15

13 Tháng Giêng 201712:22 SA(Xem: 3035)
15

Luận sử tông Tịnh độ

  

Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

 

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch:  2548 - 2004
 

--- o0o ---
 

15 

TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ CỦA ĐẠI SƯ NGẪU ÍCH 

Nguyên tác: Thánh Nghiêm

Việt dịch: Thích Nguyên Thành

 

I. SỰ TÍCH ĐẠI SƯ NGẪU ÍCH  

Đại sư Ngẫu Ích sinh vào năm thứ hai mươi bảy niên hiệu Vạn lịch đời vua Thần Tông nhà Minh (1599 Tây lịch). Ngài ở vùng Mộc Độc tỉnh Giang Tô (Tây nam huyện Ngô), tục tánh là Chung, tự là Trí Húc, hiệu là Ngẫu Ích. Lúc cuối đời ngài về ở chùa Linh Phong, huyện Hàng Biên, tỉnh Chiết Giang, cho nên mọi người gọi ngài là đại sư Linh Phong Ngẫu Ích.

Đại sư Ngẫu Ích lúc còn nhỏ rất ham học, chuyên tâm học Nho giáo, đồng thời thề rằng tiêu diệt Phật giáo và Lão giáo để xiển dương Nho giáo, nên ngài soạn một bộ luận gồm mười thiên, để luận phá Phật giáo và Lão giáo. Nhưng đến năm mười bảy tuổi, nghe và đọc được hai quyển sách của ngài đại sư Liên Trì, đó là “Tự tri lục” và “Trúc song tùy bút”, mới biết lúc trước đả phá Phật giáo là sai lầm. Do đó ngài đem đốt toàn bộ các luận văn đả phá Phật giáo, đồng thời hồi tâm hướng về Phật giáo. Đến năm đầu niên hiệu Thiên Khải (1621 Tây lịch), bấy giờ ngài được hai mươi ba tuổi, liền phát bốn mươi tám lời nguyện và tự đặt cho mình cái tên là Đại Lãng Ưu-bà-tắc. Trong vòng một tháng đầu của năm thứ hai (niên hiệu Vạn Lịch), ngài nằm mộng tới ba lần thấy đại sư Hám Sơn Đức Thanh. Lúc bấy giờ, ngài Hám Sơn trú ở núi Tào Khê phía Đông Nam của huyện Khúc Giang tỉnh Quảng Đông. Người học sinh Tuyết Lãnh này (Ngẫu Ích) thành kính muốn gặp ngài Hám Sơn, nhưng vì đường xa không thể đến được, nên tại núi Tuyết Lãnh (hướng về ngài Hám Sơn) đại sư Ngẫu Ích quỳ lạy và bỏ hết đồ trang sức mà xuất gia (theo đồ đệ của ngài Hám Sơn tại núi Tuyết Lãnh). Lúc ấy, ngài hai mươi bốn tuổi, cũng từ đó mà được gọi là Trí Húc.

Lúc cuối Hạ đầu Thu của năm đó, ngài đến núi Vân Thê để diện kiến đại sư Liên Trì, nhưng đáng tiếc đại sư Liên Trì viên tịch đã bảy năm. Ngài bèn xin nhập hội cầu học với pháp sư Cổ Đức, đệ tử của ngài Liên Trì, để nghe giảng luận duy thức. Vì lòng nghi không được giải thích nên ngài đã đi vào núi mà tọa thiền. Năm hai mươi sáu tuổi, ngài thọ Bồ-tát giới, năm hai mươi bảy tuổi xem hết Tạng luật, đến năm hai mươi tám tuổi trở về lo tang cho mẹ. Sau đó đóng cửa trong một thời gian dài vì bệnh nặng và phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Năm ba mươi hai tuổi, ngài so sánh chú thích kinh Phạm võng. Nhưng lúc này, ngài chưa biết phải nương vào tông nào để làm lập trường, mặc dầu đối với kinh giáo mà nói tuy Đại thừa có tám tông, nhưng chỉ có ba tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân là có tư tưởng quan hệ với nhau. Cho nên ngài bốc quẻ bói để lựa chọn một tông, gieo quẻ trước Phật, chiếm được quẻ tông Thiên Thai. Từ đó ngài bèn quan tâm và nghiên cứu sớ chương của tông Thiên Thai. Nhưng đại sư Ngẫu Ích chưa muốn làm con cháu của tông Thiên Thai, dù ngài gieo quẻ được tông Thiên Thai. Theo tư tưởng ấy chúng ta có thể nhận biết, ngài muốn lập ra một tông riêng, chẳng qua chưa đủ sức “dựng cờ” nêu lên một tông phái mới.

Năm ba mươi ba tuổi, ngài vào núi Linh Phong, năm ba mươi lăm tuổi, kiến tạo chùa Tây Hồ, về sau ngài vân du nhiều nơi. Đến cuối mùa Hạ năm thứ tám niên hiệu Vĩnh Lịch (1654 Tây lịch), ngài nằm dưỡng bệnh ở núi Linh Phong. Tháng mười hai năm ấy tự biết mình không còn ở đời bao lâu và sẽ sớm vãng sanh Tịnh độ, nên ngài viết một bài “Văn phát nguyện” và di chúc mọi việc cho hàng đệ tử. Đúng ngày hai mươi mốt tháng giêng năm thứ hai, ngài viên tịch, hưởng thọ năm mươi bảy tuổi. Tuy trong năm cuối của cuộc đời, mặc dầu bị bệnh tật dày vò nhưng ngài vẫn cố gắng hoàn thành xong hai bộ sách rất quan trọng đó là: “Duyệt tạng tri tân” và “Pháp hải quán lan”.

Nhìn chung cuộc đời đại sư Ngẫu Ích thật cao cả. Đại sư xa lìa tất cả danh lợi, đem hết tâm trí và sức lực để duyệt tạng và trước thuật. Cuộc đời của đại sư chưa hề rời bút. Đại sư là một nhà trước thuật, một tư tưởng gia, là một vị học giả uyên thâm, là một nhà tông giáo thực tiễn và tận tụy. Cho nên tư tưởng của đại sư ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Trung Quốc cận đại nhưng rất tiếc ở thời đại ấy những vị đại sư như ngài có rất ít.

Ngài sáng tác rất nhiều loại như: kinh A-di-đà yếu giải 1 quyển, kinh Phạm võng huyền nghĩa 1 quyển, Bồ-tát giới bổn tiên yếu 1 quyển, kinh Pháp hoa huyền nghĩa tiết yếu 2 quyển, kinh Pháp hoa hội nghĩa 16 quyển, kinh Lăng nghiêm huyền nghĩa 2 quyển, kinh Lăng nghiêm văn cú 10 quyển, Duyệt tạng tri tân 44 quyển, Pháp hải quán lan 5 quyển, Chu dịch thiền giải 10 quyển … . Tổng cộng hơn 40 bộ và trên 230 quyển, trong đó có một bộ “Tập lục” nói về pháp ngữ, vấn đáp, tự thuyết, thi kệ … của đại sư mà soạn thành “Linh Phong Ngẫu Ích đại sư tông luận”, tất cả những luận điểm của đại sư đều sưu tập từ trong bộ Tông luận này.

 

II. TƯ TƯỞNG TAM HỌC NHẤT NGUYÊN 

Ngài Liên Trì chủ trương Thiền tông và Tịnh độ là một, còn ở trong “Tham cứu niệm Phật luận” của đại sư Ngẫu Ích thì biểu thị các nghĩa khác. Đại sư tự mình chủ trương “Tam học nhất nguyên”, vì mỗi người có sự tiếp xúc với cảnh ngộ không đồng mà có sự sai biệt.

Tam học nhất nguyên là Thiền tông, Giáo tông (bao quát các tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân), Luật tông tương quan tương duyên hỗ trợ lẫn nhau, không phải “chia sông uống nước”. Vì Thiền tông là tâm Phật, Giáo tông là lời dạy của Phật, Luật tông là hành vi của Phật. Cái tư tưởng này của đại sư Ngẫu Ích mãi đến thời cận đại mới có đại sư Thái Hư thừa kế phát huy về sau. Chẳng qua đại sư Ngẫu Ích lấy Thiền, Giáo, Luật nhiếp hết các tông, còn đại sư Thái Hư thì vẫn lấy tám tông làm chỗ nương tựa để đề xướng: “Tám Tông này, đều chân thật chẳng phải cân lường, đều tròn đầy chẳng phải khiếm khuyết, đều khéo léo chẳng phải thô kệch, đều cứu cánh Bồ-đề, đều đồng một Phật thừa vậy!”. Đại sư Ngẫu Ích hợp các tông về thành một tông và kết tập lời nói, hành động, tâm ý của đức Phật thành một. Còn đại sư Thái Hư thì bỏ sự phân chia các tông mà quy về toàn thể. Tuy giữa hai vị đại sư có sự đặc sắc riêng biệt, nhưng quan niệm cũng chỉ muốn cầu các tông hoà hợp, do đó trước sau tuy xa vời nhưng hô thì ứng. Vậy chỉ có nhà tư tưởng lớn mới có thể ôm ấp hoài bảo vĩ đại này.

Đại sư Ngẫu Ích lấy Thiền, Giáo và Luật đưa về thành một thuyết, để thông suốt toàn thể Phật giáo. Sự tìm hiểu của đại sư nảy sinh một tư tưởng mới, là do ảnh hưởng tư tưởng của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ và Linh Chi Nguyên Chiếu. Nhân từ thời Ngũ Đại về sau, Tam học như đỉnh ba chân, mỗi bên đều có kiến chấp riêng biệt, và cũng có cái dở của nó. Cho nên chủ trương của bạn học, là phải kiêm học cả giới luật, thiền định và trí tuệ, nhưng lúc này chưa có ai đề xướng ra luận “Tam học nhất nguyên”. Tam học Giới, Định, Tuệ, cố nhiên từ xưa chưa từng phân chia độc lập, nhưng Thiền tông, Giáo tông và Luật tông lại phối hợp Tam học Giới, Định, Tuệ mà đưa về thành một, đó cũng là thuyết đầu tiên của đại sư Ngẫu Ích đề xướng. Đại sư Ngẫu Ích vốn là người có kinh nghiệm, trước đây có học Nho giáo. Năm hai mươi tuổi giải thích Luận ngữ, đến câu “Thiên hạ quy nhân” (Thiên hạ quay về lòng nhân), ba ngày ba đêm quên ăn bỏ ngủ mới ngộ được Tâm pháp của Khổng Tử và Nhan Hồi, nhưng ngài không theo Nho học mà quay về Phật giáo xuất gia. Sau khi xuất gia nghe pháp sư Cổ Đức giảng về luận Duy thức, đại sư thấy có sự mâu thuẩn với kinh Phật đảnh thủ lăng nghiêm và pháp sư Cổ Đức khước từ lời khuyên không chịu hòa hợp hai tông Tánh, Tướng, biết đây là con đường không thông suốt, nên đại sư xả bỏ mà đi thẳng lên núi tu thiền. Năm hai mươi tám tuổi lâm trọng bệnh, đại sư nghĩ nếu mượn công phu tu thiền thì chưa chắc gì thoát ly sanh tử nên Ngài phối hợp Tịnh độ và công phu tu thiền để cầu vãng sanh Tây phương. Lại thấy trong kinh Di-đà nói rõ: “Không thể lấy một ít nhân duyên thiện căn, phước đức mà cầu sanh Tịnh độ”, cho nên đại sư chủ trương hành giả Tịnh độ không được bỏ luật nghi. Lúc năm hai mươi bảy tuổi, đại sư xem hết Tạng luật, lại phát hiện trong thiên hạ “chứa sự sai lầm”. Năm ba hai tuổi, sau khi chiếm quẻ được tông Thiên Thai, đại sư hết lòng nghiên cứu sớ chương của Thiên Thai, lại phát hiện kiến chấp của các tông: Thiền, Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân không hòa hợp. Do vậy, đại sư chủ định không thể nương theo thiên kiến của một tông mà thành lập, vì mỗi tông đều có “bệnh” (khiếm khuyết riêng), phải hoà hợp các tông, bằng biện pháp căn bản là luôn hướng về gốc Phật Đà. Đối với Phật giáo, đại sư đưa ra thuyết “Tam học nhất nguyên”, thông suốt Nho và Phật, lại tự mình đề xướng ra chủ nghĩa “Bát bất”, cũng chính là không lệ thuộc vào sự nhận thức của bất cứ tông phái nào. Do đó lời nói đầu trong truyện “Bát bất đạo nhơn”: “Bát Bất đạo nhân là người Chấn Đán (Trung Hoa), sống ẩn dật. Xưa có Nho, có Thiền, có Luật, có Giáo, Đạo nhân không dám bất kính. Nay cũng có Nho, có Thiền, có Luật, có Giáo, Đạo nhân lại càng đáng khâm phục”. Đó gọi là “Bát Bất”. Đây là lời tự bạch của đại sư Ngẫu Ích. Cho nên, tuy đại sư chỉ nói “Tam học nhất nguyên” nhưng vừa là chủ trương đưa Nho, Phật về thành một.

Bất luận thế nào, cuối cùng đại sư cũng đưa Nho và Phật về một hoặc “Tam học nhất nguyên” thành một môn niệm Phật. Vì đại sư Ngẫu Ích là một vị đại đức lấy niệm Phật làm tông chỉ, vì vậy hậu thế xếp thành Tổ thứ chín của Bạch Liên xã. Đại sư Ngẫu Ích như một nhà tư tưởng lớn, nhà trước thuật lớn, đồng thời cũng là một người đem hết tâm nguyện hướng về pháp môn Tịnh độ. Vì đại sư thấy cái lý niệm Phật không phải tầm thường nên trong tư tưởng đại sư có một chút lý luận riêng của mình. Do thế giữa đại sư và sơ tổ Huệ Viễn có sự bất đồng, và cùng với tám vị tổ Liên Trì cũng có sự sai khác.

 

III. LUẬN NIỆM PHẬT TAM-MUỘI 

Luận niệm Phật tam-muội là tư tưởng trọng tâm của đại sư Ngẫu Ích. Đối với đại sư lý niệm “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt” là nền tảng, và chủ trương tất cả Phật pháp đều quy về với niệm Phật tam-muội. Bất luận là niệm Phật A-di-đà hoặc “Tam quán nhất tâm” của tông Thiên Thai, cùng với bốn loại tam-muội: Thường tọa, thường hành, bán hành bán tọa, phi hành phi tọa …, cho đến sở truyền trực chỉ tâm pháp của Đạt-ma cũng đều thuộc pháp môn niệm Phật. Nhân vì nghĩa của niệm Phật quá rộng, cho nên phân ra làm ba loại:

1. Niệm Tha Phật (là niệm cảnh giới công đức trang nghiêm của đức Phật A-di-đà, niệm tướng hảo của Ngài), 2. Niệm Tự Phật (là quán niệm tất cả tự tướng cùng ba đời chư Phật đều bình đẳng không hai, vô thể tánh …), 3. Song niệm Tư, Tha Phật (là quán tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt). Lại như trong văn “Thị niệm Phật tam-muội” (dạy Niệm Phật tam-muội) nói: “Niệm Phật tam-muội là Bảo vương tam-muội, tam-muội trung vương (vua của các tam-muội). Phàm Thiên, Viên, Quyền, Thật các loại tam-muội này đều từ niệm Phật tam-muội mà lưu xuất rồi cũng quy về niệm Phật tam-muội. Cho đến yếu chỉ Viên, Đốn cũng là phương tiện quyền xảo để tam căn (ba căn của chúng sanh thượng, trung, hạ) được lợi ích”. Lại ở trong một đoạn văn “Thị niệm Phật pháp môn” (chỉ bày pháp môn niệm Phật) nói rằng: “Pháp môn niệm Phật không có chi lạ kỳ đặc biệt cả, chỉ có yếu điểm quan trọng nhất là tin sâu và cố gắng thực hành mà thôi. Phật dạy: ‘Nếu người nào chỉ niệm Phật A-di-đà, đó gọi là môn thiền vô thượng thậm thâm vi diệu vậy’. Thiên Thai nói: ‘Bốn loại tam-muội đồng gọi là niệm Phật; niệm Phật tam-muội, tam-muội trung vương (vua của các tam-muội)’. Vân Thê nói: ‘Một câu Di-đà bao trùm tám Giáo1 nhiếp hết năm Tông2’”. Đại sư đưa ra ba luận chứng để chứng minh xác định niệm Phật tam-muội là căn nguyên Thánh giáo của một đời đức Phật. Vì sao đại sư chủ trương niệm Phật Tam-muội là tất cả Phật pháp? Vì đại sư y cứ trong văn “Thị niệm Phật tam-muội”: “Tâm tánh chúng sanh có một mà thôi, chỉ một tâm này mà lưu xuất, tất cả chúng sanh cũng do môn sanh diệt của một tâm này mà trở về”. Vì thế khi niệm Phật đưa đến nhất tâm bất loạn, tức có thể trở về cõi Tịnh độ. đại sư lại trích một đoạn văn của kinh Tịnh Danh và dẫn chứng ở trong “Niệm Phật tam-muội”: “Nếu muốn Tịnh độ nên tịnh tâm mình”. Khi tâm thanh tịnh tức là nhất tâm, làm thế nào để cầu được nhất tâm? Thế thì mời mọi người niệm Phật.

Trên đã nêu rõ nghĩa lý ba phương pháp niệm Phật, nhưng ngài Lô Sơn Huệ Viễn nói về niệm Phật, trong đó chẳng những niệm Tha Phật mà còn lấy quả vị công đức trang nghiêm của Phật A-di-đà làm đối tượng bị niệm, niệm tướng hảo của Phật, niệm Phật theo pháp môn, niệm thật tướng của Phật, chuyên chú buộc niệm, mỗi niệm rõ ràng, niệm đến nhất tâm bất loạn, tức là thành tựu tam-muội, chắc chắn được vãng sanh Tịnh độ.

 Thứ đến là niệm Tự Phật, Phật ấy là Phật tánh của chúng ta, cũng là cảnh giới tâm của nhất niệm hiện tiền. Tâm ấy vô thể vô tánh, biến khắp mười phương, bao trùm tam giới, đầy đủ mọi tánh tướng của trăm ngàn thế giới chơn như, cho đến ba đời chư Phật đều bình đẳng không hai. Nếu quán tưởng như vậy là niệm Tự Phật. Giả như tu pháp quán tưởng này mà thành tựu, thì có thể sáu căn đều thanh tịnh tròn đầy, đoạn trừ năm trụ hoặc3, tức khắc nhập vào tạng thâm sâu của chư Phật. Chẳng lẽ mọi người đều tu pháp môn này hay sao? Đúng vậy, vì hai mươi tám vị tổ Tây Thiên, sáu vị tổ Thiền tông Đông độ, Nam Nhạc Huệ Tư và Thiên Thai Trí Giả đều tu pháp môn niệm Phật.

Lại nói song niệm là niệm Tự Phật, niệm Tha Phật là muốn đề cập đến thuyết “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt”. Gọi là chúng sanh vì chúng sanh ở trong tâm chư Phật; gọi là chư Phật vì chư Phật ở trong tâm chúng sanh, quán sát quả vị y chánh trang nghiêm của chư Phật, để hiển bày lý thể trí tuệ trong tâm chúng ta. Tuy Phật trong tâm, nhưng cần phải quán chư Phật ở quá khứ, thì Phật ở trong tâm chúng ta mới hiển hiện, cho nên gọi là Song niệm tự tha Phật. Đây là pháp môn niệm Phật của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ và Sở Thạch Phạm Kỳ đề xướng.

Đại sư Ngẫu Ích tổng hợp phương pháp niệm Phật của ba tông phái trên, thành niệm Phật tam-muội riêng của ngài, có một phạm vi rộng rãi, đó là căn cứ lý luận của Bảo vương tam-muội.

Đại sư Ngẫu Ích Trí Húc, tuy chưa chuyên về một tông phái nhất định, nhưng suy xét theo tư tưởng của đại sư thì có thể biết đại sư nghiên về Thiên thai tông. Bất luận giảng về vấn đề gì? Đại sư đều vận dụng tổng hợp Tứ giáo phán (một trong tám giáo), Tam đế (Không đế, Giả đế, Trung đế) và Tam quán (Không quán, Giả quán, Trung quán) của tông Thiên Thai, đó là một phương pháp “Bách giới thiên như”4 để phân tích sớ giải, cho nên ngài giảng đến tư tưởng trọng tâm của niệm Phật Tam-muội, thì tự nhiên tạo thành tông Thiên Thai.

Ngài lấy ba hạng pháp môn là: Niệm Tha Phật, niệm Tự Phật, Song niệm tự tha Phật, phối hợp Tứ giáo của tông Thiên Thai: Tạng, Thông, Biệt, Viên, trong mỗi Tứ giáo ấy đều đầy đủ ba loại pháp môn niệm Phật, lại thành mười hai loại niệm Phật tam-muội. Đồng thời, đại sư đem mười hai loại niệm Phật tam-muội phối hợp với bốn loại tam-muội của Ma-ha chỉ quán (như trước đã đề cử thường tọa, thường hành …). Bốn loại tam-muội này, mỗi mỗi đều đầy đủ mười hai loại tam-muội của Tứ giáo khai hợp, liền thành bốn mươi tám loại tam-muội. Lại nói: “Người niệm Tha Phật hoặc niệm tướng hảo, niệm pháp môn, niệm thật tướng, hoặc như niệm Tự Phật, Song niệm cũng đủ ba pháp môn. Nếu bao gồm bốn loại tam-muội và Tứ giáo thì thành một trăm bốn mươi bốn loại, mỗi loại lại có vô lượng cảnh quán sai biệt, không thể nói được. Còn một pháp trì danh xuất ra từ kinh Phật thuyết A-di-đà, nhưng ngoài các loại tam-muội ở trước”. Đây là dùng lô gích toán học cơ giới, mở rộng khuếch đại phạm vi niệm Phật tam-muội, nhưng đại sư vẫn thấy trì danh niệm Phật chưa đủ để quy nạp vào trong phạm vi này, cho nên đại sư đề xướng thuyết chấp trì danh hiệu. (Đoạn luận trên căn cứ theo “Thị niệm Phật tam-muội”).

Đại sư Ngẫu Ích chủ trương “Tam học nhất nguyên” nên niệm Phật tam-muội không ngoài hai môn Thiền, Giáo, nhưng còn phải tinh tấn trì giới mới đạt được niệm Phật tam-muội viên mãn.

Nhân vì “Nếu muốn sanh về Tịnh độ, thì Tâm phải Tịnh”, muốn tịnh tâm mình, trước tiên phải ngăn ngừa điều sai trái, chận đứng việc xấu ác (phòng phi chỉ ác). Cho nên lấy trì giới làm nhân của niệm Phật, Tịnh độ là quả của niệm Phật. Vì thế, qua lý luận niệm Phật tam-muội trên, đã giúp đại sư hoàn thành hệ thống tư tưởng “Tam học nhất nguyên”.

 

IV. THUYẾT CHẤP TRÌ DANH HIỆU 

Luận niệm Phật tam-muội, lý luận rất uyên thâm, là một pháp môn chân chánh đơn giản dễ tu, bao hàm cả ba căn thượng, trung, hạ, đó là trì danh niệm Phật của kinh A-di-đà. Nhưng không phải chỉ dành cho hạng ngu mê nông cạn, mà pháp môn này nói rõ có công năng thâu nhiếp cả sự, lý, phương tiện thiện xảo không thể nghĩ bàn, đó là lý luận mà đại sư Ngẫu Ích đã kiến thiết.

Ngài căn cứ vào thuyết của đại sư Liên Trì, khuyên người hành đạo, muốn được vãng sanh Tịnh độ phải nên đầy đủ ba điều kiện “Tín, Nguyện và Hạnh”. Nhân đây, đại sư trước tác kinh A-di-đà yếu giải, trong phần mở đầu nói: “Chẳng tin, thì nguyện không tới, chẳng nguyện, thì thành chẳng đáng kể, chẳng khéo hành trì danh hiệu Phật, thì nguyện không đủ sung mãn để chứng tỏ lòng tin”. Đại sư lại nói trong một đoạn văn “Trì danh niệm Phật lịch cửu phẩm tịnh tứ độ thuyết”: “Nếu muốn nhanh chống thoát khỏi cảnh khổ luân hồi, chẳng gì bằng trì danh niệm Phật, cầu sanh thế giới Cực lạc. Nếu quyết định sanh về thế giới Cực lạc, chẳng thà lấy niệm Phật làm tiền đạo, lấy nguyện làm hậu tiến. Nếu tin chắc chắn, nguyện được tròn đầy, tuy tán tâm niệm Phật, cũng được vãng sanh (nếu năng lực tín nguyện dõng mãnh, dù không đạt đến nhất tâm bất loạn, thì cũng có thể vãng sanh, vì đây là pháp môn phương tiện thù thắng). Còn như tin không thật, nguyện không mạnh, tuy nhất tâm bất loạn, cũng không được vãng sanh (nhất tâm bất loạn chỉ là định hoặc mở đầu công phu của định. nếu không tin Tịnh độ, cũng không nguyện vãng sanh Tịnh độ, thì chỉ sanh về cõi trời thiền định của Sắc giới, không thể giải thoát sanh tử).

Bấy giờ chúng tôi xin giải thích Tín, Nguyện và Hạnh của đại sư Ngẫu Ích:

1. Nội dung của “Tín” :

Chúng ta thấy đại sư đề cập đến hai thuyết: (1) Ở trong “Trì danh niệm Phật lịch cửu phẩm tịnh tứ độ thuyết”, đại sư nói: “Thế nào gọi là Tín? một là tin nguyện lực của đức Phật A-di-đà, hai là tin lời dạy của đức Phật Thích Ca, ba là tin sự tán thán của lục phương chư Phật”. Đó là căn cứ nội dung của kinh A-di-đà mà thuyết minh. (2) Lại ở trong phần mở đầu của luận “A-di-đà kinh yếu giải”, đại sư nói: “Tín là tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý”, cộng lại thành sáu loại.

(a) Tin tự: Là tin tâm nhất niệm hiện tiền nơi ta, vốn chẳng phải nhịp tim ở trong nội tạng của sớ thịt, cũng chẳng phải vọng tâm liên tục của ảnh duyên, chiều dài thì vô thỉ vô chung, chiều ngang thì không bờ bến. Luôn luôn tuỳ duyên và mãi mãi bất biến, mười phương hư không vi trần quốc độ, đều hiện bày trong một niệm của ta. Ta tuy hôn mê điên đảo, nhưng chỉ cần tâm quay về nhất niệm, thì chắc chắn bản thể Cực lạc tự tâm hiển hiện, liền dứt nghi hoặc.

(b) Tin tha: Là tin Thích Ca Như Lai tuyệt đối không nói sai, Di-đà Thế Tôn tuyệt đối chẳng phải hư nguyện, tướng lưỡi rộng dài của lục phương chư Phật tuyệt đối không nói hai lời. Tùy thuận lời dạy chân thật của chư Phật, quyết chí cầu sanh Tịnh độ, không còn nghi hoặc.

(c) Tin nhân: Là có niềm tin sâu sắc dù niệm Phật tâm có tán loạn, thì cũng thành chủng tử (hạt giống) Phật, hà huống nhất tâm bất loạn mà không được sanh Tịnh độ sao?

(d) Tin quả: Là có niềm tin chắc chắn các bậc thiện thượng nhơn sanh về Tịnh độ, đều nhờ niệm Phật tam-muội, nếu như pháp môn niệm Phật này như ảnh tùy hình tuyệt đối không còn nghiệp khí hư vọng.

(e) Tin sự: Là tin mười phương thế giới hiện bày trong tâm không thể kể hết, cho nên cũng tin chắc có Cực lạc quốc độ ở Tây phương. Ngoài mười vạn ức cõi Phật, tuyệt không đồng sở thuyết của Trang Tử, vì thuyết đó là ở ngụ ngôn.

(f) Tin lý: Là tin chắc mười vạn ức quốc độ, thật không ra ngoài tâm nhất niệm của ta hiện nay.

2. Nội dung của “Nguyện”:

Bất cứ lúc nào tâm cũng muốn xa lìa cái khổ sanh tử của thế giới Ta bà, vui mừng hướng về Cực lạc thanh tịnh của Bồ-đề Tịnh độ, đồng thời lấy tất cả thiện căn hồi hướng vãng sanh Cực lạc Tịnh độ.

3. Nội dung của “Hạnh”:

Hạnh tức là chấp trì danh hiệu Di-đà, luôn luôn nhớ nghĩ, không gián đoạn. Nhưng “chấp trì” danh hiệu còn có sự trì và lý trì.

Sự trì là chưa đạt đến “Phật là tâm, tâm là Phật”, nhưng tin chắc có đức Phật Di-đà ở Tây phương, quyết chí cầu vãng sanh.

Lý trì là đem Phật A-di-đà ở Tây phương đặc vào trong tâm của ta, Phật đầy đủ trong tâm ta, do tâm ta tạo ra, cùng với tự tâm này mà tạo ra danh hiệu Phật, buộc cảnh ấy vào tâm của ta không bao giờ để mất.

 

V. CHÍN PHẨM VÃNG SANH VÀ BỐN LOẠI TỊNH ĐỘ

Đại sư Ngẫu Ích đối với sự chấp trì danh hiệu đã có nhận xét, còn đối với công phu niệm Phật cũng có chủ trương. Trong phần mở đầu của “Trì danh niệm Phật lịch cửu phẩm tịnh tứ độ thuyết”, đại sư đưa ra vấn đề, chín phẩm vãng sanh có sự sai khác, có thể do trình độ của mỗi người niệm Phật loạn hay không loạn mà quyết định được phẩm vị cao thấp. Đại sư lại nói: “Niệm Phật tin sâu xa, nguyện tha thiết, mà khi niệm Phật tâm nhiều tán loạn, tức là hạ phẩm hạ sanh. Niệm Phật tin sâu xa, nguyện tha thiết, mà khi niệm Phật ít tán loạn, tức là hạ phẩm trung sanh. Niệm Phật tin sâu xa, nguyện tha thiết, mà người niệm Phật không còn tán loạn, tức là hạ phẩm thượng sanh. Nếu niệm đến sự nhất tâm bất loạn, không khởi tham, sân, si tức là trung tam phẩm sanh. Nếu niệm đến sự nhất tâm bất loạn, thì tự nhiên đoạn kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc, cũng có thể dứt trừ vô minh, tức là thượng tam phẩm sanh. Cho nên Tín, Nguyện, Trì danh niệm Phật có thể trải qua chín phẩm sanh, đích thực không còn sai lầm”.

Nay xin nói ý chính và giải thích sự nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn, phân ra làm sự nhất tâm và lý nhất tâm. Sự là chỉ cho tất cả hiện tượng; lý là chỉ cho bổn thể của tất cả hiện tượng. Giáo pháp của Phật nói về sự, là chỉ cho tất cả pháp của thế gian. Bổn thể của tất cả pháp, chỉ cho chân như pháp tánh, nó có thể có rất nhiều giả danh, chỉ có điều là không ra ngoài tâm thanh tịnh vốn đầy đủ của chúng sanh, bỏ vọng còn chơn, liền trở lại với chân như của bổn thể, về với chân như là cảnh giới Niết-bàn của liễu sanh thoát tử. Chỉ có lý cảnh của bổn thể này, chẳng phải ly khai tất cả hiện tượng mà tồn tại riêng biệt bên ngoài. Không chấp vào hiện tượng, đối với hiện tượng không sanh khởi các loại phân biệt của tâm phiền não vọng tưởng, đó là lý nhất tâm bắt đầu hiển hiện.

Đại sư Ngẫu Ích lấy nhân ngã để đạt đến sự nhất tâm. Đối với hiện tượng thời không khởi lên vọng tưởng, nhìn thấy được trình độ sâu cạn mà lên bật trung phẩm và thượng phẩm của Liên Đài. Trong quá trình sáu phẩm Liên Đài là cộng cả trung và thượng, có thể đoạn trừ phiền não của tham, sân, si, thậm chí có thể bẻ gãy bộ phận vô minh làm chướng ngại thành Phật (tu Bồ-tát hạnh) ... Chỉ có điều chẳng phải là lý nhất tâm, nếu có thể khai tâm thấy bổn tánh Phật, mới gọi là lý nhất tâm.

Đại sư Ngẫu Ích do trì danh niệm Phật mà đoạn trừ các thứ phiền não của vô minh, xếp thành bốn loại Tịnh độ. Đoạn văn trước đại sư đã nói: “Thực hành Tín, Nguyện, Trì danh tiêu trừ nghiệp chướng, dẫn dắt những người mê được vãng sanh, tức là phàm thánh đều ở Tịnh độ. Thực hành Tín, Nguyện, Trì danh đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc mà vãng sanh, tức là phương tiện hữu dư Tịnh độ. Thực hành Tín, Nguyện, Trì danh phá vỡ một phần vô danh mà vãng sanh, tức là Thật báo trang nghiêm Tịnh độ. Thực hành Tín, Nguyện, Trì danh đến chỗ cứu cánh, sạch hết vô minh mà vãng sanh tức là Thường tịch quang Tịnh độ”.

Kiến hoặc, Tư hoặc giống như phiền não chướng của Pháp tướng tông, nó thuộc ở trần cấu của tam giới sanh tử, nếu đoạn tận Kiến hoặc, Tư hoặc thì có thể ra ngoài tam giới của sanh tử. Vô minh giống như Sở tri chướng của Pháp tướng tông, còn một phần Phiền não chướng, thì nhân ngã không thể ra khỏi sanh tử; còn một phần Sở tri chướng thì Bồ-tát không thể thành Phật.

Thế thì công năng trì danh niệm Phật có đoạn trừ vô minh được không?

Đại sư Ngẫu Ích đáp: “Trì danh hiệu Phật, bất luận ngộ hay không ngộ, chẳng qua là nhất cảnh Tam đế (Không đế, Giả đế, Trung đế); Năng trì tâm niệm, bất luận đạt hay không đạt, chẳng qua là nhất tâm Tam quán (Không quán, Giả quán và Trung quán). Chỉ vì chúng sanh chấp trước vọng tưởng, hữu tình thấy mà phân biệt, cho nên không được tròn đầy. Nhưng không biết rằng, Năng trì tức là Thuỷ giác5; Sở trì tức là Bổn giác6. Nay hướng đến chữ trì, trì bên ngoài thì không có Phật, Phật bên ngoài thì không trì, năng và sở không hai, Thuỷ Giác với Bổn Giác, gọi là Cứu cánh giác.

Người viết bài này rất áy náy vì sở trường chuyên môn rất hạn hẹp, nên tính cách nghiên cứu chưa đạt đến rốt ráo. Đặc biệt những danh từ chuyên môn của Thiên thai tông như: Bách giới thiên như, Nhất cảnh tam đế7, Nhất tâm tam quán, Thuỷ giác, Bổn giác và Cứu cánh giác8 …, do bài văn có hạn, không thể nói rộng, cho nên không tiện để giải thích, buộc lòng phải làm phiền độc giả bước đầu học Phật, tự mình tra duyệt Phật học tự điển.

Sách tham cứu:Linh phong tông luận (Ngẫu Ích),Di-đà kinh yếu giải,Phật giáo đại tự điển,Sử Trung Quốc giáo lý Tịnh độ.

 

--- o0o ---