Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Mộng và Thực không dễ phân biệt

22 Tháng Mười Hai 201612:51 CH(Xem: 3638)
Mộng và Thực không dễ phân biệt

Mộng và Thực không dễ phân biệt

Đa số mọi người chúng ta đều cho rằng sự phân biệt giữa mộng và thực không khó. Dễ quá mà! Mộng thì chỉ là ảo tưởng. Còn thực thì sờ mó nắm bắt được, ngửi nếm ăn uống được, tiêu hóa tăng trưởng được. 

Tuyệt đại đa số chúng ta đều cho là như thế, không mảy may nghi ngờ. Song không phải tất cả đều nghĩ như vậy. Có những nhà triết học như Trang Tử hay nhà khoa học như Descartes không nghĩ như vậy. Một số triết gia theo trường phái hoài nghi (philosophical scepticism) cũng không nghĩ như vậy.
Pyrrho người xứ Elis (hay Eleia, vùng đất phía nam của Hy Lạp ngày nay) cho rằng người ta chỉ sống trong thế giới hiện tượng không thể khẳng định đâu là chân lý. Descartes, nhà toán học và triết học Pháp thế kỷ 18, hoài nghi rằng không thể phân biệt được đâu là giấc mơ, đâu là sự thật. Vô tình, sự hoài nghi của Descartes rất giống với hoài nghi của Trang Chu, triết gia Trung Quốc cổ đại, nổi tiếng với giấc mơ hồ điệp. Ông không thể khẳng định mình là Trang Chu nằm mơ thấy mình hoá thành con bướm hay mình là con bướm nằm mơ thấy hoá thành Trang Chu. Đến thế kỷ 20, nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein nêu lập luận rằng không có cách nào để phân biệt giữa lực quán tính và lực trọng trường. Khi một cố thể vật chất di chuyển, lực quán tính đẩy nó di chuyển mãi nếu không có một lực nào khác cản lại, chẳng hạn quả địa cầu di chuyển mãi mãi trên quỹ đạo với một vận tốc không đổi là 365 ngày 6 giờ thì giáp một vòng quanh mặt trời. Còn lực trọng trường là sức hút lẫn nhau của các cố thể vật chất, chẳng hạn nếu ta nhảy ra khỏi một tầng lầu thì sẽ rơi xuống đất vì bị quả đất hút. Còn ở khoảng cách chừng 400 km cách mặt đất thì không còn lực trọng trường, đó là tình trạng vô trọng lực, nếu phi hành gia bước ra khỏi phi thuyền cũng không bị rơi xuống đâu cả. Lập luận của Einstein có liên quan tới nhận thức về chân lý. Lực trọng trường và lực quán tính có thể coi là tiêu biểu cho thực và mộng trong cuộc sống thế gian. Thực và mộng không dễ phân biệt như người ta tưởng. Người bình thường ắt tưởng rằng Trang Chu và Descartes chắc là khùng nên không phân biệt được thực và mộng. Phật thuyết thập nhị nhân duyên, nói rằng cuộc sống đời thường của chúng sinh cũng là nằm mơ giữa ban ngày mà không tự biết. Trang Chu và Descartes chỉ mới hoài nghi chứ chưa hiểu rõ, còn Đức Phật thì đã thân chứng đó đích thực là mộng mơ. Kinh điển Phật giáo gọi cái mộng mơ đó là thế lưu bố tưởng, tức là tưởng tượng đã lưu truyền rộng rãi, đã thành nề nếp trên thế gian nên không dễ gì dẹp bỏ được. Bậc thánh trí giác ngộ cũng có thế lưu bố tưởng bởi vì cũng giống như đông đảo chúng sinh đều thấy như thế, bởi vì có cùng một cấu tạo giác quan như nhau, nhưng các ngài không có trước tưởng tức không chấp trước rằng đó là sự thật, bởi vì các ngài thấy rõ đó là do nhân duyên giả hợp.
Trang Tử thì mãi mãi hoài nghi, không xác định được đâu là mộng đâu là thực.
Để đánh tan sự hoài nghi, Descartes lập luận rằng : “Tôi tư duy tức tôi tồn tại” (Je pense, donc je suis), như vậy Descartes thừa nhận rằng tư duy, nghĩ ngợi tức là tồn tại, là cuộc sống, là thực. Như vậy cần phải có “thức” hay sự nhận biết bằng tư duy mới xác nhận được sự thực là cuộc sống đời thường của chúng ta. Nếu không có “thức” thì không biết sự thực là thế nào. Một nhà triết học khác của Đức thế kỷ 18 là Immanuel Kant cho rằng : Người ta không nhận thức được vật tự thể (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được sự trình hiện (Erscheinung) của nó. Sự trình hiện này được hình thành bởi con người trong vai một chủ thể, bởi giác tính thuần túy (reiner Verstand).
Vô hình trung, cả Descartes và Kant đều xác nhận rằng chính tư duy hay thức xác nhận sự tồn tại của cái gọi là sự thực, kể cả đó là một vật thể bằng vật chất. Nhưng Kant sâu sắc hơn khi nói rằng sự thực không phải chỉ là sự trình hiện của tư duy hay ý thức như Descartes nói, mà nói rằng do giác tính thuần túy. Giác tính thuần túy này tương đương với thức thứ tám (A-lại-da thức) của Duy thức học Phật giáo, còn cái tôi tư duy (je pense) của Descartes chỉ tương đương với thức thứ sáu là ý thức. Cần nhớ là Duy thức học Phật giáo mô tả thế giới được hình thành bằng 8 thức. Để hiểu rõ ràng hơn 8 thức này, tôi xin nhắc lại và đối chiếu nó với tin học ngày nay.
Số TT Duy Thức học     Tin học                  Hiệu ứng                                 Đối tượng  
                    Phật giáo                                 (thức)                                 (objects)
 1 Mắt             Video card             Thấy                                Sắc (vật chất)
 2              Tai            Sound card             Nghe                                   Âm thanh
 3               Mũi             Chưa có             Ngửi                                   Mùi hương
 4 Lưỡi            Chưa có              Nếm                      Cảm giác ngọt mặn, chua, cay…
 5              Thân thể        Chưa có             Cảm giác tiếp xúc        Cảm giác êm, đau, trơn, nhám…
 6 Não             Ram và CPU             Ý thức                   Tư tưởng, tình cảm, ưa, ghét…
 7                Mạt-na (Manas) Đĩa cứng Chấp ngã, khu biệt         Cái tôi, cái của tôi
 8              A-lại-da (Alaya) Internet        Cảm nhận thế giới         Vũ trụ, vạn vật
Một cá nhân trong thế giới đời thường tương ứng với một ổ đĩa cứng trong tin học, nó có giới hạn, nó khu biệt với cá nhân khác, giống như một ổ đĩa cứng phân biệt mình với các ổ đĩa khác. Tâm trong Phật giáo là A-lại-da thức, hoạt động nhận thức phân biệt là do Ý thức, Mạt-na thức là ý thức chấp ngã, nó tự cho rằng mình là một thực thể hiện hữu, khác biệt với phần còn lại của thế giới, giống như ổ đĩa cứng trong máy vi tính, nó là một thực thể riêng biệt, có quan hệ trao đổi dữ liệu với các ổ đĩa cứng khác trong mạng nội bộ và trao đổi với internet, nhưng luôn phân biệt giữa mình với phần còn lại của thế giới. A-lại-da thức giống như internet, sức chứa của nó là vô hạn, khả năng cũng vô hạn, tất cả dữ liệu của nó đều có thể hiển thị ở một cá thể khi có đủ nhân duyên, giống như dữ liệu trên internet khi có đủ điều kiện như sự kết nối (internet access), các softwares, thì có thể hiển thị trên một máy tính cá nhân, laptop, máy tính bảng, smartphone…
Trở lại vấn đề mộng và thực, trong giấc mộng, chúng ta cũng có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc với các đối tượng trong mộng, đúng không ? Trong mơ, chúng ta gặp người yêu, vui mừng ôm hôn, hay thấy thức ăn ngon, ăn uống, tất cả đều có cảm giác như thật. Nhưng khi tỉnh giấc mới biết đó là mộng. Còn trong cuộc sống đời thường, chúng ta cảm thấy mọi thứ chung quanh đều là thật, và sự thực này khá vững bền, lâu thay đổi. Ví dụ một mỹ nhân cũng phải trải qua ba bốn mươi năm thì nhan sắc mới tàn phai. Chúng ta cũng không bao giờ thức tỉnh (giác ngộ) nên chẳng bao giờ biết được đó là mộng. Các nhà triết học như Trang Tử, Descartes, Kant đều có suy nghĩ tới vấn đề này và có nêu ra sự hoài nghi, còn tuyệt đại đa số người đời thì chẳng bao giờ hoài nghi, chỉ nhắm mắt, không hề bận tâm suy nghĩ xem thế giới có phải là sự thực không hay chỉ là mộng, mà họ tin tưởng 100% rằng thế giới là thực.
Tuy nhiên ngoài một số ít triết học gia đã đặt nghi vấn, một số khoa học gia ngày nay cũng nêu nghi vấn, vì khi khoa học đã đạt tới một trình độ cao thì họ nhận biết được rằng ý thức có tham dự vào sự cảm nhận về vật chất, tức là họ bắt đầu hiểu được Kant.
Sự phát minh ra máy vi tính (computer) xác nhận một cách rõ ràng và chắc chắn là những hạt ảo như electron có thể tạo ra dòng điện. Một dòng điện có hai trạng thái khác nhau : một là đóng mạch tức có dòng điện chạy qua, hai là ngắt mạch tức không có dòng điện. Người ta dùng con số để biểu diễn hai trạng thái đó : số 1 để chỉ đóng mạch, số 0 để chỉ ngắt mạch. Người ta lại dùng hệ đếm nhị phân, tức là chỉ dùng hai cơ số 0 và 1 để biểu diễn tất cả mọi con số, mọi trạng thái về chữ viết, hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Số 0 và 1 được đặt tên là bit thông tin. Một con số của hệ thập phân thường dùng hay một chữ cái trong bảng mẫu tự La tinh được biểu diễn bằng một con số nhị phân, thí dụ :
Nhị phân       Thập phân   Đồ hoạ
100 0000            64      @
100 0001            65      A
100 0010            66      B
100 0011            67      C
100 0100            68      D
110 0001            97      a
Chữ @ (a còng trong địa chỉ email) mã số là 64 (thập phân) hoặc 100 0000 (nhị phân)
Chữ A (viết hoa) có mã số là 65 (thập phân) hoặc 100 0001 (nhị phân)
Chữ a (viết thường) có mã số là 97 (thập phân) hoặc 110 0001 (nhị phân)
Về sau người ta sử dụng từ 8 tới 10 bit để diễn tả một con số hay một ký tự cơ bản và đặt tên là byte. Bội số của byte là kilobyte (KB) = 1024 bytes, Megabyte (MB) = 1024 KB, Gigabyte = 1024 MB, Terabyte = 1000 GB.
Ví dụ: bài hát sau đây cần sử dụng 24.734.336 bytes  (23.5 MB) để thể hiện :
Sheila Vive la Terre 1971 Lyrics2 Traduction Vietnamienne
Tất cả mọi vật ảo như chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video… đều có thể dùng con số để diễn tả, việc này được gọi là số hóa, tức biến thành con số. Tập hợp các con số được máy vi tính giải mã tức biến trở lại thành chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video… mà con người quen thuộc. Các dữ liệu thông tin có thể được gởi đi xa qua mạng internet và qua các loại sóng vô tuyến vô cùng tiện lợi mà hiện nay chúng ta đang thừa hưởng.
Thế còn các vật thể bằng vật chất mà tuyệt đại đa số người đời đều cho rằng có thật như thân thể con người, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, núi non, sông ngòi, đại dương, hành tinh, mặt trời, vũ trụ là vật thật hay vật ảo ? Hầu hết mọi người đều cho rằng đó đều là các vật thật, không phải ảo và không thể xử lý giống như dữ liệu tin học. Tuy nhiên không phải tất cả các khoa học gia đều cho rằng như vậy, một vài người như David Bohm hay Craig Hogan tin rằng vũ trụ vạn vật cũng là ảo và có thể xử lý giống như dữ liệu tin học nhưng hiện nay thì con người chưa biết cách xử lý. Lập luận của họ dựa vào đâu ? Dưới đây là một vài căn cứ :
1. Nguyên lý toàn ảnh.
Nếu trong thế giới tin học, dữ liệu được chứa trong mặt phẳng hai chiều (2D). Khi phóng hiện thành phim video thì có thêm chiều kích thời gian. Như vậy thế giới của phim trên màn ảnh là 3 chiều (2 chiều không gian + 1 chiều thời gian) Cuộc sống trong phim hiển nhiên là cuộc sống ảo, chỉ những nhân vật của cùng cuốn phim mới có thể tiếp xúc được với nhau.
David Bohm khám phá rằng vũ trụ là một toàn ảnh, tức là không gian 3 chiều của vũ trụ cũng có thể nén lại trên mặt phẳng 2 chiều theo đồ hình sau:
Laser: máy phát tia laser
Màn trập: thiết bị để đóng hoặc mở tia laser
Kính phân tia: chia tia sáng làm 2 phần, 1 phần đi thẳng xuyên qua kính, 1 phần phản chiếu đi vào thấu kính phân kỳ.
Thấu kính phân kỳ: tia sáng qua kính này tỏa rộng ra, trái ngược với thấu kính hội tụ
Phim tráng nhũ tương: để chụp ảnh hoặc quay phim ảnh toàn ký
Ảnh toàn ký:  ảnh trong không gian 3 chiều, có chiều sâu, có đầy đủ chi tiết của vật thể 3 chiều
 
Nguyên tắc hoạt động của ảnh toàn ký
Để tạo được ảnh toàn ký của một vật (ví dụ trong hình là ngôi sao màu xanh lá cây), người ta cho tia  laser qua một kính phân tia, ánh sáng một phần đi thẳng đến gương phản chiếu, qua thấu kính phân kỳ rồi mới tới phim, một phần ánh sáng bị phản chiếu, đi qua một thấu kính phân kỳ khác, tới một gương phản chiếu, rọi lên vật rồi mới phản chiếu lại trên phim. Ảnh mà phim ghi được là ảnh toàn ký, khi được tái hiện thì trở thành ảnh 3 chiều, người xem không cần mang kính vẫn thấy đó là ảnh nổi 3D.
Một đặc điểm kỳ diệu của ảnh toàn ký là bất cứ một phần nhỏ nào của tấm ảnh, cũng chứa đầy đủ ảnh 3D của vật, do đó dù có xé tấm ảnh ra ngàn mảnh, chỉ cần một mảnh là đủ để tái hiện trọn vẹn ảnh 3D của vật.
Ảnh của các vật trong vũ trụ đều là ảnh toàn ký. Do đó chỉ cần nắm bắt một chút ít ánh sáng mang tín hiệu của quá khứ, là đủ để phục nguyên toàn bộ vật cảnh của quá khứ. Đặc tính toàn ký này cũng thể hiện rằng số lượng là không có thật, một là tất cả. Như vậy nếu nắm được một chút thông tin về quá khứ thì có thể tái hiện quá khứ.
Các thông tin về một ngàn năm lịch sử gần đây nhất của nhân loại có thể đã được ánh sáng và hạt neutrino mang đi cách xa trái đất một ngàn quang niên. Các dữ liệu đó nếu có thể nắm bắt và được số hóa, không cần phải nắm toàn bộ, chỉ cần một phần rất nhỏ, vì theo nguyên lý toàn ảnh, chỉ cần một phần nhỏ vừa đủ là có thể tái tạo toàn bộ lịch sử địa cầu trong một ngàn năm. Dữ liệu được phóng lên thành không gian 3 chiều, cộng với chiều thời gian thành cuộc sống đích thực 4 chiều của 1000 năm trước.
Khoa học hiện nay chưa có cách nào đuổi kịp ánh sáng và các hạt neutrino mang thông tin nên việc tái hiện quá khứ chỉ là khoa học viễn tưởng. Nhưng đối với với Phật và Bồ Tát như Quán Thế Âm thì lại khác, các ngài có khả năng di chuyển với tốc độ của ý niệm, biết rằng không gian vũ trụ, vật chất là không có thật, tất cả chỉ là do tâm tạo, nên biết rằng quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là ảo tưởng, tất cả đồng thời tồn tại và tất cả chỉ là ảo. Do đó muốn thấy lại khung cảnh của thành Ca Tỳ La Vệ hơn 2500 năm trước hoặc thấy Đức Phật tương lai là Di Lặc chẳng có gì là khó.
2. Vũ trụ là số – bit thông tin vũ trụ
Craig Hogan còn trình bày cụ thể bit thông tin của vũ trụ là như thế nào.
Theo lý thuyết của Hogan, mọi vật trong thế giới 3D (thế giới đời thường của chúng ta) đều có thể mã hóa trên một diện tích 2D ở độ phân giải Planck. Kích cỡ Planck là kích cỡ nhỏ nhất. Và những bit cơ bản của thông tin nằm trong kích cỡ Planck. Kích thước Planck là khoảng cách vật lý nhỏ nhất còn có ý nghĩa, dưới khoảng cách này thì con số chỉ còn là con số toán học vô nghĩa, nó vô nghĩa vì không còn tương ứng với một thực thể vật lý nào. Kích thước Planck là 10-33   (mười lũy thừa trừ 33) cm. Đó chính là kích thước của lượng tử (quantum). Từ kích thước Planck, ông tính ra diện tích Planck là 10-66 cm2 (mười lũy thừa trừ 66 centimét vuông). Một bit thông tin vũ trụ bằng 4 diện tích Planck.
 
Một bit thông tin vũ trụ bằng 4 diện tích Planck
Craig Hogan nói rằng khi dữ liệu được dựng lên thành không gian 3 chiều tức là đã tăng khoảng không gian lên gấp bội so với mặt phẳng 2 chiều, tạo ra một độ nhòe giống như khi chúng ta phóng một tấm ảnh lên quá lớn thì nó bị nhòe. Sự nhòe đó tạo ra tiếng ồn toàn ảnh, tiếng ồn này đã được kiểm chứng, quả thực là có, cũng giống như việc người ta đã phát hiện được tàn tích của vụ nổ Big Bang.
Như vậy thuyết vũ trụ là số đã có cơ sở thực nghiệm. Mà vũ trụ là số tức nó phải là ảo. Vũ trụ đích thực là ảo thì không có gì phân biệt giữa thực và mộng. Sờ mó nắm bắt được, ngửi nếm ăn uống được, tiêu hóa tăng trưởng được, cũng không đảm bảo là thật, đó chỉ là sự đồng bộ giữa các giác quan mà thôi.
Đức Phật từ hơn 2500 năm trước đã nói một cách rõ ràng rằng vũ trụ, vạn vật, thế giới chỉ là ảo, là không có thật. Lời nói đó được ghi chép rõ ràng trong một bộ kinh rất ngắn nhưng rất quan trọng, rất tập trung của Phật giáo, đó là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tu sĩ Phật giáo hàng ngày đều có đọc tụng kinh này, trong các đám ma tại Việt Nam và các xứ theo Phật giáo khác, như Trung Quốc, Thái Lan chẳng hạn, bất kể là người chết có theo Phật giáo hay không, nếu có mời sư đến tụng kinh, họ đều có tụng kinh này. Hãy nghe bản kinh này được phổ nhạc có ca từ bằng tiếng Phạn được sư ông Thích Nhất Hạnh Việt dịch:
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (tiếng Phạn) Dạ Lai Hương hát có dịch nghĩa tiếng Việt 
Bản kinh cũng đã được đại sư Huyền Trang dịch ra tiếng Hán khoảng 1300 năm trước và sử dụng rất phổ biến tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa. Hãy nghe ca sĩ phật tử Mạnh Đình Vy thể hiện.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh – Mạnh Đình Vy – Ca từ – Việt dịch
Sự kiện các nhà đặc dị công năng hiện đại như Trương Bảo Thắng đi xuyên qua tường, lấy trái táo ra khỏi chiếc thùng sắt đã bị hàn kín, hay Hầu Hi Quý lấy xăng từ khoảng cách 50 km đổ vào xe hơi một cách tức thời, hay dùng tâm niệm lấy một triệu nhân dân tệ từ trong kho bạc ngân hàng có ba lớp cửa khóa chặt, đem về phòng ngủ của mình, càng chứng tỏ các vật thể đều là ảo và có thể dùng tâm niệm để điều khiển, những lời nói của đức Phật không phải là hư giả.
Tóm lại sự phân biệt thực và mộng chỉ có ý nghĩa tương đối, thật ra là không thể phân biệt. Nhận thức này đã được đức Phật tuyên thuyết, các nhà triết học như Trang Tử, Kant cũng có nêu lên sự hoài nghi. Các nhà khoa học xưa như Descartes cũng có hoài nghi, còn các nhà khoa học hiện đại như David Bohm, Craig Hogan có trình bày cơ sở rõ ràng. Vấn đề hiện nay là người ta chưa biết cách xử lý bit thông tin của vũ trụ. Những người như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý làm được nhưng cũng không lý giải được nên chưa giúp ích được nhiều cho khoa học. Có lẽ nhân loại còn phải chờ sự phát minh ra máy tính lượng tử mới hy vọng xử lý được bit thông tin vũ trụ.
Truyền Bình