Cảm động câu chuyện bà cụ nhặt rác cưu mang 30 đứa trẻ bị bỏ rơi

13 Tháng Giêng 20187:10 CH(Xem: 4085)
Cảm động câu chuyện bà cụ nhặt rác cưu mang 30 đứa trẻ bị bỏ rơi

Cảm động câu chuyện bà cụ nhặt rác cưu mang 30 đứa trẻ bị bỏ rơi

Cảm động câu chuyện bà cụ nhặt rác cưu mang 30 đứa trẻ bị bỏ rơi

“Sinh mệnh là điều trân quý… Rác chúng tôi còn nhặt huống hồ là người… Những đứa trẻ chúng đều cần sự yêu thương và chăm sóc”. Câu nói của bà cụ nhặt rác 88 tuổi cưu mang 30 đứa trẻ bỏ rơi khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Quà tặng cuộc sống sưu tầm những câu chuyện cuộc sống hay và ý nghĩa, giúp chúng ta nhìn nhận ra được những điều tốt đẹp, những góc khuất của cuộc sống. Dưới đây là câu chuyện cảm động và đáng ngưỡng mộ của bà cụ nhặt rác dành cả cuộc đời để cưu mang những đứa trẻ bị chính cha mẹ của mình ruồng rẫy, bỏ rơi.

Đó là bà Lầu Tiểu Anh, sống ở Kim hoa, miền đông tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Bà làm nghề nhặt rác, suốt ngày lang thang ngoài đường dường như gần cả đời người, và cũng nhờ vậy, bà đã mang đến điều kì diệu cho hơn 30 sinh mạng nhỏ nhoi bị bỏ rơi bên đường.

Bà kể lại, 45 năm trước, trong một lần tình cờ, bà tìm thấy một bé gái sơ sinh bị vứt trong đống rác. Một sinh linh yếu ớt đang khóc lóc, sợ hãi, lạnh lẽo như vậy, làm sao bà có thể làm ngơ. Nếu bà không cứu giúp, có lẽ, bé gái đó không thể sống sót nổi. Đó là đứa trẻ đầu tiên bà Tiểu Anh nhặt về.

Bà và chồng dù rất chật vật trong cuộc sống nhưng cũng cố để mà chăm sóc, nuôi dưỡng đứa bé thật khỏe mạnh. “Nhìn con bé lớn dần và trưởng thành, chúng tôi rất hạnh phúc và từ đó tôi cũng nhận ra rằng mình có một tình thương yêu thực sự đối với trẻ con” - bà nói thật từ tốn - “Rác chúng tôi còn nhặt, huống hồ là người? Sinh mệnh vô cùng trân quí, những đứa trẻ chúng đều cần sự yêu thương và chăm sóc”.

Những năm sau đó, trên con đường nhặt rác mưu sinh, bà Tiểu Anh và chồng lại tiếp tục nhặt về những đứa trẻ bị bỏ rơi khác. Có đứa khi bà tìm thấy thì đã đang hấp hối và tím tái hết cả rồi. Bà vẫn quyết tâm mang về chăm sóc, cứu chữa, hi vọng dù mong manh nhưng bà vẫn không thể nhắm mắt làm ngơ được.

“Những đứa trẻ rất nhỏ, rất đáng yêu, tôi không hiểu tại sao lại có người nhẫn tâm ruồng bỏ chúng.”

Những đứa trẻ bà nhặt về, có người không thể sống qua vài tháng, có người may mắn sống sót thì đều lớn lên rất khỏe mạnh. Nhà không đủ điều kiện, vợ chồng bà chỉ nuôi được 4 người. Còn lại bà gửi cho bà con, bạn bè, những người quen biết, cố gắng tìm cho họ gia đình thật tốt với mong muốn họ có được cuộc sống hạnh phúc và những gì họ xứng đáng có được trong cuộc đời.

Đến khi chồng qua đời, một mình bà lại gồng gánh mọi lo toan, đã dùng hết tâm huyết cuộc đời để giúp đỡ cho những số phận đáng thương bị ruồng bỏ. Đến năm 88 tuổi, bà đã nhặt về đến hơn 30 đứa trẻ. Đứa bé nhất được bà nhặt trong một chiếc thùng rác, lúc đó bà đã hơn 80 tuổi.

 “Tôi biết rằng tuổi cao, sức yếu không thể nuôi dưỡng nó thật tốt, nhưng thằng bé trông thật đáng yêu và cần sự giúp đỡ nên tôi đưa nó về nuôi. Những đứa con lớn khác của tôi đều giúp đỡ chăm sóc cho thằng bé…” - bà nói.

Năm 2012, bà Tiểu Anh bị suy thận phải nhập viện và lọc máu mỗi ngày, câu chuyện cuộc đời bà bắt đầu được lan truyền rộng rãi, mọi người quan tâm nhiều hơn, đồng thời cũng có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ để bà được điều trị tốt hơn.

Biết rằng mình không thể sống được bao lâu nữa, bà Tiểu Anh chẳng có mong muốn gì hơn là thấy những đứa con của mình có một cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh. Nhất là cậu con út, bà luôn hi vọng được nhìn cậu bé bước chân đến trường, học hành tử tế. Giờ đây người con gái lớn của bà lại tiếp tục nghĩa cử vĩ đại của mẹ mình, chăm sóc và thương yêu những đứa bé mà bà đã mang về.

Những người con của bà dù có sống nghèo, nhưng chúng rất quí trọng và yêu thương lẫn nhau, chung sống bình dị mà vui vẻ. Bởi vì chúng có một người mẹ vĩ đại, một người đã cho chúng hiểu được tình yêu thương là điều quí báu nhất, hơn bất kể thứ gì trên thế gian này.

"Bà đã trở thành biểu tượng đáng ngưỡng mộ, là anh hùng của người dân địa phương, tuy không có tiền bạc, cũng chẳng có quyền lực nhưng cô lại rất giàu tình yêu thương. Việc làm của bà là nỗi xấu hổ của những bậc cha mẹ đã bỏ rơi con mình. Bà ấy không có tiền bạc hay quyền lực nhưng vẫn cứu những đứa trẻ khỏi cái chết. Nhưng tiếc là có quá nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mà không có cơ hội được sống sót…" - một người ngưỡng mộ bà cho biết.