Phần 1

11 Tháng Giêng 20173:12 CH(Xem: 2404)
Phần 1
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 1
 
VỌNG TÂM KHÔNG SANH KHỞI

ÁC NGHIỆP NÀO KHỞI SANH

Tại thành Xá Vệ (Sãvatthi) có một thương gia tên là Đại Phú (Mãha Suvanna). Ông rất mực giàu sang nhưng hiếm muộn con cái. Một hôm, nhân đi tắm sông về, thấy bên rừng có một cây cổ thụ um tùm, ông bèn nghĩ: “Cây này hẳn là có thần linh trú ngụ”. Vì vậy, ông xây tường bao quanh gốc cây, quét dọn sạch sẽ, trang hoàng cờ phướn, và khấn nguyện rằng: “Nếu con sanh được con trai hay con gái, con sẽ hết lòng bảo vệ cây này và tôn vinh ngài”. Quả thật vợ ông lần lượt sanh được hai người con trai. Và để nhớ mình là người bảo vệ (Pãla), ông đặt tên đứa con thứ nhứt là Vệ anh (Mahà Pàla), và đứa thứ hai là Vệ em (Culla Pàla). Khi đến tuổi trưởng thành, chúng được cha mẹ xây dựng gia thất; và sau một thời gian, cha mẹ chúng qua đời, để lại toàn bộ gia sản cho chúng quản lý. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang an trú tại Kỳ Viên (Jetavana), và đã hóa độ được hàng ngàn đệ tử tu hạnh giải thoát.

Một hôm, Vệ anh thấy ai ai cũng ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cành hoa thẳng đến Kỳ Viên. Cậu cũng theo họ đến chùa nghe pháp. Cậu rất chú tâm nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng về hạnh trì giới, nhẫn nhục, thiền định, ly tham, xuất gia hành đạo, và đặc biệt là đoạn Thế Tôn nhấn mạnh: “Khi  một người nhắm mắt xuôi tay thì cung vàng điện ngọc, tiền bạc của cải, danh vọng địa vị, vợ chồng con cái, và ngay cả thân mạng của người ấy, cũng không thể theo họ sang bên kia thế giới”. Trực nhận được lẽ vô thường sanh diệt, Vệ anh đến quỳ dưới chân Đức Thế Tôn xin xuất gia. Ngài nói:

- Ông có người thân nào không?

- Bạch Đức Thế Tôn, con còn một người em trai.

- Thế thì về hỏi ý kiến em ông.

Lòng lâng lâng sung sướng, Vệ anh về nhà gọi em lại nói rằng:

- Em à, hôm nay anh giao toàn bộ tài sản gia đình lại cho em, hãy vui vẻ duy trì và phát triển gia nghiệp.

- Còn anh thì sao? Người em ngạc nhiên hỏi.

- Anh sẽ xuất gia theo Đức Thế Tôn, gia nhập Tăng đoàn.

- Anh nói gì vậy? Cha mẹ mất rồi, em luôn luôn coi anh như cha mẹ, anh nỡ vất bỏ cơ nghiệp gầy dựng của cha mẹ sao? Anh ơi! đừng xuất gia theo Phật nghe anh.

- Em yêu thương của anh, nghe lời Thế Tôn dạy, anh đã nhận chân được ba đặc tính của vạn pháp, đó là vô thường, khổ và vô ngã. Giáo pháp phải được xiển dương rực rỡ ngay ở đầu, ở giữa và ở cuối. Anh không thể hành trì giáo pháp giữa cảnh bận bịu gia đình.

- Anh ơi, anh còn trẻ mà, chờ ít năm nữa rồi anh vào chùa cũng được.

- Chờ đến khi mắt lờ tai điếc thì còn làm được gì! Thôi, anh đi đây, em ở lại mạnh khỏe. Mặc cho Vệ em đứng đau buồn thổn thức, Vệ anh đi thẳng đến Kỳ Viên.

Năm năm trôi qua, một hôm Tỳ kheo Ma-ha Pa-la đến hầu Đức Thế Tôn và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu nhiệm vụ trong nếp sống tu hành?

- Có hai, Đức Thế Tôn đáp. Nhiệm vụ nghiên cứu giáo pháp, tức là đường hướng quán thông ba tạng kinh điển; và nhiệm vụ tu tập thiền định, con đường dẫn đến quả vị A la hán.

- Bạch Thế Tôn, con nay tuổi già sức yếu, khó mà thực hiện nhiệm vụ thứ nhứt, xin Thế Tôn cho con thực hiện nhiệm vụ thứ hai, phù hợp với khả năng của con hơn.

Đức Thế Tôn truyền cho Ma-ha Pa-la một pháp môn thiền định, và được 60 vị Tỳ kheo tháp tùng, Ma-ha Pa-la đi đến một ngôi làng xa xôi để an cư mùa mưa năm đó. Dân làng hết lòng hộ trì; một y sĩ cũng phát tâm chăm sóc sức khỏe cho quý sư. Nếp sống tu hành rất là trang nghiêm, thanh tịnh. Ma-ha Pa-la thấy các pháp hữu tận dụng bốn tư thế đi đứng ngồi nằm trong nhứt tâm quán niệm, sư cũng phát nguyện không nằm, tất cả đều chuyên tâm tu tập.

Cuối tháng thứ nhứt, Ma-ha Pa-la cảm thấy nhức ở hai mắt, nước mắt chảy hoài, được y sĩ chữa trị, nhưng vì sư không chịu nằm nghỉ nên việc điều trị không có kết quả. Tuy vậy, sư vẫn quyết tâm duy trì hạnh nguyện: không nằm, ngồi thiền suốt đêm; và một đêm nọ, khi hai mắt sư bị hỏng thì cũng là lúc sư chứng quả A la hán. Cuối mùa mưa, các vị chứng quả A la hán muốn về hầu thăm Đức Bổn Sư. Ma-ha Pa-la biết trên đường đi có một cánh rừng thường bị ma quỷ quấy nhiễu, phần sợ gây trở ngại cho cuộc hành trình, sư khuyên các Sa môn đi trước và nhớ báo giùm với Vệ em cho người đến đón sư.

Được tin anh mình bị mù lòa khốn khổ, Vệ em quỳ mọp dưới chân các Sa môn khóc nức nở, đoạn giới thiệu Pa-li-ta (Pàlita), cháu kêu ông bằng cậu đi đón Trưởng lão Ma-ha Pa-la. Các sư bảo đường sá xa xôi hiểm trở, nếu đi với hình thức cư sĩ e không tiện, và thế là Pa-li-ta trở thành một chú sa di vạm vỡ, đẹp trai. Pa-li-ta đến gặp sư ông cậu mình, bày tỏ tự sự, và sau hai tuần chí tâm hầu hạ, Pa-li-ta dắt cậu tạm biệt dân làng, trở về Kỳ Viên hầu thăm Thế Tôn.

Khi hai thầy trò đi ngang qua cánh rừng Ka-tha-na-ga-ra (Katthanagara), Pa-li-ta bỗng nghe tiếng hát quyến rũ của một phụ nữ đang kiếm củi, chú sa di đâm ra cảm kích, quên mất sứ mạng, bèn thưa:

- Bạch thầy, hãy ngồi nghỉ giây lát, con đi đây một chút.

Pa-li-ta đến gặp nàng, hai bên cười cười nói nói, liếc mắt đưa tình, quên hẳn lời nguyền xuất gia học đạo. Lát sau cậu trở lại nói:

- Bạch thầy, đi nào!

- Con đã phạm giới rồi phải không Pa-li-ta? sư Ma-ha Pa-la hỏi.

Giật mình như bị sét đánh, Pa-li-ta đứng lặng thinh. Sư hỏi hai ba lần nữa nhưng Pa-li-ta vẫn đứng yên, không thốt nên lời. Đoạn ngài nói:

- Một người phạm giới như con không thể vin vào đầu gậy tích trượng của thầy. Thôi, con đi đi!

Vô cùng ân hận, Pa-li-ta cởi y vàng, mặc lại thường phục và thưa rằng:

- Bạch thầy, trước đây con là tu sĩ, bây giờ con là cư sĩ. Con khoác áo tu sĩ không phải vì chí nguyện xuất gia, mà vì sợ đường sá xa xôi hiểm trở. Nào, mời thầy tiếp rục lên đường.

Sa môn Ma-ha Pa-la nói:

- Kẻ xấu thì ở đâu cũng xấu, cư sĩ hay tu sĩ gì cũng vậy. Con thọ giới sa di mà không giữ nổi năm giới thì làm cư sĩ liệu con có khá hơn không? Một người phạm giới như con không thể vin vào đầu gậy tích trượng của thầy.

- Bạch thầy đường sá ma quỷ nhiều lắm, phần thầy mù lòa, làm sao thầy có thể ở lại đây?

- Đừng lo chuyện đó! Thầy dù phải nằm chết nơi đây, hay lang thang vất vưởng đâu đó, chứ nhứt định không đi với con nữa.

Pa-li-ta vò đầu ân hận và kêu lên rằng:

- Thật là một lỗi lầm nghiêm trọng, ta đã phạm phải một hành động tàn bạo và bất lương!

Chàng bưng mặt khóc rồi đi thẳng vào rừng.

Bấy giờ thần vương Xa-ka (Sakka) thấy rõ tình cảnh của Ma-ha Pa-la, bèn đến gặp ngài, hỏi han tâm sự đôi điều rồi cùng ngài về Xá Vệ.

Xa-ka đưa ngài đến hầu Đức Thế Tôn, rồi về thảo am mà em trai ngài đã dựng lên cho ngài trú tạm trước kia để báo cho em ngài biết là ngài đã về.

Vệ em tức tốc đến thảo am, và vừa thấy anh mình là ông gieo người xuống đất, ôm chân anh khóc nức nở, than rằng:

- Em biết hoạn nạn khốn khổ thế nào rồi cũng xảy ra; chính vì vậy mà em không muốn anh xuất gia làm Sa môn.

Sau đó ông về trả tự do cho hai cậu bé nô lệ, khuyên chúng xuất gia và được ngài nhận vào giáo hội. Hai chú sa di vô cùng sung sướng, tinh tấn tu hành và hết lòng hầu hạ ngài.

Một hôm, có một nhóm du tăng đến Kỳ Viên thăm Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Ngài, thăm hỏi tám mươi vị Trưởng lão, nhóm du tăng đi dạo quanh tu viện, khi đến thảo am của Trưởng lão Ma-ha Pa-la, họ định vào thăm ngài. Nhưng vì trời tối, gió bão sắp nổi lên, họ phải quay lui và hứa sáng mai sẽ đến thăm ngài.

Tối hôm đó trời mưa dữ dội, đến canh hai mới tạnh. Đầu canh năm, Trưởng lão Ma-ha Pa-la, con người có thừa nghị lực, ra trước hiên am thiền hành. Bấy giờ các loại côn trùng, sau cơn mưa lớn, trồi lên trên mặt đất ẩm ướt và bị ngài dẫm chết rất nhiều. Các sư thường trú chưa kịp quét dọn thì nhóm du tăng đã đến, thấy nhiều côn trùng bị dẫm chết trên mặt đất liền hỏi chú sa di:

- Này, ai đã đi qua lại thềm này?

- Thầy của chúng con, bạch Đại đức.

Họ lên giọng nói:

- Hãy nhìn những gì vị Tỳ kheo phạm phải kìa! Khi mắt sáng, sư ấy nằm ngủ và không phạm tội; bây giờ mắt mù thì đi thiền hành và sát hại nhiều loại côn trùng. Sư ấy cho điều mình làm là đúng nhưng thực sự thì sai lầm.

Nhóm du tăng đến trình sự việc với Đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Ma-ha Pa-la đi thiền hành và đã sát hại nhiều loại côn trùng.

- Nhưng các thầy có thấy thầy ấy giết chúng không?

- Chúng con không thấy, bạch Thế Tôn.

- Vậy đó! Các thầy không thấy thầy ấy, cũng như thầy ấy không thấy côn trùng. Này các thầy Tỳ kheo, ai giải thoát nhiễm ô, người ấy không còn ý nghĩ sát hại.

- Bạch Thế Tôn, thầy ấy chứng quả A la hán sao còn bị mù?

- Vì ác nghiệp của thầy ấy trong tiền kiếp.

- Thầy ấy đã làm gì, bạch Thế Tôn?

- Ờ... này các thầy Tỳ kheo, vậy thì hãy lắng nghe.

*    *    *

Trong tiền kiếp xa xưa, khi quốc vương Ka-xi (Kàsi) trị vì tại thành Ba La Nại (Benares), có một y sĩ hành nghề qua các phố phường, làng mạc. Một hôm, thấy một phụ nữ ngồi nhắm mắt, hai tay ôm trán, ông hỏi:

- Bà làm sao thế?

- Tôi bị đau mắt.

- Tôi sẽ chữa trị cho bà.

- Được sao, thưa ngài! Ngài sẽ cho tôi thuốc gì? Nếu ngài chữa lành mắt tôi, tôi sẽ làm nô lệ cho ngài, con trai con gái tôi cũng vậy.

- Thế thì hay lắm!

Ông bốc thuốc cho bà, và chỉ đắp một liều là mắt bà lành mạnh, sáng lại ngay.

Sau đó bà suy nghĩ: “Mình đã hứa làm  nô lệ cho ông ấy, con trai con gái của mình cũng vậy. Nhưng mình đã hứa lỡ. Mình sẽ đánh lừa ông ta rằng: ông ta không chữa trị cho mình một cách tử tế” .

Hôm sau vị y sĩ đến hỏi bà bịnh tình thuyên giảm thế nào, bà đáp:

- Trước đây mắt tôi đau ít, bây giờ chúng hành tôi đau nhức hơn bao giờ hết.

Vị y sĩ thầm nghĩ:

- Mụ này láo thật, dám lừa ta! Mụ không muốn đền đáp công ơn của ta. Ta không cần tiền thù lao của mụ. Nào, ta sẽ làm cho mụ đui luôn.

Thế là vị y sĩ về nhà báo cho vợ biết. Vợ ông không nói gì. Ông bèn pha một loại thuốc hiểm ác, đem đến nhà và hướng dẫn bà xát thuốc vào mắt. Bà làm theo lời ông. Ít hôm sau, hai mắt bà lồi ra như hai ngọn tim đèn. Vị y sĩ đó là Ca-khu-pa-la (Cakkhupàla), tiền thân của Trưởng lão Ma-ha Pa-la này vậy.

Dừng lại trong giây lát, đoạn Đức Thế Tôn tiếp:

- Này các thầy Tỳ kheo, ác nghiệp đeo đuổi người tạo ác cũng như bánh xe lăn theo vết chân của con bò kéo xe vậy.

Ngài đọc kệ:

Tâm dẫn đầu các pháp.

Tâm là chủ, tạo tác.

Nếu nói hay hành động,

Với tâm niệm bất tịnh,

Khổ não liền theo sau,

Như xe theo bò vậy.

(PC. 1)

 


 

XAN THAM THOÁNG KHỞI, KHỔ NÃO BÙNG LÊN
 TÍN TÂM NẢY SANH, CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU

Cũng tại thành Xá Vệ, có một người Bà la môn vô cùng keo kiệt, ông không bao giờ cho ai vật gì, nên người ta gọi ông là Trùm-kiệt (Adinnapubbaka). Ông chỉ có một đứa con trai duy nhất mà ông hết lòng yêu quý. Bấy giờ ông muốn sắm cho con mình một đôi bông tai nhưng sợ tốn tiền cho thợ bạc nên ông đích thân gò vàng, mài giũa thành một đôi trông có vẻ láng láng cho con; cậu bé do đó có cái tên là Ma Nhĩ Hoa (Maiihakụịdali).

Khi mười sáu tuổi, cậu bé bị bịnh vàng da. Người mẹ nhìn con, xót xa nói:

- Ông ơi, con nó bịnh rồi đó. Ông nên đi mời y sĩ về chữa bịnh cho con.

- Bà sao! .- Người chồng nói. Nếu mời y sĩ thì phải trả công bằng gạo. Bà không hề để ý gì đến việc mất mát tài sản của tôi.

- Thế ông định làm gì bây giờ?

- Tôi sẽ tìm cách chữa trị mà không tốn hao tiền bạc.

Ông đi hỏi thăm nhiều y sĩ và được họ mách cho ông giã vỏ cây này, tán vỏ cây nọ ra làm thuốc.

Ông làm theo lời họ, nhưng bịnh tình của con ông ngày càng trở nên trầm trọng. Thấy con đến hồi nguy kịch, ông cho mời y sĩ tới, y sĩ nhìn cậu bé, lắc đầu nói:

- Trễ quá rồi! Rất tiếc là tôi không thể cứu được cháu. Ông bà nên mời y sĩ khác.

Thấy vị y sĩ từ chối, cáo lui, và biết con mình sắp chết, ông thầm nghĩ:

- Tất cả những ai đến thăm thằng nhỏ này đều thấy hết của cải trong nhà ta, vậy là ta phải mang nó ra ngoài.

Ông đem con ra khỏi nhà và đặt nó trên một mô đất.

Sáng sớm hôm đó, Đức Thế Tôn khởi tâm đại bi, dùng Phật nhãn quán sát thế giới, xem xét những ai từng có thiện duyên công đức với vô lượng vô biên chư Phật quá khứ, và thấy ngay Ma Nhĩ Hoa đáng thương đang nằm thoi thóp trên mô đất. Động lòng lân mẫn, Đức Thế Tôn đi đến thăm cậu. Nhìn thấy Thế Tôn, cậu mới ý thức rằng cậu đã bị người cha tệ hại vất ra khỏi nhà và trong lòng khởi lên ý niệm:

- Vậy là ta có đủ lý do theo Phật. Cha ta quá ư bủn xỉn nên ta mới ra nông nỗi này. Ta không được lễ Phật, nghe Pháp và cúng dường Ngài; ngay cả hai tay ta cũng không còn đủ sức chấp lại để tỏ lòng cung kính Ngài. Ta không làm được gì nữa cả. Xin dâng lên Đức Thế Tôn tấm lòng thành kính của con.

Cậu bé trút hơi thở cuối cùng và được tái sanh làm thiên thần ở thiên giới thứ Ba mươi ba. Người cha đem thiêu xác con và ngày ngày đến lò thiêu khóc than kể lể:

- Con ơi! Con trai duy nhứt của ta ơi, con nỡ bỏ cha đi đâu?

Để hóa độ cha mình, Ma Nhĩ Hoa hiện lại thân người, rồi cũng ngày ngày đến gò thiêu khóc than thảm thiết. Thấy vậy người Bà la môn hỏi:

- Ta khóc than vì nỗi bất hạnh của con ta, còn cậu vì sao khóc than ai oán thế?

- Cháu muốn có mặt trời mặt trăng.

- Cậu ngu quá!

- Ai ngu hơn ai! Người khóc than đòi hỏi những gì hiện thực, hay người khóc than đòi hỏi những gì không hiện thực?

Bấy giờ người Bà la môn  mới nhận ra sự thật. Cậu thanh niên nói:

- Này ông Bà la môn, ông lắm tiền nhiều của. Ông nên đến gặp Đức Thế Tôn, đảnh lễ, cúng dường, nghe pháp và hỏi Ngài.

Nói xong cậu đi mất.

Ông về nhà báo cho vợ con biết mọi việc rồi đến thẳng tu viện lễ Phật, và thưa:

- Bạch Thế Tôn, trưa nay mời Ngài cùng đại chúng đến nhà con thọ trai.

Đức Thế Tôn chấp thuận. Trưa hôm đó, được đại chúng tháp tùng, Ngài đến nhà Bà la môn.

Thọ trai xong, người Ba la môn cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn, có ai tái sanh thiên giới mà không cần cúng dường, đảnh lễ, nghe pháp, chay tịnh, chỉ cần một cử chỉ thành tín?

- Này Bà la môn, tại sao ông hỏi ta? Ma Nhĩ Hoa, con trai ông, không báo cho ông biết là cậu ấy đã tái sanh thiên giới chỉ vì tỏ lòng thành tín Thế Tôn?

- Hồi nào, bạch Tôn giả?

- Hôm nay ông không đến gò thiêu, và trong khi ông than khóc thảm thiết thì không gặp một thanh niên khóc than ai oán?

Đức Thế Tôn kể lại đầy đủ chi tiết cuộc đối thoại giữa hai cha con và toàn bộ sự tình của Ma Nhĩ Hoa. Sau đó Đức Thế Tôn dạy:

- Này Bà la môn, không phải một trăm hay hai trăm, mà là hằng hà sa số người đã được tái sanh thiên giới chỉ vì tỏ lòng thành tín Thế Tôn.

Và để xoa tan sự ngờ vực của mọi người, Đức Thế Tôn gọi Thiên thần Ma-nhĩ-hoa xuất hiện trong ánh huy hoàng rực rỡ. Ngài hỏi:

- Này Ma Nhĩ Hoa, người tạo công đức gì mà được huy hoàng rực rỡ?

- Bạch Thế Tôn, chỉ vì lòng thành tín Thế Tôn.

- Chỉ vì lòng thành tín Thế Tôn?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

Dân chúng hân hoan cất lời tán thán:

- Kỳ diệu thay thần lực của Thế Tôn! Con trai Bà la môn Trùm Kiệt chỉ thành tín Thế Tôn mà được thành tựu công đức, tái sanh thiên giới, rực rỡ huy hoàng.

Cuối cùng Đức Thế Tôn dạy:

- Này các thầy Tỳ kheo và chư vị cư sĩ, tư tưởng của chúng ta là suối nguồn của mọi hành động thiện ác, và cũng chỉ có tư tưởng của chúng ta mới kiểm soát được những hành động đó.

Ngài đọc kệ:

Tâm dẫn đầu các pháp.

Tâm là chủ, tạo tác.

Nếu nói hay hành động,

Với tâm niệm thanh tịnh,

An lạc liền theo sau,

Như bóng chẳng rời hình.

(PC. 2)


 

KIÊU CĂNG NGĂN THÁNH ĐẠO
TỪ TỐN ĐỐN VÔ MINH

Hình như Thượng tọa Ti-xa (Tissa) là con trai của người em gái phụ hoàng Đức Thế Tôn. Sư già rồi mới xuất gia, mập lắm, và được gọi là Ti-xa béo. Sư lúc nào cũng dựa thế uy đức của Thế Tôn, thọ dụng thức ăn của Ngài, mang đắp y hậu láng coóng và hay ngồi giữa chánh điện.

Một hôm có vài Sa môn đến hầu thăm Như Lai (Tathàgata), tưởng Ti-xa là Đại lão Tỳ kheo nên xin phép được cung kính cúng dường và lau rửa chân ngài. Ti-xa cứ tự nhiên, im lặng. Sau đó, một Tỳ kheo trẻ hỏi:

- Bạch Thượng tọa, Thượng tọa đã an cư được mấy hạ?

- Không có hạ nào cả, ta mới đi tu.

- Sư cao ngạo quá! Sư thấy đấy, chưa bao giờ sư tỏ vẻ lễ độ, nhún nhường với các đại lão Tỳ kheo. Các ngài cung kính cúng dường lễ vật cho sư thì sư chỉ biết im lặng đón nhận, nhất là sư không hề tỏ vẻ ân hận chút gì về hành vi không đẹp của sư.

Búng búng hai ngón tay, và để lấy lại phong độ kiêu hãnh của một thành viên dòng võ tướng, Ti-xa nghiêm nghị hỏi:

- Các ngươi đến thăm ai?

- Chúng tôi đến thăm Đức Bổn Sư.

- Nhưng các người có biết gì về sự liên hệ giữa ta với Đức Thế Tôn không? Coi chừng chứ ta bứng gốc dòng tộc các ngươi đấy!

Nói xong Ti-xa đến gặp Đức Thế Tôn, tỏ vẻ buồn rầu, tỉ tê than khóc.

Đức Thế Tôn hỏi:

- Ti-xa, vì sao ông đến gặp tôi rồi khóc than khổ sở thế?

- Bạch Thế Tôn, các sư lăng nhục con.

- Thế ông ngồi ở đâu?

- Dạ... giữa chánh điện.

- Ông có thấy các thầy khi họ đến không?

- Dạ... con có thấy.

- Ông có đứng dậy chào đón các thầy không?

- Dạ... thưa không.

- Ông có cất giùm y bát cho các thấy không?

- Dạ... thưa không.

- Ông có đem nước ra mời các thầy không?

- Dạ... thưa không.

- Ông có đem tọa cụ mời các thầy ngồi là lau chân họ không?

- Dạ... thưa không.

- Ti-xa, lẽ ra ông phải làm tất cả những việc đó cho các vị cao tăng, bởi vì ai không làm như vậy thì không có quyền ngồi giữa chánh điện. Ông đáng trách lắm! Hãy đi sám hối các thầy.

- Nhưng họ lăng nhục con, bạch Thế Tôn. Con sẽ không sám hối họ.

- Ti-xa, không nên như vậy. Ông đáng trách lắm! Hãy sám hối các thầy.

- Con sẽ không sám hối họ, bạch Thế Tôn. Con nhứt định không sám hối họ.

Sau đó các Sa môn đến hầu Đức Thế Tôn, nói:

- Bạch Thế Tôn, sư Ti-xa bướng bỉnh quá!

Đức Thế Tôn đáp:

- Này các thầy Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ti-xa tỏ vẻ bướng bỉnh; trong tiền kiếp thầy ấy cũng ngang ngạnh như vậy.

- Bạch Thế Tôn, chúng con biết tính ngang bướng hiện nay của sư Ti-xa, nhưng sư ấy đã làm gì trong tiền kiếp?

- Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.

*

*    *

Ngày xưa, khi một quốc vương trị vì tại thành Ba La Nại, có một ẩn sĩ khổ hạnh tên là Đê-va-la (Devala) từ Hy Mã Lạp Sơn về thành khất thực và định an cư ba tháng mùa mưa tại đó. Lúc trời sắp tối, thấy hai cậu bé đứng trước cổng thành, ẩn sĩ hỏi:

- Các em có biết những vị Sa môn đến thành này nghỉ đêm ở đâu không?

- Tại xưởng làm đồ gốm, thưa sư.

Đê-va-la đến ngay cửa xưởng, hỏi:

- Ba-ga-va (Bhaggava), xin ông vui lòng cho tôi nghỉ tạm một đêm.

- Được! Tối nay xưởng nghỉ làm, còn rộng chỗ, sư có thể nghỉ tại đây.

Đê-va-la vừa vào phòng ngồi thì có một ẩn sĩ khác tên là Na-ra-đa (Nàrada) cũng từ Hy Mã Lạp Sơn về, đến xin trọ.

Để được thuận thảo và giảm bớt trách nhiệm, chủ xưởng nói với ẩn sĩ mới đến:

- Thưa sư, nếu sư Đê-va-la hoan hỷ thì sư có thể nghỉ đêm với sư ấy.

Na-ra-đa đến gần Đê-va-la, nói:

- Bạch thầy, nếu thầy hoan hỷ, tôi xin nghỉ lại đây một đêm.

- Của gì tôi, xưởng còn rộng mà! Thầy cứ tự nhiên.

Na-ra-đa vào ngồi cạnh đê-va-la, hai bên chào hỏi rất thân mật.

Đến khi đi ngủ, Na-ra-đa để ý rất cẩn thận chỗ nằm của Đê-va-la và vị trí cánh cửa ra vào rồi mới nằm nghỉ. Nhưng, thay vì nằm đúng chỗ, Đê-va-la nằm ngang qua khung cửa; do đó, khi ra ngoài ban đêm, Na-ra-đa giậm phải tóc của Đê-va-la. Trúng kế, Đê-va-la quát lên:

- Ai giậm tóc tôi thế?

- Thưa thầy... tôi ạ! Na-ra-đa đáp.

- Sư dỏm! Đê-va-la nói. Ông từ núi rừng đến đây để chà đạp tóc tôi à!

- Thưa thầy... tôi không biết thầy nằm đây, xin lỗi!

Na-ra-đa chấp tay, cúi đầu sám hối rồi im lặng ra ngoài, mặc cho Đê-va-la càm ràm, oán thán.

Hậm hực một lát, Đê-va-la bèn nghĩ ra một kế khác để nguyền rủa cho đã tức:

- Ta sẽ để gã giậm mình lần nữa khi hắn đi vào.

Thế là Đê-va-la nằm quay đầu lại; và khi đi vào, Na-ra-đa giậm ngay cổ của Đê-va-la. Đê-va-la lại thét lên:

- Ai đó?

- Thưa thầy... tôi ạ! Na-ra-đa đáp.

- Sư dỏm! Đê-va-la nói. Lần trước ông giậm tóc tôi, lần này ông đạp cổ tôi. Ông mặc áo cà sa mà chả có chút oai nghi tế hạnh nào cả!

- Thưa thầy, tôi không đáng trách. Tôi không biết thầy nằm như vậy. Khi đi vào, tôi nghĩ là lần trước tôi đã giậm phải tóc thầy nên lần này tôi bước qua chân thầy, xin lỗi!

- Sư dỏm! Tôi sẽ nguyền rủa ông.

- Đừng làm thế, thưa thầy!

Bất chấp lời van xin của Na-ra-đa, Đê-va-la vẫn lớn lời độc địa:

- Ngày mai, khi mặt trời mọc, nguyện đầu ông sẽ vỡ ra bảy miếng.

- Thưa thầy, Na-ra-đa nói, quả thật tôi không phạm lỗi, nhưng thầy vẫn nguyền rủa tôi. Vậy thì ai có tội, đầu người ấy sẽ vỡ ra bảy miếng.

Na-ra-đa là một Thánh tăng có thần thông diệu lực, thấy lời nguyền đó giáng đúng vào đầu Đê-va-la, pháp hữu của ngài, nên động lòng thương xót, dùng thần lực không cho mặt trời mọc.

Sáng hôm sau, không thấy ánh mặt trời, dân chúng tụ tập trước cổng hoàng cung, lo sợ than trách:

- Muôn tâu bệ hạ, mặt trời không mọc. Bệ hạ là quốc vương, xin bệ hạ cầu nguyện cho mặt trời mọc lại.

Quốc vương rà xét mọi hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng của mình, thấy không có gì sai lầm, bèn nghĩ nguyên nhân có lẽ do sự tranh chấp của các Sa môn. Quốc vương điều tra:

- Trong thành này có Sa môn nào không?

- Tâu bệ hạ, tối hôm qua có vài Sa môn ngủ trọ tại xưởng làm đồ gốm. Một cận thần đáp.

Quốc vương đến đó ngay, đảnh lễ Na-ra-đa, cung kính ngồi xuống một bên và hỏi rằng:

- Bạch Đại đức Na-ra-đa, tại sao màn đêm bao trùm cả thế giới?

- Tâu bệ hạ, vì lý do này. Na-ra-đa kể lại đầu đuôi câu chuyện và cho quốc vương biết rằng sáng mai, khi mặt trời mọc, đầu của Đê-va-la sẽ vỡ ra bảy miếng. Vì lòng lân mẫn, bần đạo không cho phép mặt trời mọc.

- Nhưng bạch Đại đức, làm sao thầy ấy thoát khỏi tai họa?

- Chỉ bằng cách sám hối, tâu bệ hạ.

Quốc vương khuyên Đê-va-la sám hối, nhưng Đê-va-la nói:

- Tâu đại vương, gã đó giậm tóc tôi, rồi đạp cổ tôi; vậy sao tôi phải sám hối gã sư dỏm đó!

- Nên sám hối, bạch Đại đức; không nên nói thế.

- Tâu đại vương, ta sẽ không sám hối ai hết.

- Đầu sư sẽ vỡ ra bảy miếng!

- Trăm miếng đi nữa ta cũng không sám hối.

- Trẫm tin chắc rằng sư sẽ không thành tâm sám hối.

Đoạn quốc vương ôm xốc Đê-va-la, bắt sư phải quỳ lạy sám hối dưới chân Đại đức Na-ra-đa.

Đại đức Na-ra-đa nói:

- Mời thầy đứng lên, tôi đã hoan hỷ xá tội cho thầy.

Quay sang quốc vương, Đại đức Na-ra-đa nói:

- Tâu đại vương, thầy ấy không thực tâm sám hối. Hãy đưa thầy ấy đến một hồ nước cách thành không xa, bắt thầy ấy đứng dưới nước ngập tới cổ và đội một dề đất sét trên  đầu.

Quay sang Đê-va-la, Đại đức Na-ra-đa nói:

- Thưa thầy, tôi sẽ vận dụng thần lực cho mặt trời mọc lại. Nhưng xin thầy nhớ cho rằng khi mặt trời vừa ló dạng, thầy hãy lặn xuống nước và trồi lên nơi khác.

Sáng hôm sau, khi mặt trời ló dạng, Đê-va-la vừa lặn xuống nước thì dề đất sét kia vỡ ra bảy miếng.

Im lặng trong giây lát, Đức Thế Tôn mỉm cười nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, vì vua kia là A Nan (Ànanda), Đê-va-la là Ti-xa, và Na-ra-đa chính là ta vậy.

Đoạn Đức Thế Tôn quay sang Ti-xa nói:

- Ti-xa, nếu Tỳ kheo mà cứ ấm ức: “Tôi bị lăng nhục, tôi bị ngược đãi, tôi bị đánh đập, tôi bị tước đoạt”, lòng hận thù không bao giờ diệt được. Nhưng nếu Tỳ kheo không cưu mang những ý nghĩ như thế thì lòng hận thù sẽ tự nhiên tiêu tan.

Ngài đọc kệ:

Hắn mắng tôi, đánh tôi,

Hắn hạ tôi, cướp tôi,

Ai ôm niềm hận ấy,

Hận thù không thể nguôi.

Hắn mắng tôi, đánh tôi,

Hắn hạ tôi, cướp tôi,

Ai xả niềm hận ấy,

Hận thù tự nhiên nguôi.

(PC. 3,4)


 

TÂM CƯU MANG THÙ HẬN
CHUỐC BẤT TẬN KHỔ ĐAU

Thuở nọ có một phụ nữ nghèo, chồng mất sớm, ở vậy nuôi đứa con trai cho đến lúc trưởng thành. Thấy mình mỗi ngày một yếu, phần con cũng đã lớn khôn, bà nói:

- Con à! Con thấy đấy, nhà mình đơn chiếc, mẹ thì già rồi, một mình con cáng đáng bao nhiêu công việc trong nhà ngoài ruộng, mẹ thấy con tội nghiệp quá; mẹ đi hỏi vợ cho con nhé!

- Thưa mẹ, người con nói, con muốn ở vậy hầu mẹ suốt đời; biết đâu thêm người thì thêm chuyện rắc rối.

- Không được đâu con, con vất vả lắm! Để mẹ hỏi vợ cho con.

Can ngăn hai ba lần không được, người con nói:

- Mẹ định tìm vợ cho con ở nhà nào?

- Thì nhà bà hai Tương hay nhà ông bốn Chánh cũng được.

- Không được đâu mẹ! Nếu mẹ thương con thì hãy cưới con gái bác sáu Phúc cho con.

Chiều lòng con, người mẹ đi hỏi dâu và chọn ngày lành tháng tốt rước dâu về nhà.

Mấy năm sau, không thấy dâu con sanh đẻ, người mẹ tìm hiểu và hay rằng nàng dâu mắc bệnh hiếm muộn, không thể sanh con. Vừa lo, vừa tức, bà gọi con, nói:

- Mày vừa lòng rồi đấy! Một hai mày bắt tao cưới con Tâm, con gái ông sáu Phúc cho mày, bây giờ nó trơ như đá mày thấy chưa?! Nếu mày không có con thì gia đình mình tuyệt diệt. Con hãy nghe lời mẹ, để mẹ kiếm vợ khác cho con.

- Thôi mẹ à, đủ rồi!

Nhưng người mẹ vẫn khăng khăng tìm vợ khác cho con.

Cô dâu bất hạnh nghe được ý định của mẹ chồng, bèn nảy sanh một ý:

- Con trai nào mà chẳng nghe lời cha mẹ. Nếu để bà tìm dâu khác, rồi sanh con đẻ cháu thì mình khác gì con nô lệ, chi bằng mình cưới vợ bé cho anh ấy.

Thấy cô Thảo, con ông bà năm Định, nết na thùy mị, có thể phải lòng với chồng mình, nàng đến dạm hỏi nhưng bị ông bà từ chối. Nàng giải thích:

- Tôi vô phúc mang bịnh hiểm nghèo, không thể sanh con, nối nghiệp dòng tộc, nay ông bà bằng lòng gả con gái cho chồng tôi, mai kia cô ấy có con, gia nghiệp sẽ thuộc về cô ấy, tôi có nghĩa gì! Vả lại tôi cũng rất thương yêu cô ấy.

Nghe xuôi tai, ông bà bằng lòng, nàng lựa ngày đưa dâu về nhà chồng.

Sau đó một ý nghĩ oan nghiệt xuất hiện trong đầu óc nàng:

- Nếu con hầu này sanh con, nó sẽ nghiễm nhiên thành bà chủ. Ta nhứt định không cho nó làm mẹ.

Nàng ra bộ thương yêu chiều chuộng, nói:

- Khi nào em có thai, cho chị biết nhé!

- Cảm ơn chị! Em... đã có bầu.- Cô thứ đáp.

Thế là ngày ngày nàng tự tay chăm sóc cơm nước, và rồi một hôm trộn thuốc độc vào tô cháo làm cho cô thứ trụy thai. Nàng âm mưu làm cô thứ  trụy thai hai lần. Đến khi mang thai lần thứ ba, các bà hàng xóm thương tình, hỏi:

- Này, sao cô hư thai hoài vậy?

Cô kể qua cung cách chăm sóc của bà cả, các bà bực tức nói:

- Chỗ bà con láng giềng tụi tui mới nói nghen, có lẽ cô bị đầu độc rồi đó! con mẹ đóù gớm lắm đấy! Lần này cô đừng để cho nó biết rằng cô có bầu, nghe chưa?

- Dạ!... cảm ơn hai bác.

Cô không nói gì, nhưng bà cả thấy bụng cô lớn dần nên ra vẻ lo lắng hỏi:

- Sao em có bầu mà không cho chị biết?

- Chính bà đưa tôi về đây rồi cũng chính bà ra tay trục thai tôi hai lần. Cho bà biết làm gì nữa!.- Cô nói một cách giận dữ.

Lạnh lùng như băng giá, nàng âm thầm theo dõi cô thứ, rồi một hôm, lợi dụng thời cơ, nàng đổ thuốc độc vào sữa cho cô thứ uống; và, mặc dù thai nhi đã lớn, nhưng cũng bị sanh non, cô thứ đau đớn quằn quại, nói:

- Mày đã giết tao! Chính mày đưa tao về đây rồi cũng chính mày giết ba mẹ con tao. Nay tao chết, tao sẽ đầu thai làm quỷ dạ xoa để ăn tươi nuốt sống các con mày.

Thề xong, cô trút hơi thở cuối cùng trong cơn hận thù, tức tưởi.

Người chồng uất ức, bắt trói con vợ oan nghiệt lại, nói rằng:

- Chính mày hủy hoại gia đình tao!

Nói xong, chàng lên gối, xuống chỏ, dần mụ vợ quái ác một trận chí tử. Mụ ngã bịnh và chết một cách thê thảm.

Sau đó hai bà oán thù chồng chất, vay trả trả vay liên tiếp trong ba đời. Khi thì thành mèo thành gà, lúc thì thành hươu thành báo, mục đích là quyết tâm rửa hận diệt thù. Đến đời thứ ba, bà thứ đầu thai thành quỷ dạ xoa, bà cả thành một cô gái nghèo khổ, xấu xí tại Xá Vệ.

Lớn lên, cô gái lấy chồng và đến ở gần cổng thành. Sau một thời gian, cô sanh được một bé trai. Quỷ dạ xoa cải dạng thành bạn thân đến thăm và thừa cơ ăn tươi nuốt sống em bé. Hai lần bị quỷ dạ xoa ăn thịt con mình, lần mang thai thứ ba, cô nói với chồng:

- Anh à! Đã hai lần con mình bị quỷ dạ xoa ăn thịt. Nay để em về bên nhà cha mẹ em sanh đẻ.

Chiều lòng vợ, người chồng đồng ý; và sau một năm mẹ tròn con vuông, hai vợ chồng làm lễ đặt tên cho con rồi đưa con về nhà lại. Trên đường qua, trước tu viện có một hồ nước, người vợ trao con cho chồng rồi xuống hồ tắm; tắm xong lên bế con cho chồng xuống tắm. Trong khi đang ngồi cho con bú thì quỷ dạ xoa lù lù tiến tới, người vợ hoảng hốt thét lên :

- Anh ơi... anh ơi!... Lẹ lên... lẹï lên!... Quỷ dạ xoa tới!... Cô vừa la vừa bế con chạy thẳng vô tu viện.

Bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp giữa Tăng chúng. Người vợ đặt con dưới chân Ngài, nói:

- Con cho Ngài cháu này. Xin Ngài cứu lấy mạng cháu!

Quỷ dạ xoa cũng xông vào nhưng bị thần Xu-ma-na (Sumana) chận lại tại cổng. Đức Thế Tôn bảo A Nan ra gọi dạ xoa vào. Vừa thấy quỷ dạ xoa, người vợ thét lên:

- Quỷ dạ xoa!... Bạch Thế Tôn.

- Hãy để dạ xoa vào, đừng làm ồn.- Thế Tôn nói.

Quỷ dạ xoa đứng tần ngần trước mặt Đức Thế Tôn, Ngài nói:

- Tại sao ngươi làm thế? Ngươi đã không đối diện với Như Lai sao? Ngươi đã nuôi dưỡng hận thù như lòng dạ cú diều qua bao số kiếp. Sao ngươi không trả hận thù lại cho hận thù? Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù.

Ngài đọc kệ:

Hận thù diệt hận thù,

Đời này không thể có,

Từ bi diệt hận thù,

Là định luật nghìn thu.

 (PC. 5)

Quay sang người phụ nữ, Đức Thế Tôn nói:

- Hãy đưa cháu cho quỷ dạ xoa.

- Con sợ lắm! Bạch Thế Tôn.

- Đừng sợ! Con không còn lý do để sợ quỷ dạ xoa nữa.

Bà mẹ trẻ đưa con cho quỷ dạ xoa. Dạ xoa bế cháu lên, vuốt ve, âu yếm, xong trả cháu lại cho mẹ nó rồi bưng mặt khóc nức nở.

- Tại sao ngươi khóc? .- Đức Thế Tôn hỏi.

- Bạch Thế Tôn, trong quá khứ con đã xoay xở trăm phương nghìn kế để kiếm được miếng ăn, nhưng vẫn không đủ. Bây giờ làm sao con sống đây!

- Đừng lo! Đức Thế Tôn an ủi.

Quay sang người mẹ, Ngài nói:

- Hãy đưa quỷ dạ xoa về nhà, mỗi tối nấu cháo loãng cho dạ xoa ăn.

Người vợ đưa quỷ dạ xoa về và cho ở trên mái nhà. Nhưng đến vụ mùa, cần suốt lúa đưa lên đưa xuống, quỷ dạ xoa cứ nơm nớp lo sợ đầu mình sẽ bị bửa ra làm hai, nên xin gia chủ cho ở nơi khác. Ở đâu dạ xoa cũng phập phồng lo sợ, hoảng hốt trong lòng. Cuối cùng gia chủ phải đưa dạ xoa ra ở một nơi thanh vắng ngoài đồng, và từ đó dạ xoa hết lòng hộ trì gia trạch và toàn thể dân làng.

 


 

THÍCH LÝ SỰ ƯƠNG NGẠNH
NGÔN HẠNH LẠNH NHƯ TIỀN

Tại tu viện Gô-xi-ta (Ghosita) ở Kô-xam-bi (Kosambi) có hai Sa môn uy tín, một là Giám luật và một là Giáo thọ. Cả hai đều hướng dẫn 500 chúng Tỳ kheo. Một hôm tắm giặt xong, vị Giáo thọ ra khỏi phòng tắm mà không đổ hết nước trong chậu, vị Giám luật thấy vậy hỏi:

- Thầy để nước trong chậu phải không?

- Thưa vâng, sao a ï?

- Như vậy là có tội! Nhưng nếu vô tình thì không sao.

- Thật sự tôi không cố ý, xin cảm ơn Thượng tọa đã nhắc nhở.

Sau đó đồ chúng của vị giám luật hay chuyện và tỏ vẻ xách mé với môn đệ của vị giáo thọ:

- Thầy của các anh chỉ chú trọng về mặt chữ nghĩa văn tự, chứ có quan tâm gì đến oai nghi tế hạnh, giới luật tu hành; nhiều chuyện còn thô tháo, bết bát lắm!

Nóng mũi vì những lời trịch thượng, môn đệ của vị Giáo thọ đến thỏ thẻ với thầy mình, rồi cũng ra mặt trả đũa:

- Thầy của quý vị ngon lắm! Bề ngoài trông có vẻ “tu rị tu rị” nhưng bên trong ai mà lường được: quanh co khúc khuỷu, lởm chởm gồ ghề!

Thế là hai bên hỏa bốc, ai cũng ra sức bảo vệ uy danh của thầy mình, dần dần tạo thành một cuộc khẩu chiến dai dẳng, tệ hại.

Đức Thế Tôn được tin và đã hai lần gởi lời giảng hòa nhưng không được, lần thứ ba Ngài đích thân đến tu viện Gô-xi-ta, hợp chúng và khuyên rằng:

- Này các thầy Tỳ kheo, đủ rồi! Đừng cãi nhau nữa. Các thầy thấy đấy, cãi vã, xung độ, bất hòa, tranh luận v.v... tất cả đều bất lợi. Các thầy nên đoàn kết, hòa thuận với nhau.

Họ không những không nghe lời khuyên của Đức Thế Tôn mà có vị còn ngông nghênh, lên mặt:

- Bạch Thế Tôn, xin Ngài hãy an thân lập mệnh, hãy ung dung thanh thản trên cõi đời này. Chúng tôi cãi vã, xung đột, bất hòa, tranh luận... nhưng nổi danh đó!

Đức Thế Tôn im lặng trong giây lát rồi tha thiết nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, các thầy đã từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo, thọ trì giới luật, nghiên cứu kinh văn, hãy để ngọn đèn trí tuệ của các thầy tỏa sáng khắp nhân gian mới xứng danh là bậc thượng sĩ ly tham, hiếu hòa, nhẫn nhục.

Mặc cho Đức Thế Tôn hết lời khuyên răn, nhưng chứng nào tật nấy, họ cho rằng có tranh cãi mới lừng danh, tiến bộ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nhận thấy rằng:

- Như thế này thì ta bị vây hãm, chen lấn và không sao có được cuộc sống an lành. Thiết tưởng ta nên rút khỏi đám đông, lui về cô tịch.

Ngài đi khất thực một vòng ở Kô-xam-bi, rồi không một lời từ giã Tăng đoàn, Ngài lặng lẽ ôm bát đến thẳng làng Ba-la-ka (Balaka) thuyết pháp cho Đại đức Ba-gu (Bhagu) hiểu được nếp sống cô tịch. Sau đó Ngài đến vườn Lộc Uyển, phía đông rừng Trúc Lâm, giáo hóa cho ba thanh niên nhận ra cảnh an lạc hạnh phúc của sự hòa hợp; và từ đó Ngài đến Pa-ri-lay-da-ka (Pàrileyyaka), nơi Ngài hoan hỷ an cư mùa mưa tại rừng Bảo Lâm, dưới một cây cổ thụ xanh mát với sự trợ giúp của một chú voi già.

Các Phật tử ở Kô-xam-bi một hôm đến tu viện hầu thăm Đức Thế Tôn nhưng không thấy Ngài, họ hỏi:

- Bạch quý sư, Đức Thế Tôn đâu?

- Đến rừng Pa-ri-lay-da-ka rồi.

- Vì sao?

- Ai mà biết được!

Sau đó họ vỡ lẽ và nổi nóng nói:

- Các sư này quái quắt lắm! Chúng ta đừng lễ nghi cung kính, cúng dường ẩm thực cho họ nữa.

Và từ đó họ bày tỏ thái độ xem thường các sư ồn ào lất phất, lơ ngơ hiếu thắng kia.

Không còn mấy ai tới lui giúp đỡ, thiếu trước hụt sau, đói khát dài dài, các sư mới nhận ra hậu quả tai hại của sự phóng ngôn kiêu mạn. Họ cùng nhau xin lỗi, và muốn gặp Đức Thế Tôn để đảnh lễ sám hối, nhưng vì mùa mưa đang thời cao điểm, không thể đi được, họ phải đành chịu cảnh khốn khó, cơ hàn. Trong khi Đức Thế Tôn, một mình một bóng, an nhiên tự tại trong chốn rừng sâu với chú voi già viễn ly tịch tịnh và cậu khỉ vàng thân thiện, khôn lanh.

Cuối mùa mưa, các Phật tử thuần thành và 500 Tỳ kheo khẩn cầu tôn giả A Nan đi cung thỉnh Đức Thế Tôn về. A Nan và các sư lên đường, nhưng khi đến rừng Bảo Lâm, A Nan tế nhị để họ đứng bên ngoài, một mình vào vấn an, hầu Phật. Sau khi đảnh lễ Bổn Sư, A Nan ngồi sang một bên, Đức Thế Tôn hỏi:

- Thầy đến một mình sao?

- Bạch Thế Tôn, với 500 Tỳ kheo nữa.

- Các thầy ấy đang ở đâu?

- Dạ... quý huynh đệ đang đứng bên ngoài.

- Mời các thầy ấy vào..

A Nan mời các thầy vào. Họ mừng mừng tủi tủi, quỳ lạy dưới chân Đức Thế Tôn, và ngậm ngùi nói:

- Bạch Thế Tôn, sao Thế Tôn phải chịu cảnh gian khổ như thế này, cô quạnh và hiu hắt quá! Không một bóng người tới lui giúp đỡ; bốn bề cây cỏ, dày đặc núi rừng, gạo nước đâu mà sống qua ngày?! Các thầy đồng loạt khóc nức nở.

Đức Thế Tôn mỉm cười, nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, đừng lo ngại và đau buồn cho ta. Chú voi già Pa-ri-lay-da-ka là người bạn tâm phúc của ta. Chú không biết nói tiếng người nhưng chú hiểu được lòng người và có một tâm hồn vị tha, chung thủy vô hạn. Ai có được người bạn như thế, người ấy không bao giờ cảm thấy cô đơn và rất vững tâm trên bước đường viễn ly tịch tịnh.

Ngài đọc kệ:

Nếu gặp bạn sáng suốt,

Cẩn trọng, sống hiền lương,

Hàng phục mọi nguy biến,

Hoan hỷ kết bạn đường.

 

Nếu không gặp bạn trí,

Cẩn trọng, sống hiền lành,

Nên như vua từ bỏ,

Vương quốc bị xâm lăng,

Hãy sống đời đơn độc,

Như voi giữa rừng xanh.

 

Thà sống cảnh cô đơn,

Hơn bạn bè kẻ ngốc,

Sống lẻ loi đơn độc,

Không gây nghiệp hoành hành,

Như voi giữa rừng xanh,

Thênh thang vô tư lự.

Đức Thế Tôn đọc kệ xong thì 500 Tỳ kheo liền chứng quả A la hán.

Bấy giờ A Nan mới trình lời cung thỉnh của hàng ngàn đệ tử nam nữ tại gia mời Thế Tôn trở về Kô-xam-bi. Đức Thế Tôn chấp thuận, và thế là thầy trò thu xếp y bát trở về Kỳ Viên. Tội nghiệp cho chú voi già, cứ quấn quít bên Đức Thế Tôn và buồn buồn chen giữa các thầy, tỏ vẻ lưu luyến không muốn giã từ ánh mắt hiền hòa và dung nhan từ ái của đấng đại giác Thế Tôn. Hiểu ý, Thế Tôn vỗ vai voi, nói:

- Này Pa-ri-lay-da-ka, ta hiểu rõ tấm lòng thiết tha trung hậu của bạn, nhưng rất tiếc là kiếp này bạn chưa có thể cùng chung sống và tu học với đại chúng. Hãy nuôi dưỡng chánh hạnh như ta và bạn dưới cội cây này. Thôi, hãy ở lại vui vẻ, ta đi đây. Pa-ri-lay-da-ka liền sụp hai chân trước xuống với hai hàng nước mắt ròng ròng. Không ai bảo ai, các thầy nhìn nhau và cũng rưng rưng nước mắt. Đưa tay vẫy chào tạm biệt chú voi già trung hậu và cánh rừng êm ả bao dung, Đức Thế Tôn cùng đồ chúng trở về Xá Vệ.

Được tin Đức Thế Tôn đã về, nhóm Tỳ kheo lắm chuyện ở Kô-xam-bi kéo nhau đến sám hối. Quốc vương Kô-xa-la hay tin, đến thăm Đức Thế Tôn và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, con sẽ không cho các sư lộn xộn, quá khích đó vào nước con.

Đức Thế Tôn nói:

- Đại vương, đó là những Tỳ kheo có tâm tu học, chỉ vì thích tranh cãi mà không nghe lời Như Lai. Nay họ đã nhận ra lỗi lầm và đến sám hối ta, nên để cho họ tới.

Được sự cho phép của Đức Thế Tôn và quốc vương, các thầy Tỳ kheo ngông nghênh kia đến gặp Đức Bổn Sư, quỳ mọp dưới chân Ngài và khóc nức nở. Họ thành tâm sám hối, xin Đức Thế Tôn tha cho cái tội xung khí, bốc đồng của họ trước kia. Đức Thế Tôn hỷ xả, nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, các thầy đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng. Các thầy đã cắt đứt ái ân, xa rời cha mẹ, theo ta học đạo, tôn ta làm thầy; vậy mà các thầy không nghe lời ta! Thôi, hãy đứng lên. Hãy chánh niệm, hòa hợp và tinh tấn. Chánh niệm, hòa hợp và tinh tấn thì an lạc.

Ngài đọc kệ:

Lắm người không biết rằng,

Ta chết vì cãi nhau,

Ai nhận ra điều đó,

Tranh cãi lắng dịu mau.

(PC. 6)

--- o0o ---