Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

VÌ SAO CHÚNG TA TÌM KIẾM NHAU?

24 Tháng Hai 20173:56 CH(Xem: 3926)
VÌ SAO CHÚNG TA TÌM KIẾM NHAU?
Vì Sao Chúng Ta Tìm Kiếm Nhau?

Vì Sao Chúng Ta Tìm Kiếm Nhau?

Người tối cổ sống theo kiểu bầy đàn để nương tựa vào nhau mà chống chọi với kẻ thù, thú dữ, thời tiết khắc nghiệt và tìm kiếm thức ăn. Xã hội hiện đại còn nương tựa nhau khủng khiếp hơn nữa. Anh em nương tựa nhau, vợ chồng nương tựa nhau, hàng xóm nương tựa nhau, ngành công nghiệp này nương tựa ngành công nghiệp kia, quốc gia này nương tựa quốc gia kia. Người không bao giờ đơn độc, dù có lạc vào sa mạc hay rừng hoang.
 Ngồi trong căn phòng vắng, cô đơn lan tỏa vì chung quanh không có ai. Cái cô đơn khiến ảo giác xuất hiện và trong thời khắc đó, người đang ngồi trong căn phòng vắng bỗng chốc không biểu hiện. Nói trong phòng không có ai cũng không đúng, có một người vẫn đang ở đó, đó là người, ngoài ra còn có cái giường, cái bàn, cái ghế, hay ít ra cũng có một con thằn lằn đang bò trên tường. Cô đơn không có nghĩa là không có ai bên cạnh, mà chủ yếu là do vọng tưởng mang lại và ý niệm về sự cô đơn. Nhiều khi xung quanh có rất nhiều người, đông đảo như rạp chiếu phim, tấp nập như chợ tết và ồn ào như sân vận động nhưng vẫn cô đơn, cô đơn trong đám đông. Do kẹt vào ý niệm “sum vầy” hay ý niệm “phải có nhau” hay ý niệm “phải có người để yêu thương” nên sợ hãi “sự chia lìa”, sợ hãi “không có nhau” và sợ hãi “không có người để yêu thương”. Cô đơn trở thành thứ cảm giác không thể nắm bắt được, không thể diễn tả bằng lời và những mường tượng về cô đơn khiến người sợ hãi. Mường tượng về không ai chia sẻ, không ai chăm sóc, không ai quan tâm và cảm giác cho là bị bỏ rơi xuất hiện. Chỉ mới mường tượng thôi, chưa có xảy ra, người đã thấ sợ hãi và khổ đau. Có những cô đơn do người đặt tiêu chuẩn quá cao, và người đặt bản thân người quá lớn, vô tình người tự cho là mình bị xa lánh hay tự mình xa lánh. Nhiều đối tượng tìm đến với người nhưng người không trân quý sự có mặt của họ nên họ ra đi, để lại người buồn tủi trong sự cô đơn, trong lạnh lẽo, không phải vì mùa đông băng giá, mà do tình thương thiếu thốn trong người. Cô đơn lúc này trở thành sự thiếu vắng tình thương hay tình thương đang cạn kiệt vì đối tượng tình thương ít ỏi quá.
 
            Có một cô gái lên trên mạng viết một câu trạng thái thế này, Ước gì tôi không bao giờ tồn tại. Kẹt vào ý niệm tồn tại hay không tồn tại thì chỉ có khổ mà thôi. Nhiều người làm khổ nhau bằng cách tìm kiếm những điều kiện không tồn tại để không phải đối diện với sự thật khổ đau được cho là đang tồn tại. Muốn có cảm giác tồn tại nên người tìm cách chứng minh là mình không cô đơn, nên người muốn có bạn, muốn có gia đình, muốn có tình yêu, tức là muốn “có” cái gì đó để biết là người vẫn đang còn sống hay vẫn đang tồn tại. Câu hỏi, to be or not to be, hay, sống hay không sống, đó là vấn đề. Thực ra không cần đặt câu hỏi này vì nó mang tính chất đoạn kiến. Sự có mặt của người là một biểu hiện, chứ không phải là một tồn tại. Khi nhân duyên đủ, như sự kết hợp của tinh cha, huyết mẹ, của tình yêu, của nghiệp tái sinh, của mong mỏi tiếp nối và các yếu tố khác mà người ra đời và cái mà cho là người đó chỉ là sự biểu hiện, không phải người ra đời là tồn tại. Khi người biểu hiện thì cũng có nghĩa là người sẽ đến lúc chấm dứt biểu hiện, nhưng chấm dứt biểu hiện không có nghĩa là người không tồn tại. Như uống một li nước, nước đang ở trong li và đi vào cơ thể, li nước không còn nước nhưng nước đang được chuyển hóa trong cơ thể, cho nên không thể nói nước trong li từ tồn tại thành không tồn tại được. Người là biểu hiện của sự chuyển hóa qua muôn hình vạn trạng quá trình, giống như nước, chuyển hóa từ qui trình bốc hơi, qui trình thành mây, qui trình rơi xuống thành mưa, qui trình thấm vào lòng đất. Người tìm kiếm tình yêu để chứng minh mình tồn tại thì khi không tìm kiếm được, không thỏa mãn trong tình yêu thì người cũng sẽ phờ phạt theo sự vụt bay của tình yêu mà thôi và người có cảm giác là không tồn tại. Tình yêu có tính chất chuyển hóa tức là tình yêu cũng là biểu hiện nên không thể nói tồn tại một tình yêu. Tình yêu vô thường nên có thăng có trầm và tình yêu biểu hiện nồng nàn hay nhạt nhẽo là do các nhân duyên người cung cấp cho tình yêu như thế nào, nói kiểu khác nó phụ thuộc vào cách người đầu tư cho tình yêu ra sao.
 
            Con người hay một số loài sinh vật khác có khuynh hướng sống cộng đồng. Người có nhu cầu nương tựa, còn nhỏ mình nương tựa ba mẹ và gia đình là một cộng đồng nhỏ. Ý niệm về mồ côi là do người cho rằng ba mẹ mất đi, ông bà mất đi, tổ tiên mất đi. Nếu quán chiếu kĩ, người không bao giờ mồ côi vì các yếu tố ba mẹ, ông bà, tổ tiên đang ở trong người. Cô đơn bủa vây do người thấy trống trải, cảm giác không có ai bên cạnh, không có một hình tướng nào đó ở bên cạnh. Lớn lên, nhu cầu chia sẻ và nương tựa càng mạnh hơn. Người lớn có thể tự cho mình khả năng sống độc lập hay tự lập, nhưng không ai hoàn toàn có khả năng đó cả, vì người cần các mối quan hệ, cần các sản phẩm tiêu thụ, cần quần áo che thân và cần nơi để ngủ. Ý niệm tự lập là ý niệm về khả năng tự đưa ra quyết định về đời sống của người. Nhưng cái người cũng cần đó là yêu thương nên người có xu hướng yêu thương. Yêu thương là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy người đi vào cộng đồng, hình thành và xây dựng cộng đồng. Nương tựa là nhu cầu gần như bất biết dù rằng nó mang tính vô thường, tức là có lúc nương tựa mạnh mẽ, có lúc nương tựa nhẹ nhàng.
 
Người tối cổ sống theo kiểu bầy đàn để nương tựa vào nhau mà chống chọi với kẻ thù, thú dữ, thời tiết khắc nghiệt và tìm kiếm thức ăn. Xã hội hiện đại còn nương tựa nhau khủng khiếp hơn nữa. Anh em nương tựa nhau, vợ chồng nương tựa nhau, hàng xóm nương tựa nhau, ngành công nghiệp này nương tựa ngành công nghiệp kia, quốc gia này nương tựa quốc gia kia. Người không bao giờ đơn độc, dù có lạc vào sa mạc hay rừng hoang.
 
Người tìm kiếm nương tựa theo những tiêu chuẩn của riêng người và khi gặp người phù hợp, người hình thành cộng đồng theo điều mong muốn. Bây giờ hình thành rất nhiều cộng đồng, như cộng đồng người trẻ, cộng đồng người già, cộng đồng người Việt, cộng đồng người nước ngoài, cộng đồng người đồng tính, cộng đồng tăng thân. Người Việt đi nước Mỹ hình thành cộng đồng người Việt ở khu Little Saigon. Cộng đồng là một cái thân và cái thân này rất lớn. Nhân duyên đưa người đi vào một cộng đồng và sinh sống hay sinh hoạt ở cộng đồng đó.
 
Ham muốn là điều kiện tạo nhân duyên. Chẳng hạn, người muốn làm bác sĩ và có ham muốn làm nghề bác sĩ, nên người học khối B, thi vào trường y dược và tham gia cộng đồng sinh viên y dược. Người muốn làm quen với cô gái kia nên tạo đủ thứ nhân duyên để gặp gỡ và tiếp xúc với cô ấy. Người lên kế hoạch như tìm hiểu điện thoại, chỗ ở, sở thích, công việc làm và cả những khó khăn, ước mơ, khát khao mà cô ấy có. Đơn giản vì người có một ham muốn khác sâu hơn, có thể chưa mạnh mẽ vào lúc này, đó là muốn tạo cộng đồng với cô ấy. Hoặc một chàng trai trẻ, mới 17-18 tuổi, bỗng dưng có ham muốn đi tu, muốn giải thoát và chàng bắt đầu tạo nhân duyên cho chàng. Chàng đến chùa xin tập sự xuất gia, thọ giới, qui y Tam Bảo, học giáo lý, hành thiền, phát triển tuệ giác và chàng thực tập cho đến khi giải thoát thành tựu. Cộng đồng tăng thân là nơi chàng đi vào và chàng có cái duyên với tăng thân. Nhân duyên không hẳn đơn thuần biểu hiện trong hiện tại, mà có thể nó đã tạo ra trong quá khứ của kiếp hiện tại, kể cả kiếp quá khứ và hằng hà sa số kiếp quá khứ. Chuyện này sẽ nói sau.
 
Chúng ta có những năng lượng cần nhau, các năng lượng này rất chồng chéo, trùng trùng điệp điệp, khó có thể gỡ ra thành từng lớp năng lượng được. Cái gọi là cần nhau này không chỉ đơn thuần là người này cần người kia, như con cái cần ba mẹ và ba mẹ cần con cái, mà còn nói tới những vật tưởng chừng như vô tri cũng cần nhau. Con người sử dụng nước để uống và không thể thiếu nó ít nhất bốn tiếng đồng hồ, nước thì cần sức nóng để có thể bốc hơi lên thành mây và mây cần hơi lạnh để rơi xuống thành mưa. Việc nương nhau này là tất yếu và nó tạo chất kết dính trong cộng đồng. Ban đầu con người tìm đến nhau và yêu thương nhau. Đối với đời, tình yêu này có thể đẹp và đáng tìm kiếm, nhưng đối với đạo, đó là thứ tình yêu luyến ái, có dính mắc, hàm chứa sự chiếm hữu và kì thị, cho nên dẫn tới khổ đau. Những gì còn luyến ái và dính mắc đều là nguyên nhân tạo nên cái duyên của khổ đau. Một cô gái thương chàng trai nhưng sau đó thì chàng thay đổi tính tình, quen bạn bè xấu, tụ tập tiệc tùng, đi vào thế giới ảo của thuốc lắc nhưng cô không dứt ra được, vì thương anh chàng đó quá, biết rằng có nhiều nguy hiểm nếu tiếp tục mối quan hệ với chàng trai. Chàng trai thì dính mắc vào việc ăn chơi, còn cô gái thì luyến ái với chàng trai. Cả hai điều này khiến cho cả hai người đều tự mua cho mình cái vé đi vào cõi tâm đau khổ.
 
Yêu thương không đúng cách có thể dẫn đến oan trái rất mau và nếu không giải kết oan trái thì sẽ nợ nhau, đã nợ nhau thì chắc chắn còn gặp nhau, nếu không phải đời sống này thì cũng là đời sống khác. Nợ nhau là nhân đẩy đến cái duyên gặp nhau. Kim Dung hay nói trong truyện của ông là có duyên sẽ gặp lại, nhưng cái ngày gặp lại đó, mừng rỡ hay bực bội, tùy thuộc vào nhân dễ thương hay không dễ thương người tạo ra trước đó. Một người mẹ nuôi đứa con trai đến tuổi trưởng thành, hai mẹ con thương nhau hết mực. Tình mẫu tử thì không có gì sánh bằng và tình hiếu đạo của đứa con cũng thật đáng khen ngợi. Nhà có hai mẹ con nên nương tựa nhau mà sống. Chàng trai đi làm về và chăm sóc mẹ chu đáo. Người mẹ lớn tuổi không còn đi làm nữa, chủ yếu nấu những bữa cơm ngon cho đứa con. Hai mẹ con ngồi ăn cơm chung mà có hạnh phúc. Rồi một hôm, đứa con đi nhậu về với bạn bè sau một hợp đồng được kí kết thành công, người mẹ thấy con tự chạy xe về trong hơi men nên lo lắng và lên tiếng rầy đứa con một tiếng. Men rượu dũ dượi sai khiến đứa con khiến cậu không làm chủ được mình, hồi nào giờ có nghe mẹ rầy đâu, tự nhiên hôm nay mẹ lại rầy nên chịu không nổi, con ma men điều khiển chàng cầm cái ghế phang người mẹ một cái, làm bà ngã xuống đất và bị gãy cột sống. Khi tỉnh rượu lại thì đứa con bắt đầu hối tiếc, tình thương với người mẹ đã trở thành sợi dây oan trái. Và đây là nhân nợ, nó sẽ dẫn đến cái duyên là hai mẹ con phải tiếp tục ở chung với nhau, đứa con chịu sự dày vò, lương tâm cắn rứt, phải chăm sóc cho mẹ nhiều hơn. Nếu không làm được thì đến lúc nào đó đứa con cũng phải làm, cũng phải trả thôi.
 
Vô minh là sự thiếu hiểu biết, không phải là thiếu hiểu biết của thế gian, của kiến thức mà là  thiếu hiểu biết hay nhìn nhận sai lệch về sự thật của các hiện tượng đang xảy ra. Vô minh tiếng Pali là Avijja và tiếng Phạn là Avidyà. Tất cả các hiện tượng không tự thân mà biểu hiện, ngược lại nó được tổng hợp bởi rất nhiều điều kiện và khi thích hợp, các điều kiện này tương tác với nhau như “duyên” và nhờ thế hiện tượng biểu hiện. Đức Phật dạy, Đây là một vật thể, đây là cách thức dựa vào đó vật thể hiện ra, đây là sự chấm dứt của nó, và đây là con đường hay cách thức đưa đến sự chấm dứt của nó, nếu ta nhìn bằng phương cách như thế, ta sẽ thấy rằng mọi vật thể hay mọi hiện tượng tự nó không có một sự hiện hữu nào cả, một sự độc lập nào cả. (1) Hai người thương nhau và quyết định đi đến hôn nhân và đám cưới diễn ra. Đám cưới là một sự kiện tổng hợp bởi nhiều điều kiện, cho nên nó không hiện hữu mà chỉ là sự biểu hiện. Các điều kiện như hai người có thời gian tìm hiểu và thương nhau, ba mẹ hai bên gặp gỡ và bàn bạc về tương lai của đứa con, các bước đám cưới được chuẩn bị như chụp hình kỉ niệm, sắp đặt tiệc cưới, nghi thức hôn lễ, quà cưới, các cam kết trong hôn nhân, làm việc với chính quyền để đăng kí kết hôn, hoạch định đời sống gia đình cho tương lai… Những điều kiện này tạo duyên cho đám cưới biểu hiện. Ngày cưới được lựa chọn và diễn ra. Sau ngày này, không thấy đám cưới nữa thì cho nó là không hiện hữu là không đúng, nó chỉ không còn biểu hiện nữa thôi, và các điều kiện tạo nên đám cưới đã đi theo mỗi ngả, đi theo con đường của riêng nó. Như điều kiện hai người tìm hiểu và thương nhau bây giờ đã đi vào đời sống gia đình. Điều kiện ba mẹ xui gia hai bên gặp nhau bàn bạc về tương lai đứa con đã đi vào mối quan hệ của hai gia đình. Điều kiện cô dâu chú rể đi chụp hình làm kỉ niệm đã đi vào một cuốn album và thỉnh thoảng mở ra xem lại. Và các điều kiện khác đều có sự tiếp nối của nó. Cho nên mắc kẹt vào sự hiện hữu, muốn ngày nào cũng là ngày cưới thì không thể được. Thái độ mắc kẹt là vô minh, vì kẹt vào hiện hữu nên chắc chắn sẽ có tái sinh để thỏa mãn sự hiện hữu, trong khi cái gọi là hiện hữu và cái gọi là tái sinh không thực có.
 
            Vì vô minh nên có ảo giác về thực thể là năm thứ cấp hợp nên thực thể hay còn gọi là năm uẩn, bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ảo giác về sắc nên ham thích và muốn chiếm hữu sắc. Chiếm hữu ở đây có thể hiểu là muốn nắm giữ nó. Sắc đẹp của tự thân tạo ra ảo giác về tự hào và muốn nó hiện hữu mãi mãi hoặc kéo dài mãi mãi. Nhưng sắc đẹp không là hiện hữu mà chỉ biểu hiện ra do các yếu tố như ba mẹ xinh đẹp, các yếu tố môi trường, nghiệp giữ giới của bản thân, cách thức ăn uống, điều phục thân tâm… Các điều kiện này tạo nên sắc tướng đẹp đẽ và nếu như tiếp tục được duy trì thì sắc tướng đẹp tiếp tục biểu hiện. Cho dù sắc có già đi thì vẫn đẹp, đẹp lão hay đẹp theo kiểu già, rồi sau đó sẽ được tiếp nối tốt đẹp. Tuy nhiên, sắc dù có đẹp hay không đẹp cũng chỉ là ý niệm và không thể nắm giữ được. Chàng thương nàng vì nàng có đôi mắt đẹp, đôi tay đẹp, vóc dáng đẹp hay giọng nói đẹp, từ đó chàng phát sinh luyến ái trong tâm và muốn nắm giữ đôi mắt hay hình sắc đó. Bản thân nàng còn không thể giữ được đôi mắt hay hình sắc thì làm sao chàng có thể nắm được. Cho dù cưới nàng về làm vợ, quan hệ xác thịt chỉ có thể thỏa mãn tâm luyến ái, chứ không thể thỏa mãn tâm muốn nắm giữ. Thực ra tâm luyến ái vẫn không thể thỏa mãn được vì nó chỉ là cảm giác nhất thời, rất ngắn ngủi, trôi qua rất mau. Do tính chất không nắm giữ được hình sắc và tính chất không có giới hạn của sự thỏa mãn nên tâm có khuynh hướng tiếp tục muốn nắm giữ hình sắc và muốn thỏa mãn sâu dày hơn. Sỡ dĩ có người ngoại tình, một trong những nguyên nhân là do muốn chiếm giữ nhiều hình sắc và muốn thỏa mãn sự luyến ái không chịu dừng lại. Tương tự như vậy với những ảo giác về thọ, tưởng, hành và thức. Những chi phần của nhân duyên này sẽ được nói ở các phần tiếp theo nên tôi xin dừng lại phần uẩn ở đây. Kẹt vào sắc nên đi tìm kiếm sắc, và muốn tận hưởng sắc thì phải dùng sắc mà hưởng, nên phải có cái thân, kẹt vào thân nên thân sinh ra để dính mắc. Dính mắc là điều kiện tạo duyên cho tái sinh. Thu thúc nhãn căn và sắc trần, chấm dứt sự dính mắc vào sắc, là thu thúc được nhãn thức, người đã tạo được duyên cơ bản cho ái dục không có dịp phát khởi, người phần nào chấm dứt sinh tử.
 
Chúng ta đến với nhau
Vì chúng ta cần nhau
Xây dựng nên cộng đồng
Cùng tu cùng lớn mạnh.
 
Nếu mình đến với nhau
Bằng tình yêu luyến ái
Là mình mua một vé
Tái sinh vào tương lai.
 
Muốn chấm dứt luân hồi
Hãy diệt trừ tham ái
Hóa giải những vô minh
Tìm hướng đi cho mình.