Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Câu đối ở chùa Linh Mụ

16 Tháng Ba 20171:37 CH(Xem: 4319)
Câu đối ở chùa Linh Mụ

Câu đối ở chùa Linh Mụ
Tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ luôn gắn liền với núi Ngự sông Hương, cầu Tràng Tiền tạo nên biểu tượng cho Huế, để cho những du khách một lần đến Huế không thể nào quên. Gắn liền với tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ là hàng loạt các văn bản chữ Hán như văn bia, hoành, trướng, câu đối. Trong bài nghiên cứu này chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu các câu đối ở chùa Linh Mụ, xem những câu đối ấy thể hiện những tư tưởng gì.

CẤU ĐỐI Ở CHÙA LINH MỤ

TRẦN THỊ THANH

Khoa Ngữ văn Đại học khoa học Huế

Tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ luôn gắn liền với núi Ngự sông Hương, cầu Tràng Tiền tạo nên biểu tượng cho Huế, để cho những du khách một lần đến Huế không thể nào quên. Gắn liền với tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ là hàng loạt các văn bản chữ Hán như văn bia, hoành, trướng, câu đối. Trong bài nghiên cứu này chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu các câu đối ở chùa Linh Mụ, xem những câu đối ấy thể hiện những tư tưởng gì.

Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Linh Mụ đến nay đang là một địa điểm du lịch mà ai một lần đến Huế cũng muốn đến thăm. Qua sự khảo sát chúng tôi thấy chùa Thiên Mụ có tất cả 15 câu đối tính từ cổng chùa vào tới Tháp của Hòa thượng Thích Đôn Hậu.

Ở cổng chùa Linh Mụ bao gồm 4 cặp câu đối được trang trí trên 4 trụ. Hai cặp mặt ngoài và hai cặp mặt trong. Tiếp đến là 7 cặp câu đối được viết trên 7 tầng tháp Phước Duyên. Đi vào phía trong ta thấy có hai câu đối được trang trí ở trước cửa chính diện. Theo con đường nhỏ dẫn ra phía vườn sau chúng ta thấy 2 cặp câu đối được trang trí ở tháp Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Thông qua phần phiên âm dịch nghĩa(1), chúng tôi thấy câu đối ở chùa Linh Mụ ca ngợi Phật pháp, ca ngợi và thương tiếc vị Hòa thượng trụ trì tại chùa và nói lên lịch sử của chùa.

1. CA NGỢI Phật pháp:

Đây là chủ đề cơ bản thể hiện qua các câu đối ở các chùa nói chung và chùa Linh Mụ nói riêng. Ngay khi bước chân đến cổng chùa, ngước mắt nhìn hai cặp đối được khảm trải chúng ta cũng đọc được nội dung ấy.

* “Tịnh độ phạm cung, Phật nhật tăng huy vu tứ đại

Ma không bảo tháp, pháp luân thường chuyển biến tam thiên”

(Câu đối phía hữu mặt ngoài trụ cổng).

(Cõi tịnh độ, cung trời phạm, Phật pháp ngày càng thêm rạng rỡ

Niệm ma không, linh bảo tháp, Phật pháp truyền khắp ba ngàn).

Chùa Linh Mụ chính là cõi Tịnh độ của nhà Phật. Nơi này được ví như cung điện Phạm thiên (phạm cung) phát ra ánh sáng khác thường. Cũng chính nơi này Phật pháp sẽ được tỏa rộng và thấm sâu vào muôn vạn chúng sinh. Trí tuệ và đức hạnh của Phật rực rỡ như mặt trời (Phật nhật). Lòng từ bi của Phật có khả năng phá trừ được mê vọng của chúng sinh. Phật thuyết pháp không chỉ một người, một nơi mà nhiều người nhiều nơi giống như bánh xe quay mãi không ngừng.

* Bát công chi thủy thường thanh, nhất thiết chúng sinh cát tường dã.

Ngũ điển chi xa bất tệ, đại nguyện thập phương lương thiện tai”.

(Câu đối ở ngoài trụ cổng phía tả)

(Nước tám công, thường rửa sạch bụi trần, giúp chúng sinh đến nơi cực lạc.

Xe ngũ điển, không ngơi phát đại nguyện, giúp thập phương đến cõi thiện tai).

Ở cõi Tịnh độ của Phật có “Bát công đức trí”. Nó có công năng thật to lớn để có thể tẩy sạch mọi cấu trần nhiễm ô. Cùng với xe ngũ điển (ngũ điển chi xa - chỉ năm thừa của đạo Phật) hai phương tiện này cùng với tấm lòng “đại nguyện” (tấm lòng sâu xa rộng lớn của Phật, bồ tát muốn cho chúng sinh thành Phật), Phật đã giúp người tu hành đạt đạo đến cõi niết bàn. Tấm lòng của Phật thật bao la rộng lớn. Trong kinh “Phóng quang bát nhã” quyển 3 phần “Vẫn tăng ni” có ghi: “Bồ tát vì chúng sinh mà phát đại thệ nguyện rằng: Ta hiện đang có đầu đủ “sáu ba la mật” và cũng đang dạy cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh cũng có đủ sau ba la mật”. Đó là đức Phật dựa vào “tâm bồ đề” để phát đại nguyện, mở lòng từ bi.

* “Khai phát bồ đề tâm, nhi hóa thống vạn loại;

Hoằng thi phương tiện lực, dĩ giác ngộ quần sinh”

(Câu đối trong trụ cổng phía tả)

(Mở tâm bồ đề, để hóa thông vạn vật;

Bày muôn ngàn phép, để giác ngộ chúng sinh).

Tâm nguyện sâu xa nhất của Đức Phật là cứu khổ cứu nạn cho dân, muốn cho mọi người vượt khỏi trầm luân, bể khổ để đưa họ đến cõi Niết bàn. Nhưng muốn làm như vậy thì “phương tiện lực” của Phật phải được “hoằng thi”. Có nghĩa là Đức Phật phải bày ra muôn nghìn phép để giúp chúng sinh. Muôn ngàn phép của nhà Phật chính là “phương tiện”. Phương tiện còn gọi là “thiện quyền biến mưu” chỉ chỗ tiếp cận khéo léo cốt để đạt được kết quả. Có thể hiểu “Phương tiện lực” của Phật là một số biện pháp như trì giới, tụng kinh, nhập định… để giúp cho người tu đạo Thiền đến chỗ chính giác. Có thể ví “phương tiện” này giống như người qua sông thì phải cần bè nhưng khi lên bờ rồi thì không cần bè nữa. “Phương tiện lực” ở đây chính là các phép của Phật bày ra giúp chúng sinh tu hành đạt đạo đến cõi thiện. Điều này lại được nhắc lại bằng một câu đối ở tầng 1 tháp Phước Duyên.

* “Pháp vũ hoằng thi, vạn mộc côn trùng triêm lợi ích,

Thân vân biến mãn, hư không thế giới phóng quang minh”

(Mưa phép thấm đều, vạn mộc côn trùng đều hưởng lợi,

Phật thân biến hóa, hư không thế giới sáng muôn màu).

Nhà Phật cho rằng Phật pháp có thể phổ độ chúng sinh như mưa thầm nhuần vạn vật. Còn thân pháp của Phật có khả năng biến đổi nhiều hình nhiều vẻ như mây bay. Pháp thân Phật đi tới đâu thì lan tỏa ánh hào quang tới đó. Phật thật là huyền diệu, nhưng Phật cũng gần gũi vì “Phật tại tâm” – trong lòng ai cũng có Phật. Muốn trở về điều thiện thì ai cũng có thể làm được, chỉ cần làm đúng lời Phật dạy và một lòng xiển dương Phật giáo mà thôi.

* Tâm tức Phật, tế nhân qui vạn thiện

Sắc tức không, xiển giáo định nhất tâm”.

(Câu đối ở tầng 3 tháp Phước Duyên).

(Tâm tức Phật, cứu người quay về muôn điều thiện;

Sắc tức không, xiển dương Phật giáo chỉ một lòng).

Như vậy câu đối ở chùa Linh Mụ như một thông điệp muốn nhắc nhở cho mọi người chúng ta phải một lòng xiển dương Phật giáo vì Phật giáo là nhằm cứu vớt chúng sinh, giúp chúng sinh quay về muôn điều thiện.

2. Ca ngợi cảnh đẹp nói lên lịch sử chùa

Chúa Linh Mụ có một vị trí tự nhiên rất đẹp. Ngự trên ngọn đồi Hà Khê nằm ở phía tả ngạn sông Hương cách thành phố Huế khoảng 5km, trước mặt chùa là dòng sông Hương êm đềm lấp lánh chảy qua sát chân đồi. Từ chùa nhìn sang bên kia sông là dãy gò Long Thọ chạy dài về cánh đồng Nguyệt Biều mênh mông bát ngát. Dưới chân đồi chùa tọa lạc, là dải bình hồ phẳng lặng ôm bọc sát chân đồi. Đây là một địa thế rất tốt, vì vậy nó chính là nơi thuận lợi để cho Phật giáo xiển dương, để cho lời giảng của Phật truyền đến khắp ba ngàn cõi.

* “Vạn hóa dao duyên, phổ tứ đại nhi hàm qui thiện niệm:

Thất tầng bảo tháp, đối lưỡng gian nhi phu tích phúc duyên”.

(Câu đối phía hữu trước cửa chính điện).

(Nguồn thiền tỏa rộng, để quay về với cõi thiện duyên.

Tháp báu bảy tầng, như bày ra phép lành duyên phước).

Nhờ ở địa thế này mà nguồn thiền mới tỏa rộng ra khắp nơi. Tiếng chuông chùa như ngân vang át hẳn những điều vẩn đục cõi trần. Tháp báu bảy tầng sừng sững uy nghiêm cao vút như đang thi gan cùng tuế nguyệt. Nơi đây thân pháp của Phật đang tỏa rộng ánh hào quang, phép quyền biến đang thâm nhập vào chốn chúng sinh vượt bến mê đến bờ giác. Cảnh đẹp này sẽ là thắng tích lưu ngàn đời. Tiếng chuông chùa này ngân lên sẽ thức tỉnh niềm mê phá tan dục vọng, để giúp chúng sinh quay về cõi thiện:

* “Vĩnh lưu thắng tích, đổ bi văn nhi kim bích tăng huy

Viên mãn thiện duyên, thích chung hưởng nhi bảo châu giác ngộ”.

(Câu đối phía hữu mặt trong trụ cổng).

(Thắng tích lưu ngàn đời, nhìn văn bia kim bích càng thêm sáng

Thiện duyên tròn vành cạnh, nghe chuông ngân châu báu cũng tỏ bày).

Cùng với câu đối, văn bia ở chùa Linh Mụ cũng gắn liền với kiến trúc chùa tạo nên một “thắng tích” lưu đến muôn đời cho con cháu. Câu đối chùa Linh Mụ không những tạo vẻ đẹp trang nghiêm cho chùa mà còn nói lên lịch sử và công đức của những người dựng chùa.

* “Duyệt tự bi, ngưỡng tiên vương tạp phúc chi nhân, thủy nguyệt thường viên, quang mãn tam đại thiên thế giới.

Độc quốc sử, ký lão quả hiện thân chi ngữ, nhạc hà thủy cố linh chung ức vạn tự cơ đồ”.

(Câu đối phía tả trước cửa chính điện).

(Xem bia chùa biết người xưa tạo phúc. Trăng tỏ, nước tràn, chiếu sáng tới tam thiên.

Đọc sử thấy lời lão bà là sấm. Núi thiêng, sông hiểm ngàn năm vững cơ đồ).

Quả thực, chùa Linh Mụ có một lịch sử hết sức thăng trầm. Nó phải trải qua rất nhiều lần trùng tu mới được như ngày nay. Theo như ông Hà Xuân Liêm: Khi Đại Việt tiếp nhận hai châu Ô, Rí của ChămPa do vua Chế Mân dâng lễ cưới Huyền Trần công chúa (1306) thì tại vùng đồi này đã có một nơi thờ tự của người ChămPa để lại. Về sau nó đã trở thành phế tích và người Việt vào đây dựng lại. Tên chùa được gọi là “Thiên Mỗ” hay “Thiên Mộ”. Còn theo Dương Văn An thì vị trí ban đầu của chùa là ngang bốn chân trụ cổng lớn ngày nay. Về sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, một lần đi tuần du qua, thấy ngôi chùa đổ nát thì ông chạnh lòng. Đêm về mơ thấy một bà già trên tiên giới hiện xuống nói với ông nên tu sửa ngôi chùa này để thờ Phật thì cầu gì sẽ được linh ứng đấy. Do vậy năm 1601 chúa Nguyễn Hoàng cho trùng tu lại chùa và gọi là chùa “Linh Mụ” hay “Thiên Mụ”. Chùa này ở thời các chúa Nguyễn luôn được lưu tâm mở rộng và sửa sang. Như tháng 7 năm 1665 chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu lại và đúc khánh đồng để thờ. Đến tháng 4 năm 1710 chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc đại hồng chung nặng 3.285 cân. Nói chung trong khoảng thời gian này chùa Linh Mụ luôn được các chúa Nguyễn lưu tâm vì đây là nơi để họ tịnh tâm sau những ngày vất vả ở cõi trần.

Vào năm 1788 khi Nguyễn Huệ lên ngôi thì chùa bị tàn phá nặng. Đến đời các vua Nguyễn nó lại được chú ý tu sửa. Năm Gia Long thứ 15 (1815) chùa được trùng tu trên nền cũ của Nguyễn Phúc Chu. Năm 1844 vua Thiệu Trị cho xây tháp Phước Duyên 7 tầng cao 21 mét. Mỗi tầng trang trí một tượng Phật bằng vàng. Những đời vua sau cũng bỏ tiền của cúng tiến để sửa sang chùa.

Có thể nói đây là công lao to lớn của các vị vua chúa đời Nguyễn đối với chùa mà văn bia đã ghi và câu đối ở phía tả trước cửa chính diện đã nói.

3. Thương tiếc và ca ngợi sư trụ trì ở chùa

Chùa Linh Mụ vốn do vị thiền sư thuộc phái Tào Động, người ở tỉnh Chiết Tây Trung Quốc, tên là Thạch Liêm hiệu là Đại Sán hoặc là Hán Ông (giới tăng ni còn thường gọi ông là Thạch Đầu đà hay Thạch Hòa thượng) trụ trì. Vì có nhân duyên nên Nguyễn Phúc Chu đã thỉnh ngài về chùa Linh Mụ để thuyết pháp. Hiện nay trên long vị thờ ngài vẫn khắc bốn chữ “Khai sơn Thiên Mụ được coi là “Quan tự” cho nên các vua chúa đều cử các chức Tăng cang, trụ trì để lãnh đạo tăng đồ và thuyết pháp. Các vị hòa thượng này phần lớn ở các chùa khác đến lĩnh chức ở đây. Do vậy sau khi viên tịch, di thể của các ngài đều được đưa về an táng tại các bảo tháp ở các ngôi chùa mà mình xuất thân. Chỉ có Hòa thượng Trừng Nguyên hiệu Đôn Hậu khi viên tịch làm trụ trì. Đây là một vị hòa thượng có công rất lớn là đại biểu quốc hội, là ủy viên Trung ương Mặt Trận tổ quốc Việt Nam, là Phó chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình. Do vậy khi ngài mất đi đã để lại một niềm thương tiếc vô bờ cho các tăng ni Phật tử, dân chúng ở Huế nói riêng và cả nước nói chung. Hai câu đối ở tháp an táng ngài đã thể hiện điều đó:

* “Nhập bất thoái kim thành, y bát ưu du tùy cơ thuyết pháp.

Đăng vô phùng bảo tháp, xuân thu tự tại nhiệm ý tham thiền”

(Câu đối mặt ngoài trụ tháp).

(Trong tường vàng, y bát thong dong tùy cơ thuyết pháp.

Lên tháp báu, xuân thu tự tại, theo ý tham thiền).

* “Tây thiên quải tích, Linh Mụ huyền bình, hà xứ khứ qui Trừng Nguyên tôn giả.

Xá lợi phi hương, phù đồ tàng sắc, thử thành an trú Đôn Hậu cao tăng”

(Câu đối trong tháp Đôn Hậu).

(Tây thiên cầm tích, Linh Mụ mang bình, chẳng biết đi đâu về đâu hỡi ngài tôn giả Trừng Nguyên.

Xá lợi tỏa hương, tháp báu tàng nhục, chỗ này là chỗ yên nghỉ của ngài cao tăng Đôn Hậu).

Công đức của ngài tỏa sáng, ngài là sự nối tiếp truyền thống của các thiền sư với đời, cùng nhân dân chống ngoại xâm, đem lại sự bình yên, an lạc cho dân chúng. Ngài xứng đáng được sự tôn trọng, và sống mãi trong niềm thương tiếc của nhân dân.

Câu đối chùa Linh Mụ không những tạo thêm vẻ trang nghiêm cho cõi thiền mà còn cho chúng ta hiểu rõ tấm lòng từ bi phép nhiệm màu của Phật để phổ đổ chúng sinh. Chùa Linh Mụ chính là nơi để các cao tăng thuyết pháp và để nguồn thiền tỏa rộng mãi từ chốn này

Chú thích.

1. Phần phiên âm và dịch nghĩa các câu đối ở chùa Linh Mụ là do tác giả làm.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.440-458