Tết tha hương
GSTS Nguyễn Chung Tú
Còn phải qua một mùa Đông nữa…
Đó là câu nói ở cửa miệng du học sinh khi lá cây platane (dương ngô đồng) bắt đầu rụng, gió đổi chiều từ đất liền tới, thay vì từ biển vào. Kẻ tha hương nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ quê hương chan hòa ánh nắng:
"Vi lô san sát hơi may,
Một trời Thu để riêng ai một người".
"Thu tiêu chỉ vị nhất nhân trường".
Hai câu kiều phỏng theo đường câu Đường thi đó "Thu buồn chỉ dài cho một người".
Thu buồn nhưng Thu đẹp: rừng Paimpont nhiều màu hơn cả cầu vồng,
"Rừng Thu tầng biếc chen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thân hôn".
Lá vàng, rồi đỏ, rồi nâu trước khi rụng, xen với lá cây khác còn xanh. Thung lũng Chevreuse biến đi trong sương mù dày đặc, các thân cây như treo trong không.
"Đêm Thu, khắc lậu, canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
Lối mòn, cỏ lạt màu sương,
Lòng quê đi một bước đường một đau".
Thu-Đông nhớ nhà hơn là Xuân-Hạ, có lẽ vì…
"Cảnh buồn người có vui bao giờ"(nhại một câu Kiều).
Công viên Tabor, cỏ xén, cây trồng, hoàn toàn nhân tạo, rực rỡ đẹp đến đâu cũng không mang lại được niềm vui cho kẻ xa nhà.
Nhưng chính những hôm tuyết phủ đầy trời lại là những hôm làm việc có quả nhất vì quyết tâm làm việc cho quên lòng nhớ quê hương, mà trời rét làm việc không mệt khi phòng thí nghiệm được sưởi tới +16 degree, mặc dù ngoài đường nhiệt kế chỉ dưới 0. Buổi sáng, 8 giờ 30 trời mới sáng bạch, nên 9 giờ mới bắt đầu hoạt động được, 10 giờ 30 phải ngưng lại, vào căn tin uống một tách cà phê sữa nóng (coffee break). 12 giờ nghỉ ăn trưa, rồi có thể làm việc cho tới 20 giờ, cho tới khi bà đầm già làm bảo vệ (!) đi khắp các hành lang, vừa đi vừa lắc chuông, báo hết giờ rồi, trường sắp khóa cửa. Cố nhiên không thể thiếu tách trà Á Đông trong khoảng từ 16 tới 17 giờ, uống với biscuit của phương Tây, khi màng đem buông xuống vào lúc… 16 giờ 30!
Tháng 11 (các cụ gọi là "tháng một" còn tháng 1 các cụ gọi là tháng Giêng) là tháng thời tiết xấu nhất, trời lúc nào cũng đầy sương mù, cách xa 5 mét không trông thấy gì cả. Có một năm, tôi lái xe ô tô từ Paris về Rennes (347 km) trong dịp lễ Toussaint, chỉ có thể đi nhanh 25km một giờ vì không nhìn thấy đường, cả một ngày ngồi trong ô tô! Noel trời có thể lại đẹp, ca dao Pháp có câu:
"Noel au balcon
Pâques au tison"
Ý nói Noel có năm trời nắng ấm, có thể ra balcon sưởi, còn Pâque (tháng 4) có năm trời hãy còn rét, phải sưởi trong nhà. Tháng Giêng mới là tháng rét nhất. Theo lịch thì mùa Xuân bắt đầu 21 tháng 3 (Xuân phân, équinoxe du printemps, ngày đêm dài bằng nhau) nhưng thực tế, tháng 5, mùa Xuân mới bừng nở, các nhà văn gọi là Renouveau (tái sinh) cũng như tháng 10 mùa Thu bắt đầu, họ gọi là fall (lá rụng). Ngày mùng một tháng 5, người ta tặng nhau hoa muguet, để mừng Xuân tới:
"Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày vắn, Đông đà sang Xuân"
Thật vậy,
Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".
Khí hậu Trung Quốc và châu Âu tương tự nhau. Tháng ba, hoa hạt dẻ trắng (amandier) nở đầu tiên. Rồi đến hoa táo (pommier) màu hồng. Thật là đẹp, đẹp nhẹ nhàng, với các màu sắc nhạt nhạt. Thế rồi, du học sinh chạnh lòng nghĩ tới cảnh ngộ tha hương của mình và tới hai câu của Nguyễn Du:
"Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa".
"Nhạn thưa", mùa Xuân đã tới gần "chín chục" và "quyên nhặt", mùa Hạ đang tới:
"Dưới trăng, quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông"
Hoa lựu đỏ một cách dữ dội chớ không hồng hồng nữa:
"Lần lần ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục đã chừng Xuân qua"
Màu hồng của hoa mùa Xuân và màu lục của lá mùa Hạ là hai màu mà tiếng nhà nghề gọi là hỗ bổ (complémentaires), nghĩa là hợp lại cho màu trắng. Vì vậy hai màu tương phản và gần nhau thì rất nổi.
Thế rồi du học sinh lại ngao ngán:
- Còn phải qua một mùa Đông nữa!
Vì bốn mùa quay vòng:
"Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.
Giậu thu vừa nảy giò sương…"
"Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san"
Mùa lạnh, do sương mù, trên mặt đất có giá (Verglas) làm cho đường trơn như có ai đổ nhớt trên đó. Xe cộ đi lại rất nguy hiểm. Văn hào André Malraux đã mất một lúc hai người con trai cùng đi trong một xe ô tô. Văn hào Albert Camus (1931-1960), giải Nobel văn chương 1957, đã là nạn nhân của Verglas vào tháng Giêng 1960. Xe ông bị trượt bánh, hút vào gốc cây, cảnh sát công lộ mất một tiếng đồng hồ mới lôi được xác ông ra khỏi xe co rúm lại chỉ còn hai phần ba.
Du học sinh vẫn đi làm, đi học trong ngày Tết Nguyên Đán. Chỉ có đêm hôm trước "coi là giao thừa" (thực ra lúc đó ở Saigon đã là 7 giờ sáng mồng một Tết rồi), mấy anh em hợp mặt tiễn năm cũ. Ở Paris, tiệm ăn Việt và Hoa nhiều lắm, thứ gì cũng có, kể cả cà cuống cay mà bên nhà không có. Nhưng bên nhà vì tình cảm, vẫn gửi cấp tốc mày bay nào là lạp xưởng, nào là giò, chả, giò thủ, kể cả dưa hành, trứng phì tản mà hải quan ở Orly đã làm khó dễ vì… mùi của chúng.
Bốn mùa phải quay vòng năm lần tôi mới trở lại quê hương chan hòa ánh sáng. Ngày nay hồi tưởng lại, mới nhận thức được rằng quãng đời lập nghiệp gian truân ở phương Tây đã được đền bù xứng đáng bằng những cống hiến trong hơn ba thập niên ở quê nhà, nghiệm đúng chân lý: "Không làm gì có bất chiến tự nhiên thành; không đổ mồ hôi, nước mắt thì không bao giờ gặt hái được kết quả". Tất cả vấn đề là-đúng như Pierre Curie đã nói- "Phải biến cuộc đời thành một giấc mơ, và giấc mơ thành hiện thực".