Chương 3: Phép phân thân

24 Tháng Năm 201710:18 SA(Xem: 4152)
Chương 3: Phép phân thân
  • Chương 3: Phép phân thân

Cha tôi đã chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi về một chuyến du lịch Bénarès, sau khi tôi đoan chắc với người là sẽ ra đi và trở về mà không gây bất cứ sự rắc rối, phiền toái nào. 

Cha tôi không ngăn cản lòng ham thích đi du lịch. Vì ông làm việc trong công ty đường sắt nên chúng tôi luôn có nhiều thuận lợi cho việc đi đó đi đây. Ngay từ thuở nhỏ, tôi cũng đã từng được tham gia nhiều chuyến hành hương xa xôi với vé tàu hạng nhất mà cha tôi có đươc một cách dễ dàng. Chúng tôi cũng thường có những chuyến đi du lịch các thành phố lớn, các danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, những chuyến đi ấy bao giờ cũng thuận tiện, dễ dàng, và bao giờ cũng có người lớn đi kèm. Nhưng lần này thì không!

Hôm sau, cha tôi gọi tôi đến và đưa cho tôi vé xe lửa đi Bénarès, một số tiền và hai bức thư. Người dặn dò tôi:

– Cha có một công việc cần trao đổi với người bạn là ông Kedar Nath ở Bénarès qua bức thư này. Cha đã mất địa chỉ của ông, nhưng con có thể chuyển thư cho ông ta qua trung gian một người khác là Đại đức Pranab. Vị tu sĩ này là bạn đồng môn với cha và có nhiều điều rất đáng cho con học hỏi. Đây là thư giới thiệu của cha, con hãy mang theo đến chỗ ông ấy. 

Và như thế là tôi khăn gói lên đường đi Bénarès, với nhiệt tình cháy bỏng của tuổi trẻ.

° ° °

T

ại Bénarès, tôi không khó khăn lắm trong việc tìm đến đại đức Pranab. Cửa vào đã mở sẵn có vẻ như đang đợi khách. Một người có thân hình vạm vỡ, chỉ vận duy nhất một tấm chăn ngang hông, để mình trần, đang ngồi kiết già trên một bậc thềm khá cao trong phòng khách. Vừa bước vào, tôi đã nhìn thấy ngay nụ cười an lạc nở trên khuôn mặt người, râu tóc đều cạo sạch. 

Đại đức tiếp đón tôi với vẻ vô cùng niềm nở. Người chào hỏi bằng một lời chúc phúc cho tôi:

– Sự an ổn đến cùng với con!

Tôi quỳ xuống và đáp lời ngài trong khi sờ nhẹ lên hai bàn chân, theo như phong tục của nơi đây:

– Bạch đại đức, ngài có phải là đại đức Pranab?

Ngài gật đầu và nhoẻn cười:

– Còn con là con trai của Bhabagati?

Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì tôi chưa giới thiệu về mình, cũng chưa đưa cho ngài lá thư của cha tôi. Tuy đã thấy rõ là không cần thiết nữa, nhưng tôi vẫn lấy trong túi ra hai bức thư và đưa cho ngài. Chưa xem thư, ngài đã nói nhỏ nhẹ:

– À vâng, tôi sẽ tìm ông Kedar để chuyển bức thư cho cha con.

Một lần nữa, vị tu sĩ này lại làm tôi kinh ngạc. Ông có vẻ như biết trước hết thảy mọi việc, hay ông có thể đọc được suy nghĩ trong đầu tôi?

Đại đức chậm rãi mở thư ra xem. Rồi ngài nói với tôi:

– Cha con là một người tốt. Tôi hiện đang nhận được hai phần lương hưu, mà một phần trong đó là nhờ sự giúp đỡ của cha con khi tôi còn làm việc dưới quyền ông ấy. Phần thứ hai là sự hộ trì của chư Phật. Chính nhờ đó mà tôi sống và thực hiện được những điều cần thiết trong đời sống này.

Tôi vẫn còn khá ngây thơ để có thể hiểu hết ý nghĩa lời nói này. Tôi hỏi lại đại đức:

– Bạch ngài, phần lương hưu của công ty đường sắt thì con có thể hiểu được. Còn phần hộ trì của chư Phật, ý ngài muốn nói là thế nào? Phải chăng ngài có thể kiếm được ít nhiều tiền bạc nhờ vào đó?

Vị đại đức bật cười trước câu hỏi ngớ ngẩn của tôi:

– Không, tôi muốn nói đến sự an lạc mà tôi có được sau nhiều năm thiền định. Tiền bạc đối với tôi bây giờ chẳng để làm gì nữa cả. Chỉ với những gì hiện có, tôi đã dư sức thỏa mãn những nhu cầu ít ỏi của mình. Sau này rồi con sẽ hiểu ý nghĩa những điều tôi nói hôm nay.

Khi ấy, đại đức bắt đầu ngưng cuộc chuyện trò, sửa lại tư thế ngồi thật ngay ngắn, thẳng lưng, mắt nhìn về phía trước. Ban đầu, đôi mắt ngài sáng ngời như tỏa ra hai luồng điện sáng, rồi sau đó dần dần trở nên mơ màng như rơi vào một cõi hư không yên tịnh khác. Tôi biết ngài đang nhập định, nên cố ngồi yên. Nhưng lòng tôi thấy phân vân bất ổn. Tôi vẫn chưa kịp nói hết những điều muốn nói với ngài, và cụ thể hơn là ngài vẫn chưa cho tôi biết khi nào sẽ chuyển thư của cha tôi cho ông Kedar, hoặc tôi có phải tự tìm đến ông này hay chăng? Tôi muốn đảm bảo là phải hoàn thành tốt đẹp lời dặn dò của cha tôi trước khi trở về. Nhưng ngài đã không nói chuyện với tôi nữa mà lặng lẽ nhập định rồi.

Để giảm bớt sự bồn chồn trong lòng, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng, nhưng căn phòng trống trơn chẳng có bày biện vật gì khác cả. Cuối cùng mắt tôi dừng lại ở một đôi guốc gỗ đơn sơ bên dưới chân thềm.

– Con không cần phải lo lắng. Ông Kedar sẽ đến đây trong khoảng nửa giờ nữa thôi.

Đại đức ra khỏi cơn thiền định, ngài nhìn tôi và nói như thể đang đọc thấu suy nghĩ của tôi lúc đó. Nhưng lần này tôi cho là cũng dễ đoán được không khó khăn gì lắm. Vẻ bồn chồn của tôi hẳn đã lộ rõ ra nét mặt.

Nhưng rồi người lại ngồi yên. Nửa giờ trôi qua. Người mở mắt nhìn tôi và nói:

– Có lẽ ông Kedar Nath đã đến trước cửa.

Tôi lắng tai nghe và quả thật có tiếng chân người đang bước lên cầu thang. Đầu óc tôi bấn loạn vì những sự ngạc nhiên dồn dập xảy đến. Làm sao ông Kedar biết mà đến đây để gặp tôi? Vị đại đức này không gặp ai khác từ lúc tôi đến đây. Bản thân ông cũng không hề rời khỏi căn phòng này. Cuối cùng tôi kết luận, ông đã tình cờ có một cuộc hẹn trước với ông Kedar Nath vào giờ này. Nhưng chuyện tình cờ này cũng thật rất khó tin, vì thế tôi nôn nao bước ra khỏi phòng và đi xuống cầu thang. 

Tôi gặp một người đàn ông vóc dáng trung bình, thân hình gầy ốm, nước da hơi nhợt nhạt, đang vội vã bước lên cầu thang. Tôi buột miệng hỏi ngay:

– Thưa ông, có phải ông là ông Kedar Nath?

Người đàn ông cười thân thiện và đáp lời tôi:

– Phải, thế chắc có lẽ em là con trai của Bhagabati đã đợi tôi ở đây từ sáng?

Tôi kinh ngạc. Suy luận của tôi về một cuộc hẹn tình cờ đã hoàn toàn sụp đổ. Tôi đáp:

– Vâng, thưa ông. Nhưng ông làm sao biết được mà đến đây gặp cháu?

– À, tôi được đại đức Pranab báo cho biết và gọi tôi đến đây. 

Không nhìn thấy khuôn mặt ngạc nhiên đến sửng sờ của tôi, ông tiếp tục nói huyên thuyên vì có lẽ ông cũng đang suy nghĩ rất nhiều và muốn bộc lộ ra cùng người khác:

– Kể cũng thật là khó hiểu. Cách đây khoảng một giờ, đại đức đến tìm tôi khi tôi vừa tắm xong dưới sông Hằng. Tôi không hiểu sao ngài biết tôi đang ở bờ sông vào lúc đó. Đại đức bảo tôi: “Người con trai của Bhagabati đang đợi anh ở nhà tôi. Hãy theo tôi về nhà.” Tôi vui vẻ cùng đi với người. Nhưng mặc dù tôi mang giày bố loại để đi đường xa, còn đại đức thì mang guốc gỗ, tôi vẫn không thể nào theo kịp ngài. Thấy thế, ngài dừng lại và hỏi: “Từ đây đến nhà tôi, anh đi khoảng bao lâu?” Tôi đáp: “Khoảng nửa giờ.” Ngài bảo tôi: “Tôi có chút việc phải làm nên tạm biệt anh ở đây. Tôi sẽ gặp lại anh ở nhà cùng với con trai của Bhagabati.” Và ngài rảo bước đi ngay trước khi tôi kịp mở miệng đáp lời. Tôi thấy ngài mất dạng trong đám đông rồi nên hối hả đến đây ngay. 

Những lời của ông Kedar Nath càng làm tôi rối trí, hoang mang hơn nữa. Tôi vặn hỏi lại ông:

– Ông có chắc là đã gặp đại đức đấy chứ? Hay có khi ông chỉ nhìn thấy linh ảnh của ngài hiện ra đó thôi?

Ông Kedar Nath bỗng trở nên bực dọc, gắt gỏng:

– Sao em lại hỏi thế? Tôi không hề biết nói dối bao giờ. Vả lại, nếu không gặp đại đức, làm sao tôi biết em đang đợi tôi ở đây?

Tôi đáp lời ngay để giải tỏa sự bực tức của ông:

– Cháu nói thế là vì đại đức Pranab không hề rời khỏi căn phòng này từ khi cháu bước chân đến đây, dù chỉ là trong chốc lát.

Ông Kedar Nath sửng người một lúc lâu rồi nói:

– Thế thì tôi đang nằm mơ chăng? Tôi không sao tưởng tượng được một việc như thế lại có thể xảy ra ngay trước mắt mình. Rõ ràng là đại đức Pranab có khả năng phân thân để xuất hiện ở hai nơi trong cùng một lúc!

Tôi nhớ lại câu chuyện đã được nghe về thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès, khi ngài xuất hiện trên cánh đồng để gặp cha tôi ở cách xa Bénarès. Phải chăng khi ấy ngài cũng không hề rời khỏi Bénarès mà chỉ phân thân xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc?

Chúng tôi bước vào phòng khách. Ông Kedar bấm nhẹ vào tay tôi và nói nhỏ:

– Này em, chính ngài đã mang đôi guốc gỗ đang nằm dưới thềm kia khi đến gặp tôi tại bờ sông.

Đại đức Pranab dường như hiểu thấu tâm trạng ngạc nhiên của chúng tôi. Ngài quay về phía tôi, nhoẻn cười và nói trong khi ông Kedar cúi xuống để chào ngài:

– Sao con ngạc nhiên đến thế? Tính chất đồng thể của thế giới hiện tượng không có gì là kỳ lạ đối với các bậc chân tu chứng ngộ. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể nhìn thấy và trò chuyện với các đệ tử của tôi ở Calcutta, và họ cũng đạt được khả năng vượt qua sự ngăn cách về không gian dễ dàng theo như ý muốn.

Trong buổi trò chuyện hôm ấy, đại đức Pranab còn tiếp tục cho tôi biết thêm rất nhiều về những năng lực kỳ bí, huyền diệu mà một vị chân sư có thể đạt được. Tuy nhiên, thay vì cảm thấy hứng khởi, tôi lại có một cảm giác phân vân, lo lắng. Về sau, tôi mới hiểu là do nhân duyên từ trước, tôi sẽ đến học đạo với thầy Śrỵ Yukteswar như một vị thầy duy nhất, mà vào lúc ấy tôi vẫn còn chưa hề có dịp gặp gỡ. Vì thế mà có một sự ngăn cách lạ lùng khiến cho tôi không hề có ý muốn nhận đại đức Pranab làm thầy, cho dù tôi rất kính phục ngài.

Đại đức Pranab lại quay sang nói về vị tôn sư của ngài, cũng là đức tôn sư của cha mẹ tôi mà tôi đã có dịp đề cập đến khá nhiều qua bức di ảnh của ngài, đức thầy Lahiri Mahsaya:

– Đức Lahiri Mahsaya là vị tôn sư cao cả nhất mà tôi đã từng được biết. Ngài chính là hiện thân của giải thoát và giác ngộ để mang đến phước lành cho tất cả chúng sanh. 

Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về điều đó. Ngoài những điều đã được biết về tôn sư, tôi còn nghĩ rằng, nếu một người đệ tử đã có đủ khả năng để phân thân xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc, thì tất nhiên không có một điều kỳ diệu nào mà bậc tôn sư ấy lại không thể làm được. Đại đức Pranab tiếp tục nói về thầy Lahiri Mahsaya:

– Này con, tôi muốn cho con ý thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng và quý giá của việc có được một bậc chân sư dẫn dắt là như thế nào. Nếu không có thầy Lahiri Mahsaya, chắc chắn tôi không thể có được kết quả an ổn giải thoát như hôm nay. Tôi còn nhớ, khi tôi đã đến xin học với ngài, mỗi đêm tôi đều thực hành ngồi thiền cùng với một bạn đồng tu khác. Nhưng để kiếm sống, tôi vẫn phải làm việc hằng ngày ở công ty đường sắt, lúc đó dưới quyền cha con. Nhiệt tâm cầu đạo đã làm cho tôi phải vô cùng khổ sở khi phải mất thì giờ vào công việc trong khi tôi chỉ muốn dành trọn cho công phu thiền định. Tôi chịu đựng sự dằn vặt ấy trong suốt 8 năm trời. Mỗi đêm, tôi dành khoảng vài giờ cho việc ngồi thiền. Tôi đạt được những trình độ chứng nghiệm nhất định về tâm linh, và điều đó là phần thưởng vô giá dành cho những nỗ lực của tôi. Nhưng tôi vẫn còn cảm thấy một sự ngăn cách mong manh, như một màn sương mỏng che phủ khiến cho tôi không đạt đến sự chứng ngộ giải thoát. Khi ấy, tôi tìm đến tôn sư và thành khẩn cầu nguyện với ngài: “Bạch thầy, cuộc đời giờ đây là một gánh nặng đối với con nếu như con không đạt đến sự chứng ngộ, bởi vì con không tìm thấy ý nghĩa sống ở bất cứ một khía cạnh nào khác. Nhưng con vẫn không thể đạt đến sự chứng ngộ với công phu của mình. Xin thầy hãy giúp con.” Tôn sư đáp lại rằng: “Con hãy cố gắng hơn nữa. Đó là những gì mà ta có thể khuyên con trong lúc này.” Nhưng tôi đã không còn đủ niềm tin vào chính mình sau bao nhiêu nỗ lực thất bại, vì thế tôi quỳ xuống và khẩn cầu ngài tha thiết hơn nữa. Bấy giờ tôn sư đưa tay xoa đầu tôi và nói: “Được rồi, giờ thì con hãy trở về và cố gắng tham thiền đi. Ta đã cầu nguyện chư Phật gia hộ cho con rồi.” Với cử chỉ và lời nói của tôn sư, tôi bỗng thấy hết sức yên tâm và tin cậy. Và ngay trong đêm đó, tôi đạt đến mức độ chứng ngộ đầu tiên, không còn cảm thấy bất cứ một sự trói buộc nào trong cuộc sống nữa. Kể từ đó, tôi thực hiện tất cả mọi công việc hằng ngày trong một niềm an lạc vô biên, không còn có những dằn vặt nội tâm như trước nữa.

Đại đức Pranab dừng lại một lát. Tôi cảm nhận được một vầng ánh sáng dịu dàng mà rực rỡ tỏa ra trên khuôn mặt bình thản của ngài. Ngài nói tiếp:

– Hai tháng sau đó, tôi trở lại thăm tôn sư và nói: “Bạch thầy, con không muốn tiếp tục việc làm ở thế tục nữa. Con muốn được sống trọn vẹn với đạo vị vừa tìm được.” Tôn sư đáp: “Được rồi, vậy con hãy xin nghỉ việc và nhận lương hưu.” “Nhưng con vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu, và con cần phải có một lý do.” “Con có thể nêu bất cứ lý do nào con muốn.” Rồi tôn sư lặng lẽ nhập định. 

Gương mặt đại đức Pranab có vẻ trầm tư như đang nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Một lát sau, ông nói tiếp, giọng trầm hẳn lại:

– Ngay hôm sau, tôi đưa đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Vị bác sĩ của công ty đến hỏi tôi: “Vì sao ông xin nghỉ việc?” Tôi đáp: “Trong khi làm việc, tôi thấy có cảm giác khó chịu, tôi không thể tập trung tư tưởng vào công việc được.” Thật là một lý do mơ hồ! Tự tôi cũng biết thế. Nhưng ông ta không hỏi gì thêm, lặng lẽ thu xếp đủ mọi giấy tờ để tôi được nghỉ hưu sớm với lý do “kém sức khỏe” và được nhận lương hưu từ công ty hỏa xa. Tôi biết là việc này không thường xảy ra. Nhưng tất cả mọi sự dễ dàng đã đến với tôi chắc chắn là qua sự giúp đỡ của tôn sư Lahiri Mahsaya ở Bénarès. Từ đó, tôi dành trọn thời gian của mình cho việc tu tập.

Sau buổi nói chuyện khá lâu ấy, đại đức Pranab lại ngồi ngay ngắn và sắp sửa nhập thiền. Tôi kính cẩn đặt nhẹ hai tay lên bàn chân ngài để từ biệt. Ngài nhìn tôi và nói:

– Cuộc đời của con rồi cũng sẽ dành trọn cho việc tu tập thiền định và truyền bá pháp môn này. Tôi sẽ gặp lại con và cha con sau này.

Lời dự báo ấy quả nhiên về sau thành sự thật. Khi tôi thành lập một trường học ở Ranchi, ông đã là một trong những người đầu tiên đến thăm viếng và động viên tôi. Nhân dịp ấy, ông đã gặp lại cả cha tôi và tôi trong một hoàn cảnh mà ông đã nhìn thấy trước từ lúc này.

Khi ra khỏi nhà, trời đã sẫm tối. Ông Kedar Nath đi cạnh tôi và nói:

– Tôi đã xem thư của cha em. Ông ấy mời tôi nhận một công việc với công ty đường sắt tại Calcutta. Điều đó thật tốt đẹp, nhưng tôi không thể rời Bénarès này, và cũng không thể phân thân để làm việc ở hai nơi cùng một lúc.

Cả hai chúng tôi cùng cười xòa qua lời nói đùa ấy của ông.