Quyển Thượng
Vào một lúc nọ, đức Bà Già Bà du hoá trong vườn Nai, chỗ các tiên cư trú, thuộc thành Ba La Nại, cùng với đại chúng Tỳ kheo gồm một ngàn vị, lại có chúng Bồ tát năm trăm vị-trong đó có nhiều vị, các căn chưa thành thục, có vị ít thiện căn nhiều nghiệp chướng.
Bấy giờ, ở trong chúng Bồ tát ấy, lại có các Bồ tát rất thích việc đời, ưa đàm thoại, ưa ngủ nghỉ, ưa các việc lặt vặt, ưa hý luận, ưa nhiễm trước, các thứ nghiệp văn từ tán loạn không hợp với việc hành thiền, đối với các việc thiện thì lười biếng uể oải, phá hạnh tinh tấn quên mất chánh niệm, thường hành hạnh tán loạn mà không hay biết.
Khi ấy trong chúng có một vị đại Bồ tát ngồi trong hội ấy tên là Di Lặc biết các Bồ tát trong húng kia có hạnh như vậy rồi, liền nghĩ thế này: “Các Bồ tát này làm tổn giảm đạo phần, nay ta cần cảnh tỉnh các Bồ tát này khiến họ nhớ lại đạo ý đã phát khởi”. Bấy giờ, đại Bồ tát Di Lặc nghĩ như thế rồi, vào buổi chiều từ thiền định xuất, đi đến chỗ các vị Bồ tát; sau khi đến an ủi dẫn dụ làm cho họ vui vẻ khiến họ mong muốn nghe pháp, nhân đó ngài bảo các Bồ tát ấy:
Này các trưởng lão! Trong phần Bồ Đề các vị không bị tổn giảm chứ? Sau khi Bồ tát Di Lặc hỏi như vậy, các Bồ tát kia nói với Bồ tát Di Lặc:
Trưởng lão Di Lặc! Đạo phần của chúng tôi chỉ có tổn giảm chứ không có tăng trưởng. Vì sao? Vì chúng tôi có nhiều tâm nghi ngờ là chúng tôi sẽ được thành Phật hay không được thành Phật? Chúng tôi sẽ rơi vào pháp đoạ lạc hay không rơi vào pháp đọa lạc? Đối với các thiện căn có phát sanh hay không phát sanh? Sanh ác tâm đó rồi chúng tôi trụ vào tướng đó.
Sau khi họ nói như vậy, Bồ tát Di Lặc mới bảo chúng Bồ tát ấy:
Các vị trưởng lão! Nay chúng ta có thể cùng nhau đến chỗ Phật Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Đức Thế Tôn ấy hiểu biết tất cả, giải thoát không ngại, đầy đủ tri kiến, khéo biết tâm hành của tất cả chúng sanh. Ngài xét theo tâm hành của các ông mà nói pháp.
Lúc đó, chúng sáu mươi vị Bồ tát kia cùng Bồ tát Di Lặc đi đến chỗ Phật. Sau khi họ đến, năm vóc đầu mặt lễ sát chân Phật rồi, chưa kịp đứng dậy, đã khóc than thảm thiết nước mắt như mưa. Bồ tát Di Lặc đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Bồ tát:
Các thiện nam tử! Các ông nên đứng dậy, đừng khóc, đừng than, chớ sanh sầu não! Các ông ở đời quá khứ tạo nghiệp chướng này: Thuở ấy, các ông vui mừng hớn hở chửi bới mạ nhục phá hoại người khác, không tin nghiệp báo, không thể phân biệt sự trói buộc của nghiệp chướng, không hợp với điều thiện.
Bấy giờ, sáu mươi Bồ tát kia để bày vai hữu gối phải quỳ sát đất hướng về Phật chắp tay bạch rằng:
Hay thay! Thế Tôn! Xin Ngài phân biệt nói nghiệp chướng của chúng con để chúng con tự tịnh hoá tâm mình không còn tạo tác nữa.
Khi ấy, các Bồ tát kia nói như vậy rồi, Phật mới bảo các Bồ tát ấy:
Các thiện nam tử! Vào thời quá khứ các ông xuất gia học đạo trong giáo pháp của Như Lai Câu Lưu Tôn; đã xuất gia rồi, ở trong cấm giới đối với cấm giới thì phóng túng; ở trong đa văn đối với đa văn cũng phóng túng; đối với công đức Đầu Đà đều bị tổn giảm. Thời ấy, có hai Tỳ kheo pháp sư, vì lợi dưỡng danh tiếng, các ông đối với họ vu khống pháp dâm dục, đối với nhà thí chủ thân hữu của họ thì ganh ghét xan tham; đối với đàn việt thân hữu của hai pháp sư các ông lại phá hoại ly tán, nói hai lưỡi hủy nhục, khiến họ sanh nghi ngờ, không sanh lòng tin, thiếu lòng tin; nói việc chẳng lành. Khi ấy, những chúng sanh tâm sanh kính tín tuỳ thuận hai pháp sư thì các ông làm cho bọn họ đoạn các căn lành, tạo các chướng ngại. Các ông vì nghiệp chướng này nên trong sáu mươi hai trăm ngàn năm đọa trong địa ngục A Tỳ; lại trong bốn vạn năm đọa trong địa ngục Hoặt; lại ở trong hai vạn năm đọa địa ngục Hắc Thằng; lại ở trong tám trăm ngàn năm đọa vào địa ngục Nhiệt; lại sau khi bỏ thọ mạng ở nơi ấy được trở lại thân người, trong năm trăm đời sống trong mù tối. Vì nghiệp chướng này nên sanh ở chỗ nào đều bị tăm tối ngu si, quên mất bổn tâm, căn lành bế tắc, oai lực sút kém, mọi người xa lánh, thường bị khinh khi, bị người ghét bỏ hủy nhục chê bai, thường sanh nơi biên địa nghèo hèn dòng họ thấp kém, ít lợi dưỡng ít danh tiếng không được người khác cung kính cúng dường cũng không tôn trọng; mọi người chán ghét không ưa. Từ nơi đây các ông bỏ thân mạng rồi, sau đó năm trăm năm, khi chánh pháp diệt, trở lại sanh trong dòng họ thấp hèn nơi đất nước con người ác, bần cùng hạ tiện bị người chê bai, quên mất bổn tâm không thích căn lành, thường có chướng ngại, tuy tạm gặp ánh sáng nhưng lại bị mù lòa. Các ông ở đó sau năm trăm năm, tất cả nghiệp chướng mới diệt hết, sau được sanh ở thế giới cực lạc của Phật A Di Đà. Khi ấy, các ông được Như Lai phương ấy thọ ký A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Khi ấy, sáu mươi người hành Bồ tát thừa, nghe rồi ứa nước mắt, sợ hãi rỡn tóc gáy chắp tay hướng về Phật bạch rằng:
Bạch Thế Tôn! Chúng con từ trước đến nay đối với người hành Bồ tát thừa, nếu sanh tâm sân nhuế lỗi lầm và lại tự tạo nghiệp chướng khác thì ngày nay ở trước Thế Tôn chúng con đều xin sám hối. Bạch Thế Tôn! Chúng con nay ở trước Như Lai phát thệ nguyện chân thật.
Bạch Thế Tôn! Chúng con từ nay về sau nếu đối với người hành Bồ tát thừa phạm tội mà phát giác nói ra tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Chúng con từ nay về sau nếu đối với người hành Bồ tát thừa mà sanh ngã mạn nói việc xấu của họ, hoặc đúng hoặc sai tức là chúng con lừa dối Như Lai. Bạch Thế Tôn! Chúng con từ nay về sau nếu đối với người hành Bồ tát thừa bỡn cợt, bêu xấu, khinh mạn thì tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Chúng con từ nay về sau nếu thấy người hành Bồ tát thừa hoặc tại gia hoặc xuất gia thọ hưởng quả báo ngủ dục giàu sang vui sướng mà sanh lòng bất tín, chấp vào tội lỗi của họ không sanh tâm cung kính không xem như bậc thầy tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau, nếu đối với người thân, hoặc kẻ ăn xin có nhân duyên với người hành Bồ tát thừa mà chúng con bức xúc thân tâm họ tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau đối với người hành Bồ tát thừa mà chúng con nói lời không hay và mắng chửi tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau, ngày ba thời và đêm ba thời, chúng con không lễ bái tất cả người tu Bồ tát thừa tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau vì để giữ gìn điều này mà chúng con không xả bỏ thân mạng tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau nếu đối với hàng Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa mà chúng con sanh ý niệm hơn họ, tự đại chê họ tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau trong khi du hành, nếu chúng con không sanh tâm thấp hèn như Chiên Đà La, như loài chó, không tu tập như vậy tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau, nếu chúng con tự khen mình chê người tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau nếu chúng con sợ hãi chỗ sân hận, đấu tranh nhưng không rời chỗ ấy cách một trăm do tuần ví như gió thổi tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau, đối với người trì giới chúng con tưởng nhớ tôn kính, hoặc người đa văn hoặc vị có công đức đầu đà và người tỉnh sự cùng các công đức khác mà chúng con không khen ngợi, tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau nếu chúng con không che dấu công đức và bày cái xấu của mình tức là chúng con lừa dối Như Lai.
Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi sáu mươi vị hành Bồ tát thừa ấy:
Lành thay! Lành thay! Này các thiện nam tử! các ông khéo nói các thệ nguyện này, có thể tự mình tỉnh thức khéo phát nguyện ấy! Các ông an trụ như thế sẽ dứt hết tất cả nghiệp chướng và đắc thiện căn thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo đại Bồ tát Di Lặc:
Này Di lặc! Bồ tát nào muốn tịnh hoá nghiệp chướng thì nên phát nguyện này.
Khi ấy, đại Bồ tát Di Lặc lại bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Như có những thiện nam tử... hộ trì nguyện này được viên mãn bất thối chuyển chăng?
Phật bảo Di Lặc:
Có những Bồ tát hành trì nguyện này, và thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy, thà bỏ thân mạng chứ không để khiếm khuyết, cũng không thối lui xả bỏ hạnh này.
Bấy giờ, Bồ tát Di Lặc lại bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Những người hành Bồ tát thừa phải đủ bao nhiêu pháp để năm trăm năm sau khi chánh pháp diệt không bị tổn hại mà được giải thoát?
Phật bảo Di Lặc:
Họ phải đủ bốn pháp thì năm trăm năm sau khi chánh pháp diệt mới không bị tổn hại mà được giải thoát.
Bốn pháp đó là gì?
Đó là không tìm lỗi của người; đối với người thuộc hàng Bồ tát thừa phạm tội cũng không phát giác; đối với bè bạn thí chủ không sanh tâm tham tiếc, xả bỏ lời nói ác. Di Lặc! Đó là những người hành Bồ tát thừa đầy đủ bốn pháp, năm trăm năm sau vào thời vị lai sẽ không bị tổn hại mà được giải thoát.
Khi ấy, đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa ấy nên đọc kệ rằng:
Lỗi kẻ khác chớ nhìn sai lệch
Đừng bảo rằng người khác đúng sai
Buông bỏ hết các lời thô ác
Sống thanh bần, chớ bám nhà ai.
Lại có bốn pháp mà năm trăm năm sau khi chánh pháp diệt, hàng Tỳ kheo băng hoại những người hành Bồ tát thừa không bị tổn hại mà được giải thoát. Bốn pháp đó là gì? Đó là không giao thiệp với mọi người nên rời bỏ họ, xa lìa đám đông, thường tu nơi thanh vắng; điều phục thân mình thích hợp với những điều này. Di Lặc! Những người hành Bồ tát thừa đầy đủ bốn pháp ấy thì ở trong năm trăm năm sau, khi chánh pháp diệt tự thân họ không bị tổn hại, an ổn giải thoát.
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:
Xa lìa ồn náo sống viễn ly
Tỳ kheo không pháp chớ gần gủi
Tu nơi thanh vắng Phật khen ngợi
Nhờ không tham lợi được Niết Bàn.
Vì thế, Di Lặc Bồ tát ở năm trăm năm sau muốn mình không bị tổn hại, được giải thoát tất cả nghiệp chướng, muốn được thoát khỏi những việc ấy thì chớ gần nơi ồn ào, nên ở chỗ vườn rừng yên tịnh, xa lìa đừng giao du với mọi người, thường cảnh tỉnh mình chớ tìm lỗi người, ưa thích yên tỉnh sống tương ứng với trí tuệ độ, đối với các chúng sanh khởi lòng từ mẫn, thuyết pháp cho họ chẳng cần báo ân.
Khi ấy Thế Tôn bảo Bồ tát Di Lặc:
Thiện nam tử! Thí pháp mà chẳng cầu quả báo, chẳng đắm lợi dưỡng và danh tiếng, chỉ vì người thuyết pháp thì có hai mươi công đức. Hai mươi công đức đó là gì? Đó là được nhớ nghĩ chân chánh cảnh giới tốt đẹp, được ý chân chánh tốt đẹp, được ý chí mạnh mẽ, được nhiều trí tụê, giác ngộ trí tuệ độ xuất thế, sẽ được thiểu dục, sẽ dập tắt sân hận, sẽ diệt ngu si, tất cả các ác ma không tìm được chỗ sơ hở, chư Phật hộ niệm, phi nhơn bảo vệ, chư thiên giúp sức, tất cả oan gia không thể gây hại, thân thích không bị người phá hoại, lời nói ai cũng tin, được vô sở uý, đi đến đâu luôn thường vui vẻ, người trí thường khen ngợi, hành pháp thí thường được người nhớ.
Này Di Lặc! Đó là hai mươi công đức của người nói pháp không cầu quả báo, xả bỏ lợi dướng và danh tiếng, không mong cầu y phục, ăn uống, lấy lợi ích làm đầu, thường hành pháp thí.
Lại nữa, Di Lặc! Bồ tát khi bố thí pháp cho người không đắm trước lợi dưỡng và danh tiếng lấy sự lợi ích làm đầu thì có hai mươi công đức? Đó là chưa phát sanh biện tài thì khiến cho phát sanh, đã phát sanh thì không mất, được Đà-la-ni, sẽ được mật động, không dùng nhiều sức mà vẫn làm lợi ích khắp quần sanh, dùng ít công sức mà làm nhiều lợi ích, chúng sanh gần gũi cúng dường tôn trọng, thường được cúng dường, sẽ được thân mật, khẩu mật, ý mật, vượt ngoài nẽo ác và các sự sợ hãi, khi mạng chung lòng được hân hoan, nói như chánh pháp, có khả năng hàng phục luận cứ của người khác, đủ đại oai đức, thánh nhơn còn kính ngưỡng huống hồ người phàm, các căn thành tựu không thể so sánh, thân tâm cụ túc, đắc pháp chỉ quán, có thể làm việc khó làm, tinh tấn không giảm sút; giữ gìn chánh pháp mau chóng vượt qua địa vị bất thối chuyển; an trụ tuỳ ý trong tất cả hạnh.
Này Di Lặc! Ông quán sát sau năm trăm năm trong đời vị lai có bao nhiêu người vô trí ở Bồ tát thừa, khi hành pháp thí cầu quả báo vui vẻ, chẳng phải không mong cầu? Họ sanh tâm đó mà nói pháp cho người. Vì để thêm nhiều người thân và sự cầu xin nên hành pháp thí, lại khởi niệm như vầy: làm sao khiến người xuất gia và tại gia sanh lòng tin thanh tịnh để cúng dường cho ta những thứ cần dùng như: y phục, thứ ăn uống, ngọa cụ, thuốc men... Vì nhân duyên này nên nói pháp cho người.
Này Di Lặc! Ví như thây rắn, thây chó, thây người chết hôi hám nhơ uế thối rửa bất tịnh mọi người nhờm gớm lánh xa. Cũng như vậy, này Di Lặc! Ở đời vị lai các pháp sư chỉ cầu quả bảo mà thuyết pháp cho người. Nếu không có tài lợi thì chán nãn đau khổ, uể oải bỏ đi: chúng ta không được lợi, thí pháp như thế chẳng có lợi nhuận; đã không cho ta y phục, thức ăn uống, ngoạ cụ thì chuyện gì ta phải chịu khổ. Họ nghĩ như thế. Người ấy vì xem trọng việc cúng dường, phụng sự cho bản thân mình để nuôi người hầu và chúng đệ tử, mà không vì pháp, hoàn toàn chẳng làm việc lợi ích cho người mà miệng dối trá tỏ ra như là dạy dỗ hướng dẫn mọi người: “Ta có từ bi như pháp nhiếp chúng, không vì tài lợi chỉ vì lợi ích, nên đến thành ấp thôn xóm, vương cung để giáo hoá thành thục chúng sanh. Tuy họ nói lời như thế nhưng trong lòng chỉ vì các thứ y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc men...
Này Di Lặc! Ta không cho rằng người cầu tài vật ấy thí pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì phàm người mong cầu báo đáp thì thí pháp không bình đẳng.
Di Lặc! Ta không cho rằng người mong cầu báo đáp ấy giáo hoá thành thục chúng sanh. Vì sao? Vì người nào tự mình chưa thành thục mà có thể thành thục người khác thì điều đó không có.
Di Lặc! Ta không cho rằng người coi trọng việc thừa sự ái, cung dưỡng thân, thâu nhận các đồ vật mà vì lợi ích của người khác. Vì sao? Vì người thừa sự ấy chỉ làm cho thân mình vui sướng chứ không thể nhiếp chúng kiến lập sự tu hành.
Di Lặc! Ta không cho rằng người dối trá xưng mình thiện mà ở nơi thanh vắng.
Di Lặc! Ta không cho rằng người phước mỏng là người sống hạnh thiểu dục.
Di Lặc! Ta không cho rằng người chỉ tìm cầu thức ăn ngon là người sống hạnh khất thực.
Di Lặc! Ta không cho rằng người thiếu lợi dưỡng là người sống hạnh tri túc. Ta không cho rằng người tìm cầu y phục đẹp là người trì giữ y phấn tảo. Ta không cho rằng người không biết đạo tục mà ở một mình là người không sống tạp hạnh. Ta không cho rằng người giỏi nịnh hót quanh co là người gặp Phật ra đời. Ta không cho rằng người tìm sở đoản của kẻ khác có thể hiệp với chánh pháp. Ta không cho rằng người nhiều sân hận là người trì giới thanh tịnh. Ta không cho rằng người ngã mạng cống cao là người đa văn. Ta không cho rằng người bạn tốt là bậc thầy trì luật. Ta không cho rằng người oai nghi không trong sạch là người khéo nói pháp cung kính. Ta không cho rằng người nói thêu dệt đùa giỡn là bậc thầy khéo giảng pháp. Ta không cho rằng người nhiểm trước gia nghiệp là đạo sư phạm hạnh thanh tịnh. Ta không cho rằng người bố thí để cầu phước là người không mong báo đáp. Ta không cho rằng người cầu báo ân là khéo nhiếp sự. Ta không cho rằng cầu lợi dưỡng danh tiếng là người nội tâm thanh tịnh. Ta không cho rằng người bất tín nhiều phân biệt là người xuất gia. Ta không cho rằng người hay tin theo lời dạy của người khác là người khéo trì giới. Ta không cho rằng người không tôn trọng (phép) là người (thích) nghe pháp. Ta không cho rằng chấp vào kinh điển chú thuật ở đời là người ưa thích pháp. Ta không cho rằng người không tin “pháp không” mà được giải thoát. Ta không cho rằng người nhiểm trước là người tu hành thanh tịnh. Ta không cho rằng người nhiểm trước hạnh là người mãn bồ đề phần. Ta không cho rằng người trụ sở đắc là người chứng trí. Ta không cho rằng người yếu hèn là người viên mãn nhẫn nhục. Ta không cho rằng người không bị người xúc phạm là người mặc giáp nhẫn nhục. Ta không cho rằng người bản tánh ít phiền não là người giới thanh tịnh. Ta không cho rằng người nói nhiều là người làm theo lời dạy. Ta không cho rằng người thích nói là người nhất tâm. Ta không cho rằng người ưa tạo dựng thế nghiệp là người không làm (chánh) pháp tổn giảm. Ta không cho rằng người trong tâm thanh tịnh sẽ đoạ nẽo ác. Ta không cho rằng người làm theo trí là làm bậy. Ta không cho rằng người làm tương ứng với phương tiện là nịnh hót quanh co. Ta không cho rằng người không cầu danh lợi là người vọng ngữ. Ta không cho rằng người không lý luận là phỉ báng pháp. Ta không cho rằng người thích hộ trì chánh pháp là người tiếc thân mạng. Ta không cho rằng người có tánh sợ hãi là người phát khởi tinh tấn.
Di Lặc! Các loại tội lỗi nịnh hót quanh co điên đảo tham lam như vậy... Ở đời vị lai sau năm trăm năm hàng Bồ tát thừa rơi vào ác hạnh này nên khéo gìn giữ!
Bấy giờ đại Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Chỉ có sáu mươi Bồ tát này ở đời vị lai năm trăm năm sau có các nghiệp chướng hay còn có các Bồ tát khác nữa?
Phật bảo: Di Lặc! Năm trăm năm sau cũng có các Bồ tát khác bị nghiệp chướng trói buộc. Trong đó cũng có người đoạn hết nghiệp chướng hoặc có người làm tăng trưởng nghiệp chướng.
Lại nữa Di Lặc! Vào thời ấy, trong năm trăm Bồ tát này sẽ có hai mươi Bồ tát có ít nghiệp chướng, nghiệp chướng vi tế. Sau năm trăm năm ở đời vị lai họ sẽ sanh ở thôn xóm thành ấp đất nước hiểm nạn, trong dòng họ đại phú hào, thông minh nhiều trí khéo biết phương tiện, tâm ý nhu thuận có nhiều ảnh hưởng, lợi ích rộng lớn, đoan chánh dễ mến, biện tài khéo léo che dấu đức độ, an trụ hạnh công đức đầu đà, đã ở trong vô số ức kiếp A Tăng Kỳ, tu tập Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, hộ trì chánh pháp, xã bỏ thân mạng, ở chỗ thanh vắng, xa lìa làng xóm, không cầu danh lợi, thường ưa tin cần nhập vào dòng đời, giỏi về ngôn luận, thông đạt sách đời, nghe ít hiểu nhiều, khéo biết pháp quán, đắc đủ biện tài, khéo hay phân biệt tuỳ theo câu hỏi mà đáp với nghĩa lý, đắc biện tài vô ngại, còn đắc vô tận đà la ni. Khi giảng pháp cho bốn bộ chúng, nhờ oai thần lực của Phật, sự hộ trì của Phật nên đối với những kinh mà Như Lai nói như: Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Già Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Việt Đa Già, Xà Đa Ca, Tỳ Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma, Ưu Ba Đề Xá, có thể tự giảng giải.
Di Lặc! Bấy giờ, hai mươi Bồ tát khéo phương tiện ở bên Hòa Thượng A Xà Lê lãnh thọ pháp bổn này với vô lượng trăm ngàn câu kinh đều có thể tụng trì giải nói, nhờ tụng bổn pháp này mà các thiện nam tử ấy đối với các biện tài tâm không nghi ngờ, nhiếp thọ an trụ.
Lại nữa, Di Lặc! Trong thời ấy cũng có Bồ tát không có phương tiện hoặc làm người thế tục hoặc người xuất gia, đối với người hộ trì chánh pháp, người dạy hành pháp, người có hạnh chân thật, các pháp sư đó nói giáo pháp, họ đều không thọ trì mà còn khinh khi cười nhạo: “Các ông tự đặt ra pháp này, những câu pháp này chẳng phải Như Lai nói. Các ông tự ý nhóm hợp sáng tác trau chuốt văn từ này làm thêm phiền phức. Chúng tôi đối với pháp này không sanh kính trọng, không sanh ý tưởng tin ưa, khó gặp.
Di Lặc! Vào thời gian ấy, có nhiều chúng sanh phỉ báng pháp này, phá hoại pháp này, không thọ trì pháp này; xem giống như trò đùa giỡn của chú bé láu lĩnh đối với bạn đồng hành. Cho rằng: Các Tỳ kheo ấy không nương vào khế kinh, không nương vào tỳ ni để giảng pháp; và nói với mọi người các người chớ sanh tâm kính tin hy hữu, đây chẳng phải là chánh pháp.
Di Lặc! Bọn họ là người ngu si, không biết rằng tất cả lời nói thiện, hiện có là đều do Như Lai nói ra-Bọn người ấy bị ma kiềm chế, nên phỉ báng pháp của các pháp sư giảng thuyết, họ sẽ tạo nhơn duyên của nghiệp hủy báng pháp, vì tạo nhơn duyên của nghiệp hủy báng pháp nên họ sẽ đoạ vào đường ác. Cho nên Di Lặc! Bồ tát muốn hộ trì chánh pháp thì phải tạo phương tiện che đức độ của mình, đối với các hàng chúng sanh có Hạnh cần phải hộ trì, chớ để họ sanh tưởng chướng ngại.
Khi ấy, đại Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Hy hữu thay, Thế Tôn Bà Già Bà! hàng Bồ tát trong thời ấy không có trí tuệ mà không cầu biện tài, đối với pháp của người khác không tin tưởng thì đối với ai để cầu sanh thiện căn và đà la ni để tự bảo hộ? Nếu không như thế thì khi ở bên pháp sư trì pháp họ khởi (tâm) hủy báng, phát sanh ô uế. Bạch Thế Tôn! Ví như có người khát muốn uống nước đến suối hoặc ao hoặc hồ hoặc giếng, chưa uống nước mà trước hết ném phân vào, ném phân rồi mới muốn uống nước, nghe mùi hôi hám, kinh tởm không uống nhưng không cho là mình làm ô uế mà lại đỗ lỗi cho nước tạo ra sự dơ bẩn ấy. Cũng như thế, bạch Thế Tôn! Hạng người ngu si ấy luôn luôn mong cầu pháp, muốn rõ pháp hạnh, nhưng trước hết đối với pháp của người thì tìm chỗ sơ hở, rồi trở lại nghe pháp chê bai pháp sư và lời giảng của pháp sư, như người ngu si kia chê suối ao, hồ, giếng... là dơ bẩn. Tỳ kheo trì pháp nên biết như vầy: Nếu người nào có thể nói pháp như thế thì nên biết đều là sức oai thần của Phật.
Như vậy, Thế Tôn! Khoảng năm trăm năm sau, có Bồ tát vô trí làm hoen ố pháp ấy và Tỳ kheo trì pháp, rồi ở bên vị ấy muốn uống pháp vị. Họ không tự biết đó là tội lỗi của mình mà còn khinh chê các pháp sư, trước mặt mọi người nói lỗi của pháp sư, khởi sự nhiễm ô tìm lỗi của người, phát sanh nhàm chán rồi muốn lìa bỏ.
Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi Bồ tát Di Lặc:
Lành thay! Lành thay! Này Di Lặc! Ông nói như vậy hay lắm! Nếu người hay tìm kiếm lỗi của người thì nên biết bản thân mình chưa lìa tất cả tội lỗi.
Di Lặc! Có bốn nhân duyên mà chư Phật đã nói tất cả biện tài phải biết như thế. Di Lặc! Lại có bốn nhân duyên nên biết bốn biện tài tức là tất cả điều chư Phật Như Lai đã nói, chê bai những điều mà tất cả chư Phật Như Lai không chấp nhận.
Này Di Lặc! Nên biết bốn nhân duyên gì mà chư Phật đã nói.
Này Di Lặc! Biện tài ấy nghĩa trọn vẹn chẳng phải nghĩa không trọn vẹn; đầy đủ pháp chẳng phải không đầy đủ pháp; đoạn hết phiền não không tăng trưởng phiền não; nói công đức Niết bàn, chỉ bày tội lỗi sanh tử. Di Lặc! Đó là Tứ biện mà chư Phật đã nói nên biết như vậy!
Di Lặc! Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng tương ứng hoà hợp với Tứ Biện Tài này thì có thể biện thuyết. Nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhơn nào gần gủi người ấy thì nên tưởng như Phật, như giáo sư, để nghe pháp nghĩa... Vì sao? Này Di Lặc! Vì người ấy có nói điều gì thì đều là điều Như Lai đã nói. Nên biết như vậy!
Di Lặc! Nếu có người phỉ báng Tứ Biện này cho là chẳng phải Phật nói, không sanh tâm tôn trọng cung kính, lại còn ghanh ghét người tức là họ phỉ báng biện tài của tất cả chư Phật Như Lai đã nói, phỉ báng pháp rồi còn tạo thêm nghiệp phá hoại pháp; tạo nghiệp diệt pháp rồi, thì đọa vào nẽo ác. Vì vậy, Di Lặc! Thiện nam tử nào có tín tâm, muốn được xa lìa nghiệp chướng phá hoại pháp thì không thể vì ghét người mà ghét pháp; không thể vì không thích người mà đối với pháp kia không sanh tâm ưa thích gần gủi.
Thế nào là biện thuyết bị chư Phật chê bai không chấp nhận?
Này Di Lặc! Có loại biện thuyết không có lợi ích, không nương vào pháp chơn thật, tăng trưởng phiền não không hết phiền não, tăng trưởng sanh tử, không khen ngợi công đức lợi ích của Niết bàn.
Di Lặc! Biện thuyết này bị tất cả chư Phật quở trách và tất cả chư Phật không chấp nhận.
Bấy giờ Bồ tát Di lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Nếu có biện thuyết làm tăng trưởng sanh tử chẳng phải biện tài của Phật thì làm sao Thế Tôn nói về các phiền não làm lợi ích cho các Bồ tát, lại còn khen ngợi việc lưu chuyển trong sanh tử để viên mãn Bồ đề phần? Thế Tôn biện tài như vậy lẽ nào chẳng phải Như Lai nói?
Phật bảo Di Lặc:
Ý ông nghĩ sao? Vì phiền não này làm viên mãn Bồ đề phần làm lợi ích cho các Bồ tát nên mới nói ra; lại khen ngợi sự lưu chuyển trong sanh tử. Như vậy, việc này là hợp với nghĩa hay không hợp với nghĩa, hợp với pháp hay không hợp với pháp?
Bạch Thế Tôn! Nếu có người nói xác quyết rằng hợp với nghĩa với pháp thì lời nói này là lời nói chân chánh.
Phật bảo Di Lặc:
Vì nghĩa đó ông nên biết, tất cả lời chư Phật nói đều là biện tài của Phật. Nên biết như vậy. Nếu có người nói các phiền não viên mãn Bồ đề phần, nói vì lợi ích cho các Bồ tát khen ngợi sự lưu chuyển sanh tử là làm lợi ích cho các Bồ tát. Vì sao vậy? Này Di Lặc! Vì Bồ tát nên biết như thật phiền não ấy. Bồ tát này không phạm tội do phiền não này vì đối với nghĩa được tự tại, đối với pháp cũng được tự tại. Đó là các Bồ tát phương tiện thiện xảo; địa vị ấy chẳng phải là địa vị của hàng Thanh văn Bích Chi Phật.
Này Di Lặc! nếu phiền não không có lợi ích không phải nhân duyên làm viên mãn Bồ đề phần, chẳng phải là nhân của thiện căn thì đối với nó Bồ tát không cần phải tiếc thân mạng (?) cũng không được nương theo phiền não ấy. Vì sao vậy? Này Di Lặc! Vì Bồ tát đắc trí lực có sự phan duyên đặc biệt, thấy phiền não liên kết với hữu vi.
Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa lý Phật nói là: nếu có Bồ tát không muốn tạo nghiệp chướng, muốn đoạn sạch nghiệp chướng, không khuyết không tổn, muốn giải thoát thì vị ấy ở đời vị lai cần phải tin hạnh Bồ tát, cần phải tư duy, chớ tìm lỗi người, thường cầu việc công đức, cầu điều chân chánh.
Phật bảo:
Đúng vậy! Đúng vậy! Này Di Lặc! Bồ tát ấy ở đời sau cần phải tư duy đối với hạnh Bồ tát, nên biết phương tiện. Vì sao vậy? Vì có trí phương tiện mới hành Bồ tát, mà phương tiện thiện xảo khó có thể biết được.
Này Di Lặc! Ví như bậc Tu Đà hoàn ở trong hạnh phàm phu mà hiện địa vị Tu Đà Hoàn, thì có hoạn đặc biệt khác với phàm phu. Tội lỗi của dục sân hận si mê của các phàm phu làm họ sẽ đoạ đường ác, còn tội lỗi của các Thánh Thanh văn thì không làm vị ấy đoạ đường ác. Như thế nên nhận biết.
Này Di Lặc! Cũng như vậy. Vì bậc trí hạnh Bồ tát chưa thể diệt hết tập khí nhiễm ô. Họ có địa vị khác nhau và người mới hành Bồ tát có địa vị khác nhau. Vì sao? Vì tâm vị ấy không trụ vào các sử, còn các phàm phu nhiễm trước các sử? Vì ngu si nên phàm phu không thể biết việc giải thoát.
Di Lặc! Bậc trí hạnh Bồ tát tuy có trọng tội nhưng nhờ sức trí tuệ nên diệt hết như tro, cũng không do đó mà đọa đường ác.
Di Lặc! Ví như đám lửa cháy mà ném cây củi lớn vào; cứ thế ném nhiều củi vào trong lửa thì đám lửa ấy càng cháy to không thể tắt. Cũng như vậy, này Di Lặc! Khi lửa trí của bậc trí hạnh Bồ tát bùng cháy mà đem hữu vi phiền não ném vào trong lửa trí thì như thế lửa trí càng cháy mạnh mà không thể tắt được đó là nhờ sức trí tuệ. Do vậy, ông nên biết, các hạnh của các Bồ tát trí hạnh ấy khó biết.
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Người mới hành Bồ tát vì chưa đắc trí lực, bỏ nhà xuất gia thì cần phải xa lìa những pháp gì? Và nên gần gủi những pháp gì? Nếu Bồ tát gần gủi pháp ấy thì trí lực chưa sanh khiến sanh, đã sanh khiến phát triển không giảm?
Phật bảo Di Lặc!
Người mới hành Bồ tát bỏ nhà xuất gia, chưa đắc trí lực, tuy bỏ của cải, làm việc cúng dường nhưng cần phải quán họa hoạn của lợi dưỡng danh tiếng, phải mau chóng bỏ lời bàn tán của thế gian, phải quán hoạ hoạn của lời bàn tán thế gian; nên bỏ việc thích nói nhiều, quán hoạ hoạn của việc nói nhiều; nên bỏ việc thích ngủ nghỉ, quán hoạ hoạn của việc ngủ nghỉ; nên bỏ việc ưa tạo tác các nghề nghiệp, quán hoạ hoạn của các nghề nghiệp thế gian; nên bỏ việc ưa đùa giỡn, quán hoạ hoạn của việc ưa đùa giỡn. Sau khi Bồ tát bỏ lợi dưỡng danh tiếng, cần phải tu theo hạnh thiểu dục tri túc, cần phải gần người thiểu dục tri túc; bỏ lời bàn tán của thế gian rồi, cần phải gần gủi người thích sống một mình; bỏ việc nói nhiều rồi, cần phải quán nghĩa chân thật; bỏ việc ngủ nghỉ rồi, đầu đêm cuối đêm phải thường tỉnh giác; bỏ việc tạo nghề nghiệp rồi, cần phải gần gủi pháp xuất thế gian; bỏ việc vui đùa rồi, cần phải tu tập Lạc vô chúng sanh từ.
Này Di Lặc! Người mới hành Bồ tát bỏ nhà xuất gia chưa đắc trí lực, thì cần phải xa lìa các pháp như vậy và gần gủi các pháp như vậy.
Di Lặc! Người mới hành Bồ tát, bỏ nhà xuất gia, chưa đạt đến trí lực, khi chưa bỏ lợi dưỡng và danh tiếng, khi chưa gần gủi (nhân hạnh) thiểu dục tri túc, nếu chưa sanh trí lực có thể khiến cho sanh đã sanh có thể khiến cho phát triển thì không có điều đó; chưa lìa lời bàn tán của thế gian, chưa gần gủi người sống một mình, không rời bỏ sự ưa ngủ nghỉ, đầu đêm cuối đêm không gần sự tỉnh giác mà ưa tạo tác sự nghiệp thì trong thời gian ấy không thể tu tập pháp xuất thế gian; không bỏ sự vui đùa, không gần gủi với tưởng Vô chúng sanh từ mà chưa sanh trí lực khiến cho sanh, đã sanh khiến cho phát triển thì không có điều đó.
Này Di Lặc! Cho nên nếu có Bồ tát muốn sanh trí lực thì Bồ tát nên bỏ các pháp cần phải bỏ, nên tu tập các pháp cần phải tu tập. Vì sao vậy? Di Lặc! Vì trí tuệ từ đó mà phát sanh, không có nhân ấy trí không thể sanh, nhân mà không hoà hợp thì không thể dễ dàng sanh được. Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bồ tát phải quán tội lỗi của lợi dưỡng và danh tiếng như thế nào? Các tội lỗi của lợi dưỡng và danh tiếng là những gì? Khi Bồ tát quán thì vui với hạnh tri túc mà không hối tiếc.
Phật bảo Di Lặc: Trong khi quán lợi dưỡng Bồ tát không cho sanh tham muốn quán như vầy: Vì lợi dưỡng nên sanh tâm tham làm hại đến hạnh của mình, tâm sanh các họa cần phải quán lợi dưỡng làm phát sanh ngu si, ngã mạn; nên quán lợi dưỡng làm phát sanh ganh ghét; nên quán lợi dưỡng làm phát sanh yêu huyễn, thành tựu vị ái dục; nên quán lợi dưỡng làm phát sanh nịnh hót quanh co, nên quán lợi dưỡng làm xa lìa tứ thánh chủng, nên quán lợi dưỡng làm mất hết tàm quí mà tất cả chư Phật không chấp nhận; nên quán lợi dưỡng làm phát sanh ngã mạn cống cao, ở gần bậc tôn quí mà không sanh ái kính, bị tất cả mọi người lãng quên; nên quán lợi dưỡng là trợ lực của bọn ma, chỉ là nền tảng của sự phóng dật; nên quán lợi dưỡng bẻ gãy các căn lành giống như mưa đá; nên quán lợi dưỡng nhiều nhơ bẩn; nên quán lợi dưỡng làm mất bạn bè tri thức; nên quán lợi dưỡng hay sanh thương ghét và sầu não; nên quán lợi dưỡng làm mất chánh niệm, nhiều nhiễm ô; nên quán lợi dưỡng làm cho bạch pháp suy kém khiếm khuyết chánh cần; nên quán lợi dưỡng là chướng ngại không gì bằng, làm không đắc được các thần thông; nên quán lợi dưỡng phát sanh sự dối trá, nói toàn việc bất thiện; nên quán lợi dưỡng có nhiều phân biệt suy lường, tạo nghiệp; nên quán lợi dưỡng làm xa lìa các niềm vui, đánh mất thiền định; nên quán lợi dưỡng giống như dâm nữ làm xa lìa trí tuệ tịch tịnh; nên quán lợi dưỡng làm đoạ vào các ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh... như Đề Bà Đạt Đa, Ưu Đà La Ca Văn Hạnh (?). Di Lặc! Bồ tát cần phải quán sát lợi dưỡng như vậy. Đã quán sát lợi dưỡng thì khi quán sát bằng lòng với thiểu dục không còn sự hối tiếc. Vì sao vậy? Này Di Lặc! Bồ tát thiểu dục không có các hoạ hoạn như vậy, sẽ là pháp khí của chư Phật, không tuỳ thuộc sự khinh mạn của người tại gia và xuất gia, thường không sợ hãi, được lòng tin thanh tịnh, đối với tất cả đường ác đều không sợ hãi, không bị hàng phục, xa lìa tất cả vị ái, lìa các cảnh ma, sẽ được giải thoát, được tất cả chư Phật khen ngợi, được trời người mến mộ, không nhiễm trước các thiền định, ai gần gủi sẽ sanh hoan hỷ, lìa dua nịnh quanh co, sẽ không còn phóng dật; quán các hoạ hoạn của năm dục, y như lời nói ra không thay đổi, thường trụ quán phạm hạnh của dòng tộc chư thánh. Di Lặc! Bồ tát trí tuệ quán các công đức như vậy, cần phải xa lìa lợi dưỡng danh tiếng, chánh tâm trụ vào tri túc, phải trừ hết tất cả tham dục. Phật nói xong Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Bồ tát quán hoạ hoạn của lời nói thế gian như thế nào? Và thế nào là các hoạ hoạn của lời nói của thế gian mà sau khi quán rồi, Bồ tát ưa sống một mình không hối tiếc?
Phật bảo Di Lặc:
Lời nói của thế gian có hai mươi hoạ hoạn cần phải quán sát, khi Bồ tát quán thì thích sống một mình. Hai mươi hoạ hoạn đó là gì? Đó là không hộ hạnh của thân, không hộ hạnh của miệng, không hộ hạnh của ý, nên có nhiều hạnh dục, nhiều sân hận nhiều ngu si, đối với việc thế gian thì có nhiều lời bàn luận, nhưng đối với việc xuất thế gian thì tiếc lời, gần gủi pháp bất kính, xa lìa chánh pháp, ma được thuận tiện, sẽ hành phóng dật, khiến theo sự phóng dật, có nhiều phân biệt giảm quán đa văn, sẽ không đắc chỉ và quán, sẽ mau chóng trở thành phi phạm hạnh; lòng tin đối với Phật pháp tăng bị giảm sút. Này Di Lặc! Đó là hai mươi hoạ hoạn của lời nói thế gian. Bồ tát nào sau khi quán như vậy thì thích sống một mình mà không biết mệt mõi.
Khi ấy, Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này nên đọc kệ:
Bỏ giới xa lìa chốn tịch tịnh
Ưa thích nói việc của thế gian
Người ấy tạp nhiễm rồi phá giới
Lại có các hoạ hoạn như vầy:
Vui đùa cười giỡn và phân biệt
Người nói chuyện thế gian như vậy
Thường có tạp hạnh không kiểm thúc
Phát ra lời gần gủi thế gian
Kẻ ngu ở đời ưa pháp trí
Không trí bàn luận thêm tổn hại
Tăng trưởng phóng dật, nhiều phân biệt
Nếu nói lời gần gũi thế gian
Thì sẽ không tăng trưởng đa văn
Lời nói không hợp sanh vui thích
Thường làm tổn hại các thiền định
Ngồi một mình tâm nghĩ thế gian
Nghĩ đến thế gian sao có định!
Không đắc tịch định không chánh quán
Nên không có phạm hạnh thù thắng
Nếu nói lời gần gủi thế gian
Dù gần bên Phật không kính trọng
Cũng không ngưỡng mộ bậc thánh Tăng
Lìa bỏ pháp tối thượng tối thắng
Để thân cận lời nói thế gian.
Xưa Ta xả thân số muôn ngàn
Vì cầu duyên vô thượng Bồ Đề
Chưa từng nhàm chán nghe chánh pháp
Xả bỏ mọi thứ không màng đến
Không thích nam nữ và thế thiếp
Ta xưa bỏ ngôi và củi cải
Chỉ vì bài kệ có bốn câu.
Bậc trí tại sao không nghe pháp?
Mọi thứ mọi nơi nên xả bỏ
Cũng không hoà hợp lời ô nhiễm
Đối với thắng pháp không ưa thích
Người ấy trăm kiếp khó thành tựu
Muốn giải thoát, tu tập công đức
Chớ hỏi người tạo dựng thế gian
Không vì tự lợi không Niết bàn
Nếu có người hỏi giúp cơm áo
Đó là việc tốt đáng khen ngợi
Hoặc gặp Tỳ kheo nói: mời đến
Thiết lập toà ngồi mời ông ngồi!
Mỗi mỗi nên nói về pháp sự
Thân người khó được mà đã được
Ông làm thêm lớn bạch pháp chăng?
Trong các thiền định và đọc tụng
Tỳ kheo cần phải hỏi như vậây!
Sau khi Như Lai vào Niết bàn
Giáo pháp ắt sẽ bị phá hoại
Có các Tỳ kheo không oai nghi
Ưa ở trong chúng bỏ thanh vắng
Lợi dưỡng tiền tài và y phục
Ngày đêm thường cùng nhau bàn luận
Ngủ mê bất động ở trong mộng
Thấy việc cày ruộng và cấy lúa
Những thứ phàm phu biết cả rồi
Sẽ sanh vào trong ba nẽo ác.
Thường sanh hoan hỷ tâm phấn khởi
Nên ở rừng cây như tê giác
Ở nơi thanh vắng cầu an vui
Lúc ấy chớ nhìn lỗi của người:
Cho Ta hơn hết đứng đầu chúng
Chớ nên sanh tâm niệm như thế
Đó là gốc kiêu mạn, phóng dật.
Tỳ kheo như thế chớ khinh chê
Lần lượt ở trong giáo pháp này
Đâu thể nhất thời liền giải thoát
Tuy thấy Tỳ kheo phá cấm giới
Chỉ cần tin chư Phật Pháp Tăng
Chớ tìm kiếm lỗi lầm của họ
Đây chính là tạo nhân giải thoát.
Khó nhiếp các dục và sân hận
Trong sự tự tại chớ phóng dật
Huân tập các pháp chưa đến lúc
Chớ vì phá giới mà bỏ họ
Dừng tâm tin cần không tinh tấn
Đây đúng là người không tiến bộ.
Siêng tu không nhìn lỗi của người
Tư duy chánh đạo nên thoát khổ
Cho nên Tỳ kheo mong cầu đức
Cần phải xả bỏ lời phi pháp
Tinh cần hoan hỷ thích thú rồi
Ví như Tê giác nơi thanh vắng.
Hết quyển thượng
----------------
Quyển hạ
Bấy giờ, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Hy hữu thay, Thế Tôn! Người thế gian tụ tập bàn tán mới có nhiều lỗi lầm xấu xa như thế, nên không có công đức hoà hợp. Lời bàn tán về thế gian chỉ tăng thêm các phiền não sẽ tạo sự hư dối ở trong thiện pháp này.
Bạch Thế Tôn, có bậc trí Bồ tát nào cầu công đức mà sau khi nghe tai hoạ của lời nói ở thế gian sẽ không thích sống một mình? Bạch Thế Tôn tại sao Bồ tát thích nói nhiều lại quán các hoạn nạn? Khi quán Bồ tát ưa chọn chân nghĩa về sau không hối tiếc?
Phật bảo Di Lặc:
Tại vì trong đó Bồ tát phải quán hai mươi hoạn nạn của việc ưa nói nhiều, hai mười pháp đó là gì? Này Di Lặc! Người ưa nói nhiều sẽ không có tâm cung kính. Vì đa văn nên ngã mạn, phóng dật, đối với ngữ ngôn tư duy sẽ nhiễm trước, sẽ mất bổn niệm, tự mình không có chánh niệm, việc làm sẽ mất oai nghi đúng đắn, không thể điều phục thân tâm, đi đến đâu thân sẽ không đoan chánh mất đi sự chịu đựng, thân tâm ương ngạnh khó có thể điều phục, xa lìa pháp chỉ quán, lời nói không biết thời, nói lời uế trược, tham ăn uống, không được thánh trí, các trời rồng không kính trọng. Người có biện tài thường khinh chê kẻ khác, về sau thường hối hận, không trụ trong chánh hạnh nên sơ xuất, không thể đoạn trừ các thói nghi ngờ, khi đi như Na Tra chỉ dạy theo danh tiếng, sẽ thuận các thú vui của dục, tâm thức theo dòng phỉ báng chánh pháp bởi không quán như thật, nên luôn phát sanh sự mong cầu, chỗ động thì không động, chỗ không động thì động, đáng được cúng dường thì lại không được, do tâm không điều phục bị người dắt dẫn, bởi không thấu suốt pháp giới, bị các phiền não lôi kéo là do không điều phục các căn. Này Di Lặc! Bồ tát ưa nói nhiều có hai mươi hoạn nạn như vậy, vì chỉ biết tin vào âm thanh mà không quán chánh nghĩa.
Khi ấy, Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên mà thuyết kệ:
Đa văn như say tâm bất kính
Bám vào ngôn ngữ thêm rối loạn
Quên mất chánh niệm không chánh trí
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Rất lơ là việc nội tư duy
Thân không an tỉnh tâm cũng vậy
Cử chỉ hành động thiếu oai nghi
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Quên mất ý tư duy chánh pháp
Tâm chỉ ương ngạnh không nhu hoà
Xa lìa thiền định và chánh quán
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Gần bậc tôn kính ý không kính
Thường ưa dùng lời nói đấu tranh
Nơi ở không yên, ý điên đảo
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Các chúng chư thiên không cung kính
Các rồng dạ xoa không nghĩ đến
Về sau không được các biện tài
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Bị các bậc trí thường quở trách
Những việc ấy thân cần chứng biết
Sống như vậy rỗng không, không lợi
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Người ngu khi chết sanh hối hận
Ta tự lừa mình nay nói gì?
Họ phải chấp nhận chịu các khổ
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Vội vàng giống như gió thổi cỏ
Tâm có các nghi không giải được
Ý không kiên cố chẳng thế định
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Giống như Na Tra ở hý trường
Nói các công đức, người khoẻ mạnh
Khi ấy, họ cũng như Na Tra
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Tai nghe tiếng hay sanh tâm nhiễm
Họ thích âm thanh lìa chánh trí
Như có tư duy chẳng đúng lý
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Nịnh hót quanh co chẳng được gì
Luôn luôn gây lại sự đấu tranh
Đối với Thánh hạnh mãi xa lìa
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Hành động hữu vi, niệm yếu kém
Ai hỏi Thánh đức thường coi nhẹ
Giống như khỉ vượn tâm loạn động
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Người ấy ngu si bị người sai
Vì trí không có ý chánh định
Bị các phiền não theo hỗ trợ
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Mắt tai mũi họ luôn bị loạn
Lưỡi thân và ý cũng đảo điên
Tất cả các căn đều rối bời
Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.
Vô trí tuy cầu nhiều ngôn ngữ
Ý cầu các pháp không biết chán
Họ không lãnh thọ pháp hỷ lạc
Đối với nhất niệm tâm không thích
Vỏ thân cây mía không bền chắc
Nhưng trong ruột nó vị rất ngon
Không phải bỏ vỏ mà có vị
Vị ấy không rời thân cây mía
Như vỏ, nói nhiều đã như vậy
Như nhựa tư duy nghĩa cũng thế
Cho nên nói nhiều hay xa lìa
Tư duy chánh nghĩa, chớ phóng dật
Vị nghĩa vị pháp hơn mọi vị
Vị của giải thoát cũng vi diệu
Vị ấy tối thượng trong các vị
Sao bậc trí không sống một mình
Nói nhiều như vậy đã biết rồi
Nghĩa công đức tối thắng như thế
Nếu có bậc trí muốn học đạo
Thì đối chân nghĩa phải tư duy
Vậy nên xa lìa lời vô ích
Muốn cầu thắng nghĩa của Chơn như
Cần phải gần gũi pháp tối thắng
Nên trụ vào đó chứng thắng đạo
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Hy hữu thay! Thế Tôn mới khéo giảng thuyết tội lỗi của việc nói nhiều. Bạch Thế Tôn! Tư duy chánh nghĩa có công đức lớn. Bạch Thế Tôn! Nếu muốn cầu nghĩa vững chắc, Bồ tát muốn mang giáp, đeo trượng thì đối với lời hư dối không nên huân tập. Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ tát thích quán các lỗi của việc ngủ nghỉ? khi Bồ tát quán nên bỏ sự ngủ nghỉ, phát sanh tinh tấn không mệt mõi. Sau khi Bồ tát Di Lặc nói, Phật bảo Bồ tát Di Lặc:
Này Di Lặc! Trong đó Bồ tát cần phải quán hai mươi lỗi lầm của việc ngủ nghĩ. Hai mươi lỗi lầm là những gì? Này Di Lặc! Bồ tát ưa việc ngủ nghỉ sẽ sanh làm biếng, thân thể nặng nề, làn da nhơ nhớp, thịt da rít nhám, các đại nhơ nhớp, oai đức mỏng dần, ăn uống không tiêu, thân thể sanh ghẻ chốc, nhiều biếng nhác, thêm lớn ngu si, trí huệ sút kém, hay mệt mỏi, sẽ hướng đến tối tăm, người không cung kính, bẩm chất ngu si, nhiều phiền não, tâm theo các sử, ở trong thiện pháp mà không sanh ham thích, làm cho tất cả bạch pháp giảm sút, thường đi trong sự sợ hãi thấy người tinh tấn thì huỷ nhục họ, đến chỗ đông người bị người khinh rẽ. Này Di Lặc! Bồ tát ưa ngủ nghỉ có hai mươi lỗi lầm như vậy. Khi Bồ tát quán chiếu pháp ấy thì sẽ phát sanh tinh tấn.
Khi ấy, Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này nên đọc kệ:
Thân thể trì trệ không tịch định
Lười biếng thân hình không đoan chánh
Làn da nhơ uế không thanh tịnh
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Nước miếng nước mắt...phong hoàng ẩn
Có nhiều thứ ấy trong thân thể
Các giới rối loạn không quân bình.
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Họ ăn thức ăn không tiêu được
Thân thể thô kệch không sáng sủa
Âm thanh lời nói bị tắt nghẽn.
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Thân thể có nhiều các thứ ghẻ
Ngày đêm tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Thân thể phát sanh nhiều thứ khổ.
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Có nhiều biếng nhác lìa tinh tấn
Niềm vui càng xa, không có phần
Thường ngủ mê man không chánh ý
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Thường làm thêm lớn lưới ngu si
Hiểu biết điên đảo rất khó sữa
Không có chánh niệm, bị mất ý
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Họ có trí huệ rất yếu kém
Không thiền định các pháp giảm sút
Xa lìa trí tuệ và chánh trụ
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Tự biết mình lười không cần học
Thường bị phi nhơn đoạt oai đức
Ở nơi thanh vắng thường sợ hãi
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Luôn thường mông lung mất chánh niệm
Không thể an trú lúc đọc tụng
Chánh niệm đã nói thường quên mất
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Họ thường hổ trợ các phiền não
Thượng bị mê loạn tánh thô tháo
Về sau họ sanh tâm hối hận
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Có nhiều thiện nghiệp bị diệt mất
Khi nhớ xét lại sanh buồn hận
Tăng thêm các sử đất phiền não
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Không muốn mong cầu các thiện nghiệp
Đối với thiện pháp tâm không cầu
Họ luôn luôn làm việc phi pháp
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Tức là lìa xa đạo bồ đề
Tất cả công đức đều giảm sút
Bỏ mất chỗ sáng đến nơi tối
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Không có tâm vô uý sáng ngời
Họ thường không sanh niệm hoan hỷ
Bám vào ngủ nghỉ việc mông lung
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Họ tự biết mình là biếng nhác
Ghét người an trú sức tinh tấn
Nói là tinh tấn chẳng phải thiện
Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ
Bậc trí nếu thấy lỗi như thế
Ai sẽ vui mừng việc ngủ nghỉ
Chỉ sanh ngu si nhiều ràng buộc
Không thích chánh pháp diệt công đức
Bậc trí ai chẳng ưa tinh tấn
Hay diệt các khổ hết tối tăm
Vị lai đường ác đều đoạn tận
Được cam lồ gốc các niềm vui
Thế gian có được bao tài nghệ
Và xuất thế gian các quyền năng
Phát sanh tinh tấn không ngại khó
Bậc trí vì sao không tinh tấn?
Muốn trụ vào Bồ đề cao tột
Mọi người phải biết lỗi ngủ nghỉ
Tinh tấn không lười, không phóng dật.
Ta nhờ biết được pháp như vậy
Nên không phóng dật và sợ hãi
Phát khởi tâm tinh tấn thiền định
Bỏ các lỗi lầm lìa ngủ nghỉ
Gìn giữ Bồ đề và hạt giống.
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Như Lai đã vì các Bồ tát mà chỉ bày nhưng dù đã nghe các lỗi lầm của việc ngủ nghỉ nhiều như vậy, song Bồ tát không thể đoạn trừ, cũng không thể sanh tâm nhàm chán, thì bạch Thế Tôn! Bồ tát nào muốn học tín tâm và muốn thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà còn sanh lười biếng, vì cầu thiện pháp nên đối với công đức nhiều như vậy, tuy đã nghe rồi nhưng không thể phát khởi hạnh tinh tấn. Vì mong viên mãn Bồ đề phần nên Như Lai đã khéo nói các lỗi của việc ngủ nghỉ nhiều, và mở bày các công đức của tinh tấn. Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ tát phải quán các lỗi của việc ưa tạo các nghiệp, và Bồ tát sau khi quán sẽ sống thiểu dục tri túc?
Phật bảo Di Lặc: -Bồ tát trong đó ưa tạo nghiệp nên quán hai mươi thứ tội lỗi. Hai mươi thứ lỗi là gì? Này Di Lặc! Đó là phàm Bồ tát ưa tạo các nghiệp thì sẽ ưa thích pháp thế gian tức ở trong tất cả các nghiệp thấp kém nhất. Đó là khinh chê người siêng năng đọc tụng, có người chuyên cần thiền định một mình cũng bị họ chế giễu, đến nỗi họ bị lưu chuyển trong sanh tử không cùng, về sau lại tạo nghiệp không dứt... Họ có lòng tin đối với các bậc trưởng thượng, nhưng không thể vì các vị ấy mà tạo phước điền, thường có tham dục ưa mến các vật, tâm vừa nghĩ việc ấy thì hết sức siêng năng, thường lo gia nghiệp, trái với thiện pháp của người, được ban cho giáo pháp mà không tuỳ thuận, có nhiều suy nghĩ, nhiễm trước các mùi vị, được việc tốt lành mà không ưa thích, thường tạo ác nghiệp gây hại lẫn nhau, hướng về các tri thức mới quen hay quen đã lâu thì thường nhớ việc ăn uống, thường thích biết việc hay dở phải trái của người khác, bàn luận thường ưa chống trái, các bậc phạm hạnh dạy bảo không lảnh thọ, thường nhìn lỗi người không thấy lỗi mình liền bị coi rẻ, hợp với lời bàn luận chơn chánh thường thì rất ít.
Này Di Lặc! Bồ tát nào ưa tạo các nghiệp sẽ có hai mươi thứ lỗi lầm như vậy.
Khi ấy Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:
Thường trụ trong các nghiệp thấp hèn
Họ lìa xa các nghiệp cao đẹp
Trong giáo pháp này không rộng rãi
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Các Tỳ kheo ưa thích đọc tụng
Bị họ khinh chê, không ngưỡng mộ
Người tu thiền định lìa bỏ họ
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Với nghiệp sanh tử thường siêng năng
Xa chốn giải thoát trụ trói buộc
Thọ nhận thức ăn không thanh tịnh
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Luôn luôn hướng đến các nghiệp ấy
Nhận được vật gì cũng vui mừng
Thường siêng mong muốn nhận các vật
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy.
Mến chuộng bạn bè có cùng hạnh
Tạp hạnh gần nhau nhiễm lẫn nhau
Giống như chim bị nhốt trong lòng
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Luôn luôn lo lắng các gia nghiệp
Tâm ý ưu sầu ít khi vui
Có nói điều gì người chẳng nghe
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Dạy cho đạo đức không tuỳ thuận
Dù thuận giáo pháp nhưng chẳng thọ
Có giới hạnh nhưng không trọn vẹn
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Thường luôn ưu sầu tâm không an
Với nghiệp thế tục tâm cần mẫn
Trí huệ tịch tịnh họ chẳng màng
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Họ thường có rất nhiều sự nghiệp
Họ bị buộc chặt đủ các vị
Ở nơi nào cũng không biết đủ
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Thường vui thích ở chốn đông người
Người trí không thích nói với họ
Thích nơi tạp nhạp giống như lừa
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Tâm thường sân hận không nhu thuận
Thêm lớn các nghiệp mãi không cùng
Họ bị ái nhiễm buộc chặt cứng
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Họ không nương tựa bậc tôn trưởng
Nương tựa người đời giúp lẫn nhau
Thấy người giữ giới thì phỉ báng
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Ngày đêm luôn nhớ đến các việc
Ăn uống y phục và ngoạ cụ
Chẳng muốn nghe công đức xuất gia
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Thích hỏi nghiệp công đức thế gian
Nghe việc kinh doanh họ phấn khởi
Siêng tu thắng đức họ không thích
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Say mê kinh doanh cùng bè bạn
Dùng thế lực mình trấn áp người
Những ác nghiệp ấy họ đều làm
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Luôn luôn ưa thích xét lỗi người
Lỗi của chính mình không tự biết
Thấy người có đức thường trêu chọc
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Đến đâu cũng bị người khinh chê
Người đến thỉnh pháp: Xin giảng thuyết
Trí không hiểu thấu, không phương tiện
Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy
Các lỗi như vậy nên quán kỷ
Có các Bồ tát thích nghiệp này
Cần phải tu nghiệp tối thắng ấy
Tạo tác các nghiệp đều chẳng mất
Xả bỏ ngàn tiền lấy một tiền
Người có trí cần phải quở trách
Người như vậy bị người khinh chê
Vì ưa tạo nghiệp thấp hèn ấy
Cho nên người trí có phương tiện
Đã vứt bỏ đi nghiệp thấp hèn
Thì nên tu tập nghiệp cao thượng
Nên biết được tất cả Phật khen
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát kia trí tuệ thấp kém, tâm ý hẹp hòi, Đức Chánh Đẳng nhọc công nhưng họ bỏ pháp tối thắng mà tạo các tiểu nghiệp. Phật bảo:
Này Di Lặc! Ta nay bảo ông, Ta nay chỉ dạy ông: Vì các Bồ tát kia không nương vào giáo pháp của Phật xuất gia, nên không thể diệt độ, không thiền định, không đọc tụng, không mong cầu đa văn.
Lại nữa, Di Lặc! Các Như Lai đã dạy: Diệt hết trí hành tạo dựng trí trí, nhờ sự chuyên cần đầy đủ nên mới có thể hiểu rõ, không thể đem nghiệp (trí) thế tục đo lường, mà biết được. Vì đây chẳng phải người thường ham thích nghe việc lưu chuyển trong sanh tử, như là: việc đo lường tạo tác của thế gian, việc mua bán của cải ở thế gian, những việc đó Bồ tát không được ham thích.
Di Lặc! Giả sử đo lường sự chuyên cần của Bồ tát tạo dựng tháp bằng bảy báu đầy đủ cả ba ngàn đại thiên thế giới này, cũng không thể làm cho ta hân hoan, chẳng phải cúng dường ta, chẳng phải thừa sự ta.
Này Di Lặc! Nhưng nếu có Bồ tát thọ trì đọc tụng thậm chí một bài kệ bốn câu tương ưng cùng với trí tuệ độ thì người đó làm cho ta hân hoan là cúng dường ta và thừa sự ta. Vì sao vậy? Di Lặc! Vì Đa văn vậy, sự giác ngộ của các đức Như Lai không chấp trước các vật.
Này Di Lặc! Nếu có Bồ tát nào chuyên cần trong sự nghiệp kinh doanh, đối với việc chuyên cần đọc tụng của Bồ tát, mà làm não loạn, dẫn đến việc tu tập sự nghiệp của các Bồ tát (đọc tụng) có nhiều chướng ngại tội lỗi, thì không tích được phước đức. Vì sao? Vì ba loại phước thù thắng đều do trí phát sanh. Vì thế cho nên Bồ tát chuyên cần trong sự nghiệp kinh doanh, đối với các Bồ tát chuyên cần đọc tụng không nên làm chướng ngại. Di Lặc! Ví như người kinh doanh sự nghiệp đầy khắp trong Diêm Phù Đề số ấy vô lượng, đối với một Bồ tát chuyên cần tụng niệm thì nên cung cấp phụng sự. Ví như các Bồ tát chuyên cần tụng niệm đầy khắp trong cõi Diêm Phù Đề thì cần phải cung cấp cho một vị thiền định. ta nói rằng những Bồ tát ấy khéo cung cấp. Người ấy đã tích tụ vô lượng phước. Vì sao? Vì đó là cái được hơn hết, nghĩa là tương ưng với trí tuệ đệ nhất nghĩa, sự chứng biết không có gì trên nữa, nên là tối thượng, tối thắng, tối cao trong tất cả thế gian.
Này Di Lặc! Vì thế cho nên muốn được thiền định và tinh tấn thì cần phải tu tập trí nghiệp và cầu sanh trụ xứ bát nhã.
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Ngài đã vì các Bồ tát nói các hoạ hoạn của việc ưa lời nói thế gian, ưa nói nhiều, ưa ngủ nghỉ và các hoạ hoạn của việc ưa tạo nhiều nghiệp.
Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ tát phải quán việc ưa hý luận, như pháp đã quán sẽ hướng đến hạnh tịch tịnh?
Phật bảo Di Lặc:
Lời của người hý luận nói có hai mươi điều lầm lỗi cần phải quán sát. Nếu nói rộng ra thì có vô biên, hai mươi điều đó là gì?
Này Di Lặc! Bồ tát nhiều hý luận thấy trong giáo pháp nhiều hạnh không thích, đối với Nhẫn nhục thì lại giảm sút, huân tập sân hận, thiện căn chưa sanh không làm phát sanh, thiện căn đã sanh làm cho giảm sút, sẽ có tranh đấu oán hờn, sẽ bị đoản mạng, không đoan chánh, nói năng không trôi chảy, nghe người khác dạy giáo pháp tâm không an trụ, kinh pháp sắp giảng thuyết thì không nhớ, các thiện tri thức đều lìa xa, mau chóng hoà hợp với ác tri thức, sẽ vào đường khổ, trong mọi lúc đều nghe lời không vui, sanh ở nơi nào thường rơi vào lưới nghi, gần gủi tám nạn, trong pháp bạch tịnh mong cầu học hỏi có nhiều chướng ngại. Này Di Lặc! Ta vì các Bồ tát nhiều hý luận mà lược nói hai mươi lỗi lầm như vậy.
Khi ấy, Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, nên nói kệ:
Hiện pháp khổ sở tâm không vui
Xa lìa Nhẫn nhục giúp sân hận
Oan gia của họ đều hoan hỷ
Người hành hý luận có họa này
Làm cho ác ma thêm vui vẻ
Quyến thuộc nhà ma cũng vui theo
Được bao điều thiện đều xả bỏ,
Người hành hý luận có họa này.
Mong muốn tạo dựng các hạnh lành
Họ vì phóng dật nên không trụ
Hướng đến nẽo ác vì phóng dật
Người hành hý luận có họa này.
Vì không tin nên tâm khó phục
Sanh nhà hạ tiện thường bị khinh
Lưỡi của họ luôn bị nói lắp
Người hành hý luận có họa này.
Nói pháp cho người tâm không trụ
Cho nên pháp ấy bị quên mất
Các thiện tri thức đều bỏ họ
Người hành hý luận có họa này.
Thường hòa hiệp với các nghiệp ác
Ở trong các thừa rất khó tịnh
Nghe nói pháp ý không vui vẻ
Người hành hý luận có họa này.
Đối với các thiện nhiều chướng ngại
Ở trong các hạnh nhiều oán hờn
Khi họ siêng năng, nhiều chướng ngại
Người hành hý luận có họa này
Các hoạ như vậy bậc trí biết
Tất cả hý luận nên xả bỏ
Người hành hý luận khó đắc đạo
Vì thế không nên trụ hý luận
Hãy mau tránh xa nhiều do tuần
Chỗ có hý luận và tranh đấu
Ta nay không thể ở một mình
Chỗ có phiền não dù khoảnh khắc
Ta muốn xuất gia cầu lợi đức
Chớ gây tranh luận sanh ác tâm
Không có ruộng vườn và buôn bán
Thì vì việc gì sanh đấu tranh?
Không có nhà cửa các của cải
Vợ và con cùng các nô tỳ
Không có nô bộc được tự tại
Đã xuất gia rồi chớ đấu tranh
Đã khoác trên mình chiếc ca sa
Đã ấn khả gọi là Tịch tịnh
Các ông đầy đủ công đức ấy
Xả việc hý luận sẽ sanh nhẫn
Tâm như rắn độc như La sát
Sẽ sanh địa ngục, quỷ, súc sanh
Người hành hý luận dễ vào đó
Giải thoát việc ấy sanh tinh tấn
Có các khổ não hại, trói buộc
Oán thù quở trách trói đánh đập...
Cùng nhau tụ tập rồi tranh luận
Ở thế gian này đều như vậy
Nếu có hoà hiệp oán khó sanh
Người sống hòa hiệp thêm danh tiếng
Người sống hòa hiệp được yêu mến
Sao người có trí không hòa hiệp
Tìm lỗi lầm người không dễ được
Quyến thuộc không từng phá hoại nhau
Bạn bè của họ không ly tán
Lìa hý luận thuận theo lời dạy
Trong xe an lạc sẽ được tịnh
Được giải thoát hoàn toàn nghiệp chướng
Hàng phục ma và cả ma quân
Bị người phỉ báng nên sanh nhẫn
Nếu hý luận thì nhiều họa hoạn
Người không hý luận đức khó lường
Ta đã chỉ dạy rõ như vậy
Muốn giác ngộ phải sanh tâm nhẫn.
Khi ấy Bồ tát Di Lặc bạch Phật:
Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Chỉ có Như Lai mới nói ra các phiền não này. Bạch Thế Tôn! Có Bồ tát nào nghe việc phát giác các phiền não như vậy mà sanh sự nhàm chán chăng? Ở trong hạnh phiền não có đoạn trừ chăng?
Phật bảo Bồ tát Di Lặc:
- Này Di Lặc! Ở đời vị lai năm trăm năm sau, sẽ có ít người hành Bồ tát thừa dứt sạch hạnh phiền não, nhiều người có tâm ương ngạnh, không kính trọng, ngã mạn, tự cao tạo các sự phân biệt không thể tu tập. Cho nên ma ba tuần hiện hình làm Tỳ kheo đi đến trước mặt họ phá hoại, nói như vầy:
Các kinh này là văn chương của người khác chẳng phải lời của Như Lai nói. Vì sao vậy?
-Vì kinh này chỉ nói các công đức mà không nói “bỉ, thử”. Nhưng đối với đồ chúng kia bị phá rồi, thì đối với lời nói của Như Lai trong các kinh họ sẽ sanh nghi ngờ, và phát sanh sự tranh cãi, không chịu thọ trì, không nói cho người, cũng không tu tập. Nhưng bọn họ là người ngu si không biết như vậy mà còn cho rằng: “Đây là quả báo của các nghiệp, chúng ta sẽ không thể chứng công đức như vậy”.
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai khen ngợi đức A Di Đà Như Lai phát mười loại tâm; trong đó đều tuỳ tâm niệm của chúng sanh mà phát khởi, như ai có niệm muốn sanh về cõi kia thì liền được sanh về cõi ấy.
Bạch Thế Tôn! Mười loại tâm sanh về cõi kia là gì?
Phật bảo Di Lặc: Những người phát tâm chẳng phải người thiếu trí, mà họ phát tâm là vì việc lớn. Nếu ai muốn sanh về thế giới A Di Đà thì vì tất cả chúng sanh mà phát tâm từ bi, không sanh sân hận, thì sẽ sanh về thế giới của Phật A Di Đà Như Lai. Vì tất cả chúng sanh, sanh tâm từ bi nên sanh về cõi kia lìa các sự sát hại thọ trì chánh pháp. Do phát tâm này nên sanh về cõi ấy.
Do phát tâm bỏ thân mạng, không chấp trước tất cả các pháp nên về cõi kia, phát tâm nhẫn nhục sâu xa, thực hành tín thanh tịnh. Nhờ phát tâm này nên sanh về cõi ấy, không nhiễm danh tiếng lợi dưỡng, được nhất thiết trí quý báu. Do phát tâm nầy nên sanh về cõi kia, được tất cả chúng sanh sanh lòng quý kính, do phát tâm không quên mất nên sanh về cõi kia, không kinh, không sợ, không thích lời nói phàm tục. Do phát tâm này nên sanh về cõi kia, nhập vào Bồ đề phần trồng các căn lành. Do phát tâm này nên sanh về cõi kia, nhưng không lìa niệm Phật. Do phát tâm này nên sanh về cõi kia, xa lìa các tướng.
Này Di Lặc! Đó là mười loại phát tâm, nếu Bồ tát nào phát một niệm đầy đủ các tâm ấy thì sẽ vãng sanh trong thế giới của Phật A Di Đà. Nếu không được sanh thì không có điều ấy.
Bấy giờ, Trưởng lão A Nan bạch Phật:
- Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Như Lai nói pháp bổn này là để thức tỉnh các Bồ tát.
Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi trưỡng lão A Nan:
Hay thay! Hay thay! Này A Nan! Cho nên Bồ tát hiểu biết bổn pháp này thì phải thọ trì như vậy.
Khi Phật nói kinh này, Bồ tát Di Lặc và trưởng lão A Nan vui mừng hớn hở. Sáu mươi vị hành Bồ tát thừa và các thiện nam tử... Tất cả đều dứt hết nghiệp chướng, hoan hỷ phụng hành đảnh lễ lui ra.
Hết quyển hạ
--- o0o ---
- Từ khóa :
- Thích Nguyên Xuân