Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Tìm Kiếm An Bình và Hòa Hợp

27 Tháng Năm 20168:28 CH(Xem: 2768)
Tìm Kiếm An Bình và Hòa Hợp

  Chương 1

“Nghệ Thuật Sống”

Bài giảng của THIỀN SƯ S.N. GOENKA

Ghi lại bằng Anh ngữ: William Hart

Dịch Việt ngữ: Liễu Pháp

 

Tất cả chúng ta đều đi tìm an bình và hòa hợp, vì đó là những gì thiếu vắng trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta ai cũng muốn được hạnh phúc và coi đó là quyền của mình. Tuy nhiên, hạnh phúc là mục đích ta thường gắng sức hướng đến hơn là đạt được. Nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta đều trải qua kinh nghiệm bất toại nguyện – bồn chồn, bực mình, thiếu hòa hợp, đau khổ. Ngay cả lúc này, nếu không có các bất toại nguyện như vậy, tất cả chúng ta đều có thể nhớ lại thời gian nào đó các điều này đã làm khổ ta và có thể tiên đoán một thời gian nữa chúng sẽ tái lại. Rốt cuộc, tất cả chúng ta ai cũng phải đương đầu với sự đau khổ của cái chết.

Không những các bất toại nguyện cá nhân không giữ được cho riêng nình mà chúng ta cứ tiếp tục chia xẻ sự đau khổ của mình cho những người khác. Bầu không khí chung quanh mỗi con người không hạnh phúc luôn chứa đựng sự bồn chồn, như là bất cứ ai vào đó cũng cảm thấy bồn chồn và đau khổ. Bằng cách này, những sự căng thẳng cá nhân hợp lại để tạo nên sự căng thẳng của xã hội.

Vấn đề căn bản của đời sống chính là bản chất bất toại nguyện của đời sống. Những sự việc xảy ra chúng ta chẳng muốn; những điều chúng ta muốn lại không xảy ra. Và chúng ta mù mịt không hiểu tại sao và bằng cách nào các sự việc lại xảy ra như vậy, cũng như mỗi một chúng ta không biết mình bắt đầu và chấm dứt ở đâu.

Hai mươi lăm thế kỷ trước ở miền bắc Ấn Độ, một người đã quyết định tìm hiểu về vấn đề này, vấn đề đau khổ của loài người. Sau nhiều năm đi tìm kiếm và thử thách nhiều phương pháp khác nhau, vị này đã khám phá ra một phương pháp để thấu hiểu được thực tại bản chất của mình và để kinh nghiệm được sự giải thóat đau khổ thực sự. Sau khi đạt được mục đích cao nhất của sự giải thoát, dứt khỏi đau khổ và xung đột, người dành hết cuộc đời còn lại để giúp người khác làm như người đã làm, hướng dẫn họ con đường để tự giải thoát.

Vị này – tên là Sĩ-Đạt-Ta Cồ Đàm, được gọi là Đức Phật,“vị giác ngộ” – nhưng không bao giờ Ngài nói rằng mình là gì khác hơn một con người. Giống như tất cả các vị thầy vĩ đại khác, Ngài đã trở nên đề tài cho những huyền thoại, nhưng cho dù những chuyện về tiền kiếp hoặc thần thông có kỳ diệu tới đâu, mọi người đều đồng ý là Ngài đã không bao giờ xưng mình là thần thánh hay có một năng lực sáng tạo thần thánh nào. Bất cứ đức tính đặc biệt nào Ngài có đều là những đức tính nổi bật từ trước của con người mà Ngài đã nâng lên đến mức hoàn hão. Vì thế cho nên bất cứ những gì mà Ngài đã đạt được cũng ở trong tầm tay của bất cứ người nào sẽ làm như Ngài đã làm.

Đức Phật đã không dạy một tôn giáo hoặc triết lý hoặc hệ thống tín ngưỡng nào. Ngài gọi giáo pháp của Ngài là Pháp – Dhamma (chú thích A). Đó là “luật”, luật tự nhiên. Ngài không màng gì tới giáo điều hoặc suy tưởng cứng cỏi, bất động. Thay vào đó, Ngài đưa ra một giải pháp phổ biến và thực tiển cho một vấn đề phổ biến. Ngài dạy: “Bây giờ cũng như trước đây, ta dạy về đau khổ và diệt tận đau khổ” (1- trích từ kinh…ghi chú ở cuối bài). Ngài từ chối không bàn luận về những gì không dẫn đến sự giải thoát đau khổ.

Ngài nhấn mạnh rằng giáo pháp của Ngài không phải do Ngài phát minh ra, chẳng phải là cái gì Ngài được thần thánh nào mặc khải cho Ngài cả … Đó đơn giản chỉ là sự thực, thực tại do Ngài tự cố gắng thành tựu khám phá ra, như nhiều người trước Ngài đã làm và nhiều người sau Ngài sẽ làm được. Ngài đã không xưng là mình có độc quyền trên sự thực đó.

 Ngài không khẳng định bất cứ thẩm quyền đặc biệt nào về giáo pháp của Ngài - chẳng phải vì niềm tin tưởng nơi Ngài của người ta mà cũng chẳng phải do giáo pháp của Ngài quả là hợp lý. Ngược lại, Ngài nói rằng chẳng có gì sai khi nghi ngờ và thử thách bất cứ cái gì đi quá kinh nghiệm của mình:

“Đừng nên tin tưởng dễ dàng bất cứ điều gì được dạy bảo, hoặc bất cứ những gì được truyền lại từ các thế hệ đã qua, hoặc bất cứ điều gì được coi là quan điểm chung của mọi người, hoặc là bất cứ những gì kinh sách nói. Đừng chấp nhận một điều nào là đúng chỉ do sự diễn dịch hoặc dẫn chứng, hoặc là vì dáng vẻ bên ngoài, hoặc do một thiên kiến nào đó, hoặc vì nó có vẻ đáng tin cậy, hoặc do thầy ta bảo ta vậy. Nhưng chỉ khi nào chính mình trực tiếp biết được - những nguyên tắc này là bất thiện, đáng chê trách, bị các bậc uyên thâm lên án; khi chấp nhận và đem ra thực hành thì dẫn đến tai hại và đau khổ - thì lúc đó nên chối bỏ các nguyên tắc đó. Và khi mà chính mình trực tiếp biết được – những nguyên tắc này là thiện, không bị chê trách, được các bậc uyên thâm khen ngợi; khi chấp nhận và đem ra thực hành thì được tốt đẹp và hạnh phúc – thì lúc đó ta mới chấp nhận và thực hành. (2)   

Thẩm quyền cao cả nhất chính là sự kinh nghiệm sự thực của mỗi người chúng ta. Chẳng có gì nên được chấp nhận mà chỉ dựa trên sự tin tưởng; chúng ta phải xem xét để thấy nó có hợp lý, thực tiển và bổ ích hay không. Tuy nhiên chỉ xem xét bằng thuần lý luận mà thôi thì cũng không đủ để mà chấp nhận một điều gì là thực một cách có trí tuệ. Nếu muốn hưởng lợi ích từ một sự thực, chúng ta phải trực tiếp kinh nghiệm sự thực đó. Chỉ lúc đó ta mới biết điều đó quả là thực. Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng Ngài chỉ dạy những gì Ngài đã kinh nghiệm bằng sự hiểu biết trực tiếp, và Ngài khuyến khích người khác hãy phát triễn sự hiểu biết như vậy cho chính họ, để trở thành thẩm quyền riêng cho chính mình: “Mỗi một người hãy tạo mình thành một hòn đảo, tạo mình là nơi nương tựa của chính mình; chẳng có nơi nương tựa nào khác. Hãy tạo sự thực là hòn đảo của bạn, tạo sự thực là nơi nương tựa của bạn; chẳng có nơi nương tựa nào khác”.  (3)

Nơi nương tựa thực sự và duy nhất trong cuộc đời, cái nền tảng vững vàng duy nhất mà chúng ta dựa vào, cái thẩm quyền duy nhất có thể hướng dẫn và bảo vệ ta là sự thực, là Pháp, là luật tự nhiên mà mỗi người có thể kinh nghiệm và thực chứng. Vì thế, trong giáo pháp, Ngài luôn luôn chú trọng nhiều nhất về kinh nghiệm sự thực trực tiếp. Những gì Ngài đã kinh nghiệm Ngài cố giảng giải thật rõ ràng cho chúng ta có được sự hướng dẫn để mà thực tập trên con đường giác ngộ sự thực của riêng mình. Ngài dạy: “Giáo pháp mà ta trình bày chẳng có sự cách biệt bề mặt, bề sâu nào cả. Chẳng có gì dấu diếm trong lòng bàn tay của vị thầy cả” (4). Ngài chẳng có một học thuyết bí truyền nào cho một số ít người được lựa chọn. Ngược lại, Ngài mong muốn phổ biến càng rõ và càng rộng càng tốt để cho càng nhiều người được hưởng sự lợi ích.

Ngài chẳng bao giờ thích thiết lập một tín phái hoặc một hệ thống sùng bái cá nhân trong đó Ngài là trọng tâm. Ngài vẫn thường nói rằng người giảng dạy chẳng quan trọng mấy so với giáo pháp được giảng dạy. Mục đích của Ngài là chỉ dẫn cho người khác làm thế nào để giải thóat chính mình, chứ không phải để biến họ thành những người mộ đạo mù quáng. Ngài nói với một người sùng kính Ngài quá mức như sau:

“Nhìn vào cái thể xác sẽ thối nát này thì được lợi gì. Người nào thấy được Pháp là thấy ta; người nào thấy ta thì thấy Pháp” (5).

Sự hiến dâng tận tụy cho một người khác, cho dù người đó có thần thánh cách mấy, cũng không đủ để giải thoát ai cả; không thể có sự giải thóat hoặc cứu rỗi nào mà không có kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Vì thế sự thực là tiên quyết, không phải là người nói về sự thực. Mọi sự kính trọng được dành cho ai dạy về sự thực, tuy nhiên cách hay nhất để bày tỏ sự kính trọng đó là thực tập để tự mình giác ngộ sự thực Khi người ta dâng lên Đức Phật nhiều hình thức vinh danh quá mức trước khi Ngài nhập tịch, Ngài phê bình như sau: “Đây không phải cách đúng đắng để mà vinh danh, sùng kính một bậc giác ngộ. Thay vì vinh danh như vậy, vị tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo-ni, vị cư sĩ nam hoặc nữ kiên trì bước trên con đường Pháp, từ những bước đầu cho đến mục đích cuối cùng, mà họ thực hành Pháp đúng cách thì đó là những sự vinh danh và sùng kính cao tột nhất dành cho bậc giác ngộ” (6).

Điều Đức Phật dạy là con đường mà mỗi con người có thể đi theo. Ngài gọi con đường này là Bát Chánh Đạo Cao Thượng, nghĩa là con đường thực hành tám chi liên hệ với nhau. Cao thượng trong ý nghĩa rằng ai mà bước trên con đường này thì chắc chắn sẽ trở thành con người cao thượng và thánh thiện.

Đó là con đường để thấu rõ bản chất của thực tại, con đường giác ngộ sự thực. Để giải quyết những vấn đề của chúng ta, chúng ta phải nhìn hoàn cảnh của mình như nó thực là. Chúng ta phải học cách nhận diện cái vỏ, cái dáng vẻ bề ngoài của thực tại, và cũng phải xuyên thủng qua cái vỏ bề ngoài để cảm nhận những sự thực vi-tế, rồi đến sự thực tối hậu và cuối cùng để được kinh nghiệm sự thực về giải thoát đau khổ. Bất cứ cái tên nào chúng ta chọn cho sự thực giải thoát này, Niết Bàn hoặc “Thiên Đàng” hoặc gì khác, cũng không quan trọng. Điều quan trọng là phải kinh nghiệm sự thực  đó. 

Cách duy nhất để kinh nghiệm trực tiếp sự thực là nhìn vào trong ta, quan sát chính mình. Suốt cuộc đời, chúng ta đã có thói quen hướng ngoại. Chúng ta luôn luôn thích xem những gì đang xảy ra bên ngoài, xem người khác đang làm gì. Chúng ta hiếm khi nào mà thử xem xét chính mình, xem xét cơ cấu tinh thần và vật chất của mình, xem xét hành động, thực tại của chính mình. Vì thế chúng ta vẫn không biết gì về chính mình. Chúng ta không ngờ sự vô minh này tai hại đến chừng nào, chúng ta vần còn là nô lệ cho những quyền lực trong ta biết bao nhiêu mà chúng ta không hề biết đến. 

Cái bóng tối bên trong này phải được xua tan để bắt lấy sự thực. Chúng ta phải thấu hiểu bản chất của chính mình để hiểu được bản chất của hiện hữu. Vì thế con đường mà Đức Phật chỉ dẫn là con đường hướng nội, tự quán sát mình. Ngài nói:

“Trong cái thân dài thước tám này chứa đựng cái tâm và các nhận thức của nó, ta đã tìm biết được vũ trụ, nguồn gốc của nó, sự diệt tận và con đường dẫn đến tận diệt” (7).

Toàn thể vũ trụ và những luật tự nhiên mà vũ trụ vận hành phải được con người kinh nghiệm lấy trong chính mình; chúng chỉ có thể được kinh nghiệm trong chính bản thân ta. 

Con đường này cũng là con đường thanh lọc - Thanh Tịnh Đạo (B). Chúng ta tìm hiểu sự thực về`chính mình không phải do sự tò mò vu vơ, nhưng thực ra với một mục đích rất rõ ràng. Bằng cách quan sát chính mình, chúng ta lần đầu tiên biết được những phản ứng tùy duyên, những thành kiến làm mù mờ cái nhìn của ta, che dấu thực tại và tạo nên đau khổ. Chúng ta nhận biết được những sự cẳng thẳng chất chứa bên trong ta đã làm ta bồn chồn, cực khổ, và chúng ta nay mới lý hội được rằng chúng có thể được tháo gỡ đi. Dần dần, chúng ta học được cách để cho những căng thẳng đó tan biến đi và tâm ta trở nên trong sạch, an bình và hạnh phúc.

Con đường này là một tiến trình đòi hỏi sự thực hành liên tục. Sự tiến bộ có thể bất chợt đến, nhưng tiến bộ này là kết quả của những cố gắng kiên trì. Cần thiết là phải thực hành từng bước một; tuy nhiên lợi ích được thấy ngay trong mỗi bước. Chúng ta không theo đuổi con đường này để hy vọng tích lũy lợi ích mà hưởng thụ trong tương lai, để đạt được sau khi chết một thiên đàng mà thiên đàng này kể như là chỉ phỏng đoán mà thôi, chứ không chắc chắn gì. Những lợi ích mà ta đạt được phải là cụ thể, rõ rệt, cho mỗi cá nhân, được kinh nghiệm ngay bây giờ và ở đây.

Trên hết mọi sự, đây là một giáo pháp để thực hành. Chỉ đơn giản tin vào Đức Phật hoặc giáo pháp của Ngài không giúp ta giải thoát được đau khổ. Cũng tương tự, chỉ có sự hiểu biết lý thuyết suông cũng chẳng giúp gì được cho sự giải thoát. Chỉ khi nào ta áp dụng sự hiểu biết về con đường vào sự thực hành thì cả hai mới có giá trị. Chỉ có sự thực hành giáo pháp của Ngài mới đem lại kết quả cụ thể và mới thay đổi đời ta cho tốt đẹp hơn. Đức Phật dạy rằng:

  “ Một người có thể đọc tụng nhiều kinh sách, nhưng nếu người đó không thực hành lời kinh, thì một kẽ lơ đễnh như vậy chẳng khác gì người chăn bò chỉ đếm bò của người khác; người này sẽ không được hưởng thành quả trong đời của người đi tìm sự thực.

Một người khác chỉ có thể đọc tụng được ít chữ trong kinh sách, nhưng nếu người đó sống theo Phật Pháp, đi từng bước trên con đường từ điểm bắt đầu cho tới mục đích, thì người đó hưởng được thành quả trong đời của người đi tìm sự thực (8).

Phải đi theo con đường, phải thực hành giáo pháp, nếu không thì chỉ là một sự tập tành vô nghĩa. 

Chẳng cần thiết phải gọi mình là Phật-tử để mà thực hành giáo pháp này. Nhãn hiệu chẳng liên quan tới cái gì cả. Đau khổ chẳng phân biệt ai là ai mà lại phổ biến cho tất cả; liều thuốc có ích để chửa trị đau khổ phải áp dụng được cho tất cả mọi người. Sự tu tập không chỉ dành riêng cho những người ẩn dật rời bỏ đời sống thường. Chắc chắn là ta hẳn phải dành một thời gian riêng để mà học hỏi phương pháp thực tập (C), rồi sau đó phải áp dụng giáo pháp vào đời sống hằng ngày. Người xuất gia để theo con đường Bát Chánh Đạo thì có cơ hội thực tập nhiều hơn, hấp thụ giáo pháp thâm sâu  hơn, và vì thế có thể tiến bộ nhanh hơn. Mặt khác, người cư sĩ còn trong đời sống thường, phải cân nhắc giữa nhiều trách nhiệm khác nhau, thì chỉ có thể dành một ít thì giờ cho sự thực tập. Nhưng cho dù là xuất gia hay cư sĩ, người nào cũng phải thực hành Phật Pháp.

Chỉ có thực hành Phật Pháp mới đem lại thành quả. Nếu đây quả là con đường đi từ đau khổ đến an-bình thì khi ta tiến bộ trong sự thực tập, ta phải trở nên hạnh phúc, hòa hợp hơn trong đời sống thường nhật, cảm thấy an lạc, thanh thản hơn trong lòng mình. Cùng lúc đó, giao lưu của ta với người khác cũng trở nên an bình và hòa hợp hơn. Thay vì làm gia tăng căng thẳng trong xã hội, ta có thể đóng góp tích cực để tăng thêm hạnh phúc và an vui của mọi người. Để đi theo con đường này, ta phải sống đời sống của Phật Pháp, của sự thực, của sự trong sạch. Đây là cách đúng đắn để thể hiện giáo pháp. Phật Pháp được thực hành đúng cách, là nghệ thuật sống.

 

 

CHÚ THÍCH của người dịch:

 

     (A) dhamma (chữ Pali) hoặc dharma (chữ Sanskrit) được dịch là pháp và có 3 nghĩa:

a)              Phật Pháp (Buddha ‘s Teaching); Dhamma thường viết với chữ D hoa; cũng là một trong 3 Tam Bảo (Phật, Pháp,Tăng;)   

b)              đối tượng của Tâm (object of mind), bất cứ vật gì trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, thuộc về Sắc hoặc Danh, hữu vi hoặc vô vi;    

c)               luật tự nhiên (law of nature), bản chất của sự vật

(Theo Tự điễn Pali – Buddhist Dictionary by Ven. Nyanatiloka)

      (B) Thanh Tịnh Đạo: Con đường thanh lọc (Visuddhimagga – The Path of Purification); bộ luận Thanh Tịnh Đạo do Luận Sư Buddhaghosa soạn vào thế kỷ thứ V sau Tây-lịch; bản tiếng Anh do Bhikkhu Nãnamoli dịch; chuyển ngữ Việt: Thích Nữ Trí Hải.

     (C) Pháp Học (pariyatti) là Trạch Pháp (tìm hiểu, nghiên cứu Phật Pháp, một trong 7 chi của Thất Giác Chi); Pháp Hành (patipatti) là sự thực hành giáo pháp. Kinh Đại Niệm Xứ mở đầu như sau: “Đây là con đường duy nhất (ekãyãna magga) để thanh lọc tâm…; đó là Tứ Niệm Xứ”.

 

CHÚ THÍCH của nguyên bản (về các kinh được trích dẫn) :

      

      (1) trích từ Kinh Anurãdha    

(2)      -nt-    Kinh Kesamutti (Kãlãma Sutta)

(3)      -nt-    Kinh Mahã-Parinibbãna

(4)      -nt-    Kinh Mahã-Parinibbãna

(5)      -nt-    Kinh Vakkali

(6)      -nt-    Kinh Mahã-Parinibbãna

(7)      -nt-    Kinh Rohitassa Sutta

(8)      -nt-    Kinh Dhammapada

                                                                     Cư sĩ Liễu Pháp