Xuân như ngày ấy
Mùa xuân là sự tin yêu, mùa xuân là sức sống, mùa xuân là sự bình an và mùa xuân là niềm hy vọng. Mùa xuân luôn luôn có những chất liệu như thế và những chất liệu như thế đã tạo nên mùa xuân đích thực cho ta.
Tin yêu và sức sống:
Mùa xuân là mùa của tin yêu và sức sống. Nếu không có tin yêu, thì làm sao chúng ta sống được, và nếu không sống được thì làm sao có sự nở hoa, có sự đâm chồi nảy lộc. Nên, ở trong đời người nào có tin yêu, người đó có sức sống của mùa xuân; gia đình nào có sự tin yêu thì gia đình đó đích thực có sức sống của mùa xuân và dân tộc nào có sự tin yêu, dân tộc đó có sức sống của mùa xuân. Nên, bản chất của mùa xuân là tin yêu và sức sống.
Trong người mình không có sự tin yêu nào cả thì làm sao có được mùa xuân, làm sao có hoa nở trong đời sống của mình. Vì vậy, tôi nói rằng, nơi nào có sự tin yêu, nơi đó có sức sống đích thực của mùa xuân.
Hy vọng và bình an:
Mỗi khi trong đời sống của ta đã có mùa xuân, thì ta có sức sống; và mỗi khi ta đã có sức sống, thì ta có bình an và hy vọng. Chính sự bình an của mùa xuân tạo ra sự hy vọng của ta đối với hiện tại và tương lai. Vì sao? Vì sự hy vọng đó được đặt trên nền tảng của tin yêu, trên nền tảng của sức sống và trên nền tảng của bình an. Nên sự hy vọng đó là sự hy vọng có thật cho ta không những ngay trong đời sống nầy mà ngay cả tương lai của ta nữa.
Mùa xuân là sự tin yêu, mùa xuân là sức sống, mùa xuân là sự bình an và mùa xuân là niềm hy vọng. Mùa xuân luôn luôn có những chất liệu như thế và những chất liệu như thế đã tạo nên mùa xuân đích thực cho ta.
Cách đây mười ba năm, tôi đã có làm bài thơ “Xuân như ngày ấy”, để nói lên sự nhận diện và tiếp xúc của mình đối với xuân như sau:
“Đất trời vẫn đất trời nàyvẫn giông bão tố vẫn đầy bình an;Vẫn đêm tối, vẫn trăng ngànvẫn bình minh cũ vẫn hoàng hôn xưa. Đá nằm im lặng bốn mùa ngàn năm chim vẫn hót đùa trên cây. Rừng hoang hoa vẫn nở đầy trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi”.
Đất trời vẫn đất trời này:
Từ khi khai thiên lập địa đến nay, trong đời sống của con người có đất trời nào khác, ngoài đất trời nầy, ấy là đất trời mà ta đang sống và đang tiếp xúc đây nầy. Tổ tiên ta đã có mặt nơi đất trời nầy để sinh ra ta và ta cũng có mặt ở nơi đất trời nầy để kế thừa tổ tiên ta và sinh ra con cháu của ta, chứ có đất trời nào khác! Nên, mọi chuyện ta đang có là đang có với đất trời nầy đây. Và mùa xuân ta đang có cũng là đang có với đất trời nầy đây. Ngoài đất trời nầy ta không có mùa xuân nào khác cho ta và nếu có mùa xuân nào khác, thì đó là mùa xuân khác với đất trời nầy, mùa xuân ấy không phải là mùa xuân của con người chúng ta.
Vẫn giông bão tố, vẫn đầy bình an:
Trong đất trời này, dù có giông bão, nhưng không phải vì thế, mà không có sự bình an. Như vậy, chúng ta thấy ngay trong giông bão vẫn có hy vọng và hạnh phúc cho ta rồi chứ? Tìm đâu nữa - ngay trong giông bão tố vẫn có sự bình an kia mà. Quan trọng là ta có chịu đựng được với những giông bão của cuộc đời hay không, để rồi sau khi giông bão của đời ta đi qua, thì bình an sẽ có mặt với ta. Nếu ở trong đời này, ta tránh né giông bão, tránh né sự đau đớn phũ phàng, thì ta tránh đâu cho khỏi? Biết chấp nhận giông bão để học hỏi, rèn luyện ý chí để thăng hoa và tái tạo bình an cho chính mình, đó là sự hành xử thông minh của con người mà muôn thú không thể nào có được.
Nên,“đất trời vẫn đất trời nàyvẫn giông bão tố, vẫn đầy bình an”.
Thế thì ta đi tìm mùa xuân ở đâu, đi tìm bình an ở đâu, để rồi ta bị lao tâm, nhọc trí và rộn ràng lắm thế! Lao tâm thì không có bình an; nhọc trí thì không còn thông minh và rộn ràng, thì làm cho niềm tin và hy vọng của ta cạn kiệt. Niềm tin đã cạn kiệt, thì hy vọng không còn, mùa xuân ở phương trời nào mà ta dõi mắt tìm kiếm!
Vẫn đêm tối vẫn trăng ngàn:
Ngay trong đêm tối vẫn có trăng ngàn, nhưng do ta đứng ở bên phía nầy, nên ta bị bán cầu ở bên phía nầy che khuất đó thôi. Phật tính hay bản chất dễ thương và trong sáng vẫn có trong ta, nhưng vì ta đứng về phía phiền não; ta sống và chạy theo phiền não, nên tính dễ thương hay Phật tính nơi ta bị phiền não che khuất đó thôi. Dù Phật tính hay bản chất dễ thương bị phiền não nơi tâm ta che khuất, nhưng nó vẫn luôn luôn có mặt ở đó cho ta. Nên, phiền não là bóng đêm và Phật tính là trăng ngàn đó vậy. Đời ta khổ đau, vì ta chạy đua theo phiền não và đời ta có an lạc, vì ta biết dừng lại những não phiền trong tâm ta.
Vẫn bình minh cũ vẫn hoàng hôn xưa:
Bình minh thì không có cũ hay mới, mà lúc nào cũng vậy. Cho nên, ta cần gì phải đi tìm bình minh mà nhọc công từ chối hoàng hôn hay ta cần gì mà phải đi tìm kiếm cái mới để nhọc công từ chối cái cũ? Điều quan trọng là mình có nhận ra bình minh hay hoàng hôn hay không; mình có nhận ra được cái cũ và cái mới hay không? Nếu mình xua đuổi hoàng hôn để đi tìm kiếm bình minh, thì bình minh sẽ không bao giờ trở thành hiện thực với chính mình đâu nhé! Và nếu mình từ chối cái cũ để đi tìm cái mới, thì cái mới ấy cũng không bao giờ trở thành hiện thực cho ta!
Bình minh và hoàng hôn hay mới và cũ không phải là hai thực thể cá biệt, mà chúng luôn luôn có mặt ở trong nhau. Chúng cùng nhau hiện hữu như sự hiện hữu hai mặt phải và trái của một bàn tay. Tiếng vỗ của một bàn tay không thể nào hiện hữu, nếu không có sự hiện hữu của hai bàn tay trái và phải chạm vào nhau.
Hoàng hôn cũng vậy, ngày nào cũng có hoàng hôn; muôn vật đều có hoàng hôn. Đất đá, cỏ cây, hoa lá cũng có hoàng hôn; con chó, con mèo, con heo cũng có hoàng hôn, con trâu, con bò, con kiến,... cũng có hoàng hôn. Bình minh và hoàng hôn chỉ có khác nhau từ điểm đứng hay từ điểm không gian của người đứng nhìn và cảm nhận, chứ làm gì có hoàng hôn thật để cho ta từ chối và có bình mình thật để cho ta dong ruổi kiếm tìm!
Con người khác với muôn loài ở điểm nhìn và điểm cảm nhận đối với bình minh hay hoàng hôn, để rồi con người có khả năng tạo ra cho mình sự bình an ngay giữa giông bão và cái mới ngay nơi cái cũ của cuộc đời.
Và nếu ta biết nhìn thì ta sẽ thấy bình minh có vẻ đẹp của bình minh và hoàng hôn cũng có vẻ đẹp của hoàng hôn. Nên trước đôi mắt của một người biết tu tập, thì họ nhìn thấy em bé có vẻ đẹp của em bé, bà già có vẻ đẹp của bà già, chứ không phải “soi gương buồn tóc bạc” như cảm xúc của một nhà thơ nào đó.
Trong khi mùa xuân là sức sống, bình an và hy vọng, nên chính ngay trong mùa xuân có đầy đủ cả hai chất liệu “vẫn bình minh cũ, vẫn hoàng hôn xưa”. Biết vậy, nên ta không có buồn khi thấy mình già và ta cũng không quá vui khi thấy mình trẻ, vì sao? Vì ta biết trong cái cũ có cái mới; trong cái già có cái trẻ; trong hoàng hôn có bình minh; trong cái lạnh buốt của mùa đông sẽ cái cái ấm áp, sáng trong của mùa xuân xuất hiện khi hội đủ nhân duyên. Thực tập và sống với cách nhìn ấy, bình an trong ta sẽ tỏa ra, chất liệu thảnh thơi trong ta sẽ lớn lên một cách vững chãi và bấy giờ mùa xuân sẽ cùng ta hiện hữu.
Ta nên biết rằng, mùa xuân là kết quả tất yếu của mùa đông, là tinh hoa của mùa hạ, là ưu việt của mùa thu. Nên chúng ta nhìn thấy trong hạ có thu, trong thu có đông và trong đông có xuân. Khi nhìn ta nhìn thấy được như thế, thì sống ở tuổi nào, ta thấy cũng đẹp và ta có khả năng sống đẹp đối với mọi lứa tuổi và đối với mọi thời gian.
Đá nằm yên lặng bốn mùa:
Đá nằm yên lặng, bất động bốn mùa là hiển thị cho chân lý không sinh diệt có mặt ngay nơi mọi vật đang sinh diệt giữa dòng đời. Niết bàn không tách rời sinh tử; Niết bàn có mặt ngay ở trong sanh tử. Phật tính có mặt ngay trong tâm phiền não của chúng sanh. Cũng vậy, mùa xuân có mặt ngay nơi mùa hạ và mùa đông. Dù mùa hạ nắng gay gắt và mùa đông mưa gió lạnh lẽo, nhưng mùa xuân vẫn có mặt ở đó cho ta. Mùa xuân vẫn không hề bị mòn diệt chút nào bởi cái lạnh buốt của mùa đông và cái nóng cháy da của mùa hạ. Có những chùa thường dựng những tảng đá đứng sừng sững bất động ở trong vườn là để làm biểu tượng cho thiền định. Thiền định thì bất động trước mọi đổi thay của hoàn cảnh.
Khi một vị tu tập nhiếp phục được phiền não và đi vào đại định, thì vị ấy bất động đối với mọi thời gian và mọi không gian. Do đạt tới sự bất động đối với mọi thời gian và mọi không gian rồi, nên thời gian nào đối với họ cũng là mầu nhiệm, cũng là xuân và không gian nào đối với họ cũng là thênh thang, vô ngại và cũng đều có hoa nở cùng chim hót.
Nên, mùa nào cũng là mùa xuân đối với họ.
Ngàn năm chim vẫn hót đùa trên cây:
Trong mọi không gian đều có chim hót, nhưng ít ai để ý, nên ít ai nghe được. Nếu ta biết dừng lại những gì vội vã trong tâm ta và ngay trong đời sống của ta, thì ta có khả năng nghe được tiếng chim hót từ mọi phương trời. Mọi phương trời đều có tiếng chim hót, nhưng do tâm ta bận rộn, ta hành xử trong bận rộn, ta thức và ngủ trong vọng tình, nên ta không nghe được tiếng chim hót đó thôi, chứ không phải trong không gian không có tiếng chim hót cho ta đâu. Và quan trọng hơn hết là tâm ta càng yên lắng, thì ta nghe tiếng chim hót càng diệu vợi và đất tâm của ta càng lành, thì tiếng chim hót, ta nghe càng trở nên thánh thiện và cao khiết.
Như vậy, hạnh phúc đến với ta không phải từ sự tìm kiếm hay săn đuổi mà từ nơi sự biết dừng lại những gì bận rộn nơi tâm ta; biết dừng lại ngay nơi những hành động bận rộn của ta. Và cũng như vậy, mùa xuân đến với ta và đời ta có xuân không phải từ nơi bận rộn mà từ nơi biết chấm dứt bận rộn, để lắng nghe và xúc tiếp với những gì diệu kỳ nơi muôn vật.
Sống với tâm trạng bận rộn là ta đang đánh mất mùa xuân đích thực nơi ta. Và sống với tâm trạng bận rộn, thì đang đi giữa cả rừng hoa mà ta chẳng thấy và thưởng thức được một đóa hoa thơm và đẹp nào. Và chuyện chim hót trên cây đâu phải là chuyện mới, mà chuyện giữa trần gian đã có cả muôn đời. Hễ có đất trời là có chim hót và hễ có đất trời là có mùa xuân. Vì tâm ta bận rộn, nên ta không nghe được tiếng chim hót và không tiếp xúc được với mùa xuân thường tại trong ta và quanh ta đó thôi.
Rừng hoang hoa vẫn nở đầy:
Hoa ở rừng hoang lúc nào và ở đâu, nó cũng có thể nở. Nó nở ra từ sự tự do và hạnh phúc của nó. Và hoa giữa rừng hoang nở ra không cần ai chăm sóc. Nó biết thể hiện đúng thời và ẩn khuất đúng lúc. Chính vì vậy, mà cái đẹp của hoa rừng không làm cho ai phải rộn ràng, phải ngược xuôi vất vả. Trong khi hoa đẹp giữa chợ đời ồn ào và rộn ràng lắm chuyện.
Ồn ào và rộn ràng không phải tại hoa mà tại người tìm hoa và tranh nhau về hoa, khiến cho hoa trở thành nạn nhân của con người. Những ngày xuân, hoa rừng cảm thấy mình hạnh phúc thật sự, vì ít bị ai quấy phá. Trong khi đó hoa chậu, hoa cảnh càng đẹp bao nhiêu, càng lộng lẫy bao nhiêu thì bị người ta trả giá, tới lui đắt rẻ quấy rầy bấy nhiêu.
Hoa rừng sống rất tự nhiên, nở ra hương sắc cho đời rất tự nhiên và ẩn khuất cũng hết sức tự nhiên. Chính cái tự nhiên ấy của hoa rừng đã tạo nên chất liệu ngọt thơm chân thật để hiến tặng cho cuộc đời.
Trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi:
Hoa rừng là hoa tự nhiên, nó tồn tại và vận hành theo quy luật nơi tự thân của chính nó mà không bị tác động bởi ý thức con người. Ý thức của con người thì lúc nào và ở đâu cũng phân biệt; và vì do phân biệt, nên làm điều kiện cho những ý niệm tốt xấu khởi sinh.
Một khi trong nhận thức của ta đã khởi sinh những ý niệm tốt xấu, thì thế giới mà ta đang đối mặt là cả muôn ngàn sai biệt. Và vì vậy, mùa xuân đối với ta cũng chỉ là mùa xuân của ý niệm mà không phải là mùa xuân của bản chất hay uyên nguyên.
Và vì là mùa xuân của ý niệm, của phân biệt, nên ta tha hồ tranh nhau nói về xuân. Xuân nầy đẹp, xuân kia xấu; xuân nầy thắng, xuân kia bại; xuân nầy vui, xuân kia buồn,… Bên nầy mới có xuân, bên kia không có xuân; Xuân bên nầy vui hơn xuân ở bên kia, xuân nầy vui hơn xuân trước, có những người vui xuân thắng lợi và có những kẻ buồn xuân thất bại,… Và vì do ý thức phân biệt và kỳ thị như vậy, nên xuân không còn là xuân nữa. Xuân đã bị vỡ ra từng mảnh và con người đã bám lấy từng mảnh xuân ấy để vui và buồn, để hy vọng và thất vọng, để hội ngộ và phân kỳ, để thăng và trầm trong những nẻo đường sinh tử mù khơi!
Trong lúc đó, bản thể của xuân trong muôn vật hay trong tự thân của mỗi chúng ta vẫn xuyên suốt rạng ngời và không hề bị vô thường nuốt chững mà độc lộ uyên nguyên. Nếu tâm ta bận rộn, thì mùa xuân yên bình sẽ bị nuốt chững bởi những bận rộn nơi tâm ta. Và nếu ta biết dừng lại những bận rộn nơi tâm ta, thì mùa xuân đích thật nơi tâm ta sẽ hiện ra cho ta và tạo nên cho ta mùa xuân yên bình.
Và vì vậy, nên “trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi”. Ngày ấy là ngày mà trời đất chưa biến động, tâm nguyên chưa khởi niệm phân kỳ.
- Từ khóa :
- Thích Thái Hòa