LỜI TÂM HUYẾT CỦA ĐẠO SƯ ĐẠI THỦ ẤN

15 Tháng Tư 20183:28 CH(Xem: 4074)
LỜI TÂM HUYẾT CỦA ĐẠO SƯ ĐẠI THỦ ẤN

By Đức Gendun Rinpoche

Những nền tảng căn bản:

Khi chúng ta có ước muốn theo đuổi con đường tâm linh, ta phải hiểu thấu vì sao lại chọn đi con đường này, động lực của ta là gì, con đường này sẽ  dẫn ta tới đâu, bằng cách nào ta có thể đi tới đích. Mục đích và đích đến của con đường Phật Pháp là giải thoát khỏi tất cả khổ đau và đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn – tâm hỷ lạc hoàn toàn không bị cạn kiệt hay tàn hoại bởi bất kỳ điều gì.

Sớm hay muộn gì thì chúng ta cũng phải đối mặt với cái chết- điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi ta thực hành lời dạy của đức Phật trong đời sống này, ta có thể đối mặt với cái chết mà không sợ hãi, lại còn đầy đủ niềm tự tin. Chúng ta sẽ biết một cách chắc chắn ta cần phải làm gì và phải tránh những gì vào giờ phút của cái chết, và thái độ gì ta cần có lúc này, nhờ vậy ta có thể sử dụng sự chết như một cơ hội để giải thoát bản thân hoàn toàn khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mục đích thực sự của sự thực tập hàng ngày là sự chuẩn bị cho cái chết của chính ta.Khi chúng ta có ước muốn theo đuổi con đường tâm linh, ta phải hiểu thấu vì sao lại chọn đi con đường này, động lực của ta là gì, con đường này sẽ  dẫn ta tới đâu, bằng cách nào ta có thể đi tới đích. Mục đích và đích đến của con đường Phật Pháp là giải thoát khỏi tất cả khổ đau và đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn – tâm hỷ lạc hoàn toàn không bị cạn kiệt hay tàn hoại bởi bất kỳ điều gì.

Động lực đúng đắn khi theo đuổi con đường tâm linh là điều đặc biệt quan trọng. Chúng ta không nên có mong muốn như là tu tập để đạt được điều gì đó cho bản thân hoặc để cải thiện điều kiện sống trong đời này. Động lực như thế đi ngược với giáo pháp và không mang lại điều gì có ích lâu dài. Tương tự như thế tu tập Pháp để có đời sống dễ chịu trong kiếp sau, ví dụ như là để sinh ra trong gia đình giàu có, được tôn kính hoặc sinh ra trong cõi trời hưởng thụ vô vàn thứ tốt đẹp, ý nguyện như vậy là khá ngắn ngủi. Những thứ tốt đẹp đó rồi cũng đến lúc cạn Kiệt.

Chúng ta nên nhìn nhận một cách rõ ràng là vào giờ phút của cái chết, ta phải bỏ lại đằng sau tất cả những quý giá mà mình đã tích luỹ trong đời này, tài sản cũng như bạn bè. Tất cả những thứ này ta không thể mang theo. Do đó, những thứ tốt đẹp của thế gian này, những điều kiện khả năng tốt chỉ có thể mang lại hạnh phúc tạm thời, nhưng chúng không thể thành mục tiêu lâu dài được.

Con đường của Đức Phật chỉ có một mục tiêu: để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu của sự giác ngộ hoàn toàn và để giúp tất cả chúng sinh cùng đạt được hạnh phúc đó.

Hầu hết quý vị ở phương tây sống trong sự sung túc lớn lao. Chúng ta có rất nhiều của cải vật chất và rất nhiều tự do. Sự giàu có chứng tỏ trong quá khứ chúng ta đã làm rất nhiều điều thiện. Nhưng mục tiêu của ta lúc đó chỉ là để hướng tới sự an lành ngắn hạn, tạm thời, chứ không phải để hướng tới sự giác ngộ. Do vậy, lúc này đây ta phải hướng những hành động thiện hạnh của mình tới sự tích luỹ công đức, một thứ lực có thể đẩy ta đi về phía sự giác ngộ hoàn toàn. Nếu không có sự tích luỹ về nguồn lực tâm linh này, chúng ta sẽ không đạt lợi ích gì lâu dài dù có nhiều nỗ lực. Trong thời điểm mà có nhiều sự thuận lợi và tự do như lúc này, chúng ta phải phát triển năng lực từ bi và tuệ giác. Như thế trong thời điểm khó khăn hơn, chúng ta có thể vượt qua được hết các trở ngại trên con đường của mình.

Chúng ta không những có được đời sống nhiều thuận lợi, lại còn có thể tiếp cận được với Phật Pháp, đó không phải là kết quả của những gì ta đã đã làm trong đời sống hiện tại mà phần nhiều là do những hành động thiện lành trong đời trước. Nghĩa là ta đã có nỗ lực tích luỹ công đức để giải thoát bản thân khỏi những thói quen bất thiện hạnh. Chúng ta đã phát triển chút ít tuệ giác và đã không ngừng ước nguyện được tiếp tục con đường theo lời dạy của đức Phật.

Bằng những thiện hạnh trong quá khứ, chúng ta không những có được sự giàu có hiện tại mà còn có thể tiếp cận với con đường giải thoát. Chúng ta nên sử dụng cơ hội này từ giờ trở đi để đem toàn bộ đời sống của mình hướng tới sự thực hành Phật Pháp, và nhanh chóng đạt được giác ngộ. Ta nên sử dụng hết năng lực có thể để thấu hiểu sâu sắc Phật Pháp mỗi ngày.

Rất nhiều người nghĩ cuộc đời này không có mấy giá trị, thân người này không có gì là đặc biệt, nhưng đây chỉ là những ấn tượng sai lầm. Thân người này không đến một cách tự nhiên. Thật ra, trong tất cả các đời sống trên thế gian, đời sống của con người là khó đạt được nhất. Thêm vào đó, không có nhiều quốc gia trên thế giới nơi mà Phật Pháp đang được thuyết giảng, ở những nơi Phật Pháp được thuyết giảng, cũng chỉ có số ít người quan tâm tới. Trong số những người quan tâm, có  rất ít người muốn thực hành. Lại còn hiếm hơn nữa những người thực sự thực hành theo đúng như lời Phật Pháp chỉ dạy. Thực tế thì, số người thực hành Phật pháp một cách dốt dáo và đúng đắn thì như là ngôi sao giữa ban ngày.

Ở đời này, chúng ta đã đạt được một cơ hội hiếm có và quý báu. Chúng ta đã gặp Pháp, đã tìm thấy những người bạn tâm linh, lại có thời gian để thực hành Pháp. Chúng ta có thể học hỏi, áp dụng và chia sẻ những kinh nghiệm với người khác và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta có tự do để làm những gì mình muốn, điều kiện đặc biệt và quý báu này là do những thiện hạnh của mình và do tâm từ bi của Tam Bảo, điều kiện ấy lại có thể biến mất bất cứ lúc nào vì nó bị phụ thuộc vào bao nhiêu nhân duyên mà những duyên này có thể thay đổi rất nhanh chóng.

Khi nhìn thấy những điều kiện quý báu này, trong tâm mình nảy sinh một sự hối thúc, cùng với niềm hoan hỷ , ta nói với bản thân: ” trong đời này còn có điều gì quan trọng hơn là có sự chứng ngộ sâu sắc về Phật Pháp để chia sẻ với tất cả chúng sinh”. Bằng niềm khát ngưỡng và hoan hỷ này chúng ta nguyện sẽ sử dụng thân người quý báu để thưc hành Pháp không mệt mỏi.

Có rất nhiều người trong chúng ta đã gặp được Pháp của đức Phật, và có niềm tin vào lời dạy của ngài. Mặc dù vậy chúng ta vẫn không có thời gian để thực hành. Nguyên nhân là vì ta vẫn còn nhiều sự vướng mắc với những giá trị vật chất ở thế gian, do những hiểu biết sai về cái gì là quan trọng ở đời người. Chúng ra dễ dàng bị đánh lừa bởi vẻ cuốn hút của những thứ xung quanh  mình, rất nhiều hình ảnh, màu sắc mà mình không muốn từ bỏ chúng. Có lúc, chúng ta còn nghĩ rằng cuộc sống trong luân hồi cũng rất dễ chịu. Trên hết cả, là chúng ta cống hiến bản thân cho sự tích lũy vật chất, và những nỗ lực lao động của mình chỉ hoàn toàn vì pháp thế gian.

Ngay cả khi chúng ta đã được nghe giảng Pháp nhiều lần, bởi vì Tâm ưu tiên những giá trị vật chất nên ta không tìm thấy thời gian hay điều kiện để hết lòng thực hành, cuối cùng chúng ta lại có thể hoàn toàn rời bỏ Pháp. Thay vì học theo những lời dạy của các bậc thầy giác ngộ, chúng ta bị thu hút bởi những nhân vật giàu có thành công trên thế giới. Ta dành nhiều thời gian và năng lượng đề bắt chước họ và tìm cách để có được tài sản, sự ảnh hưởng và nổi tiếng như họ. Những ham muốn trên trở thành nguyên nhân của sự khổ sở lớn, vì lúc này tâm mình luôn bị dày vò bởi lòng tham, (nguyên nhân chính của nhiều phiền khổ)

Khi mà ta không ý thức được về vô thường, ý thức về sự sinh rồi diệt, ta luôn bị trói buộc trong sự ham muốn của thế gian, của luân hồi. Chúng ta chạy đuổi theo những vật chất bất tận mà không nhận ra bản chất thay đổi và không chân thật của chúng. Mọi thứ luôn thay đổi trong mỗi giây mỗi phút, ngay cả Khi ta đạt được những gì ta mong ước, ta cũng không thể giữ chúng được bền lâu. Do không hiểu bản chất thay đổi của vạn vật, ta trở nên vô cùng thất vọng và lại nỗ lực đến khổ sở để giữ gìn và bảo vệ những thứ luôn thay đổi.

Ở cuộc sống này, con người rất giống trẻ con bị cuốn hút bởi cầu vồng và nỗ lực để đuổi bắt chúng.

Đứa trẻ sẽ không bao giờ bắt nổi cầu vòng bởi vì bản chất của nó là không thể bị bắt. Chúng ta có nỗ lực thế nào cũng không thể nắm giữ được những thứ ở thế gian này, bởi vì bản chất của chúng là thay đổi và phù du. Chỉ bởi vì ước muốn của ta đi ngược lại với bản chất của vạn vật, ta nếm trải khổ đau bởi vì sự chênh khớp giữa cái ước muốn của mình và bản chất của thực tại.

Giấc mơ là một ví dụ cho sự lầm tưởng của ta về thực tại. Bởi vì ta nghĩ những gì trong giấc mơ là thật, ta phản ứng với chúng với đủ cung bậc của cảm xúc và bị cuốn đi. Giấc mơ tốt ta cảm thấy dễ chịu, gặp cơn ác mộng ta đau khổ sợ hãi. Cứ như vậy ta tạo nên thói quen là nắm giữ và xua đuổi. Chúng ta không nhận ra rằng giấc mơ của mình chỉ là các hoạt động phản chiếu của tinh thần, những thứ xảy ra trong đó là không thật, vì không biết điều này nên tâm có nhất nhiều căng thẳng và đem lại nhiều nỗi khổ sở.

Cũng như thế, chúng ta cũng bị mắc kẹt trong tình huống khi tỉnh dậy, bởi vì cho rằng những thứ quanh mình là thật và vĩnh cửu trong khi bản chất của nó là biến đổi và phù du. Ta nỗ lực để sở hữu, nắm giữ, dẫn đến sự thất vọng nảy sinh và ta lãng phí thời gian một cách vô ích.

Khi chúng ta ý thức được rằng mọi thứ đều luôn biến đổi và không có gì thực sự tồn tại tuyệt đối, sự bám chấp của ta vào vạn vật sẽ nhờ vậy mà dần tan dã, ta sẽ dần bớt khổ!

Lúc này ta sẽ hiểu rằng. Tất cả những nỗ lực của ta đều không mang lại hạnh phúc lâu dài, vì những thứ mình chiến đấu vì thì không có gì là vĩnh cửu. Nó trống rỗng như bầu trời vậy, ta ý thức được đặc tính phù du của đời sống này, nhờ vậy ta dần buông bỏ ý tưởng cho rằng mình có thể sở hữu một thứ gì đó mãi mãi và có thể bảo vệ chúng khỏi bị tàn hoại.

Các vị thầy ở truyền thống Kadmapa thường quán chiếu về vô thường mỗi ngày. Khi họ uống trà, họ nói với bản thân rằng: ” hôm nay thật may là mình có thể uống tách trà này, ai biết được rằng ngày mai mình sẽ có trà để uống” và mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, họ sẽ để cốc uống trà bên cạnh và úp chúng xuống, vì họ ý thức rằng cái chết có thể đến vào đêm đó. Khi họ tỉnh dậy vào sáng hôm sau, họ lại xoay tách trà lên và nói với bản thân:” thật là may mắn vì hôm nay mình vẫn còn sống, nhiều người đã rời bỏ thân họ tối qua, mình phải sử dụng cơ hội này để làm những điều có ích hôm nay. Bằng cách này họ tu tập về vô thường, bản chất biến đổi của vạn vật.

Thế giới ta đang sống trong đó, là sự phản chiếu của dòng chảy nơi nghiệp của mình, đó là kết quả của những hành động về thân, khẩu ý trong quá khứ. Khi mà ta không hiểu được điều này, ta sống trong ảo tưởng về tự do. Chúng ta nghĩ rằng ta có thể tạo dựng cuộc đời mình theo ý muốn, ta có thể bảo vệ những điều kiện hạnh phúc cho bản thân và tránh được những điều gây khổ sở. Tuy nhiên, đây lại là điều không thể, nếu mà ta không để ý đến luật nhân quả thì ta cứ mãi tự mình lừa mình thôi.

Những gì đang xảy ra ở hiện tại là kết quả của những hành động trước đó. Tất cả những niềm vui, thành đạt và hạnh phúc có nguyên nhân là những hành động thiện của thân, khẩu, ý mà ta đã thực hiện trong đời này hoặc đời trước. Cũng như thế, tất cả những khổ đau, khó khăn là kết quả của những hành động bất thiện hạnh ta đã gây.

Các dòng nghiệp lực tác động đến từ nhiều hướng, ta chỉ còn có một khoảng tự do nhỏ đề đưa ra quyết định. Chúng ta có thể sử dụng khoảng tự do nhỏ này để lựa chọn những hành động và lời nói, suy nghĩ ở hiện tại như thế nào để chuẩn bị cho một tương lai có nhiều tự do và hạnh phúc hơn. Dần dần ta có thể giải thoát bản thân khỏi những nghiệp lực cũ và chuẩn bị được mảnh đất mới cho sự hiểu biết sâu sắc về bản chất chân thật của vạn vật.

Những nhân của hạnh phúc và khổ đau nhiều, trộn lẫn và đa dạng như số lượng chúng sinh vậy. Bởi vì mỗi hành động của người nào thì sẽ sinh ra quả cho người đó mà mỗi người có những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau cho dù họ cùng sống trong một môi trường, hoàn cảnh. Mỗi người cảm nhận một thế giới của riêng họ. Chỉ có ta nếm trái quả của chính hành động và nhận thức của mình. Và cũng chỉ có ta mới có thể tác động đến những gì ta sẽ trải nghiệm trong tương lai.

Để biết những gì ta đã làm trong quá khứ, chỉ cần nhìn vào hiện tại. Để biết tương lai như thế nào, chỉ cần nhìn vào những gì ta đang làm.

Khi đã gieo nhân thì quả sẽ theo đó mà chín muồi. Ta không thể ngưng lại quá trình này. Do vậy, dù ta có nỗ lực thế nào cũng không thể thành tựu nếu muốn thay đổi hay kiểm soát những  trải nghiệm ở hiện tại bằng những hành động ở hiện tại. Mặc dù ta có thể mong ước đến tột cùng là sẽ thoát khỏi những vấn đề ở hiện tại, ta không thể thay đổi được tình trạng ở hiện tại theo ý muốn. Điều này cho thấy có một nguồn lực đang tác động đến mọi việc, nguồn lực ấy là kết quả của những hành động trước đó mà giờ thì ta không thể tránh được.

Do đó, thay vì kiệt sức vì cố gắng thay đổi tình hình khi mà nó không thể khác đi, ta nên quan tâm đến tương lai và tập trung năng lực vào một điều rất chân thực là, hành động ở hiện tại sẽ quyết định tương lai. Nếu mà ta làm những điều thiện lúc này, ta đã gieo những hạt giống của hạnh phúc và một ngày sẽ cho ra quả là những điều kiện thuận lợi và an lành. Nếu mà ta gây những điều bất thiện hoặc làm khổ người khác thì chắc chắn là ta sẽ rơi vào những hoàn cảnh khốn khổ sau này.

Khi đã gieo nhân, thì quả là hành phúc hay khổ đau sẽ tới, đây là điều không tránh khỏi.

Điều kiện của một tương lai tự do và hạnh phúc hơn là ta rút ra những bài học từ sai lầm trong quá khứ và tránh xa chúng trong tương lai. Ghi nhớ về điều này, ta phải tránh hành động tiêu cực trong mọi hoàn cảnh – ngay cả trong tình huống giữa sống và chết. Chúng ta không cần phải làm điều gì đó thật đặc biệt ví dụ như phải từ bỏ đời sống bình thường hay tu tập kiệt sức. Chỉ đơn giản là chúng ta làm chủ tâm của mình. Chúng ta thay đổi hành động của mình bằng cách thay đổi ý nguyện. Ý nguyện là mục đích của hành động. Đây chính là nơi chúng ta bắt đầu chú ý tới.

Khi mà thái độ ganh tỵ và tâm chỉ nghĩ đến bản thân mình được thay bằng thái độ vị tha và nhân ái…. Thì bình an, hạnh phúc và những điều tốt lành sẽ xuất hiện một cách tự động. Từ bỏ luân hồi nghĩa là từ bỏ nơi chốn khổ đau, thì không cần phải làm thêm nhiều thứ. Chỉ cần nhận ra nguyên nhân của khổ đau và từ bỏ chúng. Chúng ta phải tìm cách để không bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực vì đây chính là nguồn gốc của những hành động bất thiện và khổ sở.

Vấn đề không phải là ta thay đổi người khác hay thế giới, vấn đề là ta làm chủ được tâm mình. 

Khi mà ta phát triển được ý nguyện vị tha, cách hành xử của thân và lời nói sẽ tự động thay đổi theo, vì tất cả hành động đều có nguồn gốc là nơi tâm mình. Tâm như là vua, ra lệnh cho các thuộc hạ là thân và khẩu. Khi mà ta có ý nguyện lành thiện đó là vì lợi lạc cho người khác, tất cả hành động của ta sẽ phản chiếu ý nguyện trên. Khi mà ta càng thực hành theo cách này thì tâm của ta ngày càng rộng mở. Ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để làm những điều thiện, và con đường đến tỉnh thức sẽ ngày càng rộng lớn. Ý nguyện lành thiện cũng sẽ làm lắng lại các cảm xúc tiêu cực, bởi vì hạnh phúc của bản thân thì không còn là sự quan trọng hàng đầu với ta nữa.

Những khó khăn trong hiện tại của ta bây giờ chính là sự mơ hồ và những ràng buộc mê muội ở thế giới mà ta đang sống. Chúng ta không ý thức được những cái khổ ở thế giới điều kiện này, chúng ta đã thích nghi với điều kiện sống và có lúc lại cảm thấy mình đang sống tốt. Chúng ta đặt kì vọng và ham muốn vào những thứ ở bên ngoài ta, rồi dồn hết năng lượng của mình để biến những kì vọng thành hiện thực. Chúng ta quên mất một việc là nhận thức của mình, cách mình nhìn nhận thế giới khá là sai lạc. Khi mà ta không thể nhìn cuộc đời như bản chất thật của chúng, ta sẽ mãi là nô lệ của ham muốn và lại rơi vào đau khổ, thất vọng hết lần này đến lần khác khi mà kì vọng của ta không được đáp ứng. Tìm hiếm hạnh phúc dài lâu ở thế giới điều kiện khi mà bản chất của nó là luôn thay đổi và chứa đầy khổ đau, là điều không thể. Vấn đề là ta đã không rõ ràng nhìn ra điều này nên ta cứ theo đuổi những kì vọng, ước muốn và ta tiếp tục quay vòng trong luôn hồi.

Người thông thái sẽ đi tìm kiếm sự giác ngộ và trải qua khó khăn để nhận ra và nhìn thấu những thứ che đậy bản chất của cuộc sống. Đây là điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm

Ngài đã nhìn thấy rõ ràng vòng luân hồi có đặc tính là vô lượng khổ, và trong luân hồi không chứa thứ gì để có thể đạt tới hạnh phúc mãi mãi. Sự nhìn thấu này đã giúp ngài phá vỡ những mê lầm đang che mắt người thường, Ngài bắt đầu tìm kiếm con đường để kết thúc khổ đau và dẫn con người ra khỏi vòng luân hồi. Ngài đã tìm thấy lối thoát, thực hành con đường ấy và đạt tới giác ngộ hoàn toàn.

Ngược lại với Đức Phật, chúng ta, người phàm phu đã không nhận ra những thiếu xót của luân hồi và luôn kiếm tìm hạnh phúc thế gian, tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong đời sống thường nhật. Tất nhiên, tất cả mọi người đều mong muốn hạnh phúc, không có gì sai lạc cả. Nhưng chúng ta nên nhận ra hạnh phúc thế gian là không chân thật và chóng tàn, mang trong chính nó hạt giống của khổ, phần chính là bởi vì tâm lợi thân, và vì tâm sợ hãi và mong cầu. Đặc tính của luân hồi là thay đổi và khổ – ở nơi nào có tâm lợi thân và sự bám chấp vào những gì gọi là nhất thời, ngắn ngủi, ở đó sẽ có khổ. Để nhận ra điều này và để đi tìm kiếm một nơi đáng tin cậy để cậy trông là bước đi đầu tiên trên con đường giải thoát khỏi cõi ta bà, một sự phá vỡ khỏi ràng buộc vướng chấp.

Nếu chúng ta nỗ lực để chạy theo những hạnh phúc tạm thời, và cho phép chúng lừa dối ta về bản chất khổ của luân hồi, thì ta sẽ mãi mãi loanh quanh trong cõi ấy.

Tựu chung lại, chúng ta khá cứng đầu trong việc phủ nhận những điều chân thật được Đức Phật thuyết giảng. Tuy vậy, mặc dù khó chịu, những điều ấy là chân thật. Cho đến khi ta vẫn còn vướng níu vào những mối quan tâm thế gian, Để nhận ra tự tánh tâm và sự giải thoát là không thể. Chúng ta né tránh tuệ giác nhìn thẳng vào bản chất ảo mộng của những bận rộn thế gian: Chúng ta né không nhắc tới vô thường và cái chết, bỏ rơi hiện tại và sống trong hi vọng về một tương lai tốt hơn. Trong khi đó, mỗi ngày qua đi, đời sống ta ngắn lại. Mỗi một hơi thở vào ra, chúng ta tới gần hơn với cái chết.

Về mặt lý trí chúng ta có thể hiểu biết hết những điều trên, nhưng sự bận rộn của ta vào những chuyện thế gian cho thấy là ta đã không thực sự ý thức được vô thường của đời sống. Ta làm ngơ với thực tế là cái chết có thể đến bất ngờ bất cứ lúc nào, và ta cũng rất hoan hỷ khi nghĩ rằng ta vẫn còn đủ thời gian để làm việc này việc kia. Chúng ta liên tục tạo dựng niềm hi vọng vào ngày mai, ngày kia và mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta tin tưởng rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Nhưng ta đang lừa dối bản thân – Nếu ta không làm điều gì đó mang tính quyết định, tương lai của ta cũng sẽ không có mấy thay đổi.

Vào giây phút của cái chết ta phải bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ: của cải, danh lợi, tất cả những gì quan trọng với chúng ta, để có được những thứ ấy, ta đã bỏ bao công sức nặng nhọc. Khi ấy, chỉ có giáo pháp mới giúp ích. Ta sẽ cần sự bảo vệ ở một chốn nương tựa chắc chắn và sẽ cần rất nhiều năng lực tinh thần tích cực để trải qua giai đoạn chết một cách có thể chịu đựng nổi. Bởi vì lý do này, Thực hành pháp là cách duy nhất có ý nghĩa để làm trong đời sống này. Vào giây phút lâm chung, sự vô nghĩa của các bận rộn thế gian trở nên vô cùng rõ rệt. Điều duy nhất có thể giúp ta là lực đẩy của những điều lành thiện mà ta đã làm, những phước đức này có đủ mạnh để khiến ta có niềm tin thực sự và tìm kiếm sự quy y từ tận sâu trong tâm. Vào giờ phút lâm chung, sẽ là quá muộn để nỗ lực để thực hành tất cả các pháp trên.

Cho đến khi ta thực sự ý thức được vô thường, tâm của ta sẽ không ngừng bị xáo trộn bởi những ý nghĩ xoay quanh đời sống thường nhật – làm thế nào để được hạnh phúc, làm sao để tránh khổ – tất cả những suy nghĩ trên nảy sinh từ sự bám chấp của ta vào một đời sống không có vô thường. Chúng ta cẩn thận suy xét và nhận ra sự bám chấp vào thế giới này thật vô nghĩa. Chúng ta nên quán chiếu mọi bề về những ưu tiên của mình: “tại sao những điều này lại rất quan trọng với tôi? những ham muốn này đến từ đâu? tôi thực sự được lợi ích gì từ chúng, Nếu tôi đạt được những gì tôi muốn, chúng sẽ dẫn tôi đến đâu? Khi chúng ta phân tích mục đích của mình một cách thận trọng, chúng ta sẽ thấy rằng, theo đuổi những danh lợi, được mất của thế gian sẽ không mang lại thứ gì ngoài khổ sở.

Khi quán chiếu sâu sắc về nghiệp, vô thường và cái chết, chúng ta bắt đầu hiểu tình huống thực sự của mình, một cảm giác về sự cấp bách nảy sinh trong ta.

Sự sợ hãi khi biết ta sẽ giao mình cho thần chết mà không có sự chuẩn bị, có thể sẽ bị tái sinh ở một cõi nhiều khổ đau. Cùng với đó là tình thương tới tất cả chúng sinh, trở nên một động lực mạnh mẽ để thay đổi cuộc đời của mình và dẫn đến việc dấn thân vào những hành động thiện lành từ giờ trở đi. Ta hỏi bản thân, ta phải làm gì để có được những điều kiện để thực hành pháp trong tương lai giống như những điều kiện thuận lợi mà ta có trong hiện tại và làm thế nào để ta rửa sạch những nghiệp quá khứ để ta có thể đạt tới những tuệ giác sâu sắc. Chỉ nghĩ về giáo Pháp trong đầu, tâm của ta sẽ trở nên định tĩnh và sáng suốt.  Tâm sẽ không còn bị xáo trộn lên xuống bởi những được mất của thế gian, và việc hành thiền trở nên dễ dàng hơn.

Khi chúng ta thực hành những lời dạy của Đức Phật, chúng ta dần dần tìm thấy đường ra khỏi vòng khổ sở. Chúng ta đoạn diệt với những hành động bất thiện có thể là nhân dẫn đến khổ sở hơn. Ta học cách để chỉ dấn thân vào những hành động thiện, những thứ cuối cùng sẽ trổ thành quả là những điều kiện thuận lợi. Học giáo pháp ta không được chỉ gói gọn trong hiểu biết lý trí. Sự thực hành nghiêm túc là không thể thiếu. Để có sự tiến bộ, ta phải thực sự bắt đầu thực hành.

Các bậc đại hành giả trong quá khứ đã đạt tới giác ngộ nhanh chóng bởi vì họ đã hoàn toàn quay lưng lại với luân hồi. Thực hành pháp là điều quan trọng cốt lõi trong cuộc đời họ, và họ hoàn toàn bị thuyết phục bởi những sự vô nghĩa của đời sống trong luân hồi. Nhờ vậy, họ đã đạt tới Phật Tánh chỉ trong một kiếp sống. Họ không bao giờ thực hành với mục tiêu chỉ để đạt tới sự an tịnh hay trạng thái bình an của tâm và để cảm thấy tốt hơn trong cuộc đời. Họ đã quan tâm đến những thứ quan trọng hơn: hoàn toàn tự do khỏi vòng luân hồi. Sau khi đã quán chiếu sâu sắc về bản chất của mọi trải nghiệm trong thế giới điều kiện, họ đã hoàn toàn tin tưởng rằng, đời sống điều kiện được bao phủ  bởi khổ và không tránh khỏi sự khổ, do vậy họ đã giải thoát bản thân khỏi những nỗ lực hạnh phúc tạm thời, một lần cho tất cả. Những gì vượt thoát ở cuộc đời này thì quan trọng hơn là những gì trong cuộc đời này. Nhận ra bản chất cần điều kiện và vô thường của những hạnh phúc thế gian, họ đã đi đến quyết định không thối lui đó là chú tâm vào những gì vượt thoát tính thay đổi: tự tánh tuyệt đối của tâm, nguồn gốc của hạnh phúc thực sự.

Một ví dụ, khi họ nhìn thấy một miếng xương khô, họ sẽ quán chiếu như sau: “ Chiếc xương này đến từ một tấm thân vô thường, thân ấy được sinh ra trong cuộc đời nhờ vô minh và tham đắm. Bất kì ai còn vô minh sẽ nắm giữ thân ấy cho đến ngày hoại diệt, sinh ra trở lại và để rồi đến hoại diệt, theo cách ấy mà quay vòng sự khổ, hết lần này đến lần khác”.

Quán chiếu sâu sắc theo cách này, họ đã giải thoát bản thân khỏi vướng chấp và tham đắm, nhờ thiền tập họ đã đem đến sự thay đổi thật sự nơi họ. Họ đã không chỉ ngồi, nỗ lực để có bình an và đời sống vui vẻ, họ đã thực sự nhận ra họ bị trói buộc trong cạm bẫy của luân hồi, trong vô minh và bám chấp không ngừng, và họ đã phát tâm khát ngưỡng tìm cầu giác ngộ. Bởi vì họ đã hiểu bản chất của khổ, họ phát tâm buông xả, sự buông xả sâu sắc, và nhờ vậy đạt tới giải thoát khỏi luân hồi.

Chúng ta thì ít sâu sắc hơn, cách chúng ta đến với Pháp thường thể hiện một sự vô minh lớn. Chúng ta nhào tới giáo pháp cao nhất về tự tánh tâm, Đại Thủ Ấn, và chỉ để sau đó nhận ra ta nên thực hành các bước mở đầu trước. Chúng ta có gì đó giống với trẻ con, ta thích chơi với những đồ vật màu sắc ngay khi vừa nhìn thấy chúng.

Nếu chúng ta thực sự mong muốn ngộ ra Đại Thủ ấn, điều đầu tiên chúng ta phải ý thức được cơ hội hiếm có đang hiện ra với ta ngay lúc này: ta được sinh ra làm người, ta đã gặp được Pháp, ta đã sở hữu những điều kiện tiền đề để đạt tới giác ngộ. Ta không nên lãng phí cơ hội này và ngộ ra càng nán lại trong cõi luân hồi thì giời gian càng lãng phí.

Tất cả các cõi trong luân hồi đều có vô vàn các điều lỗi lầm và bao phủ bởi khổ. Ta nên thường nhớ tới vô thường và cái chết. Điều này sẽ khích lệ và phát khởi trong ta chút hiểu biết và sự thúc bách về việc tu tập nghiêm túc. Thêm vào đó, ta cần phải thấy rõ mối liên hệ trực tiếp, không thể tránh khỏi giữa hành động và quả của hành động, tập trung ý thức và dấn thân vào các hành động thiện lành và hữu ích. Nhờ những quán chiếu trên ta có được những hiểu biết căn bản là hành trang cho những bước tiếp theo trên con đường tỉnh thức. Nếu ta bỏ qua những bước này trên đường đi và chỉ quan tâm đến đích đến, ta sẽ không tránh khỏi việc trượt ra khỏi đường đi tới đỉnh cuối cùng.

Để chắc chắn có được sự vững chãi trên con đường tu của mình, quan trọng là ta phải bắt đầu với những nền tảng cơ bản và sau đó leo từng bước một, bước nọ nối bước kia.

Một số hành giả bám chấp quá nhiều vào hình tướng bên ngoài và tính phương tiện của Pháp mà không mấy chú tâm đến tính cốt lõi, cốt tuỷ của Pháp. Họ nhanh chóng lao vào những pháp tu khác nhau và không còn nhìn thấy thứ gì khác nữa. Trong sự háo hức của họ về những “gói pháp tu”, họ bỏ lỡ ý nghĩa thực sự của những pháp tu đó: như là điều quan trọng của việc Quy Y và quán chiếu về vô thường và nghiệp, tầm quan trọng của phát triển cái thấy đúng đắn, chánh kiến và  những ý nghĩa sâu xa trong mối liên hệ tới guru. Họ duy trì những thứ ở bên ngoài và tự hài lòng với những dự án tâm linh. Bằng cách chọn lấy những điều trong giáo pháp có sức thu hút với họ và những điều chứa đựng sự dễ chịu, họ lưu lại trong cạm bẫy của vòng luân hồi. Sự tu tập của họ sẽ không có kết quả bởi vì đã không đi được vào chiều sâu. Mọi thứ vẫn y nguyên như cũ từ bên trong, chỉ một số sự vướng mắc bên ngoài đổi đối tượng.

Do vậy chúng ta nên cẩn thẩn để không bị cuốn đi bởi sự cuốn hút cuả các phương tiện của pháp, thay vào đó chú tâm vào cốt tuỷ của pháp, phẩm tính thực sự của pháp. Chúng ta không được kẹt vào sự hiểu biết lý trí. Pháp nên được hoà quyện vào toàn bộ con người ta và dẫn ta đến sự thay đổi toàn diện từ thái độ bên trong và hình tướng bên ngoài. Sự áp đụng đúng đắn của các phương pháp tu tập, trong đời sống hàng ngày hay trong các thời thiền nghiêm mật, sẽ đến sau đó một cách tự nhiên.

Nguồn: Thư Viện Karma Kagyu

Từ cuốn: The Heart Advice of The Mahamundra Teacher