06

13 Tháng Giêng 201712:18 SA(Xem: 2913)
06

Luận sử tông Tịnh độ

  

Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

 

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch:  2548 - 2004
 

--- o0o ---
 

06.

DIỄN BIẾN TỊNH ĐỘ TÔNG TRUNG QUỐC 

Nguyên tác: Đại sư Thái Hư giảng

Việt dịch: Thích Huệ Hải 

Phật học Trung Quốc trước đây căn cứ trên Giáo và Hạnh mà có sự phân chia trước sau theo thứ tự: Thiên thai, Hiền Thủ, Thiền và Tịnh độ hoặc Thiền, Tịnh độ, Thiên thai, Hiền Thủ. Có sự phân chia như vậy là ý muốn gọi Thiên Thai và Hiền Thủ thuộc về Giáo nghĩa, Thiền và Tịnh độ thuộc về Hạnh môn.

Hiện tại Phật học Trung Hoa căn cứ vào thời đại trước sau mà phân chia lại theo thứ tự: Thiền, Thiên Thai, Hiền Thủ và Tịnh độ. Bởi vì ở Trung Quốc, Thiền sớm được giảng giải, không chỉ là Thiền của Thiền tông Đạt-ma phổ biến sau này mà là Thiền đã được chú trọng đề cao từ buổi ban sơ khi Phật giáo mới truyền sang.

Do Thiền sớm được chú trọng đề cao nên Phật học Trung Quốc căn cứ trên tinh thần cơ bản của Thiền mà diễn biến ra giáo nghĩa các tông Thiên Thai và Hiền Thủ, sau này đều quy thú về pháp hành Tịnh độ. Do vậy mà có sự hình thành thứ tự Thiền, Thiên thai, Hiền Thủ và Tịnh độ.

Bởi vì Thiền đã làm nền tảng cho Phật học Trung Hoa từ xưa đến nay, còn Thiên Thai giáo quán chỉ thịnh vào đời nhà Tùy, nhà Trần, Hiền Thủ giáo quán thịnh vào đầu đời Đường đến đời Tống. Đời Nguyên, Thiền, Thiên Thai và Hiền Thủ đều suy yếu, sau đó tất cả chuyển hướng sang tu Tịnh độ và Tịnh độ được phát triễn mạnh.

Thiền niệm Phật là khởi nguồn của pháp hành Tịnh độ, bài này được chia làm bốn phần sau đây.

 

I. THIỀN TỊNH SONG TU YÀO GIÁO LUẬT. 

Từ những bài giảng trước tôi đã từng giảng qua Thiền an-ban (quán sổ tức) và Thiền ngũ môn (Ngũ đình tâm quán), lại còn so sánh với Thiền niệm Phật hưng thịnh buổi đầu. Thiền niệm Phật chỉ căn cứ vào kinh giáo dụng tâm tu trì đây là nguồn gốc phát khởi ra tông Tịnh độ, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Hiện tại đây xin giảng về Thiền Tịnh song tu căn cứ theo Giáo và Luật. Phần này được chia ra các tiết sau.

 

1. Cõi Phật Vô Lượng. 

Vào thời Tam Quốc, ngài Chi-lâu-ca-sấm đã dich ra bộ kinh Bát-chu tam-muội. Bát-chu nghĩa là “Tất cả chư Phật có mặt tại tiền”. Tất cả chư Phật ở đây cũng chính là Phật A-di-đà. Bởi vì chữ A-di-đà Trung Hoa dịch là “Vô Lượng”, “Vô Lượng” cùng với “tất cả” tương thông nhau mà không trái nghịch nhau. Cho nên nói “Tất cả chư Phật có mặt tại tiền”, tức là “Phật A-di-đà có mặt tại tiền”. Trong Thiền ngũ môn dạy rằng: Chúng sanh có tâm tham nhiều thì tu pháp quán bất tịnh, chúng sanh có tâm sân nhiều thì tu pháp quán từ bi, chúng sanh có tâm si nhiều thì tu pháp quán duyên khởi, chúng sanh có tâm thường tán loạn thì tu pháp quán sổ tức, sau cùng chúng sanh có tâm thường kiêu mạn thì tu pháp quán vô ngã. Lại còn nói nếu chúng sanh có nhiều nghiệp chướng thì tu pháp quán niệm Phật. Bình thường khi nói đến Tam bảo nói đến lục niệm cũng đều là chỉ cho Phật có mặt tại tiền. Bởi vì chúng sanh bị trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử nghiệp chướng sâu dày, còn chư Phật đã đạt đến công đức thanh tịnh viên mãn, lấy công đức thanh tịnh viên mãn này để đối trị nghiệp chướng của chúng sanh. Chúng ta nương vào sức gia trì của công đức thanh tịnh Phật Đà thì tâm ta dễ dàng sanh khởi hướng về thế giới thanh tịnh của chư Phật. Mật tông cũng từ pháp môn quán niệm Phật mà phát sinh. Bởi vì mật chú cũng chính là hồng danh chư Phật, đều tổng nhiếp hết công đức Phật quả. Lấy công đức Y báo, Chánh báo của Phật quả làm chỗ để nguyện sanh về thì đó là tinh thần tu tập của Tịnh độ tông, tự mình hàm nhiếp được công đức Y báo, Chánh báo của Phật quả thì đó là tinh thần tu tập của Mật tông.

Thuyết niệm Phật trong kinh Bát-chu tam-muội là niệm đến tất cả Phật, niệm vô lượng Phật, niệm công đức, tướng hảo, pháp tánh của Phật, niệm cho đến công năng thành thục thì có thể cảm ứng đạo giao với chư Phật ngay hiện tiền. Lấy công đức Y báo, Chánh báo của Phật quả làm pháp niệm, không chỉ kinh Bát-chu tam-muội nói đến mà ở các kinh luận khác cũng có nói như vậy. Như trong kinh Pháp hoa có dạy: “Khi thân hoại mạng chung có nghìn đức Phật đưa tay tiếp dẫn mười phương cõi Tịnh độ, tuỳ theo sở nguyện mà được vãng sanh”.

Ý ở đây là chỉ cần niệm công đức thâm sâu của chư Phật được nói trong kinh thì sẽ cảm ứng với chư Phật và được chư Phật phóng quang đến tiếp dẫn. Nói mười phương chư Phật tức là nói chư Phật ở cõi Phật Vô Lượng. Chúng sanh tu pháp niệm Phật thì trong vô lượng vô biên cõi này đều có thể vãng sanh tuỳ nguyện.

 

2. Nội viện của Phật Di-lặc. 

Nhìn vào lịch sử Phật giáo Trung Hoa, trước thời ngài Huệ Viễn, đã xuất hiện khuynh hướng tu tập nguyện sanh về Tịnh độ của Phật Di-lặc. Tịnh độ của Phật Di-lặc chính là nội viện của cung trời Đâu-suất. Tuy Tịnh độ của chư Phật ở mười phương đều có thể vãng sanh nhưng Tịnh độ của Phật Di-lặc là gần nhất. Bởi vì Tịnh độ ấy ở ngay tại thế giới Ta bà và nằm trong cõi Dục giới. Cho nên khi kinh Di-lặc thượng sinh được phiên dịch, về sau pháp sư Đạo An đã chuyên tu theo tinh thần kinh này, để cầu sanh về nội viện Đâu-suất. Chư vị cao Tăng từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền giáo cũng có vị tu theo pháp môn này. Đời Đường ngài HuyềnTrang và ngài Khuy Cơ cũng lấy Tịnh độ Di-lặc làm chỗ quy hướng mà hành trì. Đến đời sau chư vị cao Tăng đại đức của chúng ta chủ trương Di-đà Tịnh độ, phần nhiều nói rằng: Tịnh độ Di-lặc không dễ tu và cũng không dễ vãng sanh, hoặc lại nói Tịnh độ Di-lặc không thù thắng trang nghiêm bằng Tịnh độ của Phật A-di-đà. Trong “Thập nghi luận” của đại sư Trí Giả, “An lập tập” của ngài Đạo Xước, “Tịnh độ luận” của ngài Ca Tài v.v…, đều có nói như vậy.

So với các kinh luận trên thì các kinh sách giảng giải biên chép về Tịnh độ Di-lặc còn quá ít ỏi, người hành trì theo cũng không có nhiều, cho nên đến sau đời ngài Huyền Trang và Khuy cơ khuynh hướng tu tập về Tịnh độ của Phật Di-lặc không còn thịnh hành nữa mà ngược lại khuynh hướng tu về Tịnh độ Di-đà rất được phù hợp. Tôi (Thái Hư) thấy sự biện luận của chư vị cao Tăng nói đến cung trời Đâu-suất mà không chuyên tâm giảng giải đến nội viện của Phật Di-lặc, nếu có nói đến nội viện thì như kinh Di-lặc thượng sanh ở trên đã thuyết: Hành giả được sanh về Đâu-suất nội viện đều phát tâm Đại thừa không thối chuyển, vả lại kinh ấy cũng thuyết đến Tam phẩm tu hành: Như có người phạm giới, sau khi sám hối tội lỗi đến lúc thân hoại mạng chung được đức Phật Di-lặc hóa thân đến tiếp dẫn. Trong kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền có hạnh nguyện chỉ dẫn chúng sanh hướng về Cực lạc. Trong kinh Pháp hoa, Bồ-tát Phổ Hiền khuyên chúng sanh hướng về Đâu-suất nội viện.

Như vậy pháp môn tu tập nguyện về Tịnh độ Phật Di-lặc không được thịnh hành, không phải tại vì cõi ấy thù thắng hay hạ liệt, pháp môn khó tu hay dễ tu mà vì nguyên nhân chủ yếu là kể từ đời Đường trở về sau rất ít người tu tập theo và rất ít người hoằng dương vậy.

 

3. Tịnh độ Phật Di-đà. 

Trong kinh Bát-chu tam-muội có nói đến tất cả Phật cũng chính là Phật Vô Lượng (Phật A-di-đà), huống chi kinh Vô lượng thọ đã được phiên dịch vào đời Hán Ngụy. Trước ngài Huệ Viễn có thiền sư Tăng Hiển do tu tập thiền định thấy được đức Phật Di-đà mà vãng sanh Cực lạc. Tông phong chỉ chuyên niệm Phật Di-đà cầu sanh Tịnh độ được ngài Huệ Viễn sáng lập đầu tiên ở núi Lô Sơn có tên là “Bạch Liên Xã”.

Đức nghiệp của pháp sư Huệ Viễn thật cao cả vô cùng! Ngài đã phiên dịch ra các kinh luật, hoằng dương giáo nghĩa Đại thừa, tu trì giới định tuệ hết lòng bảo tồn khuôn phép Tăng già v.v…, nhưng điểm đặc biệt cần nói đến là ngài sáng lập hội Liên xã ở Lô Sơn. Ngài được suy tôn là Sơ tổ của Tịnh độ tông ở Trung Quốc, ngoài ngài ra địa vị này không thuộc ai cả. Đương thời mọi người trong hội Liên xã ngày đêm sáu thời niệm Phật, một lòng hướng đến Tây phương. Trong đó có cư sĩ Lưu Di Dân soạn bộ “Tịnh độ phát nguyện văn”, Vương Kiều v.v… soạn bộ “Niệm Phật tam-muội thi”. Trong lời tựa ngài Viễn Công (Huệ Viễn) ghi: “Niệm Phật tam-muội là gì? Có nghĩa là tư chuyên tưởng tịch. Tư chuyên tức ý chí không phân tán, tưởng tịch tức thần khí sáng suốt thư thái như hư không. Lại có rất nhiều loại tam-muội nhưng công cao dễ tiến chỉ có niệm Phật tam-muội là đứng đầu. Cái gì là cùng huyền cực tịnh? Đó là tôn hiệu của Như Lai, vì thần và thể của đức Như Lai thanh tịnh vắng lặng nên ứng hóa được khắp mười phương không cùng tận”. pháp sư Huệ Viễn vô cùng tán thán pháp môn niệm Phật tam-muội, vì pháp môn niệm Phật tam-muội không giống với thiền chuyên biệt hành sau này. Xưng danh niệm Phật cũng như quán tướng hảo công đức Y báo, Chánh báo của Phật, như ngài Viễn Công ở trong định ba lần thấy cảnh Tây phương Tịnh độ. Đó là do niệm Phật mà đắc được cảnh giới tam-muội. Nên trước ngài Huệ Viễn, tuy đã có pháp “Niệm Phật quán” trong Thiền ngũ môn nhưng ngài lại dùng pháp niệm Phật làm phương tiện để tu thiền, căn cứ vào đó ngài Viễn Công đã chuyển biến thành pháp tu Tịnh độ đặc thù ở Lô Sơn Liên Xã.

Pháp môn “Thiền Tịnh song tu y theo Giáo, luật”, ngài Viễn Công gọi “Công cao dễ tiến niệm Phật là đứng đầu”. Bởi vì người đương thời coi pháp quán niệm Phật là tối cao trong các thiền quán, cho nên gọi niệm Phật chính là thiền quán tối thượng. Hành giả tu theo pháp môn này cần y theo tinh thần giáo nghĩa nghiêm trì giới luật, như Tổsư Huệ Viễn trọn đời không bao giờ dùng đến mật tương v.v… Không như tinh thần thoát ly ra ngoài giáo nghĩa giới luật của thiền Tổ sư Đạt-ma sau này. Do vậy mà được gọi là “y theo giáo luật”. Lại ở đây dùng pháp niệm Phật làm thiền quán tối cao nên không giống như đời sau chỉ riêng tu thiền, từ đó mà việc hoằng đạo khó khăn. Pháp tu Tịnh độ nặng về thực hành trì danh niệm Phật gọi là pháp môn Thiền Tịnh song tu.

Pháp môn này do ngài Huệ Viễn khởi xướng ở Liên xã Lô Sơn và thịnh hành ở phương Nam, sau này được ngài Đàm Loan đem truyền qua vùng tây bắc, chỉ ngài Đàm Loan khởi xướng khuynh hướng ly Thiền tu Tịnh, do vậy mà pháp Thiền Tịnh song tu của ngài Viễn Công vẫn là đại biểu.

Sau pháp sư Huệ Viễn, vào đời sơ Đường có ngài Thiện Đạo nỗ lực hoằng dương pháp niệm Phật nên pháp niệm Phật được phổ hóa rộng rãi từ triều nội cho đến lê thứ. Không chỉ trong phạm vi Trung Quốc mà còn truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam v.v… và người Trung Quốc xem bốn chữ “A-di-đà Phật” là đại biểu của Phật pháp. Tuy phạm vi ảnh hưởng rộng rãi nhưng tín ngưỡng văn tự Phật giáo Trung Hoa so với các nước khác phần lớn có sự bất đồng. Như trong bổn văn Tây Tạng cho rằng đại biểu của Phật pháp là “Án-ma-ni-bát-mê-hồng” chứ không phải là A-di-đà Phật. Trong văn Ba-li (Pali) của Phật giáo Tích Lan, Miến Điện v.v… không chỉ không có pháp môn Tịnh độ mà cả bốn chữ A-di-đà Phật cũng không biết đến. Do thế mà biết được pháp môn Tịnh độ từ Trung Quốc khởi nguồn là dấu ấn đặc thù của Phật giáo Trung Hoa. Giảng đến Phật học Trung Quốc không thể không giảng đến pháp hành Tịnh độ và người sáng lập đầu tiên không thể không nói đến pháp sư Huệ Viễn.

 

II. TÔN GIÁO, LUẬT LY THIỀN TU TỊNH. 

Từ khi yếu chỉ “Bất lập văn tự, bất câu lục nghi”, lấy vô tướng, vô danh để tâm ngộ của Thiền tông Đạt-ma truyền vào Trung Quốc thì Thiền giả không đặt nặng vào giáo nghĩa cũng như luật nghi. Còn hành giả Tịnh độ đều tôn trọng vào giáo luật, do đó mới có sự hình thành pháp tu Tịnh độ tôn giáo luật, biệt dị với pháp tu thiền. Song Tịnh độ hành vào thời này có khác với đương thời pháp sư Huệ Viễn. Tổ Huệ Viễn lấy pháp niệm Phật làm thiền quán tối cao, niệm Phật tức tu thiền. Còn thời kỳ này tu Tịnh độ tách biệt với thiền. Không chỉ pháp môn Tịnh độ niệm Phật ngược với thiền của Thiền tông Đạt-ma mà đối với các thiền định quán chiếu khác y theo giáo luật cũng có sự khác biệt. Bởi vì thiền đứng trên tinh thần tự lực rất khó thực hành (nan hành đạo), còn riêng pháp môn Tịnh độ dựa vào tinh thần tha lực nên dễ thực hành (dị hành đạo).

Tóm lại, ở đây Tịnh độ tôn giáo luật, hành đạo khác xa với pháp tu thiền. Không những ngược với thiền Tổ sư Đạt-ma, mà còn khác với các môn thiền định khác.

Các bổn văn được trước tác liên quan đến pháp môn Tịnh độ này, lưu truyền gồm có: “Lược Luận an lạc Tịnh độ nghĩa” của pháp sư Đàm Loan là bổn văn ra đời sớm nhất. Trong đó nội dung nói rõ Tây phương Tịnh độ không có ba cõi, đầy đủ hai mươi bảy món trang nghiêm cùng cửu phẩm vãng sanh, giải thích nghi ngờ về thai sanh (Liên hoa sanh) và chỉ niệm mười niệm được vãng sanh v.v…, nội dung bản sách tác giả y theo tinh thần tam kinh nhất luận của Tịnh độ mà lập nghĩa.

Tiếp theo là bộ “An lạc tập” của pháp sư Đạo Xước, Đạo Xước xuất hiện sau ngài Thiên Thai Trí Giả không lâu, sau ngài Đàm Loan vài chục năm. Ngài vốn là một pháp sư giảng kinh, sau vì mến uy phong của ngài Đàm Loan mà chuyển tu theo Tịnh độ. Ngài chú trọng vào pháp tu trì danh niệm Phật, hằng khuyên mọi người dùng hạt đậu để ghi số niệm Phật. Trong bộ “An lạc tập” ngài phân ra thập nhị môn (mười hai môn), ở đệ tam môn (môn thứ ba) ngài căn cứ vào bộ luật Thập trụ Tỳ-bà-xa của Bồ-tát Long Thọ mà lập ra nghĩa Nan hành đạo (khó hành đạo) và Dị hành đạo (dễ hành đạo), đã xác lập được tông bổn giáo nghĩa Tịnh độ. Có người từng nghi rằng cõi Tây phương Tịnh độ cách thế giới Ta bà mười vạn ức cõi, lại là thế giới cực thanh tịnh của Phật, con người ở thế giới Ta bà này muốn sanh về cõi Tây phương chẳng phải là điều khó khăn lắm sao? Nhưng trong An lạc tập, pháp sư Đạo Xước khéo léo gọi thế giới Ta bà là uế độ cuối cùng, thế giới Cực lạc là Tịnh độ đầu tiên, cuối cùng và đầu tiên có sự tương nhiếp nhau cho nên việc vãng sanh không khó vậy. Quan điểm này ngoài pháp sư Đạo Xước ra không thấy ai nói đến. Tôi (tác giả) trước đây ở Bắc Kinh đã từng giảng phẩm “Phổ Hiền hạnh nguyện” của kinh Hoa nghiêm, khi giảng qua mới thấy kinh nói rằng một kiếp ở thế giới Ta bà bằng một ngày đêm ở thế giới Cực lạc, cõi Cực lạc Tây phương là Tịnh độ ban đầu. Khi xem qua cuốn An lạc tập của ngài Đạo Xước mới thấy có phần giống nhau. Trong An lạc tập, pháp sư Đạo Xước đã dẫn rất nhiều bài kệ trong kinh Đại A-di-đà (không có trong kinh Vô lượng thọ ngày nay). Lại ở thập nhị môn, ngài đã trích dẫn ra mười kinh nói về sự vãng sanh rất tường tận nhưng rất tiếc những kinh này hiện bị thất truyền. Ta có thể biết được rằng nội dung bộ An lạc tập của ngài Đạo Xước rất sâu xa và tinh tế. Bổn sớ giải kinh Quán vô lượng thọ của ngài Trí Giả và bổn sớ giải kinh Vô lượng thọ của ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn cũng xuất hiện vào thời kỳ này.

Đời Đường, có ngài Hoài Uẩn và pháp sư Hoài Cảm đều là đồng học ngài Thiện Đạo, họ trước tác cuốn “Thích Tịnh độ quần nghi luận” gồm bảy quyển, lập thuyết rộng sâu tinh tế, khế hợp với giáo nghĩa Tướng tông. Cùng thời với ngài Hoài Cảm có ngài Ca Tài cũng soạn bộ “Tịnh độ luận”, phần nhiều cũng căn cứ vào Tướng tông mà lập nghĩa. Hai bộ sách trên đã giải giảng giáo nghĩa Tịnh độ rất thâm sâu vi diệu. Duy có pháp sư Hoài Cảm đi theo tinh thần tông bổn của ngài Đạo Xước và Thiện Đạo, như thuyết Tây phương Tịnh độ không có ba cõi v.v… còn ngài Ca Tài pháp sư phát huy quan điểm riêng như nói rằng Tây phương Tịnh độ cũng có ba cõi. Nếu đứng trên Phật quả mà nói thì đây là quả vị vô lậu không còn nằm trong ba cõi, còn đứng trên phương diện chúng sanh mà nói thì có thể còn nằm trong dục giới. Sở dĩ nhị vị pháp sư trên tuy đều dùng giáo nghĩa tướng tông mà chủ trương quan điểm có sự khác nhau lắm vậy.

Trên đây đã thuận theo thứ tự giảng nói giáo nghĩa. Trước là nói đến ngài Hoài Cảm sau là nói đến ngài Ca Tài. Nhưng nếu nói trong thời gian này thì ngài Thiện Đạo là sớm hơn hết (tại Nhật Bản người ta suy tôn Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Hoài Cảm, Thiếu Khang là năm vị Tổ Tịnh độ của Trung Hoa), đến đời Đường Cao Tôn (Trung Quốc) lập ngài Thiện Đạo là đệ Nhị tổ, Thừa Viễn là đệ Tam tổ, Pháp chiếu là đệ Tứ tổ, Thiếu Khang là đệ Ngũ tổ, đều là những vị có những cảm ứng thần dị ở đời.

Ngài Thiện Đạo là bậc long tượng của Tịnh độ tông, không chỉ tại Trung Quốc suy tôn làm Tổsư mà ở Nhật Bản xem ngài là nhân vật tối ư quan trọng của Tịnh độ ở đây.

Trong Tăng truyện có chép: Khi ngài Thiện Đạo gặp được bài văn “Tịnh độ cửu phẩm đạo tràng” của ngài Đạo Xước, ngài nói rằng: “Nếu tu các hạnh nghiệp khác thì quanh quẩn khó thành tựu, duy chỉ có pháp môn Tịnh độ này là mau chóng thoát ly sanh tử”. Ngài liền tinh tấn chuyên cần tu tập lễ tụng ngày đêm. Sau ngài đến Kinh Sư (tức Tây An) khuyến hóa tứ chúng, ngài thường quỳ tụng niệm Phật danh chưa đến kiệt sức thì chưa ngơi nghỉ. Ngoài lúc niệm Phật, ngài thường tuyên dương pháp nghĩa Tịnh độ cho mọi người tinh hiểu, nỗ lực tinh cần không biết mỏi mệt. Hơn ba mươi năm mà ngài không ngủ nên kẻ đạo người tục được ngài hóa độ đông không thể kể xiết. Ngài duy chỉ trải qua thực hành niệm câu kệ A-di-đà Phật được cổ kim truyền tụng, vả lại ngài cũng dạy mọi người chuyên trì niệm danh hiệu Phật không cần phải quán tưởng: Ngài nói “Chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, tâm tình thô tháo, thần thức tán động nếu quán tưởng thì khó thành tựu. Chính vì thế mà đấng Đại thánh (Phật) đã lân mẫn thương xót dạy chúng sanh chỉ niệm thẳng vào danh hiệu. Chính vì xưng danh hiệu là hạnh dễ làm cần giữ cho niệm sanh khởi liên tục, nếu người giữ được niệm niệm tương tục đến lúc lâm chung thì mười người niệm mười người vãng sanh, trăm người tu trăm người về Tịnh độ”. Đây là lời dạy cực kỳ thiết yếu, đến đời sau pháp môn niệm Phật chuyên trì danh cũng bắt nguồn từ nền tảng này vậy. Ngài còn thiết tha dạy bảo với mọi người khi gặp lúc lâm chung lấy pháp niệm Phật để trợ lực vãng sanh.

Pháp sư Thiện Đạo thật sự được xem là khuôn mẫu của Tịnh độ tông Trung Quốc. Ngài có soạn bộ “Niệm Phật cảnh” được mọi người như ngài Dương Kiệt đời Tống, Liên Trì đời Minh v.v… đánh giá rất cao, vì bộ sách phát huy được những điểm tinh yếu của giáo nghĩa Tịnh độ.

Ngoài bộ “Niệm Phật cảnh”, ngài còn soạn bộ “Quán niệm A-di-đà Phật tướng hảo công đức pháp môn”, trong đó nói rõ pháp tu quán tưởng niệm Phật. Do thế mà biết được ngoài pháp tu trì danh niệm Phật, ngài còn kiêm luôn pháp tu quán tưởng, chẳng qua khi đề xướng ngài chỉ thiên trọng về pháp trì danh mà thôi.

Từ ngài Đàm Loan về sau, đã có các bộ “Tịnh độ tam kinh nhất luận sớ”, ngài Đạo Xước, Thiện Đạo v.v… đã tiếp nhận và những bộ sách ấy được xem là giáo điển căn bổn của Tịnh độ tông. Mà ở Nhật Bản việc học tập nghiên cứu của hành giả Tịnh độ tông, Chơn tông không thể không nghiên cứu sở học của Tịnh độ tông Trung Hoa. Đặc biệt là pháp sư Thiện Đạo đã bốn lần cho khắc bản các bộ sớ nghĩa, trước thuật v.v… liên quan đến Tịnh độ do ngài Thiên Thai Trí Giả soạn thảo.

Cùng thời với Thiện Đạo có pháp sư Khuy Cơ soạn bộ “Tây phương yếu quyết” và bộ “Di-đà thông tán”. Cuốn “Tây phương yếu quyết” và bộ “Di-lặc thượng sanh kinh sớ nghĩa” không giống nhau, cho nên có người hoài nghi rằng bổn sách này không phải do ngài Khuy Cơ trước tác.

Cũng trong thời gian này có pháp sư Nguyên Hiểu từ Cao Ly sang Trung Hoa học đạo. Tuy chỉ chuyên học giáo nghĩa của Hiền Thủ tông nhưng đối với pháp môn Tịnh độ ngài cũng có soạn bộ “Du tâm an lạc đạo” để tán dương.

Tịnh độ tông được truyền sang Nhật Bản, chư vị Tổ sư của Trung Hoa được Nhật Bản suy tôn: Ngài Đàm Loan làm Sơ tổ, Đạo Xước làm Nhị Tổ, Thiện Đạo làm Tam tổ, Hoài Cảm làm Tứ tổ và Thiếu Khang làm Ngũ Tổ. Chỉ có ngài Thiếu Khang là Ngũ tổ của Tịnh độ tông Nhật Bản, đồng thời cũng là Ngũ tổ của Tịnh độ tông Trung Hoa, còn bốn vị trước không đồng với thứ tự truyền thừa của Tịnh độ tông Trung Hoa.

Pháp sư Thiếu Khang là người xuất hiện sau ngài Thiện Đạo khoảng hơn trăm năm. Nhân vì có một lần ở chùa Bạch Mã, ngài thấy hộp đựng kinh phát ra ánh sáng, đến mở ra xem thì thấy trong đó có bộ sách “Tịnh độ phát nguyện văn” của ngài Thiện Đạo. Ngài vui mừng liền đến Tây An đảnh lễ pháp sư Thiện Đạo ở Tổ đường, và được sự cảm ứng: Pháp sư Thiện Đạo hiện thân trên không trung khuyên dạy ngài phải hết lòng chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Ngài chí thành y giáo phụng hành, sau ngài đến cư trú ở Tân Định, Chiết Giang, trước tiên ngài dùng tiền bạc khuyên dụ trẻ em niệm Phật, sau ngài cùng bọn chúng đồng thanh niệm Phật và thấy được sự cảm ứng nhiệm mầu của Phật hiện ra, những người có nhân duyên được ngài hóa độ rất đông đảo.

Khi đến lúc lâm chung ngài niệm Phật trong miệng phát ra ánh sáng, chỉ có hàng đệ tử chơn chánh chân tu của ngài mới thấy được ánh sáng đó, ngài đã được vãng sanh Tịnh độ. Người đời sau phần nhiều gọi ngài là hậu thân tái thế của ngài Thiện Đạo pháp sư. Ngài Thiếu Khang đích thực là người kế thừa tư tưởng của Tổ sư Thiện Đạo. Nhưng chỉ tại Phật giáo Trung Hoa đời sau suy tôn ngài làm Tổ sư mà không kế tiếp nhị Tổ Thiện Đạo, kế tiếp Thiện Đạo là tam TổThừa Viễn, tứ TổPháp Chiếu.

Riêng nhị vị Tổ sư Thừa Viễn và Pháp Chiếu, thì ngài Pháp Chiếu có truyện ký ghi lại nên khảo cứu nguồn gốc dễ dàng; còn ngài Thừa Viễn pháp sư được pháp sư Thạch Chi Tông Hiểu đời Tống soạn bộ “Lạc bang văn loại”, trong đó chỉ ghi ngài là Tổsư thứ ba của Tịnh độ tông mà thôi.

Pháp sư Thừa Viễn không rõ gốc tích thế nào mà được suy tôn là Tổ thứ ba, ấy cũng vì ngài là người chuyên tu khổ hạnh niệm Phật, có lòng tinh thành cảm thông, tín đồ Tăng, tục được ngài hóa độ vô kể. Đối với tông chỉ giáo nghĩa của ngài không biết khảo cứu vào đâu, chỉ biết rằng ngài có khai sơn chùa Chúc Thánh ở núi Nam Nhạc, ngài vốn là người từng tu thiền định. Nhân có một ngày ở trong định, pháp sư Pháp Chiếu đã thấy Phật Di-đà ngồi trên bảo tòa ở cõi Tây phương, phía bên có một vị Tăng lam lũ đứng hầu hỏi ra mới biết đó là pháp sư Thừa Viễn ở núi Nam Nhạc. Sau khi xuất định pháp sư Pháp Chiếu đến núi Nam Nhạc để lễ bái vị sư Tăng ấy và từ đó ngài chuyên tu Tịnh độ. Về sau hoàng đế Đại Tông phong Pháp Chiếu làm Quốc Sư, ngài kể lại đạo hạnh của Thừa Viễn và được vua phong chùa Chúc Thánh ở Nam Nhạc là Bát-chu Đạo Tràng. Cho nên, người sau mỗi khi đảnh lễ chư vị Tổ sư đều xưng tán pháp sư Bát-chu Thừa Viễn là Đệ tam Tổ của Tịnh độ tông.

Sau ngài Thiện Đạo một chút lại có pháp sư Từ Mẫn. Trong sách Cao tăng truyện có ghi: “Thích Huệ Nhật sinh vào năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Long, đời vua Đường Cao Tông. Sau khi ngài xuất gia một thời gian, nhân thấy Tam Tạng Thiện Tịnh (Nghĩa Tịnh) đi thỉnh kinh ở Ấn Độ trở về mà ngài cảm động, liền xin sang Ấn Độ để du học. Đến năm thứ bảy niên hiệu Khai Nguyên, ngài trở lại Trường An vì vua Đường Huyền Tông thuyết pháp và được vua ban sắc hiệu là Từ Mẫn. Tuy ngài sống không cùng thời với ngài Thiện Đạo và ngài Thiếu Khang nhưng đồng chung pháp môn hóa độ”. Từ đó biết được ngài Từ Mẫn là một nhân vật trọng yếu của Tịnh độ tông vào đời Đường, những tài liệu do ngài trước tác đã bị thất lạc nên người đời sau không rõ về ngài lắm vậy.

Có vị Tăng người Nhật Bản tên là Tiểu-dã-huyền-diệu viết cuốn sách tựa đề: “Từ Mẫn Tam Tạng chi Tịnh độ giáo” (Tịnh độ giáo của Tam Tạng Từ Mẫn) trong đó có ghi: “Ngài Tam Tạng Từ Mẫn của chúng ta là một vị Tổ sư vĩ đại của Tịnh độ nhưng có một số bộ phận giáo đồ Tịnh độ sau này suy tôn ngài Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Hoài Cảm, Thiếu Khang là năm vị Tổ Tịnh độ Trung Hoa mà không nói gì đến Tam Tạng Từ Mẫn. Ấy cũng bởi vì tuy cùng là Tịnh độ tông nhưng quan điểm của ngài Từ Mẫn cùng với hệ Thiện Đạo có phần bất đồng”.

Ở trên suy cử năm vị Tổ sư Tịnh độ của Nhật Bản nhưng không lấy ngài Hụê Viễn làm Sơ Tổ và cũng không có ngài Thừa Viễn và ngài Pháp Chiếu. Còn ở Trung Quốc thì không chọn ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Hoài Cảm. Bởi vì thứ tự chư vị Tổ sư Tịnh độ Trung Quốc căn cứ vào sự suy tôn của ngài Tông Hiểu đời Tống. Ngài Tông Hiểu lập ngài Huệ Viễn làm Sơ tổ và năm vị Tổ kế tiếp là ngài Thiện Đạo, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Tĩnh Thường và ngài Tông Trách. Trong Chỉ Quy Tập thì ghi ngài Thiện Đạo, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Vĩnh Minh, Tĩnh Thường, và ngài Tông Trách, thành bảy vị Tổ kế tiếp Sơ tổ Huệ Viễn. Song đến đời Minh có ngài Ngẫu Ích v.v… cho rằng sự suy lập chư vị Tổ sư như trên là chưa trọn vẹn. Vì điều trọng yếu cho sự suy lập ấy là dựa vào công đức hoằng hóa độ sanh cao dày của chư Tổ mà làm tiêu chuẩn, chứ hoàn toàn không dựa vào mối quan hệ truyền thừa giữa Tổ trước Tổ sau. Nhưng căn cứ theo pháp sư Đại Hữu đời Nguyên, cho rằng ngài Tông Hiểu là thuộc hệ truyền thừa của ngài Tông Trách và thay ngài Tông Trách bằng ngài Liên Trì đại sư làm Tổ thứ tám. Cho đến cuối đời Minh quan điểm này mới được hoàn toàn chấp nhận. Xem qua bộ luận của ngài Tiểu-dã phần phụ thuật về sự truyền thừa chư Tổ Tịnh độ cũng có khác như vậy.

Pháp sư Từ Mẫn lúc còn du học ở Ấn Độ đã từng được Bồ-tát Quan Âm cảm ứng hiện thân thuyết pháp: “Ông muốn hoằng hóa Phật pháp tự lợi lợi tha thì chớ quên cầu sanh qua thế giới Tịnh độ Tây phương Cực lạc của Phật A-di-đà. Ta khuyên ông cần siêng năng niệm Phật tụng kinh phát nguyện vãng sanh Tịnh độ. Khi vãng sanh về đó sẽ gặp đức Phật A-di-đà cùng Ta, ông sẽ được nhiều lợi ích lớn. Ông nên biết rằng pháp môn Tịnh độ là thù thắng nhất trong muôn hạnh”. Nhân đó mà ngài quyết định chuyên tu Tịnh độ. Sau khi trở về Trung Hoa ngài chỉ lấy pháp môn niệm Phật để tự tu trì và hóa độ. Ngài không chỉ là người chuyên trì danh hiệu Phật mà còn kiêm thông Giáo, Luật và hành thiền nữa, dẫu biết rằng trong các tam-muội, pháp tu niệm Phật tam-muội là dễ tu nhất. Trong kinh Kim cang có bài kệ :

“Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

 Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai”.

Hoặc câu: “Phàm sỡ hữu tướng giai thị hư vọng” v.v… Nghĩa lý những câu như vậy ngài đều có sự giảng giải thấu suốt sâu xa cùng tận. Vả lại, sự giảng giải của ngài phần nhiều y theo giáo nghĩa Duy thức. Ngài nói, đứng trên Lý mà luận thị gọi là vô tướng, đứng trên Sự mà luận thì có nhân có quả. Trên quả thì vô tướng, trong nhân thì hữu tướng. Sự chứng ngộ của bậc thánh thì gọi là vô tướng, tâm thức phàm phu gọi là hữu tướng, nên kinh Kim cang nói do vọng tình mê chấp vậy.

Qua những ý này ta biết được pháp sư Từ Mẫn đã thông hiểu uyên thâm giáo nghĩa Duy thức nên sự kiến giải của ngài cùng pháp sư Thiện Đạo có đôi chỗ bất đồng. Trong cuốn “Từ bi tập” ngài chỉ trích kịch liệt pháp tu thiền xa lìa giới luật, mà lại tán dương pháp tu thiền căn cứ vào Giáo, Luật. Ngài nói tu Thiền y vào Giáo, Luật cùng với tu Tịnh độ phải hợp nhất nhau. Cho nên pháp sư Từ Mẫn là người chủ trương Thiền Giáo nhất chí, Thiền Tịnh hợp hành, Tịnh Luật song tu. Pháp môn Tịnh độ vì nương vào tha lực nên dễ hành trì, người niệm Phật không thể bỏ qua các hạnh nghiệp khác. Trong “Từ bi tập” ngài dạy: “Giáo pháp huyền vi đã thuyết, tu thiền định phát sinh chánh trí, điều tâm vào một chỗ, niệm niệm tương tục, giữ tâm bình đẳng xa lìa được trạo hối, hôn trầm, nếu bị thuỳ miên làm chướng ngại thì cần phải sách tấn bằng pháp tụng kinh niệm Phật, lễ sám và làm các Phật sự như giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, vạn hạnh không bỏ sót. Công đức các hạnh nghiệp này đều hồi hướng vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Nếu ai tu tập thiền định như vậy thì đó là thiền định của Phật giáo cùng với Thánh giáo khế hợp, làm con mắt cho chúng sanh, người ấy được chư Phật thọ ký. Tất cả các pháp môn không có sự sai biệt, đều đưa đến chỗ nhất như, thành tối Chánh giác”. Nghĩa lý này so với tinh thần chuyên trì danh hiệu của ngài Thiện Đạo có khác, nhưng lại giống với quan điểm của ngài Vĩnh Minh đời sau.

Tuy nhiên vào thời điểm này chỉ có khuynh hướng tu tập tôn Giáo, luật lìa Thiền tu Tịnh độ chứ chưa đạt đến chỗ thấu suốt Thiền tu Tịnh của ngài Vĩnh Minh, bởi vì pháp sư Từ Mẫn đương thời là người cực lực bài xích Thiền tông vậy.

Sau ngài Từ Mẫn có pháp sư Pháp Chiếu, cũng là một Tổ sư Tịnh độ, có nhiều điềm linh dị trong việc giáo hóa chúng sanh. Lúc trước ngài không chuyên tu Tịnh độ, đối với giáo nghĩa thiền định ngài thâm hiểu tận cội nguồn. Sau ngài lập khổ hạnh tu theo tinh thần kinh Bát-chu Tam-muội. Ngài đến Ngũ Đài Sơn được nhị vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền hiện thân thuyết pháp: “Ông nay nên tu hạnh niệm Phật chính là đúng lúc, tu tất cả các hạnh môn không qua hạnh niệm Phật, niệm Phật kèm theo cúng dường Tam bảo được phước huệ song tu, là hạnh tối thắng, nên biết pháp môn niệm Phật là vua trong các pháp môn. Phía tây cõi Ta bà này có thế giới Cực lạc của đức Phật A-di-đà, ông cần niệm Phật, niệm niệm tương tục không gián đoạn, đến khi mạng chung quyết định sẽ được vãng sanh về đó”. Trong sự cảm ứng này có dạy đến phước huệ song tu, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ rất giống với sở hành của ngài Từ Mẫn.

Ngài Từ Mẫn ở tại Ấn Độ, ngài Pháp Chiếu ở tại Ngũ Đài Sơn (Trung Quốc), được các vị Bồ-tát Quan Âm, Văn Thù và Phổ Hiền hiện thân thuyết pháp. Người đời sau gọi ba vị Bồ-tát này là Tam thánh khai thị pháp ngữ Tịnh độ.

Đến đây lại có điều cần nói là trong khoảng thời gian này có rất nhiều vị Tổ sư như Đạo Xước, Thiện Đạo, Hoài Cảm, Từ Mẫn v.v… đối với tinh thần thoát ly Giáo, Luật mà áp dụng “giáo ngoại biệt truyền” của Thiền tông, các ngài đều cực lực phản đối vì cho rằng nó rất ư tai hại.

Vào đầu đời Đường lại thịnh hành tư tưởng “Tam giai giáo”1, lý luận chủ yếu của tư tưởng này nói rằng tất cả các pháp môn Phật thuyết đều không thích hợp đối với căn cơ chúng sanh đương thời, duy chỉ có thể học theo pháp khổ hạnh v.v… của Bồ-tát Thường Bất Khinh, được mô tả trong kinh Pháp hoa mới có thể thành Phật. Kiểu lý luận này được ngài Thiện Đạo và ngài Hoài Cảm bác bỏ, ngài Hoài Cảm đã lập luận chỉ trích một cách rất tường tận. Trong các Tăng viện đời Đường thỉnh thoảng cũng có nhưng Thiền môn thực hành theo Tam giai giáo này, nó đã tồn tại và ảnh hưởng thấy rõ, nhưng không bao lâu thì tư tưởng này bị diệt hẳn. Đến đời Tống ít có người biết đến tư tưởng này. Sau đời Tống, Minh lưu truyền thịnh hành bộ luận “Niệm Phật bảo vương tam-muội” gồm ba quyển, thuộc hệ tư tưởng pháp sư Phi Tích đời Đường trước tác. Quyển thượng là nói niệm chư Phật vị lai, quyển trung thì nói niệm chư Phật hiện tại, quyển hạ là nói niệm chư Phật quá khứ. Lý luận của quyển thượng tương ưng với quan điểm của Tam giai giáo, quyển trung là nói về cõi Tịnh độ. Có thể thấy bộ luận này tác giả đã dung hòa tư tưởng Tịnh độ và tư tưởng Tam giai giáo mà soạn ra. Sau đời Tống, Minh mọi người không biết đến Tam giai giáo nên cũng tôn bộ luận này là yếu điển của Tịnh độ tông và được đưa vào trong “Tịnh độ thập yếu”.

Lại có hai vị cư sĩ cần nói đến ở đây, trước là Liễu Tử Hậu (Liễu Tông Nguyên), ông sống cùng thời với Hàn Dũ. Trong “Bát đại”2, văn chương ông là hơi kém. Ông có soạn bộ “Đông hải nhược nhất văn” trong thời gian rất lâu và nó được xem là bộ văn hiến trọng yếu của Tịnh độ. Kế đến là Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị), ông là một đại thi hào thời Vãn Đường, về già lập nguyện tu theo Tịnh độ, đối với pháp môn niệm Phật ông có làm bài thơ như sau:

Dư niên thất thập nhất

Bất phụ sự ngâm nga

Khán kinh phí nhãn lực

Tác phước uý bôn ba

Hà dĩ độ tâm nhãn

Nhất cú A-di-đà

Hành dã A-di-đà

Tọa dã A-di-đà

Túng nhiêu mang tợ tiễn

Bất phế A-di-đà

Nhật mộ nhi đồ viễn

Ngô sanh dĩ tha đà

Đán tịch thanh tịnh tâm

Đản niệm A-di-đà

Đạt nhân ưng tiếu ngã

Đa chước A-di-đà

Đạt hựu tác ma sanh

Bất đạt hựu như hà?

Phổ khuyến pháp giới chúng

Đản niệm A-di-đà

Tạm dịch :

Tuổi ta bảy mươi mốt

Chẳng thơ phú ngâm nga

 Xem kinh mau mỏi mắt

 Làm phước sợ bôn ba

 Lấy gì độ tâm ta?

 Một tiếng A-di-đà

Đi niệm A-di-đà

Ngồi niệm A-di-đà

Dù gấp như tên bắn

Cũng không rời Di-đà

Tháng ngày trước trôi qua

Ta đã phí thời gian

Giờ sớm chiều thanh tịnh

Chỉ niệm A-di-đà

Người giỏi lại cười ta

Sao lắm A-di-đà?

Giỏi thì làm gì ta?

Không giỏi thì sao ha?

Xin khuyên khắp pháp giới

Cùng niệm A-di-đà.

Qua bài thơ trên ta biết được Bạch Lạc Thiên đã có lòng thuần tín pháp môn Tịnh độ và dốc tu niệm Phật. Ông cũng từng tham thiền và có sở ngộ, nhưng chỉ vì ông sống ở trong thời đại chưa có người khai mở tư tưởng thấu Thiền tu Tịnh.

Tư tưởng thấu Thiền tu Tịnh dung thông Giáo, Luật sẽ được nói ở đoạn sau đây.

 

III. THẤU THIỀN DUNG HÒA GIÁO, LUẬT, TU TỊNH.

Thấu thiền cùng với biệt thiền ở trước có sự phân biệt khác nhau như thế nào?

1. Từ thời Ngũ Đại trở về sau, hành giả tu thiền dựa vào Giáo, Luật rất ít, chỉ có Thiền môn hành theo thiền Đạt-ma là phát triển.

2. Tịnh độ trong thời gian này phải cần thấu qua Thiền mà dung hòa Giáo, Luật. Nếu không thấu qua Thiền thì không thể tu bất cứ hạnh nghiệp gì được. Quan điểm này cùng với tư tưởng biệt Thiền tu Tịnh trước đây không đồng. Thiền giả thời kỳ này không những thấu Thiền mà còn dung nhiếp tất cả Giáo, Luật. Từ đó mới chính thức hình thành dòng tư tưởng Tịnh độ tông của Phật giáo Trung Hoa đương thời.

Ngược thời gian ta thấy Phật giáo Trung Hoa thời kỳ đầu chuyên y theo Giáo, Luật tu Thiền, thời kỳ thứ hai lìa Thiền tu Tịnh độ. Trong hai thời kỳ này Phật giáo Trung Quốc đã hình thành tư tưởng các tông phái Thiền, Thiên Thai và Hiền Thủ. Duy đến thời kỳ thứ ba mới có thể gọi là thời kỳ Tịnh độ tông làm đại biểu cho Phật giáo Trung Hoa. Thời kỳ này chư Tổ Tịnh độ đều là những bậc thấu Thiền dung hòa Giáo, Luật.

Nói về thấu Thiền tu Tịnh và không thấu Thiền tu Tịnh có sự phân biệt thế nào? Sau đây dẫn ra một đoạn văn sẽ thấy rõ.

Trong tập “Trúc song tuỳ bút”, đại sư Liên Trì nói: “Đạo Cảnh và Thiện Đạo là hai vị Tổsư làm tấm gương tiêu biểu cho pháp tu niệm Phật, đã chọn pháp môn niệm Phật, đối với các loại pháp môn khác đều khước từ và nói trăm ngàn vạn ức không bằng. Có thể gọi đây là lấy lòng tin thuần nhất làm chỗ biện minh. Riêng đối với Thiền tông, hành giả tu quán tâm hay quán vô sanh thì trăm ngàn vạn pháp khác cũng không bằng. Những điều này làm cho người học Phật phát sinh nghi ngờ. Tôi theo văn “Tứ liệu giản” để minh chứng:

“Sở dĩ người chấp tu Thiền không tu Tịnh độ là do họ chỉ chấp vào pháp quán tâm mà không tin rằng có cõi Tịnh độ Cực lạc, chỉ chấp vô sanh mà không biết rằng có Tịnh độ vãng sanh. Nghĩa là chưa đạt đến chỗ tức tâm tức độ, không biết rằng sanh tức là vô sanh, do bị cái thấy thiên chấp về không, tức Thiền này chưa phải là Thiền viên đốn. Ngược lại không như lý tánh, tuy chưa đạt đến chỗ đại minh mà người niệm Phật đã đạt đến tam-muội, sao lại không kỳ lạ? Nếu quán tâm mà chứng đắc diệu thể tự tâm, quán vô sanh mà đắc được vô sanh nhẫn thì đây là đồng với người niệm Phật thượng phẩm thượng sanh. Như vậy thì có pháp gì là cao là thấp?”

Từ đoạn văn trên cho ta thấy ngài Thiện Đạo tu Tịnh độ như chưa thấu Thiền. Còn ngài Liên Trì đã thấu Thiền mà tu Tịnh độ, ý này dễ dàng thấy rõ. Bởi vì ngài Liên Trì thuyết minh cảnh giới tối cao của Thiền tức đồng với niệm Phật thượng phẩm thượng sanh. Ngài đã dung nhiếp Thiền và Tịnh đồng hành nên không cần phải lìa bỏ Thiền khi tu Tịnh. Thời kỳ thứ ba này được phân ra ba đoạn như sau.

 

1. Từ Thiền tông chuyển tu Tịnh độ.

 

Xưa, Tịnh độ tông đã suy tôn pháp sư Huệ Viễn làm sơ Tổ , còn thời kỳ thấu Thiền tu Tịnh thì tôn thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ là người khai sáng đầu tiên. Vĩnh Minh là người miên mật chuyên trì niệm Phật, đối với Tịnh độ ngài có soạn thuật các sách như: Thần thê an dưỡng phú, Vạn thiện đông quy tập, Lục trùng vấn đáp v.v… đặc biệt có tác phẩm làm chuẩn mực cho Tịnh độ tông là Tứ liệu giản keä:

Hữu thiền vô Tịnh độ,

Thập nhân cửu tha lộ,

Ấm cảnh hốt hiện tiền,

Miết nhĩ tuỳ tha đọa.

Vô thiền hữu Tịnh độ

Vạn tu vạn nhân thỏa

Đản đắc kiến Di-đà,

Hà sầu bất khai ngộ?

Hữu thiền hữu Tịnh độ

Do như đới giác hổ

Hiện thế vi nhơn sư,

Tương lai tác Phật, Tổ .

Vô thiền vô Tịnh độ,

Thiết sàng Tịnh đồng trụ,

Vạn kiếp dữ thiên sinh,

Một cá nhân y hỗ.

 Tạm dịch :

Tu thiền không Tịnh độ,

Mười người chín người lầm,

Khi ấm cảnh hiện ra,

Chớp mắt là theo nó.

Không thiền tu Tịnh độ,

Vạn người vạn người an,

Sớm được thấy Di-đà,

Lo gì chẳng khai ngộ?

Tu thiền tu Tịnh độ,

Như thêm sừng cho hổ,

Hiện thế thầy trời người,

Vị lai làm Phật, Tổ .

Không thiền không Tịnh độ,

Địa ngục ngày đêm khổ,

Vạn kiếp cùng ngàn đời,

Mất thân ai tế độ?

Bốn bài kệ trên, có người nghi rằng do hậu thế ngụy tạo. Ở đây bất luận có phải bài kệ xuất phát từ ngài Vĩnh Minh hay không và thời gian ra đời của nó vào lúc nào, không phải là vấn đề quan trọng cần đề cập đến. Trước ngài Vĩnh Minh, Thiền tông của Phật giáo Trung Quốc đã phát triển ra thành năm phái3 và hưng thịnh đến tột đỉnh. Pháp nhãn tông là phái được hình thành sau cùng, thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thuộc đời truyền thừa thứ ba của tông Pháp Nhãn và cũng là Tổ sư sau cùng của tông này. Vì ngài là bậc thấu Thiền dung hòa Giáo, Luật tu Tịnh độ nên môn đồ của ngài cũng đều quy thú sang Tịnh độ. Đến đây tông Pháp nhãn đã bị thất truyền, tông chỉ của ngài được truyền qua Cao Ly. Ngày nay còn lưu giữ lại là pháp môn “Nhất tâm niệm phật viên đốn”.

Tiếp đến có thiền sư Trường Lô Từ Giác Tông Trách, ngài đã từng được suy tôn làm Tổthứ tám của Tịnh độ tông. Ngài trước tác rất nhiều bổn văn liên quan đến Tịnh độ, trong bài tựa cuốn Liên hoa thắng hội, ngài ghi: “Người mà cho rằng niệm là thật có niệm, sanh là thật có sanh thì người ấy bị lạc vào thường kiến sai lầm. Người mà cho rằng vô niệm là không có niệm, vô sanh là không có sanh đây là người bị tà kiến mê hoặc. Người thấy niệm mà vô niệm, sanh mà vô sanh đây mới là người đạt đến Đệ nhất nghĩa đế, là “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần”, tức là trên không có chư Phật có thể niệm dưới không có Tịnh độ có thể sanh, “Phật sự môn trung bất xả nhất pháp”, tức là thâu tóm hết tất cả căn cơ, bởi vì có niệm Phật Tam-muội thì được trở về bổn tánh uyên nguyên vi diệu, thấy cửa vãng sanh mở rộng. Cho nên nói rằng trọn ngày niệm Phật mà không trái với vô niệm, cần cầu vãng sanh mà không trái với vô sanh, ấy mới có thể sanh vào các Tịnh độ của Phật, có sự cảm ứng đạo giao, đồng thời các cõi Tịnh độ phương Đông, phương Tây chưa từng đến đó mà tịnh thần đã an trú ở đó rồi. Do đây có thể thấy được thiền sư Tông Trách là bậc thấu Thiền tu Tịnh dung hòa Giáo, Luật.

Lại có thiền sư Chân Hiết Thanh Liễu là vị Tổkhai sơn chùa Phổ Đà Hậu4, một bậc đại lão của tông Tào Động và cũng là người nổi danh của tông Tịnh độ. Trong “Tịnh độ tông yếu” ngài nói: “Phật A-di-đà không lìa chúng sanh và tâm, cả ba không có sự sai biệt. Cực lạc ở khắp mọi nơi, đức Phật thiện xảo nêu ra một cõi tức là bao gồm tất cả cõi …dạy chúng sanh chuyên niệm Phật A-di-đà … thấy nhất Phật tức là thấy được tất cả chư Phật ở mười phương cùng chúng sanh trong chín cõi của thế giới nhiều như vi trần. Đó là dấu ấn của công hạnh viên mãn …”. Yếu nghĩa này không chỉ thể hiện sự thấu tỏ Thiền tông của ngài mà còn dung thông cả giáo nghĩa Hiền Thủ nữa.

 Vào cuối đời Tống đầu đời Nguyên, có thiền sư Trung Phong Minh Bổn là một bậc tông tượng cự phách của tông Lâm Tế, ngài đã dung thông được Giáo, Luật của Thiền, Tịnh, Mật và cuối đời chuyên tu Tịnh độ. Hiện tại đang lưu hành cuốn “Tịnh độ sám” do ngài soạn thảo để lại. Ngài đối với pháp môn Tịnh độ không chỉ tự mình thuần tín thực hành mà còn đem hoằng hóa độ sanh rộng rãi. Bộ “Tam thời Tịnh độ hệ niệm văn truyện” cũng do ngài trước tác. Ngài lại còn soạn thảo rất nhiều thi kệ liên quan đến Tịnh độ, trong đó có bài Hoài Tịnh độ thi:

Ngẫu trì vô nhật bất hoa khai,

Tứ sắc quang minh ánh bảo đài,

Kim tý dao thân thuỳ niệm thiết,

Chúng sanh hà cố bất tư lai?

Tạm dịch:

Ao sen bảy báu hoa thường nở,

Chói lọi quang minh ánh bảo đài,

Thương sót, tay vàng thuỳ tiếp dẫn,

Chúng sanh sao chẳng chịu nương về?

Hoặc có bài:

Thanh nhật hoàng hôn lễ sám ma,

Đê đầu khấp cáo lão Di-đà,

Luân hồi lục thú tri đa thiểu,

Thệ nguyện kim phiên xuất võng la.

Tạm dịch :

Sớm chiều tinh tấn lạy sám ma,

Đê đầu đảnh lễ Phật Di-đà,

Sáu cõi luân hồi từng qua lại,

Thệ nguyện từ đây thoát Ta bà.

Qua vài bài thơ trên ta có thể thấy được tư tưởng chủ đạo của ngài là chuyên tu Tịnh độ.

Lại có thiền sư Thiên Như Duy Tắc là một bậc thiền triết đầu đời Minh. Ngài có soạn bộ “Thiên các hoặc vấn” được tuyển vào “Tịnh độ thập yếu”, trong đó có lời rằng: “Do Tịnh độ giáo môn rất là rộng lớn, pháp tu rất là giản dị nên người nghe không thể không nghi ngờ. Rộng lớn vì nó thâu nhiếp được tất cả các căn cơ, trên từ hàng Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ ở ngôi Đẳng giác cũng cầu sanh Tịnh độ, dưới cho đến hàng ngu phu ngu phụ, ngũ nghịch thập ác, vô tri vô trí, khi đến lâm chung phát tâm sám hối tội lỗi đã qua, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ đều được vãng sanh. Giản dị là vì bước đầu thực hành không gian nan khổ nhọc, lại pháp môn này không có các duyên làm ngộ nhận sai biệt, duy chỉ trì danh hiệu bốn chữ A-di-đà Phật, từ bốn chữ này mà thoát ly Ta bà đắc sanh Cực lạc, được bước lên địa vị Bất thối chuyển, quyết định đi thẳng đến Phật quả”. Đây tuy chỉ là một đoạn văn ngắn song đối với yếu nghĩa pháp môn Tịnh độ thì bao quát không thiếu sót.

Tiếp theo là có thiền sư Sở Thạch Phạm Kỳ cũng là một tôn tượng của tông Lâm Tế đầu đời Minh. Thuở thiếu thời hàng ngày vào buổi sớm mai thức dậy, ngài đều tu pháp thập niệm Phật để cầu sanh Tịnh độ. Ngài chủ trì chùa Thiên Ninh, khi ấy kiến trúc Bảo Tây5 một bên chùa, chuyên tu Tịnh nghiệp, thường trầm tư quán tưởng Y báo, Chánh báo trang nghiêm cõi Cực lạc. Ngài có soạn bộ “Tây trai độ thi”6 được hậu thế truyền tụng và được tuyển vào trong tập “Tịnh độ thập yếu”, trước lúc lâm chung đối với Ngạc sư huynh ngài nói :

-Ta đi vậy!

Ngạc hỏi:

-Đi đến đâu?

Ngài đáp:

-Đến Tây phương.

Ngạc hỏi:

-Tây phương có Phật, Đông phương không có Phật sao?

Ngài không trả lời, chỉ quát lại một tiếng rồi thu thần thị tịch.

Lại có thiền sư Hám Sơn Đức Thanh là bậc cao Tăng thạc đức có nhiều công trình trước thuật. Trong “Mộng du tập”, ngài khai thị rất nhiều về pháp hành Tịnh độ. Trong bộ “Niệm Phật thiết yếu” có đoạn: “Pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ chính là cửa ngõ thiết yếu để liễu sanh thoát tử. Nếu không biết được cội gốc của sanh tử từ đâu thì biết hướng vào chỗ nào mà niệm? Nếu tâm niệm Phật mà đoạn không được gốc rễ sanh tử thì làm sao giải thoát sanh tử? Nên cổ đức dạy: Nghiệp không nặng không sanh Ta bà, ái chưa đoạn chưa sanh Cực lạc, nên biết ái chính là gốc rễ sanh tử, chúng sanh thọ nhận sanh tử luân hồi mãi mãi đều là do sai lầm tội lỗi của ái này vậy”. Đây là lời khai thị cho người tu pháp môn niệm Phật muốn ra khỏi sanh tử cần phải đoạn dục khử ái. Những năm cuối đời, ngài vân du đến núi Vân Thê, tán dương công đức đại sư Liên Trì và ngài tạo lập một thảo am để chuyên tu Tịnh độ.

Thiền sư Triệt Ngộ, ngài được suy tôn có khi là Tổ thứ mười một hoặc là thứ mười hai của Tịnh độ tông, ngài sống giữa đời Càn Long, Gia Khánh nhà Thanh. Ban đầu ngài tu Thiền, kiêm thông Giáo quán Thiên Thai và Hiền Thủ, trụ trì Quản Thông Thiền Tự, trấn hưng Thiền tông. Sau vì bịnh duyên nên ngài chuyển sang tu Tịnh độ, những người tu Thiền theo ngài phần nhiều cũng chuyển sang tu Tịnh độ. Trong “Triệt Ngộ ngữ lục” của ngài, giáo nghĩa được dung nhiếp vào một trăm bài kệ mà mỗi bài kệ được mở đầu bằng bốn chữ “Nhất cú Di-đà”. Đơn cử ra đây một vài bài để thấy rõ:

“Nhất cú Di-đà

Ngã Phật tâm yếu

Thụ triệt ngũ thời

Hoành cai bát giáo”

(Một câu Di-đà

là Phật tâm ta

Dọc suốt năm thời

Ngang thâu tám giáo)

“Nhất cú Di-đà

Bạch ngưu giá kính

Kỳ tật như phong

Hành bộ bình chánh”

(Một câu Di-đà

Như xe bạch ngưu

Nhanh như gió thổi

Đến đi an toàn)

“Nhất cú Di-đà

Đệ nhất nghĩa đế

Thượng siêu bách phi

Khởi lạc tứ cú”

(Một câu Di-đà

Đệ nhất nghĩa đế

Vượt qua bách phi

Há vào tứ cú? 7)

“Nhất cú Di-đà

Thị vô thượng thiền

Nhất sanh sự biện

Bách kiếp công viên”

(Một câu Di-đà

Là vô thượng thiền

Thấu rõ sanh tử

Công đức tròn đầy)

Có thể nói ngài là người cực kỳ thấu suốt Thiền tông dung thông Giáo, Luật tu Tịnh độ. Thiền sư Tông Trách là người được nói sau cùng của khuynh hướng tu Tịnh độ từ Thiền tông.

Trên đây là nêu lên một số nhân vật làm đại biểu cho một khoảng thời gian của khuynh hướng tu Tịnh độ từ Thiền tông, và sau đây là những bộ sách được biên soạn đương thời.

1. Bộ “Liên tông bảo giám”, thiền sư Đông Lâm Ưu Đàm biên soạn vào đời Tống. Ngài là người tiếp thừa tư tưởng Tổ Huệ Viễn, chuyên hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Nội dung cuốn Liên tông bảo giám phân làm tám chương: Chánh nhân, chánh giáo, chánh tông, chánh phái, chánh tín, chánh hạnh, chánh nguyện và chánh quyết, là bộ điển tịch trọng yếu của Tịnh độ tông.

2. Bộ “Tịnh độ giản yếu lục”, do Đạo Diễn Hoặc tức Diêu Quang Hiếu trước tác vào đầu đời Minh, nội dung của nó là giảng yếu hai chữ Bất Quý.

3. Bộ “Bảo vương Tam-muội niệm Phật trực chỉ”, ngài Diệu Hiệp soạn đời Minh, đã được tuyển vào bộ Tịnh độ thập yếu.

4. “Quy nguyên trực chỉ tập”, gồm hai quyển do thiền sư Tông Bổn biên tập. Tông Bổn hiệu là Nhất Nguyên Tử. Bộ sách là một bản văn hiến chứa đựng rất nhiều trọng yếu và nó cũng là yếu điển của Tịnh độ tông.

5. Bộ “Tịnh từ yếu ngữ”, do thiền sư Vĩnh Giác Nguyên Hiền ở chùa Cổ Sơn dựa vào Tịnh hạnh niệm Phật và Từ hạnh giới sát mà soạn ra, văn gồm hai quyển. Ngài là ngươi thừa truyền tư tưởng thiền sư Vô Minh Thọ Xương, là một thiền trượng của tông Tào Động ở cuối đời Minh.

6. Bộ “Tịnh độ chỉ quyết”, do Hòa thượng Đạo Chiêm kế thừa ngài Vĩnh Giác mà soạn ra vào đầu đời Thanh

7. Bộ “Giác hổ tập”, căn cứ vào nghĩa của câu “Du như hổ đới giác” trong bài Tứ liệu giản của thiền sư Vĩnh Minh, bộ sách này là yếu ngữ Tịnh độ của thiền sư Lục Các Tông.

8. Bộ “Tịnh độ cám châu”, do Hư Chu Tế Năng biên tập vào năm đầu niên hiệu Quang Tự, là bộ sách cần dùng cho việc nghiên cứu, được soạn theo cấp tiến của pháp số, như từ một tâm tăng lần đến bốn mươi tám nguyện, giống như cách trình bày của Tăng nhất A-hàm.

Ở đây lại có điều cần được nói đến là có rất nhiều vị cư sĩ như: Đời Tống có Văn Lộ Công hiệu là Ngạn Bác đã ngộ Thiền tu Tịnh, chuyên niệm Phật A-di-đà, từng phát nguyện rằng: “Con nguyện thường tinh tấn siêng năng tu tất cả thiện pháp, con nguyện sẽ liễu ngộ được tâm tông để rộng độ khắp loài hữu tình”. Tại kinh đô ông cùng với Tịnh Nghiêm v.v… vận động khoảng mười vạn người thành lập ra hội niệm Phật rất thịnh hành. Có vị cư sĩ tên Như Như làm thơ tặng ông như sau:

Tri công đảm khí đại như thiên,

Nguyện kết Tây phương thập vạn duyên.

Bất vị nhất sanh tác hoạt kế,

Đại gia tề thượng độ nhân thuyền.

Tạm dịch :

 Lộ Công chí khí tợ trời cao,

 Kết vạn duyên về cõi Tây phương.

 Chẳng vì cuộc sống lo toan tính,

 Nguyện độ nhân gian thoát biển mê.

Như thế, ta thấy được ông là con người rất năng động trong công tác Phật sự.

Lại có quan Cấp sự Phùng Tập hiệu là Tế Xuyên, cũng là người ngộ Thiền tu Tịnh. Những sáng tác của ông bắt nguồn từ cảm hứng câu “Tây phương an dưỡng hề hồ bất quy” trong bài Quy khứ lai từ8.

Đời Tống lại có quan Đề hình Dương Kiệt hiệu Vô Vi Tử tự Thứ Công, ông đắc ngộ từ thiền sư Y Hoài, cuối đời tu Tịnh độ, đến lúc lâm chung an nhiên ngồi tịch, ông có bài kệ :

Sanh vô khả luyến,

Tử vô khả xả.

Thái hư không trung,

Chi hồ giả dã.

(Sống không tham luyến gì,

Chết lấy chi vứt bỏ,

Như không trung thái hư,

Giải thoát là như vậy)

Khi có người hỏi: Ngài đi về đâu?

Ông đáp: Về Tây phương.

Hỏi: Nếu sanh về Tây phương coi chừng bị nhầm vậy!

Đáp: Nhầm thì cứ nhầm, hễ đến Tây phương Cực lạc là được.

Đương thời cũng có cư sĩ Vương Cổ soạn ra bộ “Tịnh độ chỉ quy quyết nghi tập”. Cư sĩ Thứ Công ghi lời tựa cho sách ấy, còn Vương Cổ thì ghi lời tựa bộ “Tịnh độ bảo châu tập” của thiền sư Viên Chứng. Hai bổn sách này nay đã thất truyền.

Đời Tống còn có tiến sĩ Vương Hư Trung hiệu Long Thơ, là một cư sĩ lỗi lạc có ảnh hưởng rất lớn đối với Tịnh độ tông. Ông soạn bộ “Long thơ Tịnh độ văn” được lưu truyền rộng rãi. Ông chuyên cần tu tập và hóa độ mọi người không biết mỏi mệt. Ông là vị cư sĩ đầu tiên soạn thảo các tài liệu nhằm mục đích hoằng dương Tịnh độ cho đời sau. Tóm lại ông là một vị đại gia cư sĩ uyên thâm Phật học, không cần phải nói nhiều cũng biết được.

Vào cuối đời Minh, có Viên Hoằng Đạo cũng là người thông Thiền tu Tịnh, là một vị cư sĩ nổi danh đương thời. Ông có thảy ba anh em được tương truyền là hậu thân tái thế của ba cha con Tô Đông Pha đời Tống. Cả ba anh em ông đều giỏi văn chương, đương thời đã lập ra một dòng văn phái riêng biệt. Những năm cuối đời chuyên tu Tịnh độ và cả ba đều vãng sanh Cực lạc. Trung lang (tự của Viên Hoằng Đạo) có soạn bộ “Tịnh độ hiệp luận”, nội dung thể hiện sự thông hiểu Thiền tông dung nhiếp Giáo, Luật, quán triệt được tư tưởng của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, bộ sách đã được tuyển vào “Tịnh độ thập yếu”. Tuy giáo nghĩa thấy giống tư tưởng tông Hoa nghiêm nhưng thật vốn là sự ngộ Thiền vậy. Trong đó nói rõ Tây phương Tịnh độ là cảnh giới tối thắng bất khả tư nghì, dung nhiếp được tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Trước kia cũng có pháp sư Hoài Cảm đã từng phát khởi ra nghĩa này.

Lại có bộ “Tịnh độ toàn thư” do Du Hành Mẫn đời Thanh biên soạn, vốn là một bộ Long thơ Tịnh độ văn nghĩa rất thâm sâu. Lại có bộ “Kính trung kính hựu kính” do Tô Vũ Triết Nhân Trương Sư Thành biên soạn giữa đời Đạo Quang, Hàm Phong nhà Thanh. Nội dung bổn văn cũng thuộc loại Long thơ Tịnh độ, vì thế nên đều liệt ra đây.

 

2. Từ Thiên thai giáo chuyển tu Tịnh độ. 

Muốn nói đến khuynh hướng tu tập từ Thiên thai giáo chuyển sang Tịnh độ thì phải nghiên cứu đến bộ “Tịnh độ thập nghi luận” và bộ “Quản kinh sớ”, do đại sư Cao Tổ Trí Giả trước tác. Bởi vì không những bổn sách này là căn cứ tối ư quan trọng, mà còn chỉ cho thấy được tinh thần tu tập của khuynh hướng từ Thiên Thai chuyển sang Tịnh độ, xuất hiện sau khuynh hướng Thiền chuyển tu Tịnh độ.

Nhân vật đại biểu ở đây đứng đầu là đại sư Chiêu Khánh Tỉnh Thường, được suy tôn là Tổthứ 7 của Liên tông. Do bởi ban đầu ngài theo học bên Thiên thai giáo quán, sau đó mới chuyển sang chuyên tu Tịnh độ. Niên hiệu Thuần hóa đời Tống, ngài ở chùa Chiêu Khánh tại Hàng Châu, vì rất thích hội Liên xã ở Lô Sơn của Huệ Viễn ngày xưa, nên ngài sáng lập ra “Tịnh hạnh xã”. Đương thời, trên ngàn Tỳ-kheo gia nhập vào Tịnh hạnh xã của ngài, hàng Công khanh, trí thức, đại phu được 120 người; họ đều là những người từng vang bóng một thời. Đứng đầu có Vương Văn Chánh Công Đán, ông đã trải qua một thời làm Tể tướng. Lại có Hàn lâm học sĩ Tô Dị Giản, là một vị văn chương xuất chúng, ông có ghi lời tựa giới thiệu Tịnh hạnh xã, trong đó có câu: “Thật xứng đáng cho chúng ta trải tóc nâng đỡ gót chân ngài, dù có tan xương nát thịt cũng cầu thỉnh nghe được pháp âm của ngài”. Có thể thấy những người đương thời đến với đại sư Tỉnh Thường, đã có niềm tin mãnh liệt vào ngài biết chừng nào. Đại sư đã dẫn đầu hội chúng niệm Phật tinh cần không hề có chút giải đãi, liên tục trong suốt mấy mươi năm mà xem như một ngày. Đến tuổi 62, vào một ngày bình thường, ngài đang ngồi niệm Phật bỗng gọi lớn: “Phật đã đến”, rồi lặng yên an tọa mà thác hóa. Tháp của ngài được kiến lập nằm bên tháp của thiền sư Điểu Khoa, ngài được suy phong là Viên Tịch Pháp Sư.

Kế đến là nói ngài Tứ Minh Tri Lễ, thường gọi là đại sư Tứ Minh Tôn Giả Pháp Trí. Ngài sống vào đời Bắc Tống, là người trấn hưng Thiên thai giáo quán, ngài cũng hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Đối với Tịnh độ, ngài căn cứ vào bổn “Quán kinh sớ” của đại Sư Trí Giả mà soạn ra bộ “Diệu tông sao”, là bộ yếu điển của Tịnh độ tông. Hiện tại ở đời đang lưu hành cuốn “Đại bi sám pháp” cũng do ngài soạn, nhằm dạy bảo đại chúng tu tập. Ngài đã từng niệm Phật định kỳ mạng chung vãng sanh Tây phương. Đương thời có nhà đại văn học Dương Ức thư thỉnh ngài lưu lại ở đời và đã hỏi đáp những yếu nghĩa Tịnh độ. Sau đó khoảng 10 năm có quan Đãi chế Trần Quán, hiệu là Oánh Trung tự xưng là Tư thục đệ tử9, nhận ngài làm thầy. Ông đã thâm nhập giáo nghĩa Thiên Thai và soạn ra cuốn “Tam thiên hữu môn tụng”, là bộ sách có nội dung tán dương pháp môn Tịnh độ. Vào cuối cuộc đời, ngài về trú trì chùa Diên Khánh. Trong “Tịnh độ viện ký” có ghi rằng: “Tỳ-kheo trụ trì chùa Diên Khánh ở Minh Châu, người đời tôn xưng ngài là Pháp sư (Giảng tịch ). Ngài lấy Thiên thai giáo quán làm tông, tự là Pháp Trí đại sư hoặc Tri Lễ đại sư, có đạo hạnh và học vấn cao vời. Ngài là chỗ hướng tâm của tín đồ, người đời sau kế thừa ngài đều là bậc xuất chúng dung thông vô ngại. Song đến sau này đối với các pháp Không quán, Giả quán và Trung quán có sự phân biệt không thông, khó tránh khỏi sự tranh cãi lẫn nhau giữa đâu là quyền đâu là thật?”. Đó cũng là nhịp cầu giữa Thiên Thai và Tịnh độ.

Sau ngài Tứ Minh Tri Lễ, Thiên thai giáo quán phân ra làm ba phái: Nam Bình, Quảng Trí, Thần Chiếu. Đối với Tịnh độ, hệ phái Thần Chiếu đặc biệt có ngài Tông Hiểu là bậc nổi danh.

Người cùng thời cũng là đồng sư với Pháp Trí có đại sư Từ Vân Sám Chủ Thức Tôn10 ở chùa Thiên Trúc, đất Hàng Châu. Ngài cùng học Thiên thai giáo quán với đại sư Pháp Trí. Ngài có trước tác sách Tịnh độ, Kim quang minh, Quán Âm đẳng chư sám nghi, vì thế mà ngài có tên Từ Vân Sám Chủ. Ngài tinh cần niệm Phật phát nguyện vãng sanh, kẻ Tăng người tục được ngài hóa độ đông vô lượng. Có thể nói ngài là người có năng lực và ảnh hưởng lớn trong việc đem tinh thần Thiên Thai, Tịnh độ đi vào lòng dân chúng. Đại sự có soạn bộ “Vãng sanh Tịnh độ quyết nghi hạnh nguyện nhị môn” cùng “Tịnh độ sám pháp”, cả hai đều được tuyển vào bộ “Tịnh độ thập yếu”. Ngài còn soạn bộ “Thần triêu thập niệm pháp”, nổ lực đề xướng pháp môn thập niệm.

Tiếp theo là nói luật sư Linh Chi Nguyên Chiếu, sống vào đời Tống, là vị Tổ sư trùng hưng Luật tông. Nhưng Luật tông theo quan điểm của ngài vẫn khác với quan điểm của luật sư Đạo Tuyên ở Nam Sơn chút ít. Ngài là người thông nhập giáo nghĩa Thiên Thai nhưng lại lấy pháp môn Tịnh độ làm quy hướng. Cho nên từ đây Luật tông cùng với Thiên Thai, Tịnh độ tương thông dung hợp nhau, vì vậy Ngài được mọi người coi là nhân vật cự phách của tư tưởng Thiên Thai, Tịnh độ. Đến đời Dân quốc về sau, pháp âm của ngài được pháp sư Hoằng Nhất tiếp nối lưu truyền.

Luật sư Nguyên Chiếu ban đầu rất tâm đắc câu nói của ngài Huệ Bố: “Tây phương Tịnh độ tuy là nơi thanh tịnh, nhưng không phải là sở nguyện của tôi về. Nếu ở trong hoa sen hưởng lạc 12 kiếp, sao bằng đi vào chốn cực khổ tam đồ để cứu độ chúng sanh”. Sau ngài gặp cơn trọng bệnh, đọc qua cuốn Thập nghi luận của Thiên Thai Trí Giả, từ đó mới chuyển sang sùng tín pháp tu Tịnh độ. Lại cũng từ khi xem qua quan điểm về chuyên tu, tạp tu của ngài Thiện Đạo mà ngài vững lòng tin chuyên trì danh hiệu Phật. Ngài thường sám hối tội lỗi ngày trước đã từng chê bai Tịnh độ và phát nguyện hoằng dương Tịnh độ phổ hóa quần sanh.

Trên đây là nói đời Tống, đến đời Minh niên hiệu Vạn Lịch, có pháp sư U Khuê Truyền Đăng là người trấn hưng Thiên thai giáo quán, nổi bậc nhất đời Minh. Ngài có những sáng tác rất phong phú và ảnh hưởng lớn trong việc hoằng dương Tịnh độ. Có thể thấy yếu chỉ của ngài trong bộ “Sanh vô sanh luận”, được ngài Ngẫu Ích tuyển vào trong Tịnh độ thập yếu, nhằm phụng trì truyền thừa tông Thiên Thai mà luận lập ra 10 môn: 1. Chơn pháp giới; 2. Thân độ duyên khởi; 3. Tâm độ tương ấn; 4. Sanh Phật bất nhị; 5. Pháp giới vi niệm; 6. Cảnh quán tương thông; 7. Tam quán pháp nhĩ; 8. Cảm ứng nhậm vận; 9. Bỉ thử hoằng nhất; 10. Hiện vị hổ tại. Ngài đem cánh quán viên dung của Thiên Thai dung nhiếp vào một câu A-di-đà Phật. Ngài có soạn bộ “Tịnh độ pháp ngữ” thật quí giá cho hành giả Tịnh độ. Có thể gọi pháp sư là ngọn đuốc sáng của tư tưởng Thiên thai giáo quán tu Tịnh độ.

Đại sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc cùng với Liên Trì, Tử Bách, Hám Sơn là 4 vị đại sư lừng danh sáng chói cuối đời Minh. Lý giải Phật học của ngài rất uyên thâm sâu sắc, học vấn phong phú bác học, nhưng chỉ chuyên hạnh nguyện niệm Phật vãng sanh. Lúc đầu ngài không học chuyên nhất tông nào, sau này là người đích truyền của tông Thiên Thai, đồng thời cũng được suy tôn là Tổ thứ 9 của Tịnh độ tông. Với việc hoằng dương Tịnh độ, ngài có soạn bộ “Di-đà yếu giải” là một tuyệt tác. Ngài đã tuyển kinh “Di-đà yếu giải” này và “Tịnh độ hiệp luận” của cư sĩ Viên Trung Lang vào trong bộ “Tịnh độ thập yếu”. Lại được đệ tử của ngài là pháp sư Thành Thời Kiên Mật, phụ thêm lời bình rất tinh tế và khắc bản lưu hành ở đời, là bảo điển (bộ sách quý) tinh túy của Tịnh độ tông.

Tiếp đến có ngài Triệt Lưu Hành Sách pháp sư ở chùa Phổ Nhân, Cô Sơn. Ngài sống vào giữa thời Thuận Trị và Khang Hy nhà Thanh. Ban đầu ngài cũng từng học qua Thiên thai Giáo quán, sau đó chuyên tu Tịnh độ, tinh cần miên mật không kể ốm đau, làm chỗ tín tâm cho đại chúng. Ngài có lưu lại ở đời bộ “Tịnh độ cảnh ngữ” và “Thất kỳ quy thức”, mỗi bộ một quyển, tuy văn phong không bóng bảy nhưng đó là những lời giảng tinh túy để cảnh tỉnh mọi người. Theo ngài, trong hai pháp môn Thiền hoặc Tịnh chỉ chuyên nhất mà hành trì, không cần phải kiêm tu cả hai. Từ đời Thanh, Phật giáo Trung Quốc lấy bảy pháp niệm Phật trong “Thất kỳ quy thức” của ngài để làm nền tảng tu tập. Đến thời cận đại gần đây, ngài Ấn Quang pháp sư đã suy tôn ngài là Tổ thứ 10 của Tịnh độ tông, ý tưởng này đáng trọng vọng.

Ở Hàng Châu, chùa Phạm Thiên có pháp sư Tỉnh Am Tư Đề, sống giữa đời Ung Chính và Càn Long nhà Thanh. Ngài là người đích truyền của Thiên Thai, thuộc thế hệ thứ 4, sau ngài Linh Phong Trí Húc. Cư sĩ Bành Nhị Lâm đã biên tập những ngữ lục của ngài và ghi lời tựa, văn nghĩa rất thâm thúy. Đặc biệt có bài văn “Khuyến phát Bồ-đề tâm”, mang nhiều tâm huyết của ngài đối với Phật giáo đương thời và bổn văn đã được truyền tụng rộng rãi xưa nay. Trong đó có nhân duyên thứ chín là cầu sanh Tịnh độ, Ngài nói: “Tu hành ở cõi này thật là khó tiến đạo, vãng sanh về cõi Tây phương thì dễ dàng tu thành Phật quả. Gieo hạt giống Bồ-đề, chăm sóc bằng pháp tu niệm Phật thì đạo quả tăng trưởng tự nhiên. Nương theo thuyền đại nguyện bằng pháp tu Tịnh độ để vượt qua biển khổ sanh tử, Tây phương quyết định vãng sanh”. Ngài đã phát huy được tông chỉ trọng yếu của Tịnh độ.

Tại chùa A-dục vương ở Ninh Ba, ngài đã lập ra lễ hội cúng dường xá-lợi Phật, nhằm vào ngày kỷ niệm Phật Niết-bàn. Lễ hội dâng lên rất nhiều cúng phẩm cao sang cùng biết bao là kim bảo trân châu quí báu. Cho đến bây giờ (thời điểm tác giả), một số vật phẩm này vẫn còn lưu giữ chưa hư. Người đời sau đã suy tôn ngài là Tổ sư của Tịnh độ.

Các bổn văn sách thư tịch liên quan đến tư tưởng Thiên Thai, Tịnh độ đứng đầu là “Tịnh độ thập nghi luận”, đây là bộ yếu luận để hoằng dương Tịnh độ của ngài Trí Giả đại sư. Vào đầu đời Tống, có pháp sư Trừng Úc soạn “Thập nghi luận chú”, pháp sư Tán Ninh là vị Tăng chánh (Tăng thống) tu chỉnh “Tục cao tăng truyện” và ghi lời tựa, hiện được lưu tồn trong Tục Tạng.

Lại có bộ “Lạc bang văn loại” gồm năm quyển, do pháp sư Thạch Chi Tông Hiểu trong hệ Tứ Minh (Tứ Minh Tri Lễ, thuộc tông Thiên Thai) biên soạn vào đời Nam Tống. Quyển đầu ghi chép những yếu nghĩa của kinh luận, quyển 2 gồm những bài văn tán, những lời tựa, lời bạt …, quyển 3 gồm những truyện ký liên quan đến Sư TổTịnh độ cùng với 5 vị Tổ kế truyền của Trung Hoa. Quyển 4 là đủ thể loại bài viết, quyển 5 là những bài phú, bài minh, bài kệ, tụng, thi, từ … Ngoài ra ngài còn có 2 cuốn di cảo Tổng hợp những gì còn sót lại từ 5 quyển trước. Đây là những bản văn hiến Tịnh độ tập thành, ngoài những bản chú sớ kinh luận Đại thừa trước thời Nam Tống. Trong quyển 2 có phần “Viên dung tứ độ tuyển Phật đồ”, nằm trong “Thập môn cáo giới” của pháp sư Côn Sơn Tử Nguyên soạn đầu đời Nam Tống.

Tử Nguyên hiệu là Vạn Sự Hưu, ngài chuyên tu Tịnh nghiệp (Tịnh độ). Năm Càn Đạo thứ 2, vua Cao Tôn thỉnh ngài về điện Đức Thọ để thuyết giảng pháp môn Tịnh độ, lại ban sắc hiệu cho ngài “Khuyến Tu Tịnh Nghiệp Bạch Liên Đạo Sư Từ Chiếu Tông Chủ”.

Lại có bộ “Tịnh độ chỉ quy tập” gồm 2 quyển, nghĩa lý được phân ra thành 10 môn, do pháp sư Đại Hữu biên tập ở chùa Bắc Thiền tại Tô Châu, giữa đời Nguyên, Minh. Đại Hữu cũng từ Thiên thai giáo quán chuyển tu theo Tịnh độ. Trong Chỉ quy tập, phần thứ nhất trình tự lập đồ những vị của Liên tông. Ngài Tông Hiểu đã lập ngài Huệ Viễn đến ngài Tông Trách, là tám vị Tổ sư đầu tiên của Tịnh độ tông. Ngoài ra những phần khác của bổn văn cũng là những điều quan trọng. Bài “Tứ liệu giản” của ngài Vĩnh Minh cũng được đưa vào Đệ tam Pháp tướng môn (cửa Pháp tướng thứ ba). Vả lại cùng với cuốn “Quy nguyên trực chỉ” đã phá những tư tưởng tính, mạng song tu … thuộc loại tà thuyết của Tiên đạo. Có thể thấy Tiên đạo … đã manh nha xuất hiện trước thời điểm này.

Cuốn “Tây phương trực chỉ” do cư sĩ Lục Điền Nhất Niệm soạn, trong lời tựa có đoạn: “Viên Trung Lang soạn bộ ‘Tây phương hiệp luận’, là để nói với người tham thiền, chưa ngộ; nay tôi cũng soạn bổn sách này, cho những ai chưa từng nghe đến cõi Tây phương và chất phác giản lược sự tiến tu trong pháp niệm Phật, cùng kinh luận của chư vị Tổ sư, làm chỗ chỉ quy và sự chứng nghiệm từ việc chuyên trì giới luật của các ngài”.

Vào thời Đạo Quang nhà Thanh, có pháp sư Ngộ Khai trú ở chùa Bảo Tạng, dưới núi Linh Nham, lấy pháp môn Tịnh độ tự hành hóa độ tha. Ngài có soạn bộ “Tịnh nghiệp tri tân”, “Niệm Phật bách vấn”,rất khế hợp với căn cơ quần sanh. Ngài cũng soạn bộ “Liên tông chánh truyền” từ sư TổViễn Công (Huệ Viễn) đến Tổ thứ 11 là Triệt Ngộ.

Trên đây là những vị Tổ sư, chư Hiền đức xuất phát từ Thiên thai giáo quán chuyển tu Tịnh độ và những trước tác của họ.

 

3. Từ Hiền thủ quán chuyển tu Tịnh độ. 

Tông Hoa nghiêm hiền thủ vào cuối đời Đường bị suy vi, đầu đời Tống tuy có phục hưng nhưng không phát triển lắm. Xưa có ngài Viên Chứng pháp sư soạn bộ “Hoa nghiêm niệm Phật Tam-muội vô tận đăng”, đời Tống, cư sĩ Phạm Thành Đại đã ghi lời tựa và lưu hành. Bổn sách này đã bị thất truyền. Nên từ tư tưởng Hiền thủ giáo chuyên tu Tịnh độ, nổi bậc và trác tuyệt nhất là đại sư Châu Hoằng hiệu Liên Trì ở núi Vân Thê. Người nghiên cứu giảng giải giáo nghĩa Hiền Thủ vào cuối đời Minh cũng có ngài Tuyết Lãng … từ đó mà dần dần hưng thịnh. Bộ “Ngũ giáo nghi” sau được ngài Liên Trì biên tập, nên trong cuốn “Di-đà sớ sao”, Ngài đã lấy tư tưởng trong cuốn “Hoa nghiêm sớ sao” làm thành “Gia pháp”11. Đại sư Liên Trì cũng là người rất trọng giới luật, sau này tên tuổi của ngài vang danh bên Luật tông cũng như bên Hiền thủ tông và cả Tịnh độ tông. Ngài cũng từng tham Thiền ngộ nhập, nhưng không dựa theo Thiền Tịch (tĩnh tâm tư duy) mà chỉ chuyên tu niệm Phật, khi bắt đầu khai sơn chùa Vân Thê. Bộ “Vân thê pháp vị” của ngài trên 100 quyển, là đứng trên giáo lý Hiền thủ tông mà khuyên hành Tịnh độ tông, dung thông giáo nghĩa Thiền tông, Luật tông và các giáo nghĩa khác. Ngài không chỉ là người xướng minh đắc lực làm cho Tịnh độ Tông phát triển cuối đời Minh mà còn là bậc chân tu viên đốn trong Tịnh độ tông xưa nay. Pháp tu “Niệm Phật thất”12, khi lễ Tổđến nay, người ta phần nhiều đều hướng đến Bát tổ(Tổ thứ tám) Vân Thê Liên Trì mà đảnh lễ. Mọi người đến với Ngài hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên. Bộ “Tịnh độ phát nguyện văn” và “Chú tứ thập bát nguyện vấn đáp Tịnh độ nghi biện” là những bổn sách đặc biệt thiết yếu.

Có ông Bành Tế Thanh cũng gọi là Thiệu Thăng hoặc cư sĩ Nhị Lâm, là người kế thừa tư tưởng Hoa nghiêm giáo nghĩa, hoằng dương Tịnh độ. Tăng sĩ của Hiền thủ tông bấy giờ nghiên về Thiền tông mà không hoằng dương Tịnh độ, cho nên đời Thanh duy nhất có ngài Tăng Lâm giảng Di-đà sớ sao, ít có Tông sư kế thừa tư tưởng Hiền,Giáo và tu tập và hoằng dương Tịnh độ. Nhưng trong hàng cư sĩ không kém phần quan trọng, đó là cư sĩ Nhị Lâm, người nổi danh từ trước đến nay. Đối với giáo pháp các tông ông đều thấu triệt, ông trước tác rất phong phú đa dạng, dùng tư tưởng Hoa nghiêm mà xướng hành Tịnh độ. Trong đó có cuốn “Hoa nghiêm niệm Phật tam-muội luận” là bộ sách đại biểu. Ông còn soạn “Cư sĩ truyện”, “Thiện nữ nhân truyện”, “Nhất thừa quyết nghi luận”, “Niệm Phật cảnh sách Tịnh độ thánh hiền lục” là những bộ yếu điển của Tịnh độ tông. Còn về thơ văn thì có “Nhị Lâm cư sĩ thi văn tập” v.v… không chỉ có một. Cùng sánh bước với ông có Uông Đại Thân, La Hữu Cao … nhưng hai vị này sự chuyên cần không bằng ông. Ông đỗ tiến sĩ đời vua Càn Long, văn chương của ông cũng sáng tác vào thời này. Ông cũng từng thư từ với Viên Tùy Viên13 để luận bàn Phật pháp. Ông có ân lớn trong việc hộ trì hoằng dương Tịnh độ. Bộ “Tỉnh am ngữ lục” cũng do ông biên soạn, là bộ sách thành công lớn của Tịnh độ tông và trong phong trào trùng hưng Phật giáo đời Thanh. Ngài Liên Trì, Ngài Tỉnh Am và cư sĩ Nhị Lâm đều có công lớn trong sự hoằng dương Tịnh độ.

Lại có cư sĩ Dương Văn Hội hiệu Nhân Sơn, người Thạch Đại, ông có hạnh nguyện khắc ấn kinh sách Nhật Bản (Vạn tự tạng kinh) sau khi trở về nước. Ông cũng phục hưng tinh thần Phật giáo Ấn Độ, thiết lập ra tinh xá Kỳ Hoàn (ngay chỗ khắc kinh sách). Tôi (Thái Hư) cũng đã từng theo học ở đây. Cư sĩ Nhân Sơn đã sớm nối công danh vào giữa đời Đồng Trị và Quang Tự nhà Thanh. Ông lập ra “Kim Lăng khắc kinh xứ” (chỗ khắc kinh tại đất Kim Lăng) giữa đời Quang Tự và Tuyên Thống, nhà Thanh, nhằm hoằng dương Phật pháp. Hiện nay các học viện Phật giáo Chi Na (Trung Quốc) đều do ông thiết lập ra. Cho nên có thể nói ông là ngôi sao sáng nhất trong phong trào trấn hưng Phật giáo vào thời cận đại. Ông đã từng giảng giải giáo lý Hiền thủ tông nhưng chuyên thực hành niệm câu “A-di-đà Phật”, dốc lòng tu tập pháp môn Tịnh độ trên 10 năm không gián đoạn. Ông đã cảm hóa được nhiều danh sĩ đương thời, ảnh hưởng của ông đến các nước Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bổn. Những công trình sáng tác của ông không nhất định theo một quan điểm tông phái nào. Có lúc ông cùng với pháp sư Huyền Nhân luận đàm về nghĩa lý kinh Pháp Hoa, có lúc ông cùng sư Tăng Nhật Bản, đàm luận giáo nghĩa Chơn tông, mỗi mỗi ông đều có cái nhìn thấu triệt.

Trong khoảng thời gian từ Bành Nhị Lâm đến Dương Thạch Đại lại có Ngụy Mặc Thâm, Vương Canh Tâm … là những người cùng thời đã soạn ra “Tịnh độ báo ân luận”, đều là đồng hương với Trầm Thiện Đăng, cũng từng thư từ vấn đáp với hội Cư sĩ.

Lại có Viên Triệu Loan tu theo Liên tông, soạn bộ “Khởi tín lục” nhưng nghĩa lý sơ sài. Chỉ có pháp sư Ngộ Hòa là truyền lại được tinh yếu cho hậu nhân.

Trong những bộ sách của tư tưởng Hiền Thủ tu Tịnh độ, có bộ “Tịnh độ tư lương toàn tập”, do cư sĩ Trang Quảng Hoàn tự Phục Chơn, là người thân cận kế thừa tư tưởng ngài Liên Trì mà soạn ra. Toàn văn gồm có 6 chương, phân ra 6 quyển, nội dung rất phong phú. Bộ “Tịnh độ thần chung” gồm 10 quyển, do cư sĩ Châu Quang Phục soạn vào đời Thuận Trị nhà Thanh, ông cũng là người được ngài Vân Thê Liên Trì hóa độ. Đây là bộ sách có giá trị rất lớn đối với Tịnh độ tông, so với bộ “Tư lương toàn tập” thì văn nghĩa đầy đủ xác đáng hơn.

Bộ “Tây quy trực chỉ” do pháp sư Ấn Quang ấn hành, nó nằm trong bộ “An sĩ toàn thư”. An Sĩ người họ Chu tên là Mộng Nhan, sống vào đời Khang Hy, ông đã soạn ra các bộ như: “Dục hải hồi cuồng chỉ dâm”, “Vạn thiện tiên tư giới sát” … Những bản văn này đều lấy Tây phương Tịnh độ làm chỗ đi về (quy thú). Văn chương tuy giản dị nhưng nội dung không kém gì với cuốn “Tây qui trực chỉ”. Ông cũng có soạn bộ “Khởi tín tạp thuyết” một quyển, khuyên mọi người phá trừ lòng nghi và khởi tín tâm đối với Tịnh độ. Đồng thời cũng có bộ “Tịnh độ thiết yếu” (cùng tư tưởng) do cư sĩ Chơn Ích Nguyện sống giữa đời Đạo quang và Hàm Phong (nhà Thanh) soạn ra.

Những điều thiết yếu của Tịnh độ tông xưa nay còn có khuyên đến vấn đề căn bản, đó là xem trọng về nhân luân đạo đức, như: Vua phải có lòng nhân đạo, quan phải có lòng trung kiên, cha phải có lòng từ, con phải có tâm hiếu thảo … đây cũng là bổn ý của pháp sư Ấn Quang sau này.

Lại có bộ “Tu tây tập yếu” được pháp sư Phục Am ở Hàng Châu biên tập vào đầu đời Quang Tự. Ngài cũng là người thuộc dòng hóa độ của ngài Vân Thê Liên Trì.

Trên đây là lược nói khái quát một số chư vị Tổsư có tư tưởng dung hòa Giáo, Luật và từ Thiền tông chuyển tu Tịnh độ, từ Thiên thai tông chuyển tu Tịnh độ, từ Hiền thủ giáo chuyển tu Tịnh độ. Song thực chất ba dòng tu này không có ranh giới phân chia. Vì chư Tổ ở trên đều là những người thông đạt Thiền tông, đồng thời cũng thấu suốt Giáo, Luật của Thiên Thai và Hiển Thủ. Tuy nhiên mỗi tông đều có những vị nổi bậc siêu quần riêng. Từ Thiền tông chuyển tu Tịnh độ thì có ngài Vĩnh Minh (Tổ thứ 6) và Triệt Ngộ (Tổ 12). Từ Thiên Thai chuyển tu Tịnh độ có 4 vị đó là Tổ thứ 7 Viên Tịnh (Tĩnh Thường), Tổ thứ 9 Ngẫu Ích (Trí Húc), Tổ thứ 10 Phổ Nhân (Hành Sách), Tổ thứ 11 Tỉnh Am (Thật Hiền). Bên Hiền Thủ chuyển tu Tịnh độ có Tổ thứ 8 là đại sư Vân Thê Liên Trì.

 

4. Đoạt Thiền, siêu Giáo, Luật, tu Tịnh độ. 

Thiền Tông bản chất vốn là vượt trên Giáo, Luật, còn tinh thần lìa Thiền, thấu Thiền tu Tịnh độ thì rất xem trọng Giáo và Luật, đồng thời dungnhiếp với nhau nên từ đó mà có sự trái ngược với nguồn gốc Thiền tông. Đến giai đoạn này Thiền tông nguyên bản đã bị suy vi và chuyển hướng sang tu Tịnh độ. Và vốn đã mang tinh thần vượt ngoài Giáo, Luật, thấu Thiền, nên có sự hình thành quan điểm mới, là chỉ độc nhất niệm câu “Nam Mô A-di-đà Phật”.

Pháp sư Huyền Nhân (người đã từng đàm luận với pháp sư Ấn Quang) nói vui rằng: “Xưa kia, Huyền Trang Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh về, qua sông, kinh rơi xuống nước bị ướt hết, đem lên bờ phơi trên tảng đá, bị con rùa bò đến ăn hết sạch, chỉ còn lại 4 chữ A-di-đà Phật”.

Nhưng sương móc mà muốn đông thành đá thì không thể một sớm một chiều, ở đây niềm tin vào đức Phật A-di-đà cũng vậy, quay về cội nguồn ban sơ ta có thể phân lược ra các phần sau đây. 

a. Gốc chuyển hướng:

Ngài Thiện Đạo kế thừa ngài Đạo Xước, mạnh dạn đề xướng quan điểm tất cả các pháp môn của Phật Pháp: Nếu tu tự lực nên rất khó hành trì (Nan hành), duy chỉ pháp môn Tịnh độ là tha lực nên dễ hành trì (Dị hành). Ngài cũng giải mở các nghi hoặc cho mọi người về pháp “Tam giai”14 và tín ngưỡng đức Di-lặc. Ngài cho rằng đối với các pháp toạ thiền, giảng kinh, trì giới, hành lục độ … Thì pháp niệm Phật thù thắng gấp trăm ngàn vạn lần. Vì phương pháp chuyên trì danh hiệu này, nếu nhớ số một cách tỉnh giác thì có thể loại trừ tạp niệm. Đó là nói về khởi gốc ban đầu. Sau này đến đời Ngài Vĩnh Minh cũng đặt nặng pháp trì danh hiệu nhớ số (niệm Phật nhớ số đếm). Trong “Tứ liệu giản”, quan điểm vô Thiền hữu Tịnh độ và hữu Thiền vô Tịnh độ khác xa nhau một trời một vực. Trong bộ “Kính trung kính hựu bộ kính” của Thừa tướng Tịnh Chi Thanh đời Tống có nói: “Người ta cho rằng tu Tịnh độ không bằng tu Thiền theo Giáo, Luật là phương tiện giúp hành giả nhân pháp môn này mà đi đến mục đích giác ngộ”. Phật Vô Lượng Thọ chỉ đưa ra một pháp môn gọi là tu Tịnh độ. Như căn bệnh mới phát khởi thì dễ dàng chữa trị dứt hẳn, cũng như cứ chuyên tâm trì niệm Phật danh, đừng có hỏi rằng sao cả Tăng lẫn tục đều có thể hành trì được. Phải nên biết rằng, vì để hoá độ hàng phàm phu tục tử ngu si thiển cận nên mới nói ra, nhưng kỳ thật đây chính là lối tu tắc dễ dàng thành Phật. Người không tu Thiền dựa theo Giáo, Luật mà đắc được giới, định, tuệ thì có pháp môn nào ngoài pháp môn Tịnh độ này? Không cần phải dùng gậy (pháp khai thị của thiền sư Đức Sơn), không cần phải dùng đến tiếng thét (pháp khai thị của thiền sư Lâm Tế) mà vẫn đạt đến chỗ đốn ngộ viên mãn. Không cần phải xem hết Đại tạng kinh mà vẫn có được con mắt chánh pháp. Đâu cần hành trì bốn oai nghi mà vẫn dạt được đại tự tại … Đến lúc này thì giới, định, tuệ là gì ? Thiền, Giáo, Luật, là gì? Tâm ta tâm Phật làm gì có sự sai biệt? Đây là chỗ đạt đến cùng tột pháp tu Tịnh độ vậy”.

Các vị Tổ sư: Ngài Ưu Đàm, Diệu Hiệp, Thiên Như, Liên Trì, Ngẫu Ích, Hành Sách, Triệt Ngộ … cũng đề xướng quan điểm như vậy. Ngài Triệt Ngộ nói rằng: “Pháp môn Tịnh độ ban đầu không cần ngộ nhập, sau cùng không cần phát huệ; không cần sám hối nghiệp chướng, không cần phải đoạn trừ phiền não”, là pháp môn cực kỳ thiết yếu, cực kỳ ngắn gọn mà khi chứng nhập thì thật là bao la rộng lớn, là pháp môn rất dễ hành trì. “Một câu A-di-đà không xen lẫn tạp duyên nào khác, thập niệm công thành thì đốn siêu nhiều kiếp; không tu pháp môn này thì khác gì gỗ đá! Chê pháp môn này tu pháp môn khác thì không phải hạng cuồng cũng là hạng si mê!”. Đây thật là lời nói thẳng. Song, với những quan điểm của chư Tổở trên chẳng xoá được mối nghi, nhưng cũng tạo niềm tin vững chắc cho hàng học giả, không để mọi người xem thường các pháp môn tu khác. 

b. Nhân thiết yếu:

Người theo học ngài Ngẫu Ích là pháp sư Thành Thời Kiên Mật, ghi lời tựa bộ “Tịnh độ thập yếu”, có đưa ra ba điều quan trọng:

a. Sáu chữ Hồng danh trong mỗi niệm đầy đủ sự an lạc, thì như người tù vừa ra khỏi ngục, vội vàng rời khỏi vương gia. Người ấy trong mỗi bước mỗi bước đều vui mừng hớn hở, muôn việc ăn uống ngủ nghỉ được tự do, các điều buồn khổ đau đớn không trở lại nữa. Người niệm phật hãy quán mình hoá sanh đang ngồi trong hoa sen, được hưởng hương vị giải thoát. Và nghĩ đến loài giòi, bọ, ruồisinh sản nơi ẩm thấp hôi hám, gặp biết bao sự chết chóc đáng thương thay.

b. Tham Thiền không thể không tu Tịnh độ, vì để phòng khi tâm thối chuyển sa đoạ không sợ gặp cảnh ghê lòng. Nếu cho rằng Tịnh độ không hoà nhập được với Thiền thì ý kiến này bị nhị môn, loại bỏ. Nếu luận các tông khác thì vào thời xưa đâu cần phải thay tông đổi phái, duy chỉ gia tăng các phương tiện thiện xảo để hồi hướng công đức. Thời bấy giờ các phương tiện ấy chỉ là trợ hạnh, điều cần thiết là gắng sức chuyên tu Tịnh nghiệp, như người uống nước lạnh nóng tự mình biết lấy, có gì tranh luận nhau.

c. Một câu A-di-đà nếu không đại triệt ngộ thì không thể thấy được công năng mầu nhiệm, đối với hạng hạ căn ngu si thì công ấy cũng không phải là kém thiếu. Một số người có sự phân biệt cao thấp thì đó là dấu hiệu của ma vương đại pháp. Pháp niệm phật quí ở chỗ nhất tâm thọ trì, chỉ nương theo câu A-di-đà thì đạt sự giác ngộ hy hữu.

Y theo những điều trên tự tập và hoá độ thì: 1. Không cần thực hành vạn hạnh, 2. Không cần tham Thiền, 3. Không cần học cao hiểu rộng!

Giữa đời Đồng Trị và Quang Tự nhà Thanh, có pháp sư Ngọc Phong Cổ Côn (Ngài đã kiến lập chùa Di-đà ở Hàng Châu, khắc kinh vào đá. Năm Quang Tự thứ 10, ngài Tịnh Quả chùa Tây Phương tại Vấn Khê, lễ thỉnh ngài đến sống trọn đời ở đây. Tại chùa Tây phương này vào năm Quang Tự thứ 33, tôi ‘Thái Hư’ mới bắt đầu nghiên cứu Đại tạng), chuyên trì phụng hành 3 điều đại yếu ở trên. Ngài cùng các học giả Diệu Năng Chiếu Oánh … soạn các sách: “Tịnh độ tuỳ học”, “Tịnh độ tất cầu”, “Liên tông tất độc”, “Tịnh độ thần châu”, “Tịnh nghiệp thống sách” … Bằng nguyện lực tha thiết, lòng tin sâu dày, đặt nặng ở pháp trì danh đếm số, Ngài nói trì danh mà không đếm số thì chưa gọi là “tín thâm nguyện thiết” (Tin sâu nguyện rộng). Bộ kinh Di-đà được khắc trên đá bằng chữ của cư sĩ Trầm Thiện Đăng, ông cũng là người thọ trì theo quan điểm của ngài.

Trầm Thiện Đăng có học vấn rất uyên bác. Ông đã soạn bộ “Báo ân luận” gồm 4 quyển, có 25 điều giải đáp các câu hỏi khác nhau. Ông là người hộ trì chánh pháp và hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Ông gọi Phật giáo và Nho giáo là hai tôn giáo không mang tính giáo điều. Ông đã từng sang Tây Âu du học và cũng từng thư từ qua lại với cư sĩ nổi danh Dương Văn Hội để tìm cầu nghiên cứu Phật học bằng Nhật văn, Anh văn, Phạn văn. Ông cũng bổ sung tu chỉnh thuyết “Nhứt pháp trị tứ bệnh15” của pháp sư Ngọc Phong, nó cũng có tên là “Niệm Phật tứ đại yếu quyết”. Ông nói niệm Phật phải cần có sự ham muốn về Tịnh cảnh. Nếu ai tham Thiền sợ vọng tưởng, cầu nhứt tâm để trị tứ bệnh thì dùng một pháp gọi là niệm Phật phát tiếng nhớ số. Mỗi ngày nên định số mà niệm, niệm cho ra tiếng trọn đời không thay đổi, ấy là người có “tín thâm nguyện thiết”. Gọi Tịnh cảnh là Tứ thiền Bát định thì có kệ rằng:

Xưng danh vi động

Tọa Thiền vi tịnh

Xả động thủ tịnh 

Đọa khanh lạc tỉnh

(Niệm phật là động

 Tọa Thiền là tịnh

 Bỏ động lấy tịnh

 Rơi vào hố lửa)

Tham quán chữ ‘Thuỳ” thì khác nào người cưỡi lừa mà đi tìm lừa16,kệ rằng:

Niệm phật vi trực

Tham thuỳ thị khúc

Xả trực thủ khúc

Hạt nhân thiên mục

Tạm dich:

Niệm phật là đường thẳng

 Tham “Thuỳ” là đường cong

 Bỏ thẳng mà lấy cong

 Mù con mắt trời người.

Vọng tưởng không cần phải đoạn trừ, chỉ cần niệm niệm thường hằng, kệ rằng:

Đài hoặc siêu hoành

Đoạn vọng xuất thụ

Xả hoành thủ thụ

Di-đà khiếu khổ.

Tạm dịch:

Mang hoặc nghiệp vẫn vãng sanh

 Đoạn vọng tưởng siêu tam giới

 Bỏ vãng sanh cầu suất tam giới

 Thật khổ cho Phật A-di-đà!

Nhất tâm bất loạn đó chỉ là niệm Phật xuất thinh (niệm Phật ra tiếng) không ngừng nghỉ, kệ rằng:

Tán niệm vi dị

Nhứt tâm vi nan

Xả vị thủ nan

Qúa đầu cuồng đàm.

Tạm dịch:

Niệm ra thì dễ

Nhứt tâm là khó

bỏ dễ lấy khó

bị lỗi nói cuồng.

Qua những bài kệ trên ta thấy có những điểm: 1. Không cần tu định, 2. Không cần tham thiền, 3. Không cần chế phục đoạn trừ vọng tưởng, 4. Không cần nhiếp loạn về nhứt tâm. Đối với hạng “tín thâm nguyện thiết”, hạ thủ công phu bằng cách trì danh nhớ số một trường kỳ dài lâu và đặt nặng vào mỗi buổi sáng thức dậy phải tu pháp thập niệm. 

c. Quả giải thoát:

Từ các điều trình bày ở trên, hành giả làm căn cứ để tu tập đến khi thành thục thì kết quả đạt được thật lớn lao vô cùng. Ví như ngài Linh Nham Ấn Quang đại sư là Tổ thứ 13 của Tịnh độ liên tông (Theo sự sắp xếp của pháp sư Ngộ Khai thì Ấn Quang là Tổ thứ 12, nhưng vì pháp sư Ấn Quang đã lập ngài Hành Sách là Tổ thứ 10 sau cửu Tổ Trí Húc nên khi mạng chung đời sau đã tôn ngài thành Tổthứ 13).

Pháp sư Ấn Quang, kể từ năm thứ 5 thời Dân Quốc, trong thời gian sáu năm ngài rút lui các cuộc thuyết giảng, ẩn danh ở cuối đời Thanh nhưng có công lớn rộng hoá độ đầu đời Dân Quốc. Ngài vốn là người học theo Đạo nho, đã từng bài bác Phật giáo. Sau này ngài hướng đến đạo Phật và phát tâm xuất gia, bác Thông giáo nghĩa kiêm đạt tông môn trở thành bậc đại thông kinh sử. Tuy là bậc đại thông kinh sử nhưng lại khước từ việc giảng dạy vì không muốn người học trở thành đại thông kinh sử (sở tri chướng). Ngài chỉ đối với người hữu duyên thuyết những lời pháp ngữ và cũng tuỳ cơ ứng biến chứ không cố chấp như pháp sư Ngọc Phong. Song đối với một số người, ngài hoá độ như Lý Thiên Quế, ngài dùng 8 chữ “Lực đôn luân thường tinh tu tịnh nghiệp ,” (Kính trọng luân thường, chuyên tu tịnh nghiệp) để làm kim chỉ nam tu tập.

Trong bộ “Tịnh độ quyết nghi luận” của đại sư có đoạn: “Thuốc không ở chỗ quý hay tiện, trị bệnh bớt là tốt. Pháp không có cao thấp, khế hợp căn gọi là Diệu. Người thời xưa căn cứ lanh lợi, tri thức thù thắng như rừng, tuỳ theo đó mà chọn pháp tu thích hợp, đều có thể chứng đạo. Còn người đời nay căn cơ thấp kém, tri thức nghèo nàn, nếu bỏ pháp môn Tịnh độ thì không thể lấy đâu để giải thoát”.

Ngài có để lại chùa Đại Hưng Thiện, cuốn “Thể vọng thơ”, có ghi: “Giáo, Lý, Hạnh, Quả là cương yếu tông chỉ của Phật pháp. Nhớ Phật niệm Phật là con đường tắt để tu đắc đạo nhanh nhất. Ngày xưa tuỳ theo căn cơ tu một pháp là bốn pháp (Giáo, Lý, Hành, Qủa) đầy đủ, ngày nay nếu xả bỏ Tịnh độ thì quả chứng hoàn toàn là không. Bởi con người bấy giờ cách Phật cách Thánh đã xa, nhân căn hạ liệt. Nếu không nương theo Phật lực gia trì thì khó mà được giải thoát”.

Pháp sư Ấn Quang gọi pháp môn Tịnh độ dung nhiếp được các căn cơ thượng trung hạ, vượt xa Giáo, Luật, Thiền tông. Thật chư Phật đã hết sức thương sót chỉ bày cho chúng sanh thấy được thể tánh xưa nay, hội Tam thừa, Ngũ tánh17 đồng quy về Tịnh cảnh, trên Thánh dưới phàm đồng chứng chơn thường. Chúng sanh trong chín cõi mà lìa pháp môn Tịnh độ này thì trên không thể viên thành Phật Đạo. Thập phương chư Phật mà bỏ pháp môn này thì dưới không thể khắp lợi quần sanh. Chư Phật, Hiền Thánh xưa kia ai ai cũng đều hướng về. Thiên chương vạn luận mỗi mỗi đều lấy đó làm chỗ chỉ quy. Kể từ khi hội Hoa nghiêm trở lại thì chư Phật, Bồ-tát ở tận Thập phương thế giới hải đều cầu sanh Tịnh độ. Từ tinh xá Kỳ Viên, Phật diễn thuyết pháp môn Tịnh độ, rồi về sau, tất cả các trước tác từ Tây thiên đến Đông độ cuối cùng đều quay về Tịnh độ lạc bang. Đối với đạo đức luân lý đời thường, mỗi người phải gắn với bổn phận và trách nhiệm như cha phải có lòng từ, con phải có tâm hiếu thảo, anh phải thân thiện, em phải cung kính, chồng xướng vợ họa … . Luôn có tinh thần “Chủ kính tồn thành, khắc kỷ phục lễ” và các điều ác chớ làm, gắng làm các điều thiện, nhân tốt thì quả đẹp, nhất định thoát khỏi luân hồi, đồng thời tín nguyện niệm Phật cầu sang Tây phương. Tóm lại, ngoài việc cần giữ luân thường đạo lý thế gian, còn phải cố gắng niệm Phật để cầu sanh Tịnh độ.

Xem lại quan điểm của đại sư, ngài cho rằng “Kim thể nhân căn lậu liệt” (Đời này còn nhiều người thấp kém), thật chẳng phải thế thì cớ gì ngài là một nhà đại thông kinh sử mà chỉ chuyên nhất vào pháp môn niệm Phật thôi vậy? Pháp “Tam giai giáo” ngày xưa cũng chỉ cho hàng căn cơ hạ liệtcầu pháp, loại bỏ hết tất cả các Thiền, Giáo, Luật. Songkhông thể không biết rằng pháp niệm Phật là dành cho mọi căn cơ, tu đều có thể thành Phật. Người không tu pháp này đừng chê bai rằng pháp ấy chỉ cho người vô tri thôi.

Căn cơ người đời nay bị hạn cuộc, trừ pháp Tịnh độ ra còn các pháp môn khác đều không phù hợp. Đối với thế gian người ta lại tôn sùng học thuật nghi lễ đạo nho, cho nên các luật nghi giới thiện của Phật giáo không hoằng dương, mà điều thiết yếu cho phật pháp bấy giờ chỉ tồn tại niềm tin chơn chánh và nguyện lực thiết tha niệm Phật A-di-đà. Người đời có thói quen hay ngăn cản việc xuất gia của hàng nam nữ, họ chỉ ra sự tiêu cực của hàng Tăng đồ, ấy cũng vì họ quá tôn sùng đạo lý luân thường của Nho gia làm đều tốt. Họ chỉ cần tu tín nguyện niệm Phật mang nghiệp vãng sanh, không cần phải tu ba môn tăng thượng giới, định, huệ. Tư tưởng này được đưa vào Chơn tông Nhật Bản và chuyển thành pháp hành Tịnh độ của người tại gia Nhật Bản.

d. Dòng lưu chuyển:

Dòng này bắt nguồn từ tư tưởng của đại sư Ấn Quang mà xác lập được niềm tin Di-đà Tịnh độ, cùng nguyện mạng chung vãng sanh. Thiện nam tín nữ mỗi ngày định khóa niệm Phật (hoặc chỉ tu thập niệm). Tuy nghiệp hoặc (phiền não) chưa hết còn mãnh liệt nhưng lúc lâm chung lại có sự chứng nghiệm vãng sanh, việc này đã nghe có rất nhiều người.

Nhưng nguyện là phải nguyện đến chỗ hành vô hành, hành chỉ cần niệm rõ hồng danh Di-đà, sựchứng nghịêm tướng vãng sanh phần nihều thuộc hàng tại gia. Sở dĩ họ chỉ y lời dạy của ngài Ấn Quang mà xác lập lòng tin, vì họ chỉ hoàn toàn tín nhiệm vào tha lực của Phật mà đạt được như vậy.

Nhật Bản các Nguyện tự18 được gọi là Chơn tông thuần tín tha lực, rất phát triển và sống động.

Giáo nghĩa Chơn tông được xếp thứ tự: Giải, Hạnh, Chứng, Tín.

Tín là thân tâm hoàn toàn uỷ nhiệm vào hồng danh Di-đà, an trí nơi Cực lạc nên không cần hạnh nguyện vậy. Tông ấy chỉ thuần ở chỗ tín thôi.

Nguyện là nương vào bổn nguyện của Phật A-di-đà, chính là chỗ tín nhiệm vào tha lực. Song mọi người nên hiểu rằng, vãng sanh không phải đến lúc mạng chung mà ở tại chỗ thâm tín, quyết tâm an trụ vào cảnh Lạc bang. Giữ được tâm này một cách liên tục thì đã vãng sanh Tịnh độ.

Hạnh tức là đã được vãng sanh Tịnh độ, rồi quay trở lại ứng hoá phổ độ nhân gian, chỉ tuỳ vào nhân gian quốc độ mà thực hiện việc giáo hoá thôi. Ví như tại Trung Quốc đã ảnh hưởng Nho học nên trong sự giáo hoá phải phù hợp với lối học tập và thực hành của Nho học. Đối với văn minh khoa học, triết học, nghệ thuật ngày nay thì trong sự hoằng hóa cũng phải phù hợp với học thuật của khoa học, triết học, văn học nghệ thuật. Cho nên, hàng Tăng đồ Nhật Bản đều hướng đến người tại gia hoằng hóa. Các trường đại học Phật giáo của họ, ngoài các môn về tôn giáo học còn kiêm thông các môn khoa học, triết học, văn học nghệ thuật là vậy.

Tịnh độ tông của Nhật Bản được truyền từ hệ ngài Thiện Đạo tại Trung Quốc. Sau đó trong quá trình phân hoá lại lưu xuất ra Thời Tông, dung thông với Niệm Phật tông. Nó cũng như Thiên thai tông và Hiền thủ tông của Trung Quốc, cũng chuyển sang Tịnh độ tông. Xét trở lại thì khác xa nhau lắm. Cho nên cư sĩ Dương nhân Sơn cực lực bài xích sự diễn xuất này. Song quá trình diễn biến đến chỗ đoạt Thiền siêu Giáo, Luật, tu Tịnh độ là chỉ tồn tại tinh thần tín nguyện niệm Phật, được ngài Thiện Đạo thực hành và lưu lại. Pháp niệm cũng như Không, Nguyện là chỉ lấy sự thuần tín, đặc thù là hình thành tinh thần thuần tín tha lực Phật A-di-đà của Chơn tông nhưng còn đợi đến khi mạng chung mới gọi là vãng sanh. Về Hạnh thì Chơn tông không tin rằng đã được vãng sanh rồi quay trở lại hoá độ lợi tha, tức không giống như quan điểm ngày xưa vậy. 

(Đại sư Thái Hư giảng. Đệ tử Quang Tông, Tánh Giác, Hoằng Bi cùng ghi lại).

 

 

--- o0o ---