Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Quy y Phật

27 Tháng Năm 20163:44 CH(Xem: 3206)
Quy y Phật

Sơ lược tiểu sử Tỳ Kheo Bodhi:

Tỳ kheo Bodhi gốc người Hoa kỳ, sinh năm 1944 tại New York City. Sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ tại trường Đại học Claremont, Ngài đến nước Tích Lan (Sri Lanka) để xuất gia. Ngài thọ giới Sa di năm 1972 và đại giới Tỳ kheo năm 1973 với Ngài Balangoda Ananda Maitreya là một tu sĩ học giả nổi  tiếng. Ngài đã được học hỏi Phật Pháp và chữ Pali với Sư phụ. Tỳ kheo Bodhi là tác giả nhiều tác phẩm về Phật Pháp, kể cả công trình dịch thuật bốn bộ Kinh Pali lớn với phần chú giải. Năm 1993, Ngài đã cho xuất bản cuốn "A Comprehensive Manual of Abhidhamma" là một công trình nghiên cứu quí giá về Vi Diệu Pháp. Cuốn này được coi như là tương tự nhưng chi tiết hơn cuốn “A Manual of Abhidhamma”(4th edition, 1979) do ngài Narada Maha Thera dịch ra Anh ngữ cuốn “Abhidhammattha Sangaha” từ tiếng Pali . Tác phẩm này do Bhikkhu Bodhi hiệu đính bản dịch trên và U Rewata Dhamma giới thiệu và thích nghĩa, với các biểu đồ về Vi Diệu Pháp do Ngài U Silananda Sayadaw cung cấp. Từ năm 1984, Ngài Bodhi là Chủ biên của Buddhist Publication Society Newsletter và từ năm 1988 Ngài là Chủ Nhiệm của cơ sở xuất bản Phật Giáo nổi tiếng này.

Bài pháp luận ngắn này đã đăng trong Buddhist Publication Society Newsletter cover essay # 2 (Mùa thu 1985).

 

Bước đầu tiên đi vào đạo Phật là quy y Tam Bảo mà đầu tiên là quy y Phật, đấng Giác Ngộ. Bởi vì hành động quy y Phật đánh dấu sự khởi đầu một chương mới trong cuộc đời của chúng ta cho nên thỉnh thoảng chúng ta nên dừng lại và quán chiếu về ý nghĩa của bước quan trọng này. Chúng ta thường hay coi những bước đầu tiên là điều đương nhiên, tuy nhiên chúng ta khó có thể biết chắc chắn rằng những bước tiếp theo sẽ giúp chúng ta đến gần tới đích hay không nếu chúng ta không thỉnh thoảng xem xét lại những bước đầu tiên và hiểu cho sâu những ý nghĩa của sự quay về nương tựa .

Việc quy y Phật không phải là một hành động đơn độc, chỉ xảy ra một lần rồi kể như xong. Thực ra, hành động này phải là một tiến trình trưởng thành song song với sự tu tập và hiểu biết Phật Pháp. Quy y Phật (quay về nương tựa nơi Phật) không có nghĩa là ngay từ đầu chúng ta đã có thể thấy rõ được những nguy hiểm mà chính những nguy hiểm này làm cho sự quay về nương tựa được thấy là cần thiết hoặc để đạt được mục đích mong muốn. Hiểu biết những sự việc này tăng tiến dần dần theo thời gian. Tuy nhiên ở mức độ mà chúng ta đã thực sự quy y với sự thành tâm, chúng ta nên hết sức cố gắng thấu hiểu những đối tượng làm căn bản cho sự giải thoát của mình.

Để quy y Phật, điều thiết yếu nhất ngay từ lúc đầu tiên là phải có quan niệm  rõ ràng Đức Phật là gì và chúng ta nương tựa vào Ngài như thế nào? Nếu chúng ta không hiểu biết hai điều này một cách rõ ràng thì nhận thức của chúng ta về sự quy y rất dễ bị hoen ố vì những quan điểm sai lầm. Chúng ta có thể gán cho Đức Phật một địa vị mà Ngài chưa bao giờ tự nhận, ví dụ như là hóa thân của một vị trời, như là nguồn gốc tuyệt đối của mọi sự, như là một vị cứu rỗi. Một mặt khác, chúng ta có thể làm giảm bớt giá trị cao cả và đích thực của Ngài bằng cách xem Ngài chỉ như là một nhà thông thái nhân đức, như là một triết gia Á đông tinh tế hay là một thiên tài về kỹ thuật thiền quán.

Một quan điểm đúng đắn về bản chất của Đức Phật nên dựa vào tước hiệu Ngài đặt cho mình: như là bậc Toàn Giác tự mình giác ngộ (samma sambuddha). Ngài tự mình giác ngộ bởi vì Ngài tìm thấy được những sự thực thiết yếu của đời sống một cách hoàn toàn mà không có thầy chỉ dạy. Ngài giác ngộ hoàn toàn vì Ngài thông suốt những sự thực đó toàn bộ, gồm cả mọi phương diện và hậu quả. Và như là một vị Phật, Ngài không những thấu suốt những sư thực đó cho riêng mình, Ngài cũng đã giảng dạy những sự thực đó cho thế giới để kẻ khác có thể thức tỉnh, ra khỏi vô minh và đạt được quả giải thoát.         

Quy y Phật là theo chân một nhân vật lịch sử đặc biệt: đó là vị ẩn dật Gotama, thuộc giòng dõi thị tộc Sakya (Thích Ca); Ngài sống và giảng dạy ở thung lũng sông Hằng (Ganges) vào thế kỷ thứ V trước Tây lịch, Khi chúng ta quy y Phật, chúng ta nương tựa vào nhân vật lịch sử này và giáo pháp của Ngài. Thật là quan trọng phải nhấn mạnh điểm sau đây: có khái niệm thời thượng cho rằng quy y Phật có nghĩa là nương tựa vào “cái tâm Phật ở trong chúng ta” hay là nương tựa vào “cái nguyên tắc phổ thông về giác ngộ”. Những ý kiến như thế, nếu không xét kỹ, có thể dẫn đến sự tin tưởng rằng bất cứ cái gì do trí tưởng tượng của ta bày vẽ ra cũng thuộc về Phật Pháp. Ngược lại, truyền thống của Phật Giáo nhấn mạnh rằng khi chúng ta quy y Phật , chúng ta đặt mình dưới sự hướng dẫn của một vị khác hẳn với chúng ta, một vị ở mức độ cao cả mà ta chưa bắt đầu thấy được ở mức độ nào.

Tuy nhiên khi chúng ta dựa vào vị ẩn dật Gotama như là nơi nương tựa, chúng ta không chỉ coi Ngài như là một cá nhân khôn ngoan, một vị thông thái. Thực ra chúng ta phải hiểu Ngài như là một vị Phật, đó là Phật tính - những phẩm chất toàn hảo khi đã giác ngộ - có những phẩm chất này làm cho Ngài là vị đáng để nương tựa. Trong bất cứ kỷ nguyên nào, một vị Phật là vị chọc thủng màn vô minh đen tối bao trùm thế giới và khám phá lại con đường đến Niết Bàn, chấm dứt khổ đau. Ngài là người khai hoang, người đi tiên phong, khám phá ra con đường và công bố con đường để cho kẻ khác đi theo bước của Ngài để có thể dập tắt vô minh, đạt được trí tuệ và bẻ gãy gông cùm cột họ vào vòng luân hồi sinh tử.       

Để có một sự quy y Phật đích thực thì phải có sự tận tụy hết lòng với Đức Phật như một vị Thầy không ai bằng, một bậc Vô Thượng Sư. Nói cho thật đúng thì vị Phật trong lịch sử hiện đại không là vị Phật duy nhất, bởi vì đã có những vị Toàn Giác trước đây trong các kỷ nguyên ở quá khứ và cũng sẽ có các vị như thế trong các kỷ nguyên trong tương lai. Tuy nhiên trong bất cứ hệ thống thế giới nào, không thể có một vị Phật thứ hai trong khi mà giáo pháp của một vị Phật khác đang còn tồn tại. Như thế, trong lịch sử loài người, chúng ta vẫn đúng khi nói rằng Đức Phật là vị Thầy duy nhất và không ai bằng so với bất cứ vị thầy tâm linh nào mà nhân loại biết đến. Sự sẳn sàng chấp nhận Đức Phật là “vị thầy không ai bằng của trời và người cần được dạy dỗ” chính là dấu ấn của một hành động quy y Phật trung thực.

Đức Phật cho nương tựa bằng cách giảng dạy Phật Pháp. Sự nương tựa thực sự và tối hậu nằm trong Phật Pháp chính là Niết Bàn, “cái trạng thái không dính mắc, không phiền não ô nhiễm”. Phật Pháp, như là nơi nương tựa, gồm có mục đích cuối cùng, con đường dẫn đến mục đích đó và các vị giáo thọ hướng dẫn con đường tu tập. Đức Phật như là nơi nương tựa không có khả năng cho ta sự giải thoát theo ý muốn. Ngài công bố con đường phải đi và những nguyên tắc cần được hiểu biết để tu tập. Thực sự đi trên con đường giáo pháp là việc dành cho chúng ta, những đệ tử của Ngài.

Câu trả lời đúng đắn cho việc quy y Phật là lòng tin và sự tin cậy. Lòng tin tưởng rất cần thiết bởi vì học thuyết mà Đức Phật giảng dạy đi ngược lại sự hiểu biết bẩm sinh của chúng ta và sự định hướng tự nhiên của con người về thế giới. Như thế, trong sự chấp nhận giáo pháp thì thường có khuynh hướng chống đối từ bên trong, ngay cả sự nổi loạn chống lại những thay đổi mà giáo pháp đòi hỏi  phải có trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt lòng tin tưởng nơi Đức Phật, chúng ta mở rộng lòng mình cho sự hướng dẫn của Ngài.  Bằng cách quy y Phật, chúng ta chứng tỏ mình đã chuẩn bị để nhận thức rằng những khuynh hướng cố hữu của chúng ta về tự ngã và dính mắc quả thực là nguyên nhân của đau khổ. Và như thế chúng ta sẳn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của Ngài để giải thoát đau khổ, những khuynh hướng cố hữu đó phải được loại bỏ.

Sự tin cậy vào Đức Phật như là nơi nương tựa lúc ban đầu là do sự quán chiếu về những đức hạnh siêu phàm và giáo pháp tuyệt vời của Ngài. Sự tin cậy này càng lớn dậy qua sự tu tập. Lúc đầu thì sự tin cậy vào Đức Phật như là có sự do dự, khó xử. Tuy nhiên, khi mà chúng ta ghép mình trong sự tu tập theo con đường giáo pháp, chúng ta nhận thấy phiền não dần dần giảm bớt, thiện trí tăng trưởng, và song song với điều này, cảm thấy tự do và an lạc hơn. Kinh nghiệm này xác nhận rằng lòng tin lúc ban đầu giúp ta tiến bộ thêm vài bước xa hơn. Cuối cùng, khi mà chúng ta thấy được sự thực của Phật Pháp, sự quy y Phật trở nên không thể bị xâm phạm được. Rồi thì sự tin cậy sẽ trở nên sự tin tưởng chắc chắn, một sự tin chắc rằng Đức Phật là: “bậc Chuyển Pháp Luân, đấng Như Lai”.