Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

QUYỂN SÁU

13 Tháng Giêng 20171:26 CH(Xem: 2272)
QUYỂN SÁU

Long Thơ Tịnh Độ

 

Dịch giả: HT Thích Hành Trụ

--- o0o ---

QUYỂN SÁU 

CHỨC QUỐC HỌC TẤN SĨ

ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU SOẠN 

LỜI ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU NÓI

Người tu Tịnh độ, nên tùy trường hợp, ra công làm lành, để giúp sự tu hành mau tiến triển, cho nên quyển này, tên là quyển KHUYẾN DỤ. Nếu người nào không biết chữ, nhờ trang từ nhân quân tử, phát tâm Bồ Tát, vì kia giải nói. Đây cũng là một sự bố thí rất lớn.

Nội dung của quyển này Trước, sau thứ lớp, từ gần đến xa, từ gấp đến hưỡn, bất câu người cao, thấp, đồng khuyến dụ vậy.

KHUYẾN SĨ NHÂN

SĨ NHÂN Hoặc có người đọc sách chưa bao nhiêu, mà thi đỗ khoa cao, có người đọc sách rất nhiều, mà trọn đời thì không đậu. Thế đâu chẳng phải đời trước trồng cái nhân thiện ác chẳng đồng, mà nay phải chịu cái cảnh huống ấy không ? 

Song tuy nhiên người tuổi trẻ đỗ khoa cao, rỡ ràng tôn tộc, công nghiệp cậy nhờ trong một thuở, rồi phước báu cũng có khi cùng tận.

Vậy kính khuyên trang hậu sinh, cần nơi học vấn dốc lòng hiếu thuận, xa nghĩ ông Cao, Tằng, ta nhẫn nay, những người còn sống đó, cũng để tâm nơi đạo này, lâu ngày chày tháng, dồn chứa công nhiều lâu rồi tự có chỗ khá vui, kịp người tuổi cao, nên nghĩ việc dĩ vãng dường như mộng ảo, thí như chúng ta người và muôn vật, ở đâu mà đến đây ? 

Chúng ta đến đây để làm gì, đến đây chúng ta chết, rồi chúng ta sẽ đi đâu ? Hay nghĩ bằng cách khác

Chúng ta sống nguồn gốc ở đâu ? Mục đích sự sống ra thế nào ? Đến đâu là cùng tận của sự sống, và đến cả sự sống nữa, sống đây là gì ?

Nếu nói sự sống để chống chọi lại sự chết, thì trước phải định nghĩa cái chết đã. Mà chết! Chết tức là hết sống. Vậy thế là không phải định nghĩa, thì lại rơi vào cái vòng quanh quẩn, rồi ngày lại ngày qua, có ai tránh khỏi ? Đâu khá chẳng để tâm đạo này vậy.

Không luận già, trẻ, nếu ta đem giáo môn này dạy người, khiến người thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời ta đặng phước báu, thân đời sau được sinh lên bậc Thượng phẩm vậy.

KHUYẾN HỮU QUAN QUÂN TỬ

Khuyến người quân tử có chức quan.

Người quân tử có chức quan! Đâu không phải đời trước tu trồng cội phước, nên nay hưởng chức đây!

Ví như Mùa Xuân xuống giống, mùa Thu thâu gặt. Nếu không tu phước, duyên gì được thế!

Song phước đây có ngày hưởng hết. Nếu lại tu phước, làm các việc phương tiện, như thương người, lợi vật. Muốn sức vị tha được phát ra một cách tự nhiên không miễn cưỡng, muốn sự hy sinh không đau khổ, cần phải có tình thương.

Có bao giờ người mẹ hy sinh cho con mà nghe đau khổ đâu ? Tình thương càng rộng lớn thì những cử chỉ hào hiệp càng dễ dàng, chỉ có kẻ thiếu tình thương mới ích kỷ, chỉ có kẻ thiếu tình thương mới dửng dưng được trước nỗi khổ của mọi người. Tình thương càng mãnh liệt, thì sức che chở giữa người và mình càng hùng hậu, rồi lấy công đức đây hồi hướng cầu sinh về Tây phương, thời chóng khỏi luân hồi, thọ mạng và khoái lạc vô cùng tận, đâu phải phước báu của thế gian chỗ hay bì kịp ?

Nếu người dốc lòng thương dân chẳng nỡ bỏ đó. Lại nguyện sinh Tây phương, cho dứt sinh tử rồi, trở lại thế gian này, hiện làm thân Tể tướng, làm công lợi lớn lao nào chẳng đặng ?

Nếu hay đem pháp môn niệm Phật này dạy người, và bảo người rộng khuyến hóa ra nữa, thời người ắt trọng lời nói của mình, vui lòng làm theo, cứ thi hành theo bài kệ đức Đại Từ Bồ tát, thời đời sống đây, cũng có thể tiêu tai đặng phước, lúc chết thức thần được gá sinh lên đài sen bậc thượng phẩm vậy.

KHUYẾN TẠI CÔNG  MÔN GIẢ

Người ở tại chốn công môn, phải tự nghĩ rằng Người kia có chức quan, ta phải hầu hạ kia. Kia cao ta thấp, kia khỏe ta mệt, phụng sự người được vừa ý, ta khỏi có cái lo hành phạt, hoặc khi lỡ lầm, lại bị trách mắng. Thế là đời trước của ta chỗ tu phước chẳng bằng người cho nên ngày nay phải chịu nỗi khốn khổ này, rồi tự an ủi nơi lòng rồi phải thấp lòng giữ nết, để bảo thủ thân này, mỗi việc không câu lớn nhỏ, tùy cơ phương tiện gánh vác, để cho người ngó thấy sinh tâm hoan hỷ, thời ta khỏi lo hậu hoạn, tích thiện mãi mãi phước đến cho con cháu. 

Nhưng vị tha chưa đủ, vị tha mới là phần lý trí do sự hiểu biết mối tương quan cần thiết giữa quyền lợi, chung cùng và riêng biệt mà ra, nó là sự tính toán phải lẽ sáng suốt. Nhưng cái gì thuộc lý trí cũng khô khan, và có khi trái với con tim mình nữa. Vì thế có những sự hy sinh tuy rất đẹp đẽ, nhưng cũng rất khổ đau cho người phải hy sinh.

Nên biết, những người ở chốn công môn, con cháu họ được vinh hiển, đâu chẳng phải Tổ phụ tích đức tu thiện ư.

Công lý rõ ràng chẳng khá chẳng tin, và thường niệm Phật A Di Đà, nguyện sinh Cực Lạc thế giới, lại đem pháp niệm này dạy người, khiến người thay nhau khuyến hóa, chẳng những hiện tiền đặng phước. Thân đời sau mau sinh lên phẩm thượng bậc trung vậy.

KHUYẾN Y GIẢ

Những người làm nghề y khoa (thầy thuốc), phải tự nghĩ rằng  

Thân người tật bệnh, cũng như ta có bệnh, hễ đến rước thì tức đi liền, hoặc người đến xin thuốc, ta liền hốt cho, chớ luận kẻ sang người hèn, chớ lựa kẻ giàu người nghèo, chỉ chuyên một lòng cứu mạng để kết duyên người và tích phước cho mình, thời trong chỗ u u minh minh cũng có thánh thần giúp trợ.

Nếu ta dùng tâm bất nhân, thừa khi người bệnh ngặt dốc lòng đòi của đáng một nói mười, thời trong chỗ minh minh sẽ có tai to họa dữ.

Phương chi, bác ái chỉ là áp dụng trong phạm vi người, từ bi lan cùng cho đến cỏ cây muôn vật, có một tình yêu thương rộng lớn như thế thì may ra đối với người mới thiết thật bác ái được, nếu không thì cũng tiếp tục giết hại lẫn nhau mà thôi.

Vả lại mang thân xác này là đã chất chứa đầy dẫy biết bao sự bệnh tật, mà sự bệnh tật ấy là nền tảng của tất cả sự khổ của nhân sinh. Bệnh tật càng lớn lên chừng nào, nhân loại càng khổ sở điêu đứng chừng ấy.

Rốt cuộc nhân loại từ giàu đến nghèo, từ thông minh đến ngu dốt đều gồm thâu trong một chữ khổ, nên Phật Ngài nói thế giới loài người là một bể khổ mênh mông. Hiện trạng của thế giới ngày nay đã chứng cứ cho chúng ta về chữ khổ vậy.

Như sự đau đớn bệnh tật không những chỉ tàn hại người già nua, mà nó cũng dày xéo luôn những tấm thân tráng kiện nữa, một khi chết là hết. Bao nhiêu lâu đài hạnh phúc tạm bợ đã xây dựng trên cuộc đời đều đổ sụp.

Cuối cùng chỉ mang theo nghiệp lực đã tạo trong kiếp sống để rồi đi đầu thai vào một kiếp sống khác cũng chẳng kém phần đau khổ.

Nhắc làng tôi (Vương Nhựt Hưu) có ông Trương Ngạn làm nghề y khoa có tiếng. Các ông Tăng, bần sĩ, quân lính, quan viên, và phàm dân nghèo hèn đến ông hốt thuốc, ông chẳng thọ tiền, lại còn có khi lấy tiền nhà mua gạo cho nữa.

Những người đến rước, dù là người hết sức nghèo ông cũng đi. Người giàu đem tiền hốt thuốc, không hỏi tiền nhiều ít, cứ lấy thuốc cho nhiều, mong sao cho lành mạnh, chưa hề để ý trong kia đem tiền đến hốt thuốc. 

Cũng có khi biết người bệnh ngặt, khó mà cứu sống nhưng cũng vẫn cho thuốc tốt, để an ủi tâm người bệnh, không chịu thọ tiền. Ta Vương Nhựt Hưu ở chung với hắn (thầy thuốc) rất lâu, rõ biết hắn làm thuốc không lúc nào thấy hở miệng hỏi tiền, thật đáng gọi là Y nhân trung đệ nhất đẳng nhân hỷ. Nghĩa là Trong các người thầy thuốc, hắn là người bậc nhất vậy.

Một hôm tình cờ trong thành hỏa tai nổi dậy, trong khi ngọn lửa bốc cháy, đâu đó cháy hết chỉ chỗ ở của ông vẫn còn lại. Lại nữa, có một năm tai dịch, trâu chết rất nhiều, thế mà chuồng trâu của ông vẫn còn nguyên không mất một con nhỏ.   

Lấy đây mà nghiệm đâu chẳng phải Thần minh giúp hộ ấy ? Hơn nữa con ông đọc sách (đi học) sau thi đậu khoa khôi giáp (đậu trạng nguyên), cháu ông có ba người thuần hậu sáng ngỏ. Đó cũng là Đạo Trời ban phước cho người thiện, hay là lý công Người thiện thì được phước, thật đúng vậy. 

Giả sử ông ta làm thuốc, cứ bo bo tiền của, tham tâm keo rít, tốn phí còn nhiều hơn số ấy nữa. Chỗ lời cũng chưa bù đặng chỗ thiếu, huống lại có phần thưởng lớn lao như thế.

Vậy thời những người đồng môn (đồng nghề thuốc) sao khá chẳng lấy đây làm gương ? Nếu thường giữ tấm lòng như ông, rồi niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ, quyết định sinh lên bậc thượng phẩm.

Nếu nhân trong người đang bệnh khổ mà dạy họ tu pháp môn này, thời họ dễ phát tín tâm, và khuyên người phát lời đại nguyện dùng rộng truyền pháp niệm Phật để chuộc tội đời trước, mong cầu lành mạnh ắt toại sở nguyện. Hoặc tuổi trời đã hết, cũng khá nhờ nguyên lực đây mau sinh Tịnh độ. Cứ thường như vậy dạy người, chẳng những thân sau hóa sinh phẩm thượng mà hiện đời ai cũng tôn thờ và kính trọng, phước báu vô biên, kịp đến đời con cháu nữa vậy.

KHUYẾN TĂNG

Tăng già, phải tự nghĩ rằng Ta là người xuất gia, liễu đạt sinh tử, mới phải là việc bổn phận, chẳng đặng như thế, bèn sa chân theo trần tục, một mai đại hạn tới rồi, biết lấy chi nương cậy. Tuy ngày bình nhật có làm việc lành, cũng không khỏi đi trong cảnh luân hồi, lúc thiện nghiệp hết rồi, lại phải đọa xa, chi bằng sớm tu Tịnh độ, mau khỏi luân hồi, diện kiến Phật A Di Đà, mới là xong việc của người xuất gia, như ngài Vĩnh Minh Thọ Thiền sư, ngài Trường Lô Trách Thiền sư, ngài Vạn Niên Nhất Thiền sư, đều tu pháp này. Lại đem pháp niệm này dạy người, và khiến người thay nhau khuyến hóa, ta đâu chẳng bắt chước các ngài ư ?

Vả lại cố gìn giữ tham cầu làm chi những vật vô thường giả hiệp quanh ta, khi chính ta đây cũng vô thường giả hiệp. Cố nắm bắt làm chi cái có không ấy, trong lúc chính ta đây cũng không có rồi. Đã suy nghiệm như thế nên bao giờ cũng cố tâm diệt trừ dục vọng cố tập tánh thản nhiên, trước những sự còn, mất, có, không. Đây là một điều chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ.

Phàm thọ người ta một đồng tiền, hộ ta một bữa ăn, ta đều sẽ vì kia mà giảng nói pháp môn Tịnh độ này, để đáp bù ân đức kia. Dù kia không tin, cũng khiến cho họ biết, lỗ tai quen lần lâu rồi tự tin hay là tin liền, lợi ích biết mấy, thường khuyên hóa người như thế, hiện đời được người kính nể, thiện duyên ta càng thêm thuần thục.

Lại hay chuyên tâm quán tưởng, quyết chẳng bao lâu thấy được chân thân của Phật, mãn tận báo thân này, sau chắc sinh lên phẩm thượng đồng bậc Bồ Tát bất thối chuyển vậy.

Nên lời cổ ngữ có câu Thử thân bất hướng kim sinh độ. Cảnh hướng hà thời độ thử thân. Nghĩa là Thân đời này chẳng liền độ nó ngay trong đời này, lại đợi đến đời nào mới là độ nó ? Thường để ý niệm đây, chớ nên trễ nãi vậy.

KHUYẾN THAM THIỀN GIẢ

Trang tham thiền đại ngộ, mau thoát sinh tử luân hồi, vốn là bậc thượng, song người được như thế trong số trăm người không đặng hai ba. Chi bằng tu Tây phương chóng khỏi luân hồi, mà đường sinh tử tự như, muôn người chẳng mất một. 

Hôm nay tôi (Vương Nhựt Hưu) muốn khuyên các Tăng già, những người bậc thượng căn lợi khí, ngoài giờ tham thiền, mỗi ngày trong giờ phút rảnh tu Tây phương.

Hoặc tham thiền đại ngộ, liền mau khỏi luân hồi, còn cách Phật rất xa, chi bằng về Tây phương ra mắt đức Phật A Di Đà thi lễ rất kỉnh, có chi không đặng ?

Nếu người chưa đặng đại ngộ, mà thọ số rủi hết, cũng mau sinh Tây phương thấy Phật nghe pháp, lo gì không được đại ngộ! Vậy, nếu không tu Tây phương, quyết không khỏi theo nghiệp duyên mà đi vậy. Dù như ông Thanh Thảo Đường, ông Giới Thiền sư, và ông Chân Như Kiết, đều trầm ngập trong cảnh luân hồi, thật khá đáng thương, mà cũng thiệt đáng sợ (tích này trong quyển bảy có nói).

Vậy lời nói để hình dung mô tả sự thật mà thôi. Muốn thấy sự thật phải sống với nó, phải hành sự thật, phải thể nhập với sự thật. Chỉ khi ấy lòng tin mới đủ điều kiện của nó và mới mạnh mẽ đúng đắn được.

Nếu quý ngài không khinh pháp môn này, một lòng tu tấn, và đem truyền dạy người, lại khiến người thay nhau khuyến hóa, người tưởng mình là một ông danh Tăng, ắt ưa nghe theo lời nói của mình, thời mình được sự lợi ích vô cùng tận, lẽ dĩ nhiên ta được sinh lên phẩm thượng, bậc thượng vậy.

KHUYẾN PHÚ GIẢ

Người bậc phú giả phải tự biết rằng Ta đời này được giàu có, đều do đời trước có gieo trồng thiện căn.

Ví như lúa ta ăn trong năm này, đều là thứ giống mạ ta đã cấy trồng ở năm ngoái. Song áo cơm tài lộc của nhân sinh, chốn âm ti (cân nhân quả) đều có số nhất định. Chậm rãi làm ăn, như số ta đáng có tự nhiên nó đến. Song bổng lộc nó đến, tuy là chậm chậm đến, nhưng nó được lâu dài. Ví như, nước chảy ít, thì thời lâu hết vậy.

Bằng chóng gấp tham cầu, thì cũng chỉ chừng số ấy. Nếu ngoài số ấy mà đặng (đặng của hoạnh tài) thời họa sinh mà chết như nước đầy quá, lẽ phải ngập tràn vậy.

Cho nên phải tùy phận làm ăn nuôi sống, đừng quá tham tràn, và bớt chút ít giúp người, để phòng sự tràn ngập. Được như thế, chẳng những khá dùng hưởng phước đương đời được yên ổn, mà lại bố thí, để trồng phước qua đời vị lai. Nhưng phải nghĩ tưởng, phước thế gian cũng có ngày hết. Nếu dùng tâm hồi hướng Tây phương thời phước không cùng tận.

Đã bao nhiêu lần kết quả của bao nhiêu kinh nghiệm đã trượt khỏi bàn tay và khi cái mà người ta tưởng đã nắm được, ấy chính là lúc chúng tiêu tan mất.

Huống chi sự giàu có của thế gian, cũng không đặng mỗi món vừa lòng. Duy có để tâm Tây phương, thời tự có chỗ khá an lạc. Lại thay nhau ấn thí văn tự Tây phương để rộng khuyên người và khiến thay nhau giáo hóa, thời đây tức gieo trồng cội phước vô cùng tận, được vậy, đương đời có thể khá dùng tiêu tai khỏi nạn, quỷ thần cung kỉnh mà ủng hộ cho. Thân đời sau, ắt sinh lên phẩm thượng bậc thượng vậy.

KHUYÊN THAM LẪN GIẢ

Người đặng của ba ngàn, mà chưa lấy làm nhiều là tham vậy. Mới chi phí vài ngàn mà cho là nhiều, ấy là tiếc vậy. Cái tội tham tiếc, ai cũng có, nhưng ít người tự biết. Nếu người nào bỏ được tánh cách đây, mới kêu là ông Hiền giả.

Nào, chúng ta thử xét trước kia lòng ta tham lam, giận dữ, kiêu mạn, nghi ngờ nó ép bức, khuấy rối, sai khiến, thúc giục, làm cõi lòng chúng ta phải làm tôi để chịu kiếp kiếp đọa đày, phong ba bão tố táp làm tan nát lòng người, giọt lệ máu đào nhuộm đầy cả vũ trụ.

Nay ta trông thấy cảnh đau thương của cả nhân loại, nó sát cánh với ta quá đi, ta giựt mình tỉnh giấc mộng lớn, thì lòng ta có vui chi, thiết chi những cái sương mai bọt nước.

Những nỗi đau khổ của kiếp người, nếu không phải là của tất cả, thì một phần lớn đều do sự mê mờ. Nếu kịp nghĩ thế thì thiện nghiệp Không lành nào mà chẳng làm. Ác nghiệp Không cái dữ nào mà chẳng răn dứt. Vì sao ? Bởi không tiếc của là thiện nhân, bằng có tham của thì là ác nhân vậy. Nếu như vậy mà tu Tịnh độ quyết chẳng sinh ở phẩm hạ vậy. Lại hay đem pháp này dạy người và khiến người lần hồi truyền rộng ra, thời người thấy mình không có tâm tham tiếc thế tất họ phải tôn kính, và ưa nghe theo lời thiện ngôn của mình đó là pháp! Nhất đăng truyền vạn đăng (một ngọn đèn mồi ra trăm vạn ngọn)

Thời vãng sinh bậc thượng phẩm ta còn nghi chi nữa ? Phước báu đương đời cũng khá mau thấy được vậy, nên nói Phước báu giả bất khả dĩ ngôn tận, hành giả đương tự tri chi. Nghĩa là Phước báu ấy, chẳng khá dùng nói cho hết, người tu phải tự biết đó.

KHUYẾN HIẾU TƯ

Ngài Trường Lô Trách Thiền sư, làm bài văn Khuyến Hiếu, một trăm hai mươi bài Một trăm bài trước, nói về sự hiếu dưỡng cha mẹ, món ngon ngọt là cái hiếu của thế gian. Hai mươi bài sau là nói về cái hiếu khuyên cha mẹ tu Pháp môn Tịnh độ, là cái hiếu của người xuất thế gian.

Luận rằng Cái hiếu thế gian, chỉ có một đời trong khi cha mẹ còn sinh tiền mà thôi, cũng là cái hiếu rất nhỏ vậy.

Còn cái hiếu xuất thế gian, là cái hiếu vô cùng tận. Vì sao ? Nếu cha mẹ được sinh về Tịnh độ, hưởng sự phước thọ như hà sa số kiếp, thì có cái chi hơn cái hiếu này vậy.

Có người báo ân cha mẹ bằng cách an hưởng thú vui vật chất, có người làm cho cha mẹ vui hưởng về tinh thần, hoặc hưởng cái vui chốc lát, vui lâu dài, vui đậm đà đầm  ấm, và vui siêu thoát v.v… Ấy, đàng nào cũng gọi là hiếu, đàng nào cũng tìm cách đem lại sự an vui cho cha mẹ. 

Nhưng xét cho thấu đáo, thì chỉ có cái vui siêu thoát mới đem lại cho cha mẹ sự an vui đời đời, mới thật hoàn toàn đạt được sự báo hiếu mà thôi.

Cha mẹ còn, mà không đem pháp môn này khuyên gắng ngày kia luống uổng dầu làm việc hậu lễ, cũng nào có ích chi!

Nếu đem pháp này dạy người, bảo người thay nhau khuyến hóa, lấy công đức đây giúp cha mẹ được phước thọ thêm thiện báo cho cha mẹ nữa.

Phật không ngăn nguyện chúng sinh, ý đây ắt khá toại vậy. Trong văn Thượng phẩm Thượng sinh nói Người mà được lên bậc thượng phẩm thượng sinh, là cái nhân hiếu dưỡng cha mẹ trước nhất. Tôi (Vương Nhựt Hưu) để tâm suy nghiệm theo đây, làm bài văn nói về sự hiếu dưỡng, phẩm đệ vãng sinh, khá thấy vậy.

KHUYẾN CỐT NHỤC ÂN ÁI

Nghĩa cốt nhục, tình ân ái, phải tự nghĩ rằng Đức Đại Từ Bồ Tát có làm bài kệ nói Cốt nhục ân tình yêu nhau, ít mong tuổi thọ đến bạc đầu, những trang cường tráng bao nhiêu chết, lại có lúc khờ mạng chẳng lâu, rủ nhau niệm Phật A Di Đà sen vàng ao báu nở hoa, bà con tụ hội một nhà, vạn kiếp thượng sinh khoái lạc.

Chẳng đặng như thế, luống sắm áo tốt, cho rực rỡ thân mình. Món ăn ngon, cho đẹp miệng mình, một mai thân tình ly tán, rốt cuộc rồi không nơi nhờ cậy. 

Huống chi trong khoảng từ sinh đến tử, sự sống chung đụng người với người hằng ngày trong gia đình, giữa xã hội, sợi giây ân ái cột trói người này qua người khác, ân ái chừng nào sự chia ly càng đau khổ chừng ấy, và càng oán thù chừng nào mà phải gặp gỡ lại càng bực bội thêm chừng ấy.

Lại còn làm người hy vọng quá nhiều. Đến khi thất vọng thì nỗi khổ lại càng tăng. Cái luật vô thường sớm còn tối mất, mới trắng răng phút đã bạc đầu. Cho nên lúc sinh tiền, phải khuyên nhau niệm Phật.

Nếu lại đem pháp môn niệm Phật đây dạy người, bảo người thay nhau khuyến hóa. Thế, chẳng những khiến cốt nhục của mình có ái ân vô cùng, mà cũng khiến cốt nhục người khác có ân ái vô tận.

Thì phước báu ta đâu có cùng tận ? Chắc sinh lên phẩm thượng bậc trung vậy. 

KHUYẾN PHỤ NHÂN

Các người phụ nhân, phải nghĩ rằng Đức Phật, là đấng chí tôn Vô thượng giác, biết cùng tột nghiệp tánh chúng sinh chỉ một lòng từ bi vô lượng muốn làm sao đem chúng sinh ra khỏi bể luân hồi, trở về đường sáng suốt.

Cứ theo lời Phật dạy Người phụ nữ do tâm dục nặng nhiều, nên mới chịu sinh làm tấm thân người phụ nữ. Ấy đã là không phải thiện nghiệp, nếu không tự xét mình, còn thêm tâm tật đố, tâm tham dục, nghiệp duyên càng sâu quả báo khá ghê sợ.

Loài người đã tạo ra vô lượng vô biên khổ não, gây ra sát hại, trộm cắp, dâm dật, nói láo, phóng đãng, lường gạt v.v… quả khổ của thân này chịu chưa vừa, lại gây thêm nhân lầm lạc cho thân khác, thành thử quả gây nhân, nhân cảm quả, xoay vần vay trả đời đời kiếp kiếp không bao giờ thôi.

Nếu hay hồi tâm sám hối, cải đổi niệm xằng (quấy) lòng nhân từ tha thứ cho kẻ tỳ thiếp, ôn hòa lễ nhượng dưới trên và thường niệm Phật A Di Đà phát nguyện rằng Nguyện cho hắc nghiệp (nghiệp ác) càng ngày tiêu tan, bạch nghiệp  (nghiệp lành) mỗi ngày thêm lớn, hiện đời trong sạch, thân tâm nhẹ nhàng. Đời này hết rồi, hằng chẳng còn chịu quả làm thân người nữ nữa.

Mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục, chắc sinh về thế giới Cực Lạc. Nếu đem pháp này giáo hóa, từ kẻ tỳ thiếp đến nội nhà, cả trong tôn tộc bà con, thời phước báu vô cùng, ắt sinh lên bậc thượng phẩm. Xem trong truyện bà Kinh Vương phu nhân khá thấy vậy. (Tích này ở quyển thứ 5)

KHUYẾN BỘC THIẾP

Người làm kẻ bộc thiếp (tôi tớ), phải nghĩ rằng Đời trước ta không tu trồng cội phước, nên đời này phải chịu làm kẻ bần tiện, người hưởng sự an vui, ta chịu cần lao, người ăn vị ngon, ta ăn hẩm hút, người mặc đồ nhẹ nhuyễn, ta mặc áo xấu thô. Ấy đều là bởi nghiệp duyên đời trước, việc đó đã qua rồi dù có ăn năn cũng không đặng.

Bởi nghiệp báo của mình tuân theo luật nhân duyên nhân quả, tất đều phát sinh hiển hiện, tiếp nối theo những tiền nhân. Và những tiền nhân ấy đã cấu tạo thành hiện quả mà mình đang cảm nhận hay thọ lãnh.

Vậy bây giờ, bắt đầu từ đây về sau, ta phải gieo niệm thiện cải ác, cải quá, trung trực cần cẩn, hết lòng phụng sự chủ nhân, để bảo thủ thân này, và gắng trồng cội phước về sau, thường niệm Phật A Di Đà, niệm hoài không dứt, tâm niệm thuần thục, tự nhiên sinh về thế giới Cực Lạc.

Lại đem pháp này truyền dạy cho bạn đồng nghiệp, và bảo thay nhau khuyến hóa, thời phước báu vô cùng, ta ắt được sinh về phẩm thượng bậc trung vậy.

 KHUYẾN NÔNG GIẢ

Người làm nghề nông, phải tự nghĩ rằng Nghề nông này tuy là việc căn bản, song việc cày ruộng cuốc đất chi cho khỏi sát hại các loài vật mạng vi tế cũng chẳng phải ít.

Việc đây, tuy không biết làm sao được, không lẽ không làm lấy cơm đâu mà ăn ?

Như thế nghĩa là trong thực tế, ta không thể phân chia một cách đúng đắn loài hữu tình và loài vô tình, chúng ta chỉ phân chia một cách độc đoán ở trong trí não mà thôi. Trí não là một lưỡi dao rất sắc bén, đã cắt đứt sự tương liên, tương tục của Nhân và Vật.

Nhưng trí não phải độc đoán như thế mới có thể giải quyết mọi vấn đề phiền phức của sự sống.

Vậy nếu hay tránh né toàn bộ, và sám hối tội trước thường niệm Phật A Di Đà, phát lời đại nguyện rằng Nguyện sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, trước độ tất cả những chúng sinh vi tế mà ta đã lỡ lầm sát hại, từ khi cày trồng đến nay, kế đến độ tất cả những kẻ oan người thân, đều đặng giải thoát, đều đặng sinh về Tịnh độ. Thường niệm như thế, khiến cho mỗi niệm đừng quên, niệm tự thuần thục, quyết định sinh lên thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp môn này truyền dạy người khác khiến người khác khuyến hóa rộng ra, thời đương đời đặng phước và thân sau ắt đặng sinh về phẩm bậc trung vậy. 

KHUYẾN DƯỠNG TẰM GIẢ

Những kẻ dưỡng tằm phải tự nghĩ rằng Nuôi tằm kéo tơ, để làm áo cho người mặc, việc này vốn là lý thường của thế gian song cũng là một chuyện sát hại vật mạng. 

Xứ Ấn Độ, người đời truyền nhau họ nói Việc làm tằm tơ, là do ngài Mã Minh khai sáng, song xét trong kinh tạng thì không có chuyện đó. Duy có thuyết Phật dạy các ông đệ tử Ngài đừng mặc áo bằng tằm tơ và dùng da trâu bò làm giầy dép, vì các thứ ấy, cũng là sát vật mạng mới có. 

Bởi loài người đối với loài vật, thường có sự tự cao vô lý, sự tự cao ấy xui sử người ta bất công, mà khi đã sẵn trong lòng một mối bất công, thì trong lúc đối đãi, không những với loài vật mà ngay người với người, cũng khó mà bình đẳng được. Trước sự sống mọi sinh vật đều như nhau, con kiến, con bọ cũng có quyền được sống như loài người, thì loài người không thể viện lý gì để gom góp sự sống riêng cho mình.

Người đã dùng nuôi tằm làm nghề đâu khá chẳng biết sợ tội, phải thường sám hồi, thường niệm Phật A Di Đà phát lời đại nguyện rằng Nguyện sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả tằm mạng mà ta đã lỡ lầm, sát hại từ ngày ta nuôi tằm tơ tới nay đồng sinh về Cực Lạc. Khiến mỗi niệm mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục, cũng sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp môn này truyền dạy người khác khiến người khác thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời ắt đặng phước báu, thân đời sau được sinh lên phẩm trung vậy.

KHUYẾN THƯƠNG CỔ

Người làm việc thương cổ (buôn bán) phải tự nghĩ rằng Một đời bình sinh ta đứng ra buôn bán, chi cho khỏi dối trá chút đỉnh. Nếu là một cây lụa cũng đều là do mạng con tằm mới có, không nên cượng nói rằng mình không tội lỗi, một ngày mạng tận phải theo nghiệp duyên mà đi. Chẳng bằng sám hối rồi đổi qua làm nghề khác hay hơn, tùy phận làm ăn nuôi sống.   

Mạng mình nếu nhiều của tự nhiên lần có, mạng mình nếu của ít, dù đặng nhiều cũng thất sinh tai này họa khác. Huống chi đời người tai số có phần gấp cầu mà, rủi số mãn, thời phải chết sớm. Cầu hưởng mà của đến chậm mới đặng lâu dài.

Nên biết, ta thông minh có một tâm hồn, nhưng ta lại bắt buộc sự thông minh và tâm hồn ấy phải hạ thấp sống ngang hàng với vật chất phải phụ thuộc vật chất, không hiểu rằng Vật chất không  phải là sự sống, mà chỉ là cái dùng để nương tựa, sự sống chưa hoàn mỹ. Vậy hình tướng dầu sai khác, tinh thần vẫn một thể, hơn nữa phải noi theo giáo lý Đức Phật mà hoán cải đời sống tươi sáng hơn, phải lấy đây để lòng, thường niệm Phật A Di Đà nguyện sau khi ta đắc đạo thấy Phật rồi, trước độ tất cả những người giao thiệp với ta. Kế độ kẻ oan người thân và sau độ tất cả chúng sinh có duyên cùng không duyên đồng sinh về Cực Lạc thế giới. Như vậy, mỗi niệm nỗi niệm nối luôn, niệm tự thuần thục, ắt sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp này truyền dạy người làm, bảo người khuyên hóa rộng ra, thời hiện đời đặng phước, thân sau sinh lên phẩm thượng của bậc trung vậy.

KHUYẾN CÔNG TƯỢNG

Làm người công tượng (thợ) phải tự nghĩ rằng Ta làm người thợ, hoặc vì người cất nhà cửa hoặc vì người làm đồ dùng.

Đây tuy là thiện nghiệp, bởi đời trước ta chẳng tu phước, nên đời này tự không được giàu có, cả đời cứ lo cất nhà, mà bao giờ cũng cất nhà cho người khác ở, còn mình thì chui đụt chòi nhà tranh lá rách dột. Cả đời cứ lo làm đồ dùng, mà bao giờ cũng làm đồ dùng cho ai đâu, chớ phần mình không có cái bàn để uống nước v.v…

Nếu không như vậy, áo cơm thiếu thốn, phải tùy phận làm lành, khi vì người cất nhà cửa, tài vật chớ quá mong, việc làm cho hết lòng.

Đây cũng là trồng ruộng phước, thường niệm Phật A Di Đà khi cầm búa đẽo cây, cũng một lòng niệm Phật, khiến mỗi niệm không thôi, niệm tự thuần thục, quyết định sinh về Cực Lạc. 

Nếu đem pháp niệm này dạy người, và khiến người rộng khuyến hóa, thời hiện đời đặng phước, thân đời sau ắt sinh lên phẩm thượng bậc trung vậy.

KHUYẾN ĐA ĐỒN KIỂN

Người nhiều việc đồn kiển (cắn đắn), chớ oán trời, chớ trách người, đều là nghiệp duyên đời trước của mình gây tạo. Nếu thấy người hoan hỷ, thời đặng báo hoan hỷ, đời trước não hại người nay mắc báo người não hại, trước làm việc lợi ích, nay đặng báo mọi điều như ý. Cho đến trước cản trở người, nay mắc báo bị người cản trở, món món cũng đều do sự làm của mình đời trước tất cả, như bóng theo hình vang theo tiếng dội. Và như hôm nay ta mang nhiều việc cắn đắn đây, chính đời trước ta gây cái nhân bất thiện, không làm phước nghiệp.

Quanh ta mọi vật tương tục chảy trôi như thác đổ mà ta cũng là dòng suối không bao giờ dừng. Cái khổ của người đời đã để dòng suối đời mình chảy ngược lại với dòng thác đổ của sự vật, và cuối cùng cũng không làm sao cưỡng lại ngọn thác cuốn phăng đi.

Thôi đã qua rồi biết làm sao, và có ăn năn cũng chẳng đặng. Vậy thì bây giờ và từ đây về sau ta cần sám hối, thường niệm Phật A Di Đà, chẳng những khá dùng tiêu trừ chướng trước, mà lại còn có thể tăng trưởng thiện duyên, đời sau sinh lên thế giới Cực Lạc, không còn có việc cắn đắn nữa vậy. Đừng nói đời sau đâu xa, chỉ ngay trong khi nhắm mắt tức là đó.

Nếu đem pháp này dạy người, và bảo người thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời đặng phước, thân sau cũng quyết chắc sinh lên phẩm thượng của bậc trung vậy. 

KHUYẾN CỐT NHỤC OÁN TẮNG

Kẻ cốt nhục oán tắng, phải tự nghĩ rằng Ta do đời trước có làm ác nghiệp nên mắc báo như thế này. Hoặc sát mạng người, hoặc thiếu nợ người, hoặc tổn hại người. Nếu làm duyên lành, ắt chẳng đến nỗi như đây.

Dù sao hiểu được căn nguyên của bệnh đã là một chuyện quý, sự khổ vui, dầu là kết quả tiếp nối theo tiền thân, con người bị ràng buộc khổ sở, một phần nhỏ bởi ngoại cảnh, phần lớn tại nội tâm.

Cái ngục thất giam hãm còn rộng rãi hơn ngục thất tối tăm của cái ta ích kỷ.

Khi mà cái ta không còn nữa, thì dục vọng cũng không biết vào đâu để đòi hỏi. Mà ích kỷ cũng không còn thấy có cái kỷ, để mà làm ích riêng. Chừng ấy người và mình sẽ giao hòa trong biển sóng mênh mông không bờ lũy, không ngăn ngại.

Bởi tâm chúng ta bao giờ cũng quen suy nghĩ những việc quấy hơn việc phải, nghĩ dữ nhiều hơn nghĩ lành. Nếu hay giác ngộ sám hối nghiệp đời trước, tủi mình mà lại trách lấy mình, chẳng còn cùng người làm ác, thường niệm Phật A Di Đà. Đều là các người thượng thiện, không còn có khổ ấy vậy.

Nếu biết đem pháp này truyền dạy người khác rồi bảo người thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời khá đặng phước báu, hậu thân ắt sinh phẩm thượng bậc trung vậy.

KHUYẾN NGƯ GIẢ

Ngư giả (người chài lưới) phải tự nghĩ rằng Cá sinh trong nước, không hại chi nơi người. Ta bèn lập xảo kế bắt nó toan đem mua bán, để nuôi mạng sống ta. Bằng ta để tâm thử nghĩ Cá ở trong nước nó cũng có bà con của nó, trong bụng nhiều con, mỗi con đều có tánh mạng ta bèn sát hại, tội kia vô lượng. Nếu hay cải nghiệp (đổi nghề) ấy là bậc thượng vậy, bằng chưa hay vội bỏ. Vả đừng sát mạng loài cá nhỏ và các thứ ốc, sò, chình, lươn, những vật khó chết ấy.

Bởi tất cả chúng sinh đều do nhân duyên tạo thành, mà loài người tuy ở một từng bậc cân đối, tế nhị hơn loài súc vật. Nhưng cũng vẫn thuộc từng ấy nguyên liệu, vâng theo từng ấy luật nhân quả nhân duyên, cho nên chỗ chung cùng thì không có những cái riêng biệt.

Vậy nên thường niệm Phật A Di Đà, sám hối và phát lời đại nguyện rằng Nguyện sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả những vật mạng bị ta sát, từ trước đến giờ đều sinh Tịnh độ, niệm niệm không dứt, niệm tự thuần thục cũng được sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp này dạy người, và khiến người truyền bá rộng ra, thời hiện đời, cũng có thể trừ tai đặng phước, thân hậu cũng chẳng ở phẩm hạ của bậc hạ vậy.

KHUYẾN VÕNG PHI CẦM GIẢ

Người làm nghề võng phi cầm (rập chim) phải tự nghĩ rằng Loài chim bay trong rừng, ngoài đồng nội, giữa hư không, không hại chi đến người, ta tham ăn thịt, hay sinh nhiều chước khéo để bắt. Ta tiếc mạng ta, nó cũng thương mạng nó, ta thương bà con ta, nó cũng có con của nó.

Nếu hay cải nghiệp (đổi nghề) ấy là người bậc thượng, bằng chưa bỏ liền đặng, thì đừng sát mạng của loài nhỏ và những giống có ấp trứng. Vả một khi loài người chưa hiểu nỗi đau khổ của đồng loại, của tất cả chúng sinh. Là, hay sẽ là, nỗi đau khổ của chính mình, thì người ấy còn nông nổi và ích kỷ.

Và nếu ta đã biết giác ngộ rằng Cái Tâm rất bình đẳng, phổ biến chung cùng như nước đại dương, thì lẽ não lại còn đi làm việc trái đạo ?

Vậy nên thường niệm Phật A Di Đà sám hối phát lời đại nguyện rằng Nguyện sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả vật mạng bị ta sát hại từ trước đến giờ, đồng sinh về Tịnh độ, niệm niệm không ngớt, niệm tự thuần thục, cũng sinh về thế giới Cực Lạc. 

Nếu đem truyền dạy người đời, và bảo người lần lượt khuyến hóa rộng ra, hiện đời cũng có thể trừ tai hết tội, thân hậu cũng chẳng mất phần sinh về phẩm hạ của bậc hạ (du thắng thiên cung). 

KHUYẾN TRÙ TỬ GIẢ

Người đứng ra làm vị trù tử (bồi bếp) phải tự nghĩ rằng Đời trước của ta không tu phước nghiệp, nên đời giờ phải chịu cái bần khổn và khi chưng, ram, bằm, xắt thịt chúng sinh. Tuy chẳng phải chính tự mình sát song cũng đồng mang một cái trọng tội, chớ chẳng phải không. Nếu hay đổi nghiệp vốn là bậc thượng, bằng không bỏ liền đặng, dè chớ chặt giết loài đang sống.

Thường niệm Phật A Di Đà, sám hối làm việc thiện, phát lời đại nguyện rằng Nguyện sau khi ta tu đắc đạo rồi, độ hết tất cả những vật mạng bị sát hại từ trước đến giờ và bao nhiêu chúng sinh đã bị ta bằm xắt, đều sinh về Tịnh độ một nhà, niệm niệm mãi không thôi, niệm tự thuần thục, cũng sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp này truyền dạy người khiến người thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời khá trừ tai diệt tội, thân hậu cũng chẳng mất phần sinh ở phẩm hạ của bậc hạ (du thắng thiên cung vậy).

KHUYẾN TÁC PHƯỚC GIẢ

Các việc làm phước thiện dầu là tốt cả, song cái phước thế gian có khi hưởng hết, rốt cuộc không ra khỏi luân hồi, chẳng bằng đem pháp này hướng về cõi Tây phương, thời chóng khỏi luân hồi, phước báu này đâu có hết ư! Ta (Vương Nhựt Hưu) vì thế, nên quyển này, hiệu là quyển Khuyến dụ, như trước đã nói Vốn người không biết chữ, toàn nhờ người làm phước, lấy tâm Bồ Tát làm tâm mình, vì người cắt nghĩa cho họ biết như tối đặng đèn, như lạc gặp đường, lấy pháp môn này rộng làm việc bố thí. Khiến ai ai cũng biết, ai ai cũng đều được thoát ly luân hồi, thời phước báu muôn muôn kiếp bất tận, nơi thế giới Cực Lạc, ắt sinh vào phẩm thượng, đâu phải phước báu thế gian cho hay sánh kịp.

KHUYẾN TỤNG  KINH NHÂN

Phàm người tụng kinh, hay là người giữ trai giới vốn là thiện nghiệp. Đời sau ắt hưởng phước báu không còn nghi vậy. Song phước này có khi phải hết, chẳng hay thoát khỏi luân hồi, chi bằng tu pháp niệm Phật cầu về Tây phương, tức là khỏi ngoài vòng luân hồi. Chính người tội ác mà tu, còn được vãng sinh. Huống người trì trai tụng kinh, sinh lên bậc thượng phẩm chắc vậy.

Tuy vậy nhưng tu một mình mình, công đức rất nhỏ, không bằng khuyên người tu mới gọi là đại công.

Nếu đem pháp tu này truyền dạy và khuyên người thay nhau truyền dạy rộng ra, thời người kính mình trì trai tụng kinh, ắt tin trọng lời nói của mình mà làm theo thời công càng lớn, phước càng nhiều. Hiện đời ai cũng quy y, cung kính, thân sau phước đức đâu có hết ư!

KHUYẾN QUỚI NHÂN

Kẻ quới nhân, phải tự nghĩ rằng Tuy mọi việc đều như ý, mọi việc đều được khoái lạc. Song ngày giờ mau chóng thân mộng ảo khó bảo tồn. Từ xưa đến nay, những bậc cực quý có ai còn đâu, chẳng bằng trong khi gấp rút nhín chút thì giờ, mỗi ngày tu pháp niệm Tây phương, thời hiện đợi khá tiêu tai bớt nghiệp, thân sau gá sinh trong hoa sen, bằng không khổ thú, thường hưởng khoái lạc, đâu chẳng tốt ư ?

Như triều nhà Tống ông Văn Hộ Công, ở đất Kinh sư cùng với ngài Tịnh Nghiêm Thiền sư kết duyên với mười muôn người đồng tu Tịnh độ. Ông Vương Mẫn Trọng, ông Dương Thứ Công, ông Các Trọng Thần, ông Mã Đồng Vương, ông Phùng Tế Xuyên đều là người quới nhân, mà tu Tịnh độ khá chẳng nhớ sao ?

Nếu phát tâm Đại thừa của Bồ Tát, đem pháp này dạy người và bảo người thay nhau khuyến hóa thời người kính mình là bậc quới nhân, đều tín trọng lời nói của mình, thời pháp môn của ta dạy đây, khá dùng rộng truyền, thời đặng phước báu đâu dễ lường ư! Thân sau ắt sinh bậc thượng phẩm.

Nếu ngấm ngầm để qua ngày, không biết tu pháp này một ngày kia có ăn năn cũng chẳng khá kịp vậy.

KHUYẾN ĐẠI THÔNG MINH NHÂN

Người đại thông minh, rộng học nhớ dai, thốt lời thành văn, xuống bút thành bài, vốn là người đời chỗ tôn kính. Song đối với trong phần chân tánh của ta, dường như không ăn thua chi cả, ông Trang Tử nói Những việc ta thấy chẳng phải thiệt ta thấy, chính người kia tự thấy mà thôi. Những việc ta nghe, chẳng phải thiệt ta nghe, chính người khác tự nghe mà thôi.

Ta không thấy người tự thấy, ta không nghe người tự nghe, ấy là đặng chỗ đặng của người, chẳng phải đặng chỗ đặng của mình. Thích cái thích của người, chẳng phải thích chỗ thích của mình vậy.

Một mai bỏ đi rồi, mới biết một đời bình sinh của ta, sở dĩ lưu ý ấy, không ích chi cho ta. Tuy sự nghiệp thông minh không thể bỏ đặng, nhưng phải mỗi ngày thừa trong lúc rảnh rang, để tâm về pháp Tịnh độ. Nếu người hiểu thấu lý này, thì ác duyên tự nhiên lần bớt, thiện duyên tự chứa thêm nhiều, lúc sinh tiền đây mình đã có chỗ khá vui.

Bằng đem pháp niệm đây dạy người, bảo người thay nhau khuyến hóa, thời họ kính mình là bậc thông minh hơn, người cũng tin theo lý đây, ắt họ nói lý niệm đây không khá nghĩ nữa. Thời các thuyết Tịnh độ khá dùng thạnh truyền nơi đời càng lâu. Đây cũng là ông Bồ Tát phò trì giáo môn này vậy. Ngày kia ắt sinh lên bậc thượng phẩm chỗ đặng phước báu đâu dễ gì lường được.

KHUYẾN MẠI TỬU GIẢ

Người mại tửu (bán rượu) phải tự nghĩ rằng Năm giống lúa, vốn để nuôi người, nay đem đâm nát đặt rượu, khiến người uống say, làm những việc bất thiện, tội đó về ai ?

Thường phải tự sám hối, niệm Phật A Di Đà phát lời đại nguyện rằng Nguyện ta từ khi bán rượu trở lại đây, tất cả những tội phá hoại năm giống lúa, thảy đều tiêu dứt, sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, đều độ hết chỗ dùng năm giống lúa đặt rượu, khi trồng gieo năm giống lúa, tất cả chỗ sát hại, loài vi tế chúng sinh và tất cả chúng sinh ra sức cày cấy và tất cả những người uống rượu bị say, phá làng xóm, chửi bới thiên hạ, đều sinh về Tịnh độ. 

Như vậy mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục quyết định sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp môn này dạy người bảo người thay nhau khuyến hóa, hiện đời khá dùng diệt tội mà thêm phước, đời sau ắt sinh về phẩm trung vậy.  

KHUYẾN KHAI THỰC ĐIẾM GIẢ

Người lập thực điếm (tiệm cơm) phải tự nghĩ rằng Ta dùng thịt các chúng sinh, bằm xắt, nấu, nướng, cầu lợi nuôi sống, ta có bà con, muốn an ổn khoái lạc, nghề làm ăn của ta, chính do sát các loài mà đặng, rất là ác nghiệp. Nếu thay đổi nghiệp ấy là bậc thượng bằng chưa đổi liền được, vả bỏ bớt sự sát hại loài lươn, cá trễ, cua rạm, ốc, sò v.v…

Những vật đó khó chết, và bao nhiêu vật mạng vi tế, tùy phần dùng thịt, ấy là người bậc trung vậy. Nếu lại chưa được, thì cứ niệm Phật A Di Đà, còn khá hơn người không niệm.

Kế sám hối phát lời đại nguyện Nguyện sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả chúng sinh bị ta sát hại từ đời trước đến đời sau và tất cả thịt chúng sinh chỗ ta cần dùng, đều được sinh về Tịnh độ, mỗi niệm không thôi, niệm tự thuần thục, cũng sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp môn này dạy người và bảo người thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời khá tiêu diệt nghiệp tội, đời sau phước báo vô cùng.

KHUYẾN ĐỒ GIẢ

Người làm nghề đồ giả (hàng thịt) phải tự nghĩ rằng Người tham thịt kia, nên nuôi vật mạng. Ta tham lợi kia, nên giết vật mạng. Giết vật mạng kia nuôi dưỡng thân ta, nuôi sống bà con ta. Ta có bà con, muốn an vui không bệnh. Vật kia nó cũng có tánh mạng, nếu ta giết nó, thời mắc tội vô lượng.

Nếu hay dứt bỏ nghề hàng thịt, ấy là người bậc thượng vậy, bằng người nào chưa dứt bỏ được liền, vả cũng phải giảm bớt ấy là người bậc trung vậy. Bằng lại chưa đổi nghiệp đặng, cũng thường niệm Phật A Di Đà còn khá hơn người không niệm.

Kế sám hối phát lời đại nguyện rằng Nguyện sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả chúng sinh là đã bị ta sát hại, từ bao kiếp lại đây, đều được sinh về Tịnh độ. Như vậy mỗi niệm mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục, cũng đặng sinh về thế giới Cực Lạc.  

Bằng đem pháp này dạy người và bảo người thay nhau khuyến hóa, thời hiện đời khá tiêu trừ nghiệp ác, đời sau được phước báu vô cùng.

KHUYẾN TẠI PHONG TRẦN GIẢ

Người ở chốn phong trần (hoa nương) phải tự nghĩ rằng Ta làm người phụ nhân, đã là không phải thiện nghiệp rồi, huống chi ta lại ở chốn phong trần, nghiệp kia lại càng bất thiện nữa.

Nếu hay tỉnh ngộ được trừ dâm nghiệp, ấy là người bậc thượng vậy, bằng chưa đặng liền được, thì nên thường niệm Phật A Di Đà phát lời đại nguyện rằng Nguyện ta ác nghiệp này lần tiêu, thiện nghiệp mỗi ngày thêm lớn. Áo cơm vừa đủ, sớm bỏ nghề này. Sau khi ta kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả người, nhân ta mà làm nghiệp dâm đều được sinh về Tịnh độ. Mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục, quyết định sinh về thế giới Cực Lạc.

Nếu đem pháp niệm đây dạy người, và khuyên người thay nhau khuyến hóa, hiện đời ắt được tai trừ tội hết, thân đời sau cũng được phước báu vô cùng.

KHUYẾN TỘI ÁC NHÂN

Người có tội ác, phải tự nghĩ rằng Ta một đời bình sinh đã tạo nhiều tội ác. Một mai nhắm mắt lại rồi, thì biết làm sao cho đặng, chỉ bằng sớm lo sám hối niệm Phật A Di Đà, phát lời đại nguyện rằng Nguyện ta sau khi kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả những người mà bị ta sát hại từ bao kiếp lại đây đều được sinh về Tịnh độ. Mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục, thời ác nghiệp cũng có thể bớt dần dần, thiện duyên càng thêm lớn, chắc sinh về thế giới Cực Lạc.

Bằng hay đem pháp môn này dạy người và khiến người thay nhau khuyến hóa, chẳng những hiện đời khá dùng diệt tội, mà thân đời sau, cũng được phước báu vô cùng.

KHUYẾN BỆNH KHỔ GIẢ

Những người đời trước sát hại chúng sinh, nay mắc quả báo chết yểu, kẻ thấy người sát vui mừng theo, mắc báo phiền não.

Như người bệnh khổ chính là dư báo sát sinh đời trước là chánh báo ăn thịt chúng sinh, cũng là chánh báo làm cho chúng sinh bị tổn hại. Quả báo thiện ác ở nơi người, như bóng theo hình không rời khỏi đặng. Cho nên người mắc bệnh khổ phải tự trách rằng Do ác duyên đời trước của ta, nên nay mắc báo như thế này. 

Thường niệm Phật A Di Đà, phát lời đại nguyện không còn làm ác, không còn sát sinh, không còn làm tổn hại tất cả chúng sinh. Nguyện thân này sớm lìa bệnh khổ, sau khi kiến Phật đắc đạo rồi, độ hết tất cả chúng sinh mà đã bị ta sát hại từ bao kiếp lại đây và tất cả kẻ oan người thân, cũng đều được sinh về Tịnh độ, mỗi niệm không dứt, niệm tự thuần thục, chắc sinh về thế giới Cực Lạc.

Bằng đem pháp môn này dạy người và khuyên người thay nhau khuyến hóa. Khi làm công lực thiện báo tự đặng nhiều, thời bệnh khổ kia ắt lành mạnh, và thân đời sau cũng được phước báu vô cùng. 

KHUYẾN TẬT ÁC DỤC VI THẦN GIẢ

Đời có người ganh ghét người ác kia. Nói người ác trong thế gian, sức ta không thể trị. Nguyện chết làm ông Thần để thống trị người kia, chớ ta không muốn sinh về Tây phương.

Xét trong kinh Phật nói Thần là một hạng còn ở trong lục đạo, còn là số đọa lạc, còn cảnh Tây phương kia, chính là một cảnh đã siêu xuất lục đạo luân hồi.

Cho nên người tu Tây phương lấy tâm chính trực từ bi làm gốc, chỗ thấy làm đâu không phải là từ bi. Nếu người có gây tội ác, thời ta thương tâm ngu si kia, người có khốn khổ thời ta muốn cứu giúp kia, ấy là một sự không hệ lụy đến ta, nhưng mà ta đối với tất cả chúng sinh, có duyên lành to lớn vậy.

Kẻ làm Thần kia, do tâm chính trực sân hận làm gốc, chỗ thấy cùng chỗ làm, không đâu chẳng phải là sân hận. Nếu răn lỗi của người thời bắt người thêm tật bệnh, trị tội người, thời càng gia tâm nóng nảy. Ấy là có hại cho người mà đối với mình, thì chịu hưởng hết phước làm Thần.

Bởi tạo nghiệp sân hận, nên đọa trong địa ngục. Từ trong địa ngục ra, thời làm những loài mãng xà, bò cạp, không khi nào siêu thoát được vậy.

Xưa có hai ông thầy đồng tu hành một ông làm phước còn một ông ưa sân, ông thầy làm phước thường răn nhắc, mà ông sân kia chẳng nghe lời. Sau ông hay sân ấy chết đi.

Còn ông răn nhắc một bữa quá giang ghe hành khách đi qua đất Giang Thượng, nơi cung đình ông Thần trong miếu kia rất linh hiển và nói tiếng người được. Khách lên bờ tế Thần. Thần bảo khách rằng Ông thầy đồng đi dưới ghe của nhà ngươi kia. Nên mời ông đến ra mắt ta. Ông thầy kia đến ra mắt, thì Thần mới nói rằng Ta là ông thầy đồng tu hành với ông, nhưng vì ta hay sân giận, nên nay bị đọa làm Thần ở miếu này.

Ông thầy kia muốn thấy hình Thần, nhưng mà Thần nép lánh không chịu, đến nỗi đôi ba phen ông thầy kia muốn thấy, túng thế Thần nọ mới bày một khúc hình rắn. Thần lại bảo rằng Có người cúng cho ta mười cây lụa, vậy ông nên vì ta, bàn làm việc siêu độ, rồi ông qua đất Hồng Châu, lên trên non phía Tây thì thấy ta. Ông thầy y lời nói, quả nhiên đến trên non phía Tây, thấy một con rắn mãng xà nằm chết, thân dài hai ba dặm. Than ôi! Quả báo sân hận như thế.

Vả người có một tâm rỗng sáng vắng lặng như nước trong mát nhưng bị một niệm sân giận nổi lên, thời khác nào cầm vật nhơ uế quăng vào, làm hư nước trong mát lắm vậy. Nếu khởi một tâm từ bi, thời cũng như để hương chiên đàn trong ấy, giúp cho nước kia được thêm mát mẻ cũng lắm vậy.

Nước kia tánh vốn yên lặng mà gió càng thổi mạnh sóng càng sôi trào. Gió sân giận không thổi nữa thì sóng lòng tất nhiên phải yên, mà nước lòng trở lại tánh lặng lẽ. Như thế thì sự an vui chắc chắn vĩnh viễn chính ở nơi lòng ta mà ta không tự thấy.

Than ôi! Người nhọc gì mà chẳng làm việc từ bi để tu về Tây phương. Lại sân hận mà phải đọa làm Thần há chẳng lầm lắm ư.

KHUYẾN QUÂN TRUNG NHÂN

Phải nghĩ rằng Chúng ta chịu ơn quốc gia nuôi dưỡng, tiền lương, lụa vải mỗi tháng, đều nhờ sức của dân nhọc nhằn mà đặng. Chúng ta sở dĩ ngày ăn no đủ, áo mặc ấm mát. Trước đặng dâng cấp cha mẹ già, sau đặng nuôi dưỡng vợ con, dầu là ơn của quốc gia, dầu là sức của sinh dân, lúc không giặc giã cũng phải sửa sang đồ binh khí, tập luyện kỵ xa, dấy oai binh trận, binh quyền tướng dũng khiến nước ngoài khá sợ, tiêu giặc loạn trước khi chưa móng. Cầu cho quốc gia an thạnh, sinh dân an ổn.

Mỗi ngày thầm niệm nghìn tiếng danh hiệu Phật A Di Đà, nguyện trong chỗ minh minh, giúp cho khí lực thân mình mạnh mẽ, có giặc nạn ra sức chống ngăn, tuy liều mình mà không đoái, lúc không giặc nạn thời canh phòng nghiêm ngặt, chẳng phải tham công danh mà xử hiếp giết oan. Cầu cho quốc gia thường an, sinh dân thường vui vẻ mà thôi. Ấy là tâm Bồ Tát ra làm hạnh tướng quân.

Lại hay đem pháp này dạy người và khuyên người thay nhau khuyến hóa. Như vậy thì thiện nghiệp thuần thục, phước lộc càng thêm, thân đời sau cũng được sinh về Tịnh độ, sinh lên phẩm thượng của bậc trung vậy.

KHUYẾN ÁC KHẨU GIẢ

Thân, Khẩu, Ý là ba nghiệp, trong kinh tạng nói Quả báo phần nhiều nhân nơi khẩu nghiệp, vì là khẩu nghiệp dễ phát ra vậy.

Kinh Báo Ân nói Xưa có người giận bà mẹ đem cơm đến trễ, bèn nói rằng Ta sinh trong bụng mẹ chẳng bằng sinh trong bụng con lừa, sau mắc quả báo đầu thai trong bụng con lừa.

Lại có người nữa, do mẹ đem cơm cho, nếu không vừa ý thời nói rằng Mẹ ta cho ta ăn, chẳng bằng cho chó. Sau rồi mắc báo sinh làm con chó.

Đây là quả báo của khẩu nghiệp cả. Nên có câu “Ác khẩu giả, nãi ác nợ chi khẩu, vi ngôn ngữ bất ôn hòa nhi”. Nghĩa là Ác khẩu đó, là lời thịnh nộ hung ác, chính là lời nói không ôn hòa vậy.

Người đời ít ai biết lý đây, bèn cho lời miệng ác, lời nhơ là thường.

Vậy tôi (Vương Nhựt Hưu) kính khuyên người đời gắng giữ gìn việc ấy, thường niệm Phật A Di Đà để súc rửa sự nhơ nhớp của khẩu nghiệp.

Nghe người miệng ác, lời nhơ, cũng thường niệm danh hiệu đây, đặng rửa sạch cái nhơ nhớp của lỗ tai. Nguyện đem thiện nghiệp niệm Phật đời nay, rửa sạch cái nhơ nhớp nhiều kiếp đến nay. Được như vậy thì thiện nghiệp ngày thuần thục, ác nghiệp ngày tiêu vong. 

Lại hay đem pháp niệm dạy người, và khiến người thay nhau khuyến hóa, thì tai nạn khá tiêu phước lộc hằng được mãi mãi, và thân đời sau cũng được về Tịnh độ, sinh lên phẩm thượng của bậc trung vậy.

KHUYẾN LÃO NHÂN

Người đến tuổi già, tấc bóng quang âm có chừng, lại không đường trước khá tới, chính nên tu hành, thiệt đáng tu hành, vì sao thấy đặng chính nên tu hành ? Người sinh ở đời đặng nhiều một ngày gây nhiều tội một ngày, tính đến sáu bảy, mươi tuổi, tội lỗi thật chứa bằng non.

Xưa ông Bá Ngọc tuổi đời năm mươi mà biết cái lỗi năm bốn mươi chín. Huống chi những kẻ không bằng ông Bá Ngọc thì ai mà khỏi lỗi. Thử ở trong đó hồi đầu tưởng xem, đâu chẳng hổ thẹn, đâu chẳng kinh sợ ?

Ta cả ngày dầm bùn lội nước đều vì con cháu, song đến khi hạ trường đầu (hấp hối) dù con thảo cháu thuận có thay thế cái chết cho ta đặng không ? Và có thể, sau khi ta chết rồi chịu tội thế đặng không ?

Hay là chỉ trơ trọi một mình, đến chỗ vua Diêm La, mặc dầu ngài phán đoán. Chi bằng lúc ta còn sống một ngày, một ngày ta niệm Phật A Di Đà, như vậy đem theo đặng, như thế nhờ cậy đặng, có cái đó thấy đặng chính nên tu hành.

Thế nào mới thật chánh đáng tu hành ?

Nghĩa là Khi còn đang tuổi trẻ mạnh khỏe, ai ai cũng lo kinh dinh sự nghiệp. Hoặc người cầu vị quan, hoặc người lo gia tài, hoặc người buông lung tửu sắc, hoặc người làm thi văn, hoặc người mua danh tiếng, chỉ lo đua bơi đi tới, không nghĩ lúc sau.

Đến khi sương pha mái đầu, tuổi già xâm xâm áp đến, con đường chết gần kề, chỉ một mực giam hãm trong ngục lửa.

Dù cho chẳng bỏ, mặc dầu thiệt người ham muốn sự đời, nhưng đến chừng giờ đó, tâm niệm tự nhiên thôi hết. Tâm niệm đã thôi hết, thì niệm Phật liền tự chuyên nhất.

Trở mắt thấy cơn vô thường thì sự niệm Phật tự nhiên hăng hái. Sánh với tuổi trẻ tu hành, dường như việc ấy không hơn phân nửa, có cái đó thấy đặng thiệt đáng tu hành.

KHUYẾN ĐỒNG NAM

Nhà người sinh con trai, 7 tuổi đã cho vào trường đọc sách. Số là muốn cho con hiểu biết chữ nghĩa, lớn khôn làm nên. Tâm cha mẹ ai ai chẳng như vậy.

Đâu có biết đời người khó giữ, ít người đặng sống đến tuổi cao, hoặc mắc oan gia, đến nỗi chết yểu, hoặc đứa con cùng cha mẹ, có oan nghiệp đời trước, nay gá sinh trong nhà đó não hại cha mẹ phá hoại gia sản.

Tôi (Vương Nhựt Hưu) kính khuyên ai là người cha mẹ, khi đứa con trẻ mới vừa biết nói, liền dạy nó mỗi ngày niệm bốn hiệu Thánh Tây phương (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh) mỗi hiệu mười tiếng, niệm bài kệ đức Đại Từ Bồ Tát một biến, và tụng lời chú chân ngôn Tịnh độ, chú này chỉ có năm mươi chín chữ, rất dễ tụng trì.

Nếu ngày tụng đặng 500 biến, hoặc nghìn biến, không hạn một năm, cùng hai năm cũng có thể đủ ba mươi muôn biến.

Nghĩa là Từ sáu tuổi bắt đầu tụng đến bảy tuổi là rồi không ngăn gì sự vào trường đọc sách.

Dù đứa con ấy đời này không có oan ác với cha mẹ, nhưng tụng chú này cũng là bậc đại thiện đó, ắt được tiêu tai tăng phước, bằng như hoặc có oan gia đời trước, nay nhờ trì tụng chú này, cũng được giải oan trừ nghiệp, chẳng cũng thiện ư ?

Nếu không tin lời này, đến chừng đó ăn năn cũng vô ích, nên đức Khổng Tử nói câu “Bất viết như chi hà, như chi hà giả, vị như chi hà, dã dĩ”. Nghĩa là Không biết nói làm sao, không biết làm sao đó, ta cũng không biết làm sao nói cho được, thôi vậy.

KHUYẾN THẤT NỮ

Ta (Vương Nhựt Hưu) thấy những người phụ nữ phần nhiều nhân khi sinh đẻ, mà đến nỗi bệnh nhiều, hoặc có khi hoạnh sinh nghịch sản làm cho thân mẹ phải tiêu vong. Đây chính là bà mẹ cùng với đứa con sinh kia, đời trước có mắc nợ oan gia, nên bây giờ có oan báo như thế.

Cứ trong kinh tạng nói Muốn dứt tất cả cội gốc nghiệp chướng và được vãng sinh về cõi Tịnh độ thì phải tụng lời chú chân ngôn này. Nghĩa là Người đọc tụng chú này, Đức Phật A Di Đà thường đứng trước đầu người ấy, không cho oan gia làm hại.

Hiện đời an ổn, khi mạng chung tự tại vãng sinh, nếu người nào tụng đủ hai mươi muôn biến thì hột giống Bồ đề mộng sinh. Tụng ba mươi vạn biến thì quyết định trước mặt thấy Phật A Di Đà.

Tôi (Vương Nhựt Hưu) kính khuyên những người khi còn làm con gái ở bên thân cha mẹ, lúc rảnh rang ít việc, nên mỗi ngày tụng bốn hiệu Thánh Tây phương, mỗi hiệu mười tiếng như trên đã nói và, tụng bài kệ đức Đại Từ Bồ Tát một biến. Ngoài ra mỗi ngày tụng lời chú chân ngôn này 500 biến, hoặc nghìn biến. Một năm không đủ thì hai năm, thì cũng có thể đủ ba mươi muôn biến.

Hay khiến trọn đời khỏi mắc nạn hoạnh sinh nghịch tử. Bằng cha mẹ nếu để con gái buông lung chơi đùa lơ lỉnh, hoặc không tin lời đây một mai oan trái gặp nhau, thời mắc hại lớn, bấy giờ ăn năn cũng không kịp.

Dù cho đứa con gái kia đời này không oan gia ở bên thân cha mẹ, trước tụng lời chân ngôn này ba mươi muôn biến. Trồng căn lành lớn ấy, làm duyên lành lớn ấy, có nào chẳng đặng. Đối ân ái đây, thật là thậm thiện mà phước cũng lớn đó vậy.

Vậy những người thiếu nữ nghe đến bài này khá chẳng gắng sức trì tụng ư ?

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

QUYỂN SÁU HẾT