PHÀM SỞ HỮU TƯỚNG GIAI THỊ HƯ VỌNG NHƯỢC KIẾN CHƯ TƯỚNG PHI TƯỚNG TỨC KIẾN NHƯ LAI

17 Tháng Hai 20179:51 CH(Xem: 31200)
PHÀM SỞ HỮU TƯỚNG GIAI THỊ HƯ VỌNG NHƯỢC KIẾN CHƯ TƯỚNG PHI TƯỚNG TỨC KIẾN NHƯ LAI

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.

     Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”

(Phàm hễ có tướng đều là hư vọng.

Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai)

(Đây là lời dạy của Phật trong Kinh Kim Cương chương thứ 5, Thấy Như Lai.)

Chúng ta sinh ra và lớn lên, được bao quanh bởi thế giới sống hình tướng. Thân tâm và thế giới, chúng ta sống và hoạt dụng trong đó cả đời này qua đời khác, cả kiếp này qua kiếp khác; tuy nhiên chúng ta đâu biết, nơi thế giới hình tướng đó được tồn tại và hoạt dụng trôi chảy như vậy là dựa trên nền tảng Phật tánh hay nói khác đi các hình tướng là biểu hiện của Như Lai Tạng.

Thế giới sống của chúng ta một mặt là thế giới hình tướng, thế giới của khổ, của phiền não, của sanh lão bệnh tử, của thành trụ hoại không; nhưng mặt kia là nền tảng giải thoát của Như Lai. Hai mặt này là không thể và chưa bao giờ tách rời nhau bởi vì có Như Lai Tạng mới có các hiện tướng xuất sinh từ đó, và mới có thế giới sống này. Tuy nhiên chúng ta không biết điều đó, chúng ta mê các hình tướng hiển hiện từ Như Lai mà quên đi cái thấy Như Lai.

Điều đầu tiên về nhận thức khi đọc lời dạy này, chúng ta thấy hai câu kinh trên cảnh tỉnh chúng ta thế giới mà chúng ta đang sống đây, thế giới hiện tượng cứng đặc, tưởng như có hiện hữu, có trải qua sinh trụ dị diệt này; thế giới mà chúng ta đắm mình yêu thích và đau khổ vì nó là thế giới hư vọng.

Và Phật giới thiệu cho chúng ta cái thấy Như Lai, nghĩa là ở nơi thế giới hình tướng hư vọng, sanh tử khổ đau này, có một cách nhìn khác về nó; đó là cách nhìn giải thoát của Phật ngay nơi chính chúng ta, nếu chúng ta thấy lìa tướng.

Như vậy cái thấy Như Lai không phải tìm ở đâu xa, mà ngay nơi thấy dính mắc vào các tướng, chúng ta thấy không còn dính mắc vào thói quen bao đời nữa thì chúng ta sẽ trực tiếp thấy giải thoát.

 

Như thế nào là cái thấy dính mắc vào hình tướng?

Thấy có tướng là thấy với góc độ có một cái tôi, và khi có một cái tôi là trung tâm thấy, người thấy sẽ thấy có ngoại vi ngoài trung tâm này là cái bị thấy; cho nên một tướng giải thoát của cái thấy Như Lai trở nên bị cắt xén thành có hai tướng; và đây là nguyên nhân chính bày ra thế giới sanh tử.

Cụ thể trung tâm tạo ra thế giới sinh tử này là bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Bốn tướng ngã nhân chúng sanh thọ giả là nguyên nhân của cái thấy có tướng. Bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là sự chấp trước vào cái tôi từ cạn đến sâu, từ thô đến tế. Bốn tướng này hình thành một trung tâm thấy tạo nên có người thấy và có vật bị thấy. Tuy nhiên, Như Lai thấy là cái thấy bao trùm cả cái thấy ngã nhân này, nói “thấy tướng không phải tướng tức thấy Như Lai” là cách để chúng ta thoát khỏi sự dính mắc khi thấy có tứ tướng hay có trung tâm và ngoại vi. Còn thật ra người đã thấy được cái thấy Như Lai thì đâu đâu cũng là cái thấy của Như Lai vì “Như Lai là nghĩa như của tất cả các pháp”, bạn có chấp trước trong cái thấy là việc bạn tự che cái thấy Như Lai để tạo nên cái thấy sanh tử; chứ kỳ thật, Như Lai vẫn hiện diện trong cái thấy của bạn cho dù bạn có biết hay không biết về điều này.

Cho nên, Như Lai bao trùm tất cả vạn pháp, người thể nhận ra sẽ thấy Tánh của vạn pháp là giải thoát nhưng tướng của tất cả pháp cũng giải thoát. Người này có thể nhận diện và hòa nhập cả hai cái thấy tương đối hình tướng và tuyệt đối nền tảng không hình tướng làm một. Cái thấy Như Lai là bao trùm tất cả.

 

Như thế nào là Như Lai?

Cũng trong kinh Kim Cương: “Như Lai tức là nghĩa Như của tất cả các pháp”, hay “Như Lai là không từ chỗ nào đến, cũng không chỗ nào đi nên gọi là Như Lai.”

Từ hai cách chỉ ra Như Lai như trên chúng ta thấy:

Nghĩa thứ nhất, “Như Lai là nghĩa như của các pháp”, nghĩa Như Lai là sự bày hiện của Tánh giác, cắt tiêu mất bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Như Lai là tất cả Pháp hay cũng trong kinh Kim Cương nói: “Tất cả pháp đều là Phật Pháp” cũng là cách nói về Như Lai.

Nghĩa này khẳng định rằng Như Lai đã có sẵn ở các pháp, tất cả đều là Như  Lai, không có gì ngoài Như Lai.

Thứ hai, “Như Lai là không từ chỗ nào đến, cũng không chỗ nào đi nên gọi là Như Lai”, nghĩa này cho thấy Như Lai bất động trong chuyển biến của thời gian, cái gì là bất động? Một sự nhận biết không bị chi phối biến dịch bởi thời gian? Như vậy, phải là một sự nhận thức trực tiếp vào cái muôn thuở không bị trôi lăn theo thời gian. Có một nhận thức nền tảng dung chứa tất cả thời gian và không gian, hay tại cái thấy này thời gian không còn bị phân chia làm ba thời quá khứ hiện tại vị lai, thời gian tiêu mất trong một khoảnh khắc mà chúng ta nhận ra Như Lai, hay như Lục Tổ dạy là “Nhất niệm tương ưng”. Và nhất niệm tương ưng này ở đâu? Ở ngay trước mắt của chúng ta! Từng khoảnh khắc một mỗi niệm mỗi niệm đều tương ưng với Như Lai, không niệm nào ngoài Như Lai. Tại sao chúng ta không thấy?

Và nó được giới thiệu không xa xôi gì “Như Lai tức là nghĩa Như của tất cả các pháp”. Ngay nơi tướng thấy tướng mà chẳng phải tướng tức thấy Như Lai. Các pháp bất kỳ pháp nào cũng là đối tượng, cũng là cơ hội cho chúng ta nhận thấy Như Lai. Và cơ hội luôn luôn hiện hữu bởi gì chúng ta luôn luôn tồn tại trong từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc, mà khoảnh khắc nào cũng là “một niệm muôn năm” nếu chúng ta ghé mắt qua cái thấy Như Lai.

Chúng ta phải tự mình phát hiện và tìm ra giải đáp, cái gì hiện hữu không thay đổi từ quá khứ đến hiện tại và tiếp diễn vào mai sau? Chúng ta phải tự quán sát mình để tự tìm ra nó. Cái gì khi ngủ cũng có nó, khi thức cũng có nó, khi vui cũng có nó, khi giận cũng có nó, khi buồn cũng có nó, khi định cũng có nó, khi loạn cũng có nó? Cái gì không thêm được, không bớt được bởi thời gian? Cái gì có mặt ở tất cả ba thời nhưng bất biến? Cái gì chỉ một niệm có thể đại diện cho ba thời và thấu suốt ba thời? Cái đó có tướng mạo gì không? Nếu có tướng thì không phải Như Lai. Như vậy nó không tướng. Nó không tướng thì nó ứng hiện nơi tất cả các pháp như thế nào? Phải tự hỏi và tự giải đáp đó là con đường thoát sanh tử của chính mình, cứ dấn thân vào, làm một cuộc liều mình để nhận ra như thế nào là Như Lai mới thật sự chết đi sống lại.

“Cái gì đó”: nó không ngoài nhận thức thường ngày mà chúng ta đang sống, nó luôn luôn hiện hữu mà chúng ta không được đánh thức, không có cách nhìn đúng sự việc, không định hướng được như thế nào là giải thoát. Tự chúng ta phải phát hiện ra nó trong đời tu của mình. Phật giáo Tây Tạng dạy: “Phật tánh ở nơi chúng sanh giống như dầu mè trong hạt mè” hay trong kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm Phật chúng sanh cả ba không sai khác”

Hay như thiền sư Cảm Thành khi hỏi:

  • Thế nào là Phật.

Đáp:

 Ở khắp tất cả chỗ.

Đó là kết quả trung thực, là phần thưởng lớn nhất dành cho chúng ta nếu ai ra công tìm kiếm.

Và thực tế, nó chẳng đâu xa; nó ngay trước mắt mình trong mọi pháp, trong từng khoảnh khắc!

Tóm lại, Như Lai đã nằm sẵn trong vạn vật, nằm sẵn trong tâm. Như Lai đã hiện hữu và sẽ hiện hữu bất chấp chúng ta mê hay tỉnh biết về điều này.

Tuy nhiên, hiểu được đến đây về Như Lai là chúng ta đã biết được phần nào sự thật giải thoát. Tức là, chúng ta đang sống và hoạt dụng trên tâm giải thoát xưa nay là nền tảng mà chúng ta không hay biết. Rồi chúng ta sẽ biết trong tu hành của mình nếu chúng ta có cái thấy này làm chánh kiến.

 

Làm sao để thấy Như Lai?

Với người lợi căn chỉ cần tham thiền hai câu trên là thấu đến cái thấy Như Lai, giống như trong Kinh Viên Giác dạy: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác, không qua thứ lớp”.

 

Với người tu, thông thường trong cái thấy bao giờ cũng bị che chướng:

Thứ nhất, ở phương diện cảm tính của tâm, trong nhận thức con người luôn luôn bị phủ màu bởi cảm thọ yêu và ghét. Cho nên khi nhận thấy các tướng bao giờ tâm cũng sinh ra cảm thọ yêu ghét về các tướng này, kể cả tư tưởng khởi lên tâm luôn luôn cảm ứng và làm theo nó cho nên không thấy được ánh sáng của tâm.

Thứ hai, che chướng bởi tư kiến, là khả năng nhận thức cuộc sống này do kinh nghiệm và thói quen nhiều đời tạo thành. Vì mắc kẹt trong tư kiến này cho nên chúng ta lấy đó làm nhãn quang của mình mà nhận định các tướng, cho nên tư kiến che khuất cái thấy Như Lai.

Tuy nhiên về mặt cấu trúc theo thời gian và trong không gian thì cái thấy hư vọng luôn luôn xảy ra như sau: cái tôi luôn luôn tạo cho mình có một trung tâm thấy; và hình tướng bị thấy, tư tưởng bị thấy… cái thấy một tướng không tướng bị phân chia thành có hai. Nhưng sự thật nơi nhận thức, ở trong tất cả thời gian, trong mọi không gian, lúc nào cái thấy và hình tướng bị thấy luôn luôn đồng thời diễn ra. Chính sự đồng hiện này nói lên ánh sáng của Như Lai đang hiện hữu.

Khi đó, một là người thấy chạy theo cái thấy để sinh tâm dính mắc, yêu ghét; ánh sáng của Như Lai bị che khuất. Hai là, người thấy chỉ nhận ra ánh sáng này đang hiện diện đó là cái thấy trở về. Trong nhà thiền gọi là phản quang. Hoặc gọi là Chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác liên tục sẽ phát hiện ra sự hiện hữu thường hằng của Tánh giác. Có hay không có tướng gì cũng có sự hiện diện của cái biết này đó là Tánh giác hay cái thấy Như Lai.

Thực ra, khi nhận thấy khả năng đồng hiện của nhận thức, hành giả đã thấy được cái thấy Như Lai, nhưng vì có tác ý trong cái thấy lúc nhận biết về chính ánh sáng này; cho nên, cái thấy vẫn bị phân chia. Do đó, thấy mà chưa thể nghiệm trọn vẹn sự toàn khắp của cái thấy Như Lai. Phải qua thời gian công phu thực tập, đến lúc nào đó tâm không còn chạy theo tướng bị thấy, tâm không còn tác ý an trụ trong cái đang thấy. Khi mà cái ta không còn dự phần vào cái thấy. Khi đó chợt nhận ra xưa nay cái thấy này đã hiện hữu chưa từng mất, cái thấy không thể nắm bắt được, nhưng nó chưa hề mất theo thời gian, nó hiện hữu cùng khắp nơi các tướng trong không gian, cái thấy không trung tâm hay tất cả đều là trung tâm. Đó chính thật là thấy Như Lai!

Vì vậy, vấn đề của chúng ta là tin rằng chúng ta có Phật tánh, chúng ta có cái thấy Như Lai. Và Như Lai là cái có sẵn cho nên chúng ta phải phát hiện ra Như Lai có sẵn này ngay trong cái thấy của mình, dù ban đầu cái thấy vẫn còn mang dáng dấp của ngã chấp. Nhưng chúng ta thường thức tỉnh mình để nhận ra chính ánh sáng này cho đến khi nó thật là cái thấy Như Lai.

 

Tóm lại, không dính vào các tướng, vì cái gì có tướng đều là hư vọng, thấy như Lai là thấy không còn bị phân chia theo ba thời quá khứ hiện tại vị lai, không còn thấy có trung tâm và ngoại vi. Tất cả hợp nhất chỉ là thấy, cái thấy không có hình tướng để chỉ ra, nhưng không gì ngoài cái thấy này.

Cái thấy Như Lai là sự hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta, luôn luôn Như Lai hiện diện trong mọi khoảnh khắc, trong mọi hình tướng. Như Lai dung hợp thời gian và không gian là một, nhưng Như Lai cũng bày hiện theo thời gian và không gian.

Một là tất cả tất cả là một” (kinh Hoa Nghiêm).