Bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn

16 Tháng Ba 20171:48 CH(Xem: 7722)
Bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn

Bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn
Triều Tây sơn vốn dĩ rất ngắn ngủi, tư liệu để lại ít, lại bị huỷ hoại bởi chính sách thù địch của nhà Nguyễn. Do đó tư liệu bị mất mát, thất lạc nhiều. Bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn nằm chung trong tình trạng trên. Tuy nhiên chúng xuất hiện và nằm rải rác trong dân gian, nên còn được lưu giữ đến ngày nay. Đây là những tư liệu gốc khá tin cậy, góp phần tìm hiểu nhiều mặt về xã hội đương thời.

BIA ĐÁ, CHUÔNG ĐỒNG THỜI TÂY SƠN

ĐINH KHẮC THUÂN

Triều Tây sơn vốn dĩ rất ngắn ngủi, tư liệu để lại ít, lại bị huỷ hoại bởi chính sách thù địch của nhà Nguyễn. Do đó tư liệu bị mất mát, thất lạc nhiều. Bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn nằm chung trong tình trạng trên. Tuy nhiên chúng xuất hiện và nằm rải rác trong dân gian, nên còn được lưu giữ đến ngày nay. Đây là những tư liệu gốc khá tin cậy, góp phần tìm hiểu nhiều mặt về xã hội đương thời.

Bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn hầu hết đã được in rập vào lưu giữ tại Trung ương và địa phương. Nhờ kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm và kho văn khắc của Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội, chúng tôi bước đầu thống kê được 338 bản rập bia và 135 bản rập chuông. Chúng được phân bố rải rác ở các địa phương từ Lạng Sơn đến cố đô Huế. Cụ thể như sau:

- Về bia(1): Tỉnh Hải Dương: 66 bia, Hưng Yên: 34 bia, Bắc ninh: 62 bia, Bắc Giang: 34 bia, Hà Đông: 31 bia, Hà Nội: 9 bia, Sơn Tây; 19 bia, Phúc Yên: 21 bia, Phúc Thọ: 3 bia, Vĩnh Yên: 12 bia, Thái Nguyên: 5 bia, Nam Định: 6 bia, Hà Nam: 4 bia, Ninh Bình: 3 bia, Thái Bình: 2bia, Quảng Yên: 2 bia, Lạng Sơn: 1 bia, Thanh Hoá: 3 bia và Nghệ An: 1 bia.

- Về chuông(2): Hà Nội: 88 chuông, Hà Sơn Bình: 13 chuông, Vĩnh Phú: 15 chuông, Hải Hưng: 9 chuông, Thanh Hoá: 3 chuông, Hà Nam Ninh: 3 chuông, Hà Bắc: 1 chuông và Bình Trị Thiên: 3 chuông.

Số bia và chuông nêu trên đều có niên đại cụ thể. Niên đại đó được ghi cả niên hiệu vua và năm can chi như “Quang Trung nhị niên, thuế thứ Kỷ Dậu, trọng thu, cát nhật”. Tuy nhiên cũng có trường hợp ghi tránh niên hiệu Tây Sơn, chẳng hạn như “Hoàng triều tuế thứ Ất Mão niên”, hoặc ghi theo niên hiệu thời Lê như năm 1797 và năm 1798 thuộc niên hiệu Cảnh Thịnh thì ghi là Cảnh Hưng 58 và Cảnh Hưng 59(3). Ngoài ra là một số trường hợp bị đục, xoá niên hiệu vào thời Nguyễn. Các niên hiệu vua Tây Sơn được ghi trên bia, chuông gồm Thái Đức năm thứ 11, Quang Trung, Cảnh Thịnh và Bảo Hưng. Niên đại trên chuông, trừ một trường hợp ở chuông Huế mang niên hiệu Quang Trung ra, còn lại chủ yếu mang niên hiệu Cảnh Thịnh, số ít khác mang niên hiệu Bảo Hưng.

I. BIA THỜI TÂY SƠN

1. Hình thức trang trí: Bia Tây Sơn có kích thước không lớn, trung bình 0,80x0,45m. Theo hình thức, bia Tây Sơn gồm ba loại chính: bia dẹt (một hoặc hai mặt), bia trụ (bốn hoặc sáu mặt) và bia ma nhai (một mặt khắc trên vách đá). Bia dẹt có trán bia hình bán nguyệt, cùng mặt phẳng với thân bia. Bia trụ có trán bia to, trùm ra bốn phía như mái nhà. Bia ma nhai không có trán bia và cũng không có chán bia.

Các hình trang trí, chủ yếu được khắc trên trán bia loại bia dẹt và trên diềm bia các loại khác.

Đề tài trang trí trên trán bia gồm: mặt nguyệt, mặt nguyệt - rồng, mặt nguyệt - phượng, mặt nguyệt - hoa mây, hổ phù ... Trong đó đề tài mặt nguyệt - rồng là chủ yếu (73/118 chiếc(4). Chiếm 65%. Sau đó là đề tài mặt nguyệt - hoa mây (27 chiếc). Đề tài trang trí trên diểm bia gồm: dây leo hoa lá, hoa chanh, hoa văn hình học, động vật, sóng nước, án thư... Trong đó chủ yếu là các đề tài về lá.

Kỹ thuật chạm khắc trên bia Tây Sơn phổ biến là kết hợp giữa khắc nổi và khắc chìm. Tức là trên hình khắc nổi có đường kẻ chìm. Kỹ thuật khắc nổi là đặc trưng kỹ thuật chạm khắc bia Lê, khắc chìm là đặc trưng kỹ thuật chạm khắc bia Mạc. Và ở đây kết hợp cả hai chìm và nổi là tiêu biểu kỹ thuật chạm khắc bia Tây Sơn. Cùng với đặc trưng trên, cách thể hiện hoa văn trang trí cũng có mầu sắc riêng.

Trước hết nói về hình rồng. Rồng trên bia Tây Sơn được thể hiện với hai dạng chính: cách điệu và tả thực. Trong đó cách điệu là phổ biến, gồm cách điệu lá và cách điệu mây. Hình rồng cách điệu này đã xuất hiện ở giai đoạn cuối Lê; và tồn tại ở một số loại bia thời Nguyễn. Tuy nhiên trên bia Tây Sơn, hình rồng cách điệu thường giản đơn, không rối rắm. Các chi tiết phụ của rồng như mào, chân, đuôi được cách điệu bởi những ngọn lá hoặc những áng mây. Đuôi rồng thường là một tàu lá chẻ đôi uốn cong về hai phía.

Rồng tả thực mang dáng dấp rồng yên ngựa thân dài uốn nhiều khúc tựa hình rồng trang trí trên bia và đồ gốm Mạc.

Bên cạnh rồng là mặt nguyệt. Mặt nguyệt to tròn, thường có hình âm dương tương phối, hình chữ thọ hoặc hình chim, nước. Thậm chí có mặt nguyệt làm thành bụng một con chim lớn có đầu, cánh, chân, trông tựa hình chim đại bàng đang giang rộng cánh đầy khát vọn (5).

Các đề tài lá, tiêu biểu là loại lá to có ba chẽ được gọi là lá đu đủ. Chúng thường được thể hiện hoàn chỉnh ở góc trán bia hoặc diềm bia. Đôi khi chỉ được thể hiện một phần rủ trên trán bia. Loại hoa văn này đã xuất hiện từ thời Lê. Song nó trở thành đề tài phổ biến trên trang trí bia Tây Sơn. Cùng với nó là hình lá uốn cong nối tiếp nhau thay thế cho dây leo, hoặc đối xứng qua bông hoa hay hình án thư.

Các đề tài hoa, nổi bật là hoa chanh bốn cánh. Loại hoa văn này từng điển hình trong trang trí bia thời Lý - Trần. Tuy nhiên ở đây hoa chanh thường được đóng khung trong từng hoa văn hình học.

2. Nội dung văn bản:

Về nội dung, bia Tây Sơn gồm các loại: bia chùa, đình miếu, văn chỉ, từ đường, lăng mộ, cầu cống, thủy lợi, ruộng đất, hương ước, để tặng, lệnh chỉ... Trong đó chủ yếu là bia chùa, khoảng 70% bao gồm những bia xây dựng, tu bổ chùa, cùng việc tôn bầu hậu cho người công đức.

Tác giả soạn văn bia không phải là những bậc khoa bảng chuyên soạn văn bia như ở thời Lê mà phổ biến là những nhà sư có tiếng, những quan chức sở tại hoặc người có học ở địa phương. Thợ khắc bia cũng không phải là thợ chuyên nghiệp nhà nước mà là thợ dân gian cùng các thợ nghiệp dư ở các địa phương. Loại bia do các nhà sư có tiếng và quan chức soạn được các phường thợ dân gian khắc, thường là những bia khá đẹp. Ở đây, bài văn bia được soạn với ngôn từ hàm súc, triết lý cao siêu. Bố cục văn bia hài hoà, hàng cột tề chỉnh. Chữ khắc sâu, nét chữ sắc gọn, tương tự loại chữ trên bia cung đình thời Lê. Những bia này thường ở các danh thắng, các công trình công cộng của làng xã, hoặc của gia đình quan lại giàu có. Phần lạc khoản trên bia được ghi đầy đủ người soạn, người khắc bia. Ngược lại, những bia do người địa phương soạn và thợ nghiệp dư san khắc thường là bia ở các di tích nhỏ, của người bình dân, trong đó phần lớn là bia hậu và bia gửi giỗ. Bài văn bia ngắn, giản đơn, ngôn từ mộc mạc. Nét chữ khắc nông, sâu to, nhỏ không đồng đều; hàng cột không rõ ràng. Phần lạc khoản ít khi ghi tên người soạn văn bia và thợ khắc bia.

Bia thời Tây Sơn hoàn toàn được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm chỉ được dùng trong trường hợp ghi tên đất, tên người hoặc dùng xen kẽ trong câu chữ Hán. Tuy nhiên ở loại bia do người địa phương soạn, thợ nghiệp dư khắc, câu chữ Hán được dùng rất gần gũi với khẩu ngữ Việt, chẳng hạn câu “Tả văn bia Nguyễn”... (ông họ Nguyễn viết văn bia...) hoặc “cúng dữ bản tự dữ ký kỵ” (cúng cho chùa nhà để gửi giỗ).

Chữ huý trên bia Tây Sơn không thấy xuất hiện. Tất cả những chữ huý thời Lê rất nghiêm ngặt và phổ biến trong các văn bản bia thời Lê như Lợi, Long, Thành, Trần, Trừ, Tân, Đề, Cửu... thì trên bia Tây Sơn đều được viết lại bình thường.

Nhà Tây sơn rất ngắn ngủi so với các triều đại phong kiến Việt nam khác. Hơn nữa nhà Tây Sơn chưa xây dựng được cung điện, lăng tẩm, thậm chí cả nhà quốc học. Do đó không có các loại bia này. Trong toàn bộ bia Tây Sơn, không có một bia nào, một cụm bia nào thuộc loại bia nhà nước. Nói cách khác là không có một khuôn mẫu nào quy định cách thức cho các loại bia như ở thời Lê và thời Nguyễn đã có cụm bia lớn như Lam Kinh, Văn Miếu (Hà Nội), các lăng tẩm và văn thánh (Huế). Bia Tây Sơn hầu hết là bia của làng xã, do các nghệ nhân dân gian khắc. Họ kế thừa truyền thống của các nghệ nhân trước và sáng tạo, thể nghiệm ước vọng của mình. Tuy không có một cách thức chung nhưng bia Tây Sơn đều gặp nhau ở một điểm là: mộc mạc, phóng khoáng, không chịu gò ép bởi khuôn mẫu cung đình, nhiều đề tài và hoa văn trang trí mang tính dân gian được tái hiện và phát triển trên con đường định hình cho một phong cách mới.

II. CHUÔNG THỜI TÂY SƠN

Theo thống kê ở trên, chuông Tây Sơn được đúc đại trà ở khắp các địa phương từ Huế trở ra, sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống thanh bình.

1. Hình thức: chuông Tây Sơn gồm 3 phần: quai, thân và vành miệng. Quai chuông Tây Sơn khác với quai chuông thời Lê và Thời Nguyễn. Nó không phải là một hình rồng uốn cong, trên lưng có hình nậm rượu hoặc đài sen mà thường là hai hình rồng đấu lưng vào nhau. Đuôi rồng cuộn tròn. Lưng rồng to, có vẩy. thân chuông chia làm 4 múi theo chiều dọc - Mỗi múi gồm hai ô theo chiều ngang. Ô to phía trên để khắc minh văn. Các ô nhỏ phía dưới thường được trang trí đề tài Long, li, quy, phượng(6), đôi khi được khắc tên người công đức. Núm chuông nằm ở ranh giới giữa các ô trên và ô dưới. Bốn núm to nổi, có đường viền hoa, vừa làm núm gõ vừa tượng trưng cho bốn hướng: đông, tây, nam, bắc(7). Hoa văn trên góc chuông Tây Sơn chủ yếu là hoa văn lá lật, hoặc hình con bướm giang rộng cánh. Vành miệng chuông hơi loe, phần nhiều để trơn, đôi khi có hình cánh sen nối tiếp nhau.

Chuông Tây sơn có kích thước không lớn. Loại vừa, quai chuông cao 0,35m, thân chuông cao 0,85m, đường kính miệng rộng 0,50m. Loại nhỏ, quai chuông cao 0,20m, thân chuông cao 0,55m, đường kính miệng rộng 0,30m. Loại vừa phổ biến hơn cả. Loại này ở hà Nội và các vùng phụ cận, hầu hết do các hiệp thợ họ Nguyễn xã Đề Cầu huyện Thuận Thành (Hà Bắc) đúc.

2. Nội dung văn bản: Kết cấu và nội dung văn bản trên chuông khá thống nhất. Hầu hết tên chuông được đúc nổi gồm bốn chữ chia đều trên bốn múi chuông. Thứ tự tên chuông này xếp theo vòng tròn khép kín từ phải qua trái, có tác dụng đánh dấu thứ tự các mặt chuông và số trang văn bản. Trong khi đó, nhiều chuông thời Lê có tám chữ, được khắc chìm(9). Cũng như các loại chuông khác, chuông Tây Sơn đều nói về triết lý đạo Phật, công dụng tiếng chuông và lý do đúc chuông. Sau đó là phần kê người hưng công và người công đức. Minh văn hầu hết là chữ Hán. Loại chuông do thợ Đề Cầu đúc, khắc: nét chữ sâu, sắc sảo. Còn ở các loại chuông khác, chữ khắc nông, nét khắc không gọn.

Trên văn bản chuông, cũng như văn bản bia thời Tây Sơn, không gặp chữ huý nào. Do đặc điểm của vật liệu khắc: cứng và khuôn khổ hẹp nên chữ khắc trên chuông thường nhỏ và một số chữ thông dụng xuất hiện nhiều lần, thường được khắc giản lược một bộ phận, thậm chí cả chữ. Chẳng hạn chữ “tiền” (tiền tệ): Bộ “kim” được viết tắt thành một dấu chấm và dấu phết dài chéo nhau ./. Dấu tắt này đôi khi thay cả cho chữ “tiền”. Chữ “quan”, “chữ mạch” (đơn vị tiền tệ) cũng vậy, được lược bỏ một bộ phận. Cụ thể là chữ “quan” chỉ viết bộ “bối”, chữ “mạch” chỉ viết bộ “phụ”. Trường hợp khác không lược bỏ bộ phận mà viết tắt cả chữ như chữ “đức” (công đức) viết ngang gập trên, bộ lực dưới.

Lối viết tắt này đã gặp rải rải trên một số văn bản chuông thời Lê và thời Nguyễn sau này. Tuy nhiên trên văn bản chuông Tây Sơn, chúng được sử dụng khá thống nhất và chặt chẽ.

Cũng như bia, chuông Tây sơn không do thợ Nhà nước đúc, khắc, mà hoàn toàn do thợ dân gian đúc, là sản phẩm của địa phương. Những chuông ở Hà Nội và các vùng phụ cận do thợ Đề Cầu đúc khá đẹp, cân đối. Số bia do các phường thợ khác đúc ở xen kẽ và xung quanh Hà Nội có dáng dấp, kích cỡ tương tự loại chuông này. Tuy nhiên, không đẹp, không tinh tế bằng. Có lẽ loại chuông do thợ Đề Cầu đúc là khuôn mẫu chung cho chuông Tây Sơn.

III. GIÁ TRỊ TƯ LIỆU TRÊN BIA, CHUÔNG TÂY SƠN

Bia đá, chuông đồng thời Tây sơn là những di vật quý, có nhiều giá trị về khảo cổ học, văn học, mỹ thuật... ở đây chúng tôi đề cập đôi nét về giá trị sử liệu của chúng.

Qua phân bố và mật độ bia, chuông cùng lý do tạo dựng được ghi trên đó, phản ánh phần nào chiến tuyến trong cuộc đại phá quân Thanh ở Thăng Long của Nguyễn huệ. Trong các văn bản đó đều cho biết nơi ấy trước có chùa, có chuông nhưng bị đổ nát, hủy hoại bởi binh hỏa. Cụ thể như trên chuông chùa Thịnh Quang (ngã tư sở, Hà Nội) và một loạt bia, chuông ở các di tích dọc sông Tô, sông Nhuệ như khu vực Mọc, Quan Nhân, xa hơn là dọc tuyến Thanh Trì (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Sơn Bình), Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội). Riêng khu vực Phú Lương (huyện Thanh Oai) có 8 chuông được đúc vào thời Tây Sơn, huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 24 chuông ở 24 chùa được đúc, sửa lại do hư hỏng bởi chiến tranh. Phía đông Thăng Long ở một số vùng thuộc tỉnh Hải Hưng, có khá nhiều bia, chuông Tây Sơn ghi lại sự tàn phá của chiến tranh. Ví dụ bia “Hậu thần bi ký” ở đình xã La Đôi huyện Nam Sách (Hải Hưng) dựng năm Bảo Hưng 2 (1802) ghi công đức ông Đại học sĩ Phan Đôn Hoà có công giúp làng vượt qua tai hoạ chiến tranh... Xa hơn nữa là Lạng Sơn - địa đầu Tổ Quốc, có bia chùa Diên Khánh dựng năm Cảnh Thịnh 4 (1796) ghi “Thành ngoại giai vi chiến trường, tự tiệm đồi hoại...” (ngoài thành đều là chiến trường, chùa dần dần đổ nát)(9).

Văn bản trên bia, chuông Tây Sơn còn phần nào phản ánh thái độ dân Bắc hà đối với nghĩa quân Tây Sơn. Trước chiến thắng Kỷ Dậu, những lần kéo quân ra Bắc hoặc đóng quân ở địa phương dân chúng lo sợ phiêu bạt để đất đai hoang hoá, có ý trách cứ, thậm chí còn gọi nghĩa quân Tây Sơn là “Tây khấu” (giặc Tây Sơn). Nhưng khi ra Bắc để giải phóng Thăng Long, đại phá quân Thanh thì nhân dân khắp nơi nao nức ủng hộ. Trần Văn Ngao người thôn xuân Dục xã Yên Thường huyện Đông Ngàn đã tòng quân theo Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789) và hy sinh năm Canh Tuất (1790). Ông được triều đình ban 50 quan tiền tuất và 5 sào ruộng để thờ cúng. Sau đó dân làng bầu làm Hậu Phật tôn thờ mãi mãi)(10).

Tư liệu đồng thời cho biết sau chiến thắng Kỷ Dậu, có cuộc di dân từ nam ra Bắc. Trong đó chủ yếu là các quan chức Tây Sơn quê ở Quảng Nam và các vùng phía Nam đưa vợ con gia đình ra công cán và ngụ cư ở ngoài Bắc. Chuông chùa Thịnh Quang ghi vị công đức Đô đốc Lễ Trần Văn Lễ cùng vợ và con trai quê xã Mông Văn huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam tham gia đúc chuông, sửa chùa. Nội chấn đô uý Ngữ Thành hầu quê xã Tiểu Bồ huyện Yên Khánh xứ Quảng Nam cùng vợ là Lê Thị Diễm cúng chiêng đồng, hổ đá, voi đá vào miếu xã Đức Mộ, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam Ninh(11). Hoặc Duy Lê hầu Lê Công Xuyên cùng gia đình tham gia sửa chùa Diên Khánh (thị xã Lạng Sơn)(12). Khâm sai Sơn Nam thượng xú, Đại đô đốc Hoà Đức hầu Lê Văn Hoà cùng vợ con quê phủ Tây Định xứ Quảng Nam, tham gia đúc chuông chùa Viên Phúc (Hà Sơn Bình)(13).

Tư liệu văn khắc phản ánh khá đa dạng xã hội thời Tây sơn sau chiến thắng ngoại xâm. Nhà nước rất quan tâm đến việc sản xuất, khôi phục hậu quả chiến tranh. Bia “Thạch Đậu bi ký” dựng năm Cảnh Thịnh 2 (1794) ở xã Đắc Sở, huyện Đan Phượng (Hà Nội) ghi “Nhà nước chú trọng đến thủy lợi để phát triển nông nghiệp, đã cho các bề tôi giúp dân xây cống, khơi sông ...”(14). Bia “Hậu thần bi ký” xã Kê Sơn huyện Kinh Môn (Hải Hưng) ghi “Thiếu khanh Hoàng Điển giúp dân địa phương trở về làng cũ làm ăn, dân làng khá giả, bầu ông làm Hậu thần”(15). Bia “Cổ Trai Phan ấp bi” ở xã Cổ Trai huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) dựng năm Cảnh Thịnh 1 (1793) ghi “vị quản suất họ Tràn đứng ra chiêu tập dân lập lên ấp Phan, khai khẩn hoang hóa...”(16).

Khắp đất nước, nhân dân phấn chấn ngợi ca vương triều Tây Sơn. Cuộc sống thật sự thay da đổi thịt. Một loạt công trình công cộng được sửa sang, xây dựng. Cuộc sống sung túc, làng xóm có thêm luật lệ mới. Nhiều bia hương ước được dựng lên để nêu cao phong tục, gìn giữ nền nếp.

Tư liệu văn bản khắc trên bia đá, chuông đồng thời Tây Sơn còn phản ánh nhiều mặt về chủ trương phát triển văn hoá giáo dục của nhà nước Tây Sơn... Nhiều từ chỉ, văn chỉ mọc lên, dựng bia ca ngợi truyền thống văn học... Đặc biệt ở đó ghi lại chức danh của người phụ trách việc học của một xã là Xã giáo. Điều đó phản ánh chủ trương đưa việc học về tận làng xã của Nhà nước Tây Sơn.

Bia đá chuông đồng thời Tây sơn khá phong phú. Tuy xuất hiện trong một thời gian rất ngắn, song có những nét đã định hình mang phong cách thời đại. Đây là nguồn tư liệu quý cần được chỉnh lý, giới thiệu rộng rãi.

CHÚ THÍCH

(1) Bia: thống kê theo đơn vị hành chính trước năm 1945.

(2) Chuông: thống kê theo đơn vị hành chính hiện nay.

(3) Xem bản rập bia số 8425 và 8429 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là hiện tượng ghi niên đại không theo niên hiệu vua đương thời và chính thống. Hiện tượng này còn gặp ở một số bia Mạc ghi niên hiệu vua Lê và một số bia Nguyễn ghi niên hiệu vua Tây Sơn. Nguyên nhân là do người dựng bia không chấp nhận triều đại đó nên ghi theo niên hiệu của triều đại nào mà họ tôn sùng, mặc dù niên hiệu đó không còn hoặc không phải là niên hiệu của triều đại chính thống. Xem thêm: Đinh Khắc Thuân: Một số vấn đề về hiện đại bia VN, Tạp chí Hán Nôm số 2-87.

(4) Trong 338 bia Tây Sơn thì 118 bia có trán bia được trang trí.

(5) Xem bản rập bia số 9623.

(6) Một số chuông thời Lê niên hiệu Chính Hoà như chuông chùa Hồng Châu, xã Phú Châu huyện Ba Vì (Hà Nội) đúc nổi bốn hình rồng trên bốn ô này.

(7) Xem Nguyễn Đình Chiểu: Chuông Tây Sơn, Tạp chí khảo cổ học, số 4, 1981.

(8) Chuông chùa Hồng châu xã Phú Châu huyện Ba Vì (Hà Nội) đúc vào niên hiệu Chính Hoà có tên chuông là: Hồng Châu, quán lưỡng tự, sơn hương chung.

(9) Bia Diên khánh tự bi ký số bản rập 16170-71.

(10) Bia Hậu phật bi ký, số 2740.

(11) Bia Hậu thần bi ký xã Đức Mộ, huyện Kim Bảng (Hà Nam Ninh).

(12) Bia Diên khánh tự bi.

(13) Viên phúc tự chung, xã Bài Lâm huyện Hoài Anh phủ Ứng Thiên (nay thuộc huyện Hoài Đức tỉnh Hà Sơn Bình).

(14) Số bản rập 1694.

(15) (16) Số bản rập 4070 và 10115.