật tự và sự rõ ràng cho không gian điều khiển kết nối thông tin toàn thế giới.
Computer tạo ra cuộc cách mạng về thông tin, với một dòng điện ở hai trạng thái khác nhau, trạng thái không có điện chạy qua là ngắt mạch, được ký hiệu bằng số 0, trạng thái có điện chạy qua là đóng mạch, ký hiệu bằng số 1. Chỉ với hai ký hiệu đó, đủ làm phát sinh cuộc cách mạng về thông tin trên toàn thế giới. Tất cả mọi thông tin đều có thể dùng con số để diễn tả, từ chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video hay phim. Do đó cuộc cách mạng thông tin được gọi là số hóa, tức biến tất cả thông tin thành con số (digital). Thông tin có thể ở trạng thái tĩnh như văn bản, hình ảnh, hay ở trạng thái động như âm thanh, video. Thông tin có thể đơn giản là một bài báo, một cuốn sách, các tấm ảnh, một cuốn phim. Không chỉ có thế, thông tin còn có thể phức tạp, đa dạng hơn nhiều, đó là một chương trình (program) hay một phần mềm (software) điều khiển một số công việc nào đó gọi là một ứng dụng (application) hay cực kỳ phức tạp, quản lý công việc của cả một bộ máy, ví dụ một chiếc computer (máy vi tính) hay một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) gọi là hệ điều hành (OS= Operation System). Những hệ điều hành phổ biến hiện nay là Windows, Linux, Mac OS (của hãng Apple), Android (của hãng Google) v.v… Một chiếc điện thoại hiện đại có thể làm được rất nhiều công việc : gọi điện, nhắn tin, vào mạng đọc báo, nghe nhạc mp3, xem video, chụp ảnh, quay phim. Ảnh và phim mới chụp và quay xong có thể gởi ngay tức khắc qua wifi hay 3G tới bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Nó đã được kết nối với toàn thế giới qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Weibo hay các trang mạng khổng lồ như Google, Youtube…giúp chúng ta có thể tìm kiếm thông tin trên toàn thế giới một cách nhanh chóng, hữu hiệu bằng những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên mạng là Anh ngữ, Hoa ngữ cũng như các ngôn ngữ khác trên thế giới.
Trong tình hình tin học có thể làm được mọi thứ như hiện nay, một vấn đề đáng được nêu lên là  những cảm giác về thị giác và thính giác đã được số hóa một cách ngoạn mục, vậy liệu những cảm giác về khứu giác, vị giác và xúc giác có thể được số hóa hay không ? Chúng ta biết rằng cảm giác chỉ là ảo giác có điều kiện, khi nào có đủ điều kiện thì cảm giác phát sinh, việc đó đã rõ như ban ngày. Chữ viết, hình ảnh, âm thanh, phim video chỉ là sự biến hóa của một dãy số 0 và 1 một cách thật nhịp nhàng, ăn khớp với sự trợ giúp của các thiết bị. Các cảm giác về khứu giác, vị giác, xúc giác cũng vậy thôi, tuy khó khăn hơn nhưng cũng chỉ là ảo giác thôi, mà tất cả ảo giác đều có thể số hóa. Hiện nay người ta đang cố gắng thực hiện một số hình thức thô sơ để thể hiện ý tưởng đó trong các rạp chiếu phim 3D (tạo cảm giác vật thể 3 chiều), 4D (tạo thêm cảm giác về  xúc giác : rung, lắc, nhồi, nén, đẩy, đập… mạnh theo các tình huống trong phim), 5D (có thêm cảm giác về mùi hương).
 
Với phim 4D, người xem có cảm các vật thể rất thật, có cả cảm giác chúng chạm vào da thịt  
Thắng nghĩa của thông tin
Khi chưa được giải thích thì bạn không thể hiểu được thắng nghĩa của thông tin là gì. Phật giáo hay dùng chữ “thắng” để chỉ một trạng thái siêu việt nhị nguyên. Ví dụ thắng nghĩa đế là nội dung đề cập tới những việc không thể nghĩ bàn, bởi vì nó đã vượt quá sự hiểu biết giới hạn của trí óc, của tập quán, của thói quen thường thức. Chẳng hạn Kinh Hoa Nghiêm nói “Pháp giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại”, chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi một con người bằng xương bằng thịt lại có thể đi xuyên qua bức tường mà không hề bị trở ngại. Cũng không thể tưởng tượng những viên thuốc đựng trong một cái chai bằng thủy tinh có thể đi ra ngoài mà không cần mở nắp chai. Thế nhưng quả thật có những con người hiện thực của thế kỷ 20 đã làm được những việc như vậy. Họ biểu diễn trong điều kiện khắt khe của thí nghiệm, trước sự chứng kiến của các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo cao cấp nhất, nên không thể nói là họ làm giả được.
Như vậy thắng nghĩa của thông tin là thế nào ? Chúng ta nên lật lại kinh điển Phật giáo, xem lại Duy Thức Học nói như thế nào. Duy Thức tông do ngài Vô Trước sáng lập. Vô Trước (無著; sa. asaṅga, nghĩa là “không bị ô nhiễm, vướng mắc”), cũng được dịch âm là A-tăng-già (阿僧伽), sống khoảng thế kỷ thứ 4, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, người sáng lập Duy Thức tông (sa. vijñānavādin). Sư vận dụng thần thông (sa. ṛddhi) lên Đâu Suất thiên (兜率天sa. tuṣita) để được nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết giảng về tính Không. Về lại nhân thế, Sư truyền bá lý thuyết mới này nhưng không ai tin. Sau, Sư lại lên Đâu Suất để thỉnh Di Lặc xuống giáo hoá và sau đó Di Lặc giáng trần, thuyết giảng Thập thất địa (sa. saptadaśabhūmi, tức là 17 quyển của Du Già Sư Địa Luận-瑜伽師地論 sa. yogācārabhūmi-śāstra) trong một khoảng thời gian bốn tháng. Trong lúc này, Sư ban ngày thì thuyết giảng những lời dạy của Di Lặc, ban đêm lắng nghe và ghi chép lại những lời giảng mới. Sau đó, Sư bắt đầu trình bày tất cả giáo lý Đại thừa qua những trứ tác quan trọng của mình và cũng khuyến dụ Thế Thân, người em cùng mẹ khác cha, theo Đại thừa. Thế Thân vốn theo học giáo lý của Hữu bộ và cũng đã viết bộ luận lừng danh là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận-阿毗達磨俱舍論 sa. abhidharmakośaśāstra). Thế Thân nghe lời khuyên của Sư và từ đây, hai anh em trở thành hai Luận sư quan trọng của Đại thừa Phật pháp, đại diện cho nhánh Duy Thức, để lại những tác phẩm vô cùng quý giá cho hậu thế. Các tác phẩm quan trọng của Vô Trước là Du-già sư địa luận, Đại thừa trang nghiêm kinh luận-大乘莊嚴經論, Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận-大乘阿毘達磨集論 và Nhiếp đại thừa luận-攝大乘論, một bộ luận viết bằng văn vần trình bày giáo pháp của Duy thức tông, hiện nay chỉ còn bản dịch  chữ Hán và chữ Tây Tạng.
Thế Thân (世親, sa. vasubandhu), 316-396, cũng được dịch là Thiên Thân (天親), dịch âm là Bà-tu-bàn-đầu (婆修盤頭), hay Bà-tẩu-bàn-đậu (婆藪槃豆), là một Luận sư xuất sắc của Duy Thức tông-唯識宗 (sa. vijñānavādin), được xem là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Người ta cho rằng Sư sinh tại Peshawa (địa danh ngày nay), sống tại Kashmir và viên tịch tại A Du đà (ayodhyā). Sư vừa là em vừa là đệ tử của Vô Trước (sa. asaṅga), người sáng lập phái Duy thức. Thế Thân cũng là tác giả của Duy thức tam thập tụng-唯識三十頌, sa. triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā), luận giải quan điểm của Duy thức tông, cũng như tác giả của nhiều bài luận về các tác phẩm của Vô Trước và về giáo lý Đại thừa như Thập địa, Kim Cương kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, A Di Đà Kinh (sa. sukhāvatī-vyūha).
Duy Thức tông nói rằng toàn thể vũ trụ vạn vật chỉ là tâm thức, như thế nghĩa là vũ trụ chỉ là thông tin, vật chất cũng chỉ là thông tin.
Ngày nay cũng có một số khoa học gia đồng tình với quan điểm này, ví dụ Craig Hogan, ông ngờ rằng vũ trụ cũng chỉ là số.
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=5070&CategoryID=2
Vật chất cũng là thông tin.
Trong tin học hiện đại, chúng ta có hai phần : phần cứng (hardware) là thiết bị bằng vật chất, và phần mềm (software) là chương trình điều khiển phần cứng để đạt được các hiệu ứng mong muốn. Điều đó cũng giống như con người có hai phần : một là thân thể bằng xương thịt, cơ bắp; hai là tinh thần, tư tưởng, ý thức, là năng lực điều khiển thân thể cơ bắp. Như vậy ý thức có khả năng điều khiển được vật chất thông qua cơ thể. Tương tự như vậy, chương trình phần mềm điều khiển các hoạt động của phần cứng và đủ loại thông tin khác.
Như vậy ý thức điều khiển được vật chất là điều rõ ràng. Nhưng ý thức chưa phải là toàn bộ tâm thức. Duy thức học Phật giáo mô tả thế giới được hình thành bằng 8 thức, Duy thức học gọi chung là thức. Để hiểu rõ ràng hơn 8 thức này, tôi xin nhắc lại và đối chiếu nó với tin học ngày nay.
 
Điều gì chứng tỏ vật chất cũng chỉ là thông tin, là thức, là ảo tưởng ? Các bộ luận Duy Thức và Trung Quán của Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ đã tập trung nói về vấn đề này. Xin trích ra một ít bài kệ của các luận sư:
Luận giải của  Duy Thức Tam Thập Tụng :
由假說我法
有種種相轉
彼依識所變
此能變爲三
謂異熟思量
及了別境識
Do giả thuyết ngã pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến
Thử năng biến vi tam
Vị Dị thục, Tư lượng
Cập Liễu biệt cảnh thức
Giả nghĩa là không có gốc, tùy theo tướng huyễn biến mà có. Tuy nói là có mà sự thật là không nên gọi là giả. Hữu chủng chủng tướng chuyển cũng giống như nói trùng trùng duyên khởi mà phát sinh ra các hiện tượng và thế giới. Bỉ y thức sở biến : cái này dựa vào sự biến chuyển của thức. Thử năng biến vi tam : Cái kia có khả năng biến thành ba. Vị Dị thục, Tư lượng, cập Liễu biệt cảnh thức : gọi là các thức Dị thục (Dị thục phiên âm từ phạn ngữ Vipaka dịch nghĩa là kết quả hay quả báo tức là hiện tượng), Tư lượng (suy nghĩ, tưởng tượng) và Liễu biệt (phân biệt).
初阿賴耶識
異熟一切種
不可知執受
處了常與觸
作意受想思
相應唯捨受
是無覆無記
觸等亦如是
恒轉如瀑流
阿羅漢位捨
Sơ A -lại-da thức
Dị thục, Nhất thiết chủng
Bất khả tri chấp thọ
Xử Liễu Thường dữ Xúc
Tác, Ý, Thọ, Tưởng, Tư
Tương ưng duy Xả thọ
Thị vô phú vô ký
Xúc đẳng diệc như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A -la-hán vị xả
Thức năng biến căn bản nhất là thức A-lại-da chứa đựng tất cả dữ liệu cho mọi hiện tượng. Tất cả các sở hiện đều lấy dữ liệu từ A-lại-da hay còn gọi là Tàng thức này. Vì chúng sinh không thể biết, chấp trước, thọ nhận, cho rằng các sở hiện, tức các hiện tượng mà chúng thấy và cảm nhận, phân biệt đều là thật, có thể sờ mó tiếp xúc được (Xử Liễu, Thường dữ Xúc). Phát sinh ý thức, cảm giác, tưởng tượng và suy nghĩ. Do đó chỉ có buông bỏ sự cảm nhận (xả thọ) mới không bị che lấp (vô phú) và không chấp trước tạo nghiệp (vô ký). Đối với cảm giác tiếp xúc cũng giống như vậy. Tất cả thức đều luôn chuyển động không ngừng giống như dòng nước chảy xiết (bộc lưu). Cho đến quả vị A La Hán vẫn còn chưa buông bỏ hết. (Tới quả vị Bồ Tát thập địa và Phật mới hết sạch các tập khí trước tưởng vi tế).
次第二能變
是識名末那
依彼轉緣彼
思量爲性相
四煩惱常俱
謂我癡我見
并我慢我愛
及餘觸等俱
有覆無記攝
隨所生所繫
阿羅漢滅定
出世道無有
Thứ đệ nhị Năng biến
Thị thức danh Mạt -na
Y bỉ chuyển duyên bỉ
Tư lượng vi tính tướng
Tứ phiền não thường câu
Vị Ngã si, Ngã kiến
Tịnh Ngã mạn, Ngã ái
Cập dư Xúc đẳng câu
Hữu phú Vô ký nhiếp
Tùy sở sinh sở hệ
A -la-hán, Diệt định
Xuất thế đạo vô hữu.
Thức năng biến thứ nhì là Mạt-na, dựa vào thức này mà chuyển đổi nghiệp duyên (của một cá thể) suy lường, nhận thức về tính và tướng của vật. Bốn phiền não căn bản nhất của chúng sinh (sinh, lão, bệnh, tử) đều từ đó mà phát sinh, gọi là sự mê muội và sự thấy biết của cái ta (Vị ngã si ngã kiến) cùng với ngã mạn ngã ái (tính tự kiêu và sự ưa thích của ta), thêm nữa là cái dư vị của xúc giác khiến che lấp sự thật là sự vật không có tự tính (vô ký). Tùy theo đó mà ràng buộc mình vào sự sinh diệt. Đến quả vị A La Hán, đã hết sinh diệt, thoát khỏi sinh tử luân hồi (diệt định) mới biết rằng ra khỏi nghiệp cảnh của thế gian (xuất thế) thì cũng không có Đạo. (Điều này trong Bát Nhã Tâm Kinh đã nói rõ : không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo).
次第三能變
差別有六種
了境爲性相
善不善俱非
Thứ đệ tam Năng biến
Sai biệt hữu lục chủng
Liễu cảnh vi tính tướng
Thiện, bất thiện, câu phi.
Thức năng biến thứ ba là ý thức, nó là tổng hợp của 5 thức cơ bản của các giác quan, gộp chung là lục thức. Sáu thức này kiến lập sự phân biệt. Nói theo khoa học ngày nay, toàn bộ cảnh giới thế gian chỉ cần có vài loại hạt cơ bản như quark, electron, photon. Chúng chỉ là hạt ảo và không thật sự có số lượng (ý niệm này PG gọi là bất nhị, không phải hai hay nhiều, cũng không phải là một). Lục thức ban sơ là chính biến tri, có khả năng kiến văn giác tri một cách tuyệt đối (không có đối đãi, bất sinh bất diệt, gọi là vô sinh pháp nhẫn hay còn gọi Tâm bất nhị hay Phật tính tức tính giác ngộ tự biết) biến chúng thành có số lượng và từ số lượng tạo thành cấu trúc ảo, từ cấu trúc ảo, phân biệt chúng thành các loại nguyên tố khác nhau, rồi tạo thành phân tử vô cơ (inorganic) và hữu cơ (organic), rồi tạo thành chất sống, sinh vật, phát triển thành các giác quan và bộ não, thế là chúng sinh xuất hiện, tiêu biểu nhất là con người có lục căn tương tác với lục trần phát sinh lục thức. Lục thức phát sinh nhất niệm vô minh và nhiều nhất niệm vô minh xuất hiện liên tục thành dòng tâm niệm hay ý thức, và ý thức nhận thức các loại cấu trúc ảo thành lục trần (đối tượng : objects) chẳng hạn vũ trụ, tinh tú, sơn hà đại địa, nhà cửa, cây cối, sinh vật…Những điều này xuất hiện trong một hiện tượng mang tính tập trung rất kỳ lạ gọi là hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Theo thí nghiệm của Nicolas Gisin và đồng sự tại Đại học Geneva Thụy Sĩ thực hiện năm 2008, họ tạo ra hai photon tách rời cách nhau 18 km, họ tác động lên photon này thì tức thời photon kia bị tác động theo, không mất chút thời gian nào. Lúc sinh thời Einstein có biết hiện tượng này, nhưng ông rất bối rối không hiểu được, nên phát biểu rằng đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Hiện tượng này còn biểu lộ những tính chất rất lạ lùng mà Einstein không thể nào chấp nhận nổi : đó là vật không có tự tính, cụ thể là hạt photon không có số spin sẵn, mà đó chỉ là số đo do con người gán cho lúc đo đạc. Photon không có định xứ (nonlocality) nhất định, định xứ cũng là do con người gán cho. Số lượng hai photon cũng không thực có, con người thấy là hai nhưng thực tế không phải là hai. Gần đây Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau. Như vậy con số hai photon, 100.000 photon, hay vô cực photon là do ý thức con người tạo ra, cảm thấy. Số lượng là do ý thức của con người tạo ra. Mặt khác khái niệm về khoảng cách không gian (18 km trong thí nghiệm của Gisin) hay thời gian (không mất thời gian hay mất bao lâu) đều là do con người tạo ra. Các nhà duy thức đã thấu hiểu tất cả những điều này nên họ mới tổng kết một câu xanh dờn trong Thành Duy Thức Luận : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Họ biết tất cả những phân biệt về tính tướng, về thiện ác đều chỉ là giả lập, là ảo chứ không phải thật (Liễu cảnh vi tính tướng, Thiện, bất thiện câu phi).
Einstein đã cố chống lại thuyết lượng tử, năm 1935, ông cùng với Podolsky và Rosen đưa ra một giả thuyết để bác bỏ thuyết lượng tử mà sau này giới khoa học thường gọi là nghịch lý EPR (EPR paradox). Năm 1964, tức 11 năm sau khi Einstein qua đời, John Bell có sáng kiến lập ra bất đẳng thức mang tên ông, dựa theo các tính chất mà nhóm EPR cho là đúng, để kiểm chứng giả thuyết EPR. Tất cả các thí nghiệm đều cho thấy bất đẳng thức Bell bị vi phạm, điều đó chứng tỏ giả thuyết của nhóm Einstein là sai lầm.
Luận giải của Trung Quán Luận
Bài kệ Quán Nhân Duyên :
諸法不自生 Chư pháp bất tự sinh
亦不從他生  Diệc bất tòng tha sinh
不共不無因  Bất cộng bất vô nhân
是故知無生  Thị cố tri vô sinh
Chư pháp bất tự sinh ý nói các sự vật không có thực thể, không thể tự mình thành lập. Ví dụ nguyên tử vật chất không có thực thể, nó không thể tự một mình mà thành lập được. Diệc bất tòng tha sinh, cũng không phải từ vật khác mà sinh ra. Ví dụ nguyên tử vật chất cũng không phải sinh ra từ vật gì khác, chẳng hạn, quark và electron. Nguyên tử đơn giản nhất là Hydrogen cấu tạo gồm có một proton và một electron :
 
Nguyên tử Hydrogen và hai đồng vị của nó là Deuterium và Tritium
Nhân của Deuterium gồm có 1 proton (đỏ) và 1 neutron. Nhân của Tritium có 1 proton và 2 neutron.
Nguyên tử cũng không phải sinh ra từ quark và electron vì bản thân các hạt này cũng không có thực thể, chúng chỉ là hạt ảo. Như vậy nguyên tử Hydrogen không phải tự sinh ra, cũng không phải do quark và electron sinh ra, nguyên tử không phải là vật. Heisenberg, một trụ cột quan trọng của Vật lý học thế giới nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật). Nguyên tử là một cấu trúc ảo tức không có thật, nhưng trong tâm thức của người quan sát hoặc thiết bị thăm dò đo đạc, thì nó lại hiện hữu như một vật thật.
Vậy nguyên tử chỉ là mối quan hệ tương tác giữa các hạt ảo chứ không phải là vật thật và chỉ hiện hữu trong tâm thức của chúng sinh. Nghĩa là nguyên tử không có thật, nhưng con người lại cảm thấy là có thật với tất cả các giác quan: thấy, nghe, nếm, ngửi, sờ mó và ý thức của mình. Tất cả các cố thể vật chất do nguyên tử, phân tử hợp thành cũng thế, như thức ăn, nước uống, nhà cửa, lâu đài, xe cộ cho tới vũ trụ vạn vật cũng đều như thế. Đó chính là ý nghĩa đích thật của tính không trong Trung Quán tông, hoặc của câu “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” trong Thành Duy Thức Luận.
Bất cộng bất vô nhân. Ý nghĩa câu này còn đi xa hơn nữa, phủ nhận cả thuyết nhân duyên (bất cộng), phủ nhận cả thuyết tự nhiên sinh (bất vô nhân). Có nghĩa là các sự vật, hiện tượng, thật ra chỉ là vọng tưởng chứ không phải thật có. Vì chỉ là tưởng tượng chứ không phải có thật nên biết là vô sinh (Thị cố tri vô sinh) không thật có sinh ra, không thật có bắt đầu.
Các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý đã có những thực nghiệm mà qua đó vô hình trung, chứng nhận tính xác thực của các lý luận từ xưa trong Phật pháp và nhận thức gần đây của khoa học.
Năm 1982, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, trước mắt các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, Trương Bảo Thắng biểu diễn dùng tâm niệm lấy một trái táo ra khỏi một cái thùng sắt mà nắp đã bị hàn kín. Nếu quả táo là một vật có thật thì không thể nào lấy quả táo ra khỏi thùng sắt hàn kín nắp, chứ chưa nói là không dùng tay, chỉ dùng tâm niệm để lấy. Chính vì bản chất của quả táo và của thùng sắt là ảo, là không có thật nên mới làm được.
Trương Bảo Thắng – Lấy trái táo ra khỏi thùng sắt bị hàn kín (*)
Năm 1984, Hầu Hi Quý đã biểu diễn tại Cung Văn hóa Công nhân thành phố Tương Đàm tỉnh Hồ Nam, cho các nhà lãnh đạo công đoàn của tỉnh và thành phố xem. Ông đã dùng cục gạch đập bẹp chiếc đồng hồ đeo tay của Long Quỳ, phó chủ tịch công đoàn tỉnh, rồi dùng tâm niệm phục hồi lại y nguyên như cũ. Chính vì cái đồng hồ không phải là vật thể có thật nên mới có thể dùng tâm niệm để phục nguyên.
Hầu Hi Quý đến, anh không thoái thác, theo sự sắp xếp của Chu Hiệu Pháp, đồng ý biểu diễn tại Cung Văn hóa Công nhân. Đó là chủ ý hay của Chu Hiệu Pháp, ông biết rằng nếu dùng ảo thuật nhất định phải có sự phối hợp, chắc chắn phải có đạo cụ, phải đem người tới, cửa đóng chặt, không ai có thể ra vào, tự nhiên là không thể phối hợp được. Đến như đạo cụ, thì khi vào nơi biểu diễn, không cho mang bất cứ thứ gì vào, không cần phải quan tâm. Người được vào xem, thì ngoài Phó chủ tịch Công Đoàn tỉnh Hồ Nam, Long Quỳ và Trưởng ban tuyên truyền Văn Lực Sinh, còn có nhân viên tùy tùng của họ, những người lãnh đạo của Cung Văn hóa và vài vị cán bộ Công Đoàn của thành phố Tương Đàm, đều không phải là người thân quen với Hầu Hi Quý, không thể trợ giúp anh ta làm điều gian dối.
Tất cả chuẩn bị đâu vào đấy, Hầu Hi Quý hướng về Phó chủ tịch Long, hỏi mượn chiếc đồng hồ đeo tay. Ông mỉm cười không hiểu Hầu Hi Quý cần chiếc đồng hồ để làm gì, nhưng ông cũng lập tức cởi chiếc đồng hồ đưa cho anh ta. Hầu Hi Quý tiếp nhận đồng hồ, thuận tay xé một mảnh giấy, gói cái đồng hồ lại, quay đầu về phía một cán bộ ở gần đó ra dấu bảo anh ta đến giúp.
“Xin anh hãy nhặt nửa cục gạch tiểu đằng kia” Hầu Hi Quý chỉ chỉ cục gạch nằm dưới chân tường, nói với người cán bộ : “Hãy đập mạnh, đập bẹp cái đồng hồ này.”
“Đập đồng hồ ?” người cán bộ do dự, anh ta nhặt cục gạch lên nhưng không dám đập, mà nói :
“ Đập bẹp nó rồi, ai bồi thường ? Hay là anh cứ tự mình đập đi !”
“Được, tôi đập, nhưng” Hầu Hi Quý hướng về chủ tịch Long nói “Nếu đập bẹp xong, có cần bồi thường không ?”
“Đập bẹp thì cứ đập bẹp, thì nó sẽ là cái đồng hồ hư vậy, đeo nó đã lâu lắm rồi.” Long Quỳ là người phóng khoáng, nói “Không phải bồi thường đâu !”
“Vậy thì được, một lời đã định nhé.” Hầu Hi Quý giơ cao cục gạch, nhưng anh không đập xuống ngay. Những người vây quanh đều có chút căng thẳng, có người há hốc mồm, có người tròn xoe mắt nhìn, có người hít một hơi dài.
Hầu Hi Quý xuống tay xong, cục gạch đập mạnh vào gói giấy nghe một tiếng “bình !” kinh dị. Mọi người cảm thấy đáng tiếc, chiếc đồng hồ đẹp thế kia, tất yếu là vỡ ra mấy mảnh, không khỏi có tiếng xuýt xoa nổi lên.
“Mở gói giấy ra !” Hầu Hi Quý ra hiệu “xem đồng hồ !”
Không ai nhúc nhích. Cái bao giấy nhỏ cũng bị đập dẹp, phía trên hãy còn dấu vết những mảnh gạch vỡ vụn màu đỏ do sự va đập. Ai biết được cái đồng hồ đáng thương bị đập thì sẽ như thế nào ?
Hầu Hi Quý thấy không ai động thủ, dường như không sẵn sàng tình nguyện động thủ lắm. Anh chép miệng “chậc chậc !” hai tiếng, lại lắc lắc đầu, có tới 10 cặp mắt nhìn trân trân, anh cúi xuống nhặt gói giấy lên, nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay, sau đó từ từ mở ra.
Cả 10 cặp mắt đều lộ vẻ khủng hoảng, đồng hồ quả nhiên bị đập bẹp, mặt kính vỡ nát, hư hỏng hoàn toàn, thành một cục sắt phế thải.
“Bẹp dí rồi, làm sao đây ?” Hầu Hi Quý hỏi to, tựa như anh cũng chưa từng dự liệu kết cục lại như thế.
“Đã tính rồi, đã tính rồi mà, đã tính là nó sẽ bẹp dí mà.” Phó chủ tịch Long Quỳ khẳng khái nói, tuy nét mặt không biến sắc, nhưng ngữ khí vẫn lộ chút vẻ bất lực không thể làm gì được.
Hầu Hi Quý khịt mũi một tiếng, gói lại cái đồng hồ bẹp dúm trước sự chú mục của 10 cặp mắt, để trong lòng bàn tay, nhè nhẹ xoa xoa một chút, sau đó thổi nhẹ một cái, đưa cho chủ nhân của chiếc đồng hồ.
“Không được, ‘ba điều kỷ luật lớn, tám đề mục phải chú ý’ đập bẹp thì phải bồi thường, đền cho ông một chiếc nè.”  Hầu Hi Quý nói một câu vui đùa, cười nhìn Long Quỳ.
Trưởng ban Văn tiếp nhận gói giấy, anh ta cũng không biết kết cục của màn biểu diễn của Hầu Hi Quý là như thế nào, chỉ biết theo thói quen bình thường là mở gói giấy.   
“Úi trời !” mọi người kinh ngạc kêu lên. Họ thấy trong gói giấy là chiếc đồng hồ hoàn toàn nguyên vẹn, bên cạnh vẫn còn vài mảnh vỡ màu đỏ của cục gạch. Chiếc đồng hồ vẫn chạy “tích tắc” đều đặn. Tâm lý của người xem trong giây phút đó ngẩn ngơ tê liệt. Trong số họ, đại đa số đều giống như Long Quỳ, Văn Lực Sinh, Chu Hiệu Pháp, là những người tin tưởng ở chủ nghĩa Mác Lê Nin, là những người triệt để duy vật chủ nghĩa, nhưng bất luận thế nào, họ không cách nào liên hệ được giữa hai tình huống, một phút trước là chiếc đồng hồ hư hỏng hoàn toàn, còn bây giờ là chiếc đồng hồ hoàn hảo không chút tổn hại. Nhưng sự thực vẫn là sự thực, tiếng “tích tắc” của chiếc đồng hồ vang lên trong bầu không khí im lặng hoàn toàn trong gian phòng tách biệt với bên ngoài.
Người bình thường không thể làm được như vậy vì tâm lực không đủ mạnh, không thắng được các lực cơ bản của vật chất. Lực hạt nhân là mạnh nhất, kết  nối ba hạt quark thành hạt proton hoặc thành hạt neutron trong nhân nguyên tử, tạo thành hiện tượng giam hãm (confinement) là biểu hiện tâm cố chấp kiên cố của chúng sinh, nếu phá được sự chấp trước này thì có thể điều khiển được nguyên tử theo ý muốn, ví dụ biến trái táo thành không, di chuyển ra khỏi thùng sắt và phục nguyên nó, hoặc biến chiếc đồng hồ bẹp dí, hư hỏng hoàn toàn, thành chiếc đồng hồ nguyên vẹn, bình thường chạy tích tắc đều đều như chưa hề bị đập bẹp.
Đối với bậc giác ngộ như Đức Phật thì thần thông chẳng có gì lạ. Trong các quyển kinh như Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh hay Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phật đã nhiều lần thi triển thần thông. Ngày nay chúng ta đọc các kinh đó, không thể nào tin nổi, nhưng các nhà đặc dị công năng hiện đại biểu diễn cho các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà tỉ phú xem, thì không thể không tin, nhất là các quyển sách nói về các nhân vật thần kỳ đó do những người phụ trách cơ quan khoa học (tác giả sách Siêu nhân Trương Bảo Thắng là Gia Cát Hỉ Hán, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Bổn Khê tỉnh Liêu Ninh) và của cơ quan báo chí nhà nước (Liêu Văn Vĩ, tác giả sách Đông phương Kỳ nhân nói về Hầu Hi Quý, là Chủ nhiệm Ban Biên tập của tạp chí Bằng Hữu, là tờ báo của Công Đoàn tỉnh Hồ Nam) là cơ quan ngôn luận tư tưởng của nhà nước cộng sản Trung Quốc viết ra, mà hệ tư tưởng chính thống của họ là chủ nghĩa duy vật, nếu không có bằng chứng xác thực thì chẳng bao giờ họ cho phép xuất bản chính thức những quyển sách đó cả, vì nó làm sụp đổ chủ nghĩa duy vật.
Hãy đọc thêm vài bài kệ nữa trong Trung Quán Luận :
若果從緣生 Nhược quả tòng duyên sinh
是緣無自性 Thị duyên vô tự tính
從無自性生 Tòng vô tự tính sinh
何得從緣生 Hà đắc tòng duyên sinh
Trong bài kệ này Long Thọ dùng lý luận lô gích để phá thuyết nhân duyên, như ở trên đã nói, muôn pháp đều vô tự tính nên nhân duyên cũng không có tự tính, như vậy quả hay bất cứ hiện tượng nào nếu nói do duyên sinh thì không có lý, vì duyên cũng chẳng có tính chất gì riêng biệt cả, nó không khác bất cứ thứ gì khác nên sự thật không phải là do duyên sinh. Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo giải thích tất cả đều do duyên khởi, đó chẳng qua là tạm giải thích theo vọng tưởng của chúng sinh, giống như khoa học nói lá phướn lay động là do gió thổi, mặc dù rất có lý nhưng lý đó không rốt ráo. Tất cả chỉ là vọng tưởng của tâm mà thôi. Vì vậy tại chùa Pháp Tính, Quảng Châu năm 676, sư Huệ Năng đã bác cả lý luận của hai ông tăng, một ông nói phướn tự lay động, đó là thuyết tự nhiên, ông kia nói gió làm cho phướn động, đó là thuyết nhân duyên. Huệ Năng nói : “非幡動非風動仁者心動 Phi phan động, phi phong động, nhân giả tâm động: Không phải phướn tự động, cũng không phải gió động, là tâm của các ông động” . Lời nói của Huệ Năng có ý nghĩa rốt ráo nhưng ít có người hiểu được vì hầu hết mọi người đều hiểu theo cách giải thích của khoa học là gió làm cho phướn lay động. Nhưng nếu hỏi tới : cái gì làm cho gió động ? Chênh lệch nhiệt độ không khí tạo ra luồng gió. Cái gì tạo ra chênh lệch nhiệt độ ? Ánh nắng mặt trời tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ không khí đối với địa hình địa vật khác nhau trên mặt đất. Cái gì tạo ra địa hình địa vật khác nhau ? Cảnh quan tự nhiên nó như thế. Tới đây thì khoa học hết biết đường trả lời. Nếu hỏi tới nữa, tạo sao có quả địa cầu, tại sao có vũ trụ, tại sao có con người ? Khoa học không còn biết chính xác nữa mà chỉ lập ra các giả thuyết, như thuyết Big Bang chẳng hạn để giải thích về vũ trụ, thuyết Sinh vật tiến hóa luận để giải thích sự xuất hiện của con người. Mà các giả thuyết này có nhiều lỗ hổng, không hoàn toàn thuyết phục.
Dưới ánh sáng giác ngộ của Thích Ca, Phật giáo từ lâu đã nói rằng vũ trụ, vạn pháp chỉ là ảo, do tâm tạo. Chính vì bản chất là ảo, không phải thật, nên PG có thuyết vô sinh hay còn gọi là vô sinh pháp nhẫn 无生法忍 là trạng thái không có sinh diệt, đó cũng là cứu cánh niết bàn hay bản tâm của mọi chúng sinh, là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Nhân quả cũng không có thật, chỉ có trong vọng tưởng mới có nhân quả. Chúng ta thử xem phẩm thứ 20 quán nhân quả. Phẩm này có 24 bài kệ nhưng chúng ta chỉ cần xem hai bài mở đầu và bài kết thúc của phẩm quán nhân quả.
若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp
而有果生者 Nhi hữu quả sinh giả
和合中已有 Hòa hợp trung dĩ hữu
何須和合生 Hà tu hòa hợp sinh
若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp
是中無果者 Thị trung vô quả giả
云何從眾緣 Vân hà tòng chúng duyên
和合而果生 Hòa hợp nhi quả sinh
Tóm lại :
是故果不從 Thị cố quả bất tòng
緣合不合生 Duyên hợp bất hợp sinh
若無有果者 Nhược vô hữu quả giả
何處有合法 Hà xứ hữu hợp pháp ?
Nếu các duyên (điều kiện) hòa hợp để sinh ra kết quả thì trong sự hòa hợp đó đã có sẵn kết quả thì đâu phải do hòa hợp mà sinh ra. Nếu các duyên hòa hợp mà lại không có kết quả thì cũng không đúng vì các duyên hòa hợp thực tế có cho ra kết quả, tức là có một hiệu ứng mới.
Kết luận, kết quả không phải do duyên hợp hay bất hợp mà sinh ra. Mà nếu không có kết quả thì sự hòa hợp biến đi đâu ?
Lý luận này rất trừu tượng khó hiểu. Cần phải có ví dụ thích hợp mới hiểu được rõ ràng. Ví dụ chúng ta có những sợi rơm. Với bàn tay khéo léo, người thợ thủ công đan sợi rơm lại thành cái nón xinh xắn. Cái nón chẳng qua cũng chỉ là những sợi rơm kết lại chứ chẳng phải cái gì khác, nếu không có ý thức phân biệt thì cái nón và bó rơm chẳng có gì khác nhau, vẫn chỉ là rơm mà thôi. Nhưng với ý thức thì cái nón hoàn toàn khác bó rơm, đẹp đẽ hơn, có những công dụng mới, đó là do phân biệt, là một cảm nhận mới do tưởng tượng đồng bộ của lục căn.
Những bó rơm của các nông dân
Chiếc nón rơm làm ra từ các cọng rơm
Tính chất đồng bộ này có ý nghĩa rất lớn. Chẳng hạn, nước H2O là do hai nguyên tử hydro kết hợp với một nguyên tử oxy. Nếu không có ai phân biệt thì nước cũng chỉ là quark và electron, không khác gì đất, đá, bụi. Nhưng trong ý thức đồng bộ của lục căn thì nước là điều kiện chủ yếu của sự sống, có thể uống, tiêu hóa, tăng trưởng, trao đổi chất trong tế bào, là điều kiện không thể thiếu của sinh vật.
Kết quả này không phải chỉ do sự hòa hợp, bởi vì nếu không có chủ thể nhận thức, phân biệt thì không có gì khác nhau. Như vậy sự khác nhau phải là do có người phân biệt, tưởng tượng chứ không phải chỉ là do sự hòa hợp. Đây là một vấn đề rất lớn trong nhận thức luận. Einstein đã từng đưa ra thách thức : “Nếu không có ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao ?” Long Thọ ắt trả lời rằng : đúng vậy, nếu không có người phân biệt thì mặt trăng chỉ là một cấu trúc ảo, làm bằng quark, electron chứ không có thật, bản chất của nó là không. Còn Trương Bảo Thắng ắt nói rằng : tôi có thể đi xuyên qua mặt trăng giống như đi xuyên qua bức tường.
Như vậy kết luận, kết quả hay hiện tượng xảy ra không phải là do duyên hợp hay không hợp, nếu không có kết quả thì sự kết hợp đâu có tác dụng gì, nhưng thực tế là có tác dụng, chẳng hạn sự kết hợp của một hạt proton và một hạt electron thì có kết quả là nguyên tử hydrogen. Nhưng kết quả này không phải do hòa hợp mà là do tưởng tượng. Nhưng tưởng tượng này phải có cơ sở, nghĩa là phải có một cấu trúc ảo mới.
Đó là ý nghĩa của ba bài kệ về quán nhân quả ở trên. Ở đây cần phải phân tích thêm tại sao bài kệ thứ ba nói kết quả không phải sinh ra do duyên hợp hay không hợp (Thị cố quả bất tòng, Duyên hợp bất hợp sinh). Đây là một điểm rất quan trọng mà khoa học thế kỷ 20 mới phát giác, phải cần có người khảo sát hoặc có thiết bị thăm dò để nhận thức, phân biệt vật, tưởng tượng ra thì vật mới hiện hữu. Đây chính là điều mà nhà vật lý học và khoa học máy tính Von Neumann nói “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật). Đây cũng chính là thế giới quan cơ bản của Phật giáo, tâm chính là nguồn gốc và động lực của tất cả các pháp. Nhân cũng là tâm mà quả cũng là tâm. Tại sao như vậy ? Vì quark và electron chỉ là hạt ảo, các cấu trúc nhân duyên của nguyên tử, của vật chất đều là cấu trúc ảo. Dưới tác dụng của chính biến tri, các cấu trúc ảo hình thành lục căn, lục trần, 12 giới này tương tác với nhau theo từng cặp phát sinh ra lục thức, 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) này chính là điều kiện căn bản để vũ trụ vạn vật hình thành. Trong quá trình hình thành vũ trụ, lại phát sinh thêm 2 giới nữa là mạt-na và a-lại-da. Mạt-na là thức chấp ngã của chúng sinh, phân biệt chúng sinh này với chúng sinh khác. A-lại-da là kho chứa tất cả mọi dữ liệu phát sinh trong quá trình hình thành tam giới của tất cả chúng sinh. A-lại-da cũng chính là tâm bất nhị, là nguồn gốc chung của tam giới.
Vì tất cả chỉ là ảo hóa nên Bát Nhã Tâm Kinh mới nói ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giai không, khổ tập diệt đạo cho tới cứu cánh niết bàn đều không phải thật. Giác ngộ tam giới duy tâm, tất cả chỉ là ảo hóa thì tất nhiên giải thoát tất cả mọi khổ nạn (độ nhất thiết khổ ách) vì tất cả mọi cảnh giới, mọi hiện tượng đều chỉ là nằm mơ giữa ban ngày.
Tuy nhiên Long Thọ Bồ Tát không phủ nhận cuộc sống thế gian dù biết đó là ảo, nên mới có Trung Quán Luận, chỉ ra con đường ở giữa. Không quá chấp trước cảnh mộng huyễn của thế gian để chuốc lấy phiền não, cũng không thiên chấp ở tính không, bởi tất cả mọi diệu dụng đều nằm ở chỗ ảo hóa. Mọi người có thể tự do tự tại sống cuộc sống của mình, đừng có quá cố chấp cũng không có cái gì phải bỏ.
Kết luận
Tóm lại vật chất cũng chỉ là ảo hóa, là tưởng tượng nên nó đích thực là thông tin mà Duy Thức học Phật giáo đã đề cập từ lâu. Tuy nhiên vật chất là một dạng thông tin cứng, khó xử lý hơn rất nhiều so với thông tin mềm của tin học. Con người muốn xử lý vật chất phải dùng tới khí cụ và công nghệ rất phức tạp. Sở dĩ như vậy vì vật chất có cấu trúc nguyên tử rất bền. Sở dĩ bền vững như vậy vì thành phần cấu tạo nên hạt nhân nguyên tử là proton và neutron là vô cùng bền vững, bền vững tới mức các nhà khoa học coi như vĩnh viễn, không cách gì phá vỡ được hạt proton hay hạt neutron vì ba hạt quark cấu tạo nên chúng dính chặt vô cùng kiên cố. Người ta có thể phá vỡ hạt nhân nguyên tử của Uranium nhưng không có cách nào phá vỡ được hạt proton hay hạt neutron. Vì vậy người ta gán cho tính chất không thể tách rời của ba hạt quark là hiện tượng giam hãm (confinement) nghĩa là chúng bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton và hạt neutron.
Tuy nhiên một số nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý, dùng tâm lực lại có thể xử lý vật chất một cách dễ dàng như chúng ta thấy trong các biểu diễn nêu trên. Họ chứng tỏ rằng vật chất có thể bị xử lý trực tiếp bằng tâm lực, không cần qua cơ bắp của thân thể, cũng không cần qua máy móc thiết bị. Điều đó chứng tỏ chắc chắn rằng vật chất cũng chỉ là thông tin, tuy kiên cố nhưng không phải là vô phương xử lý, cũng không phải chỉ có cơ bắp, thiết bị và công nghệ mới có thể xử lý được.
Thông tin có thể trình hiện trên mặt phẳng hai chiều của màn hình vi tính. Thông tin động thì có thêm chiều kích thứ ba là thời gian. Điều này thì chúng ta đã biết chắc chắn rồi.
Thông tin cũng có thể trình hiện trong không gian ba chiều của đời sống thường nhật thành vật chất, vật thể, vạn vật, con người. Thông tin động thì có thêm chiều kích thứ tư là thời gian. Điều này thì chúng ta cảm thấy rất bất ngờ, không thể tin nổi, nhiều nhà khoa học vẫn còn mơ hồ không xác định được. Nhưng khoa học thế kỷ 20 và 21 đã cung cấp cho chúng ta nhiều chứng cứ xác thực. Gần như toàn bộ vật chất trên địa cầu chỉ là mấy loại hạt thôi. Các nhà vật lý đã lập ra mô hình chuẩn của vật lý học như sau :
Mô hình chuẩn của vật lý học hiện đại gồm 17 loại hạt
Từ những hạt ảo này mà hình thành vô số cấu trúc ảo và từ đó tưởng tượng ra đủ thứ vật chất trên đời. Một số nhà vật lý như David Bohm, Amit Goswami, Craig Hogan…còn đi xa hơn. Họ nói thế giới là ảo, vật chất là do ý thức tạo thành, vũ trụ có bản chất là số. Người ta có thể tìm cách qui tất cả 17 loại hạt trên về một hạt duy nhất thôi, đó là lượng tử với hai tính chất đối lập nhau là sóng và hạt. Ký hiệu hạt là 1 (thật), sóng là 0 (ảo). Như vậy có thể số hóa vũ trụ vạn vật giống như con người đã số hóa hình ảnh, âm thanh. Sức mạnh nào có đủ khả năng để làm được việc này ? Phật giáo đã trả lời từ lâu là Tâm. Tâm giác ngộ có đủ năng lực để làm được mọi thứ. Sinh thời, Phật và một số đệ tử của Phật cũng có biểu diễn thần thông để chứng tỏ tâm có sức mạnh vô biên. Thời hiện đại, một số nhà đặc dị công năng cũng đã biểu diễn cho chúng ta thấy sức mạnh đó như thế nào.
Nhưng Phật cũng đã căn dặn rằng, chớ quá coi trọng thần thông, vì thần thông tuy ngoạn mục nhưng cũng không giải quyết được vấn đề sinh tử luân hồi. Thế giới là ảo tưởng mê muội thì thần thông cũng chỉ là một thứ ảo tưởng giống như trần gian. Tóm lại giác ngộ thì vận dụng được thần thông mà luyện tập thần thông thì không đưa tới giác ngộ. Hầu Hi Quý thần thông quảng đại như thế nhưng đã qua đời ở tuổi 61 vì bệnh ung thư phổi không tự cứu chữa được. Trương Bảo Thắng công năng đầy mình, nhưng cũng không thể chữa khỏi bệnh được cho phó thủ tướng Trần Vĩnh Quý và nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Chính vì vậy Phật không khuyến khích thần thông. Như vậy cái ăn, cái mặc, nhà ở, đi lại, thông tin liên lạc, vẫn phải nhờ vào khoa học, dựa vào công nghệ mà thôi chứ không thể dựa vào thần thông, vì thế gian là cộng nghiệp của nhân loại, họ phải giải quyết những vấn đề chung của nhân loại bằng tri thức thế gian, bằng khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế gian chứ không phải bằng thần thông. Thần thông chỉ có thể giúp làm sáng tỏ những điểm mà kinh điển đã nêu mà người đời chưa hiểu rõ. Chẳng hạn kinh Hoa Nghiêm nói “Pháp giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại” biểu diễn của Trương bảo Thắng đã làm rõ ý nghĩa của kinh.
Kinh điển Phật giáo nói rằng không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là thức chứ không phải có thật (Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức – Thành Duy Thức Luận). Hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) cũng chứng tỏ điều đó (tính bất định xứ, tính phi số lượng, tính vô tự tính của lượng tử đều hội đủ trong hiện tượng này). Nhưng thực nghiệm của Hầu Hi Quý chứng tỏ cho mọi người thấy rằng không phải chỉ có lượng tử mới có những tính chất đó, mà cố thể vật chất trong đời thường cũng có đủ những tính chất đó. Ông đã di chuyển tức thời một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa từ huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải tới làng Loan Sơn, Du huyện, tỉnh Hồ Nam, cách xa 1600 km, không mất chút thời gian nào, giống như hạt photon trong hiện tượng vướng víu lượng tử, chứng tỏ khoảng cách không gian không có thật, vật chất cũng chỉ là ảo, là thông tin mà thôi. Sự thật là gói thuốc lá Đỗ Quyên Hoa không có di chuyển, nó chỉ biến mất khỏi huyện Lạc Đô và xuất hiện ở làng Loan Sơn, hai địa phương này đều là bất định xứ không thực sự có khoảng cách. Đó cũng chính là ý nghĩa của danh xưng Như Lai, một trong những danh xưng của đức Phật.
Truyền Bình