CHƯƠNG 1 ĐẠO BỤT SAU THỜI ĐỨC THẾ TÔN NHẬP DIỆT

21 Tháng Hai 20179:28 SA(Xem: 3220)
CHƯƠNG 1 ĐẠO BỤT SAU THỜI ĐỨC THẾ TÔN NHẬP DIỆT
BỒ TÁT TẠI GIA, BỒ TÁT XUẤT GIA
KINH DUY MA CẬT GIẢNG LUẬN
Nhất Hạnh
Phiên tả và hiệu đính: Chân Đạo hành & Chân Tuệ Hương
Nhà xuất bản Lá Bối 2002

CHƯƠNG 1
ĐẠO BỤT SAU THỜI ĐỨC THẾ TÔN NHẬP DIỆT

Giáo đoàn Thanh Văn và Chủ Nghĩa Xuất Gia

Vào khoảng 150 năm sau khi Bụt nhập Niết bàn[1], đạo Bụt chia thành nhiều bộ phái, kéo dài mấy trăm năm. Thời kỳ này gọi là thời kỳ Đạo Bụt Bộ Phái. Có một lúc giới xuất gia đã có khuynh hướng sống một cuộc đời quá tách rời với xã hội. Các bậc Thanh văn chỉ lo chuyện giải thoát cho riêng mình. Giới bảo thủ đã có khuynh hướng biến đạo Bụt thành một chủ nghĩa, một đạo lý phục vụ riêng cho một thiểu số người xuất gia. Người ngoài đời chỉ có bổn phận cúng dường và hộ trì mà không được thừa hưởng và thực tập những lời Bụt dạy. Vì vậy mà đạo Bụt đã không đến gần được với đại đa số quần chúng.

Những cái nhìn thiển cận, những cái thấy lệch lạc về giáo điển của một số khá đông người xuất gia đã làm cho đạo Bụt mất đi rất nhiều hào quang của thời nguyên thỉ. Đường hướng tu học của một số đông đã trở nên có tính cách tiêu cực, và Niết bàn của Thanh văn đã trở thành một Niết bàn nhỏ bé dành riêng cho một thiểu số những người xuất gia.

Vì vậy mà vào thời đó trong giới Phật tử, xuất gia cũng như tại gia, tư tưởng quần-chúng-hóa đạo Bụt đã manh nha và tư tưởng Đại thừa do đó mà bắt đầu nẩy mầm, tạo nên một phong trào nhằm khai quật những tư tưởng uyên áo của Đạo Bụt, phục hồi năng lượng vĩ đại của tâm chí bồ đề và đưa đạo Bụt đi trở lại vào cuộc đời. Đó là phong trào Đại thừa hóa đạo Bụt.

Sự xuất hiện của kinh Đại Thừa

Khi tư tưởng Đại thừa đã thành hình, những người khởi xướng thấy rằng nếu những tư tưởng sâu sắc này không được cắm rễ vào sự sống thực tế của một tăng thân tu học, thì tư tưởng đó chưa thực sự trở nên hữu ích cho quần chúng và sẽ khó được chấp nhận. Điều này có nghĩa là giáo lý Đại thừa không phải chỉ được biểu hiện dưới hình thức tư tưởng, mà còn phải được biểu hiện với tư cách của một giáo hội gồm có người xuất gia và có người tại gia. Đạo Bụt không thể là một đạo lý chỉ dành riêng cho người xuất gia mà thôi. Khoảng năm 50 trước Chúa Ki-tô giáng sinh, kinh điển Đại thừa bắt đầu xuất hiện, tạo môi trường và phương tiện để truyền bá tư tưởng Đại thừa.

Trong lịch sử văn học Đại thừa, kinh Bát Nhã (tiếng Phạn là Prajnaparamita-sutra) xuất hiện trước hết, rồi đến các kinh Bảo Tích (Ratnakuta-sutra), Hoa Nghiêm (Avatamsaka-stra). Sau đó mới đến những kinh như kinh Duy Ma Cật (VimalakÌrtinirdesa-sutra).

Vào thế kỷ thứ hai, có một học giả người Tỳ-Đạt-Bà (Vidharbha) rất thông minh, rất nổi tiếng, tên là Long Thọ (Nagarjuna) xuất hiện. Thầy đã biên tập rất nhiều kinh sách, trong đó có một tác phẩm rất xuất sắc là cuốn Đại trí Độ luận (Mahaprajnaparamitasutra). Đại trí Độ luận là một tác phẩm lớn, nhằm giảng giải kinh Bát Nhã. Trong sách này, thầy Long Thọ trích dẫn rất nhiều kinh Đại thừa đã xuất hiện trước khi thầy ra đời.

Trên đường biểu diễn thời gian, ta có thể ghi một thời điểm đánh dấu ngày Bụt nhập diệt. Bốn trăm tám mươi năm sau khi Bụt nhập Niết bàn là Chúa Ki-tô giáng sinh. Sau đó khoảng hai thế kỷ thì thầy Long Thọ ra đời. Vào khoảng thế kỷ thứ năm sau Chúa Ki-tô giáng sinh, có hai thầy cũng rất nổi tiếng xuất hiện đó là thầy Vô Trước (Asanga), và thầy Thế Thân (Vasubandhu).

Như vậy, đứng trên bình diện thời gian mà nói, ta có thể phân kinh Đại thừa ra làm ba thời kỳ: Kinh Đại thừa đợt một là những kinh xuất hiện trước Thầy Long Thọ, nghĩa là những kinh được trích dẫn trong tác phẩm Đại Trí Độ luận của thầy. Kinh Đại thừa đợt hai là những kinh xuất hiện trong khoảng thời gian gần ba thế kỷ giữa thời thầy Long Thọ và hai thầy Vô Trước, Thế Thân. Cuối cùng là những kinh xuất hiện sau thầy Vô Trước và Thế Thân, gọi là kinh Đại thừa đợt ba.

Theo kinh điển Đại thừa, muốn xứng đáng là Phật tử, ta phải là một vị Bồ tát, không thể là một vị Thanh văn. Thanh văn là con ghẻ, Bồ tát mới là con chính thống của Bụt.

Người Đại thừa gọi các bậc Thanh văn (Sravaka) và Duyên giác (Pratyekabuddha) là Nhị thừa (Dviyana), có nghĩa là hai cỗ xe đầu. Bồ tát thừa (Bodhisattvayana) hay Đệ Tam thừa là cỗ xe thứ ba, lớn hơn, chở được nhiều người hơn.

Trong đạo Bụt Nguyên thủy, danh từ Bồ tát (Bodhisattva) cũng đã được sử dụng để chỉ một người duy nhất, đó là Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi Ngài thành đạo. Theo đà phát triển của tư tưởng, người ta đặt câu hỏi tại sao chỉ có một vị Bồ tát? Bụt đã nói có rất nhiều vị Bụt trong quá khứ và hiện tại, mỗi vị Bụt đã là một vị Bồ tát. Vì vậy quan niệm có nhiều Bồ tát đã trở thành một quan niệm hợp lý cả trong tư tưởng Tiểu thừa cũng như Đại thừa.

Phong trào Đại thừa cho rằng bất cứ người đệ tử chân chính nào của Bụt cũng đều có tâm niệm của một vị Bồ tát. Vì vậy xuất gia hay tại gia, đều phải là Bồ tát thì mới đích thực là con của Bụt.

Đạo Bụt Đại thừa xem mọi người, mọi giới đều đồng đẳng, không phân biệt nam hay nữ. Bằng chứng là trong kinh Duy Ma Cật, Thiên nữ trong phẩm thứ bảy (Phẩm Quán Chúng Sanh) là một nhân vật lỗi lạc về giáo Pháp Đại thừa; Người trẻ như Đồng tử Quang Nghiêm trong Phẩm thứ tư (Phẩm Bồ Tát) cũng là một vị Bồ tát, có khả năng chuyện trò cùng cư sĩ Duy Ma Cật.

Trong thời các kinh Đại thừa vừa xuất hiện, các đại đệ tử của Bụt như thầy Xá Lợi Phất (Sariputra), Mục Kiền Liên (Maudgalyayana), Tu Bồ Đề (Subhuti) v.v... đều bị xem là những người Tiểu thừa. Mãi cho đến khi kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika- Sutra) xuất hiện, người ta mới thấy thầy Xá Lợi Phất phát tâm Đại thừa mà không còn nghi hối[1].

Trong tiến trình công phá tư tưởng Thanh văn, kinh Duy Ma Cật đã đi một bước rất xa: Kinh đích danh chỉ trích những phương pháp hành trì và tu chứng của các đại đệ tử của Bụt, trong đó thầy Xá Lợi Phất, người anh cả của Tăng đoàn, là người phải gánh chịu nặng nề nhất! Là sư anh, Ngài đã gánh chịu mọi điều cho các sư em!

Khi diễn bày sự khác biệt giữa phương cách tu học theo Tiểu thừa (ví dụ như cách ngồi thiền của Thầy Xá Lợi Phất, cách đi khất thực của thầy Đại Ca Diếp) với tư tưởng Đại thừa (lồng trong những lời đối đáp, giải thích của ông Duy Ma Cật), chư Tổ đã dựa vào lời của Bụt mà viết kinh Duy Ma Cật. Mục đích là để diễn bày cho hàng Thanh văn thấy con đường của họ đang hành trì là Pháp nhỏ. Con đường của Đại thừa mới là Pháp lớn, có khả năng dẫn hành giả đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy kinh Duy Ma Cật không do Bụt trực tiếp nói. Do đó mà kinh được xem là một văn kiện của người Phật tử đương thời, vận động truyền bá đạo Bụt cho quảng đại quần chúng để tất cả đều được lợi lạc, đều được nương nhờ Pháp Bụt.

Như đã nói ở trên, trong công trình vận động này cũng có giới xuất gia tham dự, và họ cũng đã rất tích cực trong phong trào chống đối này. Tuy vậy ta có thể nói rằng phần lớn những người xướng xuất phong trào là những cư sĩ muốn đem đạo Bụt ra khỏi tháp ngà của chủ nghĩa xuất gia theo đường hướng Thanh văn, mà đại diện là các đại đệ tử của Bụt như thầy Xá Lợi Phất (Sariputra), Ma Ha Ca Chiên Diên (Maha-Katyayana), Ưu Ba Ly (Upali) v.v..., để theo con đường lớn rộng hơn của các vị Bồ tát như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri Bodhisattva).

Tiến trình cuộc vận động chống đối tinh thần Thanh Văn

Sơ khởi, cuộc vận động chống lại chủ nghĩa xuất gia là do người xuất gia cấp tiến lẫn người tại gia cấp tiến thấy được Pháp mầu của Bụt chủ xướng. Kinh Duy Ma Cật ra đời đã đánh dấu một bước rất quan trọng trong cuộc vận động này, đó là lúc giới cư sĩ muốn nắm phần chủ động trong phong trào đưa đạo Bụt về với quảng đại quần chúng và truyền bá tư tưởng Đại thừa. 

Nhìn vào quá trình xuất hiện của kinh điển Đại thừa, chúng ta thấy phong trào chống đối tư tưởng Thanh văn thời đó có thể được chia làm ba giai đoạn:

Trước hết là giai đoạn nẩy mầm. Trong thời gian này nhiều kinh Đại thừa đã ra đời với mục đích dọn đường cho sự chống đối chủ nghĩa xuất gia bằng cách chẳng những diễn bày nếp sống lý tưởng đích thực của người xuất gia mà còn đề cao phương thức sống phạm hạnh của người Bồ tát tại gia nữa.

Những kinh tiên phong dọn đường cho kinh Duy Ma Cật là những kinh có thái độ ôn hòa, thực tếø, vì vậy đã dễ được mọi người chấp nhận. Chính nhờ những kinh này mà giáo hội Đại thừa hồi đó đã thành lập và tạo dựng được cơ sở truyền thừa cho đến ngày nay.

Chúng ta hãy lược qua xuất xứ một vài kinh tiên phong này, bắt đầu là kinh Pháp Cảnh.

Pháp Cảnh nghĩa là tấm gương phản chiếu Chánh Pháp. Kinh Pháp Cảnh mang ký hiệu 322 trong Đại Tạng Đại Chánh và được dịch từ năm 181, tức là vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai. Điều này chứng tỏ rằng bản tiếng Phạn của kinh xuất hiện khá sớm. Người dịch kinh tên là An Huyền, và người đề tựa là một vị Thiền sư Việt-nam tên Tăng Hội. Thầy Tăng Hội sinh ở Việt-nam và dịch kinh ở Việt-nam. Sau đó, vào nửa đầu thế kỷ thứ ba thầy sang nước Đông Ngô thời Tam Quốc và đã đề tựa cho Kinh Pháp Cảnh ở chùa Kiến Sơ do chính thầy xây dựng. Bài tựa rất ngắn và vẫn còn ghi lại trong Đại Tạng.

Tương đương với kinh Pháp Cảnh có kinh Úc Già La Việt Vấn Bồ Tát Hạnh, tức là kinh mà trong đó ông Úc Già La Việt hỏi về hạnh nguyện của một vị Bồ tát. Kinh này mang ký hiệu Đại Chánh 323 do thầy Trúc Pháp Hội dịch vào khoảng năm 266.

Một kinh khác trong Đại Tạng tương đương với kinh Pháp Cảnh là kinh Úc Già Trưởng Giả do thầy Khương Tăng Khải dịch ra Hán văn vào năm 252. Đây là hội thứ 19 trong Kinh Bảo Tích, gọi là Pháp Hội Úc Già Trưởng Giả.

Úc Già là một người cư sĩ thông minh, học giỏi, có đức tin vững chãi. Khi dùng chữ trưởng giả, ta nói đến người làm chủ một gia đình, có địa vị và thành công trong xã hội. Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) là một ví dụ. Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn kích bác và quảng bá. Đây là lúc những kinh Đại thừa như kinh Duy Ma Cật xuất hiện, xiển dương tư tưởng Bồ tát và nặng nề chỉ trích đường hướng tu tập, hành trì của giới Thanh văn. Tất cả những kinh Đại thừa đợt một như kinh Bát Nhã, kinh Đại Bảo Tích, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma Cật v.v... đều là những quả đại pháo bắn vào hàng ngũ những người Thanh văn, đả phá đường lối tu học của họ, đồng thời quảng bá tư tưởng của đạo Bụt Đại thừa. Trong số đó, Duy Ma Cật là kinh công phá trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Kinh đã không ngần ngại đích danh chỉ trích từng vị trong Thập Đại Đệ tử của Bụt về phương diện tư tưởng và phương cách tu trì của họ.

Trong kinh Duy Ma, những lần gặp gỡ, những mẩu chuyện đối đáp giữa ông Duy Ma Cật và các vị Thanh văn như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, và ngay cả với những vị Bồ tát nhỏ như Bồ tát Di Lặc, đều là những phương tiện quyền xảo của người viết kinh để công phá chủ nghĩa xuất gia và xiển dương tư tưởng Đại thừa. Tuy vậy đọc kinh Duy Ma người thường sẽ thấy những lý thuyết thâm sâu, những lời bài bác sắc bén của ông Duy Ma Cật là những mẫu lý luận, chủ ý trêu chọc hàng đệ tử xuất gia của Bụt. Vì vậy tôi nghĩ rằng trước khi học Kinh Duy Ma Cật, chúng ta phải học các kinh khác như kinh Pháp Cảnh, Úc Già La Việt Vấn Bồ Tát Hạnh Kinh, hay kinh Úc Già Trưởng Giả, vì những kinh này chú trọng rất nhiều về giới luật, và sự thực hành của người Bồ tát. Nhờ vậy mà đến lúc đọc kinh Duy Ma Cật chúng ta mới biết cách hành trì và không bị lôi kéo bởi những lý thuyết cao vời, chân không chấm đất.

Cuối cùng là giai đoạn triển khai, trong đó nhiều kinh nối tiếp và liên hệ đến kinh Duy Ma Cật ra đời.

Sự thành công quá lớn lao của kinh Duy Ma trong nhiệm vụ truyền bá tư tưởng Đại thừa đã kéo theo sự xuất hiện của một số kinh khác, như Đại Phương Đẳng Đỉnh Vương Kinh, ký hiệu là DC 477, tên tiếng Phạn là Maha Vaipulya Nirdesa sutra,do thầy Pháp Hộ (Dharmaraksha) dịch ra chữ Hán. Kinh này cũng rất hay, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ ba, nối tiếp kinh Duy Ma và đưa ra một nhân vật mới là con trai của ông Duy Ma Cật thuyết Pháp. Kế đó là Phật Thuyết Nguyệt Thượng Nữ Kinh, Candrottaradarikavyakarana sutra, ký hiệu DC 480. Trong đó con gái của ông Duy Ma Cật đứng ra thuyết Pháp, và được Bụt khen rằng những điều con nói rất đúng.

Sự xuất hiện của "kinh con trai Duy Ma Cật" và "kinh con gái Duy Ma Cật" đã chứng tỏ sự thành công quá lớn lao của kinh Duy Ma.

Trở về với phong trào của giới cư sĩ và kinh Duy Ma, chúng ta phải nói đến kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Suramgama-samadhi sûtra). Kinh này chịu ảnh hưởng kinh Duy Ma Cật rất nhiều, và quy mô của kinh cũng là quy mô của kinh Duy Ma. Trong kinh đó, Duy Ma Cật đã được Bụt thọ ký thành Phật.

Chúng ta nên biết rằng đây không phải là kinh Lăng Nghiêm mà ở Việt-nam Phật tử ai cũng học và cũng đọc. Kinh Lăng Nghiêm ở Việt-nam là một kinh mà cho đến nay người ta chưa tìm ra nguyên bản tiếng Phạn. Các học giả ngày nay đồng ý rằng kinh Lăng Nghiêm này đã được sáng tác tại Trung-hoa vào thế kỷ thứ tám, và tên kinh là Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm. Khởi đầu, kinh nói về chuyện thầy A Nan đi vào trong xóm bị cô Ma-Đăng-Già bắt. Bụt bèn nói một thần chú và sai một vị Bồ tát khác đi cứu thầy A Nan. Sau đó, Bụt dạy về Thất Xứ Trưng Tâm. Đây là một kinh rất hay mà chúng ta phải học. Bác sĩ Lê đình Thám đã dịch kinh này sang tiếng Việt và chú giải, vì vậy quí vị có thể tự học được.

Tuy các học giả ngày nay đã kết luận rằng kinh Thủ Lăng Nghiêm không xuất phát từ tiếng Phạn và đã được sáng tác tại Trung-hoa, nhưng theo tôi thì kinh sáng tác tại Trung-hoa cũng là kinh, miễn là những tư tưởng trong đó tiếp nối và phát triển được tư tưởng của Bụt. Chúng ta đừng nên kỳ thị.

Tiếp sau đó là kinh Thắng Man Sư Tử Hống (Srimaladevi sutra), trong đó lại có một người con gái khác tên là Thắng Man, đứng ra thuyết Pháp. Như vậy chúng ta thấy rằng Duy Ma Cật thuyết Pháp với tư cách một người nam. Con trai Duy Ma Cật thuyết Pháp cũng với tư cách nam giới. Sau đó, con gái của Duy Ma Cật đứng ra thuyết Pháp với tư cách nữ giới, và kinh Thắng Man cũng do một người nữ thuyết Pháp. Người nữ đó là một vị hoàng hậu, con của Vua Ba Tư Nặc, kết duyên với một vị Quốc Vương miền Tây Nam Ấn độ. Cô tuy còn trẻ, vừa kết hôn, nhưng lại tu học rất giỏi.

Trong những kinh xuất hiện sau đó, có kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn, ký hiệu Đại Chánh 818, dịch năm 583. Trong kinh này lại có một cô gái khác thuyết Pháp. Cô tên là Thắng Kim Sắc Quang Minh Đức. Đặc biệt cô gái này đã lại là một kỹ nữ, một cô gái ăn sương được thấm nhuần đạo Bụt! Điều đó chứng tỏ rằng bất cứ một người nào dù nam, dù nữ, dù là hoàng hậu, dù là một cô gái làng chơi, khi đã thấm nhuần được Phật Pháp thì vẫn được chuyển hóa và vẫn có thể đứng ra thuyết Pháp như một vị Bồ tát vậy.

Như vậy chúng ta thấy phong trào quần chúng hóa đạo Bụt này đã đi rất xa. Người ta tìm thấy hình dáng Bồ tát không những trong giới Vua chúa, giới cư sĩ, giới phụ nữ, mà còn cả trong giới làm nghề chuốc rượu, làng chơi! Sự phát triển của tư tưởng nhập thế như vậy là đã đi đến mức độ tột cùng!

Đơn cử một vài kinh này là để chúng ta thấy rằng tư tưởng Phật giáo nhập thế đã đi đến mức cao nhất trong thời đó. Kinh cũng giúp ta thấy lịch trình tiến triển của tư tưởng Đại thừa, của Bồ tát cư sĩ, và những sợi dây liên lạc, tiếp nối rất rõ ràng giữa các kinh với nhau.

Tất nhiên ngoài những kinh nói đến trên đây còn có nhiều kinh khác nói về các vị Bồ tát tại gia và sức hóa độ của họ.

Trước khi đi thăm cư sĩ Duy Ma Cật, vị cư sĩ tài ba lỗi lạc có một không hai, xin mời quý vị hãy cùng tôi đến tu viện Cấp Cô Độc trong rừng Kỳ Đà để cùng hội chúng đông đảo, nghe chính lời Bụt dạy Trưởng giả Úc Già về cách sống phạm hạnh của người tu tại gia cũng như phương pháp hành trì của người thọ giới xuất gia.