Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

10

13 Tháng Giêng 201712:20 SA(Xem: 2764)
10

 

Luận sử tông Tịnh độ

  

Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

 

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch:  2548 - 2004
 

--- o0o ---
 

10.

ĐÀM LOAN VÀ ĐẠO XƯỚC

 Nguyên tác: Đại sư Diễn Bồi

Việt dịch: Thích Huệ Chí

Từ đệ nhất Tổ Liên tông là đại sư Huệ Viễn đến cận đại có đại sư Ấn Quang, Liên tông cộng tất cả 13 vị Tổ, điều này hầu như mọi hành giả Tịnh độ đều biết. Ngoài ra còn có hai vị đại sư là Đàm Loan và Đạo Xước, hai ngài không chỉ nổ lực hoằng dương Tịnh độ, mà còn cống hiến đặc biệt cho Tịnh độ, nhưng lại không có tên hai ngài trong chư Tổ Liên tông, điều này khiến cho mọi người rất khó lý giải. Căn cứ vào 13 vị Tổ Liên tông hiện tại mà xét, Trường An Quang Minh Thiện Đạo là vị Tổ thứ hai, nhưng tư tưởng của ngài hấp thụ trực tiếp truyền thừa từ hai ngài Đạo Xước và Đàm Loan chứ không phải bắt nguồn từ vị Tổ đầu tiên là ngài Huệ Viễn. Nhân vì thầy của Thiện Đạo là Đạo Xước, thầy của Đạo Xước là Đàm Loan, đến sự thọ pháp của ngài Đàm Loan lại từ ngài Bồ-đề-lưu-chi, đây mới chính là một mạch truyền thừa chơn chánh, nhưng chủ trương của ngài Thiện Đạo là do sức bổn nguyện của đức Phật mà được vãng sanh. Cõi Tịnh độ vãng sanh là Báo độ chứ không phải là Hoá độ, nhưng chủ thuyết của ngài Huệ Viễn là do nghiệp lực mỗi chúng sanh mà sanh về Hoá độ có tốt có xấu. Xét tư tưởng của hai Ngài thì thấy rất khác nhau. Hơn nữa pháp môn niệm Phật hoằng thông nhờ tha lực là do ngài Đàm Loan chủ trương ở Đông Ngụy mà Tịnh độ tông được thành tựu là do ngài Đạo Xước ở Bắc Tề! Cho nên tôi (đại sư Diễn Bồi) muốn giới thiệu sơ lược về nhị vị Đại đức Tịnh độ tông này.

Đại sư Huệ Viễn vãng sanh Tây phương vào năm thứ 12 niên hiệu Nghĩa Hy đời Đông Tấn (Tây Nguyên 416). Đại sư Đàm Loan thì sanh ở Nhạn Môn, năm đầu niên hiệu Thừa Minh đời Hậu Ngụy Hiếu Văn Đế (Tây Nguyên 476), hai ngài có một khoảng thời gian cách nhau 60 năm. Năm 15 tuổi, ngài Đàm Loan phát tâm xuất gia, đối với các môn nội và ngoại điển ngài đều nghiên cứu qua, nhưng đặc biệt đối với: Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận, Đại trí độ luận và Phật tánh luận, ngài lại có tâm đắc sâu sắc nhất. Đại tập kinh trong Đại tạng là kinh điển trọng yếu nói về lý rất sâu, ngài phát tâm chú giải bộ kinh Đại tập đó, nhưng việc vừa mới hoàn thành một nửa thì không may ngài lâm bệnh, không thể nào tiếp tục công việc được. Ngài nghĩ đến sanh mạng vô thường, đại nghiệp khó thành, cho rằng muốn thành tựu một sự kiện đại trọng này nếu không được trường sanh thì không thể nào thành tựu được. Do đó, ngài bắt đầu đi học đạo Tiên, mong nhờ vào Tiên thuật mà sau đạt được trường sanh bất lão, rồi trở lại hoằng dương Phật pháp. Khi ấy ở Giang Nam có người tên Đào Hoằng Cảnh tinh thông về đạo thuật, học giả nam bắc đều về đây học Tiên thuật rất đông, ngài Đàm Loan cũng đến núi Cú Dung (tỉnh Giang Tô), yết kiến lễ bái tham vấn vị này. Từ đây, ngài được Đào Hoằng Cảnh trao cho mười quyển kinh về Tiên thuật, rồi đến phương bắc để hạ thủ tu tập. Khi đi đến Lạc Dương tình cờ gặp ngài Bồ-đề-lưu-chi từ Bắc Thiên Trúc qua Hoa Hạ. Hai người luận đàm Phật pháp, nhân đây ngài Đàm Loan mới hỏi: “Trong Phật pháp có gì hơn thuật trường sanh bất tử của Đạo gia tiên kinh Trung Quốc không?”. Bồ-đề-lưu-chi nghe ngài Đàm Loan hỏi vậy, ngài liền biết sự nhận thức Phật pháp của ngài Đàm Loan còn nông cạn, bèn khai thị cho Ngài: “Đạo gia của Trung Quốc trình bày pháp trường sinh, thực tế không thể hy vọng gì. Dựa vào những gì ông học được, tuy nói có thể đạt được trường sanh nhưng không thể vĩnh viễn không chết được, rốt cuộc rồi cũng luân hồi trong sanh tử, chẳng làm sao giải quyết thực sự vấn đề sanh tử. Nhưng muốn chấm dứt dòng chảy sanh tử thì chỉ có dựa vào Phật pháp mà thực hành. Bây giờ tôi có bôï kinh Quán vô lượng thọ, tôi tặng ông, ông có thể dựa vào đây mà tu tập, nhất định ông giải thoát khỏi sanh tử”. Ngài Đàm Loan nghe lời phân tích khai thị của ngài Lưu-chi, bèn đem sách tiên thuật đốt đi, từ đó chuyên tu pháp môn Tịnh độ, và ngài nhận thức về Tịnh độ rất thâm áo. Ngài có trước tác bộ Vãng sanh luận chú, Lược luận an lạc Tịnh độ nghĩa, Tán A-di-đà Phật kệ … . Ngài hết sức xiển dương pháp môn niệm Phật, hoằng thông nhờ tha lực, tự lợi lợi tha phổ hoá rộng khắp.

Ai cũng biết ngài Long Thọ trước tác bộ luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, trong ấy có trình bày hai phương pháp dễ hành (dị hành) và khó hành (nan hành). Nói như thế này: “Phật pháp có vô lượng pháp môn, cũng như con đường thế gian, có dễ có khó, hành cước trên đường thì khổ nhưng ngồi thuyền đi trên nước thì dễ. Bồ-tát đạo cũng vậy, phải có sự siêng năng tinh tấn thực hành hoặc lấy niềm tin làm phương tiện thì dễ hành (dị hành)”. Siêng năng tinh tấn thực hành là phương pháp khó hành (nan hành) chẳng khác gì con đường bộ hành; phương tiện dị hành là phương pháp dễ cũng như đi thuyền trên nước. Đại sư Đàm Loan cũng dựa vào điều trình bày trên nên trong Vãng sanh luận chú mà thiết lập hai phương pháp dễ hành và khó hành, tất cả điều phán thích theo giáo pháp (phán đoán ý nghĩa và ý chỉ kinh luận) một đời của Như Lai. Căn cứ vào ý ngài Long Thọ nói rằng: Quốc độ Ta bà không có đức Phật ra đời, nên siêng năng tinh tấn tu đạo mới mong đạt thánh quả, đây mới là điều khó khăn cho nên mới gọi phương pháp khó (nan hành). Giả sử lấy nhân duyên tin Phật mà nguyện sanh Tịnh độ, như niệm Phật A-di-đà để vãng sanh cõi Cực lạc, rồi chứng thánh quả ở cõi Cực lạc, đó chính là phương pháp dễ hành (dị hành). Cho nên ngài Long Thọ đối với giáo pháp Như Lai mới phân ra như vậy. Nếu tuyên thuyết pháp môn Tịnh độ thì lấy kinh giáo Tịnh độ làm chỗ nương là dễ hành đạo (dị hành đạo). Nếu tuyên thuyết pháp môn khác, y vào những giáo pháp khác thì khó hành đạo (nan hành đạo). Cho đến phán giáo của Tịnh độ tông đại thể cũng xác định như thế. Đồng thời căn cứ vào phán giáo này chúng ta mới biết, nói đến pháp môn tu tập chỉ có pháp môn Tịnh độ là phương tiện trong phương tiện và trực tiếp trong cái trực tiếp, đơn giản trong cái đơn giản, dễ hành trong cái dễ hành, ai ai cũng làm được, cho đến niệm Phật xưng danh nhất niệm hồi hướng đều được vãng sanh. Vậy là trong Phật giáo Đại thừa đã khai sanh một tông phái đặc biệt. Nhưng tại Trung Quốc người đề xướng học thuyết này chính là ngài Đàm Loan chứ không phải ngài Huệ Viễn. Do vậy mà biết được, ngài Đàm Loan cống hiến cho Tịnh độ tông quả thật là lớn lao !

Pháp môn Tịnh độ mà ngài Đàm Loan chủ xướng cũng chính ngài tu tập, chiêm nghiệm và hành trì chứ không phải nói lý thuyết suông, cho nên khi ngài lâm chung có rất nhiều tướng đẹp hiện ra, truyền thuyết rằng: “Khi ngài lâm chung, Tăng, tục đều nghe nhạc điệu sáo đàn từ phía tây đến rồi lui về phía tây”. Nhờ vậy mà biết được ngài là một hành giả Tịnh độ đã vãng sanh Tây phương. Khi ngài biết trước mình sẽ lìa Ta bà về Cực lạc nên triệu tập đồ chúng đệ tử khẩn thiết dạy bảo: “Tứ sanh (thai, noãn, thấp, hoá sanh) chẳng có ngày dừng nghỉ, các khổ địa ngục há chẳng sợ sao? Chín phẩm Tịnh nghiệp lẽ nào không tu !?”. Chúng ta hiểu được những câu nói này, thật đáng làm điều răn cho mỗi người. Thử nghĩ và xét xem những câu dưới này: Các khổ địa ngục chẳng sợ, chín phẩm Tịnh nghiệp không tu thì sao có thể gọi là hành Tịnh độ? Lại sao có thể cao đăng liên phẩm?

Nay những ai niệm Phật theo những lời khai thị của đại sư Đàm Loan thật nên thể hội thâm thiết điều đó. Như trên đã nói, thuyết trì danh niệm Phật vãng sanh Tịnh độ đặc biệt được ngài Đàm Loan chủ trương đề xướng ở phương bắc, nhưng người kế tục truyền thừa hoằng dương là đại sư Đạo Xước vào thời sơ Đường. Ngài Đạo Xước ra đời sau khi ngài Đàm Loan thị tịch 20 năm. Thời gian sau này tuy ngài là hành giả chuyên tu Tịnh độ nhưng trước tiên ngài xác định mình là một hành giả của tông Niết-bàn. Ngài không chỉ tinh thông kinh Đại Niết-Bàn mà từng giảng thuyết 24 lần nữa. Đến đời Tuỳ, niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 5, ngài 28 tuổi mới vào pháp môn Tịnh độ. Ngài đã rời tông Niết-bàn mà vào tông Tịnh độ. Trải qua thời gian đó, có lần ngài ở tại chùa Huyền Trung núi Thạch Bích, Vấn Thủy. Chùa này tuy không phải đạo tràng vãng sanh của ngài Đàm Loan nhưng do ngài kiến lập cho nên trong chùa có văn bia của ngài. Lời tựa văn bia nói sanh tiền ngài Đàm Loan chuyên tu Tịnh độ thế nào, khi lâm chung lại có các tướng tốt xuất hiện ra sao v.v… Ngài Đạo Xước xem văn bia rất cảm động, do đó những lúc rảnh rỗi ngài Đạo Xước thường ngồi ở đây mắt hướng về tây, miệng tụng Di-đà không dứt. Đến đời Đường năm Trinh Quán, có duyên giáo hoá đạo tục cả trước lẫn sau, ngài đã giảng hai trăm lần bộ kinh Quán vô lượng thọ, chuyên lấy pháp môn Tịnh độ để dẫn dắt mọi người. Lời truyền: “Ngài khuyên mọi người niệm danh hiệu Phật Di-đà bằng cách dùng hạt đậu để tính số lượng, một lần xưng danh bỏ vào trong đấu một hạt, cứ như thế tích chứa cả trăm ngàn đấu”. Đến cả ngài và mọi người cứ tinh tấn không thôi. Truyền thuyết rằng: “Một ngày tụng Di-đà giới hạn là bảy ngàn lần, tiếng tiếng chuyên chú, Tịnh độ được rộng truyền”. Có lần ngài hướng dẫn mọi người đồng niệm Phật, “Mọi người tay lần chuỗi miệng đồng niệm danh hiệu đức Phật, âm thanh niệm Phật vang cả núi rừng”. Đây thật xứng với nghĩa danh Phật rền sơn dã, thánh hiệu dội trời cao. Ở đây đại sư Đạo Xước chuyên tu Tịnh độ, nhưng tư tưởng lý luận và bối cảnh như thế nào? Chúng ta muốn biết điều này phải khảo cứu bộ An lạc tập do ngài trước tác.

An lạc tập nói về tông Tịnh độ, thật là bộ luận thư rất quan trọng cho những ai tu Tịnh độ đều phải đọc. Đọc xong bộ này không những tăng trưởng tín tâm với Tịnh độ và nếu mình bất đồng tư tưởng với Tịnh độ thì cũng được hoá giải. Như lời mở đầu của An lạc tập nói: “Trong bộ An lạc tập này có tất cả 12 Đại môn, đều dẫn kinh luận chứng minh, khuyên tin vào sự cầu vãng sanh”. Cho nên biết rằng bộ sách này rất quan trọng cho niệm Phật cầu vãng sanh. Tuy nói trọn bộ có 12 Đại môn, nhưng ý nghĩa chính yếu không ngoài ba điều:

1. Đả phá tà chấp, dị kiến

2. Phá trừ lý giải sai lầm của các luận sư

3. Mở bày con đường cho đời tương lai

Nhân đây tôi dựa vào ba điểm này tóm lược phân chia để mọi người có nhận thức khái niệm đối với bộ sách An lạc tập. Từ đó có thể biết được trung tâm tư tưởng của đại sư Đạo Xước lúc bấy  giờ.

Đầu tiên cần biết khi ngài Đạo Xước xuất thế chính là lúc Thiền tông Trung Quốc bắt đầu phát triển, Nhiếp luận thịnh hành. Học giả hai tông phái lớn này đối với chủ thuyết vãng sanh Tịnh độ đều có sự kiến giải khác nhau, cùng với chủ trương của hành giả chuyên tông Tịnh độ thì lấy tư tưởng nhờ nguyện lực của A-di-đà mà niệm 10 niệm được vãng sanh, đại thể như thế. Quan điểm của Nhiếp luận cho rằng: Do phát nguyện mà được vãng sanh Tây phương, nên gọi “Biệt thời ý thuyết”. Nhưng không phải thành tựu liền mà hiện tại chúng ta cần niệm Phật thật nhiều, tương lai chắc chắn sẽ đạt kết quả. Cho nên nói: “Mười niệm lúc lâm chung chỉ mới tạo được nhân vãng sanh chứ chưa được vãng sanh”. Tại sao vậy? Vì khi tác ý đầu tiên mới chỉ một, sau lên vạn. Nên biết “Một vốn đắc vạn lợi” không phải một ngày mà được, cần phải trải qua thời gian nổ lực lâu dài mới đạt được. Tư tưởng phát triển của “Biệt thời ý thuyết” đối với phương pháp chuyên niệm Di-đà của Tịnh độ giáo, nếu không dùng lời thì phát sanh một cản trở rất lớn. Đạo Xước tận trung với Tịnh độ Di-đà, không thể để cho bổn tông mình nhận chịu sự bức phá, cho nên làm An lạc tập để phản kháng lại tư tưởng “Biệt thời ý thuyết” của Nhiếp luận tông. Ngài tự xem xét các luận sư làm luận tất nhiên là tinh thông Phật kinh, phàm có xuất ngôn xa thì phù hợp ý Phật, gần chẳng trái với Thánh tình, Bồ-tát và Phật tuyệt đối không có lý luận trái nhau. Nhân đây Nhiếp luận chủ trương trì tụng danh hiệu đức Phật Đa Bảo là “Biệt thời ý thuyết”, không phù hợp với sự giải thích của mọi người. Trong kinh nói rằng: “Thành tựu mười niệm liền được vãng sanh”, nghĩa là tiếp dẫn mê đồ đã gây ác, khiến khi lâm chung bỏ ác qui thiện, thừa niệm đó mà vãng sanh, là có ẩn nhân (gieo nhân) đời trước. Ở đây Thế Tôn đã ẩn đầu mà hiển cuối, bỏ nhân nói quả, gọi là “Biệt thời ý ngữ”. Ngài đối với chủ trương “Biệt thời ý thuyết” làm  một biệt giải, cho rằng mười niệm vãng sanh đều có túc nhân khác, nếu không có túc nhân thì thiện tri thức còn khó gặp huống gì mười niệm vãng sanh được. Căn cứ những lời giải thích của ngài rất là rõ ràng khi bố cáo với mọi người: Mười niệm lúc lâm chung được vãng sanh là gom đủ cả túc nhân mà nói. Giả sử nói không có túc nhân mà khi lâm chung mười niệm được vãng sanh, thiết nghĩ điều này trở thành vấn đề lớn!

Ngài đã đưa ra một vài quan điểm sơ lược đối với “Biệt thời ý thuyết” để chúng ta cảm giác thêm phần pháp vị giải thoát.

Thiền sư ở phương bắc lại cho rằng: Lấy nguyện sanh về Tịnh độ là chấp tướng, như An lạc tập nêu: “Hoặc có người nói, Đại thừa vô tướng chớ niệm đây kia, nếu nguyện sanh Tịnh độ là chấp tướng, càng bị trói buộc thì sao có thể cầu?”. Nhân vì tất cả đều trống không, thật không có tự tánh, xưa nay thanh tịnh vốn tự tịch diệt. Sở dĩ chúng không được giải thoát là do căn bệnh vọng chấp, tức tại nảy sanh vọng cầu thủ chấp sự tướng quốc độ là chúng sanh. Giả sử liễu đạt nội tướng rỗng không của sanh mạng thì ngoại tướng của quốc độ đều thanh tịnh trống không, chẳng có gì để mà đắc liền được giải thoát.

Tịnh độ như thế cần cầu sanh về để làm gì? Đây là tư tưởng lưu hành của tông Tịnh độ, điều này ảnh hưởng rất lớn. Đại sư Đạo Xước là hành giả nguyện cầu sanh Tây phương, mà có dị thuyết làm trở ngại việc hoằng thông Tịnh độ nên ngài tự mình đã đề xướng chủ thuyết đả phá! Ngài trích dẫn lấy lời kinh Duy-ma: “Tuy quán quốc độ chư Phật và quốc độ chúng sanh đều trống không, mà thường tu Tịnh độ để giáo hoá quần sanh”. Lại nói: “Tuy hành vô tác mà hiện thọ thân là hạnh Bồ-tát; tuy hành vô khởi mà khởi tất cả hạnh thiện là hạnh Bồ-tát”. Vì vậy tuy chứng biết các pháp không, vô tướng nhưng chúng ta đều không ngại tu tập Tịnh độ, lại không ngại cho chúng ta vãng sanh Tây phương, rồi khẳng định: Niệm Phật liễu thoát sanh tử, cầu sanh về nước Cực lạc và thực hiện Bồ-tát hạnh để giáo hoá chúng sanh đều không có sự xung đột. Vậy sao có thể nói Đại thừa vô tướng không cầu mong sanh Tây phương? Lấy thuyết nguyện sanh Tịnh độ là thủ tướng, cầu sanh Tịnh độ không chỉ là chấp tướng mà còn trái với lý vô sanh, nên biết Phật pháp quí ở vô sanh. Vì sao? Sanh là căn bản của các hữu, là suối nguồn của muôn lụy, học Phật cần ở chỗ xả sanh để chứng vô sanh, chỉ có chứng vô sanh mới hoàn thành trọn vẹn sự học Phật. Bây giờ không khiến mọi người cầu chứng vô sanh mà khuyên mọi người vãng sanh Tịnh độ cũng như bỏ sanh tử mà trở lại sanh tử, sanh sanh trôi chảy không dứt thì ngày nào mới đoạn diệt được? Đây là vấn nạn hết sức rắc rối! Đại sư Đạo Xước giải thích: Tịnh độ Cực lạc là cõi bổn nguyện thanh tịnh của đức Phật Di-đà, tuy sanh mà vô sanh, có sự khác biệt rất lớn đối với ái nhiễm, hư vọng chấp trước của chúng sanh trong ba cõi. Mà hiện tại bây giờ gọi là sanh, là nhân duyên sanh mà duyên sanh tức vô sanh, cho nên cùng với tất cả chúng sanh hết thảy vô sanh, pháp tính thanh tịnh rốt ráo. Vô sanh ấy là chân lý chẳng thể sai trái. Song tại sao nói vãng sanh Tịnh độ mà không nói chứng được vô sanh, đây chẳng qua đắc sanh hữu tình mà thôi. Ngài đã lấy điều này giải thích để hội thông được đạo lý vô sanh, cũng có thể nói là một điều hết sức khéo léo.

Kỳ thật thì tư tưởng Tịnh độ và Phật giáo Đại thừa có quan hệ thật không thể tách rời, lìa Tịnh độ thì không có Đại thừa, vì tư tưởng Tịnh độ khế hợp với Đại thừa (xem Tịnh độ tân luận). Nhân đây tuyên thuyết pháp môn Tịnh độ không thuộc cá nhân tông phái nào mà là mỗi hành giả Đại thừa đều phải có trách nhiệm. Những vị tiền bối cùng thời với Đạo Xước có Huệ Viễn, Trí Húc, Cát Tạng ... Trong hệ tư tưởng các Ngài hay đề cập đến lý tưởng Tịnh độ. Song do các ngài bất đồng về quan điểm cho nên luận thuyết về Tịnh độ đều không có sự thống nhất. Các ngài cho rằng Tây phương Tịnh độ là hoá độ, Di-đà Như Lai là Hoá Phật, phàm phu tuy được vãng sanh nhưng chỗ vãng sanh là Hoá độ và thấy được đức Hoá Phật. Học giả của Nhiếp  luận tuy thừa nhận cõi đó là cõi Báo độ nhưng lại không thừa nhận phàm phu được vãng sanh. Đạo Xước thấy thuyết của họ không thể tín nguyện dẫn đến Tịnh độ, chính mình cũng không thề giải thoát, cho nên Ngài đề xướng tư tưởng: Phàm phu được vào Báo độ để phát huy tông chỉ lập giáo Tịnh độ. An lạc tập nói: “Di-đà hiện tại là Báo Phật, cõi Cực lạc thật báo trang nghiêm là Báo độ”, đồng thời dẫn Đại thừa đồng tánh kinh nói: “Người thành Phật ở cõi Tịnh độ là Báo thân, người thành Phật ở cõi uế trược là Hoá thân”. Điều này có phải cường điệu không? Do nguyện lực ngài Di-đà bất khả tư nghì, vả lại ở đây nguyện lực có thể tiếp dẫn tội lỗi của phàm phu, giả sử phàm phu không thể sanh về cõi Báo độ thì làm sao phù hợp với bổn nguyện của đức Phật A-di-đà? Lại làm sao khế hợp với lời dạy tha lực của tông chỉ? Cho nên An lạc tập lại nói: “Cõi Vô lượng thọ ở đây chính là cõi Báo độ, là do lời nguyện của đức Phật nên nó thông cả thượng hạ, đến cả phàm phu thảy đều được vãng sanh”. Đây có thể nói biểu hiện một tư tưởng rất cụ thể, giả định các ngài như Trí Húc đều nói như thế này thì cõi Tịnh độ là cõi phàm thánh đồng cư, là chỗ Ứng hoá thân. Điều này phủ nhận thuyết phàm phu sanh vào Báo độ, khiến cho tất cả phàm phu tội lỗi không giám hướng đến đại pháp cho nên Đạo Xước cực lực chủ trương phàm phu được sanh vào Báo độ. Chủ thuyết này đã trợ giúp chỗ yếu nhược của chúng sanh, là một hy vọng mỹ mãn sáng suốt! Từ đây thành lập đạo tràng diễn giảng. Chúng ta hiểu được pháp môn niệm Phật vãng sanh thật là một pháp môn hết sức thuận tiện!

Như trên đã nói, đại sư Đạo Xước kế thừa ngài Đàm Loan. Ngài Đàm Loan thành lập hai phương pháp dễ hành (dị hành) và khó hành (nan hành), dựa theo lời di giáo một đời của Như Lai. Do đó ngài Đạo Xước dựa vào điều này thành lập nhị môn Tịnh độ thánh đạo, hành động dựa vào giáo pháp Như Lai. Nghĩa là Thế tôn tuyên thuyết giáo môn ở nơi quốc độ này để lấy đó mà tu hành, sẽ vào được Thánh quả, gọi là Thánh đạo môn; tuyên thuyết giáo môn vãng sanh cõi Tịnh độ Di-đà, cũng vào được thánh quả, gọi là Tịnh độ môn. Cửa Tịnh độ dễ vào, cửa Thánh đạo khó vào. Chúng sanh ở thời đại mạt pháp muốn giải thoát khỏi sanh tử, chỉ có thực hành pháp môn Tịnh độ này. Hay nói cách khác chỉ có vãng sanh Tịnh độ mới là giải pháp tốt nhất.

Như trên đã giới thiệu giản lược lịch sử và tư tưởng của hai vị đại sư Đàm Loan và Đạo Xước, từ đây chúng ta đã liễu tri rõ ràng rồi, hai vị đã đề xướng pháp môn Tịnh độ, công  lao này không thể phai mờ được. Tư tưởng Tịnh độ tuy uyên nguyên ở trong giáo thuyết nhưng ở trên hình thức thực tế nó đã thành một tông độc lập, thật có thể nói là do hai vị đại sư ấy khai sáng. Tuy trước có nói ngài Huệ Viễn nhưng lúc đó chưa thành một tông độc lập; tuy sau có nói ngài Thiện Đạo nhưng ngài đã kế thừa tư tưởng của hai đại sư Đàm Loan và Đạo Xước rồi phát triển tiến thêm một bước. Một điều rất kỳ lạ, hai ngài có công với Tịnh độ nhưng trong 13 vị Tổ Liên tông hiện tại liệt kê đều không có nói hai ngài, đây há chẳng phải một sự kiện bất khả tư nghì! Chúng ta biết hiện nay có tất cả 13 vị Tổ Liên tông, từ đại sư Hàng Châu Vân Thê là Tổ thứ tám, trừ ra còn lại các Đại đức khác, sau do niệm Phật có sự đặc thù biểu hiện nên cũng được tiếp tục lập làm Tổ. Bảy vị Tổ trước là từ “Phật tổ thống ký” quyển 26 và “Tịnh độ lập giáo chí ” liệt kê ra thành bảy vị Tổ.  Nhưng “Phật tổ thống ký” không phải ngài Chí Bàn soạn đầu tiên, mà do “Tịnh độ lập giáo chí” khai đầu, sau khi liệt kê bảy vị Tổ, rồi mới trình bày thuyết: “Pháp sư Tứ Minh Thạch Chi Hiểu, là người thời khác nhưng đồng tu Tịnh độ, công đức cao dày, đã lập thất tổ Liên xã đến nay cứ theo đó mà tôn các pháp sư Tịnh độ ”.

Đương nhiên, một vị Tổ sư trong một thời đại nào đó cũng cần đầy đủ điều kiện, chẳng hạn là công đức sâu dày. Có thể chúng ta tự hỏi: Hai vị đại sư Đàm Loan, Đạo Xước đều tinh tấn hành trì niệm Phật, xiển dương Tịnh độ vậy chẳng lẽ không có công đức sao? Vì sao không được xếp vào các vị Tổ. Thật sự tôi (tác giả) còn có chỗ chưa thông!

Pháp môn Tịnh độ là pháp môn đặc biệt, được đức Phật của chúng ta mở ra cho chúng sanh trong thời mạt pháp, tuy nói rất đơn giản nhưng thật sự thực hành thì không dễ dàng chút nào. Đại sư Ấn Quang trong thời cận đại đã chỉ bày cho chúng ta rằng: Một người có chánh tín tha thiết muốn sanh Tịnh độ tất nhiên cần phải đầy đủ ba điều kiện, mới được vãng sanh Cực lạc.

1. Nghiêm trì tịnh giới. Giới là nền tảng của tất cả thiện pháp. Là một đệ tử Phật, tu bất kỳ pháp môn nào, đều không thể xa rời khỏi giới, lìa khỏi giới chung cục không thành và thực hành pháp môn Tịnh độ cũng thế, không ngoại trừ trường hợp này.

2. Phát Bồ-đề tâm, thực hành Tịnh độ là tu hạnh Đại thừa. Cho nên cần phải phát Bồ-đề tâm là chính. Có thể nói Bồ-đề tâm là “chủ soái” cho sự tu tập của chúng ta. Vị chủ soái này chỉ huy sự tăng tiến của chúng ta, hành giả không có điều này thì tụt hậu thối lui.

3. Đầy đủ Chân, Tín, Nguyện. Chân, Tín, Nguyện tha thiết là tư tưởng để niệm Phật vãng sanh không thể khuyết thiếu. Những điều này được đầy đủ thì bất luận nhiều hay ít, đến khi lâm chung đều như sở nguyện. Nếu người nào Tín, Nguyện không đầy đủ, mà cầu sanh Tây phương là một vấn đề lớn (khó thành).

Ba điểm này thật là điều kiện căn bản cho hành giả tu Tịnh độ. Chư vị đều tôn sùng niệm Phật, hy vọng hảy dựa vào lời chỉ dạy của đại sư Ấn Quang, niệm danh hiệu Phật, tinh tấn dõng mãnh, thường niệm không bỏ, thì từ từ chính mình sẽ có đức tin !

Xét: Pháp sư Tứ Minh Thật Chi Hiểu là một hành giả tông Thiên Thai, tuy hoằng dương Tịnh độ nhưng chẳng giống Đàm Loan và Đạo Xước. Đàm Loan và Đạo Xước phân chia hai pháp môn Tịnh độ và Thánh đạo, là dễ và khó hành. Ngài cho rằng niệm Phật vãng sanh, trì giới phạm giới, tịnh tâm tán tâm, ngu si trí tuệ đều nương bi nguyện của đức Phật mà vãng sanh. Hay nói cách khác chỉ nên niệm Phật thì được vãng sanh, bất luận phạm giới hay không đều được liệt vào. Tịnh độ tức là Tín Nguyện vãng sanh, giới định tuệ là Thánh đạo. Điều nguy hại ở đây là Thánh đạo không chú trọng giới định tuệ mà lấy vãng sanh do Phật lực làm chuyên môn. Ngài Thiện Đạo còn thừa nhận điều này nên đã trước tác Quán kinh, Tứ thiếp sớ1 tức có ý này.

Học giả Nhật Bản đến Trung Hoa vào thời nhà Đường, được truyền thừa theo dòng pháp của Thiện Đạo, diễn bày một ít giới pháp, thậm chí truyền bằng tín nguyện, không  trọng trì danh (bởi trì danh đạt đến nhất tâm bất loạn, tức do niệm Phật mà đắc tam-muộn). Dùng thuyết của Ngài Thiện Đạo, cư sĩ Dương Nhân Sơn từng tranh biện với Chơn tông, nhưng lời phê bình rất khéo. Người Nhật tu pháp môn niệm Phật đều theo hai dòng truyền thừa, Huệ Viễn và Thiện Đạo. Nhưng ở Trung Quốc từ đời Tống, Nguyên, Minh mới dung hợp hai dòng truyền thừa này, tức không bỏ Thánh đạo mà đặt trọng tín nguyện trì danh.

Đối với hai vị đại sư Đàm Loan, Đạo Xước … cũng là những người cực đoan thuyết pháp. Pháp sư Thạch Chi Hiểu theo đường lối tư tưởng hai vị: Huệ Viễn và Thiện Đạo, không theo Đàm Loan, Đạo Xước, chắc có lẽ ý đó vậy?

Nói đến ngài Đàm Loan và Đạo Xước là nói đến công lao hoằng dương Tịnh độ tông của hai ngài. Sau này đến đại sư Ấn Quang có đưa  ra  ba đặc điểm đều trái ngược (với các đại sư Tịnh độ).

Nếu lấy tư tưởng hai ngài Đàm Loan, Đạo Xước làm kim chỉ nam thì người hành Tịnh độ không thể dung hoà với: Thai, Hiền, Tam luận, Duy thức, Thiền, Luật tông.

Nên biết Phật giáo Trung Quốc đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh là xu hướng Phật giáo dung hợp, Tịnh độ tông cũng nhờ các tông: Thai, Hiền, Luật, Thiền … tương trợ mà thịnh hành. Tuy thế, học giả của Tịnh độ hoặc đã học qua Thai, Thiền, Hiền, Luật … không chuyên mà chuyên đề trì danh, nhưng cũng không ai giám bỏ Thánh đạo mà nói Tịnh độ, như Chân tông đã nói.

Ngài Ấn Thuận duyệt sau mới ghi.

(Dư Bình ghi lại theo nguyên văn của ngài Diễn Bồi giảng).

 

 

--- o0o ---